Saturday, September 8, 2012

LÊ MỘNG NGUYÊN * HOÀNG VINH

Nhạc sĩ Lê Mộng nguyên giới thiệu
Thi họa tập Hoàng Vinh (Nghệ Thuật Hội Họa Và Thi Thơ - 2005)

    

’’... Tranh của Hoàng Vinh là một chuyển biến lờ mờ...   Chiều sâu không định rõ trong vũ trụ bao la, mà được hòa hợp bởi không gian, thời gian và tâm linh, để ghi lại đôi nét khi bắt gặp trong giây phút lung linh của mặt nước . Cũng như ánh trăng xuyên qua khe hở của không gian trong Rừng Hoang, gặp phải khi hoa vừa hé nở bên khe đá. Lại thấy cái đẹp trong cảnh ngổn ngang của rừng hoang không thứ tự ; thì Hoàng Vinh cắt xén một khía cạnh nào đó, lồng vào khung cảnh và bắt nhịp rung cảm với tim thực của mình, để đưa giới thưởng ngoạn một vài giây phút sung sướng, một khi đối diện trước tác phẩm nghệ thuật. Về thơ thì nỗi lòng của người viễn xứ trong những chuổi ngày dài trên đất lạ được diễn tả qua bài Ảo Ảnh. Bao nhiêu nghiệt ngả vui buồn lẫn lộn, qua những cơn mưa, lá đổ, tuyết rơi, hoa nở, được luân chuyển, nhưng tất cả đều là hư ảo, được ẩn hiện trong ánh sương qua bài Hạt Sương và nhìn lại trong những chuổi ngày dài, đó cũng là một dấu chấm. Để dừng chân trong bài Về Nguồn, nhưng đời đã định sẵn, mấy ai mà thực hành được vì còn nặng đời quá phải không anh ? Qua ý của bài Cát Bụi, đó là lửa của thế gian đã tiêu tan khi thần hỏa nổi lên, và lửa lòng cũng thế’’ (điện thư 25 th. 2-2005).

     Với những lời tâm sự của tác giả Nghệ Thuật Hội Họa Và Thơ  và một vài bức tranh ông gửi cho tôi trên mạng lưới, tôi biết Hoàng Vinh (họa sĩ) có thể xếp (một phần nào và nói một cách tổng quát) vào hạng biểu hiện (expressionnisme) nghĩa là một  hình thức nghệ thuật mà giá trị của miêu tả nằm toàn trong sự biểu lộ tâm tình cực điểm, và Hoàng Vinh (thi sĩ) có thể thuộc về cả hai thứ văn chương biểu hiện và ấn tượng (impressionnisme), lý do là thơ ông mặc dầu chỉ đôi nét chấm phá, nhưng luôn đậm đà, thấm thía, nhẹ nhàng, làm người đọc  bâng khuâng, rung động :
Bao lâu ước mộng ngóng nhìn trời
Cứ mãi dừng chân ở xứ người
Khoảnh khắc mây bay qua chớp nhoáng
Liên miên tuyết đổ lá vàng rơi
Đàn hay văng vẳng , theo mây gió
Rượu quý lung linh, chẳng thấy vơi
Đông lạnh thu buồn luân chuyển mãi
Trăng mờ nước cạn bạn hiền ơi
 (Viễn Xứ)

     Lúc giải bày ý kiến trong Thi Nhân Việt Nam về Anh Thơ : ‘’... thơ phải là một tia sáng nối cõi thực và cõi mộng, mặt đất với các vì sao. Thơ không cốt tả mà cốt gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình... ‘’, Hoài Thanh-Hoài Chân có ý trách móc những vần thơ thản nhiên... dửng dưng’’  của phái biểu hiện, nhưng trái lại rất ca tụng bút pháp, cách viết của các thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ muốn diễn tả rõ ràng những cảm giác thoáng qua, những biến hóa mầu nhiệm nhất của tình cảm. Bài Ngậm Ngùi sau đây,  đã làm tôi nhiều lần mơ mộng trong Vườn Hoa Luxembourg-Paris, mà theo nhà học giả Phạm Quỳnh ngày xưa (tháng 5-7 năm 1922) là nơi ‘’... phần nhiều là những hạng thi nhân họa khách  cũng như những bậc thiếu phụ nhàn sầu, đến đây để tiêu sầu khiển hứng...’’ (Nam Phong Tùng Thư), khi ngồi trên phiến đá văng vẳng nghe đâu đây giọng ca Baryton của Yves Montand qua Lá Vàng Rơi Rụng (Les Feuilles Mortes) và tiếng hát Soprano tuyệt vời của nữ danh ca Thái Thanh trong Mùa Thu Không Trở Lại của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu :
Thu về chạnh nhớ cảnh chia phôi
Mây trắng lang thang khắp đỉnh đồi 
Viễn xứ bao năm còn cách trở
Quê nhà ngàn dặm vẫn xa xôi
Mỏi mòn ẩn dật, theo ngày tháng
Ngơ ngẩn sầu đau phận nổi trôi
Dằn vặt thâu canh mi ước lệ
Tàn thu lá rụng cũng đành thôi
Như Hoàng Vinh đã nói trên : ’’... nỗi lòng của người viễn xứ trong những ngày dài trên đất lạ được qua bài Ảo Ảnh’’ (chuyển Anh ngữ được hội ’’The International Library Poetry’’ tuyển lựa cho vào trang 1 trong Thi tập Touch Of Tomorrow  và The Best Poems and Poets), ở đây lời thơ không những gợi tình gợi cảnh mà tác giả còn nhờ vạn vật chứng minh, tương tự LAMARTINE trong LE LAC (Hồ Kỷ Niệm) lúc nhà thi hào Pháp diễn tả nỗi lòng mình với ngoại cảnh  (Ô temps, suspends ton vol ! et vous, heures propices, Suspendez votre cours ! Laissez-nous savourer les rapides délices, Des plus beaux de nos jours !... ) :
Ôi thời gian, xin ngừng bay, đứng lại !
Giờ phút thần tiên, xin cũng ngưng trôi
Cho chúng ta thưởng thức không ngần ngại
Những hạnh phúc tươi đẹp của cuộc đời !...
     Trong kiếp lưu vong trên đất khách, Hoàng Vinh cũng như phần đông đồng bào hải ngoại, cứ ‘’Chiều chiều ra đứng cửa sau,  Hướng về quê mẹ ruột đau chín chìu’’, than thở với trời đất, mây gió... muốn làm thân con chim giang hồ (Sương mù lãng đãng lững trôi / Suối reo rí rách, lưng đồi đơm hoa / Cá vàng lấp lánh từ xa / Phượng Hoàng vương vũ thoáng qua nhịp nhàng : Phượng Vũ -thơ và bức tranh  ‘’Phượng Vũ Bên Bờ Suối’’) đặng bay về cố quận là nơi đã một thời gia đình hạnh phúc :
Nhìn lên thấy áng mây bay
Mây thời giỡn gió, đắng cay não nề
Mây ơi kết lại gần kề
Đừng bay tản mác ruột về với gan
Mắt xem như đã tràn lan
Tâm can quằn quại thở than trăm chiều
Gió đâu thổi đến càng nhiều
Để cho cánh nhẹ nương dìu bay xa
Tâm thời phảng phất bao la
Lâng lâng vương vưởng thoáng qua theo về
Trên cao mây gió bốn bề
Bay qua hướng mẹ nhìn về tổ tiên
Niềm mơ giấc mộng triền miên
Cảnh này hiện đến tâm liền xuất ngay
Phải chăng cảnh ấy thật đây
Thì xin ở đó đừng bay phương nào

     Lúc trở lại thăm kinh thành Huế sau 25 năm xa cách, tương tự hai chàng Lưu, Nguyễn sau một thời an bình nơi tiên cảnh... tìm lại người xưa nay không còn nữa mà ngay cảnh vật cũng đã nhiều đổi thay :
Hương giang mặt nước lững lờ
Thuyền kia lơ lửng đang chờ đợi ai
Tiếng reo văng vẳng bên tai
Người xưa cảnh cũ hỏi ai đợi chờ
Gió khua cành lá vu vơ
Bóng mờ rũ xuống dật dờ nước đưa
Người về nhìn lại cảnh xưa
Niềm thương nỗi nhớ vẫn chưa tỏ bày...

       Trong những chuổi ngày dài trên đất lạ, hướng về quê mẹ từng giây phút, Hoàng Vinh bao giờ cũng đặt niềm hy vọng trong tương lai huy hoàng của tổ quốc. Dù cuộc thế thăng trầm, dù thời gian hạn định, lòng yêu mến tự do nung nấu mãi tâm can, rèn luyện tinh thần bất khuất phục của con cháu Lạc Hồng:
Trời cao đất rộng xa vời
Nhìn mây theo gió chuyển lời đó đây    
Mai kia ánh nắng tràn đầy
Trường Tiền bao nhịp tỏ bày Hương Giang
Phượng thời vương cánh từng hàng
Đơm hoa nở nhụy vô vàn sắc hương
Ngậm ngùi mà cảm mến thương
Dòng sông cứ mãi vấn vương cội nguồn 
(Hương Giang Bến Cũ)

      Thơ Về Nguồn  của thi sĩ Hoàng Vinh được họa sĩ Hoàng Vinh liên tưởng qua bức họa bằng dầu với chủ từ hai câu thơ : ‘’Thoáng qua như ánh nhiệm mầu, Tịnh tâm chuyển biến chiều sâu tỏa mờ’’,  gồm cả thảy tám câu rất Từ Bi :
Một bước ra đi ngàn vạn ý
Dừng chân lại, tự nhủ lòng mình
Phong sương ấp ủ nào ai thấy
Lỡ bước sa chân vọng nẩy sinh
     Trời cao biển rộng mịt mù khơi
     Ẩn dật  từng giây chuyển bóng mờ
     Phù du ảo mộng đều là huyễn
     Trở về thực tại lúc ban sơ

     Đạo Phật   ảnh hưởng một phần nào trong thơ Hoàng Vinh vì ‘’có khuynh hướng vào đời bằng cách thoát khỏi những dây ràng buộc của đời’’ (Hạo Nhiên Nghiêm Toản), có nghĩa là cuộc thế toàn là hư ảo, cửa Phật  ai cũng vào được ‘’cho nên cửa Phật cũng gọi cửa Không’’ (cùng tác giả) :
... Thực ảo loáng qua như ảo mộng
Gió se nhè nhẹ giữa mùa đông
Lập lòe bóng lộng, sương tan rả
Thức tỉnh bình tâm vốn tánh không !
(Hạt Sương)

Cũng như trong ‘’Cát Bụi’’mà theo nhà thơ ‘’đó là lửa thế gian đã tiêu tan  khi thần hỏa nổi lên, và lửa lòng cũng thế’’ : ‘’Khói mây mù mịt phủ âm u / Cảnh ấy nào ai chẳng ngậm ngùi / Thực ảo tung bay theo gió bụi / Không !’’

     Tương tự Wassily Kandinsky trong những thập niên đầu thế kỷ 20, họa sĩ Hoàng Vinh đã bước vào lãnh vực của hội họa trừu tượng (peinture abstraite), và nhà thơ cũng theo gót người họa sĩ trong một bài ‘’Rừng Hoang’’ tuy ngắn nhưng không kém phần ngụ ý , sâu xa :
Nắng về hoa lá đua chen
Thu về lá úa vàng xen lẫn vào
Đượm màu thắm sắc xôn xao
Thoáng qua gió lộng mòn hao ngỡ ngàng 

      Chính ngay tác giả cho ta biết rằng  ‘’bức tranh trừu tượng (lấy tên Ngơ Ngác Dưới Lá Vàng Rơi ) đã vẽ rừng hoang lá đổ dưới độ thu về’’, tượng trưng bởi hai câu thơ chủ từ ‘’Rừng hoang gió thoáng vu vơ, Lá vàng nắng úa ngẩn ngơ hiền hòa’’. Bức tranh Hoa Trên Đỉnh Rừng Hoang với chú giải : Rừng hoang khấp khểnh lưng đồi, Dây leo phiến đá đớm chồi nở hoa  làm tác phẩm được thêm nhiều thi vị, mặc dầu nghệ thuật trừu tượng không miêu tả thế giới hữu tình (hiện thực  hay tưởng tượng) : người nghệ sĩ ở đây  chỉ lấy nguyên liệu, đường kẽ và màu sắc làm vật dụng tả tình hay tả cảnh...

     Trở lại nhà thơ nữ Anh Thơ, tác giả ‘’Bức Tranh Quê’’ trong đó có bài Chiều Xuân : ‘’Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng / Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi / Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng / Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời / Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ / Đàn sáo đen xà xuống mổ vu vơ / Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió / Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa...’’, làm tôi  nhớ lại  Hoàng Vinh trong Xuân , nhưng với tác giả Nghệ Thuật Hội Họa Và Thơ  và  hai câu cuối đầy ý nhị của bài thơ trích sau, ta có cảm tưởng ngay tạo hóa cũng đượm tình thi nhân trong vắng lặng : 
Xuân về hoa nở tận vườn sau
Óng ả đua chen đủ các màu
Cúc Đóa tỏa hương, theo ánh nắng
Mai vàng óng ánh, cả chiều sâu
Chim reo văng vẳng từ xa lại
Bướm lượn xôn xao khắp đỉnh đầu
Phảng phất hương hoa thơm dịu ngọt
Chập chùng ẩn hiện loáng qua mau 

     Thật đúng như Hoài Thanh-Hoài Chân đã nói, một khi nhà thơ ‘’... chịu đi ra ngoài lối tù túng đó để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, lời thơ bỗng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan khoái biết bao. Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì : có lẽ là hồn thi nhân ‘’. Còn nhiều bài rất đẹp trong Thi Họa Phẩm Hoàng Vinh, mà tôi không hết lời khen ngợi, xin quý độc giả  thân hữu của nhà thơ đón đọc và thưởng thức trong giây phút thảnh thơi, hoặc tại tư thất của thi họa sĩ ở thành phố Santa Monica (California-Hoa Kỳ) mà ông miêu tả trong ‘’Nhà Tôi’’, có đoạn cuối như sau về vườn hoa tuyệt mát mùa hè và nơi làm việc của nhà thi họa sĩ :
... Hoa xanh lẫn tím dàn chào
Chen nhau đua sắc phủ vào lối xe
Chung quanh cây trái lập lòe
Hoa đào hoa mận loe xoe nở bừng
Vườn sau bụi trúc cùng chung
Vươn lên choán cả một vùng trời xanh
Gần bên lại có phòng tranh
Gặp vui chấm phá đôi canh hưởng nhàn
Bạn bè vui đến luận bàn
Cùng nhau hí hả nhịp nhàng vui chơi.

                                                                                                                    Lê Mộng Nguyên (Paris)



  

No comments: