Monday, September 3, 2012

GS. VŨ QUỐC THÚC * HIỂM HỌA BẮC THUỘC

HIỂM HỌA BẮC THUỘC
Giáo sư Vũ Quốc Thúc

Việc nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội cắt đất và nhường một phần lãnh hải cho Trung Hoa đã gây nên một chấn động tâm lý cực kỳ mãnh liệt trong tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Nếu ở quốc nội chế độ công an toàn trị khiến cho các công dân yêu nước không dám công khai bày tỏ sự phẫn nộ của mình - ngoại trừ một thiểu số đảng viên lão thành và trí thức dũng cảm, thì trái lại, ở hải ngoại, nhờ ở hoàn cảnh tự do ngôn luận và mạng lưới thông tin điện tử, phong trào chống đối đã lan tràn mau chóng ở khắp nơi có đông Việt kiều cư trú. Các quan sát viên ngoại quốc có thể nhận thấy dễ dàng là sự nhất trí đã đạt được trong mọi thế hệ, mọi thành phần xã hội, mọi xu hướng chính trị cũng như mọi tín ngưỡng... Các nhà báo, nhà văn, học giả, thi sĩ... đã đưa ra nhiều bài bình luận, nhiều cuộc khảo cứu rất giá trị cũng như nhiều lời hiệu triệu thống thiết khiến cho những kẻ thường nhật vẫn thờ ơ nay cũng phải động tâm. Đây quả là một hiện tượng rất đáng để ý.
Tuy nhiên, trong sự phản ứng mau lẹ đối với hành động phản dân tộc của nhà cầm quyền cộng sản, ta dễ có xu hướng chú trọng hoàn toàn vào những gì xảy ra trước mắt - chẳng hạn việc cắm mốc biên giới, việc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên ải Nam Quan - mà không lưu tâm đến những gì không nhìn thấy vì bị che giấu, hoặc chưa nhìn thấy vì chỉ có thể xảy ra trong tương lai. Chính những cái đó mới vô cùng quan trọng vì có ảnh hưởng quyết định đối với tiền đồ của dân tộc Việt. Ở đây, chúng tôimuốn nói tới hiểm họa Bắc Thuộc.
1) Trước hết, ta phải nhìn nhận một sự thật phũ phàng là nếu không có cái lễ cắm mốc biên giới được tổ chức long trọng ngày 27 - 12 - 2001 với sự tham dự của đại diện cấp cao nhất của hai chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh thì có lẽ cho tới nay chúng ta cũng chưa biết gì về những cuộc điều đình đã được tiến hành giữa 2 chính quyền này suốt từ tháng 7 năm 1991 để bình thường hóa bang giao, sau hơn 10 năm va chạm (1979 - 1990). Sau buổi lễ ngưới ta mới khám phá rằng: Cách đó 2 năm, ngày 30 tháng 12 năm 1999,
một hiệp ước phân định biên giới trên đất liền đã được ký kết tại Hà Nội giữa Nguyễn Mạnh Cầm và Đường Gia Truyền, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Hoa và Hiệp ước này đã được Văn Phòng Thường Vụ Quốc Hội VN phê chuẩn trong tháng 6 năm 2000. Khỏi cần nói là lúc đó nhiều người - đặc biệt là những đảng viên lão thành - chua xót cảm thấy họ đã bị các cấp lãnh đạo bưng tai bịt mắt, không cho biết một tí gì về quốc sự. Họ đã bày tỏ sự bất mãn trong những bản kiến nghị được kín đáo gửi lên thượng cấp và dĩ
nhiên không ai trả lời họ! Họ đành phải dùng phương pháp “sang tai” để lôi cuốn thật nhiều người về phe mình - trong đó có những Việt kiều hải ngoại và các phóng viên ngoại quốc là những người có thể tự do nói và viết.
Trước tình trạng ngày càng nghiêm trọng, nhóm cầm quyền cộng sản biết rằng không thể che giấu mãi sự thật: Họ tìm cách trấn an dư luận, biện minh cho hành động của họ trong một cuộc phỏng vấn do chính họ dàn cảnh. Cơ quan phỏng vấn là một tổ chức thông tin do Đảng kiểm soát mang tên Vasc Orient còn kẻ trả lời là Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng, một nhân viên chính quyền tuy cao cấp nhưng có tính cách chuyên gia nhiều hơn là chính trị. Hình thức cũng như nội dung cuộc phỏng vấn chứng tỏ rằng nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội muốn gây ấn tượng là hiệp ước ký kết với Bắc
Kinh chỉ là một hành động ngoại giao bình thường: “Thỏa hiệp này phù hợp với thực trạng của cư dân vùng biên giới Hoa Việt như vậy có thể coi là công bằng”! Những lời giải thích của Lê Công Phụng, thay vì trấn an dư luận đã có hậu quả như đổ thêm dầu vào ngọn lửa: Trước phong trào phản đối đang lớn mạnh nhanh chóng ở hải ngoại cũng như ở quốc nội, nhóm cầm quyền cộng sản Hà Nội vội vã thi hành chính sách quen thuộc của họ là đàn áp. Ngoài việc ngăn chặn không cho bất cứ phóng viên báo chí nào lên thăm vùng biên giới Hoa Việt, họ đã bắt giam hai nhân vật “to tiếng nhất” trong vụ này là các Ông Trần Khuê và Lê Chí Quang. Đồng thời, trên hai tờ báo “Tuổi Trẻ” và “Quân Đội Nhân Dân”, họ lên án những kẻ chỉ trích bản hiệp định là tay sai hoặc ít nhất cũng là đồng lõa của các “lực lượng thù nghịch”. Dĩ nhiên đó là những lời đe dọa bán nước chính thức: ta thấy rõ nhóm lãnh tụ cộng sản Hà Nội e ngại là sẽ có nhiều thanh thiếu niên và quân nhân tại ngũ nổi loạn trước hành động phản dân tộc của họ.
Một câu hỏi cần được nêu ngay: Tại sao nhóm lãnh tụ cộng sản Hà Nội đã cố ý bưng bít việc điều đình với Trung Hoa về vấn đề biên giới - và cả về vấn đề lãnh hải trong Vịnh Bắc Việt - như ta vừa thấy? Chính vì họ đã có ý định nhượng bộ Bắc Kinh NGAY TỪ LÚC ĐẦU: Nếu họ quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải - trong thế yếu của một nước nhược tiểu trước một đại cường - cách xử sự hợp lý nhất là đưa vụ tranh chấp ra trước công luận, để còn có thể dùng áp lực của dư luận nhân dân cũng như
cảm tình của quốc tế để cưỡng lại đối phương. Họ đã không hành động như vậy. Họ chấp nhận phương châm do Giang Trạch Dân, Chủ Tịch Trung Quốc kiêm Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung Hoa, đưa ra tóm tắt trong 16 chữ “ Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai “. Khỏi cần nói là dựa trên 16 chữ vừa rồi, láng giềng khổng lồ Trung Quốc có thể đưa ra nhiều yêu sách, trong nhiều lãnh vực. Chẳng lẽ những lãnh tụ cộng sản Việt Nam lại ngu muội đến độ không ý thức được điều này? Nếu có người đưa ra giả thuyết là họ đã bị Bắc Kinh chi phối rất chặt chẽ, thì cũng không phải hoàn toàn vô lý. Chi phối như thế nào? Ta hy vọng là rồi đây với các tài liệu dần dần tiết lộ, kẻ viết sử sẽ tìm được câu trả lời. Tạm thời, chúng ta chỉ cần nhận định là khi âm thầm nhượng bộ Trung Quốc, nhóm cầm quyền ở Hà Nội đã tỏ ra BẤT XỨNG. Họ không đáp ứng được sự tín nhiệm của quốc dân. Ở bất cứ nước nào, dưới bất cứ chế độ nào, những kẻ bất xứng như vậy có bổn phận từ nhiệm để quốc dân xét định có thể lưu nhiệm họ không. Nếu họ nhất định bám víu chính quyền thì rõ ràng họ hành động như những tay sai của ngoại bang, dựa vào thế lực của ngoại nhân để “đè đầu cưỡi cổ” đồng bào ruột thịt!
2) Việc tiết lộ đại cương của Hiệp ước ngày 30.12.1999 về phân dịnh biên giới Hoa Việt trên đất liền cũng như hiệp ước ngày 25.12.2000 về phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Việt cho ta ý thức một thực trạng rất nguy hiểm cho tiền đồ của dân tộc Việt. Đóù là những kẽ hở quan trọng trong thể chế hiện thời ở nước nhà. Lợi dụng những kẽ hở ấy, chỉ cần một nhóm nhỏ, nắm được đa số trong Chính Trị Bộ đảng Cộng Sản, là có thể phản bội dễ dàng những quyền lợi tối thượng của dân tộc. Chúng ta không khỏi thắc mắc: Ngoài các hiệp ước mới bị tiết lộ, nhóm cầm quyền Hà Nội có còn ký kết với ngoại bang những hiệp ước bí mật nào khác không? Dưới chế độ độc tài do Đảng Cộng Sản Việt Nam thiết lập từ ngày chiếm được chính quyền, nhân dân chỉ được biết những gì Đảng cho biết mà thôi. Quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do xuất bản... hoàn toàn không có. Thiểu số cầm quyền dù bất lực, tham nhũng, hay cấu kết với ngoại bang phản bội dân tộc, quốc dân vẫn bị bó tay không có cách nào chống đối trong khuôn khổ luật lệ hiện hành. Đến lúc biết rõ sự thật thì quá muộn rồi! Mối lo ngại của chúng tôi không phải vô cớ vì mới đây Giang Trạch Dân chính thức sang thăm Việt Nam. Theo các thông cáo rất vắn tắt và mơ hồ của chính quyền Hà Nội, thì trong cuộc viếng thăm chính thức này, hai bên đã bàn về các đề tài:
a/ Hợp tác trong các lãnh vực quốc phòng và an ninh;
b/ Tăng cường công tác tư tưởng và cải thiện nền giáo dục;
c/ Tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Về đề tài thứ nhất, theo tin tức được tiết lộ, thì Giang Trạch Dân đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam đừng để cho một nước nào có thể xử dụng hải cảng Cam Ranh làm điểm tựa ngõ hầu tấn công Trung Quốc, sau khi Nga rút khỏi cảng này. Rõ ràng là họ Giang ám chỉ Hoa Kỳ, vì hiện thời chỉ có Hoa Kỳ chú ý đến cảng nước sâu này. Và cũng chỉ có Hoa Kỳ là đã xung đột với Trung Hoa, ngoài khơi Đông Dương, trong thời gian gần đây mà thôi (Thí dụ: vụ Không quân Trung Hoa bắt buộc một máy bay thám thính Hoa Kỳ phải đáp xuống đảo Hải Nam, chỉ chịu trả lại chiếc máy bay này sau khi đã khám xét kỹ càng và Hoa Kỳ chịu điều đình). Ngoài vấn đề Cam Ranh, họ Giang có còn yêu sách điều nào khác không? Với thái độ “sẵn sàng khuất phục” của nhóm lãnh tụ cộng sản Hà Nội, chúng tôi vô cùng lo ngại vì mấy chữ “hợp tác trong lãnh vực quốc phòng” có thể đưa đến nhiều cam kết rất nguy hiểm cho ta. Những người thuộc thế hệ kẻ viết bài này chưa quên là năm 1940, sau khi chính phủ Pétain lên cầm quyền ở Pháp, Đại sứ Pháp ở Tokyo, Ô. Arsène Henry, đã phải ký kết với ngoại trưởng Nhật Bản Matsuoka một bản hiệp ước hợp tác quốc phòng liên can đến Đông Dương. Dựa trên bản hiệp ước này, quân đội Nhật Bản đã có thể đổ bộ ở Bắc Kỳ, rồi Nam Kỳ, dùng nước ta làm bàn đạp để sau đó tấn công các nước trong vùng Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện... Tôi cũng chưa quên là Bắc Kinh từng phổ biến một bản địa đồ “Đại Trung Hoa” trong đó toàn thể bán đảo Đông Dương cũng như Thái Lan, Mã Lai và một phần Đảo Bornéo đều bị coi là nằm trong lãnh thổ Trung Quốc! Phải chăng với tham vọng xây dựng bá quyền trên toàn vùng Đông Nam Á, Bắc Kinh đang muốn thực hiện cái mộng bất thành của chính quyền quân phiệt Nhật
Bản thời Thế Chiến II? Đề nghị thiết lập giữa Trung Hoa và các nước Đông Nam Á “một thị trường chung” do đại diện chính quyền Bắc Kinh đưa ra trong Hội Nghị ASEAN họp ở Brunei cách đây mấy tháng đã không khỏi làm cho nhiều quan sát viên thắc mắc. Ta cũng không thể yên tâm khi Bắc Kinh đòi tham gia Ủy Ban Quốc Tế Cửu Long Giang và nêu giả thuyết là Trung Hoa có thể xây đập trên vùng thượng nguồn con sông quốc tế này khiến cho các nước ở vùng hạ lưu như Thái Lan, Lào Quốc, Campuchia và Việt Nam không còn đủ nước để canh tác!
Nếu những hậu quả của sự hợp tác về quốc phòng giữa Trung Hoa và Việt Nam hãy còn nằm trong lãnh vực suy luận - nói khác là giả tưởng - thì hậu quả của sự hợp tác về an ninh đã cụ thể hóa trong dịp Giang Trạch Dân viếng thăm Việt Nam: Họ Giang yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội phải tìm cách chấm dứt ngay phong trào chống đối các hiệp định đã ký kết về việc phân định biên giới Hoa Việt trên đất liền và lãnh Hải trong Vịnh Bắc Việt. Để thi hành “chỉ thị” này, Hà Nội có thể bắt giam những người ở
trong nước như Trần Khuê và Lê Chí Quang. Nhưng đối với Việt Kiều hải ngoại Hà Nội làm chi nổi? Điều này cho ta thấy rõ vai trò tối quan trọng của cộng đồng Việt Kiều hải ngoại trong giai đoạn lịch sử hiện thời...
Về đề tài “Tăng cường công tác lý luận”, ngay trước khi Giang Trạch Dân sang thăm nước ta, trong khóa họp vừa qua của Trung Ương Đảng Cộng Sản, Nông Đức Mạnh đã nêu cao tính bức thiết của công tác này. Ta có quyền tin chắc rằng nhân dịp gặp Mạnh, họ Giang đã yêu cầu Đảng Cộng Sản Việt Nam theo đúng mô thức xã hội chủ nghĩa Trung Hoa, trong đó tuy có thị trường nhưng Đảng Cộng Sản vẫn giữ vai chủ đạo qua các xí nghiệp công và cả những doanh nghiệp tư do các đảng viên làm chủ. Tương lai sẽ
cho chúng ta biết mô thức này đưa tới đâu. Trước mắt, ta chỉ nên ghi nhận rằng Đảng Cộng Sản Trung Hoa có xu hướng bá quyền, giống hệt Đảng Cộng Sản Liên Xô xưa kia: Trong khối Xã Hộị Chủ nghĩa chỉ có một mô thức duy nhất do “đàn anh” quyết định, mọi sự dị biệt đều bị lên án là “chệch hướng”, là “tả khuynh” hay “hữu khuynh”.
Muốn giữ vững địa vị thì các “đàn em” phải đạt lý, tôn ti trật tự. Trái lại nếu cứng đầu cứng cổ, tưởng rằng “ trứng có thể khôn hơn vịt”, thì coi chừng! hãy nhớ lại trường hợp của một số lãnh tụ đã thất sủng!
Về việc cải thiện đường lối giáo dục thanh thiếu niên, một tin được tiết lộ - rất có thể do chính các đảng viên cộng sản cao cấp - cho biết là Giang Trạch Dân yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải duyệt lại các sách giáo khoa, đừng để cho tình hữu nghị giữa Trung Hoa và ta bị thương tổn vì những chuyện cũ. Nói trắng ra là họ Giang muốn Việt Nam phải viết lại lịch sử đừng tôn vinh những anh thư chống Trung Hoa như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, những anh hùng cứu quốc khỏi sự đô hộ của Bắc Triều như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... , đừng ca tụng những chiến thắng xa xưa như các trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... Và tại sao không phục hồi danh dự cho những nhân vật thân Trung Hoa như: Lý Cầm, Lý Tiến, cha con nhà Mạc, Lê Chiêu Thống v.v.? Có lẽ, họ Giang hãy còn thấy ngượng miệng nên chưa dám đề nghị tái lập “An Nam đô hộ phủ” dưới một hình thức hiện đại hơn, chẳng hạn:
Liên Hiệp Hoa Việt theo kiểu Liên Hiệp Pháp hồi cuối thập niên 1940!
Còn về việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa Trung Hoa và Việt Nam, ta khỏi cần nhắc lại là hiện thời hàng Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt nam, nhà cầm quyền Hà Nội bó tay không ngăn chặn nổi!
Tóm lại chúng ta thấy hiểm họa Bắc Thuộc không còn là một chuyện viễn vông nữa.Nó đang nhanh chóng biến thành thực tại, nếu chính quyền vẫn bị thiểu số lãnh tụ thân Trung Cộng tiếp tục nắm giữ. Đường sống của dân tộc Việt là phải thực hiện một cuộc “tái cấu trúc” và dân chủ hóa giống như ở Liên Xô năm 1991. Không biết các đảng viên Cộng sản Việt Nam có đủ sáng suốt và dũng cảm để làm công việc này không? Nếu không, bánh xe lịch sử vẫn tiếp tục lăn và nghiến nát những kẻ ươn hèn hay ngu muội...
Paris, tháng 4 năm 2002
Gs Vũ Quốc Thúc
 

No comments: