Tuesday, September 4, 2012

TS. LÊ ĐÌNH CAI * THẾ HỆ TRẺ

Thế Hệ Trẻ và Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại
Lê Đình Cai

Ghi chú của Tòa Soạn: Bài thuyết trình này được GS Lê đình Cai trình bày trong Đại Học HÈ
khóa VII tổ chức tại Violau thuộc Đức Quốc từ ngày 2/8 đến 10/8 gồm hơn 150 sinh viên từ
khắp các quốc gia Âu Châu ( như Pháp, Ý,Đức , Hòa Lan ,Tây Ban Nha , Bỉ , Đan Mạch ,Thụy Sĩ ,
Na Uy ...) về tham dự (bài này tòa soạn cố ý đặt bên cạnh bài của GS Vũ Quốc Thúc để làm
sáng tỏ vấn đề thế hệ trẻ Việt Nam Hải Ngoại).
Philippe Vostok trong The Youth And Its Nation đã ghi nhận "The future of a nation quite
belongs to its youth" (tương lai của một đất nước hoàn toàn tùy thuộc vào giới trẻ). Quả
đúng thế, khi một quốc gia có chính sách đầu tư đúng đắn và ưu tiên cho lớp trẻ thì quốc
gia đó, tương lai chắc chắn là hùng cường và ngày càng phát triển. Trái lại khi nhà cầm
quyền không có sách lược đặt ưu tiên trong việc đào tạo lớp trẻ thì xã hội ngày mai sẽ
phát triển què quặt và thiếu đồng bộ.
Thử nhìn vào hệ thống giáo dục của cộng sản hiện nay trên đất nước mình thì sẽ thấy
thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai sẽ đi về đâu?
Giáo sư Nguyễn Văn Trần đã đưa ra nhận xét: "Chánh quyền giáo dục ở Việt Nam không
quan niệm dạy học là trang bị cho tuổi trẻ đủ hiểu biết để tham gia phục vụ đất nước, mà là
để cấp phát cho những người cần được đãi ngộ một cái bằng để bảo đảm cho người ấy một
địa vị xã hội nhất định, bất cần năng lực của họ ra sao. Năng lực phục vụ được gọi là
chuyên, còn thành phần xã hội được coi là tiêu chuẩn đỏ. Mà đỏ là chính còn chuyên là phụ". (1)
Những ai đã ở Việt Nam sau khi cộng sản Hà Nội cầm quyền (1975) đều biết rõ rằng
trong kỳ thi tuyển vào đại học hàng năm, một anh thí sinh (con cái của gia đình đi học tập
cải tạo) đạt số điểm 30 cho ba môn thi vẫn không vào đại học được, trong khi con cái đảng
viên chỉ cần 8 hay 9 điểm (cho ba môn thi) cũng đương nhiên được xét tuyển. Một sự suy
thoái nghiêm trọng trong chất lượng đào tạo từ trung học và đại học sẽ đưa đến một
thành phần lãnh đạo què quặt trong tương lai như thế nào, chắc ai cũng biết rõ.
Nay trở lại với thành phần trẻ trong cộng đồng ở hải ngoại và vai trò cùng trọng trách của
họ như thế nào đối với địa phương họ đang sống (Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại, Đức...)
và còn đối với tiền đồ tăm tối của quê Cha đất Tổ thì sao?
Nhìn chung, trong lịch sử, một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn diện xã hội chỉ có thể xảy
ra với vai trò tiên phong là lớp người thanh niên đầy nhiệt huyết. Chưa nói đến sự
thành công, sự dấn thân mang tính triệt để bao giờ cũng khởi đi từ lớp người trẻ.
Nguyễn Thái Học lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng khi thực hiện cuộc tổng nổi dậy ở Yên
Bái vào đêm 10, rạng ngày 11 tháng 02 năm 1930 để lật đổ ách thống trị của thực dân
Pháp thì tuổi đời mới chỉ chưa đầy 28 tuổi. Trương Tử Anh khi được bầu làm đảng trưởng
Đại Việt năm 1939 cũng chỉ mới 25 tuổi đầu (sinh năm 1914). Mười ba vị liệt sĩ lên đoạn
đầu đài ở Yên Bái (2), người lớn tuổi nhất là Bùi Tư Toàn (nông dân), 37 tuổi, đa số dưới 25
tuổi, người nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Như Liên (học sinh) mới 20 tuổi. Những con người đó
đã đi vào lịch sử bằng tất cả hào quang chói lọi và bằng tấm lòng sắt son của lớp người trẻ
dấn thân vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc.
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, ngày đen tối của toàn miền Nam, đất nước lại như đắm
chìm trong hỏa ngục đỏ. Những con người hiên ngang đứng dậy để tạo dựng cơ đồ cũng
là những thanh niên đầy nhiệt huyết và tuổi đời còn rất trẻ. Người thanh niên ấy, chủ
tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, Trần văn Bá, đã hiên ngang bước vào cái chết
khi tìm cách về nước để lãnh đạo phong trào võ trang bạo động lật đổ bạo quyền. Anh gục
ngã bên cạnh biết bao đồng chí trẻ khác để tô thắm thêm một nét đẹp hào hùng của tuổi
trẻ Việt Nam. Gần chúng ta nhất, ở hải ngoại, đã nổi bật nhiều khuôn mặt rất trẻ, đang
tiếp nối cha anh trong sứ mệnh lật đổ bạo quyền cộng sản ở quê nhà. Sự hiện diện của
tầng tầng lớp lớp thanh thiếu niên trong cuộc biểu tình chống lại vụ Trần Trường (treo cờ
đỏ của cộng sản Hà Nội) ở Nam Cali cách đây hai năm, và hàng trăm cuộc biểu tình khác
nữa lên tiếng đòi hỏi nhân quyền và dân chủ cho 80 triệu người dân trong nước, lớp trẻ
vẫn là thành phần chủ động.
Tổng Đoàn Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu là một tổ chức tiêu biểu có kỷ luật, đầy lý tưởng
quốc gia cao đẹp, tiếp bước cha anh (vốn là cựu sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt, một ngôi
trường được coi là lớn nhất vùng Đông Nam Á thời bấy giờ). Các tổ chức của lớp trẻ khác
đều đã xuất hiện ở khắp các châu lục như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại... Gần đây, sự xuất
hiện của những người trẻ dấn thân ở trong nước như luật sư Lê Chí Quang, nhà báo
Nguyễn Khắc Toàn, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, song song với lớp trẻ hải ngoại đang đấu tranh
cho lá cờ biểu tượng chính nghĩa quốc gia (cờ vàng ba sọc đỏ)như luật sư Trần Thái Văn,
luật sư Nguyễn Quốc Lân, nghị viên trẻ tuổi Andy Quách, là điều đáng mừng cho cộng
đồng Việt Nam hải ngoại chúng ta.
Tóm lại, ai cũng trông chờ, kỳ vọng rằng tuổi trẻ sẽ tạo dựng vận hội mới cho đất nước. Khi
lớp trẻ này, cả vạn con tim hòa cùng nhịp đập, cùng cất cao lời nguyện thề giải phóng núi
sông thì chắc chắn bạo quyền cộng sản sớm muộn rồi cũng bị đẩy lùi vào bóng tối.
Những người trẻ hiện nay là ai? Và họ có thể làm gì cho một cộng đồng Việt Nam hải
ngoại tương lai? Vai trò của họ trong cuộc chiến đấu giải phóng Tổ Quốc ?

I.- Thành phần trẻ trong cộng đồng việt nam hải ngoại được hiểu như thế nào?

Vào tháng 4-1975, khi miền Nam sụp đổ, lớp đàn anh của chúng ta sinh ra vào những năm
của thập niên 1930, nghĩa là tuổi đời của họ khi mất nước, thì đều trên 40 tuổi. Họ chính là
lớp người nắm vận mạng miền Nam trong các chức vụ lãnh đạo guồng máy công quyền
như tổng thống, thủ tướng, tổng bộ trưởng, tổng giám đốc, giám đốc, các nghị sĩ, dân biểu,
các tỉnh trưởng, quận trưởng, các sĩ quan cấp tướng, tá.... Lớp người này phải chịu trách
nhiệm nặng nề về việc để mất miền Nam vào tay cộng sản.
Thế hệ chúng tôi, thế hệ sinh ra thuộc thập niên 1940, cũng đã được thử thách, tôi
luyện trong các môi trường đại học và cũng đã trực tiếp tham dự vào các chuyển động
lớn lao của lịch sử vào các năm đầu và giữa của thập niên 1960. Chủ tịch Tổng Hội Sinh
Viên Sài Gòn (1964-1965) với tinh thần quốc gia bất khuất đã phải bị chôn sống một cách
tức tưởi khi về Huế thăm gia đình trong biến cố tàn sát Mậu Thân (1968) của cộng sản
Hà Nội, đó là anh Lê Hữu Bôi, một biểu tượng dấn thân vì đại cuộc, vì chính nghĩa quốc gia
của lớp người trẻ.
Khi chúng tôi sắp bước vào tuổi "tứ thập nhi bất hoặc", nghĩa là cái tuổi sắp sửa đưa vai
gánh vác thay thế lớp đàn anh trên một chặng đường lịch sử, thì hầu hết chúng tôi bị
lùa vào trại cải tạo cùng với thế hệ đi trước. Và khi ra khỏi trại tù, lớp đàn anh đều trên
dưới lớp tuổi "tri thiên mệnh", còn chúng tôi, trẻ nhất cũng đã 40 tuổi trở lên. Và nay trên
xứ người, sau nhiều năm lưu lạc (nếu tính cho tròn con số) thì cũng đã hơn 60 tuổi cả
rồi. Đàn anh thì đều 70 đến 80 tuổi, riêng lớp chúng tôi đâu còn trẻ trung gì nữa. Cuộc
chạy đua tất bật với cuộc sống vật chất trên xứ người đã làm cho chúng tôi đều gối mỏi,
chân mòn. Có còn chăng là một ít kinh nghiệm với cộng sản khi còn ở trong nước đem ra để
tâm sự cùng với những người bạn trẻ.
Cho nên thế hệ trẻ hiện nay ở hải ngoại phải kể đến lớp tuổi của những người sinh ra
trong thập niên 1950, 1960, và các con em của chúng ta sinh ra sau 1970, đặc biệt là
những người sinh ra từ sau 1975 trở lại đây. Tất cả các thành phần tuổi tác đó kết hợp
lại được gọi là thế hệ trẻ của cộng đồng hải ngoại này. Trung niên là các bạn trẻ thuộc
lứa tuổi của các năm 1950, 1960. Trẻ hơn nữa là các bạn thuộc thế hệ 1970, 1980.
Quả thực, chúng tôi hết sức âu lo mỗi khi nghĩ đến tham dự sinh hoạt trong các hội
đoàn, từ ban đại diện Cộng Đồng, cho đến hội Ái Hữu các cựu tù nhân chính trị, hội Võ Bị
Đà Lạt, hội Ái hữu SVSQ/TB/ Thủ Đức, hội cựu SVSQ Cảnh Sát... nhìn thành phần tham dự,
toàn các vị bô lão, hay xấp xỉ cỡ tuổi 60 trở lên, rất ít các em thanh thiếu niên trẻ tuổi
đến tham dự cùng chúng ta. Ngày tháng dần qua, con số tham dự ngày càng ít đi. Liệu
rồi một ngày nào đó trong vài năm sau, con đường của chúng ta đi hôm nay có còn nhiều
người đủ trẻ trung và sức lực để tiếp nối, nếu chúng ta không nghĩ đến ngay bây giờ
"trao đuốc" lại cho thế hệ con cháu chúng ta: lớp người trẻ ở hải ngoại trong trách
nhiệm lãnh đạo cộng đồng.

II.- Sự hình thành và thực trạng cộng đồng việt nam hải ngoại

Trước năm 1975, khi chưa có phong trào tỵ nạn ào ạt, số người Việt ở nước ngoài rất ít,
bị chìm đi trong các xã hội mà họ đến cộng sinh. Nhưng kể từ 30-04-1975 khi miền Nam
rơi vào tay cộng sản Hà Nội thì luồng sóng vượt biên tỵ nạn ngày càng đông, cho đến
bây giờ con số người Việt ở hải ngoại đã lên đến gần 3 triệu người, trong số đó ở Hoa
Kỳ (hơn 1 triệu), Pháp (400.000), Gia Nã Đại (150.000), Úc (160.000), Đức (100.000), Trung
Quốc (300.000), Cambodia (300.000), Anh Quốc (25.000), Bảo Gia Lợi (25.000), Albania
(20.000), Bỉ (7.000), Tiệp Khắc (7.000), Đan Mạch (5.000), Áo Quốc (3.000), Phần Lan
(3.000), Cuba (2000), Algeria (1.000), Ba Tây (1.000), Ai Cập (1.000), Hy Lạp (700), Á Căn
Đình (500), Bangladesh (500), Chí Lợi (500), Colombia (500), Estonia (300), Andorra (100).
(3)
Với con số thành viên người Việt đông đảo như vậy, nên cộng đồng người Việt khắp nơi
trên thế giới, tùy theo từng thành phố, bang, miền.... đã dần dần thành lập những ban
đại diện cộng đồng, các hội đoàn ái hữu (đồng hương, đồng nghiệp, đồng ngành...) để
sinh hoạt, tương trợ, thăm hỏi và gắn bó với nhau trong tình nghĩa đồng bào ruột thịt.
Các tổ chức cộng đồng và ái hữu ngày càng lớn mạnh trên nhiều mặt. Khởi đầu cho những
hội đoàn này, giới chức lãnh đạo thường là những người lớn tuổi và thành phần tham dự
cũng thường là thành phần mà tuổi đời ngày càng chồng chất, lớp trẻ quả thật hiếm
thấy trong các dạng sinh hoạt này. Nhìn chung, sau gần 30 năm lưu lạc xứ người, cộng
đồng Việt Nam hải ngoại ngày càng bành trướng và uy thế của cộng đồng cũng ngày
càng ảnh hưởng lớn mạnh trên các giới chức công quyền ở trung ương và các địa phương.
Tuy thế, từ bên trong, ai cũng thấy rõ là sự chia rẽ ngày càng nghiêm trọng và khiến sức
mạnh cộng đồng phải bị suy giảm.
Hai cộng đồng lớn nhất ở hải ngoại nằm ở vùng Orange County (Nam California) và ở vùng
Bắc Cali (San Jose) với số thành viên người Việt lên đến cả vài trăm ngàn người. Thế
mà những năm gần đây đã phải vỡ làm đôi với hai ban đại diện cộng đồng thường xuyên
đối nghịch nhau và đã khiến khối cộng đồng người Việt quốc gia cũng chia làm hai:
phe ủng bộ ban cộng đồng này, phe ủng hộ ban cộng đồng kia. Đó là một thực trạng đáng
buồn và là nỗi lo chung cho những ai hằng ưu tư về vận hội đổi thay ở quê nhà. Nguyên
nhân đưa đến tình trạng chia rẽ này không phải khó khăn lắm mới nhận ra. Nó phát xuất
từ sự phân hóa nội bộ do thiếu tin cậy lẫn nhau, do từ đố kỵ và cũng do từ nhận thức
khác biệt về nhiều vấn đề, phần khác do từ chủ trương đánh phá ngày càng tăng của phe
cộng sản Hà Nội (qua hình thức cài người, mua chuộc bằng tiền bạc, v.v...)
Tuy vậy, tình trạng này không phải là không thể vượt qua được. Ở Nam Cali trong các cuộc
bầu cử ban đại diện nhiệm kỳ này hy vọng sẽ đi tới thống nhất và ở Bắc Cali cũng thế,
nhiều yếu tố xây dựng đang nảy mầm và sự cảm thông đang mở ra chân trời mới cho sự
tiến tới một ban đại diện cộng đồng duy nhất. Sức mạnh cộng đồng Việt Nam ở hải
ngoại, nhất là cộng đồng tại Hoa Kỳ nếu đoàn kết vững chắc sẽ tạo tiếng nói và tạo
trọng lực rất lớn trong các sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ từ cấp liên bang đến các tiểu
bang, quận hạt và các thành phố.
Cho nên, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một nhà bác học không gian với tăm tiếng lẫy lừng,
đã nhận xét về lớp người trẻ:
"... Một phạm vi hoạt động mới mẻ mà chúng ta nay bắt đầu bước vào, và cũng do sự dấn thân
của các bạn trẻ, là tham gia vào hoạt động chính trị trên đất nước tự do và dân chủ là Hoa Kỳ.
Chính vì nay chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, cả hai thế hệ, những người Việt Nam đi
tiên phong trong cuộc di cư sang nước người, và thế hệ thứ hai, con em của chúng ta, đều
đã có những đóng góp xứng đáng vào đất nước trú ngụ và được quần chúng Hoa Kỳ lưu ý tới
và tỏ lòng tín nhiệm, mà cùng với thiên niên kỷ mới, cộng đồng người Việt đã bước sang giai
đoạn mới, và chuyển hướng hành động. Người Việt di cư, nay đã là công dân Hoa Kỳ, chúng
ta có thể hoạt động để trở thành những người đại diện, không phải chỉ cho riêng cộng đồng
người Việt mà thôi, mà là đại diện chung cho mọi người khi được dân chúng tín nhiệm qua
các cuộc bầu phiếu." (4).
Chúng ta không bi quan, trái lại rất là lạc quan vì vai trò của lớp người trẻ trong cộng đồng
Việt Nam hải ngoại này. Chính lớp người trẻ này chứ không ai khác sẽ là chất keo gắn chặt
lại các thành phần trong cộng đồng hải ngoại thành một khối. Họ được giáo dục trong một
nền giáo dục thực tế và hiện đại, Họ không có những mặc cảm hay ràng buộc của quá
khứ để níu chân họ lại trong những suy tư thủ cựu hẹp hòi. Họ thông hiểu được cuộc đấu
tranh chính nghĩa của cha ông, họ hiểu được tại sao họ có mặt tại nơi này, nơi xa quê
hương Việt Nam cả một đại dương rộng lớn, họ hiểu trách nhiệm của chính họ đối với
cộng đồng mà họ đang sống và họ hiểu sứ mạng đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở
quê hương. Hãy tin cậy họ, hãy đặt niềm tin vào họ. Họ sẽ tiếp nối bước chân của cha
anh để tiếp tay với lớp trẻ ở quê nhà cởi bỏ xiềng xích cộng sản đang đày đọa dân tộc
trong đói nghèo và lạc hậu.
III.- Xin lớp trẻ hãy nhận lãnh trách nhiệm và sẵn sàng dấn thân.
Tôi xin được đồng ý hoàn toàn với phát biểu của người bạn thân và là người đồng chí cũ của tôi, anh Phùng Ngọc sa trong
bài viết: "Thực trạng cộng đồng người Việt tại hải ngoại". (5):
"... Trước hết, chúng tôi đề nghị những vị cao niên, đặc biệt những người đã tham gia trong các thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa nên rút lui vào hậu trường sân khấu chính trị để nhường bước cho những thế hệ mới. Những người cũ, dù trước kia có làm tốt đến đâu chăng nữa, cũng đã ít nhiều mang tiếng và làm mất niềm tin của đồng bào, cũng đã có một thời cầm cờ nhưng phất không nổi. Hơn nữa, sau mấy chục năm qúy vị đã luống tuổi, sức đã mòn, hơi đã cạn, những nhận thức của qúy vị khó bắt kịp với những chuyển biến hiện đại, những phản ứng của qúy vị không còn linh hoạt và thích nghi với những biến chuyển mau lẹ và không lường trước được.
Sự rút lui của qúy vị không phải là một việc phủi tay từ bỏ trách nhiệm hoặc khoanh tay đứng nhìn thời cuộc, sự rút lui của qúy vị chỉ là một sự phối trí lại phương thức hoạt động. Các vị lui vào hậu trường sân khấu chính trị và đem tất cả kinh nghiệm, thành cũng như bại, trong cuộc đời chính trị của qúy vị mà truyền lại cho thế hệ trẻ. Các vị sẽ tình nguyện vào hàng ủy ban cố vấn của cộng đồng, tình nguyện vào ban cố vấn của các hội đoàn, hiệp hội để cố vấn giúp đỡ đám con cháu, đám trẻ, tránh được những sai khuyết mà qúy vị đã trải qua, giữ cho cộng đồng được thuần nhất, giữ cho truyền thống Việt tộc, uốn nắm đám trẻ mỗi khi thấy có sự chệch hướng. Công tác phục vụ đất nước của qúy vị không phải là nhỏ và trách nhiệm của qúy vị cũng khá lớn".
Lời đề nghị tha thiết của anh Phùng Ngọc Sa vang lên từ mùa Xuân 1998. Đã năm năm trôi qua mà thực trạng của cộng đồng cho đến nay vẫn cứ còn chia rẽ vì quả thực chúng ta, lớp người trên 60 tuổi, vẫn chưa tỏ ý rút lui để nhường lại vai trò lãnh đạo cho giới trẻ.
Giới trẻ của chúng ta ở hải ngoại nay đã trưởng thành và họ đã bắt đầu hiện diện trong dòng chính lưu của đời sống sinh hoạt chính trị trên các quốc gia mà họ hiện sống như Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp, Gia Nã Đại, Đức.... Ở đâu, lớp người trẻ cũng tỏ ra có khả năng, thiện chí và lòng hăng say. Tiến sĩ Đinh Phụng Việt mới 32 tuổi đã được Tổng thống George W. Bush đề nghị với Quốc Hội Hoa Kỳ để bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Tư Pháp và chính anh là người có công soạn thảo đạo luật "Patriot Act" nhằm tăng cường bảo vệ an ninh Hoa Kỳ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York.
Tuổi trẻ của cộng đồng chúng ta đang thực sự đối đầu trực diện với cộng sản trên nhiều mặt trận, nhóm "Tuổi Trẻ Lên Đường" trong "Mạng Lưới Nhân Quyền" đang phát động rầm rộ cho chiến dịch đấu tranh nhân quyền về trong nước, họ đang xử dụng kỹ thuật thông tin hiện đại để chọc thủng bước tường lửa của chế độ độc tài đảng trị Hà Nội. Chính lớp người trẻ trong Tổng Đoàn Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu (con cháu của cựu SVSQ trường VBQGVN ở Đà Lạt) đã vận động thành công và được Quốc Hội tiểu bang Virginia thông qua hai nghị quyết vào đầu tháng 3 năm 2002.
1.- Nghị quyết SJ. 137 công nhận ngày 30-04-2002 và mỗi năm sau đó là "Ngày Tưởng Nhớ Của Người Việt Quốc Gia" (National Vietnamese Remembrance Day).
2.- Nghị quyết SJ. 139, công nhận ngày 19-06-2002 và mỗi năm sau đó là "Ngày Chiến Sĩ Việt Nam Tự Do" (Vietnamese American Freedom Fighter Day).
Chính luật sư Trần Thái Văn, phó thị trưởng thành phố Garden Grove (bang California), nghị viên Andy Quách của thành phố Westminster (CA) cùng luật sư Nguyễn Quốc Lân là những lớp người trẻ tiên phong, có công đầu trong việc vận động "Nghị quyết công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là cờ chính thức đại diện cho cộng đồng Việt tỵ nạn", khởi đầu thành công
cho cả chiến dịch vận động cho cờ vàng ba sọc đỏ trên toàn các thành phố lớn của nước Mỹ, và mới đây tại tiểu bang Louisiana, Quốc Hội Hạ và Thượng viện đã đồng thanh biểu quyết công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là cờ của cộng đồng Việt tỵ nạn trên đất Hoa Kỳ. Lại thêm một thắng lợi rất lớn cho chính nghĩa quốc gia mà lớp trẻ Việt Nam hải ngoại đã đóng
góp tích cực.
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng nghe nói đến rất nhiều gương tuổi trẻ thành công ở rất nhiều tiểu bang khác, ở các quốc gia khác, ngoài Hoa Kỳ, như ở Úc, Pháp, Gia Nã Đại chẳng hạn, nhưng tiếc là cho đến khi viết bài tham luận này, vì sự gấp gáp của thời gian nên đã không thu thập được đầy đủ các dữ kiện để trình bày trong bài này (quả là điều đáng tiếc!).
Chắc chắn là giờ đây sau gần 30 năm lưu lạc trên xứ người, cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã vươn lên một cách mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tích sáng chói, trong đó những người trẻ khi rời đất nước ra đi chỉ là những cô cậu còn bé tẹo nay đã trưởng thành nơi quê người với thế đứng chính trị rất vững chãi trên các quốc gia định cư, tạo được ảnh hưởng mạnh vào
chính sách đối ngoại với giới cầm quyền Hà Nội, từ giới lãnh đạo các cường quốc lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Úc, Gia Nã Đại, v.v... Điều này sẽ dẫn đến nhiều thành quả lớn lao hơn cho các phong trào đòi nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam từ các cộng đồng Việt trên toàn thế giới. Điều này khiến lớp đàn anh lớn tuổi càng tin cậy nhiều hơn vào giới trẻ. Bây
giờ quả là đúng lúc, thế hệ đàn anh hãy trao ngọn đuốc đấu tranh cho thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta khuyến khích, thúc đẩy lớp trẻ sẵn sàng để nhận lãnh trách nhiệm.
Chúng tôi xin đề nghị trước hết lớp trẻ phải ra gánh vác công việc cộng đồng bằng cách ra ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo Ban Đại Diện Cộng Đồng và các Hội Đoàn Ái hữu khác....
Hiện nay cuộc bầu cử ban đại diện cộng đồng nào cũng dựa theo nội qui ấn định từ trước. Cơ chế ban đại diện cộng đồng tùy nơi, tùy địa phương để thay đổi, nhưng cơ bản có thể có hai cơ quan: hội đồng đại biểu và hội đồng chấp hành. Hội đồng chấp hành gồm chủ tịch, phó chủ tịch (1 hay 2 người), tổng thư ký, các hội viên... Thường trong sinh hoạt hiện nay chủ tịch ban chấp hành đóng vai trò nổi bật nhất. Vậy, nên chăng để khuyến khích lớp trẻ, cần đặt ra điều kiện tuổi tác (chẳng hạn như dưới 50 tuổi mới có quyền tranh chức chủ tịch và phó chủ tịch...). Sở dĩ chúng tôi đề nghị dưới 50 tuổi vì nếu trở về mốc giới của Tháng Tư Đen 1975, thì lớp người trẻ này, hồi đó cũng chỉ mới bước vào ngưỡng cửa đại học, có nghĩa là họ không chịu trách nhiệm gì cả về quá khứ thua cuộc của lớp già chúng ta (thế hệ 60, 70 trở lên).
Chỉ một sửa đổi về tuổi tác này thôi, xuất phát từ thiện chí và lòng thành của lớp người lớn tuổi, lớp trẻ sẽ càng thấy được khích lệ, được tin cậy và họ sẽ nhận rõ trách nhiệm của chính mình đối với tiền đồ của cộng đồng, của quê hương mà đồng lòng kê vai gánh vác trọng trách trong giai đoạn chuyển tiếp này (ở đây, vai trò truyền thông rất là quan trọng, hy vọng các
báo chí và các cơ quan truyền hình, truyền thanh đồng yểm trợ cho cuộc vận động trao quyền lãnh đạo cho giới trẻ trong một chiến dịch phát động rầm rộ trên toàn các cộng đồng Việt. Các bậc phụ huynh, các lớp đàn anh cũng phải tích cực vậnđộng, thúc đẩy giới trẻ tham dự vào các cuộc bầu cử, ứng cử....)
Hy vọng một sinh khí mới, một luồng gió mới, một thành phần lãnh đạo mới với viễn kiến mới sẽ đẩy đưa cộng đồng Việt Nam hải ngoại cất cánh và sẽ góp phần tích cực vào việc đẩy lùi bóng tối, đẩy lùi bạo lực, đói nghèo và lạc hậu mà chế độ cộng sản nghiệt ngã đang áp đặt lên đầu lên cổ nhân dân ở quê nhà.
Chú thích:
(1) Nguyễn Văn Trần "Một cái nhìn về Giáo Dục và Y Tế", đăng trong Thời Báo, số 3582, thử Bảy và Chủ Nhật, ngày 28,
29-06-03.
(2) Cao Thế Dung "Việt Nam Huyết Lệ Sử", nxb Đồng Hướng, New Orleans (Louisiana) 1996, tr. 604
(3) Theo tài liệu trong bộ Video "Tình Ca 75-95 Chọn lọc" (Cuốn 2 - phần cuối) do Asia Entertainment, Inc. phát hành năm 1995. Trong bản ghi nhận này không thấy Asia Ent, Inc. đề cập đến số người Việt ở Thái Lan, Lào.... mà con số này chắc chắn là không ít hơn cộng đồng Việt ở Cambodia. Vả lại, đây là con số cách đây gần 10 năm (1995), bây giờ con số người Việt chắc chắn đông đảo hơn nhiều. Tiếc là chúng tôi chưa có con số thông báo chính xác.
(4) GS Nguyễn Xuân Vinh, "Tháng 6 nêu cao lá cờ chính nghĩa", tuần báo Đời, số 8 (ra ngày thứ Bẩy 28-06-03) tại San Jose, tr. 32, 33, 36
(5) Phùng Ngọc sa, "Thực trang cộng đồng người Việt tại hải ngoại", tạp chí Đa Hiệu, Xuân Mậu Dần 1998, số 49, ấn hành tại Fairfax - Virginia (tr. 47-67)

No comments: