Saturday, August 25, 2012

VÕ PHƯỚC HIẾU *TẬP TÀNH CHỮ NGHĨA

Tập Tành Chữ Nghĩa
Võ Phước Hiếu
Nơi thôn quê cùng trời cuối đất, cách trở diệu vợi với thế giới bên ngoài như ở thôn xóm tôi,
thú vui giải trí tập thể hiếm hoi lắm. Đôi khi còn thiếu hẳn.
Bất quá chiều chiều, lúc trời êm nắng dịu, mặt trời thoi thóp chưa kịp phụp hẳn xuống cuối
chân trời xa, đám thanh niên trang lứa “bẻ gãy sừng trâu“ hú gọi nhau, tốp năm tốp ba lần
lượt đổ ra mấy gò đất hoang hay đồi trọc để đánh trổng. Chủ yếu của họ là lấy sức lực và
mưu mẹo ganh đua ăn thua nhau. Rồi nhóm nào thua bị phạt chạy tiếp sức băng đồng, vừa
chạy vừa u không được đứt hơi.
Hoặc họ tụ tập ở sân phơi lúa khang trang rộng rãi của mấy ông đại điền chủ để u mọi, quến
mấy cụ già chăm chú theo dõi để nhung nhớ một thời vàng son đã qua. Họ bắt giò bắt cẳng,
vật nhào lăn cù, giúp họ lùa xa những phiền nhiễu vướng bận hằng ngày.
Xôm tụ nhứt và quến người xem nhứt, mà đại đa số gồm những đứa trẻ chằn ăn trăn quấn,
lục lăn lục lữa, hằng ngày lang bạt cầu bơ cầu bất đầu làng cuối xóm, là những trận đua trâu
cui trâu cổ qua mùa khô. Lúc này, ruộng lúa đã gặt hái xong xuôi, chỉ còn trơ lại những gốc
rạ vàng sẫm được đám thanh niên vai u thịt bắp cổ động, hô hào đốc thúc nhau cắt tận lực
gần sát mặt đất, liên tiếp mấy buổi chiều.
Họ dùng những cuộc vui chơi ganh đua để thanh lọc, vỗ về và xô đuổi, lùa xa những ấm ức
dồn nén trong lòng, mà đăng đẳng trong suốt những ngày mùa họ ít có cơ hội bọc bạch nơi
thanh thiên. Nhưng tiếc một điều là về phía phụ nữ, hầu như không có một trò vui giải trí
nào cả. Phải chăng họ sinh ra chỉ để làm bổn phận một người vợ đảm đương mẫu mực,
sanh con đẻ cháu duy trì dòng tộc và suốt kiếp vất vả trong sinh hoạt gia đình, nhằm góp
công xây dựng cơ ngơi nhà chồng?
Trưa trưa đứng bóng, dưới cái nắng oi nồng, gió thoang thoảng hiu hiu trong bầu không khí
vắng vẻ, uể oải buồn tênh, mấy người trọng tuổi thuộc lớp trượng triều trượng quốc có thói
quen nằm nghỉ trên bộ ván danh mộc như gõ, nu, cam xe, thao lao hay cẩm lai mát lạnh,
dầy cả một tất tây hơn. Các cụ không quên bảo các cháu học vừa dứt lớp ba lớp tư trường
làng đọc cho nghe chuyện Bạch Viên Tôn Các, vè Cậu Hai Miêng, Thầy Thông Chánh và
nhứt là truyện Lục Vân Tiên... Dường như trong thâm tâm sâu thẳm, các bậc kỳ lão nầy
muốn được sống lại một thời êm đềm đã qua, muốn lắng nghe lại âm vang những kỷ niệm
ngày cũ còn lắng đọng rõ nét trong lòng mình chăng?
Đám trẻ nhóc con nầy bập bẹ đọc ạch đụi, đọc trật vuột, nhiều câu phản nghĩa trầm trọng
mà chúng một mực phây phây tỉnh bơ, xem như không có chuyện gì xảy ra. Đôi khi lộn đầu
lộn đuôi, thậm chí chúng lộn luôn cả dấu giọng rất ngây ngô nhưng dễ thương, khiến bao
nhiêu người nghe đang ngồi chung quanh đâu đó không nín được cười nghiêng cười ngửa
đến trào nước mắt, không cách nào cầm lại được.
Những bác biết chút đỉnh chữ Nho nhờ có học qua mấy năm khổ nhọc với thầy đồ lỡ vận
trong làng, nằm nghỉ thẳng giò thẳng cẳng trên ghế trường kỳ. Chiếc ghế hiếm hoi của
những nhà khá giả nầy có cẩn ốc xa cừ lóng lánh, được đặt ở giữa gian nhà trên, phía
trước dãy bàn thờ đôi ba cái chạm trổ công phu qua bàn tay kiên nhẫn khéo léo của những
nghệ nhân dân gian đã làm nên một thời nơi vùng đất mới này. Có khi người ta bắt gặp họ
-2-
thong dong tréo ngoảy chân, để mắt kiếng lão trệ xuống sóng mũi, đưa mắt đọc chuyện Tàu
chương hồi tràng giang đại hải. Nào là Phong Thần Diễn Nghĩa, Thuyết Đường, Thiết Nhơn
Quý Chinh Đông, Tiết Nhơn Quý Chinh Tây, Tam Quốc Chí, Thủy Hử v.v... Những thiên
truyện được mến mộ một thời này được các nhà xuất bản lớn ở Sài Gòn in từng tập định kỳ
trên giấy mỏng te trắng phau, giống như giấy quyến hút thuốc, được bày bán dẫy đầy,
không thiếu một tập nào ở chợ quận.
Dĩ nhiên, những lúc thoải mái thanh thản trong ngày đó đều có bọn trẻ trạc bảy, tám tuổi
ngồi nhổ tóc ngứa tóc bạc. Chúng tỏ ra quá đỗi sung sướng được làm cái việc khá nhẹ
nhàng này. Vì trước khi bắt tay vào việc, chúng đã được người lớn vui vẻ hứa hẹn sẽ tưởng
thưởng xứng đáng bằng cách tính số tóc chúng nhổ được để đổi ra thành xu thành điếu, tha
hồ đâm đầu chạy u một mạch ra quán lá đầu làng mua bánh kẹo, chập chập nhâm nhi để
thấy đời mình lúc đó lên hương tận mây xanh mây trắng.
Nhưng thực tế, nào có phải như vậy đâu. Chúng nó bị thúc thủ trong tư thế nhàm chán ở
một chỗ quá lâu nên lòng chỉ mong sao cho ông nội hay ông ngoại mình sớm buông rớt
quyển truyện xuống, đánh một giấc trưa say sưa nồng nàn. Chúng chỉ mong được như vậy
để bỏ giò rút lui, hát bài tẩu mã, tìm đường bay nhảy, vui chơi cùng chúng bạn đang lấp ló
chờ đợi đâu đó ngoài sân, ngoài vườn.
Nhưng sanh hoạt rình rang hấp dẫn nhứt, lôi cuốn nhứt được đông đảo nam phụ lão ấu
tham gia, có lẽ là việc kể cho nhau nghe những chuyện đời xưa, chuyện tiếu lâm có sửa
chữa hay cải biến theo bổn cũ cho hợp thời, hợp hoàn cảnh và hợp tình tiết mới trong xã
hội những năm tháng vừa qua. Cả thói quen thanh tao cao nhã ngâm thơ ca thi phú, dẫn
giải phẩm bình lời hay ý đẹp, kết quả vắt tim nạo óc của các tác giả thời danh trong ký ức
tập thể, qua các bậc kỳ lão có ăn học chút đỉnh được thừa hưởng ở những năm miệt mài
khổ cực nơi trường ốc. Mà kể cho nhau nghe ít ra cũng phải có tối thiểu hai người. Nhưng
hai người thì không sôi nổi lôi cuốn bằng có số đông hưởng ứng phụ họa.
Do vậy, họ lợi dụng những lần họp mặt đông đảo, vui nhộn của bà con như dịp giỗ chạp,
quan hôn tang tế... trong thôn xóm để phô diễn sở trường sở đắc của mình. Đặc biệt là
những ngày cúng Kỳ Yên linh đình định kỳ, nơi vui chơi thả giàn thả cửa, một năm mới có
một lần duy nhứt. Họ không phải dè dặt thủ thế, cân phân chọn lựa đề tài, thận trọng từng
lời nói để không tréo cẳng ngổng, vô duyên.
Cũng do thói quen và hoàn cảnh ấy, ông Hai Thắng, Võ Văn Thắng, bực trưởng thượng cố
cựu thuộc gia đình rân rát ở xóm tôi, trong dịp này được xem như một cây đinh chẳng sai
chút nào. Mà là cây đinh dài cả tất tây đó. Ai ai cũng hồm chờ đợi nóng hơ để nghe ông khai
khẩu. Ông nổi tiếng là người có một bồ chữ nghĩa không nhỏ, tha hồ thao thao trào vọt ra
ngoài, khi có người khơi chuyện mở lời.
Bà con tôi hầu hết đều có trình độ học vấn chưa đầy lá mít lá me nhỏ xíu, chưa chắc đã
may mắn trơn tru qua khỏi lớp hai trường làng, ngày ngày mải mê cặm cụi trên đồng cạn
đồng sâu nắng cháy mưa tuông. Họ chỉ ước mong vỏn vẹn một việc duy nhất trong đời là
được ông trời thương tưởng ban cho sức khỏe để tay làm hàm nhai, cơm ngày hai bữa nuôi
vợ nuôi con là mãn nguyện rồi. Họ thấy ông Hai ăn học và hiểu biết hơn mình nên suy tôn
ông có một bồ chữ nghĩa không có gì lạ cả.
Tác người dong dỏng cao, ông ăn nói linh hoạt thiên phú lại có duyên ngầm, cái duyên bắt
hồn bắt vía người đối thoại, luôn luôn quyến rủ người nghe. Chẳng khi nào người ta thấy
ông nói mắc nói mỏ, nói xỏ nói xiêng làm buồn phiền một ai khác. Mà khai khẩu đối với ông
muốn cho có ý nghĩa cũng phải có hứng thú, phải có điều kiện không khí thuận tiện vui nhộn
-3-
tối thiểu. Được vậy, câu chuyện mới bắt tai người nghe, mới trở nên hào hứng thú vị. Và đôi
khi không phải để cười suông qua giờ, mà còn có hậu ý, có ẩn nghĩa thâm trầm sâu sắc
nữa.
Hôm nay, quả là ngày vui thường niên trong làng, ngày cúng Kỳ Yên mà mọi người nam nữ
lớn nhỏ đều mỏi mắt trông đứng trông ngồi từ nhiều tháng trước. Đồng bào nơi thôn quê
nôm na gọi là ngày cúng đình thần. Mỗi năm, ngày này được dân làng chung sức chung
lòng, kẻ có công người có của chung lo tổ chức rất linh đình trọng thể. Vì theo tín ngưởng
lâu đời còn lưu truyền lại không biết từ đời thuở nào, hẳn là từ thuở thất tổ huyền tổ xa xôi
của họ đã tiên phuông dấn thân xuôi miền Nam mở đất, khẩn hoang lập ấp. Họ cho rằng vị
thần đình là một mẫu người vượt lên trên hết. Ngài đã có công to hiển hách lúc sinh tiền nên
được dân làng kính yêu, ngưỡng mộ và trọng vọng.
Theo thông lệ ấy đã được liên tục tiếp nối mãi cho đến nay, hằng năm bà con làng tôi chọn
ngày cúng đình nhằm vào những ngày lọt thỏm trong tháng giêng ta. Tức khi họ đã gặt hái
xong xuôi đâu vào đó, không còn sót bao nhiêu nơi dang dở, để trơ cánh đồng một màu bát
ngát vàng mơ những rơm rạ. Và cũng theo tục lệ ăn sâu bám rễ đó, mỗi năm, ban tế tự
chọn lấy một tráng đinh đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức ngày lễ trọng đại nầy. Rồi cứ lần
lượt luân phiên nhau cho đến khi không còn sót một tráng đinh nào khác trong làng, họ mới
bắt đầu trở lại người khởi đầu. Và theo chu kỳ không thành văn nầy, họ thống nhứt nhau
trong việc áp dụng nhuần nhuyễn cho những năm về sau.
Nói chịu trách nhiệm tổ chức buổi lễ cho thêm phần long trọng, có tính cách đề cao để họ kê
vai gánh vác một nhiệm vụ công đức có ý nghĩa trong đời. Kể từ ngày đó, họ được xem như
chánh thức là người lớn, người đã trưởng thành trong cộng đồng, với vị trí và trách nhiệm
minh bạch rõ ràng.
Và cũng từ ngày đó, họ cố gắng xử sự vuông tròn theo đúng phong cách và đức độ của
truyền thống ông bà, làng xóm. Nhưng thực ra, mọi gia đình đều có đóng góp ít nhiều phần
mình trong ngày lễ, tùy hoàn cảnh và khả năng mình, trước cúng dâng thần linh, sau cùng
nhau chung vui hậu hỉ.
Người nầy một mâm xôi nếp, xây khéo léo, mô tròn vung hẳn lên. Xôi nếp ngon, vừa dẻo
vừa thơm, màu trắng tinh tuyền đồng nhứt, đẹp mắt. Nhưng nhiều bà trọng tuổi còn cầu kỳ
khoe tài, vẽ duyên cho thêm chút ít màu vàng vàng óng mượt như nghệ, hoặc màu lá dứa
xanh lơ thơm phưn phứt hay màu gấc tim tím u buồn trông lãng mạn nhưng hấp dẫn lắm.
Từ lúc sáng trắng, khi chim chóc bắt đầu líu lo bên chòm tre khóm trúc, họ đã đội gọn lỏn
mâm xôi trên đầu, khoan thai rảo bước trên đường đê, đường mòn quanh co uốn éo, đôi khi
băng qua những thửa ruộng khô nức nẻ, mong cho mau đến cổng vòng nguyệt xây trước
mặt đình thật sớm. Sau đó, họ trịnh trọng đặt lên bàn thờ óng ánh lư hương, chân đèn với
khói nhang nghi ngút không ngớt quyện xoáy thẳng lên trần nhà.
Người kia một mâm trái cây vườn nhà vừa mới hái, loại trái chiến to lớn chín cây no tròn,
thơm thơm mùi hoa đồng nội cỏ, căng da đỏ mộng bắt mắt người ngắm nhìn. Người khác
đôi ba buồng cau tơ sai trái, ú na ú nú hoặc năm bảy trái dừa khô loại dừa bị to lớn nặng trìu
trịu. Thêm vào đó còn có nào bầu, nào bí, dưa chuột dưa gan, các thứ khoai củ như khoai
mỡ, khoai lang bí, khoai từ, khoai mì… ngoài rau cải xanh tươi đủ loại, trông thấy phát ham
phát thèm v.v... Ai có sản phẩm gì trong gia đình, dù ít dù nhiều, cứ mang đến, nhằm chứng
minh tấm lòng mình đối với ngày đại lễ. Tấm lòng của họ quan trọng hơn cả lễ vật.
Những người giàu có hoặc thừa thãi khá giả sai người làm công thân tín khúm núm mang
đến nào gà nào vịt, loại gà trống thiến mập lút trổ mã, sắc màu tươi mướt, loại vịt xiêm tơ sà
-4-
đắc tiền, ít người có điều kiện vói tay tới. Mỗi người một con hoặc hai ba con. Chúng bị
buộc chân buộc cẳng nằm la liệt nơi mấy hàng cột phía sau đình, thỉnh thoảng vỗ cánh đập
bành bạch chờ chết, kêu la toan toát.
Hằng năm, liên tiếp tròn hai thập niên gần đây, ông Cả Mai Văn Tỵ, ông Chủ Võ Văn Tuôi ở
ấp Nhứt, ông Hương sư Nguyễn Văn Giàu ở xóm Phú Thứ, ba vị chức sắc uy quyền đầu
đàn trong ban bệ Hội Tề làng tôi không quên chung đậu dâng cúng một con heo quay căn
phồng, đỏ hực, được cẩn thận đặt mua cả mấy tuần lễ trước ở “công xi“ ông Bảy Sô nơi
chợ làng Phước Lợi, Gò Đen. Đám gia nhân hai ba đứa đồng chạng lực lưỡng được phân
công bơi ghe phóng nước đại vừa mới đem về đình còn nóng hổi cho kịp giờ lên đèn lên
nhang khai mạt.
Con heo quay to lớn thất kinh, đoán độ ba bốn chục kí chẳng sai chút nào, nằm bệ vệ trên
một thớt cây, quến sự tò mò trầm trồ của đám trẻ phá làng phá xóm, đôi mắt dản nở trắng
dã, chăm bẳm nhìn. Vì dường như chúng chưa hề trông thấy một lần trong đời chăng?
Đình làng được xây cất không xa ngôi đất “thổ mộ“ của gia đình ông bà tôi bao nhiêu, chỉ
cách nhau tròm trèm một hai miếng bưng miếng biền vài công là cùng, có hai ba cây gừa cổ
thụ rễ lòng thòng phất phơ theo gió hay mấy cây bần nước sum xuê làm ranh giới. Thuở tôi
còn nhỏ hếu thường hay rong chơi bạt mạng đầu làng cuối xóm, khét nắng hôi trâu, tôi có
nghe kể và còn nhớ không sai chạy ngôi đình nầy được xây cất rất đơn sơ với mái ngói âm
dương nay đã rong rêu âm ỉ và bốn vách bổ kho mỏng te bằng ván bảng tạp nhạp. Toàn là
loại dênh dênh rẽ tiền lại được đóng thưa rểu để tiết kiệm tiền bạc của công, lởm chởm
những đường mối quanh co uốn éo bất tận, nhìn trong thấy ngoài.
Bên trong là một dãy hai ba bàn thờ cây cũ kỹ, đoan chắc từ đời cố hỉ cố lai của bọn trẻ
chúng tôi. Những bàn thờ nầy không được chạm trổ cầu kỳ hoa mỹ hay cẩn ốc xa cừ như
nơi những ngôi nhà cổ trên trăm năm tuổi, tổ đường của những gia đình giàu có bề thế hoặc
của những người danh giá chức quyền. Có cái đã lặt lìa lặt lọi vừa mới được ông từ đình
chỉnh trang tạm thời để dùng trong ngày lễ.
Đình còn là nơi công cộng, là tài sản chung của làng trên xóm dưới, nên không cửa đóng
then gài cẩn mật. Vả lại, ngoài dãy bàn thờ cây không đáng giá bao nhiêu, tuyệt nhiên
không có chi khác đáng kể để người bất lương quan tâm dòm ngó. Ngày thường, nơi đây
không có một cái bàn ăn, cái ghế ngồi. Ai ai cũng được tự do ra vào thoải mái, bất kể giờ
giấc, bất kể ngày tháng để cúng kiếng, chiêm bái, cầu nguyện khi cần. Nhưng không vì vậy
đình không phảng phất một dáng vẻ uy nghiêm trang trọng của nơi thờ phượng. Huyền bí,
nồng ấm thiêng liêng là khác.
Người dân từ nhỏ chí lớn, trai tráng già cả, không sót một người, đều một lòng tâm niệm
thống nhứt như nhau: đình làng quả thật có một cái hồn. Chính cái phần hồn linh thiêng
huyền bí nầy đã keo sơn khắng khít cột chặt người dân trong xóm. Họ quấn quít, đoàn kết
nhau, thể hiện qua những ngày cúng Kỳ Yên, tề tựu hầu như đông đủ mặt mọi người.
Ngay những người có con cháu vì hoàn cảnh sinh sống để vươn lên phải chấp nhận tha
phương cầu thực, bất đắc dĩ đi làm ăn nơi xa xôi, bôn ba bá nghệ, họ cũng nhớ ngày trọng
đại trong năm nầy để nhín chút ít thì giờ quý báu trở về quê xưa cố thổ, tham gia góp mặt,
dâng hương cúng thần đình. Và nhơn dịp hiếm hoi đó, họ gặp lại bà con thân quyến, bạn bè
nối khố hàn huyên ôn cố luôn thể.
Phía sau đình còn có một cây dương cổ thụ, cao ngất nghểu, cả đôi ba trai tráng lực lưỡng
ôm chưa giáp vòng tay, vượt hẳn lũy tre ranh thôn làng gấp mấy lần. Những bậc trưởng
-5-
thượng thổ công cũng không biết đích xác nó được trồng ở đây lúc nào. Có một điều chắc
chắn là tất cả đều đồng thanh nhìn nhận sự hiện diện của nó nơi chéo vườn đã rỏ phèn rỏ
mặn ngay sau đình, cũng to lớn không khác mấy bây giờ. Vì hằng ngày, họ cấp sách đến
trường đã trông thấy nó đứng sừng sững ở đó rồi.
Ngoài ra, nơi con đường đất đỏ dẫn thẳng trực chỉ vào cửa đình còn một dãy độ một chục
đủ đầu cây dầu cũng to lớn lắm, cứ vào mùa trổ bông, hoa dầu với đôi cánh dài bay bay
xoay tròn theo từng cơn gió. Một rừng hoa cứ la đà, lả lướt rơi rụng thật kỳ lạ, tạo niềm vui
cho lũ chúng tôi trông thơ mộng làm sao! Một thời kỷ niệm của tuổi trẻ khó phai.
Tất cả những loại cây lưu dấu lịch sử nầy đều có tàn nhánh xum xuê rợp bóng mát quanh
năm, nơi quến lũ chăn trâu lúc trời trưa đứng bóng nằm ngủ phơi bụng phơi dạ thẳng giò
thẳng cẳng. Chúng vi vu bất tận, càng tăng thêm vẻ huyền bí u trầm nữa. Nơi xóm nghèo
làng nhỏ, nơi cùng cốc người thưa ít chuyện, thần đình làng tôi không có sắc phong của
triều đình ngoài Huế, nhưng không vì vậy mà đình mất đi cái nét trang nghiêm trong lòng
người cung kính.
Đình cũng là nơi họp hành định kỳ của những vị chức sắc trong ban bệ Hội Tề, cũng như
những lúc chính quyền địa phương muốn tham khảo lấy ý kiến chung thẩm của bà con tôi
về một vấn đề lợi ích công cộng có tánh cách tối quan trọng cho đời sống cư dân. Đại khái
như đắp một con đê vừa dài vừa rộng nối liền từ đầu trên đến cuối xóm. Như đào một con
kinh dẫn thủy nhập điền băng xuyên qua ruộng nương đất điền của nhiều người.
So với những ngôi đình có nét kiến trúc nguy nga tân kỳ theo kiểu cách thiết kế Tây
phương ở những làng tổng quan trọng khác, dĩ nhiên người ta không thể có lời nào sánh
được. Tuy đồ sộ qua nền gạch tàu đỏ au, mái ngói âm dương chắc chắn, vách tường vôi
màu chu đồng nhứt và sạch sẽ, nhưng dưới con mắt người dân quê chơn chất làng tôi, đầu
óc vẫn còn khắng khít với truyền thống lâu đời, họ cảm thấy nó thiếu một cái gì không thể
diễn tả thành lời, nhưng sao vẫn lao xao ngăn ngắt trong lòng. Hơn nữa, họ có đủ lời đủ lẽ
đâu để diễn tả.
Và cái gì đó nó cứ ngăn ngắt, lâng lâng xao xuyến bất tận trong sâu thẳm tấm lòng mỗi
người họ. Phải chăng, nó thiếu một chất keo sơn huyền bí, một cái hồn kết chặt tâm tư tình
cảm con người trong xóm, vốn thống nhứt nhau trong lao động cần cù, trong hy vọng và
niềm tin mãnh liệt ở tương lai.
* * *
Thùng thùng... thùng.
Cắc cắc... cắc.
Keng keng... keng.
Rồi lại tiếp tục thùng thùng... cắc cắc... keng keng… nhịp nhàng theo một nhịp độ khoan thai
không dứt. Tiếng trống, loại trống chầu to lớn sơn màu đỏ hoét treo lừng lững từ trần nhà,
tiếng mõ, loại mõ cây độc mộc no tròn, dài hơn cả hai thước tây, tiếng chập chõa hay phèng
la được treo toòng teng trên một giá cây vừa tầm tay đánh… những âm thanh rộn rả liên
tục không ngưng nầy vực dậy sự chú ý của mọi người, từ nơi thôn ấp hẻo lánh xa xa. Và họ
nôn ruột biết đã đến giờ các chức sắc lên đèn, lên hương bắt đầu mời thỉnh thần đình.
Quan khách và bà con đều ăn mặc trang trọng chỉnh tề. Ngay cả mấy thanh niên trẻ măng
mới tấn lên những năm tháng sau này đang rậm ra rậm rật phụ trách đánh trống, đánh mõ,
đánh phèng la cũng đánh áo đánh quần, ăn mặc khăn đóng áo dài trông ra vẻ lắm. Chính
-6-
chúng nó đã bỏ công khó đích thân tìm tòi đi vay mượn của bà con đâu đó mấy ngày trước
những bộ đồ bắt kế ưng ý nầy.
Nhưng thật ra toàn là đồ bính nên không vừa vặn, trông xúng xính thùng thình. Chập chập,
chúng cứ ngập ngừng, lén lút sửa bộ cho ra vẻ đạo mạo từ tốn. Còn các vị chức sắc dĩ
nhiên khoác bộ áo dài khăn đóng đen huyền còn mới toang, ủi xếp nếp với đôi giày hàm ếch
bóng lưởng óng ánh theo mặt trời trưa.
Qua cung cách ăn mặc, người ta đoán biết không sai một ly một tất người nào thuộc thành
phần khá giả giàu sang hay thuộc lớp dân giả bình thường. Dù vậy, những người bất hạnh
nầy mà trọn một kiếp bị trói chặt vào định mệnh nghiệt ngã cũng cố gắng chưng diện khác
hẳn ngày thường, với áo bà ba quần dài hoặc đen hoặc trắng, qua lớp hồ keo chưa nhụt,
nên khi đi đứng nghe xột xạt làm cho họ đôi khi cảm thấy khó chịu ngượng ngùng.
Ông Cả Tỵ, Chánh tế vừa bệ vệ vừa trịnh trọng chẹt hộp quẹt lần lượt đốt đèn đốt nhang
các dãy bàn thờ trong không khí trang nghiêm, rồi sau đó bắt đầu khấn vái bái lạy thần đình.
Dứt phần nghi lễ cúng lạy của ông Chủ Tuôi, Bồi tế, đến lượt mỗi công dân trong làng, kẻ
trước người sau nối đuôi nhau đến chiêm bái nguyện cầu, tùy hoàn cảnh riêng tư của mỗi
người, mỗi gia đình. Tiếp theo là tiệc tùng lễ mễ, mâm cổ ê hề, lời qua tiếng lại ồn ào náo
nhiệt không lúc nào dứt.
Nơi bàn danh dự duy nhứt được đặt ngay chính giữa đình, người ta thấy sự có mặt không
thể thiếu sót của các vị chức sắc quan trọng như các ông Hương Cả, Hương Chủ, Hương
Sư, Hương Trưởng... thêm vào đó còn có ông Bang Biện đại diện Thầy Cai Tổng vì bận
công vụ khẩn cấp trên quận sao đó nên phải vắng mặt. Ngồi giáp vòng bàn còn có ông điền
chủ Hai Kỉnh, người đứng ra đài thọ mọi chi phí tốn kém cho gánh hát cải lương của ông
Bầu Sáu Ruộng đến trình diễn xả giàn ba đêm liên tiếp. Ba chỗ ngồi phía chót bàn giữa
dành cho ông thầy giáo Mạnh, ông thầy thuốc Nam Hai Thiện và... ông Hai Thắng, được
xem như bậc trưởng thượng lớn tuổi nhất trong xóm. Ba vị này được bà con biết tiếng nhờ
có trình độ học vấn, cơi hơn thiên hạ. Ngoài ra còn phải kể đến phong cách và đạo đức xử
sự gương mẫu của họ nữa.
Thầy giáo Mạnh, con người hiếm hoi xuất thân từ các trường trung học Sài Gòn tăm tiếng
chớ chẳng phải chơi đâu, được bổ nhiệm đến đây chưa đầy một thập niên. Dù thời gian có
ngắn ngủi thật, nhưng thầy rất được lòng mọi người, nhờ biết hội nhập hoàn cảnh, cảm
thông phong tục tập quán cùng thân phận hẩm hiu và chia xẻ kiếp đời cùng đinh, cũng như
bênh vực chỉ vẽ đường đi nước bước cho những người thấp cổ bé miệng trước những bất
công áp bức của kẻ quyền thế lộng hành.
Ông thầy thuốc Hai Thiện đúng là bực ”lương y từ mẫu”. Ông đã phủi tay không thương tiếc,
dứt khoát từ bỏ nơi đô thị phồn hoa lắm cạm bẫy và cám dổ, đơn thương độc mã vào đây
nguyện với lòng mình thi ân bố đức, trông nom chăm lo sức khỏe những người hầu như bị
bỏ quên bên lề xã hội. Do vậy, ông thường chữa trị miển phí cho lớp người nghèo khổ túng
thiếu, tương lai bế tắc như trời ba mươi nên rất được trọng vọng nể nan.
Riêng ông Hai Thắng, một nhân vật khá độc đáo nhưng không hẳn lập dị, vì nơi ông, tiềm
ẩn một lối sống khác lạ hơn người. Đối với trường hợp của ông, người đời thường nói
không sai: ”chớ nên xem mặt mà bắt hình dông”. Trông cái vỏ bên ngoài của ông, ông có vẻ
lù khù khệnh khạng, đôi khi lẩm cẩm là khác, nhưng thực tế không phải như vậy.
Và dù ông không được may mắn được cha mẹ cho đi ăn học đến nơi đến chốn ở trường
quận trường tỉnh, nhưng ông lại là một mẫu người có tánh đam mê khá sớm từ lúc nhỏ tuổi,
-7-
cực kỳ hiếu học, nhờ có chút thông minh nhờ ông trời ưu ái ban cho. Những gì ông không
học được ở trường ở lớp, ở cửa Khổng sân Trình, ông lại học nhiều ở trường đời. Nhứt là
học ở những bực tiền bối giàu kiến thức thực dụng và kinh nghiệm xử sự trong giao tế,
trong cuộc sống. Nhờ vậy, sự hiểu biết tinh thông của ông được đa số bà con tôi đồng thanh
thừa nhận.
Nhờ tánh hiếu học, chẳng những ông để ý trao dồi thường xuyên tầm hiểu biết đó của mình
qua sách vở đã đành mà còn quan tâm qua nghiên cứu tận tường lối sống quý báu của
người xưa. Ngoài lãnh vực văn chương chữ nghĩa, ông được bà con trọng nể tôn vinh là
một thầy đìa tiếng tăm nổi như cồn.
Nơi vùng đất mới quê tôi, kinh mương, ao hồ, đầm vũng, sông rạch… đan quyện nhau như
mặt nia. Cá tôm, sò ốc, lươn ếch… tìm bắt không khó lắm. Có thể nói, cứ đưa tay chìa
thẳng ra phía trước mặt mình là có thể bắt gặp ngay. Nhưng người dân hầu như đều thích
đào đìa trong vuông đất sở hữu của mình như một “mốt” thời đại để mùa thu hoạch tôm cá
được cao hơn. Người nầy làm được phất lên, người kia trông theo bắt chước. Nhờ đó, họ
mơ ước tăng phần thu nhập hằng năm lên gấp bội, nhằm cải thiện mức sống gia đình.
Do vậy, nhu cầu nầy nảy sanh một hạng người khá đặc biệt gọi là thầy đìa. Ông Hai Thắng
là một trường hợp điển hình. Ông tượng trưng cho cái nghề ít ai ở tỉnh ở thành biết đến,
nhưng lại tối cần thiết nơi vùng đất mới và đã làm nên một thời khó quên.
Nhờ gia tâm trì chí nghiên cứu khổ nhọc, lần hồi ông có được một bí quyết hay nói đúng ra
là có được cái thiên nhản hiếm hoi, mà con mắt phàm phu tục tử lục lục thường tình không
thể nào có được. Mà cũng có thể do ông thừa hưởng được những lời chỉ bảo của các bực
tiền bối đã từng xa gần đi qua đời ông. Bây giờ, ông chỉ cần đứng trên một cuộc đất nào đó,
đưa mắt trông lên trời, nhìn xuống đất, im lặng ngắm dòng sông, quan tâm để ý nguồn nước
chảy để nhận định phương hướng. Qua đó, ông biết rõ ràng đích xác đường đi lối về của cá
tôm nhằm góp ý định vị miệng đìa.
Ông thường hay nói, đây là lối định vị rất khoa học nhờ căn cứ theo biến chuyển, vận hành
của thiên nhiên trời đất. Ông không quên nhấn mạnh và nhứt là cực lực đả phá những hình
thức cúng kiến linh đình, đốt giấy tiền vàng bạc tốn kém để thả xuống sông xuống rạch vang
vái, lo lót âm binh thủy thần… Hoặc buồn cười hơn nữa là nhiều tay bá đạo bày trò chít
khăn đỏ hoét, đốt nhang ửng hồng kèm ở vành tai, múa may quay cuồng xong rồi nhảy ùm
xuống nước, lặn lội cả giờ cả buổi để xem đường tôm nẻo cá với biết bao thủ thuật riêng tư
khác tùy người… Tất cả những cách thức đó, theo ông, chỉ là chuyện trình diễn tào lao phù
phiếm để mà mắt thiên hạ, hầu nhắm ý đồ trục lợi mà thôi.
Không biết thực hư hư thực như thế nào. Nhưng thực tế có một điều chắc chắn, khá ngộ
nghỉnh để tránh hai tiếng lạ lùng, không thể phủ nhận được, là mỗi đìa cá đìa tôm do ông
hết lòng hết dạ hướng dẫn chỉ bảo phương hướng miệng đìa, nhứt là những đìa có tầm vóc
to lớn, đến mùa thu hoạch theo phương cách vạn vần đổi công đều đem đến kết quả mỹ
mãn ngoài sức tưởng tượng của gia chủ. Không phải đây là một sự trùng hợp lẻ loi mà hầu
như đìa nào cũng đem lại sự phấn chấn như vậy cả. Do đó, ông được mọi người khẩn
khoản nhờ cậy đến góp ý giúp lời mỗi khi có nhu cầu đào đìa.
Hôm nay trong tiệc, dường như vấn đề ăn uống không mấy quan trọng đối với khách khứa,
mặc dầu thức ăn được bà con để tâm nấu nướng, chăm sóc tươm tất, tận tình lắm. Nếu tinh
mắt để ý một chút, chỉ nhìn cách trình bày thôi cũng đủ thấy sức hấp dẫn gọi mời, quá lạ
mắt của các thức ăn, phần lớn thuộc loại truyền thống lâu đời nhưng được cải tiến, tuy
không cầu kỳ nhưng thăng bằng trong cấu tạo và phù hợp với thiên nhiên vạn vật.
-8-
Quan khách mời mọc nài ép nhau hết tình, nhưng trông họ ăn uống như để lấy lệ, nhứt là ở
nơi bàn danh dự. Trái lại, dường như họ ganh đua nhau nói chuyện huyên thuyên. Mạnh ai
nấy cười. Mạnh ai nấy nói. Lời qua tiếng lại hăng lắm, cốt sao tiếng nói của mình được lọt
vào tai người khác.
Đề tài trao đổi gồm đủ thứ chuyện lang bang trên trời dưới đất, nhưng không hề xa rời với
tầm hiểu biết có giới hạn của họ. Nhờ đó giúp mỗi người đều có cơ hội đồng đều nhau tham
gia góp ý. Như vậy mới vui, không ai cảm thấy mình lép vế, lẻ loi ngượng ngùng. Nhứt là
rượu đế quê hương tiếp tục tuông chảy từng nhạo này qua nhạo khác, rạt rào không thôi,
một khi những câu chuyện hàn huyên ôn cố dần dà trở nên lôi cuốn hấp dẫn, hay những
tranh cãi bỗng chốc trở nên gay cấn.
Lúc đầu, còn tỉnh táo, họ dè dặt thủ thế do thói quen cẩn trọng. Nhưng khi qua được mấy
chầu cạn ly đầy rót đầy ly cạn, họ thách thức cưa hai cưa ba, có khi thi đua đánh trốc dứt
điểm một trăm phần trăm giữa tiếng vỗ tay ngưỡng mộ của những người chung quanh. Đến
giờ phút này, họ không còn thủ thế dè dặt cố hữu nữa. Dường như họ đang bất chấp vai vế,
chức tước, địa vị và uy thế trong xã hội, như muốn phơi bày đầy đủ, trọn vẹn con người họ.
Có thể nói đã đến lúc họ vô tình để lộ rõ chân tướng ẩn giấu của mình để bày trần những
ưu điểm tâm tánh và ngay cả những thói hư tật xấu. Vì đã vào bàn nhậu thì xem như anh
em cả mà.
Ông Cả Tỵ gật gù vì không mạnh rượu cho lắm nên vẫn còn tỉnh táo, sáng suốt trong lời ăn
tiếng nói. Ông cẩn thận giữ thế, cái thế bình thường được mọi người trong làng nể nan
trọng vì, chứ không thể để xem như cá mè một lứa được trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ông
không ngớt cất lời khen đáo để lễ cúng đình năm nay rất tươm tất, được tổ chức vén khéo,
nhứt là không hề phí phạm vô lý. Vì theo quan điểm của ông, phí phạm của cải, dù là của
cải riêng tư hay của công đường đều là một trọng tội không tha thứ được đối với Đất Trời và
đối với tiền nhân khai cơ lập nghiệp, những người đã hy sinh trọn cả một đời người cho hậu
thế.
Nhưng quan trọng hơn cả là bà con vẫn giữ được nét long trọng uy nghiêm của những năm
về trước. Cái đó mới quý. Cái đó mới đáng được đề cao. Mặc dù thời gian có phũ phàng trôi
qua khá nhanh với bao nhiêu nhiễu nhương đổi thay, bao nhiêu sóng gió dồn dập không
lường trước được, ban tổ chức còn giữ được những nét căn bản từ ngàn xưa, thật đáng
ngưỡng mộ vô cùng. Ông hy vọng những năm tới đây cũng sẽ được tốt đẹp như năm nay.
Ông tin chắc:
- Mình biết ơn, biết kính trọng thần đình, ổng sẽ hết lòng phù hộ, sẽ không bỏ bà con mình
đâu. Mùa màn năm tới nhứt định sẽ tốt tươi sung mãn, gió mưa thuận hòa, mọi gia đình sẽ
được ấm no hạnh phúc dài lâu.
Ông Hai Kỉnh, ông chủ điền, ruộng vườn tăm tắp khắp nơi trong quận, tuy mang cái danh vị
không mấy được lòng tá điền mà định mệnh một kiếp người bị buột chặt không rời trên
mảnh đất đầm đìa nước mắt và mồ hôi, nhưng thực tế ông rất mực rộng rãi hiền hòa, biết
quý trọng và thương người, tiếp lời:
- Bác Cả nhận xét đúng lắm, xác thực lắm. Năm nay, tụi con cháu mình tổ chức rình rang
trọng thể và chu đáo như vầy cũng nhờ mưa thuận gió hòa, trúng mùa lớn. So với mấy năm
vừa qua gần đây, mùa màn bệ rạc tệ hại quá, tụi nó vừa ngam ngám đủ ăn đủ mặc nên
không dám phô trương thanh thế. Mà trúng lớn cũng nhờ ơn Trời. Suy ra thất bại hay thành
công gì cũng do ông Trời quyết định cả.
-9-
Ông thầy thuốc Hai Thiện với cái tên tiền định “Thiện”, thiện tâm thiện ý, thiện đức thiện
hạnh… không hổ danh một “lương y từ mẫu”. Ông có chút vốn liếng chữ nho, day qua ông
thầy giáo nói:
- Thầy giáo vốn lão thông kinh sử, chữ nghĩa của thánh hiền. Thầy biết nhiều lại hiểu rộng
hơn thiên hạ ở xóm nầy, chắc cũng đồng ý với bác Hai vừa trình bày là “vạn sự do Thiên”
mà nôm na là muôn việc tại Trời. Nói như vậy là nói theo kinh nghiệm tích lũy hay lối suy
nghĩ đơn giản của đại đa số trong dân gian và có thể cả trong nhân loại không biết chừng.
Kết quả nên hư, những sự thành công hay thất bại tối hậu của hầu hết mọi sự việc trên cõi
đời nhiễu nhương lắm sự này dường như đều do bàn tay huyền bí của ông Trời già định
sẵn cả.
Thầy giáo Mạnh mặt mày ửng đỏ hồng hồng, đôi mắt bắt đầu lờ mờ, do không có tửu lượng
cao nhưng còn vững lắm, phát biểu chậm rãi, có chừng có mực như cuộc đời riêng tư mẫu
mực của thầy:
- Bởi vậy, nhà thơ Tiên Điền Nguyễn Du vẫn hằng tin như thế mới hạ bút viết trong Truyện
Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh câu thơ bất hủ này: “Cho hay muôn sự tại Trời”.
Ông Hai Thắng nãy giờ ngồi im re phăng phắt, thỉnh thoảng nở một nụ cười tươi kín đáo.
Trong bàn tiệc, có thể nói ông là người còn tỉnh táo nhứt. Rượu, ông thường mím môi hay
nhấp nhấp chút đỉnh gọi là tượng trưng cho đúng lệ, mỗi khi đến lượt mình, mặc dù bị thách
thức ép nài. Ông nhậu cho có vị. Không khi nào quá đà để mất nhân phẩm.
Bây giờ ông mới mở miệng:
- Nghe ông giáo nhắc đến Truyện Kiều và “mệnh Trời” gì đó, bỗng dưng tôi lại nhớ cũng
trong Truyện Kiều có một đoạn khá lý thú. Không biết tôi có nhận xét đúng hay không,
nhưng cũng xin phép được nói ra đây để bà con góp ý. Vì tính cách lý thú và nhứt là sự
nghịch lý của nó làm cho tôi lưu ý rồi đâm ra nhập tâm, cứ ám ảnh đeo đuổi để tôi nhớ mãi
đến hôm nay. Và mỗi lần nhớ tới, tôi cứ suy gẩm ngẩm nghĩ, âm thầm tìm hiểu vị trí của con
người trong nhân sinh vũ trụ, về sự hiện hữu của Thượng Đế và về số phận của con người
trong tay Tạo Hóa. Suy nghĩ nhưng tôi chẳng tìm ra được đáp số. Câu ấy như sau:“Xưa nay
nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Rồi nhân dịp hiếm hoi có đông đủ mọi người cao kiến, ông không ngại nêu thắc mắc của
mình để mọi người cùng tìm giải đáp thích ứng giúp ông cho vui, hóa giải những ấm ức. Mà
nếu ổn thỏa được càng tốt:
- Theo thiển ý của tôi, Nguyễn Du tiên sinh quả thật là một vị tiền nhân đầy kinh nghiệm
sống. Người đã từng trải, lao đao lận đận nên thông cảm và hiểu tường tận tâm trạng của
những kẻ si tình đang say mê đắm đuối. Cho nên người đã giúp Kim Trọng, không dè dặt,
thốt ra những lời “trấn an” nàng Kiều bằng một câu rất “bạo” đó. Nếu hiểu “vạn sự do Thiên”
thì câu nói của Kim Trọng quả là câu “nói liều”, liều mạng liều lĩnh quá mức tưởng tượng.
Mà liều ở đây là liều trong lúc si mê tột cùng nơi tình trường phải không chư vị?
Ông giáo Mạnh tỏ ra tâm đắc. Ông khe khẽ gật đầu biểu đồng tình:
- Bác Hai khơi lại đoạn này quả thật có con mắt tinh tế và nhận xét hàm súc. Chính Nguyễn
Du Tiên sinh cũng tin “muôn việc tại Trời” nên mới thốt ra từ cửa miệng Kim Trọng, đang lo
ngại hay phòng xa:
“Ví dầu giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân”.
-10-
Cụ Tiên Điền thật quá khéo ăn khéo nói, khéo cư xử. Cụ đón trước rào sau, kín đáo và
chung thủy đến thế là cùng.
Ông thầy thuốc Hai Thiện cũng bắt đầu tham gia, phụ họa:
- Cụ là một bậc tài hoa uyên bác, lại là một vị “túc nho” tiếng tăm lừng lẫy một thời, trước
sau luôn luôn ăn ở “thuận mệnh Trời”. Bởi thế cho nên ngài đã sáng suốt ghi lại cho kẻ hậu
sinh nhận thấy ngay uy quyền tối thượng của Thượng Đế đối với nhân loại. Nhưng sau đó
không lâu, bao nhiêu tang thương oan khổ bỗng nhiên gieo xuống trên thân phận Kim
Trọng, nàng Kiều, ông bà Vương viên ngoại cùng hầu hết những nhân vật trong Truyện,
ngoại trừ một vài vị tu hành hiền đức như vãi Giác Duyên hay Đạo cô Tam Hiệp. Quả là
“giải kết” đã thật “đến điều”! Nhất là với hai nhân vật chánh là nàng Kiều và Kim Trọng,
xuyên suốt những mười lăm năm trời dài đăng đẳng.
Câu chuyện về Truyện Kiều đang vào hồi sôi nổi hấp dẫn, trong khi đám thanh niên lực điền
rất nôn ruột, áp nhau đánh nhanh đánh mạnh nhằm thu dọn gọn chiến trường để sớm gầy
mấy sồng bài cào, cắt tê, tứ sắc hoặc xệp ở hai bên chái hiên đình, quến nhiều người xem
chung quanh. Không khí hò hét xôm tụ lắm.
Bàn giữa danh dự nơi mấy vị chức sắc chưa đi được nửa đoạn đường. Ông Hai Thắng lại
nhơn dịp hiếm hoi có sự họp mặt đông đủ những bậc có tiếng có miếng trong làng nên sa
đà bước sang một thắc mắc khác, mà ông ôm ấp trong lòng bao nhiêu năm trời:
- Sẵn dịp bà con vui vẻ, dong dài giang ca bàn thảo về Truyện Kiều, tôi xin đóng góp một
chút ý kiến mọn, nhờ các bậc có tầm nhìn rộng rãi ở đây giúp giải tỏa giùm. Lâu nay, tôi vẫn
thắc mắc mãi. Cứ ấm ức trong lòng, không chút nào vơi. Mặc dầu ở nơi thôn quê rẫy bái hắt
hiu buồn tênh, làm ruộng làm vườn quần quật cật lực quanh năm suốt tháng không hở đôi
tay, tôi cũng đã có được ít dịp rảnh rỗi giải trí, nhờ đó có đọc đâu đó những sách vở hoặc
bài báo dài lê thê tối mặt tối mày, nào bình giải, nào phê phán Truyện Kiều của nhiều thức
giả tên tuổi. Nhưng thú thật, tôi chưa thấy một ai nêu ra cả. Thắc mắc của tôi xuất phát từ
câu nầy, chỉ một câu duy nhứt nầy mà thôi. Và nói theo ngôn từ của đám trẻ tân học thời
nay nó làm rung rinh cả cái “lâu đài tình ái” của Thúy Kiều và Kim Trọng:
“Với Vương Quan trước vốn là đồng thân”.
Rồi ông đặt thẳng vấn đề:
- Vậy ở đây có mặt các vị chữ nghĩa Việt, Hán, Nôm cả bồ là ông thầy giáo và bác thầy
thuốc cũng nên sẵn sàng giải thích cho tôi được tận tường câu hốc búa rắc rối này, nhất là
hai chữ “đồng thân”.
Ông giáo Mạnh nhíu mày suy nghĩ một chút rồi đưa mắt khẩn khoản hướng nhìn về ông
thầy thuốc, ý như ông “kính lão đắc thọ”, tôn trọng những người tuổi tác hơn mình một
bước. Hơn nữa, ông Hai Thiện không nói ra huỵch tẹt do tánh khiêm nhường của ông,
nhưng mọi người trong làng ai ai cũng biết ông hơn ông giáo Mạnh cả trượng về bộ môn
chữ Nôm chữ Nho. Vì ông giáo dù sao cũng thuộc lớp tân học, nếu có dịp theo học chữ Nho
chữ Nôm cũng không thể học đến nơi đến chốn. Ông học sơ yếu, vừa đủ để tra cứu, tìm
hiểu những danh ngôn, luận ngữ của thánh hiền thôi.
Ông Hai Thiện ngầm hiểu ý nên không thối thác quanh co làm phí mất thêm thì giờ. Ông lên
giọng phát biểu:
-11-
- Tôi nghĩ “đồng thân” là bạn học cũng như “đồng song” vậy. Nghĩa là đồng trường đồng
lớp, đôi khi lại cùng một sách một đèn nữa. Và thường thường họ cùng trang lứa, cùng một
tuổi ngang ngửa với nhau.
Ông giáo Mạnh thêm vào:
- Trở về với quá khứ, tôi nhớ rõ không sai chạy chút nào. “Đồng thân”, “đồng song”, bạn học
với nhau từ “cái thuở học trò xa xôi ấy”, bạn học cùng trường cùng lớp, anh chị nào thông
minh học giỏi, có thể kém ta vài tuổi, năm bảy tháng, còn anh chị nào “dốt” như đại đa số bà
con ở xóm làng mình, thường cũng lớn hơn ta chừng tuổi ấy. Nhưng tựu trung đã là bạn
“đồng thân” thì đều cùng một lứa tuổi, xấp xỉ ngang nhau. Cá mè một lứa mà!
Đến lúc này, ông Hai Thắng mới bắt đầu tuông những trăn trở bấy nay được dồn nén kín
đáo trong lòng, như nước chảy lúc rặc ròng cuồn cuộn như cắt:
- Nếu quý vị phân tách như vậy, tôi thiển nghĩ cũng không sai chút nào cả. Nên tôi quyết
chắc Kim Trọng, con người “văn chương nết đất thông minh tính trời” hẳn đồng một tuổi với
Vương Quan hay cùng một lứa, hoặc lớn hoặc nhỏ hơn một vài tuổi hay năm bảy tháng là
cùng. Nhưng bây giờ mình thử tính tuổi của Vương Quan xem sao? Có như thế mới hy
vọng giải tỏa được phần nào thắc mắc của tôi.
Mấy vị hương chức Hội Tề, cả ông Bang Biện trình độ học vấn và hiểu biết có giới hạn nên
chán nản sao đó đứng lên kiếu ra về sớm. Hơn nữa cũng do lớn tuổi, ngồi lâu mỏi xương
sống, cóng xương sườn. Để lại trên bàn tiệc còn le hoe năm ba người đang say mê sống
với thời đại phong kiến đang trên đà tàn tạ của cụ Tiên Điền. Vắng mặt các vị chức sắc, mọi
người thấy thoải mái hơn nhiều, tha hồ phát biểu, không ngần ngại dè dặt, trái lại chân quê
bọc trực, nghĩ sao nói vậy, không chút văn vẻ cầu kỳ.
Ông Hai Thắng bèn đề cập trở lại câu chuyện dang dở nửa chừng:
- Bây giờ ta thử cùng nhau tính tuổi của Vương Quan xem sao? Chị Cả Thúy Kiều “xuân
xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”. Thầy giáo và ông Hai có đồng ý thống nhứt với tôi ở điểm sau
này không? “Cập kê” là “cái trâm”. Khi cô gái Trung Hoa thời vua chúa, phong kiến xa xưa
được mười lăm tuổi thì cha mẹ mừng húm lo tổ chức chu đáo lễ ”cập kê”. Và từ đó xem như
thiếu nữ ấy có thể lên kiệu hoa, xe hoa hay xuồng hoa đi lấy chồng, làm dâu thiên hạ được
rồi. Cô cả Thúy Kiều được mười lăm tuổi (dù mới xấp xỉ thôi). Bà cụ Viên Ngoại họ Vương
nếu có may mắn lắm «sòn sòn năm một» thì cô Hai Thúy Vân chỉ mươi bốn và cậu Út
Vương Quan cũng chỉ mười ba là cùng! Cho dù bà cụ Vương có sanh đầu năm một đứa,
cuối năm một đứa cũng không thay đổi được gì cho lắm. Tính tuổi giản đơn như thế có
đúng hay không? Cũng có thể sai lắm chứ. Nhưng việc này không hẳn như vậy đâu. Tôi
dám chắc như thế. Nếu có sai thì Thúy Vân và Vương Quan lại càng nhỏ tuổi hơn cô chị,
thua cở mười bốn, mười lăm chớ không thể lớn hơn được. Tôi nghĩ nông cạn đó là cách
tính khoa học theo phép tính cộng trừ nhơn chia mà hồi nhỏ đi học tôi thường bị thầy giáo
khẻ tay vì tính sai. Tính như vậy chắc khó có thể sai, phải không quý vị?
Ông Hai dai qua gọi bầy trẻ đang đứng xớ rớ gần đó, bảo bỏ thêm trà và xuống bếp châm
nước sôi vì bình tít trà đã cạn queo từ lâu, trong khi tiệc chưa tàn. Ông rót ra vài chum, ôn
tồn mời mọi người rồi đưa chum mình lên hớp một hớp thấm giọng:
- Bởi Vương Quan không hơn mười ba tuổi thì Kim Trọng cũng tròn trèm tuổi đó, lớn nhỏ
hơn một hai tuổi là cùng. Đến đây ta mới bật ngửa thấy cái «nguy cơ» nó «lộ dạng» dần
dần với cái tuổi mười ba ấy. Tôi xin nhấn mạnh để lưu ý bà con cái tuổi mười ba của hai cậu
học trò này, nhất là đối với «bé» Kim Trọng. Nguyễn Du tiên sinh viết «Với Vương Quan
-12-
trước vốn là đồng thân». Có nghĩa là từ mấy năm về trước, Kim Trọng và Vương Quan, hai
chú bé này lúc đó hãy còn nhỏ lắm, đã là bạn học cùng trường và có thể cùng lớp nữa. Tôi
nghĩ chắc như bắp, đúng ba bó vào một giạ vậy.
Ông có vẻ nghiêm nghị:
- Nhưng dù có ‘trước’ hay sau gì, cả hai đều là bè bạn đồng chạn với nhau. Chữ ‘trước’ này
không thể nào ‘cứu’ được chú ‘bé’ họ Kim và cũng không thể làm cho ‘bé’ Kim Trọng ‘lớn’
thêm được chút nào cả. Vì vậy cho nên thuở đó, ‘bé’ Kim Trọng có:
«Trộm nghe thơm nức hương lân.
Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều»
thì dù có ‘ngăn cách’:
«Nước non cách mấy buồng thêu»
hay không thì ‘bé’ Kim Trọng (đang còn bé tí) làm sao lại có thể: «Những là trộm giấu thầm
yêu chốc mồng» cho được? Hơn nữa, ‘bé’ Kim Trọng là con nhà gia thế, kỷ cương lễ giáo,
‘bé’ đâu có sớm ‘mê sắc’ như thế, lại ‘mê’ hai cô chị bạn ‘đồng thân’ với mình. Mà theo tập
tục luân thường đạo lý thuở ấy thì vô lễ quá chừng!
Ông Hai Thắng tiếp tục phân tách thêm trong khi ở bàn tiệc, mọi người ngồi im lặng ngạc
nhiên:
- Tuy vậy do sự xếp đặt những tình tiết éo le của Tiên sinh làng Tiên Điền, mọi sự việc vẫn
tuần tự tiếp diễn trong một tình huống rất mực lạ lùng và mỗi lúc lại càng thêm ‘vô lý’ thêm,
cũng chỉ vì do lứa tuổi thơ ấu của Kim Trọng mà ra cả. Tôi lấy một ví dụ để các ông anh
mình suy gẩm, thử xem cái ‘vô lý’ ấy có đúng như nhận xét của tôi không?
Ông ra chìu suy nghĩ hun lắm, dường như để hồi nhớ những đoạn ông đã giấu kín bấy nay
trong ký ức mình. Đôi chân mày rậm ri điểm bạc đó đây của ông trông đâu hẳn vào nhau
làm nổi bật những nếp nhăn nheo sâu hóm nơi vầng trán và đuôi mắt:
- ‘Bé’ Kim Trọng mới mười ba tuổi đầu làm sao lại một mình ra tỉnh ra thành, trong khi
đường đi nước bước thời xa xưa đó nhiêu khê trắc trở lắm, đôi khi nguy hiểm là khác. Rồi
‘bé’ lại tìm mướn nhà trọ, rồi cố kiếm cho bằng được địa chỉ của nàng Kiều để ‘di cư’ tới cận
kề? ‘Bé’ còn ôm theo vòng vàng chuỗi ngọc, khăn gấm, lụa là… Tôi phỏng chừng chắc có lẽ
‘bé’ Kim đề phòng khi gặp gái đẹp ở thị thành chăng? Thế rồi bỗng nhiên ta lại thấy ‘bé’ trở
thành một thanh niên hào hoa phong nhã, lừng lững trên mình ngựa, dạo chơi trong Hội
Đạp Thanh nhân ngày lễ Thanh Minh. Từ xa ‘vừa tỏ mặt người’, ông văn nhân ‘cỏ pha màu
áo nhuộm non da trời’ ấy vội vàng xuống ngựa đến chào hỏi và ‘tự tình’ với ba chị em nàng
Kiều!
Ngừng một chút, ông tiếp:
- Tôi không phải là hạng người gở gở gàng gàng hoặc ba phải không lập trường, sống lập
dị, xa rời thực tế. Đôi chân tôi luôn luôn đứng vững vàng trên mảnh đất quê hương cố thổ
mình. Nhưng thực tình, tôi lại thấy một điều rất lạ, cứ ám ảnh tôi mãi là tại sao Vương Quan
lại ‘quen mặt’ ông ‘văn nhân’ ấy?
«Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa».
Thì ra chú ‘bé’ Vương Quan bỗng nhiên được tác giả truyện Kiều bất thần ‘phong’ lên là
‘chàng’, mà thật ra thiết nghĩ tiểu tiết này không quan trọng mấy đâu. Điều hết sức quan
-13-
trọng và rất kỳ dị là tại sao Vương Quan lại nhầm lẫn ông ‘văn nhân’ này với ‘bé’ Kim Trọng
là bạn học của Quan? Đây là một trong những hậu quả tai hại của hai chữ ‘đồng thân’ vô
tình gây ra! Vì vậy, theo tôi ngẩm kỹ, phải làm thế nào để tránh hai chữ tai hại này mới
được. Nếu không, ta có thể tưởng tượng đến những ‘màn’ tiếp diễn vô cùng độc đáo trong
những cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều.
Để xác nhận điều này, ông Hai Thắng đằng hắng lấy giọng, sau khi uống một tô con rồng
nước mưa mát lạnh:
- Khi Kim Trọng (mười ba tuổi) ve vản Thúy Kiều và ướm thử:
«Tiện đây xin một hai điều
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?».
Và Thúy Kiều (mười lăm tuổi) lễ phép trả lời bằng những câu «thưa» lại:
«Nặng lòng xót liễu vì hoa
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa!».
Một ‘trẻ thơ’ Thúy Kiều ở tuổi ‘cập kê’ – mười lăm tuổi – ‘thưa’ lại với một em ‘bé’ Kim Trọng
non chèo – mười ba tuổi – thì theo tôi vốn dĩ là con người thủ cựu hủ lậu vào hàng đệ nhứt
xóm mình, quả là sự việc hi hữu lắm đó! Nhưng tôi suy đoán cho cùng, nghĩ rằng tác giả
truyện Kiều quên bẳng tuổi tác Kim Trọng cho nên Người vẫn yên ổn, an tâm tiếp tục sáng
tác phong phóng tuông tràn như không có một trở ngại nào trong dòng suy nghĩ của mình.
Mãi về sau, trong một dịp khác, vì đã mấy hôm liên tiếp không có dịp gặp mặt cho nên Kim
Trọng (mười ba tuổi) than thở với Thúy Kiều:
«Trách lòng hờ hững với lòng
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu
Những là đắp nhớ đổi sầu
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm».
Ông nhấn mạnh:
- Đến đây chắc quí ông anh thấy cái đầu ‘hoa râm’ của chú ‘bé’ Kim Trọng cũng thật là lạ
đời, không đúng với sự phát triển tự nhiên của một cơ thể con người bình thường trong xã
hội nhơn quần từ cổ chí kim.
Rồi ông Hai dứt khoát như để kết thúc câu chuyện:
- Những câu đối đáp như thế của chú ‘bé’ Kim Trọng ‘đồng thân’ với em út của Thúy Kiều là
Vương Quan (cũng mười ba tuổi) khiến chúng ta không khỏi bật cười. Nhưng nếu suy nghĩ
kỹ thì nguyên do của những tấn ‘hài kịch’ ấy là bởi câu thơ: «Với Vương Quan trước vốn là
đồng thân» mà ra cả.
Ông thầy giáo Mạnh từ nãy giờ ngồi im lặng, tai lắng nghe phần thắc mắc rắc rối về tuổi tác
của những người trong cuộc cũng động lòng tham gia đóng góp ý kiến mình vào câu chuyện
đã đến hồi kết thúc:
- Tôi thiển nghĩ đây có lẽ là một rủi ro, một thiếu sót hay một sự lãng quên của tác giả
Truyện Kiều mà thôi. Nhưng không may, sự lãng quên rủi ro này lại quá to lớn, có liên quan
trực tiếp đến một nhân vật hàng đầu của tác phẩm là chàng Kim Trọng. Hễ nơi nào có
chàng Kim Trọng là ở đó có sự ‘hóa thân’ vô tình nhưng rất phi lý giữa một cậu ‘bé’ mười ba
tuổi với một thanh niên dạng dầy kinh nghiệm trường đời. Vì cậu ‘bé’ ấy bỗng nhiên đã trở
thành một ‘văn nhân’ rất mực tài hoa phong nhã, mà lại là người yêu của Thúy Kiều nữa!
-14-
Ông thầy thuốc Hai Thiện khe khẽ gật đầu, dường như để biểu đồng tình. Ông tỏ ra tâm đắc
với những lời bào chữa chân tình và hữu lý của ông Thầy Giáo, rồi ung dung bày tỏ ý kiến
vừa chợt đến của mình. Ông xem ra như hiểu nhiều, từng quan tâm đến một giai đoạn đau
buồn của lịch sử nước nhà:
- Bây giờ, ta thử tìm tòi, phỏng đoán xem tại sao và trong trường hợp nào cụ Tiên Điền
Nguyễn Du lại viết nên câu thơ đã gây thắc mắc cho hiền huynh Hai Thắng: “Với Vương
Quan trước vốn là đồng thân“... Và về sau, Tiên sinh không còn lưu ý đến nữa. Chắc mấy
ông anh ở đây thừa biết sứ thần Nguyễn Du Tiên sinh, trong dịp sang Trung Hoa tiến cống
vua Tàu, đã được xem “Đoạn Trường Tân Thanh“ là một cuốn truyện tình éo le bi thảm.
Trong tác phẩm này, có thể cũng có hai người bạn học (đồng thân). Chẳng biết họ ở vào
lứa tuổi nào, nhưng hình như Nguyễn Du Tiên sinh đã dõi theo sự sắp đặt nhuần nhuyễn
các nhân vật trong sách ấy để viết nên cuốn Truyện Kiều hay Kim Vân Kiều bất hủ của
Người. Điều này thú thật tôi có thể tin tưởng được lắm.
Ông Hai Thiện cảm thấy mình có trách nhiệm tiếp tục triển khai thêm cho được sáng tỏ vấn
đề:
- Chúng ta còn được biết thêm trong thời gian đó, Nguyễn Du Tiên sinh, do thế cuộc đổi
thay, tang thương dâu biển, đành cam phận với một “hàng thần lơ láo“, lạc loài giữa triều
đình nhà Nguyễn tại kinh đô Phú Xuân (Thuận Hóa), trong khi Người thuộc dòng họ những
vị cựu thần tiếng tăm của nhà Lê tại Thăng Long. Người lại còn là hậu duệ của những bực
trâm anh thế phiệt, đã bao nhiêu đời làm “cận thần, quan lớn“ của Lê triều, như dân gian
vùng Thanh Nghệ đã từng đặt thành câu phong dao sau đây:
“Bao giờ ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước, họ này hết quan!“.
Sau đó, ông xuống giọng kết luận:
- Nguyễn Du Tiên sinh đang ôm một mối hận vô cùng chua xót, cho nên Người đã tự ví
mình chẳng khác gì Nàng Kiều, phải bán mình vào chốn thanh lâu! Do đó, Người đã viết
nên cuốn Truyện Kiều bất hủ này chính là để giải khuây, vỗ về những ray rứt trong lòng và
để nhắn nhe cùng mai hậu:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ ai người khóc Tố Như”.
Ngừng một chút, ông tắt lưỡi:
- Một câu nhắn nhe thật chua xót! Ngoài ra, Người còn mượn lời Từ Hải để thở than tâm sự
riêng tư sâu lắng, quá cay đắng của chính mình. Mặc dù trường hợp của Từ Công khác
hẳn, bởi chính Từ lụy vì tình mà nên nông nỗi, chứ đâu phải như công thần Nguyễn Du gặp
lúc thất thế sa cơ phải tùy thời!
Được trớn, ông Hai Thiện đi nốt lý giải của mình:
- Để tiếp theo đó Nguyễn Du Tiên sinh đã viết nên những câu thật tài tình và cũng thật là
chua chát:
“Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao?
Áo xiêm buộc trói lấy nhau
Vô luồn ra cúi công hầu mà chi?“.
-15-
Với một trạng thái tâm hồn khổ đau, uất hận, buồn phiền như thế nhưng Người lại viết
Truyện Kiều bằng thơ, một bài thơ lục bát trường thiên, thế gian hy hữu, dài như vô cùng
tận... với 3254 câu đẹp như hạt minh châu. Tấm lòng Người Thơ không khỏi lao đao, xao
xuyến theo từng dòng thơ nét bút! Nhưng đôi lúc chắc hẳn là Tiên sinh cũng thấy lòng
khoan khoái vì... Thơ. Đến đây ta có thể tưởng tượng rằng, khi Người miên man sáng tác:
«Chung quanh vẫn đất nước nhà
Với Vương Quan trước là đồng thân»
Người vẫn lặng thầm, chăm chỉ viết, thật an nhiên tự tại. Rồi khi đến những câu:
«Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều
Nước non cách mấy buồng thêu
Những là trộm giấu thầm yêu chốc mồng».
Lại còn:
«May thay giải cấu tương phùng
Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa” v.v...
Rồi ông kết thúc:
- Những câu thơ hay quá, vần điệu thanh thoát, nhẹ nhàng, trầm bổng du dương khiến
Người Thơ như say như tỉnh, lại thêm cái may mắn bất ngờ của “tuần đố lá” trong một ngày
vừa Lễ Tảo Mộ lại còn là Hội Đạp Thanh. Người còn tạo được một cuộc tương phùng cho
Thúy Kiều Kim Trọng thì thật là “tuyệt diệu”! Cũng có thể Người Thơ còn thích thú ngâm đi
ngâm lại đoạn này và thong thả uống vài ngụm bồ đào mỹ tửu đem từ Bắc Kinh về để nhấp
giọng và khoan khoái gật gù vuốt chòm râu đã bắt đầu nhuốm bạc, rung đùi, vừa ý... tưởng
như Người đang chia xẻ niềm vui tao ngộ giữa Kim Trọng, Thúy Kiều... Rồi Người Thơ vẫn
“an nhiên tự tại“, lại tiếp tục thích thú say sưa mê mẩn viết... và những dòng thơ ngà ngọc
lại tuần tự hiện hình, lung linh, huyền ảo... giữa trạng thái nửa tỉnh nửa mê, vui buồn lẫn lộn
ấy. Do vậy làm sao Người Thơ còn có thể nhớ đến những vụng vặt của cuộc đời trong đó
vô tình Người Thơ quên mất là còn lạc loài tuổi tác hai cậu “bé” “đồng thân”! Các huynh thấy
tôi có lý hay không?
Ông Thầy Giáo Mạnh vừa hút xong điếu thuốc rê quê hương vấn to bằng ngón tay trỏ. Ông
hớp một ngụm trà Thiết Quan Âm đậm đặc âm ấm, lấy giọng:
- Mà hồi thời xa xưa của nhà thơ làng Tiên Điền, làm gì có người phụ trách có trình độ
“duyệt lại” bản thảo Truyện Kiều, trước khi cuốn truyện thơ lẫy lừng này được lên khuôn in
ấn như hiện tại. Có lẽ vì vậy cho nên từ xưa đến nay, hai chữ “đồng thân” vẫn chưa “lộ
dạng”, vẫn chưa được một ai khám phá ra bao giờ, mặc dù Truyện Kiều đã có hằng triệu
triệu người đọc khắp cả nước. Vả lại còn có cả chục dịch giả, phiên âm chữ nôm và chữ
Pháp nữa. Phải chăng vụ việc này là do “tiền định” mà ra? “Vạn sự do Thiên"! Muôn việc tại
Trời! Hay bởi trên đời này chẳng có gì “tuyệt đối” cả? Hơn nữa, có một điều gần như chắc
chắn không một ai có thể phũ nhận được là bởi hào quang của Truyện Kiều quá rực rỡ, chói
lòa nên đã che lắp hai chữ “đồng thân” sơ sót quá tai hại ấy!
Ông Hai Thắng bèn chụp lấy ngay hai chữ “tai hại” ấy để trở lại thắc mắc thuở ban đầu của
mình:
- Bây giờ “ván đã đóng thuyền” quá lâu rồi, chẳng một ai có thể làm gì được nữa. Mà mình
cũng chẳng có chút khả năng tối thiểu nào để làm việc đó. Chẳng qua do vị trí của mình nơi
-16-
cùng trời cuối đất u u tăm tăm này. Dầu mình có nói với tất cả tấm lòng, ai mà nghe cho
thông lổ nhỉ . Mình chỉ còn một chút ước mơ hão huyền. Viễn vong là khác. Là nếu lúc đó
bỗng nhiên Nguyễn Du Tiên sinh đọc lại và ‘nhận diện’ kịp thời hai chữ ‘đồng thân’ nguy
hiểm ấy và Tiên sinh đã thay vào bằng hai chữ khác như ‘hương lân’ chẳng hạn. Vì ‘hương
lân’ là người ở cùng một thôn ấp xóm làng với nhau. Kim Trọng mà ở cùng làng với gia đình
họ Vương (Vương gia) và chàng Kim là một ‘văn nhân’, một trang công tử đã lớn, đã trưởng
thành lại là một bực hào hoa phong nhã thì càng tiện lợi mọi bề. Và nếu được như thế thì ổn
thỏa biết bao, ngày nay chúng ta, hàng hậu duệ, con cháu Tiên sinh Nguyễn Du, đâu còn ai
thắc mắc vì vụ ‘đồng thân’ với lứa tuổi ấu thơ của Vương Quan, Kim Trọng.
Sau cùng, ông Hai Thắng chậm rãi thố lộ nỗi niềm ắp ủ lâu nay trong lòng mình, mong được
sự biểu đồng tình của hai bậc cao kiến trong bàn tiệc là thầy giáo Mạnh và ông thầy thuốc
Hai Thiện:
- Trong trường hợp hão huyền đó, tôi có thể ‘mơ’ thấy Nguyễn Du Tiên sinh xuống bút viết
chẳng hạn như:
«Chung quanh vẫn nước non nhà
Với Vương Gia trước vốn là hương lân
Trộm nghe tài sắc giai nhân
Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều» v.v…
Phải viết ‘Vương Gia’ và ‘hương lân’ mới tiện cho Kim Trọng quen biết gia đình này và tài
sắc ‘giai nhân’ để thay thế hai chữ ‘hương lân’ đã được đem lên câu trên.
Bốn năm sồng bài cắt tê dà dách, tứ sắc, xệp… bên chái hiên đình làng bắt đầu lên đèn để
tiếp tục sát phạt nhau không nương tay. Mấy con chim vịt từng chập từng chập kêu chiều,
thoảng lên đâu đó ngoài bờ rào rậm rạp lùm buội nơi bến sông đình làng.
Cả ba người, ông Hai Thắng, thầy giáo Mạnh và ông thầy thuốc Hai Thiện cũng bắt đầu mệt
mỏi, chuẩn bị khăn gói dợm chia tay, để mặc mấy thanh niên vai u thịt bắp mới tấn lên
khoảng hai thập niên gần đây, đang tích cực thúc hối nhau lo thu xếp bàn ghế và quét dọn
sạch sẽ trong ngoài cho kịp về nhà trước nửa đêm.
Các ông sung sướng đã cùng nhau họp mặt cả một buổi trời trong thân tình, nhứt là thỏa
lòng toại ý đã đóng góp phần mình trong việc giải tỏa những thắc mắc của ông Hai Thắng.
Và chắc kể từ giờ phút này, ông Hai thấy lòng mình lâng lâng nhẹ nhỏm vì ông đã lùa xa
những vướng bận bấy nay vào niềm vui thanh thản của con người được hoàn toàn toại
nguyện.
* * *
Ông Cả Tỵ, ông Chủ Tuôi, ông Hương Sư Giàu, cả ông Bang Biện rồi ông Hai Thắng, thầy
giáo Mạnh và ông thầy thuốc Hai Thiện lần lượt kẻ trước người sau đã ra người thiên cổ.
Nay, họ đã an giấc, mồ yên mả đẹp trong lòng đất quê hương, nơi cái xóm cùng cốc xa vạn
dặm mà danh xưng với âm hưởng hoang dả xa lạ, không ai để ý đến bao giờ.
Xã hội thời đó đã mất hút trong sâu thẳm dĩ vãng từ lâu rồi. Nhưng dù sao thời gian cũng
không thể xóa nhòa những kỷ niệm. Bây giờ chỉ chớp tắt thoáng hiện trong trí nhớ của một
số người còn nhung nhớ, quan tâm đến cội nguồn gốc rễ.
Cái thuở con người thanh thản thư thả, không hề vướng bận với những ràng buộc giờ giấc,
không bị căng thẳng với cái ăn cái mặc và những đòi hỏi bức bánh về tiện nghi vật chất
trong đời sống hằng ngày…
-17-

No comments: