Thanh Quang : Vừa rồi là chị Kim Chi, hiện định cư tại Vương Quốc Bỉ.
Thuyền Nhân VN, quảng đời trong các trại tị nạn
Phương Anh, phóng viên RFA
2009-04-28
Hầu hết những ai đã từng là thuyền nhân, từng trải qua những ngày đối diện với bao hiểm nguy trên đại dương mênh mông và được sống sót đặt chân vào trại tị nạn, để chờ ngày định cư ở nước thứ ba, thì không thể nào quên được những ngày tháng cũ.
> Phải nói đó là một kỷ niệm gắn chặt vào tâm hồn của họ cho dù đối với mỗi người có thời gian ở khác nhau. Có người chỉ vài tháng, có người kéo dài cả chục năm trời… Nhưng, tựu trung khi nhắc lại, thì ai cũng đều mang tâm trạng bùi ngùi và xúc động.
Cuộc sống ở trong các trại tị nạn ra sao mà đã để lại trong lòng thuyền nhân dấu ấn sâu xa đến như thế?
Vào những năm 1979 – 1980, khi làn sóng người vượt biên dâng cao, ở miền Nam lúc bấy giờ có câu nói truyền miệng: “Vượt Biên: một làm mồi cho cá, hai là má nuôi, ba là nuôi má”.
Chính sách thanh lọc
Với những người đã may mắn sống sót, trải qua bao hiểm nguy và được các tàu vớt đưa về các trại tị nạn thì đây là thời gian an bình nhất vì chỉ còn chờ ngày được các phái đoàn của các nước đến phỏng vấn tiếp nhận cho tái định cư.
Anh Lưu Thành, một cựu thuyền nhân ở trại Pulo Bidong, Malaysia, hiện đang cư ngụ ở California cho hay:
“Tôi đến trại Bidong thì thấy thư thái lắm, vì thoát được Việt Nam rồi. Tuy là thiếu thốn, nhưng là vùng đất tự do, tâm hồn thoải mái vì có niềm hy vọng là mình sẽ định cư ở đệ tam quốc gia để lập lại cuộc đời mới.”
Nhưng, đến khi có chính sách thanh lọc do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đề ra để nhằm ngăn chặn làn sóng người Việt bỏ nước ra đi, thì đời sống thuyền nhân vô cùng cực khổ.
Ngoài việc chấm dứt sự hỗ trợ về giáo dục, y tế, Cao Ủy LHQ cũng cắt giảm lương thực. Bên cạnh đó, tỉ lệ được công nhận là người tị nạn cũng chỉ có 1%. Vì thế, bắt đầu biểu tình rải rác ở các trại tị nạn.
Thượng tọa Thích Tâm Hòa, hiện trụ trì chùa Pháp Vân ở Toronto, Canada, từng là thuyền nhân ở trại Palavaan, Philippines kể lại:
“Vào thời điểm tôi đến thì có vẻ thoải mái một chút, nhưng sau thời gian thanh lọc thì khó khăn hơn. Trước đây, người dân tị nạn ở Palawan cũng được đi mua sắm này nọ, nhưng kể từ ngày thanh lọc thì kỷ luật gắt gao.
Ngay đêm tôi nghe được Cao Ủy công bố chương trình hồi hương thì lúc bấy giờ tôi đã kêu goị các hội đoàn cựu quân nhân, tổ chức biểu tình và có 18 tăng ni tại Chuà tuyệt thực một tuần lễ.
Tôi chứng kiến cảnh người tị nạn bị phái đoàn từ chối họ rất khổ. Cũng may, nơi đó còn có nhà thờ, chùa, thánh thất nên giúp cho họ phần nào vượt qua khó khăn, khủng hoảng về tinh thần.
Thời gian đó thì thuyền nhân rất lo sợ, luôn luôn biểu tình để tranh đấu, vì sự thanh lọc rất bất công, ai có tiền thì được đi định cư.
Ni Sư Thích Nữ Diệu Thảo
Trại tị nạn Palawan tương đối đầy đủ hơn các trại khác, chỉ khó khăn về nước thôi. Người dân phải sắp hàng lãnh nước. Mỗi gia đình họ được 2 can nước là 40 lít, rất khó khăn về nước. Về thực phẩm thì tương đối đầy đủ.”
Ảm ảnh hồi hương
Bắt đầu từ giữa năm 1995 trở đi, càng ngày, chính sách cưỡng bức hồi hương ở các trại càng thêm gay gắt. Lúc này, người tị nạn phải đối diện với một tương lai vô định, sống trong sự mỏi mòn, trong sự hồi hộp, sợ hãi, không biết ngày mai sẽ ra sao…
Đến bao giờ thì tới lượt mình bị đẩy lên máy bay hay lôi xuống tàu chở về Việt Nam? Hàng lọat các cuộc biểu tình bất bạo động để chống cưỡng bức hồi hương xảy ra trong khắp các trại tị nạn Đông Nam Á.
Lúc này, phải chăng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã quá mệt mỏi với thuyền nhân Việt Nam nên cho dù có người mổ bụng, tuyệt thực, tự thiêu, treo cổ, tìm cái chết vì quá tuyệt vọng sau khi bị từ chối không được công nhận quyền tị nạn, thì họ vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.Thậm chí, còn cho phép chính quyền bản xứ dùng vũ lực để đàn áp, dẹp biểu tình, đánh đập những thuyền nhân Việt Nam vô tội chỉ có bộ đồ dính trên người.
Ngay cả đất nước Philippines, vẫn được xem là quốc gia tử tế nhất cũng áp dụng chính sách cưỡng bức hồi hương. Từ Richmond, bang Virginia, Ni Sư Thích Nữ Diệu Thảo kể lại:
“Đời sống thì rất cực khổ, vì lương thực không đầy đủ. Một ngày thì một người được một lon gaọ, hai người một cái trứng, ngày nào được thịt thì 3 người được một lạng thịt và một chút rau.
Thời gian đó thì thuyền nhân rất lo sợ, luôn luôn biểu tình để tranh đấu, vì sự thanh lọc rất bất công, ai có tiền thì được đi định cư. Lúc đó thuyền nhân chiếm văn phòng cao uỷ và biểu tình, lúc nào cũng bị lính Phi canh gác và họ luôn tìm cách để giải tán. Sau một thời gian dài thì Cao Ủy cho lính vào giải tán.
Mặc dù Phi là một nước Công Giáo nhưng cũng cưỡng bức, tôi là một tu sĩ mà cũng bị bắt tại Chùa, và đưa qua trại Westcome, bị nhốt chung với một số thuyền nhân. Sau đó, nhờ sự vận động của một số hội đoàn ở hải ngoại, can thiệp nên tôi được thả ra.”
Thân phận Thuyền Nhân
Ở Indonesia, trại Galang, cuộc biểu tình kéo dài hàng mấy tháng trời. Trong những ngày ấy, cả ngàn người tuyệt thực, hàng trăm người mổ bụng tự sát. Đó là chưa kể phải tìm cách trốn chạy lính Indonesia vào cưỡng bức hồi hương. Từ San Jose, California, anh Phi Hổ kể lại:
“Mình chống cưỡng bức hồi hương, thì đào hầm trốn trong nhà, có một số người chui vào các thùng phuy, có số người leo lên “la phông” nhà, nhưng sau thì họ phát hiện được hết. Lính mang giầy “bốt đờ sô” lấy xà beng, dọng dưới đất, rồi họ dở miếng “simili” lên, nắm đầu mình kéo lên. Nó đánh dữ lắm….
Khủng hoảng lắm. Càng trở về sau càng khắc nghiệt, nó “gô” mình lại, kẽm gai quây lại, khẩu phần ăn cắt bớt hết. Thời điểm biểu tình người ta tự thiêu hai người, tự sát mấy trăm người, còn tuyệt thực thì cả mấy ngàn người lận.
Anh Phi Hổ, California
Khủng hoảng lắm. Càng trở về sau càng khắc nghiệt, nó “gô” mình lại, kẽm gai quây lại, khẩu phần ăn cắt bớt hết. Thời điểm biểu tình người ta tự thiêu hai người, tự sát mấy trăm người, còn tuyệt thực thì cả mấy ngàn người lận.”
Còn ông Trương Văn Nhu, cũng ở San Jose, California cho hay:
“Mình đi sau ngày đóng cửa, họ muốn cưỡng bức mình về VN nên họ o ép giữ lắm. Cao Uỷ cũng cắt giảm gạo, mì gói. Mình phải tự lập trồng rau để ăn thêm. Họ làm căng lắm để ép buộc mình trở về.
Biểu tình 6 tháng trời, rất nhiều người mổ bụng tự sát, đặc biệt có hai người, anh Châu, và anh Thọ là tự thiêu, chết, và quan tài để tại hiện trường 6 tháng, canh gác chung quanh, ngồi suốt 6 tháng cạnh hai quan tài đó, ngồi biểu tình ngoài trời, họ làm kỹ thuật hay lắm, làm một ống đào sâu xuống dưới đất, chôn sâu, để rỏ nước xuống, không cho thoát hơi ra.
Rồi họ giải tán cuộc biểu tình đó, họ thả lựu đạn cay, cướp luôn hai xác đó. Họ đánh đập mình, bắt 219 người thành phần lãnh đạo, trong số đó có 76 cựu quân nhân và 43 người đàn bà trẻ em, nhốt 22 tháng tại nhà tù Tamahan, đảo Tandung, họ biệt giam, gắt lắm.”
Có thể nói, vào thời điểm quốc tế đã mỏi mệt, Cao Ủy Tị Nạn LHQ đã nhắm mắt làm ngơ là những ngày tháng đau thương nhất, khốn khổ nhất của thân phận thuyền nhân Việt Nam.
Sau khi đã liều chết trên biển cả, thì lại bị giam hãm trong một nhà tù khác và cho dù chính biết bao người đem cái chết để làm chứng cho hai chữ “tự do” vẫn không làm lay thay đổi chính sách cưỡng bức hồi hương.
May mắn thay, khi bị trả về Việt Nam, một số được định cư theo chương trình ROVR hay còn gọi là Chương Trình Tái Định Cư Cho Người Hồi Hương và mãi đến năm 1999, 2000 thì họ mới thực sự được đặt chân đến Hoa Kỳ, một đất nứơc tự do và dân chủ, như họ hằng mong ước. Anh Trương Văn Nhu nói:
Làm sao quên nổi, một thời gian tôi qua đây bị khủng hoảng luôn, vì ở đảo 6 năm, ăn uống thiếu thốn, rồi bị đưa về Việt Nam, cưỡng bức về, một thuyền nhân thì có 5 người police, khiêng xuống tàu và chở 1 tuần lễ thì về đến Việt Nam.
Anh Trương Văn Nhu
“Làm sao quên nổi, một thời gian tôi qua đây bị khủng hoảng luôn, vì ở đảo 6 năm, ăn uống thiếu thốn, rồi bị đưa về Việt Nam, cưỡng bức về, một thuyền nhân thì có 5 người police, khiêng xuống tàu và chở 1 tuần lễ thì về đến Việt Nam. Về Việt Nam thì bị làm khó dễ vì họ nói là cứng đầu, không chịu hồi hương. Về địa phương thì cứ bị làm khó dễ, biết tiếng Anh, xin dậy học không cho… "
-------------------------------
Trên đây là lời kể của một số thuyền nhân về đời sống của họ trong những ngày tạm dung tại các trại tị nạn. Riêng ở HongKong, nơi có số thuyền nhân Việt Nam cao nhất, đã được chính quyền bản xứ đối xử ra sao? Cuộc sống của họ như thế nào? Mời qúi vị nghe tiếp vào kỳ sau.
Những bàn tay cứu vớt
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2009-04-29
Một số cựu thuyền nhân cùng nhớ lại “những nghĩa cử nhân ái, những bàn tay cứu vớt, những phong trào yểm trợ” đã từng đưa họ thóat khỏi cái chết gần kề, mang họ đến bến bờ tự do.
Hành trình tìm tự do
Sống trong hoàn cảnh nghiệt ngả, không nơi nương tựa, không tìm được kế sinh nhai, tất cả người thân rường cột trong gia đình đều đi lao động cải tạo, bà Trang, một mình ôm 2 con dại khờ, quyết lên đường hướng ra biển mênh mong:
"Tôi bỏ nước ra đi năm 1981 với 2 đứa con nhỏ 7 tuổi và 8 tuổi. Sáu năm trời tôi sống trong chế độ cộng sản thì chung quanh tôi là một cái nhà tù vĩ đại. Vào lúc đó cha tôi, chồng tôi, anh em tôi, tất cả đều ở tù.
Vì sự sống còn của mấy mẹ con tôi, trong đầu óc tôi lúc nào tôi cũng nghĩ tới một chuyện là phải trốn đi. Tôi dẫn hai đứa con đi xuống Cần Đước. Từ Cần Đước có một ghe nhỏ đưa tôi ra ghe lớn ở cửa Vàm Láng."
Bà kể tiếp về hành trình đi tìm sự sống trong cái chết, khi cạn kiệt hết lương thực, lại gặp sóng gió tứ bề :
"Ba ngày hai đêm như vậy ghe chúng tôi lênh đênh trên biển cả chỉ gặp mưa to gió lớn, trên ghe không còn thức ăn và nước uống nữa. Tất cả 88 người trên chiếc ghe đó đã không còn sức lực và chỉ nằm chờ chết thôi. Lúc đó tôi ôm hai con vào lòng và nghĩ rằng có lẽ Biển Đông là mồ chôn 3 mẹ con tôi."
"Có tàu đến". Tiếng nói đó cho tới bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi làm cho tôi thấy lại tình người, mà tình người đó là từ một dân tộc không cùng màu da, không cùng chủng tộc.
Bà Trang
Khi quá tuyệt vọng nằm chờ chết với hơn 80 người khác cùng ghe, thì bỗng dưng có tiếng nói của hy vọng, còn âm vang đến mấy chục năm sau, bà kể lại trong giọng nức nở, nghẹn ngào :
"Bỗng có một tiếng nói nhỏ "Có tàu đến". Tất cả mọi con mắt nhìn nhau, tại vì sợ quá, không biết là tàu Thái Lan hay là tàu của Việt Cộng. Sự sợ hãi lúc đó lên tới tột cùng thì bỗng có một tiếng nói từ xa hoà trong tiếng gió và tiếng sóng gầm.
Tiếng nói đó cho tới bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi làm cho tôi thấy lại tình người, mà tình người đó là từ một dân tộc không cùng màu da, không cùng chủng tộc."
Một thuyền nhân khác, nay định cư tại Vương Quốc Bỉ, đó là Giáo sư Thượng Thành Thanh, chức sắc Cao Đài hải ngoại, một trong những sáng lập viên của Ủy Ban Quốc Tế Cứu Trợ Người Việt Tị Nạn, trụ sở tại Bruxelles, cho biết sơ lược về tổ chức nhân đạo này, đặc biệt là để cứu giúp những thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương, khiến nhiều người tự sát:
"Mục tiêu và tôn chỉ của tổ chức Uỷ Ban Quốc Tế Cứu Trợ Người Việt Tị Nạn, tại Vương Quốc Bỉ, là nhằm cứu nguy cho một số đồng bào tị nạn Việt Nam đến Hongkong sau ngày 16-8-1989 có thể được định cư tại một đệ tam quốc gia có tự do.
Cái thảm trạng đi tị nạn đến Hongkong, bị chính quyền Hongkong xem là những người nhập cảnh bất hợp pháp, cho nên bị giam và sau đó bị cưỡng bức về Việt Nam. Chính vì quá phẫn uất và tuyệt vọng nên thường xảy ra những cuộc tự sát. Đó là một thảm trạng rất đau lòng."
Những bàn tay cứu giúp
Xúc động trước hình ảnh hàng ngàn người Việt Nam bất chấp hiểm nguy, chết chóc, liều mình trên Biển để tìm kiếm tự do, nhiều tổ chức thiện nguyện đã được thành lập bới sự tham gia , hưởng ứng và yểm trợ nhiệt tình của mọi giới.
Giáo sư Thượng Thành Thanh nhớ lại, từ Hoàng Gia Bỉ đến dân thường đều góp sức cứu giúp thuyền nhân Việt Nam, nên đã gặt hái được kết quả sơ khởi khả quan:
"Các vị nhân sĩ, trí thức, chẳng hạn như Dr. Gil de Win, chẳng hạn như Luật sư Daniel Kant, Linh mục Paul Sely, Bá tước Ivan de Wilter. Còn về phía người Việt thì có Linh mục Đào Vinh Thạnh, có Linh mục Nguyễn Văn Hiển, Giáo sư Nguyễn Hiệu, cụ Phan Lạc Tấn - Hội Trưởng Hội Phật Giáo Chùa Linh Sơn, cư sĩ Thiện Thuận.
Về Hội Cựu Quân Nhân còn có cụ Nguyễn Văn Khôi - Trung tá Nha Động Viên (Bộ Quốc Phòng), ngoài ra còn một số anh em nữa để cứu giúp đồng bào tị nạn chúng ta, được đặt dưới quyền chủ toạ của bà Quận Chúa - Cao Uỷ Tị Nạn, đại diện Hoàng Hậu Fabiola. Chúng tôi đã thu được 1 triệu 1 trăm ngàn quan Bỉ.
Sau khi chi phí, số tiền còn lại chúng tôi gửi qua Uỷ Ban Quốc Tế Cứu Trợ Canada và họ đã bảo lãnh được gần 200 người đến tị nạn tại Canada.
Tất cả mọi việc trên đời, dù trên phương diện quốc gia dân tộc hay trên bình diện quốc tế, loài người chỉ lấy tình thương yêu ra đối xử với nhau, lấy lòng nhân đạo ra đối xử với nhau, đều đặt trên một tương quan bình đẳng, tương kính, tương ái, không phân biệt màu da, sắc tóc, không phân biệt chủng tôc, không phân biệt tôn giáo, cũng không phân biệt chính kiến.
Nếu chúng ta làm được như vậy thì thế giới này sẽ yên ổn, sẽ hoà bình, sẽ an lạc, và sẽ tiến bộ."
Đến năm 1988 Hongkong không chấp nhận thuyền nhân là người tị nạn nữa, và chính sách này lan sang các quốc gia khác. Toàn vùng không thừa nhận thuyền nhân Việt Nam là người tị nạn nữa. Họ đẩy tàu ra biển gây nên rất nhiều sự chết chóc.
TS Nguyễn Đình Thắng
Tiếp lời vị chức sắc Cao Đài bên Châu Âu, từ vùng Thủ Đô Washington (Hoa Kỳ) Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, nhắc lại những bước đi đầu tiên trước làn sóng người liều chết ra đi tìm tự do:
"Uỷ Ban Cứu Người Vượt biển được thành lập chính thức vào Tháng 1-1980 vì vào thời điểm ấy đồng bào thuyền nhân ra đi bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, và có một số phụ nữ bị bắt cóc sau khi bị hãm hiếp và bị đưa vào các ổ điếm ở bên Thái Lan.
Năm 1979 một số thuyền nhân bị bắt đưa vào đảo Kokra, nơi đó hải tặc đã hãm hiếp, bạo hành những người đi vượt biển, trong đó có nhà văn Nhật Tiến, có hai phóng viên chiến trường - cặp vợ chồng Dương Phục và Nguyễn Thanh Thuỷ đã gióng lên lời cầu cứu gửi ra hải ngoại.
Thì ở bên Hoa Kỳ có một số vị như là Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, ông Phan Lạc Tiếp, ông Lê Phục Thuỷ đã cùng với nhau thành lập ra Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (đó là cái tên đầu tiên của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển) chỉ để kêu gào đối với thuyền nhân đang bị và đã bị hải tặc tấn công."
Dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đưa ra những con số cụ thể mà Uỷ Ban đã đạt được nhờ sự tiếp tay của chính giới Hoa Kỳ và của cộng đồng người Việt:
"Sau đó thì Uỷ Ban đã thuê những chuyến tàu để đưa ra biển khơi ở dọc theo vùng Vịnh Thái Lan để ngăn chận haỉ tặc. Trong 10 năm hoạt động vớt người thì Uỷ Ban đã cứu vớt được tổng cộng trên 3.300 đồng bào và đưa họ vào trại tị nạn.
Đồng thời Uỷ Ban cũng đã hợp tác với chính quyền Thái Lan để truy tố một số hải tặc, cũng như gây quỹ để giúp cho chương trình vớt người ngoài biển của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Tất cả những công lao đó phần lớn là do sự đóng góp của đồng bào ở hải ngoại."
Ông cũng trình bày những trở ngại trong chương trình cứu xét cho thuyền nhân được định cư tại một quốc gia thứ ba, cùng các kế hoạch giúp đỡ họ khỏi cơn nguy nan, bế tắc, nhờ sự vận động hữu hiệu từ nhiều tổ chức và cá nhân:
"1988 Hongkong không chấp nhận thuyền nhân là người tị nạn nữa, và chính sách này lan sang các quốc gia khác. Toàn vùng không thừa nhận thuyền nhân Việt Nam là người tị nạn nữa. Họ đẩy tàu ra biển gây nên rất nhiều sự chết chóc. Những ai mà đặt chân lên đất liền thị bị đưa vào các trại tù thay vì các trại tị nạn để rồi bị cưỡng bức hồi hương.
Vào những năm 1990 chúng tôi lại đưa luật sư, thay vì đưa tàu, để mà cứu giúp đồng bào trong vấn đề quyền tị nạn. Rất may mắn là có những vị dân biểu, mà đặc biệt là Dân Biểu Christopher Smith, để rồi chính phủ Hoa Kỳ mở ra một chương trình, sau khi các đồng bào thuyền nhân bị đưa về Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ cử phái đoàn đến Việt Nam phỏng vấn và đưa sang Hoa Kỳ định cư.
Tổng cộng số người được định cư là trên 18 ngàn đồng bào thuyền nhân. Cái chương trình ấy cũng được áp dụng ở bên Phi Luật Tân và thêm 2 ngàn đồng bào thuyên nhân nữa đã được đưa đến Hoa Kỳ định cư."
Tàu Cap Anamur
Một thuyền nhân được tàu Cap Anamur cứu thoát, rồi ở lại trên tàu tình nguyện phục vụ nhiều năm, ông Nguyễn Hữu Huấn, cựu quân nhân quân lực VNCH, sơ lược về hoạt động của Uỷ Ban Cap Anamour do người dân Đức tài trợ hoàn toàn:
"Không có chính quyền hoặc là không có bất cứ một đảng phái nào hết thì Uỷ Ban đã được thành lập vào năm 1979 do một tiến sĩ tên là Rupert Neudech. Ông là một tiến sĩ thần học và vừa là nhà báo.
Trong thời gian 1979 đó thuyền nhân vượt biển rất nhiều và những nỗi khổ của người Việt và cái chết chóc của người Việt đã đi trên toàn thế giới qua vô tuyến truyền hình. Lúc đó cũng có một người hảo tâm, cũng là người Đức, ông có rất nhiều con tàu và ông đã hiến luôn một con tàu của ông cho Uỷ Ban để chuyên đi vớt người vượt biển.
Ô. Nguyễn Hữu Huấn
Trong thời gian 1979 đó thuyền nhân vượt biển rất nhiều và những nỗi khổ của người Việt và cái chết chóc của người Việt đã đi trên toàn thế giới qua vô tuyến truyền hình. Uỷ Ban đó có cái tên đầu tiên là "Uỷ Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam".
Lúc đó cũng có một người hảo tâm, cũng là người Đức, ông có rất nhiều con tàu và ông đã hiến luôn một con tàu của ông cho Uỷ Ban để chuyên môn đi vớt người vượt biển.
Khi bắt đầu thì Uỷ Ban đã làm việc chung với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Vào cuổi năm 1979, đầu năm 1980 thì con tàu trực tiếp ra ngoài Biển Đông làm công tác chuyên cứu người. Cho đến năm 1987 thì có được 3 con tàu, những mỗi con tàu đêu mang tên Cap Anamur cả."
Chứng kiến tận mắt những thảm trạng ngoài Biển Đông, tự tay vớt thuyền nhân, ông Huấn nhớ rõ số người được cứu sống:
"Đã cứu được 11.300 người, trên 226 ghe. Tổn phí tất cả khoảng hơn 22 triệu Đức Mã (Deutch Mark) thời đó. Nếu mà tính ra thì mỗi một mạng sống của người Việt Nam chúng ta thì chỉ có đáng giá khoảng 1.900 Đức Mã, có nghĩa khoảng 1.000 Euro mà thôi."
Một chuyện làm ông ray rức, khổ tâm mãi vì không cứu mạng được một cựu sinh viên, chuyển qua làm nghề đánh cá, đang làm việc trên tàu của công an biên phòng võ trang, anh xin lên tàu Cap Anamur, nhưng ước nguyện tìm tự do không thành, khi tàu của anh ấy tức khắc xa lánh tàu Đức :
"Ở trên tàu ăn đồ khô nhiều quá, tại sao mình không kiếm đồ tươi cho người ta? Chúng tôi liền kêu một vài ghe đánh cá người Việt Nam ở đó, chúng tôi trao đổi với họ bằng tiền, hoặc người ta đổi thuốc lá, hoặc đổi lấy trái bom, trái táo (apple).
Lúc bấy giờ có một anh đứng ở dưới ghe đưa lên cho tôi một cái thẻ sinh viên theo đường dây kéo lên, đó là một thẻ sinh viên Đại Học Văn Khoa. Anh nói với tôi rằng "Cho em đi với. Bây giờ em khổ quá rồi". Lúc đó chính anh ta quỳ xuống mà lạy tôi để được cho lên tàu. Lúc đó lòng tôi xốn xao, tôi không biết phải làm gì hết. Nếu mà cứu một mình anh ta lên thì làm sao được!
Người ta có nói chuyện với nhau đựoc vài câu thì tự nhiên có kẻ cắt dây và lái ghe chạy đi luôn. Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn mường tượng đến khuôn mặt người sinh viên đó và không biết số phận của anh ra như thế nào."
Tôi luôn khuyên nhủ các con tôi, để trả món nợ ân tình này thì các con phải là công dân tốt ở quê hương thứ hai này, các con phải tri ân nước Đức, tri ân nhân dân Đức đã đóng góp tiền mới có con tàu Cap Anamur cứu vớt hàng chục ngàn người Việt Nam trên biển cả và đã cho chúng tôi một tương lai xán lạn ở nơi xứ sở của họ.
Bà Trang
Vươn lên nơi xứ người
Nhờ tình người bao dung, lòng bác ái, hảo tâm của các bàn tay cứu giúp, hàng chục ngàn người Việt đã được an cư lạc nghiệp nơi xứ sở tự do. Hầu hết các cựu tuyền nhân cho đến nay vẫn còn khắc ghi tấm lòng nhân đạo của công đồng quốc tế. Bà Trang cho biết, bà và gia đình không bao giờ quên ơn cứu tử đó:
"Các con tôi bây giờ đã thành nhân, thành danh ở nước Đức này. Tôi luôn khuyên nhủ các con tôi, để trả món nợ ân tình này thì các con phải là công dân tốt ở quê hương thứ hai này, các con phải tri ân nước Đức, tri ân nhân dân Đức đã đóng góp tiền mới có con tàu Cap Anamur cứu vớt hàng chục ngàn người Việt Nam trên biển cả và đã cho chúng tôi một tương lai xán lạn ở nơi xứ sở của họ."
Vượt qua được những khó khăn chồng chất ban đầu, bà Trang luôn cố gắng khi nghĩ đến các con , khi thấy mình vẫn còn may mắn, hưởng phước đức hơn bao nhiêu đồng hương khác:
"Chúng tôi được đưa vào trong đảo Philippines sống một năm trời ở đó. Sau một năm trời thì tôi được định cư ở nước Đức này. Giai đoạn đầu rất là khó khăn vì tiếng nói, nhưng mà chúng tôi cố gắng vượt qua đó. Chúng tôi đi học tiếng Đức, sau đó chúng tôi kiếm công ăn việc làm để nuôi các con và giúp cho thân nhân ở bên Việt Nam, bạn bè ở bên Việt Nam."
Xin được mượn lời của ông Huấn và bà Trang nói về sự thành đạt mỹ mãn của những thuyền nhân Việt Nam ở nước ngoài, làm rạng danh “con Rồng, cháu Tiên” trên quê hương tự do mới:
"Sự hội nhập của người Việt Nam tại Đức thành công đến nỗi các báo chí và các chính trị gia của Đức đều nói rằng người Việt - đó là tấm gương cho toàn nước Đức".
Còn bà Trang thì nói lên niềm hy vọng của mình :
"Nhìn về Việt Nam tôi cảm thấy thương cho đồng bào vẫn còn nghèo đói, vẫn còn áp bức, đầy rẫy tham nhũng và bất công ở đó. Thương cho thân phận các cô gái hay là các em gái nhỏ vì muốn cứu gia đình qua cơn hoạn nạn khốn khổ mà bán thân, bán con chỉ với vài trăm đôla. Cầu xin ơn Trên cho đất nước tôi sống lại cái thuở an bình như xưa."
Ba mươi bốn năm trôi qua rồi, mỗi khi chợt nhớ lại chuyện vượt biển tìm tự do, nhiều thuyền nhân vẫn còn nằm mơ với những cảnh tượng hải hùng, vật lộn với thần chết, bị hải tặc hãm hại, công an săn đuổi, tháng năm dài lê thê sống thiếu thốn trăm bề nơi trại tỵ nạn, trước khi may mắn đến định cư tại quê hương mới, nay được thở không khí tự do vô giá, nhưng bất hạnh thay đã có bao sinh mạng vùi thây dưới lòng biển cả mênh mông.