Tuesday, November 15, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * ĐÈN CÙ * PHÙNG CUNG

PHAN TUẦN SAN * ĐƯỜNG VÀO ĐIA NGỤC

 
OP-34A - Đường Vào Địa Ngục
 Thân tặng Tuấn, Đa, các bạn toán Bear, cùng tất cả các chiến hữu đã nằm xuống cho chính nghĩa Quốc Gia, cùng các chiến hữu còn sống sót hiện đang vất vưởng tại quê nhà hay đang sống lưu vong nơi hải ngoại.

Sau sô thực tập đêm tại Sông Mao vào Giáng Sinh năm 1963, toán chúng tôi được nghỉ hai tuần phép. Ai về nhà nấy. Tôi, Đa,Tuấn về Sài Gòn, các anh em khác kẻ về Tùng Nghĩa, người về Sông Mao, Long Khánh. Trong thời gian nghỉ, tôi nhận được lệnh liên lạc với thiếu tá Sam để nhận công tác. Tôi về đến nhà được hai ngày chưa kịp đến sở, Thiếu Tá Sam đã đến gặp tôi. 
Ông trao cho tôi 12 tấm cheques, mỗi tấm 50,000 đồng với lời dặn: “ những tấm cheques này được trao lại cho vợ con, cha mẹ của những người đi công tác”, và chỉ có hiệu lực khi chúng tôi đã đặt chân xuống mục tiêu (MT). 50,000 đồng lúc bấy giờ là một món tiền rất lớn (nếu tôi nhớ không lầm, một lượng vàng lúc đó chỉ độ 3,4 ngàn đồng mà thôi). 
Tôi thầm nghĩ, người Mỹ đánh giá mạng sống của chúng tôi hơi cao đấy, nhưng chúng tôi tình nguyện ra đi để xâm nhập vào lòng đất địch không phải vì đồng tiền của Mỹ, mà vì chúng tôi theo đuổi lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam, phụng sự đất nước, bảo vệ chính nghĩa Quốc Gia. Nhưng thôi, có còn hơn không! Đằng nào chúng tôi cũng đã chấp nhận ra đi vào cõi chết, thân nhân chúng tôi có được đền đáp đôi chút, chúng tôi cũng thấy ấm lòng.
Những ngày vui của chúng tôi qua mau. Thấm thoát đã đến ngày tập trung. Tôi từ giã người vợ trẻ và đứa con thơ mới được một tuổi để lên đường. Vợ tôi không biết tôi đi đâu và làm gì! Bấy lâu nay, nàng vẫn tưởng tôi còn phục vụ ở số 3 Bạch Đằng. Tôi thường vắng nhà đi công tác vài ba tháng, nửa năm là chuyện thường, nàng không hề để ý, hỏi han. Tội nghiệp thay! Nếu tôi có mệnh hệ nào, nàng sẽ trở thành góa phụ trong lúc tuổi còn quá trẻ. Con tôi, khi lớn lên, sẽ không thể hình dung được bố nó là ai. 
Nhiều đêm nằm bên vợ con, tôi thầm thở dài, trằn trọc nhìn giấc ngủ vô tư của vợ con. Tôi thương thân mình, thương cho vợ, cho con. Đành thôi! Đất nước loạn ly, phải đòi hỏi những cống hiến của tuổi trẻ chúng tôi. Nếu chúng tôi không chịu thiệt thòi, mất mát,ai sẽ là người sẽ thay thế chúng tôi? Nếu chúng tôi cũng hòa nhập vào giòng đời bàng quan trước thế sự, mảnh đất tự do miền Nam này đến bao giờ mới thực sự thanh bình, thoát khỏi móng vuốt đe dọa của lũ quỷ đỏ vô thần cộng sản Bắc Việt xâm lược? Thế là tôi gạt nước mắt, âm thầm vĩnh biệt vợ con ra đi.
Chúng tôi vào phòng “hành quân” ở trại Quyết Thắng, Long Thành. Tất cả đều có mặt đầy đủ. Một vài anh có đôi chút ưu tư, nhất là những anh lớn tuổi, vợ con đùm đề. Còn các anh trẻ độc thân thì vẫn vui như tết, không cần biết đến ngày mai sẽ làm gì, đi đâu. Đại úy Sang, trưởng trại đến gặp chúng tôi, thông báo có chút thay đổi. Địch có vẻ đã cài được người vào ta, nên kế hoạch bị lộ từ nửa năm nay. Từ tháng 10 đến tháng 12, Sở bị mất 3 toán không có tin tức gì. Hình như tất cả đều bị bắt ngay vừa chạm đất. Tôi bàng hoàng. Tôi có ba người bạn học là Vũ Văn Hùng, Vũ Văn Chương, Nông Ngọc Mão mới đi tháng trước. Tôi còn nhớ những khuôn mặt đầy vẻ hào hứng, tự tin của tụi nó khi tôi đến chia tay tại cửa phòng hành quân. Vậy mà bây giờ tôi đã mất tụi nó vĩnh viễn rồi. Trong khi chờ đợi lệnh mới, chúng tôi bắt đầu vào một chương trình ôn luyện, chỉ được đi phép mỗi cuối tháng sau khi lãnh lương.
Khoảng giữa năm 1964, tôi nhận được lệnh của Sở đi tuyển mộ và thành lập toán Leaper chỉ có 8 người:
1- Đinh Công Châu (dân tộc Mường) Toán trưởng
2- Bùi Văn Giao (dân tộc Mường) Toán phó
3- Nguyễn Văn Thái (dân tộc Kinh) Truyền tin
4- Nguyễn Văn Tính (dân tộc Kinh)
5- Đinh Viết Nam (dân tộc Thổ,Cao Bằng)
6- Dương Văn Liễu (dân tộc Thổ)
7- Hoàng Văn Dõng (dân tộc Thổ)
8- Hoàng Văn Thế (dân tộc Thổ)
Tháng 10 năm 1964, lệnh trên cho toán Leaper lên đường trước với lời giải thích là tôi còn có công tác nên toán Bear của chúng tôi sẽ đi sau. Khi toán của Châu lên đường, tôi hàng ngày liên lạc với Ban Chỉ Huy trại để nghe ngóng tin tức. Một tuần sau, tôi nhận được tin buồn, cả toán Leaper đều mất tích! Sở không bắt được liên lạc ngay từ cái đêm thả! Tôi thầm lo, nhưng không dám phổ biến tin này sợ anh em trong toán nản lòng hay hoảng sợ rồi rã ngũ về nhà. 
Sau này tôi được biết thêm, cả toán bị dân quân du kích đón bắt ngay khi dù còn đang lơ lửng trên không. Giao và Nam bị bắn chết khi cố gắng trốn chạy. Còn lại, tất cả bị bắt sống. (hiện nay, Nguyễn Văn Tính định cư ở Melbourne, Úc Châu, số còn lại định cư tại Mỹ. Vừa qua, tất cả đều đã được Mỹ bồi thường cho mỗi người 40,000 Mỹ Kim.). Một tháng sau, chúng tôi nhận được lệnh cấm trại 100%. Chúng tôi chỉ được quanh quẩn ở khu gọi là “phòng hành quân”. Cho tới lúc đó, toán chúng tôi vẫn có mặt đầy đủ:
1- Tôi, trưởng toán.
2- Linh Văn Đa(dân tộc Thổ, Lạng Sơn)Toán phó
3- Hoàng Anh Tuấn (dân tộc Kinh) Truyền Tin
4- Đàm Văn Liên (dân tộc Tày, Cao Bằng)
5- Vy Văn Sình (dân tộc Tày)
6- Lô Viết San (dân tộc Tày)
7- La Văn Gioỏng (dân tộc Thổ)
8- Sẻ Khìu Sáng (dân tộc Thái Đen, Sơn La)
9- Lò Văn On (dân tộc Thái Đen)
10- Đinh Viết Lợi (dân tộc Mường)
11- Đinh Công Thạch (dân tộc Mường)
12- Bùi Văn Chính (dân tộc Mường)
Ngày 11/12/1964 (khoảng cuối tháng 10 Âm Lịch), lúc 4 giờ sáng, chúng tôi ra phi trường Long Thành cùng với vũ khí, quân trang quân dụng, lên một phi cơ Caribou đen thùi lũi để bay đi Nha Trang. Ở đây, chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi tới chiều. 7 giờ tối, chúng tôi lên máy bay hướng thẳng Thái Lan, có đại úy Dũng, sĩ quan liên lạc bên cạnh cố vấn Mỹ đi theo. Chúng tôi đáp xuống phi trường U Ta Pao, và được chuyển sang một chiếc DC6B không sơn phù hiệu gì cả. Phi hành đoàn toàn là người Mỹ.
 Đại úy Dũng lên máy bay, nói vắn tắt kế hoạch OP34A mà chúng tôi phải thi hành. Ngoài nhiệm vụ chính là kiểm soát, thâu lượm tin tức trên Trục lộ 20 Tây Bắc giáp biên giới Lào-Việt, chúng tôi còn có nhiệm vụ “nằm vùng” tại quê nhà của mỗi người. Tuấn có nhiệm vụ nối liên lạc với anh em trên trục lộ Bắc Ninh-Bắc Giang ngược lên đến Chũ. Đa về vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Riêng tôi, phải tìm mọi cách kết nối các đơn vị nằm vùng rải từ Hà Nội đến Thanh Hóa. Lệnh này chỉ được phổ biến mật cho từng người vào giờ phút chót khi máy bay sắp cất cánh. Sau đó, đại úy Dũng bắt tay từng người và chúc chúng tôi thành công.
11 giờ 10 đêm hôm đó, máy bay chở chúng tôi thẳng về hướng Tây Bắc của tổ quốc Việt Nam . Mục tiêu hay điểm đáp của chúng tôi là Công Trường 40 (chuyên nuôi bò) ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chỉ cách biên giới Lào có 17 km. Dân vùng này đa số là người dân tộc Thái Đen. 1 giờ 15 sáng, máy bay hạ thấp dần, và chúng tôi được lệnh chuẩn bị.Đêm nay cuối tháng, không trăng sao. Đứng ở cửa máy bay, tôi chỉ thấy một mầu đen bao la. Tôi được biết khi đến không phận Lào-Việt Nam,máy bay phải bay rất cao để tránh Rada và các đài quan sát của địch, chỉ hạ thấp khi đến gần mục tiêu. Nếu nhận được ám hiệu, chúng tôi phải nhẩy ngay, nếu không, máy bay sẽ bay thẳng và trở về chờ chuyến khác. Tôi quay nhìn về phía sau để kiểm soát lần chót toán của mình. Bỗng đèn xanh bật sáng, không nghĩ ngợi, tôi lao mình vào khỏang không gian mờ mịt.
Khi dù bật mở, tôi nhìn xuống và nhận ra ngay mục tiêu ở phía dưới xa, chênh chếch bên trái tôi do ngọn lửa được đốt theo hình chữ “T” như đã được quy định. Tôi là người nhẩy đầu tiên, nên hơi xa mục tiêu. Những dù phía sau thả gần mục tiêu hơn. 
Thay vì lái dù theo hướng mục tiêu ngay, nhưng vốn tính thận trọng, tôi để dù rơi tự do, định khoảng nửa chừng sẽ điều chỉnh hướng cũng không muộn để tôi có thời giờ quan sát động tĩnh ở bên dưới. Được nửa chừng, sau khi quan sát thấy những bóng dù lơ lửng trên chữ “T” đang hạ dần xuống nhưng khu vực vẫn yên tĩnh, tôi chuẩn bị lái dù hướng về mục tiêu. Tôi mới nắm hai sợi dây điều khiển, bỗng nhiều tràng súng nổ ròn rã. Do ánh lửa hắt lên không trung, tôi thấy rõ ba anh bị trúng đạn khi dù chỉ còn cách mặt đất chừng vài chục mét. Từ phía chữ “T” hai bóng dù khạc đạn bắn trả, mà sau này tôi biết được là của Toán phó Đa và Đàm Văn Liên, một cựu quân nhân kỳ cưu từ thời còn quân đội Liên Hiệp Pháp.
Nguy rồi! Chúng tôi đã bị địch phục kích, được địch chờ đón ngay tại mục tiêu! Tôi lái vội dù vào mé rừng. Một loạt đạn cầy trước mặt tôi khi chân vừa chạm đất. Tôi ôm súng lăn vào bụi rậm. Một cánh dù hạ xuống cách tôi khoảng trăm mét. Tôi thấy hình dáng quen thuộc của Tuấn truyền tin, vội thét “Tuấn, tao đây”. Tuấn ôm súng lao về phía tôi, không kịp kéo theo máy truyền tin vì địch đang bắn xối xả về phía nó. 
Chúng tôi chạy ngược hướng chữ “T” lên một sườn núi cây cối rậm rạp. Lên được sườn núi rồi, chúng tôi mới an tâm vì núi đá nhấp nhô tạo nên những chướng ngại vật che chở chúng tôi. Tôi và Tuấn nấp sau một mô đá lớn chằng chịt những lá “han” (một loại lá khi chạm vào gây ngứa ngáy vô cùng) nhìn xuống mục tiêu. Bọn du kích lô nhô trong ánh lửa bập bùng hình như đã bao vây khắp cả vùng. Những người còn sống sót đều bị bắt và tập trung vào giữa. Một toán du kích đang lao về phía chúng tôi. Tôi và Tuấn lùi dần về phía đỉnh núi, ẩn trong một cái hang thiên nhiên. Hang tuy không sâu lắm, nhưng khá kín đáo vì dây leo và cây cỏ xen lẫn với lá “han” che kín khắp cả. Chúng tôi ai nấy đều mệt lả người. 
Tất cả mọi thứ đều bị mất hết, kể cả bản đồ, địa bàn, máy thu phát tín hiệu. Chúng tôi chỉ còn giữ được cây súng và vài ba băng đạn cùng cây dao đi rừng và một bi-đông nước. Tôi bàn với Tuấn đợi trời sáng, mặt trời mọc để định hướng rồi sẽ lần theo hướng Tây để đi về biên giới Lào. Tôi biết rằng điểm đáp của chúng tôi chỉ cách biên giới Lào có 17 km. Chúng tôi nhất định phải thoát sang Lào, dù bên đó chúng tôi có lọt vào Cánh Đồng Chum, căn cứ của bọn Pathet Lào nhưng cũng còn hơn là lẩn quẩn ở đây chờ tụi du kích đến bắt. Trong tình hình này, theo tôi, có thể bộ đội Bắc Việt cũng đã được điều động đến đây để bao vây chúng tôi.
Hôm đó, chúng tôi lần xuống bên kia chân núi, lọt vào một vùng rừng hoang vu không dấu chân người. Chúng tôi cứ thế luồn lách đi, đi mãi theo hướng Tây. Ngày đi, đêm nghỉ, vì ban đêm chúng tôi không thể định hướng. Qua ngày thứ ba, chúng tôi hết nước( một bi-đông được xử dụng trong ba ngày đã là một kỷ lục đối với chúng tôi rồi!). Bụng đói meo vì chúng tôi đã đánh mất tất cả lương khô ngay từ ngày đầu. Ba ngày nay, chúng tôi chỉ ăn toàn là đọt chuối rừng, thỉnh thoảng vớ được một, hai nải chuối chín cầm hơi. Tới một thung lũng, bất ngờ chúng tôi phát giác ra được một con suối nhỏ, nước chảy róc rách luồn qua những bụi nứa mênh mông chằng chịt. Nhìn Tuấn, môi nứt nẻ cười méo mó, tôi cũng không cầm được nỗi vui mừng muốn kêu lên nhưng kịp hãm lại được. Có thể chúng tôi vẫn còn ở trong lòng địch, phải cẩn thận. Tôi canh chừng để Tuấn xuống múc hai bi-đông nước đầy. Chúng tôi nghỉ lại bên bờ suối một đêm.
Hôm sau, chúng tôi thám sát mở rộng, tìm ra được một con đường mòn, có lẽ do những người vào rừng chặt nứa tạo nên. Chúng tôi đoán là có bản làng ở gần đây. Tuấn nói là hồi đêm khi nó canh gác cho tôi ngủ, nó nghe có tiếng gà gáy ở phương nào vọng lại. Tôi không để ý lắm vì nghĩ là đó chỉ là tiếng gà rừng. Nay phát giác ra con đường mòn này, tôi tin chắc là chung quanh phải có bản làng. Đã có bản làng, nhất định phải có vườn tược, nương rẫy. Bây giờ đã chớm Đông, là mùa khoai sắn ở miền Bắc. 
Tôi bàn với Tuấn, cứ theo hướng con đường mòn mà đi, nhưng tránh xa lề đường để phòng gặp dân đi rừng. Chúng tôi lần mò đi cho tới khi mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu, quả nhiên bắt gặp một nương sắn (khoai mì). Tôi bảo Tuấn nấp trong bụi canh chừng cho tôi vào nhổ sắn. Tôi nhổ được chừng chục gốc, bẻ lấy củ ôm vào rừng. Chúng tôi rút sâu vào rừng khoảng một tiếng đồng hồ thì dừng lại. Hôm đó, chúng tôi được một bữa no căng bụng. Tôi ước tính, có lẽ chúng tôi đã sang tới bên phần đất của Lào, nên chủ quan, nổi lửa để lùi sắn. Sau này tôi mới biết đó là một lầm lỗi tai hại nhất mà chúng tôi sẽ phải nhận lãnh hậu quả ghê gớm sau này.
Qua ngày hôm sau, Tuấn bàn là phải lấy thêm sắn để làm lương thực đi đường, vì kinh nghiệm những ngày qua cho chúng tôi thấy lương thực là vấn đề sinh tử của chúng tôi trên đường đào thoát. Đây cũng là một ý kiến tai hại mà lúc đó tôi không nhận ra. Chúng tôi lần mò tới nương sắn cũ. Lần này, tôi canh gác để Tuấn vào nhổ. Được một lát, tôi nghe một tiếng “rắc” khô khan, có lẽ Tuấn vô ý làm gẫy cây sắn? Tôi chưa kịp nhìn, một tiếng quát vang lên nghe như một tiếng súng nổ ngang đầu:
- Dơ tay lên! Các anh đã bị bắt.
Tôi giật mình nhìn quanh. Bọn du kích không biết từ đâu tới đã vây kín chúng tôi. Không còn lối thoát. Vậy là chúng tôi bị bắt.
Một tên du kích mặt trẻ măng xông tới, tay cầm cây CKC quật túi bụi trên chúng tôi bắt nằm xuống. Bọn chúng lột giầy rồi trói thúc ké chúng tôi lại rồi giaỉ về một bản gần đó. Dân bản phần đông ăn mặc theo lối người Thái vùng Tây Bắc, không biết được thông báo từ hồi nào đã đến đứng đầy ở sân trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã. Chúng tôi bị giải tới giữa sân cờ. Một tên quát “nằm xuống”, tôi chưa kịp phản ứng thì một báng súng AK đã giáng lên người khiến tôi ngã chúi về phía trước kéo Tuấn ngã theo. Bọn chúng bắt chúng tôi quỳ giữa sân. Một tên có vẻ là Xã Đội Trưởng, đội nón cối đeo xà cột bước ra. Hắn nhếch cặp môi thâm xì, cười nham hiểm bầy ra mấy cái răng vàng bựa khói thuốc lào:
- Chúng mày có chạy đàng giời cũng không thoát khỏi lực lượng quân đội nhân dân bách chiến bách thắng của chúng tao!
Sau đó hắn kể tội chúng tôi. Nào là đồ phản quốc, lính đánh thuê, làm gián điệp cho giặc. Dân làng đứng reo hò đả đảo vang trời. Trong tiếng reo hò man rợ đó, tôi nghe những tiếng thét “giết hết chúng nó đi, để làm gì lũ giặc biệt kích đó”, khiến tôi xanh mặt, thầm nghĩ chắc mạng mình tới đây là hết. Rồi những hòn đá, khúc cây tới tấp đổ lên thân mình chúng tôi. Tôi bị một hòn đá ném ngay sau ót, máu chẩy dầm dìa xuống cổ. Tuấn bị một khúc cây ngay trán nằm lăn lộn, máu chẩy đầy hai tay đang ôm lấy mặt.. Cứ tình hình này, có lẽ chúng tôi sẽ bị dân làng hành hạ chết tươi bằng một lối giết người của thời thượng cổ. Tên Xã Đội Trưởng nhìn chúng tôi lăn lộn một hồi rồi mới đưa tay ra cản dân chúng, miệng thét bọn du kích dẫn chúng tôi vào trong trụ sở. Chúng tôi thoát chết, có lẽ tên Xã Đội Trưởng cũng chỉ muốn dằn mặt chúng tôi.

Sau này, chúng tôi được biết là sở dĩ chúng tôi bị lộ khi trên đường đào thoát vì có một em bé chăn trâu trên đường về nhà thấy mấy gốc sắn bị nhổ nên khi về mách với cha mẹ. Cha mẹ chúng lên xã trình báo. Ngoài ra cũng có người trong bản trông thấy khói bay lên từ trong rừng không cách xa nương sắn bao nhiêu. Tôi tự giận mình đã quá vụng về và chủ quan, tưởng đã thoát được sang xứ Lào, không ngờ vẫn còn quanh quẩn trong vùng Mộc Châu! Thật uổng công cho chúng tôi đã miệt mài học về những trường hợp xử trí trong mưu sinh thoát hiểm! Giá mà chúng tôi chịu khó nhai sắn sống cầm hơi, giá mà chúng tôi không trở lại nhổ thêm sắn. Giá mà. . .giá mà. . 
.Tôi lắc đầu xua đuổi những chữ “giá mà” quái ác đó đi. Tên Xã Đội Trưởng còn cho chúng tôi biết thêm là tất cả những toán nhẩy Bắc của chúng tôi từ trước đến nay không có toán nào thoát. Toán nào cũng bị dàn chào ngay tại bãi đáp. Chúng tôi bị bán đứng! Địch đã xâm nhập vào bộ máy chính quyền VNCH của chúng tôi. Theo tên Xã Đội Trưởng, sau khi nhận được tin sẽ có một toán Biệt kích nhẩy xuống Mộc Châu, một trung đoàn bộ đội trên đường đi B (tức vào Nam) đã được lệnh dừng lại ở biên giới Lào để chặn bắt chúng tôi. Tôi ngao ngán thở dài. 
Chúng tôi là những con vật hy sinh, bị ném vào hỏa ngục một cách lạnh lùng không thương xót. Tuổi trẻ chúng tôi đã bị lợi dụng. Lý tưởng của chúng tôi đã bị bẻ cong. Chúng tôi đang trên đường đi vào Địa Ngục. Người ta thường bảo có mười tầng địa ngục, nhưng theo tôi, đường vào địa ngục cộng sản Bắc Việt còn thăm thẳm và khủng khiếp hơn truyền thuyết về địa ngục của Diêm Vương nhiều!
Chúng tôi được giao cho một đơn vị công an vũ trang, sau đó bị giải về trại tù Thanh Liệt (Hà Đông). Tại đây, tôi gặp lại anh em còn sống sót của toán. Chúng tôi bị kiên giam (mỗi người đều bị cùm chân, xích tay nhốt riêng rẽ trong một căn phòng chật hẹp tối om). Tuy vậy, tôi cũng tìm hiểu được những gì đã xẩy đến cho anh em trong toán. Vy Văn Sình, Lò Văn On, Đinh Công Thạch bị bắn chết tại chỗ, còn lại bị bắt sống ngay tại mục tiêu. Toán phó Đa bị chúng tra tấn dã man để hỏi tin tức về tôi và Tuấn. Không ai trong chúng tôi tiết lộ về công tác và nhiệm vụ thật sự của toán. Đó là một điểm son và là một niềm an ủi cho đến ngày nay.

1967, toàn bộ chúng tôi được chuyển đi giam giữ tại trại tù Phong Quang (Yên Bái). Đây là nơi giam giữ tù hình sự gồm đủ loại đầu trộm đuôi cướp, hãm hiếp, giết người. Nhưng đối với chúng tôi họ rất kính nể. Họ thường tỏ thái độ chống báng chế độ, chán ghét lũ công an,bộ đôi, và luôn tin tưởng VNCH sẽ thắng. Họ thường an ủi chúng tôi “ Các anh cứ yên tâm, chẳng bao lâu nữa quân đội Cộng Hòa sẽ ra đây giải thoát chúng mình” Chính nhờ họ mà chúng tôi lấy lại được niềm tin vào sự tất thắng của chính nghĩa Quốc Gia và cảm thấy tương lai không hẳn là mù mịt.
1970, Chúng tôi được chuyển về giam tại trại Tân Lập (Vĩnh Phú)
Tháng 8 năm 1972, Bất thình lình chúng tôi bị chuyển trại. Sau này nghe loáng thoáng bọn cán binh nói chuyên với nhau là việc chuyển trại để ngăn ngưà việc Mỹ có thể đột kích giải cứu tù binh Mỹ. Tuy trong trại chúng tôi chưa hề thấy có anh Mỹ nào bị nhốt ở đây. Sự kiện này ít ra cũng đã giúp chúng tôi củng cố thêm niềm tin để cố kéo dài kiếp sống nô lệ khổ sai thời thượng cổ.

Đoàn Molotova đưa chúng tôi ngược hướng Bắc đến tỉnh Hà Giang. Chúng tôi được đưa vào trại Quyết Tiến, tục gọi là Cổng Trời. Tôi không biết tại sao người ta lại đặt cái tên Cổng Trời cho trại tù ở mãi đỉnh cao nhất của đất nước này. Có lẽ đây là cái mốc chót của trần gian. Ai đã tới đây thì chỉ có nước là lên trời tức thiên đàng chứ không có ngày về, vì đây là một trại tù khủng khiếp nhất so với tất cả các trại tù mà tôi đã đi qua. Khủng khiếp từ sự hành hạ thể xác, lao động khổ sai, về cái đói kinh niên và nhất là về cái lạnh cắt da vào những tháng cuối năm.
 Tại đây tôi có nghe kể về nữ sĩ Thụy Ý (nếu tôi nhớ sai tên xin độc giả đính chính dùm) thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị đầy ải ở đây. Bà đã dùng đũa chọc mắt gắp ra đưa cho cán bộ và nói: “tao chỉ cần nhìn chế độ của chúng mày bằng một con mắt thôi”! Ghê gớm thay đởm lược của một người đàn bà! Cũng ở đây, tôi được biết không lực Mỹ đã oanh kích 11 ngày đêm liên tục xuống thành phố Hà Nội, khiến bọn Việt Cộng phải đem một số anh em chúng tôi ra trói vào chân cầu Long Biên để làm áp lực với Mỹ. Tôi rùng mình vì sự dã man, khát máu, không chút tình người của bè lũ cộng sản Bắc Việt.
Ngày 30/4/1975, tôi nhớ rất rõ cái ngày khủng khiếp này! Khi chúng tôi đang tập trung ở sân trại để sửa soạn đi lao động như thường lệ. Chúng tôi ngạc nhiên vì đã quá giờ mà không thấy tên cán bộ quản giáo nào tới phân công. Bỗng nhiên bọn vệ binh ở khu nhà gần cổng túa ra reo hò ầm ĩ, súng trong tay bắn chỉ thiên rầm rầm như pháo Tết. Tôi nghe bọn chúng la hét “chúng ta thắng rồi! Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng”! Nhiều tên ôm nhau khóc như cha chết. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Lát sau, tên quản giáo chạy tới, mặt mày hớn hở.

- “Hôm nay các anh được nghỉ lao động. Quân Đội Nhân Dân đã chiếm được dinh Tổng Thống ngụy quyền Sài Gòn. Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Các anh về lán sinh hoạt. Chúng tôi sẽ cho các anh liên hoan để mừng ngày đại thắng của quân dân ta. Mỹ đã cút, ngụy đã nhào. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm. Các anh hô to cùng tôi. Giải tán”
Tôi đứng dậy như người mất hồn. Tuấn nhào tới ôm lấy tôi khóc nức nở. Tôi cũng bật khóc trên vai nó như một đứa trẻ. Thế là hết! Bao nhiêu năm tháng tù đầy khổ sai như một tên nô lệ thời thượng cổ ở cái địa ngục khủng khiếp nhất trần gian này, chúng tôi vẫn cố gắng sống vì tin vào sự chiến thắng cuối cùng của chính thể VNCH, của chính nghĩa Quốc gia. Tất cả bây giờ đều sụp đổ tan tành. Chúng tôi loạng choạng đi về lán như những bóng ma không hồn trong một cõi âm ti thăm thẳm tanh nồng của loài quỷ dữ.
Tháng Giêng 1979, Tôi và một số anh em phải chia tay. Không biết các anh em khác bị chuyển đi trại nào. Riêng tôi bị đưa về trại 5 Lam Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tại đây tôi gặp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Tôi nghe nói Đại Úy Phan Nhật Nam cũng bị giam tại đây nhưng tôi không được gặp vì ông bị biệt giam.
1980, Tôi lại bị chuyển đến trại Thanh Phong, thuộc địa phận Thanh Hóa. Tôi ở trại này hơn 4 năm. Tháng 9/1984, nhân ngày Quốc Khánh của Việt Cộng, tôi nhận được lệnh tha.
Hai mươi năm thoi thóp trong địa ngục, một loại địa ngục khủng khiếp có một không hai của nhân loại, tôi sống sót trở về trên một chuyến tầu xuôi Nam . Hạnh phúc được gặp lại vợ con như vất vưởng xa vời không hề ăn nhập vào thân xác tôi. Tôi có còn là một con người không? Tôi có còn là tôi không? Vợ con tôi chắc gì còn hiện hữu hay chấp nhận tôi như một người thân thương khi chứng kiến một bóng ma lê lết trở về từ cõi âm ti rùng rợn? Tầu lửa xập xình trôi, trôi mãi như đưa tâm hồn tôi lịm dần trở về cõi u mê nào đó của hai mươi năm về trước........
Phan Tuấn Sơn
 

DU TỬ LÊ * LÊ ĐẠT

DU TỬ LÊ * LÊ ĐẠT   & HÈN ĐẠI NHÂN
Chúng ta cùng biết, nhà thơ Lê Ðạt là một trong những kiện tướng của Phong Trào Nhân Văn-Giai Phẩm, giữa thập niên 50 ở miền Bắc. Nhưng có dễ ít người biết rằng, ông còn là một nhà văn, với những truyện ngắn mang đầy tính trào lộng, sâu sắc tới dữ dội, không thua gì những bài thơ xung phá thẳng vào thành trì chế độ. (1)

Nếu ở lãnh vực thi ca, với thi phẩm nổi tiếng “Bóng Chữ,” Lê Ðạt cho thấy sự cật lực của ông trong nỗ lực phá rừng, xẻ núi cho thi ca
 có được một chân trời, một bình minh mới, thì ở lãnh vực văn xuôi, qua tập truyện “Hèn Ðại Nhân,” ông lại cho người đọc thấy mặt tài hoa khác, trong dòng văn học Việt Nam, hôm nay. (2)
Bằng giọng văn châm biếm, trào phúng mà sức quyến rũ là cả một từ trường mạnh mẽ ngùn ngụt đẩy, xô người đọc hăm hở uống từng trang sách của mình, Lê Ðạt, một lần nữa, đưa thể truyện ngắn, tới một chân trời mới.
Chân trời hay những cánh cửa...
... mà, 15 truyện ngắn trong tuyển tập “Hèn Ðại Nhân” mở ra cho người đọc, là những chân trời, hay những cánh cửa ẩn dụ, lênh láng tiếng cười và, cùng lúc, nước mắt.
Căn bản, là thi sĩ, nên suốt lộ trình văn xuôi mang tên “Hèn Ðại Nhân” của Lê Ðạt, người đọc cũng gặp không biết bao nhiêu những đoạn văn như thơ. Những nhân cách hóa bất ngờ mà, người ta thường chỉ thấy được, nơi những tài năng ngoại khổ.
Những bất ngờ đầy thi tính này, lại luôn song hành, kề cận những hình ảnh hay ý tưởng rất đời thường, rất mỉa mai... Khiến người đọc khó lòng giữ được thăng bằng cảm thức.
Bước vào thế giới truyện ngắn mang tên “Hèn Ðại Nhân” của Lê Ðạt, người đọc như một con diều giấy, mà chữ nghĩa của tác giả là sợi giây tơ nõn, vô hình; nhưng có khả năng thả ném con diều lên chín tầng mây. Ðể rồi, chỉ cần một chớp mắt hớ hênh, sợi giây chữ nghĩa của tác giả, lại giựt, ném con diều xuống bùn, đất.
Như trong truyện ngắn đầu tiên, truyện “Bài Haiku,” khi đề cập tới một nhân vật có tên là Yôda, một danh tướng buông gươm, cởi áo tìm về nẻo đạo, và ước mơ cuối cùng, được thở hơi thở thi ca: Hơi thở Hài Cú, bên cạnh một Basô, bất tử. Lê Ðạt viết:
“Hình như đấng tối cao cũng chứng cho lòng thành của người kiếm sĩ dốc lòng đổi nghiệp, nên những hạt mộng bỗng nẩy mầm, trái tim quen với sự sát phạt, như bầy chim ngậm những chồi xanh thả Mùa Xuân phủ bóng rợp lục chiến trường trơ trụi ngày xưa. Tướng quân Yôđa bỗng làm thơ... Và thơ ông được truyền tụng chẳng kém gì những chiến tích thuở trước.”
Dòng văn xuôi đang ắp đầy những giọt nước thi ca lấp lánh, vậy mà, không một báo trước, chỉ bằng một dấu chấm, Lê Ðạt viết tiếp: “Chỉ ít lâu sau, ông đã trở thành trưởng môn trường phái thơ Nayoga một cách hết sức dân chủ, tuy chẳng thông qua bỏ phiếu kín...”
Từ trái qua: Nhà thơ Du Tử Lê, nhà văn Lê Ðạt, nhà văn Nguyễn Ðức Tùng tại Hà Nội 2007. (Hình: Tác giả cung cấp)
Những cụm từ “hết sức dân chủ” và “thông qua bỏ phiếu kín” là những cụm từ phản ảnh sinh hoạt thời đại, sinh hoạt đời thường, hiện tại, của xã hội Việt Nam hôm nay.
Những tương phản, như những đối cực triệt để giữa hư cấu và, đời thường, là những cặp song sinh bất thường, nếu không muốn nói là “quái thai,” đầy rẫy trong cõi văn xuôi Lê Ðạt.
Tuy nhiên, như đã nói, căn bản, tác giả là thi sĩ, nên cách gì, người đọc cũng vẫn gặp được nơi tác phẩm này, những ví von, những so sánh hay những nhân cách hóa bất ngờ, như những ngụm nước mưa đầu nguồn, mà một lữ hành không chờ đợi trong cuộc hành trình sa mạc, giằng giặc của mình.
Cũng ngay nơi truyện ngắn vừa kể, về Basô, tác giả của những bài thơ Hài Cú tiêu biểu nhất của thể thơ Nhật Bản này, sau khi tỉnh rượu, bỏ đi, khiến trên một chục nhà danh họa, cuối cùng chẳng một ai ghi được chân dung Basô, Lê Ðạt viết:
“Trời chuếnh choáng gió như thế này, ai mà lại hóa dại ngồi một chỗ, khi con đường trước mặt tung tăng như một lời mời viễn du.”
Rồi, cũng chỉ với một dấu chấm nhỏ bé, Lê Ðạt lại bất ngờ giựt con diều (người đọc,) chúi nhủi xuống bùn, đất, với phản diện, tuy không khốc liệt, nhưng mênh mang ẩn dụ thấm thía, rằng:
“Cuộc vẽ bỏ dở và mãi cho đến giờ, Basô vẫn chưa có chân dung.
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay. Ai có được bức chân dung Trương Chi? Không biết Basô có thậm xấu như Trương Chi không, nhưng thơ Basô quả thậm hay...”
Cũng vậy, trong truyện ngắn “Vùng May Rủi,” một chuyện hư cấu khác, viết về hai người bạn già bỏ cả một đời chỉ để tìm cách đạt tới “chiến thắng” sau cùng, với những vòng quay, những con số trong một canh bạc.
Sòng bài ở đây, hiển nhiên, chỉ là một thế thân của định mệnh.
Khi mô tả những viên bi lăn tới, như những vòng lăn lạnh lẽo cuốn theo bao nhiêu sinh mạng về cõi chết, Lê Ðạt viết:
“Ðịnh mệnh soi mình lúc ẩn lúc hiện trên viên bi ngà quay ngược chiều với chiếc cần quay kim loại lanh canh nơi đáy đĩa thăm thẳm... Hạnh phúc... hạnh phúc sẽ rơi vào con số nào? Dăm tháng nửa năm, một phát súng lại nổ ngay cửa sòng bài chấm dứt một cuộc lần tìm may rủi bất tận. Có phải may rủi nằm trong thân phận con người?”
Và, chỉ ít dòng sau, khi mô tả sự ra về thất vọng, bẽ bàng của hai con thiêu thân manh tâm kình chống định mệnh, Lê Ðạt viết:
“Rồi hai người lặng lẽ ra về. Con đường đảo ngây ngất mùi hương vào xuân và những đôi trai gái đang giải khát môi nhau trên ghế đá. Tiếng chuông từ tháp giáo đường lanh lảnh báo mùa phục sinh nở hoa.”
Phải chăng, nhờ những đối cực triệt để kia, mà cõi văn xuôi Lê Ðạt, đã có được cái ma lực huyễn hoặc, lôi cuốn?
Cái ma lực của hạnh phúc hư ảo và đớn nhục, nhức buốt mà vẫn ắp đầy thi tính!
Nó như một thứ nhân cách phức hợp, chập chùng trong mỗi sinh vật được chỉ danh là con người, trên mặt địa cầu này.
Du Tử Lê
Chú thích:
(1): Tên thật là Ðào Công Ðạt, ông sinh ngày 10 tháng 9 năm 1929 tại Yên Bái; mất ngày 21 tháng 4 năm 2008, tại Hà Nội. Là một trong vài nhân vật chính thuộc Phong Trào Nhân Văn-Giai Phẩm, ông nổi tiếng với bài thơ nhan đề “Nhân câu chuyện mấy người tự tử,” đăng trong Nhân Văn số 1, đề ngày 20 tháng 9 năm 1961. Trong bài này có những câu được nhiều người nhắc nhớ tới hôm nay như: “Anh công an nơi ngã tư đường phố / chỉ đường cho / xe chạy / xe dừng / rất cần cho luật giao thông / nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người / bắt tình cảm ngược xuôi / theo luật lệ đi đường nhà nước / có thể gây nhiều đau xót / ngoài đời.” Sinh thời, cố thi sĩ Hoàng Cầm từng nhấn mạnh, Lê Ðạt, bạn ông, tự nhận là một thứ “phu chữ.” Vì, với thơ cũng như văn, Lê Ðạt rất kỹ tính, cẩn thận chọn từng chữ. Ðôi khi chỉ một chữ thôi, cũng đủ khiến ông suy nghĩ, dằn vặt nhiều ngày.
(2) Tác phẩm này xuất bản tại Việt Nam, 1998.
*Bài viết này cũng đã đăng trên nguoiviet.com - NN chú thích *

Thursday, November 27, 2014


PXD * LÊ ĐẠI LÃNG

Đọc “Đường Phía Bắc” của Lê Đại Lãng


Ngay sau chiến thắng của phe cộng sản tại Việt Nam tháng Tư năm 1975, một sự kiện bi tráng đã xảy ra và kéo dài liên tục trong hơn 15 năm: đó là cuộc vượt biên của nhân dân Việt Nam nhằm đào thoát ra khỏi chế độ cộng sản.
Cuộc đào thoát thoạt tiên xảy ra tại vùng đất thua trận miền Nam. Từ lâu, dân miền Nam là “bà con gần” với thế giới tự do, cho nên trong cơn hoạn nạn ngay trên đất nước của mình, thì phản ứng tự nhiên là chạy tới tìm nhờ bà con. Cũng từ lâu, khi nói tới vượt biên, hầu hết chúng ta chỉ nghe nói những địa chỉ tới của các con thuyền lén lút ra khơi là Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Úc. \
Từ các bến bãi miền Nam, thuyền tị nạn tìm đến các bến bờ vùng Nam Á ấy là lẽ tự nhiên – về địa lý cũng như về sự tin cậy. Thế nhưng đường tị nạn còn một hướng nữa, về phía Bắc, mà hầu hết đều tấp vô bến Hồng Kông. Một số người vượt biên từ các tỉnh cực bắc của VNCH cũ, như Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi có khuynh hướng chạy ngược lên hướng Bắc vì đường gần hơn. Nhưng xem kỹ lại thì đa số người tị nạn trong các trại Hồng Kông có vẻ là những người ra đi từ miền Bắc Việt Nam, là miền đất thuộc phe thắng trận năm 1975.
Có cái gì như là nghịch lý ở đây. Dân thua trận, bị đối xử tàn tệ không sống nổi phải chạy trốn, cái đó hiểu được. Nhưng dân của phe thắng trận cũng chạy trốn là tại làm sao? Câu hỏi này có lẽ được giải đáp lâu rồi: vì chế độ chính trị. Cuộc thắng trận năm 1975 như một trái pháo bông nổ tung sáng rực trong chốc lát, sau đó tắt ngóm và màn đêm lại bao trùm như cũ, kể cả trên miền Bắc chiến thắng. Và lầm than khắp nơi, không kể nam hay bắc. Và có lẽ “theo gương” dân miền Nam, dân miền Bắc cũng ra đi để tìm một cuộc đời đáng sống hơn.
“Đường Phía Bắc” (*) là một cuốn sách thu góp nhiều mẩu chuyện của người vượt biên từ đất Bắc, ghi lại trong cung cách tiểu thuyết hóa để thành một câu truyện mạch lạc các nhân vật có liên kết với nhau. Gọi là đường phía bắc, tác giả có dụng ý đưa ra một hình ảnh đối ngược với đường phía nam là những chuyến hải hành tỏa ra nhắm đến các nước Đông Nam Á, vốn gần với phần phía dưới của nước Việt Nam. Ngược lại, đích đến của đường phía bắc chỉ có một: Hồng Kông.
Thảm cảnh của những chuyến vượt biên thì quá nhiều, nam cũng như bắc. Nhưng từ trước đến nay người ta ít biết cảnh thực của những chuyến vượt biên từ miền Bắc, vì, như tác giả giải bày trong lời giới thiệu đầu sách:
“Con đường ngược bắc của những cá nhân ấy lại được kể thì thầm như tội đồ xưng tội, tội tổ tông, tội bỏ nước, tội đi tìm chỗ sống, chỉ dành riêng cho kẻ muốn nghe, không có tiếng mõ nhịp, chỉ có những bàn chân xếp thành dấu chấm in trên đất trên nước qua vạn dặm hành trình.”
Là người từng làm việc thiện nguyện tại các trại tiếp người vượt biên tại Hồng Kông, tác giả có nhiều dịp được nghe những “lời kể thì thầm” của biết bao là mảnh đời về chuyến hải hành không dài lắm từ vịnh Bắc Bộ đến Hồng Kông. Không dài nhưng không phải là không gian nan  và nhiều thảm cảnh, đặc biệt khác hẳn những gì chúng ta vẫn nghe từ các người vượt biên miền Nam, đi “đường phía Nam”.
Cuốn sách mở đầu với một hoạt cảnh đầy kịch tính của một người còn trẻ đóng vai bộ đội đi phép trở về đơn vị đóng ở vùng ven biển, phải đóng thật khéo để có thể vượt qua vô số trạm kiểm soát của công an nhằm bắt giữ bất cứ ai trên các chuyến xe đò có vẻ khả nghi là đi về vùng biển để vượt biên. Với một bút pháp rất nghệ thuật, tác giả đã cho Hải, người thanh niên ấy, có những ngôn ngữ cùng hành vi y hệt một anh bộ đội dày dạn bất cần đời, khiến đám công an đâm “nể” và cho anh ta đi thoát, để câu chuyện vượt biên về phía bắc của anh ta có thể bắt đầu. Và cũng chính hiện tượng canh phòng kỹ lưỡng này của công an cho thấy vào thời điểm kể truyện này chuyện vượt biên đã xảy ra khá nhiều ở các vùng biển miền Bắc rồi.
Chuyến hải hành của con thuyền chở 60 người ra đi trót lọt. Nó đi về hướng bắc một cách chậm chạp hơn người ta tưởng: dự tính bảy ngày sẽ tới Hồng Kông, nhưng hơn mười ngày hãy còn ven biển đảo Hải Nam. Lâu lâu lại tìm cách đổ bộ vào bờ, công an Trung Quốc bắt gặp thì không làm khó dễ gì, trái lại sẵn sàng đi mua hộ dầu và thức ăn, chỉ tuyệt đối cấm người trên thuyền lên bờ. Lần nào họ cũng đếm và ghi lại số người trên thuyền, rồi ra lệnh cho đi tiếp. Vào cuối thập niên 1980, Trung Quốc và Việt Nam còn kình chống nhau, nên họ có vẻ có cảm tình với người tị nạn vượt thoát khỏi Việt Nam. Nhưng họ không nhận người tị nạn, và người tị nạn cũng nhắm tới một nơi khác chứ không phải một nước Trung Quốc cộng sản: họ chỉ cần tới Hương Cảng.
Nhưng đoạn đường không xa ấy cũng có lắm tai ương, và chiếc thuyền vượt biên của Hải đi đã không bao giờ đến đích. Nó bị một cơn bão biển đánh giạt vào bờ và vỡ tan tành. Chuyện kỳ lạ là Hải và đứa con gái còn nhỏ của anh sống sót cùng với vài người bạn thân của anh, và họ lại gắng “mưu sinh” bằng cách đi ăn xin. Rồi đứa nhỏ chết, rồi cơ may lại tới, bọn họ lại nhập vào một đám khác có thuyền, rồi lại lên đường.
Chúng ta ít khi nghe được lời mô tả những hãi hùng của một trận bão biển, vì người đã trải qua thì ít khi còn trở về được để kể cho chúng ta nghe. Thảng hoặc có sống sót trở về thì cũng khó có đủ ngôn từ để diễn tả cơn thịnh nộ của biển khơi, vì nó vượt khỏi các ý niệm và ngôn ngữ thông thường của con người ở trên mặt đất.
 “Cái hình rẽ quạt từ trên trời càng lúc càng tỏa rộng, như năm ngón tay quái thú úp chụp xuống những con người bơ vơ bé nhỏ. Trong tích tắc, thuyền bị sóng nhồi lên đến tuyệt đỉnh cao, cao đến mức không thể cao nữa, rồi từ đỉnh cao ấy, vụt xuống một thung lũng bốn bề là nước đen dựng thành tường. Tiếng ré kinh hoàng của tất cả bị hút ngay vào bức tường đen, mất biệt, như sự thẩm âm tuyệt hảo nhất do tạo hóa cấu thành. Từ đỉnh sóng xuống vực sâu, rồi từ vực sóng thuyền tung lên đỉnh sóng, Hải nghe tiếng hét thất thanh của lão Mục:
Con…ơi ơi…!
Tiếng hét xoáy tít vào tiếng nước reo hăm hở, ác độc. Thần biển đang hể hả xoa tay, chờ từng sinh mạng nạp mình. Trong giây phút ấy, lạ thay bé Ngọc vẫn trừng mở mắt, nhìn chằm chằm bức tường nước sùng sục quanh thuyền. Hải ôm chặt con, chàng nhìn thấy bóng dáng Đức Phật, chàng nhìn thấy thánh giá của Chúa Giê su, chàng nhìn thấy hồn thiêng của cha mình sừng sững trên sóng, dưới vực thẳm, đang nắm tay nhau kết thành vòng tròn lớn, cùng ca hát bài ca luân hồi sinh tử. Hải trừng mắt. Chàng muốn thấy kỹ cái tích tắc vô thường mà đời người không tránh khỏi. Chàng sắp dắt con xuống yết kiến thủy thần. Chàng sẽ cười khà vào mặt lão già có chòm râu bạc lướt thướt và đôi mắt buồn thăm thẳm:
Ông đã thắng!
Ta lúc nào cũng thắng.
Trẻ thơ có tội gì?
Trót sinh ra làm người.
Tôi đi tìm đất sống.
Đất nào sống được nói ta nghe.
Không phải nơi tôi được sinh ra. Nơi tôi có quyền ca khi hoa nở, nơi tôi có quyền khóc khi tôi muốn và nơi không có lão già râu bạc như ông.
Ha…ha…ngươi tưởng không có người như ta là ngươi sống được ư…ha…ha…ta cho ngươi thấy.
Thủy thần vụt tan ra thành xoáy nước, vỗ tay reo. Lão cong mình thành một ngọn sóng, ngọn sóng dài hơn chiều dài của chiếc thuyền chở Hải. Lão trườn lên lặn xuống không biết bao nhiêu lần. Đột nhiên, lão đổi trò chơi, lão xoay tít trên không gian đen như vũng nước trâu nằm, hất tung cả chiếc thuyền lao vào hư vô nín lặng…”
Nhưng qua các tai biến với vô số tình cờ, chúng ta biết thêm được một số điều, không phải chỉ trên biển cả, mà ở trong nước Tàu. Trước hết là thảm cảnh của cuộc “nạn kiều” xảy ra cho số người Hoa Kiều bị nhà nước Việt Nam đuổi về Tàu mươi năm trước. Họ là những người Tàu sinh sống ở Việt Nam đã lâu đời, bỗng vì sự xích mích giữa hai nước mà phải biến thành nạn kiều, phải dứt bỏ sản nghiệp lẫn đời sống tinh thần tình cảm đã xây dựng trên đất nước Việt Nam để về cố quốc, một thứ “nước cũ” nghèo nàn nay đã thành xa lạ đối với họ và cũng chẳng hào hứng gì để đón họ trở về. Vì thế nên mới có cảnh:

“Cái vẻ trù phú của cảng Hải Bắc chỉ làm tăng nỗi bơ vơ lạc lõng của nạn dân nạn kiều sống trên bãi biển. Ngoại trừ một nhà thương thí do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1979, các nạn kiều bị đuổi về nước năm 78 chẳng được hưởng một quy chế gì rõ ràng. Đầu tiên, họ được bố trí lên các nông trường ở tỉnh Quảng Tây. 
Chịu không nổi đời sống ở đó họ trốn về miền biển và cắm lều sống trên bãi cát bằng nghề đánh cá. Họ làm vệ sinh cá nhân ngay trên bãi, lấy cát lấp lại chờ sóng lên dọn sạch. Nhóm nạn kiều sống ở Bắc Hải đã bị lãng quên hoàn toàn. Không ai cần biết đến họ và họ cũng chẳng trông chờ vào ai. Lương thực của họ là biển cả mênh mông (tê tái) ngoài xa kia. Trung Quốc coi họ là nạn dân người Việt, nhà nước Việt Nam lại coi họ là nạn Kiều. Sức ép của hai thể chế đẩy những người này ra tận mé nước và không thể ra xa hơn được nữa. Những đứa trẻ sinh ra trên cát nóng chờ ngày theo cha mẹ ra khơi bắt cá. Không một ngôi trường nào chịu chứa những đứa trẻ sinh nhầm đất nước ấy.”
Không đi vượt biên về hướng Bắc thì làm sao đám người Việt này gặp được một cái thành phố ma với bốn kỳ nhân ở trong đó từ thời cách mạng Vệ Binh Đỏ, những chuyện lạ lùng đã xảy ra giữa thế kỷ 20. Từ thuyền họ thấy có một thành phố trên bãi biển bèn tấp vào kiếm ăn. Nhưng khi bước lên bờ họ mới nhận ra đó là một thành phố không có người ở. 
Và khi “thám hiểm” vào trong, họ gặp một cái nhà với bốn người ở, có thể gọi là bốn quái nhân, những linh hồn sống duy nhất của thành phố bỏ hoang này. Một người tương đối còn lành lặn nhất là Hồng lão, hồi 1966 là giáo sư đại học Thanh Hoa, bị vệ binh đỏ hành hạ rồi đưa đi tập trung lao động, cuối cùng về đây, một công trường cải tạo, nhưng về sau mọi người bỏ đi hết, chỉ còn lại bốn người không biết về đâu. Người thứ hai là một bác sĩ y khoa, với một câu chuyện ly kỳ, tàn khốc:
“Tôi ngồi trong nhà mà run sợ. Vì tôi là trí thức hành nghề theo học thuật phương Tây thì ắt là hữu khuynh tư bản rồi. Thình lình, cánh cửa nhà cha mẹ tôi bị đạp tung, một đội Vệ binh Đỏ tay cầm gậy gộc xông vào. Chúng dõng dạc tuyên bố gia đình tôi thuộc thành phần trí thức tư sản, rồi xông vào đập phá đồ đạc. Chúng giựt tranh treo tường, đập tủ chén, xô ngã bàn thờ, không còn một thứ gì còn gọi là nguyên vẹn. 
Thậm chí chiếc áo có thêu kim tuyến của mẹ tôi cũng bị kết là tư sản, chúng lấy kéo cắt nát. Cha mẹ tôi, em trai tôi và tôi nữa bị chúng bắt quì gối ngay giữa phòng trước. Sau đó, chúng xởn hết tóc chúng tôi, còng tay và dẫn đi diễu phố. Hết ngày, chúng dẫn về, lấy roi da đánh đập chúng tôi ngất đi rồi mới bỏ đi, không quên khóa trái cửa căn nhà. Gia đình tôi là kẻ thù của nhân dân.”
Ở một đất nước mà từ nghìn xưa đã có những hiền triết nêu cao chữ Nhân như một khám phá bản chất cao đẹp của con người, mà nay lại được điều hành bởi một bạo chúa mác-xít hoàn toàn vô nhân, đẩy con người vào những trạng thái không thể tưởng tượng nổi:
“Trong suốt bốn ngày, chúng tôi không có gì để ăn. Chén bát đã bể hết. Chỉ còn ít mì gói nhai sống. Chúng tôi sợ hãi và đói khát. Sáng sớm hôm sau chúng nó lại tới, lại hành hạ, lại đi diễu phố, lại bị đánh bằng roi da. Trời ơi, đảng ơi…!
Điện đã bị cúp hết. Căn nhà tối mù. Bên ngoài mưa rơi nức nở. Chúng tôi ngồi nghĩ đến cái chết. Phải rồi, sao không chết đi để hết nhục, để bớt đau khổ thấy mình thua cả chó. Chắc là đã quá nửa đêm. Tiếng mưa rơi tê tái quá! Làm sao để tự ải đây? Cha tôi suy nghĩ, mẹ tôi suy nghĩ, còn tôi thì nát óc. Đứa em trai trên gác thượng chắc cũng đang suy nghĩ. Thình lình tôi nhìn thấy con dao rọc giấy ở chân bàn. Bọn Vệ binh Đỏ hẳn đã làm rơi nó. Trời đã gửi thiên sứ xuống. Tạ ơn trời. 
Tôi là bác sĩ. Tôi biết là nếu động mạch cổ bị cắt thì các mạch máu sẽ ngưng hoạt động và người ta chết tức khắc, chết tức khắc, chắc chắn như thế. Đây là cách chết nhanh nhất và vô phương cứu chữa. Cha mẹ tôi chưa tin hẳn vào lời giải thích của tôi. Người hỏi có đúng là chết dễ như thế không? Tôi phải lấy bằng bác sĩ ra để đảm bảo với người là chắc chắn như thế. Cuối cùng mẹ tôi bảo: ‘Tạ ơn trời, sao lại dễ thế được. Tạ ơn trời đã ban cho tôi đứa con học ngành y’. Người nói hoài như thế, mắt long lanh sung sướng. Cha tôi bảo: ‘Con là người duy nhất biết việc, vậy hãy cắt cổ cha mẹ trước rồi hãy tự cắt cổ con’.”
Kể ra, đi vượt biên mà có những cuộc gặp gỡ ly kỳ, mang lại những hiểu biết lạ lùng như thế này thì cũng… đáng công khó. Trên thế giới giữa thế kỷ 20 hẳn không ở đâu có được những chuyện tương tự như thế của nước Tàu.
Trải qua tất cả những thảm cảnh cùng cực cho một đời người, cuối cùng Hải cũng đến được vùng đất hứa, là thành phố Hương Cảng. Trong trí tưởng tượng của người vượt biên, đó là tự do, là thiên đường, nhưng đầu tiên họ phải vô các trại tiếp cư, mà thực chất là nhà tù. Sống dưới chế độ nghèo khổ và bị tước đoạt hết quyền làm người của chủ nghĩa cộng sản, người ta háo hức ra đi để tìm một đời đáng sống hơn, và tưởng rằng phần nhân loại còn lại có bổn phận “phải” lo toan mọi việc cho họ. 
Đúng là có những tổ chức để lo toan, nhưng không xuể, vì lo được một thì người ta kéo đến mười. Tiếng réo gọi của Tự Do thật là thần bí. Tiếng réo gọi của một đời sống sung túc xứng đáng với phẩm giá cũng mạnh mẽ lạ thường. Cũng làm thân con người, sao ở nơi kia người ta sung sướng, còn tôi thì quá nhục nhằn? Sao tôi không thể chuyển đổi đời sống của tôi? Cái bến bờ xa xa kia đã hớp hồn bao nhiêu người Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 20, miền Nam thì có đường phía nam, miền Bắc thì có đường phía bắc.
Tác giả Lê Đại Lãng đã có công và có lòng ghi lại các câu chuyện, các hoạt cảnh của con đường vượt biên của đồng bào miền Bắc, miền đất đã chiến thắng trong cuộc chiến vừa là tương tàn giữa những người con cùng một mẹ, vừa là giữa hai ý thức hệ chia đôi thế giới trong thế kỷ 20. Văn tài của ông đã tạo dựng lại biết bao số phận, biết bao thảm cảnh, biết bao nỗi hy vọng lẫn thất vọng của những con người Việt Nam bao năm chôn vùi trong chế độ toàn trị vừa hé mắt nhìn thấy ánh sáng của tự do xa xa ở phía chân trời, và đã nung nấu cái khát vọng phải đến cho được nơi chân trời đó. Con thủy lộ không dài giữa vịnh Bắc Bộ đến Hồng Kông cũng ngầm chứa bao hiểm nguy chết người, và quả đã giết vô số người sử dụng nó với những phương tiện quá mỏng manh. Cuốn Đường Phía Bắc là một kho chứng liệu sống của ý chí vượt khỏi địa ngục với tất cả thảm cảnh của nó.
Người điểm cuốn sách này biết là mình chưa làm hết công việc giới thiệu toàn bộ tác phẩm trong bài viết này, vì chỉ mới nói chuyện đi đường mà chưa đề cập chuyện đến nơi. Khi đến nơi thì câu chuyện đã có một không gian khác, tinh thần khác, và chất chứa những cái ly kỳ khác. Vậy đành khất với độc giả trong một bài viết khác.
Thứ Sáu 13 tháng 4, 2012.
P.X.Đ

TIN THẾ GIỚI

  NATO lo ngại hành động của Nga ở Đông Ukraine và ‘quân sự hóa’ Crimea

Đại tướng Hoa Kỳ Philip Breedlove, Tổng tư lệnh quân đội NATO nói “một số lớn” binh sĩ Nga vẫn hoạt động ở miền đông Ukraine
Đại tướng Hoa Kỳ Philip Breedlove, Tổng tư lệnh quân đội NATO nói “một số lớn” binh sĩ Nga vẫn hoạt động ở miền đông Ukraine
Tổng tư lệnh quân đội của NATO nói rằng “một số lớn” binh sĩ Nga vẫn hoạt động ở miền đông Ukraine, hình thành một “xương sống” tạo điều kiện cho các phần tử đòi ly khai chống các lực lượng của chính phủ.
Đại tướng Philip Breedlove của Không lực Hoa Kỳ phát biểu như vậy với các phóng viên báo chí ở Kiev hôm thứ Tư, sau cuộc họp với các giới chức lãnh đạo chính phủ Ukraine.

Đại tướng Breedlove nói: “Chúng tôi thấy ngay bên trong Ukraine một số lớn binh sĩ Nga tham gia các hoạt động chủ yếu vào huấn luyện, cố vấn hỗ trợ và giúp các lực lượng được Nga hậu thuẫn ở miền đông. Chúng tôi không thấy các lực lượng tác chiến triển khai, nhưng chúng tôi thấy binh sĩ hiện diện ở đó, đặc biệt hình thành một xương sống, cố vấn và huấn luyện cho các lực lượng được Nga hậu thuẫn ở miền đông.”
Đại tướng Breedlove nói rằng Hoa Kỳ tiếp tục cam kết hỗ trợ Ukraine về tài chính, trang thiết bị và cố vấn chuyên môn để giúp Ukraine đối phó hữu hiệu hơn với tình hình ở miền đông nước này.
Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng các lực lượng đòi ly khai được Nga hậu thuẫn “có khả năng và sẽ có thể sẽ chiếm thêm lãnh thổ dọc theo lằn ranh đối kháng với các lực lượng chính phủ.
Moscow đã nhiều lần bác bỏ bất cứ sự tham gia quân sự chính thức nào ở Ukraine, và nói rằng các binh sĩ Nga sát cánh chiến đấu với các phần tử nổi dậy ở Ukraine là những người tình nguyện.
Đại tướng Breedlove cũng cảnh báo về điều mà ông gọi là việc Moscow “quân sự hóa” Crimea, bán đảo của Ukraine ở Hắc Hải bị Nga sáp nhập hồi tháng 3, có thể được sử dụng để thiết đặt kiểm soát lên toàn khu vực Hắc Hải.
Ông Breedlove nói: “Các khả năng đang được thiết đặt tại Crimea sẽ hình thành ảnh hưởng lên hầu như toàn vùng Hắc Hải.”
Giới chức này nói NATO đang “theo dõi các dấu hiệu” mà Nga có thể sẽ di chuyển một phần kho vũ khí hạt nhân của họ đến Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho hay họ đã phái 14 chiến đấu cơ phản lực đến bán đảo Crimea theo khuôn khổ của kế hoạch phi đội gồm 30 chiến đấu cơ sẽ đồn trú trên bán đảo này.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Tư nói rằng các biện pháp chế tài đang được áp dụng đối với Nga là “không thể tránh khỏi” và rằng “sự kiên nhẫn” là cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu trước Quốc hội ở Berlin, bà Merkel nói rằng không có gì có thể giải thích hoặc biện minh cho việc Nga sáp nhập Crimea, và không có gì có thể biện minh cho sự can thiệp “trực tiếp hoặc gián tiếp” của Nga vào Ukraine.
http://www.voatiengviet.com/content/nato-lo-ngai-hanh-dong-cua-nga-o-dong-ukraine-va-quan-su-hoa-crimea/2535885.html


Ukraina gia nhập NATO : Con đường dài đầy chông gai


mediaTrước đe dọa của Nga, Petro Porochenko muốn Ukraina gia nhập NATO - REUTERS /V. Ogirenko
Do sức ép, đe dọa của Nga, chính quyền Kiev tỏ thái độ kiên quyết muốn đưa Ukraina gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO. Thế nhưng, để làm được việc này, Kiev phải thỏa mãn nhiều điều kiện như từ bỏ quy chế « không liên kết », cải tổ và hiện đại hóa quân đội, trưng cầu dân ý. Theo giới phân tích, con đường gia nhập NATO của Ukraina còn dài, đầy chông gai và bấp bênh.
Cách nay 10 năm, ông Petro Porochenko đã từng khẳng định tiến trình Ukraina gia nhập NATO giống như ánh sáng cuối đường hầm. Ngày 24/11 vừa qua, trên cương vị Tổng thống, ông cam kết cho tổ chức trưng cầu dân ý về chủ đề này, một khi đã hội tụ đủ các điều kiện, nhưng không cho biết các chi tiết cụ thể.
Sau cuộc bầu cử lập pháp tháng 10/2014, liên minh thân phương Tây cầm quyền tại Kiev đã coi việc gia nhập NATO như là một ưu tiên mới. Công việc đầu tiên phải làm, là từ nay đến cuối năm, sẽ sửa đổi Hiến pháp, « hủy bỏ quy chế không liên kết của Ukraina » « tái thúc đẩy chính sách để gia nhập NATO ».
Dường như giới lãnh đạo chính trị Ukraina đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của xã hội : Theo các cuộc thăm dò dư luận, trong bối cảnh xẩy ra cuộc xung đột quân sự ở miền đông, tỷ lệ người dân ủng hộ Ukraina vào NATO đã tăng vọt, lên tới 51%, trong tháng 11/2014, thay vì chỉ có 20% trong tháng 10/2013.
Tuy nhiên, theo bà Alisa Lockwood, chuyên gia thuộc trung tâm tư vấn IHS Country Risk, trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc, được AFP trích dẫn, « điều quan trọng cần ghi nhận là ông Porochenko không gợi ý việc gia nhập NATO ngay trong thời gian tới. Ông nói đến trưng cầu dân ý vào khoảng năm 2020. Từ nay đến đó, rất nhiều việc có thể thay đổi, không có gì bảo đảm là ông sẽ vẫn tại chức » và « đó là một cách trì hoãn vấn đề, xem xét sau, đồng thời vẫn thừa nhận tầm quan trọng của việc gia nhập NATO trong công luận ».
Thực vậy, nếu chỉ có quyết tâm thì chưa đủ, để có thể thực hiện nhiều cải cách sâu rộng, nếu như một ngày nào đó Ukraina muốn đáp ứng tất cả các điều kiện rất chặt chẽ của NATO.
Chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật, Ukraina phải có một quân đội hiện đại và hoàn toàn tương tác với quân đội của các thành viên khác trong NATO, trong lúc quân đội Ukraina hiện nay quá yếu kém, trang bị tồi tàn và rất tham nhũng.
Ngoài những khó khăn này, Ukraina còn phải đối mặt với sự tức giận và phản đối quyết liệt của Nga. Trong những ngày qua, Matxcơva đã công khai nhắc nhở Kiev nên đứng ngoài mọi khối và vạch ra lằn ranh đỏ đối với phương Tây, khi đòi phải có bảo đảm 100% là Ukraina không gia nhập NATO.
Quả thực là Matxcơva coi việc Kiev vào NATO là một ác mộng và không ngừng tố cáo khối quân sự này xích lại gần biên giới Nga, bất chấp những lời hứa không đón tiếp thêm các thành viên là láng giềng của Nga được đưa ra trong thời kỳ khối cộng sản Đông Âu sụp đổ.
Ngay từ năm 1994, Ukraina đã liên kết với NATO trong khuôn khổ quan hệ đối tác hòa bình, sau đó gia tăng trao đổi và đối thoại với khối này, nhưng đến tháng 06/2010, thì từ bỏ hẳn dự án gia nhập NATO và khẳng định quy chế « không liên kết ».
Ngoài cản trở của Nga, việc Ukraina gia nhập NATO cũng gây chia rẽ trong nội bộ khối này, giữa một bên là các nước thành viên lâu đời, như Pháp, Đức, lưỡng lự trong việc tiếp nhận Kiev, và bên kia là các thành viên mới, như Ba Lan, Litva thì ủng hộ mạnh mẽ.
Ngày 23/11, trên tạp chí Spiegel, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố ủng hộ Ukraina có quan hệ đối tác với NATO, chứ không phải là thành viên. Trong khi đó, ông Anders, Fogh Rassmussen, hồi tháng Tám vừa qua, khi còn giữ chức Tổng Thư ký NATO, thì nhắc lại là Ukraina có thể gia nhập khối này, nếu muốn.
Giới quan sát cho rằng, về mặt chiến lược, NATO không mặn mà với ý tưởng kết nạp các nước có tranh chấp lãnh thổ với Nga, ví dụ NATO đã từ bỏ các cuộc đàm phán về việc gia nhập của Gruzia, sau khi xẩy ra một cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và nước này, năm 2008.
Ông Vassyl Filiptchouk, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế Kiev, nhắc lại : « Các thành viên NATO không có khả năng đạt được đồng thuận liên quan đến việc trừng phạt Nga. Do vậy, việc chấp nhận trong hàng ngũ Liên minh một nước đang có xung đột vũ trang với Nga, đó là phim khoa học viễn tưởng » 
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20141126-ukraina-gia-nhap-nato-con-duong-dai-day-chong-gai/

Giá dầu giảm làm Nga thiệt hại 


Giá dầu giảm khiến Nga có thể thiệt đến 100 tỉ đôla một năm, trong lúc trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga mất 40 tỉ, theo Bộ trưởng Tài chính của Nga.
Ông Anton Siluanov phát biểu hôm thứ Hai tại một diễn đàn ở Moscow.
Có đồn đoán nói Nga có thể cắt sản lượng dầu chừng 300.000 thùng một ngày để nâng giá.
Tổng thống Vladimir Putin đã nói Nga có thể chịu “hậu quả thảm khốc” vì trừng phạt, giá dầu giảm và đồng rouble mất giá.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (Opec) có thể sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Iran, Libya và Venezuela đã kêu gọi Opec làm việc này.
Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak tuần rồi nói Moscow cân nhắc việc cắt giảm, nhưng chưa có quyết định.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2014/11/141124_russia_oil_effect

 

Nga thiệt hại 140 tỷ USD do lệnh trừng phạt và giá dầu giảm

(Vietnam+)

Đồng ruble đang ngày càng mất giá. Ảnh: Người qua đường đi ngang một điểm đổi ngoại tệ ở Moskva (Nguồn: AFP)

Nga đang thiệt hại tới 140 tỷ USD (113 tỷ euro) mỗi năm do các biện pháp trừng phạt của Phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và giá dầu tụt dốc, song Tổng thống nước này Vladimir Putin khẳng định những thiệt hại về kinh tế là "không đến mức tai hại". 
Hãng tin RIA Novosti dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tại một diễn đàn kinh tế ở Moskva cho hay: "Chúng tôi thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm do các biện pháp trừng phạt mang động cơ địa chính trị". 

Theo ông Siluanov, giá dầu sụt giảm cũng khiến nền kinh tế Nga thiệt hại "khoảng 90 đến 100 tỷ USD mỗi năm". Tuy nhiên, ông hạ thấp tác động của các biện pháp trừng phạt với các thiệt hại về kinh tế khi cho rằng giá dầu thô mới là yếu tố quyết định.
Hôm 21/11, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này đang cân nhắc cắt giảm sản lượng dầu để tăng giá. Theo ông Novak, Nga không có phương tiện kỹ thuật để nhanh chóng tăng hay giảm sản lượng dầu như Saudi Arabia, song Moskva đang nghiêm cứu "tính thiết thực của những biện pháp như vậy".
Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin TASS hôm 23/11, Tổng thống Nga Putin nói rằng giá đồng Ruble sụt giảm chỉ làm tổn hại nền kinh tế Nga "ở một chừng mực nào đó", đồng thời tuyên bố xem nhẹ việc Phương Tây liệt một loạt quan chức và doanh nhân Nga thân cận với ông vào danh sách đen, cho rằng quyết định trừng phạt họ nhằm tác động đến ông là dựa trên "một giả thuyết sai lầm"./
.http://www.vietnamplus.vn/nga-thiet-hai-140-ty-usd-do-lenh-trung-phat-va-gia-dau-giam/292947.vnp

Chuck Hagel ra đi có ảnh hưởng tới VN?

  • 25 tháng 11 2014
    Tổng thống Barack Obama đã loan báo việc ông Chuck Hagel từ chức hôm 24/11

Giới quan sát cho rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel rút khỏi nhiệm sở không có ảnh hưởng lớn tới quan hệ Việt-Mỹ.
Thứ Hai ngày 24/11, Tổng thống Barack Obama xác nhận ông Hagel sẽ từ chức sau chưa đầy hai năm nắm quyền.
Hiện dư luận còn đang đồn đoán ông bị buộc phải từ chức hay tự nguyện ra đi. Một điều rõ ràng, là quan hệ giữa ông trong vai trò bộ trưởng với tổng thống và nội các, nhấ́t là Ủy ban An ninh Quốc gia, đã lâm vào tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" từ lâu nay.
Ông từng than phiền rằng ông bị "quản lý quá tỉ mỉ" (micromanaged).
Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain hôm thứ Hai nói trên một đài phát thanh ở bang Arizona rằng ông Hagel “rất rất mệt mỏi” về quan hệ của mình với Nhà Trắng.
Ngoài lý do quan hệ không tốt với chính quyền Obama, người ta còn đoán thêm các lý do khác dẫn tới sự ra đi của ông, như thiếu hiểu biết về Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hồi gay gắt; thậm chí ông là vật tế thần cho chính sách ngoại giao và an ninh ẻo lả của ông tổng thống...
Nói những điều đó để thấy rằng, không có lý do gì trong những đồn đoán liên quan tới Việt Nam, hay khu vực Đông Nam Á.

'Không suy xuyển'

Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á tại Singapore, nói theo ông việc ông Hagel từ chức "không có ảnh hưởng gì tới quan hệ Mỹ-Việt, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng".
Sẽ rất khó cho chính quyền Obama thuyết phục các bạn bè và đồng minh trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, về cam kết xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối với an ninh khu vực.
Có ý kiến cho rằng ông Chuck Hagel, một trong các cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam, có thể có tình cảm riêng đặc biệt nào đó với Việt Nam và do vậy có khả năng đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai bên.
Đó chỉ là cách nhìn cảm tính, và theo Tiến sỹ Storey, một bộ trưởng mạnh với hiểu biết thấu đáo hơn về an ninh như Robert Gates mới thực sự có ảnh hưởng cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Tiến sỹ Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, thì cho rằng sự kiện ông Chuck Hagel từ chức có thể gây ra ảnh hưởng về tâm lý.
"Ông Hagel vừa hoãn thăm Việt Nam vì tình hình Iraq và Syria. Ông ta sẽ không thực hiện chuyến đi này trước khi rời nhiệm sở."
Quá trình lựa chọn người thay thế Hagel, theo ông Abuza, sẽ lâu dài và khó khăn trong khi hai đảng đều tập trung vào cuộc bầu cử 2016.
"Sẽ rất khó cho chính quyền Obama thuyết phục các bạn bè và đồng minh trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, về cam kết xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối với an ninh khu vực."
Tiến sỹ Zachary Abuza nói: "Tuy việc từ chức sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các chi tiết đã hoạch định như điều 60% lực lượng hải quân tới châu Á-Thái Bình Dương, các cuộc tập trận và thăm hải cảng dự kiến, dư luận trong khu vực chắc chắn sẽ quan ngại rằng Hoa Kỳ quá bận rộn về các vấn đề khác và không thể hỗ trợ trước sự mạnh bạo gia tăng của Trung Quốc".
Ông cũng cho rằng, Bắc Kinh đã bỏ nhiều nỗ lực ngoại giao để thuyết phục các nước trong khu vực rằng Hoa Kỳ không phải là đối tác đáng tin cậy.
"Việc Hagel hoãn thăm Việt Nam đã đưa ra các tín hiệu sai lệch cho Hà Nội, và việc ông từ chức chắc sẽ gây thêm quan ngại. Hà Nội sẽ muốn biết chắc hơn về cam kết đối với an ninh khu vực cũng như tự do hàng hải [của Hoa Kỳ]."

Ai thay Hagel?



Chuck Hagel từng than phiền bị quản lý quá tỉ mỉ

Chuck Hagel, 68 tuổi, từng tham chiến ở Việt Nam và từng làm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa cho tiểu bang Nebraska quê hương ông trong 12 năm, là bộ trưởng quốc phòng từ năm 2013.
Ông sẽ vẫn tại vị cho tới khi chính quyền Mỹ xác nhận người kế nhiệm ông.
Ông đã từng chỉ trích việc Hoa Kỳ can dự vào Iraq mặc dù bỏ phiếu để Washington lâm chiến.
Ông Hagel thay ông Leon Panetta trong cương vị bộ trưởng quốc phòng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama và đóng vai trò giảm cường độ hai cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq cùng lúc giúp chính quyền ông Obama chuyển cán cân quân sự sang châu Á.
Tuy nhiên ông bị cho là lựa chọn sai cho vị trí bộ trưởng quốc phòng, và hiện đang có một danh sách các "ứng viên" có thể thay thế ông.
Trong các nhân vật khả dĩ có bà Michèle Flournoy, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng; ông Ash Carter, cựu thứ trưởng quốc phòng, hoặc ông John Hamre, người cũng từng giữ chức thứ trưởng.
Thế nhưng dù là ai, thì người đó cũng phải làm việc trong hai năm cuối nhiệm kỳ Obama, và phải cân nhắc kỹ lưỡng là liệu sẽ có đủ hỗ trợ và điều kiện để làm tròn nhiệm vụ của mình hay không trước quyền lực tập trung to lớn hiện nay của Ủy ban An ninh Quốc gia.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/11/141125_hagel_resignation_vietnam

Việt Nam ‘phản đối trừng phạt Nga 26 tháng 11 2014

Ông Nguyễn Phú Trọng đã gặp Tổng thống Vladimir Putin
Nga và Việt Nam ra tuyên bố chung nói việc “áp đặt cấm vận đơn phương… sẽ làm mất ổn định và gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế”.
Đây là một phần của Tuyên bố đưa ra trong chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng vừa kết thúc chuyến thăm, kéo dài từ 23 đến 26/11.
Tại Moscow, ông đã gặp các lãnh đạo Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin.
Tuyên bố chung của hai nước viết: “Hai bên nhất trí rằng, sự can thiệp từ bên ngoài vào xung đột trong nước của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt cấm vận đơn phương không tính đến đặc thù chính trị nội bộ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và các đặc thù khác sẽ làm mất ổn định và gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế.”
“Hai bên nhấn mạnh không chấp nhận sự can thiệp bằng vũ lực từ bên ngoài vào công việc của các quốc gia có chủ quyền, trái với các chuẩn mực luật pháp quốc tế.”
Tuyên bố này được cho là nhằm phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu vì vai trò của Nga trong khủng hoảng ở Ukraine.
Nga và Việt Nam cũng tuyên bố “kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xét lại kết quả của Chiến tranh thế giới thứ II, phủ định vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô trong chiến thắng thế lực phát xít và chủ nghĩa quân phiệt”.
Trong phần liên quan tranh chấp Biển Đông, tuyên bố nói tranh chấp ở châu Á – Thái Bình Dương “cần được các bên liên quan giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng được xem là khẳng định quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Tuyên bố chung nói cuộc gặp của ông với Tổng thống Putin “diễn ra trong bầu không khí hữu nghị truyền thống, cởi mở và tin cậy lẫn nhau”.
 

Thừa Thiên - Huế dừng dự án ở đèo Hải Vân


  • 26 tháng 11 2014
    Nhiều ý kiến đã phản đối, nói rằng địa điểm này quan trọng về an ninh quốc phòng.
  • Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho dừng một dự án ở đèo Hải Vân sau những phản đối liên quan lý do quốc phòng an ninh.
    Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuyên bố tỉnh chủ động cho dừng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế trên đèo Hải Vân.
    "Chúng tôi quyết định dừng dự án, không triển khai nữa và tiến tới thu hồi", ông Cao nói với trang tin VnExpress chiều 26/11.
    "Nếu như phân tích thì có những quy hoạch quốc phòng riêng, lâu nay phía tỉnh cũng chưa rõ lắm, giờ nắm rõ rồi thì dừng thôi.”
    Quyết định được gửi tới nhà đầu tư, Công ty cổ phần Thế Diệu, do Công ty TNHH World Shine Hong Kong thành lập, đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013.
    Chủ doanh nghiệp này là người Trung Quốc.
    Theo VnExpress, tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đơn vị cấp giấy chứng nhận đầu tư, có trách nhiệm làm việc với Công ty Cổ phần Thế Diệu để xem xét việc có bồi thường dự án.
    Ông Cao nói thêm rằng tỉnh vẫn chờ kết luận của Thủ tướng.
    "Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Thủ tướng có quyết định dừng hay thu hồi thì phía tỉnh nghiêm túc chấp hành."
    Trước đó, ngày 20/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin ý kiến.
    Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng gửi một đoàn vào kiểm tra.
    Dự án 200 ha tại khu vực mũi Cửa Khẻm muốn xây dựng khu nghỉ mát cùng căn hộ với tổng vốn đầu tư 250 triệu đôla.
    Tuy vậy, nhiều ý kiến đã phản đối, nói rằng địa điểm này quan trọng về an ninh quốc phòng.
     http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/11/141126_haivan_project_halted

    Wednesday, November 26, 2014


    CAO ĐẮC TUẤN * GIÃ TỪ SAIGON

    Giã Từ Sài Gòn"
    Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Bài hát "Giã Từ Sài Gòn" không là một bài hát thịnh hành trong miền Nam trước năm 1975 và ít người biết đến. Tuy nhiên, bài hát có những nét đặc sắc qua lời ca êm ái, giai điệu nhẹ nhàng, và tiết tấu chậm buồn. Bài hát nói lên tâm tình một anh lính trẻ thuộc Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong chuyến đi rời Sài Gòn ra đơn vị lần đầu sau ba tháng quân trường. Với cách diễn tả cân bằng, cách dùng chữ đơn sơ và chân thật, tác giả mô tả anh lính có nhiều tình cảm với đồng đội, người yêu, thành phố, và núi rừng đất nước. Những chi tiết đặc thù cá nhân về anh lính giúp người nghe có một hình ảnh cụ thể về bối cảnh chiến tranh trong miền Nam và hiểu thêm tâm tư anh. Bài hát biểu lộ bản chất hiền hòa và lòng yêu nước của người lính VNCH, khác hẳn với những bài hát "Nhạc đỏ" của cộng sản sặc mùi chém giết và hận thù.
    *
    Bạn bức xúc, một độc giả Dân Làm Báo, yêu cầu tôi viết một bài về bản nhạc "Giã Từ Sài Gòn." Bài hát không được thịnh hành lắm và do đó có ít tài liệu về lời ca, nốt nhạc, và tác giả. Cả bạn bức xúc và tôi không biết tên tác giả bài hát. Tôi chưa từng nghe và biết bài này trước đó, nhưng chắc chắn là bài hát được viết bởi một nhạc sĩ miền Nam trước 1975. Có đề cập trên mạng cho biết tác giả có thể là Tú Nhi (tức ca sĩ Chế Linh), nhưng tin này chưa được kiểm chứng. Danh sách những tác phẩm của Tú Nhi trên mạng không có bài "Giã Từ Sài Gòn." Nếu độc giả biết ai là tác giả xin cho biết. Nhan đề của bài hát cũng không rõ rệt. Có vài trang mạng ghi là "Giã Biệt Sài Gòn." Tuy nhiên, tôi nghĩ "Giã Từ Sài Gòn" đúng hơn vì đó là câu ngay trong bài hát.
    Chưa từng nghe bài hát trước đó là một thử thách cho người viết về bài hát. Đó là vì khác với các thể loại nghệ thuật khác (thơ, tiểu thuyết, hội họa, phim ảnh, kiến trúc), âm nhạc thường đòi hỏi một thời gian lắng nghe để thưởng thức. Có những ca khúc mới nghe ta đã thích liền. Có những ca khúc phải nghe thật lâu, nghe đi nghe lại mới thấy hay, mới cảm nhận được ý nghĩa lời ca. Không biết tác giả là ai cũng tạo chút khó khăn vì ta không biết cuộc đời, nghề nghiệp, gia đình, thân thế, và các tác phẩm khác để có chút manh mối trong việc tìm hiểu ý nghĩa bài hát.
    Ngược lại, các sự thiếu sót này cũng có lợi trong việc tìm hiểu bài hát. Vì mới nghe bài hát lần đầu, tôi có được cảm xúc và ấn tượng nguyên thủy, và không bị chi phối bởi những ý thích trong quá khứ. Ngoài ra, vì không biết tác giả, tôi có được nhận xét khách quan hơn và không bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm khác của tác giả.
    Khi tôi mới nghe "Giã Từ Sài Gòn" lần đầu, tôi không có cảm xúc hoặc ấn tượng mạnh lắm, nhưng tôi nhận ra giai điệu nhẹ nhàng rất thích hợp với ngôn từ chân thật biểu lộ nỗi niềm tha thiết của anh lính cho đồng đội, người yêu, và quê hương đất nước. Tôi tiếp tục nghe, mỗi ngày, mỗi đêm. Nghe đi nghe lại. Dần dà, tôi thấy hứng thú. Khi nghe tới lần thứ 114 (trong vòng một tuần), tôi biết là tôi phải viết về bài này, và không ráng nghĩ kế thối thác với bạn bức xúc (đùa chút thôi).
    Nguyên văn lời bài hát như sau.
    Cùng trang cùng lứa 
    chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán 
    Giã từ Sài Gòn yêu, 
    nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương đồng hành 
    Vui chung cuộc hành trình, 
    phong sương chưa lần bước, ba tháng dài được là bao 
    Hỏi em em lại khóc, 
    bàn tay xin níu lại xin thời gian chưa qua mau. 

    Ngày xa thành phố, 
    nỗi vui cùng nỗi buồn đầy ắp ba-lô nặng lắm 
    Tám thằng trong chúng tôi, 
    đứa nghiêng vai ngồi tiếc nuối, đứa khoanh tay nhìn trời 
    Xa nhau trong vài giờ, 
    không gian thì lại cách xa ngút ngàn rồi em ơi 
    Gió Sông Hương lạnh lắm, 
    phải chăng sông núi lạnh hay tại vì anh xa em? 

    Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy
    Bọn tôi cũng gượng cười mà lòng nghe buồn riêng vấn vương 
    Khói thuốc chưa lần châm mồi 
    Chưa từng quen mùi mà giờ thì nghe ấm môi. 

    Đêm nay viết cánh thư tình 
    Đêm đã khuya rồi mà lời lòng chưa vừa ý 
    Giờ buồn người ở phương xa, vẩn vơ từ đêm qua. 

    Đời trai nghiệp lính 
    biết đi là gian khổ nhưng vẫn đi cho thoải chí 
    Mấy thuở được làm quen 
    đó đây sông cùng núi, chia sẻ đau thương ngọt bùi 
    Cho nên dù người thương 
    cho nên dù người nhớ, ba tháng dài được bao nhiêu? 
    Có yêu thương thành phố, 
    phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang.
    Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Giã Từ Sài Gòn." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. 
    A. Bối cảnh cho câu chuyện trong bài hát:
    Để có thể hiểu rõ ý nghĩa và tâm tư anh lính, ta nên có chút khái niệm về bối cảnh chiến tranh tại miền Nam trước 1975. Tôi sẽ chỉ chú trọng đến hai khía cạnh của bối cảnh này liên hệ đến bài hát: Vấn đề gia nhập quân đội và các binh chủng của quân lực VNCH (QLVNCH). Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết mà chỉ nói qua những chi tiết giúp ta hiểu thêm về anh lính trong bài hát.
    1. Gia nhập quân đội:
    Trong suốt chiến tranh Việt Nam, chính quyền kêu gọi thanh niên gia nhập quân đội qua những sắc luật Tổng động viên. Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, lệnh Tổng Động Viên kêu gọi thanh niên từ 18 tới 43 tuổi. Tới năm 1972, tuổi 18 sụt xuống một tuổi thành 17 (Nguyễn Quý Đại 2013). Dưới lệnh Tổng động viên, mọi thanh niên trong tuổi động viên phải gia nhập quân đội, trừ phi được hoãn dịch. Có nhiều trường hợp hoãn dịch: nghề nghiệp (thí dụ nhân viên chính quyền), sức khỏe, gia cảnh (thí dụ con một), và học vấn. 
    Hoãn dịch vì lý do học vấn dựa vào tuổi tác và lớp học. Thời VNCH, trung học có hai cấp: trung học đệ nhất cấp, từ lớp đệ thất (lớp 6) tới lớp đệ tứ (lớp 9); và trung học đệ nhị cấp, từ lớp đệ tam (lớp 10) cho tới đệ nhất (lớp 12) (Huỳnh 2013). Để được ra trường trung học, phải thi đậu các kỳ thi Trung học đệ nhất cấp (sau lớp 9), Tú Tài I (sau lớp 11) và Tú Tài II (sau lớp 12). Sau này, kỳ thi trung học đệ nhất cấp được bãi bỏ, và tiếp theo là Tú Tài I, chỉ còn Tú Tài (tức Tú Tài II). Vào niên khóa 1969-1970, các lớp được đổi lại như sau: đệ thất, lục, ngũ, tứ, tam, nhị, nhất được đổi thành 6, 7, 8, 9, 10, 11, và 12, theo thứ tự đó. 
    Nếu bạn học đúng tuổi hoặc trễ một năm thì được hoãn dịch. Nếu bạn học trễ hai năm trở lên thì phải nhập ngũ. Đúng tuổi là 11 tuổi bắt đầu học lớp 6, 17 tuổi bắt đầu học lớp 12, 18 tuổi bắt đầu học năm thứ nhất Đại học, v.v. Nếu bạn rớt Trung học đệ nhất cấp (lúc còn kỳ thi) hoặc chỉ học tới lớp 10 và tới tuổi động viên (do đó trễ tuổi), thì bạn chỉ học ba tháng quân trường và thành binh nhì. Nếu bạn đậu Trung học đệ nhất cấp (hoặc miễn thi vì kỳ thi đã hủy bỏ), nhưng rớt Tú Tài I, và bị trễ tuổi, thì sẽ đi học hạ sĩ quan, ra trường với cấp bậc trung sĩ. Vì vậy mới có câu "Rớt Tú Tài, anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ bồng con." 
    Nếu bạn đậu Tú Tài I nhưng rớt Tú Tài II và trễ tuổi, thì sẽ đi học sĩ quan trừ bị ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy. Nếu bạn đậu Tú Tài II, nhưng trễ tuổi hoặc rớt các năm đại học và bị trễ tuổi, bạn có thể đi học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, hoặc học sĩ quan trừ bị ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Để vào Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, bạn phải qua một cuộc thi tuyển gay go. Học trình ở Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt từ năm 1966 là bốn năm. Tốt nghiệp Đà Lạt tương đương với bằng Cử Nhân, và có cấp bậc Thiếu úy (Nguyễn Ngọc Chính).
    Với tỉ lệ đậu Tú tài I khoảng 15-30% và Tú tài II khoảng 30-45% (Huỳnh 2013), số học sinh phải tòng ngũ khá cao. Hầu hết học sinh sinh viên nào trong tuổi động viên tại miền Nam đều có bạn bè là quân nhân trong VNCH. 
    2. Các đơn vị trong QLVNCH:
    QLVNCH được phát triển qua nhiều giai đoạn: Giai đoạn hình thành (1945-1954), giai đoạn phát triển lần thứ nhất (1954-1968), và giai đoạn phát triển lần thứ nhất (1968-1975) (Nguyễn 2001, 819-881). Câu chuyện anh lính trong bài "Giã Từ Sài Gòn" rất có thể xảy ra vào giai đoạn thứ hai khi cuộc chiến trở nên ngày càng khốc liệt. Trong giai đoạn này, QLVNCH có khoảng hơn một triệu quân nhân: chủ lực quân có khoảng 450 ngàn (trong đó 152 ngàn thuộc các sư đoàn bộ binh, và phần còn lại thuộc các binh chủng và các đơn vị yểm trợ), lực lượng địa phương quân có khoảng 325 ngàn và nghĩa quân khoảng 200 ngàn. Nữ quân nhân có khoảng 4 ngàn (Nguyễn 2001, 865).
    QLVNCH gổm có Lục Quân, Không Quân, và Hải Quân. Trong phần sau đây, tôi chỉ nói về lục quân vì đó là ngành của anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn."
    Một cách đại khái, lục quân VNCH chia ra làm hai loại: cố định và lưu động. Lực lượng cố định gồm có các đơn vị bộ binh (BB), địa phương quân (ĐPQ), và nghĩa quân (NQ). Lực lượng lưu động gồm có ba binh chủng Tổng Trừ Bị (ND, TQLC, BĐQ), và vài đơn vị đặc biệt khác (thí dụ Biệt Cách Dù). Các đơn vị khác gồm có Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Quân Cảnh, Quân Cảnh Điều Tra Tư Pháp, và Quân Nhạc. Chi tiết về lịch sử, các giai đoạn hình thành, các lực lượng, trường huấn luyện, của QLVNCH có thể được tham khảo các nguồn trên Internet hoặc sách vở, tài liệu (Xem, thí dụ như, Nguyễn 2001).
    Các sư đoàn BB thường trấn thủ khá cố định tại tỉnh hoặc quân khu. "Sư đoàn bộ binh chỉ hoạt động trong khu vực quân khu và khu chiến thuật của mình, rất ít ra khỏi vùng trách nhiệm, ngoại trừ một vài biệt lệ" (Phạm). Các lực lượng ĐPQ và NQ trú đóng tại địa phương của họ và thực hiện mục tiêu “càn quét và giữ đất” (Long Điền). ĐPQ và NQ không được trang bị đầy đủ và có những yểm trợ như pháo binh hoặc không quân như BB và các đơn vị Tổng Trừ Bị, nhưng họ đóng góp đáng kể trong việc gìn giữ quê hương.
    Các đơn vị Tổng Trừ Bị khác với các sư đoàn bộ binh ở chỗ họ luôn luôn di động khắp mọi miền đất nước để đáp ứng với đòi hỏi khẩn cấp của những mặt trận mà những đơn vị BB hay ĐPQ và NQ không giải quyết được (Phạm). "Vai trò của ba binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân không có sự trùng hợp, bởi sự phân nhiệm chiến đấu từ lúc khởi đầu các binh chủng này được hình thành" (Phạm).
    Tinh thần tác chiến và tâm lý lính VNCH thường bị ảnh hưởng bởi hội chứng gia đình (family syndrome). Lính VNCH bị bất lợi trầm trọng bởi hiện tượng này (Kleinen, 273). Vợ con họ sống trong các khu nhà xập xệ gần trại lính hoặc nhiều khi ở ngay trong căn cứ quân sự. Lính VNCH khi đánh trận, lo lắng cho an ninh của gia đình vợ con, nhiều khi đào ngũ để về với gia đình (sđd.) Đó là một phần lý do tại sao các đơn vị lưu động chiến đấu rất dũng cảm vì binh sĩ không phải lo lắng đến gia đình đang an toàn tại các trại lính xa chiến trường. Quân cộng sản rất sợ các đơn vị TQLC, BĐQ, và ND vì các đơn vị này thiện chiến và dũng cảm. Ngược lại, các đơn vị lưu động này có bất lợi là họ thường xa gia đình khi đi đánh trận. Câu chuyện về các vợ lính VNCH phải lo cho con cái khi chồng đi xa rất là thông thường, và là một trong những hy sinh ít được biết đến trong chiến tranh.
    Trong những tháng đầu năm 1975, quan trọng hơn hết là hội chứng gia đình. Tuy không bào chữa cho sự xụp đổ của quân đội VNCH, hội chứng gia đình là chính yếu để hiểu những biến cố vào cuối tháng ba năm 1975 (Veith 2012, 329). Vào tháng ba năm 1975, khi lệnh di tản chiến thuật ban ra, Quân Khu I và II trở thành thảm họa, nhiều toàn thể đơn vị xụp đổ khi binh sĩ đào ngũ để về cứu vợ con (sđd., 441).
    Hội chứng gia đình và tinh thần chiến đấu của lính VNCH được chứng minh qua trận Xuân Lộc vào tháng tư năm 1975. Đây là trận đánh vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Khi được tin ba sư đoàn quân cộng sản (sau này được tăng cường thêm hai sư đoàn và một trung đoàn) tiến tới Xuân Lộc, tướng Lê Minh Đảo chuẩn bị cuộc phòng thủ. Một trong những chuẩn bị hay nhất là di tản hầu hết gia đình binh sĩ của sư đoàn 18 BB đang trấn đóng Xuân Lộc về Long Bình, gần Biên Hòa (Veith 2012, 441). Khi biết gia đình được an toàn về Long Bình, các chiến sĩ của sư đoàn 18 BB và ĐPQ, hỗ trợ bởi các tiểu đoàn BĐQ và ND, chiến đấu thật anh dũng mặc dù thiếu thốn đạn dược và quân liệu vì Mỹ cắt viện trợ. Với quân số ít hơn một phần ba quân số địch, chiến sĩ VNCH đẩy lui các đợt tấn công biển người, và gây tổn thương nặng nề cho quân cộng sản. Trận Xuân Lộc được coi như là trận đánh oai hùng nhất của QLVNCH và cho thấy lòng can đảm, quyết tâm, và ý chí của chiến sĩ VNCH (Le Gro 2006, 173-174; Davidson 1988, 170; Tucker 1999, 185; Noyes).
    Trong bối cảnh chiến tranh này, các chi tiết về nhập ngũ và các binh chủng VNCH giúp ta hiểu rõ thêm vài đặc điểm cá nhân của anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn" như sẽ được trình bày sau. Khi biết thêm những chi tiết này, những nhân vật trong bài hát không còn xa lạ với người nghe. Người nghe cảm thấy gần gũi với anh lính và hiểu rõ được tâm tư anh lính qua lời anh kể lể trong bài hát.
    B. Bài hát là lời tâm sự một anh lính trẻ trong chuyến đi ra đơn vị lần đầu và cho thấy vài đặc điểm cá nhân về anh lính:
    Bài hát là lời tâm sự của một anh lính trẻ, vừa mới hoàn tất ba tháng huấn luyện ở quân trường, cùng các bạn đồng ngũ đi ra đơn vị, xa rời Sài Gòn. Tác giả kể câu chuyện qua miệng anh lính. Chúng ta hãy nghe câu chuyện anh lính qua từng câu ca.
    Các anh lính cùng cỡ tuổi và ở trong cùng đơn vị và thương mến nhau trong một toán (Cùng trang cùng lứa/ chúng tôi cùng đơn vị/ thương mến nhau chung một toán). Với "một toán" và "cùng đơn vị," ta có thể hiểu chắc họ ở trong cùng một tiểu đội. Tuy tác giả không nói rõ tuổi tác họ, ta cũng hiểu họ chưa tới hai mươi, có lẽ là độ 17-18, và gia nhập quân đội dưới lệnh Tổng động viên, như sẽ được phân tách sau.
    Các anh lính trong toán phải giã từ Sài Gòn để tới đơn vị vùng chiến tranh. Chuyến đi xảy ra lúc nửa đêm và họ có dịp tâm tình với nhau trong chuyến đi (Giã từ Sài Gòn yêu/ nửa đêm tâm sự lính/ kiếp tha hương đồng hành). Ta không rõ quê quán các anh ở đâu, nhưng với lời lẽ thương yêu Sài Gòn, các anh chắc sống rất lâu ở tại Sài Gòn và vùng phụ cận như Gia Định, Gò Vấp.
    Đây là chuyến đi tới vùng khói lửa đầu tiên của các anh vì các anh chưa có dịp bước phong sương sau ba tháng quân trường (Vui chung cuộc hành trình /phong sương chưa lần bước/ ba tháng dài được là bao). Tác giả nhắc lại "ba tháng" hai lần trong bản nhạc, cho thấy đó là khoảng thời gian đặc biệt trong đời lính. Đó là ba tháng huấn luyện quân sự đầu tiên cho mọi thanh niên nhập ngũ, trừ các trường đặc biệt như Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Ba tháng quân trường này thường được thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung. Trung tâm này là nơi đào tạo binh sĩ và giai đoạn đầu cho Hạ Sĩ Quan và Sĩ Quan, tọa lạc tại địa phận Quán Tre, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (Wikipedia. 2014a). Với binh sĩ, sau ba tháng quân trường, họ được đưa ra chiến trường, như trường hợp các anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn." Với hạ sĩ quan và sĩ quan, họ trở về trường huấn luyện để tiếp tục chương trình huấn luyện như Trường Đồng Đế ở Nha Trang hoặc Trường Bộ Binh ở Thủ Đức (sau này chuyển về Long Thành). Độc giả có thể tìm hiểu thêm về các chương trình huấn luyện QLVNCH ở các nguồn thích hợp.
    Anh lính chia tay với người yêu trước khi lên đường ra đơn vị. Cuộc chia tay đó chắc không xảy ra vào đêm các anh lên đường, mà chắc xảy ra trước đó, có thể tại Vườn Tao Ngộ ở Quang Trung. Cuộc tiễn đưa đó hẳn nhiên là buồn. Người yêu anh lính không muốn xa anh vì không biết cuộc đời chinh chiến của anh sẽ ra sao. Nàng khóc, níu kéo anh, mong muốn thời gian bên nhau được kéo dài thêm (Hỏi em em lại khóc/ bàn tay xin níu lại/ xin thời gian chưa qua mau). 
    Ngày anh xa Sài Gòn, ba lô anh đầy ắp đồ năng chĩu, tâm tư anh buồn vui lẫn lộn (Ngày xa thành phố/ nỗi vui cùng nỗi buồn/ đầy ắp ba-lô nặng lắm). Ta có thể hiểu tại sao anh buồn, vì anh xa người thân, người yêu, và cả thành phố Sài Gòn mến thương. Nhưng tại sao anh cũng vui? Trong các đoạn sau, ta sẽ hiểu tại sao. Đó là vì anh sẽ có dịp thỏa chí tang bồng hồ thỉ, đi khắp nơi sông núi rừng ̣để bảo vệ non sông, làm tròn bổn phận người trai thời loạn.
    Nhóm anh, tám anh lính mới ra quân trường, chờ lên đường ra đơn vị. Mỗi người có tâm trạng khác nhau. Người thì tiếc nuối thời gian đã qua, vui với gia đình, người thân yêu. Người thì ưu tư, không biết chuyện gì sẽ xảy đến, khoanh tay nhìn trời (Tám thằng trong chúng tôi/ đứa nghiêng vai ngồi tiếc nuối/ đứa khoanh tay nhìn trời).
    Đơn vị các anh lính ở Huế (Gió sông Hương), cách Sài gòn chỉ độ vài giờ, nhưng sự xa cách thật ngút ngàn (Xa nhau trong vài giờ/ không gian thì lại cách/ xa ngút ngàn rồi em ơi). Nhóm chữ "vài giờ" trong "Xa nhau trong vài giờ" không có ý thời gian, mà là không gian. Chi tiết khoảng cách chỉ vài giờ đi, cho ta biết phương tiện chuyên chở các anh là máy bay vì khoảng cách giữa Sài Gòn và Huế khoảng 650 km, không thể nào đi bằng xe được. Thời bấy giờ, chuyên chở binh sĩ thường qua phi cơ cánh quạt hoặc trực thăng. Loại phi cơ thường dùng là Hercules C-130A, máy bay cánh quạt bốn máy, bay với vận tốc khoảng 500 km/ giờ và tầm bay (range) khoảng 3.500 km. Máy bay C-119 cũng được dùng, nhưng không thông dụng bằng C-130A. Loại trực thăng thường dùng là Bell UH-1 Huey với vận tốc khoảng 200 km/giờ và tầm bay khoảng 500 km, không thể nào chuyên chở các anh lính ra Huế. Trực thăng Chinook CH-47 cũng được dùng trong việc chuyên chở binh sĩ, với sức chở 33-55 lính, vận tốc khoảng 240 km/ g và tầm bay độ 740 km. Tuy nhiên, trực thăng thường dùng để chuyên chở binh sĩ trong lúc hành quân, và it khi dùng để chở tân binh ra đơn vị. Ngoài ra, trực thăng thường dùng ở các quân khu, và ít dùng ở phi trường Tân Sơn Nhất. Hơn nữa, Chinook CH-47 thường được dùng là vận tải quân liệu, trọng pháo, v.v. Do đó, nhóm các anh lính chắc là được chuyên chở bằng Hercules C-130A với sức chở khoảng 60 - 70 lính với đầy đủ quân trang. 
    Huế có phi trường Phú Bài, cách Huế độ 15 km về phía Nam, là nơi mà "từng đón những chuyến bay C130 chở hàng trăm Cảnh Sát Dã Chiến" (Lê 2014) thời Phật giáo biểu tình. Chuyến bay chở các anh lính trên chiếc C-130A từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc nửa đêm, và đáp xuống phi trường Phú Bài sau gần hai tiếng đồng hồ bay. Từ phi trường Phú Bài, các anh lính được xe đưa về Huế tới đơn vị, ̣đi qua sông Hương, có thể lúc hai ba giờ sáng. Anh lính cảm thấy lạnh lẽo, không biết vì gió sông Hương hay vì xa người yêu (Gió sông Hương lạnh lắm/ phải chăng sông núi lạnh/ hay tại vì anh xa em). 
    Tới nơi rồi, sau khi thu xếp về trại lính, nỗi buồn xa cách mới thực sự thấm. Các anh thương nhớ những người thân yêu, thành phố Sài Gòn dấu ái. Nỗi buồn dâng cao, nhưng các anh cố nén và gượng cười với nhau, mỗi người theo đuổi tâm tư nhung nhớ riêng (Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy/ Bọn tôi cũng gượng cười/ mà lòng nghe buồn riêng vấn vương).
    Các anh lính trẻ, tuổi 17-18, chưa học xong trung học, hoặc bỏ học đi làm, chưa từng biết hút thuốc, môt thói quen xấu của thanh niên thời loạn. Nhưng xa nhà, nhớ người yêu, các anh châm điếu thuốc đầu tiên trong đời, và cảm thấy ấm lòng trong cơn lạnh (Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi). 
    Rồi màn đêm buông xuống, anh lính trẻ xa nhà, nhớ người yêu da diết, viết lá thư tình cho nàng. Nhưng viết đi viết lại mà vẫn chưa vừa ý, có lẽ không có ngôn từ nào diễn tả được tâm trạng anh ta. Và anh cứ vẩn vơ nghĩ đến người yêu, nhớ nhung nàng xa xôi tại Sài Gòn (Đêm nay viết cánh thư tinh/ Đêm đã khuya rồi mà lời lòng chưa vừa ý/ Giờ buồn người ở phương xa/ Vẩn vơ từ đêm qua).
    Nhưng anh không thể nhớ nhung người yêu mãi, vì anh là lính tráng. Anh biết cuộc đời lính cực khổ, nhưng anh chấp nhận vì anh được thỏa chí tung hoành. Làm sao mà anh có dịp đi đó đi đây, băng rừng xuyên núi, vui với thiên nhiên đất trời, chia sẻ vui buồn với các bạn đồng ngũ? (Đời trai nghiệp lính/ biết đi là gian khổ/ nhưng vẫn đi cho thoải chí/ Mấy thuở được làm quen/ đó đây sông cùng núi/ chia sẻ đau thương ngọt bùi).
    Vì vậy, sau ba tháng quân trường ngắn ngủi, cho dù có người yêu thương nhớ, anh vẫn biết là anh phải thương yêu cả núi rừng lẫn thành phố, anh mới đúng là người trai kiêu hùng (Cho nên dù người thương/ cho nên dù người nhớ/ ba tháng dài được bao nhiêu?/ Có yêu thương thành phố/ phải yêu thương núi rừng/ mới là người trai hiên ngang).
    Câu "Có yêu thương thành phố phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang" cho thấy bản chất mộc mạc, gần như là "ngây thơ" của anh lính. Tác giả không giải thích tại sao đã yêu thương thành phố, thì phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang. Nhưng ta hiểu tại sao. Thành phố và núi rừng có đặc tính khác hẳn nhau. Thông thường, ít ai yêu thích cả hai cuộc sống. Những người thích sống thành phố thường không thích núi rừng, và ngược lại. Vậy ai là người có thể thích cả hai cuộc sống? Hỏi tức là trả lời. Chỉ có những người yêu thương đất nước thực sự mới có thể yêu thương cả thành phố lẫn núi rừng, vì cả hai đều thuộc về đất nước. Lòng yêu thương thành phố, núi rừng, non sông, biểu hiện một ý chí cao cả hơn chuyện chém giết quân thù.
    Bài hát nói lên bản chất hiền hòa, đầy nhân bản và tình người của dân miền Nam trước 1975:
    Điểm nổi bật nhất của bài hát là anh lính không hề nhắc đến chiến tranh, mặc dù anh đang là một tân binh đang đi ra đơn vị nơi chiến trường. Anh không nói gì đến súng đạn, chỉ nói đến ba lô nặng chĩu vui buồn. Anh cũng không hề nói đến kẻ thù, lính cộng sản, và những tội ác quân cộng sản gây ra trên quê hương. Với anh, điều hạnh phúc là anh được dịp tung hoành nơi rừng núi vả chia sẻ ngọt bùi với các bạn đồng ngũ. Anh lính phản ảnh bản chất hiền lành và đầy tình nghĩa qua lời tâm sự chân thành.
    Chúng ta đã thấy tính chất hiền hòa nhân bản của người miền Nam trước trong các bài hát tôi viết trước đây, từ Một Mai Giã Từ Vũ Khí, Sương Trắng Miền Quê Ngoại, cho tới Tám Nẻo Đường Thành, Tình Thiên Thu. Các bài hát viế́t về lính do các tác giả quân đội phục vụ trong Cục Tâm Lý Chiến không hề có lời nguyền rủa quân cộng sản hoặc kích thích lính VNCH giết quân thù, ngay cả khi tội ác của cộng sản đang được phơi bày.


    Ta hãy đọc những ca khúc miền Bắc cộng sản trong thời chiến tranh:
    Nổ máy lên ta một dạ xung phong... Trước quân thù là chỉ biết có tiến công ("Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng").
    Từ ngày đô thị vùng lên chị em mình đi tải đạn để các anh đi diệt thù... Lòng người đang độ mùa xuân trào dâng niềm vui đánh Mỹ... Đường về đô thị còn xa ngày nay đi diệt thù cứu nước có ta có mình ("Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn").
    Tay vót chông miệng hát không nghỉ... Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù... Xiên thây quân cướp nào vô đây... Ê quân xâm lăng gian ác bay muốn vào mũi chông sẵn sàng đây ("Cô Gái Vót Chông").
    Anh đi trước hàng quân, tiến về giải phóng nông thôn, tiến về thành phố thân yêu đạp trên xác thù... Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước, mỗi bước ta đi diệt tan bao bốt đồn thù... Mỗi bước ta đi giặc Mỹ tan tành sợ hãi, nhưng lực lượng ta mỗi ngày một lớn lên ("Mỗi Bước Ta Đi").
    Lời thôi thúc phải đánh tan giặc kia... Và khi phá lộ chặn đánh xe giặc qua... Ta chào mùa xuân thành phố diệt Mỹ ngụy... Mùa xuân thắng lợi giặc Mỹ sẽ phải tan... Nam Bắc hai miền chung tay diệt Mỹ ("Cùng Hành Quân Giữa Mùa Xuân").
    Áo bà ba súng quàng vai hôm sớm ra đi... ghi chiến công giết giặc lẫy lừng... nối tiếp nhau làng quê nổi dậy, đồn giặc tan thắm lại màu xanh ("Những Cô Gái Đồng Bằng Sông Cửu Long").
    Ta thấy lời ca trong "Nhạc Đỏ" đầy rẫy hận thù, giết chóc, và thúc dục kêu gọi dân đánh Mỹ diệt Ngụy. Những câu "diệt thù," "mũi chông nhọn hoắc," "xiên thây," "đạp trên xác thù," "vùi thây quân giặc," "diệt tan bao bốt đồn thù," "phá lộ chặn đánh xe giặc," "diệt Mỹ ngụy," "giết giặc," "đồn giặc tan" cho thấy tinh thần tàn bạo ác độc của quân cộng sản trong chiến tranh. Đó là không kể những bài ca ngợi Hồ Chí Minh, kẻ thù dân tộc.
    Lời ca có những chi tiết cho biết vài dữ kiện cá nhân của anh lính:
    Bài hát "Giã Từ Sài Gòn" có lời ca nhẹ nhàng, nói về chuyến đi ra đơn vị đầu tiên của anh lính trẻ và các bạn đồng ngũ. Bài hát có những chi tiết giúp ta có được những dữ kiện cá nhân về anh lính. Biết được những đặc điểm này giúp người nghe tưởng tượng ra hình ảnh cụ thể và quý trọng tâm tư anh. Những chi tiết khá đặc thù về anh lính giúp người nghe hiểu thêm được bối cảnh xã hội tại miền Nam trước 1975 và tâm tình người lính trong thời chiến tranh. Những chi tiết về việc tòng quân, các binh chủng được trình bày ở trên và có thể được tìm hiểu thêm qua các trang mạng (Xem, thí dụ như, Nguyễn Ngọc Chính) hoặc sách vở, tài liệu (Xem, thí dụ như, Nguyễn 2001).
    1. Cấp bậc, tuổi tác, trình độ học vấn, và binh chủng:
    Bài hát không nói rõ cấp bậc, tuổi tác, trình độ học vấn, và binh chủng của anh lính. Nhưng qua những chi tiết kín đáo, ta có thể suy diễn như sau. 
    Trước hết, anh rất có thể là lính trơn (trơn vì không đeo lon), cấp bậc binh nhì (thực ra là không có cấp bậc). Đó là vì anh chỉ có ba tháng quân trường là đã được đưa ra đơn vị. Binh nhì là cấp bậc thấp nhất, rồi đến binh nhất. Sau đó là các cấp hạ sĩ quan. Sau đó là các cấp sĩ quan (Wikipedia 2014b). 
    Là binh nhì, anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn," có thể có trình độ học vấn không quá lớp 10, như cho biết trên về các điều kiện hoãn dịch vì lý do học vấn. Anh ta không thuộc vào người rớt Tú Tài I vì nếu vậy, anh sẽ được đi học Hạ sĩ quan. Nếu không đi học thì anh ta làm gì? Ta không rõ anh ta ngưng học từ lúc nào, nhưng có điều khá chắc chắn là anh ta không thuộc hạng du đãng phá làng phá xóm, hoặc những kẻ trốn quân dịch. Đó là vì dựa vào lời lẽ tâm sự, anh lính có nhiều tình cảm, bản chất hiền hòa, có phần lãng mạn (viết thư tình), không biết hút thuốc trước khi đi lính. Ở Sài Gòn, những người trốn quân dịch thường phải ở nhà luôn luôn, không đi ra ngoài vì cảnh sát soát giấy tờ thường xuyên trên đường phố. Anh lính không phải là người trốn quân dịch vì anh biểu lộ tình yêu nước và muốn là người trai hiên ngang, đi đây đi đó, vui với núi rừng. Ta chỉ có thể phỏng đoán là anh ngưng học và đi làm phụ giúp gia đình, hoặc có thể nuôi đàn em nhỏ.
    Vì anh học trễ tuổi hoặc không đi học mà đến tuổi động viên, anh chắc lả ở tuổi động viên nhỏ nhất, tức là 18 tuổi trước năm 1972 hoặc 17 tuổi năm 1972 và sau đó.
    Ta hãy thử suy đoán anh lính thuộc binh chủng nào.
    Qua lời tâm sự kể lể, anh không thể thuộc Không Quân hoặc Hải Quân vì hai ngành này có những trường huấn luyện đặc biệt và anh lính cho thấy rõ là yêu thích "núi rừng" chứ không phải bay trên cao hoặc sông biển. Do đó, anh chỉ có thể thuộc Lục Quân, bộ binh hoặc một trong ba binh chủng Tổng Trừ Bị: Nhảy Dù (ND), Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), và Biệt Động Quân (BĐQ). 
    Anh lính tỏ ý thích "đi cho thoải chí," "đó đây sông cùng núi" và "yêu thương núi rừng." Vì vậy, anh không thể thuộc các sư đoàn BB, ĐPQ, hoặc NQ. Còn chi tiết nữa là anh có vẻ gắn bó với Sài Gòn, rất có thể sinh trưởng tại Sài Gòn, càng cho thấy anh không phải là BB, ĐPQ hoặc NQ thường đóng đồn ở các thành phố, thị xã, thôn quê, nơi họ sinh sống.
    Do đó, anh chắc thuộc binh chủng lưu động: ND, BĐQ, và TQLC. Ta hãy xem xét anh thuộc binh chủng nào. Chi tiết "núi rừng" cho thấy anh không phải là TQLC, vì TQLC "giữ nhiệm vụ khởi đầu từ năm 1954 là hành quân thủy bộ, kiểm soát vùng biển và sông ngòi Miền Nam" (Phạm). Anh cũng không thể là BĐQ, vì BĐQ thường nhận binh sĩ, hạ sĩ quan, và sĩ quan từ bộ binh hoặc các binh chủng khác. Ngoài ra, BĐQ có trường huấn luyện riêng ở Dục Mỹ (Wikipedia 2014c). Ta thấy xác suất anh thuộc binh chủng ND rất cao. Có nhiều chứng cớ cho kết luận này. 
    Trước hết, "[k]hông giống như những đơn vị khác của QLVNCH, Sư Đoàn Nhảy Dù chỉ nhận những Quân Nhân hoàn toàn tình nguyện" (Võ và Nguyễn 2010, 82). Đó là vì binh sĩ ND thường tham gia các trận chiến khốc liệt, có thương vong rất cao. Lính ND có tiếng là can đảm, thiện chiến. Hàng năm, số người tình nguyện "trung bình khoảng 4000 thanh niên trai trẻ" (sđd.). Anh lính cho thấy là người thích đi đây đi đó, vào ra núi rừng, thành phố. Do đó, chuyện anh tình nguyện vào ND rất hợp lý. 
    Thứ nhì, chương trình huấn luyện cho binh sĩ ND khoảng ba tháng, và tại vùng Sài Gòn. Sau 9 tuần quân trường tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, các tân binh nhảy dù được huấn luyện kỹ thuật nhảy dù tại căn cứ Hoàng Hoa Thám trong ba tuần (Võ và Nguyễn, 2010, 82, 92).
    Với những lý do trên, ta có thể suy đoán ra anh lính là một binh sĩ ND. Ta thấy anh tình nguyện đi ND mặc dù biết cuộc sống lính ND rấ̀t gian nan khó nhọc (biết đi là gian khổ/ nhưng vẫn đi cho thoải chí).
    2. Anh lính là người Nam chính gốc:
    Một chi tiết thú vị nữa là anh lính chắc là người Nam chính gốc. Tôi dùng nhóm chữ "Nam chính gốc" hoặc "Nam kỳ chính gốc" có chút khôi hài để chỉ người sinh trưởng trong miền Nam, có "gốc rễ" miền Nam lâu đời, và không phải là người Bắc di cư, hoặc người Bắc hay Trung di chuyển tới miền Nam sinh sống. Tôi đi đến kết luận anh lính chắc là người Nam chính gốc vì vài chi tiết biểu lộ trong bài hát sau đây.
    Trước hết, anh rất yêu thương Sài Gòn, cho thấy anh có nhiều kỷ niệm và sinh sống tại Sài Gòn lâu năm. Đặc biệt, anh dùng "tha hương" khi nói về chuyện rời Sài Gòn ra đơn vị. Ý nghĩa "tha hương" có vẻ phóng đại nhưng cho thấy các anh lính rất có "gốc rễ" ở Sài Gòn. Cái tình yêu thương đó có vẻ chứa chan và sâu sắc hơn những người di cư vào Sài Gòn. Chuyện đó cũng chưa hẳn là đúng vì có rất nhiều người, tuy di cư vào Sài Gòn vẫn có lòng thương yêu Sài Gòn vì họ sinh sống từ lúc còn nhỏ và coi Sài Gòn như quê nhà mình. Nhưng một chi tiết quan trọng hơn khiến tôi khẳng định anh là dân Nam kỳ chính gốc. Đó là câu "lòng nghe buồn riêng vấn vương" và "nghe ấm môi."
    Tại sao hai câu đó cho thấy anh lính là dân Nam kỳ chính gốc? Ta hãy đọc lại cả câu: "Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy/ Bọn tôi cũng gượng cười mà lòng nghe buồn riêng vấn vương" và "Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi." Đặc biệt, câu "Khói thuốc chưa lần châm mồi/ Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi" dính líu đến bốn giác quan: thị giác (thấy khói thuốc), thính giác (nghe), khứu giác (mùi), xúc giác (ấm môi). Câu "Chưa từng quen mùi/ mà giờ thì nghe ấm môi" có nghĩa bây giờ anh lính nghe mùi khói thuốc và cảm thấy ấm môi. 
    Ta hãy chú trọng vào nhóm chữ "nghe mùi" và "nghe buồn." Bạn có bao giờ "nghe" được mùi vị thơm của khói thuốc hoặc "nghe" được nỗi buồn không? Hoặc "nghe" được cảm giác ấm áp trên môi không? Hoặc không nhất thiết là khói thuốc hay mùi thơm, bạn có thể nào "nghe" (dùng tai) mùi hoặc nỗi buồn được không? Chắc chắn là không. Ta chỉ có thể "ngửi" mùi hoặc "cảm nhận" nỗi buồn được thôi. Tôi không tin là tác giả đang cố tình dùng kỹ thuật mỹ từ để đem lại hình ảnh mới lạ cho "nghe mùi" hoặc "nghe buồn" vì thực ra "nghe mùi" hoặc "nghe buồn" là cách dùng rất thông dụng trong miền Nam. 
    Chỉ có dân miền Nam chính gốc mới dùng "nghe mùi" và "nghe buồn." Người Bắc hoặc người Trung ít khi dùng nhóm chữ đó. Ta phải hiểu đó là nét độc đáo của dân "Nam kỳ" và đó là lý do tại sao dân miền Nam có cách ăn nói thật bình dân. Tôi sẽ không đi sâu thêm nữa về các khía cạnh văn hóa dân "Nam kỳ," "Bắc kỳ," hoặc "Trung kỳ" và so sánh các khía cạnh này. Một cách đại khái, với người miền Nam chính gốc, có lẽ giác quan họ dùng nhiều nhất là "nghe." (Đây là câu nói đùa.) Tôi không rõ nguồn gốc thế nào, nhưng cũng có thể người miền Nam thích nghe lời đồn, nghe ngóng, và bàn tán tin tức. Họ thường dùng "nghe thấy" và dùng "nghe" trong hầu hết mọi trường hợp. Có thể đời sống nhàn nhã, ruộng lúa phì nhiêu, trai gái hát hò bên sông rạch hàng đêm, và dân nghe lời ca tiếng hát thường xuyên. Cũng có thể người miền Nam có tính lãng mạn, dùng mỹ từ cho các câu ví von, thét rổi quen đi, và người dân quên đi ý nghĩa "nghe" là dùng thính giác.
    Dân các miền khác cũng có lối dùng từ ngữ đặc thù và đó cũng là điểm độc đáo của tiếng Việt đã khiến biết bao nhiêu người ngoại quốc khi học tiếng Việt phải điên đầu. Thí dụ như người Bắc dùng "buồn nôn" trong khi người Nam dùng "muốn ói." Khi nói đến chuyện bài tiết, người Bắc dùng "buồn" nhưng người Nam dùng "mắc." Hẳn nhiên điều đó không có nghĩa là người Bắc sầu não ("buồn") trong việc "nôn" hay bài tiết, hoặc người Nam thích thú ("muốn") trong việc ói mửa ̣hoặc khó chịu vướng víu ("mắc") trong việc bài tiết. 
    "Nghe mùi" và "nghe buồn" chỉ là hai thí dụ nhỏ trong hàng ngàn cách dùng chữ hoặc động từ của người miền Nam chính gốc. Tôi có một cô bạn người Nam chính gốc. Cô ta hay nói "em bắt điện thoại" (thay vì "nhấc/bật/ mở điện thoại.") Có lần tôi nói chọc cô, "Điện thoại em có tội tình gì mà em bắt nó? Bộ em định bắt nó bỏ vô bót hả?" Cô ta ngẩn người ra, và mặc dù cô ta biết tôi hay nói đùa giỡn, cô ta không hiểu có gì đáng cười với câu chọc đó. Đó là vì cô dùng chữ "bắt" trong "bắt điện thoại" quá thường và không thấy gì kỳ cục. 
    Tôi không muốn bị coi là phân biệt Nam Trung Bắc, nhưng sự thật là mỗi miền có cách ăn nói và diễn tả ý tưởng khác nhau, và đó là điểm đặc thù mỗi miền. Thực ra, đó cũng là điểm đặc sắc của dân tộc Việt Nam, và là điểm tốt đẹp vỉ nó cho thấy tính chất đa dạng của dân tộc ta.
    Trở về anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn," anh ta đúng là dân Nam kỳ chính gốc mới có cách nói "nghe mùi" và "nghe buồn" như vậy. Có thể sẽ có người nói, "Tác giả mới là người Nam kỳ chính gốc, không phải là anh lính." Tuy nhiên, như đã trình bày trước, những gì tác giả viết là gán ghép cho anh lính. Bài hát là lời của anh lính, không phải là lời của tác giả. Tác giả vẫn có thể là người Bắc di cư, quen thuộc lối nói của người Nam, dùng lời người Nam vì muốn tạo ra nhân vật người Nam. Cũng rất có thể tác giả là người Nam chính gốc, không có ý định tạo ra nhân vật người Nam, nhưng mô tả anh lính với cách nói của người Nam một cách không cố tình. Trong cả hai trường hợp, nhân vật anh lính vẫn là đối tượng ta chú ý, và anh lính được tả là người Nam chính gốc. Thực ra ai cũng có thể đoán được anh lính là người Nam chính gốc, vì đa số dân miền Nam thời ấy là người Nam chính gốc. Tuy nhiên, cái suy đoán dựa vào lối ăn nói của anh chính xác hơn và cho ta thêm phần hiểu biết về những đặc thù của người miền Nam.
    Đọc tới đây, chắc chắn có nhiều độc giả la lên, "Thằng cha Cao-Đắc Tuấn này khùng rồi. Suy diễn lung tung hết. Từ một bài hát với lời lẽ bình thường mà suy diễn ra đủ mọi chuyện về anh lính. Nào là anh ta 18 tuổi, trình độ học chưa quá lớp 10. Nào là anh ta bỏ học đi làm, là người hiền lành, đi lính binh nhì, tình nguyện vào Nhảy Dù, chia tay bạn gái trong Vườn Tao Ngộ. Nào là anh ta cùng các tân binh đồng đội ra Huế trên máy bay C-130A trong đêm khuya, đáp xuống phi trường Phú Bài sau gần hai tiếng bay. Và bây giờ lại dám kết luận anh ta là dân Nam kỳ chính gốc."
    Nếu bị trách, tôi xin chịu tội. Tôi lỡ là người thích viết văn, làm thơ, và nghe nhạc, nên có trí tưởng tượng dồi dào. Nếu độc giả nào trách tôi, thì cũng nên châm chước dùm vì tôi có thói quen thưởng thức một bài hát dựa vào suy diễn chủ quan.
    Diễn giải một ca khúc là ý kiến chủ quan trong việc thưởng thức ca khúc đó:
    Có hai lý do bào chữa cho tôi.
    Thứ nhất, những suy diễn, kết luận của tôi, chắc chắn không đúng 100%. Ngoài những câu đoán, tôi còn phạm nhiều ngụy biện luận lý. Tuy nhiên, những suy đoán, lý luận của tôi không hoàn toàn vô căn cứ. Bài hát tiết lộ những chi tiết rõ rệt và cụ thể phản ảnh tình trạng xã hội và chiến tranh bấy giờ. Dựa vào những chi tiết này, cộng với những chứng cớ liên hệ khá chặt chẽ, tôi đưa ra những kết luận. Do đó, những kết luận này không phải là đoán mò, mà được hỗ trợ bởi những bằng cớ và lý luận xác đáng.
    Thứ nhì, và là lý do quan trọng nhất, bài này không phải là một bài bình luận hay diễn giải chính trị nghiêm trọng. Đây chỉ là ý kiến chủ quan của tôi về một tác phẩm nghệ thuật. Thưởng thức nghệ thuật có tính chất chủ quan, và không nhất thiết phải dựa vào một diễn giải khách quan đúng. Tôi có thể hiểu sai ý tác giả, nhưng điều đó không quan trọng bằng tiến trình tôi suy diễn trong việc đem cái diễn tả của tác giả lồng vào cái nhìn chủ quan của tôi trong lúc tôi thưởng thức tác phẩm của tác giả. 
    Có thể những diễn giải của tôi về anh lính trong "Giã Từ Sài Gòn" và chuyến đi ra đơn vị́ của anh hoàn toàn sai bét. Tuy nhiên, hình ảnh một thanh niên người miền Nam trẻ tuổi hiền lành, đầy tình với bạn đồng ngũ, người yêu, và thành phố, ra đi tới chiến tuyến lần đầu trong một chuyến bay đêm lạnh lẽo, không có sự hận thù quân giặc, trong khi tình nguyện vào binh chủng oai hùng nhất, có tiếng là can trường và phải hy sinh nhiều nhất trong các trận đánh khốc liệt, để bảo vệ non sông với lòng yêu nước cao cả, tạo cho tôi cảm xúc bùi ngùi và xót xa cho những hy sinh của chiến sĩ VNCH.
    Đó là cách tôi thưởng thức bài hát.
    C. Ca khúc có lối diễn tả cân bằng, giản dị, và ít vần điệu cho thấy nét mộc mạc đơn sơ của anh lính:
    Về phương diện hình thức và cách diễn tả, tác giả kể câu chuyện anh lính trẻ một cách hữu hiệu, nói lên được bản chất hiền hòa và lòng yêu nước của một người lính VNCH tiêu biểu. Cộng với giai điệu chầm chậm, nhẹ nhàng, tiết tấu đều đều, bài hát giúp người nghe cảm nhận tâm tư buồn vui lẫn lộn, cô đơn, ray rứt thương nhớ người yêu, và nỗi niểm yêu thương đất nước của anh lính trẻ.
    Đặc điểm của lối diễn tả là sự vừa phải, cân bằng của kỹ thuật viết. Tác giả không dùng những kỹ thuật diễn tả thật nổi bật, mà chỉ dùng từ ngữ giản dị, phù hợp với câu chuyện. Tác gỉả dùng từ ngữ nhẹ nhàng, pha lẫn nét "dễ thương" của các anh lính trẻ 17-18 tuổi, mới ra đơn vị lần đầu.
    Tác giả kể câu chuyện dùng cả kỹ thuật "kể" và "cho thấy" một cách dung hòa. Trong phiên khúc đầu, tác giả giới thiệu các nhân vật trong câu chuyện, gồm có các anh lính cùng trang lứa, và người yêu của nhân vật chính. Rồi tác giả kể chuyến đi ra đơn vị với những hình ảnh cụ thể như nét chấm phá cho bức tranh câu chuyện.
    Để ý là tác giả dùng "chúng tôi," và "bọn tôi" ("Cùng trang cùng lứa chúng tôi," "Tám thằng trong chúng tôi," "Bọn tôi cũng gượng cười"), cho thấy anh lính nặng tình đồng đội cho dù mới xong quân trường. Tinh thần đồng đội này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài hát ("thương mến nhau," "đồng hành," "vui chung," "đứa nghiêng vai," "đứa khoanh tay," "chia sẻ đau thương ngọt bùi"). Ta không lấy làm lạ về tình "huynh đệ chi binh" của các chiến sĩ QLVNCH. Đặc biệt, với binh chủng ND, tình đồng đội còn thắm thiết hơn vì ND thường đánh trận dữ dội, và có nhiều dịp để chia sẻ đau thương và giúp đỡ lẫn nhau. Với các anh lính trẻ, họ hiểu chuyện đó hơn ai hết thẩy vì họ tình nguyện gia nhập ND, chấp nhận cuộc đời gian khổ. Tình huynh đệ chi binh không cần phải được phát triển trong những ngày chiến đấu vào sinh ra tử bên nhau, mà đã được hình thành ngay từ lúc gia nhập gia đình "thiên thần mũ đỏ" ND.
    Tác giả "cho thấy" những hình ảnh cụ thể nhưng rất gây ấn tượng cho cuộc hành trình đầu tiên ra đơn vị. Tác giả dùng từ ngữ tượng hình để mô tả các anh lính trẻ với thái độ ngẩn ngơ trẻ con (nghiêng vai ngồi tiếc nuối, khoanh tay nhìn trời, gượng cười, khói thuốc chưa lần châm mồi). Các từ ngữ anh lính dùng cũng rất đơn sơ giản dị, không cầu kỳ ("nặng lắm," "em ơi," "lạnh lắm"), biểu lộ tâm hồn chất phác hiền lành. Ngoài ra, tác giả tả anh lính vẩn vơ nghĩ đến người yêu, viết thư tình mãi mà chưa xong. Câu "Gió Sông Hương lạnh lắm, phải chăng sông núi lạnh hay tại vì anh xa em?" cho thấy tình yêu anh dành cho người yêu thật thắm thiết và chân thành. Với những mô tả như vậy, ta không thể hình dung ra chiến sĩ ND can trường xông pha ngoài trận mạc. Điều đó có làm yếu kém ý tưởng hay không? Đương nhiên là không. Thực ra, những diễn tả ngơ ngác, vẩn vơ, hiền lành của các anh lính còn làm mạnh ý tác giả hơn nữa, vì tác giả đang muốn vẽ ra hình ảnh các chàng trai trẻ hiền hòa đầy tình cảm và có lòng yêu nước thiết tha.
    Bài hát dùng rất ít vần điệu nhưng dủng chữ đơn giản. Toàn thể bài hát chỉ có một vài câu có chút vần điệu (Giờ buồn người ở phương xa/ Vẩn vơ từ đêm qua). Ta nên hiểu tác giả cố tình chọn không vần điệu, để tạo nét chân thật và mộc mạc cho anh lính. Vần điệu giúp bài hát có âm tiết trôi chảy nhưng có thể khiến lời nói anh lính trở nên màu mè, gượng ép. Cũng như trong thơ, vần giúp câu thơ trôi chảy, dễ nghe, nhưng đôi khi có sự gò bó trong cách diễn tả, vì ý tứ phải theo vần. Vì vậy, thơ theo thể loại tự do giúp người viết có dịp diễn tả ý phong phú, chính xác, và hiệu quả hơn. 
    Gần giống như thơ, lời ca trong bài nhạc, khi không bị gò bó bởi vần điệu, diễn tả ý tưởng chính xác và thể hiện tâm trạng chân thật hơn. Một điểm bất lợi của lời ca là cấu trúc mỗi đoạn bị chi phối bởi số phách trong mỗi ô nhịp và do đó không thể có những ngắt quãng tùy ý. Ngược lại, một lợi điểm là lời ca được diễn tả qua giai điệu lên xuống và tiết tấu nhịp nhàng, nên có được những tác dụng của âm thanh mà thơ thường không có (trừ phi được ngâm với lối ngâm thơ thích hợp).
    Những câu trong "Giã Từ Sài Gòn" dùng từ ngữ đơn giản, rất it mỹ từ. Vì lời ca là lời anh lính, tác giả muốn dùng lời ca để phản ảnh bản chất, cá tính, và con người của anh. Thí dụ, câu "tám thằng trong chúng tôi, đứa nghiêng vai ngồi tiếc nuối, đứa khoanh tay nhìn trời" tả cảnh tượng chính xác, không mơ hồ, và dùng từ ngữ đơn giản. Câu "Khói thuốc chưa lần châm mồi, chưa từng quen mùi mà giờ thì nghe ấm môi" cho thấy sự chân thật và có chút gì "ngây thơ vô tội" của một cậu trai 18 tuổi. Ngay cả trong câu chót, "Có yêu thương thành phố, phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang," ta thấy có cái gì chất phác, mộc mạc, hơi chút quê mùa trẻ con, và không có triết lý gì cao sa.
    D. Kết Luận:
    Ca khúc "Giã Từ Sài Gòn" là một bài hát diễn tả tâm tình một anh lính trẻ, mới rời quân trường và ra đơn vị lần đầu. Qua cách diễn tả cân bằng, đơn giản, tác giả cho thấy bản chất hiền hòa, đầy tình cảm, của anh lính với nỗi niềm yêu thương đấ̃t nước, người yêu, và cuộc đời lính. Những chi tiết cụ thể trong bài hát cho biết vài đặc điểm cá nhân anh lính và giúp người nghe hiểu được tình trạng xã hội miền Nam trong thời chiến tranh và cảm thấy gần gũi với anh lính hơn. 
    Tuy những đặc điểm cá nhân này không nhất thiết đại diện cho tất cả chiến sĩ VNCH, các khía cạnh nhân bản đầy tình người và lòng yêu nước quả thật tiêu biểu tinh thần người miền Nam trước 1975 và chiến sĩ VNCH. Tinh thần ấy khác hẳn tinh thần hiếu chiến và tàn ác mà giới lãnh đạo cộng sản đưa vào đầu óc binh sĩ cộng sản qua những bài hát kích động giết chóc và hận thù.
    CẢM TẠ
    Tôi có lời cảm tạ anh Vũ Đông Hà và các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo, nhất là các bạn emSAIGON, Sài gòn, daubetangthuong, mythanh, và bức xúc, đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn bức xúc.

    Cao-Đắc Tuấn
    danlambaovn.blogspot.com

    ______________________________________
    Tài Liệu Tham Khảo:
    1. Davidson, Phillip B. 1988. Vietnam at War: The History: 1946-1975. Presidio Press, California, U.S.A.
    2. Huỳnh Minh Tú. 2013. Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến. 1-12-2013.
    http://tuxtini.com/2013/12/01/nhin-lai-nen-giao-duc-vnch-su-tiec-nuoi-vo-bo-ben/ (truy cập 16-11-2014).
    3. Kleinen, John. 2004. Framing 'the Other': A critical review of Vietnam War movies and their Representation of Asians and Vietnamese, in "Asia in Europe, Europe in Asia," edited by Srilata Ravi, Mario Rutten, Beng-Lan Goh, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore.
    4. Le Gro, William E. 2006. Vietnam from Cease-Fire to Capitulation. University Press of the Pacific, Hawaii, U.S.A.
    5. Lê Văn Lân. 2014. Nhìn lại phi trường Phú Bài. 24-9-2014. http://khoahocnet.com/2014/09/24/bs-le-van-lan-nhin-lai-phi-truong-phu-bai/ (truy cập 21-11-2014).
    6. Long Điền. Không rõ Ngày. Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của QLVNCH.
    http://batkhuat.net/tl-dpq-ng-qlvnch.htm (truy cập 19-11-2014).
    7. Nguyễn Đức Phương. 2001. Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập. Làng Văn, Ontario, Canada.
    8. Nguyễn Ngọc Chính. Không rõ ngày. Ngôn ngữ lính tráng Sài Gòn xưa. November 12, 2014 http://thoibao.com/ngon-ngu-linh-trang-sai-gon-xua/ (truy cập 19-11-2014).
    9. Nguyễn Quý Đại. 2013. Thủ Đức Một Thời Khó Quên. 14-12-2013.
    http://hoiquanphidung.com/showthread.php?12833-Th%E1%BB%A7-%C4%90%E1%BB%A9c-M%E1%BB%99t-Th%E1%BB%9Di-Kh%C3%B3-Qu%C3%AAn (truy cập 19-11-2014).
    10. Noyes III, Harry F. Không rõ Ngày. Heroic Allies.
    http://www.vietamericanvets.com/Page-Records-HeroicAllies.htm (truy cập 25-11-2014).
    11. Phạm Phong Dinh. Không rõ ngày. Tại sao QLVNCH lập ra ba binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân? Đăng 20-6-2014.
    http://nktlittlesaigon.blogspot.com/2014/06/tai-sao-qlvnch-lap-ra-ba-binh-chung.html (truy cập 19-11-2014).
    11. Tucker, Spencer C. 1999. Vietnam. The University Press of Kentucky, Kentucky, U.S.A.
    12. Veith, George J. 2012. Black April – The Fall of South Vietnam 1973-1975. Encounter Books, New York, U.S.A.
    13. Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên. 2010. Binh chủng Nhảy Dù - 20 Năm Chiến Sự. California, U.S.A.
    14. Wikipedia. 2014a. Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung. Thay đổi chót: 3-8-2014.
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Trung_t%C3%A2m_Hu%E1%BA%A5n_luy%E1%BB%87n_Qu%E1%BB%91c_gia_Quang_Trung (truy cập 19-11-2014).
    15. Wikipedia. 2014b. Quân hàm Quân lực Việt Nam Cộng hòa. 8-8-2014.
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A2n_h%C3%A0m_Qu%C3%A2n_l%E1%BB%B1c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a (truy cập 20-11-2014).
    16. Wikipedia. 2014c. Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ. Thay đổi chót: 3-8-2014.
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Trung_t%C3%A2m_Hu%E1%BA%A5n_luy%E1%BB%87n_Bi%E1%BB%87t_%C4%91%E1%BB%99ng_qu%C3%A2n_D%E1%BB%A5c_M%E1%BB%B9 (truy cập 20-11-2014).
    © 2014 Cao-Đắc Tuấn

    No comments: