Tuesday, September 4, 2012

PHẠM TRƯƠNG LONG * SYLVIE VARTAN

Sylvie Vartan và Sông Maritza
Phạm Trương Long
(theo Vĩnh Đào)

Chuyện kể Trung Hoa vào thế kỷ VI sau thời Tam Quốc. Nhà Tùy, sau khi lần lượt thôn tính các nước lân bang miền đông và tây, tiếp tục lấn xuống miền nam để xâm chiếm Nhà Trần. Vua Trần lúc bấy giờ là Trần Hậu Chủ, đam mê theo Trương Quí Phi, suốt ngày vô tư yến tiệc ca hát. Bài hát nổi tiếng "Hậu đình Hoa" ra đời trong các buổi hoan lạc này. Chẳng bao lâu sau, Nhà Trần bị nhà Tùy thôn tính (589). Còn được lưu truyền là bài hát Hậu Đình Hoa.
Vào thời vãn Đường, thi hào Đỗ Mục (803-852) một hôm đi thuyền trên sông Tần Hoài, khi cập bến nghe vọng từ một tửu quán bên kia sông văn vẳng một giọng ca nữ hát bản Hậu đình Hoa, bài hát mất nước. Ông làm bài thơ để đời là bài Bạc Tân Hoài.
Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
(Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát,
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Ca nữ không hay buồn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa.)
(Trần Trọng San dịch)
Bài thơ Đỗ Mục là một tiếng thở dài ngao ngán cho các ca nhi hững hờ với chuyện mất còn đất nước. Nhưng cũng là một lời oán trách những ai mau quên, thờ ơ với nỗi buồn tủi của những người mất nước. Cũng nên nhắc lại là nhà Tùy nhà Trần cũng cùng người Trung Hoa cả.
Vào thập niên tao loạn 1960, nữ ca si Pháp Sylvie Vartan là thần tượng của giới trẻ ớ Pháp và miền Nam Việt Nam. Tóc vàng, trẻ đẹp, vô tư yêu đời. Không ai quan tâm đến gốc Bảo-gia-lợi của cô, chốn quê hương gia đình cô phải lìa bỏ để đi tìm tự do. Mới lên mười, cô đã phải từ bỏ thành phố Sofia có con sông Maritza chảy qua, để trôi dạt đến Paris, nơi có con sông Seine có một làn gió tự do thổi. Syvie Vartan từ bỏ quê hương ở tuổi vô tư. Ở tuổi cô, cô không thể có cái cảm nhận đau thương trong tâm khảm như những người lớn tuổi hơn cô khi phải lìa bỏ xứ sở ra đi. Cô ca hát hồn nhiên: em là người đẹp nhất đi dạ vũ hôm nay. Sylvie Vartan quả là hìện thân của "thương nữ bất tri vong quốc hận."
Nhưng không. Năm 1969, cô ca một bài hát như sau:
La Maritza, c'est ma rivière
Comme la Seine est la tienne
Mais il n'y a que mon père
Maintenant qui s'en souvienne
... Quelquefois
De mes dix premières années
Il ne me reste plus rien
Pas la plus pauvre poupée
Plus rien qu'un petit refrain
... D'autrefois.
Tous les oiseaux de ma rivière
Nous chantaient la liberté
Moi je ne comprenais guère
Mais mon père, lui, savait
... Ecouter
Quand l'horizon se fait trop noir
Tous les oiseaux sont partis
Sur les chemins de l'espoir
Et nous, on les a suivis
... A Paris
De mes dix premières années
Il ne me reste plus rien
Et pourtant les yeux fermés
J'entends mon père chanter
... Ce refrain
(Tạm dịch :
Sông Maritza, sông của tôi
Như sông Seine là sông của người
Nhưng chỉ mỗi cha tôi
Bây giờ vẫn còn nhớ tới ... Đôi khi
Mười năm đầu đời tôi
Bây giờ không còn gì nữa
Ngay cả con búp-bê đơn hèn
Chỉ còn chăng một điệp khúc ... Thuở xa xưa
Đàn chim của sông tôi
Hát cho chúng tôi nghe tự do
Tôi có hiểu gì đâu
Nhưng cha tôi hiểu ... Và nghe
Khi chân trời bỗng tối đen
Đàn chim bay đi hết
Bay theo hướng hy vọng
Và chúng tôi đã theo chúng ... Đến Paris
Mười năm đầu đời tôi
Bây giờ không còn gì nữa
Nhưng khi nhắm mắt lại
Tôi vẫn nghe cha tôi hát ... Điệp khúc này.)
Vào tuổi lên mười không ai biết gì nhiều về đất nước hoặc tự do. May mắn thay, Sylvie Vartan có được người Cha biết nghe tiếng chim và biết nói lại cho con tiếng nói con người tự do. Cô Sylvie may mắn kia. Nhờ bố, cô giữ được nơi cô phần nhân bản cần thiết để con người không thờ ơ trước số phận quê hương sinh thành của mình cũng như tương lai các con người sống ở đó. Cũng như không mất khả năng biết phẫn nộ trước gian dối lừa đảo.
Quên quá khứ là một tội lỗi ác nghiệt.

No comments: