Tuesday, November 8, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN *HOA RỪNG VIỆT NAM * PHẠM THẾ NGŨ

NGUYỄN TRẦN LÊ * VƯỢT BIÊN



 VƯỢT  BIÊN 
 Nguyễn Trần Lê
    Tôi đứng trước cửa, mắt ráo hoảnh, nắm chặt bàn tay gầy guộc của Mẹ tôi, tim tôi vẫn đập, hình như nhịp có hơi mạnh, nhói lên, nhưng tôi vẫn không thể nào khóc, nhìn đôi mắt buồn rười rượi của Mẹ tôi mà nước mắt đã bắt đầu, lòng như nấc nghẹn. Vì nếu tôi rơi nước mắt thì chắc chắn sẽ còn làm cho sự bịn-rịn lâu hơn.
    Tôi thưa ; “ Thưa Cậu Mợ, con đi, anh đi các em .”
    Mấy đứa em đứng sau Câu Mợ tôi, ngó ra cửa nơi tôi đang đứng. Trời chiều tối,
ánh đèn trong hành lang cư xá Thanh Đa lù mù, tôi không dám nhìn thẳng vào cửa nữa, nắm chặt lấy tay Mẹ tôi và rồi Bố tôi, các em rồi vội bước đi, không dám quay lại, tôi biết rằng đằng sau tôi, nơi cánh cửa Bố Mẹ tôi và các em đang ngó trông theo. Và từ giờ phút này họ sẽ thao thức, không ngủ vì những lo lắng. Vì ngày hôm đó tôi phải tới một điểm hẹn nghỉ qua đêm để sáng sớm hôm sau tới Xa cảng Miền Tây gặp người dẫn đường, tôi và một nhóm ba người nữa sẽ lên xe đò đi Trà Vinh chuẩn bị cho lần vượt biên thứ ba của tôi.


    Mờ sáng trước khi xuống Xa cảng, chúng tôi đã vội ghé vào tiệm hủ tiếu gần đó ăn bữa điểm tâm cuối cùng của Sàigòn.
    Ánh đèn mờ nhạt của Xa cảng, nhưng xe cộ hành khách đã đông, những tiếng rao hàng nhộn nhịp. Chiếc xe Dodge cổ lỗ đã được hơn nửa hành khách, chật chội trên những hàng ghế da cũ kỹ. Bó người trong xe, tôi lơ đãng nhìn ra ngoài, Sai Gòn vẫn còn một nhịp điệu, những tiếng nổ xình xịch của những chiếc xe đò cũ-kỹ. Những người lơ xe mời chào, lôi kéo hành-khách, ‘Đi đâu cô Hai, anh Hai , xe đi Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh đây, sắp khởi hành, mời Bà con cô bác mau lên xe kẻo hết chỗ! Mời chào, níu kéo như vậy, xe thì máy vẫn nổ như dợm chạy làm mọi người vội vàng chạy, trèo kéo lên xe, cứ như thế mãi gần một tiếng sau xe mới chuyển bánh.


 

    Mặt trời lố dạng, qua khỏi Chợ lớn thì đã lên cao, những dòng xe xuôi ngược, những khuôn mặt xạm kịt vì thời tiết và đời sống. Sài-Gòn sau Giải-Phóng ! 1983, 8 năm sau Giải-Phóng! Nhìn lại những người dân thành-phố, chỉ thấy những bộ áo ngắn! không xe xua, không mầu mè, không kiểu cọ! Làm như quần áo chỉ là để che thân và hòa nhịp với cuộc sống văn minh mới!
         Chợt nghĩ đến những ngày xưa, mỗi lần tầu về lại SàiGòn sau những cuộc tuần dương dài hàng tháng trời . Quần áo tiểu lễ sạch trắng, mũ mão, lon lá đứng dàn chào dọc theo hai bên chiến hạm để cặp cầu Bộ Tư-Lệnh Hải Quân, mà nay đã là một anh chàng thường dân không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không tương lai, vất vưởng sống từng ngày sau gần 7 năm được nhà nước ưu ái đã cho đi ‘Học tập cải tạo’. Học tập tiến bộ nhà nước đã tha cho trở về đời-sống một người dân ‘Ngụy’. Và tôi đành phải kiếm đường bôn tẩu cho tương lai, chả biêt ra sao, nhưng ít ra cũng không phải xếp hàng cả ngày để nhận vài trăm gram đường, vài lạng thịt hàng tháng!



    Xe vẫn bon bon theo quốc-lộ 4, qua nhiều chặng kiểm soát của Công An, lơ xe cứ thế quà cáp và những dúi tay để cho xe đi được nhanh chóng hơn . Trong xe,hành khách đủ mọi thành phần, nhưng có lẽ họ là những người lo buôn bán kiếm cơm, hay là một vài người như tôi, chạy đôn đáo để tìm đường vuợt biên cứu khổ. Mặc bộ đồ không giống ai, bộ quần áo cả hơn 10 năm trước, đầu tóc lòa xòa như thằng lơ xe, không một mảnh giấy tùy thân, đầu óc đã sắp sẵn những gì cần thiết để nếu như bị bắt dọc đường. Xe qua Vĩnh-Long, rẽ trái để hướng về Trà-Vinh, đi thẳng là đường về Cần-Thơ, mà trước đây tôi đã qua lại không biết bao nhiêu lần. Dọc đường những ngôi nhà lá chỏng chơ, chung quanh những cây vườn xanh, tiêu điều, chỉ toàn thấy là những lá cờ đỏ sao vàng và những khẩu hiệu quyêt-thắng. Người dân cư lầm lũi sống! Cũng chả biết họ sống như thế nào? 




 

    Tới thị-trấn Trà-Vinh là cũng đã xế trưa, ghé vào quán làm một đĩa cơm, uống vội ly nước trà đá, người dẫn đường ra hiệu theo anh ta để lên xe Lam về Cầu Quang. Đường đất bụi mờ, 12 người trên chiếc xe Lam 3 bánh, mà gần 2 giờ sau mới tới được thị trấn, chợ búa đã thưa thớt, lếch thếch đi bộ theo anh ta, trời đã sẩm chiều, nên cũng không mấy ai để ý đến mình. Gần 20 phút sau tới một quán nước, anh bảo ngồi uống nước, sau đó anh chạy đi một chốc, rồi một người khác lại dẫn chúng tôi tới một ngôi nhà khác, ngồi chờ một hồi lâu đến tối hẳn rồi mới theo con đường đất của thịtrấn để tới một căn nhà nằm dọc theo bờ sông Hậu. Vừa lách qua khỏi cánh cửa, qua ánh đèn dầu leo lét, người chủ nhà dắt chúng tôi vào ngay một căn phòng phía sau đã chuẩn bị sẵn, và nói cho tôi hay ở đây 2 ngày rồi sẽ có ghe đưa ra  ghe lớn. Cần gì cho họ hay vì hai vợ chồng ở nhà suốt ngày. Sau đó mới biết là vợ chồng người con của họ cũng theo chuyến này, cho nên họ đã chịu ém chúng tôi ở đó.
    Một bữa cơm thanh đạm dọn cho chúng tôi, mọi chuyện vệ sinh cho họ biết để họ coi động tĩnh trước rồi mới cho tôi hay. Mệt mỏi sau một ngày dài từ Sài-Gòn xuống đây, thao thức một lát thì tôi cũng ngủ vùi. Nửa đêm thức giấc vì những tiếng vo ve của muỗi, những tiếng chó sủa bâng qươ, chập chờn. Sáng dậy hơi sớm, đã thấy vợ chồng chủ nhà dọn sẵn cho bữa sáng, cũng chẳng có gì, nồi sôi và ly cà phê. Nhìn qua cửa sổ là sân sau với chum nước và những cây ăn trái, bờ sông không xa, thỉnh thoảng lại thấy những chiếc ghe máy vụt ngang qua cửa sổ. Ngày ba bữa,hôm đầu cũng không thấy gì - êm ả trôi qua- hồi-hộp, nhưng vẫn phải cố gắng tỉnh táo, vì biết rằng có thể ngày mai là sẽ bắt đầu việc của mình.





    Sẩm tối hôm sau, sau bữa cơm chiều, vợ chồng người chủ nhà đưa chúng tôi xuống chíếc ghe đuôi tôm trên chất đầy mía ngụy trang, nấp dưới lòng ghe cùng ba người nữa, dọc sông vẫn còn thấy những ánh đèn thấp-thoáng của các ghe câu hay của những người dân qua lại. Miền quê thật yên tĩnh. Văng vẳng tiếng hò cải lương từ một Radio nào đó. Gần 2 tiếng ngồi bó gối trong lòng ghe, người tôi như cứng lai. Tiếng máy chậm lại rồi ủi vào một bờ kinh. Nằm chờ một hồi, đột nhiên có tiếng máy nổ bình bịch giữa sông, một ánh đèn chớp, qua lại, ghe lớn đã tới, chống sào chạy ngược ra giữa dòng! Chúng tôi vội vàng lên ghe lớn, chỉ kịp trao lại mảnh giấy cho người chủ ghe để nhờ họ trao lại cho người tổ chức chuyển về cho gia-đình tôi thông báo là đã lên ghe lớn (Còn chuyện sau này có được hay không thì cũng chả biết sao). Nhóm của tôi chui tọt vào khoang chiếc ghe bầu chuyên chạy trong sông chở nông sản, trống rỗng. Sau ghe là phòng lái, với tay lái là cái cần dài, ngồi trên mũi ghe có thể lái và nhìn hướng đi được, dưới là khoang của chủ ghe. Máy đươc gắn máy Yanmar xanh hai block, lòng ghe trống rỗng. Một tấm bạt nhà binh phủ kín từ trước tới sau, mà hai bên be ghe đã được đóng cao trên bình thường để nâng chiều cao của lòng ghe
    Hỏi người tài công sông toán thứ hai của người bạn tôi tới chưa?




    Hắn nói sắp tới. (vì phải chia làm hai ba ngả để tiện tránh những sự bất trắc,  toán hai của người bạn cùng khóa, anh ta là tài công chính của một chuyến vượt-biên, đã nhiều lần vượt-biên cũng như đi bán chính-thức cũng không trót lọt, tài-sản gần cạn, cuối cùng được một tổ-chức kêu đi cùng gia-đình, nhưng giờ phút chót chính anh ta lại là người bị tổ-chức bỏ lại chỉ vì tin vào những bói toán, có anh đi thì không thể nào thành-công được). Gặp tôi giữa chợ An Đông, ngồi uống cà phê anh đã rưng- rưng nước mắt kể lại những vất-vả, khó-khăn anh đã chịu đựng trong suốt mấy năm qua, hơn 3 năm cải-tạo được tha về ở dưới tỉnh làm ăn và tìm đường vươt biên, vài chuyến không thành, đi bán chính-thức, nhờ có nghề Hải Quân nên không phải trả tiền, nhưng rồi bị bắt, nằm hộp thêm hai năm nữa, gia-đình vất-vưởng, cuộc đời cứ xui xẻo, đến ngày cuối chính tài công  lại bị bỏ lại. Vợ con không biết ra sao vì đi dưới miệt lục tỉnh qua ngõ vịnh Thái Lan, tuy gần nhưng nhiều hải tặc, cầu trời khấn Phật. Thôi thì mày để tao nói chuyện với thằng chủ tầu coi sao? Vì họ làm cho gia đình, phần nữa mày gốc Tầu nói chuyện với dân Tầu chắc cũng không khó lắm, thế là sau vài lần gặp mọi chuyện OK, chờ ngày khởi hành. Hơn một năm trời theo chiếc ghe này, không thấy động tĩnh gì, họ tính quá kỹ. Lên xuống hai, ba lần đi dò đường, coi ghe...mãi đến đầu tháng 4 họ mới quyết định. 49 người chen chúc trong chiếc ghe không một chỗ nằm thoải mái! Đúng là đi tìm sự sống trong cái chết ! Thôi cũng đành phó mặc cho trời đất ! Lạy Trời Phật thương con và mọi người cho chuyến đi được bình-an.



    Quay qua người tài công sông hỏi:  bản-đồ, hải bàn, đèn pin tôi đã mua trao cho chủ ghe trước đây đâu? Mò mẫm trong đêm tối để gắn la bàn, không thể nào có tí ánh sáng cho la bàn. Một tiếng chửi thề ‘Mẹ kiếp’, đã nói cho gắn đèn vào la bàn, nay không có làm sao mà dòm la bàn? người tài công sông im lặng. Anh ta cũng chỉ là một người dân địa phương đi theo ghe để làm và tìm đường vươt-biên.
    Mười năm lính biển thưc-sự tôi chưa bao giờ lái một chiếc ghe bầu như thế này, trên tầu đầy đủ dụng cụ hải-hành, có bão lớn hay sóng to cũng không lo lắng lắm. Đằng này ghe trống trơn, chỉ có tấm bạt đóng nẹp phủ lên trên, 49 nhân mạng trong ghe! Trông chờ vào khả năng đi biển của tôi! Mà thưc sự nghĩ lại khả năng đi biển của tôi là khả năng của một người điều khiển những chiện hạm hay những chiến đỉnh đi biển có điều kiện, chứ đâu chỉ để lái chíêc ghe bầu 9 mét. Đã bước lên là phải làm, cũng đành phải gắn cho xong chiếc la bàn. Cầm cái đèn pin dọi quanh, thỉnh-thoảng liếc vào đó mà lái.



    Từ Cầu Quang ra cửa Trần Đề quả thật không xa, hai bên bờ sông tối như mực, mặt sông loáng thoáng, ngồi trên nóc ghe, tay cầm lái, nhướng mắt nhìn trước mặt để tìm ánh đèn hải tiêu, nước đã bắt đầu lớn, con tầu chạy chầm chậm, khoảng một tiếng sau, đang ngon trớn, tầu tự dưng chậm lại rồi đứng hẳn, thôi chết rồi, mắc cạn, thử lùi bẻ lại tay lái, nhưng không nhúc nhích, tiến tới không được, kêu mấy cậu thanh niên lấy sào chống, nhưng cũng không được, đành chờ. Mọi người hốt hoảng, những tiếng đọc kinh, khấn vái. Hơn nửa tiếng sau, nước đã cao hơn, thử lại một lần nữa, con tầu lướt tới trước, tiếp tục. Thật hú vía. Ra tới cửa sông, gió đã hơi mạnh.
    Biển đen kịt, lờ-mờ những ánh đèn ghe thấp thoáng, những chòm sao chi chít trên trời, đèn la bàn không có, đành phải lái theo kinh nghiệm, nhìn những chòm sao, gió Đông Bắc, lấy hướng 090 thẳng ra khơi, bên trái mờ xa là Hải Đăng Vũng Tầu. Gió đã mạnh hơn cấp 2, nhấp nhô sóng bạc đầu, con tầu lắc lư, hơi chếch xuôi nên cũng đỡ. Ngồi trên nóc ghe xoạc chân ra giữ cần lái, mắt luôn nhìn vào la bàn. Loáng thoáng ánh đèn pin dọi vào la bàn, tôi vẫn cố gắng giữ hướng nhưng cũng không thể nào đúng được, thôi cũng đành để sai biệt + 5 độ. Nhưng nhìn sóng và chòm Nam Tào Bắc đẩu mà đi. Cuộc đời hải nghiệp chưa một lần nào mà đi biển như lần này.



    Ngồi trên nóc ghe, khóac thêm tấm áo mưa của người em rể cho từ lâu nay mới thấy hữu hiệu, có nón che, gọn nhẹ, có túi trước ngực đựng ít kẹo. Đã dự tính dù tầu có chạy chậm nhưng với sức gió và nước hy vọng trong 24 giờ đầu cũng có thể chạy được 100 hải lý, nghĩa là qua khỏi vùng kiểm- soát và ngoài khơi đường tầu buôn chạy, như vậy mơi có nhiều hy vọng hơn. Một đêm cầm tay lái không thể nào nhắm măt được, nhờ có gió biển đã giúp tôi thêm phần tỉnh táo. Mặt trời mới nhú lên đàng Đông, nhìn biển rộng bao la, những con sóng bạc đầu nhấp nhô, đã quen với sóng gió, tôi cảm thấy sảng khoái, mới hơn có 9 giờ hải hành, cũng chưa xa bờ được bao nhiêu, tôi và người bạn ngồi trên mũi ghe vừa lái vừa kiểm soát mọi việc, hình dạng những chiếc ghe đánh cá quốc doanh mờ mờ sau lưng. Không một bóng dáng chiếc tầu nào chung quanh, nhường tay lái cho người bạn, tôi nằm ngả lưng ngay tên nóc ghe. Khoảng giữa trưa, trời đổi gió, có it hạt mưa, liếm láp những giọt nước mưa, vị ngọt của viên kẹo làm tôi thấy đỡ một chút, thay phiên nhau 3 người nhưng tôi và người bạn là chính, ôm cần lái, mệt đừ. Mọi người hầu như nằm chết liệt trong khoang, không còn nghe thấy nhưng tiếng đọc kinh nữa. Đã quá mệt mỏi, chắc vậy. Tôi cũng không còn biết gì đã xẩy ra ở trong lòng chiếc ghe nữa! Đâu có biết rằng trong đó họ đã cấu xé nhau vì những giọt nước,miếng ăn. Ói mửa, mệt mỏi, sợ hãi.Chiếc ghe vẫn cứ nhấp nhô. Biển thì vẫn gào.



    Đêm thứ hai biết rằng cũng đã xa hải phận, ước tính, tôi đổi hướng 220, ghe đã bớt nhồi, xuôi sóng nên đã thấy dễ chịu. Trời vẫn mưa lâm râm, thấp thoáng vài ánh đèn tầu, phản ứng tư nhiên, qươ đèn vẫy, nào có ai thấy, quá xa, có ai thấy mình? ngộ nhỡ tầu Liên Xô thì cũng chết dở. Lại tiếp tục, mệt thì nằm soải lưng, tay nắm chặt hai thanh sắt trên nóc ghe.
    Ngày thứ ba công viêc vẫn tiếp tục, hớp vội tí cháo chủ tầu đưa cho, lại chia nhau lái. Nắng lên không bao lâu trời lại chìm vào mầu xám. Biển đêm thật kinh sợ, không biết nó sẽ xẩy ra cái gì nữa.
    Sáng ngày thứ tư, nhấp nhô trên trời đã thấy bóng dáng những con chim hải âu bay lượn, vài chú cá heo lội rượt theo ghe, một tay nắm chặt thanh sắt, một tay cầm cái khăn mặt nhúng tí nước biển thoa mặt cho tỉnh táo. Hình như mình đã nghĩ đến sự sống. Có cá heo tức là có cơ may, có chim là thấy có cơ gần bờ. Nhưng hết ngày cũng chưa thấy gì. Biển vẫn còn đây, bờ vẫn xa !



    Trời đột nhiên trở gió, mưa đã bắt đầu nặng hạt, một ít nước ngọt thấm giọng, mà suốt mấy ngày qua mọi người chỉ uống nước sông lợn cợn, được thêm tí cháo. Nhấm ngụm coca cola mà người tài công sông đưa cho, ôi đã làm sao? Đưa cần lái cho bạn tôi, hai bàn tay nắm chặt nóc ghe, nằm lịm đi không biết bao lâu ? người bạn đánh thức tôi dậy và chuyền cho tôi viên kẹo! Lại tiếp tục thay hắn nắm cần ghe. Ngày thứ tư mây đen vần vũ! có mưa, biển đã dịu lại đôi chút! Hình như tôi có cảm giác có mùi hơi đất nào gần đây! Xa xa một vài đốm sáng của chiếc ghe nào đây. Không biết là đâu, Côn Sơn, Cà Mau? Chỉ có chết nếu gặp ghe quôc-doanh! Nhớt đã gần cạn, tôi đâm lo, bây giờ lại phải nhờ gió để đi, trong khi người cơ khí tắt máy, coi lại máy móc.Vừa giương được tấm buồm dã chiến lên, con tầu như đã hứng được gió, chầm chậm theo hướng đi. Những ánh đèn ghe đã biến mất, nhìn chùm sao Nam tào Bắc đẩu ban đêm theo đó mà đi, thỉnh thoảng vẫn lại phải bấm đèn pin để coi lại hướng. Đến sẩm tối, máy đã sửa xong, tiếng máy nổ làm tôi dịu lại, mọi người bớt cầu kinh niệm Phật, tất cả đều đã mệt mỏi. Bực mình vì người chủ tầu đã không lo liệu nước uống và thức ăn cho đầy đủ, tôi đã phải chửi thề, phần vì sóng biển dập dềnh khó mà nấu nướng, họ cũng cố gắng nấu thêm nồi cháo cho mọi người cầm hơi.



    Sáng ngày thứ năm, biển đã dịu lại, những cánh chim hải âu đã thấy nhiều. Một làn gió nhẹ, mùi muối, mùi nước biển, mùi tanh của cá đâu đây! Mặt trời đã hạ, mờ xa bóng dáng một hòn đảo? Mừng quá ! Cố gắng lướt tới,gần đó chiếc ghe đánh cá đang bỏ lưới. Không rõ là của ai ! Bắc ống dòm thấy dáng lạ, không giống ghe Thái Lan, vì ghe Thái thường cao và lớn, không giống ghe Kiên giang, Quốc doanh, tôi cũng yên tâm. Nhưng cũng phải kêu mấy cậu thanh niên chuẩn bị dao rựa! Trong trường hợp hải tặc là phải ra tay không nuối tiếc. Đến gần,cũng may họ cũng chỉ là những dân đánh cá. Trông dáng Á châu, đen đủi, tôi chắc là dân Indo hay Mã lai. Ra dấu hiệu, tôi nói người chủ ghe nói bằng tiếng Tầu, họ hiểu. Nói cần ít thức ăn và nước uống. Họ đã cho nồi cơm và ít nước uống. Bàn với mọi người nên bỏ chút ít để họ giúp đỡ. Sau một hồi mặc cả, gom được ít vàng, đưa cho họ, nhờ họ dẫn dắt vào gần đất liền một chút. Họ nói sợ vì tầu tuần bắt được họ là chết. Tôi kêu thôi để đêm tối hãy làm. Và khi vào gần bờ tụi này sẽ lo liệu. Hơn 4 tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới thấy bóng dáng bờ, ngoài xa là những ánh đèn ghe giăng lưới. Thôi thế là tạm yên.



    Mò mẫm vào được cửa sông, không một tầu tuần nào hay biết. Tới gần  tôi bơi vào bờ cầu cứu, người dân trông thấy họ đuổi ra. Nói ra lại tầu tụi Cảnh Sát nó biết nó sẽ ra ngay, nếu ở trên bờ nó bắt là chết. Lập tức tôi phóng xuông sông, một mảnh nhọn đâm sắc vào chân, máu tuôn sối xả, nhưng tôi chẳng biết đâu cứ thế mà lội ra ghe. Vừa leo lên ghe, trong bờ đã có tiếng loa và ánh đèn ra hiệu đi theo họ! Vòng vo trong lạch ,tôi lái tới cầu căn cứ, hóa ra đây là một làng của thị trấn Dungun. Họ lùa chúng tôi lên bờ, trong khi đám lính đi lục soát khắp ghe. Lếch thếch sắp hàng dọc trong sân trại lính, moị người mệt mỏi nằm la liệt trên mặt đất, những lời cầu kinh, khấn Phật cám ơn đã phù-hộ.
    Có lẽ rằng đã có những chiếc ghe khác tới đây trước đó ! Nên những người lính Mã lai họ cũng không lạ gì những người như chúng tôi, chỉ bắt tập trung vào một khu vực trong sân, chỉ nơi tiêu tiểu. Và tối hôm đó họ đã cho chúng tôi một bữa ăn nóng ‘Mì gói’.  Sướng làm sao! Bốn người lính gác chung quanh. Ăn xong chúng tôi lăn ra đất và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đêm lạnh nhưng có xá gì. Đất liền, Tư Do, như đã có. Mừng. Không hiểu giờ này ở nhà cha mẹ anh em tôi có mừng được như tôi bây giờ hay không? hay lại là những đêm ngày thao-thức.



    Mờ sáng nằm nhìn trời mừng rơi nước mắt. Bạn tôi đã ôm chầm lấy tôi và hai đứa cùng khóc,thế là nó đã thoát,nhưng không biết vợ con ra sao ? Vì vẫn chưa liên lạc được. Bữa ăn sáng với một nồi mì gói và ít lon CocaCola đã được trại lính tiếp tế qua Hội Hồng Thập Tự, Lưỡi Liềm Đỏ Mã Lai. Họ đã kêu tôi và chủ tầu lên hỏi cung, từ đâu đi, bao nhiêu người. Ai là chủ tầu, ai lái tầu? mọi cái tôi đều nói hết. Xế trưa, một chiếc xe Búyt của Hội Hồng Thập Tự MãLai đã tới và đưa chúng tôi tới một trại chuyển tiếp khác.


    Ba giờ xe Buýt tới Trangannu. Bàn chân tôi nhức nhối, mặc dù đã được trại lính băng bó. Đi khập khễnh, bạn tôi đã phải cõng tôi đi mỗi lúc cần.
   Ở trại chuyển tiếp,chúng tôi đã gặp một số anh em tới trước. Họ cũng đang chờ chuyến tầu chuyển qua đảo Pulau Bidong. Một tuần nằm chờ, cơm nước có Hội Hồng Thập Tự Malai lo nên cũng yên. Không một đồng xu dính túi, thèm thuốc lá không thể nào kiếm ra. Loay hoay làm quen với một vài người tới trước, họ chia cho vài điếu!
    5 ngày 5 đêm nay thì đã tới đất liền. Ngồi thầm nói “Cậu Mợ ơi, các em ơi! Nếu giờ này gia đình biết được con đã tới được bến bờ MaLai thì chắc mừng lắm.”
 Tuy nhiên vài người khi còn ở trại Dungun họ đã nhờ lính MaLai gửi giúp những điện tín báo cho thân nhân bên nhà biết là chuyến đi đã tới bình an. Và nhờ đó người chủ ghe sẽ lại nhà thông báo cho gia đình tôi biết. Tôi chỉ chờ có vậy mà thôi.

    Tội nghiệp cho Mẹ tôi, vì lo cho chồng con mà sức khỏe hao mòn. Cha tôi cũng đã phải chịu 6 năm cải tạo suốt từ Long Khánh, Biên Hòa và Hoàng Liên Sơn, Yên Bái. Nghĩ đến những lần mẹ tôi và các em tôi quẩy trên lưng ít thức ăn tiếp tế, trong khi tại nhà mọi người vẫn phải lo từng ngày! Lòng tôi lại nghẹn ngào! Biết bao giờ tôi mới trả được ơn nghĩa sinh thành này. Những ngày chờ đợi, tuy có ăn, có yên, nhưng lòng tôi vẫn tê tái. Ra đi một mình không giúp được một ai trong anh em, gia đình. Tiếc nuối làm sao, lần trước cố đem đi người em trai đi, nhưng không thành phải trở lại, may không bị bắt. Số, tại số. Thôi cuộc đời đã không cho tôi được can đảm và khôn ngoan để bao bọc gia đình thì bây giờ tôi lại tự lo lắng cuộc sống mong có cơ hội giúp đỡ gia đình bằng cách khác vậy.
    


Con tầu đưa chúng tôi ra đảo cũng khá lớn, chứa hơn 50 người, hơn một giờ tầu mới tới Pulau Bidong, trên cầu tầu, dọc theo bãi biển mọi người sắp hàng đón chúng tôi. Tầu vừa cặp cầu là đã có đại-diện phái-đoàn Cao-Ủy và phái đoàn-trại ra tiếp đón. Những tiếng reo hò, vỗ tay, những lời nồng nàn, ấm cúng, chào mừng chúng tôi đã đến được bến bờ Tư Do. Họ đã tập trung chúng tôi vào hôi trường để khai lý lịch và diễn biến cuộc hải trình. Bốn giờ làm việc, tôi mệt lả. Cũng vừa có tiếng kẻng lãnh cơm. Cũng may, có chút cơm nóng, cá kho, ăn vội cho yên bụng. Còn chuẩn bị cho buổi tối. Có được cái mùng, cái mền cũng đỡ, vài cái chén, đôi đũa, đó là gia tài của tôi khi tới trại. Bộ quần áo độc nhất từ ngày rời Việt Nam vẫn mặc cho đến lúc qua tới Bidong. Một giấc tới sáng không mộng-mị. Yên bình.

VŨ UYÊN GIANG * KỶ NIỆM DƯƠNG HÙNG CƯỜNG



 
 Kỷ niệm trong tù với nhà văn Dương Hùng Cường   |    
  Vũ Uyên Giang
(Để nhớ đến bạn tôi nhà văn quân đội Dương Hùng Cường đã bị CS bức hại trong lao tù)

1.
Vũ đi dọc con suối nhỏ chạy giữa khu rừng tre già ở Vùng Kinh Tế Mới Cẩm Đường (Long Giao, Long Khánh) mong tìm kiếm được ít rau tàu bay, cải trời để làm món ăn độn cho cả bọn, vì hôm nay tới phiên anh "đi chợ" (1)...
... Kinh nghiệm tù đầy trong "vòng tay nhân ái" của đảng CS đã cho bọn anh những bài học quý giá; nếu không muốn bị chết vì đói khát dưới sự lao động khổ sai và sự quản lý hà khắc của cai ngục thì phải biết đoàn kết, phải biết kết hợp thành từng nhóm nhỏ từ 2, 3 người để giúp đỡ lẫn nhau trong lao động cũng như sinh hoạt và ngay cả trong công việc tìm kiếm những cọng rau lang, rau muống, củ sắn, củ khoai... làm đầy cái bao tử vốn thường xuyên lép kẹp. Rừng tre già với những thân tre cao vút, oằn xuống.
Tàn tre đan kín không gian, che khuất ánh sáng mặt trời chói chang bên trên, khiến khu rừng trở nên âm u, hoang vắng lạ lùng. Tiếng gà rừng xao xác, xen lẫn với tiếng kẽo kẹt của thân tre cọ vào nhau sau mỗi cơn gió thoảng. Tiếng chặt tre chan chát xen lẫn với tiếng reo hò của đám cải tạo mỗi khi chặt được một cây tre tạo thành những thanh âm hỗn độn, ồn ào, vang động cả một góc rừng. Vũ men theo triền suối, nước trong vắt chảy lững lờ. Một vài con cá lòng tong bơi tung tăng ngược giòng nước tạo thành những vệt sóng nhỏ lăn tăn.
Vũ nghĩ, nếu giờ này mà có một cái vợt, anh sẽ vớt được những chú cá lòng tong bé tí kia, và đến chiều, cả bọn anh sẽ có một nồi canh rau với chút mùi tanh tanh của cá. Nghĩ đến đó tự dưng anh nuốt nước miếng... Anh chợt cười vu vơ, xua đuổi ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu. Đời sống khổ ải trong lao tù khiến con người trở nên ti tiểu; suốt ngày chỉ nghĩ kế làm sao đánh lừa được cái bao tử bằng những cọng rau, những mẩu khoai, mẩu sắn nhặt nhạnh được trong khi lao động.
Vũ dừng lại lắng tai nghe ngóng. Dường như có tiếng nói cười lao xao vọng lại từ bên kia bờ suối. Anh thận trọng nghe ngóng, dò xét để đi đến quyết định có nên sang bên đó không? Đây là một chọn lựa khôn khéo mà bắt buộc bất cứ người nào được cử "đi chợ" cũng phải đắn đo, thận trọng vì có thể đó là tiếng nói cười của bọn vệ binh canh tù. Lớ ngớ để chúng tóm được thì ốm đòn; có khi dám xơi cả băng AKAMICINE (2) vào người không chừng; nhưng cũng có thể đó là tiếng nói cười của đám tù nhân Trại khác cùng lao động ở khu vực này...
Nhưng béo bở nhất là gặp được những người dân đi làm rừng, làm rẫy; đúng là trúng số, vì sẽ có cơ hội mua được tí đường, tí đậu, tí thuốc lào... Đôi khi có anh còn mua được cả lít "máu nhân dân" (3) hoặc ký thịt, ký cá v.v... về để dành ăn cả tháng.
Anh còn đang phân vân không biết có nên băng qua con suối sang bên kia không, thì loáng thoáng nghe trong gió thoảng tiếng nói vọng đến: "Tụi mày biết không? Lúc tao ở Không Quân..." Giọng nói quen thuộc lắm anh nhớ là đã nghe tiếng người này nói ở đâu đó một đôi lần thì phải nên chắc là quen với anh. Vũ mỉm cười quyết định bước sang bên kia bờ suối.
2.
Người đàn ông gầy guộc, làn da sạm đen, hai má hóp lại và khi cười để lộ hàm răng có những chiếc răng cửa bị gẫy. Anh ta nằm ngửa dưới tàn một cây "cám" lớn. Chung quanh anh, lố nhố những người tù quần áo vá chằng, vá đụp đang kẻ đứng, người ngồi nghe anh nói chuyện. Chiếc điếu cầy lỏng chỏng trên nền đất. Trong trại tù thì chiếc điếu cầy là hình ảnh quen thuộc lúc nào cũng đi sát với cải tạo như vũ khí bên mình, chẳng thế mà có nhiều anh ví von là đeo Bazôka đó sao? Tiếng nói của người đàn ông sang sảng, ánh mắt sáng và khuôn mặt cương nghị khiến Vũ nhớ đến một người bạn thân của một thời xa xưa: Dương Hùng Cường, tức Dê Húc Càn, nhà văn Quân Đội ở binh chủng Không Quân QLVNCH, tác giả của Buồn Vui Phi Trường, Vĩnh Biệt Phượng... Vũ mạnh dạn bước về phía những người cải tạo đang quây quần nói chuyện. Người đàn ông ngồi bật dậy như giây lò so, gọi:
- Vũ! Mày phải không? Lại đây.
- Sao "ông" thay đổi nhiều quá vậy? Ở Trại nào ?
Vừa hỏi, Vũ vừa đưa mắt ngầm chào những người bạn chung quanh Cường. Từ lâu, mặc dù chơi với anh, nhưng Vũ vẫn có thói quen gọi anh bằng "ông", vì Cường lớn hơn Vũ khoảng 5, 6 tuổi gì đó; nhưng vì cùng là đồng nghiệp trong giới viết lách, văn nghệ văn gừng, báo chí; hơn nữa hai người lại chơi thân với nhau; nên trong đối xử Cường vẫn coi Vũ như một người bạn cùng trang lứa; ngược lại Vũ vẫn coi Cường như một người anh. Cường có thói quen gọi bất cứ người bạn thân nào cũng bằng mày, tao; nên Vũ cũng không ra khỏi cái thói quen thân tình đó.
- Mẹ kiếp! Mày thì có hơn gì tao ? Cũng thay đổi như bất cứ thằng tù nào. Vào đây mà mày không thay đổi, cứ phây phây mập mạp là làm hỏng kế hoạch của đảng và nhà nước mất. Tao ở T.11, L.2. Còn mày? Cường hỏi. Anh vẫn giữ lối nói ồn ào, dí dỏm ấy.
- T.5, L.1
- Mày có gặp thằng nào "phe ta" không? Tao chẳng gặp thằng nào cả.
Vũ đáp:
- Có. Thằng Trần Ngọc Tự (4), Nguyễn Đăng Thạch (5), Nguyễn Thanh Trang (6) ở T.5 chung với tôi. Nguyễn Nguyên Phương (7), Phí Ích Bành (8), Nguyễn Đức Quang (9), Dương Kiền (10), Dương Cự (11) ở T.1; Đỗ Kim Bảng (12), Đào Văn Khánh (13) ở T.3, Khả Năng (14) ở T.2 và khi ở Phú Quốc gặp Nghiêm Phú Phát (15) và Võ Thế Hào (16)...
Nói xong Vũ cầm chiếc điếu cầy rít một hơi. Những sợi thuốc lào Lạng Sơn chính hiệu, vàng óng, được cắt thật nhuyễn đưa anh vào cơn say ngầy ngật, tê dại. Dương Hùng Cường quay sang giới thiệu Vũ với đám bạn bè anh đang bu chung quanh:
- Đây là thằng Vũ, đồng nghiệp làm báo của tao. Thằng này nhiều tài vặt lắm viết văn cũng được, làm thơ nghe cũng khá, đặc biệt nó chẳng học trường vẽ mà vẽ cũng có nét lắm... Trong đám viết lách tao chịu thằng này nhất vì nó thẳng thắn, không lươn lẹo, quanh cọ Nhiều lúc nó "phang" những búa mà cả tuần sau thằng bị phang mới biết, mới hiểu. Đau không chịu được... Như hôm Tết Mậu Thân, nó phang thằng Cả Quỷnh, Giám Đốc Trị sự của tờ báo nó đang làm ngay trên tờ báo Xuân; vậy mà mãi sau Tết con nhà Cả Quỷnh mới biết. Đau không để đâu cho hết đau. Bọn làm báo tụi tao thằng nào cũng căm mấy ông chủ báo keo kiệt, hà tiện mà chẳng làm được gì, chẳng dám lên tiếng; chỉ có thằng này hiên ngang phang cả nhà thằng Quản Đốc tờ báo mình đang làm trên báo nhà; mà lại là báo Xuân nữa mới đau điếng. Dường như lúc đó mày làm chung với thằng Viên Linh (17) phải không?
- Ừ! Nhưng Viên Linh đã rời tòa soạn vì xích mích với Cả Quỷnh. Bấy giờ chỉ còn Anh Hoàng Sơn và Đạm Phong...
- Mày có nghe tin tức gì của thằng Nguyên Vũ và Du Tử Lê không?
- Không!
- Tao nghe mấy thằng nó nói, chính mắt bọn nó trông thấy thằng Du Tử Lê bị chết ở chân cầu Thị Nghè. Có thằng còn quả quyết nhìn thấy chiếc xe Vespa của nó nằm lật gọng ở lề đường. Còn thằng Nguyên Vũ thì có đứa nói với tao là đến chiếu ngày 30/4/75 còn gặp nó ở Sàigòn; mãi ngày 2/5/75 nó mới lần mò ra Vũng Tàu và "tếch" ở đó. Tao thích tính thằng Nguyên Vũ, nó chơi chí tình với bạn bè, hơi màu mè một chút nhưng không thủ. Có tiền là xả láng... Mày nhớ bữa tiệc lột lon ở Trung Thành Quán ngày nó giải ngũ không? Vui quá hả mày?
- Ông nghe những tin đồn về Phách và Chiêu (18) ở đâu vậy ? Nhiều khi chỉ là những tin đồn nhảm thôi. Sau ngày đứt phim, thiếu gì những huyền thoại! Vũ đáp.
- Ừ, tao cũng nghĩ thế.
Nỗi mừng vui xôn xao trong lòng; Vũ không thể nào ngờ gặp lại Dương Hùng Cường trong hoàn cảnh tù đầy này. Hai thằng ngồi nhắc nhở nhau về những kỷ niệm của thời làm báo; nhắc đến bạn bè, đứa ở, đứa đi mà ngậm ngùi. Cường thở dài:
- Chắc chẳng có dịp gặp lại bọn nó quá! Mày có tính gì không?
- Tính toán gì được ông? Bây giờ còn chưa biết sống chết ra sao; cứ được ngày nào hay ngày đó đã.
- Ừ! Đành vậy. Mày còn trẻ. Ráng sống mà về. Còn tao bệnh hoạn hoài. Không biết có ra được không?
- Hai Trại ở xa nhau quá; chứ nếu không tôi tìm cách gửi cho ông ít thuốc tây. Vũ nói.
- Mẹ kiếp! Làm sao mà gặp được? Hôm nay đúng là may mắn, tao không ngờ gặp lại được mày. Tao mừng lắm. Nhất là biết tin tức của một số bạn bè... Để tao gói cho mày ít thuốc lào và ít đường thẻ tao vừa mua được của người làm rẫy.
3.
Sau lần gặp gỡ tình cờ ở khu rừng tre Cẩm Đường, Vũ không gặp lại Dương Hùng Cường nữa; dù anh cố tình dò hỏi các anh em bên trại T.1 và T.3 là hai trại kế cận với T.5 của Vũ; nhưng không có kết quả gì. Vì dù ở trong cùng một Liên Trại (19) gặp được nhau đã là khó, huống gì Cường ở Liên Trại L.3, còn Vũ ở Liên trại L.1... Khi về đến Trại, Vũ mang niềm vui bâng khuâng vì gặp được bạn cố tri trong hòan cảnh khốn cùng nhất.
Vũ kể chuyện gặp gỡ Cường cho Trần Ngọc Tự nghe khiến Tự cứ tiếc hùi hụi là đã né không đi rừng hôm đó nên không được gặp Cường, vì Tự và Cường cùng phục vụ trong tờ báo Lý Tưởng của Binh chủng Không Quân. Bẵng đi cả năm sau, Vũ chẳng có cơ hội nào gặp lại Cường và cũng không nghe bất cứ tin tức gì về Cường nên không biết anh còn bị giam ở T.11 hay không?
Trần Ngọc Tự thì đã bị chuyển ra ngoài Bắc trong đợt chuyển một số lớn anh em cải tạo thuộc thành phần "ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân" như An Ninh, Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị... bị cho là nguy hiểm nên phải đầy ra núi rừng Việt Bắc vào đầu năm 1977. Cái lý do Tự bị đưa đi Bắc chỉ vì anh đã khai cấp bậc và chức vụ là: Trung úy Chiến Tranh Chính Trị, Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân. Bọn VC vốn ghét An Ninh, Tình Báo và Chiến Tranh Chính Trị, mà Tự lại khai là Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân; bọn VC ngu dốt cho là anh có nhiệm vụ soạn tài liệu về lý tưởng cho Không quân chống cộng. Hơn nữa trong một lần học tập chính trị, Tự đã phát biểu một cách văn hoa là: "Thưa các bạn, xuyên qua quá trình lịch sử VN cận đại, đảng CSVN xuyên suốt sợi chỉ hồng..." Tên quản giáo VC ngồi theo dõi buổi học tập đã chặn anh lại và "giáo dục những kẻ lầm đường lạc lối" (20) như sau:
- Anh Tự. Anh là một người cực kỳ phản động, vào đến đây rồi mà anh vẫn còn tiếp tục chống phá cách mạng bằng cách dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý để tuyên truyền xuyên tạc đường lối của đảng và nhà nước ta; đổi trắng thay đen làm suy yếu đi cái tính chất vĩ đại thần thánh của đảng CS tạ Đảng CSVN là một đảng vĩ đại với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và vĩ đại của Bác, nên đã chiến thắng được 3 tên đế quốc sừng sỏ đó là Thực dân Pháp, Phát xít Nhật và Đế quốc Mỹ; đã dẫn dắt đến chiến thắng ngày nay, giành được tự do, độc lập. Đánh bại Đế quốc Mỹ và phá tan bộ máy chiến tranh khổng lồ của Ngụy quân, Ngụy quyền Sàigòn. Vậy mà anh dám xuyên tạc lịch sử VN là cận đại Lịch sử VN chỉ có vĩ đại chứ làm gì có cận đại? Đảng CSVN với biểu tượng là lá cờ đỏ rực rỡ thì anh xuyên tạc ra là sợi chỉ hồng là thế nào?
Cả Tổ đã không nhịn được cười trước sự lý luận ngu dốt và sự hiểu biết nông cạn của tên cán bộ VC. Chính vì vậy mà y đã ghim Tự vào trong hồ sơ đen của những người ngoan cố chống đối; và hậu quả là trong đợt chuyển trại lần này nhằm đem những tên nguy hiểm ra Miền Bắc, nơi có điều kiện giam giữ khắc nghiệt hơn.
Hôm Tự đi, Vũ đưa tiễn ra tận cổng trại, một đoàn người tiễn đưa bịn rịn. Tự cười toe toét, đưa tay sửa lại gọng kiếng cận thị nói:
- Kỳ này tớ lại có dịp thăm lại Ninh Bình quê tớ rồi. Vũ nhét vào tay Tự mấy vần thơ anh viết tặng Tự và dặn "...Đọc xong thì đốt đi!"
Tiễn bạn lưu đầy đất Bắc
(Tặng Trần Ngọc Tự) 

Mày đi nặng gánh lao tù 
Gió mưa Việt Bắc mịt mù từ đây 
Còn tao heo hút chân mây 
Khổ sai, lao dịch dưới tay vượn người 
Mày đi, môi vẫn mỉm cười 
Cỏ cây rũ rượi khóc lời chia xạ..
(Viết tại Long giao 1977 - VUG) 
4.
Đến cuối năm 1977, khi mặt trận vùng biên giới Việt - Miên trở nên sôi động, tình hình chiến sự không còn ở mức va chạm nho nhỏ vì hiểu lầm nhau nữa mà chuyển sang mức độ giao tranh lớn. Khi ấy tình nghĩa của hai nước "CS xã hội chủ nghĩa anh em đời đời bền vững" Việt Miên đã tan vỡ sau khi tình hữu nghị Việt - Hoa đã biến thành thù hận. Mặt trận ở biên giới phía Bắc đã khiến cho "tên đàn em phản trắc Bắc Việt" phải nghĩ đến chuyện thanh toán "tên đàn em phản trắc" Khmer. Khu vực Liên Trại L.1/ Trại giam Long Giao được lệnh giải tán, dồn tù cải tạo sang Liên Trại L.3 để lấy khu L.1 trống làm chỗ huấn luyện tân binh cho lực lượng SPK.
Lực lượng Cách Mạng Giải Phóng Kampuchia là con đẻ của CSVN. Chúng lập ra Lực lượng này gồm một số lớn là đồng bào Việt gốc Miên ở vùng biên giới Gò Dầu Hạ, Vĩnh Bình, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Châu Đốc... bị VC lùa bắt dồn về L.1. Chúng bắt đủ mọi thành phần dân chúng, người già, trẻ em, đàn bà...không từ một ai; tất cả những người sống ở những vùng giáp ranh với Miên đều chúng bắt lùa vào các trại thuộc Liên Trại L.1, mà chúng đã dụ dỗ họ là chở đi tị nạn, tránh sự tấn công sát hại của người Miên. Ngay khi vào Trại, chúng liền lập thành đội ngũ, phát quân phục bộ đội và cho tập tành thao diễn cơ bản. Xen lẫn vào đám dân lành này là những cán binh VC được cài vào để nằm chung trong đội ngũ Lực lượng SPK, chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Kampuchia.
Bọn tù cải tạo như Vũ nhìn thấy cảnh những người dân lành bị lùa vào trại tập trung như một bầy gia súc mà thương hại cho họ vô cùng; có những em bé mũi dãi còn chảy lòng thòng đói ăn mặt mũi vêu vao; có những bà mẹ trẻ, bồng con còn đỏ hỏn trên tay; có những cụ già móm mém tóc bạc da mồi... họ chẳng biết gì về chiến lược lớn của đảng nên khóc lóc, kể lể, phản đối đòi về quê hương xứ sở thì bị bọn cán bộ canh gác đánh đập tàn nhẫn... Bọn Vũ thấy vậy thương hại thường nhín phần ăn thiếu thốn của mình ném sang cho họ. Nhất là lúc này đang là mùa thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn, nên bọn Vũ có "chôm" (21) được nhiều lương thực cất giấu dự trữ phòng khi đói. Bây giờ được dịp cứu đói mấy người dân lành bị VC bắt ở vùng giao tranh với Miên lùa về đây...
Các tù nhân cựu quân nhân VNCH thuộc Liên trại L.1 bị lùa sang Liên Trại 3, họ dồn các trại lại với nhau: Hai trại T.2 và T.5 dồn chung vào trại T.13 ở sát hàng rào trại T.11; Hai trại T.3 và T.1 dồn vào trại T.12. Ngay buổi chiều hôm ấy, bên hàng rào trại T.11 và T.13 đã trở thành cái chợ trời ồn ào. Tù nhân hai trại túa ra hàng rào tìm bạn bè, thân thuộc. Tiếng kêu réo nhau vang động cả một khu vực. Dịp này Vũ cũng gặp lại một số bạn bè cũ như Dương Hùng Cường, Trần Quan Điêu (22), Đoàn Đức Thuận (23), Trần Văn Quốc (24)...
Vũ và Cường đứng bên hàng rào vừa trò chuyện, vừa thông báo cho nhau tất cả những diễn biến sau hơn một năm đứt liên lạc. Thôi thì đủ thứ chuyện... từ chuyện tiễn Trần Ngọc Tự đi Bắc, đến chuyện Thanh Trang, Nguyễn Đăng Thạch được thả về... miên man mãi đến tối mịt.
Vũ ném sang cho Cường mấy cuốn truyện mà anh giấu được trong Trại. Suốt thời gian này, Vũ được anh em đồng tù gọi đùa là "Thư Viện Quốc Gia" vì cất giấu nhiều sách chống cộng được xuất bản từ trước năm 1975, và bí mật chuyền tay cho anh em trong trại đọc; dĩ nhiên chỉ chuyền trong số những người thật thân thiết và tin cậy được. Trong số này có các quyển của Djilas (25), Georghiu, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan v.v... anh đã chuyền sang cho Cường đọc. Một hôm gặp nhau ở hàng rào, khi trả lại cho Vũ quyển Giờ Thứ 25 (La Vingt-Cinquième Heure) của Georghiu, Cường nói:
- Mẹ kiếp! Bây giờ đọc lại mấy quyển sách này mới thấm thía cái cảnh tù đầy triền miên, đi hết trại tù này sang trại tù khác của anh chàng Moritz. Mình thì cũng vậy. Có khác gì đâu? Cũng chuyển hết trại này sang trại khác, cũng khổ như chó...
- Ông có xem cuốn phim đó chưa? Thằng Anthony Quinn đóng vai Moritz sao mà hay thế. Vũ nói:
- Có. Tao chịu nhất cái scène nó phải diễn xuất nửa cười nửa mếu của anh chàng Moritz khi hai thằng phóng viên phỏng vấn, chụp hình...
Ngày và tháng cứ trôi đi hờ hững, những người tù sống chen chúc trong các trại T.11 và T.13 Long Giao, hàng ngày vẫn bị đầy ải trong các công tác lao động khổ sai. Trại L.1 cũ nơi Vũ bị giam sau một thời gian giam giữ những người Khmer Krôm (người Việt gốc Miên), bây giờ lại nhốt thêm những người Khmer chính gốc bị bắt ở những làng giáp ranh biên giới đem về và họ cũng được cấp phát quân phục bộ đội, hàng ngày cũng ra sân tập diễn hành và cơ bản thao diễn (VC sau này xử dụng họ để núp dưới chiêu bài là Lực Lượng SPK để tràn sang Kampuchia cướp chính quyền của bọn Pon Pot và Ieng Sari). Số tù Miên mỗi ngày một đông ở xen lẫn với đám bộ đội VC hàng ngày cứ đứng dọc hàng rào chờ nhóm tù cải tạo đi lao động về để ngửa tay xin củ sắn, củ khoai đám tù mót được ngoài ruộng, ngoài rẫy.
Lại sắp đón một cái Tết nữa trong tù, Tết Mậu Ngọ... và cũng là thời điểm sắp đến hạn 3 năm tù mà trước đây VC thường cho tù nhân học tập về cái mốc để học tập cải tạo tiến bộ. Nhân dịp này Trại tổ chức một đợt học tập nhằm trấn an sự nôn nóng của một số tù nhân nhẹ dạ ngây thơ tin vào những hứa hẹn của VC.
Đa số tù cải tạo đã quá ê chề với những lời nói của VC nên trong trại họ thường nhắc nhở nhau câu nói của Ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng Thống VNCH: "Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm" nên anh em thường bỏ ngoài tai những tuyên truyền láo khoét của cán bộ cai tù. Vì vậy khi CS đưa ra chiêu bài cái mốc học tập cải tạo 3 năm, anh em chỉ cười và an tâm với cái mốc ở tù "mút mùa lệ thủy" cho nó chắc. Tiêu đề của đợt học tập kỳ này là: "Củng cố niềm tin vào đảng CS và hạ quyết tâm học tập cải tạo cho đến khi nào tiến bộ thì về". Cái tiêu chuẩn mơ hồ "đến khi nào tiến bộ thì về" là một cái bánh vẽ nhằm trấn an, lừa mị những người ngây thơ, ngu dốt chứ chẳng gạt được ai. Nhiều người khi trước vì quá tin vào lời hứa hẹn học tập 3 năm nên đã tích cực lao động hùng hục, đoạt nhiều thành tích xuất sắc, được biểu dương trước Đội, trước Trại và trước Liên Trại...; trong sinh hoạt hàng ngày thì tích cực đấu tranh phê bình bới móc người khác. Họ nghĩ rằng như thế là học tập - thật là tội nghiệp cho hai chữ học tập vô cùng - nghĩ rằng như thế thì sẽ chóng được thả về...
Nhưng nay được học về Củng cố tư tưởng họ sinh ra bất mãn, căm phẫn; vì thế để cho số này bớt uất ức, trong một buổi lên lớp ở Trại T.11, Cường đã đứng giữa hội trường lớn tiếng chất vấn giảng viên về sự thiếu thành thật của bài học về cái mốc cải tạo 3 năm và bài học mới về củng cố tư tưởng quyết tâm học tập lâu dài này mà anh kết án là sai chính sách, lừa mị và gian dối... Tên giảng viên cứng họng trước lý lẽ sắc bén của Cường. Anh em sửng sốt trước lời phát biểu cứng rắn, mạnh mẽ của Cường. Ai cũng nghĩ rằng thế nào anh cũng sẽ bị nhốt vào nhà kỷ luật; nhưng anh chỉ bị gọi lên làm bản tự kiểm điểm rồi được cho vào trại.
Sau khi các Cải tạo viên làm xong Bản Thu Hoạch và hạ quyết tâm tin tưởng vào đường lối chính sách nhất quán của đảng CSVN là giam giữ lâu dài bọn Ngụy Quân, Ngụy Quyền phản động; để an tâm ngồi tù. Toàn thể 3 trại T.11, T.12 và T.13 đều bị giải tán để biên chế sang hai trại T.14 và T.15 ở gần sát hàng rào tiếp giáp với Quốc lộ. Trại 11 và một nửa trại 12 được đưa vào T.14; còn T.13 và một nửa còn lại của T.12 chuyển vào Trại T.15. Cường về T.14, còn Vũ sang T.15. Khi vào Trại, Vũ gặp Dương Cự, Dương Kiền, Châu Kim Thi (26), Khả Năng (14)... cùng ở chung một trại với anh. Về trại mới, Khả Năng được giao làm trưởng bếp lo nấu nướng cho anh em toàn trại.
Đêm thứ hai, ngay sau khi chuyển sang Trại T.15, Vũ lợi dụng đêm tối đã leo rào chui sang T.14 tìm Dương Hùng Cường. Phải mất khá nhiều thì giờ anh mới tìm thấy dãy nhà Cường ở, sau khi dò hỏi nhiều người. Dãy nhà giam Cường nằm gần khu nhà bếp. Đây là những barracks bằng ván thông do Quân đội Mỹ cất lên làm doanh trại đồn trú của Sư đoàn Không Kỵ số 1 từ trước năm 1972. Cũng như tất cả các trại giam khác, tù nhân nằm xếp lớp như cá mòi hai bên, mỗi người chỉ có một chiều ngang vừa đủ thân mình. Sở dĩ Vũ liều lĩnh leo rào sang thăm Dương Hùng Cường là vì buổi chiều, trong khi lao động ngoài rẫy anh được Đoàn Đức Thuận báo cho biết Cường đang bị đau nặng, có lẽ do chuyển trại phải khuân vác mệt quá sức anh chăng? Vì vậy Vũ quyết định vượt rào sang thăm bạn và mang cho Cường một ít thuốc tây.
Cường đang nằm dài trên nền đất, dưới ánh sáng vàng vọt, èo uột của ngọn đèn chai. Trông anh có vẻ mệt mỏi nhiều. Cường mừng rỡ ngồi nhỏm dậy khi nhìn thấy Vũ.
- Làm sao mày sang đây được?
- Nghe nói ông bị bệnh, tôi vượt rào sang xem ông thế nào, nhân tiện mang cho ông ít thuốc tây.
- Tao cảm thấy mệt nhiều. Mấy năm nay cái phổi hành tao muốn chết luôn. Không biết có qua khỏi không?
- Sao ông bi quan quá vậy? Ráng uống thuốc và giữ gìn sức khỏe. Mình phải sống để viết chứ. Phải nói cho hậu thế biết cái thảm trạng của đất nước ngày nay do ai gây ra chứ!
- Ừ! Tao cũng nghĩ như vậy nên cố ráng sống cho qua ngày. Mày cũng biết đấy. Nhà tao chẳng dư giả gì, nên thỉnh thoảng bà ấy mới có điều kiện thăm nom tao. Mấy năm nay tao đâu dám cho bà ấy biết tình trạng sức khỏe suy yếu của tao...
- Thôi! Ông đừng nghĩ ngợi vớ vẩn. Tôi sẽ đi kiếm thêm cho ông một số thuốc nữa. Đừng lo lắng làm gì cho hại sức khỏe. Tôi tin rằng với sự giao thiệp rộng của tôi, bằng hữu sẽ sẵn sàng giúp lại khi cần.
Cường miên man nhắc nhở những kỷ niệm trong đời sống quân ngũ của anh; những kỷ niệm của đời viết văn, viết báo. Cường cũng thổ lộ cho Vũ biết anh có một người bà con rất gần là cán bộ khá lớn ở Miền Bắc, họ đã bảo lãnh cho anh. Mới đây, anh được tên Chính trị viên Trại cho biết anh có thể sẽ được về phép vài ngày do sự can thiệp của người bà con là cán bộ CS nói trên. Có lẽ chính vì thế mà dù hôm học tập về an tâm cải tạo lâu dài anh nổi máu Dê Húc Càn đứng giữa hội trường bắt bẻ tên giảng viên mà chỉ bị làm bản tự kiểm mà thôi.
Ngồi nói chuyện với Dương Hùng Cường cho đến khuya, Vũ chia tay leo rào trở về Trại. Ngày hôm sau Vũ tìm cách gói một gói thuốc tây đủ loại, quyên góp được của bạn bè, ném sang bên kia rào cho Cường.
Một hôm, khi đi lao động về, Vũ được Khả Năng cho biết tin Dương Hùng Cường vừa được đi phép 15 ngày về Sàigòn. Khi đi ngang rào T.15, Cường có nhờ Khả Năng nhắn lại cho Vũ biết...
5.
Ngày tháng trôi qua như chiếc bóng; quay qua quay lại đã đến Tết Nguyên Đán nên toàn thể Trại được nghỉ lao động 3 ngày để vui xuân. VC cũng phát cho tù vài điếu thuốc lá Hoa Mai khét lẹt và một ít thuốc lào. Khẩu phần ăn cũng được thêm tí thịt, tí mỡ to bằng đầu ngón tay cái... Trưa mùng một Tết, Vũ đang ngồi bên hông nhà tán dóc với bạn bè thì Dương Hùng Cường leo rào sang thăm. Hai thằng ngồi trò chuyện bên hiên nhà nơi Vũ quây tấm poncho làm chỗ ngồi ăn cơm cho cả bạn. Vì là ngày Xuân, nên anh cũng vẽ một cành mai trên vách và chưng mấy nhánh hoa vạn thọ. Vũ đã viết hai chữ nho: "Sinh Sinh" trên vách với hàm ý mọi người đều được sinh tồn.
Cường cho Vũ biết anh mới trở lại trại chiều hôm 29 Tết sau khi đã nghỉ 15 ngày phép ở Sàigòn.
Vũ hỏi:
- Sao ông không lặn luôn mà còn trở vào làm gì?
- Lúc đầu tao cũng nghĩ như vậy, nhưng khi về nhà thấy hoàn cảnh gia đình, tao sợ liên lụy đến mọi người nên thôi. Hơn nữa tao cũng gặp người bà con cán bộ VC, họ nói kỳ này tao trở lên trại là về.
- Vậy 15 ngày nghỉ ở Sàigòn ông làm được những gì? Tình hình chung ra sao?
- Mày thấy đó. Nó cho tao 15 ngày phép về Sàigòn để xin một Giấy Chứng Nhận của bất cứ cơ sở nào xác nhận là sẽ thâu nhận tao vào làm, cầm nộp cho Trại thì nó sẽ thả. Vì vậy suốt mười mấy ngày tao chỉ lo chạy đôn chạy đáo gõ hết mọi cửa, đến mọi cơ quan, xí nghiệp của nhà nước xin một chân lao công, tùy phái ngõ hầu được trả tự do. Tao nhớ đến thằng Ngô Công Đức đang có trong tay tờ Tin Sáng, nên mò đến nó. Tao đâu có mơ ước cầm bút viết lách trở lại; mà viết cái chó gì ở cái xã hội này khi người cầm bút chỉ là một thứ mõ làng, một thứ máy móc viết theo toa đặt hàng của nhà nước, nói theo lời nói của đảng, nghĩ theo suy nghĩ của đảng. Tao chỉ cần nhận vào làm thợ sắp chữ, lao công lau chùi, quét dọn v.v... để được thả về.
Mẹ kiếp! Thằng này dã man không chịu được. Tao đợi nó suốt 3 ngày, ngày nào cũng từ sáng đến chiều. Nó cứ cho thư ký ra nói bận, không tiếp. Đến ngày thứ tư, nó để tao chờ suốt buổi sáng mới cho vào gặp. Gặp tao nó cũng giả vờ mừng rỡ, tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ thứ chuyện. Rõ kịch! Khi tao cho nó biết tình trạng của tao. Tao không cần phải có công ăn việc làm thật, mà chỉ cần tờ giấy chứng nhận sẽ thâu nhận để nộp cho Trại thì mới được thả về. Thế mà nó từ chối mày ạ. Tức đ. chịu được. Vũ chen vào:
- Ông đến nhờ vả cái thằng phản phúc ấy làm gì? Sao không thử xoay sở mấy chỗ khác?
- Tao lang thang suốt mười mấy ngày như vậy, hết chỗ này đến chỗ nọ. Khi đưa giấy cải tạo là chúng lắc đầu nguầy nguậy, xua đuổi như xua đuổi tà. Thế mới biết tụi nó chèn ép mình, đẩy mình vào tuyệt lộ, cùng đường; coi mình như hủi không muốn giây vào. Ngày thứ 14, tao đang đạp xe lang thang trong tuyệt vọng; bất ngờ lại gặp thằng Hoàng Trọng Miên ở bùng binh chợ Bến Thành. Mày còn nhớ thằng Hoàng Trọng Miên không? Đúng là trời giúp mày ạ! Gặp tao nó hỏi han tíu tít, thân tình lắm chứ không lạnh nhạt đẩy đưa như thằng Ngô Công Đức; và khi nghe tao tả oán về cái vụ chạy đi xin 1 tờ Giấy Chứng Nhận sẽ tuyển dụng làm công nhân viên, nó liền kéo tao vào một quán cà phê lề đường, móc trong cặp ra một tờ giấy đã đánh máy sẵn hí hoáy viết.
Viết xong, cũng lại lôi trong cặp ra một con dấu ịn vào đấy một phát, rồi đưa cho tao. Nó nói:
- Đây là Giấy Chứng Nhận sẽ tuyển ông làm Nhân Viên Hậu Đài của Đoàn Văn Công Thành Phố. Ông đem lên trại nộp cho họ rồi chờ ngày được phóng thích nhé.
Tao kinh ngạc nhìn thằng Hoàng Trọng Miên, rồi nhìn tờ giấy... Thì ra nó là Giám Đốc Đoàn Văn Công Thành Phố mày ạ! Thế là tao có tờ giấy trong tay. Ai ngờ có ngày mình lại làm "gã kéo màn". Mình đã nhố nhăng nhiều quá rồi, bây giờ đi kéo màn cho thiên hạ đóng tuồng cũng vui... - Kể cũng may. Thôi cũng hy vọng ông sớm được về cho chị ấy đỡ lo lắng và ông có phương tiện chữa bệnh. Bây giờ ông nói chuyện tình hình bên ngoài như thế nào? Liệu có sáng sủa không?
Cường kể tóm tắt cho Vũ nghe tình hình xã hội bên ngoài, từ chuyện bọn đầu sỏ Hà Nội hấp tấp gạt bỏ tụi Giải Phóng Miền Nam và bọn tay sai ăn cơm Quốc Gia thờ ma CS; gây nên một làn sóng bất mãn và chia rẽ trong nội bộ đến tình hình dân chúng chống đối ở Miền Nam... và tình hình an ninh chung trong xã hội của VC sau hơn 2 năm cưỡng chiếm Miền Nam v.v... Cường nói:
- Tóm lại, tình hình xã hội thì vô cùng khó khăn vì bọn VC kiểm soát gắt gao về lương thực. Đời sống người dân nghèo khổ. Nhiều nơi nổi lên chống đối bị bọn chúng thẳng tay đàn áp và tiêu diệt một cách dã man. Tin đồn về các ông Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Cao Kỳ thì nhiều, giống như mình được nghe trong trại, nhưng vẫn chỉ là nhữn tin đồn vô căn cứ và khó phối kiểm.
Người ta thi nhau vượt biên nhiều vô số kể; nó đang trở thành một cái mode, một phong trào mà VC không cách nào ngăn cản nổi. Có những thằng vừa ngồi uống cà phê với mình bữa nay, ngày mai đã nghe tin biến rồi. Phe VC trốn đi cũng không phải là ít, chúng từ Hải Phòng chỉ cần đi thuyền buồm là sang đến Hồng Kông dễ dàng. Mày đừng có nản chí; ráng sao về được, bọn mình tìm cách chơi lại tụi nó. Tao đã liên lạc được mấy thằng đệ tử của ông Kỳ, tụi nó còn hăng lắm, còn cất giấu nhiều súng đạn lắm...
Hai thằng ngồi nói chuyện với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ. Đến chiều Cường mới từ giã trở về trại T.14. Trước khi về, Cường nhìn trên vách thấy 2 chữ "Sinh Sinh" nên hỏi: "Mày viết phải không? Nét chữ mày vẫn bay bướm lắm. Để tao đối lại nhé". Nói xong, Cường lấy cây bút viết hai chữ "Xuất Xuất" (với hàm ý mọi người được ra khỏi trại) lên vách tạo nên một vế cân đối và ý nghiã: mọi người sống sót và được về hết cả. (27)
Dương Hùng Cường đi rồi mà Vũ còn bâng khuâng ngồi nhìn ra sân nắng. Mắt trời đang ngả dần về hướng Tây, hắt những tia nắng vàng vọt trải dài trên những tàn cây cao. Bất giác thi hứng nổi lên, Vũ cầm bút viết một bài thơ Xuân để kỷ niệm buổi gặp gỡ đầu xuân trong lao tù giữa hai người bạn cố tri:
Xuân ở Long Giao
(Tặng bạn tôi Dương Hùng Cường) 
Heo hút đồi cao bụi phủ mờ 
Những thân còm cõi dáng chơ vơ 
Bốn vòng gai sắc như dao nhọn
Đâm suốt hồn ai nhát hững hờ? 
Đã mấy mùa xuân trong đớn đau 
Cao su vàng lá úa u sầu 
Bọn ta chung kiếãp tù tăm tối 
Ngày tháng chừng trôi qua rất lâu. 
Từ đáy ngục sâu gặp cố tri 
Cầm tay chẳng biết nói năng chi 
Rưng rưng khóe mắt đôi giòng lệ 
Tủi hận vương đầy trên lối đị
Cùng đón xuân sang giữa ngục tù 
Chẳng trà, chẳng bánh, chẳng hạt dưa 
Uống ly nước lạnh thay men rượu 
Rồi cũng rền vang mẩu chuyện xưa 
(VUG - Long Giao Xuân Mậu Ngọ 1978)
Buổi tối, Vũ leo rào sang trại T.14 đưa cho Cường bài thơ. Đọc xong, Cường tỏ vẻ xúc động, khóe mắt có những giọt long lanh. Anh nói:
- Có lẽ vài ngày nữa tao được về. Mày có cần nhắn gì ở nhà không? Chắc không có dịp gặp mày trước khi về quá; vì sợ lúc đó mày đi lao động. Thôi thì cố giữ gìn sức khỏe và vững tinh thần nghe mày.
Hai thằng ngồi dưới hiên nhà cho đến khuya. Sương xuống lành lạnh. Văng vẳng từ đám đông gần đó, tiếng anh chàng Kháng Sơn đang hát một bản nhạc lời Việt dựa theo nhạc của bài "Proud Mary" của Mỹ:
"Rồi một ngày nào trong tù cải huấn 
Anh với tôi cùng nhau ra sức phấn đấu. 
An tâm! An tâm! Nhưng còn tin mù mờ... 
Rồi một ngày nào được phân công đi vùng kinh tế mới 
Anh với tôi chúng ta cùng nhau bối rối.
Không đi! Không đi! Ta cùng nhau ù lì..." 
Tiếng cười dòn dã của các tù nhân khi nghe bài hát của Kháng Sơn đã làm vơi đi nỗi buồn xa nhà của những người tù trong ngày đầu xuân. 6.
Sau mấy ngày nghỉ Tết Mậu Ngọ, toàn thể tù nhân hai trại T.14 và T.15 lại bắt đầu lao vào công tác lao động khổ sai dưới sự quản thúc hà khắc của lũ cai ngục răng đen mã tấu CS. Khu vực Long Giao trước kia có 10 trại giam gọi là T. thuộc hai Liên Trại L.1 và L.3; ngày nay chỉ còn 2 Trại phải thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn, bầu, bí, rau... của 10 trại, nên ngày nào cũng phải gánh gồng, khiêng, vác từ mờ sáng đến tối mịt. Khu lao động cách xa trại trên 10 cây số, nên phải đi bộ đến hiện trường lao động, xong lại phải khiêng sản phẩm thu hoạch được về trại nhập vào kho của Hậu Cần.
Sở dĩ chúng giữ lại 2 Trại T.14 và T.15 là để có nhân công thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn nhập vào kho trước khi chuyển họ đi nơi khác. Các anh chàng tù cải tạo cũng đâu có dại dột gì, đoán biết được âm mưu của CS, nên khi thu hoạch thường lén cho dân đi mót lúa, khoai, sắn rất nhiều sản phẩm vì có hai cái lợi: một là đỡ phải khiêng về trại nặng nề, hai là cho dân chúng để họ có lương thực cho đỡ đói, bù lại người dân cũng cho lại các anh thuốc hút hoặc đường, kẹo, bánh v.v...
Có những ngày bọn cán bộ quản giáo phải tập họp tù lại để chửi bới vì những đống lúa ngô khoai mót của người dân còn cao hơn, nhiều hơn đống của cải tạo thu hoạch. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng vàng rực lúa chín, từng đoàn tù nhân như cả một đàn kiến lớn xúm vào gặm nhấm những cánh đồng lúa vàng mênh mông, trĩu nặng bông và trên con đường nhựa dẫn về Trại Cải tạo Long Giao, từng đoàn tù nhân nhếch nhác mồ hôi, kĩu kẹt quang gánh, gánh lúa về Trại..."gánh lúa về, gánh về, gánh về..."
Ngày xưa trong những ngày mùa thì niềm vui "gánh lúa về" đã được nhạc sĩ Phạm Duy diễn tả trong bản nhạc của anh khiến người nghe cũng cảm thấy vui lây cái vui được mùa; còn đám cải tạo thì chẳng vui chút nào vì họ biết chắc, có gánh lúa về thì họ cũng chỉ được những lát sắn khô chua loét, sượng sùng... Cái độc ác và dã man của VC là ở chỗ đó, bắt người tù lao động cực nhọc, làm ra rất nhiều lúa gạo nhưng không cho họ được ăn gạo mà chỉ được ăn ngô, khoai, sắn... Không chỉ những người cải tạo mới bị chúng bắt ăn độn kiểu này mà cả nước đều bị đẩy xuống đáy vực thẳm giống nhau, đều bị chúng cho hóa thú giống nhau. Có như vậy đảng mới đạt được chỉ tiêu bần cùng hóa nhân dân để khống chế cái bao tử của người dân, bắt họ phải thuần phục theo chúng muốn.
Cường được phóng thích sau tết khoảng 5 ngày. Hôm đó tình cờ Vũ cũng lên cơn "chây lười lao động", nên khai bệnh nghỉ ở nhà phụ Tổ tăng gia tưới rau. Khi anh đang múc nước ở giếng, bỗng nhiên nghe tiếng ồn ào bất thường bên trại T.14; anh ngừng tay đứng xem chuyện gì xảy ra thì thấy tên Chính trị viên đang dẫn Cường đi ra cổng Trại T.14, theo sau là một đám tù bàn tán xôn xao... theo đưa tiễn. Cường mặc một bộ treillis còn tương đối lành lặn, tay cầm một túi xách nhỏ, miệng cười tươi rạng rỡ. Cường dừng lại trước cổng, giơ tay vẫy từ biệt bạn bè rồi cúi đầu lủi thủi đi về phía cổng lớn của Trung đoàn để ra Quốc lộ.
Vũ chạy ra sát hàng rào, đứng đón Dương Hùng Cường, vì muốn ra cổng Trung đoàn phải đi dọc hàng rào T.15. Hàng rào dày hơn 3 mét, không thể bắt tay nhau được, nên cả hai chỉ đưa tay vẫy chào nhau. May mà hàng rào mới được dẫy cỏ trống trơn nên hai người mới nhìn thấy nhau.
- Mày ở lại ráng giữ sức khỏe và giữ mồm nghe không?
Cường nhắc nhở Vũ vì anh biết tính của Vũ thẳng thắn không sợ bất cứ một thế lực, khống chế nào... Uy vũ bất năng khuất mà! Cường cũng nghe anh em nói cho biết Vũ hay phát ngôn châm chích mỗi khi học tập phải phát biểu. May mà lũ cán bộ VC ngu dốt (Vũ thường hay gọi chúng là giặc dốt và đã có lần phát biểu kêu gọi mọi người phải đứng lên diệt giặc dốt) không hiểu được cách nói của một thằng cầm bút như anh.
- Ừ! Ông về cũng cẩn thận giữ mình. Thì ông có thua gì tôi? Cho gửi lời thăm chị và các cháu. Vũ nói. Cường dừng lại, nhìn Vũ thật lâu mắt ướt sũng, rồi quay lưng lầm lũi bước đị Dáng người gầy gò, lỏng khỏng bước thất thểu về phía cổng Trung đoàn. Vũ thấy mắt mình cay cay. Anh đứng lặng bên hàng rào nhìn Cường đi mỗi lúc một xa, nhòe nhoẹt trong màn sương mỏng của buổi sáng. Anh khẽ thở dài! Anh không ngờ đó là lần cuối cùng trong đời anh được nhìn thấy Dương Hùng Cường. (28) Ghi chú:
(1) Đi chợ: người tù chia phiên nhau mỗi ngày một người trong toán đi nhặt nhạnh rau cỏ, khoai sắn cho anh em trong toán ăm thêm nên gọi là đi chợ.
(2) Akamicine: ám chỉ đạn AK.47
(3) máu nhân dân: để chỉ rượu đế
(4) Trần Ngọc Tự: Trung úy CTCT Không Quân. Cùng bị bắt và bị xử chung trong vụ Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sĩ móc nối với nhân viên Bưu Điện gửi tài liệu ra hải ngoại.
(5) Nguyễn Đăng Thạch: Trung úy Biệt phái, Giáo sư Đại học. Thạch là con trai cụ Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sàigòn. Hiện Thạch định cư ở Canadạ
(6) Nguyễn Thanh Trang: Trung úy, Giáo sư Trường Võ Bị Đà Lạt, Nhạc sĩ.
(7) Nguyễn Nguyên Phương: Trung úy, Giáo sư Triết.
(8) Phí Ích Bành: Trung úy, Chủ sự Phòng Văn Nghê Đài Phát Thanh Sàigòn. Bành là em ruột của nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Phí Ích Nghiễm)
(9) Nguyễn Đức Quang: Trung úy, Nhạc sĩ. Hiện Quang cư ngụ ở Nam California
(10) Dương Kiền: Trung úy, Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Vùng 2. Hiện cư ngụ ở Na Uy
(11) Dương Cự: Trung úy, Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Vùng 4. Hiện còn ở Sàigòn
(12) Đỗ Kim Bảng: Trung úy, Giáo sư, Nhạc sĩ
(13) Đào Văn Khánh: Trung Úy, Ký giả báo Tiền Tuyến của Quân Đội. Khánh là phu quân nhà văn nữ Lệ Hằng. Hiện nay Khánh đang cư ngụ ở San Jose, California và viết văn ký dưới bút hiệu Đào Khanh
(14) Kịch sĩ Khả Năng: Chuẩn úy, tên thật là Nguyễn Văn Tây, phục vụ tại Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Sau khi cải tạo về có làm việc cho Đoàn Văn Công Thành Phố một thời gian. Đã chết vì bệnh.
(15) Nghiêm Phú Phát: Trung úy Công Binh. Đoàn trưởng Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống cùng với Hà Quốc Bảo. Phát là em ruột của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phị Hiện Phát cư ngụ ở California
(16) Võ Thế Hào: Trung úy, Giáo sư Toán
(17) Viên Linh là Tổng Thư ký Toà soạn nhật báo Hoà Bình thay thế cho Mặc Giao Phạm Hữu Giáo đắc cử Dân biểu Hạ Nghị viện. Nhưng làm được một thời gian ngắn thì nghỉ vì xích mích với Trần Hữu Quỳnh, Quản đốc của tờ báo. Hiện nay Viên Linh đang trông coi tờ Khởi Hành ở Nam California.
(18) Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách. Nguyên Vũ tên thật là Vũ Ngự Chiêu
(19) Liên Trại cấp bộ tương đương như Trung đoàn. Gồm nhiều Trại; mỗi Trại thường mang bí số T hoặc K để giam giữ tù cải tạo.
(20) VC thường gọi tù cải tạo là những "kẻ lầm đường lạc lối được đảng giáo d
oOo

NGÂN BÌNH * LĂN TĂN CON SÓNG NHỎ


Lăn tăn con sóng nhỏ

tranyenha02
Ngân Bình


- Hi mẹ! Mẹ có khỏe không?
Chị ngồi bật dậy, thật nhanh, vói tay bốc điện thoại. Không trả lời câu hỏi của con mà chị hồi hộp với câu hỏi của mình:
- Con hả? Công việc mới ra sao? Con có thích không?
Tiếng cười bật ra từ phía bên kia đầu dây. Đứa con gái luôn thấu hiểu nỗi lo lắng – có khi không cần thiết – của mẹ mình:
- Dạ thích.
Chị thở dài nhẹ nhõm, thả mình, nằm dài xuống giường, miệng thì thầm lời cảm tạ Ơn Trên trong khi Diệu Hà huyên thuyên nói về “ngày đầu tiên ở nhiệm sở mới”. Giọng nói líu lo hòa lẫn niềm sung sướng như òa vỡ của con gái khi tìm được công việc thích hợp khiến chị vui mừng quá đỗi. Mấy tháng qua, dù chị luôn miệng nói “không sao đâu, cứ coi như con được nghỉ ‘vacation’ dài hạn để dưỡng sức” nhưng trong lòng thì lại lo ngay ngáy vì biết con còn phải trả nợ xe, nợ tiền học, tiền thuê nhà, bảo hiểm và nhiều thứ linh tinh nữa. Bây giờ thì chị có thể ngủ một giấc đến sáng chứ không bị giật mình nửa đêm, nghĩ đến con mà thương ứa nước mắt.
“Con lớn rồi, nó có thể tự làm mọi việc, lo lắng làm gì cho mệt. Em không thấy nó giỏi hơn mình ngày xưa nhiều lắm sao?”. Điều đó chị đã biết, nhưng lạ lùng thay, dưới mắt chị, những đứa con vẫn mãi mãi còn bé thơ như thuở nào. Cái thuở anh chị vừa chân ướt, chân ráo sang Mỹ được hơn một năm. Lúc ấy, Diệu Hà mới ba tuổi, nửa đêm lên cơn sốt ngay khi anh phải đi làm xa nhà gần một tuần lễ, chị thức dậy, vừa quýnh quáng tìm thuốc, vừa thút thít khóc vì lo lắng cho con, lại thêm nỗi sợ hãi vì không quen ở nhà một mình. Diệu Hà lồm cồm ngồi dậy, đưa hai bàn tay nhỏ xíu nóng như lửa, ôm lấy khuôn mặt chị, giọng đớt đát “Mẹ từng chợ na” (Mẹ đừng sợ nha). Y hệt cách anh dỗ dành mỗi khi có chuyện gì làm cho nó sợ hãi. Thương quá, chị ôm siết con vào lòng khóc nức nở.
Từ nhỏ đã như thế, lớn lên, Diệu Hà lại càng chu đáo hơn trong việc săn sóc chị lúc ốm đau, hoặc an ủi mỗi khi chị gặp chuyện buồn phiền. Diệu Hà giống anh tính ôn hòa, nhân hậu, luôn quan tâm giúp đỡ người khác và giống chị tính đa sầu, đa cảm, hay thương vay khóc mướn những chuyện không phải của mình. Có lần, Diệu Hà giọt vắn giọt dài, tỉ tê kể lể với chị chuyện ba của đứa bạn bỏ mẹ nó, về Việt Nam cưới vợ trẻ và bày tỏ suy nghĩ của mình một cách nghiêm khắc “người vợ có thể tha thứ cho chồng, nhưng đứa con sẽ không tha thứ cho người cha, vì đứa con luôn xem cha là thần tượng của mình”. Cũng từ câu chuyện này chị mới biết rõ Diệu Hà yêu thương và ngưỡng mộ ba nó đến dường nào. Điều đó khiến chị vui và an tâm, vì tin rằng con gái sẽ nhìn vào cách sống của “thần tượng” của nó như một tấm gương soi. Bên cạnh niềm vui lại có thêm nỗi lo lắng khi chị nhận ra con gái mình là người sống nội tâm, nên luôn cầu nguyện cho con đừng gặp phải những biến cố lớn lao trong cuộc sống. Nếu Diệu Hà cũng yếu đuối giống như chị, liệu nó có chống chọi nổi những phong ba bão táp của cuộc đời khi đã quen được ba mẹ yêu thương, chiều chuộng?
- Con về đến nhà rồi. Bye mẹ!
Tuy đoán được câu trả lời của con, nhưng chị vẫn âu yếm hỏi:
- Chiều, con có muốn qua ăn cơm với ba mẹ không?
- Dạ thôi! Hồi sáng con đã nấu thức ăn sẵn rồi.
- Ừ! vậy cũng được.
Chị mừng thấy con thật sự trưởng thành. Khi biết con gái rời nhà chồng, dọn về ở gần mình, anh nói: “Vậy là từ rày, mỗi chiều đi làm về, con nhỏ sẽ dẫn chồng qua đây ăn cơm của mẹ để khỏi phải nấu nướng”. Nhưng thật bất ngờ, đứa con gái mà lúc còn ở với ba mẹ chưa một lần vào bếp nay lại chịu khó tâp tành chuyện nội trợ. Chẳng biết, thẳng rể mới toanh không nói được tiếng Việt của chị có ngon miệng không với cô thợ nấu mới vào nghề cứ phải nhấc điện thoại để hỏi mẹ “món này nấu làm sao?”. Tuy vậy, chị lại tin thằng rể hiền lành có nụ cười thật dễ thương không phải là người kén ăn và đủ “ga lăng” để khen nịnh vợ như đã từng khen mẹ vợ nấu ăn ngon nhất (có lẽ nó là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng khen chị!!!)
- À! … mẹ ơi!
Chị kịp giữ máy lại để nghe tiếng Diệu Hà hối hả vang lên:
- Con quên nói với mẹ, chút nữa Diệu Ân qua nhà con ăn cơm rồi tụi con đi xem phim. Tối nay, Diệu Ân sẽ ngủ ở nhà con vì tụi con về trễ lắm, em sợ làm mất giấc ngủ của ba mẹ.
- Ủa! Sao Diệu Ân không gọi mẹ?
- Em gọi mẹ không được nên nhờ con.
Hỏi vậy thôi chứ chị còn lạ gì cái tật hành hạ, yêu sách “chị Cả” của Diệu Ân và Diệu Hà thì luôn luôn làm tròn bổn phận người “chị Cả”. Trong tập ảnh lưu niệm của gia đình, chị thích nhất tấm hình Diệu Ân ngồi trên ghế, vênh mặt nhìn lên trần nhà trong khi Diệu Hà cúi xuống, chăm chú cột dây giày cho em bằng đôi bàn tay bé xíu. Ngoài “tài” vòi vĩnh, cô út Diệu Ân lại thêm tính thắc mắc, tò mò . Chị nhớ năm lên tám, Diệu Ân có xin chị mua một món đồ chơi đắt tiền và chị đã trả lời “không” một cách dứt khoát. Cô út phụng phịu trách móc:
“Bạn con muốn cái gì ba mẹ nó cũng cho, còn con xin thì mẹ nói không hoài ”.
Chị ôm đứa con gái đang khóc thút thít vào lòng, nhẹ nhàng giải thích:
“Ba mẹ cũng muốn mua cho con tất cả những gì con thích, nhưng ba mẹ nghèo lắm con biết không?”.
Diệu Ân ưỡn người ra nhìn chị bằng đôi mắt trong veo, hồn nhiên hỏi:
“Tại sao ba mẹ nghèo?”.
Chị bật cười vì câu hỏi ngây thơ của con, nhưng bờ môi thì ướt đẫm vị mặn của những giọt nước mắt vừa rơi xuống. “Ước gì mình cũng giàu có như người ta để hai con được sung sướng”. Chị biết, đó là một mơ ước thật xa vời đối với vợ chồng chị! Nhưng chị tin mỗi người đều có một số phận, nên vui vẻ chấp nhận những gì Bề Trên đã an bài.
Một lần khác, Diệu Ân xin mua máy game, anh lắc đầu vỗ nhẹ túi áo:
“Tiền mẹ giữ hết rồi, ba đâu có đồng nào”.
Diệu Ân kề tai anh hỏi nhỏ:
“Sao ba không giữ tiền? Mà… ba có thích giữ tiền không?”
Anh cũng kề tai Diệu Ân thì thầm:
“Thích chứ, nhưng nếu ba giữ tiền thì cả nhà mình sẽ không có nhà để ở”.
Đôi mày Diệu Ân nhíu lại… như không hiểu hết ý nghĩa của câu trả lời. Nhưng có lẽ chữ “thích” của anh làm Diệu Ân hài lòng nên hấp háy đôi mắt:
“Con cũng “thích” giống như ba”.
“Ba cũng “ thích” giống như con”.
Hai cha con ôm nhau cười tít mắt. Ở vai trò người cha, đáng lý phải cứng rắn để dạy dỗ con thì trái lại anh quá dễ dãi và nuông chiều con hết mực. Sợ con hư hỏng nên chị phải nghiêm khắc rày la để hướng con vào nề nếp. Chị từng nói với anh:
“Con của mình, dù tốt hay xấu mình vẫn quý, vẫn yêu. Nhưng một đứa trẻ không ngoan ngoãn làm sao có thể thu phục được cảm tình của người ngoài. Em nghĩ, nếu chỉ có ba mẹ thương con thì chưa đủ, nó cần thêm sự quý mến của người chung quanh thì cuộc đời mới có ý nghĩa và thêm phần ấm áp. Vì thế, nếu anh đã giành vai cha hiền thì em đành phải đóng tròn vai mẹ dữ”.
Tuy không phản đối, nhưng anh vẫn muốn “dùng tình cảm để uốn nắn con cái” như anh vẫn luôn thuyết phục chị nhưng không được, nên thỉnh thoảng anh lại trêu ghẹo chị qua câu hỏi “móc nghéo”:
“Ở nhà này, hai con sợ ai nhất?”
Diệu Ân lém lỉnh nhìn chị bằng ánh mắt rụt rè – giã vờ – và nói bằng giọng thì thào trong trẻo:
“Sợ mẹ nhất!”
“Ba cũng giống hai đứa… sợ mẹ nhất”.
Anh le lưỡi rút vai, rồi ba cha con dụi trán vào nhau cười hí hố. Đối với chị, hình ảnh ấy dễ thương lạ lùng. Và đó cũng là giây phút chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc, dù chị đang mím môi, quắc mắt nhìn về phía những người chị yêu thương nhất với khuôn mặt “hình sự”.
Ngày tháng trôi, hai đứa con lớn lên với tình thương đầy ắp dành cho ba – dĩ nhiên cũng có phần của chị trong đó, nhưng chắc chắn sẽ ít hơn anh – cộng thêm nỗi tự hào. Tự hào về những công việc thiện nguyện anh đã và đang làm không nề hà cực nhọc. Tự hào về những chăm lo, săn sóc rất chu đáo của anh dành cho gia đình nhỏ bé. Tự hào về tư cách, đạo đức của anh – theo cách nghĩ “chủ quan” của hai đứa con – trong câu than thở:
“Hai đứa cứ nhắc nhở nhau, là con của ba không được làm thế này, là con của ba không được làm thế kia. Hừ! làm con của ba khổ quá, khổ quá!!!”.
Trong tiếng kêu khổ của con có cả niềm tự hào về ba của mình. Chị sung sướng và thầm cầu nguyện cho anh luôn xứng đáng với lòng tin cậy của con. Bởi vì, bất cứ một sự thất vọng nào, dù là vô tình do anh gây ra cũng sẽ mãi mãi là vết thương không lành trong trái tim nhỏ bé của hai đứa con luôn nhìn vào anh như một hình tượng khả kính, một chỗ dựa tinh thần vững vàng nhất.
* * *
“Chớp mắt là đã ba mươi ba năm gắn bó cuộc tình sâu. Cám ơn em biết bao cho vừa từ những ngày quen nhau, chiến tranh và những năm tù đày sau cuộc chiến. Cám ơn em với những chắt chiu để gia đình bé nhỏ này trở thành mái ấm cho hai đứa con lớn lên theo cuộc tình mình.
Dù cuộc sống có đôi khi lăn tăn vài con sóng nhỏ, nhưng tình yêu vợ chồng vẫn mặn nồng, bền vững. Hãy cám ơn nhau về những hy sinh, lo lắng mình đã dành cho nhau trong niềm hạnh phúc vô bờ em nhé!
Thương em mãi mãi”.
Xếp mảnh giấy màu xanh gói trọn những dòng chữ yêu thương anh đã viết cho chị trong ngày “Anniversary” vào album, nơi gìn giữ tất cả hình ảnh, thư từ anh chị thường viết cho nhau trong mỗi lần kỷ niệm ngày cưới, chị nghe lòng mình tràn ngập nỗi xúc động. Đọc câu anh viết “cuộc sống có đôi khi lăn tăn vài con sóng nhỏ” chị bật cười khi nhớ lại lời anh thường nói mỗi khi chị cằn nhằn anh về cái tật bừa bãi, thiếu ngăn nắp để chị cứ phải lui cui dọn dẹp.
“Em hãy dành thời gian nhìn cái bàn, cái tủ xem có sạch sẽ hay không để nhìn anh một chút. Có thể nào… ‘em bớt sạch sẽ để thêm yêu thương’ cho anh đỡ khổ không em?”
Sau cái liếc mắt sắc như dao để thay câu trả lời, chị chợt nghĩ… hình như anh nói không sai. Có đôi lúc đang trò chuyện vui vẻ chợt nhìn thấy cái chìa khóa xe nằm không đúng chỗ hay cái áo vất bừa nơi lò sưởi chị lại bực bội đổi giọng trách móc làm anh tiu nghỉu, không khí gia đình mất vui. Từ đó, chị nghe lời anh “bớt”, nhưng không phải bớt sạch sẽ mà bớt càm ràm. Và anh có tiến bộ “chút xíu”, không bày biện thoải mái như trước. Dĩ nhiên, chị phải chấp nhận cái “chút xíu” đó khi anh thành thật thú nhận:
“Em thông cảm cho anh, vì anh đã ráng hết sức rồi!”.
Nhưng có lẽ, đoạn văn tình cờ đọc được trên internet đã đánh động chị để chị vui vẻ thông cảm cho anh về cái tính mà anh cho rằng đã quen mấy chục năm nên khó sửa, “trong cuộc sống, còn có rất nhiều thứ không hoàn hảo, và cả những con người không hoàn hảo. Cái mà tôi học được trong nhiều năm qua, chính là biết chấp nhận những lỗi lầm của nhau, và vui mừng với những nét độc đáo của nhau”.
Khi những thanh củi trong lò sưởi đã cháy đều, anh trở lại sofa cùng ly rượu đỏ. Với nụ cười âu yếm, anh ngồi xuống cạnh chị… và chị cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của những lời thật đẹp trên tấm thiệp giáng sinh chị đã đọc được do người bạn gửi đến “ấm áp không phải là khi hai bàn tay xoa vào nhau mà chính là lúc một bàn tay khẽ nắm một bàn tay”.
Ngân Bình

NGUYỄN SỸ THÙY NGÂN * ĐỪNG HỎI TẠI SAO

Đừng hỏi tại sao

Nguyễn Sỹ Thùy Ngân

Hôm qua sinh nhật thằng con 18 tuổi, hôm nay cười nụ nó dẫn về một cô. Cô bạn gái dáng cao xinh đẹp, vẻ đoan trang, nhìn mặt là thấy thương liền.
Nhìn cô nhỏ có cái mặt hiền queo, đứng ngồi khép nép, ông nghĩ thầm: con nhà ai mà mặt mày coi phúc hậu, dâu Việt Nam đâu phải dễ tìm, coi vậy mà thằng nầy ngon hơn thằng anh của nó… Chợt nhớ ra nhà đang có khách, ông cười xã giao rồi chuẩn bị rút lui cho hai đứa nhỏ nó thoải mái chuyện trò, thì thằng con, thằng Tuấn, nó lên tiếng:
- Tụi con quen nhau cả năm rồi đó ba!
Ông vui vẻ:
- Tụi con học chung lớp hả?
- Dạ không, bằng lớp nhưng khác trường.
Ông nhìn cô nhỏ, rồi hỏi cho có hỏi:
- Năm sau vào đại học, tụi con có định học chung ngành?
Cô nhỏ tự nhiên lúng túng, nhìn qua Tuấn rồi ấp úng.
- Dạ… dạ… con định… con định…
Cô nhỏ còn chưa nói dứt câu, thằng Tuấn đã chen vào đỡ lời, nói một câu… không dính gì đến chuyện ông đang hỏi:
- Thì tụi con cũng tính… tùm lum, nhưng chắc là phải chờ… Hoa là con lớn trong gia đình có ba chị em gái và có một em trai, nên nhiều khi cũng rất là… khó xử.
Ngạc nhiên, ông hỏi lại thằng con:
- Là con lớn thì nhiều khi cũng cực, nhưng chắc các em cũng đã lớn hết rồi thì sao mà khó xử?
Liếc nhìn cô bạn gái, làm cô nhỏ quay đi, mím môi cúi đầu nhìn xuống đất, thằng con ông đưa tay gãi gãi cái đầu, rồi thấp giọng:
- Tụi con… lỡ rồi, khó xử lắm! Ba cho hai đứa làm đám cưới nghe ba?
Đang ngồi thong thả trên chiếc ghế sofa, nghe tới đây ông bật lên như cái lò xo. Ông trợn mắt nhìn thằng con, rồi quét tia nhìn vào cái bụng thon của cô nhỏ. Ông chợt thoáng nghĩ, nhìn cái bụng xẹp lép thế kia có gì đâu mà hoảng hốt, chắc nó muốn nói tụi con lỡ thương nhau, hay lỡ yêu nhau? Tiếng Việt nhiều khi nó nói cũng… ghê lắm, nghe không thông mà nhiều khi… đỡ cũng không kịp. Chắc tại ông suy nghĩ quá đà nên phản ứng quá lố vậy thôi. Lấy lại bình tĩnh ông hỏi nhanh:
- Lỡ là sao? Lỡ thương nhau rồi phải không? Thương yêu trai gái là chuyện bình thường, tụi con còn nhỏ, thương thì cứ thương, học thì phải học. Học xong có ngành nghề rồi thì cưới hỏi sau, cũng không muộn.
Tuấn bối rối nhìn ba, nhăn nhó khổ sở:
- Chờ không nổi đâu, Hoa đã có… thai ba tháng rồi ba!
Lần nầy, như bị điện giựt, ông đứng bật dậy, trợn mắt nhìn hai đứa… con nít, cái mặt còn non xèo mà học đòi làm chuyện… vợ chồng. Ông nổi nóng, lớn tiếng:
- Hai đứa bây mới tí tuổi đầu mà đã gây… họa rồi hả? Cái thằng tắm còn chưa biết chắc có lau khô cái mình hay không mà đòi cưới vợ, còn con gái gì mà mới nứt mắt ra đã muốn… đẻ là sao? Thôi dẹp đi!
Nói xong ông hầm hầm bước ra khỏi nhà, đóng sập cánh cửa lại thật mạnh, bỏ lại phía trong hai đứa nhỏ ngồi nhìn nhau mà khóc.
Sau cái ngày đó, gần như mỗi ngày khi thức dậy để chuẩn bị đi làm ông đều thấy Tuấn xớ rớ quanh quẩn. Nó nhìn ông với ánh mắt chờ đợi như muốn nói điều gì. Ông luôn làm mặt giận hờn để thằng con đừng… xáp lại gần.
Đến một hôm, chắc chịu hết nổi, nó đến bên ông mà hỏi:
- Tính sao đây ba? Cái bụng nó càng ngày càng lớn, nín thinh hoài chắc ba má nó sẽ giết nó chết quá!
Nghe nó hỏi mà ông thêm nổi nóng. Nếu con nhỏ đó mà biết sợ ba má nó trước khi ngủ với trai thì không có cái cảnh sợ hãi như ngày hôm nay, ông nghĩ. Thường là con gái Việt Nam mình lúc nào cũng được cha mẹ dạy rất kỹ phải… thủ thân cho tới ngày cưới, chứ có đâu mà xáp nhanh, đẻ lẹ như vậy? Còn cái thằng nhóc kia, học chưa xong lớp 12, chưa làm ra được xu nào, mà bày đặt có con, rồi lấy gì nuôi? Suy nghĩ đó làm mặt ông hầm hầm, ông không thèm trả lời, lách mình tránh đường thằng con đang đứng cản rồi bỏ đi. Trước khi bước ra khỏi cửa, ông đứng lại quay đầu nhìn nó rồi nói:
- Suốt ngày chỉ có ăn rồi học, mà học không ra gì, lo đàn đúm ăn chơi, có sức chơi thì có sức chịu, tự lo thân đi!
Nói xong ông bước ra ngoài rồi đóng sập cánh cửa lại.
Tuấn đứng tần ngần một chút rồi mở cửa chạy dọc theo hành lang của building, bám theo ba năn nỉ:
- Lỡ rồi ba! Phải cứu con lần nầy, con đâu… biết chuyện lớn vầy!
Vừa lúc đó cửa thang máy mở ra, trong đó có vài người quen lên tiếng chào hỏi. Ông bước nhanh vô trong, bấm nút cho cửa thang máy đóng lại, ông ngoái nhìn nó, lắc đầu ngán ngẩm rồi nghĩ thầm, phải cho tụi bây sợ một chuyến, từ từ rồi mới tính sau… Thằng con nhìn cánh cửa thang máy từ từ đóng lại, tiu nghỉu quay về.
Thấy ông im, Tuấn cũng im luôn… Cho tới một hôm ông đi làm về, vừa mới mở cửa bước vào nhà đã thấy thằng nhỏ ngồi đó trong tư thế muốn nói chuyện. Ông định làm lơ như mọi ngày thì nó lên tiếng:
- Ba, có chuyện nầy con phải… thông báo với ba.
Ông hỏi nó:
- Chuyện gì nữa đây? Mệt quá rồi! Bữa khác nói.
Tuấn nói một hơi:
- Không được, trễ lắm rồi! Con thông báo cho ba biết Thứ Bảy tuần nầy tụi con tổ chức đám cưới. Thiệp mời ba, con để trên đầu TV, 7 giờ tiệc bắt đầu, ba nhớ đến đúng giờ giùm.
Nghe tới đó, cơn giận của ông như bùng cháy dữ dội, ông thảy cái bịch đồ ăn trên tay xuống sàn nhà, rồi cung tay xỉa vào mặt thằng con mà quát lớn:
- Mầy nói gì? Cái thằng đẻ mầy ra nó chết rồi hay sao mà tao đứng đây nghe mầy thông báo đi đám cưới của mầy? Tao là gì của mầy? Là bạn? Là hàng xóm hay là thằng đầy tớ của mầy? Đồ mất dạy!
Chưa bao giờ Tuấn thấy ba giận dữ như vậy. Sợ quá nó vọt nhanh ra khỏi cửa. Cửa đóng lại rồi mà vẫn còn nghe tiếng đập đồ rầm rầm ở bên trong.
Thứ Bảy đó, ông ở nhà một mình uống bia… Tấm thiệp màu đỏ chót trên nóc cái tivi như chỏi vào đầu ông nhức nhối. Càng nghĩ ông càng tức mình, càng tức mình ông càng uống cho đến khi ông không còn nhúc nhích nổi… rồi ông nằm lăn ra dưới sàn nhà cho tới trưa ngày hôm sau. Khi mở mắt ra ông thấy choáng váng, đầu nhức như búa bổ, cổ họng cháy khô. Ông ráng định tâm coi mình đang ở đâu mà sao thấy đầu óc quay cuồng… Ông ráng gượng dậy, vịn lần theo vách tường đi lấy cho mình chai nước, rồi ngồi bẹp xuống, dựa lưng vào cái tủ lạnh mà uống ừng ực. Gần hết chai nước lọc, ông nhìn quanh nhà, vẫn thấy mọi thứ bừa bộn như mọi ngày, không có gì thay đổi, chỉ có ông hôm nay, sao không cảm thấy mình của ngày hôm qua.
Ông nghĩ ngược về quá khứ, cái ngày mà khi xưa nhận trách nhiệm với vợ, dẫn hai thằng con đi vượt biên, để có cơ hội tốt hơn cho tụi nó ăn học thành tài… Đã qua bao năm rồi, hai đứa nhỏ dần lớn, nhưng học thì chưa xong, tài đâu thì chưa thấy, chỉ thấy phiền não vây quanh.
Cuộc sống của ông lúc nào cũng chật vật vì phải lo hai thằng con bên nầy, vợ và ba đứa nhỏ bên kia, nên cho dù làm tận lực thì thời gian và sức lực của ông cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Vì làm ca đêm nên ông ít có thời gian với hai thằng con mới lớn, rồi tụi nó cũng thường không nói cho ông nghe những chuyện tụi nó làm, nên ông cứ tưởng con mình vẫn còn ngoan ngoãn như xưa… Cho tới một hôm nhà trường phone hỏi sao con ông trốn học hoài hoài, ông mới biết thằng con lớn của ông mê lang thang chứ không ưa trường lớp. Giận con, ông lớn tiếng la nó, nó cũng không vừa trả treo lại từng câu. Không dằn được cơn giận, ông nên đã nặng lời đuổi thẳng thằng con. Thằng nhỏ nghe xong nghinh nghinh cái mặt, bỏ vào phòng nhét vội vài bộ đồ vô cái bao áo gối, rồi bỏ đi luôn hơn hai năm rồi chưa chịu phone về.
Ông biết thằng con lớn đang ở chung với con bạn gái tóc vàng, nghe nói con nhỏ nầy sáng xỉn chiều say, thằng con ông bỏ học đi làm hãng, để có đủ tiền cho con nhỏ kia say xỉn. Chán nản quá là chán, lâu rồi ông cũng không thèm nói tới nó, mà thằng con nhỏ cũng tránh né không muốn nói chuyện thằng anh với cha.
Ông chỉ hy vọng thằng em nầy phải khác hơn biết lo ăn học, nào dè nó lại cũng chung đường như anh nó, sớm bỏ trường chỉ thích nuôi con. Càng nghĩ ông càng thấy quá ê chề ngán ngẩm. Uổng cái công cha con sống chết vượt biển qua đây làm chi mà sống không ra gì!
Cũng cùng lúc ông xót xa với quá khứ, đau buồn hiện tại và thấy như hụt hẫng ở tương lai thì bên kia nhà gái họ cũng đang cười đau, khóc hận cho cái cảnh con gái mang bầu, nhà chồng bỏ mặc. Họ đã nuốt giận, tự đứng ra tổ chức đám cưới cho con, đã vậy mà cha chồng còn không thèm đến dự. Chuyện đã trở thành đề tài cho thiên hạ xầm xì, làm cho gia đình nhà gái càng thêm hận. Họ cấm tuyệt không cho Tuấn về bên nội. Tuấn cũng giận ba, nên cũng im luôn từ sau ngày cưới.
Cưới vợ rồi thì phải lo nuôi, Tuấn bỏ học đi làm ở McDonald’s để có tiền góp vào tiền ăn ở và chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời. Lần đầu tiên đi làm không phải dễ, làm tất bật mà đồng lương đem về ít ỏi, lại phải sống chen nhau trong căn apartment nhỏ hẹp, ở chung đông người nên luôn phải để ý e dè, lâu dần, nó thấy mỏi mệt. Tới lúc đó Tuấn mới thấm thía hết cái cảnh ở nhờ bên nhà vợ, nhưng lỡ hết rồi, biết phải làm sao! Bạn bè cùng lứa, vẫn sống vui học tốt, nhìn lại mình nặng nề trong hiện tại, hun hút ở tương lai. Muốn phone về cho ba để nói lời xin lỗi, nhưng mắc cỡ, ngại ngùng Tuấn phải đành im.
Cho tới ngày vợ nó sanh, Tuấn thấy ba đi từ ngoài vào trong bệnh viện, quá mừng vui vì lâu rồi không gặp mặt, nó liền chạy theo hỏi:
- Ba! Ba vào đây chi vậy? Ba có sao không?
Nghe tiếng thằng con tự dưng ông như nghẹn lại, ông yên lặng một chút rồi mới nói:
- Ba nghe vợ con sanh nên vào thăm mẹ con nó.
- Dạ, được thằng con trai, giống con như đúc. Để con dẫn ba vào thăm nó.
Hai cha con sóng bước bên nhau, đi được một đoạn ông dừng chân đứng lại, nhìn thằng con rồi ngập ngừng ông nói:
- Lúc trước vì giận con còn nhỏ mà không lo học, nên chần chờ chưa kịp lo chuyện cưới xin, thì con gởi thiệp, làm cho ba tự ái không đi, giờ nghĩ lại thấy mình quá bậy, thôi đừng giận ba nữa nghe con!
Ứa nước mắt, ôm vai ba Tuấn nói:
- Bỏ qua hết đi ba, cũng là lỗi của con tất cả. Bây giờ có con rồi con mới hiểu. Ba cũng đừng buồn hay tự trách làm chi, vô ôm thằng cháu nội thì chuyện buồn gì cũng sẽ quên mau.
Đứng trước cửa phòng sanh, ông phải chờ coi con dâu có bằng lòng cho ông đến thăm nó hay không, nên Tuấn vào trong thông báo trước. Chỉ vài phút sau Tuấn bước ra nhăn nhăn cái mặt, kéo ông đi ra xa rồi nói:
- Thôi đi ba! Vợ con nó vẫn còn chưa thoải mái, để từ từ rồi sẽ gặp sau. Ba đừng buồn, lỗi của con đã trách hờn ba, rồi làm đà cho nó giận sâu hơn.
Ông hiểu chuyện, chỉ gật đầu rồi lầm lũi bước đi. Nhìn theo dáng lưng khòm khòm, bước đi như chao ngả, đây là lần đầu tiên Tuấn thấy ba mình không còn trẻ nữa. Nó mủi lòng tự trách, mình gây tội rồi bỏ ba một mình hiu quạnh, Tuấn nghĩ: mai nầy sẽ ẵm thằng cháu về thăm ông nội thường xuyên để ba vui trở lại.
Hôm nay có cú phone từ bệnh viện gọi, cho hay ông già bị stroke té nằm ngoài đường, xe Ambulance đã chở ngay vào bệnh viện. Tuấn bỏ hết mọi việc, chạy nhanh vào nhà thương. Thằng con thấy cha nó miệng méo, mặt mày không giống… ba. Người cha nước mắt chảy, nhìn con mà nói không được. Khủng hoảng nào bằng khi thấy mình vẫn còn thở, mà nằm yên không nhúc nhích, cái miệng vẫn còn đó, mà chỉ có thể ú ớ… Hai cha con nhìn nhau, mạnh ai nấy khóc.
Quyết định đi thăm nuôi ba mỗi ngày, Tuấn nghĩ con vợ sẽ cằn nhằn tới nhức óc. Vậy mà không ngờ con nhỏ lại tỏ ra hết lòng lo lắng, muốn chia sẻ với chồng trong lúc khó khăn. Nó nói, “tuy ba không thương em, nhưng giờ ba mang bệnh nặng, em phải vào thăm cho trọn đạo dâu con”.
Nghe vợ nói Tuấn mừng rơi nước mắt, tự trong lòng cảm thấy biết ơn, rồi lòng dặn lòng, suốt đời em, anh sẽ… gánh!
Siết chặt tay vợ cùng bước vào phòng bệnh, giọng hân hoan Tuấn nói với ba:
- Ba, coi ai đến thăm ba nè!
Việc con dâu đến thăm làm ông cảm động. Nó vẫn có dáng vẻ hiền lành như lần đầu ông gặp mặt. Nhưng vì không nói được, ông chỉ ú ớ rồi nhìn dâu mà rưng rưng nước mắt.
Tuấn đến bên nắm tay ba:
- Vợ con lo lắng nên muốn đến thăm, con đi làm nhưng Hoa sẽ ở lại với ba. Tan sở con về dẫn thằng cháu vô thăm.
Nói xong Tuấn siết chặt tay ba, như thầm nói có dâu hiền đến thăm rồi đó nha ba… rồi tươi mặt, nhìn cha nó, cười cười trước khi bước đi ra cửa.
Còn lại mình ông và con dâu, ông nhìn nó thầm biết ơn, và tự trách sao hôm xưa mình nóng nảy, rồi chần chờ kéo dài thời gian làm chi, khiến cho mọi chuyện thêm rối rắm. Ông nghĩ cũng may nay đã êm rồi, sau nầy ông sẽ đem trà, rượu để xin lỗi và cầu thân cùng bên đàng gái. Ông muốn nói với nó những lời nầy nhưng tiếng ông phát ra không suôn sẻ, làm ông ngượng ngùng nhớ tới cái cảnh bệnh khổ của mình, nên ông nhìn dâu mà tiếp tục rưng rưng.
Thế nhưng khuôn mặt hiền của đứa con dâu bỗng dưng đổi sắc. Nó cười khan, rồi đột nhiên ngừng cười, hất mặt nhìn ông:
- Sao rồi? Ông nhìn tôi rưng rưng, chắc đang nghĩ tôi vào đây là để lo cho ông thiệt đó hả? Dẹp đi! Tôi vào đây là để coi cái tướng xụi bại của ông ra sao? Khi xưa hung hăng cỡ nào mà rồi cũng có ngày thân tàn ma dại nầy? Tôi biết là ông đang thù tôi, nhưng đừng hỏi tại sao tôi làm vậy, mà ông phải tự hỏi lại mình, đã gây tổn thương gì cho người khác. Nhớ cái cảnh tôi bụng mang dạ chửa, làm đám cưới mà không có một người bên đàn trai tới dự, cả nhà tôi phải mang mặt nhục mà chịu đựng, nợ nầy ông làm sao trả hết đây? Còn nữa! Tôi làm bộ ngó lơ, thả lỏng cho thằng chồng ẵm thằng con nhỏ về thăm ông là để làm gì ông có biết không? Là để cho ông có cơ hội gần gũi rồi thương thằng cháu nội đậm đà, rồi thì tôi sẽ cấm tiệt không cho ông gặp nó nữa, để ông biết cảm giác thế nào là bị người ta chơi mình. Giờ thì ông hiểu hết cái cảm giác bị người ta chơi mình như thế nào rồi phải không?
Nói xong, nó cười hăng hắc, đi tới đi lui nện gót giày cao gót xuống nền gạch cồm cộp. Ông có cảm tưởng như nó đang nện búa vào đầu mình… Nhìn thái độ và nghe hết những lời cay độc của con dâu, ông mới thật sự biết thế nào là kinh sợ… loài người. Ông muốn lên tiếng chửi đứa con dâu mặt đẹp mà lòng độc ác kia, nhưng lời của ông phát ra là một tràng ngọng nghịu, đứt khoảng, nước miếng, nước giãi chảy ra nhiễu nhão, làm cho nó có dịp để cười cợt thêm hơn. Nó ngồi xuống cái ghế bên cạnh giường, cười rất tươi đưa cái mặt vào gần kề mặt ông mà… thì thầm:
- Tức rồi hả? Tức lắm phải không? Từ từ mà tức, còn tức dài dài, có giỏi thì nhào ra… chết luôn mới là ngon nè, chứ nằm è ra đó cho người ta thay tã làm… hèn chính mình, làm phiền người khác có biết không?
Ông uất nghẹn tới độ muốn chết ngay tức khắc cho rồi, nhưng vẫn phải nằm trơ ra đó để tiếp tục đón nhận những… đòn thù của đứa “con dâu”.
Vừa lúc đó thì Tuấn con ông bước vào. Nó định dặn ông phải ráng ăn đồ nhà thương dù không vừa miệng. Khi nó bước vào thì cũng đúng lúc ông đang cố ngóc đầu lên để… đuổi con nhỏ kia phải ra khỏi đây ngay lập tức, nhưng vì giận quá nên càng lập bập, tiếng nói tắt nghẽn, chỉ phát ra những âm thanh hỗn độn, lẫn lộn với nước miếng, nước giãi chảy ra tèm lem, lòng thòng… Tuấn tưởng ba trở bệnh nên hoảng hốt la lên:
- Trời ơi! Sao ba bị gì nè? Cũng may mà có vợ con ở đây, nếu không thì không biết phải làm sao!?
Lúc nầy thì con nhỏ làm cái mặt hiền queo, thấy chồng bước vào nó giả bộ hoảng hốt, chạy tới đứng nép bên chồng rồi nói:
- May quá anh trở lại, chứ nếu không thì em không biết phải làm sao? Mới hỏi thăm ba có mấy câu thì tự dưng ba trở bệnh, làm em sợ quá! Anh nhấn chuông kêu bác sĩ đi, phải coi ba bệnh ra sao?
Rồi day qua ông, con nhỏ dịu dàng:
- Ba à, thăm ba một chút thôi, con phải về lo cho thằng nhỏ. Hãy yên tâm mà tịnh dưỡng, ngày nào còn bệnh thì ngày đó con còn thăm ba.
Nó còn làm bộ lo lắng, hỏi thăm vài câu khi thấy cô y tá bước vào, rồi mới chịu bỏ đi. Ông thầm nghĩ: phải công nhận con nhỏ nầy tuổi trẻ tài cao, ngoài sự độc ác ra, nó còn có biệt tài đóng kịch tuyệt hay, cho nên kiếp nầy, dù làm cách nào đi nữa thì hai cha con của ông cũng sẽ từ từ chết… đẹp trong tay của nó.
Hay tin ông bệnh nặng, thằng con lớn dọn về, rồi từ đó ngày ngày nó chở ông đi làm trị liệu, đi tập thể dục, bệnh ông bớt dần, nhưng vết hằn sâu trong lòng vẫn còn đó chưa phai.
Nguyễn Sỹ Thùy Ngân

THẰNG MÕ * VIỆT CỘNG BẰNG DỞM

Bằng Cấp hay Bằng Cắp

image

Bng Cp hay Bng Cp
Mười năm bác đng trng cây,
Nhng rng danh mc mi ngày hiếm hoi
Trăm năm bác đng trng người
Kh trình phương án, đười ươi ging bài.
Mu Binh Hà Huyn Chi, “Trng Người”
Theo tin tức báo chí Việt Cộng từ trong nước, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2006 có gần 15 ngàn tiến sĩ và hơn 16 ngàn thạc sĩ, tức nhiều hơn Mã Lai và Thái Lan là hai quốc gia láng giềng an hưởng thái bình và nền kinh tế phồn thịnh lâu đời.

Cũng cần nói rõ cái gì của Việt Cộng (VC) cũng khác người, không giống ai hết vì Việt Cộng là… Việt Cộng. Cho nên, đọc giả đừng nghe bằng “thạc sĩ” của VC mà hoảng sợ. Nó không phải là bằng thạc sĩ của Pháp (agrégé) như thạc sĩ Vũ Quốc Thúc và thạc sĩ Nguyễn Văn Bông, giáo sư đại học luật khoa Sài-gòn trước 1975. Nó là bằng Cao Học ở trong Nam trước 1975 hay bằng Master của Mỹ, bằng Maitrise của Pháp hiện nay, nhưng phẩm chất và giá trị của nó có thể tóm tắt bằng bốn chữ, “bằng cấp Việt Cộng,” hay “bằng cắp Việt Cộng” Người viết sẽ giải thích tại sao có hai chữ “bằng cắp” thay vì “bằng cấp.”

Thật sự không ai biết rõ trước khi đoàn quân viễn chinh cộng sản Bắc Việt vào tận Sàigòn, bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã in và cấp phát bao nhiêu bằng cấp trên bậc đại học, phó tiến sĩ và tiến sĩ. Đây là một “bí mật quốc gia,” trừ bộ chánh trị không ai được quyền biết. Nhưng người viết tin chắc… không nhiều lắm. Trong mấy năm đầu tíếp thâu và điều hành các trường đại học thuộc Viện Đại Học Sàigòn, Cần Thơ, Huế, người ta chỉ thấy le que mấy ông xưng phó tiến sĩ XHCN tốt nghiệp ở Liên Sô và các quốc gia Đông Âu Cộng sản, và một đội ngũ giáo viên dạy đại học chi viện từ Bắc vô mà trình độ không quá bốn năm học đại ở Hà Nội!

Vì không có bằng cấp đúng tiêu chuẩn nên người dạy ở đại học “khiêm nhường” xưng và được gọi là giáo viên thay vì giáo sư như trong Nam trước 1975. Quan chức nhà nước không ai dám khoe bằng như hiện nay vì “trình độ văn hóa” nhiều lắm là ngang với các đồng chí lãnh đạo đảng như Lê Duẫn, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng… “đọc một trang diễn văn đánh máy hai lần mà không biết” (lời cụ Nguyễn Văn Trấn trong “Viết Cho Mẹ và Quốc Hội”). Nhờ đó mà các phụ khảo, giảng viên có bằng master Mỹ còn kẹt lại ở các trường đại học trong Nam trở nên trân châu bảo ngọc của chế độ, nhất là kể từ khi đảng chủ trương đổi mới mà không đổi màu, tức làm kinh tế thị trường (tư bản) theo định hướng xã hội chủ nghĩa (cộng sản), một loại ốc mượn vỏ để sinh tồn.

BẰNG CẤP HAY BẰNG CẮP ?

Thế gian biến đổi vũng nên đồi…

Trước tháng 4-1975, xã hội miền Nam như một gia đình nề nếp, gia phong từ lâu đời, ai cũng biết tiếng, nghe danh nên không cần phải khoe bằng cấp, chức tước hay tiền của. Hiện tượng… chó nhảy bàn độc thật họa hiếm. Người học hành đỗ đạt không có nhu cầu phải khoe, lòe thiên hạ, trừ một trường hợp duy nhất, ông tiến sĩ Nguyễn Văn H. Giới khoa bảng đại học ở Sàigòn gọi ông là “tiến sĩ hão!” Đi đâu hay làm gì, ông cũng thích khoe cái bằng “tiến sĩ hão” của mình ra. Ông nhờ chuyên viên ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp và Quỹ Phát Triển viết bài để ông đăng báo với tên “Tiến Sĩ Nguyễn Văn H.” Thiên hạ đồn rằng… ông tiến sĩ thi rớt tú tài Tây, không vào đại học Tây được nên sang Thụy Sĩ học đại học và mò lên đậu tiến sĩ kinh tế học. Năm 1970 nhờ một “thủ tục quanh co” ông được nhận làm giáo sư HVQGHC làm ban giảng huấn trường nầy… té ngửa. Rồi ông cũng dạy môn kinh tế học như ai, nhưng sinh viên chẳng hiểu ông nói gì nên ông phải chạy đi làm tổng đốc Quỹ Phát Triển. [Khi tu Thuy Si ve Viet Nam, de co duoc chuc quyen,  ong Hao lay ba Cao Thi Nguyet, vo cua tuong Ba Cut, de duoc nhan vao lam cong chuc va cap phat cong xa tai so 2/41 cu xa Cao Thang, thanh pho Saigon, cho den luc doi doi, du ba Nguyet dang tuoi me cua ong Hao nen hai vo chong cung khong the co duoc mun con nao. Voi danh vi Tien Si, ong co xin vao giang day tai Dai Hoc Luat Khoa Saigon va Can Tho, nhung vi la bang cua ong do mot truong dai hoc khong co gia tri o Thuy Si cap nen ong bi tu choi. Ong danh hang tuan to chuc yen tiec tai tu dinh tiep dai va lam quen nhung nhan vat then chot cua nen De Nhi Cong Hoa de tu tu tien than, vua qua tu the cua vo la vo tuong Ba Cut, PGHH, vua bang cach  lay long cac vi Tong Truong duong thoi].

Dẫu sao thì ông cũng có đi học thiệt (khác với “học giả” hiện nay), bằng thiệt, có đến trường, đến lớp… Còn ông soạn luận án cách nào là điều bí mật, không ai biết. Trình độ văn hóa của ông đáng được thạc sĩ, tiến sĩ VC tôn làm sư phụ. Điều này không thể chối cãi. Nội cái chuyện ông phao tin để đánh lừa mà con cháu của “bậc thầy trí trá” tin nghe cũng đáng bậc “siêu sư phụ” của VC rồi: ông phao tin là ông có công giữ 16 tấn vàng cho chánh phủ cộng sản, không để cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lấy đi. Hồ Chí Minh mà sống cùng thời với ông tiến sĩ chắc phải bắt chước Châu Do ngửa mặt lên trời mà than: thiên sinh Thành, hà sinh Hão! Thời Tổng Thống Clinton, nhiệm kỳ 1, chính “tiến sĩ hão” đã đại diện cho CSVG đi “lịch sự” với bộ trưởng thương mãi Hoa Kỳ Ronald Harmon Brown để xin bãi bõ lệnh cấm vận.

Bây giờ trở lại vấn đề: bằng cấp hay bằng cắp XHCN?

Theo từ nguyên, bằng là bằng cớ, bằng chứng, cái gì đó để làm bằng, làm chứng việc đã xảy ra, như nhân viên cảnh sát lập vi bằng một tai nạn. Cấp là thứ bậc, trình độ như sĩ quan cấp cao, nhân viên cấp dưới. Vậy bằng cấp là giấy chứng nhận trình độ học thức của một người ở một cấp nào đó: tiểu học, trung học, cử nhân, cao học/ thạc sĩ, tiến sĩ. Giấy chứng nhận này là thành quả của công khó nhọc mài (mòn) quần trên ghế nhà trường, dù thông minh cũng phải thức khuya, dậy sớm chăm lo việc đèn sách.

Còn bằng cắp ai cũng biết, không cần phải giải thích dài dòng. Cắp là một hành động lén lút, lấy của người hay của chung làm của mình. Nếu công khai thì không còn là cắp nữa mà là cướp. Người không đi học, không đến trường, không đi thi mà có bằng thì đó đúng là “bằng cắp” rồi. Học lực bổ túc văn hóa lớp 5, viết một câu tiếng Việt không thông mà có bằng cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ thì đúng là đoạt… bằng cắp, dù có dấu ấn hay triện son của “bộ giáo dục và in bằng cắp” nhà nước XHCN ta.

Thử lấy một trường hợp cụ thể bằng cắp hiện nay ở quê hương… toàn chùm khế ngọt: Ông Lâm Xiếu, giám đốc Sở Bưu Điện An Giang hiện nay. Ông là một đảng viên công thần, xuất thân từ du kích xã. Học chưa hết lớp 5 trường làng, ông theo làm du kích VC. Cách mạng thành công, ông được thưởng công theo học lớp bổ túc văn hóa. Năm nào cũng thi đậu lên lớp dù ít khi đến lớp. Ông được kết nạp vào đảng, làm phó giám đốc, rồi giám đốc Sở Bưu Điện. Trong ba năm liên tiếp, ông đậu ba bằng cắp: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Năm 2006, báo chí (VC) phanh phui trường hợp “bằng cắp” của ông. Ông trả lời tỉnh khô, thật trơn tru, đúng bài bản XHCN: ông không dè ông có nhiều bằng cắp như vậy. Có vài nhân viên thấy ông ăn ở hiền lành, lãnh đạo tốt nên tự động đi thi dùm mà không cho ông biết. Đến bây giờ, nhờ báo chí nói ông mới biết. Rồi nhà nước vẫn để ông yên lành làm… “dám đốc!” Nếu bắt tội ông thì phải cách chức 99 phần trăm giám đốc hiện nay, lấy ai làm “đầy tớ nhân dân?” Nhân dân mà thiếu loại đầy tớ nầy thì lấy ai phục vụ? Đất nước sẽ ra sao? Hơn nữa, ông đâu có tội gì ngoại trừ tội… không hiếu học mà thích bằng cắp! Nguyễn Tấn Dũng cũng xuất thân từ du kích như ông, có học luật ngày nào đâu mà cũng ghi là đậu cử nhân luật và làm thái thú đại diện thiên quốc?

Đó là những con số “bằng cắp thật” do “bộ giáo dục và in bằng cắp” phát ra cho các quan chức giám đốc nhà nước: bằng cắp thật, cấp cho người thật, chỉ có kiến thức là giả thôi. Còn loại bằng giả người thật, bằng thật người giả, hay loại bằng thuê mướn để “tạm dùng” một thời gian (như thuê mướn áo cưới cô dâu, chú rể) thì như lá cây rừng, nước đại dương…, nhiều hơn bằng cắp của Wal*Mart, Viện Đại Học Nhân Dân lớn nhứt thế giới, bán ra.

Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, xã hội Việt Nam ngày nay quý chuộng bằng cấp và bằng cắp hơn bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới. Khi đăng tên ông giám đốc thì báo chí, cơ quan truyền thông nhà nước luôn luôn phải ghi thêm bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ… như tiến sĩ giám đốc Lê Văn Đực, thạc sĩ giám đốc Nguyễn Văn Mít. Còn giáo sư thì phải có ”học vị” tiến sĩ đi kèm như giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Rớt để phân biệt với… giáo sư Lý Chánh Trung hay loại giáo sư chỉ có học hàm mà không có học vị tiến sĩ. Mục đích là để cho thế giới tư bản không dám nghĩ lãnh tụ đảng và nhà nước ta thuộc loại mít đặc. Phóng viên, ký giả nào viết bài đăng báo -- tất cả phóng viên, ký giả đều là quốc doanh, ăn lương nhà nước và viết bài cho 700 tờ báo đảng -- mà quên chi tiết “bằng cắp” là chưa làm tròn thiên chức nhà báo (đời) XHCN; có thể bị kỷ luật vì làm giảm “chất lượng” các đầy tớ của nhân dân anh hùng ta!

HỌC VỊ
image
Xin mở ngoặc để nói về hai chữ “học vị”. Học vị nghĩa là bằng cấp. Thế thôi. “Bằng cấp” là chữ Việt. “Học vị” là tiếng Tàu phát âm Việt theo chủ trương “Việt Trung muôn năm hữu nghị” của bác và đảng! Trước 1975, trong Nam không ai dùng chữ học vị vì nó chứng tỏ tinh thần nô lệ trong cách dùng chữ. Mình có chữ mà không dùng, phải dùng từ Hán Việt để chứng tỏ là đỉnh cao trí tuệ. Mấy ông trí thức khoa bảng miền Bắc XHCN muốn chứng tỏ mình khác người, dùng chữ “học vị” thay bằng cấp cho oai hơn. Trước đây từ “học vị” chỉ dùng cho bằng cấp phó tiến sĩ và tiến sĩ thôi. Bây giờ thời đại đổi mới, mở cửa, dùng thêm cho thạc sĩ và cử nhân. Không ai nói bác Hồ có “học vị tiểu học sơ cấp” (lớp ba trường làng) dù đó là sự thật, trừ phi muốn mất chỗ đội nón.

Cho nên cái (mắc) dịch hiện nay ở xã hội Việt Nam là dịch bằng cấp và dịch bằng cắp. Nó nguy hiểm hơn dịch cúm gà. Nó giết mòn lòng tự trọng của cả dân tộc. Người ta tìm mọi cơ hội để trưng bằng cấp và bằng cắp, thiệt giả khó phân biệt. Có khi hàng giả trông lại bén mắt hơn hàng thiệt. Có “học vị” chẳng liên hệ gì đến công việc đang làm nhưng vẫn được trưng khoe ra:

·       Thạc sĩ Lê Văn Khiên, Giám đốc Nhà Táng Ba Đình, Hà Nội

·       Tiến sĩ Trần Văn Sai, chuyên đoán (mò) tương lai, tình duyên, gia đạo, làm ăn, lập gia đình, đầu tư, móc ngoặc, vượt biên…

·       Cử nhân Đặng Thị Giả, chuyên viên tiếp thị, cung cấp hàng dỏm cho các chợ trời từ Nam ra Bắc…

·       Phó Giáo sư Phó Tiến sĩ Vũ Văn Chơm, Giám đốc Hãng Xe Hàng Quá Tải chạy suốt…

Ngày xưa thì phú quý sinh lễ nghĩa. Nhưng lễ nghĩa đã bị chế độ XHCN và phương cách trồng người của bác Hồ đập phá tan hoang nên không còn mấy ai muốn “sinh lễ nghĩa” cả. Ngày nay đảng viên cán bộ cao cấp đã trở thành đại gia đỏ. Để vượt thoát mặc cảm bần nông thất học, lái heo thiến lợn, phu cạo mủ đồn điền cao su…, các đại gia đỏ ngày nay chơi trò “bằng cắp” như phú ông dốt đặc chơi cây kiểng. Chơi mà không biết trồng, không biết chăm sóc, không biết lịch sử của từng loại cây, ngay cả không cần biết tên cây kiểng. Do đó, giáo dục trở thành buôn chữ, bán bằng; bằng cấp biến thành bằng cắp!

Descartes, nhà toán học kiêm triết gia Phú-Lang-Sa trước đây, đã bạo phổi tuyên bố: “Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.” Câu này không còn hợp với trào lưu duy vật biện chứng pháp đang lộng hành ở đất nước ta. Suy nghĩ làm cho con người nhức đầu, nhức óc, đâu còn sáng suốt làm việc trị nước. Phụ nữ suy nghĩ nhiều quá thì trán nhăn, má lõm, tốn thêm tiền tân trang da mặt. Phải có cái gì cụ thể hơn để chứng minh sự hiện diện của mình và của người khác. Còn gì rõ rệt hơn mảnh bằng dán trên trán? Bằng cấp hay bằng cắp không thành vấn đề, ai có thời giờ “suy nghĩ” để biết thiệt hay giả? Tôi có bằng cấp/bằng cắp, càng to càng có thể. Vậy thì tôi có, tôi hiện hữu. Và ai muốn hiện hữu… như tôi thì phải biết, phải công nhận là… tôi có bằng cấp. Giản đơn như vậy!

Riêng có ba ngành “công an tra tấn,” “giải tán biểu tình,” và “khủng bố phá hoại” thì đảng ta vô địch, gồm nhiều nhân tài đỉnh cao trí tuệ, cả thế giới đều biết tiếng. Bộ Giáo Dục và bộ Công An nên phối hợp để lập học vị thạc sĩ và tiến sĩ ba ngành này cho các quốc gia như Miến Điện, Zimbabwe, Sudan, Somalia, Venezuela… gởi người đến học và tu nghiệp. Chắc chắn sẽ thu được nhiều ngoại tệ, đi buôn một vốn bốn lời!

Nếu nhân tài của chế độ CHXHCNVN mà có khả năng thì chỉ cần ¼ số thạc sĩ và tiến sĩ hiện có cũng đủ làm cho nước giàu dân mạnh. Rất tiếc!

Năm 2007, nhà nước cộng sản qua Bộ Giáo Dục và Đào Tạo lên kế hoạch “trồng người” khác: Từ nay đến 2020, tức 12 năm nữa, sẽ đào tạo thêm 20,000 tiến sĩ. Xin viết lại bằng chữ “hai chục ngàn tiến sĩ” để độc giả không nghĩ là người viết ghi thừa hai con số không. Hai chục ngàn, không phải 200 hay 2000! 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước và 10.000 tiến sĩ đào tạo ở các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nghĩ tới cảnh 10.000 tiến sĩ bằng cấp ngoại quốc về nước làm việc dưới sự lãnh đạo của các tiến sĩ “bằng cắp XHCN”…thật kinh hoàng, như trường hợp thạc sĩ Trần Đức Thảo, giáo sư đại học từ Pháp về chiến khu Việt Bắc năm 1950, phục vụ dưới quyền các đảng viên cán cuốc, cán mai. Rồi đâu cũng vào đó hết!

Nhà nước ta “trồng người” như nuôi gà nuôi lợn, nuôi trâu bò công nghiệp! Cứ nuôi ăn đủ tháng, đủ năm, đủ ký thì cho vào lò sát sinh lấy thịt. Đảng và nhà nước quen sử dụng thi nô, nhạc nô, nghệ nô, giáo nô theo đơn đặt hàng nên không thể nào hiểu ý nghĩa của sáng tạo và nghệ thuật. Học lên cấp tiến sĩ là phải có óc sáng tạo và sự sáng tạo không thể ấn định thời gian khi nào có, khi nào thành, và không phải ai cũng có thể nghĩ ra cái mới. Có người chỉ học tới cấp cử nhân hay cao học và dừng lại mà không thể đi xa hơn, trừ phi “đoạt lấy” bằng cắp tiến sĩ XHCNVN!

Anh thiến lợn dạo không thể lên kế hoạch mỗi tháng thiến bao nhiêu con heo vì còn phải tùy thuộc vào số heo nuôi và chủ heo có muốn thiến hay không. Ông bác sĩ không thể lập phương án mỗi tháng phải chữa lành bao nhiêu bệnh nhân vì không biết rõ bao nhiêu bệnh nhân đến khám, khám xong có tiền mua thuốc uống không và tình trạng sức khỏe hiện tại. Đảng có thể định mỗi tháng bắt bỏ tù bao nhiêu người vô tội, thả bao nhiêu người vô tội, cướp bao nhiêu mẫu đất của dân… vì những vấn đề này thuộc quyền sinh sát trong tay của đảng. Nhưng vấn đế chất xám và trồng người không phải là chuyên môn của bác, của đảng! Tội nghiệp quá! Thiên hạ chỉ có bốn bồ ngu, sao lại dành trọn hết?

Để có thể nghĩ ra cái mới, có óc sáng tạo là cả một quá trình học vấn, được khuyến khích suy nghĩ, tự do suy nghĩ, tìm thấy cái sai trong hiện trạng. Chế độ cộng sản chỉ muốn mọi người “nhứt trí” với đảng, với lãnh tụ đảng dù lãnh tụ là những người ít học, cán mai cán cuốc, chuyên chế về suy tư hơn bất cứ chế độ chính trị nào trong lịch sử loài người, thì làm sao có người dám nghĩ ra cái mới để làm luận án tiến sĩ?

Tìm khắp các quốc gia tiên tiến Tây Phương, các trường đại học danh tiếng, không có nơi nào dám bạo phổi định số người lãnh bằng tiến sĩ hàng năm như định mức trâu bò giết thịt. Các bịnh trầm kha của những người được tôi luyện bằng “tư tưởng HCM” là ở chỗ suy nghĩ tầm bậy tầm bạ mà cứ tưởng mình khôn nhất thiên hạ!

TU SĨ VÀ BẰNG CẤP

Người không đi tu háo danh, gian dối, lấy không làm có… là những việc làm sai trái thường xảy ra. Bởi đó mà người ta gọi cõi đời là thế gian, trần tục. Nhưng người tu hành mà gian dối, háo danh, khoe khoang, khoe bằng, khoe chức, khoe của… là điều không ai có thể chấp nhận được. Người tu hành bất cứ đạo nào phải là hình ảnh khiêm cung, siêu thoát, đơn giản trong cung cách sống và lời nói. Nếu không, sao xứng đáng gọi là lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn đời sống tâm linh? Vậy mà bịnh khoe bằng cấp/bằng cắp vẫn không tha giới tu sĩ Việt Nam trong nước và nhất là ở hải ngoại.

Một thượng tọa có bằng Ph. D. chủ lễ cầu siêu cho người chết có gì khác hơn một thượng tọa không có Ph. D.? Sao lại phải khai ra? Đức Phật Thich Ca sau khi xuất gia tu hành đâu còn xưng mình là Thái Tử? Chính cái tâm, cái đức của người tu hành, không phải cấp bằng hay chức tước, mới thật sự quan trọng.

Linh mục là chức thánh do Đức KiTô lập nên trước khi thọ hình. Chức này phải cao cả hơn hết ở thế gian, không gì có thể so sánh được. Người ta có thể bỏ tiền ra mua bằng cắp, chạy chọt quan chức nhưng không thể dùng tiền mua chức linh mục. Trong thời gian 15 năm qua ở Việt Nam, có trường hợp gia đình phải cắn răng chi tiền, “lịch sự” với quan chức cộng sản để chi bộ đảng cộng sản chấp thuận cho con em được phong chức linh mục, nhưng đây không phải là mua chức vì ứng cử viên đã hội đủ mọi điều kiện đối với Hội Thánh và giáo quyền:

Thế chiến quc thế Xuân Thu
Gp thi thế thế thi phi thế!

Nhưng một số lớn linh mục đã không cảm thấy chức linh mục là chức cao quý nhất nên mới có thêm những tước vị lòng thòng đi kèm, để phân biệt cá nhân mình với các linh mục... tầm thường khác: linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn A, linh mục tiến sĩ Vũ Văn M, linh mục giáo sư tiến sĩ Lê Văn X... Soạn nhạc, viết nhạc thì giáo dân biết mình là nhạc sĩ rồi, cần gì phải xưng danh là “linh mục nhạc sĩ”? Và xưng để làm gì? Bán CD, DVD nhạc? Ở Hoa Kỳ hầu hết các giáo sư đều có bằng Ph. D. Giáo sư mà không có bằng Ph. D. thật là họa hiếm và phải thật giỏi, xem bằng Ph. D. chẳng vào đâu nên không bận tâm đạt lấy, như trường hợp linh mục Henri Nouwen, tác giả hơn 40 quyển sách nổi tiếng. Vậy đâu cần thiết phải xưng danh là “giáo sư tiến sĩ”? Trừ phi muốn phân biệt mình với các “giáo sư” từ Việt Nam chạy sang! Đôi khi chính các ông các bà giáo dân đã tự động gọi nâng các cha cố, các thầy của mình lên khiến các ngài lỗi đức khiêm nhường và bị “tục hóa!”

Một vấn đề khác đáng nói là hiện tượng manh nha trong giới tu sĩ VN ở hải ngoại trong mười năm qua là hiện tượng học tiến sĩ hàm thụ online từ một số trường, nhất là các trường hàm thụ ở tiểu bang California. Tiểu bang California có quy chế xin mở trường đại học khá đặc biệt và lỏng lẻo. Vài người có bằng Ph. D. hợp lại là có thể xin mở trường đại học gồm... một thầy, một cô, một chó cái! Các trường này không được các hội nghề nghiệp chuyên môn liên hệ công nhận (accredited). Sinh viên học hàm thụ online, một năm hai lần về trường để ôn tập một tuần. Nhưng học phí thì rất đắc, và khi “tốt nghiệp” chỉ dùng bằng cấp/học vị để treo tường, in trên thiệp mà không tìm được việc làm tương xứng. Nói khác, đây là những trường chuyên phân phát “bằng cắp,” dành cho các sinh viên ngoại quốc thuộc thành phần con ông cháu cha, cô chiêu cậu ấm thích du hí mà không thích học, nhưng lại muốn có... bằng cấp to để về nước lòe thiên hạ và nối nghiệp cha ông! Vậy rõ ràng những trường... học đại này được lập ra không phải vì mục đích giáo dục, và người theo học cũng không phải muốn học mà chỉ muốn có... bằng cắp! Một linh mục VN theo học trường loại này, đỗ bằng “Psych Doc” (Tiến sĩ Tâm Lý Học!), đã ghi hai chữ này khá to sau chức linh mục và tên mình trên các bài viết trên mạng! Nhưng cũng có linh mục tự trọng, đậu bằng cắp loại này không dám khoe!

Trong ba năm qua, vài ba linh mục Việt Nam có bằng tiến sĩ họp nhau lại lập chương trình học tiến sĩ hàm thụ về tôn giáo/thần học/mục vụ ở California để giúp các linh mục VN... hiếu học. Chương trình học ba năm, bằng tiếng Việt với học phí hơn 20.000 đô la một năm. Vài giáo xứ, cộng đoàn VN phải... gánh chịu học phí này một cách bất đắc dĩ để linh mục chánh xứ/ quản nhiệm của mình... tu học thêm, để giảng Lời Chúa về phép công bằng cho đúng hơn?!

Từ cát bụi hình thành, con người sẽ trở về với bùn đất, cát bụi. Danh vọng, quyền hành, bằng cấp/bằng cắp… không làm đổi thay thân phận con người: chết! Người tu hành há chẳng biết câu “Việc đời thành hay bại, muôn sự cũng là không?” Sao lại thích bon chen giữa chợ đời trần tục, thế gian đầy gian dối?

*

“Bác hỏi tôi đi học để làm gì?”
Câu hỏi này khởi đầu một bài tập đọc trong quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” lớp ba mà nhiều đọc giả có học qua, thời 1947-1954. Nếu câu trả lời là:

“Tôi đi học để biết đọc, biết viết, biết tính toán... và làm quan để cả họ được nhờ...” thì học tiến sĩ ở đâu, trường nào cũng không thành vấn đề. Nếu mục đích chỉ có vậy thôi thì hà tất phải học đến “học vị tiến sĩ” chi cho mệt xác thân. Và nếu là con cháu đại gia đỏ thì cứ theo nguyên tắc“trước là du hí, sau là online, hàm thụ” để về tiếp nối sự nghiệp cha ông làm lãnh đạo! Dịch ra tiếng Việt thì “tiến sĩ” nào cũng là tiến sĩ. Ph. D. của phái bạch đạo và Ph. D. hay Doctor của phe hắc đạo hàm thụ online đâu khác gì! Có dấu trademark Made in USA mang về Việt Nam là nhứt rồi. Ra Wal*Mart mua mẫu bằng Ph. D., Doctor, Master, Bachelor... rồi viết tên mình vào, về Việt Nam ai biết? So với bằng cắp của nhà nước CHXHCNVN còn đẹp hơn nhiều!

“Là người trí thức trước hết là phải biết ngượng” (Nguyễn Văn Lục). Còn biết ngượng là còn muốn hướng về cùng đích Chân, Thiện, Mỹ. Trong xã hội Việt Nam hôm nay, tìm ra ông thạc sĩ, tiến sĩ được nuôi dưỡng bằng “tư tưởng Hồ Chi Minh” biết ngượng quả là điều rất khó. Lãnh tụ đảng, nhà nước, quốc hội, cả bộ chánh trị và trung ương đảng, quan chức, nói khác cả bộ máy cầm quyền thống trị nói láo thật trơn tru, không mắc cỡ thì bảo đàn em dưới trướng “biết ngượng” sao được? Biết ngượng thì sao gọi là… con người mới xã hội chủ nghĩa? Biết ngượng là dấu chỉ của con người trưởng thành, văn minh. Thử hỏi Trần Huy Liệu có biết ngượng khi gia công nặn đẽo “anh hùng liệt sĩ Lê Văn Tám” làm thần tượng cho các cháu ngoan bác Hồ?

Với phương cách trồng người của bác và đảng, “khỉ trình luận án, đười ươi giảng bài” thì thành quả “bằng cấp” trở thành “bằng cắp” đâu có chi lạ! Điều lạ là lòng tự trọng của cả một dân tộc bị kẻ cầm quyền cưỡng bức mà chế độ vẫn tiếp tục tồn tại…




Thằng Mõ

Monday, March 10, 2014

TƯỚNG MỸ GỐC VIỆT

image

Vinh Danh Đại tá Lương Xuân Việt: Người Về Từ Chiến Trường A Phú Hãn

Đại tá Lương Xuân Việt, Lữ đoàn trưởng  Lữ đoàn 3 Nhảy dù trực thuộc Sư đoàn 101 của quân đội Hoa kỳ, vừa về từ chiến trường A Phú Hãn cùng với 9,000 quân của ông, là một trong những Đại tá trẻ, sáng giá, với nhiều chiến công hiển hách từ hai chiến trường Iraq và A Phu Hãn. Mới năm 2009, khi về từ chiến trường Iraq năm 2009, ông đã từ Trung tá Tiểu đòan trưởng được thăng chức Đại tá Lữ đoàn trưởng và được gửi đi chiến trường A Phú Hãn,  ông lên nhanh đến độ không có thời gian để đi học khoá huấn luyện sĩ quan cao cấp. Tháng 6 này, Đại Tá Việt được đưa về Đại học Standford để học về kỹ năng ngoại giao và lãnh đạo trong một năm. Nhiều người tiên đoán rằng sau khoá học này ông có nhiều cơ hội để trở thành vị Tướng người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa kỳ.
image
Tại chiến trường A Phú Hãn, Đại tá  Việt, đang nói chuyện với binh sĩ của ông thuộc Lữ đoàn 3.
image
Từ trái sang phải Lương Thị Thu Diễm Asley, con gái đầu lòng, bà Kim Mỹ Lương, phu nhân, Lương Xuân Quốc, contrai út Justin, Đại tá Lương Xuân Việt và con trai lớn,  Huy Brandon trong niềm vui của ngày về từ chiến trường A Phú Hãn vào đầu tháng 3, 2011 vừa qua sau 13 tháng chiến đấu với những chiến công vang dội.
image
Đại tá Lương Xuân Việt chạy dẫn đầu đoàn quân trên 3,000 binh sĩ thuộc Lữ đoàn 3 Nhảy dù để chạy bộ 5 dậm Anh, trên những con dốc, ngọn đồi của căn cứ Fort Campbell trong buổi sáng còn mờ sương, chào mừng ngày của Người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương vào đầu tháng 5, 2011 vừa qua.
image
Bà Nancy Bùi đang phỏng vấn Đại tá Lương Xuân Việt cho Chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn, tại văn phòng làm việc của ông trong căn cứ Fort Campbell, Kentucky.
image
Từ tờ mờ sáng ngày 6 tháng 5, 2011, căn cứ Fort Campbell còn đẫm hơi sương. Nơi đây là bản doanh của sư đoàn tác chiến 101 với diện tích rộng trên 105 ngàn bộ Anh vuông  là nơi đóng quân của trên 25,000 quân nhân và gia đình. Fort Campbell nằm giữa ranh giới hai tiểu bang Tennessee và Kentucky. Sáng nay, căn cứ Fort Campbell tấp nập với trên 3,000 binh sĩ đang tập họp trên một sân cỏ giữa doanh trại, dưới sự chỉ huy của vị Đại tá người Mỹ Gốc Việt Lương Xuân Việt để chuẩn bị cho cuộc chạy bộ dàì 5 dậm Anh, để chào mừng Ngày của Người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương, do Lữ đoàn 3 Nhảy dù là một trong 5 lữ đoàn tác chiến của sư đoàn 101 tổ chức. Đây là một truyền thống mà sư đoàn 101 vẫn tổ chức hàng năm vào tháng 5 để ghi nhận và vinh danh người lính Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương.
image
Ngoài các phái đoàn người Mỹ gốc Phi Luật Tân, Đại Hàn, Samoa, Nhật bản tham dự như mọi năm, năm nay, đặc biệt, sư doàn 101 tiếp đón lần đầu tiên phái đoàn người Mỹ gốc Việt gồm gần 20 người thuộc hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ gốc Việt (VAHF) đến từ Texas và California, Linh mục Petter Châu Đỗ, ông Đỗ Hữu Đệ, Chủ tịch và môt số thân hào nhân sĩ thuộc cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nashville, Tennessee, phóng viên Trọng Thắng và chuyên viên quay phim John Nguyễn của đài truyền hình Viet Face TV, Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo thuộc đài truyền hình VNA
image
Viện bảo tàng của Sư đoàn 101 chứa đầy chứng tích của chiến tranh VN
Quan khách được Thiếu tá Stephen Platt, tùy viên báo chí của Đại tá Việt, đưa đi thăm viếng Viện bảo tàng của sư đoàn. Những bộ sưu tập thật công phu và giá trị ghi chép và minh hoạ lại lịch sử của sư đoàn kể từ khi được thành lập năm 1942,  cho tới những cuộc chiến tranh lừng danh trên thế giới tại Đại Hàn, Việt Nam, Iraq, và mới nhất tại A Phú Hãn. Chính sư doàn 101 đã nhầy vào bờ biển Normandy, Pháp để giải phóng Âu châu mà trong phim “Ngày dài nhất” (The longest Day) nói về đoàn quân ngoại quốc đầy hào hùng và được người dân Âu châu gọi là những anh hùng thời Đệ Nhị thế chiến mà không ai trong chúng ta là không biết đến. Riêng trong chiến tranh Việt Nam, bước chân của người lính sư đoàn 101 cũng đã ghi dấu khắp nơi, từ Khe Sanh, Hạ Lào,... với trận Lam Sơn 719. Tất cả đều có những chứng tích ở đây. Kể cả những “thông hành chiêu hồi được máy bay Mỹ thả ngập đường mòn Hồ Chí Minh để kêu gọi các chiến binh CS “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, một chương trình đã chiêu hồi được trên 200,000 sĩ quan, binh sĩ CS trong suốt 21 năm của cuộc chiến cũng được trưng bày ở đây.
image
“Buồn và nhớ tuổi thanh xuân biết bao!”
Ông Nam Trần, trong phái đòan người Việt tại Nashville, Tennessee, cựu sĩ quan QLVNCH, nhiều năm tù CS, đến Mỹ năm 1993 theo diện HO. ông và gia đình sống tại New York đến năm 1995 thì dời tới Nashville làm việc cho một hãng in. Hiện ông và gia đình gồm một vợ 4 con, người lớn nhât 35 tuổi và con nhỏ nhất 20 tuổi còn đi học . Đời sống đã ổn định. Đứng tần ngần trước những di vật, ông Nam bùi ngùi tâm sự:” Tôi phục vụ trong Lữ đoàn 173, thuộc sư đoàn 22 Bộ binh đóng ở Tuy Hoà. Chúng tôi đã có dịp chiến đâu với các binh sĩ thuộc sư đoàn 101. Họ rất tinh nhuệ, tinh thần cao và bảo vệ đồng minh thật chí tình. Ông cũng nhắc đến cuộc hành quân Lam Sơn 719 với mục đích cắt đường tiếp viện của CS qua đường mòn Hồ Chí Minh năm 1971 mà hình ảnh và chứng tích đang được trưng bày kín phòng triển lãm. Ông Nam tâm sự: “ Tôi thấy buồn và nhớ tới tuổi thanh xuân của mình biết bao!”
image
Anh Minh Nguyễn chăm chú xem những chiến xa, súng đạn nhiều loại được trưng bày cùng với những tượng của những người lính với quân phục khác nhau. Anh thán phục người Mỹ đã bỏ công sức ra để lưu lại những bài học cho những thế hệ đến sau. Anh Minh cho biết anh, đến Mỹ qua chương trình bảo trợ ODP. Anh vượt biển nhiều lần nhưng không thoát. Sau nhờ có cha anh là cựu Hải Quân, dù có đi học tập nhưng ông đã vượt biên đến Mỹ và bảo lãnh anh và con của anh hiện đang theo học Đại học tại đây. Đới sống yên ổn không bon chen nhiều nên anh bằng lòng với cuộc sống. Anh Minh cho biết cộng đồng người Việt ở đây khỏang 5 tới 6 ngàn người ở rải rác trong hai tiểu bang Tennessee và Kentucky, số đông là những cựu sĩ quan sang đây với diện HO và sinh sống bằng nghề Nail .

image
Sư đoàn 101 đã có chương trình trùng tu Viện Bảo tàng đầy giá trị này với hai dãy nhà khang trang sẽ được đặt tại con đường giáp ranh với bên ngoài để du khách có thể vào xem mà không cần phải vào trong bản doanh của sư đoàn 101. Mọi người như không muốn rời Viện Bảo tàng, nơi đang có những hình ảnh nhắc nhớ đến VN, đến một phần đời của mỗi người tại quê hương xa típ tắp nhưng Thiếu tá Platt luôn bên cạnh nhắc nhở phái đoàn phải giữ giờ cho tiết mục sắp tới.
image
Trường Huấn luyện nhảy dù
Trường huấn luyện nhảy dù tại căn cứ Fort Campbell hàng năm huấn luyện nhiền ngàn binh sĩ để cung ứng co các binh chủng. Với chương trình huấn luyện 10 ngày, các học viên phải học các cách nhảy từ có dù, không dù, nhảy từ trực thăng hay nhảy từ những điểm cao rồi, chạy 13 dặm trong 3 giờ đồng hồ. Nếu hoàn thành, các học viên sẽ được cấp bằng nhảy dù và trở về các đơn vị để phục vụ. Hai huấn luyện viên và 4 binh sĩ đã nhảy biểu diễn các kiểu cho phái đoàn người Mỹ gốc Việt xem. Những tiếng vỗ tay khen ngợi hào hứng và những cái vẫy tay chào quyến luyến trước khi phái đoàn được chuyển qua khu huấn luyện tác xạ.

image
Khác với những xạ trường trong các trung tâm huấn luyên cũ trước đây với những ụ cát, những hình người làm điểm nhắm. Ở đây là một phòng kín rộng đầy những giây điện chằng chịt. Trên 10 khẩu súng đủ loại được đặt trước một phông hình của một dẫy phố. Khi bật đèn và nhất nút điều khiển trên phông hình xuất hiện những hình người ẩn núp hoặc chạy và các xạ thủ có thể nhắm bắn như ngoài chiến trường. Vị sĩ quan huấn luyện viên gỉai thích:” Với cách huấn luyện này vừa đỡ tốn kém, vừa chính xác hơn vì những phông cảnh có thể thay đổi cho thích hợp với những chiến trường khác nhau, và các học viên có thể bắn suốt ngày mà không phải tốn tiền đạn.”. Quan khách được dịp bắn thử các loại súng và nhắm vào chiến trường ảo trước mắt nhưng cũng tạo được cảm giác hồi hộp không ít.
image
Cuộc viếng thăm bất ngờ của TT Obama 
Ngoài những trường huấn huyện vừa kể, Sư đoàn 101 còn có nhiều lực lượng đặc biệt khác được huấn luyện và đặt căn cứ tại đây, như Biệt đội trực thăng đặc nhiệm 160 mà những phi công lái 4 chiếc trực thăng xâm nhập vào Parkistan đến tận bản doanh của Bin Laden đang trốn đóng, bắn chết và mang xác cuả tên trùm khủng bố làm rung động cả thế giới cũng trực thuộc Sư đoàn 101. Biệt đội 160 từng tham chiến tại Việt Nam, và có căn cứ tại đây. Do đó, chương trình lễ mừng Ngày Người Á Châu Thái Bình Dương hôm nay bị thay đổi đôi chút để đón tiếp TT Obama đến thăm viếng và vinh danh những phi công và đội đặc nhiệm cuả họ và sư đòan 101.

Trong hơn 2 giờ đồng hồ thăm một vòng doanh trại, với sự tiếp đã ân cần của Thiếu tá Platt và các binh sĩ trong ban tiếp tân, phái đoàn đã học hỏi rất nhiều về sinh hoạt và đới sống của người lính Mỹ tác chiến. Người tham dự như cảm thấy gần gũi, thông cảm và mang ơn nhiều hơn  những người lính và gia đình họ. Sự chu đáo này cũng nói lên tình cảm đặc biệt mà vị Chỉ huy trưởng và binh sĩ tại đây dành cho phái đoàn người Mỹ gốc Việt. 

VAHF và người Việt Nashville vinh danh Đại tá Việt
Khoảng gần trưa, trong không khí trong lành, với mùi thơm thoang thoảng của hoa xồi đỏ, và ánh nắng dịu dàng của những ngày đầu hè, khoảng trên 500 quân nhân và quan khách  Mỹ Việt đã tụ tập trước phòng khánh tiết của Lữ Đoàn 3 nhảy dù để tham dự Lễ Vinh danh Lữ đoàn trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất thuộc binh chủng tác chiến Hoa kỳ, Đại tá Lương Xuân Việt.


image
Để đáp lễ các sắc dân khác với y phục cổ truyền và để buổi lễ thêm phần long trọng, tất cả các phụ nữ người Mỹ gốc Việt có mặt đã mặc áo dài đầy màu sắc tươi vui, một số đội những vành khăn xếp rộng vành trông thật đẹp mắt . Riêng phóng viên Trọng Thắng đã khăn đóng, áo the, quần trắng thật long trọng.
Trong bài diễn văn ngắn nhưng cảm động, bà Nancy Bùi, hội Trưởng Hội VAHF đã phát biểu:
“Đúng 36 năm, 6 ngày trước đây, ngày 30 tháng 4, 1975, Sài gòn thất thủ. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Cuộc chiến đã cướp mất trên 58.000 chiến binh Hoa kỳ, hơn 500,000 chiến binh Nam Việt Nam và trên một triệu người dân Việt. Đó là một cuộc chiến gây nhiều tranh cãi nhất trong thế kỷ thứ 20. Nhưng khi hoà bình đến, cuộc sống của người dân Việt Nam không khá gì hơn bởi vì kẻ ác đã chiến thắng….và nhiều người đã phải nghĩ rắng hàng triệu người Mỹ và Nam Việt Nam đã chết uổng phí. Nhưng nhờ lòng quảng đại của dân và chính quyền Mỹ đã đón nhận người Việt tị nạn và từ đó, cuộc chiến tranh Việt Nam cũng có một kết quả tốt đẹp. Đó là cộng đồng người Mỹ gốc Việt…”. Bà Nancy Bùi sau đó đã ca ngợi những nỗ lực của người Mỹ gốc Việt đã mau chóng ổn định đời sống và trở thành một sắc dân có nhiều những đóng góp tích cực nhất vào sự phồn vinh của Hoa Kỳ. Và Đại tá Lương Xuân Việt là một thí dụ điển hình. Bà cũng thay mặt hội VAHF. chân thánh cám ơn sự hy sinh gian khổ của người lính Hoa Kỳ và tri ơn gia đình những người đã bỏ mình cho tự do và dân chủ trên toàn thế giới. Bà mong một ngày nào đó tự do, dân chủ sẽ soi rọi đến trên 85 triệu dân VN. 

image
Trong bộ quân phục tác chiến, Đại tá Lương Xuân Việt đáp từ bằng những lời ca tụng sự hy sinh của quân lực VNCH. Theo  ông, cuộc chiến VN tuy đã có kết quả không tốt, nhưng nó đã để lại những bài học quý giá mà ông và binh sĩ của ông được học hỏi để rút tỉa kinh nghiệm. Ông cũng ca tụng và tri ơn những người lính tác chiến của sư đoàn 101.. Ông phát biểu: ” Tất cả những gì tôi có là nhờ sự làm việc và đóng góp của tất cả các bạn. Nếu không có các bạn, tôi sẽ chẳng có gì hết..”

Linh mục Peter Châu Đỗ đã cùng với bà Nancy Bùi trao tặng tấm plaque của hôi VAHF vinh danh Đại Tá Lương Xuân Việt về những thành quả xuất sắc làm rạng danh người Mỹ gốc Việt  trong việc chiến đấu bảo vệ tự do và dân chủ tại Hoa kỳ và trên toàn thế giới. Người điều khiển lễ vinh danh là ca sĩ Thái Hà, thành viên của Ban Quản trị hội VAHF,  đã cùng với phóng viên Trọng Thắng của đài truyền hình Viet Face TV, bác sĩ Nguyễn Thu Thảo thuộc truyền hình VNA tại California, sau đó đã trao tặng hoa cho bà Lương Mỹ Kim, phu nhân của Đại tá Việt để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân về những hy sinh của người vợ và gia đình của những quân nhân Hoa kỳ. Buổi lễ được kết thúc bằng một bữa ăn trưa tại phòng khánh tiết của doanh trại.
Từ ước vọng của người cha tới ước mơ của vị Đại tá trẻ và sáng giá bậc nhất nhât của quân đội Hoa kỳ
image
Theo dư luận am tường về quân đội Hoa kỳ, Đại tá Lương Xuân Việt, người vừa về từ chiến trường A Phú Hãn cùng với 9,000 quân của ông, là một trong những Đại tá trẻ, sáng giá, với nhiều chiến công hiển hách từ hai chiến trường Iraq và A Phu Hãn. Sau khi về từ chiến trường Iraq năm 2009, ông đã từ là Trung tá Tiểu đòan trưởng được thăng chức Đại tá Lữ đoàn trưởng và được gửi đi chiến trường A Phú Hãn, ông lên nhanh đến độ không có thời gian để đi học khoá huấn luyện sĩ quan cao cấp. Với thành tích cầm quân tại chiến trường gần 13 tháng với bao chiến công mà số quân tổn thất chỉ có 17 người. Tháng 6 sắp tới, ông sẽ được đưa về Đại học Standford để học về kỹ năng ngoại giao và lãnh đạo trong một năm. Nhiều người tiên đoán rằng sau khoá học này ông có nhiều cơ hội được lên tướng để trở thành vị Tướng người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa kỳ.
image
Xuất thân từ gia đình binh nghiệp, Cha ông là Thiếu tá Lương Xuân Dương, thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến của Quân lực VNCH từng làm sĩ quan tuỳ viên của Trung Tướng Lê Nguyên Khang. Sau 1975, cha ông và gia đình gồm một vợ và 8 người con, 7 gái và Đại tá Lương Xuân Việt là con trai duy nhất trong gia đình. Mẹ ông là bà Kathy Lương, hiện bà đang sống tại vùng ngoại ô Los Angeles, nơi mà gia đình bà đã đến Mỹ lập nghiệp trên 36 năm qua . Trong cuộc phỏng vấn gần hai tiếng đồng hồ dành cho chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn của hội VAHF, vị Đại tá ngưòi Mỹ gốc Việt đã nghẹn lời khi ông tâm sự về người cha: “ Cha tôi thường không biểu lộ chuyện buồn, nhất là với con cái. Nhưng ông không thể giấu được những dằn vặt với ý nghĩ vì sao ông không ở lại để tiếp tục chiến đấu với binh sĩ của ông? Ông thường khuyên bảo tôi nên chọn binh nghiệp để phục vụ vì rấr có thể một ngày nào đó tôi có thể đem lại lợi ích cho quê hương Việt Nam. Khi còn nhỏ, chị cũng biết sống trong khu ngoại ô Los Angeles, trẻ con chúng tôi không tránh nổi những trận ấu đả. Khi tôi còn nhỏ được cha mẹ tôi cho học võ Vovinam nên việc rèn luyện thân thể là chuyện hàng ngày đối với tôi, và tôi không bao giờ sợ khi cần phải dùng sức để tự bảo vệ . Nhờ đó mà việc chọn binh nghiệp cũng rất thích hợp với tôi. Lớn lên chút nữa khi vào Đại học, tôi cố gắng học và đâu điểm rất cao tại Đại học University of Southern California (USC),  nên được chọn vào trường sĩ quan không khó khăn. Sau khi tôi ra trường, phục vụ trong ngành tác chiến. Khi tôi lên tới Đại úy thì Ba tôi mất. Tôi nhớ mãi ngày ba tôi tham dự lễ gắn lon Đại úy của tôi, mắt cha tôi sáng lên với  niềm vui và hãnh diện. Cha tôi mất vì bệnh ung thư khi ông chưa đầy 65 tuổi. Tôi ước gì ông còn sống đến hôm nay và lâu hơn nữa để ông được nhìn thấy sự thành đạt của tôi! ”
Niềm ước mơ lớn nhất cho Việt Nam
image
Khi được hỏi ông mơ ước gì cho đất nước Việt Nam? Vị Đại tá trẻ đã trả lời thật ngắn gọn như ông đã nung nấu trong sự suy nghĩ của ông từ bao lâu: ”Điều ước mơ tôi mong muốn nhất là cho đất nước Việt Nam, một ngày nào đó, sẽ có tự do và dân chủ thực sự. Tôi cũng ước cho toàn dân Việt có cơm no, manh áo, và tất cả những trẻ em có cơ hội cắp sách tới trường.”
Trên chiếc bàn thấp và nhỏ giữa phòng làm việc của Đại tá Việt, những cuốn binh sử như đưọc giữ trong tầm tay với của vị Chỉ huy trưởng ở đây. Có những binh sử của Hoa kỳ và của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Những cuốn hồi ký của các danh tướng và có cả những binh sử của Việt Nam Cộng Hoà. Đại tá Lương Xuân Việt cho biết ông đọc và nghiên cứu rất nhiều. Sự học hỏi này giúp cho ông rút tỉa được kinh nghiệm của những người đi trước. Ông cho biết một số tài liệu của các tướng Việt Nam Cộng Hoà đã viết như Tướng Ngô Quang Trưởng với chiến  thuật du kích chiến hay Tướng Nguyễn Duy Hinh hiện còn sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn viết về kinh nghiệm cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971 cũng là những binh sử gối đầu của ông. Ông cho biết khi cầm quân, dù mất một người cũng là nhiều, nên ông chú tâm vào các chiến thuật đánh sao cho kết quả nhưng không hao tổn xương máu của binh sĩ mới là chiến thắng toàn diện. Chính vì thế mà trong gần 13 tháng điều khiển trên 9,000 quân tại chiến trường A Phú Hãn, với nhiều chiến công hiền hách, Đại tá Lương Xuân Việt chỉ mất có 17 binh sĩ. Ngay trong tuần lễ đầu sau khi về tới Mỹ, Đại tá Việt đã được Bộ Quốc phòng Pentagon mời lên để  tường trình về chiến trận, đặc biệt về cách cầm quân thật hiệu qủa của ông.
Một chỉ huy trưởng nghiêm minh nhưng đầy lòng nhân ái
image
Đại tá Lương Xuân Việt còn được sự kính phục của binh sĩ dưới quyền ông. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe những lời nói về ông với đầy cảm mến: “Ông ấy là một nhà lãnh đạo giỏi, ông ấy thương binh sĩ và làm việc rất nhiều để hỗ trợ binh sĩ, ông ấy cư xử với chúng tôi như anh em,..” . Riêng với Thiếu tá Platt, tuỳ viên báo chí của Lữ đoàn thì không tiếc lòi khen ngợi:” Đại tá Việt rất nghiêm, nhưng ông ấy sống chết với binh sĩ. Chúng tôi chứng kiến cảnh Đại tá đau buồn khi ông nghe tin binh sĩ tử nạn. Ông lúc nào  cũng làm hết sức, ngoài cả những gì ông ấy cần làm như tìm môi cách đến thăm những binh sĩ bị thương hoặc hy sinh, mặc dù nhiều lúc ông phải dùng trực thăng, đi đến những vùng nguy hiểm nhưng đối với ông sự có mặt của người chỉ huy trưởng  trong những lúc sống còn của người binh sĩ dưới quyền ông là một điều tối quan trọng. Tôi đã từng làm việc với nhiều Đại tá chỉ huy trưởng khác, nhưng khi làm việc với Đại tá Lương, tôi biết là tôi làm việc nhiều hơn rất nhiều nhưng tôi lại rất vui. Ông ta là một nhà lãnh đạo tài ba, và đức độ”
Nhưng tất cả những điều vừa kể trên chỉ là một phần của Đại tá Lương Xuân Việt, khi người phỏng vấn hỏi về gia đình thì gương mặt ông sáng lên và nói về người vợ của ông, bà Lương Mỹ Kim: bằng những lời thiết tha, chân tình: ” Kim là tất cả của đời tôi. Cô ấy thay tôi làm cha khi tôi phải ra chiến trường, cô ấy an ủi và chia sẻ với tôi trong những lúc vui buồn hoặc khó khăn. Chị biết mỗi khi có một binh sĩ phải hy sinh, tôi còn ngoài chiến trường thì Kim thay tôi đến để an ủi gia đình họ, trong khi tôi biết chính trong lòng của Kim cũng đang bối rối và  lo sợ cho tôi và những bấp bênh của một gia đình có ngưòi chồng trong ngành tác chiến. Vì luật lệ trong quân đội khiến chúng tôi phải dời đổi chỗ ở liên tục. Ít có nơi tôi ở đưọc lâu quá 3 năm nên Kim và các cháu cũng phải thay đổi trường học, môi trường sống liên tục. Tôi không thể làm tất cả những điều đã và đang làm nếu không có sự cộng tác của Kim.”
image
Và một mơ ước khác cho 3 người con là Lương Thị Thu Diễm Asley, 16 tuổi lớp 11, Lương Xuân Huy Brandon, 14 tuổi, lớp 9, và Lương Xuân Quốc Justin 10 tuổi, lớp 5 sẽ chọn binh nghiêp. Đại tá Việt thổ lộ: “Cháu gái lớn muốn học luật và sẽ chọn làm việc cho quân đội. Cháu trai thứ hai đang chờ đợi vào trường sĩ quan, cháu út thì còn nhỏ nhưng cũng đã và đang tìm hiểu. Tôi luôn khuyến khích các cháu, vì tôi mghĩ rằng: quân đội Hoa kỳ là một trong những môi trường phục vụ tốt nhất”.
Bài học từ chiến tranh VN
image
Tối hôm trước. Đại tá Việt và phu nhân là chị Kim đã có nhã ý mời chúng tôi đến thăm tư gia của họ trong căn cứ Fort Campbell. Căn biệt thự nhỏ xinh sắn trên đỉmh một ngọn một con đồi thấp là mái ấm cuả Đại tá Việt và gia đình. Trước nhà, phiá trái là cổng chào màu đỏ, nhỏ làm bằng gỗ theo hình cổng chào Torii của người Nhật; gần giống cổng tam quan của người Việt, phiá trái trồng cây kiểng và hoa rực rỡ. Bên trong căn nhà, vật dụng được trưng bày tươm tất nhưng giản dị của một gia đình trung lưu Mỹ. Tiếp chúng tôi, Đại tá Việt ngồi chiếc ghế sa lông chính giữa, bên phải là Đại tá Paul Sarat, lo về hành chánh, tái chánh. Bên trái là Thiếu tá Matt Leslie, trưởng Ban hành quân, có vợ Việt Nam, chị Linda Leslie. Họ nói chuyện với nhau thân mật nhưng tương kính. Chị Kim lo việc tiếp khách và chỉ  có  chị  Linda đến chơi  tiếp tay, mà không hề thấy bóng của người phục dịch. Chi Kim cho biết sư đoàn có đơn vị huấn luyện và hướng dẫn các gia đình binh sĩ cách sống tự lập. Các bà được dạy cách thay bánh xe, thay đèn, sửa những vật dụng giản dị trong nhà. Đời sống của gia đình một vị Đại tá trong quân đội Hoa kỳ thật đơn giản và tự lập.
image
Cuộc chiến tranh đã qua đi 36 năm, đến thăm viếng căn cứ Fort Campbell, doanh trại của Sư đoàn tinh nhuệ nhất để thấy cuộc lột xác hầu như hoàn toàn của quân đội Hoa kỳ sau bài học từ chiến tranh Việt Nam. Họ thay đổi từ chiến cụ, kỹ thuật tác chiến đến tinh thần và lối sống và làm việc của binh sĩ Hoa kỳ. Họ không còn là một tập thể  ô hợp của những người lính bị động viên. Hôm nay, người lính và đặc biệt là những vị sĩ quan chỉ huy, họ là những nhà binh chuyên nghiệp với kỷ luật nghiêm minh, với kỹ năng kỹ thuật nhuần nhuyễn. Ngoài việc đánh trận, ho cũng được huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, và đặc biệt tư cách và lối ứng xử của họ nói lên được tinh thần kỷ luật và trách nhiệm nghiệm minh  nhưng lại đầy  tinh người của một đoàn quân tinh nhuệ nhất trên thế giới, trong đó có nhiều vị chỉ huy cũng như gần 20 ngàn binh sĩ người Mỹ gốc Việt các cấp. Đó cũng chính là niềm an ủi và hãnh diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt của chúng ta.  
Người Mỹ tốn hơn 58 ngàn sinh mạng và nhiều tỷ bạc cho chiến tranh VN. Cuối cùng họ đã học được bài học của họ để xây dựng một quân đội hùng mạnh gần như hoàn hảo vào bậc nhất trên thế giới mà không một quân đội nào trên thế giới muốn đối đầu. Miền Nam VN tự do của chúng ta đã tổn thất hàng triệu người, thất thoát tiền rừng, bạc biển cho cuộc chiến. Nhưng đau thương nhất là chúng ta mất cả mảnh đất tự do của quê hương. Chúng ta đã học được bài học gì sau hơn 36 năm?  
Triều Giang


image
image

3rd Brigade Combat Team Change of Command
image
image

image

image

image

image

image


Ai là tướng gốc Việt đầu tiên trong quân đội Mỹ?
image
http://baomai.blogspot.com/2014/02/ai-la-tuong-goc-viet-au-tien-trong-quan.html

THƠ TRANH ĐẤU

ĐẢNG CỘNG SẢN VN ĐI CHẾT ĐI!  

Lòng yêu thương Quốc Gia, Dân Tộc cao vời
Các tên bán chữ nghiã trong trường Đại Học không đủ Nhân Phẩm để giãng dạy

Kiến thức phải biết áp dụng cải thiện xã hội thắm tươi

Có lý nào từ chương như mọt sách không hơn không kém, phải chăng người ? !

Tình yêu Quê Hương không còn , có biết Hổ Thẹn với cô Sinh Viên non trẻ ?!

TUỒI TÁC, TIỀN BẠC, QUYỀN LỰC, ĐIẠ VỊ,BẰNG CẤP, NỔi DANH kể như vứt đi

Nếu Nhân Phẩm cao quý nằm trong sọt rác !

Anh Hùng , Hào Kiệt xưa nay ở lưá tuổi hai mươi, ba mươi

Tuổi nhiệt huyết, lý tưởng đạp đất đội trời

Chấp nhận HY SINH dũng tiến

Hôm nay kỷ niệm ngày Tàu Cộng xâm lăng Việt Nam

Hỏi mười bốn con cá tra trong bộ chính trị, chính em

Cúi mình cúc cung tận tuỵ tung hô Kẻ Thù Truyền Kiếp

Đáp áp những ai tưởng niệm Chiến Sĩ, Đồng Bào Vị Quốc Vong Thân

Còn NHỤC nào hơn nưã không ? !

NHỔ RỒI LẠI LIẾM cả hai thằng cộng sản !!!

Môi hở răng lạnh mà lại choảng nhau ? !

Càng nghĩ càng thương Quê Hương , Dân Tộc khổ đau

Đến ngày giờ nào mới đủ DŨNG KHÍ vùng lên SINH TỬ ?

Nếu Tiền Nhân thuộc hạng THAM SINH UÝ TỬ

Đất Nước không còn lưu lại đến ngày nay

Tận Cùng Tuổi Nhục Khổ Đau

Phải quyết tìm ra SINH LỘ

KHÔNG AI THƯƠNG MÌNH BẰNG CHÍNH MÌNH

Ươn hèn, khiếp nhược đồng nghiã với NÔ LỆ, Diệt Vong, Đồng Hoá !

Hỡi những ai Anh Hùng, Hào Kiệt nêu cao CHÍ CẢ ?

TÂN NHÂN LỰC TRI THIÊN MỆNH !


KIỀU PHONG (Toronto)


Xướng:

CÁCH MẠNG BÔI VÔI TRẮNG MẶT MÀY
Cách mạng bôi vôi trắng mặt mày

Hiến thân lang sói tỏ lòng ngay ?

Bưng bô đội mão khôi hài quá

Cõng rắn cắn nhà hiểm ác thay!

Uốn lưỡi gian manh toàn lếu láo

Dụng tâm man trá chỉ thày lay

Đảng Hồ bán nước buôn dân tộc

Lý luận vòng vo để tiếp tay


Nguyễn Đạt

December 13, 2013

Họa: CỘNG SẢN RỒI ĐÂY SẼ BIẾT TAY

Giặc Cộng bất nhân chính chúng mày

Lòng lang sói hãm hại người ngay

Tôn thờ giặc Bắc đê hèn lắm

Đàn áp dân Nam hung hiểm thay!

Chính nghĩa phùng thời như rực sáng

Bạo tàn mạt vận phải lung lay

Phong trào chống đối ngày thêm lớn

Cộng Sản rồi đây sẽ biết tay

Nguyên Trần

Jan. 3, 2014


Dòng sông tưởng nhớ

Quý tặng các bạn trẻ tổ chức đêm hoa đăng trên sông Hồng.

Trần Đức Thạch

Ba chín năm Tổ quốc mất Hoàng sa

Bảy mươi tư chàng trai không về nữa

Sông Hồng đầy vơi khôn nguôi sóng vỗ

Cuồn cuộn một dòng hướng biển đông...

Những người con bảo vệ non sông

Bị cố tình quên trong âm mưu lừa dối

Người yêu nước bị quy là có tội

Dân tộc này nông nỗi đến oái oăm...

Vẫn còn đây văn hiến bốn ngàn năm

Sông Hồng sáng hoa đăng đêm tưởng nhớ

Các bạn trẻ vượt lên nỗi sợ

Bày tỏ lòng tôn kính tới cha anh...

Dâng các anh những ngọn nến lung linh

Dâng các anh đóa hoa sen thơm ngát

Đêm hoa đăng sông Hồng dào dạt

Niềm thương nỗi nhớ Hoàng sa...

Vâng! cho tôi được góp câu thơ

Làm giọt nước trong dòng sông tưởng nhớ

Hoàng sa Việt Nam ngàn đời muôn thuở!

Chân lý chủ quyền là xương máu các anh.

Những ngày tưởng nhớ bảy mươi tư vị "Vị quốc vong thân" trong trận Hoàng Sa tháng 1-1974


Hình Tran Duc Thach (attachment)




Nhà thơ Trần Đức Thạch trong phiên tòa tại Hà Nội hôm 8-10-2009. RFA file photo

Ông Trần Đức Thạch, một nhà thơ, năm 2008 bị bắt giữ sau khi tham gia biểu tình với các gia đình ngư dân huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá có nạn nhân bị TQ bắn giết trên biển Đông năm 2005. Ông cũng đã cùng một số nhà đấu tranh dân chủ như các ông Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn treo biểu ngữ kêu gọi dân chủ trên cầu Thăng Long. Ra toà ông bị nhà cầm quyền Hà Nội kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".




Vùng Lên

Nguyễn Văn Tài

(Ottawa - Canada)


Đồng bào hỡi, hãy vùng lên

Cùng nhau khởi nghĩa vang rền xôn xao

Cộng sản bán nước cho Tàu

Quê hương đẩm máu lệ trào khắp nơi

Cộng sản càng lúc càng tồi

Bán Đảo bán Nước để ngồi trên cao
Bỏ tù tuổi trẻ anh hào

Nguyên-Kha, Phương-Uyên kêu gào toàn dân

"Chết đi Đảng Cộng" (*) tham tàn!

Đuổi Tàu phương Bắc dành phần nước non

Trước tòa can đảm không sờn

Thốt lời yêu nước giang sơn sáng ngời

Dù cho vật đổi sao dời

Việt-Nam: tổ quốc muôn đời vinh quang

Hai em đại diện công bằng

Nhân quyền công lý vĩnh hằng tình thương

Các em khơi lửa quật cường

Thắp lên soi sáng rọi đường nhân gian

Cộng sản khiếp sợ bàng hoàng:

Ngàyï dân tràn ngập phá Lăng Ba Đình !

Công lý thắng lũ yêu tinh

Toàn dân dẹp bọn giả hình cộng nô !

(*) Nguyễn Phương Uyên đã nói một câu bất hũ: "Đảng Cộng Sản VN đi chết đi!"

VÕ ĐẠI TÔN * KHO VÀNG CỦA CHU VĂN TẤN

CHUYỆN KỂ TRONG TÙ NHÂN MỘT DỊP TẾT :KHO VÀNG CỦA THƯỢNG TƯỚNG CỘNG SẢN CHU VĂN TẤN
 
Võ Đại Tôn
 
 
 
Vo Dai ton - Chuyen ke trong tu...- Hinh 1 (attachment)
 
 
 
 
 

(Cổng trại tù Thanh Liệt (bí số B-14) ngoại ô Hà Nội – hình do một người bạn Mỹ tặng tác giả năm 1993 tại Hoa Thịnh Đốn, với câu nói : “Chúng tôi biết sau cổng trại tù này, Ông đã bị biệt giam hơn 10 năm…”. Hình nhỏ bên trái : - Hình chụp tác giả tại tư gia ở Sydney khi ở tù về, 1992, sau 10 năm 1 tháng 17 ngày bị biệt giam ở trại tù Thanh Liệt).
 
Trại tù Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội, cũng như trại tù Hỏa Lò ở Hà Nội, là những trại giam hình sự, nhưng có một số phòng đặc biệt để giam cầm những phần tử mà chế độ cộng sản gọi là “phản động, chống đối cách mạng”. Tại trại tù Hỏa Lò, trong thời gian chiến tranh, các phi công Hoa Kỳ (trong đó có đương kim Thượng Nghị Sĩ Mc.Cain) bị bắt giữ, giam cầm. Các tù nhân chiến tranh Hoa Kỳ này thường gọi mỉa mai đó là “Khách sạn Hilton”.
 
Suốt hơn 10 năm bị giam tại trại tù Thanh Liệt, phòng số 8 – Khu D -, tôi không được ra ngoài đi lao động, không được liên lạc với gia đình, chỉ thường xuyên bị “làm việc” với các cán bộ quản giáo, hoặc thẩm vấn viên từ Bộ Nội Vụ. Những năm tháng sau cùng thì tôi dường như bị “bỏ quên”, không ai hỏi tới, đặc biệt là sau ngày họp báo Quốc Tế năm 1982 mà tôi đã “phản phé” làm cho chế độ Hà Nội phải mất mặt trước các ký giả ngoại quốc. Vì sống cô đơn trong cảnh biệt giam, thiếu dinh dưỡng và các vết thương bị tra tấn còn hằn sâu trên thân xác ngày càng kiệt quệ, tôi phải vận dụng trí óc để quyết tâm tồn tại, nhất là không bị điên loạn.
 
Viết đến đây, tôi nhớ lại những chuyến qua Hoa Kỳ công tác, sau khi ở tù về từ đầu năm 1992 đến nay, tôi có dịp gặp lại một số bạn cựu quân nhân Mỹ đã từng bị Hà Nội giam cầm ở Hỏa Lò, tuy chỉ có vài năm, nhưng dường như hầu hết đều bị bệnh tâm thần, gia đình ly tán. Tôi cũng có đọc một bản nghiên cứu của cơ quan STARTTS về tù nhân chính trị dưới các chế độ cộng sản, tổng kết là tất cả tù nhân chính trị nào bị biệt giam từ 5 năm trở lên đều mắc phải bệnh tâm thần, trầm uất vô thức, có lúc bi quan đến tận cùng tuyệt vọng, có lúc nóng giận bất chợt. Những ai chưa hề trải qua một ngày cận kề với cái chết ngoài mặt trận trong chiến tranh, chưa hề một ngày bị cộng sản biệt giam đày đọa tinh thần và thể xác, không bao giờ hiểu được, không cảm thông chia sẻ, chỉ biết đem cái “bình thường” để phê bình trách cứ cái “bất thường vô thức” của người tù chính trị đang cố đấu tranh nội tâm ngày đêm để tồn tại và tiếp tục chiến đấu. Thay vì nâng đỡ, cảm thông, thì lại lạnh lùng phán xét, hạ nhục bằng lời phỉ báng những người đã trở về từ địa ngục đang cố gắng đồng hành vì Tự Do cho quê hương.
 
Trở lại với gần 4.000 ngày đêm bị tù biệt giam, tôi đã tận dụng tối đa sức con người để sống còn qua từng hơi thở, “tiếp xúc” với gia đình qua trí tưởng tượng, “tâm sự” với muỗi rệp cho bớt nỗi cô đơn trong mấy nghìn đêm đáy vực. Tôi luyện ôn lại ngoại ngữ, nhớ rõ từng câu thơ, từng đoạn văn, đã “viết” bằng trí nhớ, và bất cứ những gì xảy ra trong nhà tù mà tôi biết được, không bao giờ tôi quên. Tôi vẫn còn nhớ rõ những cái chết khốn cùng đau thương của các người bạn là Nguyễn Kim Thúy (Giám Đốc Nha Kế Hoạch, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH) ở phòng số 7 bên cạnh, của Tiến Sĩ Tô Cẩm Sơn ở Pháp về… (tôi đã kể lại trong hồi ký lao tù “Tắm Máu Đen”). Và luôn cả nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, qua trao đổi lén lút giữa hai phòng giam, số 8 và số 7. Có ba lần tôi được sống chung với một vài bạn tù khác, trong một thời gian ngắn, vì tù nhân chuyển về trại quá đông mà thiếu buồng giam. Có cựu Trung Tá Cảnh Sát Trần Văn Xoàn, từ trại Nam Hà chuyển về, được đưa vào tạm sống chung với tôi khoảng một tuần, rồi chuyển đi nơi khác. (Bạn Trần Văn Xoàn sau này qua Mỹ theo diện H.O. và đã qua đời tại Nam Cali. Tôi đã có dịp gặp lại ông bạn Xoàn trong những lần tôi qua Hoa Kỳ công tác đấu tranh).  Một lần khác là với hai tù nhân hình sự, khoảng hai ngày đêm, cũng chẳng nói gì với nhau, mạnh ai nấy sống. Nhưng có một lần đặc biệt tôi được sống chung với một người tù đặc biệt gần hai tuần lễ, trong một dịp Tết, vào năm 1988, sau khi tôi đã ở tù hơn bảy năm. Từ đó, câu chuyện “Kho vàng của Thượng Tướng Việt Cộng Chu Văn Tấn” mà tôi vẫn còn nhớ rõ, được kể lại hôm nay, không kèm theo lời bình luận.
 
Chiều 30 Tết năm 1988, tôi đang nằm trong xà lim biệt giam, không còn muốn nhớ đến hương vị của những ngày Tết xa xưa với gia đình và những người thân yêu, sợ rằng hồi tưởng ký ức sẽ làm kiệt quệ thêm tinh thần trong tận cùng cô đơn. Vẵng nghe những tiếng ồn ào của đám tù nhân hình sự từ các khu khác vọng về, tiếng quát tháo của đám cán bộ quản giáo và bảo vệ. Lại có tiếng mở cửa sắt các buồng giam. Chợt, có mấy cán bộ mở cửa phòng giam của tôi và đưa vào một người tù, ra lệnh cho tôi dọn dẹp phòng vì có người đến ở chung, tạm thời trong dịp Tết. Tôi chẳng có gì gọi là “tài sản” riêng tư để mà dọn dẹp, vội ngồi lên, dựa lưng vào vách tường, thản nhiên nhìn người “bạn tù” mới vào. (Suốt hơn 10 năm trong tù, tôi chỉ được phát cho hai bộ áo quần tù, một cái áo bông đã rách để mặc mùa đông, và một cái bô nhựa vệ sinh, chẳng có gì hơn. Những năm cuối đời tù hơn 10 năm, áo quần đã rách, nhiều lúc tôi khỏa thân, “một trăm phần trăm em ơi ”, và từng bị bà cán bộ y tá mắng là “kém văn hóa” mỗi khi thấy tôi “ bày hàng sexy”, nằm trần trụi trên giường. Tù nhân chúng tôi chẳng biết đâu mà mò, áo quần rách nát, xin cấp phát bộ khác thì không cho, lại còn bị mắng là “kém văn hóa, bêu xấu chế độ” !). Khi cán bộ khóa cửa và bỏ đi, tôi quan sát người tù mới vào, đấy là một ông già gầy gò, mặt sạm đen, mang theo một túi xách bằng vải, tù nhân thường gọi là “nội vụ”, có nghĩa là vật dụng riêng và áo quần được phép mang theo. Chợt ông ta mỉm cười chào tôi và nói với giọng “Bắc Kỳ” đặc sệt, khàn khàn : - “Thế là chúng ta được trực diện với nhau rồi. Tôi ở buồng bên cạnh từ mấy tháng qua, có vài lần nói chuyện với ông vào đêm khuya, nhưng chưa gặp mặt. Buồng của tôi hôm nay có mấy tên hình sự bị bắt vào dịp Tết, dồn vào đấy, cho nên tôi bị tống qua bên này sống tạm với ông đấy. Thế cũng vui. Sống với bọn hình sự ngán lắm. Tôi biết ông là “Z” mà, có thoáng thấy ông mấy lần khi ra lấy cơm. (Ghi chú : tù nhân ngoài Bắc thường gọi “tù ngụy quân ngụy quyền” là diện  “Z”, chẳng hiều vì sao , cũng như bộ đội cộng sản xâm nhập vào miền Nam trong chiến tranh thì được gọi là “đi “B”). Qua một vài lần lén nói chuyện với nhau trước đấy vào ban đêm, tôi cứ nghĩ ông ta còn trẻ, ai ngờ lại là một ông già, khô như một gốc tre rừng.  Tôi cười : “Có phải ông bạn là “Ông Liên Khu Việt Bắc” không ?”. (Đấy là tên tôi đặt ra cho ông ta sau vài lần lén chuyện với nhau, mấy tháng trước đó). Ông ta vừa tháo túí vải ra vừa nói nhỏ : - “Đúng đấy, từ từ rồi chúng ta nói chuyện sau. Lại đến Tết rồi, tôi biết là ông không có tiếp tế. Tôi có ít quà và thuốc lào đây. Cùng khò vài bi với nhau cho ấm đã”. Ông ta lôi điếu cày ra, lấy thuốc và mời tôi. Lâu rồi không được rít thuốc lào, tôi hút liên tục hai hơi, bụng đói, ho sặc sụa, và tê cả người, gần như đứng thở, xây xẩm mặt mày.   
 
Trong tuần lễ đầu tiên sống chung với nhau, chúng tôi chỉ nói chuyện tầm phào, chuyện gia đình, phong tục tập quán, chuyện đời tù. Tôi thận trọng nhận xét, qua lời nói và cử chỉ, trình độ, ông ta rất thành thật, mộc mạc, không có dấu hiệu gì tìm hiểu nhiều về tôi, không soi mói dò la. Đặc biệt ông ta rất tốt bụng, chia cho tôi quà bánh và thuốc lào trong những ngày Tết với nhau, coi tôi như là người thân trong gia đình, cùng chung khổ nạn.
 
Tên ông ta là Chu Văn Neo, người bộ tộc Nùng ở Lạng Sơn, thuộc Liên Khu Việt Bắc. Cấp bậc Thượng Tá bộ đội. Trình độ học vấn cấp tiểu học nhưng tỏ ra rất tửng trải chuyện đời. Đôi khi chúng tôi nói chuyện chen lẫn tiếng Việt với tiếng Quảng Đông, khi ông ta biết tôi cũng nói được một ít ngôn ngữ này. Đặc biệt, khi tôi cho biết có thời gian tôi từng phục vụ chung với anh em biệt kích người Nùng ở miền Nam, huấn luyện về Tâm Lý Chiến cho các toán nhảy ra Bắc công tác mật trong thời gian chiến tranh, và tôi có bí danh Nùng là Wòng-A-Lình, thì ông ta cầm tay tôi, nói rất chân tình : - “Như vậy là chúng ta có duyên với nhau. Không ngờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh này, sống chết chưa biết ngày nào, coi nhau như anh em vậy, đừng hại nhau là tốt rồi”.  Ông ta cho biết họ Wòng thuộc một bộ tộc Nùng rất lớn ở Lai Châu, và vợ ông ta cũng thuộc bộ tộc này. (Ở miền Nam có đơn vị Nùng Wòng-A-Sáng). Từ đó, chúng tôi thường tỉ tê tâm sự với nhau nhiều chuyện trong đời rất vui. Ông ta có vợ và ba con, đều là con gái, ở Lạng Sơn, thỉnh thoảng gửi quà tiếp tế cho ông ta qua các trại tù. Ông bạn tù này của tôi cho biết là bị bắt từ năm 1979, đã ở tù gần 10 năm rồi, qua nhiều trại ở Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Bắc Cạn, Hà Nội, và nhiều lần bị chuyển về trại Thanh Liệt này. Chưa biết ngày nào được thả, không có án lệnh gì cả. Khi kể chuyện về vợ con, có một chi tiết vui vui làm tôi cười thầm và vẫn còn nhớ đến hôm nay. Ông ta tâm sự là người vợ lớn hơn ông ta bốn tuổi, tuy đã có ba con với nhau, nhưng mấy chục năm qua chung sống, ông ta chưa hề nhìn thấy “mật khu” của vợ mình. Vì lẽ, đời sống bộ đội ít khi ở nhà, thỉnh thoảng gặp nhau thì lại sinh con, tắm suối cũng mặc váy, “gần” nhau thì chỉ lén lút vào ban đêm trên nhà sàn chung đụng nhiều người trong gia đình anh em bà con với nhau. Ông ta tặc lưỡi : - “Thây kệ, có con là được rồi !. Thế nào cũng xong”. Nằm nghe ông ta kể chuyện giữa đêm khuya trong tù, tôi cười thầm : “Tắt đèn, nhà tranh cũng như nhà ngói (Tắt đèn – Ngô Tất Tố), chị Năm cũng như chị Mười”.
 
Đã hết Tết rồi mà chúng tôi vẫn còn được sống chung với nhau, cũng vui và bớt cô đơn. Chưa biết ngày nào sẽ xa nhau. Một đêm, khi kể chuyện về Khu Tự Trị Việt Bắc, tôi hỏi ông ta : - “Ông có bà con gì với Tướng Chu Văn Tấn không ?”. Ông ta cho biết là cháu họ, gọi Tướng Chu Văn Tấn bằng Ông Chú, đồng thời cũng là Ông Thầy. Trong bộ tộc Nùng, ông Tướng Tấn còn được gọi là Ông Châu, Ông Quan. Tôi lại hỏi : - “Có phải bí danh của ông Tướng Tấn là Quan Trung không ?”. – “Ông hay đấy, sao ông biết rõ vậy ?”. – “Có lẽ chúng ta sẽ chết trong tù cho nên tôi cũng chẳng muốn giấu gì ông. Ở miền Nam, khi chúng tôi thả toán biệt kích Nùng ra các khu Việt Bắc của các ông thì cơ quan Tình Báo Việt-Mỹ hổn hợp thường cấp cho giấy đi đường, phép của Thượng Tướng Quan Trung. Giấy phép giả nhưng trông như thật, đấy là “nhà nghề” tình báo mà. Nhưng tôi muốn hỏi riêng ông, tại sao bí danh Quan Trung, chữ Quan không có “g” ?. – “À, Quan Trung không phải giống như bí danh Quang Trung của Vua Nguyễn Huệ đâu. Đấy là bí danh do “Ông Hồ” đặt cho Ông Thầy của chúng tôi. Ông Quan, Ông Châu là tên gọi của Thủ Trưởng Bộ Tộc, Quan Trung có nghĩa là Ông Quan, Ông Châu trung với Đảng, hiếu với Dân đấy ! Ông Thầy của chúng tôi còn có bí danh khác là Năm Hồng”.  Ông ta lại cho biết thêm đa số người bộ tộc Nùng ở vùng Việt Bắc, giáp giới với Trung Cộng, chỉ học đến cấp tiểu học là cao nhất. Sau đó, tùy theo nhu cầu công tác, sẽ được học bổ túc văn hóa. Tướng Chu Văn Tấn cũng chỉ học đến tiều học, trước kháng chiến 1945, đi lính cho Pháp, chuyên về du kích miền núi. Người Nùng nói thông thạo cả hai thứ tiếng : - tiếng Việt và tiếng Quảng Đông. Có một chi tiết mà tôi thường lưu ý riêng là trong suốt thời gian sống chung với nhau, trong mọi câu chuyện khi đề cập đến Hồ Chí Minh thì ông ta không gọi là “Cụ Hồ” hay “Bác Hồ” như những đảng viên cộng sản hoặc người dân khác, mà chỉ gọi là “Ông Hồ”. Có lẽ với tinh thần bộ tộc tự trị, với tính tình mộc mạc hoang sơ như núi rừng, với sự phục tùng riêng tư nào đó, đối với ông ta thì Tướng Chu Văn Tấn – Ông Thầy - là cao cả nhất.
 
Những ngày đêm còn lại, ông bạn tù Chu Văn Neo lại tỉ tê kể thêm cho tôi nghe về chuyện tù, về cuộc đời và kho vàng của Thượng Tướng Chu Văn Tấn, như là một tiết lộ bí mật, không hề quan tâm gì đến hậu quả khi nói ra. Tôi nhớ lại, sắp xếp câu chuyện mạch lạc trước sau, không thêm một lời bình luận nào cả. Từ khi ra khỏi ngục tù Thanh Liệt đến nay, tôi không có dịp và cũng không có thì giờ để quan tâm tìm hiểu thêm tài liệu về sự kiện này.
 
Sau đây là chuyện kể, lời của người bạn tù trong dịp Tết 1988 tại trại giam Thanh Liệt :
 
… “Tôi đã bị bắt giam gần 10 năm nay rồi, kể từ năm 1979 đến nay (1988), bị chuyển trại nhiều lần, nhiều nơi. Tôi tin rằng tôi sẽ bị chết trong tù, sẽ bị thủ tiêu, như Ông Thầy của tôi, cho nên tôi chẳng ngại gì mà không nói qua cho ông biết. Tôi cũng không sợ ông sẽ báo cáo lại với các “cấp Trên” vì họ cũng sẽ không khai thác được gì thêm. Những gì tôi biết thì tôi sẽ mang theo khi chết. Còn vợ con tôi thì tôi không muốn nghĩ đến nữa, họ sống với núi rừng quen rồi, có tôi hay không còn tôi thì cũng chẳng sao. Riêng đối với ông, tuy mới quen nhau, được chung sống với nhau chưa biết ngày nào sẽ cách ly, nhưng tôi cũng đã nghe nói về ông rồi. Ông từ nước ngoài về đây, ông ra họp báo chống lại cộng sản. Tôi trọng ông về điều đó, mặc dù tôi cũng là đảng viên cộng sản, nhưng tôi theo đảng là vì tôi theo Ông Thầy của tôi. Bây giờ thì Ông Thầy của tôi đã chết rồi, tôi chẳng còn có gì phải lo nữa. Già yếu, tù tội không án lệnh, trước sau gì cũng chết ở đây thôi… Ông Thầy của tôi được phong quân hàm Thượng Tướng đầu tiên, lúc chưa tới 50 tuổi, từng làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, làm Phó Chủ Tịch Quốc Hội. Chỉ có núi rừng Việt Bắc của chúng tôi mới sinh ra được một Ông Thầy vĩ đại như vậy. Ngay chính  giặc Pháp cũng phải nể trọng gọi Ông Thầy là “Hùm xám Bắc Sơn” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp kia mà.  (Tôi lưu ý mỗi lần nói về Tướng Chu Văn Tấn thì ông bạn tù của tôi dường như có kèm theo một vài tiếng nấc, tiếng khóc uất ức nào đó). Khi “Ông Hồ” làm việc ở Pắc Pó thì chính Ông Thầy của chúng tôi lo việc bảo vệ an ninh, và “Ông Hồ” lúc nào cũng tin cẩn Ông Thầy , một trong số ít đồng chí được “Ông Hồ” quý yêu nhất. Ông Thầy của chúng tôi cũng là Uỷ Viên Trung Ương Đảng đấy…
 
Ông còn nhớ không, vào năm 1945, 1946 gì đó, có Tuần Lễ Vàng khắp cả nước, kêu gọi nhân dân đóng góp vàng để làm phương tiện chi tiêu đánh giặc Pháp, giặc Nhật. Tôi nghe nói đã quyên góp được hơn 400 ký vàng đủ loại, và nhiều thứ đồ trang sức khác, cũng như mấy chục triệu tiền Đông Dương thời đó. Sau đó, “Ông Hồ” lệnh cho Ông Thầy chúng tôi chuyển tải khoảng hơn 200 ký vàng và mấy triệu đồng qua Tàu để cầu xin ủng hộ việc đánh Pháp, giành độc lập. Chính tôi cũng được đi theo các đoàn chuyển tải vàng này. Nhưng Ông Thầy ra lệnh là chỉ chuyển đi khoảng 100 ký thôi, số còn lại thì chôn cất tại nhiều nơi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, sẽ sử dụng riêng cho khu Tự Trị Việt Bắc sau này. Thời bấy giờ mà có được số vàng như vậy là lớn lắm đấy. Chúng tôi chỉ biết theo lệnh của Ông Thầy, không thắc mắc, không báo cáo với ai cả. Tôi được biết những nơi chôn cất vàng ấy nhưng đến chết cũng không khai báo. Có một vài anh em chúng tôi cũng được biết, nhưng họ cũng như tôi, không bao giờ tiết lộ, tôi tin điều đó, nhất là khi Ông Thầy của chúng tôi đã bị thủ tiêu…
Chúng tôi không bao giờ phản lại Ông Thầy. Chết thì thôi, sá gì…
 
Sau khi “Ông Hồ” chết, thì ông Lê Duẩn, không biết tìm hiểu tin tức ở đâu, cứ cật vấn Ông Thầy chúng tôi về các kho vàng bí mật tại vùng Việt Bắc. Nhưng cũng chẳng khai thác được gì. Có nhiều lần Ông Thầy bị gọi về Hà Nội “làm việc”, có tôi tháp tùng, bị hăm dọa đủ điều nhưng chúng tôi không hề hé môi. Đến năm 1979, chuyện chiến tranh biên giới Việt-Trung lại xảy ra, nhất là tại các vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Quân ta bị đánh tơi bời, riêng bộ tộc Nùng của chúng tôi thì rút sâu vào rừng cho nên không bị thiệt hại nhiều. Lại có tin đồn là Ông Thầy và chúng tôi có mật ước gì đó với Trung Quốc, muốn vùng lên lập khu tự trị riêng cho người Nùng chúng tôi và Ông Thầy sẽ làm thủ lãnh biệt lập. Ông Lê Duẩn lại nghi ngờ thêm, tước hết binh quyền và chức vụ của Ông Thầy, bắt về Hà Nội giam lỏng. Chúng tôi bơ vơ từ đó… Và tôi cũng bị bắt giam luôn, bị cách ly. Tôi bị tra khảo suốt mấy năm trời, âm mưu gián điệp với Trung Quốc thì chẳng có, còn bí mật chôn cất vàng thì tôi không khai báo. Tôi đã nói với ông rồi, có chết cũng không nói mà. Sau này thì họ cứ giam lỏng tôi, thỉnh thoảng cho gia đình tiếp tế quà, không có án lệnh, không biết bao giờ được thả ra. Tôi tin là sẽ bị chết luôn trong tù. Đến năm 1984 thì tôi được tin các bạn tù cho biết là Ông Thầy của tôi đã chết ở Hà Nội, chết trong tù, nghe nói là bị bóp cổ, thủ tiêu, sau khi họ không khai thác được tin tức gì về kho vàng. Họ cho chôn Ông Thầy ở Văn Điển, có nói ra thì ông cũng chẳng biết Văn Điển ở đâu. Và sau đó thì cho cải táng về Thái Nguyên, quê hương của Ông Thầy chúng tôi. Đối với tôi, đấy là một cái tang lớn, tôi có lời thề là sống chết gì cũng theo Ông Thầy…Rồi đến năm 1986 thì ông Lê Duẩn chết. Bây giờ là năm 1988 rồi, tôi cũng chẳng biết ra sao… Tôi tiếc là chúng ta không được gặp nhau ngoài đời, gặp nhau ở Việt Bắc, vì với tánh khí của ông, mặc dù mới trực diện nhau, nhưng tôi tin là chúng ta có thể cộng tác nhiều việc. Biết đâu, với thân tình, tôi sẽ cho ông biết thêm về kho vàng của chúng tôi, kho vàng của Ông Thầy…
 
Thôi, chúng ta cố ngủ đi, rồi mai sẽ nói chuyện tiếp…Mấy con gà ở bên kia vách tường huyện Thanh Trì sắp gáy sáng rồi đấy… “.
 
Câu chuyện còn đang gay cấn, tôi tò mò muốn biết thêm nhiều điều bí mật làm tư liệu hi hữu trong đời, mỗi đêm được nghe kể chuyện là một điều thích thú, quên cả đời tù. Biết đâu nếu sau này còn sống, ra khỏi tù, tôi sẽ có dịp tìm tòi thêm tài liệu, tôi đã nghĩ như vậy trong thời gian chung sống với bạn tù Chu Văn Neo.
 
Nhưng vào một buổi sáng, khi chưa có tiếng kẻng sớm trong trại tù, cán bộ quản giáo và bảo vệ mở cửa phòng giam của tôi và ra lệnh cho ông bạn tù di chuyển. Ông ta xin phép cán bộ để lại cho tôi mấy cái bánh đậu xanh, một ít thuốc lào với giấy vấn và diêm để hút. Rồi, ông ta liếc nhìn tôi, lách mình qua khung cửa sắt, cúi đầu đi theo cán bộ, không nói một lời. Tổng cọng chúng tôi được sống chung với nhau khoảng hai tuần lễ.
 
Tôi viết lại câu chuyện kể trong tù nhân dịp Tết 1988, đến nay đã 25 năm trôi qua, có lẽ ông bạn tù của tôi đã chết rồi, mang theo bí mật về kho vàng của Thượng Tướng Chu Văn Tấn vào cõi Vô Cùng nào đó… “hồn bạn ở đâu bây giờ ?” …
 
Võ Đại Tôn
Hải ngoại, cuối năm 2013.
 

Sunday, March 9, 2014

HOÀN NGUYỄN * TỤC NƯỚNG ĐẤT ĐỂ ĂN Ở VĨNH PHÚC

Nướng đất để ăn ở Vĩnh Phúc 

Đất có thể ăn sống sau khi khai thác về nhưng để có mùi vị hấp dẫn phải chế biến khá tỉ mỉ, phải gọt, đẽo thật sạch và tách thành từng miếng nhỏ như kẹo lạc.




Gia đình bà Khổng Thị Biện (80 tuổi), ông Khổng Văn Loa ở thôn Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) từ nhiều đời nay vẫn giữ tục ăn đất.



Khoảng 30-40 năm về trước, ở thôn nhiều hộ vẫn còn giữ tục lệ đào đất lên hun khói lá sim, mang ra chợ huyện bán lấy tiền. Mỗi người mua vài xu, vài hào được một nắm gói vào lá chuối mang về. Đất là món ăn quà vặt khi đi chợ, như ở nơi khác người ta ăn kẹo dồi, bánh khảo.



"Từ khi còn là con gái, tôi đã thấy các cụ dạy ăn loại đất ngói trên núi sau nhà có nhiều tác dụng, đặc biệt với phụ nữ khi mang thai. Vì thế, lần nào mang thai tôi cũng bảo ông Loa đi lấy về ăn. Tới nay, tôi có 8 người con, ngũ nam tam nữ và vài chục cháu, chắt. Ăn nhiều thành quen, sau thành nghiện. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi hoặc thèm thèm là lấy ra ăn vài miếng", bà Biện kể.


 
Loại đất dùng để ăn không phải đất bình thường trồng trọt cây cối ở vườn mà phải đào trên núi sau nhà. Trước đây, nhiều núi có đất “ngói” nhưng do bị khai thác bán nhiều đời nên ngày nay không còn nhiều. Muốn lấy được đất “ngói” phải đào hố sâu 3-7m mới thấy. Khi đào thấy đất phải dùng búa đục từng mảng một cho vào rổ đưa cho người trên bờ



“Ngói” có thể ăn sống sau khi khai thác về nhưng để có mùi vị hấp dẫn phải chế biến khá tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Trước tiên, đất được khai thác về còn nhiều tạp đất, sạn cần phải gọt, đẽo thật sạch và tách thành từng miếng nhỏ như kẹo lạc.



Ngói” có hai màu có thể dùng để ăn là màu trắng sữa như màu bánh khảo và màu xanh như chè lam.
Bà Biện cho biết, không chỉ người thôn Thống Nhất biết ăn món "đất hun khói" lá sim mà nhiều người ở các huyện, tỉnh lân cận cũng mua về ăn. "Vào mỗi phiên chợ huyện, tôi thường gồng gánh ngói ra ngoài cổng chợ bán. Món này đặc biệt hút khách là phụ nữ mang thai".




Những mẩu "ngói" trước khi hun phải được phơi nắng thật khô, ráo nước. Theo kinh nghiệm, người khỏe răng có thể ăn được "ngói" màu xanh lam, người già chỉ ăn "ngói" màutrắng sữa. "Ngói" xanh ăn sẽ ngậy hơn nhưng cứng.





Để có được miếng "ngói" vừa ý, khi hun cũng phải chú ý không để lửa cháy to mà chỉ để cho khói bay lên. Một tay cầm rổ, tay kia phải điều chỉnh lá sim tạo nhiều khói cho tới khi những miếng "ngói" ngả màu, dậy mùi.



 
Cận cảnh miếng "ngói" hay còn gọi đất hun khói sau khi được chế biến. Đất hơi ngả sang vàng vì ám khói và có mùi thơm của lá sim.  Ăn vào sẽ có cảm giác như ăn miếng lương khô nhưng không bị khát nước. 

Anh Khổng Văn Lai (45 tuổi), con trai út cụ Biện cho biết, trước đây dân làng đi đào đất nhiều tạo thành các hầm sâu như hầm vàng. Việc đào sâu xuống khai thác đất bán cũng có nhiều nguy cơ rủi ro. Hầm sâu, kín, khi khai thác xung quanh tạo thành các lò rỗng rất nguy hiểm khi xảy ra sập, sụt lún vào mùa mưa. Ở địa phương đã từng có một người vì đào đất bị sập hố phải đi cấp cứu.




Trước kia, khách tới nhà không có bánh kẹo như bây giờ mà chỉ mời nhau những miếng đất béo, ngậy như vậy. Các con dâu, cháu dâu mang thai khi ăn thử đều thích, nghiền mónnày. Cháu dâu nhỏ nhất của bà là Nguyễn Thị Khuyên (24 tuổi) quê ở Hòa Bình về làm dâu 3 năm nay. Mới đầu khi nói ăn đất, chị nhất định không ăn nhưng chứng kiến tận mắt từ khâu chế biến đến việc cả nhà ngồi cắn sần sật từng miếng, chị mới ăn theo. Sau đó, khi có bầu thì Khuyên bắt đầu nghiện, thường xuyên bảo cháu xuống đào lên ăn.
Trong ảnh, cháu Khổng Tuấn Hưng lấy "ngói" cho ông nội Khổng Văn Lộc (59 tuổi), con trai cả bà Biện cùng với các cụ trong nhà ăn. Ông Đỗ Văn Bình – Trưởng thôn Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch cho biết: “Tục ăn đất đã có từ nhiều đời ở địa phương. Trước đây không chỉ dân Lập Thạch ăn mà còn nhiều người ở các huyện, tỉnh lân cận cũng về mua về làm quà. Ngày nay, không còn tục đó nữa chỉ còn một, hai cụ cao niên trong thôn còn ăn như cụ Biện, cụ Loa, bà Huệ”.
Hoàn Nguyễn

NHỮNG BÔNG HOA RỪNG VIỆT NAM

Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số
Những thiếu nữ của đồng bào Kor huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Thứ Tư, ngày 19/02/2014 09:33 AM (GMT+7)
Sự kiện: Ảnh girl xinh
Rạng rỡ, khỏe khoắn, tươi tắn, căng tràn sức sống và đầy sức quyến rũ - ấy là vẻ đẹp của những thiếu nữ dân tộc thiểu số đã đến với Ngày hội văn hóa vừa kết thúc ở Đồng Mô.
Bạn trẻ cuộc sống với những câu Truyện tình yêu, Ngoại tình, Tâm sự của les, gay và những bài viết sinh động, đa chiều về thế hệ 8x - 9x.
Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" vừa kết thúc tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Đây là hoạt động có ý nghĩa tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tham gia sự kiện có 12 cộng đồng dân tộc đến từ các vùng miền của Tổ quốc: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Bình Thuận, Kon Tum và Lâm Đồng.
Mỗi dân tộc đều có những phong tục, lễ hội đặc sắc riêng, vẻ đẹp của các thiếu nữ ở các vùng miền đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với người dân thủ đô cũng như du khách Quốc tế.
Cùng chiêm ngưỡng lại vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Chăm, Brâu... tại ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc":



Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 1
Thiếu nữ dân tộc Thái (Mai Châu- Hòa Bình). Dân tộc Thái là một nhóm dân tộc thiểu số lớn thứ ba ở Việt Nam. Tổ tiên của họ đã tới Việt Nam từ xa xưa, và định cư chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Trong ảnh: Thiếu nữ Hương Quỳnh người Thái trắng ở Hòa Bình
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 2
Theo tập quán, các cô gái Thái từ khi còn rất trẻ đã học làm vải, nuôi tằm, nhuộm sợi. Hiện nay, những kỹ thuật này đã bị mai một dần. Tuy nhiên, những em gái 12, 13 tuổi vẫn phải học cách dệt vải thêu thùa.
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 3
Trang phục truyền thống của người Thái gồm một váy giống như chiếc “Sà rông” của phụ nữ Lào và một chiếc áo có hàng khuy bạc trước ngực, mặc vừa sát người. Người Thái nhuộm mầu vải đen bằng lá cây Chàm để may trang phục. Màu đỏ nhuộm bằng cánh kiến cũng được sử dụng để dệt những tấm thổ cẩm mà họ gọi là vải “Khuýt”.
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 4
Thiếu nữ dân tộc Mông (Bắc Hà- Lào Cai)
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 5

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp. Áo của người phụ nữ (tiếng Mông là so) có cổ phía trước hình chữ V, được nẹp thêm vải màu tuỳ thích; phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất hài hòa, trang nhã và gắn đồng bạc, tạo âm thanh vui nhộn cho bộ trang phục.
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 6

Thiếu nữ Brâu. Dân tộc Brâu còn gọi là Brao, cư trú tập trung ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 7
Những thiếu nữ của đồng bào Kor huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 8

Thiếu nữ người Kor biểu diễn tiết mục múa cầu mưa. Đến với buôn làng đồng bào Kor những ngày xuân là đến với một không gian văn hóa giàu bản sắc.
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 9

Thiếu nữ Kim Thị Tuyết ở Bình Tiến, Phan Hiệp (Bắc Bình- Bình Thuận) đang múa Âm dương của người Chăm
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 10
Những chàng trai cô gái người dân tộc Chu- ru (Lầm Đồng) đang múa hát trước lễ hội bắt chồng
Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 11

Người Churu là một trong những dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo ở miền Nam, có dân số tương đối ít. Với khoảng 10.000 nhân khẩu, người Churu phân bố trong tỉnh Lâm Đồng và một số ít ở Ninh Thuận, Gia Lai.

Vẻ đẹp của các thiếu nữ dân tộc thiểu số - 12
Những cô gái dân tộc Dao (Làng Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh)

Vẻ đẹp nguyên sơ của các thiếu nữ dân tộc thiểu số VN

Những cô gái đến từ dân tộc ít người như Tày, Nùng, Dao, Cơ Lao, La Chí…mang đến cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm nay vẻ đẹp huyền bí của núi rừng, vừa rạng rỡ vừa nguyên sơ, e ấp…

Vẻ đẹp nguyên sơ của các thiếu nữ dân tộc
Vẻ đẹp sắc sảo của thiếu nữ Bàn Thị Phượng, dân tộc Dao. Tại buổi đấu giá từ thiện, Phượng đã giới thiệu chiếc túi thổ cẩm tinh xảo của dân tộc Dao
Vẻ đẹp nguyên sơ của các thiếu nữ dân tộc
Hàn Thị Diệp duyên dáng trong bộ trang phục dân tộc Tày với những hoa văn thật rực rỡ. Tại cuộc thi sắc đẹp, cô gái dân tộc Tày 19 tuổi, đến từ tỉnh Thái Nguyên, đã thể hiện điệu Then của dân tộc mình với giọng ca ngọt ngào, trong trẻo. Điệu hát Then thường gắn bó với cây đàn Tính, tạo nên những giai điệu du dương, vang xa trên những triền núi của vùng Tây Bắc…
Vẻ đẹp nguyên sơ của các thiếu  nữ dân tộc
Lưu Thị Hoà, dân tộc Cơ Lao “khoe” nét đặc trưng của trang phục đồng bào Cơ Lao, với chiếc áo được thêu những hoa văn tinh tế trên cổ, vai  và tay áo. Đặc biệt những hoạ tiết trên áo đều được làm theo số lẻ như số cúc trên áo, vì đồng bào Cơ Lao quan niệm, số lẻ là số mang lại may mắn. Cũng theo thiếu nữ này, trong trang phục truyền thống trước đây của đồng bào Cơ Lao không có quần, mà chỉ có áo dài và váy; nhưng trong quá trình phát triển, do đặc thù sản xuất, nên chiếc váy đã dần được thay thế bằng chiếc quần
Vẻ đẹp nguyên sơ của các thiếu nữ dân  tộc
Lù Thị Kim Duyên chinh phục giám khảo bằng vẻ dịu dàng trong bộ trang phục dân tộc Giáy rất độc đáo. Là thí sinh đến từ dân tộc khá “hiếm” của Việt Nam, nên những nét văn hoá dân tộc mà Kim Duyên giới thiệu thông qua bộ trang phục của mình đã thực sự là một nét đặc sắc…
Vẻ đẹp nguyên sơ của các thiếu nữ dân tộc
Hoàng Thị Chính (dân tộc Nùng), đến từ tỉnh Lạng Sơn từng gây ấn tượng tại phần thi ứng xử vòng chung kết phía Bắc với câu trả lời bằng câu ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, và đưa người nghe về với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của phố Lạng, với những món ăn đặc sắc, với ly rượu Mẫu Sơn… và đặc biệt là về với những người dân Lạng Sơn rất chân tình và ấm tình người
Lò Thị Phượng, dân tộc Thái
Lò Thị Phượng, dân tộc Thái
Lò Thị Phượng, dân
 tộc Thái
Điểu Thị Thu Trinh, dân tộc S’Tiêng với tấm khăn choàng làm bằng thổ cẩm của người S’Tiêng, đã được truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình cô
Hoàng Thị Kiều Anh, dân tộc Hoa trong trang phục đỏ rực rỡ
Hoàng Thị Kiều Anh, dân tộc Hoa trong trang phục đỏ rực rỡ
A  Lăng  Thị Pari, dân tộc Cơ Tu
A Lăng Thị Pari, dân tộc Cơ Tu
H'Le M'Lo, dân tộc Ê đê
H’Le M’Lo, dân tộc Ê đê
Nguyễn Thị Nhung, dân tộc Thổ
Nguyễn Thị Nhung, dân tộc Thổ
H'Ang Nie,  dân tộc  Ê đê
H’Ang Nie, dân tộc Ê đê

Saturday, March 8, 2014

NGUYỄN ANH VŨ * UKRAINE

Ukraine sẽ đi về đâu?

Nguyễn Anh Vũ
15 ngàn lính Nga vây Crimea, Ukraine bên bờ vực thảm họa

Các bạn thân mến, tớ hôm nay liều mạng thử viết một bài bình luận về tình hình Ukraine. Các bạn cùng trao đổi cho xôm tụ.
       
            Trước hết tớ phải nói là tớ đã sống đủ lâu ở miền Nam Ukraine cho nên quan niệm sống và góc nhìn tình hình Ukraine của tớ là ảnh hưởng của góc nhìn của đa số người dân miền Nam Ukraine mà cụ thể là Odessa.
            Tại sao tớ lại nhắc đến vùng miền ở đây? Tớ nhắc đến vì vùng miền là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ Ukraine. Thực tế hiện tại Ukraine chia ra làm Tây và Trung tâm ủng hộ việc ra nhập EU đối lại với Đông Nam và Crimea ủng hộ việc thân với Nga. Nguyên nhân là do lịch sử từ những thời xa xưa. Miền Tây Ukraine luôn nằm dưới quyền quản lý của Ba Lan hoặc đế quốc Áo Hung. Miền Nam và Crimea dưới sự quản lý của đế quốc Ottoman và miền Đông dưới sự quản lý của Nga. Miền Nam và Crimea nhập vào Nga cuối thế kỷ 19 trong khi Miền Tây thực sự nhập vào Ukraine sau thế chiến thứ 2. Ở miền Tây đa số dân chúng theo đạo thiên chúa Catolic nói tiếng Ukraine nặng, gần với tiếng Ba Lan còn miền Nam và Đông nói tiếng U lai Nga ở nông thôn và tiếng Nga ở thành thị. Đa số dân cư ở các vùng này theo đạo Orthdox (Chính thống giáo). Về thu nhập các bạn có thể xem hình bên dưới
để thấy nói chung thu nhập các vùng Đông Nam cao hơn do có nhiều các cơ sở công nghiệp, kinh tế, cảng biển quan trọng. Người miền Đông Nam chủ yếu làm việc tại chỗ còn người miền Tây sang các nước Châu Âu lân cận làm việc rất nhiều. Miền Đông buôn bán nhiều với Nga, rất nhiều các mặt hàng thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp được xuất thẳng sang Nga. Miền Đông dùng nhiều khí đốt của Nga cho các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, hóa chất. Điều người dân miền Tây muốn nhập EU và miền Đông Nam muốn thân Nga cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra dân 2 miền này cũng không ưa nhau. Sau cách mạng tháng 10, phía Tây thành lập nước Cộng hòa Ukraine theo Châu Âu còn phía Đông Nam thành lập nước CH XHCN SV Ukraine. Nội chiến diễn ra và kết quả là một phần miền Tây lại một lần nữa nhập vào Ba Lan. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, tại miền Tây rất nhiều người ủng hộ quân Đức chiếm đóng và năm 1942 thì lực lượng UPA (http://en.wikipedia.org/wiki/Ukrainian_Insurgent_Army) do Bandera lãnh đạo được thành lập chống lại du kích và Hông quân LX, chống cả Đức, Ba Lan. Lực lượng này được sự ủng hộ khá nhiều của những người dân miền Tây. UPA tồn tại và đấu tranh đến tận những năm 50. Hàng chục nghìn người Ba Lan cũng như Nga, Ukraine bị giết vì theo chính quyền SV. Chính vì vậy người vùng Đông Nam luôn gọi dân miền Tây một cách căm ghét là Banderovsi (Bọn Bandera).
         Chúng ta cùng thông nhất các sự kiện sau nhé. Dưới thời Tổng thống Kuchma (1994-2004), Ukraine thì hành một chính sách ngoại giao rất khôn khéo trung hòa được cả hai bên EU, Mỹ và Nga. Quân đội Ukraine vẫn tham gia tập trận và các hoạt động quân sự như gỡ mìn ở Iraq. Ukraine vẫn nằm trong khối SNG và được Nga bán gaz cho với giá ưu đãi. Cuộc cách mạng Cam đã đưa Yushenko lên làm Tổng thống. Ukraine ngả hẳn sang Châu Âu và Mỹ, quay lưng lại với Nga. Đòn trừng phạt kinh tế của Nga làm cho Ukraine khá điêu đứng và dẫn đến bất hòa giữa 2 người đã từng là đồng minh sát cánh trong cuộc cách mạng Cam là Tổng thống Yushenko và bà Thủ tướng Timoshenko. Hiến pháp Ukraine năm 2004 cho phép Quốc hội phế truất Tổng thống và ngược lại Tổng thống được quyền giải tán Quốc hội dẫn đến Ukraine phải tiến hành trong thời gian ngắn 2 cuộc bẩu cừ Quốc hội để cuối cùng 2 người kia ai vẫn ngồi chỗ của người đó. Cuộc đấu tranh quyền lực đã làm cho nhân dân Ukraine chán ngán và vì vậy trong vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010, TT Yushenko chỉ được bầu với một số phiếu khiêm tốn. Vòng 2 giữa bà Timoshenko và cựu Thủ tướng dưới thời TT Kuchma Yanukovic kết thúc với chiến thắng của cựu Thủ tướng đến từ vùng phía Đông. Hình dưới cho thấy các vùng ảnh hưởng của các hai ứng cử viên
            
(Chú thích: Màu xanh là vùng bầu cho Yanukovich, màu hồng là cho Timoshenko)
           Sau khi lên chức TT, chính quyền Yanukovich lập tức tìm cách cho bà Timoshenko vào tù với tội danh lợi dùng chức vụ làm thiệt hại kinh tế do việc ký kết giá gaz với Nga. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đảng Các vùng của Yanukovich thắng lớn. Liên minh với đảng Cộng sản làm họ trở nên đa số trong Quốc hội và bắt đầu lũng đoạn quốc hội. Sau khi thay đổi hiến pháp năm 2012, quyền lực của Quốc hội bị giảm đáng kể và hầu như mọi quyền lực đều tập trung vào tay TT. Bộ sậu của TT đã đưa người của mình vào hầu hết tất cả các ghế trong chính phủ, trong các cơ quan quan trọng nhà nước, trong bộ máy quân đội, cảnh sát, tòa án, tư pháp.
(Chú thích: màu xanh đảng Cac vùng 185 ghế, màu xám đảng Tổ quốc 101 ghế, màu xanh đậm là không đảng phái 43 ghế, màu nâu là đảng Quả Đấm của Klichko 40 ghế, màu vàng đáng Svoboda (Tự do) 37 ghế, màu đỏ đáng Cộng sản 32 ghế)
           Chính quyên Yanukovich là một chính quyền tham nhũng rất nặng. Các quan chức thản nhiên nhận hối lộ hay ép buộc gây khó khăn làm cho để buộc người khác phải hối lộ. Chính quyền này cũng như một đảng cướp. Dưới sự che chở của chính quyền, những kẻ có quen biết, có tiền thản nhiên cướp những tài sản mà chúng thấy có giá trị cao như đất đai, nhà máy, các khu chợ....Các sự việc này làm người dân tức giận nhưng quyền lực nằm trong tay TT quá mạnh. Việc TT Yanukovich ngừng việc tiến hành các quá trình tiến gần với EU mà quay sang với Nga đã làm những người dân phía Tây và Trung Ukraine tức giận nhưng lại được ủng hộ không nhỏ ở các vùng Đông Nam. Các sinh viên Kiev biểu tình. Sự đàn áp dã man của cảnh sát đã dẫn đến việc người dân phẫn nộ kéo đến trung tâm ủng hộ sinh viên càng ngày càng đông. Và cuối cùng dẫn đến cuộc bạo loạn lật đổ chính quyền của TT Yanukovich.
            Đến đây thì góc nhìn về người biểu tình của tớ hơi khác so với góc nhìn các bạn người Việt của tớ sống tại Kiev. Đúng là người biểu tình đến từ khắp nơi từ các vùng lãnh thổ Ukraine nhưng chủ yếu là đến từ miền Tây và Trung. Hàng đoàn xe bus từ miền Tây chở người đến tham gia biểu tình. Từ miền Đông và Nam số này rất ít. Điều này dễ dàng có thể nhận thấy trong khi các tỉnh phía Tây và miền Trung có hàng ngàn cho đến hàng chục ngàn người biểu tình trước các trụ sở HDND Tỉnh thì ở miền Đông Nam số lượng này chỉ là vài trăm người. Trong khi hầu hết các trụ sở bị chiếm ở miền Tây và Trung thì ở vùng Đông Nam mọi cố gắng của một số ít người ửng hộ Maidan đều bị dập tắt ngay lập tức. Các bạn có thể xem ảnh các vùng nơi ủy ban nhân đân tỉnh nằm dưới quyền kiểm soát của ai
(Chú thích: màu vàng là dưới quyền kiểm soát của người biểu tình, màu hồng là vùng có những vụ tấn công vào trụ sở nhưng bất thành, màu xanh là dưới quyền kiểm soát của chính phủ)
              Lúc đầu cuộc biểu tình có tính chất là cuộc biểu tình phản đối ôn hòa nhưng từ khí các nhóm theo chủ nghĩa cực đoan tham gia mà cụ thể là Right Sector thì đã không còn là ôn hòa nữa. Các chiến binh của tổ chức này luôn khiêu khích cảnh sát từ việc ném đá, quật xích để cảnh sát tức giận dẫn đến việc gia tăng bạo lực với các cuộc đánh nhau mà phía cảnh sát là dùi cui, lựu đạn khói và bắn đạn cao su, phía người biểu tình là gạch đá, gậy gộc và bom xăng.
               Các chiến binh của Right Sector được huấn luyện các kỹ thuật cận chiến, kỹ thuật chống cảnh sát bạo động là nóng cốt trong các trận chống lại cảnh sát và chiếm các trụ sở HDND tỉnh. Có thể khá dễ dàng nhận ra chúng nhờ vào các bộ quần áo rằn ri, bịt mặt và một số bọn còn đeo băng có dấu hiệu phát xít trên tay áo.
Right Sector - Họ là ai
Dưới đây là video Right  Sector đuổi những người dân Kiev thử đến dọn dẹp những đống đổ nát do người biểu tình lập ra
            Những người biểu tình ôn hòa thực sự thường đứng sau chiến lũy thứ 2 như lời một chỉ huy cảnh sát Berkut đã nói. Từ chiến lũy thứ 2 đến chiến lũy thứ nhất ngăn với cảnh sát là những chiến binh.
            Chính vì sự tham gia tích cực và lũng đoạn cuộc biểu tình của các nhóm cực đoan mà tại miền Đông Nam Ukraine đã thành lập các đội tự vệ và các tuyến đường vào các tỉnh này bị đặt các trạm kiểm soát của cả cảnh sát lẫn tự vệ để ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm cực đoan từ miền Tây. Người vùng Đông Nam từ việc chỉ quan sát những gì diễn ra tại Maidan đã trở nên tích cực trong việc chống lại Maidan. Họ bảo vệ không phải chính quyền của Yanukovich. Họ ra đường bảo vệ các trụ sở với khẩu hiệu Chúng tôi không có Phát xít (Chỉ bọn theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Việc trỗi dậy của Right Sector đã đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa các miền.
           Sau sự kiện đẫm máu ngảy 20/2, TT Yanukovich và các đảng đối lập ký thỏa ước hòa bình với việc quay trở lại hiến pháp 2004, bầu cử TT trước thời hạn và thả hết người biểu tình bị bắt. Đổi lại phía đối lập giải tán biểu tình, trả lại các trụ sở bị chiếm. Các nước Mỹ, Đức, Pháp bảo đảm an toàn cho Yanukovich và đảm bảo việc thực thi thỏa ước. Ngày 21/2 Right Sector tuyên bố đấu tranh đến cùng buộc TT phải từ chức ngay lập tức. TT Yanukovich buộc phải chạy trốn và bị Quốc hội phế truất. Quốc hội dưới sức ép của người biểu tình đã ngay lập tức bỏ luật ngôn ngữ làm các vùng nói tiếng Nga tức giận dấy lên làn sóng phản đối và bạo loạn chống lại chính quyền lâm thời. Tại các vùng miền Đông Nam một loạt các trụ sở HDND được Right Sector bảo vệ đã bị người biểu tình chiếm lại. Tại Crimea dưới sự bảo vệ của các chiến binh lạ mặt, Quốc hội Crimea thành lập chính phủ mới và tuyên bố không công nhận chính phủ Kiev. Quân Nga kéo vào theo đề nghị của chính phủ Crimea. Dưới sức ép phản đối của dân các vùng Đông Nam và bên lề của cuộc chiến tranh với Nga, quyền TT Ukraine đã buộc phải không ký hủy luật ngôn ngữ. Điều này đã quá muộn. Cỗ máy do những tổ chức thân Nga đã khởi động không thể dừng lại. Crimea đòi nhập vào Nga và một loạt các tỉnh phia Đông liên tục biểu tình phản đối chính phủ. Lúc tớ đang gõ dòng này thì tại Kharkov và Donesk, hàng nghìn người dân đang sôi sục đòi tiến hành trưng cầu dân ý).
          Chính quyền Yankovich đã sai lầm khi không tính đến tiếng nói của những người dân miền Tây và lần này chính quyền mới cũng vội vàng chạy đến EU mà lặp lại sai lầm của chính quyền mà họ lật đổ. Họ đã không tính đến nguyện vọng của những người dân vùng Đông Nam. Việc Nga đưa quân vào Crimea chỉ làm người dân Ukraine ở các vùng tạm thời xích lại với nhau chống lại chiến tranh chứ không giải quyết được tận gốc sự chia rẽ. Càng ngày càng có nhiều ý kiến của các nhà hoạt động chính trị về việc tiến hành công khai một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU hay quay lại với Nga. Bên nào được nhiều người ủng hộ hơn thì mới tiến hành.
          Sự thiên vị làm ngơ của chính quyền mới cũng làm cho những người dân miền Đông căm phẫn. Khi các phần tử nổi loạn tấn công cảnh sát, chiếm các trụ sở HDND Tỉnh, chiếm các trụ sở cảnh sát, an ninh ở miền Tây được tự do và không bị trách nhiệm hình sự thì những người làm những việc tương tự ở phía đông bị bắt và bị điều tra khởi tố.
          Việc chia sẻ quyền lực tại các tỉnh càng làm dấy lên sự lo ngại của dân các vùng miền Đông Nam về việc chủ nghĩa dân tộc lên ngôi. Người của Đảng "Tự do" mà người lãnh đạo Tyahnybok (http://en.wikipedia.org/wiki/Oleh_Tyahnybok) với những tuyên bố sặc mùi kỳ thị từ chỗ chỉ có 37 ghế trong Quốc hội hiện đã nắm chức Tỉnh trưởng một loạt các vùng. Các vùng phía Đông các Đảng cầm quyền buộc phải để cho các nhà tài phiệt nắm giữ
(Chú thích: Màu hồng là người của đảng Tổ quốc nắm, màu vàng do đảng Tự do, màu xanh là các nhà tài phiệt)
         Ngoài Crimea, miền Đông đang như một thùng thuốc súng. Các kênh truyền thông hiện đang có tiến hành một cuộc tuyên truyền kêu gọi đoàn kết rất mạnh với sự tham gia của tất cả các kênh TV Ukraine và một loạt các nghệ sĩ, ca sĩ, người dẫn truyền hình nổi tiếng.
        Ở đây các bạn cùng tranh luận bàn giải pháp nào cho Ukraine để hòa hợp dân tộc nhé. Có nên trưng cầu dân ý về việc vào EU hay tham gia liên minh thuế quan với Nga hay không? Làm thế nào để trung hòa quyền lợi giữa những người thân phương Tây và những người thân Nga. Với những gắn kết về văn hóa và kinh tế giữa U với Nga thì việc theo phương Tây hay theo Nga sẽ tốt hơn?
      Chuyển qua vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là Crimea. Đứng dưới con mắt của một người Ukraine thì tớ phản đối việc Nga can thiệp và phản đối việc Crimea đòi tách ra sát nhập với Nga. Cbn, tớ không muốn khi đi nghỉ ở Crimea phải xin visa :).
       Mặt khác nếu nhìn dưới con mắt của người vùng Crimea thì họ có lý do để đòi tách hoặc ít ra là đòi quy chế tự trị theo kiểu 1 nước 2 chế độ.
       Đầu tiên họ có lý do lo ngại những tổ chức cực đoan kéo xuống Crimea. Khi Liên Xô mới tan rã tại Crimea cũng có phong trào muốn nhập vào Nga và cuối cùng đã có một thỏa hiệp về việc cho Crimea hưởng quy chế là nước cộng hòa tự trị. Năm 1992, những kẻ thuộc UNA-UNCO (http://en.wikipedia.org/wiki/Ukrainian_National_Assembly_%E2%80%93_Ukrainian_National_Self_Defence) đã kéo khoảng 400 người đi tàu xuống Crimea với cuộc hành quân được gọi là "chuyến tàu hữu nghị". Chuyến tàu bị dừng không đến được Crimea nhưng bọn UNA-UNCO đã đến được bằng đường bộ. Bọn chúng đã có dự định tấn công khu kều trại của những người ủng hộ Nga bằng bom xăng. Lần này Right Sector cũng đe dọa sẽ kéo quân đến Crimea như năm 92.
       Thứ 2, về lịch sử Crimea vốn thuộc Nga. Năm 1954 đã được vị Tổng bí thư người Ukraine, Nikita Khrusov, cắt nhập vào Ukraine. Tại Crimea có 58% là người Nga, 24% là người Ukraine, 12% là người Tatar sinh sống và 97% dân Crimea nói tiếng Nga, 77% coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Họ sống hoàn toàn theo phong tục Nga và trong mọt số lãnh vực như tòa án, tư pháp bị buộc phải dùng ngôn ngữ quốc gia là tiếng Ukraine. Mặc dù tự trị nhưng người Crimea luôn bị chính phủ Ukraine chỉ định những người lãnh đạo nước cộng hòa là những người khong phải dân Crimea. Chính vì vậy lần này Quốc hội đã tiến hành bầu ra một Thủ tường mới vốn đã sống tại Crimea từ đầu những năm 90.
        Các bạn hay so sánh và đem ví dụ như nếu xảy ra ở VN kiểu như người TQ ở Chợ lớn cũng đòi tách ra thì sao? Sao không so sánh vụ Kosovo tách ra khỏi Serbia ý? Sao các nước phương Tây không phản đối việc vùng này đòi tách đi. Mặt khác phía Nga ủng hộ Crimea tách khỏi Ukraine nhưng sao cũng lại không cho Chechnia độc lập?
         Về việc Nga can thiệp thì Nga đã hành xử như một nước lớn. Với chiêu bài bảo vệ những người mang quốc tịch Nga, Quốc hội Nga cho phép quân đội Nga can thiệp vào bất kỳ một nước nào. Điều này các nước lên án Nga như Mỹ, Pháp, Anh cũng tự cho mình cái quyền can thiệp quân sự vào nước khác đấy thôi: Serbia, Iraq, Lybia
        Về mặt quân sự khả năng quân đội Ukraine chống lại quân đội Nga hầu như không có. Với 90% các căn cứ quân sự bị vây chặt. Hạm đội không sử dụng được. Căn cứ không quân bị chiếm.
       Chính phủ Ukraine một mặt cho quân đội sẵn sàng chiến đấu. Một mặt kiềm chế không trả lời các khiêu khích dùng ngoại giao thông qua các nước bảo trọ theo hiệp ước Budapes ép Nga tuân theo đảm bao an ninh và toàn ven lãnh thổ cho Ukraine. Ngoài ra Ukraine cũng thử đàm phán trực tiếp với Nga để tìm ra giải pháp về Crimea nhưng Nga không công nhận tính hợp pháp của chính phủ Ukraine và không quan hệ ngoại giao với chính phủ này
        Theo các bạn giải pháp nào cho Crimea và Ukraine? Nga có chịu rút quân khỏi Crimea hay không? Mỹ, Châu Âu liệu sẽ có những động thái nào ép Nga?
chọn)

SIMON SHUSTER * UKRAINA

Bốn lý do tại sao Putin đang thua cuộc ở Ukraina

Simon Shuster từ Simferopol, Time, ngày 3/3/2014
Vũ Thị Phương Anh dịch
Ảnh bên:Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), và Tổng cục trưởng Tổng cục huấn luyện chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ivan Buvaltsev quan sát cuộc diễn tập tại trường bắn Kirillov, tỉnh Leningrad, ngày 3 tháng Ba, 2014. Mikhail Klimentyev—RIA Novosti/Reuters

Chỉ một tuần trước đây, ý tưởng về sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina vẫn còn rất xa vời nếu không phải chỉ là những đồn thổi nhằm gây hoang mang dư luận. Bởi các rủi ro là quá lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin và đất nước mà ông đã cai trị trong suốt 14 năm qua. Nhưng sự xuất hiện của quân đội Nga ở Crimea vào cuối tuần qua đã cho thấy rằng Putin chẳng phải là không thích những cuộc phiêu lưu liều lĩnh, ngay cả khi chúng hầu như chẳng mang lại lợi ích gì cả. Trong những ngày tới, ông sẽ phải quyết định xem mình sẽ tiếp tục can thiệp đến đâu và sẵn sàng trả giá cho nó đến mức độ nào. Tuy nhiên, rõ ràng là Putin đã không thể nổi lên như kẻ chiến thắng trong cuộc xung đột này, ít ra là không cân nhắc những thiệt hại và lợi ích mà ông đạt được qua cuộc xung đột. May lắm thì đó sẽ là một chiến thắng với cái rất cao, còn nếu không may thì đó sẽ là một thảm họa hoàn toàn. Dưới đây là những lý do:
Trong nước, can thiệp này có vẻ là một trong những quyết định không được lòng dân nhất mà Putin đã từng thực hiện. Bộ phận thăm dò dư luận riêng của Kremlin hôm Thứ Hai vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 73 % người Nga không đồng ý với việc Nga can thiệp vào Ukraina. Trong cuộc thăm dò được đưa ra vào đầu Tháng Hai với số lượng tham gia là 1.600 người trên toàn quốc, các nhà xã hội học tại WCIOM, một tổ chức sử dụng kinh phí của nhà nước, rõ ràng đã cố gắng viết câu hỏi sao cho có được càng nhiều sự ủng hộ cho sự can thiệp càng tốt: "Nước Nga có nên phản ứng về việc lật đổ một chính quyền đã được bầu lên một cách hợp pháp ở Ukraina không?" – câu hỏi được diễn đạt như vậy. Chỉ có 15% đồng ý – khó có thể xem đây là một sự đồng thuận quốc gia.
Kết quả này thật đáng kinh ngạc nếu ta xét đến việc người dân Nga đã bị tẩy não như thế nào với những thông tin liên quan đến Ukraina. Trong nhiều tuần, tin tức độc quyền hiệu quả của điện Kremlin thông qua kênh truyền hình đã tạo ra một tâm lý báo động về Ukraina. Cuộc cách mạng ở Ukraina, họ tuyên bố, chính là kết quả của sự liên minh giữa Mỹ và Đức Quốc xã nhằm làm suy yếu nước Nga. Mặc dù thế, có đến gần ba phần tư dân Nga đã phản đối việc Nga có "phản ứng” dưới bất kỳ hình thức nào, chứ đừng nói là một cuộc chiếm đóng quân sự như đang diễn ra ở Crimea. Cuộc xâm lược năm 2008 của Georgia đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn nhiều, vì Georgia không phải là Ukraina. Ukraina là một quốc gia của người Slave với mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc đối với Nga. Hầu hết người Nga đều có ít nhất một vài thành viên của gia đình hoặc bạn bè sống ở Ukraina, và ý tưởng về một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai quốc gia cùng gốc Slave lớn nhất thế giới gợi lên một nỗi kinh hoàng mà dù có bị Kremlin tẩy não đến cỡ nào thì người ta cũng không thể bình tĩnh chấp nhận.
Thật vậy, cuộc khảo sát hôm Thứ Hai cho thấy ảnh hưởng của các kênh truyền hình của Putin đang thất bại. Các thông tin về Ukraina sai lệch trắng trợn và mị dân trên truyền hình Nga dường như đã đẩy dân Nga lên mạng để tự tìm thông tin cho mình. Còn đối với những người không có kết nối Internet, họ chỉ cần nhấc điện thoại lên và gọi cho bạn bè và người thân đang hoảng loạn của họ ở Ukraina để biết.
Vậy còn những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc của Nga thì sao? Đảng Dân chủ Tự do hiếu chiến, con rối cánh hữu của Kremlin, đang kêu gào nước Nga sử dụng xe tăng. Vào ngày 28 Tháng Hai, khi các đội quân bắt đầu xuất hiện trên các đường phố của Crimea, nhà lãnh đạo của đảng này là Vladimir Zhirinovsky, đã có mặt tại hiện trường để cung cấp tiền mặt cho một đám đông dân địa phương đang reo hò ủng hộ tại thành phố Sevastopol, nơi trú quân của các hạm đội Biển Đen của Nga. "Hãy đưa tiền cho các phụ nữ, những người giúp việc lớn tuổi, các bà bầu, những kẻ cô đơn, ly dị," ông đứng trên một chiếc ghế và nói với đám đông như vậy. "Nước Nga giàu có. Chúng tôi sẽ cung cấp những gì cần thiết cho tất cả mọi người." Nhưng trong cuộc khảo sát hôm Thứ Hai, đến 82% số người trung thành với đảng của ông đã bác bỏ bất kỳ sự hào phóng nào tương tự như vậy. Ngay cả những tín đồ của Đảng Cộng sản, những người có xu hướng cảm thấy mình có quyền trên tất cả các vùng đất thuộc Liên Xô cũ, đa số – đến 62% – cũng tin rằng Nga không nên nhảy vào cuộc khủng hoảng nội bộ của Ukraina.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Putin sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy trong nước. Cho đến nay, các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Moscow đều tỏ ra kiềm chế đến thảm hại. Nhưng các nhà xã hội học thì lâu nay vẫn cho rằng số cử tri nòng cốt ủng hộ Putin ngày càng giảm. Lý do khiến ông đạt được sự ủng hộ cho đến giờ – khoảng 60% dân Nga vẫn tin tưởng vào Putin trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraina bắt đầu – chẳng qua là do không có những lựa chọn thay thế tốt hơn cho Putin mà thôi. Nhưng quyết định can thiệp vào Ukraina lần này chắc chắn sẽ làm giảm đi đám đông thụ động gồm những người ủng hộ ông, đặc biệt là ở các thành phố lớn nhất của Nga.
Trong cuộc khảo sát hôm thứ hai, 30% người trả lời đến từ Moscow và St Petersburg cho biết nước Nga đã có thể đoán được các cuộc biểu tình chính trị lớn nhằm lật đổ chính phủ Ukraina từ tháng trước. Đối với Putin thì phương tiện duy nhất để ngăn chặn những bất ổn như vậy là thẳng tay đàn áp từ sớm. Vì vậy, vào ngày 28, nhà hoạt động đối lập nổi bật nhất của Nga Alexei Navalny đã bị quản thúc tại nhà với thời gian là dưới sáu tháng sau khi ông giành được 30% số phiếu bầu trong cuộc chạy đua giành chức thị trưởng Moscow. Và nếu phe đối lập bắt đầu mở miệng phản đối sự can thiêp vào Ukraina thì coi chừng sẽ có nhiều bản án tương tự nữa.
Tác động kinh tế đã khiến nước Nga loạng choạng. Khi thị trường mở cửa vào sáng Thứ Hai vừa qua, các nhà đầu tư đã có cơ hội đầu tiên để phản ứng với sự can thiệp của Nga vào Ukraina, với kết quả là các chỉ số chứng khoán chính của Nga giảm mạnh hơn 10 %. Sự sụt giảm đó tương đương với gần 60 tỷ USD trên giá trị cổ phiếu chỉ trong vòng một ngày, hơn cả số tiền mà Nga đã bỏ ra để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa đông tại Sochi vào tháng trước. Gazprom, công ty khí đốt độc quyền của nhà nước, chiếm khoảng một phần tư doanh thu từ thuế của Nga, đã bị mất 15 tỷ USD giá trị thị trường trong vòng một ngày – ngẫu nhiên trùng với số tiền Nga hứa sẽ giúp đỡ cho cái hế độ đang bị khủng hoảng của Ukraina hồi tháng Mười Hai và sau đó đã bị lật đổ vào Tháng Một khi cách mạng xảy ra. 
Trong khi đó, giá trị tiền tệ của Nga đã giảm giá so với đồng đô la ở mức thấp nhất đã từng được ghi nhận, và các ngân hàng trung ương Nga đã chi 10 tỷ USD vào thị trường ngoại hối để cố gắng chống đỡ cho đồng tiền của mình. "Điều này đã làm thay đổi cơ bản cách nhìn về nước Nga của các nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng", Timothy Ash, người đứng đầu nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Ngân hàng Standard Bank cho biết. Vào thời điểm khi tăng trưởng kinh tế của Nga vốn đã trong tình trạng trì trệ, "cuộc phiêu lưu quân sự mới nhất này sẽ làm tăng tình trạng thoái vốn, làm suy yếu giá tài sản của Nga, làm chậm lại sự đầu tư cũng như các hoạt động và sự tăng trưởng kinh tế. Biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga sẽ làm tổn thương thêm nữa", Ash đã phát biểu với tờ Wall Street Journal như vậy.
Ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Nga cũng muốn dính líu. Đất nước Kazakhstan nhiều dầu mỏ, thành viên quan trọng nhất trong số các liên minh khu vực của Nga trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, hôm Thứ Hai đã đưa ra lời tuyên bố lên án, đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của nước này quay lưng lại với Nga về một vấn đề chiến lược quan trọng như vậy: "Kazakhstan bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diến biến tại Ukraina," Bộ Ngoại giao của nước này cho biết. "Kazakhstan kêu gọi tất cả các bên chấm dứt việc sử dụng vũ lực để giải quyết tình trạng hiện nay."
Điều làm cho các nước láng giềng của Nga lo lắng nhất có lẽ là phát biểu của Kremlin vào ngày 02 Tháng Ba, sau khi Putin nói chuyện trên điện thoại với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. "Vladimir Putin lưu ý rằng trong bất kỳ trường hợp nào có sự leo thang về bạo lực đối với dân số nói tiếng Nga ở khu vực phía Đông của Ukraina và Crimea, Nga sẽ không thể đứng ngoài và sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào phù hợp với luật pháp quốc tế." Điều này đặt ra một tiền lệ kinh hoàng cho tất cả các nước láng giềng của Nga.
Tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, từ vùng Trung Á đến vùng Baltic, đều có một số lượng lớn người dân nói tiếng Nga, và tuyên bố này có nghĩa là Nga có quyền xâm nhập các nước này khi cảm thấy rằng dân nói tiếng Nga bị đe dọa. Phản ứng tự nhiên của bất kỳ đồng minh nào của Nga trong khu vực sẽ là tìm kiếm sự đảm bảo an ninh để tránh khả năng trở thành một Ukraina tiếp theo. Đối với các nước ở Đông Âu và vùng Caucasus, bao gồm cả Armenia, một đồng minh trung thành của Nga, điều này có khả năng tạo ra sự mong muốn được liên minh chặt chẽ hơn với NATO và Liên minh châu Âu. Đối với các nước Trung Á, vùng đất truyền thống nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga trên bản đồ địa chính trị thế giới, điều đó có nghĩa là tăng cường quan hệ với đất nước Trung Quốc ở gần đó, bao gồm cả quan hệ quân sự.
Trung Quốc, đối tác vốn thường im lặng của Nga đối với tất cả các vấn đề an ninh toàn cầu từ Syria tới Iran, cũng đã đưa ra tuyên bố thận trọng về hành động của Nga trong Ukraina. "Quan điểm lâu nay của Trung Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của người khác," Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là đã phát biểu như vậy trong một tuyên bố hôm chủ nhật."Chúng tôi tôn trọng sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina." Vậy là chỉ trong vòng hai ngày cuối tuần, Putin đã làm hoảng sợ tất cả các nước mà ông muốn bao gồm trong cái Liên minh Á-Âu vĩ đại của mình, khối các quốc gia mà ông hy vọng sẽ làm cho nước Nga một lần nữa trở thành một cường quốc khu vực. Những quốc gia tích cực nhất trong cái liên minh ấy cho đến nay chỉ còn lại Kazakhstan (xem ở trên) và Belarus, vốn được gọi là chế độ độc tài cuối cùng của châu Âu. Lãnh đạo nước này, ông Alexander Lukashenko, cho đến nay vẫn giữ im lặng về sự can thiệp của Nga trong Ukraina. Nhưng tuần trước, Belarus cũng đã công nhận tính hợp pháp của chính quyền cách mạng mới tại Kiev, đánh dấu một sự thay đổi lớn để tách khỏi ảnh hưởng của Nga, vốn đang lên án các nhà lãnh đạo mới của Ukraina là cực đoan và thân phương Tây. Đại sứ Belarus tại Kiev còn chúc mừng Bộ trưởng Ngoại giao mới của Ukraina khi nhậm chức và nói rằng ông trông đợi được làm việc với người đồng cấp mới của mình.
Đối với đất nước Armenia nghèo khổ, một thành viên mới của cái Liên minh Á-Âu non trẻ của Nga, cũng đã được công nhận chính phủ mới tại Kiev mặc dù vẫn không đưa ra bất kỳ lời lên án chính thức nào đối với sự can thiệp của Putin tại Ukraina cho đến nay. Nhưng vào ngày Thứ Bảy, các chính trị gia nổi bật của nước này cũng đã dẫn đầu một cuộc biểu tình chống Putin ở thủ đô Armenia. "Chúng tôi không chống lại nước Nga", cựu Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia David Shakhnazaryan tuyên bố. "Chúng tôi là chống lại các chính sách mang tính đế quốc của Putin và của Kremlin."
Sự cô lập nước Nga từ phương Tây sẽ tăng cường đáng kể. Vào Tháng Sáu năm trước, Putin đã lập kế hoạch để chào đón các nhà lãnh đạo G8, câu lạc bộ của các cường quốc phương Tây (cộng thêm Nhật Bản), tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga. Nhưng Chủ nhật vừa qua, tất cả trong các nước này đều thông báo rằng họ đã ngưng lại sự chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh này để phản đối sự can thiệp của Nga tại Ukraina. Và thế là chẳng còn hy vọng cho chiếc ghế phải khó khăn lắm mới giành được của Putin trong cùng một bàn với các nhà lãnh đạo của thế giới phương Tây.
Trong những năm gần đây, một trong những điểm tranh cãi lớn nhất của Nga với phương Tây chính là kế hoạch để xây dựng một lá chắn tên lửa ở châu Âu của NATO. Nga đã xem điều này như một mối đe dọa lớn đối với an ninh của mình, vì lá chắn này có thể quét sạch khả năng khởi động tên lửa hạt nhân tấn công phương Tây của Nga. Khả năng ngăn chặn hạt nhân từ lâu đã bảo vệ Nga khỏi sự tấn công của phương Tây qua nhiều thế hệ – tức học thuyết chiến tranh lạnh đảm bảo hủy diệt lẫn nhau, viết tắt là MAD – vì thế sẽ bị phá hủy, các tướng lĩnh của Nga đã đưa ra lời cảnh báo như vậy. Nhưng sau khi Nga quyết định đơn phương xâm chiếm nước láng giềng phía Tây hồi cuối tuần này, tất cả mọi ý kiến chống lại dự án lá chắn tên lửa đã hoàn toàn bị gạt bỏ trước mối quan tâm an ninh mới của các thành viên NATO, mà chủ yếu là các nước ở Đông Âu và vùng Baltic. Mọi hy vọng của Nga trong việc ngăn cản xây dựng lá chắn tên lửa thông qua biện pháp ngoại giao hiện nay hầu như đã biến mất.
Gây lo ngại không kém cho Putin là các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang chuẩn bị để đáp trả cho sự can thiệp của Nga tại Ukraina. Tùy thuộc vào cường độ của các biện pháp này, các công ty và doanh nghiệp Nga có thể bị cắt đứt toàn bộ khả năng vay vốn và kinh doanh với hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các đồng minh của Putin cũng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn hơn nhiều khi cho con cái đi du học hoặc giữ cho tài sản của họ trong các ngân hàng phương Tây, điều mà hiện nay họ đều làm. Tất cả những điều đó làm tăng nguy cơ cho Putin ngay trong vòng những người ủng hộ mình và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc đảo chính bên trong cung điện. Hầu như không có bất cứ điều gì quan trọng đối với các quan chức chính trị của Nga hơn là sự an toàn của những tài sản của họ ở nước ngoài, và chắc chắn là hơn sự trung thành của họ đối với một nhà lãnh đạo có vẻ đang sẵn sàng gây ra những nguy hại cho quyền lợi riêng của họ.
Vậy có điểm nào thuận lợi cho Putin không? Hầu như không có gì nhiều, ít nhất là không nhiều so với những thiệt hại mà Putin đã gây ra cho nước Nga và cho bản thân mình. Tuy nhiên, Putin có vẻ như cũng đang cố gắng bằng mọi giá đạt được một vài điều. Ít nhất, ông đã chứng minh được với thế giới rằng các đường ranh màu đỏ của mình là dứt khoát không thể vượt qua – không giống như cách làm của Nhà Trắng.
Nếu chính quyền cách mạng của Ukraina vẫn tiếp tục với kế hoạch hội nhập thị trường EU, và, có lẽ thế nếu NATO, liên minh quân sự mà Nga coi là mối đe dọa chiến lược chính, di chuyển đến vùng biên giới phía Tây của Nga và tiến vào Crimea, thì hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị bao vây. Đó chính là đường ranh giới màu đỏ không thể vượt qua đối với Putin và tướng lĩnh của ông.
Bằng cách gửi quân tới bán đảo Crimea và có thể vào cả phía Đông Ukraina, Nga có thể đảm bảo một vùng đệm xung quanh hạm đội hải quân chiến lược của Nga và tại biên giới phía Tây của mình. Đối với các tướng lĩnh ở Moscow, đó là những ưu tiên quan trọng, và để đạt được điều này họ sẵn sang chấp nhận trả một giá cao. Các hành động của Putin vào cuối tuần qua cho thấy ông đang chăm chú lắng nghe các tướng lĩnh của mình. Đồng thời, nó cũng cho thấy ông dường như đang bỏ qua sự phẫn nộ đến từ hầu hết những người khác.
S. Sh.





Đánh giá (80 Bình chọn)

PHAN CHÂU THÀNH * TÌNH HÌNH VIỆT NAM

Việt Nam: Định hướng Bắc Kinh, Nhân quyền và TPP?

Dự đoán Tổng quan tình hình VN 2014-2016

Trong một số bài viết của mình gần đây, cụ thể như loạt bài “Chính phủ hay tà phủ”, tôi đã đưa ra đánh giá sơ lược của cá nhân về tình hình tổng quan mọi mặt chính (đối nội, nhân quyền, đối ngoại, kinh tế, xã hội…) của Việt Nam hiện nay – đầu 2014, và về tương lai VN trong vài ba năm trước mắt 2014-1016.
So sánh các đánh giá và dự báo của tôi (PCT) với các đánh giá của nhà phân tích và bình luận chính trị xã hội Phạm Chí Dũng (PCD) trong bài “Tình hình nhân quyền VN năm 2014 sẽ yên ả hơn”, như sau:

Lĩnh vực
Quan điểm của PCT
Quan điểm của nhà bình luận
Chính trị -xã hội PCD
Nội bộ/ Ch./trị
- Đánh nhau khốc liệt ho ĐH XII
- Tăng tốc vơ vét và đàn áp
- Tranh giành chính trị/nhân sự ĐH XII
- Ảnh hưởng của tình hình Campuchia
Nhân quyền
- Sẽ bị xiết chặt hơn
- Các biện pháp trấn áp tinh vi hơn, “mới” và hạ đẳng hơn
- Sẽ được nới lỏng, yên ả hơn
- “lề trái” và diễn đàn dân sự sẽ được chấp nhận
Đối ngoại
- Đảng tiếp tục “đi hai hàng”
- Tiếp tục nhu nhược với TQ hơn nữa
- Theo phương Tây không trung thực
- Phái “ngả về phương Tây” sẽ thắng thế
Kinh tế
- Sẽ không được vào TPP
- Tiếp tục bị ảnh hưởng nặng từ TQ
- Đồng tiền VN sẽ bị mất giá
- BĐS vỡ trận hoàn toàn
- VN đi vào khủng hoảng nặng từ 2016
- Được vào TPP ngay đầu năm 2014
- Chuyển hường nhập khẩu nguyên liệu sang các nước TPP (bỏ TQ)
- BĐS rơi vào đại khủng hoảng và tan vỡ
- Nợ xấu tăng và không xử lý được
- Bắt đầu khủng hoảng từ cuối 2014
Xã hội
Phân hóa đối kháng sâu sắc thành 4 nhóm theo tỷ lệ từ 90/10 chuyển sang  80/20:
- Đảng và các loại “còn đảng còn mình”:                    16,2%=>12,8%
- Sợ hãi và “yên phận”:  72%=>64%
- Không yên và chờ đợi: 9%=>20%
- Lực lượng Dân chủ:     1,8%=>3,2%
- Bất ổn và phản kháng tăng
Tổng quan
Cho 2014-2016
1/ Không vào TPP, từ 2014 kinh tế khủng hoảng
2/ Xã hội bất an, CP gia tăng đàn áp
3/Cuộc chiến tàn khốc chiếm ghế  ĐH 12
4/ Vẫn theo Tàu cộng
5/Dân chủ phát triển về lượng và chất
1/ Vào TPP, từ 2014 kinh tế khủng hoảng
2/ Xã hội bất an, phản kháng tăng
3/Cuộc đua chính trị chiếm ghế trong ĐH 12
4/ Phe theo phương Tây thắng thế
5/Hoạt động dân chủ gia tăng
Như vậy, về cơ bản, nhận định của tôi và PCD khá trùng nhau, nhưng vẫn khác nhau về ba vấn đề chính: chính trị, kinh tế (hay TPP) và nội bộ/nhân quyền.
Với bài này, tôi muốn trình bày, tại sao tôi không đồng quan điểm với anh PCD – người mà tôi rất tôn trọng do những thể hiện công khai vì dân chủ mấy năm dần đây, về các vấn đề trên.


ĐH XII sẽ vẫn kiên quyết định hướng… Bắc Kinh

Từ nay đến 2016 sẽ là cuộc chiến cho ĐH XII của trên ba triệu đảng viên đảng CSVN. Nhưng đây sẽ không phải cuộc chiến để đưa ra đường lối phát triển đất nước, hay điều chỉnh quan điểm chính trị của đảng để làm cơ sở cho sự phát triển đất nước trong tình hình mới (như mục đích của mọi đại hội vốn là thế), mà chỉ là cuộc chiến giành ghế của các cá nhân, phe nhóm trong đảng mà thôi. Tại sao? Là vì cái đường lối ấy đã được xác định và không thể thay đổi tại Bắc Kinh từ trước rồi.
Tại sao ở Bắc Kinh và tại sao không thể thay đổi? Là vì mọi chiến lược phát triển của đảng CSVN đưa ra trong các ĐH toàn đảng của nó đã qua (11 đại hội) đều được ấn định ở và bởi Moscow (2 đại hội đầu sau đại hội Thành lập đảng và ĐH VI) hoặc Bắc Kinh (với cả 8 ĐH còn lại). Lần này, cộng sản “bố” ở Moscow đã toi từ lâu, và bốn ĐH gần đây nhất suốt 25 năm qua (từ Thành Đô 1990) đều lại do đảng “Mẹ” - CSTQ điều khiển hoàn toàn, thì có cơ sở nào để nói ĐH XII sắp tới sẽ không là như thế? Không có!
Không, và còn hơn thế, vì hơn bao giờ hết Bắc Kinh đang khùng lên bành trướng muốn nuốt trọn VN. Và họ đang làm việc đó không phải qua mua chuộc hay khuất phục dân Việt, mà qua “chỉ đạo” đàn con hoang của họ - đảng CSVN làm, mà chỉ đạo quan trọng nhất chính là thông qua cái gọi là ĐH của đảng CSVN – bè lũ vốn đã cam tâm bán nước Việt và lệ thuộc Tàu để được tại vị.
Còn về phía các đảng viên CSVN, điều đó cũng là không thể tránh. Bởi vì nếu không theo “định hướng Bắc Kinh (tức là bám chặt vào Bắc Kinh, vào đảng CSTQ bằng mọi giá) thì đảng CSVN hôm nay sẽ nhanh chóng tan rã, và họ những quan cộng sản dự ĐH XII sắp tới và hầu như toàn bộ đảng viên đảng CSVN này sẽ mất quyền lợi từ các chức vụ nhà nước của họ do đảng phân chia, thay vào đó là họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì tồi tệ họ đã làm với đất nước, dân tộc suốt hơn 80 năm qua? Trong khi cái họ cần chỉ là được yên vị để kiếm chác (dù hại dân) thêm một nhiệm kỳ nữa thôi…
Anh Phạm Chí Dũng nói phe “thân phương Tây” sẽ thắng thế, vì thế là điều không hề có cơ sở, và có thể chỉ vì nói theo mong muốn cá nhân. Bởi vì, dù bề ngoài họ thể hiện là “thân phương Tây” thì bản chất mọi đảng viên CSVN vẫn phải bám chặt vào địa vị và quyền lợi của mình trong đảng (chứ không phải quyền lợi của dân tộc, đất nước), nên nếu “thân phương Tây” để làm cái đảng đó tan rã thì họ cũng mất hết (địa vị và quyền lợi). Họ chỉ “thân phương Tây” trên đầu lưỡi, nếu có.
Tóm lại, một số người “cấp tiến” cũng chỉ là những kẻ giả vờ thân phương tây như một cách để chiếm quyền lợi và địa vị trong đảng mà thôi. Còn khi vào ĐH, phải lựa chọn đường lối của đảng, họ không có lựa chọn nào khác là theo “định hướng” Bắc Kinh, như các thế hệ cha ông họ - kể từ HCM, mà thôi. Mọi tuyên bố hay mong muốn về cải cách hay thay đổi thể chế của các đảng viên CSVN đều chỉ là ngây thơ (như ông Nguyễn Trung) hay lừa bịp (như TTg NTD).
Chỉ có khi nào đảng CSTQ không tồn tại nữa thì đảng CSVN mới thực sự phải đưa ra đường lối của mình, nhưng nó sẽ không kịp làm điều đó thì đã tự tan rã. Lịch sử sinh ra và tồn tại của đảng CSVN trên 80 năm qua đã và sẽ chứng minh điều đó.

Tại sao tôi nói Việt Nam sẽ không vào được TPP? (nhắc lại)

TPP thực chất là gì? Đó là cái lồng (hay cái cũi) địa kinh tế mà Mỹ và một số nước đang xây dựng để nhốt con thú dữ Trung Quốc, đan xen với những cái lồng địa-văn hóa, địa-chính trị và địa-quân sự khác mà Mỹ và các nước đã có để bủa vây, bao quanh và nhốt con thú TQ, hòng kiềm chế sự nguy hại của nó nói chung đối với Mỹ và toàn thế giới. Như vậy dù là lồng hay cũi kinh tế hay văn hóa thì mục đích vẫn là chính trị: bao vây để kìm hãm và giảm nguy hại của con thú dữ TQ. Đây vẫn là trò chơi chính trị.
Trong hai yếu tố để tạo thành và tham gia cái lồng địa kinh tế nhốt TQ là địa lý và kinh tế thì Việt Nam chỉ đáp ứng một, đó là địa lý. Còn yếu tố thứ hai là thể chế kinh tế thì Việt Nam không đáp ứng, không phù hợp, thậm chí nguy hiểm đối với chính mục đích của TPP, vì thể chế kinh tế VN lại giống của con thú dữ kinh tế sẽ bị nhốt là TQ, vì VN có cái đuôi định hướng XHCN có “màu sắc” giống như TQ vậy.
Ngay cả mục đích chính trị của cái lồng địa kinh tế TPP (là bao vây kinh tế TQ) thì Việt Nam có thực sự chia sẻ không vẫn còn là câu hỏi lớn. Người Việt chúng ta biết đảng CSVN sẽ không bao giờ dám làm việc “phản cha mẹ mình” đó! Tham gia cùng Mỹ và thế giới làm cái lồng địa kinh tế nhốt hay bao vây TQ trong “mưu đồ chính trị” ư? Không dám đâu! Cả ba đời CSVN đội mồ sống dậy cũng không dám!
Thế thì tại sao VN vẫn tham gia đàm phán “rất tích cực” và tỏ ra rất cố gắng để được vào TPP? Có ba lý do chính.
Một là, chính phủ VN muốn và hy vọng sẽ cứu nguy nền kinh tế sắp chìm của mình, nếu không được thì vẫn chứng tỏ được với dân (lừa được dân) là đảng đã/đang cố làm điều tốt nhất cho đất nước.
Hai là, nếu lừa được Mỹ và các đối tác TPP khác và được vào TPP, cộng sản VN sẽ vẫn đi hai hàng: vừa là tay trong của TQ trong TPP để phá bĩnh, và dùng điều đó để mặc cả với TQ chút đỉnh, và vừa ôm với mục đích cuối cùng là lấy le với dân (vẫn là lừa bịp) rằng tôi không theo TQ đâu nhé…
Ba là, đo lường và thử thái độ của Mỹ, giả vờ thân Mỹ để đu dây với TQ, hòng mặc cả chút đỉnh với TQ (như việc mua tàu ngầm của Nga vậy thôi), và cũng lại lấy le với (tức là lừa bịp) dân Việt rằng “đảng ta” độc lập không theo Tàu.
Đó là thái độ rất “điếm”, rất “tanh” của một ứng cử viên cho vai trò đồng minh trong TPP tương lai mà Mỹ và các nước khác không ngu gì mà không nhìn nhận ra.
Nhưng điều sẽ khiến Việt Nam sẽ không được vào TPP, không thể vào TPP, là thái độ gian dối bất trung, bất minh của CSVN ngay từ khi đàm phán và chuẩn bị để tham gia TPP hiện nay. Đó là, Việt Nam đã và đang mở cửa tất cả các ngành kinh tế mà VN đang nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ TQ cho các “nhà đầu tư” TQ và TQ Đảo (Đài loan) vào VN để sản xuất các nguyên vật liệu đầu vào đó tại VN, để “biến” nó thành nguồn gốc VN (nội TPP) thay vì gốc TQ (ngoại TPP), để đáp ứng và khai thác lợi ích từ TPP. Ví dụ: 80% nguyên liệu ngành vải sợi, dệt may, và nhựa, hóa chất, thép… của VN hiện nay là nhập từ TQ thì đang được VN mở cửa cho TQ vào chuyển các nhà máy và công nhân của họ sang VN, để biến chúng thành nguồn gốc VN! Chuyện đó đang xảy ra ở hàng loạt các KCN từ bắc chí nam: Đình Vũ (HP), Vũng Áng (TH), Nhơn Trạch (ĐN)…
Cuối cùng thì Mỹ và các dối tác TPP khác, ngoài cái thể chế kinh tế “định hướng” XHCN không thể chấp nhận được của VN, cũng sẽ phải cân nhắc độ tin cậy và trung thực của đối tác này, vì VN là đối tác tiềm năng duy nhất của TPP mà không tham gia bất kỳ cái nào trong ba cái lồng nhốt con thú dữ TQ kia, là địa-văn hóa, địa-chính trị và liên minh địa-quân sự xung quanh TQ.
Nếu có VN trong TPP thì có vẻ cái lồng địa kinh tế nhốt TQ siết khá “chặt” sát hông TQ, nhưng VN lại có vẻ như sẽ là lỗ hổng của cái lồng TPP đó thay vì là lưới chắn, và con thú TQ sẽ qua đó thoát ra. TPP thất bại.
Nếu không có VN thì cái lồng địa kinh tế TPP nhốt con thú TQ có vẻ lỏng lẻo hơn, không siết chặt và TQ, nhưng nó lại sẽ bền chắc và đáng tin cậy hơn, vì sẽ không có đối tác nào “đi hai hàng” như VN trong TPP.
Cuối cùng thì các vòng đàm phán TTP cũng sẽ qua, các đòn gió nhử TQ và VN của Mỹ cũng không cần thiết nữa, và TPP sẽ được ký kết mà sẽ không có VN để đảm bảo mục đích TPP, độ tin cậy và tính hiệu quả của nó sau này.

Tình hình nhân quyền VN sẽ không yên ả

Dù Việt Nam đã có ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, dù sức ép ngày càng lớn của cả thế giới đứng đầu là Mỹ lên Việt Nam vì hồ sơ nhân quyền xấu xa của Việt Nam, thì vấn đề nhân quyền ở Việt Nam từ 2014 vẫn sẽ không được cải thiện và nó sẽ ngày càng xấu đi, tệ hại hơn. Nó sẽ chỉ được che dấu tinh vi và thể hiện theo những cách “mới sáng tạo của đảng” một cách ngày càng đáng ghê tởm hơn mà thôi. Tại sao vậy?
Đó không phải vì CSVN không muốn cải thiện hồ sơ nhân quyền để lấy lòng thế giới và Mỹ, mà vì CSVN không thể dừng hay giảm đàn áp phong trào dân chủ trong nước, và vì thế càng vi phạm nhân quyền của dân và làm hồ sơ nhân quyền của đảng càng đen tối và hôi tanh.
Tại sao đảng CSVN không thể dừng hay giảm đàn áp phong trào dân chủ trong nước? Là vì phong trào dân chủ trong nước ngày càng lan rộng. Và lý do của sự lan tỏa đó là do đảng và chính quyền tham nhũng (nhất là ăn cướp đất của dân) ngày càng tàn bạo hơn, đưa kinh tế đi sâu vào khủng hoảng, và vì đảng ngày càng nhu nhược hèn hạ hơn với “định hướng” và chủ Bắc Kinh của họ (sẽ được tái củng cố và khẳng định lần nữa tại ĐH XII… như tôi đã chỉ ra trên), làm dân ta ngày càng phẫn nộ hơn, phải đứng lên đòi quyền và tự làm cải cách dân chủ ngày càng đông đảo hơn.
Đó là cái vòng luẩn quẩn mà đảng tự tạo ra và không thể thoát ra, đó là cái “vòng kim cô Bắc Kinh” mà đảng đã tự nguyện đội trên đầu và không thể tự tháo ra được nữa.
Vì thế tôi nói, tình hình nhân quyền Việt Nam thời gian tới sẽ không hề yên ả như anh PCD nói, mà nó sẽ đi vào những vòng xoáy mới căng thẳng hơn ở mức độ rộng lớn hơn, bất ngờ hơn.
Tóm lại, đảng CSVN muốn và chỉ muốn xây dựng Thịnh vượng (cho họ) dựa trên ba chân: định hướng Bắc Kinh, che dấu hồ sơ nhân quyền đen tối, và tham gia trò chơi chính trị TPP để làm kinh tế. Vấn đề là, trong ba yếu tố trên: Định hướng Bắc Kinh - Nhân quyền - và TPP, khác với Ngũ Hành, yếu tố ”định hướng Bắc Kinh ” chỉ có tương khắc và diệt mà không có tương sinh nào với hai yếu tố kia, nên ba thứ đó về logic không thể cùng tồn tại. Nếu cố tình trộn chúng với nhau thì chỉ tạo nên xã hội quái thai tạm thời, sẽ tự hủy hoại và tan vỡ.

XÃ HỘI & CON NGƯỜI VIỆT NAM


 


Chuyện những chiếc cầu xứ Việt

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-03-07
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
cautre-305.jpg
Chiếc cầu tre và chòi trực cầu để thu phí
RFA photo


Tuần qua, chuyện chiếc cầu treo Chu Va ở Lai Châu bị đứt cáp, hất những người đi đưa tang cùng cỗ quan tài rơi xuống suối đá làm ít nhất 8 người mất mạng và hơn 30 người bị thương một lần nữa đã làm dư luận xôn xao, chấn động bởi chất lượng cầu ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến hàng trăm chiếc cầu nằm chông chênh qua suối bằng vài thanh cây, vài sợi dây thừng và một số cáp treo dã chiến có đến hàng chục học sinh bu bám lên để qua sông. Cũng là những chiếc cầu, nếu như ở miền Nam có cầu khỉ, thì miền Trung có cầu tre vắt qua sông. Chuyện của những chiếc cầu tre cũng li kì và thú vị không kém!
Cầu tre lắc lẻo…
Cây cầu tre được sinh ra trong một bối cảnh cũng khá lạ, thường thì những nơi có cầu tre là những nơi heo hút, dân cư đông đúc nhưng đường sá teo tóp, nhỏ nhoi, lại bị con sông chắn ngang đường đi, mùa nắng băng sông bằng đò, đến mùa mưa thì việc đi lại hết sức đáng sợ bởi nguy cơ lật đò, chết người. Bởi việc đi lại quá khó khăn, người dân tự góp vốn làm cầu tre hoặc một nhà đầu tư đứng ra làm cầu tre và bán vé qua cầu cho người đi lại.
Hiện tại, những chiếc cầu tre từ vốn đầu tư của tư nhân chiếm khá nhiều tại miền Trung, góp phần không nhỏ cho việc giao thương nhưng vẫn mang tính hai mặt của nó.
Một người tên Phi, chủ của một chiếc cầu tre được đầu tư với giá 60 triệu đồng, băng qua sông Trường Giang tại Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ: “Thường thì khoảng 60 chục triệu, tùy vào cái cầu, sông nó rộng thì khoảng 50-60 triệu, hẹp thì khoảng 10 triệu, nhưng 10 triệu thì lại không lấy được vốn, vì sông nó hẹp thì người ta lội bộ, mùa hè nó cạn, người ta lội qua. Chủ yếu là những cái sông phải rộng, sông rộng làm cầu tre thì nguy hiểm thật, nhưng không có cầu thì phải làm sao, nên phải làm cầu. Từ chỗ nộp tiền thuế cho nhà nước, tiền đấu giá, tiền đầu tư làm cầu, tiền thuê người giữ cầu, có người giữ cầu thì đỡ nguy hiểm cây cầu của mình, người ta điều tiết giùm mình, chứ nếu không ba xe, bốn xe vào một lần thì sập cầu, rồi họ lại thu tiền lại cho mình, bán vé mà, phải thế thôi. Trước đây cũng có người bỏ tiền ra làm cầu, gọi là làm cầu giúp dân, nhưng bây giờ nó đua nhau nó đấu giá rồi thì phải làm kinh tế thôi!”
Trước đây cũng có người bỏ tiền ra làm cầu, gọi là làm cầu giúp dân, nhưng bây giờ nó đua nhau nó đấu giá rồi thì phải làm kinh tế thôi!
O6ng Phi, Quảng Nam

Ông Phi nói thêm, nếu như trước đây, việc đầu tư làm cầu tre ít tốn kém, và mức thu phí cũng thấp, chỉ lấy 500 đồng đối với người đi bộ và 1 ngàn đồng đối với người đi xe máy thì bây giờ mọi chuyện đã hoàn toàn khác, giá ước đã tăng gấp bốn lần vì nhiều lý do.
Trong nhiều lý do như chi phí làm cầu tăng, đồng tiền mất giá, thời giá nhảy vọt… Thì có một lý do rất cơ bản mà ai cũng có thể thông cảm mặc dù nghe ra rất buồn cười. Đó là chính sách đấu giá làm cầu và thu thuế cầu ở cấp chính quyền địa phương. Nghĩa là trước đây, người làm cầu tre không phải đóng thuế, còn bây giờ, người làm cầu tre phải đóng thuế, thậm chí phải đấu giá để làm cầu và thu lợi nhuận.
Một người yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam chia sẻ, chuyện tổ chức đấu giá và đóng thuế làm cầu tre là hết sức vô lý, bởi vì dù sao chăng nữa, việc làm một chiếc cầu tre lắc lẻo qua sông để người dân đi lại cũng là việc làm mà nhà cầm quyền cần phải nhìn ra sự thiếu sót cũng như sự bất lực của mình. Lẽ ra nhà cầm quyền địa phương phải trích tiền thuế, trích ngân sách để làm những chiếc cầu cho dân đi miễn phí hoặc góp phần với tư nhân để làm cầu nhằm giảm bớt khoản thu phí xuống còn một nửa. Đằng này, nhà cầm quyền địa phương lại đè người làm cầu ra đánh thuế, bắt nộp tiền cọc để đấu giá, người nào đấu giá nộp thuế cho nhà nước với mức cao sẽ thắng thầu. Nhưng, một khi có đấu thầu, sẽ có yếu tố kinh doanh và động cơ lợi nhuận sẽ đặt lên trên hết. Điều này xãy ra hai vấn đề bất lợi cho nhân dân.
Bất lợi đầu tiên phải nói đến là sẽ có nhiều người không có tâm huyết với những chiếc cầu tre nhưng lại vì động cơ lợi nhuận, sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để thắng thầu, sau đó tha hồ bóc lột người qua cầu dưới sự bảo kê của nhà cầm quyền. Và trong trường hợp này, người vì động cơ lợi nhuận chưa chắc đã nắm đủ kĩ thuật để làm cầu tre băng sông, chất lượng cầu sẽ rất kém và nguy cơ cầu sập bất kì giờ nào là có thật.
Trường hợp thứ hai, vì không tâm huyết nhưng cuốn theo động cơ lợi nhuận, họ sẽ đóng thuế rất cao để thắng thầu, lúc đó, mọi yêu cầu về an toàn của nhân dân không được đặt ra nhưng nhân dân phải gánh chịu khoản phí qua cầu rất cao. Ví dụ như thay vì đóng một ngàn đồng để qua cầu, người dân phải đóng đến năm ngàn đồng, bởi chi phí này cõng cả tiền nuôi nhà cầm quyền, tiền nuôi người làm cầu và một số khoản nhậu nhẹt, bôi trơn chiếc cầu trước quyền thế địa phương.

Cầu tre đến bao giờ?

cautre-250.jpg
Những thanh tre làm sàn cầu. RFA photo
Đây là câu hỏi mới nghe tưởng nói chơi nhưng thực tế lại chứa quá nhiều trăn trở của nhân dân những vùng hẻo lánh, đi lại bằng đò hoặc cầu tre. Thường, mùa nắng thì phương tiện cầu tre giúp người ta đi lại thuận tiện nhất, chỉ có những ai quá tiết kiệm hoặc thấy quá tốn kém mới dùng ghe bơi qua sông. Nhưng đến mùa mưa, cả đò và cầu tre là hai phương tiện nguy hiểm ngặt nghèo.
Nếu đi đò thì có thể bị nước lũ cuốn bất kỳ giờ nào, còn việc băng qua chiếc cầu tre chóng vánh giữa dòng nước cuồn cuộn chảy cũng đáng sợ không kém. Bà Nguyên, cư dân xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, than thở với chúng tôi rằng không có gì đáng sợ và làm bà hãi hùng hơn kinh nghiệm một lần suýt chết khi đi qua cầu tre ở quê bà.
Với kết cấu gồm vài chục gốc tre già đóng chéo xuống sông, sau đó buộc hai cây tre to vào hai bên thành đường ray và đặt lên trên đường ray những mảng tre chẻ đôi, đóng đinh, buộc dây thép thật chặt cho tất cả những thanh tre liên kết với nhau thành chiếc cầu. Qui trình hết sức đơn giản và tải trọng của cầu không được phép quá 500kg.

Một người yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ: “Thì đóng cọc xuống, đóng chéo qua chứ sao, chéo như dấu nhân vậy đó, rải dài rồi người ta cọc, cột mấy cái róng tre dài dưới chân và phía trên rồi xong chứ có gì đâu!”
Chính vì thế, khi có hai chiếc xe máy ở hai đầu cầu chạy ngược chiều nhau và giáp nhau giữa cầu, lúc này chiếc cầu rung lắc cứ như chuẩn bị đổ ập xuống sông. Trong tình trạng mùa mưa lũ thì miễn bàn, cảm giác cây cầu nổi dần lên theo mực nước là cảm giác thật vì với những cây tre cắm xuống lòng sông không bao giờ đủ sức neo cây cầu đừng nổi theo mực nước lũ.
Lần bà Nguyên suýt chết là trận lũ năm 2010, vì phải đi mua lương thực dự trữ cho mấy ngày lũ, nên mặc dù nước đang dâng cao, bà vẫn liều mình đi mua, khi về thì nước đã dâng cao quá mức. Bà vịn vào thành cầu lội băng qua sông, đến giữa sông, cây cầu bị nước chảy giật lắc qua lắc lại liên tục, bà cắn răng ôm thùng thực phẩm lội đến đầu bên kia, vừa chạm chân vào bờ, thò tay quơ vội, nắm lấy cây ổi thì cây cầu bị nước cuốn phăng. Bà chỉ biết rùng mình nhìn theo.

Có thể nói kinh nghiệm đáng sợ của bà Nguyên cũng là kinh nghiệm chung cho những cư dân sống ở vùng sông nước heo hút, quanh năm suốt tháng phải băng sông, băng suối trên những chiếc cầu mà khi đi trên đó, cảm giác của một người làm xiếc pha lẫn với cảm giác đối diện tử thần, thân phận cái kiến, con sâu luôn hiện hữu. Đến bao giờ người dân nơi đây mới có những chiếc cầu đúng nghĩa?
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
 http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/the-bridge-in-vn-ttvn-03072014121931.html

Ngày thầy thuốc VN và những người lao công bệnh viện

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-03-06
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
nttvn-1-305.jpg
Hoa chúc mừng ngày Thầy Thuốc Việt Nam, ảnh minh họa.
RFA


Theo qui định của nhà nước Việt Nam hiện tại, ngày 27/2 được xem là ngày thầy thuốc Việt Nam, ngày bệnh nhân tri ân thầy thuốc, ngày mọi người tưởng nhớ đến công ơn người chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình. Thế nhưng, trong bối cảnh tranh tối tranh sáng, nhất là giai đoạn mà ngành y tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng mất uy tín bởi hàng loạt các hoạt động mang tính mờ ám, thậm chí trái ngược với lương tâm, đạo đức ngành nghề đã làm uy tín của họ giảm sút hoàn toàn. Bài tường trình này chỉ đề cập đến một nhóm công việc cũng liên quan đến ngành y tế nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi. Đó là các nhân viên hộ lý bệnh viện.

Làm việc gian khổ nhưng bị đánh giá thấp

Trong ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi ghé đến một số bệnh viện ở Huế, đập vào mắt chúng tôi vẫn là cảnh bệnh nhân chen chúc trong các phòng bệnh, người nhà bệnh nhân nằm la liệt ở các hành lang, cầu thang chật kín người, muốn đi thang máy phải nộp tiền, nhiều y tá nói năng sỗ sàng, thô lậu và nhiều hộ lý miệt mài lau chùi phòng bệnh, bồn cầu nhà vệ sinh.
Một nhân viên hộ lý tên Hiền ở bệnh viện trung ương Huế chia sẻ: “Nghề này vất vả chứ sao không, ví dụ đến giờ trực của mình thì mình phải làm công việc của mình một cách lanh lẹ, cho nhanh để kịp họ đi tiêm thuốc, thăm bệnh. Nói chung phần công việc của hộ lý thì cực hơn, như phải lau chùi toilet, lau chùi sàn nhà, cũng cực lắm chứ! Chế độ bảo hiểm thì ai làm đúng thời hạn một năm thì được nộp bảo hiểm, ai chưa đủ thời hạn thì không được nộp. Hồi trước lương cơ bản là hai triệu một trăm ngàn, giờ lên được hai triệu tư, hiện tại thì đóng bảo hiểm xã hội rồi thì được một triệu tám trăm bốn hai ngàn. Như chị thế này khó khăn lắm chứ, làm thế này cũng đâu có tiền nhiều đâu. Như mấy hôm nay (ngày thầy thuốc Việt Nam) không có chi hết đâu, không có được đồng nào thêm đâu, chỉ có mình dọn hoa thêm đọa đày, thì những bông hoa mà người ta tặng bác sĩ, thấy tàn là mình phải đi dọn, mình cũng không được hưởng thêm lương thưởng gì cả.”
nttvn-2-250.jpg
Một nữ hộ lý quét dọn vệ sinh trong bệnh viện. RFA PHOTO.
Theo chị Hiền, họ không có lựa chọn nào khác là chấp nhận làm một lao công bệnh viện để kiếm sống, vì nếu không đồng ý làm những công việc đó, cũng không có cơ hội nào dành cho họ. Tuy công việc khó khăn, vất vả mọi bề nhưng mức lương lại thấp nhất trong ngành y tế và gần như bị coi rẻ, bị đánh giá thấp nhất trong ngành. Đối với những nhân viên hộ lý, chuyện bị bệnh nhân xem thường và bị bạn đồng nghiệp đánh giá thấp luôn là nỗi đau mà họ phải cam chịu vì chén cơm manh áo.
Chị Lựu, nhân viên hộ lý bệnh viện trung ương Huế buồn bã nói với chúng tôi rằng, đối với nhân viên hộ lý, ngày thầy thuốc Việt Nam không phải là ngày của họ. Các nhân viên hộ lý vẫn phải làm mọi công việc hằng ngày, kể cả việc lau chùi bồn cầu. Chị Lựu nói rằng nếu chỉ làm việc đơn thuần thì có sao cũng chấp nhận được, nhưng ở đây, làm việc trong sự dày vò rất khó tả.
Vì lẽ, trong mắt bệnh nhân, các bác sĩ không còn là những bà mẹ hiền chăm lo sức khỏe của họ như trước đây mà là những cái máy hút tiền, đụng đến họ là phải tốn tiền, nếu không khoản này thì cũng khoản khác. Và ngay cả những nhân viên hộ lý, cũng không thiếu người vì điều kiện đồng lương eo hẹp, ban đầu mong chờ vào đồng tiền của bệnh nhân cho, tặng để nhờ mua giùm các thứ vật dụng, dần dà về sau, theo thói quen lại đâm ra mè nheo, vòi vĩnh của bệnh nhân. Thế nên khi chị làm việc trong ngày thầy thuốc Việt Nam, nhiều người nhìn chị với ánh mắt không thiện cảm nếu không muốn nói là khinh khi. Chị đoán rằng rất có thể họ nghĩ chị bị phạt do tiêu cực trong công việc.

Chán nản và mệt mỏi

Một nữ hộ lý khác tên Lý ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Thì mình lo làm tổng vệ sinh bệnh viện, đổ rác, làm vệ sinh nhà cầu, phòng bệnh, chùi dọn…”

nttvn-3-250.jpg
Người nhà bệnh nhân chen chúc trong thang máy một bệnh viện. RFA PHOTO.
Chị Lý nói thêm rằng hiện tại, công việc của một hộ lý chẳng khác gì công việc của một lao công quét dọn hoặc một bồi phòng, chỉ khác chăng là một hộ lý phải có kiến thức về y tế và nếu như bồi phòng được tặng tiền typ mỗi khi gặp khách sộp thì hộ lý mong mỏi được bệnh nhân nhà giàu tặng cho vài đồng để nhờ vả chăm sóc kĩ lưỡng hơn. Chính khoản tiền này giúp chị em hộ lý trang trải thêm nhiều việc trong đời sống.
Chị Lý vẫn biết rằng chờ mong khoản tiền bệnh nhân tặng cho là điều trái với lương tâm nhưng nếu không có nó, với khoản lương èo ọp dao động từ hai triệu rưỡi đến ba triệu đồng mỗi tháng, không có cách gì để lấp vào mọi khoản chi tiêu trong gia đình thời bão giá. Nhiều lần muốn bỏ nghề để tìm một công việc khác có thu nhập khá hơn nhưng rồi lại thôi.
Bởi với người làm nghề hộ lý, một khi đã quen với nghề, cảm giác buồn, ảm đạm nơi bệnh viện cộng với những cảm nghiệm về bệnh tật, cái chết đã cho họ một gương mặt u buồn thường xuyên hoặc gắt gỏng, bực bội vì sức ép công việc. Hai cảm giác này như một nỗi ám ảnh nghề nghiệp khiến cho người hộ lý cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với những công việc khác. Thậm chí có nhiều người bị bệnh nghề nghiệp lâu ngày, trở nên trầm cảm và hết muốn tiếp xúc xã hội.
Nói đến đây, chị Lý thở dài và đưa ra câu hỏi rằng không biết nghề hộ lý ở các nước tiến bộ có khó khăn, vất vả và có nguy cơ đẩy người làm công việc này đến chỗ mệt mỏi, chán nản, hết ham sống như ở Việt Nam hay không. Với chị, mỗi dịp lễ ngày thầy thuốc Việt Nam giống như một cực hình, chị phải vừa lau dọn nhà vệ sinh bệnh viện lại vừa nghe các nhóm bác sĩ, ý tá vừa ăn liên hoan vừa ca hát. Những thứ âm thanh ấy quyện với tiếng thở mệt nhọc của người bệnh khiến cho chị nao nao rất khó tả, chỉ muốn hét lên cho đến khi nào lồng ngực vỡ toang và ngưng thở.
Không riêng gì chị Lý hay những người hộ lý ở các bệnh viện công than thở về nỗi khổ ngành nghề cũng như mức lương bèo bọt của nó mà hầu như tất cả các nhân viên hộ lý ở các bệnh viện tư cũng như bệnh viện công đều thất vọng về cái nghề mà mình đã trót chọn để rồi phóng lao phải theo lao!
 http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/doctor-s-day-n-hospital-workers-03062014073858.html

Nạn trộm cắp bùng phát sau Tết

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-02-28
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
saigon-305.jpg
Ảnh minh họa chụp tại TPHCM.
RFA


Hằng năm, vào những dịp cận Tết cũng là lúc nạn trộm cắp bùng phát, lúc này, giới đạo chích túng quẫn, cần tiền ăn Tết nên thả sức hoạt động. Đó là chuyện của nhiều năm trước, còn trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp Tết Giáp Ngọ, phường đạo chích chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp hoạt động mạnh vào dịp cận Tết, nghỉ Tết vài ngày, đến Mồng Hai Tết lại hoạt động rầm rộ, người dân miền Nam nói chung và thành phố Sài Gòn nói riêng trở tay không kịp, có rất nhiều gia đình dở khóc dở cười trong những ngày đầu năm.

Làm cả năm, trắng tay vì trộm

Một người dân Sài Gòn than thở: “Về vấn đề trộm cắp ở Sài Gòn thì hiện nay rất tràn lan, nhưng mà không thể buộc tội được vì đây không phải là vấn nạn cá nhân mà là vấn nạn xã hội. Hiện nay ở Sài Gòn nó giống như chuyện bình thường mỗi ngày. Mỗi người dân Sài Gòn đều biết rằng mình đang sống trong một môi trường nguy hiểm mà đều do kinh tế và chính trị Việt Nam quy định ra, cho nên không ai dám đề cập sâu, vì đó là vấn đề mà ai cũng biết mà không dám nói. Sau Tết 2014 thì trộm cắp ở đây còn tăng lên nhiều, vì tâm lý lo sợ về kinh tế trong người dân, họ không định hướng đi về đâu, làm gì, trong tình huống đó thì trộm cướp là kiếm tiền nhanh nhất. Đi ăn cướp ở đây không phải là trộm cướp vặt mà nó có trộm cướp quy mô hơn, trong đó có thể thấy những lãnh đạo ăn cướp của dân, những doanh nghiệp ăn cướp của dân một cách công khai thông qua hệ thống ngân hàng với những quyền lợi được bảo vệ. Chỉ có những người dân mới gánh chịu những gánh nặng từ trên đó, nên họ chỉ còn một cách là kẻ mạnh cướp của kẻ yếu.”
Ông này nói rằng chưa bao giờ ông cảm thấy Sài Gòn trở nên nhặng xị và rối loạn như bây giờ. Đành rằng Sài Gòn những năm trước 1975 vẫn có nạn trộm cắp, giật dọc nhưng thời đó không phổ biến và giới bụi đời cũng hoạt động có đạo đức hơn, dù sao thì họ cũng cướp giật của những kẻ có tiền, không bạ đâu cướp giật đó và thỉnh thoảng, họa hoằng lắm mới có trường hợp người lao động bị cướp giật, nhà nghèo bị trộm cắp. Còn bây giờ thì nạn trộm cắp phình nở không thể tưởng tượng nổi.
Chỉ cần quên khóa xe trong vòng chưa đầy 10 giây, tức khắc chiếc xe bị bốc hơi, đi đâu về, vào nhà nhưng quên khóa cửa, nếu lỡ có việc cần xuống bếp gấp gáp, chưa đầy hai phút sau quay lên, đã thấy nhà cửa trống hoác, chiếc xe dựng trong nhà không cánh mà bay, cái tivi hoặc chiếc đầu đĩa cũng bay theo nốt. Điều này cho thấy rằng mật độ kẻ trộm ở thành phố Sài Gòn có thể dày tương đương hoặc nhiều hơn cả nhân viên an ninh. Bọn kẻ trộm luôn rình rập và túc trực trong khu phố, quan sát từng cử động của mỗi nhà để ra tay.
Mặc dù người dân hằng năm vẫn phải đóng tiền cho quĩ an ninh trật tự nhưng chuyện trộm cắp rình rập thì đèn nhà ai nấy sáng, thân ai người nấy lo. Công an, dân phòng chỉ đóng vai trò làm kiểng trong chuyện trộm cắp, thậm chí họ chỉ gây phiền hà mỗi khi có trộm. Vì khi bị mất trộm, người dân đến báo cơ quan công an, họ lập biên bản, giữ nạn nhân ở lại làm thủ tục khai báo đủ các thứ để rồi xếp hồ sơ vào ngăn kéo, suốt năm này qua năm khác, chẳng thấy kết quả gì ngoài mấy dòng chữ đã ghi trong biên bản mất trộm, của mất vẫn cứ mất.

Tết miền Nam hoa mai vàng tràn ngập chợ hoa Nguyễn Huệ. AFP
Tết miền Nam hoa mai vàng tràn ngập chợ hoa Nguyễn Huệ. AFP
Chỉ riêng từ Mồng Hai Tết đến nay, những người dân trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Sài Gòn đã liên tiếp bị mất cắp. Vì ngày Tết, không thể khóa cửa im ỉm suốt ngày được, phải mở cửa để đón bạn bè, họ hàng đến thăm, chúc Tết. Đây cũng là cơ hội tốt nhất để phường đạo chích ra tay. Vì lúc này, cả khu phố rơi vào tình trạng bất cẩn và dễ bị nhầm. Nhiều khi nhìn thấy trợm vào nhà hàng xóm, cứ tưởng là khách đến thăm Tết, đến khi chúng rinh đồ đi mất, chủ nhà truy hô thì mới biết đó là kẻ trộm.
Hơn nữa, với tâm lý nhà ai nấy biết, tình làng nghĩa xóm hoàn toàn không có nên việc kẻ trộm vào nhà này, nhà kia nhìn thấy mà không truy hô vì sợ chúng đến trả thù cũng là một điểm yếu mà kẻ gian biết được và khai thác triệt để trong vòng nhiều năm nay. Người dân Sài Gòn này nói thêm là hôm Mồng Hai Tết, nhà ông mất một chiếc xe Honda Air Blak đời mới nhất và chiếc ví có chứa gần mười triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân chỉ vì ông ngồi ở phòng khách uống bia, một lúc hơi tức bụng, ông vào toilet chưa đầy 5 phút, khi quay ra, ông tá hỏa nhận ra là mình đã quên đóng cửa nhà và kẻ trộm đã bẻ khóa cổng, vào nhà dắt mất chiếc xe cùng chiếc ví bỏ trong cốp xe.
Chuyện trộm cắp lộng hành trong ba ngày Tết ở Sài Gòn nghe ra đã quen thuộc như cơm bữa và cái Tết ở đây, thay vì mở toang cửa để đón bạn bè, người ta chỉ còn biết im ỉm đóng cửa đề phòng mọi thứ nếu không muốn thành quả lao động cả năm của mình đi sạch vì Tết.

Trộm lộng hành như chốn không người

Chị Hiền, cư dân quận Gò Vấp, Sài Gòn, buồn bã nói: “Có thể là do Sài Gòn là nơi mà rất nhiều người tứ xứ tới, chỉ vì một lý do cao nhất là để mưu sinh, vì Sài Gòn không phải là quê hương mà là nơi người ta sinh sống và làm việc, nên sẽ có những lý do để trộm cắp hay có những ý đồ xấu, nên người ta sống hơi lạnh lùng ở Sài Gòn.”
Chị Hiền cho biết thêm là hiện tại, có thể nói rằng Sài Gòn đã quá tải về nạn trộm cắp, đến mức khi bị mất cắp, nạn nhân có thể nghi vấn ngay cả người trong nhà hoặc hàng xóm của mình. Vì lẽ, tốc độ xâm nhập và lấy cắp đồ đạt của phường đạo chích quá nhanh, nhanh ngoài sức tưởng tượng. Chỉ cần sơ hở trong vòng vài chục giây cho đến vài phút thì mọi việc đã hoàn toàn thay đổi, tài sản bị mất, thậm chí tính mạng bị đe dọa.
Hôm mồng Ba Tết, chị chở đứa con trai đi thăm bà con, đến công viên Gia Định ở đoạn cuối đường Nguyễn Kiệm, con trại chị muốn dạo chơi công viên một chút, chị dừng xe, khóa cổ cẩn thận và đặt con trai ngồi xuống ghế đá. Khoảng thời gian từ lúc dừng xe, khóa cổ và bế con đặt xuống ghế đá chưa đầy hai mươi giây. Nhưng hỡi ôi, khi chị quay lưng lại thì chiếc xe Honda Lead đã không cánh mà bay cùng với chiếc túi xách bỏ trong cốp xe. Chị truy hô nhưng kẻ trộm đã nhanh chân tẩu thoát về đâu không rõ.
Mấy ngày Tết, gia đình chị sống trong buồn bã và lo lắng vì đây là phương tiện duy nhất của hai vợ chồng chị để chồng chị đi làm, đưa con đến lớp và đón con về nhà. Riêng chị, đang thất nghiệp, cộng thêm chuyện mất xe ngày đầu năm như vậy, chẳng biết nói gì ngoài việc tự trách mình rồi khóc thầm, tức tưởi.
Không chỉ lấy cắp những thứ có thể bán kiếm tiền ngay, mà ngay cả giấy tờ, kẻ trộm cũng dám lấy nếu gặp cơ hội, sau đó chúng sẽ gọi điện thoại hẹn địa điểm để chuộc với giá tiền có thể chấp nhận được. Những trường hợp như thế, người dân không dám báo công an vì sợ gây thù chuốc oán với chúng. Hơn nữa, nếu có báo công an cũng chưa chắc đã được gì, chính vì thế, kẻ trộm ở Sài Gòn càng ngày càng lộng hành và hung tợn. Đôi khi, có cảm giác như dân kẻ trộm xem Sài Gòn là chốn không người, muốn tác oai tác quái cỡ nào thì tùy thích.
Những ngày Tết và sau Tết, do kinh tế xuống cấp, do đói khổ và vả độ sau những canh bạc, kẻ trộm tha hồ ra tay, tha hồ lộng hành ở Sài Gòn.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt nam.
 http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/theft-boom-after-tet-02282014131535.html

Mùa Xuân của những người mù xứ Huế

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-02-26
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
nguoi-mu-1-305.jpg
Những cụ già trong hội người mù Hương Vinh, Huế.
RFA


Những ngày đầu năm ở Huế mưa nhì nhằng, thời tiết lạnh và buồn. Với người lành lặn, mùa xuân trở nên ảm đạm và lười biếng chẳng muốn đi đâu, còn với người mù, những trận mưa xuân tiềm ẩn mối nguy hiểm khó lường vì âm thanh bị nhiễu loạn và có thể bị va chạm bất kì lúc nào. Chúng tôi đến thăm Hội người mù Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế trong dịp các hội viên ở đây nhận quà cứu trợ từ gia đình Việt kiều Trần Dật, một gia đình có bề dày bền bĩ gần hai mươi năm gắn với những cuộc đời nghèo khổ, không may.

Sứ mệnh của đôi bàn tay

Ông Trần Dật, mạnh thường quân trong chuyến đi chia sẻ: “Họ là những người mù không thấy cuộc đời, nhưng tâm họ biết được. Họ là người bất hạnh, họ có thể nghe mà không được thấy, cho nên mình chia sẻ với họ những nỗi niềm đó. Mình để họ thấy cuộc đời vẫn có những người bên họ, nghĩ đến họ, để họ hy vọng, tin tưởng và sống. Nghĩ về họ, thấy họ, mình thấy mình rất may mắn vì có hai con mắt để nhìn thấy cuộc đời, cho nên những việc mình làm xuất phát từ những cảm xúc đó, đó là một điều mình nên làm!”
Cũng theo ông Dật, đối với con người nói chung và với người mù nói riêng, đôi bàn tay có sứ mệnh dẫn đường. Nếu như với người lành lặn, đôi bàn tay dẫn dắt con người đi từ sự cảm thông này đến nỗi ưu tư, thao thức nọ thì đối với người không may mắn, rơi vào hoàn cảnh mù lòa, đôi bàn tay mang ý nghĩa làm con mắt thứ hai, cảm nhận ánh sáng và bóng tối, cái ác và cái thiện.
Giải thích vấn đề vừa nêu, ông Dật nói rằng đôi bàn tay con người có ba sứ mệnh chính gồm úp xuống, ngửa lên và xoa vào nhau. Bởi vì bàn tay con người luôn biết úp xuống, san sẻ một chút hơi ấm và sự may mắn của mình cho đồng loại nghèo khổ, bất hạnh hơn mình. Và một khi không may, mình rơi vào hoàn cảnh khốn khó, gian nan, bàn tay lại hoan hỉ ngửa ra đón nhận sự chia sẻ của đồng loại từ một bàn tay khác đang úp lên bàn tay mình.
Để rồi, trong một ngày nào đó, ai rồi cũng có đôi lần ngậm ngùi phủi hai bàn tay và nhau để thẩy những hạt bụi đất cuối cùng xuống huyệt mộ của người thân như một lời an ủi, tiễn biệt. Không có ai thoát khỏi những sứ mệnh này, vấn đề là thấy hay không thấy mà thôi! Bàn tay con người tuy làm rất nhiều nhưng xoay quanh những sứ mệnh tưởng là rất đơn giản này.
Cũng vì luôn thao thức và luôn lắng nghe bàn tay chìa về hướng nào, đối với gia đình ông Trần Dật, Tết về, ngoài ý nghĩa là cuộc đại đoàn tụ gia đình, về quê ăn Tết, thắp nhang gia tiên, Tết còn là cuộc hành hương đến viếng những cái nghèo. Bởi nghèo là thủy tổ, là căn phận sâu xa của người Việt Nam, thăm cái nghèo, chia sẻ với cái nghèo cũng giống như thăm lại quá khứ, tiền thân và chia sẻ cũng là cách tự làm ấm tâm hồn mình sau nhừng tháng ngày đau đáu xa quê.
Một hội viên người mù Hương Vinh tên Nguyệt, chia sẻ với chúng tôi: “Dù muốn hay không thì chúng tôi cũng bị mù. Thi thoảng chúng tôi cũng nhận được quà, nhưng không quý ở phần quà mấy anh chị à, mà cốt quý ở tấm lòng chứ nhiều khi quà cũng không quan trọng. Đầu năm mà nhận được quà thế này là may lắm, rất vui ! Rất cám ơn gia đình Bác!”
nguoi-mu-1-250.jpg
Những em bé hội viên Hội người mù Hương Vinh, Huế. RFA PHOTO.
Cô Nguyệt cho biết thêm là thu nhập bình quân của người mù rất thấp, mỗi ngày chưa đến 30 ngàn đồng với nghề vót tăm tre cung cấp cho cơ sở làm nhang. Hội người mù Hương Vinh lên đến hơn 100 hội viên nhưng có hoạt động cách gì vẫn không thể chống chọi lại được cơn lốc của bão giá. Trước đây, với thu nhập mỗi ngày 30 ngàn đồng có thể trang trải qua ngày. Nhưng đến thời điểm hiện nay, ba mươi ngàn đồng không đủ trang trải ba bữa cơm dù rất đạm bạc. Chính vì thế, ngày đầu năm, có ai đó lì xì cho vài đồng hoặc tặng cho một món quà, cảm giác vui mừng chẳng kém gì trẻ con được cho kẹo.
Bởi vì với người mù, khái niệm thời gian và không gian rất mơ hồ, ánh sáng của người mù là một màng đêm dày cộm âm thanh cuộc đời, màu sắc của người mù không có gì khác ngoài những cảm xúc vui, buồn, hỉ nộ ái ố mà họ trải qua suốt một ngày dài. Trong các khu nhà, chỉ có nhà của người mù là không bao giờ tốn tiền điện mà chỉ tốn tiền nhang diệt muỗi, vì một khi đã không thấy gì thì có thắp đèn hay không thắp đèn cũng như nhau. Chỉ cần nhang diệt muỗi bởi căn nhà u ám, tối như mực của họ là nơi muỗi mòng dễ sinh sản, hoành hành.
Chị Nguyệt kể thêm là trong thời đại xe cộ nghẹt đường như thế này, chuyện tai nạn đối với người mù rất dễ xãy ra. Trong hội từng có người bị rơi xuống hố cột điện gãy chân tay, bể xương bàn tọa, cũng có người từng bị một thanh niên say rượu tông xe đến gãy sống lưng. Nói chung, mọi tai nạn luôn rình rập người mù. Trong khi đó, người mù chỉ biết chìa bàn tay hoặc cây gậy về phía trước để dọ dẫm cuộc đời.

Những người mù bán chổi tội nghiệp

Nếu như đầu năm, đến thăm hội người mù chỉ cảm nhận được ở đây một bầu không khí ảm đạm, hiu hắt, không tiếng nói cười, cảm giác như đang có những tiếng thở va chạm nhau trong không gian, thì những ngày cuối năm, trên mọi nẻo đường cố đô, tiếng rao dài thê thiết của người mù bán chổi lại tao ra một phức hợp âm thanh khá đặc biệt.
Giữa tiếng xe cộ rộn chộn rộn và inh ỏi, giữa tiếng người mua bán trả chác, tiếng rao bán chổi của người mù lọt thỏm, yếu ớt nhưng lại tràn ngập nỗi gắng gượng, cố ngoi lên để bứt thoát khỏi những bức tường âm đè nặng trên đôi chân có khi phải đi bộ mỗi ngày vài ba chục cây số.
Ông Cứ, một hội viên người mù Hương Vinh chia sẻ, hội người mù Hương Vinh có số lượng hội viên rất đông, có cụ đã lên đến 90 tuổi, cũng có những em bé chỉ được vài ba tuổi. Tất cả quần tụ về đây để chia sẻ, thông cảm với nhau, người nào làm được việc gì thì cứ làm để chia sẻ cho những em bé mồ côi, không nơi nương tựa và cũng bị mù lòa. Dường như các thành viên trong hội, ít ai để ý đến chuyện nhà nước có tài trợ cho mình những gì và vào hội mình được gì.
Mà những người mù đến hội, tham gia hoạt động hội thông qua những trao đổi, chia sẻ, tự bươn bả kiếm cơm ngoài đời, đến khi về nhà, lại ngồi với nhau để san sẻ vui buồn, tự đấm bóp, xoa dầu vào những chỗ đau của nhau sau một ngày dài va quẹt, đụng chạm với thế giới bên ngoài.
Với những em bé hội viên nhỏ tuổi, đến hội người mù để được các ông, bà, cô, chú dạy cho cách đọc chữ nổi, cách miết ngón tay lên tờ giấy bạc để phân biệt tờ này mấy đồng, tờ kia bao nhiêu. Và đặc biệt, những bộ áo quần mới do người lớn may cho những em bé mồ côi cũng làm cho chúng bớt lạnh, bớt cô đơn mỗi khi Tết về.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
 http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/spring-of-blind-peoples-in-hue-02262014130121.html

 

 Nhật ra trát bắt tiếp viên Vietnam Airlines
Cập nhật: 11:29 GMT - thứ tư, 5 tháng 3, 2014

Mỹ phẩm Shiseido là hàng được ưa chuộng tại Việt Nam.
Gần phân nửa các vụ ăn cắp hàng hóa tại Nhật dính líu người Việt và cảnh sát ra trát bắt một tiếp viên Vietnam Airlines, một báo có uy tín tại nước này đưa tin.
Báo Sankei của Nhật Bản vào ngày 27/02/2014 đưa hai bài về thực trạng ăn cắp đồ và chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.
Bấm Bài báo đầu tiên cho biết Cục Chống tội Phạm Có Tổ chức thuộc Sở Cảnh sát Tokyo đã ra trát bắt một nữ tiếp viên hàng không của Hãng hàng Không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vì nghi ngờ vận chuyển hàng trộm cắp từ một phụ nữ người Việt khác khoảng 30 tuổi.
Tuy nhiên cảnh sát nói nữ tiếp viên này đã không còn ở Nhật và quá trình điều tra cho thấy tiếp viên này biết đây là hàng trộm cắp và họ tin rằng có nhiều hơn một tiếp viên dính líu.
Vào ngày 03/03/2014, Người phát ngôn Vietnam Airlines nói với BBC rằng Vietnam Airlines chưa nhận được thông báo gì của cảnh sát Nhật về việc này.
Vào tháng 12 năm 2013, một nhóm bốn thanh niên người Việt khoảng 20 tuổi đã ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo và hàng chôm được đã được gửi tới nhà của người phụ nữ khoảng 30 tuổi kể trên qua đường bưu điện.
Người phụ nữ này và bốn thanh niên hiện đã bị bắt giữ.
"Một lượng lớn hàng ăn cắp đã được các tiếp viên chuyển một cách có tổ chức để bán tại Việt Nam"
Cảnh sát Tokyo
Báo này mô tả kiểu ăn trộm đồ, đa số là hàng mỹ phẩm Shiseido và quần áo hiệu Uniqlo, là đưa nhiều hàng vào vali trong thời gian rất ngắn rồi bỏ chạy. Quá trình điều tra cho thấy người phụ nữ tầm 30 tuổi này chỉ dẫn cụ thể cho nhóm ăn trộm mặt hàng nào để chôm.
Sau đó người phụ nữ này đã chuyển hàng bằng thùng các tông qua đường bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita nơi phi hành đoàn ở và nữ tiếp viên Vietnam Airlines đã chuyển đồ từ thùng sang vali.
Việc thanh toán giao dịch phi pháp này cũng đã thể hiện qua việc hai người chuyển khoản cho nhau.
Cảnh sát cho biết hàng trộm cắp bị phát hiện vẫn còn nguyên nhãn của siêu thị bày bán và lập luận rằng nữ tiếp viên hẳn phải biết đây là hàng ăn cắp.
Cảnh sát cho biết quá trình khâu kiểm tra hải quan nặng về an ninh để theo dõi súng lục và ma túy chứ không nhắm vào quần áo mỹ phẩm nên các tiếp viên đã lợi dụng điểm yếu này để tuồn hàng về nước.
Cảnh sát Tokyo tin rằng một lượng lớn hàng ăn cắp đã được các tiếp viên chuyển một cách có tổ chức để bán tại Việt Nam.
'Thu nhập thêm'
Trong Bấm một bài khác được đăng cùng ngày, báo Sankei cho biết đồ mỹ phẩm Nhật được bán tại khu vực gần trụ sở chính của Vietnam Airlines ở Hà Nội với giá thấp hơn giá tại Nhật và thậm chí nhãn ghi giá bằng tiền yên của Nhật vẫn gắn ở sản phẩm bán tại đây.
Bài báo kể lại vụ một Cơ phó của Vietnam Airlines trước đây từng bị kết án cũng vì dính líu vào việc vận chuyển hàng phi pháp.
Trong phiên xử cách đây 5 năm, Cơ phó này được báo Sankei dẫn lời nói "Ở Vietnam Airlines lương rất thấp và việc phi hành đoàn chuyển hàng trộm cắp để có thu nhập thêm là chuyện thường xảy ra."
Cơ phó này nói tại tòa rằng “Có khả năng đồng nghiệp của ông dính vào đường dây tuồn hàng lậu về nước.”
Bài báo nhận định nếu giới chức Cảnh sát Tokyo nếu không ngưng được hoạt động thông đồng của nhân viên hàng không và vai trò của bên trung gian thì nạn trộm cắp như vậy sẽ chỉ gia tăng mạnh hơn mà thôi.
Hàng hóa Nhật, đặc biệt là mỹ phẩm, được ưa chuộng tại Việt Nam. Nhật xuất khẩu chính thức sang Việt Nam lượng mỹ phẩm tăng 5 lần so với cách đây 10 năm. Giới chức cảnh sát tin rằng đồ chôm được là món lời béo bở cho kẻ cắp.
Một người muốn ẩn danh từ Hà Nội nói với BBC bấy lâu nay nhu cầu mua hàng Nhật với giá rẻ rất cao và rằng việc chuyển hàng về nước, kể cả hợp pháp lẫn phi pháp, là mảng được mô tả là "siêu lợi nhuận".
"Vietnam Airlines yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ"
Lê Trường Giang, Người phát ngôn Vietnam Airlines
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật nói số các vụ chôm đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh tại Nhật, từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012.
Riêng sáu tháng đầu năm 2013 đã có 401 vụ liên quan tới người Việt, chiếm 40% tổng số vụ chôm đồ liên quan tới người nước ngoài nói chung, theo báo Sankei.
Ông Lê Trường Giang được báo Bấm Người Lao Động ngày 28/02 dẫn lời mô tả điều ông gọi là “cho tới nay không có thành viên phi hành đoàn nào của Vietnam Airlines bị tạm giữ để điều tra vụ án mà báo chí Nhật đưa tin’’
“Vietnam Airlines cũng chưa nhận được bất cứ yêu cầu hợp tác điều tra chính thức nào từ cơ quan chức năng Nhật Bản về vụ việc này”,
“Cảnh sát Nhật Bản có thể làm việc trực tiếp với văn phòng Vietnam Airlines ở Nhật Bản hoặc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam hay Interpol”, ông Giang nói thêm.
Ông Giang cũng dẫn chiếu tới vụ Bấm Cơ phó Đặng Xuân Hợp từng bị "tạm giữ để điều tra" nhưng mô tả rằng "Ông Hợp đã được đặc cách điều tra và trả tự do và đã được bay trở lại."
Người phát ngôn Vietnam Airlines được dẫn lời nói rằng “Trong quy chế nội bộ, đoàn bay và đoàn tiếp viên Vietnam Airlines yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ. Nếu vi phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân và bị xử lý nghiêm theo quy định của Bộ Luật Lao động.”
Mới đây báo Dân Trí có bài với tựa 'Bấm Tại sao ở Nhật dễ...ăn cắp'.
Bài báo của tác giả Anh Đào từ Tokyo có đoạn nói "số liệu báo chí lấy của cảnh sát nói năm 2013, có gần 3.200 người nước ngoài bị bắt vì phạm tội tại Nhật, tăng 133% so với năm trước đó, trong đó đa phần là ăn cắp vặt và móc túi.
"Có báo đưa, rất nhiều trong số này là người nhà mình. Thật buồn!".
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/03/140304_vietnamese_thieves_in_japan.shtml


Saturday, March 8, 2014

PHẠM THẾ NGŨ



 
 
  
PHẠM THẾ NGŨ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phạm Thế Ngũ (1921 - 2000) là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.

Tiểu sử

Phạm Thế Ngũ, sinh ngày 12 tháng 6 năm 1921 tại làng Ngọc Chi, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Đi học

Lúc lên bốn năm tuổi, ông được cha dạy chữ Hán, lúc lên mười ông vào học Trường sơ học Pháp - Việt ở quê rồi lên Hà Nội học trung học ở Trường Bảo Hộ (Trường Bưởi). Năm 1944, đỗ tú tài xong, ông theo học Trường Đại học Khoa học. Ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp (1946), việc học bị gián đoạn, ông cùng gia đình tản cư về quê.

Dạy học và biên soạn sách

Phạm Thế Ngũ lần lượt trải qua các nơi, các chức việc sau:
Năm 1947 - 1949: Dạy học ở Trường Bắc Sơn (Hải Dương), Trường Phạm Ngũ Lão (Hưng Yên).
Năm 1950: Trở về học Trường Đại học Văn khoa (Hà Nội), đỗ cử nhân năm 1953.
Năm 1954 - 1956: Lần lượt dạy học Trường trung học Võ Tánh (Nha Trang), Trường trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ).
Năm 19571972: Dạy Trường trung học Pétrus Ký (Sài Gòn). Khoảng thời gian này, ông vừa dạy học, vừa biên soạn sách: Sách giáo khoa văn, sách triết học bậc trung học và chuyên khoa, vừa lập nhà xuất bản (Nhà xuất bản Phạm Thế) để tự xuất bản sách của mình.

Cuối đời

Sau ngần ấy năm miệt mài cho công việc, những năm cuối đời Phạm Thế Ngũ đã sống ung dung, thanh thản đúng với tinh thần đôi câu đối mà ông đã viết:
Thế sự bách niên, mọi mối tơ vương bay đi cùng mây gió,
Văn chương thiên cổ, một mảnh hồn thơm ở lại với trăng sao.
Ngày 9 tháng 5 năm 2000 ông mất, hưởng thọ 79 tuổi.
Tác phẩm Phạm Thế Ngũ đã xuất bản, có:
  • Việt Nam văn học sử giản ước tân biên gồm ba tập.
  • Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc (nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2000)

Việt Nam văn học sử giản ước tân biên

Tác phẩm Việt Nam văn học sử giản ước tân biên gồm ba tập:
  • Tập I: Văn học truyền khẩu và Văn học lịch triều: Hán văn (Nhà xuất bản Quốc học tùng thư, năm 1961, dày 267 trang)
  • Tập II: Văn học lịch triều: Việt văn (Quốc học tùng thư, năm 1963, dày 480 trang).
  • Tập III: Văn học hiện đại 1862 - 1945 (Quốc học tùng thư, năm 1965, dày 661 trang).
Tổng cộng bộ sách dày 1.408 trang, gồm 47 chương, bắt đầu từ văn học truyền khẩu đến văn học viết và dừng lại ở năm 1945.
Theo GS. Trần Hữu Tá, thì mặc dù là "giản ước", nhưng sách được biên soạn chu đáo, kỹ lưỡng; tư liệu phong phú, chuẩn xác; nhận định đánh giá khá cân nhắc, thận trọng... Tuy có người trong giới nghiên cứu chưa đồng tình về cách phân chia các thời kỳ văn học, phần “văn học truyền khẩu” hãy còn sơ sài; nhưng bộ sách vẫn có ích cho những người muốn muốn hiểu khái quát nền văn học Việt Nam.[1]

Chú thích

  1. ^ Theo Trần Hữu Tá, Từ điển Văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1371-1372.


 PHẠM THẾ NGŨ


12.VI.1921-9.V.2000). Nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo Việt Nam. Nguyên quán làng Ngọc Chi, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ được ông thân sinh dạy chữ Hán trong năm, sáu năm. Mãi đến năm lên mười mới khai sinh bớt đi bốn tuổi để xin vào học Trường sơ học Pháp – Việt ở quê. Tiếp tục học trung học ở Trường Bảo hộ (Trường Bưởi) Hà Nội. Đỗ Tú tài năm 1944, sau đó học Đại học Khoa học. Việc học bị gián đoạn vì chiến tranh. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 1946, ông cùng gia đình tản cư về quê. 1947-49, dạy học ở Trường Bắc Sơn (Hải Dương), rồi Trường Phạm Ngũ Lão (Hưng Yên). 1950, trở về Hà Nội, chuyển sang học Đại học Văn khoa Hà Nội và đạt học vị Cử nhân năm 1953. 1954, vào Nam, lần lượt dạy học ở Nha Trang (Trường trung học Võ Tánh), Cần Thơ (Trường trung học Phan Thanh Giản). 1957-72, dạy Trường trung học Pétrus Ký Sài Gòn. Vừa dạy học, Phạm Thế Ngũ vừa biên soạn sách: sách giáo khoa văn, triết học bậc trung học và chuyên khoa. Ông lập Nhà xuất bản Phạm Thế, xây dựng Quốc học tùng thư và tự xuất bản sách của mình. Công trình có giá trị hơn cả là bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập, Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1961-65). Bộ sách được liên tiếp tái bản các năm 1968, 1972, 1996. Ba tập sách, tập sau dày hơn tập trước, tổng cộng 47 chương, hơn 1500 trang, bao quát toàn bộ tiến trình văn học Việt Nam, từ “văn học truyền khẩu” đến văn học viết từ văn học viết thuở ban đầu (thế kỷ X) bằng chữ Hán, đến văn học viết bằng chữ Nôm và văn học chữ quốc ngữ. Trong hoàn cảnh chính trị – xã hội phức tạp của vùng thành thị miền Nam lúc ấy, và với thái độ nghiêm túc, ông đã dừng lại ở năm 1945.


“Tác giả khiêm tốn khi dùng hai chữ “giản ước” để đặt tên sách. Thực ra sách được biên soạn chu đáo, kỹ lưỡng; tư liệu phong phú, chuẩn xác; nhận định đánh giá khá cân nhắc, thận trọng.


“(…) Phần có sức nặng hơn cả của công trình là tập III (mà ông gọi là Văn học hiện đại, 1862-1945). Ông giải thích khá cặn kẽ nguyên nhân suy tàn của Hán học và văn học chữ Hán, cũng như của văn học chữ Nôm. Ông chia quá trình hiện đại hoá văn học ra làm ba giai đoạn: giai đoạn thử nghiệm bước đầu (1862-1907), giai đoạn phát triển (1907-32), và giai đoạn hưng thịnh (1932-45). Một số chương được viết rất kỹ lưỡng: Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí , Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí, sự hình thành của tiểu thuyết mới v.v… Mỗi chương dài hàng trăm trang.


“(…) Cũng cần nói đến văn phong của ông. Vẫn tuân thủ yêu cầu nghiêm nhặt của văn nghiên cứu: rành mạch, khúc chiết, chặt chẽ, nhưng Phạm Thế Ngũ đã làm cho việc đọc sách của độc giả trở nên dễ chịu hơn vì lối viết giản dị, mực thước và có duyên của ông.


“(…) Dù còn những vấn đề cần được trao đổi (…) giá trị bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên vẫn xứng đáng được khẳng định. Nó đã có ích cho một thế hệ người đọc trong các thành thị miền Nam trước năm 1975. Đến nay nó vẫn có ích cho những người muốn hiểu văn học Việt Nam trong hàng chục thế kỷ. Suốt cuộc đời mình, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ đã sống ung dung, thanh thản đúng với tinh thần đôi câu đối ông viết lúc cuối đời: “Thế sự bách niên, mọi mối tơ vương bay đi cùng mây gió/ Văn chương thiên cổ, một mảnh hồn thơm ở lại với trăng sao.”

Từ điển Văn học – Bộ mới của Nhà xuất bản Thế Giới, 2004,


ĐOÀN THANH LIÊM * SÁCH SMALL IS BEAUTIFUL

GIỚI THIỆU SÁCH “SMALL IS BEAUTIFUL” BÀI 2

Tác giả : E F Schumacher

( xuất bản lần đầu : Năm 1973)


Như đã có dịp trình bày nơi bài 1 trước đây, cuốn sách “Small is Beautiful” đã được tờ New York Times xếp vào lọai “100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất” kể từ sau thế chiến hai ( the most influential books). Và sau 30 năm kể từ khi ra mắt độc giả, thì đã lưu hành được tới trên một triệu cuốn riêng về ấn bản tiếng Anh; đó là chưa kể đến các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Tác giả Schumacher là một kinh tế gia đã từng làm việc lâu năm trong ngành quản lý về than đá tại Anh quốc, đặc biệt trong lãnh vực thống kê, nên ông đã đưa ra những số liệu khá vững chắc và khả tín để minh họa cho lý luận của mình. Xuyên suốt qua gần 300 trang sách, tác giả đã lần lượt trình bày suy nghĩ và tìm kiếm của mình trong suốt 40 năm vừa học tập, làm việc, trao đổi và nghiên cứu của mình về những vấn đề căn bản của nhân sinh trên phạm vi tòan cầu. Người đọc có thể thấy tác giả đã gửi gấm vào tác phẩm tất cả tài năng trí tuệ và tấm lòng tha thiết nóng bỏng đối với cuộc sống của con người, mà phần đông đang là nạn nhân khốn khổ của cái đường lối sai lầm vì coi nhẹ giá trị đạo đức nhân bản và nhân ái của giới điều hành guồng máy kinh tế tại chính các quốc gia tiền tiến trong thế giới hiện đại. Có thể coi cuốn sách là “lời cảnh báo” về mối nguy cơ trầm trọng đang đe dọa cuộc sống của nhân lọai ngày nay, và đồng thời tác giả cũng khơi mào cho việc tìm kiếm một lối thóat khả dĩ cho con người, đặc biệt là cho hàng tỉ con người kém may mắn (underpriviledged) trong các quốc gia được liệt kê vào lọai “ đang phát triển” ( developing countries)


Nhan đề chính của cuốn sách là “Small is Beautiful” lại được kèm theo câu phụ diễn cho thêm rõ ý nghĩa nữa : “ Economics as if People Mattered”, xin tạm dịch là “Kinh tế học Dân Vi Quý”. Và riêng trong ấn bản năm 1999, thì lại còn kèm theo nhiều bình luận của các thức giả đương thời được in bên lề các trang sách nữa. Bài giới thiệu này chủ yếu dựa vào ấn bản năm 1999, nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt ấn bản đầu tiên năm 1973.


Sách được trình bày thành 4 phần trong 19 chương như sau :


Phần 1 : Thế giới hịên đại (Chương 1-5)


Phần 2 : Tài nguyên (Chương 6-10)


Phần 3 : Thế giới thứ ba (Chương 11-14)


Phần 4 : Tổ chức và Sở hữu (Chương 15-19).


Nói chung thì sau trên 30 năm, các luận đề do Schumacher nêu ra trong cuốn sách vẫn còn giữ được tính cách thực tiễn khách quan và được coi như những gợi ý rất sâu sắc cho sự thảo luận và tìm kiếm của giới hàn lâm, cũng như của công chúng có sự quan tâm đến vấn đề sinh tử của con người trong bối cảnh văn hóa xã hội của thế kỷ XXI hiện nay. Nhằm trình bày sáng sủa, gọn gàng tư tưởng của tác giả, người viết xin được tóm gọn trong mấy luận điểm chính yếu được lựa chọn như sau đây :


1/ Hai triệu ngôi làng trong thế giới thứ ba : Làm sao mà phát triển?


Schumacher đưa ra con số hai triệu ngôi làng trong thế giới thứ ba mà gồm các quốc gia đang phát triển, với bình quân mỗi làng có 1000 người. Như vậy là trong 2 triệu ngôi làng, thì có đến 2000 triệu người (2 tỉ), tức là tương đương với dân số ở mức nghèo túng trên thế giới vào thập niên 1960 lúc tác giả viết cuốn sách này. Tình trạng sinh sống của người dân tại các vùng quê như ở Ấn độ đã được Schumacher rất lưu tâm quan sát, tìm hiểu và cố gắng đưa ra một phương thức kiến hiệu và hợp lý, hợp tình nhất để gây ra được một “khí thế phát triển” (development mood) thật là sinh động tại hạ tầng cơ sở các địa phương đó.


Từ sau thế chiến 2, các quốc gia Âu Mỹ giàu có đã đề ra các chương trình viện trợ khi thì đa phương thông qua Liên Hiệp Quốc, khi thì song phương nhằm giúp đỡ các nước nghèo thóat được cảnh bần hàn khốn khổ. Nhưng Schumacher đã chỉ ra là hầu hết cái lối viện trợ kiểu này không đem lại kết quả bao nhiêu, bởi lẽ là những chuyên gia viện trợ đã không nắm bắt được tâm lý và hòan cảnh phức tạp của đa số quần chúng nông dân vừa ít học, vừa bị giới trung gian khai thác lợi dụng. Và hơn nữa, các kỹ thuật áp dụng lại không thích hợp với hòan cảnh văn hóa xã hội và tâm linh truyền thống tại miền nông thôn địa phương. Vì thế mà Schumacher đã mạnh dạn đưa ra những đường hướng quyết liệt là : “ Viện trợ tốt nhất là thứ viện trợ trí tuệ (Intellectual aid), viện trợ kỹ năng hữu ích (gift of useful knowledge), chứ không phải là quà tặng vật chất. “ Lối viện trợ như vậy mới làm cho người nhận sớm trở thành tự lập và không còn bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp mãi của thứ “con bò sữa” như vẫn thường xảy ra. Phương thức này vừa ít tốn phí, mà vừa kích thích được cái mầm mống tự cường, tự túc vẫn có sẵn trong tiềm thức của lớp người dân vốn có lòng tự trọng, tự tin ở khả năng của bản thân mình. Đây mới đích thực là cách thức hay nhất để thực hiện được chủ trương “Giúp dân để người dân có thể tự giúp bản thân họ” ( Helping the people to help themselves).


Muốn đảy mạnh phong trào như vậy, thì phải lôi cuốn được các tổ chức thiện nguyện phi-chánh phủ (non-governmental voluntary agencies) ở cả hai phía quốc gia bên viện trợ cũng như bên nhận lãnh (donor/recipient countries); chứ không thể hòan tòan do hai bên chánh phủ độc quyền đứng ra hành động bao biện như từ bao lâu nay. Phương thức này, nói theo ngôn ngữ hiện nay, thì là : “Phải vận động Xã hội Dân sự từ cả hai nước cùng dấn thân nhập cuộc vào tiến trình phát triển và xây dựng tòan diện và điều hòa này” (total and harmonized development). Nhờ vậy mà cả một tập thể cộng đồng như được kích thích gây men ngay trong nội tâm sâu kín của mình (Mass fermentation and mobilization), để tạo ra được một thứ “năng động nhóm” (group dynamics) nhằm tiến hành được một sự phát triển bền vững lâu dài tại địa phương (self-sustaining community development).


Xin trích nguyên văn một đọan cuối của “ Chương 13 : Two million villages ” như sau : “Phát triển kinh tế chỉ có thể thành công nếu nó được tiến hành như một phong trào quần chúng rộng rãi dấn thân vào công cuộc tái thiết (a broad, popular movement of reconstruction), tập trung chủ yếu vào việc tận dụng sự hăng say phấn khởi, sự tài trí và sức lao động của tất cả mọi người trong công đồng…Sự thành công chỉ có thể đạt tới là do quá trình phát triển bao gồm cả trình độ giáo dục, tính tổ chức và cả tính kỷ luật của tòan thể các thành viên trong cộng đồng. Thiếu một yếu tố nào kể trên, thì chỉ là gặt hái sự thất bại mà thôi “ ( trang 171).


2/ Đi tìm lọai kỹ thuật thích hợp nhất ( Appropriate Technology AT)


Với tinh thần thực dụng, Schumacher chủ trương cần phải phát triển lọai “kỹ thuật trung gian” để thích hợp với hòan cảnh kinh tế xã hội tại các nước đang phát triển. Ông dành hẳn Chương 12 cho đề tài này với nhan đề như sau : “ Social and Economic Problems Calling For The Development Of Intermediate Technology ” (Những Vấn Đề Xã Hội và Kinh Tế Đòi Hỏi Phải Phát Triển Lọai Kỹ Thuật Trung Gian). Tác giả viện dẫn hai lý do chính yếu sau đây : Thứ nhất là kỹ thuật quá tân tiến thì lại tốn phí, nên các nước nghèo không thể áp dụng phổ biến rộng rãi khắp nơi được. Thứ hai là trình độ văn hóa kỹ thuật của dân chúng miền quê không thể dễ dàng thích nghi với cái kỹ thuật quá tinh vi, phức tạp do các nước phát triển đề xuất ra. Do đó mà cần phải tìm kiếm cho ra được lọai “kỹ thuật thích hợp” mà thường cũng được gọi là “kỹ thuật trung gian” (Intermediate Technology), tức là thứ kỹ thuật đứng giữa lọai kỹ thuật lạc hậu cổ truyền (mà rất rẻ tiền) với kỹ thuật hiện đại ( mà rất là đắt tiền ).


Tác giả lại có kinh nghiệm thực tiễn về chủ trương này, khi ông cùng với một số bạn hữu thành lập hẳn một Nhóm riêng biệt để nghiên cứu và thử nghiệm lọai kỹ thuật này tại Luân Đôn vào năm 1965 gọi là “The Intermediate Technology Development Group” ( ITDG). Cụ thể như : Nếu dùng kỹ thuật cao cấp như máy gặt liên hợp (combine harvester), thì phải tốn phí hết 70,000 dollar cho một người làm việc (workplace); như vậy thì các nước nghèo khó mà có thể tạo ra đủ công ăn việc làm cho cả triệu người được. Nhưng nếu sử dụng lọai kỹ thuật trung gian chỉ tốn kém có 700 dollar cho một người lao động, thì với số tiền 70,000 nói trên ta có thể tạo ra việc làm cho cả 1000 người. Và rõ ràng đây là thứ kỹ thuật thích hợp nhất cho các nước nghèo của thế giới thứ ba vậy. Cho đến nay ITDG đã phát triển và phổ biến khá rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, cả ở khu vực tiền tiến cũng như khu vực đang phát triển.


Cũng vì nhằm tạo ra thật nhiều công ăn việc làm ổn định hầu đáp ứng nhu cầu rất lớn cho nhiều khu vực nông thôn và các thị trấn nhỏ bé, mà việc nghiên cứu kỹ thuật trung gian này phải được thực hiện trong quy mô của một miền bao gồm nhiều cộng đồng nông thôn và đô thị nhỏ, chứ không thể làm theo cái lối khép kín, hạn hẹp trong môi trường quá hạn chế được. Do đó Schumacher đã khẳng định rằng “ Nếu mục tiêu của sự phát triển là giúp đỡ cho những người cần được giúp đỡ nhất, thì “ Mỗi một Miền hay Quận hạt trong một quốc gia phải có riêng một chương trình phát triển cơ hữu của mình.” Cụ thể như tại nướcThụy sĩ chỉ có chưa đày 6 triệu dân số, mà họ lại chia ra thành 20 quận hạt (cantons), mà mỗi đơn vị lại là một quận hạt phát triển riêng thích hợp với điều kiện đặc thù của mình (development district). Và chính nhờ vào sự “Phân quyền” (Decentralisation) như vậy, mà cả quốc gia này luôn giữ được sự phát triển điều hòa, ổn định trong một nền dân chủ mà mọi người dân đều có cơ hội tham gia vào công việc điều hành của cộng đồng nơi mình sinh sống (Participatory Democracy).


3/ Vấn đề Cạn kiệt Tài nguyên Thiên nhiên ( Depletion of Natural Resources)


Là người làm việc lâu năm trong ngành than đá, nên Schumacher rất chú trọng đến tình trạng sự dụng bừa bãi phí phạm về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt trong các nước văn minh tiền tiến Âu Mỹ. Cụ thể là về dầu khí, than đá và nhất là rừng cây. Bằng những con số thống kê chính xác, tác giả đã nêu lên các sự thao túng, lạm dụng và ích kỷ của các nước giàu có trong việc xài hoang phí các tài nguyên thiên nhiên. Schumacher phân biệt rất rõ rệt hai lọai tài nguyên : lọai tái tạo được và lọai không tái tạo được (renewable/non-renewable resources). Ông còn chỉ rõ ra là : Thiên nhiên luôn luôn hào phóng trong việc cung cấp cho con người những tài nguyên dồi dào phong phú, để mà khai thác đáp ứng nhu cầu sinh họat của nhân lọai. Nhưng thật đáng buồn là con người trong mấy thế kỷ gần đây đã dùng khoa học kỹ thuật để mà khai phá quá mức đến độ tàn phá thiên nhiên một cách vô tội vạ, tạo ra cảnh cạn kiệt mau chóng các tài nguyên thiên nhiên (rapid depletion/exhaustion), tạo ra một sự mất quân bình giữa con người với thiên nhiên, cũng như giữa hiện tại với tương lai, và cả giữa con người với con người nữa. Ông còn nói rõ là : Phải coi thiên nhiên như một “ nguồn vốn” (Capital) và nhờ biết khai thác khôn khéo, chừng mực đối với thiên nhiên mà con người kiếm ra được các “ lợi tức” (Income). Và như vậy, thì chỉ được quyền sử dụng lợi tức trong việc thanh thỏa các nhu cầu chính đáng của mình; chứ không được tiêu xài vào cái nguồn vốn chỉ có giới hạn nhất định nào đó mà thôi. Schumacher đã rất nghiêm khắc phê phán cái sự kiêu căng, tham lam quá độ và nhất là cái thái độ bạo hành của con người đối với thiên nhiên, cũng như giữa con người đối với nhau nữa. Ông đề cao chủ trương “Bất bạo động, Bất hại “ (Non-violence, Ahimsa) của thánh Gandhi cũng như của Đức Phật, mà ông có dịp khảo sát tại Ấn Độ và Miến Điện. Những suy ngẫm này ông đã ghi rõ ràng trong Chương 4 nhan đề là : “Buddhist Economics” ( Kinh tế học Phật giáo) mà chúng tôi sẽ dịch nguyên văn ra Việt ngữ được trình bày với đày đủ chi tiết trong một bài sau.


Cũng trong dòng chảy suy nghĩ đó mà Schumacher đã dành hẳn một Chương 9 với nhan đề : “ Nuclear Energy – Salvation or Damnation ?” (Năng lượng Hạt nhân – Sự Cứu Rỗi hay là Án Phạt?) để bàn về cái lợi hay cái hại của năng lượng hạt nhân. Tác giả kiên quyết chống lại việc sử dụng lọai máy phát điện nguyên tử vì lý do chất thải của lọai máy này chứa nhiều chất phóng xạ rất nguy hiểm lâu dài cho nhiều thế hệ sau này. Và may thay, do các biến cố “rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Three Miles Island” ở Mỹ và nhất là tai nạn thảm khốc Chernobyl ở Liên Xô, mà việc xây dựng bừa bãi các nhà máy hạt nhân này mới bị kìm hãm lại. Rõ rệt là Schumacher là một vị tiền phong đóng góp rất lớn cho phong trào bảo vệ môi sinh trên khắp thế giới từ mấy chục năm gần đây.


4/ Phải Định Hướng lại cho Khoa Học và Kỹ Thuật ( The Re - Orientation of Science and Technology).


Hơn ai hết, Schumacher là người luôn luôn cảnh giác về tính kiêu căng ngạo mạn và ngoan cố của giới khoa học ngày nay, nhất là trong ngành kinh tế học là lãnh vực họat động chuyên môn suốt cả cuộc đời của ông. Bàng bạc trong cuốn sách này, ta thấy tác giả luôn đề cao sự khiêm tốn, tinh thần nhân ái và nhân bản trong việc đề ra đường lối họat động cụ thể mà thiết thực, nhằm vào việc “Cải thiện thế giới” (World Improvement). Ta có thể thấy lời cảnh giác này đã có từ mấy trăm năm trước qua nhà hiền triết Rabelais ở Pháp mà dịch ra tiếng Anh là : “ Science without conscience is only the ruin of the soul” (Khoa học mà không có lương tâm thì chỉ là sự suy đồi của tâm hồn).


Tác giả đề cao tinh thần bao dung, đơn sơ, hòa ái của thánh Gandhi và nhất là của Phật Tổ, mà ông rất say mê nghiên cứu học hỏi trong thời gian làm việc ở Ấn Độ và Miến Điện. Nếu ta chú ý đến môi trường tôn giáo mà ông vẫn sinh họat tại nước Đức cũng như ở nước Anh, nhất là khi về già ông đã gia nhập đạo công giáo nữa, thì ta lại càng khâm phục cái thái độ thành tâm cầu thị, khiêm nhu và quý trọng của ông đối với Phật giáo và Thánh Gandhi ở Á châu. Ông đặc biệt đem thêm khía cạnh phẩm chất (qualitative aspects) và đạo đức (ethics) vào trong môn Kinh tế học là môn học mà các chuyên viên kinh tế thường chỉ chú trọng đến khía cạnh định lượng mà thôi (quantification). Tác giả luôn nhắc nhủ các nhà khoa học là phải tìm kiếm sự minh triết (wisdom) vốn đã ăn rễ sâu trong truyền thống đạo đức văn hóa trong các xã hội phương đông, mà thường bị người phương tây vì quá say mê và kiêu hãnh với tiến bộ khoa học, kỹ thuật vất chất nên đã xem thường. Vì thế ông mới gọi đó là môn “Siêu kinh tế học” (Meta-Economics).


Nói vắn tắt lại, các luận đề Schumacher đưa ra trong cuốn sách “Small is Beautiful” này hiện vẫn còn được thảo luận, khai thác rộng rãi trên tòan thế giới. Lọat bài viết ngắn ngủi này chỉ nhằm giới thiệu sơ lược về tư tưởng độc đáo, can đảm, mà lại rất táo bạo dứt khóat của Fritz Schumacher. Cuốn sách này là đúc kết kinh nghiệm họat động và suy nghĩ tìm kiếm trong suốt cuộc đời của tác giả, với tấm lòng tha thiết phục vụ cho nhân quần xã hội, đặc biệt đối với lớp đa số quần chúng kém may mắn nhất trên thế giới ngày nay. Bạn đọc có thể tham khảo thêm trên internet, để có số liệu cập nhật hóa rất đày đủ và phong phú về các đề tài mà Schumacher đã gợi ra trong cuốn sách thời danh này.


Người viết mong ước giới trẻ Việt nam, ở trong cũng như ở ngòai đất nước, để tâm theo dõi sự phát triển của lọai tư tưởng đày tính nhân bản và nhân ái tương tự như thế này, mà hiện đang có sức rất thuyết phục, quyến rũ cho cao trào tranh đấu bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền và cả bảo vệ môi sinh đang dâng cao khắp thế giới ngày nay trong thế kỷ XXI. Và cũng mong được sự tiếp tay trong việc đào sâu và phổ biến trào lưu tư tưởng tiến bộ này từ nơi các bậc thức giả trong những tổ chức chuyên về văn hóa khoa học, cụ thể như : Viện Việt Học, Lê Văn Duyệt Foundation, Hội Khoa Học Kỹ Thuật, Hội Chuyên Gia Việt nam, Các Viện Nghiên Cứu thuộc các Tôn Giáo Việt nam v.v…


California, Mùa Phật Đản Kỷ Sửu 2009


Đòan Thanh Liêm

http://macphuongdinh.wordpress.com/

Friday, March 7, 2014

DAVID THIÊN NGỌC * CỘNG SẢN VIỆT NAM



Còn con đường nào cho đảng CSVN thoát hiểm?
David Thiên Ngọc


Đảng CSVN bị nhân dân xa lánh, khi thóat hiểm chỉ còn một con đường duy nhất là biến về rừng xanh. Nhưng sự đời mỉa mai thay, rừng xanh đâu còn nữa? Cái huyệt mộ cuối cùng để dung thân cho đảng thì cũng bị chính những đảng viên CS ra tay hủy họai bằng mọi phương tiện, mọi hình thức rồi.


Về mặt sinh học, vật chất, kinh tế xã hội, tài nguyên quốc gia thì đảng CS đã điên cuồng ra tay tàn phá không thương tiếc, chỉ để đạt được một mục đích duy nhứt của kẻ tham lam, dốt nát là xà xẻo nguyên khí quốc gia để phục vụ cho bản thân.


Riêng về mặt phá họai rừng xanh, chính cái nấm mồ để đảng CS quay về (và cũng là nơi xuất phát) mà chúng vẫn không nhận thức được vì tầm nhìn thiển cận, tư duy thấp kém, khái niệm về nhân sinh quan hầu như bị mù lòa.


Sau hơn 30 năm tàn phá, nay hậu quả đã hiện rõ ngay trước mắt. Đầu tiên là sự phẫn nộ của thú rừng (đồng lọai với chúng), vì sự tàn phá thiên nhiên, thu hẹp môi trường sống mà suốt trong nhiều năm qua thú rừng hoang dã như voi, hổ, báo đã tiến về xuôi tấn công lòai người để trút cơn phẫn nộ vì đã bị "cưỡng chế đất đai", phá nhà (rừng) cướp tài sản ( gỗ và các nguồn lương thực, thực phẩm) của chúng. Nạn nhân hứng chịu sư trả thù này là nguời dân vốn thân thiện với thiên nhiên, thú vật muôn lòai...

Về mặt chính trị, sống còn của tổ quốc, dân tộc thì đảng CSVN đã đánh tráo khái niệm bạn - thù. Nơi đây không còn là tình bạn đơn thuần mà thuộc về quân xâm lược đội lốt bạn vàng 16 chữ. Thật nghiệt ngã thay chính ông bạn này là kẻ thù truyền kiếp vượt thời gian từ hàng ngàn năm trước và đảng CSVN bây giờ lại là kẻ bề tôi cúi đầu vâng dạ bẩm thưa, răm rắp tuân lời cho dù là giết hại nhân dân giống như lòai quỉ dữ không có trái tim và linh hồn.

Thật đáng hổ thẹn thay , cái "ngu trung" của đảng CSVN đối với quan thầy về dự án Bauxit Tây Nguyên, nhắm mắt cúi đầu thực hiện cho bằng được cái dự án mà kịch bản được đưa ra từ Trung Nam Hải mặc cho sự cản ngăn đầy tâm huyết của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà yêu nước và cả những đại công thần của chế độ CS như các ông Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh...v.v...


Các nhà khoa học, trí thức đã thấy rõ ràng hậu quả của dự án (chưa nói đến âm mưu của kẻ thâm thù) về mặt sinh học, đời sống, môi trường và nguy cơ bị hủy diệt của hàng triệu người dân ở vùng xuôi đang nằm dưới chân dự án và hệ lụy khôn lường cho nhiều thế hệ về sau mà ngay trước mắt vừa qua bùn đỏ đã tràn xuống đồng bằng báo hiệu cho biết tai họa sẽ ập về trong một ngày không xa.


Gần đây sự phản biện của các nhà trí thức, khoa học VN đối với dự án trên đã minh chứng hậu quả của chúng dần thấy đúng, qua đó cũng đã có sự trả giá bằng những năm tù đày khổ ái của nhà giáo Đinh Đăng Định trong việc phản kháng lại cái hiểm nguy tiềm tàng từ dự án đầy bức xúc và khó hiểu nói trên. Thế nhưng tập đòan CSVN vẫn một mực quyết tâm thực hiện như bầy thiêu thân đâm đầu vào chỗ chết vì đã nhận chiếu chỉ của thiên triều. Tệ hại hơn, bây giờ là các lò phản ứng hạt nhân Ninh Thuận chuẩn bị khởi công với quyết tâm của đảng (tin mới nhất cho biết Nguyễn Tấn Dũng đã tạm thời cho dời lại đại họa này). Chiếc thòng lọng mà tập đoàn CSVN treo trên đầu hàng triệu người dân miền Trung và cho cả nước từ từ siết lại một khi dự án bắt đầu. Đây cũng không ngoài âm mưu xâm lược của kẻ thù truyền kiếp.

Ngòai mưu đồ của quân bành trướng Bắc Kinh là thu vén tài nguyên quốc gia VN, còn thêm một âm mưu vô cùng nham hiểm trong giấc mộng xâm lăng là chiếm ngự mái nhà Tây Nguyên, phóng tầm nhìn bao quát, kiểm sóat cả vùng Đông Dương và xa hơn là Đông Hải và Đông Nam Á châu mà khởi đầu là đội ngũ công nhân binh lính trá hình và các chuyên viên kỹ thụât mà thực chất là các cấp lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự. Đây chính là đội quân thứ 5 hùng hậu và đầy hiểm ác sẽ phát huy tác dụng khi giờ “G” đã điểm.

Các vị đại công thần của chế độ CSVN tham gia ngăn cản các dự án trên, xét về mặt trình độ khoa học thì cũng cùng một bộ não bã đậu như đảng mà thôi, nhưng với tầm nhìn quân sự thì các vị tướng này đã thấy rõ vấn đề. Đa phần các vị này đều có trực tiếp nhúng tay vào cuộc chiến cưỡng chiếm miền nam VN do đó với ý thức của "Bên thắng cuộc" về mặt quân sự các ông đã thấy phần nào để có kết quả "đại thắng mùa xuân" mà xuất phát từ trận đánh Buôn Ma Thuộc, phát súng Tây Nguyên có phần nào tác dụng làm cho sụp đổ "Phủ đầu rồng", do đó các ông lên tiếng. Cũng thêm một ý nữa là sự lên tiếng ở đây là các ông ấy hoang mang lo sợ cho sự an nguy, sống còn của bản thân, gia đình con cháu các ông và bè nhóm chứ lo sự an nguy cho xã hội, cho tiền đồ dân tộc thì theo tôi là không đáng kể... Bởi nếu có những ý thức và tâm huyết trên thì tại sao từ xưa các ông không hề dám đưa lên một ý kiến hay một tiếng nói phản biện trong khi các ông đang tại vị trong hàng ngũ cao cấp của tập đoàn " toàn trị" mà CS thì luôn có hàng vạn điều sai và đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của người dân? Mà ngược lại, các ông còn thật trung thành với đảng, tiếp tay trừ khử các đ/c của mình có đầu óc cấp tiến và có lời phản biện chỉ trích, phê phán những sai lầm của đảng cho dù những vị này chưa phải là chống đảng, phản đảng để đứng về phía nhân dân như các ông Nguyễn Hộ, trung tướng Trần Độ, GS Hòang Minh Chính, nhà lý luận Lê Hồng Hà, UVBCT Trần Xuân Bách...v.v...

Đất nước VN chạy dài theo hướng Bắc Nam nhưng trọng yếu là hai mặt Đông, Tây. Tây, Trường Sơn hùng vĩ với mái nhà Tây Nguyên, là 'cõi đi về' của CSVN nay đã hòan tòan nằm trong vòng kiểm sóat của quan thầy đầy tham vọng với những căn cứ nhấp nhô đầy bí hiểm. Đông, lồng lộng biển khơi với hai tiền đồn Hòang Sa, Trường Sa cùng sân chơi vịnh Bắc Bộ, Biển Đông đã bị Hán tặc khống chế chiếm lĩnh bởi một công hàm đầy ô nhục và mật chiếu Thành Đô đen tối đê hèn cộng thêm chiếc lưỡi bò ngang tàng phách lối. Thế thì giờ phút cáo chung của tập đòan CSVN đành phải đối diện với cảnh:

Ngỏanh về tây điệp trùng gươm giáo giặc...
Hướng về đông Hán tặc vẫy đuôi hùm!

Biển đảo hay rừng xanh không còn là chốn dung thân cho đảng cộng sản nữa.

Những vấn đề nêu trên chỉ là mặt đi.a-chính trị, vật chất tài nguyên lẫn chiến lược lâu dài phục vụ cho cuộc nam chinh của đại Hán đã được bề tôi là đảng CSVN thực hiện một cách hòan chỉnh. Tuy nhiên trong chừng mực nào đó, tập đòan đảng CSVN cũng phần nào thấy rõ mình chỉ là một con mồi cho anh khổng lồ phuơng Bắc đang khát biển, đói đất và đang vẫy vùng vuơn vòi xúc tu của lòai bạch tuột lăm le liếm gọn đất biển trời nam.

Đứng trước sư diệt vong của chế độ, của tập đòan CSVN thật ra mà nói hai chữ CSCN hay XHCN chỉ là một lá bùa xảo trá, lớp áo ma mỵ phủ che bên ngòai để cho tập đòan độc tài quân phiệt núp bóng tiếp tục bóc lột vét vơ… và củng cố vị thế, bảo tòan thành quả, quyền lợi mà chúng cướp được của nhân dân VN trong gần 3/4 thế kỷ qua. Bây giờ thực sự tất cả đều treo trên đầu cây với sợi chỉ mành. Các yếu tố để bảo tòan chế độ trên có thể liệt như sau. Nơi đây tôi chỉ phác thảo những điều cơ bản nằm trong khuôn khổ của một bài viết.


1 - Quân sự:
Quân đội là lực lượng bảo vệ tổ quốc và nhân dân, riêng QĐND VN đã bị đảng CSVN phản bội và lừa bịp, mạo danh và thành lập (đẻ ra) rồi lợi dụng, xem thường sinh mạng, xương máu một cách trắng trợn và phũ phàng. Minh chứng là việc đục bỏ bia ghi danh tưởng niệm chiến sĩ QĐVN đánh thắng quân xâm lược TQ năm 1979 ở cầu Khánh Khê, Lạng Sơn, đục bỏ bia ở núi Dũng Quyết (Vinh-Nghệ An) ca ngợi công lao của Hòang Đế Quang Trung anh hùng áo vải đã đánh tan quân Tàu xâm lươ.c.


Rồi ngày 17/2/2013 hai đòan học giả, trí thức và các Bloggers nổi tiếng hai miền Nam Bắc đến dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh với TQ ở biên giới phía bắc cách đây 34 năm đã bị lực lượng công an cản trở vì băng rôn có ghi câu "Tưởng niệm các chiến sĩ chống Trung Quốc xâm lược". Rồi phớt lờ cho vào quên lãng công lao xương máu và sinh mạng của những chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Trường Sa trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Ngược lại hơn thế nữa ông Nguyễn phú Trọng chỉ là người đứng đầu của tập đoàn đảng CSVN lại đưa ra huấn thị bắt buộc Quân Đội phải tuyệt đối trung thành với đảng???.


Tất cả các hành vi trên là do các đảo Hòang Sa, Trường Sa mà CSVN - cụ thể là Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng - đã hai tay dâng cho quan thầy Bắc Kinh và đám còn lại là run sợ cúi mình trước uy lực của Hán triều; đã khiến cả tập đòan CSVN và tay sai ngang nhiên xóa bỏ lịch sử, xé đi một trang sử hào hùng của quân dân VN anh dũng trong bảo vệ non sông chỉ vì hèn hạ sợ động chạm đến uy danh của thiên triều mà bọn chúng khom lưng làm nô di.ch.


Bây giờ đảng CSVN xét thấy trái tim của chúng sẽ ngưng đập nếu quân đội đứng ngòai bức màn chính trị giả dối của chúng, che đậy âm mưu đen tối đê hèn ở bên trong, mà quân đội phải là của nhân dân vì thực chất mỗi chiến sĩ là con của chính người dân sinh ra và nuôi lớn thành người bằng cả mồ hôi, nước mắt và lắm khi cả máu xương. Vậy QĐVN chỉ có một cương lĩnh và lý tưởng duy nhứt là tuyệt đối trung thành, bảo vệ non sông tổ quốc do tiền nhân khổ công xây đắp dựng nên để lại và bảo vệ nhân dân chính là ông bà cha mẹ sinh ra mình. Vậy không vì một lý do nào, không một thế lực nào áp đặt và buộc QĐ phải trung thành với một tổ chức hay đảng phái nào khác cả!


Biết tử huyệt của mình là đây, do đó đảng CSVN bằng sự sống còn và tất cả những gì có thể làm đuợc để chống lại chủ trương phi chính trị hóa quân đội của nhân dân VN. Mất quân đội là mất tất cả. Tướng không quân như quần không đáy!


2 - Chính trị:


Như ai cũng biết học thuyết Mác-Lê đã chẳng những lỗi thời, sai lạc… mà còn là sự ghê tởm cần lánh xa và nhân lọai đã ném vào sọt rác từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Như tôi đã nói từ trên, hiện tại CSVN cùng ba nước CS còn lại trên thế giới chỉ mang danh nghĩa CS làm lớp áo giả dối che phủ bên ngòai để lừa mỵ nhân dân các nước nhằm bảo vệ quyền lợi mà chúng đã vét vơ trong mấy thập kỷ qua mà thôi. Thực chất bên trong lớp vỏ CS điếm xảo đó nó đã thành tư bản đỏ từ lâu. Điều này chính trong nội bộ đảng mà nhất là những đảng viên tép riêu kém thế lực hoặc đã về vườn hay bị thất sủng... đã thấy rõ và có phần ganh tỵ với bản chất ganh ăn của loài cầm thú đối với đồng môn và tự cho là đảng viên chân chính, CS chân chính. Giữa chánh và tà không bao giờ cùng chung giới tuyến, không lẫn lộn sắc màu. Nói rõ hơn các nước CS còn lại trên thế giới đã và đang bị tòan thể nhân dân và các chính phủ văn minh cô lập, lọai khỏi mọi cuộc chơi và thậm chí lột mặt nạ giả tạo ra để buộc chúng đi vào quỹ đạo, chấp nhận quy luật chung của thế giới là tôn trọng dân chủ và nhân quyền trước hết rồi mới đến những bước đi kế tiếp về hợp tác phát triển. Từ trước giờ qua nhiều lần đối thọai Mỹ -Việt về nhân quyền, nhất là lần thứ 17 trước đây và trở về sau cùng các cuộc điều trần của quốc hội Hoa Kỳ về nhân quyền đã cho ta thấy rõ cả thế giới từ những nhà họat động nhân quyền có uy tín đến các tổ chức và chính phủ văn minh đều tỏ ra thất vọng trước sự ngoan cố của nhà cầm quyền CSVN trong vi phạm nhân quyền và đã ngang nhiên tước đọat các quyền tự do căn bản của nguời dân VN, chà đạp lên nhân phẩm của người dân một cách tồi tệ. Mỉa mai thay! Bây giờ với chiếc ghế trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, CSVN ngồi múa may như một tên hề với trò đùa của thế giới mà chính bản thân mình không thấy được nổi nhục vì cái tầm quá ư thấp kém mà ngược lại oang oang sủa như loài 4 chân một cách vô thức. Thế giới đưa mình vào tròng để mình tự thấy những hành động đã và đang làm trái ngược với tôn chỉ mục đích của Hội Đồng NQ LHQ đã đề ra. Không biết đến giờ phút này hay đến bao giờ CSVN mới chịu mở mắt ra để nhìn vào tấm gương phản chiếu bộ mặt thật của mình???



Tình hình chính trị ở VN đang bước vào những giờ phút ảm đạm nhất của buổi tà dương qua các sự kiện mà người dân và các tổ chức chính trị, hội đòan tôn giáo, trí thức, sinh viên...và luồng sóng Dân Chủ-Nhân Quyền, đa nguyên đa đảng… đã cùng nhau tung ra những đòn chí tử về phía đảng CSVN đang hồi co giật trong cao trào sửa đổi hiến pháp hiện hành ; mà mục tiêu là xóa bỏ điều 4, phi chính trị hóa quân đội, tam quyền phân lập, tháo gỡ chính sách đất đai thuộc quyền tư hữu của người dân và mở rộng các quyền căn bản của con người...Toàn dân mà nhất là đội ngũ trí thức đã ngăn cản Quốc Hội trong kỳ họp thứ 6 khóa 13 thông qua bảng dự thảo sửa đổi HP năm 1992 mà đảng đã chỉ đạo vẽ nên hòng duy trì chế độ. Nhưng chúng vẫn ngoan cố giữ điều 4 và các điều cơ bản về quyền sở hữu đất đai và chế độ toàn trị. Đảng CSVN như một tên cuớp đang đi vào bước đường cùng, đến nỗi quờ quạng rối tung, xử sự không còn kiểm sóat được, trong ngòai bất nhất, thượng hạ bất minh, lược sơ trong thời gian trước đây như vụ ngăn chặn không cho hai nhà họat động dân chủ, bất đồng chính kiến là LS Nguyễn Văn Đài và BS Phạm Hồng Sơn đi gặp ngài Daniel Baer phó trợ lý ngọai truởng Hoa Kỳ sau cuộc đối thọai Mỹ-Việt lần thứ 17 một ngày, là một hành động hạ sách, hành động của kẻ thiếu trí hạ nhân, tự bôi mặt và tự vén áo cho nguời xem lưng! Không chối cãi và biện minh vào đâu được trước hành động vô pháp, vô đạo của mình. Rồi bắt giam vô cớ, xét xử bất minh đối với luật sư Lê quốc Quân là một hành động vô đạo gây phẩn nộ trong nhân dân cả nước và trên thế giới thời gian qua và hôm nay.


Tiếp theo là ngày 18/4/2013 cuộc đối thọai của liên hiệp châu Âu EU và nhà cầm quyền CS Hà Nội về nhân quyền đã diễn ra. Ủy ban bảo vệ nhà báo CPJ và trang Democracy Digest đã có bài viết kêu gọi EU nêu lên sự tồi tệ và vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà cầm quyền VN trong cuộc đối thọai nêu trên, trong đó có đọan: "Đã đến lúc Hoa Kỳ và Châu Âu lột mặt nạ của Hà Nội về các vi phạm quyền con ngườị"


Nghe đến đây tôi thấy thật ô nhục cho một tập đòan chính trị khi thế giới đều xem mình như một thứ gì xấu xa nhơ nhớp, kinh tởm như thùng nước thối mà CSVN đã tạt vào mọi người trước khi trốn chạy vào bóng đêm tội lỗi...


Với nền chính trị như thế, với vị trí thấp kém, bé lùn trên truờng quốc tế và duới ánh mắt rè khinh của cộng đồng thế giới thì tôi thiết tưởng đảng và nhà cầm quyền CSVN nên tự biến tan để còn hy vọng thanh thản cho thể xác lẫn tâm hồn, chứ cố mà điên cuồng giãy dụa để cho mọi người ném từng viên sỏi, nắm đất xuống huyệt mộ để chôn mình thì rõ ràng là tuyệt lộ, và cơ hội hồi sinh là không có. 3 - Kinh tế:



Nền chính trị định hướng cho kinh tế đó là quy luật bất biến, một quốc gia tiến lên cường thịnh, nhân dân hạnh phúc, ấm no là phụ thuộc vào sự định hướng của chính trị. Nói cách khác chính trị và kinh tế như đôi bàn chân của một người, phải luôn cùng về một hướng không thể khác hơn đươ.c. Trong hai bức tranh xã hội CS chủ nghĩa và Tư Bản chủ nghĩa không cần nói ra thì tòan cõi hành tinh này ai ai cũng rõ.


Riêng về VN - Một nền kinh tế què quặt mấy muơi năm qua cả hai miền nam bắc truớc sau đều chịu cảnh đói khổ lầm than. Chủ thuyết thì xóa bỏ giai cấp, nhưng thực tế hố ngăn cách giàu nghèo, giai tầng xã hội càng ngày càng cách biệt quá xa bởi lằn ranh giữa dân và đảng, nông thôn-thành thị quá rõ nét và quá lớn ta cứ thử nhìn vào hệ số GiNi-Coefficient của VN thì rõ. Nó có sẵn từ trong học thuyết, trong chủ trương do đó càng ngày xung đột ý thức hệ trong xã hội càng lớn thêm, nó manh mún, tự diễn biến từ trong nội bộ đảng và chính quyền đồng thời cái khối ung thư tham nhũng đã đến hồi vô phương cứu chữa. Chính cái độc đảng, độc tài, độc trị là bầu sữa nuôi dưỡng tham ô, tham nhũng tung hòanh và cuối cùng chính cái u xơ ác tính đó đã hủy họai lại cơ thể mà nó ký sinh lâu nay. Bao năm qua sóng gió dập duềnh, bão bùng lũ dữ đã cuốn phăng bao con thuyền kinh tế VN cũng bởi nguyên do chính trị và kinh tế đi ngược chiều. Đảng CSVN kiên định xây dựng nền kinh tế VN theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thật nực cười, không nói ra thì ai cũng hiểu đây là hai bàn chân đi ngược chiều nhau, kinh tế thị trường mà chính trị là XHCN, với hai bàn chân hai hướng đi như vậy mà không ngả đổ mới là điều quái lạ!
Hiện nay với thế bị bao vây, cộng thêm giới cầm quyền lãnh đạo kinh tế có tầm nhìn không qua khỏi bờ tre mà túi tham thì vô đáy, trí não thì thiểu năng khoa trương tự đại, vừa ngu si vô cảm dìm nền kinh tế đất nước đến độ chết lâm sàng mà ba hoa còn đòi lãnh giải Nobel! Chỉ có giải Nobel chia đôi cùng “Chú Cuội” hoặc “Thằng Bờm” thì đúng hơn. Mặt khác, tư duy cả tập đòan lãnh đạo khư khư với chiếc búa lưỡi liềm không thóat ra khỏi vòng cuơng tỏa với ánh hào quang của chòm sao Bắc Đẩu. Thà chấp nhận mất nước mà còn đảng, lúc đó ít ra cũng là một đảng ủy của Bắc triều là còn có cơ hội vinh thân phì gia, còn có cơ may cướp đoạt vét vơ cho dù cả lũ đều khóac "Thanh Y": Thanh lâu hai luợt, thanh y hai lần (Kiều - Nguyễn Du)


Chứ một khi đã mất đảng thì thôi rồi Lượm ơi, trước mắt là con đuờng địa đạo (cống) của Gađafi đang rộng mở.


Muốn thay đổi diện mạo đất nước, nhân dân hạnh phúc ấm no thì nền kinh tế VN phải dứt khóat với quyết tâm cao và đầy dũng khí cắt bỏ cái đuôi XHCN kia đi mà chỉ còn lại là nền kinh tế thị trường thực chất mà các nước bè bạn năm châu đang bừng lên trên đà tăng trưởng và tất nhiên thể chế chính trị cũng đồng chiều. Nói như thế thì chỉ có một con đường duy nhứt để khai sáng cho VN là con đường “Cách Mạng” mà thôi.


Tập đòan CSVN hiện giờ chúng như một tên cướp đang bị truy đuổi đến cùng như một con mãnh thú bị trúng thương đâm đầu ra mọi hướng hòng tìm kế thóat thân. Nhưng than ôi, mọi hậu quả đều xuất phát từ nguyên nhân ban đầu của nó. Mọi con đường thối lui về hậu cứ, phòng khi khốn đốn, hiểm nguy chính là rừng xanh như thời Trịnh Nguyễn phân tranh Nguyễn bỉnh Khiêm đã mách bảo cho Chúa Nguyễn rằng “Hoành Sơn nhất đái-Vạn đại dung thân” và kể cả cái hậu phương vững chắc là lòng dân mà trước kia nuôi dưỡng chúng tạo cho chúng có được cơ đồ thì giờ đây cũng chính chúng tự hủy diệt đi rồi.


Nhân dân là tổ ấm bền vững muôn đời của mọi nhà chính trị xưa nay tự cổ chí kim một khi gặp cơn họan nạn bể dâu. Thế nhưng CS lấy dân làm kẻ thù, là đối tượng để đè đầu, siết cổ thì mỉa mai thay giữa xã hội ngày nay làm gì có được phép màu? Chế độ CS phải chết thôi!
David Thiên Ngọc

MAI THANH TRUYẾT * THƯ GỬI BẠN



Thư Gửi Cho Bạn

TS Mai Thanh Truyết


Anh Lâm Vĩnh Bình thân mến,
Sáng nay, mồng 1 Tết, ngồi viết cho anh đây. Tối qua, trong đêm giao thừa, tôi đi một vòng các chùa ở Houston. Đi đâu cũng thấy bóng dáng của các Thầy, các Sư cô đến từ…phía Việt Nam? Không biết tình trạng nầy ở Montreal như thế nào? Và tương lai, Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại và trong nước sẽ biến thái như thế nào hở anh?
Thư anh viết, anh đưa ra bốn vấn đề, tôi xin giải bày suy nghĩ chủ quan của tôi, mong có thể giúp gì trong cuốn sách “Giá Tự Do”, một tài liệu về người Việt ở hải ngoại nầy chăng. Giống như anh, tôi là người Nam kỳ, nghĩ gì viết nấy người ơi. Nhưng dù sao đi nữa, những dòng chữ dưới đây là những suy nghĩ từ tận đáy lòng của một người con Việt, nghe anh!

Mong cuốn sách Giá Tự Do sớm được ra mắt để xóa tan những “dựng đứng” về người Việt hải ngoại do hai nhân vật từ trong nước là Nguyễn Huệ Chi và Hoàng Ngọc Hiến viết lại căn cước của người việt tị nạn trên thế giới năm 2002 qua chương trình “Reconstructing Identity and Place in the Vietnamese Diasposa” (Tái Xây dựng Diện mạo và Quê hương Người Việt ở Nước ngoài) do Trung tâm William Joiner (WJC) bảo trợ.
Tôi xin lần lượt nêu ra và góp ý từng câu hỏi một của anh.
Câu hỏi thứ nhứt: Nói về hội nhập của giới trẻ, người ta thường nói “mất gốc”. Theo anh từ ngữ nầy hàm ý gì?

Xin trả lời: Cho tôi tạm chia làm hai loại giới trẻ. Ở lứa tuổi từ 15 trở lên, ngay sau 30/4/1975, có thể tạm gọi là thế hệ 1,5. Còn lứa tuổi dưới đó hoặc sinh sau 75, tạm gọi là thế hệ 2.
Sở dĩ phân hai loại để chúng ta nhận diện toàn cảnh tương đối hơn.
Ở thế hệ 1,5, các em đã học tiểu học và trung học đệ nhứt cấp ở miền Nam và sống trong căn bản gia đình theo cung cách Việt Nam. Do đó. dù muốn dù không các em cũng hấp thụ được phần nào văn hóa, phong tục, và giáo dục Việt Nam. Ra hải ngoại, đặc biệt là Hoa Kỳ, các bậc phụ huynh đang lần hồi hội nhập vào xã hội mới một cách khó khăn vì nhiều nguyên do, mà chánh yếu là do hội chứng “sau chiến tranh”.
Còn các em ít bị hội chứng nầy, nhưng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng vì sống chung trong gia đình. Nhưng các em may mắn hơn, thứ nhứt vì còn trẻ, thứ hai còn đi học tiếp tục bậc trung học và đại học, tôi nhìn về khía cạnh đa số các em tiếp tục đi học. Từ đó, các em hấp thụ một nền văn hóa mở hơn của cha ông. Và suy nghĩ của các em có nhiều khác biệt so với các bậc phụ huynh.
Từ đó, các em dù muốn dù không cũng phải đối đầu và vẫn còn chịu ảnh hưởng do hai luồng “hội nhập” khác biệt, một của phụ huynh, và một của xã hội các em tiếp cận qua giáo dục và sống trong xã hội mới.
Chính vị vậy các em luôn luôn bị khó xử vì hai nguồn hội nhập có quá nhiểu điểm bất tương đồng, đôi khi “đối kháng” nhau. Vì vậy, tôi thấy việc hội nhập của em của thế hệ 1,5 nầy tuy có nhiều khó khăn so với thế hệ thứ hai, nhưng cuộc sống của các em tương đối ổn định hơn.
Ở thế hệ 2, các em hội nhập vào xã hội nhanh hơn, vì các em bắt đầu từ tiểu học ở Hoa Kỳ hay sinh đẻ tại đây. Lợi điểm về sinh ngữ Anh, lợi điểm về thông hiểu thêm về văn hóa xã hội HK trong việc học, giúp các em hòa nhập vào xã hội dòng chánh dễ dàng hơn. Đa số các em “dường như” nghĩ rằng không có biên giới màu da, không có biên giới chủng tộc ở đây. Các em tự cho mình là …người Mỹ!
Chính vì có suy nghĩ đó, cho nên khi về nhà, các em có xung đột với gia đình, với những bậc phụ huynh hay các anh chị lớn. Đôi khi, chính vì sự hội nhập “một chiều” (không hấp thụ văn hóa Việt Nam trong gia đình) cho nên nhiều sự đáng tiếc xảy ra cho thế hệ nầy trong gia đình, nhứt là vì ngôn ngữ bất đồng.

Đó là những nhận xét qua quan sát bên ngoài và trường hợp cá nhân của tôi. Khi tới Mỹ, tôi có 4 đứa tuổi từ 12, 8, 5 ½, và 2 ½. Có thể xếp vào loại “thế hệ 2”. Nhưng tôi thấy sự hội nhập của mấy đứa con dường như đi chiều ngược; nghĩa là hai đứa sau, hoàn toàn không đi học ở VN, và chỉ biết nói tiếng Việt rất tệ lúc mới đến Mỹ, vì, sau khi sống một thời gian ở Mỹ, hai đứa sau nói tiếng Việt rành rọt, hơn anh và chị đã từng học tiểu học ở Việt Nam, nhưng nói kém hơn hai đứa em. Và nếu nói về hội nhập vào xã hội Mỹ, tôi thấy hai đứa lớn hầu như hoàn toàn hội nhập và cư xử trong nghề nghiệp hay thậm chí trong gia đình, chúng nó có cung cách của người bản xứ. Còn hai đứa sau, còn thể hiện nhiều nét Việt Nam hơn. Tôi cũng không hiểu tại sao có sự nghịch lý nầy? Từ trường hợp đặc thù trên, có thể cá tính và tánh khí của đứa trẻ có thể làm thay đổi cung cách hội nhập hay chăng?
Cho nên khi anh hỏi: “tôi nghĩ về từ ngữ “hội nhập” như thế nào? Có hàm ý gì?”

Câu trả lời của tôi là:
• Tùy khả năng hội nhập của từng đứa, nhanh hay chậm, và tùy “tánh khí” mỗi đứa, và không có sự khác biệt về thế hệ ở mục nầy;
• Tùy nguồn gốc gia đình của các em. Một gia đình có phụ huynh làm lao động hay nông dân, hoặc đánh cá… chắc chắn, khi các em hội nhập vào xã hội, nhiều phần đi theo hướng khác, không đặt trọng tâm giáo dục làm căn bản cho việc tiến thân của con cái;
• Việc hội nhập của các em có thể tùy theo mức độ của “hội chứng chiến tranh” của cha mẹ. Nếu phụ huynh buông xuôi, chắc con cái sẽ hội nhập theo một cách khác, tôi muốn nói cung cách hội nhập “đường phố”;
• Một yếu tố đáng suy gẫm nữa là sự hiểu biết về nguồn gốc lịch sử dân tộc, nước non Việt Nam (địa lý). Trong gia đình, nếu phụ huynh giải thích cho con cái lý do tại sao các em có mặt ở Hoa Kỳ, nguồn cội cách xa của các em qua lịch sử hào hùng của ông cha, của tổ tiên v.v…các em trong trường hợp nầy dể đi vào dòng chính lưu mà không bị mặc cảm một dân tộc da màu hay thiểu số.
• Yếu tố môi trường sống thiết nghĩ cũng dự phần không nhỏ trong “việc hội nhập của các em. Đó là, chỗ ở của gia đình, nghề nghiệp của cha mẹ, cũng như tình trạng tài chánh của gia đình, hoặc tình trạng hôn phối của các bậc cha mẹ v.v…
Tóm lại, tôi nghĩ hội nhập trong trường hợp của con cái tị nạn cũng như đa số người Việt gồm hai phần, trong giai đoạn đầu và trong giai đoạn thành đạt và có gia đình. Đó là giai đoạn “adaptation” và “assimilation”, xin tạm dịch là giai đoạn “thích ứng” và “đồng hóa” (hay “xem giống như!”).
Nếu các em rút ngắn được giai đoạn đầu mau hơn thì các em dễ dàng sống trong giai đoạn thứ hai, nghĩa là “hội nhập” đúng nghĩa.
Nhưng, theo một nghiên cứu của người Nhật, các em Nhật tự nhận là người Mỹ trong giai đọan đầu, Mọi việc tiếp tục được “hội nhập” như thế cho đến thế hệ thứ ba. Và từ đó, cháu của các em Nhựt Bổn ngày hôm nay, sẽ bắt đầu tìm hiểu về cội nguồn của mình, và sự hội nhập trong/vào xã hội Hoa Kỳ sẽ biến thành một phong trào …trở về nguồn.
Chưa biết con cháu mình sẽ biến thái như thế nào? Trong 30 năm nữa? Hay 60 năm? (nếu cho một thế hệ kéo dài 30 năm).
Câu hỏi thứ hai: Người Việt các thế hệ sau chọn ngành học như thế nào?
Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi xin trích những lời tôi nói với các con tôi trong một bài viết cũ, để anh thấy quan điểm của tôi về việc “giáo dục” con cái và ảnh hưởng lên việc chọn ngành của thế hệ 2 như thế nào. Tôi có 4 đứa con.Tôi hoàn toàn không “dạy dỗ” con cái về chữ nghĩa cũng như không “áp đặt” con cái trong việc chọn ngành học…
“Nói với các con tôi: Ở tuổi nầy, Ba muốn viết một vài lời đầu tiên về các con, hy vọng các con có điều kiện đọc. Ba có 4 đứa con. Hai đứa đầu là do ước nguyện có được đứa con trai và một đứa con gái. Trời Phật đã hoàn thành ước nguyện của Ba. Hai đứa sau, Ba thật thà xin lỗi, sinh ra các con trong điều kiện tối tăm của đất nước và không nằm trong ước muốn của Ba.
Tất cả 4 đứa đều được sinh ra trong tình trạng tốt, không bịnh tật bẩm sinh, có trí não bình thường và hiện đang có đời sống gia đình và chuyên môn ổn định trên đất tạm dung nầy. Tất cả đều do phước đức của ông bà, cha mẹ dành cho Ba và các con. Các con cần nên nhớ lấy. Các con có được ngày hôm nay là nhờ ơn phước ông bà tổ tiên là chính, và sự cố gắng của các con chỉ là phụ. Các con đừng tự mãn và xem thường hay khi dễ nhưng bạn bè trang lứa không làm được như mình. Đức khiêm cung luôn luôn và bao giờ cũng là một đức tánh của một người có giáo dục. Ba dặn các con như thế đó!
Trong tất cả 4 đứa, Ba chưa hề dạy bảo các con, chưa hề đánh đập các con cho dù là một cái tát nhẹ, cũng như Ba chưa bao giờ kèm cho các con một bài toán hay một câu văn. Có chăng là Ba chỉ dạy Trường, đứa con đầu đàn của Ba là “mỗi lần đi học về phải để giày cho ngay ngắn, chiếc mặt để bên tay mặt và chiếc trái, bên tay trái”. Chỉ có vậy thôi.
Nếu nói đến việc dạy dỗ các con, Ba có thể nói rằng Ba dạy các con bằng chính con người của Ba, bằng chính sự bất toàn của Ba, bằng chính sự đúng và không đúng mà Ba đã làm suốt trong thời gian sống chung với nhau và các con đã thấy.
Về kỷ niệm, Ba có rất nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ với các con, nhưng Ba chỉ nêu ra đây, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mỗi đứa một hình ảnh đáng ghi nhớ.
• Đối với Trường, khi nhà mình còn ở Sacramento và Trường học lớp 8. Trong thời điểm thập niên 80, cuộc thi SAT có dành cho lớp tuổi nầy. Ba đã cho con đi thi về Toán. Con được điểm cao so với tuổi và được học bổng cho lớp học hè ở UC Berkeley. Nhưng vì lúc đó, Ba mới qua Mỹ, nhà còn nghèo và không có nhiều bạn bè quen, cho nên không thể gửi con đi học được. Kỷ niệm nầy Ba còn nhớ mãi.
• Với Thảo, một kỷ niệm khác ở Fresno, nói lên phản ứng và tánh khí của một đứa con gái “cứng rắn và độc lập”. Số là khi Ba chỉ vẽ cho anh và em của con cách thay nhớt xe. Ba bị Thảo hỏi một cách giận dữ:”Tại sao Ba không chỉ cho Thảo?” – Ba trả lời:“Vì con là con gái quá yếu không thể mở con ốc dưới lườn xe được”. Sau cách giải thích đó của Ba, con mới dịu giọng và chấp nhận. (Thảo lúc đó mới 16 tuổi và chỉ cao 1,45 m mà thôi).
• Về Thiện, con giống Ba nhiều nhứt. Ra đường dù không giới thiệu ai cũng biết đó là con Ba. Trong nhà, con là đứa con chậm chạp nhứt nhà, nhưng lại là đứa con “homme à tout faire”. Con làm bất cứ việc gì trong nhà, từ trồng cây, sửa điện, gắn sprinkler, sửa xe, thậm chí lót sàn nhà nữa. Con làm quá nhiều việc, và mỗi khi cần là “sai” con ngay cả khi con không còn ở chung. Một kỷ niệm Ba không quên khi Ba còn ở San Diego và con học ở UC Davis. Ba đang viết bài trên computer, bỗng nhiên bài vở chữ nghĩa biến mất mà Ba không biết cách “retrieve” lại. Ba bèn kêu con, nhưng vì Ba không thể hiểu những lời giải thích cho nên, cuối cùng con phải chạy một đoạn đường dài 450 dặm về nhà để sửa và lấy bài viết ra cho Ba. Và làm sao Ba quên được những con tôm hùm con mang về cho Ba mỗi lần con dẫn sinh viên đi lặn để làm survey dưới đáy biển ở San Diego. Tên con do Bà Nội đặt đó.
• Còn đứa Út của Ba, Triều. Năm 1997, con ra trường trung học được “valedictorian”. Ngay sau ngày dự lễ ra trường của con, Bà liền viết một bức thư niêm phong, đại ý nói là vào tháng 6 năm 2007, Ba tin “chắc” con sẽ có Ph. D. về khoa học. Và đúng tháng 6 năm 2007, Ba đã trao lá thư trên cho con tại buổi lể tốt nghiệp tại UC Santa Cruz.
Ba hãnh diện về mấy đứa con của Ba.
Các con thương yêu,
Những dị biệt về tánh khí, về suy nghĩ, về cung cách ứng xử với tha nhân và với đời, những bất đồng trong giao tiếp giữa Ba và Con, tất cả chỉ là hình tướng, không thể nào xóa được nguồn huyết thống đang luân lưu trong máu huyết, cũng như không thể nào bào mòn hay cắt đứt sợi dây tình cốt nhục của Ba và các con.
Các con đã trưởng thành, đã có gia đình riêng, và mỗi gia đình các con là một thành tố của xã hội. Sự thành đạt của các con ngày hôm nay chính là nhờ xã hội; vì vậy, trả nợ xã hội đã cưu mang các con là một bổn phận, một trách nhiệm các con cần phải thi hành.
Một mai, khi Đất Nước qua cơn hồng thủy, và để đền ơn Tổ tiên đã dày công dựng nước và giữ nước, các con có điều kiện thuận lợi hơn Ba trong quá khứ, các con cứ “sống lương thiện và cố gắng mang lại phúc lợi cho xã hội tùy theo khả năng của mình.”
Ba chỉ mong cho các con sống cho ra sống, sống với cái TÂM và cái TẦM. Tâm là một Tâm lành trong việc góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội đã cưu mang cá nhân và gia đình mình. Tầm là viễn kiến về một tương lai an bình cho dân tộc Việt trong tinh thần của một con dân trọng nước thương nòi.
Như vậy là các con đã làm Ba hãnh diện vì đã có những đứa con đúng là con cái của Việt tộc”.

Thưa anh, theo tôi, các em thuộc hai thế hệ 1,5 và 2 chọn ngành học tùy theo từng hoàn cảnh.
Khi mới định cư vào Hoa Kỳ, các em ở thế hệ 1,5 chọn nghề:
• Vì mới được định cư, các em, nhứt là con đầu thường hay chọn nghề Kỹ sư để ra đi làm hầu mong làm dịu bớt gánh nặng cho cha mẹ. Lý do là sau đó, các em lại tiếp tục đôn lên đại học.
• Nếu có góp ý hay hướng dẫn của cha mẹ, các em ở thế hệ nầy “thường hay” nghe theo để chọn một nghề theo quan niệm bảo thủ của phụ huynh như kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ v.v… vì các nghể nầy bảo đảm đời sống gia đình trong tương lai.
Còn các em ở thế hệ 2 thì sao?
Thiết nghĩ, các em nầy, vì tiếp cận nhiều với bạn bè trong trường cho nên có suy nghĩ phóng khoáng hơn, chọn ngành học theo sở thích (vì nghĩ rằng mình thích và có khả năng học được). Do đó, thường hay chống đối lại những lời khuyên của phụ huynh, nhứt là khi các em chọn ngành học về nhân văn.
Tình trạng nầy dần dần ít xảy ra hơn theo thời gian vì: 1- Các em nhận thức rõ khả năng và năng khiếu của mình, cho nên việc chọn ngành học tương đối thích hợp hơn; 2- Các bậc phụ huynh cũng bớt đi tánh “bảo thủ” và “áp đặt” đối với con cái vì nhận thấy xã hội đang sống có nhiều thay đổi và khác hơn xã hội Việt Nam trước đây. Do đó, quan niệm cũng “khai phóng” hơn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ làm cho cuộc sống của các em thăng hoa hơn hay đi tới kết cuộc bi thảm cần nêu ra đây để những bậc phụ huynh tương lai rút kinh nghiệm và các em ở thế hệ sau rút tỉa vài bài học sau đây qua các câu chuyện thật làm “case study”:
• Có em ở thế hệ 1.5 cố gắng đi học một nghề vững chắc như Kỹ sư rồi ra đi làm việc. Vài năm sau, tự thấy nghề nầy không thích hợp, tự động trở về trường học lại nghề y. Và em nầy trở thành một bác sĩ tim giỏi và yêu nghề.
• Một trường hợp có kết luận bi thảm là, các em chìu theo ý cha mẹ để học theo ngành nghề cha mẹ muốn như y khoa chẳng hạn. Em cố gắng học cho đến năm cuối cùng. Nhưng rốt cuộc vì một cơn khủng hoảng nào đó, em bỏ học, và xung đột với mẹ. Cuối cùng, em bóp cổ mẹ và chịu chung thân trong nhà tù.
• Thêm một trường hợp khác là em chìu theo cha mẹ. Nhưng khi hoàn tất ngành nghề cha mẹ muốn. Em đem bằng cấp về cho ba má. Rồi từ đó bỏ đi, học một nghề khác mà mình thích.
Qua các trường hợp đã xảy ra kể trên, chúng ta kết luận được gì?
Việc chọn ngành học của con cái có cần phải có sự đóng góp của bậc sinh thành hay không? Hay để con cái tự chọn lựa?
Câu trả lời là Có và Không.
Có là vì bậc cha mẹ (có một trình độ văn hóa và giáo dục căn bản) vẫn là một cố vấn tốt cho con em, qua kinh nghiệm trường đời, và nhứt là hiểu được tánh nết và sở thích cùng năng khiếu của con mình (qua nhận xét trong thời gian dạy dỗ của bậc phụ huynh). Sự chọn lựa ngành học của con cần phải được cha mẹ góp ý. Sự góp ý nầy rất cần thiết khi phụ huynh có căn bản và trình độ giáo dục cao, hiểu được hệ thống giáo dục nơi đinh cư. Đây là một kịch bản tối ưu cho con em khi bước vào đại học.
Còn Không là khi cha mẹ không đủ khả năng để có ý kiến về việc học của con mình; tốt hơn hết là khuyên con rất cẩn thận trong việc lựa chọn. Sự đóng góp của cha mẹ trong trường hợp nầy chỉ là phụ, ngoài việc khuyến khích con cái tham khảo kỹ lưỡng từng ngành học cũng như nhắc nhở con cân nhắc chọn lựa ngành học qua khả năng nội tại của mình hơn là ngành học theo ý thích của con em, hay tệ hơn nữa là bắt con em chọn ngành theo ý của cha mẹ.
Tóm lại, sự lựa chọn ngành học của thế hệ 1,5 thường nghiêng về khoa học thực nghiệm hơn, và thế hệ 2 nghiêng về khoa học nhân văn hay xã hội nhiều hơn…vì gánh nặng kinh tế gia đình của thế hệ sau có phần vơi đi vì nền tài chánh gia đỉnh có phần ổn định hơn.
Sự chọn lựa ngành học trong tương lai sẽ không còn đặt tiêu chuẩn “tiền lương kiếm được”, và tiêu chuẩn MỚI sẽ là một nghề thích hợp với khả năng, một nghề mình yêu thích, và cũng là một nghề đem lại ít nhiều đóng góp cho tha nhân. Nghề đó có thể là một nhà tâm lý, nhà văn, nhà thơ, một nhà hài kịch, một nhà địa lý, viết sử, một nhạc công, một nhà thiện nguyện…
Hy vọng trong tương lai, các thế hệ 3,4 sẽ không còn tập trung vào các nghề y, nha, dược, luật…đang bị “ối đọng” trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, và cũng gây không ít tai tiếng không đẹp đối với xã hội chúng ta đang còm tạm dung.
Câu hỏi thứ ba: Anh có về giúp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam?
Nếu không tại sao?





Thưa anh,
Đây là một câu hỏi tôi thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta, nếu còn một chút nhứt điểm lương tâm cũng đều ray rứt với suy nghĩ nầy. Là một người con Việt, lại thêm có một ít vốn liếng khoa học kỹ thuật, trong hơn 20 năm qua, tôi thao thức rất nhiều về chuyện đóng góp cho Đất và Nước trong giai đoạn hiện tại (dưới sự quản lý của CS Bắc Việt). Những thao thức đó, xin được đan cử cùng anh dưới đây:
• Năm 1997, chúng tôi dưới danh nghĩa Forum Mekong đã làm một Hội thảo về “Sông Mekong: Mối nguy cơ trong việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn” quy tụ các nhà nghiên cứu Cambodia, Việt Nam, và Hoa Kỳ (Vietnam Forum Network-VFN). Một Bạch thư đúc kết sau đó đã được gửi đi đến hơn 40 quốc gia và Cơ quan quốc tế có liên quan đến dòng sông Mekong.
• Năm 2001, sau khi nhờ thân nhân, bạn bè hoặc người quen lấy mẩu nước và đất từ Bắc chí Nam trong vòng 2 năm, rồi sau đó, phân tích tại Hoa Kỳ. Kết quả đã được đúc kết sơ khởi và công bố trên tờ nhựt báo Orange County Register (Cali), được đăng trên trang A1 và nguyên trang A3 với kết luận như sau:”nguồn nước sông ngòi và nước ngầm ở một số vùng ở miền Bắc, và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu bị ô nhiễm arsenic (thạch tín) với hàm lượng >/< 10 ug/L” (hàm lượng cho phép sự hiện diện của arsenic trong nước uống là 10ug/L). Sau đó, cá nhân tôi bị đánh phá với kết luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam thời bấy giờ là Phan Thúy Thanh rằng:”Tôi vô cảm với 300.000 nông dân ĐBSCL”. Thực tế, vào năm 2005, qua sự nghiên cứu của một khoa học gia Thụy Sĩ, Thủ tướng CS Phan Văn Khải tuyên bố tình trạng ô nhiễm arsenic đến mức báo động và nhiều vùng ở phía Nam Hà Nội hiện tại (2013) đang bị chứng arsenicosis, giai đoạn đầu của việc nhiễm độc trước khi trở thành ung thư sau đó…
• Năm 2004, qua kinh nghiệm gần 20 năm trong việc thanh lọc phế thải rắn và lỏng, đặc biệt là nước rỉ (leachate) từ các bãi rác tại Hoa Kỳ, tôi đã cung cấp cho Khu chế xuất Tân Thuận (Sài Gòn), khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, một quy trình thanh lọc nước thải lỏng “trung tâm” có khả năng giải quyết 250.000 lít nước thải/ngày, để tập trung giải quyết nguồn phế thải lỏng của hơn một chục nhà máy hóa chất tại nơi đây. Nhưng cho đến nay, nước thải từ các nhà máy trên vẫn được…tự do đi thẳng vào sông rạch hoặc thấm vào dòng nước ngầm.
• Tôi đã nhiều năm trực tiếp theo dõi và tranh biện với các khoa học gia “bè bạn” với CS Viêt Nam trên thế giới trong vụ kiện Chất độc Da Cam bằng trao đổi qua email hay điện thoại trực tiếp, hoặc trên Đài Á châu Tự do (RFA), cùng trên 30 lần phát biểu hàng tuần về vấn đề chất Da Cam/Dioxin torng chiến dịch Ranch Hand của quân đội Hoa Kỳ trong thời gian 1961-1971 trong Chương trình Khoa học-Môi trường trên Đài RFA. Những phản biện trực tiếp sau đó với BS Nguyễn Thiện Nhân trong lần BS trình làng các nạn nhân chất độc Da cam ở San Francisco. Kết luận của chúng tôi dưới danh nghĩa Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vietnamese American Science & Technology Society-VAST) là:”Nạn nhân của những chứng bịnh dị hình dị dạng (mà CS Bắc Việt kết án là do chất Da Cam) là do việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật quá tải trong việc phát triển nông nghiệp và hóa chất không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường.” Luật sự đại diện cho 37 Cty hóa chất Hoa Kỳ bị kiện trong vụ kiện của Hội Nạn nhân Chất độc Da Cam Việt Nam tại Brooklyn, New York, và hai chuyên viên về độc tố đã phỏng vấn tôi tại nhà trong hơn 4 tiếng hồ, cũng như mang về nhiều tài liệu do VAST cung cấp để phản biện lạ phía nguyên đơn là việt Nam. Cuối cùng tòa án bác đơn kiện vào ngày 10/3/2005 và sau đó Tối Cao Pháp Viện ra lệnh hủy bỏ hoàn toàn vụ án năm 2009, chấm dứt chiến dịch tuyên truyền của CS Bắc vIệt. Và cuốn sách “Câu chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam” đã được xuất bản năm 2008.

• Câu chuyện dự án khai thác bauxite ở cao nguyên Trung phần bắt đầu từ năm 2008, tôi đã mở cuộc họp báo đầu tiên ở Orange county (California) ngay sau đó, cũng như đi vận động nhiều nơi ở Hoa Kỳ, Pháp, và Canada. Cuốc sách “Từ Bauxite đến Uranium: Tiến trình Hán hóa của Trung Cộng” do TS Phan Văn Song, GS Trần Minh Xuân, và người viết do Gia đình Nguyễn Ngọc Huy xuất bản năm 2010. Sách đã được tái bản năm 2013. Cho đến nay, chưa có một phản biện nào về phía Việt Nam cả. Năm 2012, Hội VAST đã mở Hội thảo nói về hiễm họa môi trường do việc khai thác Bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ. Sau đó, một hồ sơ Bauxite Việt Nam do VAST soạn thảo được gửi đi đến các cty liên quan đến việc khai thác như Alcoa (Hoa Kỳ), Rio Tinto (Anh và Úc), cùng Chương trình Môi trường LHQ (UNEP). Tháng 8/2011, người viết mở cuộc họp báo với Hiệp hội Ký giả tư Hoa Kỳ tại San Francisco báo động cho truyền thông bản xứ về nguy cơ bùn đỏ ở Việt Nam.
• Năm 2012, cuốn “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam” ra đời và đã được tái bản năm 2013, trong đó nói lên tất cả hiện trạng môi trường đang xảy ra ở Việt Nam và nhưng gợi ý giải quyết vấn đề, từ nước mặt cho đến nước ngầm, từ đất cho đến không khí, từ việc giải quyết các nguồn phế thải rắn và lỏng cho đến vấn đề thực phẩm bị nhiễm hóa chất v.v…
• Từ năm 2009, tập sách “Thư Cho Con Tập 17” nói về những hiện trạng chánh trị, kinh tế, và môi trường đang xảy ra ở Việt Nam do GS Trần Minh Xuân và người viết, mỗi năm ấn hành 2 Tập, trong đó mỗi tập chứa khoảng trên dưới 600 trang. Cho đến nay, Tập Thư Cho Con thứ 22 đang sửa soạn xuất bản vào tháng 3/2014.

• Và hiện tại, người viết đang hoàn tất 2 tập sách “Việt Nam Tương Lai: Những Việc Cần Phải Làm” Tập I và II, mỗi tập dày khoảng 400 trang sẽ ra mắt độc giả vào khoảng tháng 8 năm nay. Sách do Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam ấn hành, trong đó đặt trọng tâm vào ba chủ đề cho việc phát triển Việt Nam tương lai, một mai nước nhà có tự do, dân chủ, và nhân quyền. Ba chủ đề trên là do sự đúc kết trên 23 năm hoạt động của VAST, trong đó vấn đề y tế công cộng, giáo dục, môi trường, và sự phát triển ứng hợp với chiều hường toàn cầu hóa và việc bảo vệ môi trường được đào sâu và nêu lên hướng giải quyết cụ thể từng vấn nạn một.
Như vậy, thưa anh, có phải là tôi đã và đang đóng góp cho Việt Nam hay đúng hơn cho người dân sống trong nước không anh? Sự đóng góp nầy không cần phải có mặt ở Việt Nam. Và những việc làm của tôi trong hơn 20 năm qua đã bị một số người Việt ở hải ngoại cho là “vẽ đường cho hươu chạy!”
Hy vọng anh thỏa mãn những lời biện bạch của tôi trong câu hỏi nầy.
Câu hỏi thứ tư: Thống kê cho thấy người Việt Nam có nhiều cái “nhứt”: học vấn kém nhứt, lương bổng thấp nhứt, thất nghiệp nhiều nhứt, hưởng trợ cấp xã hội nhiều nhứt, ngưới sống dưới ngưỡng cửa nghèo đông nhứt, nhưng gởi tiền về Việt Nam nhiều nhứt? Làm sao giải thích và giải quyết những cái nhứt nầy?


So sánh tỉ lệ trình độ học vấn của người Việt: 25 - 64 tuổi
Trung học + Cử nhân +

Mỹ (tổng quát) 85.6 28.2
Việt Nam 70 .3 25.8
Ấn độ 90.8 70
Phi luật Tân 92.2 47
Trung Quốc 82 51.1
Hàn Quốc 92.3 52.6
Nhật 95.2 46.1


Những cái nhứt của người Mỹ gốc Việt

VN TQ Ấn Phi Nhật Hàn
Số năm học 11.8 13.9 15.5 14.1 14.4 14.5
Lợi tức gđ (000) 52 65 89 77 65 50
% thất nghiệp 10.6 7.9 8.1 8.2 4.7 8.4
% dưới mứcnghèo 15.5 13.7 8.6 6 7.8 15.6
%nhận trơ cấp công* 14 7.1 3.8 3.7 2.3 5.9
% gởi tiền về VN 70 30 49 67 16 21

* Gồm: Cash public assistance income+ Food stamps
Nguồn: US Census 2010- American Fact Finder
Sperate and Equal / John Logan, Table 2.

Nhìn Bảng thống kê “Những cái nhứt của người Mỹ gốc Việt” trên đây, tôi thấy cần phải xét lại giá trị của những con số thống kê vô tình nầy. Vô tình là vì những con số nói trên thể hiện rõ tình trạng của từng cộng đồng thiểu số đang sống tại Hoa Kỳ. Trong 5 quốc gia đan cử như Ấn, Phi, Nhật, Hàn và Trung Cộng để so sánh với Việt Nam, họ là những người di dân chính thức ngoại trừ một đại thiểu số người Trung Hoa là tị nạn chính trị mà thôi.

Trong lúc đó, tuyệt đại đa số cộng đồng người Việt đến dưới danh nghĩa tị nạn chánh trị như di tản năm 1975, vượt biển, vượt biên những năm sau đó (gồm nhiều thành phần trong nhiều giai tầng xã hội khác nhau như thợ thuyền nông dân, đánh cá v.v…), hoặc đến Mỹ qua chương trình H.O. sau một thời gian dài bị khổ sai trong những trại “học tập”. Một thiểu số đến Mỹ qua chương trình Đoàn tụ gia đình (ODP). Những năm gần đây, còn có một thiểu số khác đến Mỹ vì lý do học tập (rồi ở lại luôn), hay kinh tế (liên quan đến gia đình hay cán bộ cộng sản). Theo thống kê năm 2010, số người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ là khoảng 1.780.000 người sống tập trung nhiều nhứt ở California, Texas, Virginia, và rải rác ở khắp nơi trên đất Mỹ.

Nhìn vào thành phần phức tạp của cộng đồng Mỹ gốc Việt, chúng ta nhận thấy “mẩu” thống kê nơi đây không đồng nhứt so với 5 cộng đồng thiểu số được so sánh. Đa số người Việt nơi đây, không ít thì nhiều chịu đựng “hội chứng” và “hậu chấn” của cuộc chiến do cộng sản Bắc VIệt gây ra, cùng nhiều năm chịu đựng sự hành hạ, lao động khổ sai trong điều kiện đói, lạnh, và sự tra tấn dã man của cộng sản trong các trại gọi là “học tập”.

Thưa anh,

Chính vì vậy, tôi thấy cần phải nhìn lại những cái “nhứt” mĩa mai trên. Và người Mỹ gốc Việt đáng được “giảm khinh” trong việc phê phán.

Tôi xin trả lời và phân tích chủ quan về 5 cái “nhứt” của người Việt lưu vong tại Hoa Kỳ:

• Trình độ học vấn: Với thành phần cộng đồng như kể trên, người Việt có trình độ học vấn gần hết lớp 12 của bậc trung học là đã có nhiều cố gắng lắm rồi. Hình dung một người cha phải chịu hàng chục năm trong chốn lao tù, mẹ và một lũ con không được đến trường và sống lây lất trong nhà tù lớn ở Việt Nam. Khi qua Mỹ, những người nầy có còn khả năng nào để làm việc và đóng góp gì nữa cho xã hội Hoa Kỳ? Thế mà, đa số vẫn ráng vươn lên bằng con đường giáo dục. Biết bao gương thành công của con cái thế hệ 1.5 và 2 trong thành phần nầy vì tinh thần trọng học đã ăn sâu vào tâm khảm của người con Việt từ ngàn năm rồi. Thành phần nầy đáng thương hơn là bị chê bai, khinh rẽ. Con số thồng kê trên cho thấy tỷ lệ học vấn của cộng đồng Việt nơi đây vẫn còn cao hơn nhiều so với chính dân Việt sống tại quốc nội dưới sự cai trị của CS trong hơn 38 năm qua. Theo thống kê của World Bank, trình độ học vấn trung bình của người dân từ 14 đến 24 tuổi ở ĐBSCL là 5.5 năm mà thôi! Đây mới chính là một thảm trạng ở Việt Nam hiện tại.

• Lợi tức gia đình: Từ hậu quả trên, dĩ nhiên lợi tức gia đình sẽ không thề nào so sánh được với các cộng đồng thiểu số ổn định, không bị áp bức, không bị chiến tranh, và có điều kiện học vấn và hội nhập tối ưu trước khi tới Hoa Kỳ, nhứt là đa số người Ấn và Phi thông thạo tiếng Mỹ từ khi lọt lòng mẹ. Nhìn lại bản quốc Việt Nam hiện tại, có bao nhiêu phần trăm người Việt trong nước đang sống dưới mức nghèo đói theo định nghĩa của LHQ là 2US$/ngày? Tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng tin tức 11 tỉnh trên 64 tỉnh thành ở Việt Nam xin trung ương cấp gạo cứu đói khản cấp vào giữa tháng giêng 2014, trong lúc hang năm xuất cảng hơn 6 triệu tấn gạo ra ngoại quốc. Chúng ta có thể hình dung được tình trạng chung ở Việt Nam như thế nào và có lời nào cho những người quản lý đất nước hiện tại?!

• Tỷ lệ thất nghiệp, Tỷ lệ dưới mức nghèo, và Tỷ lệ trợ cấp: Ba con số thống kê so sánh nầy chỉ là hệ lụy tất nhiên của các tình trạng chung của lịch sử cộng đồng người Việt mà thôi. Tôi suy nghĩ một cách lạc quan và với tầm nhìn nửa ly nước đầy, trong một tương lai không xa, một khi thế hệ 3,4 trở đi, 3 tỷ lệ trên có thể được sánh ngang hoặc thấp hơn so với các cộng đồng thiểu số bạn kể trên..
• Cái nhứt cuối cùng là gửi tiền về Việt Nam: Theo thống kê của CS Bắc Việt, năm 2013, người Việt hải ngoại gửi về Việt Nam 11 tỷ, không kế một số ước tính tương đương lượng đô la tiêu xài ở Việt Nam do những chuyến về thăm “quê hương” trong năm vừa qua! Cái nhứt nầy hoàn toàn mâu thuẫn và đầy nghịch lý nếu so với những cái nhứt ở phần trên.

Thưa anh,

Tôi thấy được vì sao có mâu thuẫn và vì sao đầy nghịch lý trên. Và tôi thương người Việt hải ngoại có được cái nhứt độc đáo nầy nếu xét về “tình”. Là một nhà hoạt động chính trị, và nếu xét về “lý”, tôi cổ súy việc KHÔNG gửi tiền và KHÔNG đi về hưởng thụ ở Việt Nam, vì nếu làm như vậy là tiếp tục “tiếp máu” cho CS Bắc Việt cũng như làm chậm đi tiến trình mang lại tự do, dân chủ, và dân quyền cho dân tộc. Nhưng, tôi thương và quý cái tình của người Việt hải ngoại trong việc gửi tiền nầy.

Đây là “cái nhứt” đáng yêu, thể hiện tinh thần nhân bản, và dân tộc trong truyền thống văn hóa giáo dục của Miền Nam để lại (so với văn hóa giáo dục vô cảm và vô đạo ở Việt Nam sau 38 năm bị cai trị).
Chính truyền thống trên sẽ là một trong nhiều võ khí hữu hiệu góp phần vào việc phà vỡ cơ chế chuyên chính vô sản của cộng sản Bắc VIệt hiện tại.
Xin anh và bà con hiểu cho lập luận đầy mâu thuẫn trong vấn đề nầy của tôi.
Thư đã khá dài, hy vọng những giải bày trên đóng góp được phần nào trong cuốn sách biên khảo của anh về đời sống người Mỹ gốc Việt trên mãnh đất tạm dung nầy.

Mặc dù còn nhiều tiêu cực hiện hữu trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt của chúng ta, nhưng tôi luôn vững tin rằng những tiêu cực đó chỉ là các bước đường chông gai mà người Việt mình phải đi và rút tỉa kinh nghiệm trong tiến trình dân chủ và hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.
Nên nhớ các cộng đồng thiểu số được đem ra so sánh ở phần trên là những di dân đến Mỹ từ đầu thế kỷ 20 (người Tàu, người Nhật), từ giữa thập niên 50 của thế kỷ trước (Đại Hàn), và những người thông thạo tiếng Anh như Ấn và Phi.

Còn Việt Nam mình, chỉ mới vừa đến Hoa Kỳ vừa hơn 38 năm và đến trong những điều kiện khắc nghiệt nhứt của sự đau khổ!
Tôi thương dân mình lắm anh Lâm Vĩnh Bình ơi!

Mai Thanh TruyếtNgười con Việt,
Tết Giáp Ngọ- 2014

No comments: