Tuesday, September 4, 2012

JAMES P. RUBIN * CUỘC CHIẾN PHÁ SẢN

CUỘC CHIẾN PHÁ SẢN
(Stumbling Into War – by James P. Rubin)

James P. Rubin, nguyên phụ tá bộ trưởng bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 1997 đến năm 2000 dưới thời tổng thống Bill Clinton. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng về môn Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Kinh tế ở Luân Đôn. Bài viết sau đây nhan đề “Stumbling Into War” của ông đăng trong tạp chí Foreign Affairs số tháng Chín & Mười năm 2003. Sau đây là tóm tắt của bài viết.
Trần Bình Nam

Duyệt lại một chính sách ngoại giao
Sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ tấn công trả đũa lật đổ chính quyền Taliban sào huyệt của al Queda. Trung quốc, Ấn độ, Nhật bản, Pakistan, Liên bang Nga, Âu châu đều ủng hộ cuộc tấn công. Mặc dù chưa diệt được toàn bộ tổ chức al Queda, nhưng cuộc tấn công xem như đã thành công.
Mười tám tháng sau Hoa Kỳ đánh Iraq để lật đổ chế độ Saddam Hussein. Lần này, các nước từng ủng hộ cuộc tấn công Afghanistan và dư luận thế giới đều chống Hoa Kỳ. Sự việc Hoa Thịnh Đốn không vận dụng được sự ủng hộ của quốc tế là một thất bại ngoại giao, chẳng những làm cho rất ít nước gởi quân đến giúp ổn định Iraq mà còn ảnh hưởng xấu về mặt ngoại giao của Hoa Kỳ trong nhiều năm tới.
Nhìn lại, nếu đã khéo léo, chính quyền của Tổng thống Bush có thể vận động được sự ủng hộ quốc tế. Baghdad đã vi phạm hầu hết các quyết nghị của Hội đồng Bảo an và chính quyền Clinton trước kia cũng đã xem Iraq là một đe dọa cho nền an ninh của Hoa Kỳ vì lẽ Iraq có thể có vũ khí giết người tập thể và sẵn sàng dùng để đánh Hoa Kỳ. Ngoài ra Saddam Hussein có một quá trình vi phạm nhân quyền ai cũng biết.
Bush bắt đầu mặt trận ngoại giao vào mùa thu năm 2002 bằng cách vận động Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua một quyết nghị đòi hỏi Iraq giải giới. Nhưng ông ta đã không chịu khó đi đến cùng con đường vận dụng ngoại giao trước khi ra tay.
Vậy trục trặc nằm ở đâu? Tại sao đa số các nước đồng minh quay lưng lại với chúng ta? Thiệt hại cho tư thế ngoại giao của Hoa Kỳ đến mức độ nào? Và chúng ta học được bài học gì?
Trước hết, chính quyền Hoa Kỳ luôn luôn thay đổi lý do tại sao cần đánh Iraq làm cho thế giới nghi ngờ Tổng thống Bush đã quyết đánh Iraq và không chờ một sự giải giới bằng đường lối hòa bình. Thứ hai Hoa Kỳ không phối hợp nhịp nhàng giữa quân sự và ngoại giao. Việc dàn quân rầm rộ tại Trung đông quá sớm làm cho ngoại giao phải chạy theo nhu cầu quân sự, trái với đường lối thông thường quân sự phục vụ ngoại giao. Thứ ba, Hoa Kỳ không tiên liệu trường hợp Saddam Hussein tuân hành một phần quyết nghị 1441 đòi Iraq mở cửa hoàn toàn cho phái đoàn thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc, do đó không chuẩn bị một đối sách. Thứ tư, Hoa Kỳ có thể đã đạt được quyết nghị thứ hai của Hội đồng Bảo an cho phép đánh Iraq nếu Hoa Kỳ theo khuyến cáo của Pháp, Đức và Liên bang Nga chờ thêm vài tuần lễ nữa. Vì Hoa Kỳ không chịu thỏa hiệp nên – bài học sau cùng là – Hoa Kỳ càng nói cộng đồng quốc tế càng nghi ngờ thiện chí của Hoa Thịnh Đốn, nhất là trong hai năm qua Hoa Thịnh Đốn đã tỏ ra coi thường các định chế và hiệp ước quốc tế.
Hoa Kỳ đã có định kiến

Nguyên nhân chính làm cho các nước Âu châu nghi ngờ chính sách Hoa Kỳ tại Iraq là Hoa Kỳ đã quyết định đánh Iraq bất chấp thái độ của Saddam (sau quyết nghị 1441). Vì sao? Vì Hoa Kỳ cho rằng ngoài việc giải tỏa sự đe dọa của vũ khí giết người tập thể, đánh Iraq sẽ làm cho các quyết nghị của Hội đồng Bảo an được tôn trọng, giải thoát cho nhân dân Iraq một chế độ tàn bạo giết dân, phá bỏ một căn cứ địa của Osama bin Laden và xiển dương dân chủ tại Trung đông. Các lý do trên đều có tính thuyết phục, nhưng quá trình ngoại giao của Tổng thống Bush làm cho thế giới nghi ngờ. Nếu nói để bảo vệ uy quyền của Liên hiệp quốc thì trước đó nhiều lần Bush đã tỏ ra coi thường Liên hiệp quốc và Hiệp ước quốc tế. Nói xiển dương dân chủ trong khi Hoa Kỳ không làm gì cho dân chủ tại nước bạn Saudi Arabia. Về mối quan hệ giữa bin Laden và Saddam Hussein thì Hoa Kỳ không có bằng chứng có thể thuyết phục các nước bạn. Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) cho cơ quan tình báo các nước bạn biết chính CIA cũng không tin có mối quan hệ này.
Mặt khác, không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ Ngoại giao và bộ Quốc Phòng. Trong khi bên ngoại giao nhấn mạnh đến sự việc Iraq từng vi phạm các quyết nghị của Liên hiệp quốc thì bên quốc phòng nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Saddam Hussein và bin Laden. Riêng những lời tuyên bố của Phó Tổng thống Dick Cheny và bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld càng làm cho Âu châu khó chịu. Trong thời gian trước khi khởi binh, ông Cheny và Rumsfeld không bỏ một dịp nào không chỉ trích sự thanh tra của Liên hiệp quốc, xem phái đoàn thanh tra bất lực, coi thường triển vọng có thể giải giới Iraq bằng đường lối hòa bình và khuyến khích sự chuyển quân nhanh chóng qua Trung đông. Giữa tháng 9 năm 2002, thủ tướng Đức Gerhard Schroder nói ông không hợp tác được với chính quyền Bush vì ông phó của Tổng thống Bush đã nói với báo chí rằng “dù đồng minh của chúng ta nghĩ gì chúng ta cũng sẽ làm điều chúng ta định làm.”
Phối hợp quân sự và ngoại giao
Với việc Hoa Kỳ chuyển quân ồ ạt sang Trung đông, các nước Âu châu nghĩ rằng Hoa Kỳ đã quyết định dùng sức mạnh và xem cuộc vận động ngoại giao chỉ để che dấu định tâm quân sự và mua thời gian để chuyển quân thay vì dùng sức mạnh phục vụ cho chính sách ngoại giao.
Các nhà chiến lược biết rằng phối hợp nhịp nhàng giũa quân sự và ngoại giao không phải là điều dễ dàng. Hơn nữa trong trường hợp này sự chuyển quân ồ ạt của Hoa Kỳ đã giúp cho Hội đồng Bảo an áp lực được Saddam Hussein phải chấp nhận sự thanh tra vô điều kiện. Khổ nổi Hoa Kỳ đã không điều chỉnh sự chuyển quân theo điều kiện thực tế của ngoại giao. Nếu Hoa Kỳ đã chờ cho đến mùa thu năm 2003 và đến lúc đó Iraq vẫn chưa được giải giới mới ra tay như yêu cầu của đồng minh Âu châu thì mọi sự đã tốt đẹp hơn.
Điều chỉnh sự chuyển quân không đơn giản nhưng không phải không làm được. Nếu không muốn quân đội ngồi không qua mùa hè nắng cháy tại vùng sa mạc Trung đông thì có thể giảm đà chuyển quân, hoặc chuyển quân trang quân cụ đến đó trước. Anh quốc đã đưa ra ý kiến này nhưng Tổng thống Bush không nghe. Bộ tham mưu của ông Bush cương quyết giữ vững lập trường cứng rắn đến nổi vào phút chót Anh quốc khuyên chờ vài tuần lễ để cho quyết nghị thứ hai cho phép đánh Iraq của Hội đồng Bảo an ít nhất cũng được 9 phiếu đa số cũng bị bỏ ngoài tai, mặc dù việc chờ đợi này, theo nhận xét của giới quân sự, không ảnh hưởng gì đến nổ lực quân sự.

Iraq thi hành một phần quyết nghị 1441
Thiếu sót lớn của bộ tham mưu của Tổng thống Bush là không dự liệu sẽ phải làm gì trong trường hợp Iraq thi hành một phần quyết nghị 1441. Khi thông qua quyết nghị 1441 cộng đồng thế giới không muốn thấy một nước Iraq có vũ khí giết người tập thể, và họ đã tạm gát qua một bên những điểm chưa nhất trí như: Có cần một quyết nghị khác trước khi đánh Iraq không? Dựa vào tiêu chuẩn nào để đánh giá sự tuân hành của Iraq? Cần một thời gian bao lâu để Iraq chứng minh họ không có vũ khí giết người tập thể hoặc (nếu có) đã phá hủy như thế nào?
Sau khi quyết nghị được thông qua Hoa Kỳ đã không chuẩn bị để tìm một đồng thuận quốc tế trước những điểm chưa nhất trí trên để đối phó với trường hợp Saddam Hussein thi hành một phần quyết nghị 1441. Trên thực tế nhiều giả thuyết có thể xẩy ra: Thứ nhất trước nguy cơ bị lật đổ, Saddam Hussein chịu thua, mở mọi ngõ ngách cho phái đoàn thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc, nộp tài liệu, cho phép các nhà khoa học gặp phái đoàn thanh tra, chứng minh không có (hay có và đã phá hủy) vũ khí giết người tập thể, và tránh được chiến tranh. Giả thuyết thứ hai là Saddam Hussein bị bắt quả tang đã dấu vũ khí giết người tập thể và cộng đồng thế giới sẽ ủng hộ việc Hoa Kỳ đánh Iraq. Giả thuyết thứ ba là Saddam đóng cửa không đếm xỉa đến quyết nghị 1441 (như ông ta đã làm năm 1998 khi đuổi phái đoàn thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc ra khỏi nước, và năm 1991 từ chối rút quân ra khỏi Kuwait theo quyết nghị của Hội đồng Bảo an), các đồng minh chính yếu của Hoa Kỳ hẵn cũng sẽ ủng hộ việc Hoa Kỳ đánh Iraq. Bộ trưởng ngoại giao Pháp, ông Dominique de Villepin (người mấy tháng sau quyết liệt chống Hoa Kỳ) nói rằng nếu Iraq cấm cửa phái đoàn thanh tra thì dù Liên bang Nga hay Trung quốc có phủ quyết một quyết nghị đánh Iraq Pháp cũng sẽ gởi quân tham chiến bên cạnh Hoa Kỳ và Anh quốc.
Nhưng điều ít ai nghĩ tới đã xẩy ra. Iraq thi hành một phần quyết nghị 1441. Iraq không chịu nhận trách nhiệm chứng minh không có vũ khí giết người tập thể, nhưng bằng lòng gởi cho Hội đồng Bảo an tài liệu về vũ khí của mình. Mặt khác, Iraq thuận để cho phái đoàn thanh tra Liên hiệp quốc tự do đi lại và thanh tra bất cứ nơi nào muốn, và hủy một số hỏa tiễn Samoud khi phái đoàn thanh tra tìm ra rằng loại hỏa tiễn này có tầm bắn xa hơn qui định bởi các quyết nghị trước. Saddam Hussein cũng để cho phái đoàn phỏng vấn một số khoa học gia Iraq và tiết lộ những dữ kiện cho thấy Iraq đã phá hủy vũ khí giết người tập thể đã có như thế nào.
Hoa Kỳ hoàn toàn bất ngờ trước thái độ đáp ứng này. Nếu Hoa Kỳ có chuẩn bị và hợp tác với các nước trong Hội đồng Bảo an chính yếu là Liên bang Nga và Pháp để hoạch định một phương cách đáp ứng sớm thì Iraq có thể được giải giới và tránh được chiến tranh, nếu quả thật Saddam Hussein không định tâm đương đầu. Trường hợp Saddam Hussein chỉ giả vờ thi hành để mua thời gian xoay xở nhưng không giải giới thì Hoa Kỳ sẽ hành động với sự ủng hộ của cộng đồng thế giới. Nhưng mãi cho đến tháng Hai năm 2003 Hoa Kỳ và Hội đồng Bảo an mới vội vàng bàn chuyện thông qua một quyết nghị thứ hai trong bối cảnh bất đồng ý kiến, một bên là trong nội bộ Hoa Kỳ, một bên là giữa Hoa Kỳ và Hội đồng Bảo an.
Cuộc vận động Hội đồng Bảo an
Tại sao Hoa Kỳ không thể vận động đủ phiếu đa số tại Hội đồng Bảo an để thông qua quyết nghị thứ hai cho phép tấn công Iraq? Cách trả lời đơn giản nhất là đỗ lỗi cho Tổng thống Pháp Jacques Chirac, cho rằng vì Chirac dọa phủ quyết nên các nước khác không việc gì phải bỏ phiếu thuận cho một quyết nghị trước sau cũng không được thông qua. Nhưng sự thật không phải thế.
Sự thật là trong thời gian thảo luận thông qua quyết nghị 1441 Pháp có cho thấy quan điểm của Pháp là trong mọi trường hợp Hội đồng Bảo an phải thông qua một quyết nghị khác với nội dung thích hợp quốc tế mới có căn bản pháp lý tấn công Iraq. Nhưng vào cuối tháng Giêng năm 2003 sau khi hiểu ý của Hoa Kỳ không muốn vận động một quyết nghị thứ hai trước khi đánh Iraq Pháp thay đổi lập trường để tránh đụng độ ngoại giao với Hoa Kỳ. Qua nhiều đường kín hở khác nhau Pháp ngầm cho Hoa Kỳ biết Pháp tuy không đồng ý nhưng sẽ không công khai chống. Nhưng cũng vào thời gian này Tony Blair cho Hoa Kỳ biết nếu Anh không đòi hỏi một quyết nghị thứ hai trước khi cùng Hoa Kỳ đánh Iraq ông ta có thể mất sự ủng hộ của đảng Lao Động. Thế là Hoa Kỳ bỏ qua ý của Pháp để làm theo kế hoạch của Tony Blair. Đối với ông Blair ngoài nhu cầu chính trị ông ta còn lo ngại Hội đồng Bảo an nếu bị qua mặt có thể thông qua một quyết nghị kết án cuộc tấn công thì sự tham dự của Anh vào cuộc chiến sẽ trở nên bất hợp pháp trước cộng đồng thế giới. Hơn nữa ông Blair tin rằng một khi Hoa Kỳ dùng hết đòn pháp để vận động thì một quyết nghị cho phép đánh Iraq có thể thông qua .
Đến lúc này Pháp bỗng thấy hỏng cẳng. Pháp vội vàng phối hợp với Đức và Liên bang Nga lên tiếng cho rằng việc thanh tra đang tiến hành tốt và Iraq không còn khả năng sản xuất hay tồn trữ vũ khí giết người tập thể cho nên chưa cần một quyết nghị khác liên quan đến hành động quân sự. Đến lúc đó thì cuộc vận động một quyết nghị thứ hai của Hoa Kỳ và Anh bị bế tắc.
Người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể vận động 9 phiếu nơi các nước nhỏ (vốn cần nhờ vả Hoa Kỳ) trong Hội đồng Bảo an, đồng thời mua chuộc Liên bang Nga và Trung quốc bỏ phiếu trắng thì một mình một chợ Pháp sẽ không dại gì bỏ phiếu chống để chọc tức Hoa Kỳ, và như vậy quyết nghị sẽ được thông qua. Nhưng Putin là người không dễ quên. Hoa Kỳ đã bành trướng NATO trước sự bực tức của Liên bang Nga, và đã đơn phương hủy bỏ Hiệp ước chống hỏa tiễn ABM với Nga, cho nên không có lý do gì Putin phải giúp Hoa Kỳ trong lúc này nếu không có “bánh ít trao đi, bánh dầy trả lại”. Nga muốn Hoa Kỳ phải tỏ ra nể mình hơn và hứa hẹn bảo vệ quyền lợi của Nga tại Iraq. Nhưng Hoa Kỳ lờ đi.
Trong thời gian này ông Colin Powell không làm gì để vận động các nước nhỏ trong Hội đồng Bảo an, trong khi những nhân vật lãnh đạo khác lại tỏ ra thiếu tế nhị với Liên hiệp quốc. Đối với ông Hans Blix, chủ tịch đoàn thanh tra vũ khí, một số giới chức Hoa Kỳ cứ đem chuyện ông ta đã nhẹ tay với chính quyền Iraq trong các cuộc thanh tra 10 năm trước đây để than phiền công việc của ông lần này. Trong một buổi hội kiến với ông Blix và Muhammad ElBaradei (Chủ tịch Ủy ban Nguyên tử năng quốc tế) Phó Tổng thống Dick Cheny nói với hai ông rằng nếu Hoa Kỳ tìm thấy những nhận xét của “quí ông sai thì chúng tôi không ngần ngại mời quí ông đi chỗ khác”. Trong một buổi gặp gỡ khác với ông Paul Wolfowitz thứ trưởng bộ Quốc phòng, ông này hỏi như diễu cợt ông Blix: “Ông không biết Iraq có vũ khí giết người tập thể phải không?” Hans Blix, một nhà ngoại giao Thụy Điển nổi tiếng cương trực đã hết sức bất mãn và cho mọi người biết rằng ông ta không có gì phải sợ Hoa Kỳ. Những lời nói thiếu ngoại giao của ông Cheney và Wolfowitz đã làm cho Hoa Kỳ kẹt hơn sau khi đã kiểm soát Iraq mà vẫn không tìm thấy dấu vết gì của vũ khí giết người tập thể.
Ngoài những điều đã nói Hoa Kỳ cũng có thể có được một quyết nghị thứ hai nếu chịu khó chờ đợi. Sau hậu trường Anh đã vận động được sự ủng hộ của ông Blix và 10 nước trong Hội đồng Bảo an cho một quyết nghị qui định rằng Iraq phải báo cáo đầy đủ khí độc vx và anthrax trước đây Iraq có bây giờ ở đâu, phải phá bỏ hết kho hỏa tiễn Samoud, phải để cho các nhà khoa học Iraq được phỏng vấn ở nước ngoài và phải giải quyết các dàn máy bay không người lái của Iraq. Quyết nghị này nói rõ nếu vào giữa tháng Tư năm 2003 Iraq không làm xong những đòi hỏi trên thì Iraq sẽ bị trừng phạt, nghĩa là quân đội Liên hiệp quốc sẽ đánh Iraq.
Nhưng – đã có định ý - Hoa Kỳ không chịu chờ đợi thêm 5 tuần nữa mà chỉ thuận chờ đợi một tuần. Hạn chót của Hoa Kỳ là giữa tháng Ba. Có lẽ Tổng thống Bush và đoàn cố vấn của ông nghĩ rằng một khi chiến trường đã im tiếng súng thì tiếng nói của kẻ chiến thắng vẫn là tiếng nói dễ nghe nhất.
Ân đền, oán trả

Cuộc tranh cãi tại Hội đồng Bảo an liên quan đến quyết nghị đánh Iraq vượt ra khỏi tầm vóc của vấn đề Iraq. Các nước Pháp, Đức, Nga cho rằng họ chống Hoa Kỳ vì thái độ của Hoa kỳ làm suy yếu nhiệm vụ trọng tài của Liên hiệp quốc và đe dọa trật tự thế giới.
Tháng 9 năm 2002 Hoa Kỳ cho công bố tài liệu Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (National Security Strategy) xác định chủ thuyết đánh phủ đầu. Qua lăng kính của chủ thuyết này các nước khác nghĩ rằng Hoa Kỳ đánh Iraq không phải để thi hành quyết nghị 1441 của Hội đồng Bảo an mà chỉ là để thực hiện chủ thuyết mới. Một loạt câu hỏi được đặt ra sau đó. Iraq có phải chỉ là điểm khởi đầu áp dụng chủ thuyết không? Cơ cấu quốc tế nào có thẩm quyền quyết định trường hợp nào thì có thể đánh phủ đầu? Và bằng cách nào Liên hiệp quốc có thể ủng hộ hành động một quốc gia này tấn công một quốc gia khác vì lý do an ninh? Việc gì sẽ xẩy ra nếu một nước nào đó, thí dụ Ấn Độ, Pakistan, Liên bang Nga hay Trung quốc cũng giành quyền đánh phủ đầu nước khác cho rằng an ninh của họ bị đe dọa?
Thật ra nếu quốc tế còn lòng tin nơi Hoa Kỳ thì việc đánh phủ đầu vẫn có thể làm được mà Hoa Kỳ không mang tai tiếng lắm. Rất tiếc vào mùa thu năm 2002 Hoa Kỳ đã không được thế giới tin nữa.
Tại sao Hoa Kỳ mất lòng tin của Âu châu? Các nước Âu châu có truyền thống tôn trọng các Hiệp ước quốc tế, trong khi Tổng thống Bush vừa chân ước chân ráo bước vào tòa Bạch cung đã khai chiến với các Hiệp ước quốc tế. Trước hết Bush không chấp nhận Hiệp ước Kyoto về môi sinh do chính phủ Clinton ký. Sau đó rút ra khỏi Hiệp ước ABM ký năm 1972 với Nga; không chịu tham gia Thỏa ước cấm thử vũ khí nguyên tử và không tham gia Thỏa ước quốc tế về vũ khí vi trùng. Cao điểm là lúc Hoa Kỳ tuyên bố chữ ký của chính phủ Clinton trong bản Hiệp ước về Tòa án Hình sự Quốc tế vô giá trị. Sau cùng cung cách Hoa Kỳ xử lý vụ tù nhân bị giam tại căn cứ Guantanamo đã làm cho các nước Âu châu thêm thất vọng. Đầu năm 2002, ông Rumsfeld gián tiếp phủ nhận Quy chế Geneva về tù binh khi nói rằng qua hành động khủng bố ngày 11/9/2001 ông không thấy còn gì để quan tâm đến cách các tù nhân này được đối xử. Tờ The Economist của Anh cho quan điểm này “bất xứng với một nước tôn trọng luật pháp từ ngày khai sinh”. Trước phản ứng của thế giới Hoa Kỳ đã tìm cách áp dụng quy chế Geneva thế nào để thi hành luật pháp và bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới. Nhưng người ta vẫn không quên những gì ông Rumsfeld nói.
Thái độ của Hoa Kỳ đối với NATO cũng là điều làm cho Âu châu bực bội. Sau ngày 11 tháng 9 NATO nêu Điều 5 của quy chế NATO (nói rằng an ninh của một thành viên NATO là an ninh của khối NATO) để bày tỏ thái độ ủng hộ Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ tỏ ra không tha thiết lắm.
Mặt khác thế giới cũng nản chí về chính sách của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tại Trung đông giữa Do Thái và Palestine. Bush không làm gì khác hơn là ủng hộ Ariel Sharon vô điều kiện mãi cho đến những ngày trước khi khởi quân đánh Iraq mới (cùng với Liên bang Nga, Trung quốc và Liên hiệp Âu châu) đưa ra một “lộ trình” tái lập hòa bình tại đó trước sự thúc dục của thủ tướng Blair. Nhưng quá trễ.
Tranh thủ công luận
Nhìn lại, quyết nghị thứ hai (sau quyết nghị 1441) không được Hoa Kỳ đề nghị mang ra biểu quyết vì không đủ 9 phiếu đa số trong đó các quốc gia sẽ bỏ phiếu chống gồm Angola, Cameroon, Guinea, Chile, Mễ Tây Cơ vì Hoa Kỳ đã không làm gì để thuyết phục dư luận quần chúng ở các nước này. Ý kiến chống (quyết nghị thứ hai) phản ánh công luận thế giới. Angola, Cameroon, Guinea phản ánh dự luận chống chiến tranh tại Phi châu; Chile và Mễ Tây Cơ phản ảnh dư luận tại Nam Mỹ. Tại Âu châu, dân chúng Đông âu ủng hộ Hoa Kỳ đại diện bởi phiếu thuận của Bulgaria. Tây âu dư luận chia đôi phản ánh bởi Đức Pháp một bên, bên kia là Tây Ban Nha và Anh. Tổng thống Bush tích cực vận động ngoại giao qua sự tiếp cận với các nhà lãnh đạo, nhưng chưa đủ. Đáng lẽ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải đầu tư nhiều hơn vào việc tranh thủ công luận thế giới. Bộ trưởng ngoại giao Colin Powell đã nổ lực tranh thủ công luận bằng buổi trình bày của ông trước diễn đàn Liên hiệp quốc về hiểm hoạ của một nước Iraq có vũ khí giết người tập thể, nhưng những bằng chứng ông đưa ra không có tính thuyết phục, mặc dù ông Powell (cũng như thủ tướng Tony Blair) tin rằng Iraq có vũ khí giết người tập thể. Nhưng sự xuất hiện thường xuyên của bộ trưởng Donald Rumsfeld với những lời lẽ coi thường công luận đã gây nhiều tổn thất cho Hoa Kỳ. Ông Rumsfeld hình như không nắm được nguyên tắc “làm ngoại giao qua truyền thông” là thuyết phục chứ không phải đối đầu. Nước Đức không bao giờ có thể tha thứ Rumsfeld khi ông ta cho rằng Đức và Cuba cũng cùng một bè (vì đều chống Hoa Kỳ). Và thái độ của ông coi thường NATO và Liên hiệp quốc làm cho ông ta không thể thuyết phục được dư luận Âu châu. Bà thủ tướng Jose Maria Aznar của Tây Ban Nha, quốc gia ủng hộ Hoa Kỳ, trong một phút thất vọng thốt ra rằng muốn xây dựng một liên minh chúng ta cần “nhiều Powell và ít Rumsfeld. ”
Việc quốc hội Thổ bác bỏ đề nghị của chính phủ (Thổ) với một đa số khít khao không cho Hoa Kỳ mượn đường phía bắc để đánh Iraq cho thấy sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc tranh thủ báo chí và dư luận Thổ. Hoa Kỳ tin rằng nắm được các tướng lãnh Thổ, biểu quyết cho mượn đường sẽ được thông qua.
Vấn đề tương lai
Chính quyền Tổng thống Bush nghĩ rằng sau khi chiến thắng mọi người sẽ thấy cái lý của Hoa Kỳ. Điều này đúng một phần. Cuộc hành quân hạ bệ Saddam Hussein của Hoa Kỳ đã chuyển đến các nhà độc tài và các tổ chức khủng bố trên thế giới một thông điệp mạnh mẽ. Và nếu sau này một chính thể dân chủ xuất hiện được tại Iraq thì đó là một thành công của Hoa Kỳ. Tuy nhiên những thành quả đó cũng chỉ được nhìn nhận nếu được thực hiện qua sự đồng tình của quốc tế.
Vấn nạn của Hoa Kỳ là trong tương lai phải đáp ứng như thế nào nếu có một quốc gia “nguy hiểm” phát triển vũ khí giết người tập thể. Rút bài học Iraq Hoa Kỳ sẽ khó hành động đơn phương. Nhưng nếu Hoa Kỳ vận dụng cơ chế Liên hiệp quốc để tìm căn bản pháp lý cho hành động thì các cơ chế này cũng đã bị tổn thương để có thể làm trọn chức năng của nó. Giải giới qua thanh tra là một vũ khí của Liên hiệp quốc, nhưng Hoa Kỳ đã không tin sự thanh tra này thì trong tương lai Liên hiệp quốc dùng cách gì để áp lực một quốc gia được xem là nguy hiểm giải giới.
Việc Hoa Kỳ không tìm thấy vũ khí giết người tập thể tại Iraq là một đòn nặng cho uy tín Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã mang uy tín của ngành tình báo quốc gia và qua đó uy tín của những người lãnh đạo Hoa Kỳ để quả quyết với thế giới rằng Iraq có vũ khí giết người tập thể trong khi chính Hoa Kỳ không có dữ kiện nào chắc chắn trong tay.
Trong tương lai khi cần ngăn chận sự chế tạo và phổ biến vũ khí giết người tập thể có lúc Hoa Kỳ phải chận bắt tàu thuyền trên biển hoặc oanh tạc các trung tâm nguyên tử chẳng hạn.Vấn nạn là bằng chứng Hoa Kỳ trưng ra để biện minh cho hành động có thể bị nghi ngờ là thiếu xác thật. Niềm tin là một yếu tố quan trọng trong đối ngoại. Còn nhớ năm 1962 khi Bộ trưởng Ngoại giao Dean Acheson qua Paris để trình bày cho Tổng thống Pháp Charles de Gaulle các bằng chứng việc Cuba dàn vũ khí nguyên tử để biện minh cho hành động quân sự sắp tới của Hoa Kỳ thì Tổng thống de Gaulle bảo ông Acheson không cần mất công trưng bằng chứng, vì ông tin Tổng thống Kennedy sẽ không hành động khinh xuất nếu ông ta không có những bằng chứng xác thực trong tay.
Để kết luận, nếu Hoa Kỳ đã được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an thì hôm nay quân đội Hoa Kỳ tại Iraq đã ít gặp khó khăn hơn. Cộng đồng thế giới đã góp nhiều tiền và gởi nhiều quân đến cùng với Hoa Kỳ ổn định tình hình và xây dựng một cơ chế dân cử tại đó. Trong quá khứ khi Hoa Kỳ gởi quân đến Bosnia và Kosovo với một quyết nghị cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, quân đội Hoa Kỳ được xem là đoàn quân hòa bình.
Nếu Tổng thống Bush đã quan tâm đến ngoại giao và dư luận quốc tế và có những chuẩn bị như đã chuẩn bị mặt quân sự thì Hoa Kỳ đã không rơi vào bế tắc như hiện nay.
Lần tới - nếu có một lần tới –Hoa Kỳ cần phải vận dụng hai mặt quân sự và ngoại giao song hành và bổ sung lẫn nhau. Nếu phía quân sự Hoa Kỳ dùng chủ thuyết Powell khi đánh phải dùng toàn lực và đánh một cách áp đảo thì trước khi đánh cũng phải huy động toàn bộ khả năng thuyết phục của quốc gia để thuyết phục thế giới. Chỉ như vậy cộng đồng thế giới mới tin rằng mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ là tốt.
Oct. 27, 2003
  

No comments: