Thursday, October 20, 2016

THÁNG 4-1975

Monday, April 22, 2013

NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH * THÁNG TƯ BUỒN

Nguyễn Thượng Chánh: Tháng Tư Buồn

Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ QLVNCH và thuyền nhân Việt Nam tại Montreal (photo internet)
Từ năm 75 đến thập niên 80 có hằng trăm ngàn người Việt Nam liều chết vượt biển để tìm tự do và cuối cùng một số người may mắn đã đến được bến bờ tự do.
Video – Medecins du monde (Tàu Pháp cứu vớt thuyền nhân Việt Nam) (nói tiếng Pháp)
http://www.ina.fr/economie-et-societe/vie-sociale/video/CAB8201303801/medecins-du- monde.fr.html
Thống kê cho biết có vào khoảng trên 35.000 người Việt Nam đang sinh sống tại thành phố Montréal. Họ được gọi là Les Vietnamiens de Montréal hay Les Viéto-Montréalais.
Theo thời gian, cộng đồng người Việt Montréal dần dần lớn mạnh thêm, thích nghi và hội nhập một cách êm ái vào xã hội Québec.
Video: The fall of Saigon 1975
http://www.youtube.com/watch?v=IdR2Iktffaw
* * *
 

Trên bước đường tị nạn, người Việt đã mang theo họ kinh nghiệm sống từ quê hương khói lửa cùng với một tâm quyết sắt đá là phải gầy dựng lại một cuộc đời mới trong tự do.
Một tương lai sáng sủa hơn đang chờ đón con cháu họ.


«Les Vietnamiens de Montréal» là tên một quyển sách nghiên cứu xã hội, nhân chủng học do Giáo sư Louis-Jacques Dorais và Eric Richard thuộc Đại học Laval, Québec thực hiện và do Les Presses de l’Université de Montréal xuất bản năm 2007. Sách hiện có trong tất cả các thư viện Québec.
Tác phẩm trên dựa vào việc tìm hiểu về cuộc sống và hội nhập của người tị nạn Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhứt và thứ hai, nghĩa là những lớp người tị nạn cộng sản đến định cư tại Montréal từ 1975 cho đến những năm 1980.


Quyển Les Vietnamiens de Montréal được thực hiện qua thể thức phỏng vấn thăm dò một số vài chục nhóm mẫu (échantillons) đồng hương Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi, có hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế khác nhau.
Theo người gõ, những nhận xét và kết luận trong tác phẩm trên chỉ có một giá trị thống kê tương đối mà thôi. Nó chỉ nói lên được phần nào, những vấn nạn chung chung mà hầu như không ít người tị nạn, và di dân Việt Nam mới đến định cư thường hay gặp phải…
Dù sao đi nữa, Les Vietnamiens de Montréal được nhìn qua từ phía các học giả Québecois cũng giúp cho chúng ta hiểu thêm về người Việt đang định cư tại Montréal.
Một số trích dẫn tiêu biểu từ tác phẩm Les Vietnamiens de Montréal:

«Montréal đối với tôi như một gia đình đa chủng tộc» (nam 37 tuổi, định cư năm 82, trang 28).
“… Khi đến đây, tôi gặp được nhiều sự may mắn. Tôi tìm được việc làm tại Baie James. Tôi là kẻ thích phiêu lưu. Cho dù là người Québecois, họ cũng không dám bén mảng đến nơi đó. Vì lạnh quá mà. Nhưng tôi tự nhủ: mình không có một sự chọn lựa nào khác hơn được. Đây là lý do sinh tồn của mình. Có người xúi tôi đi xin trợ cấp xã hội (prestation khoảng 1000$/tháng cho gia đình gồm 2 người lớn, năm 2013) nhưng tôi dứt khoát chối từ…” (nam 76t, cựu viên chức cao cấp VNCH, định cư năm 75, trg 119).
“… Những điều tôi biết được đều do Pa Má tôi kể lại. Có nghĩa là nếu sống bên Việt Nam thì sẽ không có tương lai. Nếu còn ở bên đó thì chắc chắn là Pa Má tôi phải đi cày ruộng rồi. Bởi lý do nầy nên Pa Má tôi quyết định vượt biên. Pa tôi ngày xưa là dân hải quân và chúng tôi bị thua trận. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Pa tôi cần phải đi để cứu lấy mạng sống của mình…” (nam 19t, sanh tại Québec, trg 111).


“… Tôi không cảm thấy hối tiếc gì cả. Tôi nghĩ rằng cha mẹ tôi quyết định rất đúng cho gia đình và cho cả em tôi. Tôi cũng biết là Pa tôi đã hy sinh rất nhiều để cho chúng tôi có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Pa Má tôi phải gánh chịu bao nỗi khó khăn nhọc nhằn mới đến được bến bờ tự do. Pa tôi bắt đầu bằng những công việc lặt vặt để kiếm sống…” (nam 28t, sanh tại Toronto, trg 112).
“Tôi muốn giữ lại tất cả, ngoại trừ những khía cạnh quá nghi thức về tập tục. Tôi sẽ dạy dỗ con cái tôi theo kiểu Canada, nghĩa là rất cởi mở, nhưng tôi vẫn áp đặt chúng cái tâm thức mentalité của người Việt Nam mình đồng thời cũng giữ khía cạnh tích cực của Bắc Mỹ…” (Méthot, 1995:176, trg 114).
Sự tham gia của người Việt Montréal thuộc thế hệ thứ hai vào các nhóm và hội đoàn Việt Nam rất ư là mập mờ… Ngoài ra, những ý kiến thu lượm được về những tổ chức hội đoàn nói trên phần nhiều là rất tiêu cực. Thí dụ, giới trẻ nói rằng họ không tin cậy các hiệp hội có tôn chỉ đề cao một vài khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam. Một số thì không thích cách thức buổi lễ được tổ chức cũng như họ không ưa một số khuôn mặt nào đó. Có những người khác thì cho rằng mục đích chánh của các hội đoàn là nhằm gom người Việt lại với nhau trong một thế giới riêng của người Việt không khác gì tạo ra những khu biệt cư ghetto (L.J. Dorais, trg 114).
«… Thật vậy, tôi tự nhận tôi là tôi. Tôi không chối cãi tôi là Việt Nam, vì lúc đi ra ngoài đường, người ta hỏi quốc tịch tôi là gì… Tôi muốn nói tôi là người Á Đông, nhưng đồng thời tôi cũng là Việt Nam… Tôi tự cảm nhận tôi chỉ là tôi. Tôi không phải là người Việt, mà tôi cũng không phải là người québecoise. Tôi là tôi. Tôi tự hào trong thâm tâm, mình là mình (nữ 21t, định cư Québec lúc 4t, trg 115).
“Trưởng thành như một người Canada gốc Á không phải là chuyện dễ dàng đâu. Thật vậy, tôi sanh ra là Canadian, nhưng cha mẹ tôi là người Việt Nam. Rõ ràng tôi giống người Việt Nam, nhưng có phải tôi là một phụ nữ Việt Nam đúng nghĩa không? Đàng sau bộ mặt Á châu mà tôi mang, có hai nền văn hóa đang xâu xé lẫn nhau. Ở nhà, cái mentalité Việt Nam ngự trị và ở trường tôi phải hành sự khác đi mới hội nhập được (Nguyễn Tuyết Nhung, Liên Hội Sinh Viên VN Montréal 1998, trg 117).
Theo Méthot (1995), giới trẻ Montréal xây dựng bản sắc identité dựa trên hình ảnh có được từ xã hội đang sống và từ những người mà họ tiếp xúc hằng ngày (trg 116).
Lo làm việc… Lo cho cuộc sống của mình, con đường nhỏ bé mình đi một mình ên… Chấp nhận trách nhiệm của chính mình. Đó là những điều tôi thật sự quyết định làm. Thí dụ, khi tôi phải lo buổi cơm tối ở nhà cha mẹ, tôi phải làm như thế nầy, như thế nọ… không được như vầy, không được như vậy, v.v… Thật sự là chán ngán! Nay, thì tôi về nhà lúc nào tôi muốn. Bởi thế mà tôi đã bỏ đi ở riêng. Tôi thật sự cần có đời sống của riêng tôi, tôi muốn làm gì thì làm, tôi tự quyết định những gì mình muốn làm. Tôi không cần phải nghe Pa Má tôi phán: «Không, đừng làm như vậy, đừng, đừng và đừng…»! Để cuối cùng mình không được làm gì hết (nữ 21t, định cư Québec lúc 4t, trg 119).
Với cha mẹ tôi, rõ ràng là ổng bả còn mang tâm thức mentalité của Việt Nam. Ổng bả muốn con cái mình học y khoa hoặc lãnh vực khoa học về sức khỏe. Nếu mình không làm theo như ý, ổng bả xem đó là một sự thất bại. Và ổng bả tối ngày đem mình ra so sánh với con của người khác… Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì ổng bả đang hạ giá trị mình xuống. Chắc chắn là trên một bình diện nào khác, cha mẹ mình ước mong điều tốt đẹp cho mình, nhưng khi mình không có khả năng là mình không thể làm được. Chấm hết! (nam 22t, định cư tại Québec lúc được 6 tháng tuổi, trg 120).
Ổng bả đem so sánh mình một cách không thương tiếc với người khác. Việc đó làm mình rất bực bội vì mình lúc nào cũng cảm thấy bị đặt trong tình trạng phải tranh đua, và lúc nào mình cũng vẫn là người thua cuộc hết (nam 19t, sanh tại Québec, trg 120).
Vâng, chúng tôi có với nhau một mối quan hệ rất tốt đẹp ngoại trừ việc Pa Má tôi còn mang nặng cái đầu óc, cái mentalité quá Việt Nam hoàn toàn khác biệt với tâm ý mentalité của dân bên nầy. Cái gì cũng gắt gao, cũng đều bị ổng bả kiểm soát hết, những khi tôi nói thật sự tất cả bất cứ chuyện gì. Một mặt khác, tôi không muốn làm xúc phạm đến cha mẹ tôi, và làm họ phải buồn lòng. Nói chung thì nó như thế đó, đó là một vấn đề thuộc về quyền tự do (nam 19t, sanh tại Québec, trg 121).
Cha mẹ tôi thuộc về một thế hệ khác. Về mặt sinh hoạt, tôi thường ham đi chơi với bạn bè khiến ổng bả rất bực mình. Những chuyện như thế lúc nào cũng làm ổng bả khó chịu hết (nam 25t, đến Québec lúc 6t, trg 121).
Dù rằng tôi rất yêu quê hương, tôi cũng không muốn về sống ở bên đó. Tại vì tôi đã sống nhiều năm bên nầy rồi, nếu về bển, tôi cần phải có nhiều năm để thích nghi lại. Không, tôi nghĩ tôi không về Việt Nam để sống đâu vì tôi đã quá quen với cuộc sống ở bên đây rồi (nữ 17t, đến Québec lúc 5t, trg 128).
Có những điều mà tôi không ý thức được. Như gần đây, tôi đi chơi Núi Mont Tremblant với vài người bạn gồm có một bạn da đen và hai bạn Á châu. Chúng tôi bị một nhà hàng từ chối, viện lý do không còn bàn nào trống hết, mặc dù thật sự không phải như thế (nam 28t, sanh tại Toronto, trg 130).
Tôi biết là vấn đề kỳ thị có ở đây. Những nơi tôi làm việc, thì không có, nhưng ngoài đường đôi khi nó xảy ra cho chính tôi do các đứa nhỏ, những thiếu niên gây ra… Chả có gì quan trọng cho tôi vì tụi nó không hiểu những gì tụi nó đang làm… (nữ 28t, đến Québec năm 1988, trg 191).
Cũng có một số dân Québecois rất lạnh nhạt thờ ơ, như thể họ đến từ hành tinh khác. Họ chả biết gì ráo. Có một hôm, có một ông nọ đã hỏi tôi: Người Bắc Tonkinois? Là ở đâu đến vậy? Rồi ông ta lại hỏi lúc xưa gốc gác tôi ở đâu? Tôi trả lời, tôi là người Việt Nam. Rồi ông ta hỏi tiếp theo: Là xứ nào vậy? Trời ơi, ông ta là người cũng phải trên 30 tuổi rồi… Nhưng đối với những người có đi du lịch thường thì khá hơn, hiểu biết nhiều hơn… (nữ 24t, định cư Québec 83, trg 191).
Thành thật mà nói, tôi cho tôi là người Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là người Québecois. Tôi phải nói sao đây? Tôi có một tâm thức mentalité thiên nhiều về Việt Nam, tôi còn nhiều gốc gác Việt Nam, ngoại trừ thời niên thiếu ở đây tôi thường sống với người Québecois. Nhưng tôi thường nghĩ rằng lúc nào tôi cũng là người Việt Nam nhiều hơn là người Québecois (nam 22t, sanh tại Québec, trg 204).
Tôi là người Việt Nam và tôi sống tại Canada. Chỉ thế thôi! (nam 50t, định cư 1982, trg 204).
Tôi là Québecois và Việt Nam. Tôi đẻ bên Việt Nam nhưng tôi không còn nhớ gì hết. Tôi đi học ở đây, bạn tôi là người Québecois. Tôi nghĩ rằng tôi có mỗi thứ một nửa (nam 24t, đến Québec năm 80, trg 204).
Tôi cảm thấy rất thích hợp ở đây, và thích nghi tốt đẹp vào đời sống Québec. Tôi vẫn giữ nét Á châu nhưng tôi vẫn có thể thích nghi vào một nền văn hóa khác hơn nền văn hóa Việt Nam (nữ 46t, đến Québec 81, trg 204).
Mối giao tiếp của tôi phần lớn là với người Québecois. Tôi cảm nhận, một nửa của tôi sống theo kiểu Québecois và tôi vẫn giữ một nửa Việt Nam. Có nghĩa là chỉ tôi tiếp thu những điều tốt đẹp của xứ nầy mà thôi (nam 51t, đến Québec 84, trg 205).
Tôi không có thể nào nói được tôi hoàn toàn là người Việt Nam cả. Khi tôi nói chuyện với các bạn tôi thì tôi cho rằng tôi là người Việt Nam, người Québecoise hay là người Canada. Không khác gì tôi là một phụ nữ quốc tế (nữ 42t, đến Québec 82, trg 205).
Tôi không còn biết thật sự ra xứ sở của tôi là Canada hay là Việt Nam nữa. Tôi không biết… Có thể tôi xem cả hai đều là xứ sở của tôi hết (nam 23t, đến Québec 92, trg 205).


Đúng vậy, tôi rất quan tâm đến chuyện bên nhà, tôi nôn nóng lắm, có thay đổi bên đó nhưng vẫn còn cái mentalité cộng sản. Dù sao, Việt Nam cũng là quê hương của cha mẹ tôi, tôi muốn hiểu rõ hơn những gì xảy ra bên đó (nam 22t, sanh tại Québec, trg 209).
Rất quan trọng đối với tôi, vì tôi thương người dân bên đó. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh họ bị áp bức, đàn áp, đói khổ… Tôi tin tưởng rằng mọi người có quyền sống theo ý họ muốn của họ… (nam 46t, định cư tại Québec 81, trg 209).


Vâng, tôi rất quan tâm đến tình hình chính trị của Québec và Canada nhiều hơn là của Việt Nam. Tôi thường theo dõi trên TV các cuộc tranh luận chính trị tại quốc hội Québec hoặc Ottawa (nam 42t, đến Québec năm 75, trg 185).
Vâng, rất quan trọng vì tôi là Québecois và Canada là xứ sở của tôi. Tôi có bổn phận với tư cách là một cử tri… (nam 24t, đến Québec 1980, trg 185).


Giới trẻ có một tương lai tốt trước mắt. Chắc chắn là họ sẽ quên đi… Họ quên rất mau nếu không có ai nhắc nhở họ thế nào là văn hóa Việt Nam (nam 33t, đến Québec 82, trg 189).
Tôi nghĩ rằng, theo cái đà nầy thì trước sau gì họ cũng sẽ bị mất gốc hết. Bởi vì ngày nay, họ muốn thích nghi, nhất là đối với lớp trẻ. Đối với bọn trẻ, sanh bên nầy hay bên nhà cũng vậy, tôi thiết nghĩ như họ thường hay nói «Bof!». Họ từ từ sẽ thích nghi, và sẽ đồng hoá với tất cả mọi người (nữ 17t, đến Québec 1991, trg 189).


Kết luận của tác giả Louis-Jaques Dorais
Gia đình Thuyền nhân Nguyễn Thượng Chánh, trại tị nạn Leam Sing, Thái Lan 1980
Cho dù tương lai sẽ ra sao, nó vẫn thuộc về của giới trẻ.
Tại Montréal cũng như tại những nơi khác, người Việt thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba sẽ lần hồi thay thế bậc cha anh trong việc điều hành các vấn đề cộng đồng của người Việt Nam.
Chính nhóm trẻ sẽ quyết định là có cần nên bảo tồn hay không một vài nét đặc thù tiêu biểu của bản sắc identité Việt Nam hay ngược lại.
Tốt hơn hết là chúng ta nên hòa nhập trọn vẹn vào nhóm đa số Québec và Canada bằng cách theo đuổi tất cả cách sống của họ, cũng như những giá trị và biểu thị trổi bật của xã hội Bắc Mỹ. (Trg 222)
Kết luận trên của Louis Jacques Dorais có lẽ đã làm nhiều đồng hương lớn tuổi không mấy hài lòng.
Đây không phải là điều làm một ai ngạc nhiên hết.

Nhóm thế hệ kế thừa
“… Vào tháng 12 năm 2012, với sự hỗ trợ của Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải, Nha sĩ Hoa Xuân Long và bằng hữu đã thống nhất thành lập Thế hệ Kế thừa (Generation’s Legacy) tại Montréal với mục đích liên kết các thế hệ trong Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Vùng Montréal, đặc biệt là giới trẻ cùng chung sức bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam ở hải ngoại nhằm xây dựng một cộng đồng vững mạnh và đóng góp thêm vào quốc gia đa văn hóa Canada.
Thành viên của nhóm Thế hệ Kế thừa (THKT) là thế hệ thứ hai di dân gốc Việt với đầy lòng nhiệt tình và tài năng… (Ngưng trích ThoiBao online/Nhóm thế hệ kế thừa)
http://www.thoibao.com/index.php/en/an-ban/montreal/cong-dong-montreal/10210-nhom-the-he-ke-thua

Vài con số thống kê
Thống kê Statistics Canada 2001 cho biết:
Tổng số người Việt định cư tại tỉnh bang Québec: 28.300 người.
- 83,1% nguồn gốc Việt Nam và 16,9% vừa có nguồn gốc Việt Nam và đồng thời có thêm ít nhất một nguồn gốc khác nữa,
- 72,9% đẻ ngoài Canada
- 74,2% định cư từ 1971 đến 1990
- 89,3% từ 15 tuổi trở lên, thuộc thế hệ thứ nhứt, đẻ ngoài Canada.
- 53,4% theo đạo Phật
- 25,5% theo thiên Chúa Giáo
- 18,1 không theo đạo nào hết
Văn hóa:
- 82,6% biết tiếng Pháp
- 52% biết cả hai sinh ngữ Pháp và Anh
Họ thường sinh sống ở đâu?
- 90,5% trong vùng Montréal. (39,3% Quận Villeray-St Michel-Parc Extension-Côte des Neiges- Notre Dame de Grâce, 8,5% quận Rosemont- La Petite Patrie và 9,9% tại quận Saint Laurent)
- 3,7% vùng thủ đô Québec
- 2% vùng Gatineau

Du sinh địch vận
Mời các bạn đọc xem bài viết dưới đây của Gs Lâm Văn Bé (Montreal) để hiểu rõ thêm về tình hình thật sự hiện nay của “người Việt có mặt” tại hải ngoại.
http://nguoivietboston.com/?p=1457
– Du sinh và lao động xuất khẩu: Hai đặc sản của cộng sản Việt Nam
“Đó là 5.000 du sinh con ông cháu cha và những công chức, công an giả dạng là «tu nghiệp sinh» đi học với học bổng của nhà nước. Họ đi học nhưng họ phải làm công tác địch vận theo nghị quyết 36 của đảng. Họ len lỏi trong các hội đoàn, các campus đại học, sử dụng các chiến thuật địch vận thời chiến tranh để tuyên truyền, khủng bố, khuynh đảo các cộng đồng người Việt. Trong đại học, họ khôn khéo lập các hiệp hội sinh viên, tuân hành các chỉ thị của tòa đại sứ để lôi cuốn các sinh viên con em người Việt tị nạn, vốn có tinh thần cởi mở nhưng lại ngây thơ trước các mưu chước thâm độc tâm lý chiến cộng sản. Đám du sinh địch vận nầy lại được sự hổ trợ của đám sinh viên du hí, bởi lẽ chúng phải bảo vệ tập đoàn cầm quyền của cha ông chúng. Chúng cũng có tác phong côn đồ ngang ngược khi cần đối phó với cộng đồng di tản chống đối chúng. Đám đông thầm lặng người Việt tị nạn ngao ngán trước viễn cảnh đã trốn cộng sản mà vẫn chưa được yên thân”. (Ngưng trích GS Lâm Văn Bé).
Người Việt ở Montreal, Canada (Đài Á Châu Tự Do RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese_community_in_Montreal_Canada_HYen-07072008164355.html


“Trên xứ Canada đất rộng người thưa, có khoảng 150 ngàn người Việt nhận quốc gia Bắc Mỹ này làm quê hương thứ hai, trong số đó 40 ngàn người gốc Việt định cư ở thành phố Montreal
Phần thứ nhất là trước 1975 tức là các du học sinh. Thứ hai là sau 1975 trong đó có tôi. Thứ bà là sau năm 1990 một số do chính phủ Việt Nam Cộng sản hiện tại gửi đi bằng đường chính thức, thì đây là một vấn đề chúng tôi gặp khó khăn, nhưng đối hoạt động của cộng đồng thì tất cả người Việt Nam đều có sự giúp đỡ như nhau vì đối với chúng tôi cộng đồng là tập thể, nếu là người Việt Nam chúng tôi vẫn giúp.
Trí thức ở Montreal rất nhiều, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư rất nhiều. Montreal với hơn 40 chục ngàn người Việt Nam ở đây có 500 bác sĩ, 300 nha sĩ, 300 dược sĩ. Người Việt ở Montreal mở nhà hàng khá nhiều. Những người làm thợ thuyền ở Montreal rất ít.” (Ngưng trích Hưng Yên thông tín viên RFA).

Thuyền nhân Nguyễn Thượng Chánh

Tham khảo:
- Eric Richard, Univ Laval, Québec: Une identité vietnamienne transnationale? Le cas des Vietnamiens de Montréal.
http://pages.usherbrooke.ca/sodrus/pdf/pdf_colnov05_1/comm_eric_richard.pdf
- Louis-Jacques Dorais, Univ Laval,Québec: Identités vietnamiennes au Québec
http://www.erudit.org/revue/RS/2004/v45/n1/009235ar.html
- Statistics Canada 2006. The vietnamese community in Canada
http://www.statcan.gc.ca/pub/89-621-x/89-621-x2006002-eng.htm
- Caractéristiques socioéconomiques des immigrants résidant à Montreal. Mars 2010
http://ville.montreal.qc.ca/pls/portal/docs/PAGE/MTL_STATS_FR/MEDIA/DOCUMENTS/04_CARACT_POPULATION_IMMIGRANTE.PDF
* Thuyền nhân Nguyễn Thượng Chánh
- Tự do vô giá
http://vietbao.com/D_1-2_2-67_4-205311_5-15_6-5_17-7639_14-2_15-2/
- Tuyết lạnh tình nồng
http://vietbao.com/D_1-2_2-67_4-205312_5-15_6-5_17-7639_14-2_15-2/
* Bùi Trọng Cường và Nguyễn Phục Hưng
- Di tản và vượt biên
http://nguoiviethaingoai.org/ditan.html
Montréal, tháng tư năm 2013

HUY PHƯƠNG * THÁNG 4-1975

Huy Phương: Tháng Tư, Chết Và Sống!

 
Chết không phải là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.
(Chúc Thư)

Trong một cuộc phỏng vấn với một sĩ quan VNCH đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trên bãi biển An Dương vào ngày 26 Tháng Ba, 1975, khi một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị kẹt lại trên bờ biển, trước mặt là biển cả chỉ có một chiếc tàu nhỏ hải quân vào đón thương binh, sau lưng là quân thù và đạn pháo, phần lớn những người lính thất trận đã bị “chết cạn” trên bờ biển tại đây hay bị bắt làm tù binh, tôi đã đặt câu hỏi với người lính còn sống sót đến hôm nay, là điều gì khiến cho ông suy nghĩ nhất, sau ba mươi tám năm dài trôi qua?


Thẻ bài tử sĩ tìm thấy trên bãi biển An Dương. (Hình: Huy Phương)
Ðiều ông nói có thể khi mới nghe qua, chúng ta ngạc nhiên, nhưng nghĩ lại nghe thật giản dị, nhưng không khỏi xót xa:

“Ðiều ân hận của tôi là đã không được chết!”
Tôi nghĩ rằng câu nói của ông, người lính già, trong giờ phút nhắc lại chuyện cả một quân đội tan rã, bao nhiêu người đã nằm lại trên những con đường lui binh, trên những bờ biển tuyệt vọng của miền Nam, là một câu nói phát xuất từ đáy lòng, không khoa trương hay đại ngôn chút nào, bởi sự sống có trăm nghìn lần khó khăn hơn sự chết!
Bản năng sinh tồn của mọi loài là cố bám lấy sự sống. Chúng ta cũng không trách ai những ngày hỗn loạn, tìm được một chỗ trên trực thăng hay ra đi với toàn bộ gia đình an toàn trên một chiến hạm ra khơi trong khi xe tăng của địch quân đã vào đến Sài Gòn. Khi những con tàu rời bến Khánh Hội, khi những chiếc trực thăng đã bốc lên cao giữa một thủ đô đang hứng chịu những quả đạn pháo kích cùng với cảnh hỗn loạn của một giờ thất thủ, ở những nơi nào đó, có những người lính đang tuân thủ lệnh chỉ huy giữ đất một phút không rời, hay thất vọng đành quàng vai ôm nhau, chia chung cái chết.


Ba mươi tám năm sau, những người còn sống sót, bằng cách này hay cách khác, lần lượt ra khỏi đất nước, đã thật sự còn sống không hay cũng như đã chết. Có những vị tướng đã chết lẫm liệt, cho những ông tướng khác sống cuộc đời tầm thường trên đất khách, ngày hai buổi sáng chiều và chết quạnh quẽ, hay thậm chí còn quay về bợ đỡ kẻ thù.

Có những người lính đã chết trong những giờ cuối cùng để cho chiến hữu họ được sống, qua ngày đoạn tháng, trở về trên những con đường tắm máu ngày xưa, nhưng đầu óc trống rỗng, ngu ngơ như những người mất trí nhớ. Có những người còn thân thể còn lành lặn nhưng tâm thần tê liệt, trở lại rong chơi giữa số phận nghiệt ngã của đồng đội què cụt quanh mình.

Trở lại câu trả lời của người lính già, ông nói ngày xưa, nếu nằm lại với anh em trên bãi biển, cái chết đến một cách thật dễ dàng, nhưng cái sống bao nhiêu năm nay quả là khó, vì không biết sống thế nào cho đáng sống, cho khỏi hổ thẹn với chính mình, nhất là khi nghĩ đến những người đã chết ngay trước mặt mình, đã chết ngay sau lưng khi mình đã may mắn được ra đi.
Sống phải chăng không dễ, vì sự sống còn mang nặng nghĩa vụ với những người đã chết.


Chúng tôi xin nhắc lại một câu chuyện cũ. Ngày 21 Tháng Sáu, 1945, khi quân đội Nhật không giữ được Okinawa, tại bộ tư lệnh của đơn vị tại Mabumi, Tướng Mitsuri Ushijima đã viết thư trình lên Thiên Hoàng Hiro Hito báo cáo về tình hình chiến sự tại Okinawa và tạ tội không giữ được đảo, trước khi tiến hành việc mổ bụng tự sát, ông đã nói với Ðại Tá Hiromichi Yahara:


“Ðại Tá Yahara, ông cũng như tôi lẽ ra phải tự sát. Nhưng tôi ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinawa này. Mặc dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng đây là lệnh từ cấp chỉ huy của ông!”


Yahara do đó là sĩ quan cao cấp bên phía Nhật sống sót sau trận đánh và về sau ông đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Trận Ðánh Vì Okinawa.” Như vậy, sống còn phải chăng cũng là một nghĩa vụ?


Bia mộ 132 tử sĩ. (Hình: Tố Thuận)
Lòng dũng cảm không chỉ dành cho những vị anh hùng đã tự sát. Sống cũng cần lòng dũng cảm. Từ ba mươi tám năm nay có những người sống trong sợ hãi, tê cứng tứ chi và đầu óc. Họ sợ khi trở về Việt Nam bị công an làm khó dễ, họ sợ con cái của họ còn ở bên kia sẽ bị liên lụy, họ sợ sẽ không được trở về để thăm viếng người thân, nếu ở bên này họ có một cử chỉ hay lời nói nào chống lại hay gây bất lợi cho chế độ trong nước. Toàn là những cái sợ cho lợi lộc của bản thân. Chúng tôi cũng xin nói thêm đây không phải là một người dân bình thường, tình cờ một đêm nọ, có mặt trên bãi biển, là điểm hẹn của những người vượt biển, nên bị lùa xuống ghe, bất đắc dĩ phải bỏ nước ra đi, mà họ là những người quyết định chọn cái chết để tìm con đường sống, hay đã đánh đổi bằng những năm tháng tù đày khốn khổ nơi chốn rừng thiêng nước độc. Họ cũng không phải là những người lính vô danh, những người này có hoạt động trong các hội đoàn, có tên tuổi, có chức vị.


Một lần tôi có hẹn phỏng vấn với một cán bộ xây dựng nông thôn trên một chương trình truyền hình về quá trình hoạt động của đơn vị ông trước năm 1975. Trước giờ thu hình, tôi gọi điện thoại cho ông, ở đầu dây bên kia, vợ ông trả lời “ông không có nhà.” Tôi ngỡ rằng ông đang trên đường đến đài truyền hình, nhưng khi tôi xưng danh tánh, bà vợ cho tôi biết “ông đã đi xa – out of town!” Trời đất! Mới hôm qua đây, ông “ừ è” với tôi, mà chỉ trong thời gian, chưa đến 24 tiếng đồng hồ, ông đã trốn chạy một buổi phỏng vấn, cũng là trốn chạy cái dĩ vãng mà ông thường tự cho là hào hùng ngày xưa, chỉ vì một nỗi sợ hãi nào đó, mà bản thân ông không đủ can đảm nói thật với tôi là ông sợ.


Một người nữa đang sống, bề ngoài có vẻ hào hùng nhưng còn sợ hãi. Ðây là một cựu sĩ quan có chức vụ trong một hội đoàn cựu quân nhân, và vào dịp Tháng Tư năm nay, tôi muốn mời ông lên một chương trình nói về những ngày “lui binh.” Ðến giờ thu hình, không thấy ông đến, sốt ruột, tôi gọi cho ông. Ông trả lời vắn tắt, trong khi đèn đuốc, sân quay, chuyên viên và cả tôi đang chờ ông: “Tôi bận, không đến được!”


Ông biết truyền thông đi xa, có khi về tận bên kia, cẩn thận ẩn mình đi là tốt. Có điều tôi không hiểu sao ông lại dấn thân đi làm việc cộng đồng, trong khi lòng ông đầy sự sợ hãi. Ông muốn về Việt Nam chăng, hay là ông còn mẹ, còn em mà ông lấy cớ muốn bảo vệ họ, sự sợ hãi lớn lao đến dường ấy hay sao? Bây giờ mà cái bóng ma cộng sản còn lởn vởn bao trùm lên đời sống của ông, một người đã cao bay xa chạy, trong khi tuổi trẻ ở trong nước, những người dân bị phản bội, sống giữa kìm kẹp tù đày, vẫn không hề biết sợ hãi là gì!
Tướng McArthur nói: “Old soldiers never die; they just fade away – Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi.” Chết đã đành, sống mà phai nhạt, mờ dần trong quên lãng như cỏ cây, thì còn gì buồn hơn nữa!
Chết và sống, điều gì khó hơn?
Huy Phương
 

RFA * THÁNG TƯ - 1975

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-04-22
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
VIETNAM_30_US_ANNIVERSAR_305.jpg
Sài Gòn ngày 30-04-1975.
AFP PHOTO


Andrew Lâm là một nhà báo và nhà văn người Mỹ gốc Việt. Anh là một trong những người Việt thuộc thế hệ di dân gia nhập vào dòng chính của truyền thông Hoa Kỳ. Andrew sinh ra ở Việt Nam, con trai của một viên tướng thuộc quân đội Việt nam Cộng Hòa, sang Mỹ ngay năm 1975 và trưởng thành ở quê hương thứ hai của anh. Andrew bắt đầu sự nghiệp báo chí và văn chương của mình ngay lúc còn học đại học. Anh đã được giải thưởng của Hiệp hội báo chí chuyên nghiệp, các giải thưởng cho hai quyển sách đầu tay là Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (Giấc mơ hương: Suy tư về cộng đồng người Việt hải ngoại) và East Eats West, Writing in two hemispheres (Đông Tây quấn quít, viết giữa hai thế giới). Cuốn sách thứ ba của anh cũng vừa ra mắt bạn đọc tựa đề Bird of Paradise lost (Hoa thiên điểu đã mất).

Không bắt buộc phải nhớ

Tháng tư nhiều kỷ niệm lịch sử của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới lại đến, Andrew đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi. Anh cho biết nhận xét của mình về ngày 30/4 ở Việt Nam và hải ngoại như sau:
“Tôi cũng có những kỷ niệm về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam, dù lúc đó còn nhỏ. Ba mươi tám năm là dài quá, bây giờ về Việt Nam tôi không thấy kỷ niệm 30/4 như hồi trước nữa, tôi thấy chẳng ai để ý nữa. Nhưng còn đối với cộng đồng người Việt ở bên Mỹ như ở San Jose, Bolsa, Orange County, Houston, Virginia thì kỷ niệm đau buồn đó vẫn còn đầy vì những người như cha mẹ tôi vẫn còn nhiều và họ không quên được cái đau buồn đó.”
Cái ý niệm “Mất Nước” không còn nữa vì cái “Nước” nó vẫn còn đấy, và Việt Nam không phải là nơi mà người ta không thể quay về.
-Andrew Lâm
Andrew nói về thế hệ của anh nghĩ về ngày tháng Tư ấy:
“Chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa.”
Nhận xét về thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên sau chiến tranh anh nói:
“Có thể nói hai phần ba người Việt hiện nay sinh ra sau 1975, những người này thì họ không nhìn về chiến tranh Việt Nam mà chỉ nghĩ tới chuyện làm ra tiền hay làm thế nào để thu lợi cao nhất. Bây giờ khó tìm ra được người có lý tưởng ở Việt Nam. Mà điều này đáng tiếc vì một xứ đang thay đổi về kinh tế mà lại không phát triển văn hóa như vậy.
Andrew cũng có nhận xét về các đồng nghiệp của mình ở Việt Nam như sau:

VIETNAM_25_EVACUATION_250.jpg

Người Việt trên đường di tản khỏi Sài Gòn ngày 30-04-1975. AFP PHOTO.
“Họ là những người có tài năng nhưng lại sống trong một thế giới bị kiểm duyệt nên những tài năng đó không thể bùng nổ như ở những nước có tự do thật sự. Họ có thể nói ở quán cà phê nhưng viết ra hay làm phim thì không được, thì bị qui vào chính trị. Tôi có đọc một số truyện ngắn của những người trẻ thì tôi cũng rung động và tôi thấy họ đi xa hơn hồi trước, họ có thể nói về xã hội hiện tại.
Và theo anh thì giới văn nghệ sĩ Việt Nam cần một khoảng không gian công để có thể tự do ngôn luận, và điều đó đang được internet tạo điều kiện cũng giống như bên nước láng giềng Trung Quốc vậy:
Tôi thấy internet là một khoảng không gian công mà người Việt Nam đang dành được để có thể có tự do ngôn luận. Bên ngoài thì cái gì cũng là bác Hồ nói hết, nhưng trên mạng thì người ta có thể nói lên cái thật.”

“Mất Nước”

Trong quyển sách mới nhất của anh, Andrew có mô tả số phận bi kịch của một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ. Khi được hỏi liệu nếu cuốn sách được dịch ra tiếng Việt thì có thể gây những đụng chạm tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại không, anh cười:
Chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa.
-Andrew Lâm
“Nếu đụng chạm thì tốt chứ sao, văn chương mà hay thì phải gây ra động chạm. Mà những chuyện tôi viết là sự thật tôi thấy trong khi tôi làm nhà báo, cũng như những chuyện của gia đình tôi, của đại gia đình tôi. Sự thật thì phải đụng chạm, nhưng đụng chạm thì mới làm người ta suy nghĩ, tìm ra cái mới, cái mới cho cộng đồng.”

Khi nói đến từ “Mất Nước” được dùng ở cộng đồng hải ngoại, Andrew cho rằng:
“Có nhiều người đã trở về, có thể là họ không đồng ý với chính quyền, đường hướng thay đổi xứ sở thì mỗi người mỗi ý, nhưng cái ý niệm “Mất Nước” không còn nữa vì cái “Nước” nó vẫn còn đấy, và Việt Nam không phải là nơi mà người ta không thể quay về.”
Có lẽ đó cũng là suy tư lớn nhất của anh về quá khứ, về ngày lịch sử 30/4, về số phận dân tộc Việt nam.
Xin hẹn quý vị kỳ tới với những suy nghĩ về tháng Tư lịch sử này của một nhà văn khác, cũng cùng trang lứa với Adrew nhưng sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở Việt Nam.





Nỗi buồn tháng Tư

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-04-29
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg2309681-305.jpg
Tranh ảnh cổ động cho ngày 30 tháng 4 diễn ra hàng năm trên khắp nước Việt Nam.
AFP photo
Nghe bài này

Tải xuống - download 




Hiện là thời điểm đánh dấu Biến Cố 30 tháng tư, năm 1975 khi Miền Nam VN Tự do rơi vào tay người CS. Theo blogger Thuỳ Linh thì biến cố ấy, dù cho tới nay đã 38 năm, vẫn là “một ngày rất buồn”:
Đó là một ngày rất là buồn vì bao nhiêu sinh mạng con người đã ngã xuống trên mảnh đất này mà chưa đem lại một nền hòa bình thực sự do vẫn còn cuộc chiến trong ý thức, trong cách hành xử của cả bên thắng lẫn bên thua. Niềm vui chiến thắng của một bộ phận người Việt không thể che lấp nỗi buồn của nhiều người.
Qua tác phẩm “Bên thắng cuộc”, “mấy lời của tác giả” Huy Đức, tức blogger Osin, cho biết rằng cuốn sách của ông “ bắt đầu từ ngày 30-4-1975 – ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn 30 năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hoá ra lại là miền Bắc”.
Khi viết về “Buồn Vui Tháng Tư”, nhà văn Sơn Tùng cư ngụ tại Virginia, Hoa Kỳ không khỏi “Thật đau lòng và cũng thật đáng tự hào cho những người đã đứng trong hàng ngũ ‘bên thua cuộc’ vào ngày 30.4.1975”. Theo nhận xét của nhà văn Sơn Tùng, thì “ không bao lâu sau, ‘bên thắng cuộc’ đã dần dần biến thành thua bại. Bắt đầu tuột giốc không thể kìm hãm”. Nhà văn Sơn Tùng phân tích:



Từ tháng 4.1975, hàng triệu người đã tìm mọi cách ra đi, không chấp nhận đời sống nô lệ. Đến nay đã có khoảng ba triệu người sống ở hải ngoại. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên đường vượt thoát. Cái nhìn của thế giới đã xoay chiều đối với “giải phóng”, kể cả một số khuôn mặt phản chiến cỡ lớn trước kia. Nền kinh tế quốc doanh đã tới bên bờ vực thẳm để chôn vùi tất cả những giấc mơ điên rồ khiến cộng sản phải “đổi mới” kinh tế, trở lại làm ăn kiểu “kinh tế thị trường” của tư bản, nhưng lại theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” (!), khai sinh ra giai cấp tư bản đỏ, tệ hại gấp ngàn lần lớp tư bản cũ mà Karl Marx lên án. Cuộc cách mạng nhân danh giai cấp vô sản đã biến thành con quái vật hung bạo dày đạp trên lưng đám dân nghèo.
Có lẽ Dương Thu Hương là người đầu tiên công khai lên tiếng tố cáo đã bị “đảng” lừa, mở đường cho những cán bộ viết khác nói lên sự thật, nhưng niềm tin vào “đảng” đã đổ vỡ rất sớm.

Biến cố 30 tháng Tư năm 1975 tạo điều kiện cho người CS – nói theo lời sử gia Trần Gia Phụng cư ngụ tại Toronto, Canada – “huyênh hoang tự hào là họ là kẻ thắng cuộc”, thực hiện được điều họ gọi là “giải phóng miền Nam”. Nhưng ông Trần Gia Phung nêu lên câu hỏi rằng “ Sau khi CS làm chủ toàn bộ đất nước, CS có thật sự là bên thắng cuộc hay không?”.


Qua bài “30-4-1975: Thắng cuộc hay tội đồ ?”, tác gia Trần Gia Phụng nhắc lại:
Ngay tức khắc, sau khi CS chiếm (miền)Nam VN, khoảng 150,000 người di tản ra nước ngoài. Tiếp đến là phong trào vượt biên. Dầu Cộng Sản kiểm soát gắt gao, khoảng trên 1 triệu 500 ngàn người bỏ nước ra đi bằng tất cả các phương tiện,(mà như người ta thường nói) “cây cột đèn cũng muốn ra đi”, trong đó khoảng 500.000 người bỏ mình ở biển Đông. Biển Đông trở thành nghĩa địa biển lớn nhất thế giới. Ở trong nước, nhiều phong trào nổi lên chống đối Cộng Sản đều bị đàn áp. Như thế, CS chiến thắng bằng súng ống, chiếm được đất đai, nhưng hoàn toàn thất bại về nhân tâm, không chiếm được lòng người, không thống nhất được lòng dân.
Tác giả cũng không quên cảnh trớ trêu là những người dân Việt bỏ nước ra đi liền bị Hà Nội gán gội “phản động”, “chạy theo bơ sữa đế quốc Mỹ”, nhưng sau đó, bỗng chốc họ trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, “Việt kiều yêu nước”; và “những khúc ruột ngàn dặm ấy” được nhà nước kêu gọi hoà hợp hoà giải cũng như góp phần xây dựng đất nước. Nhưng đại đa số người Việt hải ngoại chẳng có nhu cầu này với một chế độ toàn trị.

Ưu tư về tương lai đất nước

DSC00315-250.jpg
Băng rôn cho ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5 tại Hà Nội. RFA photo 
Theo ông Trương Quốc Việt, một công dân VN đang tạm trú tại Úc và vừa thực hiện chuyến “Độc hành cho Nhân quyền VN” qua 13 thành phố và các thủ phủ của những tiểu bang Victoria, New South Wales và Queensland của Úc, thì “ngày 30 tháng Tư là một ngày buồn – rất buồn”. Ông Trương Quốc Việt cho biết:
Nỗi buồn ấy không phải chỉ riêng tôi hay gia đình tôi, mà còn đến với rất nhiều người khác, nhất là trong nước. Đó là một ngày buồn – rất buồn ! Tại vì cái ngày ấy đem đến nhiều khó khăn cho dân tộc, mà trong nước, chúng tôi không thể nào nói lên được những nỗi khó khăn đó. Cho nên mình cảm thấy giống như đang ở tù, luôn chịu đựng sự kìm kẹp, luôn phải cảnh giác. Do đó, người dân thực sự không có tự do. Trong khi đó thì nhà cầm quyền CSVN cứ rêu rao đủ thứ tự do, rồi lễ lớn 30 tháng Tư…Nhưng thực ra, có nhiều người dân trong nước không vui gì đâu !
Qua bài “Nỗi buồn tháng Tư”, blogger Đoàn Vương Thanh không khỏi liên tưởng đến “thân phận con người” – dù đó là những phụ nữ chất phác miền quê phải “tha phương cầu thực” ở xứ lạ quê người để rồi bị mắc bẫy, hay những nông dân ở lại quê hương trở thành dân oan ngay trên mảnh đất cha ông để lại. Tác giả nêu lên câu hỏi:
Vì sao, đất nước sau gần 40 năm được thống nhất, có độc lập, hòa bình mà vẫn có mấy chục vạn phụ nữ trẻ phải “trần như nhộng” để “bọn nước ngoài” lựa chọn... Ai đã cấp hộ chiếu cho gần 30 vạn phụ nữ sang Hàn Quốc, Đài Loan “tìm chồng”, “lấy chồng”, trong khi trong nước còn có đến 30 vạn gái (phải bán thân) ?..Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thứ của Đảng, đã dũng cảm thừa nhận “đi đến đâu cũng thấy người hư hỏng…” mà họ lại chính là những người của ông, đã được rèn luyện phấn đấu nhiều năm. Bộ máy chính quyền vừa đông vừa không được việc, vừa nhiều vừa quan liêu. Cơ quan hành chính thì “hành dân là chính”, dân khiếu nại theo luật định thì bị ghép vào tội làm mất trật tự xã hội…
Khi “Viết cho tháng tư”, blogger Huỳnh Thục Vy lưu ý rằng “ ‘sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước’ đã không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước ‘giải phóng’ hơn hẳn Hàn Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy theo sau cả Thái Lan. Huỳnh Thục Vy nêu lên câu hỏi rằng “nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?”. Khi đề cập tới “tình tự dân tộc”, blogger Huỳnh Thục Vy cho biết:
Gần bốn thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn. Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc. Mỗi năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạt, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao?
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/april-30-1975-event-tq-04292013125232.html



Đà Nẵng 30/04, hai mặt của một thành phố

Uyên Nguyên, tường trình từ Việt Nam cho RFA
2013-04-29
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg4663008-305.jpg
Người dân đánh cá bên cạnh cầu sông Hàn, Đà Nẵng hôm 16/2/2011
AFP photo
Nghe bài này

Thành phố hào nhoáng…
29 tháng Ba năm 1975, quân đội Bắc Việt chiếm Đà Nẵng, sau đó một tháng, họ chiếm Sài Gòn, thủ đô của người miền Nam Cộng Hòa. Việt Nam bước sang một thời đại mới trong lịch sử mà ở đó, sự sợ hãi và những chuyến chạy trốn, rời bỏ quê hương, chấp nhận cuộc đời lưu vong cũng như một bộ mặt mới của Việt Nam nhếch nhác, bụi bặm và nghèo khổ cũng bắt đầu lộ ra. Nỗi lo toan về cái ăn, phải xếp hàng chờ đợi hoặc giành giật từng lạng gạo, gam thịt chẳng khác nào đời sống bầy đàn…

Ba mươi tám năm trôi qua, có nhiều thay đổi ở Việt Nam, các thành phố lớn phía Nam vĩ tuyến 17 như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng được thay da đổi thịt.
Nhưng, sự xuất hiện của hàng triệu biệt thự đồ sộ, hàng ngàn khu chung cư triệu đô và xe hơi hạng sang cũng là một ranh giới quá lớn giữa giàu và nghèo trên đất nước, một lổ hổng không thể bù đắp được bởi sự vong thân của bộ phận lớn lớp trẻ từ một nền giáo dục coi trọng vật chất và lạc hậu, sự băng hoại của bộ máy cầm quyền và sự mất dấu những giá trị văn hóa.


Đơn cử thành phố Đà Nẵng, một thành phố lớn bậc nhất miền Trung vào những năm trước 1975 với hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ từ bến cảng, sân bay, nhà ga xe lửa cho đến bệnh viện đa khoa, bệnh viện tư của các cộng đoàn giáo hội Kito, trường học cấp 3, đại học, cầu cống… Nhìn chung, so với các nước khu vực trong những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, Đà Nẵng có thể ngang bằng, thậm chí lớn hơn đảo quốc Singapore. Nhưng không bao lâu sau đó, biến cố 1975 xẩy ra, thành phố này trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu và nghèo khổ.

Mãi cho đến năm 1997, sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, đứng riêng tên Đà Nẵng và thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, với hàng loạt chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, thành phố Đà Nẵng khởi sắc, mùi nước hoa thay cho mùi cá kho dưa cải, những biệt thự mọc lên, bờ biển được qui hoạch, chia lô cho dịch vụ du lịch, nhiều cây cầu được xây dựng và có một sự thay đổi, xáo động lớn về mặt văn hóa, chính trị ở thành phố này.


Xóa sạch những giá trị văn hóa, tâm linh
Sự thay đổi, xáo trộn đáng kể trong đời sống người Đà Nẵng phải nói đến là thay đổi ngành nghề và chỗ ở. Với hàng loạt chính sách, dự án có liên quan đến đất đai nhằm xây dựng các công trình, trong đó gồm cả công trình nhà nước và công trình ăn chia giữa nhà cầm quyền với tư nhân, hàng chục ngàn hộ dân của thành phố bị buộc phải di dời nhà cửa, thay đổi ngành nghề, ruộng nương bị thu hồi đền bù và sau đó phân thành nhiều lô nhỏ để bán.

Nông dân dành dụm tiền mấy chục năm nay, nhận thêm tiền đền bù, chỉ đủ để mua lại một đến hai lô đất bán ưu tiên với giá cao gấp nhiều chục lần so với giá đất vườn và ruộng được đền bù. Kết quả, sau khi đền bù giải tỏa, dân lao động chỉ đủ khả năng mua đất và làm lại một căn nhà vừa đủ để ở, không còn ruộng, vườn để canh tác, nhiều người tuổi đã cao, không thể học nghề được nữa, phải đi làm thuê tứ xứ kiếm sống.
Kẻ được nhất trong những chính sách này là các quan chức và tư bản có mối quan hệ thân thiết với giới quan chức.


Phía sau gương mặt hào nhoáng và giàu có của Đà Nẵng là sự mất mát của nhiều thứ, trong đó, đáng kể nhất là lòng kính ngưỡng tôn giáo và những giá trị văn hóa, lịch sử.
Nếu như cầu Sông Hàn mọc lên, xóa sổ Cầu Vồng, tiếp theo là phiên tòa đầy man trá xử đại tá công Trần Văn Thanh mà theo người dân Đà Nẵng nhận định là nhằm đe nẹt, đánh phủ đầu những ai có ý định tố giác và phơi bày tham nhũng ra trước ánh sáng công luận.


Thì liền sau đó không bao lâu, trường Sao Mai bị đập phá, dọn bằng và vụ anh Phạm Thành Sơn tự thiêu vì oan ức chuyện đền bù đất đai diễn ra ngay trước cổng ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cái chết của anh Sơn và sự mất dấu của trường Sao Mai, hay còn gọi là trường Trần Phú sau năm 1975 đều có liên quan đến cây cầu Rồng. Cây cầu mà theo các phương tiện truyền thông nhà nước đánh giá là có con rồng dài nhất thế giới nhưng trên thực tế, trên thế giới này chẳng có mấy nước lấy rồng làm biểu tượng, cũng như chẳng có mấy nước tự xem mình là con rồng cháu tiên như Việt Nam.


Và, giáo xứ Cồn Dầu, đây là câu chuyện đáng ghê sợ của một Đà Nẵng mạnh lên với sức mạnh quái thú, liếm sạch những gì chướng mắt nó.
Nghĩa trang Cồn Dầu, Giáo xứ Cồn Dầu và nếp văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của đồng bào ở Cồn Dầu đang dần bị xóa sổ bởi bàn tay qui hoạch, giải tỏa đền bù. Những ngôi làng lâu đời khác ở Hòa Minh, Hòa Khương, Hòa Vang, Hòa Khánh đều đang rơi vào tay nhà tư bán để họ biến nó thành sản phẩm địa ốc đắt giá. Người dân đang đối diện với nạn thất nghiệp và ranh giới giàu nghèo hiện rõ trong từng nét mặt, bữa ăn, chỗ ở.

Sự phân hóa giàu nghèo


Những căn hộ ở khu “ổ chuột” được lợp bằng mái tôn ẩm thấp ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Source diaoconline.vn
Những căn hộ ở khu “ổ chuột” được lợp bằng mái tôn ẩm thấp ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Source diaoconline.vn
Sự giàu có, vương giả của nó hiện hữu đồng thời với những trại tế bần mà nhà cầm quyền gọi là trung tâm bảo trợ xã hội, những khu trại kín cổng cao tường, có bảo vệ và chó săn túc trực để sẵn sàng đánh mùi và bắt nhốt những ai trốn trại.
Nói về trại tế bần Đà Nẵng, người ta nghĩ ngay đến đường dây 05113505505 hoặc 05113550770. dành cho những ai nhìn thấy người ăn xin, lang thang cơ nhỡ và bán hàng rong ở trung tâm thành phố thì gọi nó, sẽ có công an cơ động chạy xe bịt bùng đến bắt họ về nhốt vào trại, cho đi lao động và cho ăn cơm theo giờ giấc đã qui định. Sở dĩ có sự hiện hữu của những khu trại nhốt người chẳng khác nào tù nhân với không khí ghê rợn này là do chính sách “5 không” do chủ tịch thành phố Nguyễn Bá Thanh đề xướng và thực hiện nhằm đảm bảo bộ mặt đẹp đẽ, sáng sủa và giàu có của thành phố.


Nếu đi xa hơn một chút về phía Đông Nam thành phố, bạn sẽ gặp một xóm trọ gọi là xóm ba-đờ-ghe lợp tôn cũ nát, một dãy chung cư trông xa giống như dãy chuồng ngựa trong phim kiếm hiệp Tàu và nếu bạn tiếp tục bước vào bên trong khu chung cư này, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên trước một cuộc sống nghèo khổ, tồi tàn tưởng như đang ở một vùng quê hẻo lánh, đói khổ nào đó. Thực tế, nó chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 5 cây số, nó chưa phải là ngoại ô Đà Nẵng.


Đứng từ khu chung cư tồi tàn này hoặc đứng từ Giáo xứ Cồn Dầu để nhìn về cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn hay cầu Thuận Phước, cảm giác như những cây cầu này rất gần, và nếu đứng ở khoản sân đầy cỏ và rác của khu chung cư ba-đờ-ghe để xem bắn pháo bông nhân ngày 30 tháng Tư, cảm giác như đóm pháo có thể rơi lên đầu bất kì giờ nào. Và không chừng, nó có thể rơi lọt những tấm tôn rách, gây cháy nổ cả khu chung cư nhếch nhác này.
Nhưng, đó là chuyện của năm cũ, sắp tới, khu chung cư này lại phải di dời để trả mặt bằng cho một công trình khác, những ngư dân xóm ba-đờ-ghe phải chạy vạy, xin xỏ nhà cầm quyền để họ thương tình cho cảnh nghèo, bán cho một căn hộ chung cư chật hẹp khác mà sống qua ngày.

Câu chuyện về Đà Nẵng còn rất dài, bài tường trình ngắn chỉ là một lát cắt nhỏ nhân dịp thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ hội bắn pháo bông mừng 30 tháng Tư. Dịp mà sự phù hoa của bữa ăn vài chục triệu và nỗi nghèo khó kiếm từng đồng lẻ sống qua ngày ở Đà Nẵng được phơi bày rõ nét nhất. Mặc dù kẻ giàu có hay người nghèo khổ đều muốn giấu đi thân phận của mình vì dù sao, cũng phải treo cờ và ăn mừng. Ăn mừng là chuyện được nhà nước khuyến khích, treo cờ là chuyện nhà nước bắt buộc, nhưng giàu và nghèo là chuyện riêng của mỗi người, không liên quan gì đến sự reo hò và cờ xí sặc sỡ, rình rang…!
Uyên Nguyên, tường trình từ Đà Nẵng, Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2-face-da-nang-april-30-04292013071517.html

No comments: