Sunday, September 9, 2012

ĐỖ THÁI NHIÊN * SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
ĐỖ THÁI NHIÊN



Ngày 10 tháng 7 năm 2001, từ Việt Nam báo Kinh Tế Saigon đã cho biết :
trong một cuộc thảo luận về sửa đổi hiến pháp với Ủy ban Thường vụ Quốc
hội Cộng sản, Nguyễn Đình Lộc, bộ trưởng tư pháp của Cộng sản nhận định
rằng : Quốc Hội Cộng sản Việt Nam cần xem xét lại cả năm (05) chương đầu
của Hiến pháp 1992. Lý do : năm chương này xài toàn thuật ngữ thời "bao cấp".
Nguyên văn lời phát biểu của bộ trưởng tư pháp CSVN như sau : "Trong suốt
năm chương đầu, chúng ta thấy một loạt thuật ngữ : nhà nước xây dựng ; nhà
nước thực hiện ; nhà nước phát triển ; nhà nước thống nhất quản lý ; nhà
nước tạo điều kiện ; nhà nước chăm lo ... Phải chăng đó cũng là tàn dư của
chế độ quan liêu bao cấp".
Vẫn theo Nguyễn Đình Lộc : "Hiến pháp 1992 cho thấy "Nhà nước tự nhận
lấy nhiệm vụ xây dựng xã hội rất nhiều". Điều này chưa thể hiện được tư
tưởng của đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Tư tưởng đó là : "xã hội hóa và
phát huy nội lực".
Ngay sau phần phát biểu của Nguyễn đình Lộc, ông Nguyễn văn Yểu - phó
chủ tịch Quốc hội CSVN - đã ngỏ ý than phiền : "Nếu ý kiến của Nguyễn
Đình Lộc được chấp nhận thì chỉ còn chương quốc kỳ và quốc ca là không
xem xét nữa mà thôi".
Đọc xong bản tin "sửa đổi hiến pháp" như vừa kể, người Việt Nam, đứng trên
lập trường dân tộc, có hai nhận định sau đây :
- Nhận định một :
Công lý trên lịch sử thế giới đã khẳng định : chính DÂN Ý và chỉ có DÂN Ý
mà thôi mới đích thực là CHA ĐẺ của TÍNH CHÍNH THỐNG dành cho guồng
máy quyền lực của một quốc gia. Trong thực tiễn chính trị, DÂN Ý được thể
hiện cụ thể bằng những cuộc bầu cử quốc hội tuyệt đối tự do và ngay thẳng.
Không có sự chối cãi rằng quốc hội của Cộng sản Việt Nam là loại quốc hội
được ra đời từ những cuộc bầu cử gian dối theo kiểu : đảng chọn, công an
kềm kẹp, dân bầu. Nói cách khác, quốc hội CSVN là quốc hội giả tạo. Hiến
pháp 1992 của CSVN là sản phẩm của một quốc hội giả. Vì vậy hiến pháp
1992 hiển nhiên vô giá trị về mặt pháp lý : Quốc hội giả sửa đổi Hiến pháp
giả, Cộng sản Việt Nam sẽ sản sinh thêm một quái tượng pháp lý vào năm
2001.
- Nhận định hai :
Chế độ độc tài các loại, đặc biệt là chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam tồn tại
nhờ khả năng bịp bợm tinh vi. Bịp bợm trong vô số hành động tham ô nhũng
lạm. Bịp bợm bằng cách tạo hy vọng cho người dân về một tương lai hạnh
phúc và thịnh vượng. Hy vọng kia ru ngủ người dân nhằm giúp Cộng sản Việt
Nam có cơ hội kéo dài bất tận cuộc thống trị tàn ác và hiểm độc của họ. Sửa
đổi hiến pháp là một trường hợp bịp bợm mới.
Thực vậy, bộ trưởng tư pháp của Cộng sản VN than phiền rằng Hiến pháp
1992 đã đặt lên vai nhà nước quá nhiều "nhiệm vụ xây dựng xã hội". Do đó
Nguyễn Đình Lộc kêu gọi sửa đổi hiến pháp với chủ đích "xã hội hóa và phát
huy nội lực".
Xã hội hóa là toàn dân phải nhận thêm nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nói
cách khác toàn dân phải hợp tác với Cộng sản Việt Nam để phát triển xã hội,
từ đó Cộng sản Việt Nam sẽ có thêm sức mạnh. Sự việc này, Cộng sản Việt
Nam gọi là "phát huy nội lực". Hoạt động chính trị bao giờ cũng gồm hai vế :
quyền hành và nhiệm vụ. Tại sao Cộng sản Việt Nam chỉ lớn tiếng kêu gọi xã
hội hóa nhiệm vụ nhưng không hề ngỏ ý xã hội hóa quyền hành ? Đây là
điểm bịp bợm then chốt của Cộng sản Việt Nam trong âm mưu sửa đổi Hiến
pháp 1992.
Mặt khác, bịp bợm còn có nghĩa là "nói một đường, làm một nẻo". Điều 70
chương V của Hiến pháp 1992 xác quyết mạnh mẽ rằng Cộng sản Việt Nam
tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, rằng Cộng sản Việt Nam nghiêm
chỉnh bảo vệ nơi thờ tự và các cơ sở tôn giáo. Trong thực tế qua nhiều thập
niên, nhất là những năm gần đây, Cộng sản Việt Nam đã liên tục đánh phá
đàn áp mọi tôn giáo tại Việt Nam một cách tàn ác và trắng trợn. Vì vậy dưới
chế độ Cộng sản Việt Nam, hiến pháp chỉ là chiếc bánh vẽ không hơn không
kém.
Nói tóm lại, hiến pháp Cộng sản Việt Nam không có tính chính thống, nó là
hiến pháp giả mạo. Hiến pháp Cộng sản Việt Nam chỉ là một chiếc bánh vẽ,
nó chỉ là chiêu bài chứ không là công cụ pháp lý. Đó là hai lý do căn bản
khiến người Việt Nam không chấp nhận các loại hiến pháp của Cộng sản
Việt Nam : Hiến pháp 1992 cũng như Hiến pháp 1992 sau sửa đổi. Thế nhưng,
đồng bào Việt Nam cùng khổ còn đó, bạo quyền Cộng sản Việt Nam còn đó,
chúng ta không thể mãi mãi quay lưng lại trước tất cả hoạt động của Cộng sản
Việt Nam. Chúng ta cần có những suy nghĩ và những hành động cụ thể và tích
cực hơn. Muốn vậy, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận về sinh mệnh chính trị
của Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới. Tình hình kia bao gồm hai địa bàn
kinh tế và chính trị.
1. Địa bàn kinh tế :
Cuối thập niên 1980, hệ thống Cộng Sản Thế Giới vỡ vụn. Kinh tế xã hội
chủ nghĩa tại Việt Nam hoàn toàn gục chết. Cộng sản Việt Nam bị bắt buộc
tiến vào kinh tế thị trường với khẩu hiệu "chữa thẹn" : "Kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Tuy nhiên, khẩu hiệu rỗng tuếch không
có khả năng chi phối vận hành của guồng máy kinh tế. Guồng máy này
chuyển động theo một mệnh lệnh rất cụ thể. Mệnh lệnh đó là : "Kẻ nào nắm
hầu bao, kẻ đó nắm quyền". Kẻ nắm hầu bao kia là Ngân Hàng Thế Giới, là
Hoa Kỳ, là các Quốc Gia Cấp Viện, là Cộng Đồng Quốc Tế Tự Do Dân Chủ.
Dưới áp lực nặng nề của "những kẻ nắm hầu bao", kinh tế thị trường của
Cộng sản Việt Nam đang dần dần đi vào khuôn phép. Địa bàn sau cùng để
Cộng sản Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ luật tắc của kinh tế thị trường
chính là Hiệp ước Thương mãi Việt Mỹ đang chờ Quốc hội đôi bên phê
chuẩn. Khó khăn lớn lao nhất của Cộng sản Việt Nam ngày nay là làm thế nào
thỏa mãn cùng một lúc hai đòi hỏi bức thiết : một là chạy theo trào lưu kinh
tế thị trường của thế giới, hai là cương quyết bảo vệ vị trí lãnh đạo tuyệt đối
độc quyền của Cộng sản Việt Nam. Hai đòi hỏi vừa nêu hoàn toàn mâu thuẫn
lẫn nhau, nhưng lại quấn quyện vào nhau để tạo thành một vòng thòng lọng
ôm lấy yết hầu của Cộng sản Việt Nam. Muốn hiểu rõ tính chất cô nghiệt của
vòng thòng lọng này, chúng ta hãy khảo sát tương lai chính trị của Cộng sản
Việt Nam trên địa bàn chính trị.
2. Địa bàn chính trị :
Nội dung cốt lỏi của kinh tế thị trường, đặc biệt là của Hiệp ước Thương mãi
Việt Mỹ là sự đòi hỏi dứt khoát về quyền bình đẳng tuyệt đối giữa Tư doanh
và Quốc doanh. Sự đòi hỏi đó dẫn đến hệ quả rằng : do mất vị trí độc quyền
kinh doanh, và nhất là do bất lực và tham ô, công ty Quốc doanh sẽ tàn tạ
nhanh chóng. Vì vậy năng lực tài chánh của Cộng sản Việt Nam bị thu hẹp
trầm trọng. Và cũng vì vậy guồng máy công an trị của Cộng sản Việt Nam mất
dần tính hữu hiệu. Trong khi đó, nhờ được "cởi trói" trên hoạt động kinh tế,
nhờ ý chí kinh doanh để phát triển chứ không lợi dụng kinh doanh để tham ô
theo kiểu cán bộ của công ty Quốc doanh, giới Tư doanh sẽ nhanh chóng đè
bẹp Quốc doanh, nhanh chóng giàu mạnh. Chiếu theo ngạn ngữ "kẻ nào nắm
hầu bao, kẻ đó nắm quyền", chẳng bao lâu nữa giới Tư doanh, hay nói rõ hơn
xã hội dân sự tại Việt Nam sẽ vươn mình đứng dậy, tự do dân chủ sẽ đến với
Việt Nam.
Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 20, cuộc cách mạng kỹ nghệ đã mang lại thế
lực tài chánh cho người dân, giúp người dân tiến hành những cuộc cách mạng
lật đổ các chế độ quân chủ chuyên chế, Cách mạng 1789 ở Pháp là một thí dụ
điển hình. Ngày nay tại Việt Nam, kinh tế thị trường mặc nhiên trở thành một
cuộc cách mạng không tuyên ngôn, không tuyên cáo, nhưng vô cùng gay gắt.
Cách mạng kỹ nghệ hạ bệ chế độ quân chủ. Cách mạng kinh tế thị trường
chắc chắn sẽ giải thoát quần chúng Việt Nam khỏi ách độc tài, ngu dốt và
tham ô của chế độ Cộng sản Việt Nam. Đó là thực chất cuộc tấn công của
kinh tế nhằm vào chính trị.
Nhìn chung lại, do sự khống chế của tình hình kinh tế thế giới, nhất là do áp
lực của giới tài chính quốc tế, Cộng sản Việt Nam không thể chống lại diễn
trình hoàn chỉnh sinh hoạt kinh tế thị trường tại Việt Nam. Mặt khác, kinh tế
thị trường càng hoàn chỉnh, guồng máy quyền lực của Cộng sản Việt Nam
càng bị đe dọa bởi định tắc "kẻ nào nắm hầu bao, kẻ đó nắm quyền". Nói rõ
hơn, kinh tế thị trường là công cụ thúc ép quyền lực của Cộng sản Việt Nam
phải bị giải trừ.
Nhằm tìm đường thoát hiểm trước đe dọa vừa kể, Cộng sản Việt Nam dàn
dựng kịch bản "Sửa đổi năm chương đầu của Hiến pháp 1992". Đây là các
chương nói về guồng máy quyền lực kinh tế và chính trị của Cộng sản Việt
Nam. Như vậy, hành động sửa đổi hiến pháp hiện nay của Cộng sản Việt Nam
là chỉ dấu rõ ràng nhất về sự thể rằng: đổi mới kinh tế nhưng không đổi mới
chính trị là điều tuyệt đối không thể thực hiện được. Tuy nhiên :
- Đổi mới chính trị không có nghĩa là nhân danh một quốc hội bầu cử gian lận
để làm ra hoặc để sửa đổi hiến pháp.
- Đổi mới chính trị không có nghĩa là thay đổi tổng bí thư và/hoặc thay đổi
hiến pháp, nhưng thực chất độc tài tham ô vẫn nguyên vẹn.
- Đổi mới chính trị chỉ có nghĩa là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bị lật đổ
hoặc tự ý rút lui. Thay vào đó là một cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến hoàn
toàn Tự Do và Dân Chủ.
Con đường tiến tới Quốc Hội Lập Hiến là con đường nào ? Để có được một
hình ảnh cụ thể về con đường này, chúng ta hãy hình dung ba sự việc :
- Thứ nhất : Cộng sản Việt Nam là một con cá đồng.
- Thứ hai : Những xung khắc gay gắt giữa tham vọng độc tài tham ô của Cộng
sản Việt Nam, và đòi hỏi của Quốc gia và Quốc tế về một nền kinh tế thị
trường chân chính là dòng nước lũ.
- Thứ ba : Kinh tế thị trường hoạt động đồng điệu với guồng máy chính trị tự
do dân chủ là đại dương mênh mông.
Thực tế tại Việt Nam đã cho chúng ta thấy : con cá đồng đang bị dòng nước lũ
đẩy ra biển. Đây là một con cá cực kỳ độc ác và quỉ quyệt. Khi ra gần tới cửa
biển, con cá đồng đề kháng với dòng nước lũ bằng những mưu chước thô
thiển : suy tôn tổng bí thư họ Nông, thay đổi hiến pháp. Chúng ta thừa biết
không sớm thì muộn con cá đồng sẽ bị chôn vùi trong biển nước mặn. Nhiệm
vụ của người Việt Nam đối với lịch sử Việt là tạo mọi điều kiện để nước lũ
trở nên mãnh liệt hơn, con cá đồng từ trần giữa biển khơi nhanh chóng hơn.
Đó là quan điểm nghiêm chỉnh nhất, thích nghi nhất đối với vở tuồng sửa đổi
hiến pháp do Cộng sản Việt Nam tự ý đề xướng vào đầu tháng 7 năm 2001.

No comments: