Friday, September 7, 2012

HỒ DZẾNH * CHIẾC XE ĐẠP

Chiếc Xe Đạp
Hồ Dzếnh


LTS : Chuyện thật ! Về một đoạn đời của một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Còn nhớ, trong thời kỳ ở Khu Bốn, Hồ Dzếnh viết bài "Nhớ Nguyễn Sơn" để tưởng niệm một vị tướng bộ đội yêu văn nghệ. Không ngờ lại trùng vào dịp nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm cũng có bài tưởng niệm "Khóc Nguyễn Sơn". Thế là Hồ Dzếnh bị quy chụp thành một thi sĩ "có vấn đề", đến nỗi nhà thơ phải "tự nguyện" làm thợ đúc thép ở Gia Lâm. Trước đó, năm 1946, Hồ Dzếnh tản cư từ Phát Diệm về Thanh Hóa, cưới vợ, rồi dắt díu nhau lên khai phá miền sơn cước, vẫn sống không nổi, lại kéo nhau về đồng bằng. Tại đây, đứa con thứ hai của nhà thơ ra đời vào tháng Bảy, 1949. Hồ Dzếnh thuật lại một giai đoạn gian truân của mình bằng giọng kể của cậu bé này. Chuyện đời của một nhà giáo. Chuyện về một chiếc xe đạp cũng cọc cạch như chủ nó. Chuyện đã xảy ra hơn nửa thế kỷ qua. Chuyện vẫn còn đang xảy ra hôm nay, từ nhà giáo tới nhà thơ...

Ở một làng ven rừng, cách xa Hà Nội hai trăm cây số, tôi đã ra đời trong một hoàn cảnh chưa ổn định. Cái đầu tiên tôi cần nói, là chúng tôi nghèo đến nỗi không đêm nào không có tiếng bàn bạc to nhỏ của cha mẹ tôi về đồng tiền. Mẹ tôi lo lắng nhiều, nên đã hai phen, tôi bị xúc động trong bụng mẹ. Một lần tôi cựa quậy, thiếu chút nữa cái màng bọc thai rách ra. Lần thứ hai, tôi làm lộn xộn bụng người mẹ lên, vì giòng sữa nuôi tôi đâm ra thiếu. Mỗi lần như vậy, tôi đều bị một chất nước khai khai, hăng hăng, mằn mặn hòa vào mùi gay gắt của lá ngải cứu trấn áp, nên đáng lý làm xẩy thai, tôi lại nằm yên.

Một hôm tôi nghe có tiếng vải bục xé ra. Cha tôi đã hy sinh hai cái áo lót cũ để làm tã lót tôi. Tã được nhuộm mực Tàu hòa vào nước lá chàm, hung hung một màu tro mát mắt. Tôi cố nhớ mãi mà không nhớ được những thứ nào khác nữa, ngoài cái thúng treo lên làm võng để đưa ru tôi.

Ba giờ chiều vào một tiết Thu dịu, một hài nhi xé lòng mẹ ra đời, quấn mình trong cái tã cũ và chiếc áo sợi thay chăn.

Trong khi đó, ở một trường huyện nhỏ thiết lập tạm trong miếu thờ Thành Hoàng, một tôn sư đang giảng bài văn Pháp cho học sinh nghe: "Tờ-ra-vai-ơ là làm việc, bố-cu là nhiều lắm, giơ là tôi. Giơ tờ-ra-vai-ơ bố-cu là tôi làm việc nhiều lắm...". Thầy giáo giảng nghĩa rất kỹ, đến nỗi tất cả học sinh đều nhớ in vào trí. Thầy tận tâm, ngoài chức phận đã đành, lại còn một cớ nữa: Cuối tháng rồi ! Học sinh cần phải được vui lòng để nộp tiền học sớm. Bài giảng hết, thầy sửa soạn đứng lên và run run hỏi:

  Hôm nay có em nào xung phong trả tiền học cho ban quản trị trước không ?

Lớp học lạnh ngắt như... hơi đồng. Niềm hy vọng phất phới đậu rồi bay từ mặt này sang mặt khác. Không một ai lên tiếng. Thầy chờ nữa, chờ nữa. Một em nhỏ đứng phắt lên:

  Thưa thầy, người nhà con bảo tiền học mỗi tháng nặng lắm, nên còn phải thu xếp.

Thầy ngước mắt lên nhìn tấm lịch. Hôm nay đã là mùng hai. Ông thủ quỹ mắt toét ngày làm việc ở trường, tối đến đi học lớp bình dân, ngồi đợi ba hôm nay mà chưa thu được đồng nào cả.

Thầy giáo nói cho đỡ trống trải:

  Không. Là thầy nhắc các anh như vậy. Cũng nên thanh toán đi cho ban giám đốc khỏi nhắc. Chớ thầy chỉ biết dạy học thôi.

Lớp học vẫn im lặng. Đôi mắt thầy dạo lên trên năm mươi mấy anh học trò. Bỗng thầy nhìn đăm đăm vào một anh lớn nhất rồi hỏi đùa:

  Anh Tước, anh vẫn cưỡi "xe đạp chân" đi học à ?

Anh học trò tên là Tước cười cười :

  Dạ, con vẫn định mua xe, nhưng chưa chọn được. Hôm nào con phải nhờ thầy xem giúp.

Ý nghĩ thoáng đến làm thầy giáo run. Thầy nghĩ đến cái xe đạp của mình. Thầy muốn bán nó đi. Bởi vì vợ thầy đã đẻ, con thầy những hai đứa còn non, mà lương hàng tháng lại chậm và ít. Đành rằng bán xe thì chỉ có nước đi bộ, kéo lê hàng mấy chục cây số đến trường. Nhưng còn hơn là để nó mà vợ con đói. Nó cũng là vợ đấy, người vợ bằng sắt, người vợ đã dắt dìu chồng trong mấy năm nay, từ trường này đến trường nọ. Nó chỉ phải cái tội là hay dở chứng luôn. Lúc thì đứt xích, lúc lại long cá, lúc phì hơi. Đi nhanh, nó kêu kèn kẹt, chồm lên ở những mô đất lồi lõm. Nhưng ân nghĩa tào khang cũng còn bằng mấy so với đôi chân cuốc bộ.

Thầy mới có ý định bán xe mà đã thấy buồn rười rượi. Cái đống sắt kia chỉ đáng giá vài trăm là hết nước. Nhưng tình khắng khít kỷ niệm mới thật là to, là nặng. Phải, những hôm chiều trời bảng lảng, tan buổi học về, bánh xe kêu ro ro trên con đường đê nghe thật vui tai lạ. Đứa con của thầy giáo ngồi phía trước, sung sướng được bố đưa đi chơi. Và cũng có những đêm mưa lạnh, xe trườn trên lớp bùn làm quắn bánh lại, mồ hôi người đạp lẫn vào lớp nước tát lên xe. Rất nhiều khi xe nằm ỳ ở rìa đường ruộng. Cái thất vọng tưởng chừng như bao la, gieo thành nỗi căm tức lên mấy thanh sắt hình tam giác, hình tròn, hình vòng cung, đường kính. Nhưng khổ cực nhất là lúc người phải cõng xe, dò dẫm băng qua những chiếc cầu tre ẽo ợt. Đến giữa cầu, cây tre run lên, lớp lạt đứt, cả người cả xe run thành một điệu xiếc bất đắc dĩ. Sắt đè lên vai, ê ẩm, tiến cũng dở, lùi cũng nguy. Nước sông dưới kia chảy xiết, liệng đống sắt xuống lại không đành. Chỉ còn cách bò sấp, xe cõng trên lưng, trườn từng đoạn một. Rồi cả xe cả người nằm ngất ở bờ cỏ, trong thiên tâm sự bi đát có lẫn điệp khúc anh hùng ca !

Đến lúc này, thầy giáo sắp bán người bạn sắt quấy rầy nhưng lại là ân nhân kia đi. Để nuôi sống những sinh mạng khác mà cái tồn tại cần thiết hơn là cái trọng lượng hai mươi cân. Đợi tan buổi học, thầy giáo gọi Tước lại, nói khẽ:

  Tôi định mua một chiếc xe đạp khác, nếu anh muốn lấy, tôi để lại với giá ủng hộ.

Người học trò nhìn thầy một cách kinh ngạc. Không phải kinh ngạc vì thầy dám bán xe, mà vì xe của thầy khó lòng bán nổi... Trông nó thô kệch thế nào ! Niên hiệu xa mờ, dấu xe cằn cỗi không đảm bảo được chút nào cả. Gả chồng cho một cô gái đứng tuổi gù lưng lấy một chàng thanh niên còn dễ hơn là bán chiếc xe vào loại đó. Mắt người học trò đương lơ láo thì thầy giáo đã nhấn mạnh thêm:

  Tôi đã bảo anh đừng e ngại. Xe càng cổ càng bền. Cái này tôi đã dùng mười năm nay. Anh cứ lấy, tôi vừa cho, vừa biếu. Đáng lẽ tôi thưởng cho anh vì sức học giỏi, nhưng tôi nghĩ chưa phải lúc.

Người học trò khó nghĩ quá. Thầy mình gán cho mình cái bảo vật cổ này để làm gì. Thực là khó hiểu, khó nghĩ. Từ chối thì bất tiện, mà ưng thuận thì có chỗ không đành.

  Tôi đã bảo anh cứ lấy. Có người trả tôi ba trăm, tôi không thuận, vì ai lại bán xe cho người lạ. Đằng này, với anh, tôi chỉ tính có hai trăm. Anh phải cho là rẻ...

Người học trò vẫn yên lặng. Hắn bắt đầu nhìn chiếc xe, suy tính. Kể ra thì hắn cũng là tay biết xe, và tinh ý nữa. Cuối cùng, hắn ngoảnh lên, nửa đùa, nửa lễ phép:

  Xin trả thầy... một trăm !

Một gáo nước dội vào lòng người cầm cân nẩy mực về văn tự. Nhưng trường hợp bán mua đó rất chông chênh, nguy hiểm. Nếu thầy chối từ là việc thất bại. Mà thầy đòi thêm, đâu phải đạo bề trên. Thôi thì đành, một nụ cười cay chua trên đôi môi khô héo:

  Thôi được, tôi cũng để cho anh. Khi nào không cần, anh trả cho tôi cũng được.

Câu nói vuốt cơn ngượng, thầy biết: chiếc xe đã bị hy sinh một cách tàn nhẫn. Thầy lẩm nhẩm:

  Nó có tiền mua xe, sao nó không trả tiền học ?

Người học trò như đoán được ý thầy, quay lại:

  Tiền con đi nộp thuế, thấy thầy nói vậy, con cũng liều tiêu đi, để lúc khác hãy nộp.

Nhìn chiếc xe bon bon theo đường cỏ, chở đứa học trò vừa thắng thầy một ván bạc tiểu xảo, bất giác người môn sư nghèo kia ứa nước mắt. Đâu đây, trong lớp bóng tre buông xuống mặt đường, còn như vo vo đôi bánh xoay tít. Và trên chiếc cầu tre, hình ảnh con người cõng xe vẫn run run, khó nhọc.

Bước chân yếu đuối chậm chạp lên đường. Một trăm bạc nằm trong đáy hầu bao không nghe nặng chút gì cả. Thầy đưa khăn lên lau mồ hôi: Xa xa, những lũy tre xanh biếc. Ở nơi chân trời kia, trong căn nhà nhỏ, thầy như vừa nghe tiếng của trẻ con khóc... Đôi mắt thầy chớp lên mấy cái. Trời ngã màu chiều.

Tối hôm đó, cha tôi bước vào nhà. Anh tôi chơi ngoài hè, thấy bóng bố, nhảy lên cỡn:

  Bé, bé, bé cười, bố ạ.

Và tiếng người đàn bà run run từ trong bóng tối căn buồng đưa ra:

  Con trai ngoan lắm, mình ạ. Sao mình về chậm thế ?

Chậm thật. Có mặt trăng mà cha tôi vẫn cặm cụi đi, không biết. Một lưỡi liềm gài lên sau hàng rào tre mỏng. Ngọn đèn dầu nhỏ hiu hắt trên bàn con và bóng tối ngào ngạt những hơi sữa. Hai bàn tay nắm chặt lấy nhau, một cái lạnh vì sương gió, một cái yếu vì mất nhiều sinh lực. Cha tôi ghé xuống hôn tôi, trong khi đặt anh tôi lên đầu gối.

  Xe đạp của mình đâu ? Hay lại hỏng ?

Cha tôi quay nhìn ra ngoài, rồi đáp :

  Xe đạp còn đưa sửa lại bánh. Tôi nóng ruột nên về nhà, để hôm khác lấy. Tại sao mẹ tôi lại yên lặng lại ? Một tiếng thở dài kín đáo làm hơi run bóng tối. Rồi có tiếng nói gần như khóc:

  Hay là mình... ?

  Không có gì lạ cả, tôi sửa xe, mai lấy về, có thế thôi. Sao mình lại hốt hoảng ?

  Tôi ngỡ mình... mất xe. Mất xe, thì mình đi sao được ? Mình yếu rồi mà ! Cha tôi đứng lên quay ra rửa mặt, sau khi yên ủi vợ:

  Mình mới sinh nở, hãy tĩnh dưỡng cho khỏe, đừng buồn vớ vẩn.

Trong chậu nước, cha tôi hụp mặt xuống. Màu trăng gợn trên nước, như có ai lấy bông mát đắp vào đôi mắt đau. Nếu tôi biết nói lúc đó, thì tôi sẽ bảo mẹ tôi rằng tôi thấy hai vai cha tôi run lên, trong lúc khỏa nước lên mái tóc.

(Trích Chương 6 & 7, "Quyển Truyện Không Tên", hồi ký của Hồ Dzếnh)




No comments: