Tuesday, November 15, 2016

TRUYỆN TÙ &VƯỢT BIÊN * VIỆT CỘNG & TRANH VIỆT NAM


PHƯƠNG DUY * TRUYỆN TÙ CẢI TẠO



LẶN LỘI ĐƯỜNG XA

Vào truyện – Trên khu cải tạo Bù Gia Mập có một con đường đất đỏ dài trên dưới hai mươi cây số, chạy dài từ khu kinh tế mới Minh Hưng, quận Bù Đăng, đi vào sóc Bombo,vòng qua Đức Hạnh, Bù Đốp. Con đường được thiết lập từ thời Đệ Nhất cộng Hoà của Chính Phủ Ngô Đình Diệm với dự tính khẩn hoang lập ấp, thành lập các khu dinh điền, vừa để chế ngự một an toàn khu của phe Cộng Sản VN. Kế hoạch đã bị bỏ dở sau sự sụp đổ nền Đệ nhất Cộng Hoà. Con đường bị bỏ hoang. Nhiều đoạn, cây rừng mọc lan ra che phủ hết,đi dưới đường nhìn lên không thấy bầu trời.. Con đường nắng lên đầy bụi đỏ, mưa xuống lại lầy lội trơn trợt. Đàn bà con gái lặn lội thăm con thăm chồng, tất cả đều phải ba lô trên vai, dép guốc cầm tay mới ráng lết đi được... Trong truyện ngắn này, người viết xin ghi lại một vài hình ảnh nhỏ bé như một lời tri ân của đứa con đến các bà mẹ, lòng biết ơn của người chồng đến các bà vợ Việt Nam tuyệt vời, một đời vất vả hy sinh cho người thân yêu của họ trong khoảng thời gian cùng quẫn khó khăn nhất của xã hội miền Nam.

 
Nhận được thư của Thoại gửi về qua tay chị Trang, chị mới đi thăm chồng về, Giang cảm thấy lo lắng. Nói là lá thư cho có vẻ trang trọng. Thực ra, đó chỉ là một mảnh giấy nhỏ nhàu nát. Trong thư, Thoại thăm hỏi gia đình và mẹ con nàng vài câu, thêm vài câu vắn tắt cho biết anh đang bệnh nhiều, cần thuốc thang chữa trị. Thời buổi khó khăn, tìm kiếm cái ăn cho hai mẹ con đã thật vất vả. Mà cả nước đều thế, chứ đâu riêng gì gia đình nàng. Mấy năm trời đi tù cải tạo, Thoại biết hoàn cảnh gia đình không khá, anh chưa bao giờ đòi hỏi xin xỏ gì. Nay tình hình chắc phải tồi tệ lắm mới có chuyện viết thư nhắn gửi như vầy. 


Vậy nàng phải thu xếp lên rừng một chuyến. Không đi, lỡ chồng có mệnh hệ gì, có lẽ sẽ ân hận suốt đời. Công việc làm ăn của Giang bây giờ càng lúc càng khó khăn. Ngành may mặc lúc trước gia công cón có đồng ra đồng vào. Kể từ khi bị buộc vào tổ hợp, rồi tiến lên hợp tác xã, chỉ còn đồng lương cố định chết đói hàng tháng cộng với ít tem phiếu mua gạo hẩm, nước mắm thối. Dạo sau này, đến gạo hẩm cũng không còn. 

Tháng tháng mang tem sổ đến chỉ mua được khi thì ít mì sợi, lúc vài ký bo bo loại thực phẩm cho ngựa ăn. Nhà nước gọi nó là cao lương, nhưng nuốt vào miệng thế nào thì ỉa ra nguyện hột thế ấy. Vậy mà có khi cũng không có, phải nhận mớ ngô vàng cứng như đá hoặc bao củ lang củ sắn (khoai mì) hư thối hơn nửa. Thời những năm bốn mươi lăm, nghe nói miền Bắc người chết đói hàng loạt, nhưng hồi ấy nàng chưa sinh ra nên chẳng biết.

 Còn lớn lên ở cái miền Nam nhiều lúa lắm gạo này, nàng chưa thấy có thời kỳ nào thế thảm như vậy. Lại còn cái vụ phải xin phép nghỉ vài ngày để đi thăm chồng. Rắc rối chứ đâu có đơn giản. Có nên về nhờ vả bố mẹ tí chút nào không? Cả hai bên bố mẹ đều đã già, ruộng vườn co cóp mấy chục năm đã bị tịch thu hết ngay từ những ngày đầu xã hội chủ nghĩa. Số còn lại giờ cũng phải vào tập đoàn làm ăn tập thể, chả còn gì mà trông mong. Lấy gì để mua sắm lên thăm Thoại đây? Giang đành ngó quanh quất trong nhà coi có gì còn tí chút giá trị, có thể tải được ra chợ. 

Của đi thay người, nàng ngẫm nghĩ. Cái khánh vàng với bốn chữ Trăm Năm Hạnh Phúc lớn có con rồng và con phượng bao quanh thật lộng lẫy. Quà cưới của bạn bè tặng Thoại ngày xưa, dễ có được vài chỉ, đem bán đi chắc Thoại buồn, nàng cũng buồn. Nhưng thời buổi, cái khó bó cái khôn. Túng phải tính cứ biết làm sao? Giang ngậm ngùi lôi nó ra khỏi cái khung kiếng. Kể từ ngày “giải phóng”, số phận nó cũng giống như Thoại, phải chui vào nằm trong một xó kín trong nhà, không được ngồi trong tủ chè nữa. Chưng ra cho chúng nó dòm ngó, có mà chết. Hôm nay trong lúc túng cùng, thôi thì vĩnh. biệt. Giang gói nó lại bỏ vào giỏ rồi đem ra chợ. Vấn đề tài chánh coi như giải quyết xong.

 Không phải cầu cứu tới ai, nhưng cũng nên cho bố mẹ Thoại biết một tiếng. Thoại đang đau ốm cần giúp đỡ. Bố Thoại có nghề y tá dạo, ông biết về thuốc men, thế nào chả có chút đỉnh cho con, còn mẹ ít nhất cũng có ít thức ăn cây nhà lá vườn cho con trai bà sống cầm cự qua ngày. 


Tiện thể, nàng kéo thằng Quốc, em trai nàng đi theo. Nó còn trẻ, mạnh khoẻ nhanh nhẹn đỡ đần tay chân chút ít bớt vất vả. Kinh nghiệm của kỳ đi thăm nuôi lần trước vẫn còn nguyên trong trí. Dạo ấy Giang đi cùng mẹ chồng, may mắn liên lạc được ít gia đình rủ cùng đi chung, nương tựa, giúp đỡ khuyến khích nhau. Nếu không chắc đã bỏ về nửa đường. Xe đò từ Sài Gòn đi Phước Long, tới ngã tư Minh Hưng là điểm dừng cuối. Từ đây không còn xe chở khách, ngoại trừ xe bộ đội. 

Nhưng xe của “quân đội nhân dân” thường ít khi cho nhân dân đi quá giang. Có lẽ có muốn cũng không còn chỗ, vì hàng ngày chả có mấy chuyến. Và chuyến nào trên xe cũng thường đầy ắp. Tới Minh Hưng trời đã xế chiếu. Muốn vào tới các trại cải tạo lao động ở trong rừng còn phải cuốc bộ rất xa theo con đường Mười. 


Trại của Thoại ở gần nhất cũng cách trên mười cây số. Tay xách nách mang, có gia đình còn mang theo con nhỏ không biết làm sao để đi. Cuối cùng phải nhờ vả đến người dân địa phương, những người trong vùng kinh tế mới. Họ rành rẽ đường đi nước bước. Họ, có lẽ, trước đây cũng từ các thành phố đến, nhưng sau một thời gian cực khổ, đã quen lam lũ. Vả lại, đó là cơ hội cho họ kiếm thêm được ít đồng tiền đã trở nên rất hiếm hoi quý giá trên rừng này. Trẻ nhỏ thì dẫn đường. Người lớn thì nhận chuyên chở giùm hành lý.

 Họ chịu hy sinh nhiều giờ để vừa giúp đỡ vừa có thêm phần phụ giúp gia đình. Giá cả thỏa thuận xong. Có gia đình cả nhà cùng đi làm hướng dẫn viên một loạt. Đoàn người bắt đầu cất bước từ lúc xế chiều, khi nắng còn đổ gay gắt. Thi thoảng, một chiếc molotova chạy ngang làm tung bụi đỏ mịt mù. Cứ cách quãng dăm bảy trăm thước, đoàn người phải dừng lại nghỉ. Đến được láng trại đầu tiên thì trời đã tối mịt. Mọi người mệt mỏi rã rời. Đoạn đường chỉ hơn mười cây số mà đi tới gần năm tiếng. Đã vậy, khi còn choạng vạng trời lại đổ ập cơm mưa.


 Đường đồi lên xuống đã gập ghềnh, bây giờ thành trơn như bôi mỡ. Người đi thăm nuôi toàn là đàn bà con gái chưa quen với những con đường đất trơn trợt, guốc dép cởi ra cầm trên tay mà vẫn té lên ngã xuống, thật khổ ải. Ba lô trĩu nặng bờ vai nhỏ, Mưa lạnh đường trơn, chân đất vương Lặn lội thân cò pha nắng bụi, Đường xa lặng lẽ đến thăm chồng. Lần này, chuyến đi đột xuất, không có ai cùng đi, Giang nghĩ mình nên chuẩn bị kỹ lưỡng. Nàng về quê mang theo lá thư của Thoại cho bố mẹ đọc, cũng may quê Thoại gần thành phố, chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ đi xe đò, có thể đi về trong ngày. Gần như dự đoán của Giang, Bố Thoại biết tình trạng sức khoẻ của con, có dự trữ sẵn mớ thuốc Thoại cần, nàng sẽ mua thêm. 


Ông gửi kèm theo mấy hộp sữa đặc, một mặt hàng khá hiếm lúc này, cho con trai bổi dưỡng. Bà mẹ thì chuẩn bị một ít ruốc, một hộp mỡ, đậu phộng cây nhà lá vườn. Bà còn bảo mang theo ít cây trái trong vườn. Giang bảo mẹ chồng: - Mẹ đã thấy rồi. Đường xá đi lại rất khó khăn, Con đâu thể mang vác nhiều. - Thì cũng phải có gì cho nó chứ. Chả lẽ lên thăm nuôi chồng tay không. - Bây giờ thế này. Mẹ biết gia đình con, con cái còn nhỏ dại, đời sống cũng khó khăn lắm. Bố mẹ bây giờ già quá rồi. Thời buổi này chẳng làm gì ra tiền. 

Thằng Thoại cũng cần chút ít phòng thân. Mẹ không có tiền cho, con cố mang ít quà của mẹ. Phần mày không cần mua sắm nữa, ráng chạy vạy dấm duí cho nó vài đồng. Bà nói mãi. Giang đành chấp nhận mang theo quà của mẹ, ngoại trừ trái cây hoa quả quá nặng nề. Nhưng bà bắt buộc cầm đi mấy cân bột, đậu xanh và ít đường thẻ. Bà bảo trong tù chúng nó thiếu thốn nên thèm ngọt. Nhà có sẵn, ráng mang đi cho bạn bè anh em nó có dịp “liên hoan”. 


Thằng Quốc đang lúc rảnh rỗi, cũng sẵn sàng lên rừng. Có nó đi theo giúp đỡ, Giang quyết định cho con đi cùng. Thằng Xuân chưa đầy ba tuổi nhưng lanh và ngoan, có thể yê n tâm. Nên cho nó biết mặt bố. Kỳ trước lên rừng, nó chưa được đi vì nàng chưa biết rõ đường đi nước bước. Bây giờ đã có kinh nghiệm, thêm thằng Quốc bên cạnh. thêm tay thêm chân. Thoại chỉ mới gặp con một lần ở Trảng Lớn. Lúc ấy, thằng Xuân mới mấy tháng chưa biết gì. Hai cái ba lô đã chất cứng, đồ đạc bên ngoài vẫn còn nhiều, không biết nhét vào đâu. Thứ nào nàng cũng thấy cần cho chồng. Quà cáp của bố mẹ và thuốc men tối cần thiết không thể thiếu, dầu ăn, bột ngọt,tôm khô mặt hàng tồn trữ chiến lược không thể bỏ lại. 


Còn mấy gói thuốc lá và bánh thuốc lào này thì tính sao? Giang thấy dạo sau này Thoại ngày càng ốm yếu, ho hen luôn miệng, muốn khuyên chàng bỏ hút thuốc đi mà biết nói như thế nào? Rừng núi khí hậu thời tiết lạnh lẽo, thân phận người tù, xa vắng gia đình, cha mẹ vợ con đã nhiều năm, rượu chè đã không có, chỉ còn làn khói thuốc cho ấm lòng, vơi đi nỗi nhớ nhung gia đình. Bỏ thì thương, vương thì tội. Vả lại, không có thuốc lào thuốc lá thật thì họ lại đi hút vớ vẩn những lá cây rừng độc hại thì còn nguy hiểm hơn. Thoại đã chẳng từng kể anh và các bạn tù đã dùng xác bã trà làm thuốc hút đó ư? 


Trà khô được pha uống đến khi nước pha trắng gần như nước lã mới đem phơi khô, tẩm vào nước điếu đen thui để thành thuốc hút, chẳng ngon thì, “không mỡ xài đỡ đèn cầy”, cũng tạm ấm lòng “ngục sĩ trong khi vắng nhà”. Xong được mấy món đồ lại lo chuyện giấy tờ. Việc làm trong tổ hợp và đơn nghỉ phép đã có Thu lo giùm. Con nhỏ bạn gái chưa chồng, còn thong thả nên giúp bạn nhiệt tâm. Còn lại cái giấy phép đi đường từ mấy ông ‘kẹ’ ngoài phường là khá rắc rối. Ai đời cả năm mới xin phép đi thăm nuôi chồng một, hai lần mà y như rằng, cứ thấy nàng ló mặt ra tới là chúng hạnh hoẹ đủ thứ. 


Nào là mọi việc đã có nhà nước lo, cô không phải lo, phải để cho chồng yên tâm học tập mới có kết quả, cứ thậm thụt lên xuống thăm nuôi thế thì làm sao tiến bộ? Nào là đi hoài như thế mất bao nhiêu công lao động. Ai cũng như cô thì còn ai xây dựng đất nước? Lần nào cũng phải đấm mõm cho bọn chúng, khi thì vài gói Samít, lúc dăm bao trà Thái Đức chúng mới chịu cấp giấy cho, còn ra giọng nhân nghĩa: - Nể lắm mới ký cho đó. Mấy phường khác thì còn lâu nghe chửa… Ra khỏi cánh cổng ủy ban, nàng còn nghe tiếng cười đểu của bọn chúng: - ĐM lũ nguỵ quân Sài Gòn Chúng nó ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc quá nhiều. Hèn chi vợ con chúng đứa nào cũng trắng da dài tóc. Từ nay cho chúng bay chết cả nút…  

Xong xuôi giấy tờ, Giang chuẩn bị đi ngay. Nàng cùng em và con ra bến xe thật sớm. Thời buổi này, cái gì cũng của dân, do dân làm chủ, nhưng chủ chỉ đuợc phép ngó, không được phép rờ. Phải ưu tiên cho đầy tớ của dân là cán bộ, bộ đội. Bỏ tiền ra mua vé xe cũng ưu tiên cho cán bộ, thừa ra mới tới dân. Không sao, Giang biết cách xoay xở. Chỉ cần bỏ ra ít tiền lẻ cho người bán dạo hàng quanh bến xe là có vé chợ đen. Bọn cửa hàng thông đồng với đám viên chức cán bộ lợi dụng sự ưu tiên để mua giành hết vé, đem tuồn ra ngoài kiếm lời chia nhau, thành ra dân có chầu chực ba bốn ngày liền cũng chưa chắc có vé.

 Chuyện đểu cáng thế nhưng lúc nào bọn chúng cũng giả bộ liêm chính, miệng lưỡi toàn là đạo đức cách mạng. Rặt một bọn vô liêm sỉ. Chiếc xe khách dồn người nêm như cối, không còn chỗ cựa. Hành khách leo lên ngồi cả trên mui, mừng vì may mắn có được một chỗ. Chị em Giang và con bị nhét vào giữa lòng xe nên không nhìn thấy quang cảnh bên đường. Của đáng tội, sau vài năm “giải phóng”, đất nước rặt một màu xám tro. Có còn gì khác để mà nhìn ngắm. Đâu đâu cũng một cảnh nhà cửa điêu tàn, cây cối xác xơ.



Càng đi xa Sài Gòn càng thấy sự hoang sơ tiêu điều của những vùng được mệnh danh là vùng kinh tế mới. Thật là thành quả. Giang nghĩ: hoa hôi kết thành quả đắng. Chiếc xe cũ kỹ già nua, bò ì ạch, thở hổn hển. Mãi rồi cũng lết được tới khu kinh tế mới Minh Hưng, điểm đến cuối cùng khi mặt trời đã bắt đầu ngả về Tây. Xuống xe, Giang cùng em và con bước vào một quán nước bên đường. Nỗi lo lắng bắt đầu dâng lên. Khi còn ở nhà, vì hăm hở muốn gặp chồng để biết đau ốm ra sao, phần vì những lo âu khác, nàng quên đi cái khó khăn này: đường còn xa, phương tiện chuyên chở không có, phải xoay xở ra sao? 


Phải ngủ trọ lại một đêm rồi sáng mai lên đường? Vùng này kiếm ra một chỗ trọ cho ba người không dễ. Thằng Quốc liều mạng bàn là cứ đi, mười giờ đêm đến là cùng chứ gì? Thấy được nỗi khó khăn của người đàn bà trẻ, người chủ quán thương hại: - Để tôi hỏi thằng con trai tôi coi nó chịu dẫn đường giúp không? Nó vẫn hay giúp đỡ bà con mình ở thành phố lên. Có nó quen đường quen xá ở xó rừng này mới đi được. Tội nghiệp thằng nhỏ. Lâu nay chịu cực chịu khổ đã quen. Có hôm nó phải đi suốt đêm, gần sáng mới về tới nhà. Giang mừng rỡ theo chủ nhà đi điều đình với người con. 


Giá cả thoả thuận xong xuôi, họ ăn uống qua loa rồi chuẩn bị lên đường ngay. Cậu con trai dẫn đường cùng Quốc mỗi người một ba lô, còn Giang bế con. Thỉnh thoảng mỏi tay lại cho thằng Xuân xuống đi bộ. Chỉ mới hơn năm giờ chiều mà trời đã choạng vạng. Ở rừng trời mau tối, người ta bảo vậy. Nàng rất mệt mà vẫn không dám nghỉ nhiều, con đường như dài vô tận. Hai chị em lúc này luân phiên thay đổi, khi thì đeo ba lô, khi bồng thằng Xuân. Nàng hơi hối hận đã mang con theo. Hai tay mỏi rã rời, hai chân như buộc chì không cất lên nổi. Đoạn đường, theo cậu dẫn đường chưa được phần ba. Trời đã thẫm màu. Cậu dẫn đường đi chặt nứa làm đuốc. 

Kinh nghiệm đi rừng, lúc nào cũng phải có dao trên tay, cậu bảo thế. Đêm đã về,thằng Xuân sợ hãi không rời mẹ ra nữa. May mắn có một chiếc xe chạy ngang. Chiếc xe quân đội trên sư (đoàn) đi công tác bị hư dọc đường, khách đã chuyển qua xe khác về trước. Bây giờ xe mới sửa chữa xong quay về. Chiếc xe trống rổng dừng lại cho quá giang. 

Người bộ đội lái xe còn đủ tình người để thông cảm cho đám người bơ vơ giữa rừng đêm. Giang cám ơn và trả tiền cho cậu bé dẫn đường để cậu quay về nhà, còn ba người leo lên xe. Đến trại cải tạo Thoại đang ở, trời đã hoàn toàn tối mịt, sương đêm rơi xuống ướt lạnh bờ vai, người lái xe dừng lại cho ba người xuống. Giang không quên lục tìm gói thuốc thơm biếu, cám ơn anh đã giúp đỡ. Người bộ đội cười nói không có chi, chúc gặp người thân vui vẻ rồi từ giã phóng xe đi. Anh về sư, còn phải đi thêm một quãng nữa.  


Giang nhìn quanh. Bên tay phải ngay chỗ xuống xe, mấy dãy nhà lợp tôn. Là bộ phận khung (khung=ban chỉ huy một trại cải tạo thường cấp tiểu đoàn). Những tấm tôn mà kỳ thăm nuôi trước, Thoại đã kể cho nàng nghe: đó là những tấm tôn vấy máu anh em cải tạo. 


Số là khi còn ở tại trại tập trung cải tạo Trảng Lớn, trại tù này trước đây do sư đoàn 25 bộ binh Mỹ thiết lập, sau năm 1972, họ rút về nước đã trao lại cho sư đoàn 25 bộ binh quân lực VNCH sử dụng làm căn cứ. Sau tháng Tư 1975, quân chính quy Bắc Việt tiếp thu đã sử dụng làm một trong những trại tập trung cải tạo Sĩ Quan Miền Nam VN trình diện tại Sài Gòn và vùng phụ cận. Gần hai năm trời tại trại với rất nhiều biến chuyển, những ông cai tù, người từ phía bên kia nhìn thấy cảnh ‘phồn vinh giả tạo’ của miền Nam đã có rất nhiều sáng tạo. 


Khởi đầu là phong trào “tam đê” gồm có đài, đồng, đạp. Mỗi người phấn đấu để có một xe đạp làm chân, một đồng hồ trên tay và cái đài trên vai. Đó là thế hệ xã hội chủ nghĩa nhuốm màu tư bản sơ khởi. Khi phong trào đã lắng dịu thì đến chiến dịch “bốn vê”: vào, vơ,vét, về. Sau một thời gian vơ vét hết mọi thứ, kể cả những mảnh vụn kim khí từ những chiếc trực thăng, mang về cho một lực lượng lao động”chùa” khổng lồ, đám sĩ quan tù cải tạo giũa gọt, vẽ khắc, đánh bóng, làm thành những món quà quý giá như gương lược, kẹp trâm, những bộ điếu cày chạm trổ tinh vi. Đến cả những tấm ghi sắt lót làm sân bay cũng được gỡ sạch để phục vụ cho các “anh hùng cách mạng.” 


  Khi không còn gì để vơ vét, đêm nằm vắt trán suy nghĩ, nhìn lên nóc nhà họ thấy toàn là tôn. Hướng mắt về phía cửa sổ, bên ngoài là những bãi mìn phòng thủ nằm giữa những lớp kẽm gai, cỏ tranh mọc tốt cao quá đầu người. Lại suy nghĩ. Cỏ tranh này miền Bắc có lợp nhà thật tốt. Ở đây bọn Mỹ Nguỵ toàn lợp mái bằng tôn. Giời ơi! Nghĩ ra rồi, của ở trên đầu này chứ còn ở đâu nữa. Trong đầu của người cán bộ, những tấm tôn đã biến thành những hòm lớn hòm nhỏ, mai này đi phép mang về nhà thì quý vô cùng, tiện lợi lại bền hơn gỗ. Miền Bắc hiếm tôn thì chắc chắn có giá. Đúng là sáng tạo. Cụ Mác cụ Lê nói thì chẳng sai. Cám ơn các cụ. Nhờ tư tưởng của các cụ đã soi sáng cho đàn cháu biết tư duy. Bộ phận khung nhất trí soạn thảo kế hoạch. 


Chỉ tiêu được đề ra: thi đua lao động lập thành tích mừng sinh nhật ‘Bác’. Quyết tâm đạt được mười ngàn bó tranh. Sau khi đã cắt hết tranh phía trong trại, kể cả quanh sân bay cũng chỉ được một phần ba, bộ phận cho lệnh tiến công ra ngoài rào, tức đi vào khu vực có gài mìn bẫy. Tranh tai đây cao và rất dầy. Cắt được hết thì không phải tới mười nghìn, mà có thể năm bẩy chục nghìn cũng có dư. Còn mìn bẫy thì sao? Có người hỏi. Dễ lắm, thủ trưởng nói: bảo đám tù cẩn thận, vừa cắt tranh vừa để mắt cảnh giác một tí có sao. Chính trị viên tiểu đoàn còn mạnh miệng hơn: Bọn nguỵ quân nguỵ quyền tội ác ngập đầu, được tha chết đã may mắn nhiều. Chúng mình ngày trước còn gian lao nguy hiểm gấp vạn lần ấy. Rồi có sao đâu. 


Thôi. cứ thế mà làm. Lên giao ban nhận lệnh từ khung, anh em tù giật nẩy mình. Vài người đi vào bãi có sơ đồ, có dụng cụ dò mìn còn lo lắng, huống chi hàng mấy trăm con người hỗn độn đi vào lao động trong một vùng cỏ dầy chi chit che kín hết các dấu hiệu mìn bẫy, lẫn vào cỏ không nhìn thấy nhau, chết là chắc. Lệnh trên đưa ra không thể không thi hành, bị ghép vào tội nổi loạn, chống lại cách mạng tập thể cũng chết. 


Thi hành thì. Mọi người vô cùng lo lắng, cầu trời khấn phật sao cho tai hoạ không xảy đến cho mình. Thật ích kỷ nhưng trước một cái chết vô lý chắc chắn biết nói gì? Hậu quả của buổi sáng lao động hôm ấy thật kinh hồn: chỉ sau hai giờ làm việc, một tiếng nổ long trời lở đất, tám mạng người ra đi, không ai trong số còn nguyện vẹn thi thể. Sự sợ hãi lên đến cao độ khi nhận lệnh đi thu nhặt xác bạn bè tử nạn. 

Cũng may tiếng nổ làm quang đi vùng cỏ chung quanh. Buổi lao động được hủy bỏ. Sau ít ngày nghỉ ngơi cho công tác chôn cất những người xấu số, người sống sót lấy lại tinh thần, cán bộ khung vẫn tiến hành kế hoạch với một phương thức khác an toàn và nhân đạo hơn. Họ dùng xe chở đán người tù cải tạo đi về phía Cà Tum,Núi Bà. Ở vùng này có rất nhiều đồi tranh, xa xôi, tốn kém xăng dầu nhưng đỡ tốn máu.


Dù mở miệng ra là nêu cao chuyên chính vô sản, ca tụng sự tốt đẹp cũa con người xã hội chủ nghĩa, bản năng tham tư của cán bộ bộ đội ngày càng phát triển mạnh hơn. Càng ở lâu thì càng tham. Khi có lệnh chuyển trại lên rừng, các doanh trại được giao lại cho đơn vị khác, số tranh chưa cắt đủ thay thế tôn, nhưng tôn vẫn được tháo gỡ xuống hết để mang theo. Số tranh có sẵn được giàn trải ra thật mỏng cho đủ che kín mái. Vì vậy, khi hoàn thành, ở trong nhà không khác chi ở ngoài trời. Khi đơn vị mới tới, làm sao họ ở? Có anh ngứa miệng hỏi.


 Đó là việc của họ, cán bộ trả lời, dĩ nhiên, họ lại sáng tạo, lao động vinh quang là ở chỗ này. Tôn mang lên rừng để lợp mái cho bộ phận khung, để gò thành hòm lớn hòm nhỏ cho cán bộ. Làm nhà cho khung xong mới tranh thủ dựng trại cho anh em. Lại sáng tạo. Không có cỏ tranh, nhưng rừng có đầy tre nứa, lồ ô. Đốn tre đốn gỗ về dựng nhà, mái và vách lợp bằng nứa đập dập đan vào nhau thành những tấm phên. Đó là cảnh những ngày đầu mới lên rừng lao động. Thoại đã kể cho nàng nghe như thế. Nàng đã ngậm ngùi thương cảm những người bất hạnh và gia đình của họ. Những người thân mãi mãi không bao giờ trở về chỉ vì những tấm tôn chẳng đáng giá là bao.


 Giờ sau vài mùa mưa nắng, những tấm tôn lợp trên khung đã bắt đầu han rỉ, trông như một chứng tích đẫm máu của tám người bạn tù nằm xuống trên đất Trảng năm nào. Giang bước vào dãy nhà lợp tôn được gọi là bộ phận khung, hay ban chỉ huy trại để trình giấy tờ xin thăm nuôi đột xuất. Được biết thật bất ngờ là hầu hết anh em tù cải tạo đã có nhiệm vụ mới, được chuyển đến một vị trí sâu hơn phía trong cho công tác chuẩn bị xây dựng một nhà máy làm bột củ sắn (khoai mì) lớn nhất Động Nam Á Châu. Họ đã di chuyển cách đây hai ngày, chỉ còn một số ít anh em ở lại phụ giúp tháo gỡ (lại tháo gỡ) bộ phận khung mang đến vị trí mới. Hoàn tất xong sẽ đi sau. 


Họ cho phép gia đình nàng tạm trú ngụ trong khu nhà thăm nuôi gọi là nhà khách, đồng thời khuyến cáo hôm sau nên quay trờ về vì đợt thăm nuôi chính thức chưa đến. Thật đau lòng biết bao. Chịu đựng đũ mọi gian khổ cốt để gặp chồng lại không toại nguyện. Giang ôm con vào lòng mà khóc. Có lẽ trời còn thương. Một số anh em cải tạo còn ở lại thấy khu nhà khách có ánh lửa thì họ mò đến. May mắn hơn nữa, trong đó có Quang, người bạn lính cùng đơn vị với Thoại ngày xưa. Chính hai người đã cùng nhau đi trình diện cải tạo, do đó đang ở tù chung một trại. 

Quang sắp xếp chỗ ăn ở cho gia đình nàng. Cơm nước của tù chẳng có gì, ít bo bo và củ mì ăn với nước muối và lá tàu bay. Giang đem con xuống dòng suối rửa ráy qua loa. Nước suối lạnh như nước đá, dù bụi bám đầy người cũng chẳng tắm rửa nổi. Thấy bọn Quang loay hoay với nồi sắn luộc, nàng bảo Quốc lấy trong ba lô ra con gà rán sẵn thơm phức, gói xôi đậu xanh cùng ít bánh nếp mẹ chồng làm, bà biết Thoại thích bánh này của mẹ. - Mời anh Quang, các anh đến dùng cơm với chúng em. -

'
 Thôi chị ạ! Gia đình chị cứ tự nhiên đi, Quang nói. Tụi tui kham khổ quen rồi. Với lại, để phần cho thằng Thoại nữa chứ. Vợ con lên thăm mà không có gì nó buồn chết. - Đừng ngại các anh ạ! Các thứ này Giang mang theo để dùng trong ngày thôi. Đến mai sẽ thiu thối hết. Các anh ăn thì cũng như anh Thoại thôi. Ảnh không được ăn là tại số ảnh xui không có mặt hôm nay. 


Vả lại, em có ít thuốc men và đồ khô, không gặp được chồng thì có lẽ phải nhờ mấy anh chuyển đến giùm. Quốc ơi! chị có mang cà phê trong túi, em mang ra pha mời các anh uống đi em. Quang và các bạn không khách sáo nữa. Tất cả cùng ngồi xuống vừa hỏi thăm chuyện thành phố, tin tức bên ngoài, vừa thưởng thức cái bùi của nắm xôi, miếng thịt gà vừa béo vừa thơm. Thích nhất vẫn là hương vị của ly cà phê đen thật đậm kèm theo điếu thuốc thơm ấm cúng. Nước sôi nấu trong hộp qui gô có quai xách, vợt lọc cà phê làm bằng bao cát, vẫn không kém phần thú vị giữa cái lạnh núi rừng. 


Tin tức vẫn chẳng có gì lạ. “Vũ như Cẫn” Thời gian như ngưng lại. Đời sống khó khăn hơn. Mọi việc ngày càng xấu đi. Quang thấy mẹ con nàng lặn lội thật vất vả mới lên được tới đây mà không gặp đuợc chồng thì quá tội nghiệp. Anh nhất định cùng các bạn bàn cách để hai người gặp gỡ nhau. Họ bàn thảo một hồi. Cuối cùng đi dến quyết định. Ngày mai Quang thức dậy thật sớm, khoảng bốn giờ sáng đi lên trại mới. Đường đất khá xa, đi và về cũng mất hơn ba giờ. 


Quang sẽ báo cho Thoại biết có gia đình lên thăm. Trại mới chưa có nhà cửa rào dậu gì, chắc chắn mọi người đang trong công tác chặt cây, lấy gỗ về làm nhà. Quang bảo: - Tao sẽ ráng đi nhanh chân để về sớm trước giờ lao động. Tuy nhiên, lỡ có về muộn chút đỉnh thì tụi bay tìm cách bao che. Được rồi, chị Giang chuẩn bị ngay một mớ đồ dùng vào ba lô tôi mang đi trước cho Thoại. 


 Riêng chi sau tám giờ lên khung xin lấy lại giấy tờ, cho họ biết không gặp được chồng, chị quay trở về nghe không? Nhớ làm sao đừng để họ nghi ngờ và đoán biết kế hoạch của chúng ta, lôi thôi lắm. Sau đó chị giả vờ đi ngược trở về phía Minh Hưng. Khi đã đi xa thoát khỏi tầm mắt của họ, tôi sẽ đón chị đi vào rừng, chúng ta dùng lối mòn mà chúng tôi thường đi lao động ở phía sau trại, khoảng chừng hai cây số lại trổ ra con lộ lớn. Tới đây đã khá an toàn.Tôi đưa chị đi thêm một quãng đường nữa rồi quay trở lại. Chị cứ tiếp tục đi tiếp. Trong khi Thoại ở đầu bên kia đi ngược trở lại. Trên đường đi, chị sẽ gặp một trại cũ, anh em cải tạo đã dơì đi, bây giở trở thành một đơn vị sửa chữa công xa. Bộ đội đóng ở đây ít khi hỏi han tới tù cải tạo, dường như họ không có nhiệm vụ với tù. 


Sát lề đường gần cổng trại này có một quán nước gọi là căng tin. Chủ quán là người dân thường được phép đến làm ăn liên hệ với bộ đội, thỉnh thoảng tiếp cả khách cải tạo nếu ai có dịp đi qua., bộ đội cũng không ngăn cấm. Chị vào quán ngồi uống nước quay mặt ra đường. Ai hỏi chuyện cứ bịa đại là thăm chồng đi nghĩa vụ. Khi nào Thoại đi qua, nó liếc vào quán sẽ thấy chị ngay. Tôi sẽ dặn nó khi đi qua quán, nhìn thấy chị rồi cứ tiếp tục đi thẳng. Chờ cho Thoại đi xa khoảng hơn trăm mét, chị hãy trả tiền rồi ra khỏi quán đi theo. Làm sao để nếu có người ngồi trong quán lúc đó không nghi ngờ. Ở một vườn sắn thật rậm rạp um tùm cách đó khoảng nửa cây số có một cái chòi nhỏ nằm rất sâu bên trong. 


Cái chòi do bọn tù cải tạo chúng tôi dựng lên tránh mưa nắng khi đi lao động, bây giờ bỏ hoang, có sửa sang lại để làm điểm hẹn bí mật cho những chuyện thăm nuôi đột xuất như vầy. Chòi nằm giữa rẫy nên rất kín đáo. Thoại sẽ đón chị vào đó. Nhớ đừng để ai nhìn thấy chị gặp Thoại. Cũng nhớ nhìn trước nhìn sau truớc khi bước vào bìa rừng. Bây giờ bọn mình về trại cho chị và cháu nghỉ ngơi. Cố làm theo đúng kế hoạch. Bây giờ chị đưa ba lô hành lý đây tôi mang đi truớc. Quang và các bạn chào tạm biệt ra về. Kế hoạch được tiến hành như dự định. Quang báo cho Thoại biết trước và trở lại kịp giờ lao động, rồi đưa gia đình Giang đi vào lối mòn tắt trong rừng. Sau đó ra lộ đi kèm thêm một đoạn nữa rồi phải từ giã. 

Hai chị em tiếp tục con đường. Thằng Quốc dường như qua một ngày vất vả hôm trước, không còn bao nhiêu sức, Giang phải chia bớt túi đồ cho nó, trong khi vẫn phải trông chừng con. Đường đồi lên đèo xuống dốc thật khổ. Đi vài chục bước lại phải dừng lại thở. Mãi rồi cái quán bên đường cũng hiện ra. Mừng vui hiện lên khoé mắt, Giang dẫn em và con vào giải khát, nghỉ ngơi, chờ chồng. Bên trong có mấy người bộ đội ngồi uống nước trà hút thuốc đưa đẩy cười nói với cô gái bán quán trông còn rất trẻ. Thấy bọn Giang bước vào, họ ngưng nói, mắt hướng về nàng có ý nghi ngờ. Nhưng họ không nói gì. Giang ngồi vào cái bàn ngay cạnh cửa, giả bộ chăm sóc con ăn uống.


 Kỳ thực, đôi mắt cứ liếc nhìn ra đường trông ngóng. Thỉnh thoảng, một hai người tù cải tạo ăn mặc rách rưới, trông thật tang thương, trên tay ai cũng có một dao rựa lớn đi lướt qua nhưng không phải Thoại. Ngồi đã khá lâu, nàng cảm thấy bồn chồn. Đám bộ đội cũng đã bỏ đi. Đến lúc ấy, Thoại mới chợt hiện ra, cũng áo quần rách bươm, cũng con dao rựa trên tay. Anh liếc nhẹ vào quán rồi tỉnh bơ đi thẳng. Quốc thì thầm: “Ảnh tới rồi đó, chị thấy chưa?” - Thấy rồi! Đừng nói gì hết. Để anh đi một quãng xa đã, kẻo tụi nó nghi. Nhìn thân hình tiều tuỵ trong bộ đồ ăn xin của chồng, Giang thật mủi lòng. 


Những kỳ thăm nuôi chính thức trước dù sao cũng còn khá tươm tất. Lúc này đang giờ lao động, phải ăn mặc như người đi lao động không thì lộ chuyện. Thật là buồn. Vợ lên thăm chồng mà gặp nhau không dám gọi. Nàng muốn bật khóc mà không dám, chỉ đưa nhẹ khăn tay lên lau mắt như có hạt bụi vướng vào. Ôi! Có thời đại nào người hãi sợ người như cái thời đại này. Vợ chồng thân yêu đầu ấp tay gối, gặp nhau phải làm ngơ như người xa lạ. Chờ cho Thoại đi khuất, nàng mới trả tiền bước ra khỏi quán. Tính đi ngược lại với hướng của Thoại một đoạn rồi mới băng rừng trở ra như dự tính, nhưng sao chân lại cứ theo bước chân chàng. Thì, một liều ba bảy cũng liều, đến đâu hay đến đó.  


Thoại dường như cũng không kiềm chế nổi tình cảm, anh đã quay lại, đến gần vợ con, nắm lấy cái túi xách trên vai nàng kêu khẽ: - Em! Con! Giang thổn thức: “ Anh ơi!” rồi nước mắt tuôn rơi. Thoại vội lên tiếng an ủi: - Đừng khóc, tụi nó nghi ngờ là khổ cả lũ. Để anh xách túi đồ đi trước vào vườn sắn. Em cứ thế mà đi theo nhé! Rồi anh bỏ đi trước. Vườn sắn bỏ hoang, cỏ dại cao hơn đầu người mọc chằng chịt xen lẫn với cây sắn. Đang cố vạch đường tìm vào cái chòi giữa vườn, anh bỗng giật nẩy mình dừng lại. Loáng thoáng có tiếng người ở phía chòi. Hoá ra là mấy tay bộ đội đi săn. Bọn họ lần theo dõi dấu heo rừng về đào phá củ mì và tìm ra cái chòi. Thật là tiện cho họ, có chỗ để ẩn nấp rình mồi.


  Thật may, Thoại nghĩ, gia đình mình chưa vào tới, không thì đã lộ tẩy. Không thể dùng chòi được nữa. Anh quay lui lại bảo Giang đừng tiến vào sâu nữa. Đáng buồn, vợ con lên thăm mà không có một nơi chỗ yên ổn để mừng rỡ, thăm hỏi, nói gì đến san sẻ tình nghĩa yêu thương. Đưa nhau đi đâu bây giờ? Trở lại căng tin, mỗi cách ấy. Vừa đi vừa nói chuyện. Anh dặn nàng nếu bị tra hỏi cứ trả lời túi xách nặng quá nhờ anh mang hộ nên đãi anh ly nước, hai người không có quan hệ, Một tên bộ đội chạy đến trước mặt anh lên tiếng hạch sách rất hách dịch như muốn ra uy: - Anh kia là cải tạo phải không? 


Đang giờ lao động sao lang thang ở đây? Có phải móc nối với gia đình thăm nuôi lén lút chứ gì? Thoại tránh tiếng. Anh đưa con dao rựa ra trước mặt: - Tôi đang đi lao động trong rừng kiếm cây về làm cột. Gặp chị ấy con nhỏ lãi mang xách nặng nề nên giúp một tay, chứ không có liên hệ. Giang cũng đỡ lời: - Em lên sư đây cán bộ ơi! Sắp tới sư chưa? Cán bộ chỉ giùm. Đang mang xách nặng quá chưa biết làm sao thì có anh này giúp mang hộ. Tính lại quán mời ảnh cốc nước trả công ý mà! Anh chàng bộ đội được người đàn bà gọi là cán bộ, ra vẻ mát lòng đổi thái độ: - À cũng sắp tới rồi, đi vài quãng nữa thôi.


 Chị có cần tôi giúp một tay? - Thôi, gần tới rồi thì không dám làm phiền cán bộ. Hắn bỏ đi miệng lầm bầm: “cha nào trên sư tốt số thế! Cứ như múi mít ấy”. Thoại không nói gì, nhìn chăm chú vào ly nước trên tay. Chờ hắn đi xa, anh nói nhỏ: - Đi đâu cũng gặp kỳ đà cản mũi, chán thật. Trong quán này tai vách mạch rừng, nói chuyện nguy lắm. Thôi mình đi ra, vừa đi vừa nói chuyện được đâu hay đó. Thuốc men đồ dùng Quang đã đưa cho anh rồi. Gặp nhau lén lút thật bất tiện. Bố mẹ ra sao? Cả bố mẹ em nữa? 


Quốc lớn bộn ha?Làm ăn thế nào? Cho anh gửi lời thăm hỏi sức khoẻ mọi người. Nói ông bà cứ yên tâm, anh sẽ ráng giữ gìn sức khoẻ, ráng sống để về với em và con, với gia đình. Thôi, đưa em và con về. Có ở thêm cũng không gặp gỡ nói chuyện được. Theo anh biết, hàng ngày quán này có chuyến xe ra vào thị xã, không biết phía Minh Hưng hay Đức Hạnh. Em thử lại điều đình với chủ quán xem sao? - Đã lâu không gặp anh. 


Chưa nói với nhau gì hết đã bảo đi về? Anh đau ốm ra sao?Nói thật cho em biết để em liệu. Giang khóc, “Chả lẽ vừa gặp nhau đã từ biệt ngay?” - Đành chịu vậy! Hoàn cảnh này em biết. Anh thèm muốn được ôm em và con vào lòng một chút mà đâu dám. Tụi nó bắt gặp là cùm chân biệt giam, khổ vô cùng. Em hãy về. Chủ yếu mang thuốc men đến được tay anh để có hy vọng chống chỏi bệnh tật, mới có ngày về với em. Thôi chịu thua số phận đi, đợi dịp thăm nuôi chính thức mình gặp nhau lâu hơn. 


Nói bố mẹ đừng lo lắng thái quá. Anh nhất định sẽ trở về. Thoại đã nói thế, Giang còn biết nói sao. Nàng đứng dậy trả tiền, tiện thể hỏi thăm về chuyến xe hàng sắp tới để xin đi theo. Sáng mai mới có. Vậy lại phải cuốc bộ ra thị xã chiều nay. Giữa rừng, chỗ đâu mà trú.Mọi người kéo nhau ra khỏi quán. Đi bộ một quãng,nhìn chung quanh vắng lặng không có ai, Thoại choàng tay qua vai vợ hôn nhẹ lên mái tóc đượm mùi cháy nắng của nàng, ghì vội con vào lòng thì thầm với nó: Xuân con ơi! Ba nhớ thương mẹ và con thật nhiều. Con lên thăm mà ba không thể nói chuyện với con ba thật đau lòng. 


Thôi con về nhớ ngoan ngoãn cho mẹ vui nghe không? Nói với ông bà nội ngoại là ba nhớ ông bà lắm. Mi tạm biệt ba cái coi nào! Thằng bé còn đang ngẩn ngơ dãy dụa trên tay anh, người đàn ông đối với nó vẫn còn xa lạ, gầy gò, rách rưới, lôi thôi như người ăn xin nó thường thấy ngoài chợ. Ông lại còn ôm mẹ con nó vào lòng. Chưa kịp cất tiếng khóc, bỗng dưng xuất hiện lù lù hai người bộ đội, một người hai mẹ con mới gặp lúc sáng. Anh này quắc mắt lên: - A ha! Láo lếu thật. Lũ nguỵ dám qua mặt cách mạng. Vậy mà chúng nó bảo là không có quan hệ. Tội lừa dối nhân dân, lừa gạt nhà nước nặng lắm có biết không? Đúng là bản chất Mỹ Nguỵ khó mà gột rửa. Cần phải cho đi cải tạo mút chỉ mới sáng mắt. 




Cách mạng đã cách ly gia đình để tạo cơ hội yên tâm học tập, mà còn lén lút móc ngoặc với nhau. Này anh kia! Vi phạm nội qui của trại là mang tội có âm mưu chống đối cách mạng, không thành tâm hối cải… Hắn còn đang thuyết giảng, Thoại vội buông thằng bé xuống đất, quay qua nói nhanh với vợ, “Kiếm đường về đi”, rồi chụp vội con dao dưới chân nhãy phắt vào buị rậm trước mặt. Giang ôm lấy con, cùng đứa em trai đứng ngơ ngác, bơ vơ giữa con đường đất đỏ bụi mờ. Thoại có lủi kịp không? Về trại có sao không? Còn nàng, con nhỏ trên tay, về đâu đêm nay giữa núi rừng bao la với sương đêm lạnh buốt?






QD *ÔNG ĐỊA CỦA CHỊ QUYÊN

ÔNG ĐỊA CỦA CHỊ QUYÊN


Nhóm kỷ sư đìện chúng tôi được gọi là nhóm 787 (787 là model máy bay mới của hãng Boeing), khi nhóm này từ Seattle chuyển về Long Beach thì tôi đã nghe các bạn cùng sở đồn đãi về một phụ nữ ngưòi Á Châu có tục lệ “cầu nguyện” thần linh hàng ngày trước khi bắt đầu làm việc. 
 Đám bạn Mỹ của tôi đồn rằng chị ta có một khu vực nhỏ ngay tại bàn làm việc để thờ phượng “đấng huyền bí tối cao” của chị. Người ta méc tôi rằng thần thánh của chị là hình tượng nho nhỏ của một ông già to béo bụng phệ, nét mặt hiền lành, miệng cười thoải mái mà chị luôn miệng gọi là “Ông Địa”. ua lời các bạn tôi kể lại về phong tục kỳ lạ của ngưòi phụ nữ Á Châu này, khó khăn lắm tôi mới đoán ra là có một người phụ nữ Việt Nam nào đó lập bàn thờ “Ông Địa” tại bàn làm việc của chị ấy.
 Khi người Á Đông chúng ta kính cẩn gọi là ông Địa thì đám bạn Mỹ của tôi lại đọc với âm thanh lệch lạc kể lại với tôi rắng chị khấn vái một ông thánh nào đó có tên được phát âm như ..”Ong Ỉa”…Nghe tên đó tôi bật cười. Thấy tôi cười các bạn cũng khoái chí cười theo. Các bạn tôi cười vì phong tục lạ đời còn tôi buồn cưòi vì lối phát âm độc đáo. Chị Việt Nam nào đó mà biết người ta gọi “Ông Địa” thiêng liêng của chị thành Ông “Ỉa” thì không biết chị ta sẽ phản ứng ra sao?
 

QD – Hình chụp năm 1977 sau 12 ngày lênh đênh trên biển và mới đến trại tị nan Hồng Kông được 3 ngày
Tôi nghe câu chuyện bàn thờ Ông Địa từ lâu nhưng chưa bao giờ biết các chi tiết cho đến một ngày đầu năm ngoái khi chương trình máy bay dân sự 787 bị đình trệ và nhóm Manufacturing Engineer do tôi quản lý dọn về building 801 tại Long Beach, California để hổ trợ cho các kỷ sư 787. Dọn về chỗ làm mới tôi chẳng ưng ý tí nào vì rất bất tiện. Từ văn phòng làm việc đến nhà vệ sinh và ngay nhà ăn cũng đều xa lạ, nội việc đi tìm mua một ly cà phê cho buổi sáng cũng phải mò mẩm mất hết cả ngày giờ.
Buổi sáng ngày đầu tiên làm việc tại building mới, cầm ly cà phê tôi băng qua các khu văn phòng để tìm đưóng xuống câu lạc bộ. Chợt nghe bên tai vang lên một giọng nói thật trầm bỗng của một phụ nữ Việt nam, vừa tiếng Anh pha với tiếng Việt, giọng nói miền Nam thật quen thuộc.
“Lạy ông Địa, hôm nay Quyên cúng nải chuối, cúng ly cà phê sữa, cúng một ổ bánh mì Ba Lẹ và cúng luôn trái cam tươi! Hôm nay là thứ hai ngày đầu tuần, công việc chúng con rất bận rộn nhưng chúng con xin ông Địa cho chúng con được bình an, xin ông Địa cho mấy ông QA Inspector (nguời kiểm soát kỷ thuật) không làm khó dễ chúng con. Nghe đồn bên mấy nhóm khác bắt đầu cho thôi việc vì ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. Bọn chúng con có mấy đứa Việt Nam quèn xin ông Địa bảo vệ cho. Nếu có lay-off thì Ông Địa cho Lay-off mấy thằng Mễ hay mấy con Mỹ trắng..Lúc này mà bị lay-off thì cuộc đời tan nát hết, xin Ông Địa phù hộ, trăm lạy Ông Địa , ngàn lạy Ông Địa..”
Đang đi nhanh qua những văn phòng, nghe lời khấn vái tôi không nhịn được tính tò mò nên dừng lại và nhìn vào khu văn phòng bên cạnh. Thật bất ngờ, một cảnh tượng mà suốt 25 năm làm việc cho Boeing tôi chưa bao gìờ thấy qua. Trên bàn giấy làm việc ngổn ngang các họa đồ kỷ thuật (Blue Prints), các hoạch đồ của kỷ sư (Engineering Orders) bên góc bàn là một bàn thờ nho nhỏ. Giữa bàn thờ đúng như các bạn người Mỹ mô tả là hình tượng của ông Địa, nhỏ cở một nắm tay, da trắng trẻo bụng phệ với nụ cười thật tươi thật yêu đời. Trong cùng bàn thờ , dán trên vách là một tấm Bài vị. Trước mặt ông Địa là một hủ gạo, hủ muối và một ly nước đầy .
 Giữa bàn thờ là một bát nhang, bát nhang không có nhang, bên cạnh có một ly cà phê, một ổ bánh mì và một trái cam. Nhìn thoáng qua nhưng tôi biết ngay sự bố trí rất là trang nghiêm và kính trọng. Đồi diện bàn thờ là một phụ nữ với mái tóc dài xỏa ngang vai đang lầm thầm khấn nguyện. Nhìn cảnh tượng này tôi thật sự xúc động. Cả một trời Tây và Ta hòa hợp. Ông Địa của Việt Nam đang tươi cười bên cạnh các họa đồ của chiếc phản lực cơ hiện đại nhất thế giới 787. Chiếc máy bay mang tất cả những kỷ thuật tân tiến nhất thế giới của loài người hiện đại.
Như có cảm giác bị người ta nhìn lén, người phụ nữ đột nhiên quay đầu nhìn lại, khi chị nhìn thấy tôi, mặt chị đỏ bừng. Hôm đó là lần đầu tiên tôi biết chị Nguyễn Thị Quyên.
Kỷ sư chương trình 787 của hãng Boeing rất đông tại nhiều nơi khác nhưng nhóm kỷ sư Việt Nam chính thức làm việc cho chương trình 787 tại Long Beach thật ra không bao nhiêu người.


Chị Quyên, Ann Bui, Tony Lưu và tôi là người quản lý và phụ giúp kỷ thuật từ chương trình vận tải cơ quân sự C-17 mới đổi qua để tiếp ứng vì công việc quá nhiều. Vì là nhóm quá nhỏ nên việc kết bạn của chúng tôi thật dễ dàng. Thường thì chúng tôi hẹn nhau xuống câu lạc bộ (Cafeteria) ăn trưa và tán gẩu. Ann Bùi và Tony Lưu tuổi khoảng 40 còn chị Quyên thì tôi không hỏi tuổi nhưng đoán khoảng chừng gần 60, vì tất cả mọi ngưòi đều kêu “chị” nên tôi cũng gọi chị là “chị Quyên”. Chị Quyên xưng chị, xưng em với tất cả mọi ngưòi và có lẽ không biết tuổi hơn con số 60 của tôi chị cũng xưng “chị Quyên” với tôi.
Trong giờ ăn trưa với nhau, chúng tôi thường trêu chọc chị về chuyện cầu Ông Địa. Những lúc đó, chị với nét mặt thật nghiêm nghị giảng thao thao bất tuyệt về sự linh thiêng của Ông Địa. Theo chị Quyên, “Thổ Công hay Ông Địa là một vị Thần được dân gian thờ cúng rất quan trọng. Vì vị Thần nầy trông coi gia đình, dự định họa phúc. Trong gia đình muốn được bình an, và công việc làm ăn muốn được sung túc, tất cả đều do Thần Ông Địa trông coi và phò hộ. Thần Ông Địa đem lại tài lộc cho mọi người. 
Đây là một tập quán tín vọng, xưa bày nay theo, cứ thế mà thờ, còn việc linh ứng có không tùy ở nơi người tin. Mỗi lần chị thuyết giảng về Ông Địa tôi thấy trong giọng nói, trong mắt chị thấp thoáng một nỗi buồn man mát. Trong ánh mắt đó tôi thầy có một uẩn khuất sự đau khổ mà dường như chị không muốn nói tới. Cho đến một buổi chiều vào cuối tháng Tư năm ngoái, vì công việc nhiều quá tôi phải ở lại làm thêm gìờ và tình cờ tôi bắt gặp chị đang ôm một tấm bài vị thờ Ông Địa với đôi mắt đỏ hoe. Hơn một giờ trò chuyện, trong cơn xúc động, chị Quyên kể cho tôi nghe câu chuyện thật đau lòng của chị hơn 30 năm về trước.
“Năm đó…năm 1977, cả nước nhất là miền Nam Việt Nam đói khổ lắm. Đối với dân ở thành phố Vũng Tàu như gia đình Quyên mà chính phủ gán cho thuộc thành phần có lý lịch “Ngụy” thì càng khó khăn hơn nữa. Thức ăn chính là hạt bo bo trộn với khoai sắn mà cũng không có đủ tiền để mua. Bao nhiêu vốn liếng tiền bạc dành dụm sau ngày cưới Quyên bán hết để lo cho anh Tuấn ra khỏi trại cải tạo. Tội nghiệp mẹ chồng của Quyên, bà hy sinh bán luôn căn nhà phía trước mà trước đây dùng làm nhà thờ tổ tiên để lo cho anh Tuấn và dự định là có dư chút tiền mua được một chiếc xe Honda cũ để anh chạy xe thồ kiếm sống cho cả gia đình hàng ngày.
Ngày đi đón anh Tuấn về nhà cũng là ngày cán bộ nhà nước đến từng nhà kêu gọi dân Vũng Tàu hợp tác với nhà nước trong chương trình “Kinh Tế Mới”. Mặc kệ họ la gào kêu gọi và kể cả hăm dọa Quyên gặp lại chồng sau mấy năm cách biệt, mừng như cuộc đời đưọc tái sinh. Nước mắt cho sự xum họp sao mà thấm thiết. Chỉ hai năm xa cách chồng mà Quyên cứ tưởng như là cả thế kỷ. Ngày xưa, anh Tuấn là một sĩ quan tốt nghiệp từ Võ Bị Đà Lạt, mỗi khi về phép anh thường đùa với Quyên khi nghe Quyên hát bài thơ Màu Tím Hoa Sim. “Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu”, anh nói với Quyên làm gì có chuyện vớ vẫn chồng mất vợ đó. Anh và Quyên sẽ sống với nhau trên trăm tuổi, con cháu đầy đàn… đám cưới chưa đầy 2 tháng thì tháng Tư định mệnh 1975 đã đến và anh đi học tập từ đó…
Ngay ngày đầu tiên khi anh Tuấn được phép về lại với gia đình là Quyên đã thấy sự thay đổi nơi chồng mình. Ngoài vóc dáng ốm và đen đủi bên ngoài, anh Tuấn trở nên lầm lì ít nói. Ngày xưa anh nói nhiều chừng nào thì bây giờ anh lại ít nói chừng đó. Thỉnh thoảng anh cứ nhìn về phiá Tây Ninh nơi anh đã bị cải tạo hơn 2 năm và ngâm nho nhỏ mấy câu thơ thật buồn:
“Chim buồn, chim bay về núi
Cá buồn, cá chúi xuống sông
Người buồn, ra ngõ đứng trông
Ngõ thì thấy ngõ,
Người không thấy người!”
Anh ngâm thơ với giọng nghẹn ngào chẳng đúng như anh Tuấn rắn rỏi ngày xưa của Quyên. Quyên hỏi anh nhớ ai vậy, có phải nhớ cô nào không thì anh chỉ lắc đầu. Một đìều thật lạ là cứ mỗi ngày vào khoảng 5 giò sáng là anh thức dậy. Ra ngoài sân sau và 10 phút mới trở vào. Mấy ngày liên tục như vậy, Quyên tò mò len lén rình theo chồng xem thử anh dậy sớm làm gì ngoài đó. Quyên thấy anh đang lom khom qùy lạy một cái bàn thờ Ông Địa nho nhỏ mà anh tự lập ra hồi nào không ai biết. Trên bàn thờ vỏn vẹn có một đìếu thuốc đang bốc khói và anh khấn nguyện nho nhỏ:
“Con lạy ông thần, con lạy ông thần ban phước lành cho gia đình con đừng khổ nữa. Cho Hưng được siêu thoát và ..”.
Trong bóng tối tay Quyên run run đụng vào cánh cửa làm bật tiếng động, anh Tuấn vội im bặt và quay lại nhìn Quyên. Thấy Quyên anh ngượng ngùng và dang tay ôm gọn Quyên vào lòng, Anh bắt đầu kể lại chuyện tù đày của anh hai năm qua. Câu chuyện anh kể làm cả hai cùng khóc. Anh chỉ cho quyên bức tượng Ông Địa anh làm bàn thờ và nhắc đến người bạn cùng tù cải tạo tên Hưng đã hy sinh chết thay cho anh trong lần cả bọn trốn tù cũng là tác giả bài thơ mà anh hay thường ngâm một cách buồn bã.
Nghe anh kể mà Quyên không cầm được nước mắt, những đoạn đường anh đã đi qua đúng là địa ngục của trần gian. Buổi sáng vào rừng đốn cây để khai phá đất cho vùng “Kinh Tế Mới”, buổi trưa theo đoàn đi làm nhiệm vụ gỡ mìn, tối về thì học tập. Chính phủ khoan hồng cho các anh sống nhưng không cho các anh ăn. Các anh phải tự túc tìm cách mưu sinh, tự tìm cách làm ra thức ăn để sống. Sĩ quan cấp Trung Úy đúng ra anh chỉ cải tạo có 6 tháng hay 1 năm mà thôi nhưng đa số anh và các bạn kéo dài trên hai năm vì lý do tư tưởng không được “khai thông” sớm. Riêng anh thì bị thêm tội trốn trại cải tạo. 
Từ Tây Ninh anh cùng 3 người bạn nhân chuyến chở gỗ rừng làm cầu để hổ trợ cho chiến tranh lúc đó đang lan tràn bên xứ Miên, anh và các bạn trốn trại thoát được vào rừng hơn 7 ngày đêm. Dự định là trốn qua xứ Thái nhưng thay vì đi Thái Lan các anh đi lạc vào khu vực cắm trại của lính Miên. Họ đánh đập các anh rất tàn nhẫn và giao lại cho bộ đội Việt Nam. Trong những người trốn tù cải tạo có Trung úy Hưng, anh ta độc thân nên vì bạn đã hy sinh cho những người có gia đình, anh Hưng nhận hết tội tổ chức vượt tù. Anh Tuấn chồng Quyên bị đánh gãy xương chân và bị bắt nhịn đói 3 ngày.
 Anh Hưng bị đánh nát tay chân, lôi ra treo giữa cột cờ bỏ đói để làm gương cho những ngưòi dám chống đối . Anh Hưng hy sinh vài ngày sau đó, trước khi mất anh giao lại hình Ông Địa cho anh Tuấn nhờ anh giao lại người em gái tên Thu. Về được Sài Gòn anh Tuấn đi tìm Thu thì được biết cô này đã di tản ra nước ngoài từ lâu rồi. Anh Tuấn nói với Quyên rằng niềm tin đã bùng dậy nơi anh khi anh cận kề với cái chết. Ông Địa bây giờ là niềm tin là thần thánh tối cao trong cuộc đời còn lại của anh.
Sau năm 1977, Vũng Tàu cũng các thành phố khác tại Việt Nam bị nạn đói hoành hành. Anh Tuấn thay đổi tính tình rất nhiều. Từ một người lanh lẹ hoạt bát và gan dạ anh trở nên lầm lì và nhút nhác sợ hãi mọi điều. Anh tránh né mọi người và như sống cho thế giới riêng anh. Có lúc Quyên bắt gặp anh ngồi tư lự hàng giờ và thường lẩm bẩm một mình như người mất trí. Thương chồng vô cùng nhưng Quyên chỉ biết âm thầm khóc chứ đâu biết làm gì hơn.
 Ngưòi ta nói anh bị ngãi Miên làm mất trí cần phải có bùa của người Miên ở mãi tận Châu Đốc mới trị được. Quyên nghe thì biết vậy chớ ăn còn không đủ cho đời sống hàng ngày lấy tiền đâu mà trị bịnh cho chồng. Hàng ngày, giao cho anh chiếc xe Honda để đi thồ kiếm sống, anh Tuấn cũng đi nhưng ra ngồi bến xe rồi cứ trầm ngâm, mơ màng đọc nho nhỏ bài ca “Chim buồn, chim bay về núi, Cá buồm, cá chúi xuống sông. Người buồn, ra ngõ đứng trông”, sáng đi chiều về anh không có lấy được một người khách nào hết. Trước khi nhập ngũ, anh Tuấn là sinh viên trường kỷ sư Phú Thọ. Quyên là sinh viên trường đại học Khoa Học. 
Mớ vốn liến kiến thức của gia đình Quyên không đủ để thuyết phục chính quyền đương thời giúp cho một công việc làm. Không ai cho gia đình “Ngụy” một công việc nào hết, và cứ như vậy gia đình Quyên phải bán hết đồ trong nhà để mua gạo sống hàng ngày. Ngày Quyên đem bộ đồ cưới đi bán, anh Tuấn không nói năng chi chỉ nhìn Quyên bằng ánh mắt buồn vời vợi và tối hôm đó rủ Quyên đi biển dạo mát. Lâu lắm rồi mới có dịp cùng chồng ra biển, cũng lâu lắm rồi Quyên mới tìm thấy một chút hạnh phúc bên chồng.
Vũng Tàu có những bãi biển lý tưởng để nghĩ mát mà thiên nhiên đã ban tặng như Bãi Trước và Bãi Sau, anh Tuấn và Quyên thường đi Bãi Trước. Cũng tại nơi bờ biển này, Quyên gặp và yêu anh, tình yêu tuyệt vời của thời sinh viên đại học trước khi anh Tuấn theo lệnh động viên và nhập ngủ. Bãi Trước còn gọi là bãi Tầm Dương do có thể ngắm mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều. Bải Trước có những hàng dừa chạy dọc theo bờ biển và giống như một vịnh nhỏ ít sóng, bãi cát dài phẳng và có hình vòng cung khá đẹp. Tay trong tay, anh Tuấn và Quyên, hai đứa như thường lệ mua hai trái bắp vừa đi dạo trên cát vừa gặm từng hạt bắp ngọt liệm và thơm lừng. 
Trong cơn xúc động, Quyên nói nhỏ vào tai anh, báo cho anh biết Quyên đã có thai hơn ba tháng. Đứa con đầu lòng của Tuấn và Quyên. Anh cũng xúc động không kém, xiết chặt Quyên trong vòng tay rắn chắt của anh. Anh không nói gì hết nhưng trong ánh mắt của anh, Quyên thấy cả một bầu trời của sự vui mừng lẫn lo âu.
Chương trình vận động đi Kinh Tế Mới của chính phủ “ưu tiên” cho những gia đình có người mới cải tạo được trả về làm Quyên lo lắng vô cùng. Nhà thì hết gạo, Quyên phải chạy về nhà mẹ vay mượn từng bửa mà khổ nỗi nhà mẹ Quyên cũng nghèo tả tơi ăn cũng không còn đủ thì làm gì giúp Quyên được. Nhìn cái thai, đưá con mình càng càng càng lớn nhưng vì không đủ ăn làm gì có đủ chất dinh dưỡng cho con, Quyên đau đớn âm thầm chỉ biết khóc. Riêng anh Tuấn không biểu lộ sự lo lắng gì hết. Sáng sớm là anh và vài người bạn cứ cầm cần đi câu cá. 
Hết Bãi Trước rồi đến Bãi Sau mặc kệ ông tổ trưởng dân phố hàng ngày đến tìm anh để hỏi về việc “trình nguyện” xây đựng vùng kinh tế mới. Anh làm việc gì coi bộ rất bí mật, có lúc anh đóng cửa phòng cả ngày không ra bên ngoài. Cho đến khi anh và các bạn đem những bình xăng thật lớn về chất đầy trong nhà thì anh mới cho biết là anh đang chuẩn bị đi làm ăn xa. Vài ngày sau đó anh mới cho Quyên biết là anh và các bạn tính tổ chức vượt biển đem gia đình đi ra nước ngoài tị nạn chính trị. Đến lúc này thì Quyên thấy anh trở nên hoàn toàn tỉnh trí. 
Người chồng đức độ và đầy đàn ông tính của Quyên đã trở lại bình thường. Hàng đêm, hai vợ chồng Quyên thao thức trong những ước mơ thật đơn giản. Ra nước ngoài, anh sẽ tìm việc làm tạm sống và đi học trở lại. Vợ chồng Quyên cầu nguyện ơn lành nuôi dưỡng cho con và lo cho con học nên người. Gia đình Quyên sẽ sống một đời sống không còn thiếu ăn, thiếu mặc, không còn chiến tranh và hận thù, không còn bị kềm kẹp mất tự do căn bản của con người.
Hơn một tháng trời nghiên cứu và thào luận với Mẹ anh Tuấn, gia đình Quyên quyết định đăng ký đi làm ăn tại vùng kinh tế mới Gia Kiệm. Anh Tuấn tin rắng chỉ có cách đó mới tránh được sự dòm ngó của công an khu vực. 
Đi kinh tế mới thì có quyền bán nhà và dự trữ lương thực mà không ai để ý tới. Căn nhà trị giá 20 cây vàng (lượng), mẹ anh Tuấn bán lại chỉ có 15 cây. Đóng cho tổ chức vượt biên 12 cây (4 lượng mỗi đầu người) số còn lại chỉ đủ mua lương thực và thuốc men dự trữ. Anh Tuấn lo cho Me và Quyên rất chu đáo, Mẹ đã gần 70 tuổi và Quyên thì mang thai. Như để tạo thêm niềm tin, tối nào anh cũng nhắc nhở Quyên cùng anh cầu nguyện Ông Địa. Anh cầu khẩn rất thành tâm và lúc nào cũng có ly ca phê hay thuốc lá thắp cho anh Hưng người bạn đã khuất bóng.
Ngày 17 tháng 4 năm 1977 là ngày ban tổ chức quyết định khởi hành. Trước đó vài ngày, Quyên cảm thấy trong người khó chịu nhưng vì không dám để chồng lo lắng, Quyên cắn răng chịu đựng. Nguyên một đêm nằm chờ trong thúng chai để được đón ra thuyền đánh cá lớn tại Bãi Sau, bụng dưới của Quyên cứ đau lâm râm. Như đã dự định trước, ban công an biên phòng đã được trả tiền trước nên không kiểm tra đêm đó. 
Không một chút trở ngại, nhóm thúng chai chở người di tản ra thuyền lớn. Khoảng 15 người trẻ có già có và kể cả con nít được chuyển hết lên tàu tại Bãi Sau và con thuyền đánh cá từ từ ra khơi. Trong đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, Quyên nhìn quê hương dần dần khuất sau ngọn đồi mà mắt nhòa lệ.
Mẹ ơi, vĩnh biệt Mẹ, vĩnh biệt quê hương….Việt Nam ngàn đời yêu dấu…”
Chiếc thuyền đánh cá nhỏ thông thường chỉ có vài người đi làm cá bây giờ mang đi cả hơn 20 người nên nếu nhìn kỷ thì sẽ thấy sức nặng làm con thuyền trùng xuống và nghiêng hẳn qua một bên. Để cân bằng, anh tài công chỉ cách cho mọi ngưòi ngồi đều nhau trên các khu vực của chiếc thuyền. Khi chạy ra đến khu vực gần địa phận quốc tế thì thuyền chúng tôi gặp tàu tuần của chính phủ. Họ đi tuần tiểu vòng vòng khu vực thuộc hải phận Việt Nam. Thực sự đây chỉ là hình thức kiểm soát ngư dân vượt biên và một cách làm tiền của nhóm hải quan Việt Nam. Thấy tàu tuần cảnh chạy đến, anh tài công kêu mọi ngưòi xuống hết dưới lòng tàu (chỗ chứa cá) và cùng vài anh em trong đó có anh Tuấn giả bộ bắt đầu mang luới ra thả. 
Đã nhận tiền trước, mấy cán bộ hải quan lờ chúng tôi và cho tàu tuần chạy thẳng về Bến Trước của Vũng Tàu. Chờ cho họ đi thật xa, chiếc thuyền của chúng tôi mới bắt đầu vượt ra hải phận quốc tế và hướng về phiá Nam thuộc địa phận Mã Lai, nơi mà chúng tôi muốn đến trạm trú để nhờ sự giúp đỡ của hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đến lúc này thì tinh thần của mọi người mới bắt đầu cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ra khỏi hải phận Việt Nam, chúng tôi đã bắt đầu thật sự nhận thấy mình đang trên con đường của bến bờ tự do mà chúng tôi từng mơ ước.
Từ Vũng Tàu theo lộ tình đã dự định, nếu thời tiết tốt chúng tôi chỉ cần 4 ngày là đến được bán đảo Mã Lai của Malaysia. Trên thuyền, chúng tôi có đủ nước và thức ăn khô cho 5 ngày. Từ bán đảo Mã Lai, chúng tôi hy vọng sẽ gặp tổ chức Liên Hiệp Quốc và sẽ được đưa về trại tị nạn tại Kuala Lumpur.
 
Hai ngày đầu tiên mặc dầu sóng êm biển lặng, trừ một vài thanh niên trong nhóm tất cả mọi ngưòi trên thuyền đều bị say sóng nằm liệt. Mẹ chồng Quyên nôn mửa liên tục, còn riêng Quyên thân thể đau nhức không chịu đựng nổi nên nằm liệt trong bong tàu. Thương Quyên, thương Mẹ, anh Tuấn cứ chạy lên chạy xuống lo nước uống và thuốc thang. Bụng dưới của Quyên càng lúc càng đau đớn Quyên lại càng cắn chặt răng chịu đựng không dám than thở một lời nào vì sợ ảnh hưởng tinh thần người chung quanh. Thuyền nhỏ người đông không đủ chỗ nằm, anh Tuấn hàng đêm nhường chỗ cho Mẹ và Quyên nằm.

Anh ra cạnh mé của khoang thuyền nằm canh chừng. Thuyền chở nặng nên mực nước cứ nhấp nhô đánh tạc vào ngưòi anh. Sợ ngủ quên và sóng đánh rớt xuống biển, anh lấy dây cột chặt thân mình vào khoang tàu. Cứ 5 mười phút anh lại trở đầu nhìn Quyên và Mẹ. Trong ánh mắt đầy lo âu của anh, Quyên thấy cả một bầu trời thương yêu trong đó. Lúc đó, tự nhiên bên dưới khoang tàu vang vọng lên bản nhạc “Sợi Nhớ Sợi Thương” của ai đó:
”Bên nắng đốt – Bên mưa quây
Em dang tay – Em xòe tay
Chẳng thế nào – xua tan mây
Mà chẳng thế nào, che anh được
Chừ rút sợi thương, ấy mấy chăm mái lợp
Rút sợi nhớ, mấy đan vòm xanh
Nghiêng sườn đông, mà che mưa anh
Nghiêng sườn tây, xòa bóng mát
Rợp trời thương, ấy màu xanh suốt
Mà em nghiêng hết, ấy mấy về phương anh
Mà em nghiêng hết, ấy mấy về phương anh …”
Lúc đó Quyên muốn dang hết tay ra, xòe rộng tay, có thể nào che mưa dầm, nắng dãi cho người thương của Quyên. Cơn đau bụng bất chợt lại đến, nhìn hình ảnh của anh Tuấn tự nhiên Quyên thấy như đang đong đưa trước mặt và Quyên ngất liệm dần trong hình ảnh đó.
Không biết ngất đi bao lâu nhưng khi Quyên tỉnh lại thì trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa tháng Tư thường thì chỉ là mưa phùn nhẹ nhẹ nhưng đối vói con thuyền nhỏ bé đang trôi dạt ngoài đại dương thì sóng biển thật dữ dội. Gío gầm thét đưa những con sóng khổng lồ nhồi chiếc thuyền đánh cá với 23 người vượt biển lên xuống như muốn nhận chìm. Nước tràn ngập hầm tàu vì máy hút nước không kịp hút ra. Anh Tuấn và vài ngưòi bạn nữa phụ giúp nhau dùng tay tát nước ra ngoài. Muốn giúp chồng, Quyên cố gượng dậy nhưng không làm sao gượng nổi. Hai chân tê dại và đầu óc cứ xoay vòng tròn. 
Không biết làm gì hơn Quyên chợt nhớ đến lờì anh Tuấn. “Niềm tin sẽ bừng dậy khi con ngưòi đối diện với cái chết.” Quyên ôm chặt ông Thần Địa và lâm râm cầu nguyện: “cầu nguyện ông Thần, con cầu nguyện ông thần cho chúng con tai qua nạn khỏi, xin cơn bão tố hãy dừng và chúng con được thuận buồn xui gió được đến bến bờ tự do, con lạy ông Thần, ngàn lạy ông Thần…”. Không biết có phải vì lời cầu xin thành khẩn liên tục của Quyên chăng mà may mắn thay sau 2 ngày mưa bão và biển động, bầu trời trở lại bình thường trở lại nhưng sau cơn bão con thuyền có vài thiệt hại khá lớn. Cái la bàn dùng để chỉ phương hướng bị đánh văng xuống biển cùng lúc đó trong số những ngưòi đi trên thuyền có một cụ già 76 tuồi vì không chịu được sóng gió nên đã lìa đời trong đêm trước.

ThuyenNhan
Việc mất cái la bàn chính (gắn với bộ phận lái của con tàu) là việc rất tai hại nhưng dầu gì chúng tôi vẫn còn cái la bàn nhỏ cầm tay nên việc định phương hướng cho thuyền đi cũng không khó gì lắm. Tuy nhiên, việc có người chết trên thuyền là một vấn đề lớn. Thuyền đã khởi hành hơn 5 ngày rồi mà chỉ thấy biển nước mênh mông, không thấy bến bờ đâu hết.

Anh Tuấn nói với Quyên là thuyền đã đi lạc hướng và tài công cố gắng định hướng nhưng không dám cho ai biết. Lúc bấy giờ trời thì bắt đầu nóng, xác người chết bắt đầu có mùi nhưng con cháu thân nhân của bà cụ mất đi nhất định thà chết chứ không cho Thủy táng (bỏ xác xuống biển). Anh Tuấn cùng các anh lớn tuổi trong nhóm lo âu vô cùng. Tình trạng này kéo dài chắc cả thuyền cùng chết hết. Đến ngày thứ Bảy thì thêm một em bé nữa bị kiệt sức và tắt hơi thở.
Quyên nằm bên mẹ anh Tuấn mà lòng vô cùng lo âu. Mẹ rất yếu. Không ăn gì cả đã hai ngày rồi và hơi thở thì thoi thóp thấy rõ. Nhìn ngưòi Mẹ chồng nhân từ với đôi mắt nhắm nghiền mà nước mắt Quyên không ngừng tuôn. Anh Tuấn thấy được điều khó khăn trước mắt nên càng lo buồn hơn nữa. Đến ngày thứ 7 thì thuyền bắt đầu chòng chành nhiều hơn vì gió lớn từ biển Đông Nam thổi vào. Đêm đó trong vòng tay tuyệt vọng của Quyên, Mẹ của anh Tuấn đã ra đi, vì quá kiệt sức nên Mẹ không một lời trối trăn. Ôm xác Mẹ trong tay Quyên cũng ngất liệm đi sau đó.
Từ thuở nhỏ Quyên rất sợ xác chết, chỉ trừ lần Ba Quyên tử trận và khi người ta mang xác Ba về nhà, thương Ba vô cùng nên Quyên mới ôm chầm lấy Ba chớ còn Quyên chưa bao giờ dám đứng gần người chết dầu chỉ nhìn họ trong quan tài. Mẹ anh Tuấn mất đi cả ngày rồi mà Quyên nào dám nói với anh. Quyên âm thầm khóc mà cũng không dám khóc thành tiếng. Anh Tuấn thì cứ tưởng mẹ ngủ mê man nên chỉ nói là để Mẹ ngủ cho lại sức. Đến khi phát hiện Mẹ đã mất anh chết lặng cả người. Trên khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, thiếu ăn đã nhiều ngày, Quyên thấy được nỗi khổ đau tột cùng của anh. Anh ôm xác mẹ và ngồi đó hàng giờ mà mắt nhìn đâu đâu của người mất hồn. Ôi còn nỗi đau khổ nào hơn được.
Thương Mẹ, thương chồng, mặc dầu đang bịnh hoạn Quyên cũng rán đứng lên lo công việc, một công việc đau khổ mà trong đời Quyên không bao giờ quên được. Thủy táng người mẹ chồng đáng kính trước đôi mắt khờ khờ dại dại như người điên của chồng mình….
“Thuyền của chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng Nam đến ngày thứ 9 thì cả nước và lương thực đều hết sạch mặc dầu những ngày trước đó chúng tôi đã bị bắt buộc tiết kiệm tối đa. 23 người trong thuyền chúng tôi đã Thủy táng hết 5 người. Anh Tuấn thì tinh thần trở nên rất yếu kém, ngày ngày cứ ngồi mắt nhìn xa xăm hướng về Việt Nam và ngâm nho nhỏ bài thơ.
Chim buồn, chim bay về núi
Cá buồn, cá chúi xuống sông
Người buồn, ra ngõ đứng trông
Ngõ thì thấy ngõ,
Người không thấy người!”
Trước sự ra đi thật đột ngột của người Mẹ thân yêu, sựđau đớn làm cho anh Tuấn trong trình trạng nửa tỉnh nửa điên. Một vài lần chúng tôi thấy những con tàu buôn qua lại. Thấy tàu lớn chúng tôi mừng rỡ vô cùng, mọi ngưòi dầu đói và mệt lã cũng đều đứng dậy kêu gào cầu cứu. Mặc cho tiếng la hét kêu cứu vang trời, mặc cho dầu hiệu SOS (cầu cứu khẩn cấp: Xin hãy cứu lấy linh hồn chúng tôi), mặc cho chúng tôi đốt củi khô cho khói bay lên để làm tín hiệu, các tàu buôn đều làm ngơ và bỏ đi, họ không muốn chuốc lấy phiển toái khi phải đương dầu với làn sóng nguời VN tị nạn lúc đó đang ngập tràn các vùng Đông Nam Á.
 
Cơn đói khát hành hạ chúng tôi vật vã. Bản thân Quyên có lẽ vì quá đói nên những cơn đau bụng cũng giảm đi nhiều và kiệt sức dần. Khi con người lâm vào đường cùng vì cơn đói, bản năng sinh tốn khiến họ có thể làm những chuyện mà không ai tưởng tượng nổi. Chúng tôi vớt những con cá nhỏ bơi gần thuyền ăn sống mà không biết tanh hôi là gì. Không đủ thức ăn và nước uống, mọi ngươi đều dành nhau và thậm chí đánh nhau chỉ vì một con cá nhỏ. Quyên thì yếu lắm chỉ biết ngồi ôm anh Tuấn mà nước mắt tuôn không ngừng. Lúc đó Quyên vẫn còn nhớ đế cầu nguyện Ông Địa cho mọi người thoát qua khỏi giai đoạn đau khổ này.
Một buổi tối, trong trình trạng tuyệt vọng thì bỗng nhiên trời đổ cơn mưa. May thay trời còn thương cho mưa mà không có gió. Chúng tôi nhờ cơn mưa nên hứng được hơn 10 thùng nước. Nước mưa như những giọt nưóc Cam Lồ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu nạn. Nhờ nước mát hầu như mọi nguời trên thuyền đều tỉnh lại kể cả anh Tuấn.
Khi cơn mưa vừa dứt, đang ngủ bỗng nhiên chúng tôi đều bị đánh thức bởi những tiếng động thình thịch như có ai ném cái gì đó lên thuyền. Tỉnh dậy mới biết là đàn cá Chuồn (còn gọi là cá Chuồn Chuồn), ông Địa ơi, cá Chuồn không biết ở đâu mà bay tới tấp vào thuyền chúng tôi. Chúng tôi đồng thức dậy và xúm nhau lượm hết cá bỏ vào bao. Trong vòng không đầy 10 phút thôi chúng tôi lượm được hơn 100 con cá Chuồn. Sau này khi nhập vào trại tị nạn Quyên mới biết là thuyền đã đi qua một vùng cá Chuồn. Mưa làm động nước nên cá chuồn bay và tình cờ nhào vào thuyền của chúng tôi, chắc là do ông Địa dẫn dắt.”
Đói quá, không cần biết cá sống hay chết, đa số những người trên thuyền đều cầm từng con cá Chuồn bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Riêng anh Tuấn thì rất cẩn thận, không dám cho Quyên ăn nhiều, anh chỉ xé lấy thịt cá và mớm cho Quyên ăn như là cho em bé mới tập ăn. Quyên ăn thịt còn anh ăn xương cá. Nhai thịt cá sống Quyên thấy sao mà hương vị thật thơm tho và ngọt liệm. Trong cơn đói chúng tôi lúc đó gần như đã trở thành những con vật không hơn không kém, làm sao chỉ để thỏa mản cái bao tử dẹp lép hơn 5 ngày không có cái gì vào bụng.
“Ngày 29 tháng 4 năm 1977, đúng 12 ngày đêm thuyền chúng tôi rời khỏi Vũng Tàu.”
Kể đến đây giọng chị Quyên tự nhiên lạc đi. Chị khóc nức nở. Tôi biết có việc gì rất quan hệ xảy ra nên kiên nhẫn chờ chị kể tiếp. Giọng chị Quyên bỗng nhiên run run và đứt khoảng, tay chị nắm chặt và mắt cứ trân trối nhìn hình Ông Địa. Khuôn mặt chị trở nên thật …. liêu trai mà nhìn lúc này tôi cũng thấy hơi sợ sợ. Chỉ một thoáng giây thôi khuôn mặt chị Quyên trở lại bình thường và bắt đầu kể tiếp. Tôi biết là chị Quyên đang vào cơn xúc động thật lớn. Giọng chị Quyên lúc này nức nở như khóc.
“Tờ mờ sáng hôm đó, ngày 29 tháng 4 năm 1977 chúng tôi bắt đầu gặp nhiều tàu đánh cá treo cờ Thái Lan. Tàu đánh cá nhưng họ lại trang bị súng đạn đầy mình. Thấy thuyền chúng tôi, hai tàu cá Thái Lan phóng nhanh lại và kèm chặt hai bên. Nhìn cảnh tượng này tự nhiên anh tài công la lên giọng rất là hốt hoảng:
“Tất cả phụ nữ hãy xuống hết hầm tàu, có thể chúng ta gặp hải tặc Thái Lan rồi.” Bình tỉnh để tôi đối phó đừng chống cự nha.
Anh Tuấn vực Quyên đứng dậy và bắt Quyên ngồi núp dưới đống bao tời dùng để che cá khi tàu vớt lưới đem cá lên và dặn Quyên đừng cử động lên tiếng gì hết. Trên tàu còn 3 người phụ nữ khác nữa đều trốn hết dưới bong tàu.
Quyên nghe vài tiếng súng nổ và giọng lơ lớ của một người Thái nói tiếng Việt:
“Dừng lại không thôi tao bắn”
Trong cơn sợ gần như muốn đứng tim thì bỗng nhiên cơn đau bụng của Quyên chợt bùng lên. Đau như da xé thịt. Sau đó Quyên chỉ nghe tiếng la hét, tiếng chưởi thề và tiếng khóc cùng với tiếng súng nổ vang trời. Quyên ngất liệm trong cơn sợ hải và đau đớn tột cùng.
Khi Quyên tỉnh dậy đầu óc còn mơ hồ chưa tỉnh hẳn thì đã thấy anh Tuấn nằm cạnh bên mắt nhắm nghiền, bên ngực anh máu đỏ lan ra hết cả lồng ngực. Trong cơn sợ hãi Quyên cố lay gọi anh, người chồng yêu qúi của Quyên. Anh nằm đó, miệng như còn cười tủm tỉm nhưng không trả lời gì Quyên. Anh đã ra đi từ bao giờ. Quyên hét lên một tiếng hải hùng và một lần nữa ngất liệm bên cạnh xác của chồng mình.
Khi Quyên tỉnh dậy thì mới biết thuyền may mắn gặp tàu buôn của Hong Kong. Họ đi tải hàng đến Mã Lai và khi thấy một con thuyền bị cháy với hơn 10 nguời và vài xác chết trong đó họ đã ra tay cứu vớt. Họ cho biết Quyên bị hư thai đã khá lâu và bịnh rất nặng nên đưa vào bịnh viện cứu cấp còn lại những người khác được mang vào trại tị nạn Mã Lai.
Một tháng sau đó, Quyên cũng nhập trại. Gặp lại những người cùng thuyền thì mới biết trong 23 người chỉ còn 12 người sống sót. Theo những người còn sống sót trên thuyền kể lại, khi bọn hải tặc Thái lên tàu và việc trước tiên là chúng bắt ngay 3 phụ nữ mang lên tàu đánh cá của chúng, cùng lúc họ phát hiện ra Quyên thì anh Tuấn cùng 2 anh nữa trong thuyền vùng lên chống lại. Anh Tuấn chụp được súng của 1 tên hài tặc và bắn lại làm một tên chết và một tên bị thương nặng. 
Chúng bắn xối xả vào thuyền và anh Tuấn cùng 2 ngưòi nữa bị trúng đạn. Khi không còn ai chống cự được nữa, trước sự van lạy của anh tài công, bọn hải tặc đốt thuyền để xoá chứng tích và bỏ đi. May mắn ngay sau đó thì có chiếc tàu buôn của ngưòi Hong Kong ngang qua. Thấy cảnh hiểm nghèo của người tị nạn những thương gia Hong Kong động lòng nên ra tay giúp đỡ”.
“Anh D.Q thấy đó (chị Quyên cũng gọi tôi là D.Q, tên mà các bạn Mỹ thường gọi tôi). Sự tự do của gia đình Quyên phải trả một giá bằng máu và nước mắt. Hoàn toàn máu và nước mắt, chị lập lại một cách cả quyết. Hơn 30 năm này Quyên sống hoài với kỷ niệm xưa. Quyên luôn luôn có ông Địa này, mang theo hình bóng người chồng tuyệt vời của Quyên thờ ông Địa. Năm ngoái Quyên và Ông Địa có về VN lại thăm Vũng Tàu. Có dịp đi dạo lại bờ biển cùng với Ông Địa trong xách tay làm Quyên vui lắm. Ông Địa không chịu gặm bắp như anh Tuấn, không cười to, không kể được chuyện vui để chọc Quyên cười như anh Tuấn ngày xưa nhưng Ông Địa lúc nào cũng chỉ cười toe toét. Quyên đem Ông Địa đi cùng hết Bãi Trước rồi Bãi Sau. Vậy mà đã hơn 30 năm..”
Hôm đó sau khi hết giờ làm việc khi chị Quyên đi về rồi thì tôi còn ở lại nhưng câu chuyện của chị làm tôi suy nghĩ nhiều lắm. Thật ra bên cạnh câu chuyện của chị Quyên còn có trăm ngàn câu chuyện “Vượt Biển Đông” khổ đau khác sau thời 1975 mà người ta đã kể đi kể lại từ nhiều năm nay. Rất nhiều người trong chúng ta đã trải qua giai đoạn cùng cực này, trong đó có tôi, Lê Thanh và nhiều bạn Sao Mai khác nữa. Cái khác với chúng tôi là chị Quyên vẫn một mực sống chung thủy với ngưới chồng thương yêu và thay chồng thờ Ông Địa, cầu nguyện ông Địa cho mọi người chung quanh chị được bình an. Điều làm tôi thán phục vô cùng là lòng trung trinh thờ chồng của chị Quyên.
Sau ngày nghe chuyện của chị Quyên, mỗi lần đi ngang qua bàn thờ Ông Địa. Tôi vái một lạy nhưng không bao giờ cầu nguyện gì hết. Mấy nguời bạn Việt Nam thấy vậy có lần hỏi tôi tại sao tôi vái lạy Ông Địa nhưng không cầu nguyện. Tôi chỉ mỉm cười mà không trả lời. Thực ra những lúc vái như thế trong đầu tôi đều thoáng qua một lời cầu nguyện:
“Lạy Ông Địa, xin cho chị Quyên, xin cho những người phụ nữ Việt Nam đầy tình nghĩa thủy chung thôi đừng khổ nữa….Xin Ông Địa luôn giúp chị Quyên có nhiều nghị lực trong đời sống. Xin Ông Địa đừng đi đâu nữa, xin Ông Địa ban cho người dân Việt Nam chúng tôi được những ngày thái bình, ấm no và hạnh phúc ngay trên quê mẹ… ”
QD – Tháng 4, 2010

SƠN TRUNG * CẬU NĂM CHÓ



CẬU NĂM CHÓ 
SƠN TRUNG  
 
Khi quân Tây Sơn đánh thắng quân Xiêm và đuổi chúa Nguyễn ra khỏi thành Gia Định, những quan quân chúa Nguyễn đều bị bắt giam. Liêu sinh là một sinh viên giỏi của Trường Tú Lâm cục, thuộc Viện Quốc học ở kinh đô. Chàng chưa đến ba mươi mà đã có ba bằng cử nhân và sau khi đỗ Thạc sĩ, sinh được nhận vào dạy ở Tú Lâm cục.
Lúc bấy giờ các thanh niên, sinh viên Nam hà và Bắc hà đều phải đi lính theo luật tổng động viên, nên Liêu sinh là một thầy giáo và cũng là một sĩ quan trong quân chúa Nguyễn. Vì vậy mà Liêu sinh cũng phải ngồi tù một thời gian. Tại trại giam, Liêu sinh gặp Lâm tiên sinh, cũng bị giam tại đây, vốn là thầy cũ của sinh tại Tú Lâm cục, là người bảo trợ sinh khi sinh làm luận án Thạc sĩ và tiến sĩ. Liêu sinh thông minh, tải ba, mà lại hết lòng đối xử trung hậu với thầy, cho nên Lâm tiên sinh yêu mến là phải.
Trước kia, nước ta tổ chức thi Hương tại các địa phương để lấy cử nhân và tú tài, sau này giáo dục canh tân, khoa học phát triển, thi hương chỉ lấy tú tàI, còn tiến sĩ , cử nhân là do các viện đạI học đào tạo. TạI Nam Hà , người Pháp Lan Tây đã giúp chúa Nguyễn đúc súng đại bác, chế tàu thủy. Viện Đại Học Quốc Gia lúc bấy giờ gồm nhiều trường như Khoa học Cục, Y học cục, Dược học cục, Pháp luật cục, Hành chánh cục, và Tú lâm cục. Tú lâm cục sinh sau đẻ muộn và yếu thế nhất. Trong khi các trường khác đã lập ban tiến sĩ từ hơn hai mươi năm trước, Tú lâm cục chỉ có cử nhân và thạc sĩ. Lâm tiên sinh lúc này làm Tổng thư ký viện Đại học quốc gia.
Do nhiệt tình xây dựng nền giáo dục quốc gia, tiên sinh đã hăng hái lập đề án tiến sĩ cho Tú lâm cục. Dự án của tiên sinh được hội đồng viện đại học Quốc Gia chấp thuận. Lâm tiên sinh tích cực xúc tiến việc thi tiến sĩ cho các sinh viện Tú Lâm cục. Do lòng ưu ái của Lâm tiên sinh, Liêu sinh là người được Lâm tiên sinh chọn làm người trình luận án tiến sĩ đầu tiên và sau đó thêm một hai người nữa thì chấm dứt vì mấy tháng sau, Nam Hà sụp đổ, giang sơn đổi chủ, Liêu sinh và Lâm tiên sinh đều bị bắt giam vì tội theo chúa Nguyễn.
Thầy trò gặp nhau trong trại giam, buổi đầu không biết thế nào, nhưng về sau, thấm nhuần ‘’tư tưởng cách mạng’’, và ‘’tác phong vô sản’’, trong các cuộc sinh hoạt của đội sản xuất, sinh đã tỏ ra tiến bộ vượt bực, thẳng thắn phê bình Lâm tiên sinh. Nguyên Lâm tiên sinh vốn thích hút ống vố, nhưng trong tù không có thuốc, Lâm tiên sinh đành ngậm cái ống vố không theo thói quen. Liêu sinh đứng lên phê bình Lâm tiên sinh là còn luyến tiếc cái cũ, chưa dứt khoát theo cách mạng, ôm ấp tư tưởng phản động, chống đối triều đình.
Vì tỏ ra tiến bộ, Liêu sinh được về nhà sớm. Và vì có chuyên môn về điền thổ, và cũng vì có anh chị đã theo quân Tây Sơn từ trước cho nên Liêu sinh được nhận vào ban Doanh điền Thủ Đức. Làm việc được ít lâu thì Liêu sinh bị tù vì tham nhũng sao đó. It lâu, Liêu sinh ra tù, làm nghề coi bói và tử vi cũng đắt khách. Trong lúc này, kinh tế toàn quốc sụp đổ, miền Nam Hà là vựa lúa mà dân chúng phải ăn khoai sắn thay cơm.

Toàn miền thất nghiệp, kinh tế vào tay tư bản Bắc Hà, bao nhiêu của cải bị vơ vét đem hết ra Bắc. Cơm không có đủ ăn mà cá thịt lại càng khan hiếm. Trong khi đó, kinh tế gia đình của sinh rất khá. vì sinh là người thông minh, tài giỏi và lanh lợi. Sinh rất yêu chó, nuôi hai ba con, ngày tắm hai ba lần, mua từng ký thịt bò cho chó ăn, trong khi đó, cậu không quan tâm đến bố mẹ cậu, mặc cho họ cơm rau qua ngày tháng, sống chết mặc thây! Vì vậy mà dân Thủ Đức gọi sinh là ‘’Cậu năm chó’’. Ai muốn xem bói, hay tìm thăm Liêu sinh, cứ hỏi nhà cậu Năm chó là trẻ già trai gái ai ai cũng biết!

 

No comments: