Monday, September 3, 2012

KIM KHÔI * NGƯỜI CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA

XUYÊN QUA CÁC CA KHÚC THỬ TÌM LẠI
HÌNH ẢNH NGƯỜI CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA

KIM KHOI


Khác với miền Bắc theo chế độ độc tài đảng trị trong đó mọi quyền tự do căn bản của con người đều bị tướt đoạt, văn nghệ sĩ không được sáng tác theo ý mình, nhất là sau vụ án " Nhân văn giai phẩm" năm 1956, miền Bắc chỉ còn bọn văn nô làm công cụ tuyên truyền cho đảng và nhà nước. Chúng chỉ "sáng tác" theo lệnh của tập đoàn lãnh đạo để phục vụ cho các phong trào, chiến dịch được trung ương đảng đề ra, do đó những cái gọi là "tác phẩm" không những không có giá trị thời gian mà cũng không phản ảnh được thực trạng xã hội đương thời. Trái lại dưới chế độ Cộng hòa tại miền Nam, tuy quyền tự do chưa được rộng rãi như tại các nước Tây phương, nhưng các quyền tự do căn bản của con người đã được tôn trọng, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Giơiù văn nghệ sĩ, đại diện cho nhân dân, đã tự do phát biểu quan điểm, chính kiến...của mình qua các tác phẩm giá trị mà qua đó ngày nay ta có cơ sở để tìm hiểu về xã hội đương thời. Một trong những đối tượng được giới văn nghệ sĩ chú trọng nhất thời đó là người chiến sĩ VN CH. Hàng ngàn tác phẩm gồm đủ mọi thể loại như thơ, văn, nhạc, họa, phim ảnh... đã mô tả đầy đủ tất cả mọi khía cạnh của người lính đương thời tạo nên một vườn hoa muôn sắc, muôn hương, nhưng ở đây, trong bài viết giới hạn nầy, tôi chỉ xin được đi vào một góc rất nhỏ của vườn hoa bao la nói trên để dựng lại hình ảnh trung thực của người chiến binh VNCH, đó là một vài trích đoạn của một số ca khúc khá phổ biến đã được sáng tác trong thời gian trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Người chiến sĩ Việt Nam cộng hòa từ dân mà ra cho nên dù trong thời chiến hay thời bình hình ảnh người lính chiến vẫn gắn bó với nhân dân. Chính đại từ ANH được dùng để chỉ người chiến binh Cộng hòa mà ta sẽ bắt gặp dưới đây đã bao hàm ý nghĩa vừa gần gũi thân thương, vừa nể nang quí trọng. Tóm lại qua đại từ ANH, nhân dân Việt Nam trong mọi lứa tuổi đã gói ghém bao nhiêu tình cảm chân thành trao gởi cho người chiến binh Cộng hòa. Với phương châm "vì dân chiến đấu, vì dân phục vụ" người lính Cộng hòa đã sẵn sàng đáp ứng mọi nguyện vọng của nhân dân và được nhân dân tin tưởng ủy thác cho trọng trách gìn giữ quê hương:
" Anh chiến binh tuyền tuyến ơi, về giải phóng quê hương...."
Trong những năm đầu của nền đệ nhất Cộng hòa, khi đất nước còn thanh bình, người chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa chưa phải ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu lửa đạn. Trong giai đoạn nầy người lính luôn luôn gần gũi với dân, cùng dân chia xẻ mọi nỗi ngọt bùi. Còn hình ảnh nào trong sáng và tươi đẹp bằng hình ảnh người chiến binh quây quần cùng đàn em nhỏ trong một mái nhà tranh, dưới ánh trăng vàng để nghe kể lại những tình tự quê hương:
" Quê em miền cát trắng, tóc em lúa vừa xanh, Anh là người lính chiến, áo đẹp màu đấu tranh. Em mời Anh dừng lại, đêm trăng ướt lá dừa, bên nồi khoai mới luộc, ngất ngây bờ dâu thưa, Anh hẹn anh sẽ kể, tình quê hương đơn sơ".
Trong khung cảnh gia đình ấm cúng đó, anh không còn là một người xa lạ nữa mà đã hóa thân thành người con ngoan hiền của mẹ, người anh trìu mến của đàn em thơ:
" Anh sẽ là anh đàn em chỏ, là con của mẹ giữ quê hương..."
Nhưng đất nước chưa được thanh bình bao lâu thì Hồ chí Minh cùng đồng bọn đã theo lệnh của Cộng sản quốc tế phát động cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam, gây không biết bao nhiêu cảnh đau thương tang tóc cho nhân dân hai miền. Trong khi đất nước đang gặp cơn binh lửa, đáp úng lời kêu gọi của núi sông, hàng hàng lớp lớp thanh niên phải giã từ ruộng vườn, bè bạn "xếp bút nghiên theo việc binh đao", quyết đánh đuổi bọn xâm lăng để bảo vệ quê hương, đem lại thanh bình cho đất mẹ:
" Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã dã đi xa rồi, người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên, giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền, có về là khi nước non vui bình yên" và "Mình vui được sao khi chưa thanh bình, từng đoàn người trai đi viết sử xanh..."
Anh đã đem máu xương để viết sử xanh, những trang sử hào hùng của dân tộc. Anh đã nối gót tiền nhân tiếp tục sự nghiệp ngăn chận quân xâm lăng phương bắc. Vì thù nhà nợ nước Anh đã chịu cảnh dãi dầu nắng mưa, lội suối băng ngàn, truy tìm diệt địch mong ngày ca khải hoàn:
" Ai đã ra đi vì nước nhà rửa thù chung? Ai đã xông pha nơi chiến trường quên thân mình? Ai đã bao phen thân dãi dầu nơi rừng sâu? Người ấy là ANH. Ai nơi biên cương mà không nề chi mưa gió? Thân ai hai vai thù nước với thù nhà, xây đắp mộng lành để toàn dân được no ấm? Người ấy là ANH. Nầy anh lính chiến đem sức trai bền núi sông, khi anh ra đi tiếng quân reo hò vang rền, rồi ngày hợp vui trong tương lai, Bắc Nam chung lòng đẹp mùa hoa..."
Trên đường hành quân tim Anh vẫn khắc sâu lời mẹ dặn trong buổi đăng trình, tai vẫn cón văng vẳng lời người tình vào phút chia ly: Chiến đấu để đem lại thanh bình cho quê hương:
" Ai đi chinh chiến xây đắp tương lai, tôi đi chinh chiến để nước yên vui, lời mẹ hiền khuyên nguyện khắc trong tim bao giờ dám phai" hay " Anh cứ đi chiến đấu cho quê hương hòa bình, xây đắp cho tương lai đời mình, đó là bổn phận của anh và của em..."
Những bước chân của Anh in dấu trên khắp bốn vùng chiến thuật từ Gio Linh, Cam lộ đến Komtum, Pleiku qua vùng Bình Long, An Lộc cho đến tận Cà Mâu, Nam Căn...nơi nào có bọn Cộng thù là nơi đó có Anh xuất hiện. Chiến công của Anh nhiều như cây rừng Tân Cảnh, vang dội như tiếng sấm An Lộc, Trị Thiên. Anh đã để lại một "Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá", một "A Sao máu thù còn hồng...Xác quân xâm lăng xâm chiếm miền Nam", một " Tây nguyên nắng nung người mà trận địa thì loan máu tươi"...
Chính lòng yêu nước nồng nàn cộng với lý tưởng yêu tự do đã sớm biến đổi những chàng trai mới ngày nào còn là những chàng thư sinh chân yếu tay mềm sớm trở thành những anh chiến binh can trường, dũng mãnh nơi chiến tuyến. Hình ảnh hiên ngang của người chiến binh VNCH chẳng những đã làm cho giặc Cộng kinh hồn bạc vía mà còn tạo được sự ngưỡng mộ trong lòng mọi người dân Việt. Hình ảnh nầy nhắc nhở nhân dân ta nhớ lại ý chí bất khuất của tiền nhân đã bao phen đem máu xương để tô đậm giang san:
" Tôi đi tìm Anh, người lính quá hiên ngang, cầm súng giữ giang san xây Cộng hòa. Tôi đi tìm Anh, hình bóng những anh hùng, dòng máu thắm vô cùng thiên thu không nhòa..."
Anh đã theo gót tiền nhân dâng hiến máu xương cho dân tộc. Máu của Anh đã đổ trên khắp mọi miền đất nước để cho quê hương sớm được thanh bình, để cho đàn trẻ thơ được tung tăng cắp sách đến trường, để cho bà mẹ già được an vui bên nương khoai, ruộng lúa. Công trạng to lớn đó tuy không khi nào Anh nghĩ tới nhưng luôn luôn được đồng bào trân trọng. Tên Anh được khắc ghi vào trong tâm khảm, viết lên trên hoa lá cây rừng, được ghi lại trong lòng sông dài biển rộng, được dàn trải theo chiều dài của thời gian:
" Tôi viết tên Anh trên trái tim tôi...Tôi viết tên Anh trên lá trên hoa.. Tôi viết tên Anh vào dòng thời gian ngàn lối...Tôi viết tên Anh vào lòng biển thắm sông dài..."
Tên Anh bàng bạc khắp nơi, hình ảnh Anh hiển hiện khắp chốn. Anh đã ra đi hay Anh còn ở lại; Dù ra đi biền biệt hay ở lại vĩnh viễn trong lòng đất Mẹ, những hành động của Anh cũng ngất trời hào khiù, biểu lộ phẩm chất của những đấng anh hùng. Anh đã ra đi để làm kiếp người hùng, Anh đã ra đi để bảo vệ vùng trời tự do, Anh đã ra đi vào lòng đất Mẹ, Anh đã vĩnh viễn đi vào lòng dân tộc, Anh đã ra đi để cho nước Việt Nam được vang danh khắp năm châu bốn bể:
" Chiều nao Anh đi làm kiếp người hùng...Chiều nao Anh đi, đi về đất, chiều nao Anh đi, đi về nước, và Anh đã về, một chiều Anh đã về quê....Anh Quốc ơi! nghìn thu Anh nhớ đến tôi, thì xin cho thái dương soi, nước Việt Nam ngời sáng muôn đời..."
Anh đã hiên ngang ở lại để chận bước quân thù cho đồng đội tiếp tục tiến lên, Anh đã tự nguyện ở lại quyết một phen sống mái với quân thù để "Ngày mai con cháu ta sống còn", Anh đã ở lại giữ chặt mảnh đất quê hương, Anh đã ở lại một mình để biến ngọn đồi không tên thành một Charlie ngàn đời khắc sâu vào lòng dân tộc:
" Anh, chính Anh ở lại một mình, ở lại một mình, Charlie tên vẫn chưa quen người dân thị thành".
Hùng khí của Anh đã làm cho đất trời cảm động. Tổ Quốc nhớ tên Anh, rừng núi tiếc thương Anh, cả vũ trụ cũng nghiêng mình trước nỗi lòng sắc son vì dân vì nước của Anh:
" Anh, Anh, nhớ Anh trời làm cơn bão. Anh, Anh, tiếc Anh chiều rừng thay áo"
Người chiến sĩ VNCH chiên đấu vì lý tưởng tự do dân chủ, chiến đấu để bảo vệ đất Mẹ thân yêu đang bị bọn Cộng thù manh tâm xâm lấn. Anh chiến đấu vì dân vì nước chứ không vì một chủ thuyết không tưởng nào, không vì một tập đoàn hay đảng phái nào. Anh chiến đấu một cách có ý thức: Chống xâm lăng để bảo vệ bờ cõi, chứ không hề bị mê hoặc hay lừa gạt bởi những tên đồ tể khát máu, cho nên dù phải cầm súng để tiêu diệt quân thù, trong trái tim Anh vẫn chứa chan tình người. Anh chiến đấu để giải phóng đồng bào đang bị bọn quỉ đỏ đẩy vào cảnh sống lầm than, khốn khổ. Anh chiến đấu để giữ vững làng thôn, Anh chiến đấu để đem lại hạnh phúc cho nhân dân:
" Anhđi chiến dịch xa vời, lòng súng nhân đạo cứu người lầm than. Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy, thấy nỗi xót xa của kiếp đọa đày" và " Quê hương hoa gấm đang chờ đợi Anh, mang về vinh quang, tự do, no ấm" hay " Bờ tre quê hương tay súng Anh gìn giữ, tôi hát vang giữa đời để người vui...". Vì " Các Anh là vầng mây muôn phương...Các Anh là nguồn thơ vô song, các Anh là tình thương mênh mông... là tia nắng mai reo trên vạn nẻo đường, là cơn gió mang hương thơm tận ngàn phương..."
Vâng, người chiến sĩ VNCH mang trong tâm hồn đầy thơ và mộng. Vốn được thừa hưởng một di sản dạt dào tình cảm của cha ông, cho nên bên cạnh hình ảnh một chiến binh can trường, dũng cản nơi chiến tuyến còn là một chàng trai lãng mạn trong lứa tuổi đôi mươi, một thứ lãng mạng mang nét đặc thù của những chàng trai thời chiến: Tình yêu đôi lứa và tình yêu quân ngũ đan quyện vào nhau đến nỗi khó có thể phân định thứ tình nào nặng hơn, vì đối với người chiến binh Cộng hòa " chút tình riêng gởi núi sông" cũng tha thiết không kém tấm tình trao gởi cho người yêu nơi chốn quê nhà. Để khỏi bị ngộ, nhận anh đã tâm sự cùng người yêu:
" Mong sao em anh hiểu, đời lính dẫu phong trần, nhưng yêu như yêu nhân tình và đậm đà như chúng mình...".
Nhưng mấy ai chưa từng sống trong đời quân ngũ mà có thể thông cảm được sự gắn bó cao cả nầy, dù đó là người yêu của lính cho nên Anh vẫn không tránh khỏi bị dỗi hờn:
hang..."" Đọc thư em hay hờn hay dỗi, trách sao yêu tay súng hơn nàng, vì sao yêu sa trường gian nguy hơn phố phường với bao chiều lang thang.
Nhưng vốn đã mang nặng nòi tình, người chiến binh VNCH là một con người đa mang: Ngoài tình yêu quê hương, tình yêu quân ngũ, mộng giang hồ còn một thứ tình cảm êm ái, nồng nàn khác dành cho em đó là tình yêu đôi lứa:
" Anh là lính đa tình, tình non sông rất nặng, tình hải hồ ôm mộng, tình vũ trụ ngất say, và một mối tình rất êm đềm là tình yêu trong lòng Anh Yêu Em" vì " Dù rằng đời lính không giàu, mà chắc không nghèo tình yêu"...
Bản chất lãng mạn đã thấm vào máu thịt của người lính Cộng hòa nên hành trang của Anh trên bước đường hành quân không phải chỉ có súng đạn mà còn có cả hình ảnh của người yêu trong những chiều hẹn hò nhân một lần về phép:
" Viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu, đêm quân hành dừng chân đồi hoa tím, nhớ xưa đôi mình hẹn nhau mà sao sáng đâu bằng đôi mắt em".
Hình ảnh đó chợt hiện về khi đơn vị dừng quân nơi ven làng, thoáng thấy một tà áo trắng vờn bay, bất giác làm cho Anh không thể đè nén được ước vọng:
" ... Để cho anh nghe thèm đường chiều như ngời sáng áo em xanh. Thèm một nét môi, một lần về phép thôi là mình thì lại có đôi..."
Một mơ ước tuy nhỏ nhoi nhưng không dễ thực hiện được đối với người lính chiến trong khi đất nước đang lâm nguy vì bước chân Anh phải xuôi ngược trên mọi nẻo đường quê hương, không lúc nào ngừng nghỉ, đến nỗi những lá thư cũng không đuổi kịp theo bước quân hành:
" Nửa năm tìm vui nơi quan tái chưa về một lần dù chỉ một lần thôi" và " ...Cuối hè thì tạ từ, mùa thu xua quân về biên khu cho tới đông tàn mà chỉ nhận một lần thư..."
Không có thời gian để về thăm người yêu, Anh chỉ biết gởi nỗi nhớ thương qua những dòng thư, dù những lá thư được viết vội vàng trên bước đường hành quân: Nơi rừng già, trên tiền đồn heo hút, dưới ánh sáng hỏa châu... khi nỗi nhớ thương dâng tràn:
" Thư của lính, thư không được dài như mơ ước đâu em. Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay . Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy...".
Thật là một hình ảnh trữ tình và lãng mạn mà có lẻ chỉ người lính Cộng hòa mới có. Phải chăng đó chính là lý do kiến cho những người em gái tại hậu phương đương thời chọn chàng chiến binh VNCH hiên ngang làm người yêu lý tưởng?
" Em thường hay ước mơ, mơ người yêu lý tưởng, với vẻ hào hoa, đượm chút kiêu hùng, đậm nét phong sương. Đó là chàng chiến binh hay là chàng phi công hay là chàng thủy thủ...".
Vẻ hào hoa là một nét đặc trưng của những chàng chiến binh Cộng hòa thuở ấy mà ta có thể dễ dàng tìm thấy xuyên qua tất cả các ca khúc trữ tình viết về người lính chiến thời bấy giờ!
Qua một số ca khúc đã được trích dẫn, đến đây ta có thể tạm thời kết luận mà không sợ lầm lẫn rằng hình ảnh người chiến sĩ VNCH là một tổng hợp của nét hiên ngang, kiêu hùng của những người cần súng giữ quê hương, nét phong sương của những quân nhân thiện chiến dạn dày kinh nghiệm chiến trường, và tính lãng mạn, hào hoa của những con người dạt dào tình cảm! Hình ảnh nầy là một phản diện với hình ảnh người cán binh Cộng sản, những con người khốn khổ đã bị đảng tước đoạt một phần cuộc sống qua chủ trương " Tam khoang": Chưa yêu tì khoang yêu, đã lỡ yêu thì khoang cưới, đã trót cưới thì khoang có con. Chủ trương vô nhân đạo nầy đã làm cho họ bị thui chột về mặt tình cảm, biến họ thành những con người cằn cỗi, đôi khi trở thành tàn bạo. Người cán binh Cộng sản còn bị nhồi nhét vào đầu óc chủ thuyết Maxit-Leninit ngoại lai, sắt máu và bị đường lối tuyên truyền lừa mị, xảo trá đầu độc biến họ thành một thứ công cụ vô hồn, chỉ biết bắn giết theo lệnh của bọn đồ tể tại Bắc Bộ phủ. Chắc đây là lý do khiến tập đoàn lãnh đạo Hà nội chỉ thị cho bọn công cụ tìm đủ mọi cách để bôi nhọ người chiến sĩ VNCH hầu che đậy sự khác biệt một trời một vực giữa những người cầm súng của miền Nam và miền Bắc. Tuy chủ trương vô cùng thâm độc nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại. Sự thật vẫn là sự thật, thời gian đã trả lại cho người chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa giá trị tự tại của họ.
Như chúng ta đã biết, những ca khúc thời danh có giá trị vượt không gian và thời gian đã được đồng bào thuộc moị lứa tuổi, không những ở tại niền Nam mà cả tại miền Bắc yêu thích và chắc chắn sẽ được lưu truyền mãi mãi, như vậy mỗi khi chúng ta hay các thế hệ con cháu hát lên những ca khúc đó là hình ảnh trong sáng và hiên ngang của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa lại xuất hiện. Nói một cách khác, trong một chừng mực nào đó, hình ảnh người chiến sĩ VNCH đã đi vào lòng dân tộc và đã trở thành bất tử!
Sau 28 năm tên tuổi của người chiến sĩ VNCH bị bôi nhọ, chà đạp. Hôn nay chúng ta phục hồi lại danh dự cho họ. Đây là một hành động nói lên lòng tri ân đối với những người con của MẸ VIỆT NAM đã xả thân vì TỔ QUỐC, vì lý tưởng TỰ DO.
Bài viết ngắn gọn nầy được xem như một nén hương lòng mà chúng tôi kính cẩn đốt lên để tưởng niệm những chiến hữu đã hy sinh vì QUỐC GIA, DÂN TỘC nói chung và để vinh danh những người chiến sĩ VNCH, với tinh thần bất khuất, đã tuẩn tiết sau ngày 30 - 4 - 1975. Tinh thần ấy đã làm cho tên tuổi Quân lực VNCH mãi mãi ngời sáng và bất diệt.
  



No comments: