Tuesday, October 25, 2016

TƯỞNG NĂNG TIẾN - PHAN - MAI HƯƠNG- THẠCH LAM - VIỆT NAM 1890

TƯỞNG NĂNG TIẾN * THUẾ MÁ

Chó Má & Thuế Má

 Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
Tố Hữu

Khi đề cập đến cái chết của nhạc sĩ Trúc Phương, có nhà văn đã viết đôi dòng (chắc) bằng nước mắt:
Đã có một thời, sống ở trong nước, người ta sợ cả gặp nhau vì không muốn nhìn thấy nhau trong cảnh quá đỗi tang thương. Đôi khi nghe tin ai đó chết, người ta có thể chảy nước mắt khóc nhưng cũng có phần mừng cho người ấy không phải sống nữa.”  (Nguyễn Đình Toàn. Bông Hồng Tạ Ơn, 2nd ed. Westminster: T &T, 2012. Vol.1).
Trúc Phương trút hơi thở cuối cùng vào năm 1996, ở bến xe xa cảng miền Tây,  trên một manh chiếu rách – theo như tường thuật của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:” Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân.”
Và cái thời “quá đỗi tang thương” mà chúng ta “có phần mừng” khi nghe một người nào đó qua đời (vì họ “không phải sống nữa”) dường như vẫn chưa qua. Hay nói chính xác hơn là nó đang quay trở lại. Điều này có thể cảm nghiệm được sau cái chết của một công dân Việt Nam, tại vườn hoa Lý Tự Trọng (Hà Nội) theo như tin loan của RFA – nghe được vào hôm 17 tháng 11 năm 2012:
“Công An TP. Hà Nội cho báo giới biết nguyên nhân tử vong của cụ bà Hà Thị Nhung hôm tối 12/11 là do tai biến mạch máu não. Vì vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội sẽ không mở rộng điều tra hay khởi tố hình sự vụ án do không có căn cứ và dấu hiệu tội phạm hoặc sai phạm của cá nhân hay tổ chức nào.
Bà Hà Thị Nhung, 75 tuổi, ở Thanh Hóa ra Hà Nội từ ngày mùng 10/11 để căng biểu ngữ khiếu kiện về chế độ lương hưu của bà. Nhiều người chứng kiến kể lại là sau khi hai dân quân xốc nách và đẩy bà cụ Hà Thị Nhung, bà cụ ngồi xuống và từ từ ngã ra và sau đó tử vong.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam bác bỏ tin nói cụ bà Hà Thị Nhung bị tử vong sau khi có xô xát với lực lượng công an bảo vệ. Thông tấn xã Việt Nam trích lời của công an Hà Nội khẳng định cái chết của cụ bà Hà Thị Nhung là vì tuổi cao và bà này bị cảm.”
Bà Hà Thị Nhung. Ảnh Facebook
Bà Hà Thị Nhung. Ảnh Facebook
Sống (thường) không dễ, dù ở nơi đâu và thời nào cũng thế. Tuy thế, cuộc đời (hình như) luôn luôn chỉ là một cơn mộng dữ đối với rất nhiều người cao tuổi ở Việt Nam – nơi mà Nhà Nước không hề có một chương trình phúc lợi cụ thể nào dành cho những công nhân lão hạng hay phế tật, kể cả giới thương binh/liệt sĩ và thân nhân của họ.
Cho đến nay (có lẽ) chưa hề có một một quan chức, hay giới chức dân cử nào đặt vấn đề xem giới người già ở Việt Nam đang sống ra sao – dù những hình ảnh quá đỗi thương tâm của họ vẫn xuất hiện đều đặn hàng ngày trên những cơ quan truyền thông, từ nhiều năm qua:
Ảnh và bài Hà Long – Nguyễn Sáng: Báo Đất Việt
Ảnh Hà Long – Nguyễn Sáng: Báo Đất Việt
Cụ Đinh Thị Hạnh, 82 tuổi, lưng còng, tóc bạc trắng, đôi mắt sâu hoắm đục mờ, hằng ngày cụ ngồi bên chiếc cân nhỏ trước tiệm bách hóa Thanh Xuân, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội), đợi khách. Đêm xuống, vỉa hè, công viên, chân cầu là “nhà”, miếng bạt, tấm giấy là “chiếu”. Cứ thế, 24 năm nay cụ đã sống lay lắt qua ngày…
Hỏi một mai cụ đi về đâu? Ánh mắt của cụ thoáng buồn nhìn xa xăm vô định: “Trời cho sống ngày nào hay ngày đó, trước lúc nhắm mắt tôi muốn hiến xác cho y học để cứu người”.
Ảnh và bài Kiều Minh: phapluattp.
Ảnh và bài Kiều Minh: phapluattp.
 Cụ Đình 91 tuổi. Bà đi bằng chân đất, trong khi cái rét mùa đông vẫn còn dùng dằng xói vào da thịt dù trời đã sang xuân, hỏi bà sao không đi giày cho ấm chân, bà bảo ”đi chân đất thôi, đi giày chân yếu ngã chúi mũi chết”. “Nhà cháu ngã mấy lần rồi, có hôm đi bán bị ngã đổ hết cả rau, đi chân đất tuy lạnh nhưng chắc chân”, bà kể…
 Hỏi bà “ông nhà đâu?”, bà kể, “ông cháu” (tức chồng của bà – PV) mất lâu rồi, bà ở vậy nuôi con từ năm 26 tuổi, lúc đó, con lớn lên 3, đứa bé nhất mới đẻ. Hỏi bà sao bà không đi bước nữa, bà bảo, khổ lắm, chồng mất bà gồng gánh nuôi “5 cái mồm” (4 mẹ con và bà mẹ chồng – PV) nên phải làm đủ việc, phải đi hót phân trâu, nuôi bò, cấy thuê rất giỏi…
Nowy obraz (5)
Cụ Vũ Văn Chanh 93 tuổi, ở làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mài dao kiếm sống. Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung cho biết, hoàn cảnh cụ Chanh rất thương tâm. Con cháu đều rất khó khăn nên đã gần trăm tuổi, lưng còng sát đất mà cụ vẫn phải đi mài dao mưu sinh. Hiện cụ Chanh được nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng một tháng theo chính sách dành cho người cao tuổi.
“Cả đời cụ không biết đến căn nhà cố định. Địa phương đã lập danh sách hỗ trợ cụ làm nhà, nhưng năm 2011 chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà lại bị tạm dừng nên chưa giải quyết được. Chúng tôi đang lên kế hoạch, sắp tới sẽ dành một phần ngân sách và kêu gọi nhân dân, các nhà hảo tâm chung tay xây nhà cho cụ”, ông Tuấn nói.
Ảnh và bài: Tiến Tâm – Cẩm Lệ: vtc.vn
Ảnh và bài: Tiến Tâm – Cẩm Lệ: vtc.vn
- Cụ Nậy 93 tuổi. Đã sống cùng cô đơn, khổ đau và bệnh tật qua hai thế kỷ, từng nếm trải đủ sự khốc liệt của chiến tranh, sự hà khắc của tư tưởng phong kiến, sự đau đớn của một người mẹ mất con, giờ đây khi đã vào cái tuổi 93 tưởng như mệ (bà) Nậy đã bị thời gian làm cho quên lãng bao đau khổ của một kiếp người nhưng giờ mệ vẫn sống, vẫn miệt mài lao động bằng chính sức của mình và vẫn nhớ những chuyện đã qua.
Một ngày từ nhà mệ ra đến chợ người bình thường đi không quá 15 phút nhưng mệ đi có khi hơn 2 tiếng. “Trời nắng cũng như trời mưa chẳng ai dám chở mệ cả, tuổi già sức yếu lỡ may ngã ai chịu”, mệ tỏ ra rất minh mẫn.
Như ngày hôm nay, mệ xin được 14.000 đồng và về nhà dù còn khá sớm. Mệ bảo chỉ xin chừng ấy là đủ rồi, mệ không muốn xin nhiều hơn. Mệ giải thích: “14.000 đồng này, mệ ăn 3.000 đồng, 1.000 đồng để mua nước, còn 10.000 đồng mệ để dành lại… mua hòm (tức quan tài). Mệ đã gửi bên Hội bảo thọ một triệu tiền hòm rồi. Hiện mệ phải để dành thêm 2 triệu nữa là 3 triệu cộng với thuê một chuyến xe 500 nghìn là đủ đưa mệ… đi. Mệ không muốn phiền ai cả”.
(*) Mọi sự giúp đỡ về vật chất cho cụ Nậy xin gửi về:
Trung tâm Truyền thông VTC (VTC Media)
Tài khoản 0651100107008
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ảnh và bài: Dương Lãng Hoàng: vtc.vn.
Ảnh và bài: Dương Lãng Hoàng: vtc.vn.
- Cụ Phan Thị Yến 88 tuổi. Gần 30 năm, từ cái thời Hà Nội còn ầm ầm tiếng súng và đinh tai những đợt bom Mĩ rền, trên con phố Bảo Khánh đối diện ngay Hồ Gươm, có một cụ bà chung thủy với quán nước chè, hằng ngày mò mẫm mưu sinh cho mình và cả gia đình.
(*)Mọi sự giúp đỡ về vật chất cho cụ Yến xin gửi về:
Trung tâm Truyền thông VTC (VTC Media)
Tài khoản 0651100107008

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội.
-  Cụ Nguyễn Thị Đắp 94 tuổi, sinh năm 1917 tại Hà Nam, 17 tuổi cụ Đắp theo chồng về làm dâu cùng xã. Rồi lần lượt sinh hạ được 3 người con. “Thằng Bản con trai cả năm đó 18 tuổi, cao lớn và khỏe lắm. Nó xin mẹ tòng quân vào chiến trường Quảng Trị đánh giặc, bao giờ chiến thắng nó mới trở về. Những ngày đầu nó còn viết thư kể cho mẹ nghe ở trong này vui lắm. Lập được nhiều chiến công, bắn rơi được nhiều máy bay địch. Nhưng nó đi biệt không về nữa”, cụ Đắp ngậm ngùi nhớ lại…
Năm 1957, người con trai út – anh Nguyễn Văn Hậu – ra đời nhưng không may mắc phải chứng bại não và liệt toàn thân. Rồi người chồng cũng bỏ cụ ra đi sau đó không lâu. Cụ Đắp cố chạy vạy thuốc thang mang Hậu đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Từ đó đến nay mấy chục năm, một tay cụ chăm sóc, lo toan cho đứa con bất hạnh.
Ngày nắng cũng như mưa, cụ Đắp lặn lội ngược xuôi kiếm bát gạo, đồng tiền lo thuốc thang cho Hậu. Cụ bảo: “Ngày trước ai thuê cái gì thì làm nấy từ phụ hồ, chăn trâu cắt cỏ, đi cày thuê… Nhưng hơn 30 năm nay, kể từ khi đôi mắt bị mù lại thêm căn bệnh phong, bệnh thấp khớp lúc trái gió trở trời hành hạ nên chẳng làm được gì nữa..”
Chỗ ở bây giờ của hai mẹ con cũng là do các tổ chức làng xã quyên góp xây cho.
Bà Hoàng Thị Mây – Chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho hay: “Tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh gia đình mẹ Đắp rất khó khăn. Hiện tại mẹ bị mù cả hai mắt nhưng vẫn phải nuôi con bại não, nằm liệt giường. Với số tiền trợ cấp hàng tháng cho mẹ liệt sĩ và hỗ trợ cho đứa con tật nguyền không thể đủ trang trải cuộc sống. Chính quyền xã thường xuyên qua lại thăm hỏi gia đình mẹ để động viên, giúp đỡ. Mới đây, xã cũng đã sửa lại cho mẹ căn nhà để mẹ được sống những ngày còn lại”.
(*) Độc giả hảo tâm xin gửi giúp đỡ về Cụ Nguyễn Thị Đắp, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.
Ảnh: Dân Luận
Ảnh: Dân Luận
Chắc chắn, không ở nơi đâu (từ hơn nửa thế kỷ qua) mà người dân bị thôi thúc và ép buộc đóng góp công sức, cũng như xương máu, cho hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác – như ở Việt Nam. Cũng không nơi đâu mà giới cầm quyền hoàn toàn vô trách nhiệm như ở xứ sở này.
Việt Nam, có lẽ, là quốc gia duy nhất mà “lòng hảo tâm” được dùng thay cho một đạo luật về anh sinh xã hội để qui định (hẳn hòi) mọi thứ phúc lợi đối với những công dân lão hạng, những người phế tật, những thương binh/ liệt sĩ và thân nhân của họ.
Đất nước này, xem ra, cũng là nơi duy nhất mà người dân có thể bị cầm tù (thay vì xử phạt) với tội danh trốn thuế – dù có lẽ đến Trời cũng không thể biết  là bọn chó má đã xử dụng thuế má của người dân đóng góp ra sao, từ hơn nửa thế kỷ qua?
© Tưởng Năng Tiến

PHAN * GIỌT SỮA

Góc của Phan: Giọt sữa...

goccuaphan03004136
Chiếc bóng dài mãi đến tan trên cỏ biếc. Mặt trời thôi làm khó nỗi cô đơn của người ngồi nhìn bóng mình. Lão Hoài vẫn chưa có ý định trở về chỗ ngủ. Lão ngồi nguyên trong sân chùa cho đến màn đêm kéo đến... Ai cũng tưởng lão tan vào bóng đêm vì chả ai thấy lão ra về, nhưng ngày mai lại thế! Chẳng qua lão chỉ là người không biết đi thưa về trình, thế thôi! Vì lão không thuộc loại trả giá cho tội lỗi ngoài đời bằng cách vô chùa chuộc tội. Nên ai cũng nói lão

thương vợ đến động lòng người dương thế. Vợ lão đột ngột qua đời với căn bệnh nhanh hơn khả năng trị liệu của bác sĩ, biến lão thành người mồ côi vợ; đời hiu quạnh một góc sân chùa là thế, tuy lão chỉ tạt qua chùa khi hoàng hôn tắt nắng, hôm gió sớm thu về... để thắp nén hương cho vợ, rồi ngồi lặng thinh như pho tượng thừa...

Không ai biết trong tâm lão thương vợ đến mực nào, người ta chỉ thấy sự im lặng của lão đến tàn nhẫn. Lão cứ ngồi thừ ra như khúc gỗ mục, mặc mùa đi qua, xuân hạ thu đông gì cũng mặc; chỉ những hôm trời lạnh quá thì lão ngồi trong xe – cũng là ngồi nhìn bóng cột đèn trong không gian chết. 
 
 
Sự lặng thinh của Đức Phật được người đời kính ngưỡng qua lăng kính “ngài ngồi quán thế”; trong khi sự lặng thinh của lão Hoài chỉ khác Đức Phật là lão bằng xương, bằng thịt, lão còn thở; chứ không bằng xi măng cốt sắt và không có nhịp tim như Đức Phật, thì người ta nói lão... khùng. Chẳng ai biết chính cái nhịp tim thoi thóp của lão là sản phẩm thời đại; một thời đại không tưởng nhưng có thật hơn cả những cuốn kinh sách ghi chép những điều khó chứng thực nên người ta nói, “có tin có lành” để vô hiệu hóa những thắc mắc!
Chuyện lão Hoài còn đó cho những người nghiên cứu tâm lý lứa tuổi, triệu chứng về già, và đặc biệt là tâm sinh lý người bỗng dưng vợ mất.

Kể ra lão có thay đổi từ hôm người đàn bà trẻ (ghé chùa dường như mỗi ngày). Cô ấy có phần khá giả qua ăn mặc, trang sức, cái xe cô lái,... nhưng những điều ấy không để lại ấn tượng nhiều trong tâm tư lão Hoài; lão chỉ cảm mến cái cung cách quý phái và hiền hậu của người đàn bà trẻ đó.
Cô ấy có vẻ bận rộng với công việc, nhưng tấm lòng và sự thủy chung qua việc viếng cốt mỗi ngày của cô làm lão Hoài tôn sùng cô lên hàng thánh. Lão để lòng cảm mến thăng hoa tự do nâng bậc người đàn bà trẻ lên niết bàn của lòng tin: tình yêu là điều có thật trong đời.

Đến hôm cô tất bật, vội vàng vào viếng cốt nên vô ý đánh rơi cái găng tay chỗ lão ngồi, cô không biết nên không hề quay lại. Lão nhặt lấy, và chỉ độ mười phút sau, cô trở ra cũng vội như lúc vào. Lão đưa cái găng tay ra, và nói:
“Cháu ạ, cái găng tay của cháu đánh rơi, lúc cháu vào...”
“Ồ. Cảm ơn bác. Bác khỏe không?”
“Cảm ơn cháu. Bác... khỏe!”

“...”

Cả hai người cùng ít nói nên câu chuyện tắt ngang. Người đi về phía gió là cô hay lão. Cô đúng là đang cố gắng ghì vạt áo mỏng với sức gió trêu ngươi; trong khi linh hồn lão đã mỏng hơn cả áo cô thì gió không cuốn đi về nơi gió cát cho xong một kiếp người...

Dường như từ ngày vợ mất, lão không quan hoài đến gì nữa. Cả vạn vật trong vũ trụ thì loài người nhỏ bé là gớm ghiếc nhất! Lão không để cho mình trở mặt thù hận đồng loại. Nhưng những chiều tắt nắng làm hoang liêu một góc sân chùa cũng là thời khắc ăn năn như căn bệnh cũ tái phát trong lòng lão... Thật ra lão ôm nỗi muộn phiền về gia đình hay chính mình thì lão cũng không rõ! Lão giận các con làm vợ lão không vui nên người quyết không ở chung với đứa con dâu; con rể nào nữa. Làm lão trơ ra cái vai chính trong cuộc hôn nhân của lão. Chính lão là trụ cột; là chủ gia đình, nhưng từ ngày lấy vợ, rồi sanh con... lão chưa hề cưu mang nổi chai sữa hay manh tã cho đứa con nào. Một tay vợ lão chu toàn từ đời sống vật chất đến tinh thần cho các con, vì chồng còn chinh chiến miền xa.

Nhưng điều hãnh diện trước bạn bè, mọi người một thuở ấy, đã tắt đến hai lần. Lần đầu là sau biến cố 30 tháng tư, lão đi tù không hẹn ngày về; cũng là lần con cái xem như cha chúng đã tử trận từ khi chiến tranh chưa kết thúc.

Lần sau sâu sắc hơn vì con cái đã lớn, là lần lão trở về từ địa ngục trần gian với mảnh giấy ra trại. Lão lần mò về cõi vĩnh hằng vì không chịu được sự thương hại của ai hết! Tánh lão ương gàn và ghét nhất là thuộc cấp bất phục thượng cấp thì chẳng ra thể thống một tổ chức nào nữa; gia đình cùng lắm cũng là hình thức nhỏ nhất của một tổ chức xã hội. Nơi mà vợ con chỉ thở dài tha thứ cho tổng tư lệnh thì làm sao lão tại chức được nữa!

Nhưng vốn đời bất thường, khi có chương trình H.O. thì mọi chuyện lại khác! Lão quyết định xuất ngoại như một bù trừ cho con cái. Lão thù Mỹ phản bội đồng minh nên không hứng thú với việc được đi Mỹ. Dù người ta vẫn thường làm điều ngoài ý muốn vì người khác để thấy con người thì ai chả coi trọng mình hơn bất cứ ai...

Song đời sống Mỹ đã đẩy lão đến đường cùng là chọn vợ hay các con. Lão chọn người bạn đời đã song hành với lão bằng tình yêu đích thực của một con người. Hai ông bà dẫn nhau đi khỏi căn nhà mang tiếng là cha mẹ mua từ ngày mới qua Mỹ nhưng kỳ thực đứa con trai thứ đứng tên. Bây giờ vợ nó không thuận thảo mẹ chồng. Lão tốn tiền điện thoại đã đời thì ông bà cũng không về ở được với con trai lớn (vì nó cũng có vợ); càng không về ở với con gái được vì nó có chồng...

Hai ông bà chỉ còn có nhau khi đã cuối đời. Họ rày đây mai đó dưới những mái nhà thuê không hơi thân thích. Lão không hiểu vợ chết vì buồn phát bệnh hay bệnh phát buồn. Lão chỉ biết chắc một điều là đã gần mãn tang vợ, đã gần ba năm thời gian, nhưng lão chưa hề thấy đứa con nào đến chùa. Không viếng Phật thì cũng viếng cốt mẹ mình chứ!

Nhưng chúng là con lão. Con của một người rong ruổi hết tuổi trẻ, lại rong ruổi tiếp theo cuộc chiến trái khuấy, sau đó là tù đày và cúi mặt cho đến ngày rời bỏ quê hương. Lão cũng có cha, mẹ, nhưng lão có báo hiếu gì đâu. Cái tin cha mất khi trong tù thì làm được gì hơn mất thêm tí sức tàn tù tội vì buồn; đến tin mẹ mất khi lão ở nước ngoài, cũng có về được đâu... Nghĩa là lão cũng thuộc loại chưa từng báo hiếu, hay tệ nhất cũng là thăm viếng vong linh hai đấng sinh thành. Lão không có tư cách để trách con cái; lão chỉ có tấm lòng sẻ chia với vong linh người bạn đời quá vãng một nỗi buồn thời đại là nỗi buồn của những người làm cha, mẹ...

Lão Hoài vẫn ngồi đó, để người đàn bà trẻ chào hỏi. Vì ít nhiều cũng đã quen biết nhau. Dường như trong chốn thiền môn mọi ngã đều khởi duyên. Duyên khởi vạn ngã thì xá gì tiếng hỏi câu chào. Một hôm người đàn bà trẻ dừng bước, ấp úng mãi mới nói được thỉnh nguyện của mình,
“Cháu có một việc muốn nhờ bác giúp đỡ. Không biết có làm phiền bác quá không?”
“Cháu cứ nói ra nghe thử. Nếu được thì bác sẽ giúp.”
“Cháu đem sữa cho con của cháu đã mấy năm nay. Hôm nào bận quá thì gọi chồng cháu đem sữa cho con. Nhưng bây giờ cả hai vợ chồng cháu phải về Việt nam. Mẹ chồng của cháu bệnh nặng lắm rồi!...”
“Thì ra là vậy! Tội nghiệp cháu bé không có phần phước được sống với cha mẹ...”

“...”
Người đàn bà trẻ rùng vai để ngăn chặn những cảm xúc đau buồn đừng dâng lên khóe mắt. Cô nén cơn xúc động trước lời chia sẻ của lão Hoài.

Lão thở dài cho hoàn cảnh thương tâm của người đàn bà trẻ đem sữa cho con đã mấy năm. Dù con thơ đã nằm trong hũ cốt, trong chùa. Lão nói:
“Bác sẽ giúp cháu. Mỗi chiều sẽ đi mua sữa cho cháu bé. Cho đến khi nào vợ chồng cháu đi Việt nam về...”
“Cháu cảm ơn bác nhiều lắm. Cháu xin gởi...”
“Không phải thế đâu cháu ạ!...”
“...”

“cháu làm nghề gì mà bác thấy cháu có vẻ bận rộn...”
“Cháu làm nail.”
“Còn chồng cháu?”
“Thợ điện.”
“Vậy, cháu bé vì sao lại mất sớm...”
“Con của cháu mới ba tháng tuổi...”

“...”

Người đàn bà trẻ hết ngăn nổi dòng nước mắt tràn ra khóe mắt. Lão Hoài thấy ăn năn trong lòng với câu hỏi soi mói niềm đau của người khác. Lão dư kiến thức để hiểu vì sao một sinh linh bé bỏng phải sớm lìa đời. Hậu quả của hóa chất ngành nail hay trăm ngàn lý do nào khác cũng không bằng tấm lòng đôi vợ chồng trẻ đối với con thơ. Cho dù họ chưa thấy được mặt mũi nó ra sao thì tình yêu đã vô điều kiện và mãi mãi...

Chắc mẹ lão cũng thương lão tới lúc người trút hơi thở cuối cùng. Các con lão cũng như lão – không bao giờ hiểu được vợ lão giận ngoài miệng là thế nhưng trước lúc nhắm mắt còn nhắc đến con cháu ra sao! Những gì người ta thường nghĩ đến đều đau khổ để quên đi hạnh phúc duy nhất mà ai cũng có là tình yêu của mẹ mình.

Lão vui vẻ nhận lời người đàn trẻ là mỗi chiều lão sẽ đi mua sữa đem đến cho hũ cốt bé xíu. Cô ấy lòng lành nên chẳng nghĩ tới việc lão thử làm mẹ để biết thế nào là bao dung; để hiểu rõ hơn sự ích kỷ đàn ông mà lão đã trân quý như bảo vật tới cuối đời là vô nghĩa...

Người ta chỉ thấy một lão già chiều chiều ghé cây xăng mua hộp sữa nhỏ. Rồi lão làm gì với những giọt sữa trong ấy thì chẳng ai quan tâm. Từng giọt, lão nhâm nhi sau khi bé uống; từng giọt thấm thía ơn đời...

Phan

HỒNG THỦY * MAI HƯƠNG

Một kỷ niệm kinh hoàng với ca sĩ Mai Hương

maihuong0607


Hồng Thủy

Tôi yêu tiếng hát Mai Hương từ thời mới lớn. Tiếng hát cao vút và trong như pha lê. Lúc đó tuy chưa quen Mai Hương vậy mà tôi đã cảm thấy rất gần gũi với Mai Hương. Tôi không hề có cảm giác xa cách giữa một thính giả và một ca sĩ nhà nghề. Tiếng hát Mai Hương, dáng dấp Mai Hương, với tôi thân quen như một người bạn. Một người bạn quen biết rất lâu với nhiều tình cảm đậm đà quý mến. Có lẽ tại vì chúng tôi cùng tuổi với nhau. Có lẽ tại vì Mai Hương lúc nào cũng đơn giản. Ngay cả khi đứng trên sân khấu, trông Mai Hương cũng đơn sơ giản dị như nột cô nữ sinh trên sân khấu nhà trường. Mai Hương không điệu đà, không làm dáng, không tỏ ra mình là ca sĩ nổi tiếng. Tôi thích cái vẻ e lệ dịu dàng của Mai Hương, và nụ cười với chiếc răng khểnh duyên ơi là duyên.

Bây giờ tôi xin vào đề câu chuyện kinh hoàng của hai chúng tôi. Tôi lập gia đình rất sớm nên phải theo ông chồng nhà binh di chuyển đi các nơi. Tôi phải rời xa Sài Gòn một thời gian khá dài. Tôi rất buồn vì nhớ bạn bè, nhớ cái không khí văn nghệ của Sài Gòn. Nhớ những khuôn mặt, những giọng hát của các ca sĩ mà tôi yêu mến.

Năm 1971 nhà tôi được thuyên chuyển về lại Sài Gòn. Tôi mừng rỡ quá vì sẽ được gặp lại bao nhiêu là người thân. Tôi hồ hởi về trước lo sửa sang nhà cửa, luôn tiện đưa con gái út (cháu Uyển Diễm vừa tròn 5 tuổi) về Sài Gòn để người bạn thân của chúng tôi, anh nha sĩ Cân chữa răng cho cháu.

Về tới Sài Gòn được hai hôm thì nhóm bạn thân rủ tôi đi phòng trà Tự Do nghe nhạc. Các bạn quảng cáo là có Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú và ban nhạc Blue Jet. Đặc biệt có cả Mai Hương nữa (Mai Hương rất khi ít khi hát ở phòng trà). Nghe nói vậy là tôi đồng ý đi liền dù phải mang theo cả cháu Uyển Diễm vì cháu không chịu rời mẹ.

Nhóm bạn tôi có cả thẩy 16 người. Chúng tôi chọn một dẫy ghế dài ngay trước sân khấu. Chương trình ca nhạc hôm đó mở đầu với những bài hát thật hay, tôi ngồi ngây người ra nghe. Sau Tuấn Ngọc là Mai Hương. Tôi đang say sưa uống từng lời ca của Mai Hương qua nhạc phẩm “Love Story” lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy thì cháu gái kêu lạnh. Tôi bế cháu lên lòng và ôm chặt cho cháu đỡ lạnh vì cháu mặc váy ngắn mà phòng trà họ để máy lạnh hơi nhiều. Bỗng nhiên một tiếng nổ long trời lở đất. Tôi tưởng như mình đang nằm mơ. 
 
 
Bụi tro mầu xám lẫn trong khói bay mù mịt trước mặt. Mai Hương nằm té xỉu ngay trên sân khấu. Tiếng người la hét, rồi người ta chen chúc nhau để thoát ra ngoài. Mùi thuốc nổ khét lẹt xung quanh. Tôi ngồi bất động bàng hoàng như không tin ở mắt mình với những cảnh vật kinh hoàng truước mặt. Ba người bạn trong nhóm của tôi nằm chết dưới sàn ngay cạnh chỗ tôi. Anh nha sĩ Cân chưa kịp chữa răng cho cháu Uyển Diễm thì đã ra người thiên cổ. Xác anh chị Sang nằm sóng sượt bất động. Đầu anh Sang gối lên chiếc giầy mầu bạc óng ánh của tôi. Chị Cân bị thương mất một con mắt và vỡ một bên quai hàm máu ra đầy khắp mặt. Anh Hiệp cũng trong nhóm tôi bị sức ép của mìn nổ làm một bên lỗ tai bị rỉ máu. Chi Mô bị thương nhẹ ở chân. Xác chết nằm la liệt dưới sàn. Sợ hãi làm tôi cảm thấy toàn thân lạnh run như người lên cơn sốt rét. Cháu Uyển Diễm khóc òa lên vì sợ. Tôi ôm con trong tay, lấy hết sức bình sinh rút chân ra khỏi chiếc giầy mà ông bạn thân của tôi đang nằm gối đầu yên nghỉ giấc ngàn thu. Tôi tưởng như mình đi không vững. Tôi cố lết ra khỏi phòng trà. 
 
 
Gần cửa ra vào chiếc màn nhung mầu đỏ thắm vẫn còn đang cháy. Bên trong và bên ngoài phòng trà tiếng la hét, tiếng còi xe chữa lửa, xe cứu thương, tiếng người khóc, tiếng người gọi nhau và những ngọn lửa còn âm ỉ cháy bên cạnh những đám khói mờ mịt tạo thành một cảnh tượng hãi hùng náo loạn. Người bạn đi cùng chở tôi về nhà. Bước qua chiếc gương của cái tủ đứng trong phòng ngủ tôi hết hồn sững lại. Trong gương là hình ảnh người đàn bà mặt mũi, tóc tai, quần áo, đều màu xám. Bụi tro của mìn claymore, phủ kín người tôi từ đầu tới chân khiến mái tóc đen và chiếc áo đầm hàng ren đen bóng của tôi cũng biến thành mầu xám tro. Một chiếc bông tai của tôi văng đi hồi nào, chỉ còn lại chiếc kia toòng teng lủng lẳng bên tai trái trông thật khôi hài. Tôi bỏ cả giầy, quên cả bóp để lại phòng trà. 
 
 
Như một phép lạ, hai mẹ con tôi không hề hấn một chút nào. Sau khi tắm rửa thay quần áo, hai mẹ con tôi chui vào chăn nằm ôm nhau, lúc đó tôi mới bắt đầu khóc. Khóc vì sợ, khóc vì nghĩ đến những người bạn mà mới buổi chiều tối chúng tôi còn ngồi ăn uống vui vẻ với nhau. Sau đó kéo nhau đi phòng trà nghe nhạc. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau tất cả đã biến đổi hoàn toàn. Tôi sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy những người bạn thân yêu đó nữa. Rồi còn những người bạn bị thương. Chị Cân mà tôi vẫn thân mật gọi tên chị là Mỹ, mới mấy tiếng đồng hồ trước đây chị là người đàn bà hạnh phúc nhất đời. Chị có đầy đủ điều kiện mà mọi người đều mơ ước: sắc đẹp, danh vọng, tiền và tình yêu nồng thắm của anh Cân. Bây giờ chị là người bất hạnh nhất. Chồng chết và khuôn mặt xinh đẹp của chị đã bị tàn phá bởi những mảnh mìn độc ác. 
 
Chưa kể những đau đớn về thể xác mà chị phải chịu trong thời kỳ dưỡng thương. Rồi còn Mai Hương, người ca sĩ mà tôi rất yêu mến đang nằm sóng soài trên sân khấu, không biết tình mạng sẽ ra sao. Rồi Khánh Ly và gia đình anh em Tuấn Ngọc. Rồi còn bao nhiêu khán thính giả của phòng trà Tự Do có mặt đêm nay nữa. Bao nhiêu gia đình mất đi những người thân yêu. Bao nhiêu người sẽ biến thành người tàn tật? 
 
 
Hôm sau tôi đi đến nhà xác thăm những người bạn vừa mới ra đi tức tưởi đêm hôm trước. Cảnh tượng ở đây còn làm tôi kinh khiếp hơn. Xác người nằm la liệt. Không hiểu vì không đủ chỗ trong phòng lạnh để chứa xác chết hay sao mà người ta để người chết nằm cả xuống sàn, ra cả ngoài hàng hiên. Mỗi xác người được đặt cạnh một cây nước đá thật lớn (qúy vị còn nhớ loại nước đá thật to ở Sài Gòn ngày xưa chứ?). 
 
 
Nghe nói số người chết lên đến hơn 60 ngươiø và số bị thương gần 200 người. Rời nhà xác tôi vừa đi vừa khóc như một người điên. Tôi chạy qua nhà thương thăm Mỹ. Chị nằm đó với lớp băng trắng quấn che gần hết khuôn mặt. Nước mắt tôi lại chẩy. Tôi nhìn bạn lòng xót xa vô cùng. Không biết Mỹ đã biết tin người chồng thân yêu, ông anh ruột và bà chị dâu đã vĩnh biệt Mỹ rồi không? Nước mắt tôi cứ tuôn trào như một giòng suối nhỏ không sao ngăn lại được. Về đến nhà thì hai mắt tôi sưng húp như hai quả bàng nhỏ.
 
 
 Tôi vớ tờ báo đọc vội vàng, sau khi biết tin Mai Hương và các ca sĩ không ai bị thương nặng hay chết cả tôi mới vui được một chút. Tôi định dấu nhẹm không cho chồng tôi biết vụ tôi đi nghe nhạc ở phòng trà buổi tối, mà dám cả gan mang cả con gái mới 5 tuổi đi theo. Nhưng báo chí đã loan tin tùm lum hết, chẳng biết ở đâu mà họ mò ra cả tên tuổi của tôi. Cho nên chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, tôi đã bị ông chồng vừ Vũng Tầu gọi về “ca cải lương” cho tôi nghe mệt nghỉ. Tôi bị chồng la là phải, nghĩ lại tôi mới thấy tôi liều. Ham nghe Mai Hương, Tuấn Ngọc, Khánh Ly quá (lúc đó Khánh Hà, Anh Tú còn quá trẻ nên chưa nổi tiếng mấy) đến nỗi mang cả con bé đi theo. Nghĩ lại tôi thấy mình quá may mắn. Nếu hôm đó cháu Uyển Diễm không mặc váy ngắn, không bị lạnh, và tôi không vừa bế cháu vào lòng, ôm chặt cho nó đỡ lạnh. Nếu cháu vẫn ngồi trên ghế một mình, thì sức nổ mạnh của trái mìn claymore chắc chắn đã làm cháu chết hoặc bị thương rồi. Và như vậy tôi sẽ phải ân hận suốt đời.

Mai Hương và tôi có duyên nợ với nhau, nên từ ngày lưu lạc qua đất Mỹ, hai chúng tôi lại có cơ hội gặp gỡ và trở nên thân thiết. Sau này nhắc lại vụ nổ ở phòng trà Tự Do, hỏi thăm Mai Hương tôi mới biết, tối hôm đó Mai Hương đã bị cái bóng đèn trên trần sân khấu rơi trúng đầu, lày cháy một ít lông mi ở bên mắt trái và bị thương nhẹ ở khóe mắt. Có thể vì sợ quá nên Mai Hương ngất đi một lúc. Tỉnh dậy Mai Hương nghe tiếng Khánh Ly gọi ầm ĩ “Chị Mai Hương đâu, chi Mai hương có sao không?”. Phòng trà vẫn tối mờ mờ vì hệ thống điện bị hư nhiều chỗ, nên Khánh Ly không nhìn thấy Mai Hương nằm xỉu trên sân khấu. Mai Hương tỉnh dậy thì anh Dục chồng Mai Hương cũng vừa đi tới. Áo chemise của anh ướt đẫm máu làm Mai Hương lo sợ tưởng anh bị thương. 
 
 
Anh cho biết đó là máu của người ngồi bên cạnh bị thương bắn vào áo anh. Anh Dục dìu Mai Hương ra về. Trên đường ra cửa, Mai Hương thấy xác của nữ tài tử Thúy Ngọc vợ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện nằm sóng xoài. Ba người cháu của Mai Hương từ Nha Trang vào chơi, đi nghe nhạc cũng bị thương nhẹ. Ra tới ngoài đường, anh Dục và Mai Hương hốt hoảng khi nhìn thấy cái mui vải của chiếc xe hơi La ĐàLạt của hai vợ chồng đang bốc cháy vì anh Dục đậu ngay góc đường gần sát phòng trà. Có một điều cho đến bây giờ Mai Hương vẫn không hiểu đươcï là tại sao hôm đó trong ví của Mai Hương lại có mảnh vỡ của đáy ly rượu nằm gọn bên trong, dù cái ví vẫn đóng kín.
 
 Ở đời có rất nhiều điều không thể hiểu và không cắt nghĩa được. Chẳng hạn như cả nhóm bạn chúng tôi ngồi sát cạnh nhau, cùng một giẫy ghế. Vậy mà kẻ sống, người chết, kẻ bị thương, người bình yên vô sự. Có phải Thượng Đế đã dành sẵn cho mỗi người một số mệnh rồi không? Những người chết chưa chắc đã xui xẻo, bởi vì họ chết thật nhanh, không cảm thấy đau đớn. Chết trong lúc đang thưởng thức những giòng nhạc thật hay cũng sướng lắm chứ. 
 
 
Sau này tôi nghe nói Việt Cộng đặt mìn ở phòng trà Tự Do chủ tâm để giết ông tướng McNamara của Mỹ, vì tưởng tối hôm đó ông ta sẽ đến thăm phòng trà Tự Do. Không ngờ phút chót ông ta đổi ý, lại đi một nơi khác.

Sau vụ nổ ở phòng trà Tự Do, tôi đã tự nhủ lòng: Ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng trong
cuộc đời, bởi vậy hãy sửa soạn sẵn sàng. Cố gắng làm những điều lành, điều tốt, để bất cứ lúc nào Thượng Đế gọi là thơ thới ra đi. Không có gì phải ân hận hay lo sợ.

Tôi và Mai Hương thường nói đùa với nhau “mạng chúng mình lớn lắm, mìn claymore mà còn phải né cơ mà”.

TƯỜNG NHUNG * THẠCH LAM

Bố tôi: Thạch Lam

Thach Lam by Dinh Cuong


Tường Nhung


Ngày bố tôi mất, tôi lên 6 tuổi, em kế tôi 3 tuổi và em út mới sanh được 3 ngày. Cả hai em tôi đều là trai. Bố tôi bị lao phổi, vì thời gian đó làm việc quá sức. Một mình ông phải trông coi nhà in, xuất bản báo, viết bài, viết truyện.


Bố tôi bị bịnh nằm nhà đã mấy tháng, nhưng vẫn tỉnh táo, ngay trước khi mất vài tiếng đồng hồ cũng vẫn tỉnh... thấy bố tôi đau lâu mà không bớt, bà nội và cô tôi đi coi bói về bịnh trạng của bố tôi. Thầy bói nói sợ bố tôi không qua khỏi, nhưng sau khi ông bấm số của mẹ tôi. Mẹ tôi lúc đó đang mang thai người em út gần đến ngày sinh. Ông bảo:

“Nếu bà sinh con gái thì nên làm tiệc lớn ăn mừng, còn nếu con trai thì nên lo trước việc tang lễ, vì đứa con trai này khắc cha mẹ và anh chị em nữa.” Tuy bà và cô tôi không tin hẳn lời của ông thầy bói, vì bố tôi vẫn còn tỉnh táo lắm, nhưng cả hai đều rất lo lắng. Rồi ngày sinh em của mẹ đã đến. Khi biết là con trai thì bà và cô tôi khóc rất nhiều. Mọi người giấu mẹ tôi vì chuyện đó. Mẹ ở nhà thương được hai ngày thì tối ấy bố tôi hơi trở bịnh mệt hơn. sáng sớm ngày thứ ba thì bà tôi cho người đến đón mẹ về vì muốn bố tôi thấy mặt em tôi. Lúc ấy bà phải nói cho mẹ tôi biết về lời thầy bói nói. Thế là cả ba đều khóc, phải xuống dưới bếp khóc vì sợ động đến bố tôi.

 Người nào mắt cũng đỏ hoe. Mẹ tôi bế em tôi vào để bố nhìn mặt. Bố tôi bảo đỡ dậy để nhìn em cho rõ hơn. Bố tôi ngắm nghía em rồi khen thằng bé kháu khỉnh và khỏe mạnh rồi quay qua mẹ tôi mắng nhẹ, sao lại bế con về nhà sớm vậy, mới sinh nở còn non nớt, sức khỏe còn yếu, phải nằm lại nhà thương một tuần lễ chứ. Thế là mẹ tôi không cầm lòng được nữa, khóc nức nở. Bố tôi cau mày và nói, tôi đã chết đâu mà khóc.

Ðến trưa bố tôi tỉnh dậy và đòi ăn na, thứ na bở mùi thơm ngào ngạt mà bố tôi thích nhất. Ngoài na ra bố tôi còn thích ăn dưa hồng và dưa gang, các thứ dưa đó khi chín cũng tỏa ra một mùi thơm thật nhẹ nhàng. Ăn được một vài miếng thì bố tôi lại đuối sức mệt lả, người nhà vội đỡ bố tôi nằm xuống và bố tôi bắt đầu thiếp dần. Chiều đến thì chú Bảy tôi đến thăm, chú đã ngồi lại trong phòng bố tôi rất lâu. Khi chú Bảy tôi đẩy cửa bước ra thì mọi người trong nhà đều nhìn chú bảy tôi bằng ánh mắt chờ đợi một hy vọng may mắn do chú tôi đem lại, vì lúc ấy chú Bảy tôi đã đậu xong bằng bác sĩ cho nên chú biết rất rõ về bệnh trạng của bố tôi.

Chú bước ra và đi rất vội vàng không nhìn ai cả. Có nhẽ chú sợ làm cho mọi người ruột thịt trong nhà mất hết niềm hy vọng đã đặt vào chú là chú có thể chữa khỏi bệnh cho bố tôi. Vẻ mặt đau buồn và cặp mắt đỏ hoe của chú đã nói lên được sự sắp sửa ra đi của bố tôi. Cho nên chú chỉ nói một câu tiếng Tây ý nghĩa là bệnh của bố tôi không khỏi được và sự ra đi vĩnh viễn của bố tôi cũng gần đến. vài giờ sau đó thì bố tôi tắt thở.

Ngày đưa đám bố, tôi được ngồi chung xe kéo với mẹ tôi. Trước giờ đưa đám, bà vú bắt tôi mặc áo tang may bằng vải sô thô sơ, lại có dây bằng gai thắt ngang bụng, lại thêm cái mũ mấn chụp vào đầu, kéo miếng vải ở phía trước chụp xuống mắt thì chỉ còn nhìn thấy hai bàn chân mình mà thôi. Tuy còn nhỏ nhưng có lẽ tôi cảm nhận được sự đau buồn qua chiếc áo tang hay có nhẽ vì trông chiếc áo và mũ đó quá xấu và kỳ dị mà tôi chưa thấy bao giờ, cho nên tôi đã khóc và trốn vào trong tủ áo nhất định không chịu mặc khi đưa đám bố tôi.

Chiếc xe tang có bốn con ngựa kéo, ngựa được phủ cái choàng màu đen có viền ren trắng, kéo theo chiếc quan tài được phủ bằng nhung đen chung quanh có tua, bốn góc của chiếc xe tang có bốn người thân tay cầm mỗi người một sợi dây từ bốn góc của chiếc quan tài đi chậm chậm theo xe tang. Mẹ tôi mặc áo tang may bằng vải sô, buộc ngang lưng bằng dây gai, đầu đội mụ mấn, tóc xõa ngang lưng, chẳng nhìn thấy mặt mẹ tôi đâu cả. Lúc ấy mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi. Bố tôi chết đi để lại cho mẹ tôi 3 đứa con còn quá nhỏ dại, về vật chất thì chẳng có gì, ngoài những cuốn truyện, tiểu thuyết ngắn, dài mà sau này khi chúng tôi khôn lớn, đó là một gia tài vô cùng quý giá và là một niềm hãnh diện cho chúng tôi. Không biết mẹ tôi lúc ấy nghĩ gì và đau buồn ra sao, nhưng tôi chắc mẹ tôi đã đau buồn đến cực độ. (Tôi sẽ viết về mẹ tôi vào một dịp khác.)

Khi quan tài hạ huyệt thật là thảm thiết, bà, cô chú Bảy cùng bạn bè thân thiết của bố tôi, ai nấy đều quá đau lòng thương tiếc người ra đi còn quá trẻ, khi nhìn cảnh mẹ tôi cứ khóc ngất đi và không còn nói ra lời nữa. Tôi thì cứ nhìn mọi người khóc rồi cũng khóc theo luôn. Em kế tôi khi nhìn thấy có bát cơm đầy, trên có cắm đôi đũa vông và có hai cái trứng gà luộc thì chỉ tay và đòi ăn. Chị em chúng tôi nào đã biết được sự chia ly chết chóc như thế nào đâu.

Tôi còn nhớ rất rõ về hình dạng của bố tôi, bố tôi rất cao, da trắng hồng trông như lai Tây vậy. Bố tôi hay mặc bộ vét màu kem nhạt may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giầy tây, lúc nào cũng bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp, bố tôi rất ngăn nắp thứ tự và rất quý sách. Bố tôi có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp. Có một lần cô Năm tôi sang thăm, cô tôi có dẫn theo hai người con trai đang ở tuổi nghịch phá, và họ đã vào phòng sách và lục sách của bố tôi. Bố tôi nói ngay với cô tôi: “Lần sau chị đến thăm em thì chị đến một mình, đừng dân theo mấy cháu nữa.”

Cô tôi đã quá quen thuộc với tính nói thẳng của bố tôi cho nên không bao giờ giận bố tôi cả. Ngày bác Ba tôi có người con bị chết, bác Tư gái không đến chia buồn được, cô tôi nói với bố tôi về chuyện đó, bố tôi bảo: “Nếu chị Tư không đến đưa đám con chị Ba thì khi nào con chị Tư chết thì chị Ba cũng không phải đến.” Tuy cô tôi đang buồn về việc cháu mất cũng phải phì cười vì câu nói của bố tôi. Cô chỉ lầm thầm một mình: “Ai mà muốn con mình chết bao giờ.” Cô tôi và bố tôi rất thân và thương nhau vì lúc nhỏ khi các bác tôi đi học ở xa nhà chỉ còn có ba chị em mà chú Bảy thì lại còn nhỏ, bố tôi chỉ kém cô tôi có một tuổi. Khi cô tôi đi lấy chồng, bà tôi cũng bắt đầu ngấm nghé vợ cho bố tôi.

Bà rất ưng ý một cô con của bà bạn thân, nhà rất khá giả và cô cũng đẹp. Bà cô có đánh tiếng và nhà gái bằng lòng chỉ chờ bố tôi đi xem mặt. Bà tôi thúc giục bố tôi mấy lần, nhưng lần nào bố tôi cũng tìm cách từ chối khéo, giằng dưa mãi cả gần năm trời, nhà gái thấy bố tôi vẫn chưa động tĩnh gì bèn nhờ người sang dò hỏi bà tôi một lần chót để bà quyết định vì có người khác muốn đi hỏi cưới cô con gái bà. Bố tôi biết tin ấy bèn thưa với bà tôi là: “Mẹ bảo cô ấy đi lấy chồng đi.” Thế là từ đó bà tôi không đả động gì đến chuyện cưới vợ cho bố tôi nữa. Khi gặp mẹ tôi, bố mẹ tôi đã yêu thương nhau ngay. Bố tôi về thưa chuyện với bà tôi để cưới mẹ tuy lúc đầu bà có hơi ngần ngại vì chưa biết mặt mẹ tôi và gia thế như thế nào.

Bà và cô tôi có bàn với nhau về chuyện đó, nhưng bà tôi biết tính của bố tôi, khi đã quyết định chuyện gì thì khó có ai mà lay chuyển đổi ý được, phần nữa tính của bố tôi rất khó chiều. sau cùng bà và cô tôi đã chấp nhận mẹ, tôi rất vui vẻ, bà và cô tôi nói với nhau “thế là từ nay mọi chuyện của bố tôi đã có mẹ tôi gánh lấy, mẹ con mình được thảnh thơi”. Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi, bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố tôi và tôn trong tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha.

Cà phê mua thứ thượng hạng nguyên hột đem về nhà xay lấy. Khi bố tôi vừa ở tòa soạn về thì đã có sẵn một chậu nước nóng ấm và một cái khăn mặt để sẵn để bố tôi lau mặt. Thay quần áo ra, sau khi tắm xong thì cơm nước đã dọn sẵn. Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm cảnh, tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp tình nhân họ chèo thật chạm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âm yếm. Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình, mẹ tôi rất thích được nghe bố tôi nói chuyện đó là những giây phút sung sướng của mẹ tôi.

Bố tôi viết văn, viết báo, và có nhà in riêng do một nhóm anh em và bạn bè chung vốn, bố tôi rất bận rộn với công việc. Sáng sớm đã rời nhà để lên tòa soạn làm việc, chiều mới vè. Khi về, bố tôi đi tắm thay bộ áo ngủ, trong lúc bố tôi tắm thì mẹ tôi đã sửa soạn bữa ăn tối, thức ăn bố tôi không đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh khiết, sạch sẽ, và bày cho gọn và đẹp mắt.


Bố tôi thích những món ăn thanh như canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã dọn ăn ngày hôm trước. Có một lần mẹ tôi kho một nồi cá thật công phu định để làm món mặn ăn mấy ngày. Ngày đầu dọn cá kho ra bố tôi thích lắm vừa ăn vừa khen và ăn hết gần một khúc cá kho. Qua ngày hôm sau mẹ tôi lại dọn cá kho ra nữa bố tôi hỏi mẹ tôi “Cá này là cá gỗ phải không?” và không đụng đũa vào dĩa cá nữa nên từ đó trở đi không bao giờ mẹ tôi dọn thức ăn đã ăn ngày hôm trước nữa. Nhà cửa thì lúc nào cũng phải sạch sẽ gọn gàng.


Trước giờ bố tôi về, mẹ tôi luôn coi lại nhà cửa tuy lúc nào cũng dọn dẹp cho sạch rồi nhưng nhà có trẻ con thì không thể giữ được gọn gàng như ý muốn. Chỉ một chiếc guốc hay dép hoặc đồ chơi của trẻ con vứt ở giữa nhà thì cả nhà bị mắng ngay. Bố tôi rất khó tính và ít khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo xe cho bố tôi đi làm hàng ngày nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kéo xe đổ mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm, anh phu xe chẳng mất khi được kéo xe cho bố tôi cả, quanh quẩn ở nhà phụ việc lặt vặt với mẹ tôi.

Bố tôi rất yêu tôi, tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái, chỉ mt cái thôi không bao giờ bố tôi cho thêm, tôi biết như vậy nên cũng không bao giờ dám xin thêm. Tôi ăn viên kẹo đó thật chậm, chỉ ngậm chứ không dám nhau, khi chất ngọt của kẹo đã tàn gần hết bên trong có một hạt hạnh nhân tôi cắn tan và nhau thật kỹ, vừa ròn vừa bùi.

Ngày tôi còn bé bố tôi bảo mẹ may một cái yếm dãi cho tôi lúc nào cũng đeo ở trước ngực có thêu chữ “Ðừng hôn tôi”. Chắc bố tôi sợ mọi người thấy tôi mũm mĩm dễ thương thì hay hôn lên má tôi như vậy không vệ sinh và có thể lây bệnh. Khi trời trở lạnh mẹ tôi nói để mua mũ cho tôi đội thì bố tôi bảo tóc con nó dầy và đen nhanh không cần đội mũ trông xấu xí. Khi mẹ tôi có thai tôi thì bố đã chọn tên sẵn con đầu lòng thì đặt là Bạch kế là Ðằng rồi Giang, lấy tên một dòng sông. Ðến khi tôi chào đời là gái bố tôi ngại khi lớn lên tôi đen đúa cho nên đổi tên khác cho tôi, nhưng sau vẫn giữ hai tên đã chọn sẵn cho hai em tôi. Có lẽ cũng là số mệnh đã định sẵn cho nên bố tôi đã chị chọn có ba tên.

Bố tôi không thích tiếp khách ở nhà, ngay cả bạn thân cũng vậy. Chỉ có chú Ðinh Hùng và bác Thế thỉnh thoảng đến có một lần. Chú Ðinh Hùng có lần uống rượu say nôn mửa tung tóe, mẹ tôi lấy vôi rồi bôi vào gan bàn chân của chú. Chủ trẻ hơn bố tôi vài tuổi, người thấp và bé nhỏ, tóc để dài và chải ngược về phía sau và lúc nào cũng bôi brillantine bóng mướt.

Khi còn sinh thời (sống) bố mẹ tôi ở tại đầu làng Yên Phụ trong một căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nhà ở ngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu xà xuống gần mặt nước hồ có cái cầu bằng gỗ đưa ngoài xa. Tôi hay ra cầu đó ngồi thả đôi chân xuống nước rồi đung đưa đôi chân dưới lần nước thật mát. Ðường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ, trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thất nước hồ, đi qua một cái đình lớn là tới nhà bố tôi. Ði sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những dàn hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh, ăn thì thật thơm và ngọt.

Trừ một vài gia đình từ xa đến ở thuê phần đông làng Yên Phụ sống bằng nghề trồng hoa, đủ các loại từ thược dược tím, đỏ, tía, cúc vạn thọ, vàng ươn, đại đóa vàng mơn, lay ơn trắng hồng, huệ trắng thơm ngào ngạt, v.v... Buổi sáng sớm các tay buôn hoa từ các nơi đều đến vườn hoa để mua buôn về bán lẻ lại tại chợ hoa và các chợ trong thành phố. Một số gia đình có đông người thì họ tự cắt hoa rồi đem ra chợ bán như vậy họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Sau khi bố tôi mất, bà nội tôi đã đón mẹ tôi và chị em chúng tôi về lại Cẩm Giang ở với bà. Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa.

Thấm thoát bố tôi đã ra đi hơn chục năm rồi, hàng năm đến ngày giỗ bố khi mẹ tôi còn sống năm nào bà cũng làm giỗ thật trang trọng dù lúc đó nhà nghèo bà cũng xoay xở để có đủ tiền mua gà, vịt, xôi chè, và các thứ cần thiết cho việc cúng bái, nhất là hoa sen và hoa cẩm chướng hai thứ hoa mà bố tôi thích nhất và thạch trắng thái nhuyễn thả vào trong chén nước đường có thả hoa nhài màu thạch long lanh trông như nhưng mảnh vụn thủy tinh và mùi thơn của hoa nhài, cộng thêm mùi trầm hương của cúng tỏa ra từ trên bàn thờ, tôi có cảm tưởng qua làn khói mỏng đó, bố tôi đã hưởng được và ẩn hiện đâu đây để vui cùng con cháu. Mẹ tôi mất cũng đã hơn hai chục năm qua, chị em chúng tôi cũng vẫn cúng giỗ bố tôi y như hồi mẹ tôi còn sống, năm nào cũng có cô tôi và các cháu của bố tôi tham dự. Năm nay lại sắp đến ngày giỗ của bố tôi, tôi viết bài này để dâng lên hương hồn của bố tôi và để tưởng niệm một nhà văn đã được khen là người viết truyện ngắn hay nhất của đầu thế kỷ thứ 20.


(Tường Nhung là con gái út của nhà văn Thạch Lam và cũng là phu nhân cố trung tướng Ngô Quang Trưởng)

VIỆT NAM THẬP NIÊN 1890

Những hình ảnh về Việt Nam thập niên 1890

Bờ hồ Hoàn Kiếm, gần lối vào đền Ngọc Sơn, Hà Nội 1896. Một trạm tàu điện đã được xây dựng tại khu vực này năm 1916. Hình ảnh do nhiếp ảnh gia Pháp Firmin André Salles (1860-1929) thực hiện, được giới thiệu trong bộ sưu tập của thành viên Manhhai trên trang Flickr.com.Bờ hồ Hoàn Kiếm, gần lối vào đền Ngọc Sơn, Hà Nội 1896. Một trạm tàu điện đã được xây dựng tại khu vực này năm 1916. Hình ảnh do nhiếp ảnh gia Pháp Firmin André Salles (1860-1929) thực hiện, được giới thiệu trong bộ sưu tập của thành viên Manhhai trên trang Flickr.com.

Cầu Thê Húc trên hồ Hoàn Kiếm năm 1896 là một cây cầu gỗ khá thô sơ. Trong lịch sử tồn tại, cây cầu này đã nhiều lần bị gãy và được dựng lại.
Cầu Thê Húc trên hồ Hoàn Kiếm năm 1896 là một cây cầu gỗ khá thô sơ. Trong lịch sử tồn tại, cây cầu này đã nhiều lần bị gãy và được dựng lại.
 Đình Trấn Ba, một công trình thanh thoát trong đền Ngọc Sơn, 1896.
Đình Trấn Ba, một công trình thanh thoát trong đền Ngọc Sơn, 1896.
Tháp Rùa năm 1896, nhìn kỹ sẽ thấy trên đỉnh tháp có một bức tượng Nũ thần Tự do phiên bản thu nhỏ.
Tháp Rùa năm 1896, nhìn kỹ sẽ thấy trên đỉnh tháp có một bức tượng Nũ thần Tự do phiên bản thu nhỏ.
Ngôi đền phía Bắc trong quần thể đền Ngọc Sơn là nơi thờ danh tướng Trần Hưng Đạo, 1896.
Ngôi đền phía Bắc trong quần thể đền Ngọc Sơn là nơi thờ danh tướng Trần Hưng Đạo, 1896.
Mặt tiền của đền Quán Thánh cạnh Hồ Tây, Hà Nội năm 1896.
Mặt tiền của đền Quán Thánh cạnh Hồ Tây, Hà Nội năm 1896.
Bờ Hồ Tây, phía trước đền Quán Thánh, ngày nay là nơi đường Thanh Niên chạy qua.
Bờ Hồ Tây, phía trước đền Quán Thánh, ngày nay là nơi đường Thanh Niên chạy qua.
 Bốn trụ cột ở lối vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 1896. Người Pháp gọi công trình này là "chùa Quạ", vị có rất nhiều quạ làm tổ ở đây.
Bốn trụ cột ở lối vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 1896. Người Pháp gọi công trình này là “chùa Quạ”, vị có rất nhiều quạ làm tổ ở đây.
Hồ nước đối diện Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các nằm ở bên phải bức ảnh.
Hồ nước đối diện Khuê Văn Các trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các nằm ở bên phải bức ảnh.
Đôi hạc ở hai bên ban thờ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đôi hạc ở hai bên ban thờ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Chùa Một Cột năm 1896.
Chùa Một Cột năm 1896.
Khung cảnh nhìn từ trên cầu thang của chùa Một Cột, năm 1896.
Khung cảnh nhìn từ trên cầu thang của chùa Một Cột, năm 1896.
Chùa Một Cột năm 1898, trông khá tàn tạ so với bức ảnh chụp 2 năm trước đó.
Chùa Một Cột năm 1898, trông khá tàn tạ so với bức ảnh chụp 2 năm trước đó.
Nghệ nhân thêu Phan Van Khoan vẽ hình Chùa Một cột để thêu, Hà Nội 1898.
Nghệ nhân thêu Phan Van Khoan vẽ hình Chùa Một cột để thêu, Hà Nội 1898.
 Thợ thêu Phan Văn Khoan tại nhà mình ở Hà Nội trong ngày Tết, 1898.
Thợ thêu Phan Văn Khoan tại nhà mình ở Hà Nội trong ngày Tết, 1898.
Chân dung chụp năm 1896 của chàng trai 17 tuổi Vi Văn Định - con trai của Tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Lý. Sau này ông Vi Văn Định trở thành Tổng đốc tỉnh Thái Bình (1929-1937) và tỉnh Hà Đông (1937-1941).
Chân dung chụp năm 1896 của chàng trai 17 tuổi Vi Văn Định – con trai của Tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Lý. Sau này ông Vi Văn Định trở thành Tổng đốc tỉnh Thái Bình (1929-1937) và tỉnh Hà Đông (1937-1941).
Ông Vi Văn Định cũng là bố vợ của hai người nổi tiếng, đó là Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và GS Hồ Đắc Di - Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội.
Ông Vi Văn Định cũng là bố vợ của hai người nổi tiếng, đó là Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và GS Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội.
Ba người con khác của Tổng đốc Lạng Sơn (ngồi và đứng trên ghế).
Ba người con khác của Tổng đốc Lạng Sơn (ngồi và đứng trên ghế).
Tam quan của đền Kiếp Bạc, Hải Dương năm 1904.
Tam quan của đền Kiếp Bạc, Hải Dương năm 1904.
Đàm đông tụ tập nghe xướng danh người trúng tuyển trong kỳ thi Hương Nam Định năm 1897. Dưới triều Nguyễn, cứ 3 năm triều đình lại mở khóa thi Hương ở các tỉnh lớn dành cho mọi đối tượng, người thi đỗ năm sau sẽ lên kinh đô để thi Hội và thi Ðình.
Đàm đông tụ tập nghe xướng danh người trúng tuyển trong kỳ thi Hương Nam Định năm 1897. Dưới triều Nguyễn, cứ 3 năm triều đình lại mở khóa thi Hương ở các tỉnh lớn dành cho mọi đối tượng, người thi đỗ năm sau sẽ lên kinh đô để thi Hội và thi Ðình.
Công bố tên người trúng tuyển kỳ thi Hương, Nam Định năm 1897. Người có nhiệm vụ xướng danh các sĩ tử đỗ đạt sẽ cầm một chiếc loa, đứng trên cao và đọc to họ tên, quê quán của từng người.
Công bố tên người trúng tuyển kỳ thi Hương, Nam Định năm 1897. Người có nhiệm vụ xướng danh các sĩ tử đỗ đạt sẽ cầm một chiếc loa, đứng trên cao và đọc to họ tên, quê quán của từng người.
Thí sinh trúng tuyển diễu hành qua các giám khảo, Nam Định năm 1897.
Thí sinh trúng tuyển diễu hành qua các giám khảo, Nam Định năm 1897.
Ông Cao Xuân Dục, Tổng đốc Nam Định có mặt trong buổi lễ vinh danh những người đỗ đạt, 1897.
Ông Cao Xuân Dục, Tổng đốc Nam Định có mặt trong buổi lễ vinh danh những người đỗ đạt, 1897.
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn năm 1895.
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn năm 1895.
 Tòa nhà bưu điện Sài Gòn, 1895.
Tòa nhà bưu điện Sài Gòn, 1895.
 Tòa nhà pháp đình ở Sài Gòn năm 1896 (nay là Tòa án Nhân dân TP HCM).
Tòa nhà pháp đình ở Sài Gòn năm 1896 (nay là Tòa án Nhân dân TP HCM).
Dinh Toàn quyền ở Sài Gòn, 1896. Công trình này đã bị hai phi công chế độ Sài Gòn ném bom phá hủy năm 1962, được xây dựng lại và khánh thành năm 1966 (lúc này gọi là Dinh Độc Lập), sau năm 1975 thì đổi tên thành Hội trường Thống Nhất.
Dinh Toàn quyền ở Sài Gòn, 1896. Công trình này đã bị hai phi công chế độ Sài Gòn ném bom phá hủy năm 1962, được xây dựng lại và khánh thành năm 1966 (lúc này gọi là Dinh Độc Lập), sau năm 1975 thì đổi tên thành Hội trường Thống Nhất.
Đại lộ Norodo (nay là đường Lê Duẩn) ở Sài Gòn năm 1896. Phía xa là bức tượng Gambetta.
Đại lộ Norodo (nay là đường Lê Duẩn) ở Sài Gòn năm 1896. Phía xa là bức tượng Gambetta.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn, 1895.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn, 1895.
Một khách sạn ở Sài Gòn, 1895.
Một khách sạn ở Sài Gòn, 1895.
Miếu Thất Phủ của người Hoa ở Chợ Lớn, 1895.
Miếu Thất Phủ của người Hoa ở Chợ Lớn, 1895.
Rạch Bến Nghé, Sài Gòn năm 1904.Rạch Bến Nghé, Sài Gòn năm 1890

CARLYLE A. THAYER * TRƯƠNG TẤN SANG ĐI MỸ

Bàn về chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Sang

Carlyle A. Thayer (BBC) - Có lẽ mục tiêu của Việt Nam là đẩy mạnh quan hệ trong những tháng tới để Tổng thống Obama có thể có chuyến thăm bên lề tới Việt Nam nơi hai nước sẽ ký hiệp định hợp tác chiến lược. Việt Nam sẽ được lợi vì hiệp định được ký trên đất của họ trong khi Hoa Kỳ cũng có lợi vì Tổng thống Obama sẽ tới Đông Nam Á thúc đẩy chiến lược tái cân bằng...
*
Hồi đầu tháng Sáu, Thủ tướng Việt Nam tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng Việt Nam muốn thiết lập quan hệ chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc.
Tới nay Việt Nam đã có quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Nga và Anh.
Giờ Việt Nam phát tín hiệu rằng họ muốn nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Pháp.
Vào giữa năm 2010 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Hà Nội, bà tuyên bố rằng đã có đủ điều kiện để đưa quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam lên tầm cao mới.
Nhưng, bà cảnh báo, trước hết Việt Nam cần cải thiện về nhân quyền. Kể từ chuyến thăm của bà Clinton, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi, nhất là trong nửa đầu năm nay.
Vào cuối năm 2011, các nhà ngoại giao ở Hà Nội nói đàm phán về quan hệ chiến lược đã bị đình trệ vì chuyện vấn đề nhân quyền cần được đề cập tới như thế nào trong dự thảo.
Phía Hoa Kỳ muốn có một điều khoản riêng về nhân quyền trong khi Việt Nam muốn nhân quyền chỉ nằm trong điều khoản nói về quan hệ chính trị.
Tới cuối năm 2012, Hoa Kỳ bất ngờ rút khỏi đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam.
Đối thoại được nối lại đầu năm nay nhưng không có cải thiện nhân quyền đáng chú ý nào.
Hồi tháng Sáu, hai quan chức cao cấp của chính quyền Obama điều trần trước Quốc hội về quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam và cả hai đều nhấn mạnh rằng cần phải có những thay đổi tích cực về nhân quyền ở Việt Nam.
Chính vì thế tin được hãng thông tấn Pháp AFP đưa hôm 11/7 rằng Tổng thống Barack Obama đã mời người tương nhiệm Trương Tấn Sang thăm Washington vào cuối tháng là điều ít nhiều gây ngạc nhiên.
Hai ngày trước đó Việt Nam tuyên bố hoãn phiên xử của nhân vật bất đồng chính kiến có liên hệ với Hoa Kỳ, ông Lê Quốc Quân.
Hai bên cùng lợi
Tại sao Hoa Kỳ lại có vẻ thay đổi quan điểm về nhân quyền và mời chủ tịch Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ? Câu trả lời có thể nằm ở chính sách tái cân bằng và tiến triển gần đây trong quan hệ Việt - Trung theo sau chuyến thăm của ông Sang tới Bắc Kinh.
Việt Nam cũng đang tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hà Nội đã vận động trong ít nhất một năm trở lại đây để Tổng thống Obama tới thăm. Hồi tháng Sáu, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội thăm Washington cùng phái đoàn cao cấp.
Liệu cả hai phía đã đồng ý được về một sự trao đi đổi lại?! Việt Nam có thể đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ trong khi Washington muốn thâm nhập sâu thêm vào Việt Nam. 
Một số nhà lãnh đạo Việt Nam dường như đã kết luận rằng nếu bế tắc trong quan hệ với Hoa Kỳ không được khai thông, họ sẽ không có nhiều con bài trong quan hệ với Trung Quốc.
Việt Nam muốn Hoa Kỳ xóa bỏ các hạn chế trong Quy định về Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR) mà theo đó hiện nay Việt Nam chỉ được phép mua vũ khí không sát thương tùy từng trường hợp. Mặc dù vậy, quy định này có lẽ sẽ không được xóa bỏ.
Nhưng gần đây ITAR cũng đã được sửa đổi và cho phép bán các công nghệ và thiết bị lưỡng dụng (quân-dân sự).
Khó mà có thể đoán được sự thay đổi cách nhìn của Hoa Kỳ đối với ITAR nhưng điều chắc chắn hơn là Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam trong cam kết đầu tiên của họ đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố quyết định tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại đối thoại Shangri-La.
Chuyến thăm của ông Sang tới Hoa Kỳ là một phần cố gắng của Hà Nội nhằm có được hiệp định hợp tác chiến lược với Washington.
Tổng thống Obama sẽ cố gắng để có được những cam kết thêm nữa từ phía Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ kinh tế thông qua Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Chủ tịch Sang hứa hẹn sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới trước Thượng đỉnh Á Đông tại Brunei vào tháng Mười năm nay.
Có lẽ mục tiêu của Việt Nam là đẩy mạnh quan hệ trong những tháng tới để Tổng thống Obama có thể có chuyến thăm bên lề tới Việt Nam nơi hai nước sẽ ký hiệp định hợp tác chiến lược.
Việt Nam sẽ được lợi vì hiệp định được ký trên đất của họ trong khi Hoa Kỳ cũng có lợi vì Tổng thống Obama sẽ tới Đông Nam Á thúc đẩy chiến lược tái cân bằng.
Giáo sư Danh dự, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130711_ban_ve_chuyen_chu_tich_sang_tham_hoa_ky.shtml


 

Quan điểm trái chiều sau cuộc gặp Sang - Obama

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-07-31

000_Was7756478-305.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama tiếp Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/07/2013.
AFP


Những nhận định sau chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang chia làm hai nhóm rõ rệt.

Không đột phá?

Chuyến đi công du nước Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm tốn khá nhiều thời gian và giấy mực của công luận trước khi ông lên máy bay. Thời gian và giấy mực lại tiếp tục hao tốn sau khi ông đã hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Sự chú ý đó có lẽ do một phần vào sự gấp rút của chuyến đi, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc trước đó của ông Sang. Và sự gấp rút đó lại nằm trong tương quan “lực lượng” khác nhau quá lớn giữa hai quốc gia. Bình luận về tương quan hai nước Việt - Mỹ trong cuộc gặp này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason nói với đài RFA:
“Tôi nghĩ chuyến đi tương đối gấp rút và có lẽ đó là ý vọng của Việt Nam nhiều hơn và ông Obama cũng đáp ứng với cái ý vọng đó. Bởi vì ông cũng không muốn Trung Quốc tính toán sai lầm có thể gây ra những mâu thuẫn gọi là cái nẩy sảy cái ung.”
Kết quả của cuộc gặp gỡ không phải là một đột phá gì cả đối với các nhà quan sát, nhưng đồng thời mỗi bên đều hoàn thành những mục tiêu chiến lược của mình.
-GS Nguyễn Mạnh Hùng
Nhận định thận trọng của một nhà chuyên môn về bang giao quốc tế cho thấy rằng một cuộc gặp dù ngắn ngủi, không có vẻ quan trọng lắm trên bàn nghị sự của tổng thống Hoa Kỳ nếu so với bao chuyện đau đầu khác trên hành tinh mà ông phải có quyết sách, nhưng cũng được tính toán rất thận trọng. Sau cuộc gặp Sang - Obama, trên blog của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Hoa Kỳ, Giáo sư Hùng viết:
“Kết quả của cuộc gặp gỡ không phải là một đột phá gì cả đối với các nhà quan sát, nhưng đồng thời mỗi bên đều hoàn thành những mục tiêu chiến lược của mình trong chừng mực nào đó.”
Nhận định này là một sự nhất quán thận trọng của một nhà quan sát ngoại giao lâu năm. Nhưng bên cạnh đó cũng có những nhận định có vẻ nóng nảy hơn, đi kèm với những nhận xét rằng chuyến đi của ông Sang không được trọng thị. Có lẻ tiêu biểu nhất trong các nhận định theo hướng này là của nhà báo Ngô Nhân Dụng ở hải ngoại, ông viết:

vl-nmh-250.jpg

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phóng viên Việt Long tại Trụ sở Đài Á Châu Tự Do ở Washington DC hôm 30/7/2013. RFA PHOTO.
“Phải nói là chuyến đi của Tư Sang về tay không, vì kết quả cụ thể duy nhất là lời hứa hẹn hai chính phủ sẽ ráo riết tiến tới trong vụ Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP để kết thúc vào cuối năm nay.”
Có thể nhận định trên đây là do không thấy điều chi cụ thể, cái mà Giáo sư Hùng nhận xét là “Không có đột phá”. Nhưng, nhà báo Ngô Nhân Dụng viết tiếp với rất nhiều xúc cảm về chuyến đi của ông Sang:

Chắc không riêng mình Tư Sang lo chạy chọt xin đi gấp. Cả bộ chính trị đảng cộng sản cũng lo.”

Có những vấn đề tích cực?

Trong khi đó, trước chuyến đi của ông Sang đã có nhiều mong mỏi từ giới bất đồng chính kiến trong nước mà tiêu biểu là lá thư gửi chủ tịch nước của các nhân sĩ trí thức, mong muốn ông Sang nhân cơ hội này xúc tiến công cuộc thoát Hán, tức là thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa mà nhiều người mong đợi. Ông Lê Hiếu Đằng, chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản, cũng là người có tên trong nhóm trí thức ấy. Ông Đằng cũng nổi tiếng với những ý kiến phản biện ở trong nước, nhiều lần lên tiếng thẳng thắn phê phán chế độ cai trị trong nước mà ông gọi là chế độ toàn trị.
Ông Lê Hiếu Đằng nhận xét về kết quả chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang như sau:
Nếu mà so hai cuộc thăm viếng thì một bên là vui vẻ còn bên kia là lạnh lùng của một nước lớn khinh miệt tiếp một nước nhỏ.
-Ông Lê Hiếu Đằng
“Nếu so với cuộc gặp với Trung Quốc trước đó với chuyến đi Mỹ của chủ tịch Trương Tấn Sang thì một bên là khô cứng còn đối với nước Mỹ thì mặc dù họ có những khó khăn không thể áp dụng tất cả những nghi thức ngoại giao nhưng mà thấy cũng vui vẻ mà nhất là có những vấn đề tích cực trong đó có đặt vấn đề về sự trở lại của Mỹ tại vùng châu Á Thái Bình Dương, coi đó là nhân tố giữ vững ổn định cho khu vực. Nếu mà so hai cuộc thăm viếng thì một bên là vui vẻ còn bên kia là lạnh lùng của một nước lớn khinh miệt tiếp một nước nhỏ... Tôi đánh giá cao kết quả của chuyến công du của chủ tịch Trương Tấn Sang.”
Một cuộc gặp giữa hai đối tác có nhiều khác biệt, lại có một lịch sử quan hệ nhiều đau thương đưa tới những nhận định trái ngược nhau thì cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, các ý kiến lại đưa ra từ nhiều cấp độ khác nhau, để đánh giá về một bàn cờ thế tay ba khó khăn Việt - Mỹ - Trung, và có thể xa hơn là ASEAN - Mỹ - Trung, chứ không phải ở thế lưỡng cực ta - địch của cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn hai thập niên.
Một ván cờ tay ba đã khó, sự thoát Hán theo đúng nghĩa văn hóa lịch sử địa chính trị hàng ngàn năm của nó có lẽ cũng khó không kém. Có thể sự khó khăn và phức tạp nằm ở cái khó khăn khi quyết định của những người cầm quyền ở Việt Nam cho những nước cờ tiếp theo của cuộc cờ tay ba mà Việt Nam bị lôi vào. Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi ông Lê Hiếu Đằng nói:
“Vấn đề là tập thể bộ chính trị suy nghĩ như thế nào, nếu họ nhận ra xu hướng phát triển của sự việc, thì họ phải lựa chọn con đường tiến bộ hiện nay trên thế giới.”
 
Việt-Mỹ : Quan hệ đối tác ‘chưa’ toàn diện
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang gặp báo chí tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng (Washington DC) ngày 25/07/2013.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang gặp báo chí tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng (Washington DC) ngày 25/07/2013.
REUTERS/Yuri Gripas
Trọng Nghĩa
Yếu tố nổi bật nhất nhân chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang – mà đỉnh cao là cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/07/2013 tại Nhà Trắng – là sự kiện hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên hàng « đối tác toàn diện ». Bên cạnh đó, các hồ sơ khác như hợp tác song phương trong mọi lãnh vực, vấn đề nhân quyền và tình hình Biển Đông cũng được hai bên đề cập tới.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước Việt Nam đã có kết quả như thế nào ? Việt Nam và Hoa Kỳ đã thu hoạch được gì ? Hồ sơ Biển Đông, mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam đã được đề cập đến ra sao ? Để tìm hiểu thêm về kết quả này, RFI đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc (Trường Đại học New South Wales)
Điểm được giáo sư Thayer ghi nhận trước tiên là tính chất gấp rút của chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam, thể hiện qua khoảng thời gian cực kỳ ngắn ngủi – khoảng hai tuần lễ - từ lúc chuyến công du được tiết lộ (AFP - ngày 10/07/2013) cho đến ngày ông Trương Tấn Sang lên đường (ngày 23/07/2013).
Trong một bài phân tích đăng trên trang web YaleGlobal của trường Đại học Yale, nhà báo David Browne đã giải thích tính chất vội vã của chuyến đi này bằng thất bại của lãnh đạo Việt Nam không đạt được những gì mong muốn nhân chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng Sáu.
Quan điểm nói trên không được giáo sư Thayer tán đồng. Trong một bài viết ngày 23/07 vừa qua, ông cho biết là theo một số nguồn thạo tin, ý tưởng về chuyến công du Mỹ của lãnh đạo Việt Nam đã được gợi lên từ tháng Tư năm nay, phía Việt Nam thoạt đầu đã chần chờ nhưng sau đó đã phản ứng nhanh chóng. Lời mời chính thức đã được phía Mỹ nêu lên vào khoảng mồng 2, mồng 3 tháng 7, và phía Việt Nam đã trả lời thuận một tuần sau đó, vào khoảng ngày 10 hay 11.
Trả lời Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Thayer cho rằng, dù gấp rút, nhưng chuyến công du nước Mỹ của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vừa qua là một dịp tốt để hai bên định hướng mới cho quan hệ song phương đã hết sức phát triển trong thời gia gần đây.
Chuyến thăm Washington của ông Trương Tấn Sang chỉ được báo trước một thời gian rất ngắn trước lúc diễn ra. Hiện chưa rõ là bên nào đã chủ động đề xuất sáng kiến này. Dường như là phía Mỹ đã thúc đẩy trở lại vào tháng Tư vừa qua các cuộc thảo luận về một chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam, sau khi Ngoại trưởng John Kerry hủy bỏ một chuyến thăm Việt Nam từng được dự kiến. Đó là lần thứ hai mà ông Kery hủy bỏ kế hoạch ghé Việt Nam.
Bối cảnh nêu trên rất cần thiết để giúp ta hiểu được rằng chuyến thăm (Mỹ) của Chủ tịch Việt Nam chủ yếu là để điều chỉnh đúng hướng quan hệ Mỹ-Việt. Cả hai bên đều được lợi.
Hoa Kỳ nêu bật được thành tố kinh tế trong chiến lược xoay trục
Theo giáo sư Thayer, với các thỏa thuận đã đạt được với Việt Nam nhân chuyến công du của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đặc biệt là với việc Việt Nam đồng ý đúc kết thỏa thuận tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương vào cuối năm nay, chính quyền Obama đã chứng tỏ một cách cụ thể chính sách xoay trục qua châu Á của họ còn có một vế kinh tế quan trọng, có lợi cho người Mỹ và nước Mỹ. Giáo sư Thayer phân tích :
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama thì thúc đẩy được việc sớm kết thúc (đàm phán) về thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nêu bật được cố gắng tăng công ăn việc làm cho người lao động Mỹ.
Kể từ khi chính quyền Obama tuyên bố chiến lược tái cân bằng lực lượng qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Washington đã phải dày công nhấn mạnh rằng chủ trương này đi xa hơn là việc tăng cường sự hiện diện quân sự đơn thuần. Quan hệ đối tác toàn diện của Mỹ với Việt Nam, sau một quan hệ tương tự đã đạt với Indonesia trong năm 2010, đã mang lại thành tố kinh tế cho chiến lược tái cân bằng.
Việt Nam khéo tránh được búa rìu về nhân quyền
Về phía Việt Nam, giáo sư Thayer cho rằng thu hoạch của ông Sang nhân chuyến đi này cũng rất lớn, nhất là hóa giải được phần nào búa rìu dư luận trên tình trạng yếu kém về mặt nhân quyền của Việt Nam
Về phần Việt Nam, nước này tìm cách duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được thực hiện ngay sau chuyến công du Bắc Kinh của ông từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6.
Những thành quả chính trị lớn của chuyến thăm Mỹ của ông Sang, theo quan điểm của Việt Nam, bao hàm việc xử lý khéo léo về vấn đề nhân quyền. Tháp tùng theo chủ tịch nước Việt Nam qua Mỹ có một số chức sắc tôn giáo. Họ đã thảo luận (với phía Mỹ) về các vấn đề tự do tôn giáo. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã chứng minh được rằng (Hà Nội) vẫn có thể « làm ăn » với Washington, bất chấp cảnh báo của Mỹ về nguy cơ quan hệ song phương không thể tiến bộ nếu Việt Nam không chứng tỏ được tiến bộ trong lãnh vực nhân quyền.
Trong lĩnh vực quan hệ giữa hai nước, cả hai vị nguyên thủ đã đồng ý thành lập một cơ chế ngoại giao chính trị song phương mới cấp Bộ và Tổng thống Obama cam kết sẽ cố gắng đi thăm Việt Nam trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Tháng Tư vừa qua, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua một nghị quyết về hội nhập quốc tế. Nghị quyết này đặt ưu tiên hàng đầu cho việc hội nhập kinh tế. Nhìn trên tổng thể, thành công lớn nhất của ông Trương Tấn Sang nhân chuyến đi Mỹ lần này là tập trung được quan hệ song phương vào lãnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, và hướng được cả Việt Nam lẫn Mỹ vào mục tiêu đạt được thỏa thuận chung cuộc về TPP vào cuối năm nay.
Biển Đông không có gì mới
Riêng về hồ sơ Biển Đông, ông Thayer từng nhận định trong bài phân tích công bố hôm 23/07 là vấn đề này chỉ giữ một vai trò thứ yếu trong các cuộc thảo luận Việt-Mỹ nhân chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang.
Trong bản tuyên bố chung Việt-Mỹ, tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc tuy được gợi lên, nhưng một cách ngắn gọn :
« Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đồng thời tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả. »
Đối với giáo sư Thayer, các tuyên bố trên đây không có gì mới so với những gì hai bên từng nêu lên. Ông giải thích :
Về cơ bản không có gì điểm gì mới được hai lãnh đạo Việt Mỹ nêu lên. Đây cũng là điều được chờ đợi. Mỹ vẫn duy trì lập trường trung lập cố hữu trên vấn đề chủ quyền.
Cả hai bên đều khẳng định trở lại các quan điểm trước đây, theo đó các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cả hai lãnh đạo đều « nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả.
Đối tác ‘toàn diện’ thay vì ‘chiến lược’ như Việt Nam mong muốn
Kết quả nổi bật nhất của chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam tuy nhiên chính là việc hai nước đồng ý nâng cấp quan hệ lên mức đối tác toàn diện mà nội dung được tóm tắt trong đoạn thứ hai của bản Tuyên bố chung :
« Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nhà Lãnh đạo tuyên bố quan hệ Đối tác toàn diện nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên toàn thế giới. Quan hệ Đối tác Toàn diện mới sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch. »
Đối với giáo sư Thayer, quan hệ đối tác toàn diện này có thể được xem là một bước tiến trong quan hệ Việt Mỹ, nhưng không đạt được mức mà Việt Nam mong muốn là một quan hệ « đối tác chiến lược », mà khả năng từng được cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu lên cách nay ba năm, nhưng sau đó đã gặp bế tắc trên hồ sơ nhân quyền. Giáo sư Thayer giải thích :
Quan hệ đối tác toàn diện là một tuyên bố chính trị ghi nhận việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mối quan hệ tỏa rộng ra chín lĩnh vực chính yếu, và xác định rằng hai bên cần phải nâng cấp các cơ chế song phương để chỉ đạo tiến trình hợp tác trong tương lai.
Mỹ đã gợi lên khả năng thiết lập một quan hệ « đối tác chiến lược » (với Việt Nam) lần đầu tiên là vào năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội. Đàm phán đã nhanh chóng gặp bế tắc trên vấn đề nhân quyền.
Về phần mình, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc chủ chốt. Cho đến nay Việt Nam đã đàm phán xong với 12 đối tác chiến lược. Trong bài phát biểu của mình tại cuộc Đối thoại Shangri-La vào năm nay (31/05/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên ý định của Việt Nam là muốn có một thỏa thuận hợp tác chiến lược với toàn bộ 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã có thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga, Anh Quốc nhưng chưa có với Pháp và Mỹ.
Do thời gian chuẩn bị cho cuộc họp giữa hai lãnh đạo quá ngắn - chỉ hai tuần - quan hệ đối tác toàn diện (Mỹ-Việt) thực sự là một công việc đang trên đường hình thành.
Tài liệu hiện thời chủ yếu nhắc lại và tóm lược các hoạt động hợp tác đã được tiến hành từ nhiều năm qua. Bây giờ đến phiên lãnh đạo hai nước duy trì trao đổi cấp cao, đồng ý trên một Kế hoạch Hành động để vạch ra hướng tiến bước với các mục tiêu cụ thể, và có thể là sẽ tạo ra một ban chỉ đạo chung để giám sát việc thực hiện các dự án đã được đồng ý.
Trong bài phân tích sâu hơn về quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt công bố hôm 26/07 vừa qua, giáo sư đã đưa ra hai giả thuyết về việc tại sao nhân chuyến công du Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang lần này, Washington và Hà Nội lại chọn phương án « toàn diện » thay vì « chiến lược ».
Theo ông, giả thuyết thứ nhất là do việc các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược đã sa lầy và có lẽ hai bên đã kết luận rằng một thỏa thuận không chính thức vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận nào cả.
Giả thuyết thứ hai là sự chống đối của các thành phần bảo thủ trong giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam.
Các nguồn tin (Việt Nam) cho tôi biết rằng gần đến ngày ông Sang đi Mỹ, các thành phần bảo thủ trong đảng đã bắt đầu phản đối một thỏa thuận hợp tác chiến lược chính thức, sợ rằng Mỹ thúc đẩy quan hệ song phương quá nhanh.
Sau khi thỏa thuận hợp tác toàn diện đã được loan báo, Bộ Ngoại giao đã ban hành một chỉ thị cho các phương tiện truyền thông, yêu cầu họ không nên mô tả thỏa thuận này như việc « nâng cấp » quan hệ song phương. Các phương tiện truyền thông được chỉ đạo là chỉ đưa tin rằng hai nhà lãnh đạo đã loan báo việc thành lập quan hệ đối tác toàn diện.
Theo giáo sư Thayer, cho đến nay, Việt Nam đã từng có tiền lệ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Úc. Tuy nhiên thỏa thuận với Hoa Kỳ, trong thời điểm hiện nay, vẫn chưa nêu lên được tầm nhìn chiến lược vốn hiện diện trong thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện với Úc. Và đương nhiên, thỏa thuận với Mỹ, vẫn ở tầm mức thấp hơn các quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước khác, trong đó có Nga, Trung Quốc và Anh Quốc.

Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ

Cập nhật: 21:08 GMT - thứ năm, 25 tháng 7, 2013

Tổng thống Obama nói sẽ 'cố gắng' thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang, Hoa Kỳ và Việt Nam ra tuyên bố chung về quan hệ "đối tác toàn diện" (comprehensive partnership).
Tuyên bố chung, được đăng trên trang web Nhà Trắng, nói ông Obama và Trương Tấn Sang "quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ để đem lại khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan hệ".
Quan hệ này dựa trên các nguyên tắc "tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Quan hệ mới sẽ tạo ra "cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực gồm quan hệ ngoại giao và chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch," theo tuyên bố chung.
Tuyên bố chung Việt - Mỹ tái khẳng định "ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ"
Việt Nam nói đồng ý ký Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay và sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014.
Các phóng viên ghi nhận Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/7 thúc giục Chủ tịch Trương Tấn Sang tăng cường tự do ngôn luận và tôn giáo ở Việt Nam, nhưng lạc quan về triển vọng quan hệ.
Hai nhà lãnh đạo tỏ ra vui vẻ trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục.
Ông Obama tiết lộ ông Sang đã tặng bản sao lá thư lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman năm 1946, đề nghị Mỹ giúp đỡ.
"Tất cả chúng ta đều nhận ra lịch sử vô cùng phức tạp giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng từng bước một, chúng ta đã có thể thiết lập một mức độ tôn trọng và tin tưởng nhau," ông Obama nói.

'Toàn diện' hay 'chiến lược'?

Trước chuyến đi của ông Trương Tấn Sang, giới quan sát đã nhắc tới nguyện vọng của Việt Nam muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ.
Thực ra, ý tưởng nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược lần đầu tiên được đưa ra trong chuyến thăm Hà Nội năm 2010 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là bà Hillary Clinton.
Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược với 12 quốc gia là Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc (2009), Tây Ban Nha (2009), Anh quốc (2010), Đức (2011), Ý, Singapore, Indonesia và Thái Lan(2013).Trong đó, quan hệ với Nga và Trung Quốc còn được nâng lên một mức cao hơn nữa là đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm nay cho hay Việt Nam muốn có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có nghĩa là cả Pháp và Hoa Kỳ.
Theo chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia, cụm từ 'đối tác chiến lược' được dùng để chỉ các nước mà Việt Nam cho rằng tối quan trọng cho quyền lợi quốc gia của mình.
Ông nói có hai cách giải thích tại sao quan hệ Việt-Mỹ hiện nay được gọi là 'toàn diện' mà không phải 'chiến lược'.
Thứ nhất, theo ông Thayer, quá trình đàm phán đối tác chiến lược có thể đã gặp nhiều trắc trở và ngưng trệ khiến hai bên quyết định cho ra một thỏa thuận chung chung thay vì không đưa ra được thỏa thuận nào.
Nhưng lý do khác, mà ông Thayer viện dẫn một số nguồn tin của ông cho biết, là một số nhân vật thủ cựu trong Đảng Cộng sản Việt Nam phản đối việc sử dụng cụm từ "đối tác chiến lược" trong quan hệ với Mỹ. Ông nói với BBC rằng báo chí Việt Nam khi phản ánh về tuyên bố chung Mỹ-Việt hôm 25/7 đã được chỉ đạo không nói đây là sự nâng cấp, mà chỉ nói hai bên 'xác lập quan hệ đối tác toàn diện'.
Tuy nhiên, để đạt được một quan hệ đối tác phát triển trên một tầm cao mới, hai nước cần phải có các chương trình hành động chung hướng tới viễn cảnh lâu dài có tính chiến lược.

'Thẳng thắn'

Tổng thống Obama đã có phát biểu sau điều mà ông mô tả là cuộc đối thoại "rất thẳng thắn" tại Nhà Trắng với ông Trương Tấn Sang.
"Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả chúng ta phải tôn trọng các vấn đề như tự do bày tỏ, tự do tôn giáo, tự do hội họp," ông Obama nói với các phóng viên ở Phòng Bầu dục, trong khi ông Sang ở cạnh.
"Chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn về cả tiến bộ mà Việt Nam đạt được và những thách thức còn tồn tại," ông nói.
Hàng trăm người biểu tình, đa số là người Mỹ gốc Việt, vẫy cờ Việt Nam Cộng Hòa và hô khẩu hiệu từ Công viên Lafayette, thỉnh thoảng vang tới cả bên trong Nhà Trắng.
Hai nhà lãnh đạo tỏ ra vui vẻ trong cuộc gặp
Hai nhà lãnh đạo tỏ ra vui vẻ trong cuộc gặp
Tổng thống Mỹ cho hay hai người quyết tâm hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trước cuối năm.
Ông nói nó sẽ tạo thêm việc làm và tăng đầu tư ở châu Á và hai quốc gia.
Chủ tịch Việt Nam, thừa nhận hai bên còn những "khác biệt", nói ông Obama sẽ "cố gắng" để thăm Việt Nam trước khi nhiệm kỳ kết thúc.
Phát biểu qua phiên dịch, ông Sang nói: "Chúng tôi sẽ tăng cường các trao đổi cấp cao giữa hai nước."
Ông Obama nói ông muốn một quan hệ đối tác với Việt Nam bao gồm gia tăng thương mại, hợp tác quân sự, trao đổi giáo dục và khoa học.
Ông Obama cho biết hai nước vẫn đang làm việc về "những vấn đề di sản chiến tranh", như người Mỹ mất tích và sức khỏe của người Việt từ việc Mỹ dùng chất diệt cỏ trong chiến tranh.
Một yếu tố làm Mỹ xích lại Việt Nam là lo ngại về Trung Quốc.
Ông Obama nhắc lại kêu gọi có tiến bộ trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển giữa Asean và Trung Quốc.
Ông nói ông hy vọng sẽ có bộ quy tắc "giúp giải quyết những vấn đề này trong hòa bình và công bằng".
"Chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn về cả tiến bộ mà Việt Nam đạt được và những thách thức còn tồn tại."
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Theo Bấm lịch trình, ông Obama sẽ rời Nhà Trắng ra phi trường Andrews để bay tới Florida lúc 11:30.
Tổng thống sẽ trở lại Nhà Trắng vào lúc 17:35 để tiếp tục một số hoạt động ở Washington DC.
Các hình ảnh cho thấy đông đảo người Việt ở Hoa Kỳ đã có mặt ở trước cửa Nhà Trắng để phản đối tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Trong số người biểu tình có ông Joseph Cao, người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ.
Các biểu ngữ mà người biểu tình mang theo có 'Trương Tấn Sang go home', tức 'Trương Tấn Sang hãy về nhà' và 'Free Điếu Cày', tức 'Trả tự do cho Điếu Cày', người mà ông Obama từng nhắc tới trong một diễn văn về tự do ngôn luận trên thế giới.
Hiện có tin blogger Điếu Cày đã tuyệt thực trong nhiều ngày qua.
Không rõ ông Obama có nhắc lại tên của blogger này trong cuộc gặp với ông Sang hay không.

Nhân quyền và khí hậu

Nhà Trắng nói hai vị nguyên thủ quốc gia có kế hoạch thảo luận về tình trạng nhân quyền Việt Nam và biến đổi khí hậu.
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nói nhìn toàn cảnh của chuyến công du ba ngày của Chủ tịch Sang và cách tiếp đón ông tại Hoa Kỳ, "người ta không khỏi có cảm tưởng rằng Việt Nam cộng sản chưa thể gọi là "đối tác chiến lược quan trọng" của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á như những gì mà truyền thông cũng như lãnh đạo Hà Nội đã đặt kỳ vọng trước chuyến đi này."
Luật sư Khanh nói thêm: "Buổi tiệc duy nhất mà chính phủ Hoa Kỳ chiêu đãi ngài Chủ tịch Trương Tấn Sang là buổi "ăn trưa làm việc với Ngoại trưởng John Kerry tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua 24/7.
"Chủ tịch Sang không được nghi lễ đón tiếp cấp nhà nước, thậm chí người đón ông Chủ tịch vào Tòa Bạch Ốc để giới thiệu với Tổng thống Obama chỉ ở cấp Đại sứ đó là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Đại sứ Marshall người chịu trách Lễ tân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
"Khác hẳn với chuyến đi hồi tháng 6 vừa qua của Chủ tịch Sang đến Trung Quốc khi ông được long trọng đón tiếp và cùng với Chủ tịch Tập duyệt dàn chào danh dự.
Biểu tình ở Nhà Trắng
Đông đảo người Việt chống Đảng Cộng sản có mặt gần Nhà Trắng
"Liệu Chủ tịch Sang và các đồng chí của ông trong Bộ Chính Trị sẽ nghĩ gì khi phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?"

Obama nói gì sau khi gặp Chủ tịch Sang?

Cập nhật: 20:58 GMT - thứ năm, 25 tháng 7, 2013
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang, Hoa Kỳ và Việt Nam ra tuyên bố chung về quan hệ "đối tác toàn diện" (comprehensive partnership).
Tuyên bố chung, được đăng trên trang web Nhà Trắng, nói ông Obama và Trương Tấn Sang "quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ để đem lại khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan hệ".
Quan hệ này dựa trên các nguyên tắc "tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Quan hệ mới sẽ tạo ra "cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực gồm quan hệ ngoại giao và chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch," theo tuyên bố chung.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang có phát biểu trước giới phóng viên.
Xin giới thiệu với quý vị nội dung phát biểu của Tổng thống Obama:
"Tôi hân hạnh được chào đón Chủ tịch Trương Tấn Sang đến Nhà Trắng và Phòng Bầu dục cho cuộc gặp song phương đầu tiên với tôi. Sự kiện này thể hiện tiến bộ vững chắc và củng cố quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Rõ ràng tất cả chúng ta đều nhận ra lịch sử vô cùng phức tạp giữa Mỹ và Việt Nam. Từng bước một, chúng ta đã có thể thiết lập một mức độ tôn trọng và tin tưởng nhau, cho phép chúng ta giờ đây loan báo quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Điều này sẽ cho phép có hợp tác lớn hơn nữa về một loạt vấn đề từ thương mại đến hợp tác quân sự, công tác đa phương về các vấn đề như trợ giúp thiên tai, trao đổi khoa học và giáo dục.
Chúng tôi cũng thảo luận về các cách thức mà Mỹ và Việt Nam đang tham gia thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đó sẽ là nỗ lực vô cùng tham vọng để gia tăng thương mại, buôn bán và minh bạch trong quan hệ thương mại ở vùng châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi quyết tâm với mục tiêu tham vọng là hoàn tất thỏa thuận này trước cuối năm vì chúng tôi biết rằng điều này có thể tạo thêm việc làm và tăng đầu tư khắp khu vực và ở hai nước chúng ta.
Chúng tôi đã thảo luận nhu cầu tiếp tục các nỗ lực giải quyết trong hòa bình những vấn đề trên biển đã xảy ra ở Biển Nam Trung Hoa và các nơi khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Và chúng tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam làm việc với ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để chúng ta đạt được các Quy tắc Ứng xử mà sẽ giúp giải quyết các vấn đề này trong hòa bình và công bằng.

Ông Obama nói cuộc gặp thể hiện tiến bộ vững chắc và củng cố quan hệ giữa hai nước
Chúng tôi đã thảo luận những thách thức mà tất cả chúng ta đối mặt trong các vấn đề nhân quyền. Chúng tôi nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả chúng ta phải tôn trọng các vấn đề như tự do bày tỏ, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Và chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn cả về tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được và những thách thức còn tồn tại.
Cả hai chúng tôi tái khẳng định những nỗ lực đã có để giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác tiếp tục của Việt Nam trong cố gắng tìm lại những người mất tích và những người đã chết trong chiến tranh. Và tôi tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ làm việc với Việt Nam quanh một số vấn đề môi trường và sức khỏe đã tiếp tục nhiều thập niên sau đó, vì chiến tranh.
"Tôi vô cùng trân trọng chuyến thăm của ngài. Nó là dấu hiệu cho sự trưởng thành và bước phát triển kế tiếp giữa Mỹ và Việt Nam."
Cuối cùng, chúng tôi đồng ý rằng một trong những nguồn sức mạnh giữa hai nước chúng ta là dân số Mỹ gốc Việt ở đây nhưng rõ ràng vẫn duy trì quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam. Và trên hết, những quan hệ người với người đó là chất keo có thể tăng cường quan hệ giữa bất kỳ hai quốc gia nào.
Vì thế tôi chỉ muốn nói với Chủ tịch Sang tôi vô cùng trân trọng chuyến thăm của ngài. Nó là dấu hiệu cho sự trưởng thành và bước phát triển kế tiếp giữa Mỹ và Việt Nam. Khi chúng ta gia tăng tham vấn, tăng cường hợp tác, thương mại, trao đổi khoa học và giáo dục, nó sẽ tốt cho sự thịnh vượng và cơ hội của nhân dân tại Mỹ, cũng như tốt cho cơ hội và thịnh vượng của nhân dân Việt Nam.
Vào cuối cuộc gặp, Chủ tịch Sang chia sẻ với tôi bản sao lá thư của Hồ Chí Minh gửi Harry Truman. Và chúng tôi đã bàn về việc Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas Jefferson. Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thì cũng là điều tốt khi chúng ta còn đang có tiến bộ.
Cảm ơn ngài rất nhiều vì chuyến thăm. Và tôi trông đợi chúng ta tiếp tục hợp tác với nhau."

No comments: