Tuesday, November 15, 2016

TRUYỆN TÙ *ĐÈN CÙ * LÊ ĐỨC ANH * HỒ CHÍ MINH *


Thursday, December 4, 2014


LE TAM ANH * BÓI TOÁN

Một tù nhân sờ mu rùa

(Để tưởng nhớ một người bạn tù đã ra đi)

letamanh

Những năm gần đây, báo chí trong và ngoài nước thường xuyên đề cập đến hiện tượng, mà theo “Biện Chứng Pháp” của Mac-Lenin, thì không bao giờ có thể xảy ra trong “Thế giới Cộng Sản” được! Trong một chế độ theo chủ nghĩa “vô thần”, lúc mới nổi lên đã chủ trương phá chùa, đập miếu, nhà thờ biến thành nơi chứa lương thực…! Người cộng sản không tin có Phật, Chúa, Thần thánh gì cả suốt một thời gian dài mấy mươi năm… Cho đến một ngày, chính những “đảng viên” quỳ gối cúng bái, đốt vàng mả, tin phong thủy, sùng bái những phù thủy gọi là “nhà ngoại cảm”; thì người ta mới chợt hiểu ra!

Tôi còn nhớ kỷ niệm lúc còn ở tù trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc Việt Nam. Kỷ niệm về một “Tù Nhân Sờ Mu Rùa” rất ư là lợi hại đã cùng với tôi “rong chơi” từ hết trại tù nầy đến trại từ khác với hàng bao nhiêu chuyện về “Tử vi. Tướng số” Ông bạn già “Thầy Bói” của tôi, vì say mê “bốc quẻ, chấm lá số” mà phải bị cùm, bị truất phần ăn… Nhưng cũng từ trong nơi cùm gông đó, anh ta cũng có thời được cưng chiều, ăn no để “nói dóc”!

Anh lớn hơn tôi chừng năm sáu tuổi, người to con, không cao lắm nhưng bệ vệ. Lúc sau nầy không có đủ thức ăn nuôi cơ thể, có lúc anh ốm như bộ xương biết đi, hai mắt lồi ra, mỗi lần xin được bi thuốc lào, rít lên một hơi là ngả bổ xuống sàn giãy đành đạch…

Xuất thân là một Sĩ Quan Phòng 7 Đơn vị 101, làm việc tại Bộ TTM, ăn nói lưu loát, miệng “có quai có xách”! Tên cúng cơm là Đoàn Thế Lộc.

Anh nổi tiếng ngay những ngày đầu vào tù. Chúng tôi thường xuyên bu chung quanh anh, chờ cả giờ đồng hồ để xin anh nói cho một vài điều. Có lúc năn nỉ anh xem hộ Tử vi sao hạn của chính mình rồi đến vợ con ở bên ngoài ra sao. Thù lao cho anh là những điếu thuốc lúc còn trong Nam, những bi thuốc lào hay là một vài cục đường, một vài khúc khoai mì lúc đã ở Bắc Kỳ - Hoàng Liên Sơn - Lao Cai - Yên Bái - Vĩnh Phú…

Đoàn Thế Lộc “quảng cáo” cho mình rằng: Hồi còn “huy hoàng”, anh ta thường xuyên xem tử vi cho các ông bà Tướng Tá trong Bộ TTM. Nghề xem Tử vi của anh không biết ra sao, nhưng ăn nói rất lưu loát, đâu ra đó, hấp dẫn, tạo niềm tin cho người đối diện. Dĩ nhiên là lúc còn trong tù, anh nói quá khứ cho từng “tù nhân” đều nghe rất… hay, rất đúng. Nhưng về tương lai thì ai mà biết được!

Chúng tôi ở với nhau trong Nam cho đến năm 1977, lúc đó là mùa hè tại trại tù Long Giao. Anh Lộc và tôi ăn cơm chung, ngủ cạnh sát nhau. Hôm đó nhằm vào rằm tháng Năm, tôi không nhớ ngày Dương Lịch. Anh vừa ăn trưa với tôi vừa nói:

- Ba hôm nữa là mình huy hoàng!
Tôi ngạc nhiên nhìn anh nói vặn:
- Đừng nói là được thả về gặp vợ con, rồi Mỹ nó đưa máy bay rước tụi mình như anh từng nói nha!

Anh từ tốn cười, cầm khúc củ mì đưa vào miệng, vừa nhai vừa nói:

- Còn hơn việc thả về nữa, tụi mình sẽ xuống tàu ra khơi
- Vừa thôi cha! Tỉnh lại đi, anh lấy đâu ra cái tin trời đánh đó?
- Tao bấm tử vi của tao và của mầy, hai số cùng có “Mã khốc khách” và tương hội trong ba ngày nữa. Tao thấy mình được xe đưa đến NewPort (Tân Cảng), sau đó xuống tàu.
- Rồi sao? Chúng đưa cho Hà Bá nhai phải không?

- Tao nghĩ chúng sẽ đưa tụi mình ra Hạm Đội 7 để trao đổi!
Tôi trợn mắt nạt anh:
- Thôi đi! Đừng có mơ, anh bị bệnh hoang tưởng rồi.
Anh cười phân bua:
- Không tin thì ba ngày nữa mày sẽ thấy, chừng đó phải lạy tao mới nói tiếp!

Mà quả thật, buổi sáng ngày thứ ba như anh nói, chúng tôi có lệnh ở nhà chờ, không đi “lao động” bên ngoài. Lúc 7:30 sáng, bốn xe sơn màu xanh bịt bùng chạy vào đậu ở sân tập họp. Sau đó là lệnh tập trung ngoài sân nghe lệnh. Lần nầy là cán bộ thứ dữ “lên lớp”. Sau một hồi nói về chính sách khoan hồng và nhân đạo của Đảng, ông ta ra lệnh mọi người đem hết đồ đạc cá nhân ra sắp hàng chờ “tổng vệ sinh”!

Thì ra mấy xe bịt bùng đó là những xe hấp hơi. Tất cả áo quần và chăn mền từng cá nhân được cho vào cốp xe. Tiếng máy nổ, tiếng hơi xì khè khè, tiếng thì thầm bàn tán…! Lúc chờ đến phiên mình, anh Lộc khều tôi và mấy bạn ngồi gần nói nhỏ:
- Hôm nay tổng vệ sinh để chuyển chúng mình đi - Hãy vui lên, tốt!
Tôi nhớ ba hôm trước anh đã nói câu nầy nên bán tín bán nghi. Nhưng tôi vẫn phản đối ý nghĩ hoang tưởng của anh:
- Thôi cha nội, đừng có tuyên truyền. Lo giữ sức khỏe mà chống với thời gian tù đi.

Sở dĩ tôi không tin lời anh ta vì trước đó mấy tháng, trong giờ “học tập”, một Bộ Đội nói với chúng tôi: “Các anh cứ tin lời tôi nói, chừng nào nhà nước gọi tên các anh để thả về mà các anh không thấy vui mừng nữa; đó mới đúng thời gian “học tập” tốt!”. Ở tù đến khi không còn cảm thấy vui khi được tự do, có nghĩa là con người của ta thành chai đá, thành vô cảm rồi. Như vậy còn gì hy vọng được về

Nhưng sau cơm chiều, mọi việc lại bắt đầu “ứng” với “quẻ” Tử vi. Người đầu tiên được gọi xách theo “hành trang” là tôi, đến tiếp theo một vài chục người nữa mới đến tên anh Lộc. Tất cả xếp hàng, cứ ba chục mạng, ngồi sau một chiếc xe Motolova màu xanh lá cây. Anh Lộc cố lết đến gần bên tôi cao giọng:

- Mầy thấy chưa! Tao nói như thần mà! Tí nữa mình sẽ ra Tân Cảng và xuống tàu…

Tôi tiếp:
- Ra Hạm Đội 7 ăn hamburger!
Anh ta cười nham nhở:
- Nhớ qua bên Mỹ tụi mình phải ở chung với nhau để mai kia một nọ giúp đỡ nhau. Mà rồi họ sẽ đưa vợ con mình qua. Họ đã cất cư xá Sĩ Quan cho mình rồi. Nhớ phải ở gần nhau…!

Xe chở tù cũng ra đến Tân Cảng. Tất cả xuống xe tay xách nách mang lĩnh cà lĩnh kĩnh nào lon Guigoz, nào đàn Guitar tự chế. Có anh còn bê theo một con gà mái đẻ mập ú ù. Con gà vợ anh ta từ Bình Giả thăm nuôi. Anh nhốt nó bên giường, chia khẩu phần cho gà, gà đền ơn bằng cách đẻ trứng cho anh xơi!

Lần lượt rồi cũng xuống tàu, xuống tận đáy tàu, ngồi sắp lớp trên những rác và bụi xi măng. Ngồi sát nách nhau, không có chổ ngã lưng. Lòng tàu cao và phía trên chỉ chừa một lỗ nhỏ thông hơi. Hai giờ đầu tiên có mấy thằng ngợp thở, mùi xi măng và bụi bay chui vào mũi… Chỉ có một giây thừng từ trên cái lỗ nhỏ thòng xuống một thùng để chứa phân, nước tiểu. Cũng cái giây đó thòng xuống hàng ngày những lương khô Trung Cộng cho cái đám người mà theo như ông Thầy Bói, Nhà Ngoại Cảm Đoàn Thế Lộc là: Sắp trở thành những giá trị trao đổi với Mỹ… Đang nghẹt thở và sắp chết!

Anh ngồi bên tôi không một tiếng nói suốt từ khi thấy anh sáng tròn của một lổ trên trần tàu rọi xuống, Cứ sáng thì chỉ phía bên trái hông tàu, chiều thì đổi qua hông phải. Như thế có nghĩa là chúng tôi “được” chở ra Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa” để… lưu đày!

Anh Lộc bấm tử vi, biết được ngày giờ di chuyển, biết được “thiên cơ” trong muôn vàn “duyên nghiệp”. Nhưng vì quá chủ quan suy diễn theo tin thời sự dựng chuyện chuyền miệng nhau trong tù, nên anh phê phán “bản tin” tử vi theo ý mình! Tôi phục tài bấm số tử vi của anh. Có những việc anh đoán trúng phốc cho những người ngoài, nhưng bản thân anh thì không đoán được.

***

Ra Bắc một thời gian “treo chén” anh lại ra chiêu xem tử vi. Anh nói với tôi là bình sanh anh chỉ mê học xem tử vi vì theo anh, nó là một môn khoa học, rõ ràng, mạch lạc và… chính xác! Với tài ăn nói vui vẻ, cởi mở và hòa đồng, anh được anh em tù cùng cảnh ngộ “nuôi”; nhất là những anh thường được gia đình gởi quà, hay có người vợ thương yêu, bằng tàu vượt rừng từ Nam ra Bắc thăm nuôi!

Anh xem tử vi nổi tiếng, nổi tiếng đến tai cán bộ trại giam bởi một anh tù làm anten (báo cáo viên) nằm bên kia dãy sàn ngủ. Anh được “mời” lên ngồi làm bản tự kiểm và sau đó bị “cùm hai chân” một tuần lễ về cái tội gieo rắc mê tín dị đoan, làm cho trại sinh không an tâm tin tưởng Đảng và Nhà Nước.

Có điều lạ là, sau một tuần lễ nằm cùm, con người anh lại khác hẳn. Anh “bị” liên tiếp, hết trưởng trại đến cán bộ giáo dục, cán bộ quản giáo… lần lượt “mời” xơi nước trà hút thuốc lá. Có hôm anh đi từ sáng đến tối mịt mới bò về chỗ ngủ, bê theo một xách, trong đựng chừng hai ký củ mì luộc.

Anh dựng đầu chúng tôi dậy đãi củ mì và gải bụng cười:
- Hôm nay được “chén” một bữa no!
Tôi chặn đầu:
- Anh khai ngay, từ ngày bị cùm ra đến giờ, luôn được cán bộ “chiếu cố”, có phải đang bán đứng anh em để được no, được về sớm phải không?
- Lại nói bậy, im cái miệng thối mày đi! Nói nhỏ cho tụi mầy nghe, đừng có học đi học lại, lỡ tụi anten nó báo cáo thì…
Chúng tôi bao quanh lấy anh, tay thì bốc củ mì, tai vễnh ra, miệng thì nhai… Anh chậm rãi:
- Tao xem tử vi cho bọn chúng!

- Trời! Thật không? Tụi nó nhốt anh, cùm anh vì cái tội xem bói toán. Mà bây giờ lại nhờ anh xem tử vi cho chúng là sao?

Anh kéo ống thuốc lào trên vách xuống, lấy cây chọc vào nõ, vê một bi thuốc… Rồi thong thả theo tiên ông… Một lúc sau, cảm thấy hết phê, anh chầm chậm “khai”:

- Hôm tao bị cùm, nằm trên sàn xi măng lạnh quá, tao nghĩ là sẽ chết vì bị lạnh lưng và đói. Mấy con gián cứ đến nhâm nhi ngón chân của tao. Vách bên kia là một ông cha đang bị cùm, hình như là Cha Song mới vừa chuyễn về từ trại Cổng Trời. Cha hay hát thánh ca và đọc kinh. Hình như ông không sợ gì, kể cả bị cùm từ các trại nầy dến trại khác.

Tao nằm như thế được hai hôm thì có một thằng áo vàng bước vào nhìn tao. Hắn có vẻ buồn, trẻ măng. Tao bèn lên tiếng: “ Chào cán bộ! Ông đang có chuyện buồn phiền gia đình. Ông mới vừa mất của!” Bò vàng ngạc nhiên nhìn tao, đến sát bên hỏi tao: “Sao anh biết tôi bị mất của?”

Tao nói: “Thì nếu cán bộ có mất thì tôi sẽ nói tiếp còn không thì thôi. Nhưng cán bộ tuổi con gì, sanh ngày giờ gì thì tôi mới nói đúng được!” Hắn nhìn trước ngó sau rồi kề tai nói nhỏ với tao. Tao nghĩ, trong chốn lao tù, chỗ tận cùng là nơi cùm gôm xiềng xích mà nó còn sợ có người rình nghe nữa thì hết ý.

Tôi nóng ruột thúc:
- Nói ngắn gọn thôi cha! Rồi sao?
Vẫn ra vẻ quan trọng, móc trong túi ra một cục thuốc lào to, nhìn mọi người cười:

- Hút đi! thuốc hạng nhất Hải Phòng đó! Cán bộ trực trại thưởng cho tao hồi chiều!… Thằng nhãi con “thành thật khai báo” với tao là nó vừa mất chiếc xe đạp xịn mua ở dưới phố Yên Bái, đạp về đến bến phà Âu Lâu thì bị mất lúc nó dựng xe vào quán ăn tô bún riêu. Tao hỏi tuổi và ngày giờ sanh rồi nói với nó là hãy về tìm ở cách nhà nó bốn cây số về hướng Đông sẽ lấy lại được.
Nó lật đật chạy đi không kịp nói gì thêm. Sau khi tao hết bị cùm, về lán thì mầy với thằng Chánh Ruồi dìu tao thê thảm, tưởng không gượng dậy được. Ai ngờ chiều hôm sau cán bộ trại xuống gọi tao lên phòng làm việc. Tao tưởng lại bị cùm nữa về cái tội tuyên truyền mê tín với cán bộ nhà nước!
Nói đến đây, anh Lộc lại làm một bi thuốc lào “câu giờ”! Một đám bu quanh la lên nóng ruột:
- Hút lẹ lên, khai mau! Còn đi ngủ mai cuốc đất!
- …Cha cán bộ trại mời tao ngồi, rót nước trà đậm, rút thuốc lá mời tao chứ không phải mời thuốc lào. Tao ngạc nhiên đứng như trời trồng. Hắn ta cười mời một lần nữa. Hắn nói: “Anh tài thật, cán bộ Văn đã tìm được chiếc xe đạp theo hướng anh chỉ và đã bắt được tên trộm lấy cắp chiếc xe đạp”. 
Tao mừng quá, nghĩ là mình “chó táp phải ruồi”, bèn đủng đỉnh ngồi xuống ra cái điều tài thánh! Thế là từ bữa đó tao liên tục được chiếu cố, hết thằng nầy đến thằng khác “lãnh” lên xem tử vi thay vì đi cuốc đất với tụi mầy! Bây giờ thì tụi nó tin tưởng tao còn hơn cha mẹ nó…
Thằng Chánh Ruồi cười nham nhở:
- Anh Lộc! Hôm sau có gì anh bỏ vào bọc đem về cho tụi em ăn với nha! Coi bộ anh mập ra và đẹp trai…

- Mầy chỉ được cái nịnh.
Anh Lộc từ đó cho đến ngày về Nam luôn là một ông thầy bói tử vi có hạng của tù và là Thầy của bọn bò vàng. Nhưng khi được thả về, anh tiếp tục cái nghề “sờ mu rùa” không phải dễ. Anh mướn một xe xích lô, hàng ngày đạp ra đường kiếm khách.
Nếu có khách gọi là anh có “mối tử vi”! Trong lúc đạp xe, người ngồi trên xe được gợi ý về tướng số, tiếp theo là bấm quẻ. Nếu “khách” lạ khoái thì cả hai cùng dừng lại ở đâu đó để “xem cho kỹ”. Cuối cùng thì khách “hồ hởi phấn khởi" trả tiền xe lẫn tiền “thầy”!
Năm 1984, tôi từ vùng Kinh tế mới Đồng Nai dẫn vợ lên Sài Gòn thăm gia đình ba má, tôi gặp anh đang khệnh khạng trên chiếc xích lô không khách ở góc đường Bà Hạt và Nguyễn Duy Dương. Mừng quá, chúng tôi vào quán uống nước nói chuyện tránh nắng trưa. Anh nhìn vợ tôi và nói: “Chị đừng để nó vượt biên một mình, không được đâu. Sẽ có ngày cả gia đình qua Mỹ bằng máy bay…!” Tôi cười nhìn anh chế diễu: “Giống như cái tin anh nói xuống tàu ra Hạm Đội 7 năm nào chứ gì!” Anh cười: “Thì để xem!”
Anh đã nói đúng khi chúng tôi lên máy bay qua Hoa Kỳ, không những chỉ gia đình tôi mà còn cả tập thể những gia đình là tù nhân chính trị suốt bao nhiêu năm từ Nam ra Bắc. Anh đã nói đúng nhiều việc, nhưng chính anh không thể nào bấm trúng lá số của chính anh khi anh nằm trên giường bệnh vì bệnh gan, kết quả của những năm anh hay “ăn bậy” trong trại tù.
Anh nằm xuống ở Nam California sau khi đưa hết vợ và bầy con của anh định cư trên xứ tự do. Từ ngày biết mình bị bệnh đến khi nhắm mắt, anh vẫn “sờ mu rùa” cho những thằng bạn tù thỉnh thoảng đến thăm anh trên giường bệnh, trong nhà thương hay những ngày cuối cùng ở một apartment trên trường Flower ở Garden Grove. Một ông “thầy bói”, một “nhà ngoại cảm”, một thầy “sờ mu rùa” vốn xuất thân từ đơn vị ẩn danh 101, một tù nhân đáng nhớ đã vĩnh viễn ra đi.
Cali Mùa Đông 2013

ANTON VO * THÀ CHẾT TRÊN BIỂN CẢ

Thà chết trên biển cả! 

Anton Vo

vuotsong 
Một đêm hãi hùng vào năm 1964, trong khi cha mẹ tôi đang ngồi ăn cơm trong nhà tại thành phố Nha Trang thì có 2 cán bộ Cộng sản vào nhà bắn chết cha tôi. Chúng định giết mẹ tôi luôn nhưng mẹ tôi lúc đó đang mang thai nên chúng bỏ đi.
Ba tháng sau, vào tháng 12 năm 1964 tôi chào đời, không bao giờ được trông thấy mặt cha tôi cả. Trước đó cha tôi làm việc cho người Mỹ tại Nha Trang. Ðến năm 1967 thì mẹ tôi tái giá và tôi được đưa về ở với bà ngoại tôi. 
Khi về ở với bà ngoại thì tôi phải tự lo lấy mọi việc một mình, không ai giúp đỡ cả. Sau đó bà tôi quyết định gửi tôi vào nhà tu Công Giáo tại Nha Trang. Tôi đi tu từ lúc 5 tuổi và mỗi tháng về nhà 1, 2 lần để thăm bà ngoại tôi thôi. 
Khi Cộng Sản chiếm miền Nam vào năm 1975, tu viện phải đóng cửa và tôi phải về nhà bà ngoại tôi. Lúc đó tôi đã 11 tuổi rồi. Khi xong Trung Học, muốn vào trường Ðại Học rất khó khăn. Mặc dù tôi đã thi đậu, nhưng vì lý lịch cha tôi không phải là đảng viên Cộng sản nên tôi không được nhận. Nhưng khi tôi đậu được điểm rất cao vào kỳ thi năm sau thì họ cho tôi vào học. Tôi học môn văn chương Việt-Nam và sau khi tốt nghiệp cũng không kiếm được việc làm vì gia đình tôi không phải thuộc thành phần đảng viên Cộng Sản.
Trong khi tôi học ở Trung Học và Ðại Học tôi đã định vượt biên nhiều lần mà không được Lúc tôi học lớp 11 tôi vượt biên bằng thuyền thì bị bắt. Họ nhốt tôi 3 tháng, mỗi ngày cho ăn 2 bát cơm không, sau đó mẹ tôi và bà tôi lo đút lót tiền cho công an nên họ thả tôi ra.
Sau khi xong Trung Học tôi lại vượt biên lần nữa và cũng bị bắt. Lần này vì tôi đã trên 18 tuổi nên họ giam tôi 1 năm. Mẹ tôi và bà ngoại tôi lại phải chạy tiền đút lót để tôi được thả. Vào tù nếu không có tiền thì sẽ bị công an đánh đập, nếu có tiền thì cái gì cũng xong hết. Khi tôi tốt nghiệp xong Ðại Học được đi dậy học tại trường Trung Học Lý Tự Trọng. Sau đó một năm tôi lại vượt biên lần thứ tư và lần này tôi đã may mắn đi thoát. 
Tôi phải vuợt biên vì ở Việt-Nam tôi không thể làm gì được mặc dù tôi có bằng cấp nhưng vì không phải đảng viên Cộng Sản nên không thể nào thăng tiến được. Do đó tôi liều mình vượt biên, Thà chết trên biển cả hơn là sống tại Việt-Nam. Chúng tôi có tất cả 42 người trong chuyến đi. Gom góp tiền bạc mua tầu để vượt biên. Chúng tôi khởi hành ngay tại bờ biển Nha Trang lúc 4 giờ sáng. Khi được hiệu lệnh cả 42 người chúng tôi chỉ có đúng 5 phút là phải leo lên tầu.
Chúng tôi lênh đênh trên biển cả 2 tuần lễ. Hai ngày đầu ai cũng bị say sóng. Chung quanh, trên dưới chúng tôi chỉ có trời và biển. chúng tôi bị một cơn bão lớn nhưng may mắn qua khỏi. Chúng tôi đã chấp nhận cái chết từ ngay lúc bước chân lên tầu rồi nên tâm hồn rất thanh thản. 
Sau 1 tuần, thì chúng tôi hết nước và lương thực, chúng tôi phải tìm cách bắt cá và ăn cá sống. Ðến ngày thứ 10 thì tầu của chúng tôi chết máy. Chúng tôi không biết làm gì nữa. Qua đến ngày thứ 11 thì chúng tôi gặp một chiếc tầu lớn, họ cho chúng tôi nước uống và thực phẩm nhưng không giúp sửa máy móc của tầu chúng tôi được. Ðến ngày thứ 12, chúng tôi gặp được 3 ghe đánh cá của người Phi Luật Tân, chúng tôi vời họ lại và điều đình xin họ kéo chúng tôi vào bờ và chúng tôi sẽ trả tiền. Họ bằng lòng và chúng tôi vào được một hòn đảo. 
Trong 2 tuần lênh đênh trên biển cả thì nhóm chúng tôi có 2 người chết vì uống nước biển, chúng tôi phải liệng xác họ xuống biển. Khi đến bờ biển chúng tôi lăn quay ra ngủ trên bãi cát vì kiệt sức, sau đó mở choàng mắt dậy thì thấy nằm trong nhà thương và 2 ngày sau người ta chuyển chúng tôi đến trại tị nạn, ở đây chúng tôi gặp rất đông người tị nạn đã đến trước chúng tôi. 
Tại trại định cư trên đảo Palawan người ta cho chúng tôi ăn uống đàng hoàng, cung cấp chỗ tắm rửa và ngủ nghê. Chúng tôi cảm thấy sung sướng vì đã thoát tay Cộng Sản nhưng vẫn ưu tư về tương lai. 40 người chúng tôi được chia vào những căn lều khác nhau. Sau 3 tuần chúng tôi được đi học tiếng Anh mỗi tuần 1 giờ. Trong khi đó thì có rất nhiều phái đoàn từ mọi quốc gia đến thẩm vấn nhận người tỵ nạn. 
Tôi mới đầu được phái đoàn Pháp Quốc phỏng vần nhưng họ không nhận, cũng may vì tôi chỉ thích vào Mỹ thôi. Lần sau tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn nhưng cũng không được nhận. Họ nói rán đi chờ lần tới. Tôi ở thêm một năm tại trại Palawan qua 5 lần phỏng vấn và lần sau cùng tôi được chấp nhận cho định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi được chuyển sang trại Bataan để chờ vào Mỹ. Tính lại tôi đã phải ở Phi Luật Tân gần 3 năm. 
Tôi sung sướng rời khỏi Palawan nhưng phải công nhận tôi có rất nhiều kỷ niệm ở đó. Khi đã quen thuộc với nếp sống, tôi đã giúp rất nhiều người cùng hoàn cảnh bớt nhớ nhà, khuyên nhủ họ chấp nhận và làm quen với nếp sống mới. Tại đây chúng tôi luôn luôn có hy vọng được một nước thứ ba chấp nhận cho vào định cư, dù không biết là đi đâu, nhưng luôn có hy vọng .
Tôi phải ở lại Bataan hơn 1 năm vì giấy tờ trục trặc phải làm đi làm lại. Tại đây tôi đi học buổi sáng để trau dồi thêm tiếng Anh, đến chiều tôi lại giúp giáo sư Mỹ dịch cho người Việt biết nếp sống và phong tục nước Mỹ. Ngoài ra tôi còn giúp phái đoàn Mỹ thẩm vấn người tị nạn. Buổi tối tôi giúp dậy tiếng Việt cho trẻ em và cuối tuần tôi giúp nhà thờ. Khi tôi rời Bataan tôi hơi buồn vì ở đó tôi đã có quá nhiều kỷ niệm và suy nghĩ nhiều về tương lai khi vào Mỹ là đi học thêm hay kiếm việc làm ngay. 
Khi tôi đến thành phố Buffalo, TB. Nữu Ước, tôi đã khóc rất nhiều vì tôi không hiểu người ta nói gì và người ta cũng không hiểu tôi nói gì vì giọng nói quá khác biệt. Tôi lo lắng không biết tôi sẽ sống làm sao tại nước Mỹ này. Ngày nào tôi cũng lo âu và khóc lóc. Sau đó một tuần tôi thầm nghĩ mình phải làm cái gì chứ để sống còn. Hai tuần lênh đênh trên mặt biển và 3 năm ở đảo tôi sống được cơ mà. Thế là dưới cái lạnh lẽo tuyết giá tại Buffalo, mỗi ngày tôi lội bộ 30 phút để đến trường, học thêm tiếng Mỹ từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, Sáu tháng sau tôi đã tự túc được nhiều và tôi quyết định ghi danh học tại Ðại Học Buffalo để lấy bằng cấp.
Năm đầu tiên thật là khó khăn, vì vị giáo sư nói nhanh quá tôi không theo kịp. Tôi phải đem vào lớp máy thu băng để về nhà học thêm và đọc nhiều sách hơn. Sau một năm cố gắng như vậy, điểm trung bình của tôi đã khá hơn nhiều. Tôi cảm thấy sung suớng và tự tin hơn. Tôi đã có bạn bè người Mỹ và vì đó tôi trau dồi thêm tiếng Mỹ. Tôi lại phải tìm việc làm bán thời gian để kiếm tiền để sinh sống và thỉnh thoảng gửi về giúp mẹ và bà ngoại tôi.
Sau 4 năm chuyên cần học tập tôi đã ra truờng và tìm được việc làm tại Memphis là nơi ấm áp hơn và tôi nghĩ là tôi đã thực sự may mắn.


GS. PHẠM CAO DƯƠNG * BIỂN ĐÔNG


Nhân Vụ Thượng Đỉnh Asean Nhóm Họp Ở Naypyidaw, Miễn Điện, 12-13 Tháng 11 Năm 2014 Và Tranh Chấp Biển Đông Sẽ Là Một Chủ Đề Tranh Cãi, Nhắc Lại Gợi Ý Về Hai Công Tác Cần Phải Làm

Phạm Cao Dương, TS
November 29, 20140 Bình Luận




Nhân Vụ Thượng Đỉnh Asean Nhóm Họp Ở Naypyidaw, Miễn Điện, 12-13 Tháng 11 Năm 2014 Và Tranh Chấp Biển Đông Sẽ Là Một Chủ Đề Tranh Cãi, Nhắc Lại, Gợi Ý Về Hai Công Tác Cần Phải Làm
Thường xuyên duyệt xét lại tất cả những bản đồ thế giới đã được ấn hành liên hệ tới Hoàng Sa và Trường Sa để nếu cần yêu cầu sửa đổi.
Nhân dịp Thượng Đỉnh ASEAN Lần Thứ 25 họp ở Naypyidaw, Miến Điện với chủ đề tranh chấp Biển Đông và Hoa Kỳ trở lại Á Châu-Thái Bình Dương, tiếp tục vận động đổi tên South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) hay Mer de Chine (Biển Trung Hoa), những danh xưng quốc tế, thành Southeast Asia Sea (Biển Đông Nam Á) hay Mer de l’Asie du Sud-Est.


Bài này khởi sự được viết sau khi vụ Hội Địa Lý Quốc Gia (National Geographic Society) của người Mỹ ghi chú không đúng về quần đảo Hoàng Sa đã tạm thời được giải quyết với sự đồng ý sửa lại của tổ chức này.


Đây là một thành công quan trọng mà người Việt Nam nói chung đã đạt nhờ sự lên tiếng và tranh đấu của các giáo sư, học giả, các cơ quan hay tổ chức nghiên cứu chuyên môn và của những người Việt yêu nước bình thường cả trong lẫn ngoài nước. Có điều đây mới chỉ là bước mở đầu vì National Geogaphic Society không phải là cơ quan hay nhà xuất bản duy nhất sản xuất và phát hành bản đồ ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Còn rất nhiều cơ quan và nhà xuất bản khác cũng làm những công việc tương tự. Việc làm sáng tỏ và tranh đấu để có sự điều chỉnh cho đúng sự thực do đó cần phải được tiếp nối.

Trong bài này người viết xin được đưa ra hai gợi ý cần phải làm vào lúc này.

Thứ nhất là người Việt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước lớn như Pháp, Anh, Úc, Nhật, Đức, Gia Nã Đại và các nước Bắc Âu… cần phải duyệt lại tất cả những tài liệu đã được phổ biến liên hệ tới không riêng Quần Đảo Hoàng Sa mà luôn cả Quần Đảo Trường Sa và nếu cần, phải vận động để điều chỉnh.


Thứ hai là phải xét lại danh xưng South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) hay Mer de Chine (Biển Trung Hoa) và đổi thành Southeat Asia Sea hay Mer de l’Asiedu Sud-Est(Biển Đông Nam Á).


Cả hai gợi ý này đều có những lý do riêng và đều có thể thực hiện được nếu mọi người Việt Nam nhất là các nhà cầm quyền ở trong nước đều muốn làm vì năm 2014 chúng ta lại ở vào những vị thế và thời điểm vô cùng thuận lợi, thuận lợi hơn hồi năm 2010 rất nhiều. Tôi xin được trình bày lại với những chi tiết như sau:


Thứ nhất: Thường xuyên duyệt xét lại tất cả những bản đồ đã được ấn hành hay phổ biến trên mạng


Lý do của việc làm này là bản đồ có thể được phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau: trên mạng, in rời từng bản để treo tường hay in trong sách hay thành tập gọi là atlas dưới nhiều khổ lớn nhỏ, dầy mỏng khác nhau, có tỷ lệ khác nhau, từ đó chi tiết được trình bày hay ghi chú khác nhau, đồng thời cũng có thể là những cầu đồ (globes). Gợi ý để mọi người cùng làm ở đây là người Việt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước lớn như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật, Đức và các nước Bắc Âu… cần phải thường xuyên duyệt lại tất cả những tài liệu đã được phổ biến này và nếu cần, có thể vận động để điều chỉnh. Hoa Kỳ là một trường hợp điển hình. Chúng ta thử bắt đầu một chút bằng quốc gia có nhiều liên hệ với Việt Nam này. Điều nên nhớ là công việc duyệt xét này, vói một kiến thức không cần thật cao về các ngôn ngữ liên hệ, ai cũng có thể làm được, nhất là các thanh thiếu niên thuộc thế hệ trẻ ở các học đường, chưa nói tới các người làm ở các thư viện.


Ở Hoa Kỳ, ngoài National Geographic, còn có những nhà xuất bản khác không kém quen thuộc đối với học giới nói chung, các nhà địa lý học hay các thày dạy sử địa nói riêng, như Hammond, Rand McNally, DK, Oxford University Press, Merriam-Webster, Random House, Snithsonian, Harper Collins…Các tài liệu này vì được ấn hành bằng tiếng Anh nên cùng lúc được xuất bản và phổ biến ở các nước nói tiếng Anh như Gia Nã Dại, Úc, Anh…Các bản đồ của các nhà xuất bản này phần lớn dùng các tên Paracel hay Spratly, những tên quốc tế, rồi đã hoặc là để trống (Oxford Atlas of the World, 2005; Oxford New Concise World Atlas, 2009; Random House Compact World Atlas, 2006; Smithsonian Handy World Atlas, 2004) hoặc đề sovereignty disputed hay disputed – chủ quyền tranh chấp hay tranh chấp ( Hammond World Atlas,2009; Hammond Concise World Atlas,(?); DK World Atlas, Digital Mapping for the 21th Century,2007, DK Concise Atlas of the World, 2007) hoặc đề là claimed by (đòi chủ quyền bởi) rồi kể tên các quốc gia (Rand Mcnally, Answer Atlas, the Geography Resource for Students, 2006). Riêng cuốn Merriam-Webster,s Geographic Dictionary, 2007, vì là từ điển nên ngoài tên quốc tế lại ghi thêm các tên Xi-sha Qndao (Trung Hoa), Quần Đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và Hi-ra-ta gun-tô (Nhật Bản) trước khi ghi các chi tiết khác.


National Geographic có lẽ là một trường hợp cá biệt. Các bản đồ in của hội này cũng đã ghi chú y như họ đã ghi chú trên mạng (National Geographic Family Reference Atlas of the World, 2010; National Geographic Visual of the World Atlas,2009; National Geographic Collegiate Atlas of the World (?). Cần để ý là trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, National Geographic Society đã chú ý rất nhiều đến cuộc chiến đấu chống Cộng của người Việt. Họ đã viết và đã phổ biến rất nhiều bài về đề tài này một cách có cảm tình với phía ngưòi Việt Quốc Gia.


Vậy tại sao với tư cách là một hội khoa học họ lại thay đổi thái độ một cách vội vã, thiếu vô tư và thiếu thận trọng so với những nhà xuất bản khác nặng về kinh doanh, thương mại hơn như vậy? Qua sự kiện này câu hỏi được đặt ra người ta có thể tin tưởng vào tinh thần khoa học, vô vị lợi của người Mỹ đến mực nào?


Việt Nam (miền Bắc) cũng dùng các danh xưng Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha) của Trung Quốc trên các bản đồ của mình


Trở về với Việt Nam, việc dùng các danh xưng Tây Sa và Nam Sa, gốc của người Tàu, thay vì Hoàng Sa và Trường Sa trong tiếng Việt, không phải là không có. Sự kiện này sở dĩ đã xảy ra có thể là do sự dễ dãi, dẫn xuất từ tính “thế nào xong thôi” - một thói quen mà một sử gia người Mỹ mà người viết (PCD) tạm thời quên mất tên, nói người Việt Nam cần bỏ nếu muốn tiến bộ – của người Việt. Nó cũng có thể là do sự cẩu thả của người làm sách hay vẽ bản đồ nhưng nó cũng có thể do chủ trương của người cầm quyền đương thời liên hệ tới quốc tế chủ nghĩa và nhu cầu của tình thế và của chiến tranh thể hiện qua văn thư của Thủ Tướng Chính Phủ Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng gửi cho đồng chí của ông là Tổng Lý Quốc Vụ Viện Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa Chu Ân Lai, ngày 14 tháng 9 năm 1958 và cách giải thích của những người có trách nhiệm ở miền Bắc đương thời. Có điều giải thích ra sao cũng vậy.


Bút sa là gà phải chết! Khi những tranh chấp xảy ra, người Tàu đã dùng những tài liệu do chính người Việt tạo ra mà họ có được trong tay này làm chứng cớ để biện minh cho chủ quyền của họ ở các quần đảo hai bên đang tranh chấp. Bài viết nhan đề “Xisha and Nansha Islands belong to China” (Tây Sa và Nam Sa thuộc Trung Quốc) đăng trên tờ Beijing Review, cơ quan ngôn luậnchính thức của chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh bằng Anh ngữ, số 21, ra ngày 25 tháng 5 năm 1979 cho người ta thấy điều đó. Bài này không ghi tên tác giả mà chỉ ghi là một bài bình luận của ký giả Tân Hoa Xã, có lẽ để tránh không bị coi là chính thức, nhưng ai cũng biết Tân Hoa Xã là cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Trung Hoa Cộng Sản.


Trong bài bình luận này, ngoài những lập luận và chứng cớ bằng ngôn từ, tác giả đã viện dẫn tới các bản đồ chính thức của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc) ấn hành trước năm 1975. Các bản đồ này đã gọi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng tên Trung Hoa đọc theo tiếng Việt là Tây Sa và Nam Sa của chúng kèm theo những ghi chú chứng tỏ các quần đảo này là thuộc Trung Hoa. Tác giả bài báo đã nêu lên một số trường hợp làm thí dụ:


Thí dụ thứ nhất: Bản đồ thế giới vẽ và ấn hành bởi Cục Bản Đồ (?) của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam năm 1960 đã ghi rõ bằng tiếng Việt “Quần Đảo Tây Sa (Trung Hoa)” và “Quần Đảo Nam Sa (Trung Hoa)”. Nguyên bản tiếng Anh để chữ China (Trung Hoa) trong ngoặc đơn rồi tất cả trong ngoặc kép “ the Xisha Islands (China)”, “the Nansha Islands (China)” thành người viết bài này (PCD) không rõ chữ China này là ghi đúng như trên bản đồ của Việt Nam hay do tác giả bài viết trên tờ Beijing Review thêm vô.


Thí dụ thứ hai: Những bản đồ Việt Nam xuất bản bởi Cục Địa Đồ Hà Nội vào tháng 5 năm 1964 và những bản đồ thế giới ấn hành tháng 5 năm 1972 cùng những bản đồ chính trị thế giới do Cục Đo Đạc và Bản Đồ Quốc Gia Hà Nội ấn hành tháng 3 năm 1974 ghi các quần đảo này bằng tên Trung hoa viết bằng tiếng Việt Nam. Không bao giờ các quần đảo này được ghi bằng tên tiếng Việt là “Quần Đảo Hoàng Sa” và “Quần Đảo Trường Sa” như sau này, theo tác giả bài báo.


Thí dụ thứ ba: Một bài học về Trung Quốc dành cho lớp 9 trong một cuốn sách giáo khoa về địa lý do Nhà Xuất Bản Giáo Dục Hà Nội ấn hành năm 1974 có câu “Vòng cung hợp bởi các quần đảo Nam Sa và Tây Sa, đảo Hải Nam, Đài Loan, Quần Đảo Bành Hồ… tạo thành một bức “trường thành” che chở cho Trung Hoa Lục Địa.” Có nhiều diễn tả tương tự đã được thấy trong các sách giáo khoa của Bắc Việt Nam.


Thí dụ thứ tư: Kinh độ phía đông của Việt Nam. Ngày 15 tháng 5 năm 1975, non một tháng sau ngày quân đội Việt Nam (Cộng Sản) tiến chiếm sáu đảo của Quần Đảo Trường Sa, tờ Quân Đội Nhân Dân cho đăng một bản đồ Việt Nam bao gồm cả Quần Đảo Trường Sa và khẳng định là địa điểm cực đông của lãnh thổ Việt Nam nằm ở 109 độ 29 phút Đông. Điều này (theo bài báo) chứng tỏ Việt Nam đã chiếm đóng lãnh thổ của Trung Quốc. Mặt khác, một tài liệu nhan đề Địa Lý Thiên Nhiên Việt Nam và Các Vùng Thiên Nhiên của Lãnh Thổ Việt Nam (?) do Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam và Nhà Xuất Bản Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, Hà Nội ấn hành năm 1970 lại xác định điểm cực đông của lãnh thổ Việt Nam nằm ở 109 độ 21 phút Đông thay vì 109 độ 29 Đông, chênh nhau 8 phút. Tác giả bài báo cho rằng dù có tăng thêm 8 phút cho lãnh thổ Việt Nam, Nam Sa vẫn không thuộc Việt Nam vì Nam Sa nằm ở 109 độ 30 phút đông của lãnh thổ Việt Nam (cũng theo bài báo).


Qua những thí dụ kể trên, người ta thấy lập luận của phía Trung Hoa có những điều bất ổn. Ba thí dụ đầu căn cứ vào những tài liệu được ấn hành từ trước năm 1975, khi Việt Nam còn bị chia đôi và có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam trong khi các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Hiệp Định Genève mà Trung Quốc có tham dự và đóng vai trò tích cực, là do miền Nam quản trị. Lập luận của Trung Quốc trong trường hợp này không có giá trị vì nó cũng giống như lập luận của họ đối với văn thư Phạm Văn Đồng gửi cho Châu Ân Lai. Nói cách khác, những gì miền Bắc làm đối với Hoàng Sa và Trường Sa là không có giá trị pháp lý căn cứ vào Hiệp Định Genève, trừ phi họ vin cớ là sau khi miền Bắc thắng trận, lẽ phải là lẽ phải của kẻ thắng.


Một câu hỏi được nêu lên là tại sao các nhà làm sách và làm bản đồ ở miền Bắc thời trước năm 1975 lại dùng những danh xưng của người Tàu thay vì các danh xưng của người Việt để gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa? Câu trả lời có thể là vì thời gian đó là thời gian Việt Nam và Trung Hoa là hai nước Cộng Sản “anh em”, em không giữ được thì đưa cho anh thay vì để người ngoài chiếm mất, đồng thời đó cũng là thời gian chiến tranh, Cộng Sản Việt Nam cần sự giúp đỡ của Cộng Sản Trung Quốc và vai trò của Trung Quốc nói chung và của các cố vấn Trung Quốc nói riêng rất mạnh, không ai có thể chống lại. Do đó, việc dùng ngôn từ của Trung Quốc hay việc chép nguyên văn từ các tài liệu do các cố vấn Trung Quốc đưa cho ở đây cũng chỉ là một điều bình thường giống hệt như trong các cuộc chỉnh huấn trong quân đội hay cải cách ruộng đất và việc dùng danh xưng Quân Đội Nhân Dân thay thế cho danh xưng Vệ Quốc Đoàn mang nặng tinh thần quốc gia chủ nghĩa.


Khó ai có thể ngờ Trung Quốc trước sau như một khiến cho những gì các nhà làm bàn đồ hay sách giáo khoa về địa lý ở miền Bắc đã làm ở thời đó sau này đã gây ra bất lợi cho cả đất nước Việt Nam. Ở đây ta chưa kể tới sự kiện là việc ấn loát có thể là do người Tầu thực hiện. Về vấn đề kinh độ, 109 độ 21 hay 29 phút chỉ là của Việt Nam lục địa tức phần chính của Việt Nam mà thôi. Các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được trình bày trong tài liệu được viện dẫn.


Ngoài ra người ta cũng phải để ý là tháng 5 năm 1975 miền Bắc mới chiếm được miền Nam và tự coi là có trách nhiệm trên toàn thể lãnh thổ của miền Nam trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian quá ngắn nên những tài liệu tờ Quân Đội Nhân Dân dùng cho bài viết của họ vẫn là tài liệu cũ của miền Bắc. Họ chưa có đủ thì giờ để cập nhật hóa những gì phải làm. Các học giả trong nước có trách nhiệm phối kiểm và làm sáng tỏ những chi tiết này.


Các tên quốc tế như South China Sea hay Mer de Chine cần phải được thay thế bằng Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie du Sud-Est hay Biển Đông Nam Á


Đây là một vấn đề lẽ ra phải được nêu lên từ lâu nhưng hầu như ít ai để ý đến hoặc chưa có dịp. Năm 2010 chúng ta đã để lỡ một cơ hội có thể coi là ngàn năm một thuở vì Việt Nam trong năm 2010 là chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời trong tháng 4 năm này cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp Hội đã diễn ra ở Hà Nội. Với tư cách chủ nhà và ở cương vị chủ tịch, nhà nước Cộng Sản Việt Nam có thể đưa ra đề nghị để hội nghị cứu xét và thông qua.


Năm nay, 2014, chúng ta lại có một cơ hội mới: Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 lại họp trong hai ngày 11 và 12 tháng tại Naypiyidaw, Miến Điện với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là nội dung chính. Chưa hết, cùng ngày 12, Hiệp Hội Châu Á (Asia Society cũng họp ở New York với đề tài hơi khác vì ngoài tranh chấp người ta còn nói tới hợp tác và phát triển; đồng thời tham dự chỉ có các học giả Mỹ và Tầu. Cũng vậy, trong hai ngày 17 và 18 một hội nghị quốc tế về Biển Đông cũng họp ở Đà Nẵng với đề tài tương tự. Tất nhiên là vì sự hung hãn của Trung Quốc và sự phức tạp của khối các nước Đông Nam Á một sự thỏa thuận khó có thể đạt được trong hoàn cảnh hiện tại, dù cho chỉ là tiến tới một Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC. Tuy nhiên một sự kiện vô cùng quan trọng đã được các nhà bình luận quan tâm là thái độ tích cực của Hoa Kỳ từ sau khi nước này xoay trục trở lại với Á Châu – Thái Bình Dương.


Một tham dự viên Hội Thảo Asia Society, nhà phân tích địa lý chính trị người Mỹ Robert Kaplan, đã so sánh tình hình Biển Đông hiện tại với sự thống trị của Trung Quốc với tình hình vùng biển Caribbean và sự thống trị của Mỹ từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ở Biển Caribbean Mỹ đã đẩy các cường quốc Âu Châu ra khỏi vùng này. Còn ở Biển Đông Trung Quốc cũng có những hoạt động tương tự. Lý do khiến cho Trung Quốc có thể thống trị ỏ Biển Đông là vì bắt đầu từ năm 2008 hải quân Trung Quốc đã đủ sức mạnh để phô trương với thế giới bên ngoài và vì Hoa Kỳ quá bận rộn ở khu vực Trung Đông trong một thời gian quá dài mà bỏ quên châu Á khiến cho chiến lược chuyển trục bị muộn mất 20 năm.


Có nhiều lý do phải đổi tên cho vùng biển đang tranh chấp:


Thứ nhất: Tên South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) trong tiếng Anh và tên Mer de Chine (Biển Trung Hoa) hay Mer de Chine Méridionale trong tiếng Pháp không thích hợp với thực tại địa lý nói chung của biển này. Chúng đã được đặt ra và được chấp nhận từ nhiều thế kỷ trước, khi người Âu Châu mới tới vùng Đông Nam Á. Lúc đó họ đã biết hay đã quen với Trung Quốc nhiều hơn là với các xứ Đông Nam Á đương thời, trong khi trên thực tế biển này ba mặt phía nam, phía tây, phía đông được vây quanh bởi các nước Đông Nam Á, chỉ một phần phía bắc là tiếp giáp với Trung Quốc. Khi một danh xưng do người ngoài đặt cho và không hợp lý với thực tại dịa phương, người ta cần phải đổi đi cho hợp lý hơn thay vì để nguyên một cách thụ động và cứ thế mà dung, từ đó gây ra những hiểu lầm và bối rối lẽ ra có thể tránh được. Nên để ý là Indonesia xưa kia bị gọi là Nam Dương Quần Đảo. Sau khi độc lập nước này đã được đổi tên là Indonesia.


Thứ hai: Biển này nằm ở giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong tương lai, với đà phát triển trên nhiều mặt của Hiệp Hội ASEAN, sẽ là một cái hồ, một thứ Địa Trung Hải của toàn vùng. Nó sẽ giúp cho mọi sự tiếp xúc, trao đổi và hợp tác, nói chung, từ kinh tế, tài chánh, thương mại đến văn hóa, giáo dục… được dễ dàng vì giao thông bằng đường thủy luôn luôn thuận lợi với những số lượng lớn hơn gấp bội so với đường bộ hayđường hàng không nếu người ta biết tổ chức và khai thác. Tên South China Sea hay Mer de Chine không nói lên được tầm quan trọng này, chưa kể tới những ý nghĩa tiềm ẩn cò thể bị khai thác của hai chữ China hay Chine trong hai danh xưng này.


Thứ ba: Đổi tên từ South China Sea hay Mer de Chine thành Biển Đông Nam Á không có nghĩa là ta từ bỏ danh xưng Biển Đông hay Đông Hải của Việt Nam vì Biển Đông hay Đông Hải là những tên riêng của người Việt để dùng trong nội bộ mình. Các nước khác chắc chắn cũng có những tên riêng của để gọi biển này của họ. Vì là của riêng người ta vẫn có thể tiếp tục dùng những danh xưng này như những danh xưng truyền thống với những ý nghĩa vừa đúng với vị trí của biển này đối với người dân địa phương, vừa tình cảm của chúng. Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie du Sud-Est sẽ chỉ là những danh xưng quốc tế thích hợp hơn để dùng trên các văn kiện hay trong các buổi họp quốc tế, trên các địa đồ thế giới và cho các nước không nằm trong vùng.


Thứ tư: Dùng danh xưng Biển Đông Nam Á hay Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie dư Sud-Est sẽ giúp cho các học giả, các nhà ngoại giao, các chính khách Việt Nam, mỗi khi phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tránh được sự khó chịu khi phải dùng những tên vừa không do mình đặt ra vừa không đúng với thực tại địa lý mà còn hàm chứa ảnh hưỏng và sức mạnh quá lớn của Trung Quốc. Không những thế chúng còn mang các quốc gia Đông Nam Á lại gần với nhau hơn, đồng thời có thể tạo ra cho người dân của các quốc gia này một ý thức mới, ý thức thuộc về một khối người có nhiều điểm tương đồng, có những quyền lợi chung cần được khai thác với nhau trong hòa bình và cùng nhau bảo vệ nhất là trong phạm vi môi trường thiên nhiên vào lúc Trung Quốc đang nỗ lực kỹ nghệ hóa các tỉnh đông nam của họ.


Kết luận:


Với những lý do trên đây, và còn nhiều lý do khác nữa mà người viết, trong một bài báo ngắn gọn hay vì nhất thời tế nhị, không thể kể ra hết, việc thay thế các danh xưng South China Sea trong tiếng Anh và Mer de Chine hay Mer de Chine Méridionale trong tiếng Pháp bằng danh xưng Southeast Asia Sea hay Mer de l ‘Asie du Sud-Est là một việc làm cần thiết và thích hợp cho sự phát triển nhanh chóng và mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á như người ta đã và đang thấy. Nó nói lên sự bình đẳng và ý chí kết hợp của các nước trong vùng. Ngưòi ta có thể không thích ý kiến quốc tế hóa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì nó liên hệ tới chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải của riêng từng nước, nhưng người ta có thể chấp nhận, nếu không nói là hoan nghênh việc làm này như một cái tên thuần túy và đơn giản.


Các quốc gia Đông Nam Á đã có một tổ chức chung; đã đến lúc các quốc gia này phải có một cái gì cụ thể chung. Một vùng biển chung mang danh Biển Đông Nam Á ít ra qua danh xưng của nó là biểu tượng cho cái gì chung đó vậy. Trở về với Việt Nam, người viết xin được nhắc lại là tên Biển Đông Nam Á nếu được chấp nhận chỉ là tên gọi một vùng biển nằm giữa khu vực Đông Nam Á cho hợp lý mà thôi. Nó phản ánh tính cách “của chung” của tất cả các nước Đông Nam Á mà Trung Quốc chỉ có một phần phía bắc, là của chung của cả khối ASEAN chú không phải là của riêng của một nước nào.


Riêng về vấn đề chủ quyền, chủ quyền về lãnh thổ hay lãnh hải là do quốc tế công pháp, những luật về mặt biển, về thềm lục địa được qui định dựa trên các yếu tố địa lý, địa chất, nhất là lịch sử…Người Mỹ trong thế kỷ 21 không thể đẩy người Tầu ra khỏi Biển Đônghay ngược lại, giống như đã đẩy người Anh, người Pháp ra khỏi vùng Biển Caribbean hồi thế kỷ 19, nhưng người Mỹ có thể đẩy lui người Tầu về vị trí cũ của nước Tâu, đúng như lịch sử và địa lý, không để họ lấn át các nước Đông Nam Á, thực hiện chủ quyền trên cả vùng Lưỡi Bò như họ đã và đang làm trong mấy năm gần đây và trong hiện tại.


Đổi tên South China Sea hay Mer de Chine hay Mer de Chine Méridionale thành Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asia du Sud-Est là một bước tiến khởi đầu vậy. Nó hoàn toàn hợp với thực tại địa lý và đáp ứng lại nhu cầu hợp tác toàn vùng để cùng phát triển về mọi phương diện trong chiều hướng phát triển chung của cả nhân loại.

Phạm Cao Dương, TS

DIỄN VĂN TỐT NGHIỆP

Lễ tốt nghiệp Trung học : Bạn chẳng có gì đặc biệt! - YouTube


Giáo sư David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc.

 
Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ)tuần trước, giáo sư tiếng Anh David McCollough Jr đã gây sốc khi nói thẳng:“Các em chẳng có gì đặc biệt”.

Trước các học sinh của mìnhđang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”,“chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!
Được chăm bẵm quá mức

Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng… cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe,động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.

Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyệnđó đâu nhé!”.


Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên… 
 
Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệmặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.

McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội… Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala”.

Hạnh phúc không tự tìm đến

McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.

Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.


Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực bảo đảm quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian đểnằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềmđam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.

Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sựthỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống.Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.

Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng

McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.

Sưu tầm

Wednesday, December 3, 2014


BẢO GIANG * ĐÈN CÙ

Đèn Cù, bản cáo trạng trước khi đèn bị cháy?

 
Bảo Giang (Danlambao) -

Tôi đã đọc đến những trang cuối của Đèn Cù rồi đây. Có một điều tôi chờ đợi, tôi muốn thấy, nhưng không thấy. Lạ hơn, cũng không có, dù chỉ là một tư tưởng nhỏ của sự giải thoát cho người, cho những lớp voi giấy, ngựa giấy hay chó giấy ra khỏi cái khung sườn của CS. Trái lại, dù là người ở ngoài, thú ở trong, vẫn là một cảnh vừa chạy, vừa đuổi, tít mù theo cái vòng quay của nó. Nó vẫn quay và làm chết người. Niềm đau là người không lối thoát!
Khi “Đêm giữa ban ngày” và tác giả của nó đã vượt qua cõi chết, đem ra trước công luận những hình ảnh, những thân phận người đang phải sống dưới bóng tối, dù bên ngoài trời đã sáng, làm cho nhiều người phát kinh hoàng về một góc độ của cuộc sống thực trong “thiên đường cộng sản”. Khi ấy, dù chẳng nói ra, nhiều người có thêm một dịp được nhìn tận mắt, nghe tận tai câu chuyện, cuộc sống của người ở phía bên kia. Những câu chuyện mà có lẽ cái nhà nước CS ấy, dù rất tinh thông nghề láo lếu, gian trá, vẫn không thể há mồm ong óng lên là cuốn sách do “thế lực thù địch” đặt hàng để viết ra. Tuy thế, tôi vẫn cho đó chỉ là những nét phẩy, nét vẽ đơn điệu của bên thắng thế dành cho bên yếu thế của họ trong quá trình tranh giành quyền lợi cá nhân trên nỗi thống khổ, lao nhọc và đau thương của đồng bào Việt Nam. Nó không hề phản ảnh, hay nói lên được cái gian trá, đểu cáng đến tột cùng mà chế độ ấy, trong đó bao gồm cả bản thân phía bị gọi là thua, yếu thế đã gây ra cho đồng bào của mình. Tôi đâm ra lạnh nhạt, vô cảm, dửng dưng với câu chuyện “đêm giữa ban ngày”.
Tuy thế, tôi vẫn nghĩ rằng, rồi ra sẽ có được những tác phẩm với những đường kẻ rõ nét hơn, sắc bén hơn, trung thực hơn khi soi dọi vào những khuôn mặt mo đã làm nên hình thù của một chế độ bệnh hoạn phía bên kia bờ vĩ tuyến 17, để không phải chỉ ở bên kia vĩ tuyến, nhưng trên toàn cõi Việt Nam đã rơi vào trong tang thương. Ở đó, có đầu rơi, có máu chảy. Có nhiều người chết. Chết bằng nhiều kiểu, cách khác nhau. Người bị giết lén, bị chặt đầu bằng dao mã tấu của HCM. Kẻ bị chết vì mùa đấu tố. Người chết vì bom, vì mìn của Lê Duẩn trên đường “giải phóng”. Kẻ bị thả trôi sông vì không theo giặc cộng. Người bị bêu đầu vì làm việc cho Cộng Hòa. Đủ kiểu, đủ cách sẽ được phơi bày trên những trang giấy trọng tính nhân văn. Ở đó, những sự thật dẫu là tàn bạo, man rợ đều không thể bị che khuất bởi những làn mây đen, dù tác giả đã viết nó trong một ngày không có nắng. Để nhờ đó, lịch sử được soi sáng và những bạo tàn, gian dối có cơ may đón nhận sự tha thứ từ đồng bào hơn là tiếp tục che dấu để tồn đọng sự hận thù trong lòng dân tộc. Sự chờ đợi ấy đến nay vẫn chưa có. Tuy nhiên, từ trong bóng đêm đã thấp thoáng một bóng Đèn Cù,
“Người ta không đốt đèn rồi để nó ở dưới gầm giường, nhưng là đặt trên giá cao để soi sáng cho cả nhà” (Lc, 8,16).
Khi nói đến cái đèn, người ta liên tưởng ngay đến đặc tính của nó là chiếu sáng và đẩy lui đi bóng tối. Nghĩa là, nhờ ánh sáng của đèn người ta nhìn thấy rõ những sự vật đang nằm trong bóng tối. Hơn thế, ánh sáng còn tạo ra nguồn lực, sức nóng, nguồn sống cho con người. Mất đi đặc tính chiếu sáng, sức nóng, đèn không còn là chính mình. Tuy nhiên, Đèn Cù trong nhân gian Á Châu, Việt Nam (và có thể do chính tác giả mượn chữ của nó, để diễn nghĩa) không phải là loại đèn dùng để soi sáng, tỏa nhiệt, tạo nguồn động lực sống, xóa tan bóng đêm. Nhưng là loại đèn được thiết trì với mục đích giải trí cho đôi mắt, tạo niềm vui nho nhỏ cho người thưởng lãm. 
Theo đó, ánh sáng, sức nóng từ ngọn đèn sẽ tác dụng tạo ra nguồn động lực làm chuyển động những khung hình, trên ấy có những hạng mục voi giấy, ngựa giấy, chó giấy... cùng theo nhau, đuổi nhau chạy vòng quanh trong lồng đèn, tạo cho người xem một cảm giác là lạ, thích thú. Ánh sáng ấy khi tỏ khi mờ, đôi khi lóe lên, chiếu dọi ra bên ngoài qua những hình thú nhấp nhô, để khách thưởng lãm nhìn rõ mặt từng hình thú voi giấy, ngựa giấy, chó giấy đang quay tít kia mà bàn tán, chê khen. Phận thú, mặc cho lời bàn tán, nó vẫn tiếp tục quay như điên, như cuồng, chẳng khi ngừng lại cho đến khi đèn hết dầu hoặc đèn bị cháy.
I. Những hạng mục trong Đèn Cù
Như tôi đã nhắc đến ở trên, một trong những điều thú vị của Đèn Cù là ánh sáng của nó, dù không tỏ, vẫn làm cho vòng quay phải quay, vẫn giúp cho người đứng xem, nhìn được vài, ba đường nét nổi bật, cũng như những góc khuất của đoàn thú đang chạy vòng vòng trước mặt. Nghĩa là, sau những vòng quay, chẳng một con thú nào không được điểm đanh với những hình dạng, đặc tính riêng của nó. Cũng thế, mời bạn trở lại chuyện cái Đèn Cù Việt Nam, chúng ta nhìn thử xem thế nào?
a. Dàn voi đi đầu: Hồ chí Minh
Gần 80 năm qua, chẳng ai có số liệu chính xác trong tay, nhưng chắc hẳn là không có dưới 5, 7 chục ngàn những bài viết dài ngắn, lớn nhỏ, từ trung ương xuống địa phương, của những người thổi ống đu dủ và của cả những kẻ đã bỏ của chạy lấy người, mang tính lừa gạt cao, đầy tình tiết thêu dệt về nhân vật Hồ Chí Minh với mục đích làm cho người dân thuộc thế kỷ 14, 15 tin rằng, đó là một lãnh tụ anh minh, vĩ đại. Hơn thế, còn ngoa ngữ Y là một loại cha già kiểu cha già tộc dân... bán khai nào đó, mà Việt cộng có công lớn khi nhập cảng Y vào Việt Nam! Cùng chủ đích, cũng có hàng chục cuốn sách của các tác giả khác nhau, vẽ vời ra những góc cạnh, hình ảnh giả tưởng như "ông thánh", như “cái đỉnh chói lọi” "vừa đi đường vừa..." với mục đích "dựa hơi", thổi ống, kiếm sống, kiếm phần đỉnh chung. 
Chẳng ai trong số những tác giả này, ở trong nước hay hải ngoại đã nói lên được một vài nét thật, đặc tính, hay những cốt lõi (tốt, xấu, bần tiện) đã làm nên hình ảnh, con người, sự nghiệp và đời sống của Y. Tất cả đều vơ vào, loanh quanh, ngụy biện, tuyên truyền, dối trá với những lý do của lịch sử, thuộc về lịch sử, đã đầu độc dân chúng, đầu độc dư luận, gây ra một sự ngộ nhận lớn trong lịch sử. 
Nay sự kiện xem ra đã đổi khác đôi phần. Qua dòng chữ vắn vỏi: “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi” (buổi đấu tố bà Nguyễn thị Năm) trong Đèn Cù (trang 82) của Trần Đĩnh, người ta đã có thể nhìn hiểu một cách thấu đáo hơn, cặn kẽ hơn và đánh giá đúng hơn về tư cách, về lương tri, về đời sống và về phẩm chất bần tiện, cùng những hành vi tồi bại của HCM, mà chẳng cần phải đọc cả ngàn ngàn trang sách, báo chê khen nào khác nữa. Bởi vì, có cộng chung hàng tấn sách báo mà CS vẽ vời ca tụng Y lại với nhau, cũng không thể bào chữa, khoả lấp, tẩy xóa được cái hình ảnh, cái tư cách cực hèn của một chủ tịch nước, chủ tịch đảng cộng sản đã bịt râu che mặt đến dự cuộc đấu tố người ân nhân của đảng, của nước do chính mình lựa chọn về cách đấu và người đấu. 
Chỉ cần một câu ấy “cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi” là quá đủ để vẽ nên trọn hình ảnh của một tên hề, (hề mới vẽ râu sơn mặt). Là quá đủ để cho hàng ngàn tấn sách báo tâng bốc kia thành rác rưởi, và đủ chứng liệu để lịch sử xếp cho y một chỗ đứng nào đó, bắt buộc phải có trong lịch sử Việt (dẫu muốn quăng nó đi, cũng không quăng đi được!).
Thật vậy, trước đây guồng máy tuyên truyền của CS luôn phát đi những điều gian dối, nhiều người, kể cả hàng ngũ cán cộng trung cao cấp của cs, cứ tưởng HCM là một lãnh tụ, người tổ chức và đứng đầu guồng máy lãnh đạo của nhà nước cộng sản tại miền Bắc là người tử tế, có tư cách. Nay qua nhiều tài liệu lịch sử đã phơi bày, qua ánh Đèn Cù của Trần Đĩnh, thực tế lại hề quá hề. HCM chẳng phải là kẻ đã tạo ra cái khung lồng đèn ấy. Trái lại, Y chỉ là hề, kẻ đứng đầu trong các hạng mục voi giấy ngựa giấy, chó giấy chạy vòng vòng, quay tít trong cái lồng đèn để làm trò vui tai lạ mắt cho những kẻ điều khiển là Liên sô và Tàu cộng mà thôi! Trần Đĩnh kể:
Bác xuất ngoại, trong ATêKa chúng tôi rất mực vui. Đâu có biết đại thí sinh Hồ Chí Minh sắp dự cuộc khẩu thí mà nếu trúng tuyển thì đất nước sẽ đoạn tuyệt hẳn với thế giới. (tr,45) (Tại sao lại đoạn tuyệt với thế giới, ở đó không phải là tổ chức của loài người chăng?). Sau đó, nghe truyền đạt Stalin đã phân công Trung Quốc “phụ trách” Việt Nam,… (tr 49) Lúc ấy chưa nhận hết hàm nghĩa của từ phụ trách. Đúng, thế nào là phụ trách? Là phải ốp sát, kèm chặt ở bên! Đồng chí La có tư cách song trùng: vừa đại sứ cách trở vừa thường xuyên đụng đầu bàn bạc ở cương vị “phụ trách.”(tr.51). Nên biết chính Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam,” điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc (tr. 49)”
Cuộc voi chạy thê thảm là thế, nhưng ngay sau khi được chuẩn nhận như là chú voi chạy đầu, là HCM hóa... Cáo! Tác phong đổi hẳn. Trong lần đầu gặp HCM (1957), Trần Đức Thảo đã được dặn dò kỹ lưỡng. Thấy lạ, Thảo hỏi:
- Nếu không được xưng tôi thì xưng bằng gì?

- Đồng chí có thể xưng bằng “con,” hay bằng “cháu,” và phải gọi Người bằng “bác” như đồng bào vẫn gọi... Những mệnh lệnh này là quan trọng, đồng chí phải ghi nhớ cho kỹ, kẻo làm hỏng cuộc diện kiến với “Người”... (Trần Đức Thảo. Những Lời Trăn(g) Trối, 2014).
Đó là tình cảnh trước và sau khi gặp Mao. Trước đó, HCM đã viết thư gởi Stalin, xin được trả 100 đô la Mỹ một tháng để có tiền sống và đi hoạt động. Rồi ngày 31-10-52, Hồ Chí Minh viết thư, trình cái đề án gọi là cải cách ruộng đất ở VN với sự giúp đỡ của hai viên cô vấn Tàu để xin Stalin phê chuẩn. HCM đã giữ đúng thứ, bậc trong hạng mục nô lệ, giúp việc cho ngươi. Y đã toại nguyện mộng làm nô lệ được trả công. Chỉ tiếc rằng, Y không lường trước được là cái thư xin 100 đô la một tháng, xin phép ngoại nhân để giết người Việt Nam của Y rồi ra sẽ được phơi bày ra trước công luận! Nó trở thành bản án muôn đời cho chính kẻ viết ra nó!
Với bên ngoài thì HCM khúm núm, quỳ gối như thế, nhưng quay vào trong, HCM lại có ngay cho mình hai thái độ là ông chủ nhớn, và kẻ đại bất lương. Ông chủ dựa hơi làm chủ như Trần Đức Thảo ghi lại. Bất lương chính là việc viết "địa chủ ác ghê" dùng làm cơ sở cho các cuộc đấu tố, đã trực tiếp giết chết 200 ngàn sinh mạng vô tội. Rồi làm bại hoại nền luân lý, đạo đức của xã hội Việt Nam.
Trước đây, cái chết của bà Năm trong ngày Hồ Chí Minh khai hội múa dao, gọi là cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã được nhiều kẻ tung hứng và đưa ra những tin tức thất thiệt, cho là Hồ Chí Minh không biết. Hoặc giả, không có ý giết người (BT, HT), nhưng vì Lê Qúy Ba một cố vấn và phụ trách mảng Việt Nam của Tàu ra lệnh, nên Hồ Chí Minh phải gật đầu. Từ việc loanh quanh biện hộ này đã cho thấy Hồ Chí Minh vốn dĩ chỉ là một loại voi giấy chạy đầu, dưới quyền chỉ bảo sai khiến của Lê Qúy Ba. Đến nay, những giở giáo, bênh đỡ, che đậy ấy đã thực sự bị lột trần ra rồi. 
Hồ Chí Minh không những chỉ là kẻ viết ra bản cáo trạng gian dối, bất lương, ngậm máu độc phun người, có một không hai trong lịch sử để mở đầu cho cuộc đấu tố đầy vong ân bội nghĩa để vui lòng chủ nhân Tàu. Y còn “bịt râu che mặt đến dự một buổi” trong cuộc đấu tố ấy nữa. Chắc đọc xong 8 chữ này, các ống đu dủ của Y cái thì bể, cái bị xì hơi, hết cách thổi! Những tấn sách, những tên tuổi vẽ vời về Y tự nhiên cháy đen thui. 
Bởi lẽ, những hành động của Y thể hiện trong việc viết bản cáo trạng "địa chủ ác ghê" đã là một việc làm bất cương không ai có thể tưởng tượng ra, nay lại đích thân đi mở đầu cuộc đấu bằng cách che râu dấu mặt thì có khác gì những quân khủng bố. Hỏi xem, chúng ta phải liệt Y vào hạng mục nào cho xứng? Đó có phải là một tội ác cực lớn đối với con người và tổ quốc Việt Nam không?.
Với con người, nó đã trực tiếp lấy đi sinh mạng của 200 ngàn người và làm cho hàng trăm ngàn gia đình khác phải tan nát. Với Tổ Quốc, nó đã giết chết nền luân lý đạo đức và văn hóa của Việt Nam bằng sách lược của CS, ép thúc con đấu cha, vợ đấu chồng, anh chị em, thân nhân đấu nhau. Với đồng bào, nó đã phân chia ra thành giai cấp, với khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” để triệt hạ tình nghĩa đồng bào, tiêu diệt tình người trong xóm thôn. Tạo ra một xã hội băng hoại niềm tin. 
Ở đó, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào gian trá và nói dối nhau theo bản cáo trạng của HCM mà sống. Với tôn giáo, nó đã đập phá, hủy hoại niềm tin lành thánh vào thần linh của con người bằng cách tạo ra chiêu bài "bài trừ mê tín dị đoan" để phá chùa, đập đền thờ, xô đổ đình miếu và đốt nhà thờ. Sau đó, đưa hình ảnh và cái đầu lâu của Hồ chí Minh vào đình chùa, miếu đền, nơi tôn nghiêm như là một hình thức suy tôn mới để phỉ báng tôn giáo. Với chỉ bấy nhiêu thôi, đất nước Việt Nam đủ tan hoang, và tang thương chưa? 
b. Voi dày mả tổ: Trường Chinh Đặng Xuân Khu
Trước đây, người Việt Nam đã rõ ngọn nguồn về một tên tuổi lừng danh trong đảng cộng sản. Kẻ này vang danh khét tiếng với những hành động thiếu hẳn nhân tính trong vai trò chỉ đạo cuộc đấu tố 1953-1956. Tính công, Y chỉ đứng sau Hồ Chí Minh trong việc sát hại gần 200 ngàn người Việt Nam để cướp toàn bộ tài sản của họ. Y là Đặng Xuân Khu thường được biết đến qua tên hiệu Trường Chinh. Trần Đĩnh viết "Với tôi, anh có thể làm tổng bí thư suốt đời”. Sau cái chết oan ức của 200 ngàn người, và ảnh hưởng quá nghiêm trọng do cuộc đấu tố 53-56 tạo ra, Đặng Xuân Khu đã mất chức TBT vào tay Lê Duẩn. Khi đã bị hạ tầng công tác, Khu còn được vinh dự mang thêm “huy chương” là kẻ đấu tố bố mẹ đẻ, và là kẻ vong ân, bội nghĩa khi dự phần vào cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm.
Ở đây, tôi cũng xin nói rõ một điều là, tôi chưa đọc được trang sách nào khả tín nói đến chuyện Đặng Xuân Khu về Hành Thiện đấu tố bố mẹ mình, và cũng chưa thấy ai chứng thực rằng đã thấy Trường Chinh làm chuyện này, nhưng có lẽ là do bố mẹ của Khu cũng bị vạ lây trong mùa đấu tố mà Khu bị mang lấy cái tiếng này chăng? Bị tiếng vì quả báo? Nhưng chuyện Khu nhúng chàm trong vụ giết người ân nhân của mình thì không thể chối cãi được. 
Trước đây đã có nhiều người nói đến, nay Đèn Cù của Trần Đĩnh huỵch toẹt ra là: “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt” (ĐC 82). Có nghĩa là TC có mặt từ đầu đến cuối nhưng phải che mặt đeo kính vì sợ người ngoài nhận diện? Đã hèn thế, còn lệnh cho Trần Đĩnh "cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội... chi tiết, khai thác Văn." (ĐC 82). Mục đích Trần Đĩnh không viết ra, nhưng có lẽ Y không đến để khóc thương bà Năm. Nhưng là đến chỉ đạo đánh cho gọn, đánh cho đẹp?
Chuyện đấu tố là thế. Trước đó, cây lý luận lớn nhất của đảng cộng sản đã được biết đến là kẻ rước voi về dày mả tổ, kẻ muốn xin cho Việt Nam vào làm chư hầu cho Trung cộng. Tháng 8-1951 trong văn thư với bảng hiệu “Ủy ban hành chánh kháng chiến VNDCCH năm thứ 7”, nhân danh TBT đảng Lao Động (CS) lúc bấy giờ, Chinh viết lời kêu gọi đồng bào Việt Nam “bỏ chữ Quốc Ngữ học chữ Tàu. Bỏ thuốc Tây dùng thuốc tễ của Tàu” mà Y khoác lác là “hay nhất hoàn cầu”, như là một điều kiện để xin cho VN được làm chư Hầu cho Tàu. Vì “Tàu không những chỉ là bạn, nhưng còn là thày của ta nữa”.Về lý luận có lẽ không ai hơn Khu thật. Bởi vì nhờ Đặng Xuân Khu, CS đã tạo ra được những bản văn Ô nhục nhất để lưu lại trong dòng lịch sử của Việt Nam! Phục chưa nào?
Một người như thế, bất cứ ai nghe đến đều phải rùng mình rợn tóc gáy. Nhưng CS thì hãnh diện và tác giả của Đèn Cù, một chàng trai hào hiệp, được Lê Đức Thọ khen là có tài (chắc không phải là tài viết bậy theo CS?) đã sống, tiếp xúc và làm việc nhiều với Trường Chinh ngay từ lúc 19 tuổi. Là người đã xưng tôi với Trường Chinh ngay từ lần tiếp xúc lần đầu tiên, có lẽ nào không hề hay biết gì đến những tội thuộc diện trời không tha, đất không dung của Y? Đã thế, còn coi Y là người lý tưởng của mình thì rất lạ. Có phải vì gần mực mà bị đen hay không? Ở đây, tôi không quy trách bất cứ một điều gì cho tác giả, chỉ dám nêu lên một thắc mắc là: Không biết tác giả đã yêu và coi Trường Chinh là lý tưởng của mình về phương diện nào? Về tư cách và hành vi của Y trong cuộc đấu tố chết 200 ngàn đồng bào Việt Nam, hay là hợp thỉnh, đồng mưu với Y trong việc rước voi về dày mả tổ và xin làm chư hầu cho Trung cộng?
c. Dàn ngựa Tầu: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ…
Trong Tam Quốc có kể lại một câu chuyện rất bất nhân về nhân vật Lữ Bố là: Khi được Trác tặng con ngựa thì Lữ Bố giết chủ là Đinh Nguyên, theo Trác, gọi Đổng Trác là cha. Đến khi bị Đổng Trác phỗng tay trên, chiếm mất Điêu Thuyền con gái nuôi của tư đồ Vương Doãn thì cầm họa kích giết Đổng Trác. Sau cùng bị Tào Tháo... cứa cổ.
Rồi hôm nay, trong Đèn Cù có câu chuyện Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... nổi lên như một cặp ngựa chiến của thời đại trong tay của Trung cộng đã tàn phá non sông Việt Nam và gây ra cái chết của gần ba triệu sinh linh trong cuộc chiến từ 1954-1975. Trần Đĩnh viết: “Cụ Hồ, Trường Chinh, Giáp không muốn ngả theo Mao, nhưng Duẩn tin rằng theo sấm sét của tư tưởng “Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng” thì sẽ giải phóng thống nhất đất nước... Duẩn theo Mao hẳn rồi,”( tr.258). Tiết lộ này, xem ra chẳng có gì là mới mẻ cả. Trái lại, nó chỉ có khả năng đúng được một phần (Duẩn theo Mao), còn một phần lớn khác (Minh, Chinh, Giáp không theo Mao mở cuộc chiến) có khi là một chứng gian!
Thật vậy, mọi người từ quê ra tỉnh đã biết và biết rất rõ là Lê Duẩn đã nhiều lần tỏ bày hết tâm tư nguyện vọng của một kẻ tôi đòi, nô bộc với Mao qua những lần giáp mặt hay không giáp mặt với Mao là: “Cuộc chiến đánh Mỹ, giải phóng miền Nam là chúng tôi đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô”... “Sở dĩ chúng tôi kiên trì chiến đấu là vì Mao chủ Tịch,... Cuộc chiến đấu của chúng tôi là phụ thuộc vào công việc của Mao chủ tịch!” Rõ ràng là ngựa Tàu hại nước Việt. Tuy nhiên khi nhìn lại, những tuyên bố dầy nô lệ tính của Duẩn sẽ chẳng có gì là khó hiểu và chẳng phải tự ý làm. Trái lại, đó chỉ là phản ứng lấn vai của những con ngựa trong bầy muốn chứng tỏ mình là con khoẻ mạnh, hung hăng để cho chủ nhân vừa ý, đóng dây cương vào cổ mà thôi. Với người, đó là tâm tư nguyện vọng của hạng nô lệ, tôi đòi, sợ chủ nhân không biết được lòng dạ khuyển mã của mình mà tin dùng kẻ khác chăng?
Có lẽ thế! bởi vì cùng đi theo hệ tư tưởng nô lệ, nê tập đoàn cộng sản từ Minh, Chinh, Duẩn, Đồng, Giáp, kéo theo cả một dàn gọi là lãnh đạo cho đến hôm nay đều dòm chừng nhau, tranh công, hạ gối, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chủ nhân Tàu sủng ái, đóng dây cương vào cổ, đặt vòng xích vào chân như dấu ấn chứng nhận là người của chủ. Sau đó, cúi đầu dưới ngọn roi mà phục vụ cho chủ nhân, miễn là, sau đó, họ được phép đứng dậy hò hét, nghênh ngang với các “đồng chí” trong đảng. Còn đối với nhân dân, một tập thể vốn dĩ đã bị coi là nô lệ trong chế độ CS thì cần chi phải lưu tâm tới nữa. Thống khổ ư? Nhân Quyền ư? Tự Do, Độc Lập ư, Tôn giáo ư? Tất cả đều là không! Lý do, khi tập đoàn lãnh đạo, đảng đã là nô lệ cho ngoại nhân thì người dân sẽ còn là hạng mục gì khác?
Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất trong tư duy của những người lãnh đạo ở miền Nam như Tổng Thống Diệm, TT Thiệu, với các tay lãnh đạo trong hàng ngũ của đảng CS tại miền Bắc. Tư duy lãnh đạo của những nhà lãnh đạo ở miền Nam với Thế giới, với đồng minh, với nhân dân là tự chủ, là nhân bản, là bình đẳng, là tôn trọng, là luật pháp. Trong khi đó, cái tư duy cốt lõi của lãnh đạo CS Bắc Việt với CS QT là ngắn gọn hơn. Nô lệ và phụ thuộc. Theo đó, những người lãnh đạo ở miền Nam trước 1975 sẵn sàng lấy tính mệnh của mình để bảo vệ quyền lợi, quyền sống của người dân, bảo vệ đất đai, sông núi, biển đảo của tổ quốc. Trong khi đó, vì muốn có quyền lực trong tay, từ HCM, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, cho đến những kẻ kế thừa sau này đều có một quyết sách như nhau. Bên ngoài thì cúi đầu nhận roi, sẵn sàng dâng đất, dâng biển đảo của tổ quốc cho kẻ thù của dân tộc. Bên trong, sẵn sàng giết hại, tù đày đồng bào của mình, hoặc giả, chà đạp quyền sống, quyền lợi, phúc sinh của người dân để đẹp lòng chủ nhân phương Bắc!
Cần bằng chứng ư? Hãy hỏi thăm những quan cán đầu tỉnh ở Hà Tĩnh xem họ có được phép đến vùng xây dựng gọi là Formosa ở Vũng Áng để kiểm soát xem có bao nhiêu công nhân Tàu đến làm việc không có giấy phép ở đây hay không? (theo báo Vietnamnet ngày 8-8-2014 cho biết, khu xây dựng Formosa có hơn 4000 công nhân Tàu đang làm việc, nhưng chỉ 200 người có giấy phép. Số còn lại không giấy tờ nhập cảnh, nhưng các quan chức địa phương không được phép vào kiểm tra). Đấy chủ quyền đất nước dưới tay cộng sản là thế đấy! Còn nói chi đến Hoàng Sa Trường Sa ớ tút mút ngoài biển làm gì?
Trở lại câu chuyện của dàn ngựa Tàu và cái Đèn Cù. Trước hết, HCM đã được xếp hạng siêu nô lệ cho Liên Xô từ lâu. Hơn thế, còn được coi là con đẻ của Tàu. Chủ nhân Tàu đã che chắn cho Y từng bước. Từ việc y mang tên Lý Thụy rồi cho lấy Tăng Tuyết Minh do Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai làm mai mối. Lại đặt cho cái tên là Hồ Quang, đóng vai Thiếu tá trong Bát Lộ Quân của Chu Đức. Ít lâu sau, Hồ Quang được hộ tống vào Việt Nam dưới sự chỉ đạo, phụ trách của Lê Qúy Ba, Trần Canh, được đôn lên làm chủ tịch đảng rồi chủ tịch nước. Được chủ nhân Tàu cung cấp toàn bộ, từ vũ khí lương thực cho đến quân trang, quân dụng để gọi là chống Pháp, mở cuộc đấu tố, giết hại cho hết những người Quốc Gia. Rồi đánh trống thổi kèn theo chiêu bài giải phóng dân tộc, cướp lấy chính quyền, đẩy chiến tranh ra khỏi đất Trung cộng. Nhưng trên hết, từ Hoa Nam, HCM được huấn luyện, được đưa vào Việt Nam với chủ trương Hán hóa Việt Nam, đẩy Việt Nam vào làm chư hầu cho Trung cộng. Công trạng ấy, ai sánh bằng?
Đến cái gai trong mắt, nếu có phải nhường bước cho HCM, có lẽ Duẩn cũng cam lòng vì số phận. Phiền vì cái gai Trường Chinh còn kia, Duẩn ăn ngủ sao yên. Duẩn mất ăn mất ngủ vì Chinh đã khôn ngoan khi biết ruột dạ của Hồ là rắp tâm đưa Việt Nam vào vòng nô lệ cho Tàu, Khu đã nhanh tay, nhanh chân mà thảo ra cái văn thư với bảng hiệu “Ủy Ban Kháng Chiến” và kêu gọi người Việt Nam “bỏ học chữ Quốc Ngữ mà học tiếng Tàu” để xin làm chư hầu cho Trung cộng. Việc thì không chắc thành, nhưng cái văn thư ấy, cái ruột dạ ấy đã làm mát lòng mát dạ quan thầy bành trướng phương Bắc. Nay nhất thời vì vụ đấu tố, uy tín trong nội bộ của Khu có bị giảm sút đôi chút, nhưng nếu sau này, Tàu cộng muốn thực hiện sách lược kéo Việt Nam vào làm vùng tự trị như nội Mông thì Trường Chinh còn trẻ hơn Hồ, chắc chắn phải có ngày chủ nhân lại đưa Y trở lại cái vị thế số một chư hầu ở nam bang. Khi đó Duẩn ra sao? Đây chính là cái lo trong gan phổi của Duẩn, Y không tranh thắng với Khu trong phương cách xin làm nô lệ cho Tàu cũng không được.
Ấy là chưa kể đến Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, cả hai đã từng sang theo hầu HCM ở Côn Minh. Người thì theo lệnh của Hồ đã nhanh tay ký phăng cái công hàm, công nhận chủ quyền của Trung Cộng ở Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo những văn bản và lịch sử được quốc tế công nhận là của Việt Nam và đang ở dưới sự kiểm soát của chính phủ miền Nam. Kẻ thì theo kế của Trần Canh cố vấn, sẵn sàng đánh Pháp rồi đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng cũng đánh. Đánh xong là nhà hoang, đất Việt Nam bỏ trống. Nhìn mảnh đất màu mỡ này thì còn hạnh phúc nào lớn hơn cho người anh em Trung cộng. Từng đoàn từng lũ kéo sang mà đóng cọc, làm nhà rồi bỏ phiếu xin làm chư hầu cho Trung cộng. Kế ấy mà thành thì ai dám tranh công với Đồng với Giáp? Chinh, Đồng, Giáp đều theo gương Hồ để được bụng Tàu, có lẽ nào Duẩn không theo? Nay đang ngồi ở trên cái ghế TBT mà được Tàu cộng đóng dây cương vào cổ, đặt vòng xích vào chân thì vai trò siêu nô lệ của Duẩn có ai dám vào đó mà tranh? 
Tóm lại, Duẩn cũng chỉ là một hạng mục trong cái tập đoàn CSVN có cơ hội đi chầu và tỏ lòng tùng phục chủ nhân Tàu cộng mà thôi. Nhưng người phóng viên của tờ báo gọi là “sự thật” của cộng sản từ những năm 49-50 ở Atêka khi mới 19 tuổi, nay đầu đã bạc lại nhìn không ra. Lại bảo Hồ, Chinh, Giáp không theo Mao tham chiến là sai. Qúa Sai. Sai vì hai lý do: Việc riêng là vì “còn yêu Chinh và ghét Duẩn”. Và về việc công, có lẽ người phóng viên ở trong rừng năm xưa cho rằng người Việt Nam chưa bị giải phóng, chưa từng thấm thiên đường CS. Cũng chẳng có mấy người biết đọc biết viết như ở trong Atêka, nên tác giả áp dụng sách tuyên truyền của đảng. Cứ viết bừa, viết cho lấy được bất chấp hậu quả, chẳng biết đúng sai. Và cũng không biết, cái lối viết ấy là hại người hại mình. Nó là một sai lầm lớn. Sai không thuốc chữa nếu như không muốn nói là gian! Trước hết, nó chẳng lừa được ai, còn cho mọi người thấy là hình như tác giả đang viết cho thời 1949-50, hoặc chưa bước chân vào thành phố. Bênh HCM, TC, VNG bằng luận điệu này thà lấy lửa đốt chính mình đi còn hơn!
I I. Chuyện xin làm chư hầu và công hàm bán nước trong Đèn Cù. (kỳ sau)

 

  10-2014

Đèn Cù, bản cáo trạng trước khi đèn bị cháy (P2)

I I. Chuyện xin làm chư hầu và công hàm bán nước
Tôi cho rằng, đọc Đèn Cù nhiều người sẽ tức như bị bò đá. Mặc dù chẳng mấy người có kinh nghiệm về chuyện bị bò đá là như thế nào, tuy nhiên, tất cả đều cảm nhận được ý của câu nói ví “ngu như bò”. Nó ngu vậy mà mình bị nó đá thì chắc là tức lắm!? Thật vậy, trong Đèn Cù ngoài câu chuyện dở hơi, bò đá: "Minh, Chinh, Giáp không muốn đánh miền Nam, chỉ nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ là muốn giải phóng miền Nam bằng võ lực” như ở đoạn trên tôi đã đề cập đến, bạn cẩn thận, sẽ còn bị nhiều cú bò đá khác nữa.
a. Chuyện xin làm chư hầu cho Trung cộng
Trần Đĩnh, gặp Trường Chinh từ khi lên Atêka vào tuổi 19, đã sống ở trong những khu nhà lá ấy, đã lên hội trường học tập, đã nhận lệnh viết tường thuật vụ án của bà Năm. Đã nghe chuyện "tới bến" của Trường Chinh, đã bàn chuyện thích "gái nạ dòng" của Hồ Chí Minh. Chuyện "quá dài" của Chu Đức do "bác" mang về. Tóm lại, đủ cả, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện ta, chuyện người, chuyện chính trị, chuyện quân sự đều lần lượt theo nhau vào Đèn Cù, cùng quay tít. Kể cả chuyện Trần Đĩnh được đề cử sang Trung Quốc du học cũng có ý kiến của Chinh. Việc Chinh muốn viết nhật ký để "tập hợp" nhân sự chống Duẩn, cũng có mặt Đĩnh. Nhưng có một chuyện, chuyện thật lớn. Chuyện liên hệ đến vận mệnh của đất nước. Chuyện Trường Chinh vào tháng 8-1951, viết văn thư, nhân danh TBT đảng CS, dưới cái bảng hiệu “Ủy ban hành chánh kháng chiến năm thứ 7” kêu gọi đồng bào Việt Nam "bỏ chữ quốc Ngữ mà học chữ Tàu. Bỏ thuốc tây, dùng thuốc Tàu" để xin làm chư hầu cho Trung Cộng vì TC không chỉ là bạn ta nhưng còn là thầy của ta nữa: "ai cũng biết, mình Đĩnh thì không? Nên nhớ, đây là văn thư đầu tiên mang dấu ấn đặc biệt của tập đoàn nô lệ, lấy danh tính Việt Nam, bán nước cầu vinh được gởi đi khắp nơi. Tờ báo Tiếng Dội ở mãi Sài Gòn, chẳng thuộc hạng mục của CS, cũng đăng bản văn này, và có lẽ ở trong Atêka cũng cho học tập nhiều? Chuyện nổ như thế, lẽ nào Trần Đĩnh ở Atêka lại không hay? Và không có một chữ nào về nó trong Đèn Cù! Lạ, đến lạ!
Bảo Trần Đĩnh không biết, cũng không được. Bảo Trần Đĩnh có thông đồng nên dấu đi cũng không xong! Vì nói thế là tôi có lỗi với tác giả. Có lỗi vì nói thế có khác gì bảo Trần Đĩnh đã… khuyết tật cả mắt, tai mũi họng lại thêm gian dối. Khuyết tật vì chuyện nổ ra từ trong lán nứa với mình mà không biết, làm sao biết những chuyện ở xa mà viết? Có chăng là nói gian! Thật là khó nghĩ.
Quả thật, đây chính là một trong những điểm đáng thất vọng của Đèn Cù. Vẫn biết Đèn Cù được giới thiệu như là “truyện tôi”. Nhưng “Truyện tôi” không có nghĩa là không có liên hệ đến truyện người, truyện nhà, truyện nước. Đặc biệt, trong trường hợp này lại vì Truyện Nước mà Trần Đĩnh thoát ly, bỏ nhà để dinh tê về Ateka. Về Ateka là lo về việc nước? Khi lo việc nước, có người cầm súng chiến đấu, người đào hầm, kẻ vót chông, kẻ gài mìn. Có người cầm bút thông tin tuyên truyền. Khi làm thông tin thì có tin tức nào liên hệ đến việc Nước mà không truyền đi cho mọi người được biết! Như thế, nhiệm vụ Vì Nước của Trần Đĩnh không nhỏ, lẽ nào Đĩnh lại không một chữ về chuyện này sau mấy chục năm? Cho phép tôi nghi ngờ về cái tinh thần nhân bản, nghi ngờ về tinh thần kẻ sĩ vì nước của tác giả trong chuyện này! Nghi ngờ vì có thể đây là một bí ẩn ghê gớm lắm, hay là cái nhục của đảng CS, nên tác giả đến hôm nay đầu đã bạc, đảng tịch đã bị truất vẫn không dám viết ra! Và nghi ngờ là nó có liên quan đến ông "tướng sợ làm chủ quản cả tinh thần" như tác giả đã xác nhận trong Đèn Cù?
Ai cũng biết, đây là một chuyện có ảnh hưởng đến thể diện, danh tính và vận mệnh tồn vong của đất nước. Kết quả thành hay bại của thì không do tờ giấy đó tạo ra. Tuy nhiên, tác giả Đèn Cù, người có sinh hoạt trực tiếp trong một thời gian dài với kẻ đã viết ra bản văn ô nhục này mà không một lời nhắc đến nó trong tác phẩm "để đời" của mình xem ra là có lỗi với đất nước. Có lỗi vì thiếu sót, hay vì Trường Chinh là mẫu lý tưởng của tác giả thì đều là có lỗi. Đây không phải là cái lỗi với một ai, nhưng là lỗi với đất nước. Một kẻ sĩ nếu vì đất nước mà dung túng những hành vi của kẻ bán nước thì chắc không thể được gọi là kẻ sĩ. Có chăng là kẻ đồng mưu với tội bán nước?
Chẳng ai nghĩ tác giả đồng mưu, chỉ thắc mắc tại sao không một dấu vết trong Đèn Cù, đã thế lại còn bao che cho Khu không phải là kẻ phù Tàu. Thử hỏi, người viết ra bản văn ấy không phò Tàu thì trên thế gian này liệu còn kẻ nào phò Tầu nữa hay sao? Cũng thế, nếu Trường Chinh không phò Tàu thì Đồng, Giáp, Duẩn, Thọ và sau này là những Mười, Linh, Phiêu, Kiệt, Mạnh, Dũng, Sang, Trọng… tuy có cúi người như gập mình xuống đất trước những quan cán Tàu… đều không phò Tàu.

Họ chỉ làm việc theo nghị quyết bán nước của đảng CS vỏn vẹn có 16 chữ để đổi lấy vinh hoa thôi! Rồi cái việc Phạm Vũ Luận, cách đầy vài ba năm đưa ra dự thảo cho trẻ em bậc tiểu học, học tiếng Tàu chắc cũng không phải là có ý phò Tàu. Có lẽ Luận chỉ lo trước cho các em mai sau bị mang quốc tịch Tàu theo chủ trương của CS nhưng không biết tiếng lạ thì trăm đường khổ. Nên Luận đề ra chương trình này để giúp các em mà thôi! Chuyện có đáng gì mà om xòm! Vâng, chả đáng gì, xin cám ơn cái “lòng tốt” của bác đảng nhá. Tuổi trẻ Việt Nam khôn hơn những lý luận nô lệ ấy nhiều.
b. Chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng
Trần Đĩnh viết: “Tôi hỏi anh (Bút Thép) một vấn đề mọi người đang bận tâm: tại sao ta và Diệm đang tranh nhau Hoàng Sa cả ở trên báo mà đùng một cái ta lại công nhận và hoan nghênh Trung Quốc thu hồi Hoàng Sa?- Mày ấu trĩ bỏ mẹ! Theo hiệp định Genève thì chỗ ấy dưới vĩ tuyến 17 phải là của Diệm. Để cho ông anh Trung Quốc chứ không để Mỹ nó vào nó xây căn cứ hải quân sát nách à? (tr 105). Thế là tôi nghĩ ngay - y như Đảng lúc bấy giờ -- mai kia ta cần, bạn lại trả cho ta, đi đâu mà mất, miễn là về phe ta.”
Hy vọng bạn không bị bò đá, và cũng đừng quăng cuốn sách đi. Người cộng sản là thế đấy. Tổ quốc của họ không hơn tổ có. Nó không nặng bằng chén cơm! Nó sẵn sàng đổi, dâng cả cái giang sơn này cho kẻ ngoại để được ngồi trên một cái ghế. Nó không có cái tính nhân văn, yêu tổ quốc thương đồng bào như người Việt Nam chúng ta. Họ có thể nhắc đến một địa danh, nơi mà chúng ta đã khóc. Hơn thế, đã đổ máu ra để bảo vệ trước đây, và nay bao người lại bị vào tù, bị CS tra tấn vì bảo nó là của Việt Nam, như nhắc đến một câu chuyện diễu, chuyện lá cải, dửng dưng không một chút bận lòng. Bạn ủy mị, bạn là dân, bạn khóc sông, khóc núi, khóc tổ quốc quê hương, xót đồng bào tang thương.

Họ mạnh mẽ hơn ta, họ dày dạn hơn ta. Họ là đảng viên cộng sản, là quan cán, họ có khóc là khóc “Mao chủ tịch”. Có thờ là “thờ Stalin” để kiếm phần sôi. Ai rỗi hơi mà khóc Hoàng Sa, Trường Sa! Khóc cho một địa danh mà lãnh đạo của họ đã đem dâng, đem bán cho Tàu cách đây hơn nửa thế kỷ trước, để lấy tiền mua súng đạn, mua dép râu, mũ cối vào Nam thịt người anh em mình. Để tôi khóc, anh khóc, cô nhi quả phụ khóc, con dân Việt Nam khóc, Mẹ Việt Nam khóc.
Phần họ thì cười! Cười như một chuyện mua vui, không một phản ứng. Thực lòng, đọc đến đoạn viết này, tôi thấy buồn. Buồn tê tái. Tôi thấm nỗi buồn dù đã biết rất rõ về sách lược tam vô và nghề tẩy não của họ. Tôi vẫn bất ngờ khi thấy tác giả, một người được đánh giá là “còn nhân bản tính” không theo Duẩn, Thọ mở chiến tranh vào miền Nam, sợ làm chảy máu đồng bào Việt Nam, nhưng lại rất hời hợt khi nhắc đến nỗi đau, quặn thắt tim lòng người Việt Nam về chuyện Phạm Văn Đồng công khai dâng đất của Tổ Quốc Việt Nam cho Trung cộng. Đã hời hợt thế, xem ra còn khá là vui vẻ, thoái mái, và hài hòa, đồng cảm với đảng cộng sản trong ý nghĩ của mình "Thế là tôi nghĩ ngay - y như Đảng lúc bấy giờ - mai kia ta cần, bạn lại trả cho ta, đi đâu mà mất, miễn là về phe ta". Thú thật, muốn quẳng mẹ cuốn sách đi.
Xưa nghĩ thế, nay khi viết Đèn Cù, vào năm 2014, tác giả nghĩ gì? Có bảo vệ cái ý nghĩ xưa hay không? Đây có phải là một tội phạm với đất nước không? Hay là vì tinh thần vô sản quốc tế? Và vì tình hữu nghị, vì 16 chữ vàng? Và tôi muốn hỏi rằng: thưa tác giả Trần Đĩnh, nay ta đã cần lấy lại hay chưa? Và bạn sắp trả lại cho ta hay chưa? Hay nó sẽ nuốt gọn, phần con dân Việt Nam nếu bảo Hoàng Sa, Trường Sa là đất của Việt Nam là sẽ bị tập đoàn CS đưa vào nhà tù, là rước lấy họa vào thân? Thật là kinh hãi vì cái lối lý luận đầy trí tuệ này.

Vì nó lý luận như thế ấy, nên khi người Việt Nam bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa là sai?. Sai nom thấy. Sai vì không hiểu chuyện. Sai vì không biết ý đồ của tác giả và nhà nước cộng sản đã sắp sẵn một kế hoạch lớn là” Chờ khi Việt Nam làm chư hầu cho Trung Cộng, Việt Nam trở thành một khu tự trị dưới quyền lãnh đạo của Bắc Kinh thì chẳng cần đòi, Trường Sa, Hoàng Sa lại thuộc về ta! Kế hoạch lớn của CS đấy, còn ai không phục nào?
Rồi chuyện “Thành Đô”, chuyện về những hiệp thương biên giới để đưa Nam Quan, Bản Giốc, Lão Sơn, Tục Lãm, quá nửa vịnh Bắc Bộ… sang đất người cũng thế. Tất cả là máu xương là nỗi đau của Dân Tộc, Trần Đĩnh cũng không một lần nhắc đến. Không nhắc đến một chữ không phải là vì Trần Đĩnh bị khuyết tật tai mũi họng. Hay không có liên hệ với “truyện tôi”, nhưng có lẽ là chuyện chẳng đáng lo. Mai kia cũng là của ta hết. Bạn ta giữ thì cũng như là ta, “bên kia biên giới cũng là anh em” nhỉ? (Tố Hữu). Cộng sản là thế, họ đi buôn xương bán máu dân tộc, đã toan tính như thế nên việc những Điếu Cày, Phương Uyên, Việt Khang… vào tù không có chi là lạ!
III. Chuyện xét lại
Câu chuyện về xét lại là chuyện lớn nhất trong Đèn Cù, nó gần như trải dài trên toàn bộ cuốn sách. Nó lớn và trải dài cũng là phải. Bởi lẽ, nó chính là động lực để cho Đèn Cù ra đời. Ra đời vì nhiều lý do. Trước hết, giới thiệu thành phần chủ lực của xét lại gồm Hoàng Minh Chính, tác giả và một số bằng hữu trong nhóm bạn văn thơ, báo chí như Lê Đạt, Huy Văn, Trần Châu… là nhóm không thích chiến tranh nê kẻ bị bắt, kẻ bị tù. Rồi bị khai trừ đảng!


Thứ hai, tố giác đích danh dàn ngựa Tàu do Duẩn, Thọ, Hữu dẫn đầu, chủ chiến mở chiến tranh vào nam, làm chết đồng bào mình, lại còn ép thiếu tá Hồ Quang trong đội quân của Chu Đức ở Quảng Đông, hiện được bố trì làm chủ tịch nhà nước Việt cộng “không được bỏ phiếu, không được nói gì trong đại hội”, phần Chinh, Giáp thì sửa soạn quần áo vào va ly mà đi nghỉ mát ngoài hoang đảo. Thứ ba, tỏ nỗi thất vọng vì tam xên Minh, Chinh, Giáp… yếu quá, bị đè nên phải theo Mao! "Nhưng rồi Trường Chinh mà tôi rất tin là chống Mao đã cuốn cờ… Và Bác cũng lui vào sau cánh gà nốt, góp phần vào cuộc diễn tấu hùng ca bằng những bài thơ thúc trống trận" (tr263). Làm tác giả bị vạ lây!
Tôi đang có một thắc mắc lớn. Không biết là tác giả Đèn Cù đã về thành phố chưa, hay ông ta vẫn còn là phóng viên cho báo “sự thật” của CS ở trong những khu nhà vách nứa ở Atêka?
Sở dĩ tôi thắc mắc như thế là vì muốn biết cho chắc ông ta đang ở đâu? Nếu như ông ta đang ở Atêka mà viết hướng dẫn dư luận như thế là đúng sách của nhà nước Việt cộng. Cứ nói bừa, phát thanh bừa cũng có người nghe, vì chẳng có chuyện gì khác ngoài cái chữ… bừa! Nhưng nếu đã về sống ở thành phố, nhất là đang ở vào thời đại thông tin toàn cầu mà tác giả viết bừa theo cái kiểu tuyên truyền ấy thì thật là khó coi, nếu như không muốn nói là ấu trĩ. Bởi vì:
Thứ nhất, Đèn Cù là thao thức lớn của tác giả, là nỗi đau của “xét lại”. Độc giả là những người ở thế kỷ 21, đang sống cách cái thời của tác giả ở Atêka đến 60 năm. Có thể nói, vì đi sau, họ nghe, biết khá rõ về thành tích, tư cách, tính thiện ác của từng nhân vật trong dàn voi giấy, ngựa giấy, chó giấy mà tác giả thường nhắc đến ra sao. Họ chờ tác giả, cho họ thấy được những sự thật liên quan đến những đương sự này để họ có thêm những dữ kiện mà đánh giá thực hư hơn là nghe tuyên truyền. Kết quả, chuyện chờ không thấy.

 Lại thấy, một lối xảo thuật tuyên truyền chính gốc của CS trong thập niên 50, 60 thế kỷ trước, muốn lôi kéo những người đi sau về với cái tư tưởng rêu mốc, bệnh hoạn cho rằng HCM tốt lắm, thương dân lắm. Chinh “đáng làm bí thư suốt đời” và Giáp không tham chiến! Trong khi đó, cho đến khi tay bắt chuồn chuồn, Hồ Chí Minh vẫn viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người (Hồ không nói gì đến hy sinh của cán bộ, của đảng). Dù sao chúng ta cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”(Di chúc).
Chẳng lẽ Trần Đĩnh không có cảm nhận, viết như thế là sai, là gian ư? Gian vì muốn lôi kéo những người đi sau vào cuộc thương ghét, hận thù của chính tác giả đã trải qua. "Yêu Chinh, ghét Duẩn" tạo ra cái hỏa mù là cộng sản với tam xên Minh, Chinh, Giáp tốt, không muốn mở chiến tranh, là ông thánh, là đỉnh cao vòi vọi! Người đi sau không nên có thành kiến với những nhân vật này. Trái lại, cứ việc bái lạy y! Có trách, có chống thì chỉ nên chống dàn ngựa Tàu là Duẩn, Thọ, Hữu mà thôi. Rồi thêm sai vì tác giả đã không dám nhìn một thực tế là.

Ngay từ trước thời di cư 1954, chẳng còn ai xa lạ với những khuôn mặt cùng hung, cực ác trong tập đoàn cộng sản Hồ Chí Minh. Dân chúng đã quá sợ hãi những cảnh cán bộ, đảng viên CS đem dao mã tấu đến gõ cửa nhà dân vào giữa đêm rồi. Chẳng ai muốn nghe theo chúng nữa. Và đó cũng là lý do họ tháo chạy khỏi miền Bắc, trong đó có cả cha mẹ và anh em của tác giả đấy.
Chuyện rõ ràng như thế, lẽ nào tác giả không biết? Không biết nên cứ thổi ống làm Đèn Cù tự bốc hỏa, cháy nham nhở. Nó làm chính tác giả bị tổn thương, bị đồng hóa với làng thổi. Bởi vì, sớm, muộn gì cộng sản cũng bị tiêu diệt. Càng thổi ống đu đủ cho Y bao nhiêu là làm hại chính bản thân mình và xã hội bấy nhiêu. Vẫn biết, vết chân trâu đi trong trời mưa có đọng lại chút nước, nhưng không dễ làm người đi sau trượt té xuống vũng bùn. Cũng chẳng ai muốn đầm mình trong vũng nước ấy.

Nghĩa là, người Việt Nam hôm nay dù chưa thoát ách cộng sản, nhưng tầm kiến thức của họ không phải chỉ đặt vào trong những hàng chữ to mà quý ông đã viết, đã dán ở khắp đầu đường đến xó chợ ở trong lòng phố, lại còn kéo cả về nông thôn mà khuấy động nữa. Nói toạc ra là, cái thời đại oanh liệt cán cộng dùng dao mã tấu chém chữ đã chết rồi. Người dân Việt sẽ không nằm trong cái vũng bùn ấy mà ọp ẹp như loài cóc, Hồ Chí Minh “oán sối, oán sối” và chờ “bạn ta sẽ trả đất lại cho ta” đâu. Trái lại, sẽ là cuộc đứng dậy để có một ngày mai không cộng sản. Theo đó, chuyện tuyên truyền cho CS chẳng lừa được ai nữa. Nó không đáng một đồng xu. Đồng xu vốn đã chẳng còn giá trị, nay càng mạt hơn, vì mua một bó rau muống cũng phải cần đến 5, 7 ngàn đồng!
Nói thế là thẳng mực, chẳng nghiêng bên tàu, cũng chẳng đổ sang tây. Chỉ tiếc. Tiếc vì mãi đến hôm nay, sau hơn 40 năm bị khai trừ ra khỏi cái tổ chức CS, tác giả vẫn như người trong cơn mê sảng, đầu óc quay cuồng như ngày bị tước mất lá bài miễn tử là tấm thẻ đảng! Thật tội! Bạn tôi bảo, vì bị tẩy não, bị nhồi sọ quá lâu, nên tác giả không hiểu được lý do tại sao, một bà mẹ, do chính tác giả viết trong cuốn sách này, chắp tay lạy người con mà bà đã cưu mang, đã đẻ dứt ruột ra, sau khi anh ta bỏ nhà ra đi theo cộng sản và trở về, thay vì ôm lấy con vào lòng?

Chẳng lẽ tác giả không biết đó cũng là trường hợp của chính bản thân, hay của những cha mẹ có con cái đi theo Việt cộng ư? Có phải họ không muốn nhìn con? Không, không phải thế. Họ chỉ không muốn nhìn thấy cái gian dối do con cái của họ mang vào nhà thôi! Bà không còn thương con, không muốn dạy cho nó trở thành người tử tế hay sao? Thưa, bà đã biết là không có thuốc chữa. Bằng chứng ư? Chính Trần Đĩnh đã đau xót lẫn tiếc nuối khi bị khai trừ ra khỏi cái tổ chức đầy gian trá ấy, thay vì vui mừng mở tiệc vì nhìn thấy ánh sáng mới của cuộc đời!
Trần Đĩnh viết “tình cờ gặp Minh Trường, phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã năm 1971 đã cùng tôi vào vùng rốn lụt của Hải Dương. Anh thuộc lớp người đầu tiên về Sài Gòn chiến thắng. Nhưng anh đã nếm một chiến bại đớn đau. Hơn một năm sau kể lại với tôi, giọng anh vẫn run run như nghẹn lại... Thì mẹ anh mở cửa. Thì mẹ liền chắp hai tay lạy: - Anh còn sống thì tôi mừng nhưng anh về thì tất cả các đứa con bao lâu nay sống với tôi, chăm sóc phụng dưỡng tôi đều đã bị các anh lôi đi tù hết mất rồi. Anh về thì nhà này tan nát, thì tôi trơ trọi. Thôi, tôi xin anh, anh đi với đồng chí của anh đi cho mẹ con tôi yên..:.(tr486). Trần Đĩnh có là một trong những Minh Trường này không? Thật là tội cho bà mẹ Việt Nam.
Nhớ lại, từ khi bắt dầu đọc những dòng tô son, kẻ phấn, sơn phết dầu bóng ở bên ngoài cái Đèn Cù của nhà báo Ngô Nhân Dụng, tôi không nghĩ là mình sẽ viết đôi ba điều. Nhưng nay, tôi buộc tôi phải viết. Viết vì tác giả vẫn cứ “nửa nạc, nửa mỡ” cho cái chủ thuyết cộng sản ấy là vô địch, là con đường thần kỳ đi mở nước. Mở nước từ người rừng đến đỉnh cao thiên đường cộng sản trong những cuộc đấu tố. Nên tác giả không dám viết lên một sự thật là người Việt Nam từ già đến trẻ, từ Bắc đến Nam, từ thành thị cho đến nông thôn, từ trong ra ngoài, ngay từ cái thời tác giả bỏ nhà lên rừng đã khẳng định một cách chắc chắn rằng:

Chính cái tập đoàn và hệ thống cộng sản dưới tay của Hồ Quang theo lệnh của Nga Tàu đã tiêu diệt cuộc sống nhân bản của người Việt Nam, không phải chỉ ở trong thời chiến, mà còn cả sau khi hết chiến tranh nữa. Chính tập đoàn cộng sản này đã đẩy cả nước và đồng bào Việt Nam rơi vào cuộc sống thống khổ như ngày hôm nay. Tai họa này chẳng phải chỉ có phe Duẩn, Thọ, Hữu gây ra, như tác giả đã viết. Trái lại, tất cả đều là những hạng mục voi giấy, ngựa giấy, chó giấy dưới trướng của Hồ, trong cái khung đèn do Tàu cộng thiết kế để gây họa cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Riêng chuyện xét lại, câu chuyện đã làm cho tác giả đau đớn khôn nguôi, theo tôi, nó không to lớn như tác giả tưởng tượng, và nó cũng chẳng cứu được thêm một vài người dân nào. Trái lại, có thể vì nó mà có thêm nhiều người bị chết oan. Bởi vì, không phải đến nay người ta mới nhìn thấy chuyện “xét lại” ra sao, là gì? Trái lại, ngay từ đầu, câu chuyện xét lại đã phơi ra giữa ban ngày như một thế cờ. Nó được xếp đặt và diễn tiến rất thuận buồm xuôi gió làm lợi cho tập đoàn cộng sản mở chiến tranh vào Nam.
Trước hết, ai cũng biết chuyện voi đầu đàn, voi dày mả tổ đã bị Tàu cộng xích cổ, cột chân rồi. Chủ nhân bảo nó quỳ, nó không dám đứng. Nay nếu tậu thêm được một dàn ngựa nữa để cho nó hết lòng hết sức, ganh nhau phục vụ cho mưu đồ của chủ nhân thì tại sao họ lại không làm? Ấy là chưa kể đến mối lợi dùng dàn ngựa mới cho đàn voi kia phải tuyệt đối giữ lòng trung thành với chủ. Một lợi, mười lợi, có trăm điều lợi ấy, tại sao Trung cộng không lợi dụng?

Hỏi thế là đã trả lời cho toàn bộ việc Duẩn Thọ hết lòng theo Mao, phục vụ Mao và Minh, Chinh, Đồng, Giáp cũng đã hết dạ trung thành với Tàu như thế nào rồi. Nên khi chủ nhân Tàu dùng dàn ngựa mới cho công tác nô lệ thì lẽ dĩ nhiên, việc ra lệnh cho Hồ Chí Minh vờ im lặng, không bỏ phiếu, bảo Chinh cuốn cờ, cho Giáp vờ dọn đồ vào vali để tạo cảnh giả là nằm trong kế hoạch. Kết quả của kế hoạch này chính là cái vụ “xét lại” được tạo ra. Nó được tạo ra để giúp cho kế hoạch thêm hoàn hảo.
Bởi lẽ, cả Trung Cộng cũng như tập đoàn cộng sản đều biết rất rõ ràng rằng, nếu được quyền có ý kiến thì sẽ có đến 80% hoặc nhiều hơn, tính trên tổng số dân miền Bắc không muốn có chiến tranh với miền Nam. Họ không muốn có chiến tranh với miền Nam vì nhiều lý do: Chiến tranh lâu quá rồi, cô nhi quả phụ nhiều quá rồi, ai cũng sợ chết. Ai cũng muốn có bát cơm no, có giấc ngủ yên là hài lòng. Kế đến, rất nhiều người có thân nhân, người quen cuốn gói chạy vào Nam, nay mỡ chiến tranh là cầm súng Nga Tàu đi giết chính anh em, cha mẹ, bà con của mình hay sao?


 Đã thế, sau cuộc đấu tố làm rúng động và thảm xát lòng người tại miền Bắc, người còn sống đã nhìn ra bộ mặt hiếu chiến tham tàn của tập đoàn cộng sản. Có ai muốn tiếp tục làm tôi mọi cho chúng mở chiến tranh đâu? Có nhà văn nhà báo, anh công nhân, anh nông dân nào thích chiến tranh? Theo đó, Trần Đĩnh cũng chỉ là một trong số 80% trên. Nhưng, Việt cộng rất cần một số người như Đĩnh có tên trong nhóm xét lại để làm mồi cho chiến tranh bùng phát.
Lý do, Trung cộng thích chiến, nhưng cũng đã có kinh nghiệm khi đánh nhau với Mỹ ở Triều Tiên. Đánh Mỹ thì dứt khoát không thể thắng nó được, nhưng vẫn muốn đánh. Đánh nó để nổ, để cho người ngoài biết là Tàu cộng không sợ Mỹ! Tàu hơn Nga! Tuy nhiên, Tàu cộng không muốn đánh Mỹ ở trong nước Tàu, mà muốn kêu mấy dàn ngựa, vài thớt voi ở phía nam nhập cuộc để kéo chiến tranh ra khỏi nước. Bởi lẽ, đến thời điểm đó, nỗi lo canh cánh bên lòng của Trung cộng là Mỹ sẽ giúp Đài Loan tấn cho Trung cộng một trận. Hay trả cho Trung cộng mấy quả bom vì vụ Trung cộng đưa hàng triệu quân sang Triều Tiên tấn Mỹ.

Nên Trung cộng, kẻ mang cuồng bệnh bành trướng có khi nào không hiếu chiến, có khi nào không muốn đẩy chiến tranh xuống miền Nam? Trước là tránh cảnh tàn phá trong nước, tự giải tỏa bớt áp lực của Mỹ từ vụ Triều Tiên và Đài Loan. Sau là thực hiện cuộc chiến tiêu hao người ở phương Nam để tiện cho việc đưa người sang chiếm lấy đất trống nhà hoang mà lại được tiếng là giúp đỡ người anh em cùng đảng giải phóng đất nước, đánh quân xâm lược!

 Kế hoạch ấy ai không biết, đọc qua vài sự kiện thời sự là người ta có thê đọc vanh vách được cái kế hoạch của Trung cộng. Khổ nỗi, tập đoàn voi giấy, ngựa giấy, chó giấy thì không! Đã thế, cứ hung hăng như con bọ xít, tưởng rằng tình hữu nghị hữu hảo, cá nhân thì được Tàu sủng ái, chống lưng, nên nhất định tranh nhau lao đầu vào cuộc chiến đánh miền Nam cho Trung cộng. Xưa thế, nay cũng vẫn vậy.
Két quả, lợi chưa thấy đã thấy từng đàn voi, từng dàn ngựa dàn hàng ra quyết chiến giết tự do. Một bên thì khua chiêng đánh trống thúc dục mọi giới phải lao đầu vào cuộc chiến đánh thuê mở rộng nước cho Trung cộng. Một bên thì ỡm ờ, vờ không thích chiến tranh, tạo ra một cảnh giả để cho một số người mắc bẫy! Nhân đó tạo ra một cái tên gọi là “xét lại” cho hợp thời. Nhà nước cộng sản liền theo kế hoạch, tóm lấy năm bảy “đồng chí” có công, có tên tuổi, làm cho những kẻ lừng khừng khác hoảng sợ.

 Không muốn chiến cũng phải khua chiêng đánh trống lao đầu vào chỗ chết. Dĩ nhiên, chuyện xét lại nổ ra chỉ có một mục đích để “rung cây nhát khỉ”, trấn áp những kẻ lừng khừng, làm cái đòn bẩy buộc mọi người phải tuyệt đối theo chỉ đạo của đảng lao vào cuộc chiến. Nó không nổ ra để triệt hạ đối phương như Stalin đã từng thanh toán đối thủ. Nếu nó có mục đích triệt hạ thì Trần Đĩnh, Hoàng Minh Chính… đã đi mò tôm lâu rồi, làm gì có Đèn Cù. Và làm gì có cảnh kẻ bị kết tội mà vẫn được lãnh đạo gọi đến chuyện trò, anh anh, em em!
Cục diện chính “xét lại” là thế. Duẩn, Thọ, Hữu, hay Chinh, Đồng, Giáp cũng chỉ là một dàn ngựa chạy cờ dưới trướng của HCM theo lệnh của Trung cộng, đi mở biên cương cho Tàu xuôi về phương nam mà thôi. Ngoài ra chẳng có một lý lẽ nào khác.
Bằng chứng ư? Đèn Cù ra đời 8/2014 Trần Đĩnh cũng không có một chữ, một ý tưởng dù nhỏ cho thấy là “xét lại” có ước mong Đèn bị cháy, Cộng sản bị tiêu diệt để cho dân nhờ. Trái lại chỉ là than thở, thất tình, tuyệt vọng, tiếc cho việc ”xét lại” không có cơ hội quay và bị triệt hạ. Kế đến, cuộc chơi cũng đã được xác minh là cần phải có do Nguyễn Trung Thành, người trực tiếp thụ ủy vụ án. Người đi bắt xét lại và rồi cũng là người xin xét lại vụ án, bảo Đĩnh: “Là người tra cứu hồ sơ của bất cứ ai lọt vào danh sách ứng cử ủy viên trung ương trước mỗi đại hội. Một thế lực khủng trong hậu đài. Thế mà đùng một cái Nguyễn Trung Thành gửi thư đề nghị Trung ương xóa vụ án “xét lại” Nguyễn Trung Thành hơi đắn đo, rồi nói: - Thì là oan… Là đặt ra, dựng lên... chứ sự thật không có gì cả” ( tr.524).
Ngoài cái trò chơi giả tưởng ấy, về mặt chính diện, "xét lại" tự bản chất chỉ là một hiện tượng hữu danh vô hại của những người không thích chiến tranh. Nó tuyệt đối không có tư duy ưu tư vì dân tộc. Nói toạc ra là nhóm xét lại ấy, dù có đôi lúc tác giả dùng ngôn từ rất to như “lật đổ, chống đảng” nhưng thực tế là họ chưa có, hoặc không bao giờ có tư tưởng kết luận chủ nghĩa Cộng sản là sai lầm. Và đảng CS là một thảm họa cho con người và cho đất nước.


Tập thể này cần phải bị tiêu diệt, bị đào thải ra khỏi xã hội. Họ tuyệt đối không nhìn nhận chủ thuyết này đã tàn phá luân thường đạo lý của xã hội, làm băng hoại đời sống con người. Họ hoàn toàn không nhận ra rằng, bao lâu chế độ cộng sản còn tồn tại, bấy lâu dân tộc Việt Nam còn bị đối xử như loại nô lệ của thời bán khai. Ở đó sẽ còn là hận thù chồng chất trên hận thù, Ở đó còn gian trá chồng trên gian trá.

Ở đó là sự tan nát những truyền thống tốt đẹp từ gia đình ra đến làng thôn, mang nghĩa đồng bào mà bao nghìn năm do cha ông gây dựng nên. Ở đó là cuộc dấu tố hành hạ niềm tin lành thành của người dân vào tôn giáo. Ở đó là có phá chùa đập miếu đốt nhà thờ.
Nói cách khác, cái “xét lại” của họ không có tư duy từ bỏ và tiêu diệt chủ thuyết cộng sản tại Việt Nam. Họ không thấy điều cần phải làm. Họ cũng không giống 80 % dân số kể trên, là những người đã không thích chiến tranh, lại còn muốn tiêu diệt tập đoàn cộng sản Hồ Chí Minh nữa. Họ chỉ chống nhau, chống kẻ đã đẩy họ ra khỏi cuộc “cơm no bò cỡi”, mất cuộc xe hơi nhà lầu, mất hưởng lộc mà thôi. Qủa thật, cộng sản nào thì cũng là cộng sản.

 Dù còn trong vòng, bị khai trừ hay bỏ chạy cũng vẫn cùng một tư duy. Sợ sự thật. Không bao giờ dám tự nhận là đã sai lầm đi theo cộng sản để gây ra tai họa cho đồng bào và cho đất nước của mình. Bằng chứng, Hoàng Minh Chính, người được coi là lãnh tụ của nhóm, trong chuyến đi gọi là chữa bệnh tại Hoa Kỳ, vẫn rặt một luận điệu Hồ là đích thực, là cứu nước. Nhưng nhóm này, nhóm khác đi sai đường lối, sai chủ trương của đảng. Xem ra tất cả là quanh co dối trá. Dối trá đúng như Gobachev đánh giá về họ: “Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”. Đèn Cù khó là ngoại lệ!
IV. Lý lịch Hồ Chí Minh và thân phận tác giả trong Đèn Cù

Bảo Giang
danlambaovn.blogspot.com

 Đèn Cù, bản Cáo Trạng trước khi đèn bị cháy. Phần 3.

I V . Lý lịch Hồ chí Minh trong Đèn Cù.

Có người sẽ bảo là “rách việc” khi tôi đề cập đến phần lý lịch của Hồ chí Minh trong loạt bài viết về Đèn Cù. Bị trách, tôi nhận. Nhưng không thể không viết. Bởi lẽ, một trong những nỗi thắc mắc lớn của người Việt Nam hiện nay, ngoài việc muốn biết về “ số phận Việt Nam” qua mật ước ở Thành Đô là việc bạch hóa lý lịch thật của Hồ chí Minh. Ông ta là thiếu tá Hồ Quang, ngưòi Tàu, gốc Hẹ, đảng viên đảng cộng sản Tàu theo hồ sơ của quân ủy trung ương Trung cộng vừa công bố, hay là Nguyễn sinh Cung người làng Kim Liên? Hai điểm thắc mắc này ai cũng muốn biết và nó có khả năng đưa đến cai chết bất đắc kỳ tử cho chế độ CS tại Việt Nam. Bởi lẽ, khi người dân Việt Nam biết Hồ chí Minh là người Tàu, biết được mật ưóc Thành Đô, đảng cộng sản phải tan theo bánh xe Cù thị. Tiếc là, cho đến nay hai nguồn chứng cớ quan trọng nhất, đều nằm trong tay phía cộng sản, không ai có thể tiếp cận được.
Thứ nhất, Tất cả những hồ sơ liên quan đến Nguyễn ái Quốc từ 1925 đến 1933 và sau này, đều nằm trong tay KGB của Nga và cụm tình báo Hoa Nam. Nên sự đổi thay, nếu có, cả vệc tráo đổi người theo nguồn tin là Nguyễn ái Quốc đã chết về bệnh lao sau khi ra khỏi tù ở Hồng Kông vào năm 1933, cũng hoàn toàn nằm trong tay hai tổ chức này. Thứ hai, việc DNA cái xác của Hồ chí Minh đang nằm phơi khô ở Ba Đình cũng không có cơ hội thực nghiệm và giảo nghiệm trước khi chế độ này bị triệt tiêu. Mật ước Thành Đô cũng chung số phận.
Tuy nhiên, không phải vì những trở ngại này mà người ta ngừng đi tìm kiếm sự thật. Trái lại, bằng nhiều hình thức khác nhau, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra dược những lý lẽ rất mạnh mẽ để bảo vệ cho luận cứ của mình trong việc đặt nghi vấn về lý lịch của Hồ chí Minh, qua tài liệu mở, qua những cuốn sách được cho là của Hồ chí Minh, trong đó có Ngục Trung Nhật Ký. Đây là một tập thơ viết bằng chữ Hán, không có tên tác giả và đã gây ra khá nhiều tranh cãi về tác quyền. Việt cộng thì đánh bóng và công bố đây là tập thơ của Hồ chí Minh … vổ được. Hơn thế, còn nâng cấp nó lên là hàng “ tài sản văn hóa” của dân tộc…. tầu ô. 
Ở chiều ngược lại, có nhiều bài viết, trong đó phải kể đến cuốn “ Ngục Trung nhật Ký không phải là của Hồ chí Minh” do học gỉa Lê hữu Mục dày công nghiên cứu, biên soạn và đã được phát hành mấy năm trưóc đây. Kế đến, những bài phân tích chững chạc, mạch lạc của giáo sư Tâm Việt, giáo sư Lê trí Viễn, ông Đỗ thông Minh, có cùng quan điểm và nhận được nhiều sự biểu đồng tình tích cực. Cá nhân tôi có đề cập đến vấn đề này đôi ba lần trong loạt bài “Tác già Ngục Trung Nhật Ký không phải là ngưòi Việt Nam”.

Dĩ nhiên, những bài viết này chưa có đủ tài liệu dẫn chứng một cách xác thực đi kèm. Tất cả là những suy luận, những phán đoán. Những suy luận, phán đoán ấy đã dựa vào những quy luật nhất định, có giá trị về thời gian và bối cảnh mà tập thơ đã hoàn thành. Tất cả đều định hình theo quy luật về thơ như thể thơ, phong thơ, ý thơ, tứ thơ, khổ thơ, nghĩa thơ, hồn thơ, đạo thơ, và văn tự của thơ trên văn bản mà chứng minh. Sự chứng minh, phán đoán, theo tôi, là có thể chấp nhận được, nhưng nó vẫn chưa là chứng từ để kết luận.

Nay trong Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh, đưa ra một đoạn viết khá ngắn, không một dẫn chứng, liên quan đến tập thơ và lý lịch của HCM. Đĩnh viết;“ Tàu Tưởng bắt tù Cụ Hồ chỉ cốt để báo cho biết nó chả ngọng Cụ là cộng sản, cụ muốn họat động thì hãy chịu cuơng tỏa của nó... Nhờ tập thơ giãi bầy tâm sự trong tù với Tàu Tưởng, tôi đây yêu nước chứ không cộng sản, rồi nhờ có thêm người - như Hồ Học Lãm nói với Trương Phát Khuê, Cụ đã được ra tù và cùng với Nguyễn Hải Thần lãnh đạo Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.” ( trang 37). Sự thật thế nào?

Đọc thoáng qua, ai cũng thấy, đây là một đoạn viết ngắn, khá ngắn, nhưng nó lại mang một sức chuyên chở ý rất nặng và rất lớn. Lớn như một tờ giấy chứng thực tập thơ là của Hồ chí Minh? Nặng hơn hàng trăm, hàng nghìn những trang báo, bài viết của những dịch giả như Huệ Chi, Nam Trân, Đỗ văn Hỷ…. và những bài thuộc diện thổi ống nói về tập thơ của các nhà văn, nhà báo Việt cộng, cộng lại. Bởi lẽ, Đĩnh ở vào cái vị thế mà những người kia không bao giờ có. Đĩnh gần “ Hồ”, Đĩnh biết nhiều, biết hết mọi chuyện về “ bác”. HCM có thể nói đùa, bỡn với Đĩnh ” thế người ta đi đái cũng theo à?”, trong lúc những người khác nếu có dịp tiếp xúc với Hồ theo từng nhóm, từng đoàn thì việc giữ cho cái trống ngực khỏi đập loạn nhịp đã là may mắn rồi, nói chi đến câu truyện thân tình. Họ chỉ viết theo tiếng kẻng!
Theo đó, khi Đĩnh viết về tập thơ, quyết đoán như thế, chuyện người ngoài có tin hay không mặc kệ. Riêng cánh làng thổi thì mừng đến rơi nước mắt. Rồi những đôi mắt xanh sao, vàng vọt, lơ láo lo lắng vì không biết trả lời ra sao trước những thách đố cho rằng tập thơ ấy không phải là của Hồ chí Minh đều dồn về Đĩnh, coi Đĩnh như là cứu chúa. Dù chẳng quen biết Đĩnh, nhưng nếu cần bầu Đĩnh vào vai trò thủ lãnh bảo vệ tập thơ là của “ bác” thì tất cả đều giơ tay. Lý do, ngay chuyện kín “ cụ Hồ che râu đến dự một buổi”, nói ra là bôi tro trát trấu vào mặt “bác”, là đụng vào cái búa của đảng, Đĩnh cũng huỵch toẹt ra rồi. Chuyện này ai dám nói, dám viết? Đĩnh dám viết là có chứng cớ, là khả tín? 
Chẳng biết sự khả tín ra sao, đã thấy Bùi Tín vội vàng nhảy vào dựa hơi, ăn ké ” Tôi có thể chứng thực những điều Trần Đĩnh viết ra là chân thực” ( Người đẹp nhất trong Đèn Cù). Lạ thật, không biết Bùi Tín lấy tư cách gì, tiêu chuẩn nào mà cấp giấy chứng thực cho Trần Đĩnh? Bạn tôi bảo. Lạ quái gì. Cộng đảng viên nào cũng cò cái bệnh lạ này như nhau. Bệnh đảng. Bệnh ồm ộp từ vũng nước dưới chân trâu! Ngửa mặt lên là bằng trời. Chỉ tại cái vũng nước quá cạn!

Liệu cái “chứng thật”, cái “thế giá” này có đủ khả năng đánh bạt, đánh đổ toàn bộ những lý luận, những bài viết cho thấy Hồ chí Minh là người Tàu, gốc Hẹ và tác giả tập thơ Ngục Trung Nhật Ký không phải là của Hồ chí Minh ( Nguyễn Sinh Cung ) hay không? Tôi cho là bất khả, ngoại trừ hai trường hợp sau:
Thứ nhất. Nếu họ trưng ra được tất cả những tài liệu theo năm tháng cùng với những hình ảnh từ 1932- 1943 là những năm mà người ta gọi 10 mất tung tích của Hồ chi Minh được công bố gắn liền với giấy chứng nhận DNA trên cái xác phơi khô của HCM do những cơ quan chức năng thẩm quyền quốc tế đảm nhận. Khi ấy, cái “tổ hợp” thắc mắc kia không đánh cũng tan. Sẽ có nhiều người phải bẻ bút. Trong đó có thể có cả tôi. Ít nhất là tôi sẽ có bài xám hối và xin lỗi độc giả về những loạt bài có liên hệ đến lý lịch và tập thơ NTNK. Tuy nhiên, việc đưa ra bằng chứng về những tội ác mà HCM đã phạm với dân tộc và đất nước Việt Nam tôi vẫn cứ tiếp tục. Vì đó là bổn phận của ngưòi cầm bút phải đi tìm sự thật và truyền đi sự thật.
Thứ hai. Một khi không có được những chứng liệu như đã nói ở trên, thì chính đoạn viết ấy lại là sự xác định Hồ chí Minh là người Tàu và tập thơ không phải là của Nguyễn sinh Cung. Khi đó, những câu chuyện của làng thổi như những bài ca vô tận về “ Người hay ngợm” chỉ còn là tiếng ọp ẹp trong vũng nước dưới chân trâu như đã từng, và Đèn Cù khéo mà tự bốc hỏa. Nó thiêu rụi cả tác giả và cả cánh làng thổi từ xưa đến nay. Trừ trường hợp tác gỉa cho thấy đây là một đoạn văn mở ngược ý, để chứng minh Hồ chí Minh là người Tàu, yêu nước Tàu và không phải là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký? Nghĩa là Đĩnh muốn dùng một số nội dung “ râu ông cắm cằm bà” của một số bài thơ để phản chứng cho đoạn viết vô lý của minh. Bởi vì, Đĩnh đã biết HCM là người Tàu, và tập thơ là của ngưòi khác. Nhưng không thể viết theo ý mình, nên phải chọn cách tránh né, nói ngưọc này để diễn đạt ý muốn viết?
Đến đây, tôi chưa có kết luận là bạn nên ngả theo phía nào trước. Tuy nhiên, việc tìm ra sự thật trong đoạn viết của Trần Đĩnh là “ chân thật” là khả tín như làng thổi tung hê theo ý của họ, hay nó lại là “ tôi đây yêu nước Tàu, không phải cộng sản”, không có một khó khăn nào hết. Trái lại, nó sẽ phơi bày ra ánh sáng công luận chỉ sau một câu hỏi: Dựa vào những tiêu chuẩn nào để Trần Đĩnh viết ra đoạn văn đầy tính xác quyết như giấy chứng nhận về lý lịch, rồi ban cấp cho Hồ chí Minh là tác giả của tập thơ NTNK? Theo tôi câu trả lời gồm có hai phần. Thứ nhất, tìm hiểu về sự gần gũi và cái thế giá cá nhân của Trần Đĩnh với HCM. Thứ hai, phân đoạn viết trên thành ba phần để tìm lời giải đáp.
A. Sự gần gũi và thế giá của Trần Đĩnh.
Không ai phủ nhận Trần Đĩnh có sự liên hệ khá gần gũi với HCM trong một thời gian dài tử Atêka cho đến sau này. Gần gũi đến nỗi, Trẫn Đĩnh và bạn hữu có thể thoải mài tán gẫu về chuyện thích ” gái nạ dòng của Hồ”. Hơn thế còn gần gũi ngay cả khi Y đi đái nữa. Đĩnh viết (1960?): “Sau bữa cơm trưa, thấy Cụ quần áo cánh nâu đi vòng ra sau dẫy nhà tranh đến rặng chuối thay hàng rào, tôi đi theo.Cụ thuốc lá ngậm miệng, tay vén ống quần lên đái. Thấy tôi gần như ở ngay bên, cụ quay ngoát lại hỏii, điếu thuốc khẽ lật bật ở môi: “Người ta đái cũng theo à?” Không ạ, cháu...”. Thế đứng sát vào người ta nhòm gì?” Câu tra hỏi đủa bỡn đã đóng một dấu ấn phơi phới vào quan hệ bác cháu. ( tr 181)
Một người có hoàn cảnh như thế thì hẳn nhiên là có thể nắm rất vững về giọng nói, âm nói và cách nói chuyện bằng tiếng Việt của Hồ chí Minh? Đây là một lợi thế tốt hơn là chứng cớ tốt để Trần Đĩnh, một ngưòi được giao trách nhiệm viết tiểu sử cho Hồ chí Minh, viết “ bất khuất” đưa ra đoạn viết xác quyết ở trên. Thoáng qua, nó khả tìn và chắc chắn hơn những chuyện vẽ vời của cánh làng thổi, làng dịch, làng ăn ké. Tuy nhiên, nó vẫn có đầy khuyết tật cần phải vạch ra.
Thứ nhất. Tất cả những sự kiện về Nguyễn sinh Cung từ Làng Kim Liên, đến khi vào Huế theo học, kế bị đuổi học, rồi lưu lạc vào Phan Thiết. Xuống tàu xin làm bồi bép. Đến pháp thì xin vào học trường thuộc địa. Sau thất bại về đường công danh, học vấn, Thành đi theo cộng sản Pháp. Sang Liên Sô, vào tù ở Hồng Kông 1931. Rồi về hang Pác pó 1941. Lại sang Tàu, đổi thành Hồ chí Minh, bị Tàu Tưởng bắt, thì Trần Đĩnh hoàn toàn dựa vào những những sách báo của đảng cộng sản làm tuyên truyền. 
Đĩnh viết “Mừng Đảng 30 tuổi, mừng Cụ Hồ 70, mừng 15 năm thành lập nướcViệt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngoài ba đại khánh còn Đại hội lần thứ ba của Ðảng. Tháng 3, Tố Hữu triệu tập mấy người lập nhóm viết tiểu sử Hồ Chí Minh với danh nghĩa Ban nghiên cứu lịch sử đảng. Gồm Tố Hữu, Phạm Bình (Ban nghiên cứu lịch sử đảng),Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh và tôi. Hai nhà văn vào tận quê Cụ sưu tầm tài liệu. Phạm Bình cung cấp tài liệu. 
Tôi víết. Cố nhiên cũng sưu tầm cả tài liệu. Hai nhà văn trở ra với nhiều điều giật gân. Cụ sinh năm 1891! Cụ Khiêm, anh trai Cụ nói thế, có bằng chứng hẳn hoi trong gia đình và họ hàng. Báo cáo với Cụ thì Cụ nói của người ta thế nào thì cứ để thế không sửa gì hết. Hai nhà văn và tôi bảo nhau: Bác muốn dân dễ nhớ nên lấy tròn 1890. (tr167)

Đến khi bắt tay vào việc, Trần Đĩnh đã xác nhận phải viết theo cái búa chỉ đưòng, không viết theo đìều mình biết, Đĩnh kể ”Phải viết một loạt bài về lịch sử đảng, tôi đã đọc những tài liệu về chuyện này. Lẽ tất nhiên đều ỉm đi, cho tất cả vào cái sọt giấy vĩ đại là sự quên, sự lờ, sự nhắm mắt lại. Gọn một chữ là sự gian dối. Để đổi lấy uy tín đảng (trang192) Nghĩa là phải bỏ qua mọi tài liệu, Đĩnh đã viết bằng sự gian dối để được lòng đảng. Tôi rất trân trọng, ngưỡng mộ lòng quả cảm của Trần Đĩnh trong câu viết này. Tôi tin rằng, đây chính là tiếng nói tự đáy lòng Đĩnh. Đáy lòng còn có hình ảnh của một bà mẹ kính yêu và tổ Quốc Việt Nam trong Đĩnh.
Như thế, câu trả lời đã có. Trần Đĩnh không viết theo những tài liệu, theo chứng cứ có thể là có thật, hay những điều Trần Đĩnh nghe, biết. Trái lại, Trần Đĩnh đã viết bằng sự giả dối, viết dưói cái búa của đảng cộng sản. Cái búa này, cho đến nay chưa bao giờ rời xa Đĩnh! Theo đó, sự gần gũi thân tình, biết hết về HCM tự nhiên mất gía trị. Nó không thể nói lên, hoặc chứng mình cho những điều Trần Đĩnh biết và viết là giống nhau. Từ đó sự khả tín và “ chân thật” có lẽ cũng không còn. 
Bởi lẽ, nếu có biết rất thật âm thanh ấy không phải là âm thanh của người Việt Nam thuần túy. Giọng nói ấy là giọng nói của một ngưòi ngoại, thuộc dòng phát âm độc âm như Việt Nam,và có vóc dáng hao hao Viêt Nam, nhưng không phải là cái lề thói thổ âm, kiểu cách, điệu bộ của người ở vùng làng Kim Liên, Nam Đàn. Trần Đĩnh cũng phải lờ nó đi, không được phép thắc mắc và phải viết bằng sự giả dối, và uy tín đảng!

Ấy là chưa kể đến phần tâm lý luôn nằm sâu trong lòng Đĩnh là:” gần vua như gần cọp”. Sự gần gũi giữa đôi bên không phải là một quan hệ ngang hàng, thân cận, nhưng là một thuộc hạ khá thấp, tiếp xúc với một lãnh tụ cao nhất, không tránh khỏi những cảm xúc tâm lý bất ổn. Lại không phải là một gián điệp do địch gài vào, nên không để ý, hay không đánh giá, không thắc mắc người đối diện mình là ai. Thay vào đó là sự tôn kính và tôn sùng lãnh tụ ngay từ trước ngày bước chân vào Atêka, nên không thể có sự tìm hiểu cách thế nói chuyện, giọng âm có khác với người Việt Nam hay không. Trái lại, nhìn tất cả những sự việc giả dối chung quanh cá nhân người này bằng cái nhìn tôn kinh, tôn sùng lãnh tụ, nên nếu có thấy cái lối phát âm khác lạ, kiểu nói khác lạ, Trần Đĩnh cũng sẵn sàng đánh lừa chính mình bằng nhận định. “ bác” ở ngoại lâu quá nên nóí líu cả lưỡi, đôi khi quên mẹ nó cả tiếng Việt. Hay nói tiếng Tàu. Nói chữ Đ lại ra chữ L”. Giống như cuốn băng duy nhất HCM trả lời trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Nhật. Như thế, sự gần gũi tự nó không thể là một chứng cớ, một điểm tựa giúp cho Trần Đình trong trường hợp viết đoạn văn như giấy chứng nhận ở trên. Sự xác thực của nó chỉ còn dựa vào nội dung của tập thơ NTNK.
B. Ba đỉểm chính trong đoạn viết của Trần Đình.
1. Những lý do được đưa ra khi HCM bị bắt ở Túc Vinh:

a. Trần Đĩnh xác định: HCM bị bắt vì là cộng sản:” Tưởng bắt tù Cụ Hồ chỉ cốt để báo cho biết nó chả ngọng Cụ là cộng sản”. Trong tập thơ cũng có một bài có thể chứng minh tác giả là cộng sản thuộc đảng cộng sản Phúc Kiến.
b. Lý do bị bắt do nhà nuớc Việt cộng công bố: bị tình nghi là gián điệp: “Khi kiểm tra căn cước tuần cảnh phát hiện ra rằng ngoài chứng minh thư của: Quốc Tế phản xâm lược hiệp hội Việt Nam, phân hội” ra. Hồ chí Minh còn mang theo thẻ hội viên đặc biệt của “ Quốc Tế Tân Văn Xã”, và giấy thông hành quân dụng của Văn Phòng Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu cấp…. tất cả các giấy tờ đều cấp năm 1940, đã qúa thời gian sử dụng. Họ nghi Hồ chí minh là gián điệp nên bắt giữ”. (www.lichsuvietnam.vn/hom.php?option.). Không cho biết tên, tuổi ở trong những loại giấy tờ này.
C. Lý do Hồ bị bắt do Tầu Tưởng (chữ của Trần Đĩnh) công bố. Tàu Tưởng không có công bố lý do khi bắt Hồ chí Minh. Tuy nhiên việc đưa tác giả đi rong trên phố cho bà con xem mặt, như nhà nước Việt cộng đâ cho dẫn tù binh Mỹ riễu phố ở Hà Nội vào những năm cuối 1960 hay đầu 1970 để nuôi thêm lòng căm thù của nhân dân với đối phương thì tác giả cho biết bị bắt vì tội làm Hán gian. Hán gian với Tầu Tưởng có thể hiểu là hoạt động cho phát xít Nhật, hay là nằm vùng cho Tàu cộng. “ Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian, Hán gian ta vốn thực vô can, Vô can vẫn bị nghi là có. Thực khiến lòng ta lạnh tới gan ( Trên Đừờng Phố , người dịch Nam Trân) .
c. Lý do bị bắt do chính tác giả đưa ra:
“ Ta người ngay thẳng lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian” (Đường đời hiểm trở) Đây có lẽ là lý do đúng nhất. Và còn hơn cả sự đúng nữa. Chính tác giả đã xác định bản thân là ngưòi Tàu.
Chi tiết nào chứng minh tác giả là người Tàu? Tác giả là người Tàu vì một lẽ rất đơn giản. Khi một người Tàu bị bắt vì nghi án làm việc cho ngoại bang, cho đối phương chống lại nhà cầm quyền đương thời, đương nhiên bị gọi là bọn Hán gian. Nếu tác giả là ngưòi Việt hoạt động cho Việt cộng, cho Nga, cho Tàu khi bị bắt ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc hay ở bên Tàu đều bị gọi là Việt gian. Người này không bao giờ bị gọi là Mỹ gian, Pháp Gian hay là Hán gian. Cũng thế, khi một người Tàu phạm cùng loại tội bị bắt tại Việt Nam, tại Mỹ, tại nguyên quán đều bị gọi là Hán gian. Ở đây, chính tác giả đã xác nhận bị nghi là Hán gian. Rồi ngoài phố cũng tranh nhau coi Hán gian. Chẳng lẽ Hán gian này lại có thể là người Việt ư?
Xin hỏi, những phi công của Hoa Kỳ, bị bắt và bị đưa đi tiễu phố ở Hà Nội cho dân ném đá, xỉ vả và bạn của tác giả nhẩy ra vờ đấm hụt để khỏi bị quy vào thành phần, họ bị gọi là gì? Bọn xâm lược đế quốc Mỹ, bọn Mỹ gian, hay là Việt Gian, Hán gian? Nếu những tù binh này bị gọi là Việt gian, là Hán gian thì tôi chấp nhận cái lý Hán gian trên là ngưòi Việt. Rồi những người Việt Nam hoạt động cho Việt Nam Cộng Hoà, làm việc cho Pháp bị Hồ chí Minh chém lén, họ có bị ghép vào tội là Hán gian hay không? Hỏi là trả lời. Ngắn gọn, người mang quốc tịch nào, khi bị bắt vì có hoạt động nguy hiểm chống lại chính quyền đương thời hay hoạt động cho kẻ thù của quốc gia sở tại thì bị gọi bằng chính cái tên nước mà kẻ đó đeo trên mình. Theo đó, tác gỉa chính là một người Trung Hoa, mà chúng ta thường có thói quen gọi là người Tàu. Kế đến, khi Tàu Tưởng đưa tác giả đi rong ngoài phố cho dân chúng nhìn mặt thì càng quả quyết là sau những cuộc hỏi cung, Tàu Tưởng đã biết rõ tác giả là ai, ở đâu, đã bị tình nghi có liên hệ với tổ chức nào chống lại chính quyền đương thời. Về điểm này, thưa ông Trần Đĩnh, ý ông thế nào? Tác giả có phải là người Việt Nam không? Phần tôi, xin cám ơn tác giả Trần Đĩnh đã dùng phản đề, ngầm ý, để giúp cho độc giả nhìn rõ chân tướng tác giả là người Tàu rất yêu nước Tàu!
2. “Nhờ tập thơ giải bày tâm sự trong tù với Tàu Tưởng.”
Phải công nhận đây là một ý kiến rất lạ lùng và rất đặc sắc mà tác giả Trần Đĩnh đã khám phá ra, đã nêu ra làm chủ đề cho đoạn viết này. Thật vậy, nỗi lòng, tâm sự u uẩn của một người có thể giải bày trọn vẹn ra cho người ngoài, người đối diện với mình qua những bài thơ, để nhờ đó tạo sự cảm thông. Một nàng kiêu sa, ngúng nguẩy, không thèm tiếp chuyện ai kia, nhưng khi đọc được dòng tâm sự của chàng về mình qua những dòng thơ trữ tình thì lòng mềm ra như bún. Cũng thế, một Tầu Tưởng mặt mũi đỏ gay, đang hò hét vang cả nhà, bất chợt nhận được một tập thơ của một ngưòi tù trong tay, Y không thể không liếc mắt đọc qua. Đọc rồi đưa đến cảm thông. Nhưng nếu người tù trao cho Tàu Tưởng một xấp giấy đầy những lời trần tình thống thiết, bi ai hay biện minh thì những trang giấy ấy có nhiều cơ hội bị quăng vào xọt rác. Tại sao thế nhỉ?
Điều này thì chính Trần Đĩnh biết rõ hơn ai hết. Viết bình luận, thời sự, phê bình, viết báo thì dựa vào những sự kiện trước mặt, có sẵn mà viết, mà bình, mà giải. Viết văn thì dùng trí óc hư cấu từ câu chuyện có thật của mình, của người hay bất chợt bắt gặp trong đời mà vẽ vời, văn hoa thành truyện, thành tiểu thuyết. 
Nó không buộc phải chưng dẫn sự kiện. Đến thơ, lại là một chuyên đề hoàn toàn khác biệt với những khuynh hướng trên. Thơ là hơi thở, là nghĩa sống của tâm hôn. Ở trong thơ không là những dòng chử chạy theo sự kiện gian dối, búa liềm. Nó là chân thật, là thao thức của tâm hồn. Nó là tiếng nói từ đáy lòng, là những dòng chữ tuôn chảy, vươn tới đỉnh cao đẹp và chân thiện. Nó là cái đẹp tinh khôi thuần khiết của nhân bản tính, nên ngưòi ta gọi nó là thơ, hồn thơ. Cũng thế, ở trong Ngục Trung Nhật Ký hầu như có tất cả mọi vẻ đẹp cao đẹp của một tập thơ. Nó không có một dấu hiệu nào là dùng dao mã tấu chém chữ, nó lại cũng chân thật đến điên rồ nhận mình là Hán gian.

Thật vậy. Ngục Trung Nhật Ký hầu như có mọi tố chất tạo nên một vẻ đẹp thanh cao của một người yêu nước, yêu nước thiết tha. Bỗng nhiên, vì một lý do nào đó, nhất thời thân bị giam trong nhà lao. Cuộc giam cầm này xem ra không cho ông một nỗi đau đớn của thể xác, nhưng chém vào lòng ông một nhát dao trí mạng. Hán gian! Và từ hai chữ này, tác giả đã trải nỗi lòng của mình ra theo từng bước chân, trên từng trang giấy với những nhà lao đã qua. Mà lạ, không một nhà lao nào để lại trong ông nỗi oán than về thể xác. Nhưng tất cả như làm héo úa lòng ông vì tiêu pha ngày tháng vô ích trong khi tổ quốc vẫn có thể cần đến ông trong một công việc gì, dù là nhỏ bé. Bất cứ người nào đọc NTNK cũng dều thương cảm cho số phận của cánh chim bàng trong lồng.Tiếc là khi ra đi, chung cuộc, ông không để lại tên tuổi quê quán để cho người đời sau kính vọng ông.
Nhưng bỗng dưng, HCM … vồ được tập thơ, cho ngưởi dịch ra tiếng Việt rồi nham nhở hô hoán, thổi phồng lên “ nỗi lòng của bác ở trong tù”. Và nay, Trần Đĩnh, người rất gần gũi với Hồ chí Minh, lại cho rằng, nhờ tập thơ tâm sự, giải bày nỗi lòng này mà Tầu Tưởng tha cho “bác”. Thật, cái trí tưởng tượng của chàng thanh niên 19 tuổi lên Atêka ngày nào vẫn còn vượt đi ngàn dặm. Nhưng không biết, những bài thơ nào được coi là tiêu biểu mà Trần Đĩnh gọi là “giải bày tâm sự trong tù với Tàu Tưởng, tôi đây yêu nước, chứ không cộng sản”. Liệu có phải là bài này hay không?
Nhà nhà hoa kết với đèn giăng,
Quốc khánh reo vui cả nước mừng;
Lại đúng hôm nay ta bị giải,
Oái oăm giá cản cánh chim bằng “Tết Song thập bị giải đi Thiên Bảo” (Người dịch: Nam Trân)
Hay là : Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận, Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh .Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi, Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh. “Buồn bực” (Người dịch: Nam Trân)
Nếu là một trong hai bài này thì rõ ràng tác giả biện minh ông ta không phải là cộng sản, nhưng là một người rất yêu nước, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ cho quê hương. Nhưng đó là quê hương Tàu chứ không phải quê hương Việt Nam. Vì ngày “Tết Song Thập” chính là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc. Ông buồn. Buồn vì ngày mà cả nước mừng reo vui, (có thể ông đã từng góp công góp sức cho ngày này). Nay, thân ông như một cánh chim bàng, vẫn sẵn sàng vì tổ quốc mà lại bị coi là Hán gian phản quốc, bị rẻ khinh chẳng đáng giá một dồng xu!

Nỗi lòng của ông không chỉ có bấy nhiêu. Nhưng vượt lên trên cả những nỗi oan tình, oán than, dù cô quạnh trong chốn nhà giam, tác giả vẫn không oán hờn người bắt mình. Thay vào đó là một khí phách lớn, bỏ qua mọi tỵ hiềm, oán giận cá nhân mà viết lờì kêu gọi đồng bào trong cả nước hãy nghe theo lời Tổng Thống Tưởng giới Thạch mà chiến đấu chống phát xít Nhật và tiêu diệt tập đoàn cộng sản Mao Trạch Đông. Đã thế, còn ca tụng những chiến công của những viên tướng của Tưởng đã chiến thắng Tầu Mao ở Chiết Giang như là những anh hùng của dân tộc. Tác giả viết:
Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng (Người dịch: Đỗ Văn Hỷ)
Gian khó không lùi, vẫn tiến lên,
Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên;
Quyết tâm gắng gỏi và kiên nghị,
Nhất định thành công sẽ có phen
Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức phó tư lệnh (Người dịch: Trần Đắc Thọ)
Đốc quân ngày trước vùng Tương, Chiết,
Chống giặc năm nay mạn Miến, Điền;
Lừng lẫy uy danh, thù mất mật,
Khải hoàn mừng trước, xướng thành thiên.
Phần cá nhân tác giả thì ngồi nhìn trời, ngắm trăng mà bước đi theo cái đạo trung trinh, cái nghĩa tiết tháo của vườn Đào: “Cành lá khéo in hình Dực Đức, Vần hồng sáng mãi dạ Quan Công: ( Tức Cảnh, người dịch Nam Trân). Có thế, đây quả thật là những bài thơ có khả năng giãi bày lòng yêu nước của tác giả với Tàu Tưởng. Ai đọc cũng có thể thấy được nỗi lòng vì đất nước của tác giả. Hơn thế, biết rõ Tổ quốc của tác giả là nước Trung Hoa. Như thế, tác giả tuyệt đối không phải là Nguyễn Sinh Cung( Nguyễn ái Quốc). Đã thế, tâm hồn tác giả xem ra hiền hậu, khoan dung, hoàn toàn khác biệt với cái độc ác, vô lương, bá đạo, bất nghĩa của Hồ chí Minh.

3. Những cuộc gặp gỡ và vận động xin trả tự do cho tác giả và cho Hồ chí Minh.?

Đến đây, tôi buộc tôi phải có cái tiểu đề cho rõ ràng để phân biệt cho hai trường hợp, tác giả Ngục Trung Nhật Ký và Hồ chí Minh. Bởi lẽ, tôi không thể lừa tôi, tôi không thể lừa dối bạn đọc và dư luận. Lý do, mọi người đã nhìn thấy rõ đây là hai người hoàn toàn khác nhau, nhưng xem ra nhà nuớc và cộng đảng Việt cộng lại cứ ỡm ở cho hai cái khác này quy vào một người chỉ vì ăn phải bả của HCM. Và đây có phải là điểm mà Trần Đĩnh muốn cho mọi người nhìn thấy sự thật bằng phản đề chăng?
Thú thật, tôi rất ngạc nhiên, không biết tác giả lấy tài liệu ở đâu ra, hay chính HCM nói cho Trần Đĩnh nghe là nhờ ông Hồ học Lãm nói giúp, nên Trương phát Khuê đã thả Hồ chí Minh ra. Trong khi đó theo tài liệu được ghi lại của Quốc Dân Đảng Việt Nam thì :” Sau khi xin phép Trưong phát khuê vào thăm Nguyễn tường Tam thì cũng xin thăm luôn Hồ chí Minh, dù không biết Minh là ai. Sau đó hai họ Vũ và Nghiêm đề ghị BCH/VNVMĐMH, đứng ra can thiệp xin trả tự do cho Tam và Minh, Lần lượt sau đó hai người này được trả tự va do và về trụ sở của VNCMĐMH để chờ hậu bổ ủy viên”(Chương II: “VIỆT NAM CÁCH MẠNG ĐỒNG MINH HỘI Hoàng văn Đào). Tôi không viết về chyện ai đã vận động để Trương phát Khuê trả tự do cho HCM. Vì một bên có tài liệu, một bên nói bằng….mồm. Và cả hai cùng chẳng ăn nhập gì đến những cuộc thăm viếng và làm thay dổi đời tạm giam của tác giả. Bởi lẽ, chính tác giả kể về chuyện này, chẳng có Nghiêm, chẳng có Vũ. Cũng chẳng có Hồ học Lãm, như sau:
Lính tráng tuần canh nhìn nhẵn mặt,
Hôm nay mới được gặp văn nhân;

Người trông nho nhã, ai không thích,

Mái tóc ta xanh lại mấy phần. (Khoa viên họ Trần tới thăm.(Người dịch: Nam Trân)

Hay nói về tấm thịnh tình của cố cựu khi đến thăm tác giả? Đây có phải là nhưng ngưòi bạn đồng môn ngày trước hay không?

Họ Ngũ trưởng khoa với họ Hoàng,

Thấy ta cùng cực động lòng thương;

Ân cần thăm hỏi và cưu giúp,

Như nắng bừng lên giữa giá sương (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng .Người dịch: Huệ Chi). Thế là quá rõ ràng.
4. Phần ngoại đề:
Hãy tạm bỏ quên những khác biệt về tài liệu sang một bên. Một câu hỏi cần phải trả lời ngay để có thể tìm ra sự thật của câu chuyện là. Nếu tập thơ là của Hồ chí Minh thì khi nào Hồ chí Minh đã dùng tập thơ này để giãi bày, tâm sự nỗi lòng với Tầu Tưởng? Có phải là vào giai đoạn trước khi Hồ chí Minh được thả chăng? Sự thường là thế. Nhưng nếu có việc trao tập thơ này cho Tàu Tưởng, theo tôi, một trong ba trường hợp sau đã xảy ra và Hồ chí Minh đều mất mạng.
1. Hồ chí Minh không bao giờ được Trương phát Khuê trả tự do, và có thể bị vùi xác trong chốn nhà lao. Sẽ không có sự việc cho HCM gia nhập vào VNCMĐMH và đưa về Việt Nam.
2. Hai là sẽ giải giao cho Pháp để lấy tiền mua vài lít rượi đế! Vì Pháp đang cần bắt và sẵn sàng trả tiền cho ai bắt được những tên Việt cộng đầu xỏ ở Việt Nam.
3. Thứ ba quan trọng hơn cả, Hồ chí Minh đã lĩnh được cái búa của Mao trưóc khi ra khỏi nhà lao. Tại sao lại như vậy?.
Đơn giản là trước kia Tàu Tưởng chỉ nghi tác giả là Hán gian. nhưng qua tập thơ tác giả lại lòi ra là tên cộng sản thuộc đảng ủy Phúc kiến. Đây, Tác giả viết :“Một canh…. Hai canh… lại ba canh, Trằn Trọc băn khoăn giấc chẳng thành. Canh bốn, canh năm vửa chợp mắt, Sao vàng Năm Cánh mộng hồn quanh “( Không ngủ được, người dịch Nam Trân.) Cở đỏ Sao vàng là cờ của đảng cộng sản ở Phúc Kiến. Tàu Tưởng biết rất rõ lá cờ này. Khi đó cộng sản tại Việt Nam chưa du nhập là cờ này vào tổ chức của họ. Theo đó, tác giả thật sự có lẽ đã không còn. Ông ta đã chết vì Tàu Tưỡng hay vì cái búa của Mao? Hoặc giả, đã biến tưóng thành một người khác? Nhưng tại sao lại phải chết?
Giả sử Hồ chí Minh là tác giả. Khi biết Hồ chí Minh là cộng sản, nếu Tàu Tưởng không bán Hồ cho Pháp thì cũng sẽ phát tán tin tức, cho phổ diến rộng rãi những bài thơ của Hồ, một kẻ phản đảng cộng ở Phúc Kiến, ca tụng Tưỏng Giới Thạch, ca tụng Lương tướng quân, kẻ thù không đợi trời chung với Mao cho các tù nhân trong tù đều biết mà noi gương. Mục đích này dĩ nhiên chẳng tử tế gì, nhưng là nhờ tay những tù nhân cộng sản cuồng tín của Mao ở trong tù thịt Hồ chí Minh. Bởi lẽ, kẻ chống Mao như Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu còn không tránh được cái búa của Mao, xá chi một tên tù quèn An Nam như Hồ chí Minh! Rồi làm gì có cảnh Trương phát Khuê nuôi cộng sản, bỏ cả tiền lộ phí và phát quân trang quân dụng, vũ khí cho Hồ chí Minh, đưa Minh về Nam lập nghiệp, giúp Mao trạch Đông đánh phá phía sau lưng tổ chức của Trương?
Về phía Mao, nếu Tàu Tưởng đã mua chuộc đưọc tên phản đảng, đã bảo vệ y và đám tù của Mao không thịt được Hồ chí Minh thì Hồ cũng không tránh được cái búa tạ của Mao trên đường về Việt Nam. Làm gì có chuyện Mao cung phụng cho Hồ từ gái, đến nhân sự cố vấn, tiền bạc và quân trang quân dụng để Hồ giúp Tưởng, đánh Mao? Như thế, chỉ có một lý lẽ duy nhất để Hồ sống sót. Y là Hồ Quang, người của Mao, là gián điệp của Hoa Nam, được những tên nằm vùng dưói trướng của Tàu Khuê bảo vệ. Hơn thế, còn tìm cách để Khuê cho Hồ về nam lập phòng tuyến cho Tàu Tưởng, nhưng thực tế là làm việc cho Mao?
Ấy là chưa kể đến trường hợp, khi tập thơ được dùng để “giải bày tâm sự với Tàu Tưởng”. Nó không còn nằm ở trong tay Hồ chí Minh nữa. Làm gì có chuyện Tàu Tưởng chỉ xin chép lấy bản sao làm kỷ niệm, còn bản chính màu xanh nhạt với ngày tháng đề 8-1932- 9-1933 trả lại cho Hồ chí Minh đem về Việt Nam, giao cho “ bầy em “ dịch ra tiếng Việt mà ộp ẹp, ê a?
Tóm lại qua đoạn văn ngắn trên, tôi cho rằng, Trần Đĩnh không muốn đốt chính mình. Trần Đĩnh chẳng ngô nghê. Trái lại, Trần Đĩnh cò thể có một chủ đích khác? Tuy nhiên, kết luận của đoạn viết này là khá rõ:
- Tác giả NTNK là một người Hán. Nếu Hồ chí Minh là Tác giả NTNK thì Y là người Tàu.
- Không có nhiều chứng cớ cho thấy Tàu Tưởng biết Hồ chí Minh là cộng sản.
- Tập thơ không phải là của Hồ chí Minh, nên không có chuyện dùng tập thơ để giãi bày với Tàu Tưởng.
- Những ngưòi hoạt động để cứu Hồ chí Minh và những người đến thăm tác giả là những người hoàn toàn khác biệt. Không có liên hệ gì với nhau, và những cuộc thăm viếng cũng có mục đích khác nhau. Một bên vì muốn cứu một người Việt Nam mới bị bắt giam, nhưng không ai biết lý lịch của y ra sao, là ai, cũng không biết y là kẻ theo cộng sản. Chỉ nghe Khuê nói Y là người Việt Nam, tên là Hồ chí Minh và mới bị bắt giam. Một bên, có thể là đến thăm bạn đồng môn đồng liêu trước kia, nhưng nay bị vướng vào vòng lao lý vì đã lầm đường theo cộng sản Phúc Kiến. Những cuộc viếng thăm này có lẽ chỉ có mục đích thăm bạn, và nhờ ảnh hưởng của họ, hy vọng bạn xưa bớt bị cực hình ở trong tù của Tưởng mà thôi. Nhưng Hồ chí Minh vì lý do nào đó vồ được tập thơ và gây ra nghi án văn học này thì chưa có lời giải đáp.
- Sự chủ quan mang tính xác định của Trần Đĩnh trong đoạn viết này sẽ là nguyên cớ làm cháy Đèn Cù. Ngoại trừ trường hợp Đĩnh đã viết bằng sự gian dối cho vừa lòng đảng! Đó lại là một câu chuyện khác!
V. Thân phận tác giả với Đèn Cù.
Bảo Giang

Đèn Cù bản cáo trạng trước khi đèn bị cháy (P4)

Bảo Giang (Danlambao) - ...Dù đứng nhìn từ bất cứ góc cạnh nào, theo tôi, Đèn Cù của Trần Đĩnh miên viễn có một cuộc sống vững chắc trong lòng nhân gian. Cuộc sống và giá trị của nó về mặt luân lý, đạo đức xã hội sẽ được nói đến nhiều hơn về mặt “ biến động “ chính trị. Nó còn sống mãi trong nhân gian bời vì, bản thân cái Đèn Cù, trước đây rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Nay nó lại nhắc cho ta thấy cảnh lang sói của đảng cộng. Trước kia nó mang tính hài, mua vui cho người bằng những hình ảnh voi giấy ngựa giấy. Nay, vẫn là những voi giấy, ngựa giấy, chó giấy, nhưng bằng hình người, bằng quan cán, đã làm bại hoại nền văn hóa và luân thường đạo lý của xã hội Việt Nam, bằng cách che râu dấu mặt, bằng sự áp đặt cho nhau một thứ luật lệ không có hàm tính người. Mà khởi đầu là hình ảnh tồi bại của Hồ Chí Minh. Với chỉ tám chữ “cụ” Hồ che râu đi dự đấu tố (một buổi)”, tác giả đã phô diễn trọn vẹn hình ảnh, và đạp nát tên tuổi và sự nghiệp cực vĩ đại của Hồ Chí Minh. Một sự nghiệp phản luân lý, phản đạo đức mà có lẽ không có kẻ thứ hai dưới bầu trời này làm được...
*
V. Thân phận tác giả và người dân Việt trong Đèn Cù
Trần Đĩnh viết: “tôi đã tự nguyện làm thủ phạm tàn phá trước hết vào chính ngay mình. Tôi vốn yêu viết. Nhưng đã không viết nổi. Đứa thủ phạm là tôi bắt tôi viết dưới bóng tối của Thù Hằn và Dối Trá”. Đúng thế, Trần Đĩnh đã tự nguyện đi vào con đường này khi trở thành một đảng viên cộng sản. Nhưng xem ra đó không phải là một trường hợp đơn lẻ của tác giả. Trái lại, còn là số phận của rất nhiều người như ông. Nghĩa là, chẳng có ai ngờ hình ảnh của Đèn Cù với những voi giấy ngựa giấy, chó giấy bằng người trong cái vòng quay mê sảng kia lại là số phận, hay trói buộc vận mệnh của đất nước và người Việt Nam vào với nó!
Cuộc sống của cái Đèn Cù gắn liền với những vòng quay. Tác giả đã nhìn ra những vòng quay, đã vẽ lại chuyện của nó, mở ra cuộc sống của Đèn Cù. Ở đó, những hình thú xuất hiện từ 1930 đến nay đều như những đàn voi giấy, ngựa giấy, chó giấy làm người, cứ thay nhau mê sảng, chạy đuổi theo những vòng quay ma quái, bất kể đến sự khốn khổ của con người, bất kể đến sinh mệnh và sự sống còn của cả một dân tộc. Để ở đó, thân phận của tác giả, của con người bị đè nghiến, bị chà đạp.

 Ở đó, niềm tin của tôn giáo bị lăng mạ, bị xúc phạm. Luân thường đạo lý và văn hóa nhân bản của dân tộc bị triệt hạ và đất nước dần mất chủ quyền. Trong nhà mất cha mẹ, mất anh em, ra ngoài mất tình nghĩa, mất láng giềng, mất xóm thôn. Mất trọn từ tinh thần đến vật chất. Gọn một câu là mất trắng. Sự mất trắng được tác giả định hình một cách sắc bén, rõ nét. Nó là kết quả từ việc nhà nước CS đưa ra định nghĩa về người đảng viên. Trần Đĩnh viết:
”Định nghĩa đảng viên là ngọc là vàng của đảng cho nên vào tổng kiểm thảo, Tố Hữu yêu cầu học viên rất ngặt. Hễ là con em hay liên quan với địa chủ, học viên đều phải thành khẩn tự khai báo với đảng mọi sai lầm tội lỗi của bản thân, chẳng hạn đồng tình, về hùa với gia đình, thậm chí cùng với gia đình trực tiếp đàn áp, bóc lột nông dân... Thứ hai, phải vạch ra mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tội ác của bố mẹ, gia đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị “phá sản”, học viên đó phải ngồi học lại cho tới khi nào lập trường vô sản, lập trường nông dân thắng, anh ta công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ mình (mới thôi). Tố Hữu làm đúng lời Bác Hồ thôi”. (trang 74-75)
Có ai không rùng mình, không kinh hoảng, không lạnh người khi đọc đoạn viết kể ra những quy định, những nguyên tắc căn bản làm thước đo cho lập trường vô sản của các học viên (đoàn, đảng viên) cộng sản không? Có ai ngờ rằng trong lòng của tổ chức này lại có những điều khoản man rợ với chủ trương, trước là chối bỏ quyền làm người của con người, khước từ quyền có quan hệ tình cảm yêu thương với cha mẹ và gia đình. Sau còn phải “công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ” như là điều kiện tiên quyết để bày tỏ lập trường vô sản hay không?
Tôi thực sự kinh hoàng sợ hãi khi đọc lại những dòng chữ này. Lúc đầu mắt tôi hoa lên không thể tin vào chữ. Tâm trí tôi không thể tưởng tưởng ra được là trên đời này lại có một thứ giáo điều vô giáo dục đến như thế. Mà nào có phải chỉ có bấy nhiêu đâu. Sau khi học viên đã “công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ” là người Việt Nam, người đảng viên còn phải thể hiện mình theo bản điều lệ đảng, trong ấy có ghi rõ “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam, ”... Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc (tr. 49)”. Theo đó, chẳng còn một chút hình bóng Việt Nam nào ở trong lòng họ nữa. Thật kinh hãi quá.
Tôi thường đọc sách. Thỉnh thoảng có đọc những cuốn sách nói về đời sống trong hoang dã. Ở đó, nhiều tác giả viết về đời sống của những bầy sư tử, bầy cọp hay những đàn voi, bầy ngựa. Họ mô tả về cuộc sống hài hòa của từng đàn với sự góp mặt của ba hay bốn thế hệ. Chúng không thể chuyện trò với nhau, nên đôi khi có những cuộc tranh chiến, nhưng thường là rất ngắn, mang tính cá thể hơn là tập thể. Chúng có những tiếng kêu, những biểu lộ cho nhau biết sự đau đớn, sự vui mừng, đôi khi là giận dữ. Nhưng tuyệt đối, không bao giờ có sự biểu lộ là đoạn tuyệt với nhau.

Càng không bao giờ coi nhau như kẻ thù. Vậy mà trong tổ chức của đảng cộng sản VN, một tổ chức tự ban cho mình đủ mọi danh nghĩa, danh hiệu, từ mức độ tiến bộ, đến trí tuệ đỉnh cao, tiến hóa hơn hẳn những trí tuệ của con người, kể cả con người thời cổ đại hay con người của hôm nay, mà có những quy định trong kiểm điểm, tự phê, kiểm thảo đòi buộc học viên phải “công khai tuyên bố căm thủ bố mẹ, đoạn tuyệt bố mẹ” để tỏ lập trường vô sản với đảng thì quả là sự kinh hoàng đến kinh tởm. Khi đọc những điều lệ, quy định này, tôi thực sự không biết đây là tổ chức của người hay của ma? Nếu bảo là tổ chức của ma quái thì chắc không đúng. Mà bảo là của người thì có lẽ càng sai. Bởi vì, Lưu Cộng Hòa, (một học viên?) đã cay đắng bảo với Trần Đĩnh là: “Nay nhận mình là con vật mới đúng đấy” (tr 244)
Tôi không biết nhận định của Lưu Cộng Hòa đúng hay sai. Tuy nhiên, tôi cho rằng đoạn viết về định nghĩa và những quy định để tạo nên người đoàn đảng viên CS là một đoạn văn quan trọng và kinh dị nhất trong Đèn Cù. Quan trọng vì nó đã cho mọi người thấy rõ chủ trương vô gia đình và những phương cách triệt hạ, tiêu diệt tình cảm gia đình ở trong lòng các đoàn đảng viên CS. Kinh dị, vì nó không chỉ là một phương cách đào tạo cán bộ bằng thuần lý thuyết. Trái lại, là một phương cách triệt để trong thực hành. Hơn thế, còn là một điều kiện duy nhất.

Bởi vì “Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị “phá sản”. Nghĩa là điều kiện này không đạt, chưa đạt, học viên phải học tập lại cho đến khi đạt mới thôi! Như thế, chính cái quy luật “tự phê, tự kiểm thảo” này là đầu mối của tất cả mọi bất hạnh của Việt Nam từ 80 năm qua. Từ đấu tố, gây tội ác, chiến tranh, cho đến nghèo đói tụt hậu, nước mất chủ quyền, mất đất đai, biển đảo và đạo đức của xã hội bị băng hoại đều bắt nguồn từ cái luật lệ man di này.
Nhớ lại, từ hơn 80 năm qua, người ta không xa lạ gì với những câu chuyện ở làng này, huyện nọ, tỉnh kia, con cái phải đấu tố cha mẹ dưới áp lực từ cái búa, cái liềm của Hồ chí Minh. Ngay trong “Chứng từ của một Giám Mục” cũng có ghi lại một câu chuyện rất thương tâm, đau đớn như sau: “một người phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị chăm sóc hằng ngày. Chị nói với bố “Ông có biết tôi là ai không?” người cha ngậm ngùi, trước nhìn đứa con dứt ruột mình đẻ ra và nói: Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ.” (tr. 393).

Tuy nhiên, xưa nay, chưa có ai nhìn thấy, hay nghe ai nói đến sự kiện đảng CS buộc các đoàn đảng viên trong kiểm thảo phải “công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt bố mẹ như là một điều kiện tiên quyết để bày tỏ lập trường vô sản của bản thân. Cũng không ai biết các phương cách thực hiện chủ trương vô gia đình, triệt hạ tình cảm trong gia đình của cộng sản như thế nào. Nên hầu như đều cho rằng, việc các đội gọi là “cải cách” làm áp lực, đẩy con cái ra đấu tố cha mẹ, với lời dụ dỗ của cán bộ là “làm như thế để cứu cha mẹ và cứu chính mình”, chỉ là những hành động lạm dụng quyền lực nhất thời của những kẻ vô giáo dục, trong hàng ngũ cán cộng vô văn hóa tự tung tự tác mà thôi. Đó không phải là một chủ trương, một sách lược lớn của cộng sản nhằm tiêu diệt nền tảng của các gia đình trong xã hội.
Nay thì mọi chuyện đã phơi bày, đã được xác minh. Đèn Cù như một bản cáo trạng luân lý, phơi bày tất cả những tội ác phạm đến con người và phạm đến nền luân lý, đạo đức của xã hội Việt Nam do cộng sản thực hiện. Theo đó việc các đội đấu áp lực, buộc con cái đấu tố bố mẹ, không phải là chuyện tự tung tự tác của những thành phần vô giáo dục trong đảng cộng sản tạo ra.

 Trái lại, đây là một trong những phương cách cơ bản trong sách lược vô gia đình của CS mà mọi học viên (đoàn đảng viên) cộng sản phải có nhiệm vụ thực hiện trong đời sống của công chúng đế phá hoại đời sống của các gia đình, ngõ hầu tận diệt tình cảm của các cá nhân trong các gia đình. Đánh bật con người ra khỏi nơi nương tựa vững chắc nhất là gia đình. Để từ đó, mọi người mất chỗ tựa, chỉ còn biết nhìn vào đảng và bước đi theo mệnh lệnh của CS.

 Theo chủ trương này, việc che râu dấu mặt đi dự đấu tố, việc viết bản cáo trạng (bản đấu tố) “địa chủ ác ghê” với nội dung ngậm máu phun người để mở đầu cho cuộc đấu tố nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh thực hiện, không phải đơn thuần là sự biểu lộ cái tư cách đểu cáng, tồi bại, tối bất lương của cá nhân Y. Nhưng còn là bài học thực tế cho mọi cán bộ đảng viên cộng sản phải noi theo nữa. Bằng chứng là:
“Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ-Tĩnh, bắc ghế ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ chắp tay đứng ở dưới sân dằn giọng: -Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì nhất định sẽ chống lại... Bà mẹ cắn lưỡi không chết. Ít lâu sau, nhảy giếng tự tử thành... Chu Văn Biên ký lệnh xử tử bất kỳ ở đâu... - Biên nay làm gì? - Đề bạt thứ trưởng nông nghiệp!”(tr 109)
Chu Văn Biên có là một học viên trong khóa học cao cấp trong Atêka hay không, không thấy Trần Đĩnh nhắc đến. Nhưng việc làm của tên cẩu trệ này, và việc y được đề bạt lên hàng thứ trưởng từ thành tích chỉ vào mặt mẹ mà đấu tố, đã chứng minh một cách quyết liệt là Y đã được đào tạo rất bài bản theo đúng chủ trương của CS. Nó đã chứng minh CS có chủ trương tận diệt tình cảm của con người ngay từ trong gia đình. Nó đã chứng minh CS chính là thủ phạm làm phá sản nền văn hóa nhân bản của dân tộc, làm băng hoại nền luân lý đạo đức của xã hội Việt Nam.

Dĩ nghiên, sự tàn phá luân thường đạo lý của xã hội do CS chủ trương, chưa ngừng lại ở đó. Trái lại, nó còn tiếp diễn về lâu về dài và ở dưới nhiều hình thức khác nhau. Nơi trường học, trong giáo dục, đào tạo, chẳng nơi nào trẻ em được giáo dục, được đào tạo với một tinh thần nhân bản hướng thượng, “Tiên học lễ, Hậu học văn” phải thảo hiếu với cha mẹ, kính trọng ông bà, bảo vệ tình nghĩa đồng bào. Trái lại, ở bất cứ nơi đâu cũng chỉ thấy những khẩu hiệu thúc giục mọi giới, mọi cấp, học tập theo gương đạo đức “cụ” Hồ. Mà cái đạo đức lớn nhất của Hồ Chí Minh lại chính là việc viết ra bản đấu tố “địa chủ ác ghê” để ngậm máu phun người, và sau đó “che râu đi dự đấu tố” người ân nhân, và giết vợ từ con!
Ở trên, nhắc đến Chu Văn Biên, một kẻ chỉ vào mặt mẹ mà đấu tố để được đề bạt lên hàng thứ trưởng, mà không nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm, một người đã giả điên, bị đưa vào nhà thương điên, khi từ chối, không thể nói căm thù bố mẹ được, dù chỉ là nói giả vờ cho qua mắt đảng là một thiếu sót lớn. Qua câu chuyện dù nhỏ, nhưng tôi cho rằng nó mang một ý nghĩa cực lớn, như một bài học luân lý làm người đầu tiên cho những đảng viên cộng sản phải nhận biết. Tiếc rằng, lý lẽ sống của họ là lòng căm thù, là gian dối và tội ác.

Nên ngay cha mẹ, người sinh thành, dưỡng dục cho họ khôn lớn, họ còn căm thù, còn đoạn tuyệt, thì cái gương của Tư Nghiêm chẳng đáng là gì để bận tâm. Khéo mà nó đã như một truyện cười cho khóa học kiểm thảo ấy! Tôi thực sự ngưỡng mộ Nguyễn tư Nghiêm trong câu chuyện này. Nhờ đoạn viết này, mà người Việt Nam có thêm được một ít hiểu biết về cái tổ chức không có “hàm tính người” đang ngự trị trên phần đất Việt Nam. Và có thêm một lý lẽ chính đáng nữa để cương quyết loại trừ cái tổ chức vô luân này ra khỏi xã hội Việt Nam.
Trở lại thân phận của tác giả trong Đèn Cù. Tôi cho rằng, vì cái quy luật không có hàm tính người trong kiểm thảo, và hình ảnh của Nguyên Tư Nghiêm, mà trong gần 600 trang giấy trải lòng, Trần Đĩnh đã không viết ra thân phận của mình từ những hư cấu văn chương, khiếm thị, hay từ những bi quan yếm thế, thất bại. Trái lại, tác giả đã viết bằng cái minh mẫn từ những vòng quay. Khi thì nó đưa Trần Đĩnh lên cung mây với khát vọng của tuổi trẻ hòa thân vào nghiệp nước, hăng hái lên đường để góp phần mình vào việc tranh đấu cho đất nước thoát cảnh ngoại xâm với mong ước có Hòa Bình, Tự Do, Dân Chủ và Độc Lập.

Khi thì nó nuông chìu, ưu ái tác giả hơn người bằng những lời khen thưởng. Và rồi nó đưa tác giả vào một đường lên hãnh diện lớn “Được gần gũi và biết và mến phục một dân tộc vĩ đại, một văn hóa vĩ đại. Được nói một ngôn ngữ nhiều người nói nhất hành tinh.” (Tr.153). Tưởng thế là lên tít trên cao, cao mãi với đảng cộng không nhân tính. Không bao giờ ngờ đến chuyện có một ngày rơi trở lại làm người. Người có nhân!
Dù không ngờ, chuyện ấy đã đến. Từ đỉnh cao, trong mơ ước đi lên, nó đạp Trần Đĩnh xuống hàng chó ngựa trong cuộc tranh giành vòng quay xin làm nô lệ cho ngoại bang của lãnh đạo. Bản thân tác giả bị hạ tầng công tác, đi lao công trong nhà máy. Dĩ nhiên, đi lao động không phải là cực hình, sự cực hình chính là bị đày ải như một tên nô lệ. Bấy nhiêu vẫn chưa đủ ê chề, nó đạp Trần Đĩnh ra khỏi cuộc chơi bằng một mảnh giấy khai trừ, để Trần Đĩnh rơi vào trong hoảng loạn, ray rức, tủi hổ, nối tiếc và đầy những ân hận!
Trần Đĩnh viết về mình như thế có lẽ là thật. Rất thật. Nhưng tôi cho rằng, đó không đơn giản là số phận của riêng tác giả. Trái lại, nó còn là số phận của con dân Việt Nam nữa! Bởi vì khi Trần Đĩnh lên Atêka, có hàng hàng lớp lớp người Việt Nam đã thực lòng ra đi theo bước chân sơn hà nguy biến. Mục đích của họ là cứu nước khỏi cuộc xâm lăng của thực dân Pháp.

Ước mơ lên cao là thế, nhưng cái vòng quay ma quỷ, vô gia đình do Nguyễn Ái Quốc đưa vào Việt Nam theo lệnh của Mao từ 1930, được Hồ Quang tiếp nối từ sau 1933, đã không quay theo ước mong của người Việt Nam. Trái lại, nó quay sang Tàu, nó dần dần giết chết và thay đổi cả bộ nào của người dân Việt, để ở đó không còn sức sống. Ở đó chỉ còn lại những thân phận nô lệ bạc nhược, không tự chủ. Tệ hơn thế, bị vùi dập như thân chó ngựa trong cuộc đấu tố. Ở đó, nhân bản đạo lý và con người bị đào thải ra bên lề xã hội. Rồi được thay vào đó là lối sống, lẽ sống của xã hội là chủ nghĩa CS chỉ có đúng năm chữ để hành sự: Gian trá và tội ác.
Từ cuộc thống trị của tội ác và phi nhân bản của CS, ngoài cái chết của hơn 172 ngàn người dân vô tội với hàng trăm ngàn gia đình phải ly tán, là nền luân lý đạo hạnh và văn hóa nhân bản của xã hội Việt Nam cũng bị đào bới tận gốc rễ. Những tội đại ác, con giết cha mẹ, chồng giết vợ, tình nhân giết nhau theo gương Hồ Chí Minh giết Nông Thị Xuân ngày càng nhiều. Và tận cuối đáy của xã hội là hàng năm có đến hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh chưa nhìn thấy cuộc đời đã mất mạng vì cái “đạo đức” được gọi là đạo đức Hồ Chí Minh.

Một thứ “đạo đức” mà những thiếu niên, những bà mẹ trẻ chưa nhìn thấy mặt con, đã bị CS nhồi sọ ngay từ trước khi bước chân vào học đường. Và lớn lên trong một xã hội chỉ biết khai mở phần “hạ bộ” với những gian trá, lừa đảo. Không bao giờ có được những bài học đạo đức hướng thượng theo tinh thần của Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Trung. Kết quả, nghĩa trang Hài Nhi mỗi lúc một mọc lên như nấm ở trên mọi phần đất nước. Và rất thản nhiên, nhà nước mở ra những trung tâm gọi là nạo, cạo thai cho lũ trẻ! Rồi bên cạnh sách lược đào tạo cán bộ, đảng viên với lòng “căm thù bố mẹ và đoạn tuyệt với bố mẹ”, cộng sản còn thi hành sách lược “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, buộc mọi người phải tham gia vào những cuộc đấu tố giết người.

 Kết quả, luân thường đạo lý và tình nghĩa đồng bào của Việt Nam cũng đã tan bay theo những dòng máu chảy trong vu khống, đầy oan khiên của đồng bào mình. Từ đó, nó tiếp tục đẩy dân ta vào vòng cùng khốn và bị nghiền nát dưới cái chủ nghĩa vô gia đình, vô tổ quốc vô tôn giáo của CS. Và đây, mới chính là cái ý nghĩa đích thực xuống hàng chó ngựa trong xã hội cộng sản do cái vòng quay ma quỷ của nó tạo ra.
Vòng quay chưa dừng lại ở đó. Trái lại, còn trêu người, lửng lơ với câu chuyện được xét lại. Việc cá nhân là xét lại bản án xét lại của Trần Đĩnh. Việc chung là xét lại sách lược đấu tố trong cải cách ruộng đất. Vẽ ra con đường dân chủ giả hiệu. Kết quả, tất cả chỉ là những ngôn từ trống rỗng, nhằm mục đích xoa dịu sự phẫn uẫn của mỗi cá nhân hay tập thể cho trôi qua với thời gian. Sau đó, cộng sản lại bước sang một bước lừa gạt kế tiếp. Hoặc giả, thả thêm những cái lưỡi câu mới nhằm móc chặt vào cổ họng của từng cá nhân để không ai có thể lên tiếng.

 Như thế, cuộc khai trừ Trần Đĩnh ra khỏi đảng như là một kết quả phải đến của hai sự sai lầm cộng chung lại. Một bên vì sai lầm tin và đi theo đảng. Một bên thì lợi dụng con người, bắt nó làm phương tiện cho một chủ trương của nhà nước. Cuộc khai trừ ấy có khác gì sự sai lầm của người dân đi theo CS, để rồi bị đuổi cùng giết tận do chính sách lược mà CS dành sẵn cho những người vì mơ ước có Độc Lập, có Tự Do mà lên đường?
Nó khác gì một cuộc tổng lừa bịp trong chiến tranh giải phóng miền nam để “xây lại bằng mười năm xưa”, để bao nhiêu người miền Nam nhẹ dạ theo nó và bao nhiêu con cháu của họ từ Nam đến Bắc đã mất mạng, ngụp lặn trong bể máu của dân tộc, để thỏa mãn cho một nhu cầu quyền lực giai đoạn của cộng sản, và mở rộng biên giới cho Tàu cộng! Sau cùng, hàng trăm ngàn người chết trên biển khơi, hàng triệu người phải bỏ nước đi tìm Tự Do, và hàng triệu người đi tù. Rồi cả nước phải ngồi chung trong một cái trại tù nô lệ kéo dài từ Bắc đến Nam. Với những hình ảnh ấy phơi bày, Đèn Cù không phải chỉ nói lên thân phận của một vài cá nhân, mà còn là thân phận của người Việt Nam, trong đó có cả tác giả nữa! 
VI. Trần Đình và Đèn Cù trong cuộc sống nhân gian
Thật rất khó để có được cái nhìn bao quát, đầy đủ về Đèn Cù. Khó vì, người đứng bên đây nhìn thấy cái đầu. Kẻ đứng bên kia lại thấy cái đuôi. Người thấy con voi, kẻ thấy bầy lang sói. Ấy là chưa kể đến những góc khuất mang tính bí hiểm. Nói về Đèn Cù, khác gì câu chuyện người đứng bên kia sông, người đứng bên này, cùng tả vê dòng nước đang cuồng cuộn trước mặt. Hẳn nhiên là có nhiều khác biệt, nhiều góc khuất. Nói chẳng bao giờ cùng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh của Việt Nam hôm nay, cái nhìn về Đèn Cù còn có thể là một đối nghịch, khó gần, khó gỡ!
Người ở trong nước vì cuộc sống, tìm đọc Đèn Cù có lẽ không nhiều. Và cái mục đích đi tìm cũng khác nhau. Nhưng hầu như đều có chung một ý tưởng: Táo bạo, táo bạo quá. Viết thế này thì chết. Chả biết chữ chết họ muốn dành cho đảng cộng sản, dành cho Hồ Chí Minh hay dành cho Trần Đĩnh?
Người ở bên kia đại dương, cũng háo hức tìm dọc, xem Trần Đĩnh viết gì. Họ thấy nhiều điểm khuất, nhiều góc tối, nhiều điều khác với ý nghĩ của họ. Họ chưa hay không nhìn nhận những điểm sáng nổi bật làm nên danh phận Đèn Cù. Kết quả là nhiều cái thở dài. Lại tuyên truyền, hảo tuyên truyền. Tác giả mà không đội quần đảng lên đầu, không viết theo tiếng kẻng mà còn sống được ư? Lại vẫn chung một đường thổi với kịch sĩ “mặt thật”, thợ mò “đỉnh cao vòi vọi”, thợ bu “thắng cuộc”! Phần cá nhân, tôi cũng không có ngoại lệ.
Trước hết, tôi đã viết ra đôi, ba góc khuất trong Đèn Cù. Mục đích không phải để “vạch lá tìm sâu” vì nó nhiều quá rồi, cần gì phải vạch. Cũng không để phản bác cái nhìn “một bên” của tác giả. Trái lại, tôi chỉ muốn mở rộng thêm ra, làm sáng tỏ thêm những góc khuất, có thể là tác giả đã biết rất rõ, như trường hợp HCM là người Tàu? Y đã nói và viết tiếng Hẹ, tiếng nói của người “khách gia” khi đến thăm Móng Cái vào năm 1960. Xin nhớ, đây là lần đầu tiên HCM đến, tại sao Y lại thành thục khu vực, lại biết rõ cả ở góc bên kia đường là nơi ở của một chị bí thư?

Những thắc mắc này đã tiềm ẩn trong Trần Đĩnh từ những năm đó, lẽ nào Trần Đĩnh không ngộ ra âm thanh, cũng như cách nói tiếng Việt của HCM? Tuy nhiên, Trần Đĩnh phải nhắm mắt lại, tạm “quăng nó vào trong cái thùng rác vĩ đại là sự quên”. Bởi lẽ, nó là những điểm chết, điểm bí mật của nhà nước mà trong hoàn cảnh này, mạng sống của con người cần giữ lại để có thể lưu ký về sau, hơn là một thách thức, quá lớn vào lúc này?
Theo đó, tôi viết ra những điểm mà lẽ ra trong Đèn Cù phải có, phải bàn đến trong lẽ thật. Không có ý gì khác. Bởi lẽ, chính tôi cũng biết, đường còn dài, những người trong cuộc như tác giả không còn nhiều. Nếu họ không viết ra, thì ai sẽ viết đây? Những đời sau lấy gì để làm bằng chứng là nó thuộc thời của tội ác mà trị tội ác? Sự đòi hỏi, nhìn chung là như thế, nhưng thực tế, ai cũng biết là không hề dễ dàng gì. Lý lẽ thì có nhiều, thực tế chỉ có một. Cái búa của CS chưa lúc nào rời xa Trần Đĩnh. Cũng thế, Quản Trọng không chết theo chủ là công tử Củ, chẳng ai cho đó là bất trung, vì sự “còn” của Quản Trọng không phải là vô ích. Hy vọng, sự “còn” của Trần Đĩnh cũng sẽ hữu ích cho việc giải đáp và soi sáng cho nhiều góc tối còn thiếu sót trong Đèn Cù.
Trong khi đó, đảng và nhà nước CS mới lướt qua mấy hàng, răng đã nghiến ken két. Cái chốt lựu đạn đã mở ra rồi, chì còn một cái ném nữa là xong! Thật ra, việc nhà nước và đảng cộng sản muốn biếu không Trần Đĩnh một cái búa, hay một quả lựu đạn thì quá dễ dàng. Nhưng làm thế là tự sát, là tự xác định những điều Trần Đĩnh viết về Hồ Quang, về đảng, về chủ trương đường lối cũng như phương án sử dụng nhân sự vào các vị trí cấp cao, trọng điểm của đảng, của nhà nước là hoàn toàn chính xác.

Giết người là nghề của họ, nhưng trường hợp này xem ra rất khó diệt khẩu. Nên đành phải ngậm bồ hòn! Uất từng đám, nghẹn từng cơn mà không thể ra tay. Bởi vì, trời đã sinh ra “bác” muôn mặt, muôn gian trá, đã che râu dấu mặt đi làm chuyện gian ác hại người, còn sinh ra Trần Đĩnh để cho Y viết lại những chuyện ấy vào sách sử, thì đành chịu vậy. Phải chi nó viết vào cái thời... chưa “giải phóng” miền Nam thì đã nhờ Lê Văn Tám! Nói thế là Đèn Cù và tác giả luôn nằm trong nguy cơ bị đốt. Nếu nhà nước chưa tặng Trần Đĩnh cái búa không phải là vì cộng sản tử tế. Trái lại, chỉ là một cái may cho Trần Đĩnh.
Nhưng dù đứng nhìn từ bất cứ góc cạnh nào, theo tôi, Đèn cù của Trần Đĩnh miên viễn có một cuộc sống vững chắc trong lòng nhân gian. Cuộc sống và giá trị của nó về mặt luân lý, đạo đức xã hội sẽ được nói đến nhiều hơn về mặt “ biến động “ chính trị. Nó còn sống mãi trong nhân gian bời vì, bản thân cái Đèn Cù, trước đây rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Nay nó lại nhắc cho ta thấy cảnh lang sói của đảng cộng.

Trước kia nó mang tính hài, mua vui cho người bằng những hình ảnh voi giấy ngựa giấy. Nay, vẫn là những voi giấy, ngựa giấy, chó giấy, nhưng bằng hình người, bằng quan cán, đã làm bại hoại nền văn hóa và luân thường đạo lý của xã hội Việt Nam, bằng cách che râu dấu mặt, bằng sự áp đặt cho nhau một thứ luật lệ không có hàm tính người. Mà khởi đầu là hình ảnh tồi bại của Hồ Chí Minh.
Với chỉ tám chữ “cụ” Hồ che râu đi dự đấu tố (một buổi)”, tác giả đã phô diễn trọn vẹn hình ảnh, và đạp nát tên tuổi và sự nghiệp cực vĩ đại của Hồ Chí Minh. Một sự nghiệp phản luân lý, phản đạo đức mà có lẽ không có kẻ thứ hai dưới bầu trời này làm được. Những bạo chúa từ kim cổ như Kiệt, Trụ, Tần Thủy Hoàng, hay Hitler, Stalin, kể cả Mao Trạch Đông đã giết hàng trăm ngàn người, hàng triệu người, đều phải cúi đầu chào thua.

Bởi vì, xét về bạo ác họ không thua Hồ Chí Minh, nhưng chẳng một ai trong họ dám che râu dấu mặt đi dự một cuộc giết người ân nhân như Hồ đã làm. Như thế, tên tuổi ấy, việc che râu dấu mặt ấy mãi còn là hình ảnh sống động, còn là câu chuyện truyền tụng trong nhân gian. Rồi ra, nó sẽ còn là câu chuyện răn đe con trẻ trong nhân gian phải giữ lấy đạo làm người, “ Mày liệu đấy, ông Trời có mắt, không để cho mày che râu dấu mặt đi làm chuyện gian ác, giết người đâu!
Sau những câu chuyện ấy là đầy dẫy những hình ảnh của những voi giấy ngựa giấy chó giấy đã kinh qua kiểm thảo, thành lãnh đạo sau khi đã “công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt bố mẹ”, là những người đã mang nặng đẻ đau, làm lụng vất vả cách này hay cách khác để nuôi sống chính bản thân họ. Để từ bài kiểm thảo này, kẻ thì trở thành cán nhớn buôn dân bán nước, kẻ thì chỉ vào mặt mẹ đang quỳ dưới thềm như:  

“Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ-Tĩnh, bắc ghế ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ chắp tay đứng ở dưới sân dằn giọng: - Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi. Ôi sao cái bài diễn này lại giống HCM và đúng như lời của Lưu Cộng Hòa sau cuộc kiểm thảo đã nói đến thế “Nay nhận mình là con vật mới đúng đấy” (tr. 244).
Kết quả của những câu chuyện ấy là hình ảnh của bà mẹ Việt Nam. Bà rất thương yêu con cái của mình. Nhưng bà đã phải chằp tay lạy đứa con khi nó trở về nhà, thay vì ôm con vào lòng chỉ vì nó đã thoát ly gia đình và đi theo tập đoàn vô gia đình, đầy gian dối của Hồ Chí Minh. Bà lạy một cách nhẹ nhàng mà đau đớn. Bà không có cái uất ức, bộc trực như người em nhỏ bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người, phải gào thét lên khi nhìn thấy mặt mũi của những tên cộng sản: “đảng cộng sản đi chết đi” (Nguyễn phương Uyên). Bà nén nước mắt rơi “Tôi lạy anh, anh hãy đi theo các đồng chí của anh đi. Xin anh để cho chúng tôi yên”.

 Bà đã thay mặt những người đàn bà Việt Nam mà nói lên nỗi đau đớn tận lòng bà. Bà đẻ ra con, nào ngờ nó học được cái thói che râu dấu mặt gian trá của Hồ Chí Minh! Bà nào muốn đuổi con đi, nhưng không thể để nó đem cái gian trá và tội ác với đồng bào vào nhà Việt Nam! Chỉ ngần ấy thôi Đèn Cù của Trần Đĩnh đã không bao giờ chết trong nhân gian.
Tuy nhiên, Trần Đĩnh còn làm được nhiều hơn thế trước khi đèn tắt, trước khi dậu đổ. Anh như người bị nghiện rồi cai nghiện. Sau hơn bốn mươi năm cai nghiện Trần Đĩnh nhận ra cái bàn đèn (bác đảng) là một thứ tội ác. Khi ngủi thấy mùi thuốc của bàn đèn, của con nghiện là Trần Đĩnh ói mửa. Trần Đĩnh kể: “Phải viết một loạt bài về lịch sử đảng, tôi đã đọc những tài liệu về chuyện này. Lẽ tất nhiên đều ỉm đi, cho tất cả vào cái sọt giấy vĩ đại là sự quên, sự lờ, sự nhắm mắt lại. gọn một chữ là sự gian dối. Để đổi lấy uy tín đảng” (tr. 192)

Viết thế là Trần Đĩnh đã công khai xác nhận, tất cả những gì Trần Đĩnh viết có liên quan đến đảng cộng sản đều là viết bằng sự gian trá, không có nhân bản tính, không có sự thật. Nghĩa là, những “Tiểu sử Hồ Chí Minh”, “Bất Khuất”, hay nhật ký của Phạm Hùng, Lê Văn Lương... không được Trần Đĩnh viết ra bằng tài liệu thật, bằng cái trí năng, bằng sự chân thật của người. Trái lại, Trần Đĩnh đã phải viết ra những cuốn sách ấy từ cái bút đặt dưới cái búa của cộng sản.

Nó là sự gian trá và tuyên truyền. Nay đã hết nghiện, trở lại đời sống bình thường của người, Trần Đĩnh đã công khai rút lại, hay phủ nhận những cuốn sách đó không phải là trí tuệ, tâm huyết của Đĩnh, nhưng là sự gian trá của người đảng viên chỉ biết tuyên truyền và dối trá theo lệnh từ cái búa đảng!
Kế đến, như một lời tạ ơn gia đình, tạ ơn đồng bào vì những bao dung để Trần Đĩnh được trở lại kiếp sống nhân bản của con người. Đồng thời cũng như một lời tạ tội với gia đình, tạ lỗi với đồng bào vì những hành động nông nổi của tác giả đã góp sức tuyên truyền cho tội ác để nó có thêm cơ hội tàn phá quê hương Việt Nam. Trần Đĩnh viết:

 “Mấy chục năm sau, sống với đất nước đang dần dần nhận diện được kẻ đã đày ải mình, tôi bắt đầu cảm nhận thấy hạnh phúc. Ít nhất tôi đã nhận ra tội ác và lên án nó giữa lúc nó đang có bộ mặt huy hoàng nhất, có niềm tin gần như trọn vẹn của dân. Ít nhất tôi đã đương đầu, không quỳ gối trước nó. Cũng như đã ngay thẳng nhận mình từng đi theo nó, tội ác.” (tr. 497)

 Lời xin lỗi, nhận mình đã nhúng tay vào với tội ác của Trần Đĩnh làm xúc động lòng người. Tôi ngưỡng mộ và nể trọng Trần Đĩnh vì những lời tự tâm này. Ngưỡng mộ Trần Đĩnh, sau vấp ngã, đã đứng dậy, đem cái tâm của mình vào ngòi bút để cùng với đồng bào lên án và tiêu diệt sự ác. Và nể trọng lòng quả cảm của một kẻ sĩ có tâm với đồng bào, với gia đình và đất nước. Xin chúc mừng anh đã giả từ bàn đèn và về với cuộc sống chân tình của một dân tộc đầy nghĩa cả.
Như thế, dẫu là muộn màng, nhưng quá đủ, điều mà nhiều người chờ nay đã thấy. Trần Đĩnh không công khai công bố chống cộng sản, không kêu gọi đồng bào và các đoàn đảng viên đứng lên đập nát cái vòng quay ma quỷ đang tàn phá quê hương Việt Nam. Nhưng xem ra, Đèn Cù trong thực tế đã làm nhiều hơn cả những điều nhiều người mong đợi. Trần Đĩnh đã đem lương tri của cuộc sống nhân bản sau 40 năm tủi hổ, nối tiếc, dàn vặt, đạp nát hình tượng Hồ chí Minh. Đạp nát cái khung hình và khẩu hiệu mà CS đã rêu rao trong suốt 80 năm qua chỉ bằng đúng tám chữ vỏn vẹn ““cu” Hồ che râu đi dự một buổi” đấu tố ân nhân là bà Nguyễn Thị Năm!

Hàng nghìn tấn sách, báo của làng thổi ống đu đủ viết về cái gọi là đạo đức HCM đã thành đống giấy dơ bẩn, đống rác đầy ký sinh. Nó phải bị đào thải. Theo đó, nếu hình tượng của HCM chưa được cộng sản chính thức đeo cho tấm khăn che mặt, hay chưa bị dân chúng treo lên, cũng chưa bị đạp đổ từ những nơi nó đang chiếm ngự, cũng không còn ý nghĩa gì. Bạn tôi bảo “Anh bán thịt chó không cần biết chữ, chỉ cần treo cái đầu chó lên trước quán thay cho những hàng chữ quảng cáo là đủ”!
Vâng, trên đất nước ta, hình ảnh của cái đầu chó và những người bán thịt chó, biết chữ hay không biết chữ, vẫn còn nhiều. Nhưng tôi hy vọng, sau Đèn Cù, sẽ có nhiều tiếng nói dõng dạc hơn, can đảm hơn, vững tin hơn, mạnh mẽ hơn và đồng loạt hơn, thay vì những tiếng ọp ẹp trong vũng nước dưới chân trâu, để cùng với mọi người, nhất là hỗ trợ lớp trẻ nhìn lại bản thân, nhìn lại con đường của quốc gia, của gia đình của dân tộc mà có được những hành động đồng thuận, thích ứng với trào lưu mới. Trào lưu xây dựng một đất nước trong yên vui, thái bình, thịnh trị.

Ở đó người dân có quyền sống, sống trong tình nhân bản. Ở đó, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng tự do xây đựng lấy đời sống hạnh phúc cho cá nhân và gia đình cũng như tập thể của mình được hoàn toàn tôn trọng. Ở đó, nền tảng văn hóa, luân lý đạo đức của xã hội phải được phục hồi, phục hoạt triệt để. Ở đó, trẻ vào học đường được học những bài học tử tế về lòng yêu nước thương nói về. tình bác ái về lòng cao thượng. Nhờ đó, hình ảnh của cái đầu chó cũng dần biến khỏi các cửa tiệm.
Cám ơn tác giả Trần Đĩnh, đã cho những đọc giả đi sau nhìn rõ tận mặt, những bộ mặt thật của một tập thể đã và đang sống với luật lệ vô gia đình, vô xã hội, vô tổ quốc, vô tôn giáo của cái bàn đèn cộng sản tại Việt Nam. 

No comments: