Sunday, September 2, 2012

TRẦN BÌNH NAM * CHÍNH LUẬN



Người ta có thể chờ đợi hiện tượng Gorbachev đối với Trung quốc sau khi Hồ Cẩm Đào củng cố được quyền hành trong ba hay bốn năm nữa? Nhưng với một Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị mà đa số trung thành với Giang Trạch Dân viễn ảnh này rất khó xẩy ra. Bắc Kinh cũng như Hà Nội học bài học sụp đổ của Liên bang Xô viết nên họ đã bố trí một Tổng bí thư với quyền hành giới hạn. Không như tại Liên bang Xô viết từ Stalin cho đến Gorbachev tổng bí thư đảng có toàn quyền, tại Trung quốc khi Giang Trạch Dân lên đã có Đặng Tiểu Bình sau lưng, và nay sau lưng Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân. Tại Việt Nam từ Đỗ Mười cho đến Lê Khả Phiêu và nhất là với Nông Đức Mạnh ông tổng bí thư đảng không còn quyền hành rộng lớn nữa mà chỉ là nhân vật giữ thăng bằng giữa các nhóm quyền lực trong mục tiêu tối hậu là duy trì quyền lợi của đảng trong đó có quyền lợi cá nhân. Đó là lý do người ta không thấy một dấu hiệu gì về hướng dân chủ hóa đất nước trong đại hội 16 của đảng CSTQ mặc dù dân chủ hóa là điều kiện then chốt để kinh tế thị trường (theo hay không theo hướng xã hội chủ nghĩa, đặc thù hay không đặc thù của Trung quốc) thành công.
Nhiều năm trước đảng CSTQ thí nghiệm dân chủ tại nông thôn bằng cách cho dân bầu đại diện vào Ủy ban nhân dân xã một cách tương đối tự do. Họ hy vọng rằng đảng viên cấp xã sẽ đắc cử một cách dân chủ, từ đó nới rộng ra cấp huyện, cấp tỉnh, rối cấp trung ương. Kết quả là ngay từ xã ấp khi dân được tự do chọn lựa họ không bầu đảng viên đảng CSTQ mà bầu những người có uy tín tại địa phương. Do đó thí nghiệm này đã bị dẹp trong trứng nước. Trong nội bộ đảng vấn đề dân chủ cũng được đặt ra nhưng chỉ là hình thức, nói hơn là làm. Ngày 14/11, 2114 đại biểu đã bỏ phiếu bầu 356 Ủy viên Trung ương đảng thực thụ và dự khuyết trong một danh sách ứng cử viên do lãnh đạo đảng chọn trước.
Sự thất bại của nỗ lực dân chủ hóa Trung quốc là một kết quả có tính qui luật. Đã là dân chủ thì quyết định phải ở trong tay dân qua bầu cử tự do và bộ máy hành chánh tôn trọng sự lựa chọn đó trong khuôn khổ của luật pháp. Dân chủ không thể có nếu dân nói gì thì nói quyền quyết định sau cùng vẫn nằm trong tay của một đảng.
Sự mâu thuẩn này nằm ngay trong bản Hiến Pháp của Trung quốc mặc dù trong bản Hiến pháp Trung quốc không có một điều khoản trắng trợn như điều 4 của bản Hiến pháp Việt Nam hay điều 6 của bản Hiến pháp Liên bang Xô viết trước đây.
Bản Hiến pháp Trung quốc được tu chính lần cuối cùng ngày 4/12/1982 gồm 138 điều. Điều 1 gồm hai khoản:
Khoản 1 viết: “Cộng hòa Nhân dân Trung quốc là một nước xã hội chủ nghĩa dưới dự lãnh đạo của vô sản chuyên chính do liên minh công nông” (The People’s Republic of China is a socialist state under the people’s democratic dictatorship led by the working class and based on the alliance of workers and peasants.) Cái gọi là “vô sản chuyên chính do liên minh công nông” là gì nếu không phải là đảng CSTQ?
Khoản 2 viết: “Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ căn bản của Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Mọi sự phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa bởi bất cứ tổ chức hay cá nhân nào đều bị cấm chỉ” (The socialist system is the basic system of the People’s Republic of China. Sabotage of the socialist system by any organization or individual is prohibited.)
Như vậy cả hai khoản của điều 1 mang tất cả tính chất của điều 4 (Hiến pháp Việt Nam) nghĩa là đảng CSTQ lãnh đạo và mọi tranh giành quyền lãnh đạo với đảng CSTQ đều được xem là phá hoại xã hội và bị cấm chỉ. Ở đây chúng ta thấy bản Hiến pháp Trung quốc dù không có một chữ nhắc đến đảng cộng sản, nhưng lại còn rõ ràng và ràng buộc hơn về vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng CSTQ. Người Trung Hoa không muốn bắt chước người Nga nên không chép y điều 6 của bản Hiến pháp Liên bang Xô viết, nhưng với điều 1 đảng CSTQ đã “thánh hoá” địa vị độc tôn của mình.
Một số lý thuyết gia cũng như một số đảng viên cộng sản có óc canh tân (trong đó có Boris Yeltsin, Trần Độ) đã có lý khi cho rằng các chế độ cộng sản không thể sửa chữa được. Vì mọi cố gắng sửa chữa đều chạm đầu với nguyên tắc độc tôn của đảng và trở thành vô nghĩa.
Đại hội thứ 16 của đảng CSTQ nhìn dưới góc độ này không mang lại điều gì mới mẻ cho Trung quốc. Những vấn đề xã hội và kinh tế do sinh hoạt thiếu dân chủ vẫn còn đó và chỉ càng ngày càng sâu đậm hơn. Trong bối cảnh đó, đảng CSTQ muốn dùng 60 triệu đảng viên chế ngự 1 tỉ 300 triệu dân Trung quốc để kinh qua cuộc cách mạng kinh tế thị trường, biến Trung quốc thành một siêu cường để ngoi lên hàng bá chủ thế giới có thể thành công không?
Trần Bình Nam
(Nov. 24, 2002)
Binhnam@aol.com
http://www.vnet.org/tbn
  

No comments: