Tuesday, September 4, 2012

ALBERTO MORAVIA * TRÒ CHƠI HAI MẶT

Trò chơi hai mặt
Truyện ngắn của Alberto Moravia (Ý)

Nguyễn văn Sâm dịch

Thằng Umberto làm được cái này; thằng Umberto làm được cái kia; thằng Umberto đứng nhứt lớp; má thằng Umberto khoe nó được thưởng huy chương; thằng Umberto chịu khó đi làm; thằng Umberto đem tất cả tiền lương về nhà; thằng Umberto mua được xe gắn máy bằng tiền của mình; thằng Umberto đã mua được xe hơi. Bất cứ lúc nào, từ khi còn là đứa trẻ ngồi ăn trên ghế cao cẳng, mang yếm trước ngực, bao giờ tôi cũng nghe chuyện thằng Umberto hay giỏi hơn tôi. Dĩ nhiên vì chúng tôi ở cùng trong một bin-đinh ở Via Candia, trong hai căn apartment chật hẹp. Một căn là của cha thằng Umberto, bán gà vịt, ở từng trệt, căn kia là của chúng tôi. Hai căn cùng đổ về một đầu cầu thang. Mẹ tôi và mẹ nó là bạn thân nhau, tôi và nó cùng lớn lên cùng chơi chung. Dĩ nhiên, khi tôi lớn lên, trở thành một thằng chuyên môn lánh nặng tìm nhẹ, làm biếng làm nhác, ăn không ngồi rồi thì mẹ tôi chỉ thằng Umberto biểu tôi noi theo gương nó. Thật ra, theo tôi thì thằng Umberto không bằng ngón tay út tôi; nó láu cá, hợm mình, ti tiện. Nhưng so sánh thì ích lợi gì chớ? Ai chẳng biết, tất cả bà mẹ đều giống nhau; nếu thế giới nầy tạo ra đúng theo ý của các bà thì chắc sẽ gồm toàn kẻ vô danh tiểu tốt chỉ biết láu cá, hợm mình, ti tiện như thằng Umberto thôi.
Tôi tuy bực thằng Umberto nhưng khi gặp nhau, chúng tôi vẫn lịch sự chào hỏi, trò chuyện. Thật ra đó là cuộc chiến tranh lạnh giữa hai người, chỉ đợi dịp là gây nhau thôi. Dịp đó đã đến vào ngày tôi bị đuổi khỏi hãng cao su ở Via Dandolo vì làm việc kém hiệu quả. Khi tôi đang đi xuống cầu thang, bên tai còn văng vẳng tiếng của mẹ tôi: ‘Con ơi, con làm mẹ buồn quá. ..Hãy nhìn thằng Umberto kia kìa, nó là đứa con hiếu thảo, con cần noi theo.....' Tình cờ, thằng Umberto đang đi ra. Lập tức tôi chận nó lại: ‘Nói đi, phải mầy luôn luôn giỏi trong mọi chuyện không?’ ‘Bạn nói gì vậy hả?’ ‘Tao muốn nói, mầy không bao giờ làm điều gì sai quấy phải không, mầy chỉ làm những việc gì nên làm, mầy có khi nào đem tiền lương lãnh trong tuần nướng hết vô sòng bài không?' Có thể tin nổi không chứ? Người nào ở vị trí của thằng Umberto sẽ trả đũa liền. Vậy mà cái mặt ranh ma của nó lại tỏ ra độ lượng. Nó đặt tay lên vai tôi, nói: ‘Bạn à, bạn làm theo tôi đi rồi sẽ giỏi thôi chứ gì.’ Tôi giận dữ: ‘Bỏ tay xuống. ..Không phải tao gặp mầy để được thỉnh giáo đâu. Chính tao là người muốn khuyên mầy đây: Hãy cắt đứt liên lạc với em Clara nghe không; em đã chính thức đính hôn với tao rồi đó.’ ‘Chính thức đính hôn à?’ ‘Em thuộc về tao rồi, mầy phải để em yên- hiểu không mậy?’ ‘Tôi phạm lỗi gì nếu... ..?’ ‘Thôi đủ rồi, báo trước để mầy liệu hồn đó.’’
Để các bạn hiểu những lời trên, cần biết lúc đó tôi đang theo đuổi em Clara. Em cũng ở tại Via Candia, trong một bin-đinh giống như bin-đinh của tôi, nghĩa là cũ xì, cũng có sân rộng như một công trường và cũng có cầu thang mang chữ từ A đến F. Trên một cầu thang là apartment của mẹ Clara. Bà tên là Signora Dolores, làm nghề coi bói. Bà đâu khoảng năm mươi, gầy guộc, mặt trắng bệch như bôi bột. Hai con mắt đen làm cho mặt mày giống như cái mặt nạ bằng thạch cao. Lúc trước bà giàu -hay bà nói như vậy- nay thì phải xoay sở bằng nghề bói bài và coi chỉ tay. Người ta đồn bà bói hay lắm. Ngoài các bà ở Via Candia, còn có các cô, có chồng hay chưa chồng, từ khu khá giả lân cận đến xem. Em Clara thì trái hẳn với mẹ. Em khỏe mạnh, xinh đẹp, tươi cười. Đôi mắt như hai vì sao bất động. Cái miệng với đôi môi hồng nhạt là quá dễ thương đi thôi, khi em cười để lộ những chiếc răng trắng như hạt hạnh đào, cái miệng tự nhiên của một cô gái chưa biết làm điệu. Clara làm thơ ký đánh máy và tốc ký cho một văn phòng; em tỏ ra lành nghề. Khi em ở nhà mà mẹ bận tiếp khách, em xuống bếp, ngồi đánh máy và học tiếng Anh. Theo tôi biết, Clara tính tình trầm lặng. Tôi có thể nói, em trầm lặng quá đến nỗi, nhiều như tôi yêu em, tôi phải so sánh em với mặt nước phẳng lặng trường giang. Không quá giống như thành ngữ nước yên thì chảy sâu; mà là mặt biển yên bình tháng tám. Ban đêm, trăng sao lồng vào đáy nước làm người ta nhớ đến cách yêu đương thời xưa, tay trong tay; tay mình quấn lấy lưng em, đầu em tựa lên vai mình. Ồ, đúng vậy, em đúng là dòng nước êm ả- đúng cả hai nghĩa.
Cùng ngày hôm đó, tôi kể lại cho Clara nghe là tôi đã chạm trán với Umberto. Em mỉm cười: ‘Sao anh lại ghen với hạng người như Umberto được chớ?’ ‘Thì, hắn là đàn ông mà.’ ‘Đúng, nhưng là hạng đàn ông gì!’ Cảm thấy được an ủi phần nào, tôi yêu cầu em giải thích thêm. Vẫn tươi cười, duyên dáng, ngây thơ, em đáp: ‘Ồ, em không biết nữa. ..Trước tiên, về dáng người, anh ta trông giống như thằng Fagiolino trong rạp múa hình, là người chuyên nhận những cái đấm, với cái mặt dài thoòng và đầu tóc như là cái gối cắm kim tua tủa. Anh có biết không hắn là chán chết đi được! Chỉ nghĩ đến mình thôi: mình tài giỏi, mình thông minh, mình thế nầy, mình thế kia. ..Anh ta luôn nói về mình.. . Ngoài ra anh ta còn có ý nghĩ :vợ thì phải ở nhà, nấu ăn, trông coi con cái, muốn yên thân thì đừng huyên thiên với người khác, dù rằng với anh em trai cũng không được nữa. Em mà lấy hắn hả, thà chết sướng hơn!’ Tóm lại em Clara nói xấu Umberto thậm tệ, đủ điều nên cuối cùng tôi hoàn toàn yên tâm, tôi để em gặp hắn mỗi khi em muốn.
Từ đó trở đi, tôi thấy như trả được mối hận mà ngày nầy qua ngày khác, mẹ tôi luôn luôn cho rằng Umberto là mẫu mực tôi phải noi theo. Mẹ tôi đã đặt hắn lên cái bệ; ngược lại Clara đã ném hắn xuống đất bùn. ‘Em đâu thích anh ta. Em đi với anh ta vào nơi anh ta làm đốc công, anh ta thị người làm như cỏ rác. Nhưng khi ông kỹ sư đến thì anh ta biến thành người khác ngay- khúm núm, chăm chú, bợ đỡ.’ Hoặc là: ‘Để em kể cho anh nghe chuyện mới đây: anh ta dám cho người ăn mày tới mt trăm đồng lận á, anh biết tại sao không? Đó là tờ mt trăm giả. Còn điều nầy nữa: Anh ta có tật xấu mà em chịu hết nỗi: lúc nào thấy em ngó lơ là anh ta cạy cứt mũi.’ Clara nói xấu Umberto tàn tệ đến nỗi đôi lần tôi muốn bào chữa cho Umberto, nếu tôi chỉ có cái thú là nghe em nhai đi nhai lại mãi. Tôi nói: ‘Nhưng anh ta là đứa con ngoan mà.’ Em đáp: ‘Nhưng anh ta coi mẹ mình như nô lệ vậy.’ Tôi nói: ‘Anh ta đem trọn tiền lương về cho mẹ mà.’ Em đáp: ‘Đem tiền về nhà à? Bây giờ hết rồi, anh ta bỏ riêng vô nhà băng hết trơn thì có.’ Tôi nói thêm: ‘Anh ta chịu khó lắm mà.’ Em đốp chát: ‘Hắn mà chịu khó làm việc? Hắn chuyên né việc. Hắn thích sai người khác làm, ngồi mát ăn bát vàng đó ông!’
Thế rồi vì quá tin Clara nên một ngày kia tôi đề nghị điều chỉnh lại sự liên hệ giữa tôi và em tức là hứa hôn chính thức. Em đáp ngay: ‘Em đã nghĩ đến điều đó rồi nhưng chưa dám nói với anh thôi. Để mọi việc danh chánh ngôn thuận, anh phải đến thưa với Mẹ em; anh biết mẹ em mà.’ Thế là chúng tôi đồng ý là tôi đến trình với mẹ em còn em được phép gặp Umberto lần cuối cùng buổi chiều hôm ấy. Em nói: ‘Em không chịu nỗi hắn nữa, hắn làm em mệt quá rồi.’ Tôi chấp nhận kế hoạch nầy, không mảy may thương xót thằng Umberto, ti nghiệp nó đâu biết việc gì sẽ xảy ra. Và khoảng bảy giờ tối thì tôi ra khỏi nhà, băng qua cư xá Via Candia, đi vào cổng của dãy nhà có căn hộ của Clara.
Trên từng ba của cầu thang chữ D, cánh cửa nhà bà Signora Dolores đang khép hờ, tôi đẩy cửa ,bước vào. Căn phòng chật hẹp, chật kín khách chờ tới phiên mình. Hai bà đầu trần, dân ở vùng lân cận của Via Candia; một cô da đen xinh đẹp ở cùng khu vực với tôi vì tôi thấy cô nàng quen quen; một bà sồn sồn, mặt mày phờ phạc, trét đầy phấn, mặc áo lông màu nâu. Tôi nghĩ bà Signora Dolores làm ăn khấm khá. Tôi ngồi xuống, lấy tờ tạp chí có nhiều tranh ảnh lên xem. Một lát sau, cửa mở, một bà trẻ đẹp bước ra, hôn bà Signora Dolores một cách thắm thiết, nói: 'Đa ta, đa ta, người đẹp.’ Mẹ của Clara, trong bộ quần áo kiểu Nhựt bằng lụa, góc áo có thêu con rồng đủ màu, miệng ngậm cái ống điếu dài thườn thượt, liếc mắt ngó tôi, nói: 'Cháu Rinaldi, chờ chút nữa nhé, sẽ tới phiên cháu.' Bà đưa bà sồn sồn, mặc áo lông nâu vào. Qua giọng nói của bà, tôi nghĩ bà không biết trước điều tôi sắp đề đạt. Lúc ấy tôi bỗng nảy ra một ý hay hay: Sẽ nhờ bà ta bói thử xem bà có thấy được chuyện hôn nhân giữa tôi với em Clara nằm trong bàn tay tôi không; sau đó thì tôi mới trình chuyện ấy. Lấy làm vui với ý tưởng đó, tôi sốt ruột chờ đến phiên mình. Chừng mười lăm phút sau, bà mặc áo lông bước ra và đi thẳng, vẻ vội vã, đăm chiêu. Bà Signora Dolores ngoắc tay ra dấu cho tôi vào.
Dẫu biết trước vì chỗ nơi chật hẹp bà phải hành nghề trong phòng ngủ, vậy mà tôi cũng phải ngạc nhiên. Đó là một căn phòng tranh tối tranh sáng, với chiếc giường đôi rộng phủ vải vàng mà tôi chắc mẫm là nơi Clara ngủ với mẹ. Cửa sổ phòng có treo màn thêu một đàn chim và mấy giỏ hoa. Một cái bàn cạnh cửa sổ, trên có đặt bộ bài và một cái kiếng lúp. Toàn phòng chật ních với những bàn ghế nho nhỏ, đồ đạc linh tinh, tranh ảnh mang chữ ký của những vị tai to mặt lớn, tặng phẩm lưu niệm... Bà Signora Dolores không nói gì, ngồi vào bàn, ra dấu cho tôi ngồi đối diện. Việc trước tiên là lấy ra cái hộp quẹt, bật lên, đốt một mảnh giấy đen; mảnh giấy cháy, phát ra làn khói trắng thơm phức. Giọng mệt mỏi nhưng thanh tao, bà nói: ‘Hương armenia đấy, cháu thấy thơm không?. Cháu Rinaldi, cháu cần gì nào?’ Tôi trả lời là tôi đến để coi vận mạng. Bà đặt cái ống điếu dài lên cái gạt tàn, cầm bàn tay tôi, nhìn qua kính lúp coi đi coi lại rất kỹ lưỡng.
Một lúc khá lâu, bằng một giọng ngài ngại, bà nói: ‘Chỉ tay nầy của hạng người nào vậy cà?’ Tôi cảm thấy bối rối, hỏi: ‘Có gì vậy bác?’ Bà đáp: ‘Tại vì đây là chỉ tay của hạng đàn ông khoái- rất khoái - đàn bà con gái.’’ Tôi nói: ‘Thanh niên mà bác!’ Bà đáp: ‘Phải, nhưng có giới hạn trong việc săn đuổi chớ. Mà cháu thì không có giới hạn đó. Tim cháu giống như trái ar-ti-sô.’ ‘Nếu bác nói là . ..’ ‘Đó là do chính bàn tay của cháu nói lên thôi: Cháu là một tên Sở Khanh thứ thiệt.’ ‘Bác ơi, bác đừng nói quá!’ ‘Bác không phóng đại chút nào đâu; hãy nhìn vào đường tình yêu của cháu xem, nó giống như chuỗi dây xích- mỗi mắt xích là một người đàn bà.’ ‘Còn gì nữa hở bác?’ ‘Ngoài ra, không còn gì. Làm ăn may mắn chút đỉnh, làm việc không chăm chỉ lắm, tính tình không mấy đứng đắn, thiếu tinh thần trách nhiệm.’ Tôi bắt đầu bực, nói: ‘Bác chỉ thấy điều không tốt của cháu thôi!’ Bà nói: ‘Đó không phải là những điều không tốt. Đó là những đặc tính con người của cháu. Nếu bác là mẹ, chắc chắn bác không gả con gái cho cháu đâu.’ Nghe vậy tôi phát giận ngang, tôi nói với bà: ‘Vậy bác xem giùm đường gia đạo của cháu coi.’ Bà cẩn thận cầm lấy kính lúp xoay xoay bàn tay tôi khắp mọi hướng rồi nói: ‘Còn nhiều cuộc săn đuổi đàn bà nhưng không có chuyện hỏi được vợ.’ Tôi nói: ‘Bác Signora Dolores nè, nói rõ ra là cháu đến đây không phải để coi chỉ tay mà đến để báo với bác là con gái của bác và cháu đã yêu nhau, hôm nay chúng cháu đã quyết định hứa hôn với nhau.’
Khi nghe những lời đó, bà lặng lẽ để kính lúp xuống, nói: ‘Nhưng, đứa cháu tội nghiệp của bác ơi.. .’ ‘Gì hả bác?’ ‘Cháu à, bàn tay bao giờ cũng nói lên sự thực; cháu không cưới được vợ đâu.’ ‘Rõ ràng là Clara và cháu đã đồng ý mà.’ ‘Cháu chưa được đồng ý. ..Cháu thì đồng ý với Clara, nhưng Clara thì đâu có đồng ý với cháu đâu.’ ‘Ai nói vậy?’ ‘Bác nói đó: Clara đã đính hôn rồi.’ ‘Nhưng mà lúc nào vậy. ..?’ ‘Nó đính hôn đã được cả tuần nay rồi, với Umberto. Clara không đủ can đảm nói thật với cháu vì tánh nó nhút nhát cũng không muốn gây đau khổ cho ai vì nó có lòng nhân. Nó lo lắm; cháu không biết nó lo như thế nào đâu. Và nhân đây, bác muốn nói rằng thằng Umberto đã tỏ ra người quân tử : Clara đã xin Umberto cho nó gặp cháu thêm vài ngày để có dịp giải thích với cháu, Umberto đồng ý ngay. Không biết có bao nhiêu cặp đã đính hôn trong tình huống như vậy mà làm được điều đó.’
Tôi chết điếng trong lòng. Bà còn có vẻ đạo đức giả: ‘A, thử bói bài thêm xem sao; cam đoan lật lên là thêm nhiều hình các bà.’ Như kẻ vô hồn, tôi móc ra tờ một ngàn đồng đặt lên bàn, bước đi, không nói lời nào. Choáng váng. Thay vì coi chỉ tay cho tôi, bà Signora Dolores đã giáng lên đầu tôi cả cái búa tài xồi. Trong cảm gíác bàng hoàng, tôi vẫn còn hồ nghi nhiều điểm giống như đám rắn lay tỉnh dần dần trong đống rơm, dưới nắng ấm. Vậy là trong khi tôi nghĩ rằng tôi hào hiệp đối với thằng Umberto là để cho hắn được phép gặp Clara, thật ra hắn là người hào hiệp đối với tôi khi cho phép Clara gặp tôi. Trong khi tôi khoái chí nghe em nói xấu Umberto thì chính lúc ấy hắn đang khoái chí nghe em nói xấu tôi. Vậy là Clara luôn luôn chơi trò hai mặt; cuối cùng chỉ mình tôi là người bị lừa gạt phỉnh phờ.
Trong lúc thoáng qua đầu những suy nghĩ đó, chắc tôi lộ vẻ bối rối vì ngay lúc đó cô gái da đen xinh đẹp đang chờ đến phiên, vừa ra dấu vừa xì xì kêu tôi như người ta gọi con mèo. Tôi khom người xuống, em hỏi: 'Có chuyện gì vậy? Bà ta đoán toàn chuyện không tốt lành hả?' Tôi đáp: ‘Xấu đau xấu đớn.’ Cô em đứng bật dậy: ‘Vậy em không thèm vô coi đâu. Em sợ nghe điều xấu lắm.’ Như kẻ vô hồn, tôi bước ra khỏi phòng, cô em cũng bước theo sau.
Đến đầu cầu thang, tôi nhìn sang người đẹp: nước da đen bóng, tóc cắt ngắn như con trai, những lọn tóc lòa xòa quanh khuôn mặt tròn, đám tóc măng xuống tận má và cằm như bóng râm. Tôi thấy cô em quá là xinh và dường như đoán biết tôi đang nghĩ gì, cô em quay về phía tôi, mỉm cười: ‘Anh thì chẳng biết em đâu, nhưng em biết anh! Chúng mình ở trong cùng một bin-đinh mà.’
Thình lình từ cầu thang bên dưới vang lên tiếng cười ngây thơ, trong như tiếng hạc bay qua; đó là tiếng cười của Clara. Lúc ấy cũng có tiếng nói the thé của thằng Umberto nữa. Tôi liền đặt tay ôm eo ếch người bạn mới: ‘Cưng tên gì ?’ Cô em đáp: ‘Em tên Angela.’ và nhìn tôi không chút ngượng ngùng. Đúng lúc đó, Clara và Umberto đi ngang qua chỗ hai đứa chúng tôi. Tôi biết em đã nhìn thấy chúng tôi ôm nhau nhưng em lặng lẽ ngó xuống đất. A, thấy chưa, tôi cũng có bồ vậy chứ, nhưng cảm giác cay đắng. Họ đi lên cầu thang, chúng tôi thì đi xuống. Tôi bỏ tay khỏi lưng Angela , nói: ‘Angela yêu dấu, mình đi uống nước để mừng duyên gặp gỡ nhe!’ Cô em nắm lấy tay tôi, chúng tôi cùng nhau xuống phố....

No comments: