Sunday, September 9, 2012

NGUYỄN THỤY KHA * PHÙNG CUNG

Gặp nắng lạ trong thơ Phùng Cung

Chủ nhật 08/07/2012 08:00
Phùng Cung là một trong những nhà thơ Việt Nam đi theo con đường của nghệ thuật tối giản. Thơ Phùng Cung đặc sắc bởi thi tứ, thi ảnh, thi từ, thi điệu, thi pháp đậm đặc chất đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
Gặp nắng lạ trong thơ Phùng Cung
Bởi vậy, thế giới thơ Phùng Cung rất cần thiết được nghiên cứu kỹ càng. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi một thời gian dài lâu.

Cảm nhận đầu tiên về thơ Phùng Cung với riêng tôi, là cảm nhận ấn tượng khi gặp những cái nắng lạ trong những câu thơ của ông. Cái nắng rất đa sắc nhưng không phải của màu mà là của văn minh sông Hồng. Cái nắng lấp lánh trong đêm mà Phùng Cung đã dẫn dắt mọi người cùng xem.

Bèo

Lênh đênh muôn dặm
nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh

Sông lũ

Mặt nước đầy căng
Sông chảy bồn chồn hoa nắng
Chim chả nguệch bàn cờ
bến vắng
Bóng xanh trôi

Xem đêm

Trở giấc xem đêm
Cuối trời trăng - mỏi
Trái gấc chín - ngập ngừng
Tóc rụng trạt lối đi
***
Trở giấc xem đêm
Thiên hà ngọc vụn
Gió thổi một mình
Mặt đất tròng trành
Ma hoa nhảy múa
 
Đấy là cái “Nắng Âu Cơ” – cái nắng từ tổ tiên thuở hồng hoang khi ông nghĩ về tổ quốc. Đấy là cái nắng “Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch” rơm rớm bên “Ao con”. Đấy là “sông chảy bồn chồn hoa nắng” mùa lũ lên. Đấy là cái “nắng ngả tương” oai oải mùi hương quê. Đấy là cái “nắng hẩy gió lên” để rồi bóng râm rẽ lối sang sông. Đấy là “hạt nắng non” hồn nhiên rây qua kẽ lá như hạt ngô non khiến gà nhầm rình mổ. Đấy là cái nắng “ấp úng rạng đông”, cái “nắng cũ” ngời trong khóe mắt đồng chiêm, cái “nắng thả chào mào” nghiêng nghé căn nhà lụp xụp tồi tàn, cái “nắng phơi rơm” bồng bềnh mùa gặt, cái “nắng vắt ngọn tre đuôi én” mùa gieo mạ, cái nắng trong bước chân con vạc ăn ngày “đạp cánh đồng xơ xác”.

Đấy là những “chiều vừa đuối nắng” nơi con sông vặn dòng, là cái “nắng vẽ” trên lưng cua đồng chài chã đời đời kiếp kiếp lấm lem, là “trời thu thả nắng” bâng khuâng mùi ổi chín, là cái đuôi nắng uể oải cuối chiều trong tiếng bò rống, là cái “nắng đồng trinh” trong “chiều hoa râm”, là cái “nắng hàn vi” mỏng mảnh hoa rau sam, là “nắng hoa ngâu” se sém nỗi ong vàng chết điếng, là “cuối nắng” có con đò lá tre lênh đênh. Đấy là “chút nắng thừa” trong chiều khây khẩy cơn sốt rét run rẩy mảnh chăn chiên, là “nắng thắm quết trầu dốc bến”, là “nắng ánh cam” nhuộm nương ngô, là “nắng trôi lụa” xa xăm đẹp đến huyền diệu với cánh bướm vẫy.

Viết về nắng mùa rươi “tháng chín đôi mươi- tháng mười mồng năm” tài tình đến nhất mực: “Nắng đổ xanh chổi cốm hoa rươi”. Đấy là chút “nắng ghé” trên mảnh rêu chiều mênh mang, là “hoa khế đỏ màu cua chết nắng”, là gương mặt phong trần “chịu nắng”, là tia “nắng xéo” mo cơm lủng lẳng sau lưng người tha phương.

Đấy là “Nắng chiêm thành quanh quất tháp hoang” đầy bi tráng, là “nắng dứ” đầu mùa đậm nhạt, là tia “nắng tía” lay lay hàng râm bụt khúc khích tiếng cười, là cái nắng có sợi tơ trời nghiêng bay, là màu “nắng son” đổ vụn trên ngưỡng cửa trưa hè, là chút nắng hong khi mùa xuân đã vãn, là tia nắng hoang giữa cánh rừng, là cái nắng dạt liệm vào chiều chia biệt bạn bè, là cái nắng lạnh chuyển mùa chiều hiu hắt, là cái nắng hanh góc sân quê, là tia nắng lay trên con đường gánh gồng thuê mướn lam lũ, là tia nắng chột trong tiếng cóc ho, là cái nắng chói chang vắt kiệt đồng quê in dấu chân cua trốn nắng, là tia nắng quái nhắm vàng trên hoa chua me đất, là nắng thơm mật đồng mía, là tia nắng tắt tần ngần trên sào phơi váy.

Nắng lạ trong thơ Phùng Cung khiến ta nhận ra sự lấp lánh của phía bên kia bán cầu tưởng tượng mà người thơ ngồi trong đêm phía bán cầu bên này hy vọng về một đời thường bình dị mà quá đỗi khó khăn. Đời thường ấy hôm nay đã mất giữa một thời chao đảo, thời mà con người chỉ được sống trong bóng đêm bí ẩn của chính mình.

Cuối tháng 6 vừa qua, tại L’Epace (Hà Nội), Công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam (đơn vị liên kết với NXB Hội Nhà văn xuất bản tuyển tập thơ “Xem đêm” của nhà thơ Phùng Cung (222 trang khổ 15x23cm) đã tổ chức hội thảo về ông.

Số phận Phùng Cung thật trắc trở. Không mấy bạn đọc, nhất là các thế hệ bạn đọc trẻ biết đến ông. Ông sinh năm 1928 tại Vĩnh Yên, năm 1945 tham gia cách mạng. Năm 1949 ông hoạt động văn hoá văn nghệ tại Việt Bắc. Dính dáng vào “Nhân văn giai phẩm” nên từ 1961 đến 1973, ông bị bắt giam. Mãi đến năm 1994, tập thơ mỏng (cũng có tên là) “Xem đêm” của ông được ra mắt bạn đọc. Ông mất năm 1997 tại Hà Nội.

Phùng Cung có viết nhiều truyện ngắn, nhưng quả thật, thơ mới làm nên tên tuổi của ông. Những nhà thơ cùng thời, bạn bè thân thiết của ông đã nhận xét: “Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có một tập thơ nào về một vùng quê nghèo khổ lại súc tích, cô đọng mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc như tập “Xem đêm”... Mỗi bài thơ, có khi chỉ một câu, đều như những luồng điện không giật chết người, nhưng cứ thắt vào tim những rung động thấm rất sâu... (Hoàng Cầm) hoặc nhận xét của Phùng Quán: “Đọc thơ anh, có bài chỉ vài câu, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp đẽ đến xao xuyến tận đáy lòng - những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn nhưng không thấy...”.

Cuộc toạ đàm nhỏ này chưa thể nói gì nhiều về thơ Phùng Cung. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng vậy, chỉ bàn góp thêm về “những cái nắng lạ” trong thơ Phùng Cung.
 http://laodong.com.vn/Van-hoa/Gap-nang-la-trong-tho-Phung-Cung/72936.bld

No comments: