Friday, October 21, 2016

TRUYÊN KÝ -THƠ

NGUYỄN TRẦN LÊ * VƯỢT BIÊN

VƯỢT  BIÊN 
 Nguyễn Trần Lê


    Tôi đứng trước cửa, mắt ráo hoảnh, nắm chặt bàn tay gầy guộc của Mẹ tôi, tim tôi vẫn đập, hình như nhịp có hơi mạnh, nhói lên, nhưng tôi vẫn không thể nào khóc, nhìn đôi mắt buồn rười rượi của Mẹ tôi mà nước mắt đã bắt đầu, lòng như nấc nghẹn. Vì nếu tôi rơi nước mắt thì chắc chắn sẽ còn làm cho sự bịn-rịn lâu hơn.
    Tôi thưa ; “ Thưa Cậu Mợ, con đi, anh đi các em .”




    Mấy đứa em đứng sau Câu Mợ tôi, ngó ra cửa nơi tôi đang đứng. Trời chiều tối,
ánh đèn trong hành lang cư xá Thanh Đa lù mù, tôi không dám nhìn thẳng vào cửa nữa, nắm chặt lấy tay Mẹ tôi và rồi Bố tôi, các em rồi vội bước đi, không dám quay lại, tôi biết rằng đằng sau tôi, nơi cánh cửa Bố Mẹ tôi và các em đang ngó trông theo. Và từ giờ phút này họ sẽ thao thức, không ngủ vì những lo lắng. Vì ngày hôm đó tôi phải tới một điểm hẹn nghỉ qua đêm để sáng sớm hôm sau tới Xa cảng Miền Tây gặp người dẫn đường, tôi và một nhóm ba người nữa sẽ lên xe đò đi Trà Vinh chuẩn bị cho lần vượt biên thứ ba của tôi.




    Mờ sáng trước khi xuống Xa cảng, chúng tôi đã vội ghé vào tiệm hủ tiếu gần đó ăn bữa điểm tâm cuối cùng của Sàigòn.
    Ánh đèn mờ nhạt của Xa cảng, nhưng xe cộ hành khách đã đông, những tiếng rao hàng nhộn nhịp. Chiếc xe Dodge cổ lỗ đã được hơn nửa hành khách, chật chội trên những hàng ghế da cũ kỹ. Bó người trong xe, tôi lơ đãng nhìn ra ngoài, Sai Gòn vẫn còn một nhịp điệu, những tiếng nổ xình xịch của những chiếc xe đò cũ-kỹ. Những người lơ xe mời chào, lôi kéo hành-khách, ‘Đi đâu cô Hai, anh Hai , xe đi Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh đây, sắp khởi hành, mời Bà con cô bác mau lên xe kẻo hết chỗ! Mời chào, níu kéo như vậy, xe thì máy vẫn nổ như dợm chạy làm mọi người vội vàng chạy, trèo kéo lên xe, cứ như thế mãi gần một tiếng sau xe mới chuyển bánh.




    Mặt trời lố dạng, qua khỏi Chợ lớn thì đã lên cao, những dòng xe xuôi ngược, những khuôn mặt xạm kịt vì thời tiết và đời sống. Sài-Gòn sau Giải-Phóng ! 1983, 8 năm sau Giải-Phóng! Nhìn lại những người dân thành-phố, chỉ thấy những bộ áo ngắn! không xe xua, không mầu mè, không kiểu cọ! Làm như quần áo chỉ là để che thân và hòa nhịp với cuộc sống văn minh mới!





         Chợt nghĩ đến những ngày xưa, mỗi lần tầu về lại SàiGòn sau những cuộc tuần dương dài hàng tháng trời . Quần áo tiểu lễ sạch trắng, mũ mão, lon lá đứng dàn chào dọc theo hai bên chiến hạm để cặp cầu Bộ Tư-Lệnh Hải Quân, mà nay đã là một anh chàng thường dân không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không tương lai, vất vưởng sống từng ngày sau gần 7 năm được nhà nước ưu ái đã cho đi ‘Học tập cải tạo’. Học tập tiến bộ nhà nước đã tha cho trở về đời-sống một người dân ‘Ngụy’. Và tôi đành phải kiếm đường bôn tẩu cho tương lai, chả biêt ra sao, nhưng ít ra cũng không phải xếp hàng cả ngày để nhận vài trăm gram đường, vài lạng thịt hàng tháng!




    Xe vẫn bon bon theo quốc-lộ 4, qua nhiều chặng kiểm soát của Công An, lơ xe cứ thế quà cáp và những dúi tay để cho xe đi được nhanh chóng hơn . Trong xe,hành khách đủ mọi thành phần, nhưng có lẽ họ là những người lo buôn bán kiếm cơm, hay là một vài người như tôi, chạy đôn đáo để tìm đường vuợt biên cứu khổ. Mặc bộ đồ không giống ai, bộ quần áo cả hơn 10 năm trước, đầu tóc lòa xòa như thằng lơ xe, không một mảnh giấy tùy thân, đầu óc đã sắp sẵn những gì cần thiết để nếu như bị bắt dọc đường. Xe qua Vĩnh-Long, rẽ trái để hướng về Trà-Vinh, đi thẳng là đường về Cần-Thơ, mà trước đây tôi đã qua lại không biết bao nhiêu lần. Dọc đường những ngôi nhà lá chỏng chơ, chung quanh những cây vườn xanh, tiêu điều, chỉ toàn thấy là những lá cờ đỏ sao vàng và những khẩu hiệu quyêt-thắng. Người dân cư lầm lũi sống! Cũng chả biết họ sống như thế nào? 




    Tới thị-trấn Trà-Vinh là cũng đã xế trưa, ghé vào quán làm một đĩa cơm, uống vội ly nước trà đá, người dẫn đường ra hiệu theo anh ta để lên xe Lam về Cầu Quang. Đường đất bụi mờ, 12 người trên chiếc xe Lam 3 bánh, mà gần 2 giờ sau mới tới được thị trấn, chợ búa đã thưa thớt, lếch thếch đi bộ theo anh ta, trời đã sẩm chiều, nên cũng không mấy ai để ý đến mình. Gần 20 phút sau tới một quán nước, anh bảo ngồi uống nước, sau đó anh chạy đi một chốc, rồi một người khác lại dẫn chúng tôi tới một ngôi nhà khác, ngồi chờ một hồi lâu đến tối hẳn rồi mới theo con đường đất của thịtrấn để tới một căn nhà nằm dọc theo bờ sông Hậu. Vừa lách qua khỏi cánh cửa, qua ánh đèn dầu leo lét, người chủ nhà dắt chúng tôi vào ngay một căn phòng phía sau đã chuẩn bị sẵn, và nói cho tôi hay ở đây 2 ngày rồi sẽ có ghe đưa ra  ghe lớn. Cần gì cho họ hay vì hai vợ chồng ở nhà suốt ngày. Sau đó mới biết là vợ chồng người con của họ cũng theo chuyến này, cho nên họ đã chịu ém chúng tôi ở đó.




    Một bữa cơm thanh đạm dọn cho chúng tôi, mọi chuyện vệ sinh cho họ biết để họ coi động tĩnh trước rồi mới cho tôi hay. Mệt mỏi sau một ngày dài từ Sài-Gòn xuống đây, thao thức một lát thì tôi cũng ngủ vùi. Nửa đêm thức giấc vì những tiếng vo ve của muỗi, những tiếng chó sủa bâng qươ, chập chờn. Sáng dậy hơi sớm, đã thấy vợ chồng chủ nhà dọn sẵn cho bữa sáng, cũng chẳng có gì, nồi sôi và ly cà phê. Nhìn qua cửa sổ là sân sau với chum nước và những cây ăn trái, bờ sông không xa, thỉnh thoảng lại thấy những chiếc ghe máy vụt ngang qua cửa sổ. Ngày ba bữa,hôm đầu cũng không thấy gì - êm ả trôi qua- hồi-hộp, nhưng vẫn phải cố gắng tỉnh táo, vì biết rằng có thể ngày mai là sẽ bắt đầu việc của mình.



    Sẩm tối hôm sau, sau bữa cơm chiều, vợ chồng người chủ nhà đưa chúng tôi xuống chíếc ghe đuôi tôm trên chất đầy mía ngụy trang, nấp dưới lòng ghe cùng ba người nữa, dọc sông vẫn còn thấy những ánh đèn thấp-thoáng của các ghe câu hay của những người dân qua lại. Miền quê thật yên tĩnh. Văng vẳng tiếng hò cải lương từ một Radio nào đó. Gần 2 tiếng ngồi bó gối trong lòng ghe, người tôi như cứng lai. Tiếng máy chậm lại rồi ủi vào một bờ kinh. Nằm chờ một hồi, đột nhiên có tiếng máy nổ bình bịch giữa sông, một ánh đèn chớp, qua lại, ghe lớn đã tới, chống sào chạy ngược ra giữa dòng! Chúng tôi vội vàng lên ghe lớn, chỉ kịp trao lại mảnh giấy cho người chủ ghe để nhờ họ trao lại cho người tổ chức chuyển về cho gia-đình tôi thông báo là đã lên ghe lớn (Còn chuyện sau này có được hay không thì cũng chả biết sao). Nhóm của tôi chui tọt vào khoang chiếc ghe bầu chuyên chạy trong sông chở nông sản, trống rỗng. Sau ghe là phòng lái, với tay lái là cái cần dài, ngồi trên mũi ghe có thể lái và nhìn hướng đi được, dưới là khoang của chủ ghe. Máy đươc gắn máy Yanmar xanh hai block, lòng ghe trống rỗng. Một tấm bạt nhà binh phủ kín từ trước tới sau, mà hai bên be ghe đã được đóng cao trên bình thường để nâng chiều cao của lòng ghe



    Hỏi người tài công sông toán thứ hai của người bạn tôi tới chưa?
    Hắn nói sắp tới. (vì phải chia làm hai ba ngả để tiện tránh những sự bất trắc,  toán hai của người bạn cùng khóa, anh ta là tài công chính của một chuyến vượt-biên, đã nhiều lần vượt-biên cũng như đi bán chính-thức cũng không trót lọt, tài-sản gần cạn, cuối cùng được một tổ-chức kêu đi cùng gia-đình, nhưng giờ phút chót chính anh ta lại là người bị tổ-chức bỏ lại chỉ vì tin vào những bói toán, có anh đi thì không thể nào thành-công được). Gặp tôi giữa chợ An Đông, ngồi uống cà phê anh đã rưng- rưng nước mắt kể lại những vất-vả, khó-khăn anh đã chịu đựng trong suốt mấy năm qua, hơn 3 năm cải-tạo được tha về ở dưới tỉnh làm ăn và tìm đường vươt biên, vài chuyến không thành, đi bán chính-thức, nhờ có nghề Hải Quân nên không phải trả tiền, nhưng rồi bị bắt, nằm hộp thêm hai năm nữa, gia-đình vất-vưởng, cuộc đời cứ xui xẻo, đến ngày cuối chính tài công  lại bị bỏ lại. 



Vợ con không biết ra sao vì đi dưới miệt lục tỉnh qua ngõ vịnh Thái Lan, tuy gần nhưng nhiều hải tặc, cầu trời khấn Phật. Thôi thì mày để tao nói chuyện với thằng chủ tầu coi sao? Vì họ làm cho gia đình, phần nữa mày gốc Tầu nói chuyện với dân Tầu chắc cũng không khó lắm, thế là sau vài lần gặp mọi chuyện OK, chờ ngày khởi hành. Hơn một năm trời theo chiếc ghe này, không thấy động tĩnh gì, họ tính quá kỹ. Lên xuống hai, ba lần đi dò đường, coi ghe...mãi đến đầu tháng 4 họ mới quyết định. 49 người chen chúc trong chiếc ghe không một chỗ nằm thoải mái! Đúng là đi tìm sự sống trong cái chết ! Thôi cũng đành phó mặc cho trời đất ! Lạy Trời Phật thương con và mọi người cho chuyến đi được bình-an.


    Quay qua người tài công sông hỏi:  bản-đồ, hải bàn, đèn pin tôi đã mua trao cho chủ ghe trước đây đâu? Mò mẫm trong đêm tối để gắn la bàn, không thể nào có tí ánh sáng cho la bàn. Một tiếng chửi thề ‘Mẹ kiếp’, đã nói cho gắn đèn vào la bàn, nay không có làm sao mà dòm la bàn? người tài công sông im lặng. Anh ta cũng chỉ là một người dân địa phương đi theo ghe để làm và tìm đường vươt-biên.
    Mười năm lính biển thưc-sự tôi chưa bao giờ lái một chiếc ghe bầu như thế này, trên tầu đầy đủ dụng cụ hải-hành, có bão lớn hay sóng to cũng không lo lắng lắm. Đằng này ghe trống trơn, chỉ có tấm bạt đóng nẹp phủ lên trên, 49 nhân mạng trong ghe! Trông chờ vào khả năng đi biển của tôi! Mà thưc sự nghĩ lại khả năng đi biển của tôi là khả năng của một người điều khiển những chiện hạm hay những chiến đỉnh đi biển có điều kiện, chứ đâu chỉ để lái chíêc ghe bầu 9 mét. Đã bước lên là phải làm, cũng đành phải gắn cho xong chiếc la bàn. Cầm cái đèn pin dọi quanh, thỉnh-thoảng liếc vào đó mà lái.
    Từ Cầu Quang ra cửa Trần Đề quả thật không xa, hai bên bờ sông tối như mực, mặt sông loáng thoáng, ngồi trên nóc ghe, tay cầm lái, nhướng mắt nhìn trước mặt để tìm ánh đèn hải tiêu, nước đã bắt đầu lớn, con tầu chạy chầm chậm, khoảng một tiếng sau, đang ngon trớn, tầu tự dưng chậm lại rồi đứng hẳn, thôi chết rồi, mắc cạn, thử lùi bẻ lại tay lái, nhưng không nhúc nhích, tiến tới không được, kêu mấy cậu thanh niên lấy sào chống, nhưng cũng không được, đành chờ. Mọi người hốt hoảng, những tiếng đọc kinh, khấn vái. Hơn nửa tiếng sau, nước đã cao hơn, thử lại một lần nữa, con tầu lướt tới trước, tiếp tục. Thật hú vía. Ra tới cửa sông, gió đã hơi mạnh.



    Biển đen kịt, lờ-mờ những ánh đèn ghe thấp thoáng, những chòm sao chi chít trên trời, đèn la bàn không có, đành phải lái theo kinh nghiệm, nhìn những chòm sao, gió Đông Bắc, lấy hướng 090 thẳng ra khơi, bên trái mờ xa là Hải Đăng Vũng Tầu. Gió đã mạnh hơn cấp 2, nhấp nhô sóng bạc đầu, con tầu lắc lư, hơi chếch xuôi nên cũng đỡ. Ngồi trên nóc ghe xoạc chân ra giữ cần lái, mắt luôn nhìn vào la bàn. Loáng thoáng ánh đèn pin dọi vào la bàn, tôi vẫn cố gắng giữ hướng nhưng cũng không thể nào đúng được, thôi cũng đành để sai biệt + 5 độ. Nhưng nhìn sóng và chòm Nam Tào Bắc đẩu mà đi. Cuộc đời hải nghiệp chưa một lần nào mà đi biển như lần này.
    Ngồi trên nóc ghe, khóac thêm tấm áo mưa của người em rể cho từ lâu nay mới thấy hữu hiệu, có nón che, gọn nhẹ, có túi trước ngực đựng ít kẹo. Đã dự tính dù tầu có chạy chậm nhưng với sức gió và nước hy vọng trong 24 giờ đầu cũng có thể chạy được 100 hải lý, nghĩa là qua khỏi vùng kiểm- soát và ngoài khơi đường tầu buôn chạy, như vậy mơi có nhiều hy vọng hơn. Một đêm cầm tay lái không thể nào nhắm măt được, nhờ có gió biển đã giúp tôi thêm phần tỉnh táo. 



Mặt trời mới nhú lên đàng Đông, nhìn biển rộng bao la, những con sóng bạc đầu nhấp nhô, đã quen với sóng gió, tôi cảm thấy sảng khoái, mới hơn có 9 giờ hải hành, cũng chưa xa bờ được bao nhiêu, tôi và người bạn ngồi trên mũi ghe vừa lái vừa kiểm soát mọi việc, hình dạng những chiếc ghe đánh cá quốc doanh mờ mờ sau lưng. Không một bóng dáng chiếc tầu nào chung quanh, nhường tay lái cho người bạn, tôi nằm ngả lưng ngay tên nóc ghe. Khoảng giữa trưa, trời đổi gió, có it hạt mưa, liếm láp những giọt nước mưa, vị ngọt của viên kẹo làm tôi thấy đỡ một chút, thay phiên nhau 3 người nhưng tôi và người bạn là chính, ôm cần lái, mệt đừ. Mọi người hầu như nằm chết liệt trong khoang, không còn nghe thấy nhưng tiếng đọc kinh nữa. Đã quá mệt mỏi, chắc vậy. Tôi cũng không còn biết gì đã xẩy ra ở trong lòng chiếc ghe nữa! Đâu có biết rằng trong đó họ đã cấu xé nhau vì những giọt nước,miếng ăn. Ói mửa, mệt mỏi, sợ hãi.Chiếc ghe vẫn cứ nhấp nhô. Biển thì vẫn gào.


    Đêm thứ hai biết rằng cũng đã xa hải phận, ước tính, tôi đổi hướng 220, ghe đã bớt nhồi, xuôi sóng nên đã thấy dễ chịu. Trời vẫn mưa lâm râm, thấp thoáng vài ánh đèn tầu, phản ứng tư nhiên, qươ đèn vẫy, nào có ai thấy, quá xa, có ai thấy mình? ngộ nhỡ tầu Liên Xô thì cũng chết dở. Lại tiếp tục, mệt thì nằm soải lưng, tay nắm chặt hai thanh sắt trên nóc ghe.



    Ngày thứ ba công viêc vẫn tiếp tục, hớp vội tí cháo chủ tầu đưa cho, lại chia nhau lái. Nắng lên không bao lâu trời lại chìm vào mầu xám. Biển đêm thật kinh sợ, không biết nó sẽ xẩy ra cái gì nữa.
    Sáng ngày thứ tư, nhấp nhô trên trời đã thấy bóng dáng những con chim hải âu bay lượn, vài chú cá heo lội rượt theo ghe, một tay nắm chặt thanh sắt, một tay cầm cái khăn mặt nhúng tí nước biển thoa mặt cho tỉnh táo. Hình như mình đã nghĩ đến sự sống. Có cá heo tức là có cơ may, có chim là thấy có cơ gần bờ. Nhưng hết ngày cũng chưa thấy gì. Biển vẫn còn đây, bờ vẫn xa !



    Trời đột nhiên trở gió, mưa đã bắt đầu nặng hạt, một ít nước ngọt thấm giọng, mà suốt mấy ngày qua mọi người chỉ uống nước sông lợn cợn, được thêm tí cháo. Nhấm ngụm coca cola mà người tài công sông đưa cho, ôi đã làm sao? Đưa cần lái cho bạn tôi, hai bàn tay nắm chặt nóc ghe, nằm lịm đi không biết bao lâu ? người bạn đánh thức tôi dậy và chuyền cho tôi viên kẹo! Lại tiếp tục thay hắn nắm cần ghe. Ngày thứ tư mây đen vần vũ! có mưa, biển đã dịu lại đôi chút! Hình như tôi có cảm giác có mùi hơi đất nào gần đây! Xa xa một vài đốm sáng của chiếc ghe nào đây. Không biết là đâu, Côn Sơn, Cà Mau? Chỉ có chết nếu gặp ghe quôc-doanh! Nhớt đã gần cạn, tôi đâm lo, bây giờ lại phải nhờ gió để đi, trong khi người cơ khí tắt máy, coi lại máy móc.Vừa giương được tấm buồm dã chiến lên, con tầu như đã hứng được gió, chầm chậm theo hướng đi. Những ánh đèn ghe đã biến mất, nhìn chùm sao Nam tào Bắc đẩu ban đêm theo đó mà đi, thỉnh thoảng vẫn lại phải bấm đèn pin để coi lại hướng. Đến sẩm tối, máy đã sửa xong, tiếng máy nổ làm tôi dịu lại, mọi người bớt cầu kinh niệm Phật, tất cả đều đã mệt mỏi. Bực mình vì người chủ tầu đã không lo liệu nước uống và thức ăn cho đầy đủ, tôi đã phải chửi thề, phần vì sóng biển dập dềnh khó mà nấu nướng, họ cũng cố gắng nấu thêm nồi cháo cho mọi người cầm hơi.



    Sáng ngày thứ năm, biển đã dịu lại, những cánh chim hải âu đã thấy nhiều. Một làn gió nhẹ, mùi muối, mùi nước biển, mùi tanh của cá đâu đây! Mặt trời đã hạ, mờ xa bóng dáng một hòn đảo? Mừng quá ! Cố gắng lướt tới,gần đó chiếc ghe đánh cá đang bỏ lưới. Không rõ là của ai ! Bắc ống dòm thấy dáng lạ, không giống ghe Thái Lan, vì ghe Thái thường cao và lớn, không giống ghe Kiên giang, Quốc doanh, tôi cũng yên tâm. Nhưng cũng phải kêu mấy cậu thanh niên chuẩn bị dao rựa! Trong trường hợp hải tặc là phải ra tay không nuối tiếc. Đến gần,cũng may họ cũng chỉ là những dân đánh cá. Trông dáng Á châu, đen đủi, tôi chắc là dân Indo hay Mã lai. Ra dấu hiệu, tôi nói người chủ ghe nói bằng tiếng Tầu, họ hiểu. Nói cần ít thức ăn và nước uống. Họ đã cho nồi cơm và ít nước uống. Bàn với mọi người nên bỏ chút ít để họ giúp đỡ. Sau một hồi mặc cả, gom được ít vàng, đưa cho họ, nhờ họ dẫn dắt vào gần đất liền một chút. Họ nói sợ vì tầu tuần bắt được họ là chết. Tôi kêu thôi để đêm tối hãy làm. Và khi vào gần bờ tụi này sẽ lo liệu. Hơn 4 tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới thấy bóng dáng bờ, ngoài xa là những ánh đèn ghe giăng lưới. Thôi thế là tạm yên.



    Mò mẫm vào được cửa sông, không một tầu tuần nào hay biết. Tới gần  tôi bơi vào bờ cầu cứu, người dân trông thấy họ đuổi ra. Nói ra lại tầu tụi Cảnh Sát nó biết nó sẽ ra ngay, nếu ở trên bờ nó bắt là chết. Lập tức tôi phóng xuông sông, một mảnh nhọn đâm sắc vào chân, máu tuôn sối xả, nhưng tôi chẳng biết đâu cứ thế mà lội ra ghe. Vừa leo lên ghe, trong bờ đã có tiếng loa và ánh đèn ra hiệu đi theo họ! Vòng vo trong lạch ,tôi lái tới cầu căn cứ, hóa ra đây là một làng của thị trấn Dungun. Họ lùa chúng tôi lên bờ, trong khi đám lính đi lục soát khắp ghe. Lếch thếch sắp hàng dọc trong sân trại lính, moị người mệt mỏi nằm la liệt trên mặt đất, những lời cầu kinh, khấn Phật cám ơn đã phù-hộ.



    Có lẽ rằng đã có những chiếc ghe khác tới đây trước đó ! Nên những người lính Mã lai họ cũng không lạ gì những người như chúng tôi, chỉ bắt tập trung vào một khu vực trong sân, chỉ nơi tiêu tiểu. Và tối hôm đó họ đã cho chúng tôi một bữa ăn nóng ‘Mì gói’.  Sướng làm sao! Bốn người lính gác chung quanh. Ăn xong chúng tôi lăn ra đất và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đêm lạnh nhưng có xá gì. Đất liền, Tư Do, như đã có. Mừng. Không hiểu giờ này ở nhà cha mẹ anh em tôi có mừng được như tôi bây giờ hay không? hay lại là những đêm ngày thao-thức.


    Mờ sáng nằm nhìn trời mừng rơi nước mắt. Bạn tôi đã ôm chầm lấy tôi và hai đứa cùng khóc,thế là nó đã thoát,nhưng không biết vợ con ra sao ? Vì vẫn chưa liên lạc được. Bữa ăn sáng với một nồi mì gói và ít lon CocaCola đã được trại lính tiếp tế qua Hội Hồng Thập Tự, Lưỡi Liềm Đỏ Mã Lai. Họ đã kêu tôi và chủ tầu lên hỏi cung, từ đâu đi, bao nhiêu người. Ai là chủ tầu, ai lái tầu? mọi cái tôi đều nói hết. Xế trưa, một chiếc xe Búyt của Hội Hồng Thập Tự MãLai đã tới và đưa chúng tôi tới một trại chuyển tiếp khác.



    Ba giờ xe Buýt tới Trangannu. Bàn chân tôi nhức nhối, mặc dù đã được trại lính băng bó. Đi khập khễnh, bạn tôi đã phải cõng tôi đi mỗi lúc cần.
   Ở trại chuyển tiếp,chúng tôi đã gặp một số anh em tới trước. Họ cũng đang chờ chuyến tầu chuyển qua đảo Pulau Bidong. Một tuần nằm chờ, cơm nước có Hội Hồng Thập Tự Malai lo nên cũng yên. Không một đồng xu dính túi, thèm thuốc lá không thể nào kiếm ra. Loay hoay làm quen với một vài người tới trước, họ chia cho vài điếu!
    5 ngày 5 đêm nay thì đã tới đất liền. Ngồi thầm nói “Cậu Mợ ơi, các em ơi! Nếu giờ này gia đình biết được con đã tới được bến bờ MaLai thì chắc mừng lắm.” 



 Tuy nhiên vài người khi còn ở trại Dungun họ đã nhờ lính MaLai gửi giúp những điện tín báo cho thân nhân bên nhà biết là chuyến đi đã tới bình an. Và nhờ đó người chủ ghe sẽ lại nhà thông báo cho gia đình tôi biết. Tôi chỉ chờ có vậy mà thôi.



    Tội nghiệp cho Mẹ tôi, vì lo cho chồng con mà sức khỏe hao mòn. Cha tôi cũng đã phải chịu 6 năm cải tạo suốt từ Long Khánh, Biên Hòa và Hoàng Liên Sơn, Yên Bái. Nghĩ đến những lần mẹ tôi và các em tôi quẩy trên lưng ít thức ăn tiếp tế, trong khi tại nhà mọi người vẫn phải lo từng ngày! Lòng tôi lại nghẹn ngào! Biết bao giờ tôi mới trả được ơn nghĩa sinh thành này. Những ngày chờ đợi, tuy có ăn, có yên, nhưng lòng tôi vẫn tê tái. Ra đi một mình không giúp được một ai trong anh em, gia đình. Tiếc nuối làm sao, lần trước cố đem đi người em trai đi, nhưng không thành phải trở lại, may không bị bắt. Số, tại số. Thôi cuộc đời đã không cho tôi được can đảm và khôn ngoan để bao bọc gia đình thì bây giờ tôi lại tự lo lắng cuộc sống mong có cơ hội giúp đỡ gia đình bằng cách khác vậy.
   


 Con tầu đưa chúng tôi ra đảo cũng khá lớn, chứa hơn 50 người, hơn một giờ tầu mới tới Pulau Bidong, trên cầu tầu, dọc theo bãi biển mọi người sắp hàng đón chúng tôi. Tầu vừa cặp cầu là đã có đại-diện phái-đoàn Cao-Ủy và phái đoàn-trại ra tiếp đón. Những tiếng reo hò, vỗ tay, những lời nồng nàn, ấm cúng, chào mừng chúng tôi đã đến được bến bờ Tư Do. Họ đã tập trung chúng tôi vào hôi trường để khai lý lịch và diễn biến cuộc hải trình. Bốn giờ làm việc, tôi mệt lả. Cũng vừa có tiếng kẻng lãnh cơm. Cũng may, có chút cơm nóng, cá kho, ăn vội cho yên bụng. Còn chuẩn bị cho buổi tối. Có được cái mùng, cái mền cũng đỡ, vài cái chén, đôi đũa, đó là gia tài của tôi khi tới trại. Bộ quần áo độc nhất từ ngày rời Việt Nam vẫn mặc cho đến lúc qua tới Bidong. Một giấc tới sáng không mộng-mị. Yên bình.
Nguyễn Trần Lê

KHÁNH GIAO * TRUYỆN TÙ CỘNG SẢN

Một Hạt Đậu Hai Người Khiêng
 
Khánh Giao
Thứ Ba, Ngày 31 tháng 5-2011
Trong trại tù Tiên Lãnh, khu nhà Ri thật đặc biệt. Tường là những tấm vĩ sắt (grille) xưa kia dùng lót phi đạo cho những phi trường dã chiến. Mái lợp tôn. Bởi thế, mặc dù tường có nhiều lỗ thông hơi tròn nhỏ, không khí trong phòng lúc nào cũng hâm hấp nóng về mùa Hè. Mùa Đông thì gió Bấc luồn vào lạnh thấu xương. Giường ngủ hai tầng là những sạp gỗ. Trên sạp tù nhân nằm sát nhau. Căn phòng 4 m X 12 m chứa trên 70 người. Tù nhân phần lớn là thanh niên và trung niên, phạm tội vượt biên.
Người tù trại cải tạo 23 tuổi
Một đêm Hè oi bức. Sáu giờ chiều thì cửa phòng đã khoá lại. Ðèn điện vẫn sáng cho đến 10 giờ. Ðứng ngoài đêm tối nhìn vào, nhà Ri giống như một lồng sắt to lớn nhốt thú vật. Anh em tù đều ở trần, tay phe phẩy quạt, ngồi tụm nhau để nói chuyện. Nhưng hoạt náo nhất là nhóm những người nghe chuyện kiếm hiệp Kim Dung do giáo sư Lộc kể. Anh ta nhớ từng chi tiết gay cấn, từng cá tính hài hước nhân vật, và gây cho người nghe sự háo hức say mê, và thỉnh thoảng một trận cười khoái trá. Tiểu thuyết Kim dung hàng chục quyển, mà truyện nào cũng tràng giang đại hải, bởi thế tháng nầy qua tháng nọ, Lộc có thể mang lại niềm vui cho anh em trại viên, nhất là làm cho họ quên đi phần nào nỗi đau buồn xa gia đình và thời gian dài dặc « nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại ». Ngoài chuyện kiếm hiêp dài hàng tháng, Lộc còn kể cho anh em nghe nhiều giai thoại hài hước Trạng Quỳnh, chuyện cổ tích Anderson, truyện Tàu từ Phong Thần, Ðông Chu Liệt Quốc đến Thanh Triều Cận Đại. Trí nhớ của anh thật phi thường, nhất là những nhận xét tinh tế của anh về nhân vật. Anh đọc được cả chữ Hán. Một hôm có trại viên gốc Tàu, tội vượt biên được thăm nuôi, mang vào nhiều gói quà bọc trong giấy báo cũ in toàn chữ Tàu. Lộc chú ý đọc và nhận ra đó là tờ Hồng Kông Báo. Tối ấy anh kể cho anh em một giai thoại văn học lý thú mà anh đã đọc trong tờ báo ấy :
Một học trò nghèo tên Trúc Nguyệt Ba lên Bắc Kinh dự thi. Song đến thủ phủ Giang Nam thì hết tiền độ nhật. Anh phải vào chùa thí phát để ăn nhờ cửa Phật. Một hôm ngồi tụng kinh ở chính điện, anh thấy một thiếu nữ đẹp tuyệt trần độ 16 tuổi vào lễ Phật có người hầu hạ đi theo. Anh muốn ghẹo cô. Thấy cô thanh tân, yễu điệu như cành liễu trước sân chùa, bèn vừa gõ mõ, vừa tụng bài thơ sau đây :
Giang Nam liễu, nộn lục bất thành âm.
Chi nhuyễn bất kham khinh chiết thủ
Huỳnh ly phi thượng lực năng cam.
Lưu thủ đãi xuân thâm.
(tạm dịch :
Liễu Giang Nam, xanh non như thể không có bóng. 
Cành mong manh không chịu nổi tay người bẽ phủ phàng,
 cũng như không chịu nổi sức nặng chim huỳnh ly bé bỏng. 
Thôi thì rụt tay lại đợi vài xuân nữa) 
Rủi cho chú tiểu, cô tiểu thư tên là Liễu Nộn Nộn, con quan Tổng Đốc Giang Nam. Nghe bài thơ cô hiểu ý, khóc lóc ra về kể cho cha nghe sự vô lễ của chú tiểu. Tổng Đốc cho lính bắt ngay chàng thanh niên xúc phạm đến tôn quý, nhất là tội thầy chùa phạm sắc giới, xử phải chết trầm mình dưới sông. Ông hoạ lại bài thơ ghẹo gái để minh chứng ông không xử oan. Biết anh ta họ Trúc, ông đọc bài hoạ như sau :
Giang Nam trúc, xảo tượng tác vi đồng.
Phó giữ pháp sư tàng pháp thể.
Giang ba thâm xứ, bạn ngư long.
Tất tri sắc sắc không không.
(tạm dịch :
Với trúc Giang Nam, tay khéo đan một chiếc lồng,
Để cho pháp sư ẩn tàng thân thể, 
Dưới thâm sâu sóng gió dòng sông làm bạn với cá rồng. 
Tất cảm nhận sắc đó rồi không đó). 
Trúc Nguyệt Ba trước khi chết xin quan cho hoạ thơ lần chót. Vì tên lót là Nguyệt anh ta đọc :
Giang Nam Nguyệt. Như cảnh diệc như câu.
Như cảnh bất lâm hồng phấn diện
Như câu bất thượng thuỷ liêm đồng.
Không tự chiếu đông lưu.
Tạm dịch :
Trăng Giang Nam. Khi như gương tròn, khi như móc câu.
Như gương tròn cũng không soi được mặt người đẹp hồng phấn.
Như móc câu cũng không treo được bức tranh thuỷ liêm nơi phòng khách sang trọng. 
Chỉ chiếu suông dòng nước chảy về Đông). 
Ý anh ta nói anh chẳng bao giờ có ý trèo cao, mà chỉ là trăng suông lạnh lẽo.
Quan Tổng Đốc thấy anh là ngưới có tài bèn bỏ tiền cho anh làm lộ phí vào Kinh thi. Quả nhiên Trúc Nguyệt Ba đậu Trạng Nguyên và trở về cưới Liễu Nộn Nộn làm vợ”. 
Ðời sống hàng ngày trong tù cũng là đầu đề cho Lộc kể những chuyện hóm hỉnh. Anh kể là khi xưa đồng quê Việt Nam hưởng thanh bình thực sự. Chứng cớ là chuyện bài thơ Con cóc. Một buổi chiều thơ mộng có nắng vàng, có đàn chim sẻ ríu rít trên mái nhà, ba chàng thư sinh đang nấu sử, xôi kinh chờ ngày ra kinh ứng thí, họp nhau trong sân nhà. Họ đang tìm đề tài để nhã ngọc, phun châu. Họ tư lự nhìn cảnh vật chung quanh. May thay có chú cóc, nghe gió chiều mát rợi thổi vào hang nằm dưới bậc cấp hàng hiên, liền nhảy ra. Thư sinh thứ nhất ứng khẩu đọc ngay :
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi ở miệng hang một lát để ngắm trời xanh biếc, phong cảnh quen thuộc chung quanh. Thư sinh thứ hai xuất tứ, nối tiếp :
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó.
Ngắm cảnh chán,cóc phải nhảy đi dể tìm mồi. Thư sinh thứ ba tức cảnh sinh tình, đọc hai câu thơ chót :
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi.
Ba chàng vổ tay khi hoàn thành bài thơ tuyệt hảo, và bài thơ đã đi vào lịch sử ! Dĩ nhiên trong cảnh thanh bình đó, bài thơ Con cóc có thể kéo dài vô tận, như là : Con cóc nhảy đi, nhảy vào bụi cỏ ... Nhưng trong trại tù của chúng ta bài thơ ấy chấm dứt rất nhanh :
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc chết.
Tại sao con cóc chết tức tưởi như vậy ? Vì nó sẽ bị trại viên tóm ngay, chặt đầu, lột da, bỏ vào gô cải thiện (gô là lon nhôm guigoz trong trại tù Cộng sản dùng để nấu nướng. Cải thiện tức là kiếm thêm chất thịt để bồi dưỡng, vì trong tù chỉ ăn cơm độn sắn với nước muối. Ăn uống trong trại tù Cộng sản kém cả chất lẫn lượng.) Ðây cũng là cách Lộc mỉa mai chế độ một cách sâu sắc.
Lộc nguyên là giáo sư Anh văn trường Trung học Phan chu Trinh, Ðà Nẵng. Tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn môn Anh ngữ. Vì cận thị nặng anh được miễn quân dịch. Anh dạy học được 5 năm thì ngày 29/03/1975, Cộng quân chiếm Ðà Nẵng. Anh được lưu dụng, dạy Anh Ngữ. Song bấy giờ Nga ngữ thịnh hành hơn. Sự phân biệt đối xử với người chế độ cũ, chế độ đàn áp, độc tôn tư tưởng cùng sự dốt nát của cán bộ giáo dục và nhân viên nhà cầm quyền các cấp, làm anh thối chí, và nảy ý định vượt biên. Lộc cùng một số bạn bè vất vả kiếm tiền mua hải bàn, xăng nhớt, thuyền máy ... trong 5 tháng trời mới xong. Riêng Lộc đã phải vay mượn một số tiền lớn. Chuyến đi tuy tổ chức chu đáo, xuất phát từ Trại Cùi Hải Vân, song định mệnh vẫn mạnh hơn tính toán của con người. Sau khi mọi người đã xuống tàu, một tàu đánh cá nhỏ, vào lúc nửa khuya, thuyền trực chỉ ra khơi. Nhưng mới rời bờ đá độ 100 m thì thuyền máy Công an phục kích từ lâu đón bắt. Trọn 40 thanh niên, thiếu nữ bị áp tải về trại giam Chợ Cồn để thẫm vấn rồi sau một tháng tất cả đi cải tạo lao động tại Tiên Lãnh. Lộc và các bạn nhập vào nhà Ri. Thấm thoát mà đã 5 năm tù tội. Gia đình sa sút từ ngày mất miền Nam, Lộc ít được thăm nuôi, mỗi năm nhiều lắm hai lần. Ðồ thăm nuôi nghèo nàn, lèo tèo một thẫu thịt heo kho mặn, vài kí lô đường đen và ít đồ lặt vặt. Phần ăn trại cấp thì sắn là chính, gạo chỉ độ 100 gr mỗi bửa. Thức ăn thì độc một món, nước muối hoặc nước mắm cái nấu loãng. Ăn không no và không đủ chất lượng nên tù nhân chết vì suy dinh dưỡng rất nhiều. Muốn sinh tồn, phải cải thiện, nghĩa là mọi sinh vật dù nhỏ bé và gớm ghiếc đến đâu cũng bị trại viên chộp lấy nấu ăn. Bởi thế bài thơ con cóc kết thúc rất nhanh. Lộc cũng là một tay lão luyện trong nghề cải thiện. Nhưng như anh đã từng than phiền : “caution is not stronger than fate’’, anh là nạn nhân mà định mệnh đã chọn trong cuộc sinh tồn. Câu chuyện thương tâm sau đây đã hằn lên đời anh một vết thương chí mạng. Số là về mùa trồng đậu phụng, mỗi tối, trại viên phải làm thêm giờ gọi là tranh thủ. Ăn cơm tối xong, trại viên được nhà trưởng tập họp dẫn lên sân rộng trước nhà kho của trại để lột đậu. Cứ mỗi tốp 5 người ngồi vòng tròn dưới một gốc cây tàng lá sum sê, dưới ánh sáng một ngọn đèn điện 40 W mắc trên cành cây. Giống như một tiệm cà-phê ngoài trời ở Sài Gòn, song ở đây ngồi bệt dưới đất. Với mùa lột đậu, phải chuẩn bị một cái ghế nhỏ cầm tay hoặc một miếng gỗ dày để lót mông ngồi trong suốt 3 gìờ. Giữa vòng tròn 5 người là hai thúng đầy đậu vỏ, và một thúng trống để đựng đậu hột. Mỗi trại viên được phát một rổ nhỏ. Lấy đậu vỏ vào rổ, rồi trở về chỗ ngồi, bóp từng trái đậu vỏ vỡ ra, mà không làm nát hạt đậu ở trong. Vỏ đậu quăng ra dưới đất, còn hột đậu thì bỏ vào rổ. Khi lột hết rổ đậu thì mang đậu hột đổ vào thúng trống, rồi xúc đậu hột về chỗ, làm tiếp. Vừa lột đậu vừa chuyện vãn với nhau, hoặc nghe Lộc kể tiếp kiếm hiệp Kim Dung cũng là những phút thư giản trong cuộc sống ở trại, nhất là được hưởng gió mát và nhiều khi trăng thanh, giữa vùng rừng núi. Một cái thú nữa là thỉnh thoảng nhót một hạt đậu vừa béo vừa ngọt, mà cơ thể đang cần. Ai cũng ăn lén song rất thận trọng kẻo bọn cán bộ canh chừng, đi lãng vãng trong sân kho bắt gặp. Nhưng rủi cho Lộc. một sự rủi ro hi hữu, vì chỉ có mình anh bị bắt trong suốt mùa lột đậu năm ấy. Vừa lột đậu anh thong thả kể chuyện vui cười để che lấp mình đang nhai đậu sống.
Bỗng từ bóng tối góc sân, tên cán bộ bước ra, đi thẳng đến chỗ Lộc ngồi và ra lệnh :
- “Anh hãy mở miệng cho tôi xem’’.
Tái mặt, anh chưa biết phản ứng ra sao, thì tên cán bộ đã quát lớn :
- “Anh nghe rõ chưa, tôi bảo anh mở miệng ra xem’’. Lộc mở miệng song không thấy hạt đậu nào.
Tên cán bộ lại bảo :
- ‘’Anh lè lưỡi ra xem’’.
Lộc lè lưỡi ra, Lưỡi anh trắng nhờ nhờ, tố cáo rằng anh đã ăn đậu phụng. Tên cán bộ kéo anh ra giữa sân. Bốn tên cán bộ khác đã đến vây quanh anh. Năm tên đều mang bốt mà quân đội miền Nam trước kia dùng đi hành quân, loại bốt da cứng ( chúng tịch thu khi lục soát tù sĩ quan quân đội miền Nam trại Kỳ sơn lên Tiên lãnh). Lúc đầu thì chúng đấm vào mặt, bụng, ngực anh. Anh ngã xuống vài lần. Song chúng kéo anh đứng dậy. Một tên tuyên bố lớn tội trạng anh :
 - “Lâu nay chúng tôi biết đậu phụng lột thất thoát nhiều. Chúng tôi nghi các anh ăn lén. Nay bắt được, chúng tôi trừng trị nặng để các anh chừa thói ăn cắp tài sản Xã hội Chủ nghĩa’’.
Tên cán bộ quản giáo nhà Ri biết lý lịch của Lộc, sẵn dịp lại phun ra những lời phỉ báng theo lối giáo dục Cộng sản :
- “Anh Lộc là một giáo sư ở chế độ thối nát miền Nam. Bởi thế mang danh là nhà mô phạm dạy con em Cần, kiệm, liêm chính theo gương bác Hồ, anh là người ăn cắp, nêu gương xấu. Ðã biết các anh xấu xa từ bản chất, nên chúng tôi tập trung các anh lại để cải tạo. Song các anh vẫn thói nào tật nấy, không chịu sửa đổi, Nếu chúng tôi có tàn ác cũng chỉ để giáo dục các anh.’’
Lâu nay cán bộ trẻ trong trại có phong trào học võ. Họ bắt các trại viên giỏi võ, dạy họ học nào công phu, karaté v.v. Họ thường đem ứng dụng các thế võ học được trên thân thể trại viên phạm lỗi. Những trận đánh bề hội đồng thường xảy ra trên hiện trường lao động.Lộc bị rơi vào truờng hợp nầy. Năm tên cán bộ thay phiên nhau nhảy lên đá song phi vào người anh. Anh ngã xuống, chúng lại nâng anh đứng dậy. Mặt anh đã sưng phù, máu đã ứa ra khoé miệng. Cuối cùng, Lộc nằm bất động trên nền đất, thở thoi thóp. Thế mà bọn cán bộ vẫn chưa tha. Chúng còn đá thêm vào người anh. Tên giám thị trại sợ anh chết nên ra lịnh ngưng đánh và bắt hai trại viên nhà Ri khiêng anh không phải về bệnh xá, mà về nhà Ri. Anh em xúm xít lại quanh anh, trong ấy có cả một bác sĩ tội vượt biên, săn sóc cho anh hồi tỉnh. May mà không có xương nào gảy, chỉ rách môi và vài răng lung lay. Vết bầm thì khắp người. Anh phải nằm tịnh dưỡng suốt 15 ngày mới đi lại được. Nhân câu chuyện thương tâm trên kia, mới có truyền miệng giai thoại :’’một hạt đậu, hai người khiêng’’. Không phải là hạt đậu to nặng đến hai người khiêng, mà phải khiêng người ăn hạt đậu. Một câu chuyện cười ra nước mắt, mà chỉ chế độ vô nhân Xã hội chủ nghĩa mới có. Riêng với Lộc, đó là một biến cố ảnh hưởng sâu xa đến nội tâm anh. Mặc cảm một nhà sư phạm ăn lén vẫn là hình ảnh không đẹp, mặc dù những bức bách của tình thế. Bài thơ sau đây anh làm lúc nằm dưỡng bệnh ở nhà Ri :
Ông Trời sao quá bất công
Riêng tôi gánh chịu đau thương quá nhiều
Quyết tâm phấn đấu bao nhiêu
Bấy nhiêu tù tội, đói nghèo, đau thương
Mẹ già môt nắng hai sương
Chắt chiu dành dụm trăm đường lo toan
Nào là món nợ của con
Vựơt biên vay mượn lãi dồn càng cao
Thăm nuôi mẹ phải lao đao
Thân già nuôi trẻ biết bao đoạn trường
Sao con không nghĩ mẹ thương.
Thèm chi hạt đậu,mà vương trận đòn.
Yếu đau, thân thể hao mòn
Ðể mẹ lo lắng, để con hận đời.
Từ ngày bị trận đòn, Lộc trở nên lầm lì, ít nói. Bạn bè không còn được anh kể chuyện kiếm hiệp Kim Dung. Anh gầy đi, thỉnh thoảng lên cơn đau bụng. Nước da tái dần. Anh phải đi nằm bệnh xá và ít lâu sau được phóng thích vì lý do sức khoẻ. Nỗi mừng được sum họp với mẹ làm anh phấn khởi và tiếp tục phấn đấu để kiến tạo tương lai. Nhưng một tháng sau, mẹ anh đã vĩnh viễn ra đi sau hai ngày nằm cấp cứu ở bệnh viện Ða Khoa Ðà Nẵng vì nhồi máu cơ tim. Nỗi buồn mất mẹ làm anh nằm rũ liệt trên giường mất cả tuần Song anh chổi dậy, mặc dù sức khoẻ kém, mở các lớp Anh văn dạy, để lấy tiền. Trong một năm, công việc làm ăn của anh rất hanh thông. Lớp học anh đông vì thiên hạ đang chuẩn bị vốn Anh ngữ để đựơc nhận đi Mỹ theo chương trình ODP. Chính anh cũng ráo riết nộp đơn để chớp lấy cơ hội ngàn năm một thuở ... Với khả năng Anh văn lưu loát, anh thuyết phục phái đoàn phỏng vấn Hoa Kỳ dễ dàng để được nhận đi qua Mỹ đợt đầu. Cùng đi với anh có người vợ mới cưới, chị Hoa. Chị là học trò cũ của anh, đã mến phục anh từ lâu. Chính chị đã bỏ tiền ra săn sóc cho anh. Sức khoẻ anh có khôi phục đôi phần, Nước da bớt tái. Song anh biết bệnh anh trầm trọng mà chỉ ở Mỹ mới đủ phương tiện cứu anh thoát tay tử thần. Chính vì lý do đó mà anh phấn đãu hết mình để được ra đi sớm, Nhưng số mệnh khắc nghiệt vẫn không tha cho anh. Anh được phái đoàn Mỹ cấp vé máy bay từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn ngày Chủ Nhật tháng 09/1989. Sáng Thứ Hai anh đến cơ quan Mỹ nhận giấy tờ để lên máy bay đi Mỹ ngày Thứ Ba. Song tối Thứ Hai ấy anh lên cơn đau bụng cấp. Ðược chở vào Bệnh Viện Chợ Rẩy, anh chết vào lúc nửa khuya, chỉ một mình chị Hoa đứng ở đầu giường. Sau nầy Bệnh viện cho hay là anh chết vì xuất huyết nội trầm trọng. Có một bác sĩ, bạn Lộc ở Ðà Nẵng quả quyết có nghe tiếng xì (souffle) vùng gan, mà anh nghi là có anévrysme trong gan của Lộc, hậu quả của cuộc bề hội đồng trong trại tù. Xuất huyết nội của Lộc chắc là do vở Anévrysme trong gan.
Chị Hoa sau tang lễ chồng, ngậm ngừi lên máy bay định cư ở tiểu bang Chicago. Chị vẫn ở vậy thờ chồng và thường năm về viếng mộ anh ở nghĩa địa gia đình họ Võ, làng Xuyên Trà, Duy Xuyên. Cách đây ít năm chị có khoe tôi là đã xây cất cho Lộc một nhà mồ khang trang. Trên mộ chí có ghi bài thơ Ðường anh làm :
Tôi cố sống sao đúng kiếp người
Kiếp người bi thảm lắm ai ơi
Hỏi tra triết học thêm nghi hoặc
Tìm kiếm văn chương lại rối bời
Vật chất văn minh nhiều kẻ chuộng
Tinh thần tôn giáo ít người noi
Ðâu là chân lý đi tìm mãi
Bí mật huyền cơ tận cuối đời.  
Nếu Lộc được cái may đến bến bờ tự do, chắc anh sẽ có nhiều đóng góp với văn học hải ngoại. Cũng có thể anh sẽ sống yên lành, chỉ chia xẻ tâm tình với vài bạn hữu. Anh là người ham học hỏi, tìm ý nghĩa cuộc sống. Ðau khổ cho anh cảm nhận sâu sắc cuộc sống phù du và anh trân quý những biểu tượng đẹp. Hành động đẹp, tư tưởng đẹp mà không cần một hệ qui chiếu nào. Nói như Lâm ngữ Ðuờng, sau một thời theo những qui tắc luân lý Thiên chúa giáo, đã trở về với cội nguồn triết lý Khổng Mạnh : Tại sao chúng ta không làm một cử chỉ đẹp chỉ vì nó đẹp ?. Anh sống hoà hợp với mọi người và thấy khía cạnh tốt đẹp của họ hơn là chê bai, đả kích Anh thấy chung quanh mình bao nhiêu người, tài hoa đa dạng, đang cố làm đẹp cuộc đời, chứ không phải đi tìm bất tử. Biết bao nhiêu tài hoa trong quá khứ, chết đi mà không để lại cho loài người dấu vết gì, mặc dù họ sống rất đẹp. Anh cũng có cái nhìn bao dung cho những bài thơ con cóc, và chỉ thấy ở đó sự chơn chất của những người bình dị. Tuy cuộc đời anh xui tận mạng, song anh vẫn phấn đãu làm đẹp cuộc đời. Anh chống đối đến cùng những thế lực làm xấu cuộc đòi, như chế độ Cộng sản, bằng những vũ khí mình có được, là những hiểu biết uyên bác và đôi khi với mĩa mai, chế riễu.
Khánh Giao


SƠN TRUNG * HOÀNG ĐẾ TUẦN DU

HOÀNG ĐẾ TUẦN DU

Lúc bấy giờ khắp xứ mất mùa liên tiếp, dân chúng đói khổ. Ban đêm, bọn trộm đi đào khoai, bẻ bắp ngoài nương. Sau ngoài nương rẫy không còn gì nữa, bọn trộm vào nhà chặt chuối, hái cam, ổi và trộm lúa gạo những nhà có máu mặt. Bọn ăn trộm ngày càng nhiều, chúng ngang nhiên kéo đoàn, kéo lũ đi ban ngày cướp của nhà giàu và cướp kho gạo và kho bạc của phủ huyện. Trong đám cướp ô hợp này có Hồ Đại Đởm quê tại Nghi An, sức địch muôn người, nên được chúng tôn lên làm chủ soái, tục danh là ‘’quận[1] Đỏ’’ vì mặt mũi và tóc tai của chàng đều đỏ. Chàng tụ tập dân làng vài trăm, chiếm ngọn Cao Sơn là nơi hiểm trở làm căn cứ địa. Cạnh Cao Sơn là đèo Tung Sơn là con đường giao thông Bắc Nam cho nên ai cũng phải đi qua nơi này. Hồ Đại Đởm thường cho thủ hạ phục kich nơi này cướp bóc dân chúng. Thỉnh thoảng Hồ Đại Đởm đem quân đi đánh các thôn trang và phủ huyện chiếm vàng bạc, vải vóc và lúa gạo. Hồ Đại Đởm là người tinh thông võ nghệ nhưng cũng thuộc hạng lắm cơ mưu. Hồ tuyên bố làm cuộc cách mạng bình đẳng, ấm no, lấy của nhà giàu chia cho người nghèo nên được nguời nghèo và giàu theo ủng hộ. Ban đầu chỉ là quân cướp núi, sau lực lượng hùng mạnh, đánh tan các bọn cướp khác, lập thành một triều đình, và xưng vương, hiệu là Cùng khổ đại vương. Quan quân thua trận, Hồ binh chiếm nửa nước, rồi chiếm trọn nước.

Nhờ công cuộc “cách mạng” vĩ đại thành công, Hồ được toàn đảng, toàn dân tôn lên làm hoàng đế. Từ thôn quê đến thành thị, nhà nhà và các cơ quan bộ viện và huyện xã đều phải treo chân dung của tân hoàng đế. Nếu ai bất tuân phải chịu tội, có thể ngồi tù suốt đời. Mọi người được các quan lại triều đình bắt phải hô to khẩu hiệu" hoàng đế vạn tuế", "cách mạng muôn năm " và mọi người được học tập rằng vị hoàng đế của họ là một bậc đại nhân, đại nghĩa, đại trí và đại dũng. Hoàng đế là bậc minh quân thánh đế, luôn luôn lo nghĩ đến đời sống của nhân dân. Đức vua và triều đình thường vạch kế hoạch năm năm, mười năm để đưa đất nước giàu mạnh gấp mười lần xưa. Các vị thượng thư, các bộ viện tháng tháng dâng lên những báo cáo rất khả quan. Nào là sản phẩm nông nghiệp tăng gấp ba thời trước, diện tích đất đai sản xuất tăng gấp mười, công nghiệp đứng đầu thế giới, nhân dân ấm no, hạnh phúc, và nước ta hoàn toàn xòa đói giảm nghèo.



Ngôi trong cung mãi cũng chán, đức vua muốn đi tham quan thực tế cho biết đời sống của nhân dân ra sao. Điểm quan trọng mà hoàng thượng muốn đến tham quan ngay ngày hôm sau là nhà máy đúc thép Đại Đồng, là một nhà máy đã được các hội nghị khoa học toàn quốc và toàn thế giới đánh giá là lớn nhất thế giới, sản lượng hàng năm là hàng triệu tấn thép, và là một thứ thép tốt nhất thế giới. Tin này được truyền ra khiến Ban tổ chức triều đình quýnh lên. Họ liền cấp tốc triệu tập một buổi họp bí mật gọi là cuộc hội thảo khoa học khẩn cấp để giải quyết tình hình. Tất cả nhà cửa của dân chúng gần vệ đường mà đức vua sẽ đi qua trong một đêm bị triệt hạ sạch, và người ta triệu tập hàng ngàn nông dân trong một đêm phải nhổ lúa ở các cánh đồng xa đến trồng nơi đây để tạo một cánh đồng xanh vô tận. Khi xa giá hoàng thượng đi qua thì đám cận thần chỉ cho vua thấy cánh đồng lúa xanh tươi đến tận chân trời. Và họ tâu rằng nhờ ơn hoàng đế, khắp nước lúa tốt, mùa màng thu hoạch hàng triệu triệu tấn thóc, dân chúng ấm no, hạnh phúc. Và cũng trong một đêm, triều đình cho binh sĩ đột nhập nhà dân chúng tịch thu tất cả đồ kim loại như dao, kéo, búa rìu, soong nhôm, chậu đồng để cung cấp cho nhà máy đúc thép. Khi vua đến nhà máy Đại Đồng, thì các nồi nấu kim loại đang sục sôi, và đổ ra hàng tấn thép. Vua nhìn thấy cảnh tượng như vậy thì rất phấn khởi. Sau cuộc tham quan, đức vua được ban quản trị nhà máy mời vào phòng ăn dùng bữa. Bất ngờ, Hoàng thượng muốn dùng bữa theo kiểu Tây dương cho nên nhà bếp phải dâng nhiều món lạ trong đó có món thịt bò bip tếch, và phải dâng các thứ dao, muỗng nĩa để đức vua dùng. Đức vua ngồi vào bàn, dùng nĩa, dao, muỗng thì vừa khẻ nhấn xuống, nĩa cũng như dao, muỗng đều gãy. Đức vua nhìn kỹ thì dao, muỗng, nỉa đều mang nhãn hiệu nhà máy Đại Đồng sản xuất. Đức vua nổi giận, kêu giám đốc nhà máy và bọn kỹ sư lại tra vấn:

-Tại sao các bản báo cáo đến nói thép Đại Đồng tốt nhất thế sao không cắt đuợc thịt, chỉ đè mạnh là gãy đôi?

Ngài không cho viên giám đốc nói, mà ngài chỉ mặt một kỹ sư trẻ, bắt hắn phải trả lời. Viên kỷ sư trẻ lúng túng, vì tính thật thà và quá sợ hãi đã tâu thật:

-Muôn tâu bệ hạ, nước ta kỹ thuật còn yếu kém, cho nên không tinh luyện đuợc thép tốt, không thể dùng xây nhà, làm cầu, ngay cả làm muỗng nỉa không được tốt. phải nhập cẳng hàng nước ngoài. Vì uy tín quốc gia, các quan đại thần phải nói quá sự thật để cho thế giới khâm phục, nhất là bọn lân bang và bọn đế quốc không khi dể ta..

Đức vua nhớ trong các bữa ăn tại hoàng cung, dao, kéo, muổng, nỉa rất tốt, cũng nhãn hiệu Đại Đồng. Thế sao hai bên khác nhau? Đức vua bèn gọi quan nội thần để tra hỏi. Viên nội thần phải nói thật là các đồ dùng trong cung vốn là đồ nhập cảng đế quốc, khi mua về thì ngài thượng thư bộ Cung Đình dạy xé bỏ nhãn hiệu ngoại quốc, dán nhãn hiệu Đại Đồng, và khắc chạm nhãn hiệu Đại Đồng. . .

Đức vua tức giận, bèn cùng các kỹ sư đi khám xét các kho hàng, khi lôi một kho hàng ra xem thì thấy toàn dao, kéo, búa, liềm, muổng nĩa, mâm thau, chậu đồng cũ xì, mốc thếch và dơ bẩn chất ngỗn ngang trong kho để chờ lệnh nấu lại các mẻ gang thép trình diễn cho vua và thế giới đến xem.



Ở trong nhà máy quá nóng, và đang bực mình vì bị bộ hạ thân tín lừa đối, đức vua bèn ra ngoài sân đi dạo. Xung quanh nhà máy, cây cối rất nhiều và rất xanh tươi. Những cây cam, cây bưởi trĩu nặng trái, những cây hồng, cây đào, cây mận, hoa tím, hoa xanh, hoa hồng rực rỡ. Vua ngắt thử một bông hoa thì tay vua dính đầy mực. Vua xem kỹ thì toàn là hoa giấy. Vua bèn hái thử một trái cam, thì hóa ra cam giả. Người ta đem các trái cam cắm vào các cành cam. Vua tức giận, nhổ thử một cây táo, thì cây táo chỉ là cành cây cắm xuống đất. Vua nhổ thêm vài cây trúc, cây mai, cây thông thì cũng chỉ là cành cây vừa cắm vội xuống đất. Vua tức giận truyền lệnh bắt giam cả bọn. Tin tức truyền ra làm náo động muôn dân. Nhà vua tức giận vì bọn chúng mang tội phản nghịch và khi quân phạm thượng dám dối gạt vua. Khi vua trở về kinh đô, vua ra lệnh các quan viện Hàn Lâm soạn thảo chiếu chỉ, chém đầu bọn cận thần trong cung và bọn lãnh đạo nhà máy Đại Đồng để làm gương cho thiên hạ. Bọn họ thảo chiểu chỉ xong đệ trình vua, chỉ chờ vua ký là đem ra thi hành. Vừa ngồi xuống ghế định ký chiếu chỉ, vua đã thiu thiu ngủ. Vua chợt thấy một vị hung thần hiện ra, mặt đanh ác, răng nhọn chỉa ra như răng lợn rừng, một tay cầm liềm, một tay cầm búa là hai thứ tuyệt thế vũ khí của ngài. Thần linh giận dữ , chỉ mặt vua và nói:

Ta là Ma đạo giáo chủ, chưởng quản ba ngàn thế giới. Ngươi vì tự ái mà muốn chém giết bọn kia hay sao? Ngươi với chúng thật ra là một bọn lưu manh, gian ác. Ngươi cũng lường gạt dân chúng, bảo rằng cướp của nhà giàu chia cho người nghèo nhưng sự thiệt là vàng bạc vào tay bọn ngươi, dân chúng chẳng có cắc bạc hay hột gạo nào. Ngươi nói chia ruộng đất cho dân nghèo nhưng mi cho họ có ruộng đất được vài tháng thì mi thu lại, bắt dân làm nông nô cho mi. Mi huyênh hoang dân chứng dưới chế độ mi không còn cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Mi mua cày máy đem về cho dân mừng, it bữa mi bán cày máy lấy tiền bỏ túi, dân bây giờ phải cày thay trâu!. Ngày nay người ta chế ra cái xe hơi , chạy khoảng 100km/giờ là an toàn. Cái gì cũng có giới hạn, làm sao tăng năng suất gấp năm, gấp mười? Lái xe 200km/giờ là tự sát. Rõ thật tụi bây xảo trá. Mi tuyên bố láo lếu, vạch kế hoặch nọ, kế hoạch kia, tăng năng suất 30%, 60%., 500% là láo khoét. Một mẫu ruộng làm sao thu hoạch năm tấn, bảy tấn một mùa dù cho có giống lúa thần và phân bón tiên! Mi vạch kế hoạch như vậy thì dân với kỹ thuật hiện nay không thực hiện được thì bọn chân tay mi phải nói láo cho mi vui lòng. Nếu chúnbg nói thật thì mi giết chúng, hoặc cách chức chúng. Vì miếng cơm, chúng phải nói dối! Chính mi bắt chúng nói láo, tập cho chúng nói dối. Trăm ngàn tội lỗi là do mi. Tội mi còn nặng hơn. Mi đã bán nước cho ngoại bang để cầu viện trợ ngoại quốc mà lại khoe mẽ tình bè bạn anh em quốc tế!. Và cũng nhờ bọn kia cùng người khủng bố, tàn sát và dối gạt nhân dân mà mi thành công. Chúng thật ra chỉ theo học sách của ngươi. Nếu chúng có sai lầm thì chỉ “xử lý nội bộ” không nên đem ra chém giết. Không có chúng nó thì làm sao ngươi tồn tại và ta được thờ lạy, và được người ca tụng hoan hô ta? Nếu giết chúng thì sau này ai nối nghiệp ta?

Hôm sau, lúc rạng đông, đức vua bèn ra lệnh một viên Lang trung bộ Hình đến pháp trường đọc chiếu chỉ::

Hoàng đế công minh chính trực, ra lệnh chém đầu bọn giám đốc và phó giám đốc nhà máy Đại Đồng là Nguyễn Văn, Trần Thái, Lâm Liệt vì tội khi quân phạm thượng, lừa dân dối nước. Những bọn khác có liên quan tội tên sẽ bị tù chung thân khổ sai.

Khâm thử!



Chiếu chỉ đọc xong, Hình bộ đem một lũ tù hình sự ra chém đầu, còn bọn giám đốc nhà máy Đại Đồng và những người liên hệ thì thả ra, cho đổi tên họ và chuyển qua làm công tác khác, quyền chức cao hơn và ăn cũng ngon hơn.





--------------------------------------------------------------------------------

[1] Đời Lê mạt, các công thần thường được ban tước quận công. Bọn cướp cũng xưng là quận công như quận he, quận Hẻo, quận Cầu ngoài Bắc. Làm quận công rất sướng. Tục ngữ có câu : Nhất quận công,nhì ỉa đồng.. Trong khi đó, Tây Sơn thường phong cho các tướng là đô đốc.

KHUYẾT DANH * TRUYỆN MA

Kinh hoàng trong đêm

 
Tôi có người cậu lúc trước làm trong ban bảo quản nhà thương được vài năm trước khi sự việc xảy ra. Một câu chuyện đáng ghi nhớ nhất vào thời thơ ấu của tôi, khi cậu tôi kể về sự kinh hoàng mà ông ấy gặp phải vào một đêm để rồi sau đó ông xin nghỉ việc luôn. Tôi nhớ câu chuyện này rất kỹ vì đó là dịp hiếm có, chúng tôi đã năn nỉ ông ấy kể, lúc kể ông có vẻ như đang đi vào một trạng thái xuất thần. ...

Giọng của ông trở nên đều đều và ông cố gắng tránh bất cứ sự xúc động nào...

Ảnh

Khi mới làm việc tại bệnh viện, ông để ý có một căn phòng đặc biệt trong khu bệnh thần kinh mà không bao giờ dùng đến vã lại cửa phòng luôn luôn khóa chặt. Lúc nào ông hỏi thì người Giám Ðốc hoặc là những người làm chung đều nói rằng "đừng thắc mắc" và họ nhanh chóng đổi sang chuyện khác. Ðôi khi họ còn giả bộ không nghe ông hỏi và lờ đị

Vào một đêm khuya, ông thay bóng đèn điện trên trần nhà ở hành lang cách căn phòng này không xạ Gắn bóng đèn mới xong ông vừa leo xuống thang thì bóng đèn mới thay bỗng chớp chớp mấy cái rồi tắt. Ngay lúc này ông để ý thấy nhiệt độ bỗng nhiên xuống thấp và một mùi kỳ lạ từ đâu tỏa ra khắp cả hành lang như một làn khói vô hình.

Ông phải đi ngang qua cái phòng đó về khu vực chính của bệnh viện để lấy một bóng đèn khác, khi gần đến cửa phòng lúc nào cũng khóa mùi hôi thối bắt đầu nồng nặc, rồi ông nghe những tiếng lạ lùng quái gỡ phát ra từ chung quanh cánh cửa đó.

Lúc đầu thì có tiếng giống như ai đang hát, nhưng rồi nó trầm xuống với một giọng lầm bầm lạ lùng. Những tiếng kế tiếp, ông nghe được mang một nỗi xúc động sầu thương: có lúc như là giận dữ, có lúc thì sợ sệt. Mặc dù, không nhận ra được gì, nhưng nó nghe như tiếng bà nội đã qua đời của ông vậỵ

"Mike", tiếng thân yêu quen thuộc khóc lớn, "Cứu bà Mike, chỉ có con mới cứu được bà. Bà ở đây nè, nhanh lên Mikẹ Hãy nhanh lên!"

Lúc đó, cả người đều lạnh ngắt ông thấy thật bối rối, chuyện này làm sao mà xảy ra được? Bà nội đã chết hơn 20 năm rồi mà. Lúc đó người cậu lớn tuổi của tôi tự nhiên sụt sùi khóc như một đứa trẻ thơ.

Ðằng sau giọng nói cầu cứu của bà nội, ông còn nghe được một tiếng kỳ hoặc giống như tiếng cười giễu cợt từ một âm thanh... không thuộc thế giới nàỵ Như là có lực lượng nào thúc đẩy, ông đi đến định mở cửa phòng, nhưng khi vừa cầm cái nắm cửa, ông ngửi thấy mùi cháy khét rất khó chịu nơi bàn tay của ông, và nó đã để lại một vết thẹo lưỡi liềm mà ông phải mang theo cả cuộc đời như là một sự nhắc nhở đau lòng.

Sau đó cái nắm cửa bắt đầu tự động vặn tới vặn lui, rồi đến cả cánh cửa đều rung rinh thật mạnh, tiếp theo là tiếng đập và đá trên cánh cửa rất dữ dội như có ai (hay cái gì đó) bên kia cửa đang cố gắng phá tung cửa để đi rạ

Dưới sự việc như vậy, ông biết rằng mình phải rời khỏi chỗ này ngay lập tức, nên ông chạy nhanh như bay xuống hành lang không thèm quay đầu lại, ở sau lưng tiếng cười kỳ hoặc càng ngày càng vang lớn hơn. Khi chạy ra khỏi đến được bàn làm việc của nhân viên y tá, ông ngã quỵ xuống đất ngất xỉụ

Khi tỉnh dậy, mọi người đứng xung quanh đều ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho ông. Khi người y tá đến săn sóc vết phỏng, ông đã kể lại những gì ông mới vừa chứng kiến.

Không ai dám đi một mình đến hành lang đó để dò xét, nên người Giám Ðốc đã phái hai người làm việc đến đó để xem tình hình ra saọ Khi trở lại, một trong hai người được phái đi không nói gì hết, anh ta chỉ đi thẳng đến nơi máng áo chụp lấy chiếc áo khoác và lặng thing đi thẳng ra cửạ Còn người thứ hai nói rằng không có chuyện gì lạ xảy ra hết, chiếc thang vẫn còn để ở hành lang như cậu tôi đã để và bóng đèn thì vẫn cháy sáng như thường.

Vài hôm sau, người được phái đi xem xét, để rồi phải nghỉ việc luôn, gọi điện thoại cho cậu tôi và nói với cậu tôi rằng ông ta cũng có một kinh nghiệm giống như vậy nhưng chỉ khác rằng tiếng của người nói bên kia cửa là tiếng của người anh của ông đã chết từ lâụ Và ông cũng nghe được những nỗi xúc động ào ạc không sao diễn tả được từ bên kia cánh cửạ Sau khi nghe xong, cậu của tôi quyết định xin nghỉ việc luôn.

Khi đến gặp người Giám Ðốc để đưa đơn thôi việc, thì cậu mới biết là mình đã bị đuổi ngay đêm hôm đó, và ông còn bị cảnh cáo rằng không được nói chuyện này với bất cứ một ai.

THANH THANH * DUY NĂNG

ĐẾN YOSEMITE

NGHĨ VỀ VIỆT-NAM 
 
 
Tôi đến thăm Yosemite
Vừa từ một đất nước ra đi
Nhìn sông nhìn núi nhìn muôn vẻ
Thơ thẩn trong lòng những nghĩ suy
 
Ôi núi sông này ở một phương
Bên bờ xa thẳm Thái Bình Dương
Có chi khác lạ trong trời đất?
Sao thấy hồn đau nỗi xót thương
 
Bao nhiêu hùng vĩ núi sông này
Có khác gì không, đó với đây
Tôi đến thăm nhìn sao bỗng thấy
Niềm vui xen lẫn nỗi chua cay
 
Non nước tôi trời đất đã cho
Bốn thiên niên kỷ đắp vun bờ
Cớ sao non nước thành xơ xác?
Người một phương mà dạ ngẩn ngơ
 
Người đến đây, Yosemite
Từ khắp bao phương lạ đổ về
Cây cỏ chim muông đời rộng mở
Không nhìn sau trước, không e dè
 
Nói với nhau những gì muốn nói
Trên đường đi không ngại bót đồn
Con sóc nhỏ qua đường chậm lại
Người dừng chân đợi sóc thong dong
 
Ban đêm giấc ngủ đến yên lành
Rất đẹp em và rất đẹp anh
Cuộc sống thênh thang đời mộng tưởng
Lớn dần hương sắc chuyện năm canh
 
Nhởn nhơ ai cũng đầy mơ ước
Hiện rõ trên từng khuôn mặt riêng
Tiếng nói nụ cười không chải chuốt
Không vương vầng trán nét ưu phiền
 
Tôi đến đây dù mới thoáng qua
Lòng bâng khuâng với nỗi quê nhà
Núi sông đâu khác trời cao rộng
Chợt nghĩ mà dâng những xót xa
 
Có khác gì sao cõi lạ này
Cuộc đời mãi mãi rộng dang tay
Còn phương Bách Việt đời thăm thẳm
Tăm tối trùm lên ngày nối ngày
 
Tôi về đây, Yosemite
Mà nhớ mà thương đến những gì
Cuộc mới, nhìn lui về... cố xứ
Thấy ngày mai khác buổi ra đi ...
 
                                       DUY NĂNG
 

 

 

TO YOSEMITE

THINKING BACK TO VIETNAM
 
 
To visit picturesque Yosemite, here I came
Just by becoming an exile being affected;
I looked at this scenery of universal fame
Upon which from my heart I sadly reflected.
 
Oh, this land in this corner of plain mirth
Over this far-away Pacific Ocean shore!
Any unusual things in the entrails of the earth
That send my sobbing soul sinking in sore?
 
How great mountains and rivers: this version!
But, why is it to differ from this glitter
So that suddenly I felt on a mere excursion
A confusing mixture of blithe and bitter?
 
My native home Nature had favored its flag
Nearly five thousand years to fly in its domain.
Alas! Who began to render it a tattered rag?
Its subjects scattered, sulking, suffering pain!
 
People have flocked to Yosemite here,
Each a contentment receiver and a peace giver.
Plants and trees, birds and beasts: clear sphere;
No cause to worry, fear, hesitate, shiver.
 
You may express to one another each view:
No police cordons on your way, the heavy load.
Everybody would stop and wait as due
For the tiny squirrel carefree to cross the road.
 
Night after night your sleep comes securely,
All right for you, honey, and for me too.
Life is wide and smooth like dreams to surely
Increase sounds and colors all the time through.
 
One nurtures of happiness a good sense
Obviously on his or her own face to tomorrow.
His talk and her smile need not be a pretense;
Your foreheads are not furrowed by sorrow.
 
Although for a brief moment here I came,
I did bear a grief for my old nation’s sake.
Such high sky and deep waters are the same,
But just pondering over it makes my heart ache.
 
No difference, yet why in this strange world

Life has incessantly offered its open arms

While my left-behind Vietnam is swirled
Down into misery by the evil that only harms.
 
Well, Yosemite! I have already come here,
This beautiful site, from such a dark chapter.
I think back to my former country dear
And crave for a near future filled with rapture.
 
              Verse translation by THANH-THANH
 
 

From: Chinh Nguyen
To:
Sent: Monday, June 24, 2013 8:49 AM
Subject: [DaiHocVanKhoaSG] Chiều Tưởng NIệm June 30, 2013

Kính chào quí vị.

Chiều Văn Thơ Tưởng Niệm
 
Trong mục đích nhắc nhở về những khuôn  mặt văn nghệ đã đóng góp nhiều trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật của Người Việt Hải Ngoại.
Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt Trân Trọng Kính Mời Quý Thính Giả bớt chút thời giờ tham dự Một Sinh Hoạt Văn Nghệ độc đáo, ý nghĩa, hiếm có nhất từ trước đến nay.
 
Chiều Tưởng Niệm: Nữ Sĩ Trùng Quang, Nhà Thơ Hà Thượng Nhân, Bình Luận Gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Và Nhà Thơ Hà Ly Mạc.
Lúc 1 giờ 30 chiều Chủ Nhật ngày 30 tháng 6 năm 2013, Tại Hí viện trường trung học Yerba Buena, 1855 Lucretia, San Jose.
 
- Với phần vinh danh của thành phố San Jose cho những đóng góp giá trị văn chương, văn hóa của các tác giả kể trên.
- Nhiều diễn giả và thân nhân nói về tác phẩm, cuộc đời của những người đã khuất.
- Phần văn nghệ đặc sắc hướng về những sáng tác văn nghệ của những nhà văn, nhà thơ nhà báo, ở San Jose vừa mới qua đời trong thời gian qua. 
  Được diễn đạt qua những nghệ sĩ: La Vân, Nguyễn Mạnh Hùng, Bảo Ngọc, Y Thức, Thu Tâm, Thu Nga, Vũ Thơ Trinh, Kiều Loan, Nguyên Mai.
- Có thức ăn nhẹ và nước uống.
- Chưa kể mỗi quý khách tham dự còn đươc tặng một tác phẩm do Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt và Nhà Xuất Bản Thằng Mõ thân tặng trong dịp kỷ niệm đặc biệt này.
- Buổi sinh hoạt được bảo trợ bởi:
* Hoa Hậu Á Châu Thế Giới 2012 Bích Liên, Tổng Giám Đốc Công Ty Dược Mỹ Phẩm EV Princess và hệ thống Trung Tâm Thẩm Mỹ Bích Liên Skin Care về tài chánh 
* Cùng nhiều cơ quan truyền thông trong vùng về quảng bá
- Mọi thắc mắc xin liên lạc: Nhà Thơ Đông Anh (408) 896-0158, Nhà Thơ chinh Nguyên (408) 279-2532.
- Vào cửa tự do.
 
Hân hạnh được tiếp đón quí vị.

Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt Kính Mời.

  
posterrg.jpg


Chinh Nguyên L19
 
 
 

No comments: