Wednesday, October 19, 2016

NGUYỄN BÁ SINH - TRUNG CỘNG -

Wednesday, April 17, 2013

Th.s. NGUYỄN BÁ SINH * HỒI KÝ * ĐÙM BỌC



                                Đùm bọc
                            Hồi ký gia đình của Thạc sỹ Nguyễn Bá Sinh
               
                 Năm 1955,đã dự tính trước mấy anh em chúng tôi cày cấy trồng được hơn mẫu ruộng : lúa, khoai, lạc, ngô, đậu. Lúa và hoa màu khá tốt. Nhưng khi thu hoạch, thì người ta bảo:“Tất cả hoa lợi đó là của nông dân”. Lúa má thu hoạch xong, đội Giảm tô ra lệnh phải gánh về nhà ông Nguyễn (chú họ tôi) cho nông dân.
               May mà khi gặt hái chúng tôi dấu đi một ít khoai lúa, nhờ vậy cả nhà có cái ăn.
               Sau thu hoạch vụ mùa, đến vụ chiêm tiếp theo. Đã có kinh nghiệm,anh em tôi làm được nhiều:ruộng sâu trong đập trồng lúa 8 sào.Ruộng Cá Rô trồng khoai 4 sào.Ruộng nhà thờ trồng lạc và khoai, xung quanh nhà 4 sào trồng khoai sớm, lạc và ngô và rau màu khác.Tết xong, có thể thu hoạch khoai sớm, không lo đói. Nhờ chăm bón tốt, nên lúa khoai xanh rờn, tươi tốt. Thức ăn thì ngoài đồng,dưới sông cả bốn anh em chúng tôi đều mò bắt được tôm tép cua cá v.v... thừa ăn .Cậu (cha) tôi thấy các con đã khôn lớn , biết tính toán làm ăn, lại thương yêu nhau, chăm chỉ lao động trong lòng rất yên tâm.
        Đến tháng chạp, đội giảm tô rút, đội cải cách ruộng đất về (đợt 5). Thôn xóm đói nghèo, chiến tranh vừa dứt, lạnh lẽo, thì nay nổi lên trận cuồng phong, long trời lở đất ác liệt.
       Đêm đêm, trống đánh từng hồi, mõ dục từng hồi. Du kích vác súng đi tuần suốt đêm. Khắp  xóm thôn ác khí bao trùm:
-“Địa chủ nhất thời nông dân vạn đại
-Có khổ nói khổ nông dân vùng lên
-Nông dân đã nói là làm, đã phát là động, đã vùng là lên”
Đội về là “ mặt trời mọc dậy ” .Nhất đội nhì trời quả là không sai.        
 Những hình ảnh anh cán bộ đội : mặc áo quần ba ba nâu gụ, đội mũ lá, đi dép cao su, vẽ mặt đầy sát khí, đa số họ biết chữ quá ít. Họ ít chào hỏi vì sợ chào nhầm địa chủ.
              Việc đầu tiên của họ là vô hiệu hoá chi bộ Đảng và chính quyền địa phương (vì có địa chủ và thành phần có quan hệ với địa chủ lọt vào).
           
 Xác định thành phần giai cấp,phân rõ địch và ta ,ai là kẻ thù : địa chủ, phú nông, trung nông v.v... Trong đó địa chủ phải là 5-6%.Phương châm là :đánh nhầm hơn bỏ sót, thà chết mười người oan còn hơn bỏ sót một địa chủ, trí phú địa hào “phải đào tận gốc trốc tận rể”.
Khoảng 100 hộ  xóm tôi phải có 7 địa chủ :
1-Ông cố Chánh (đã ở trong tù chưa về).
2- Bà Tơ (mẹ Tơ) : có 2 là vệ quốc đoàn đang tại ngũ.
3-Ông Giáo có 1 con là liệt sỹ,1 con là vệ quốc đoàn cấp đại đội đang tại ngũ.
4- Bà Ân có chồng công tác tại toà án tỉnh.
5- Mệ Bộ Khành đã già yếu.
6- Ông Giang Han ở xóm dưới.
7- Cha tôi ông Nghè Cơ (hoạt động CM năm 1943 Đảng viên CS năm 1947)
         Sau khi ông cố Chánh chết trong tù còn 6 địa chủ .Vậy là còn thiếu chưa đủ chỉ tiêu.
Đội quy thêm:Thím Ấm của tôi (trước là trung nông),tai ác thay Chú trợ Pha làm nghề dạy học chỉ có 2 sào ruộng không quy là địa chủ được,lại càng không thể là phú nông,trung nông nên đội có sáng kiến quy là thành phần bóc lột khác vì giáo viên không trực tiếp lao động cũng là bóc lột (tạm gọi là phó địa chủ vậy).Ngoài ra Chú Hạp, Chú Cửu Thầm chí có 3 sào ruộng chi đó là nông dân cũng được quy thêm là quốc dân đảng, cường hào gian ác phản động để vượt chỉ tiêu trên giao.
          
 Nhìn thấy cảnh vậy dân làng càng sợ vãi cứ...t  ra.Tất cả có 9 gia đình (địa chủ , cường hào phản động) bị nông dân đấu tố.Không khí đấu tố bao trùm xóm làng.Con dâu đấu tố Mẹ chồng, anh em chú bác đấu tố lẫn nhau . Mới ngày hôm qua giỗ chạp ông bà còn là bác cháu, chú cháu,  anh em mà hôm nay đã trở mặt : thằng nọ thằng kia.Mà toàn những chuyện vu khống,bịa đặt .Lạ thay đứa trẻ con 9-10 tuổi gọi ông già 60-70 tuổi là thằng nọ thằng kia ? Còn đâu luân thường đạo lý? Trong văn hoá người Việt chưa từng có. Lỡ lời không sửa được. Bát nước đã đổ xuống đất có bao giờ múc lên được nữa không? Đầy uất hận?
Kết quả là:Toàn xóm có 6 người chết, 6 người đi tù (cả nước lên đến hàng vạn).
      - Ông Cố Chánh tù chung thân (đã chết trong tù).
-    Ông Giáo,bà Tơ bị đấu tố nhiều lần đến chết đói và tự tử.
-    Cha tôi bị quy là bí thư quốc dân đảng và bị bắn hôm 27 tháng chạp.
-    Ông Giang Han cũng bị bắn vài ngày sau cha tôi.
-    Chú Hạp bị tù 12 năm,quá uất ức mà chết khi vừa đến nhà tù.
-    Chú Trợ Pha, chú Cửu bị quy là quốc dân đảng,phản động bị xử 12 năm tù.
- Thím Ấm,Bà Ân chỉ bị đấu tố bị tịch thu gia sản không phải đi tù.
Cải cách ruộng đất ở quê tôi đã “thắng lợi” là thế.
Gia đình tôi cả nội ngoại bà con gần đều dính địa chủ và phản động, không nhờ cậy được ai !
Cha đã bị giết, bốn anh em bị đuổi ra một cái lều rách nát với 2 bàn tay trắng : đói, rét.
         Không có cách nào khác.  “Đói thì trôốc cúi (đầu gối) phải bò”. Anh em tôi vào rừng gánh củi về bán tại chợ Trường kiếm ăn. 

          

Chập choạng tối ,tôi sang nhà Cu Xờm, Đình xuống nhà chú Thào mỗi đứa mượn 1 cây dao rựa.Trong hoàn cảnh như vậy Cả Ông Thào và Cu Xờm không sợ liên luỵ và cho mượn ngay, quý hoá vô cùng.
      Nằm co ro trong  lều rách nát, đến gần sáng tôi và Đình dậy luộc nồi khoai đầy, khoai chín đổ ra rổ, để nguội.Đình chia đôi: một nửa để lại cho 2 em Trinh và Cu Con ăn bữa trưa, phần còn lại gói vào 1 cái túi mang đi. Tôi đánh thức hai em dặn: “Anh để phần hai em đây.Ở nhà ăn xong, đi hái một rau lang, vào đồng bắt một ít rạm để chiều ăn.”
Hai em ngoan ngoản vâng lời.
               Với  cây dao rựa,1 túi khoai,1 gói muối lên rú. Qua cánh đồng, băng qua hói Đồng đi một quảng là đến Chợ Mới , qua đò chợ Mới thì mặt trời mọc, đi tiếp dọc sông đến Thong Thóng băng qua đường tàu hoả, vượt qua cánh đồng nhỏ, trèo dốc vào rừng , rú Ba u dốc đá cheo leo, lên đến đỉnh Hòn Vắp đã gần trưa.
              Hai anh em dừng lại thở lấy hơi. Đình treo xéo khoai dấu vào gốc cây. Lại tiếp tục trục xuống bên kia dốc Làng Phù Mỵ.
         Sẵn củi khô, hai anh em thu lượm:dẻ, trâm, nen, lạnh ngạnh, rồi róc cành, chặt từng thanh củi dài bằng sải tay, bó thành bốn năm bó nhỏ.Xong đó lại phải chuyển ngược lên đĩnh rú Vắp.
Xong chừng ấy việc, mặt trời đã đứng bóng. Sắp xếp lại gọn gàng đều đặn, những que củi đẹp được đặt phía ngoài bó lại bốn bó cân đối , đóng nêm chắc chắn thành hai gánh . Ăn trưa với vài củ khoai gói muối mang đi.

 
               Từ đỉnh cao nhìn xuống cảnh vật nên thơ.Mặt biển hiền từ xanh rờn,dòng sông Gianh uốn mình ôm ấp xóm làng :Thuận Bài ,Thổ ngoạ ,Văn Phú quê ngoại, La Hà,Phù trịch,Hoà Ninh và Vĩnh Lộc làng tôi. Nhìn thấy ngôi nhà tôi đã bị cướp ,và trong túp lều nhỏ hai em nhỏ côi cút, gầy gò trong đói khát mong hai anh về, lòng quặn đau.
 Xóm làng nhoà đi trong lệ ...
                 Sinh Đình gánh củi trên vai lao xuống dốc gập ghềnh,cheo leo.Xa xa xóm làng và mặt biển chập chờn rung rinh .Có câu thơ :
                       “Chiều chiều mặt biển rung rinh
                      Anh em Sinh Đình gánh củi qua khe ”
              Đường xa gánh nặng,mồ hôi ướt đầm, thở ra cả tai. Cuộc đời sao cơ cực vậy ???
Hình ảnh hai em xanh xao gầy gò, đôi mắt lờ đờ, đi không vững vì thiếu ăn lâu ngày hiện ra. Tôi gạt tay xoá đi dòng nước mắt, không muốn cho Đình trông thấy...
                    Ba U đã vượt qua, dừng lại bên khe uống nước, rồi lại đi ... , đường còn dài.
                 Qua một cánh đồng nhỏ dưới khe núi, lên đường tàu có một cái cống hai anh em dừng chân nghỉ.
                Lúc này quá mệt Đình khóc “Em không thể gánh củi  được nữa, sức đã kiệt rồi” đúng ra cả hai anh em đã kiệt sức lâu rồi.  “Ngộ nạn tăng mưu trí ”. Tôi quyết định: dấu 1 gánh củi xuống dưới cống, hai anh em đổi nhau chỉ gánh một gánh ra chợ.
              Đến bờ rào Nan chờ đò, được nghỉ ngơi một tý có thêm sức lực, qua chợ Mới thì trời đã xế chiều. Băng qua cánh đồng Hoà Ninh xuyên qua xóm là đến chợ Trường. Mọi người mua bán tấp nập cảnh chợ thôn quê. Hai anh em gánh củi ra phía gần bờ sông, có người đến hỏi mua.

-Gánh củi bán mấy tiền ? một khách hỏi.
-Tám hào,gánh về tận nhà. Tôi trả lời.
Có đến 7-8 người hỏi mua hầu hết khách chỉ trả bốn đến năm hào.Một hồi lâu, có một chị khoảng 35-40 tuổi, chị hỏi han (tỏ ra biết gia đình tôi và thông cảm), không nói nhiều chị trả luôn bảy hào.Tôi đồng ý bán. Chị trả tiền trước,  Đình nhận tiền tôi theo chị gánh củi về. Nhà chị gần phía trong chợ. Chị mời tôi uống nước (đang khát) và có lời an ủi :
-“Thời thế loạn lạc cóc nhái nhảy lên làm người là vậy, em cố gắng chịu đựng rồi sẻ qua”.
-Tôi lau dòng nước mắt thầm cám ơn chị, tủi hờn chào chị ra đi.
      Đình đã mua được 1 rổ khoai hết 4 hào, số khoai này bốn anh em ăn dè được gần hai ngày. Mua thêm một ít mắm muối, dư được hai hào. Thế là tốt lắm rồi, từ nay không lo đói !!!
             Đã chiều hai em thấy hai anh về, mừng lắm. Vâng lời anh, đã hái được một mớ đọt khoai ngon, Trinh cũng lần hồi bắt được lưng oi rạm bè .Tôi nằm nghỉ Đình và hai em đỏ lửa.Luộc khoai ,kho rạm.
           Khoai chín bùi,rạm béo gạch chắc thơm lừng cả bốn anh em quây quần, được bữa ăn no hiếm có.
          Rồi ngày mai, ngày hôm sau,và hôm sau nữa Sinh Đình lại gánh củi ra chợ Trường đều đặn . Dân chợ đã quen mặt Sinh Đình.
             
 Lâu ngày anh em đã thạo việc,bó củi đẹp hơn, như củi của dân Thọ Hạ bán.
             Mỗi ngày hai gánh củi bán được 1 đồng bốn hào, bốn anh em ăn rồi để dành được bốn hào. Vốn tích luỹ đã được  7-8 đồng. Dao rựa mượn Cu Xờm và chú Thào đã lâu , vì thương tình anh em tôi cả hai người chưa hỏi xin lại . Chợt nhớ ra. Tôi lên chợ Mới đặt rèn một cây dao rựa. Ông thợ rèn nhận lời, nhưng rồi cứ hứa đi hứa lại không chịu làm cho tôi. Tôi mới hiểu rằng sợ tôi không có tiền trả nên ông không muốn làm (vì ông không lạ gì anh em tôi nghèo xác xơ). Tôi xoè ra cho ông 5 đồng bạc và chiều hôm ấy tôi đã có ngay cây dao rựa mới sáng quắc.  Đặt tiếp một cái nữa, từ đó hai anh em có hai con dao không phải đi mượn. 
               Ngày tháng trôi qua. Bốn anh em đùm bọc nhau qua hoạn nạn.
Từ đó thỉnh thoảng đã có gạo nấu cơm ăn, nhìn hai em đã có đôi mắt sáng, bước đi vững vàng.
Đàn con dại của Ông Nghè đang bước đi trên đường đời.

Tuesday, April 16, 2013

PHAN YẾN * TẨY TRUNG QUỐC

Lật tẩy 'đòn hiểm' của Trung Quốc trên Biển Đông
TPO-Mưu đồ thôn tính Biển Đông thông qua 'đòn hiểm' với hình thức tàu ngư nghiệp, du lịch...của Trung Quốc bị Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa Yale lật tẩy.
Trung Quốc có vũ khí mới trên Biển Đông đó là tàu du lịch và du khách
Trung Quốc có vũ khí mới trên Biển Đông đó là tàu du lịch và du khách.
Mới đây tờ Yale Global, ấn bản của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa Yale có bài phân tích về những đòn hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo tờ báo này, việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của mình đã thu hút được sự chú ý của thế giới vào năm 2012. Bằng việc tân trang lại tàu của Nga, Trung Quốc đang ra sức dùng nó như công cụ để thực hiện tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mặc dù phải mất nhiều năm nữa tàu này mới có thể chính thức hoạt động được, các nhà quan sát dự đoán.
Đầu tháng qua, Trung Quốc giới thiệu một “vũ khí” mạnh mẽ hơn để tự khẳng định chủ quyền, đó là một tàu chở theo hàng ngàn khách du lịch. Việc Trung Quốc cho triển khai một tàu du lịch và vô số tàu khác nhằm lập yêu sách trên Biển Đông đã cho thấy một ý nghĩa mới trong tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.
Kể từ những năm 1950, các bản đồ của Trung Quốc đã có “đường chín đoạn” dọc bờ biển Trung Quốc và Đông Nam Á nhằm đánh dấu lãnh thổ của mình.
Năm 2009, Trung Quốc trình bản đồ này lên Liên Hợp Quốc để tuyên bố “chủ quyền”. Kể từ đó, hầu hết các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc coi “đường chín đoạn” là đường biên giới biển hợp pháp.
Cũng kể từ đó, Trung Quốc tiến hành một loạt hành động gây hấn với các nước láng giềng ở Đông Nam Á bằng tàu đánh cá và tàu tuần tra cùng những lời lẽ tuyên bố chủ quyền vô lý. Tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Đáp trả lời kêu gọi này, Trung Quốc đẩy mạnh khả năng thực thi và triển khai qua hàng loạt các cơ quan: Cục quản lý An toàn Hàng hải, Bộ Thực thi Luật Ngư nghiệp, Cục Quản lý Đại dương Nhà nước, Cơ quan Giám sát Hàng hải và hoàn toàn không có mặt Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư phát triển mạnh lực lượng không quân và hải quân.
Liêu Ninh, mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, song trong tương lai gần, tàu này chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện, không có khả năng hoạt động về quân sự. 
Tàu Trung Quốc diễu võ dương oai trên Biển Đông
Tàu Trung Quốc diễu võ dương oai trên Biển Đông.
Tàu ngư nghiệp hiếu chiến
Sự phát triển của lực lượng quân sự Trung Quốc được phóng viên tờ Los Angles Times tại Bắc Kinh mô tả như sau: từ năm 2000, quân đội Trung Quốc đã chuyển giao 11 tàu chiến cũ cho Cơ quan Giám sát Hàng hải, cơ quan tự đóng được 13 tàu và đang kế hoạch đóng thêm 36 tàu nữa. Bộ Thực thi Luật Ngư nghiệp gần đây cũng được bàn giao một tàu chiến cũ được trang bị bãi đậu trực thăng.
Theo tờ Yale Global, những chiếc tàu này khá bận rộn. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ước tính số lượng các cuộc tuần tra trên biển của Trung Quốc đã tăng lên gấp ba lần kể từ năm 2008. Tờ báo trích lời một sỹ quan hải quân Mỹ: “Những tàu giám sát hàng hải Trung Quốc không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc quấy rối các nước xung quanh, phục vụ cho yêu sách bành trướng của nước này”.
Họ làm đứt cáp của Việt Nam, bắt giữ và đe dọa ngư dân các nước Đông Nam Á, quấy rối tàu hải quân Mỹ và đã có lúc dựng cả một "rào chắn" nhằm kiểm soát Biển Đông.
Những tàu không thuộc hải quân của Trung Quốc, không được trang bị vũ khí nhưng lại thể hiện sự hiếu chiến bằng vòi rồng và móc câu đã khiến các nước láng giềng bất bình.

Tự bắn vào chân hay khai thác điểm yếu của Mỹ?
Tờ báo này nhận định, Trung Quốc có thể tự bắn vào chân mình về mặt chiến lược nhưng về mặt chiến thuật lại không phải như vậy. Các quốc gia Đông Nam Á còn thua xa so với Trung Quốc về mặt quân đội hay cơ sở để bảo vệ bờ biển. Thẳng thắn mà nói, các cơ quan thực thi luật hàng hải của Trung Quốc có thể “nắn gân” các nước trong khu vực nếu muốn, nhưng với quân đội Việt Nam lại là một ngoại lệ.
Trong khi đó, Mỹ từ lâu đã tuyên bố sẽ không nhúng tay vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và nhấn mạnh hai nguyên tắc: Giữ nguyên các tuyến đường biển quốc tế trong khu vực như “lợi ích chung toàn cầu” và giải quyết tranh chấp mà không sử dụng đến lực lượng quân sự.
Rõ ràng, bằng cách sử dụng những lực lượng bảo vệ bờ biển không được vũ trang để củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã khai thác được “điểm yếu” trong lập trường của Mỹ.
Hãy xem những gì đã xảy ra ở bãi cạn Scarborough, một đảo san hô mà Philippines tuyên bố chủ quyền và cũng gần với Philippines hơn là Trung Quốc. Lực lượng hàng hải Trung Quốc đã ngăn không cho Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc khi đang hoạt động trong vùng này và còn căng dây cáp để các ngư dân Philippines không thể vào được ngư trường truyền thống của mình ngay trước “mũi” của Hải quân Mỹ, đồng minh của Philippines. Diễn biến trên bãi cạn Scarborough đã khiến chiến thuật của Trung Quốc ngày càng bị lộ tẩy: đó là chiếm một khu vực, thiết lập sự hiện diện cố định ở đó và bảo vệ nó bằng các lực lượng phi quân sự.
Một thách thức khác đối với các nước láng giềng mà Trung Quốc đặt ra đó là đưa tàu du lịch mang theo hàng ngàn du khách tới Biển Đông. Rõ ràng, các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ không dám bắn vào một tàu đang chở du khách dân thường như vậy.
Tuy nhiên, những chiến thuật có thể nói là khôn ngoan của Trung Quốc đã tháo bỏ bức màn mập mờ về ý định tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và là một sai lầm chiến lược. Nó đã gây tình trạng báo động khắp khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và thậm chí là cả Indonesia.
Hành động của Trung Quốc cũng khiến Mỹ phải chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thậm chí, Mỹ cũng cho biết quân đội sẽ được tăng cường triển khai tới châu Á trong khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Chính phủ các nước láng giềng của Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Singapore và Indonesia đang ngày càng củng cố, mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ. Một khu vực từng bình yên và có quan hệ tốt với Trung Quốc dường như đã thay đổi.

Phan Yến
Theo Yaleglobal

DƯƠNG DANH DY * BỘ MẶT THẬT TRUNG QUỐC

  BỘ MẶT THẬT CỦA NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC

 Không thể thấy rõ, thấy hết… Trung Quốc ngay từ đầu

Dương Danh Dy

Dương Danh Dy
Lời dẫn của Dương Danh Dy: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 năm bình thường quan hệ Việt - Mỹ, đầu tháng 7 năm 2010 vừa qua, nhiều cuộc hội thảo khoa học, trao đổi ý kiến… giữa một số chính khách, cựu chính khách, học giả, sinh viên… hai nước Việt, Mỹ đã được tiến hành tại Hà Nội (có cuộc đông tới hơn 150 người). Tôi là người may mắn được tham dự 3 cuộc và đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc trực tiếp với năm ba, học giả, người phụ trách một lĩnh vực nào đó của phía Mỹ nhưng là người Mỹ gốc Việt liên tiếp trong một số ngày. Các anh, các cháu ấy đều nói thành thạo tiếng Việt, với tôi điều này quả thật là một hạnh phúc.

Trong câu chuyện riêng tư, một anh (tôi xin phép không nêu tên) đã hỏi tôi: Bác nhận ra bộ mặt thật của những nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lúc nào? Tôi đã không ngần ngại nói với anh mấy điều dưới đây:

Nhận thức rõ một vấn đề, một đất nước… là một quá trình, nhưng đối với mỗi người tùy theo trình độ, hoàn cảnh... mà có thể dài ngắn khác nhau. Đối với tôi, nhận thức Trung Quốc là một quá trình khá dài, từ tin tưởng đến chỗ từng bước từng bước thấy được một phần rồi phần lớn sự thực, và đến bây giờ vẫn chưa chưa dám nói là đã hiểu hết.

Đầu năm năm 1954 sau thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi được trang bị quân phục mới do nước bạn Trung Quốc cung cấp. Chúng tôi đều thích những chiếc ba lô gọn nhẹ, những đôi giày vải còn thơm mùi cao xu, nhưng gây ấn tượng với tôi là chiếc bi đông nhôm đựng nước. Trên đường hành quân trước đây, ngoài vũ khí balô quần áo và chiếc ruột tượng đựng gạo ra, hai vật bất ly thân thời đó của chúng tôi là chiếc xẻng (để đào công sự bảo vệ mình và vũ khí) và một đoạn ống vầu vừa cồng kềnh vừa nặng dùng để đựng nước uống khi hành quân và chiến đấu (khi nào hỏng thì tạt vào rừng chặt một ống mới thay thế), nên khi nhận chiếc bi đông mới, việc đầu tiên của tôi là cắt chiếc áo len dệt mà mẹ đã gửi từ vùng địch hậu ra cho, chia làm mấy phần cho mấy anh em cùng tiểu đội để bọc chiếc bi đông đó (một sự lãng phí ghê gớm và đánh mất một kỷ niệm quí báu của người thân, nhưng tuổi trẻ là thế đó).

 Sau khi có trang bị mới, chúng tôi được Bác Hồ và Bác Mao (lúc đó hầu như mọi người ở vùng giải phóng đều gọi  như vậy) khao quân. Bữa tiệc khao quân, ngoài các món ăn Việt Nam có thêm món thịt lợn hộp Trung Quốc và thuốc lá Trung Quốc là quà của Bác Mao. Sau những ngày rít thuốc lào, ấn tượng về hai điếu thuốc lá thơm này mạnh đến mức tôi đã nhớ nhãn hiệu của nó (dù lúc đó chưa biết chữ Hán) để sau này khi sang Trung Quốc mới biết đó là thuốc lá Hằng Đại do Thượng Hải sản xuất.

Cảm giác thân thiện với nước Trung Hoa mới đến với tôi như vậy đấy. Rồi thắng lợi tại hội nghị Geneve, ta có một nửa nước. Tôi theo sư đoàn về tiếp quản thị xã Bắc Ninh. Câu thơ “Xưa là rừng núi là đêm, Giờ thêm sông biển lại thêm ban ngày” của Tố Hữu đã nói đúng tâm trạng, ít nhất là của những người lính chúng tôi trên đường ra trận chỉ đánh bạn với đêm đen, nay thoải mái, đàng hoàng đi giữa ban ngày mà không sợ máy bay địch oanh tạc. “Nước bạn Trung Quốc đã giúp ta rất lớn trong thắng lợi này …”, cấp trên phổ biến cho chúng tôi. Sao lại không tin chứ? Thế nhưng nếu lúc đó biết được rằng, như sau này tôi ngộ ra: bắt đầu tại hội nghị ấy, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thấy Việt Nam là một “món hàng có giá” có thể dùng để trao đổi, mua bán với mấy nước lớn khác nhằm phục vụ lợi ích chủ yếu của họ thì sự thể sau này sẽ khác đi rất nhiểu. Nhưng tiếc rằng ngoài Hồ Chí Minh ra, hình như ít người thấy được sự lợi dụng tinh tế đó.

Năm 1957, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lần đầu tiên sang thăm Việt Nam. Có một hành động - không biết là thực lòng hay thủ đoạn tinh vi, vị thủ tướng nổi tiếng khôn ngoan mềm mỏng này đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng. Hành động này được đông đảo dân miền Bắc Việt Nam, kể cả người ở vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và vùng đồng bằng Bắc Bộ cho là Trung Hoa cộng sản đối với ta có khác Tầu Tưởng và phong kiến Trung Quốc!

Năm 1958, tôi chuyển ngành sau khi thi đỗ vào Khoa Hóa khóa 3 Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Trung Quốc đang thực hiện phong trào “Nhảy vọt lớn”, chúng tôi háo hức theo rõi tình hình, rục rịch làm theo. May mắn là dưới sự lãnh đạo của thầy Tạ Quang Bửu và sau đó là thầy Hoàng Xuân Tùy, ĐH BK Hà Nội không luyện thép bằng lò cao thủ công v.v. nhưng tôi còn nhớ, Đại học Nông Nghiệp ở mạn Văn Điển lúc đó mấy đêm liền đèn điện sáng một góc trời để đón khách tham quan xem thành quả cấy dầy “em bé có thể đứng trên ngọn lúa’ mà không tụt ngã. Ôi cái thời ấu trĩ!

Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư máy móc Hóa Chất khóa đầu tiên của ĐHBK Hà Nội năm 1962, tôi được phân công về làm việc tại một đơn vị thuộc Bộ Ngoại thương và tháng 8 năm 1966 được cử sang công tác tại Đại Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Không biết có phải là cái duyên, cái nghiệp  hay không mà ngày tôi tới Bắc Kinh cũng là ngày các tiểu tướng Hồng Vệ Binh công khai xuất hiện trên đường phố, dùng dao rạch quần ống loe, chặt nát giầy mõm nhái, bắt thay đèn đỏ, tín hiệu dừng xe vì cho rằng màu đỏ là màu cách mạng chỉ tiến không dừng v.v. Tôi gắng sức tự học để nâng nhanh trình độ Trung Văn, bắt đầu đọc được báo chữ lớn và nghe hiểu tin trên vô tuyến truyền hình.

Tôi lần lượt được thấy cảnh ông Bành Chân bị các “tiểu tướng” bóp lè lưỡi, cảnh tướng Lã Chính Thao, Bộ trưởng Bộ Đường sắt, đầu đội mũ bằng giấy cao hơn 1m, không khăn quàng cổ bị “võ đấu” trong một tối mùa đông giá lạnh…, rồi các bài báo chính thống phê phán nặng nề Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Trú, Hạ Long, Bành Đức Hoài... và một số văn nghệ sĩ, trí thức… nổi tiếng là những “tên phản bội , đầu hàng, quân phiệt, công đoàn vàng, cơ hội hữu khuynh, chống phá tư tưởng Mao Trạch Đông…”  những người trong một thời gian dài đã là “bạn chiến đấu thân cận” của “người cấm lái, người thày… vĩ đại”.

Một câu hỏi không thể không đặt ra: đồng chí ra sống vào chết với nhau mà họ còn đối xử tàn tệ như vậy, thì ta là cái thá gì? Lần đầu tiên tôi ngầm tự đặt cho mình câu hỏi đó và bước đầu tìm được câu trả lời.
Song song với những sự việc trên là một số thái độ “nước lớn. trịch thượng”, với đủ thủ đoạn mánh khóe lúc trắng trợn lúc xảo quyệt đã được tung ra khi chúng ta làm khác họ, không theo họ.
Không kể những bất đồng xảy ra giữa hai bên trước đó mà tôi được các bậc cha chú tin cậy nói cho biết, nhưng vì chưa thấy tận mắt nên chưa ăn sâu vào dạ. Phải đến năm 1967 khi chúng ta chuẩn bị tiến hành đàm phán với Mỹ tại Paris về vấn đề Việt Nam tôi mới có dịp trông thấy nhãn tiền.
 Lúc này đàm phán cấp đại sứ Trung Mỹ đang bị gián đoạn. Lo ngại Việt Nam trực tiếp tiếp xúc với Mỹ sẽ khiến giá trị của Trung Quốc đối với Mỹ kém đi, trong nội bộ họ vừa phê phán chúng ta là không dám kiên trì chiến đấu, vừa tìm cách trì hoãn đón đoàn cấp cao của ta sang xin viện trợ. Khi đoàn chuyên viên của ta trình bầy khó khăn và đề xuất con số cụ thể về viện trợ lương thực, một Vụ phó Trung Quốc đã nói: thời kỳ Trường chinh, Hồng quân của chúng tôi phải ăn cả cỏ để chống đói và luộc thắt lưng da để ăn cho có chất béo! 
Những người Việt Nam có mặt hôm đó không thể nào quên câu nói “đắng họng” này. (Với kỷ luật rất nghiêm của chúng tôi thời đó, câu chuyện này rất ít người biết). Ấy thế mà sau khi chắp nối được với Mỹ họ lại “khảng khái, vô tư” viện trợ cho Việt Nam và còn bảo: nên lấy một ít miến, táo, mì chính… về cho đồng bào thủ đô Hà Nội ăn tết! Rồi còn nhiều cái hớ (hớ chứ không phải là hứa như phóng viên Mạc Lâm đài RFA đã ghi nhầm khi phỏng vấn tôi) mà chỉ sau một thời gian mới thấy.

Ôi, trong cái cảnh còn phải nhờ vả người ta, cứ ấm ức rồi lại cám ơn, cảnh giác rồi lại tin cậy… như một mớ bùng nhùng, gỡ mãi mới tìm ra đầu mối. Chỉ nhờ vào thực tiễn, và những bài học cay đắng, cộng với nỗ lực tìm hiểu phân tích…, chúng tôi mới dần dần hiểu ra. Sự tỉnh ngộ dù chỉ là ban đầu đã mất nhiều thời gian công sức và trả giá  như vậy đó, bạn ơi! (Tôi không muốn nói đến bao nhiêu cuộc họp hành nội bộ, đấu tranh gay gắt với nhau nhằm tìm ra chân lý).

Còn ai bảo tôi ngu, tôi xin nhận và cám ơn. Xin nói không phải là để bào chữa cho sự kém cỏi của mình, ngay đến Khorutsov, nhân vật nổi tiếng một thời của Liên Xô cũ đã phải cay đắng thốt lên: “Chỉ có những thằng ngu mới tin được Trung Quốc” sau khi bị họ lừa một cách vô cùng khôn khéo! (Và không ít người Mỹ cũng đã ăn phải quả đắng của Trung Quốc đấy!).

Cho nên nói rằng, ngay từ đầu đã hiểu ngay, hiểu sâu, hiểu hết Trung Quốc không bị hớ với họ chỉ là thể hiện sự không hiểu gì về Trung Quốc thôi.

Thế nhưng, đến bây giờ (tức thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21) sau bao nhiêu hành động gian manh, xảo quyệt, trắng trợn... của ban lãnh đạo bành trưóng, bá quyền Bắc Kinh đối với các nước và nhất là đối với chúng ta thì chỉ có “những thằng ngu” như Khơrutxop đã gọi, mới còn có ảo tưỏng về “người láng giềng bốn tốt”, về “tình hữu nghị, đồng chí”… với chúng.

Anh bạn mới quen, nhưng có lẽ vì cũng là dân cùng nghiệp nên đã lặng lẽ tỏ vẻ tán đồng.

Tháng tám năm 2010
Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

DÂN LÀM BÁO * PHE NẢO PHE NÀO?

Ta cần ủng hộ ai?

Tôi Yêu Việt Nam (Danlambao) - Bác sĩ Nguyễn Đan Quế gần đây có phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do rằng Việt Nam hiện nay cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam. Điều này đúng. Tuy nhiên ta thử hỏi những rào cảng nào khiến Việt Nam không thể thân thiện với Mỹ hơn? 
Khi nói đến Việt Nam, ta nói đến Chính quyền Việt Nam mà người đứng đầu của Chính quyền này hiện nay là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ai cũng biết hiện nay có mâu thuẫn sống chết giữa hai thế lực cầm quyền: một bên là phe chính quyền, đại diện bởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe kia là Đảng Cộng Sản Việt Nam, đại diện bởi Nguyễn Phú Trọng. Và ai cũng biết, ĐCSVN là tay sai đắc lực của Trung Cộng, một cường quốc đang lên, có tham vọng thôn tính nước ta – nếu không muốn nói là đã gián tiếp thôn tính nước ta thông qua ĐCSVN. 
Ai cũng biết, do áp lực của cộng đồng người Việt tại Mỹ, mức đậm đà trong quan hệ Mỹ Việt luôn luôn được gắn liền với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Do đó, tình trạng nhân quyền là rào cản thứ nhất. 
Còn rào cản thứ hai là gì? 
Ai cũng biết Trung Cộng không bao giờ muốn Việt Nam thân thiện hơn với Mỹ, vì điều này sẽ đánh bại kế hoạch xâm chiếm biển Đông và xâm chiếm Việt Nam của Trung Cộng. Do đó, Trung Cộng phải và dĩ nhiên đã chỉ thị cho ĐCSVN làm mọi cách để ngăn chận Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ. Cách dễ dàng nhất là cho phép đảng viên ĐCSVN, thông qua công an, tiếp tục vi phạm nhân quyền và cản trở cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt Mỹ. Điều này giải thích tại sao, trong khi Chính quyền Việt Nam rất tha thiết cải thiện quan hệ với Mỹ, CA Hà Nội lại ngăn cản không cho BS Phạm Hồng Sơn và LS Nguyễn Văn Đài tiếp xúc với phái đoàn Mỹ vào chiều ngày 13/04/2013. Do đó, có thể nói rào cảng thứ hai là ĐCSVN. 
Chính quyền Việt Nam, làm thế nào để cải thiện tình trạng nhân quyền trong khi luôn luôn bị ĐCSVN phá thối bên trong? Điển hình, trong khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố việc cưỡng chế anh Vươn là sai trái phi pháp, ĐCSVN lại ra lệnh cho VKS và TAND xử tội anh Vươn và gia đình. 
Đứng trước hai rào cản như vậy, chính quyền Mỹ thừa thông minh và biết phải làm gì để giúp Việt Nam. Ta thấy Mỹ vẫn tuyên bố giúp cảnh sát biển Việt Nam gần đây nhân biến cố Trung Cộng bắn cháy tàu cá Việt Nam. 
Người Việt chúng ta cần thông minh hơn, cần tương kế tựu kế để đánh bại, tiêu diệt thế lực Trung Cộng để dân chủ hóa Việt Nam và gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ. Tôi tin nhiều người đã nhận ra điều này. 
Không cần biết người đó là ai, có quá khứ ra sao, miễn người đó có khả năng giúp dân chủ hóa Việt Nam và giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ - ta cần ủng hộ người này. 

No comments: