Pages

Tuesday, February 28, 2017

TRẦN THỊ ĐÔNG PHƯƠNG * LÊN NÚI TÌM CHỒNG



Nhớ lại những ngày gian lao: lên núi tìm chồng
Trần Thị Ðông Phương


Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam.
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
(Chinh phụ ngâm khúc)
Sáu năm dài thật dài, ngày này qua tháng khác, tôi mong ngóng tin tức của chồng, biệt mù, không một ai trong tất cả những người đàn bà có chồng đang ở trại tập trung “cải tạo”, biết được chồng mình sống ra sao, khỏe yếu thế nào – mù tịt. Họa hoằn, tôi mới nhận được một mảnh giấy, với vài dòng như công thức định sẵn. Bao giờ cũng là… anh học tập tốt… lao động tốt… Em yên tâm, cách mạng rồi sẽ khoan hồng cho anh về với gia đình và trở thành người công dân tốt… Tôi thấy thật là mỉa mai và trơ trẽn, Tôi đang giữ trong túi 4 miếng giấy. Cũng chỉ có bấy nhiêu chữ, đến nỗi con trai út của tôi, cháu mới biết đọc mà cũng thuộc lòng tất cả thư bố gởi về.
Tôi thu xếp hàng, đem gởi nhà người quen, để về sớm hơn thường lệ. Trong nỗi khốn cùng, tôi gặp được điều may – Chị Liệu, vợ anh Lượng, họ là bạn của gia đình tôi. Anh chị Lượng trước ngày 30 tháng 4, 1975, có tiệm buôn bán xe gắn máy, xe đạp và phụ tùng, thuộc loại lớn ở Ngã Bảy, ngay đầu đường Minh Mạng. Từ lúc 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4, 1975, anh Lượng cũng là quân nhân, chạy ra bến Bạch Ðằng và biệt tích đến bây giờ. Thoát hay chết, chưa ai biết.

Chị Liệu cũng là bạn học của tôi. Chị ở lại với 6 đứa con, tiếp tục bán đồ xe đạp, nhưng chỉ có phụ tùng xe đạp thôi vì kho hàng bị niêm phong. Liệu thương tình đã gọi tôi lên nhà chị ta, nhường lại cho một số phụ tùng để bán lẻ nơi lề đường, Hai chị em, mỗi buổi sáng trải chiếc poncho của chồng để lại, bày phụ tùng lên đó. Trời cũng còn thương kẻ khốn cùng, nên những chú Bắc Kỳ vào Saigon vẫn thích tìm mua, nhờ vậy mẹ con tôi vẫn còn có được ngày hai bữa cơm, chưa đến nỗi bị đói.
Tôi về sớm vì con gái tôi lên chỗ bán hàng cho tôi hay. “Mẹ, có thư của bố, kèm theo phiếu thăm nuôi. Bố dặn cách đi thăm, mẹ về coi thì mới biết được.”
Sáu năm xa xách, tuy chẳng được nhìn mặt một giây, nhưng dù vài chữ tôi cũng thấy ấm lòng, nhìn nét chữ của anh, tôi hình dung ra khuôn mặt yêu dấu của chồng, nhất là lúc nghe thằng con út đọc oang oang thư bố, tôi cũng vui được đôi chút và cầu xin ơn trên che chở cho chồng, cho đồng đội của anh sống sót trở về. Lần này thì đúng là thư vì được viết dài hơn một trang giấy. Tuy không được kể lể tâm tình, thương nhớ. Bù lại, anh đã hướng dẫn tôi phải làm gì để được chấp thuận cho đi thăm.
Việc đầu tiên là tôi phải mang thư, giấy thăm nuôi của trại cải tạo gởi về, kèm theo hộ khẩu, đến phường để được xác nhận là tất cả những thứ mang theo là đúng, tình trạng cư trú của gia đình đúng, là vợ chính thức của anh ấy. Phường chứng thực xong, viết cho mấy chữ giới thiệu lên quận, để được chấp thuận cấp giấy đi đường, cho phép đến trại cải tạo thăm chồng, đang ở đó. Tôi lên tới quận, lại được thêm một lần may mắn, trong lúc ngồi chờ duyệt xét giấy tờ, tôi gặp được các chị cũng đi xin phép đi thăm nuôi chồng, hỏi ra thì được biết, các chị ấy là vợ anh Tâm (KQ), vợ anh Bình (BÐQ), chị Ðỗ Văn Nhĩ (SÐ18BB) và cô Tuyết, đi thăm hai người anh ruột, anh Lê Hằng Nghi, cùng trại Lam Sơn, Thanh Hóa, sau đó Tuyết đi tiếp ra trại Ba Sao thăm anh hai là Tướng Lê Minh Ðảo. Chúng tôi thấy cảm thương dành cho Tuyết, lặn lội, cơ cực đi thăm hai người anh cùng ở trong tù cộng sản, cùng cảnh ngộ, nên chúng tôi thân nhau nhanh chóng và hẹn nhau mua vé xe lửa để được đi cùng chuyến, cùng toa xe, để nương dựa nhau, hàn huyên, hy vọng quên những vất vả dọc đường.
Có giấy phép cho đi Thanh Hóa thăm nuôi chồng rồi, tôi bắt đầu lo tiền để để mua sắm thức ăn, chẳng còn gì ngoài mấy lon gạo, vài ký khoai mì hợp tác xã bán theo hộ khẩu. Vật dụng trong nhà thì chỉ còn cái tủ lạnh biết bán cho ai bây giờ? Nhìn quanh, tôi đang trơ trọi một mình, gia đình chồng thì chưa liên lạc được, suy nghĩ đau cả óc, cuối cùng, tôi phải cầu cứu mẹ:
“Mợ ơi! tuần sau con đi thăm chồng ở Thanh Hóa, con chỉ còn đúng 30 đồng và mấy lon gạo, phải làm gì bây giờ hả mợ!”
Mẹ tôi im lặng, suy nghĩ giây lát rồi nói:
“Con xem có còn cái gì bán được thì bán đi, mợ sẽ nói các em mày, chúng nó phụ cho mỗi đứa một chút. Cố gắng đi con ạ!
Bố tôi nghe được, ông thở dài, quyết định thật nhanh:
“Ðừng lo, cậu còn cái máy chụp hình Canon, bây giờ cũng chẳng cần đến nữa, cậu cho con, đem lên nhờ cô Liệu quen biết nhiều, bán giúp, lấy tiền mà thăm nó.”
Tủi thân thế đấy! Lấy chồng làm quan, bao nhiêu năm giờ đây lại phải dựa trong vòng tay cha mẹ để nương nhờ. Bán chiếc máy ảnh, tôi bán luôn chiếc nhẫn cưới một chỉ vàng đang đeo trên tay. Tạm đủ để mua vé xe lửa và it đồ khô, theo ấn định cho phép của “cách mạng.” Các em tôi, được mẹ hô hào, đã xúm nhau mỗi đứa cho it đồ khô và chút tiền.
Tôi tưởng tượng thật nhiều về chuyến đi tìm chồng lần đầu, bao nhiêu ngày đêm mỏi mòn thương nhớ, lo âu và cả hận thù, oán ghét kẻ đã giam cầm chồng mình. Tôi suy đoán, gặp nhau chắc anh mừng lắm. Tôi được sờ lên mặt, cầm tay chồng, dù chỉ chốc lát, cũng đã cho tôi nhiều an ủi và yên tâm tần tảo nuôi con chờ ngày anh về. Ðã 6 năm, cả hai chúng tôi đang bắt đầu vào tuổi già. Chúng tôi cùng ngoài bốn mươi.
Ðúng 5 giờ sáng Chủ Nhật, tôi và thằng con thứ ba, sau hai chị nó, mang đồ đạc lên ga xe lửa, đồ thăm nuôi cũng chỉ có trong hai cái giỏ đệm (bao bì cói) và một túi nhỏ đựng vật dụng riêng của hai mẹ con, cháu đeo sau lưng. Tới ga, tôi gặp đủ những chị đã gặp ở quận lúc đi xin giấy, ngoài ra cũng còn có các chị đi thăm chồng nhưng khác trại như Thanh Cẩm, Thanh Lâm, Kỳ Anh (Nghệ Tĩnh), v.v…
Có lẽ đây là lần đầu, nên số người đi ra Bắc thăm chồng khá đông. Chúng tôi không đủ tiền mua vé tầu suốt, nghĩa là tầu không ngừng các ga nhỏ, chạy thẳng từ Saigon. Chúng tôi mua vé tầu chợ, thời gian sẽ kéo dài hơn vì tầu ngưng nhiều ga, để khách buôn lên xuống. Chúng tôi chen chúc nhau lên tầu, quả thực là vất vả. Trong toa kẻ nằm người ngồi ngổn ngang, đủ các loại hàng, thú vật như gà vịt, còn có cả hai chú heo con cũng được bỏ rọ mang đi. Mùi phân thú, mùi mắm, mùi người, nồng nặc cả toa, mỗi lần bị đụng chạm hay xô lấn, gà,vịt kêu oang oác, hai con heo con cũng phụ họa eng éc. Tù thuở bé, tôi chưa được đi xe lửa lần nào, nay là lần đầu, cảm thấy hơi khó chịu nhưng tự an ủi: “Có chỗ cho mình đi là may rồi.”
Vợ anh Nhĩ thật nhanh nhẹn và mau mắn, chị vượt lên trước, loay hoay cách nào mà chị đã kiếm được một chỗ trong góc toa. Chị gọi chúng tôi mang đồ để chung một nơi, dễ canh chừng. Chị Nhĩ dặn: “Chị em mình có ngủ thì chia làm hai một nửa thức giữ đồ, lơ đễnh chúng nó lấy mất.” Tiếp theo chị ghé tai từng người nói nhỏ: “Nếu có tiền hay vàng thì giữ kỹ, coi chừng bị cắt túi, mấy thằng móc túi lẹ và ma mãnh lắm.”
Chúng tôi cố thu xếp cho nhau để mỗi người có một chỗ ngồi, lúc ngủ thì dựa người trên mấy cái giỏ đồ hoặc tự gục trên hai gối của mình, nhưng có lẽ không ai ngủ được đúng nghĩa, mà chỉ thiếp đi trong cơn mệt, phần háo hức muốn gặp chồng, phần lo lắng nên chỉ chập chờn theo tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray. Con trai tôi thì quên cả chật chội, chẳng quan tâm đến mùi hôi trên tầu, cháu chen ra chỗ hai toa nối nhau, có chỗ cho người đứng, cháu đứng giữa hai người đàn ông được an toàn và dõi mắt nhìn say mê cảnh vật dọc đường, lúc đã mỏi mệt, cháu mới trở vào với mẹ, thật tội nghiệp, nó sợ tôi đói mệt nên nhắc chừng: “Mẹ ăn gì chưa, mẹ có khát nước không? Con lấy cho mẹ nhé.”
Hành trình từ ga Hòa Hưng Saigon đến ga Thanh Hóa vừa đúng ba ngày, ba đêm. Tầu vào ga Thanh Hóa lúc 9 giờ sáng. Chúng tôi vội vàng phụ nhau khiêng vác đồ thăm nuôi xuống, đặt cạnh đường ray. Tất cả đều ngơ ngác, chốn lạ xứ người. Chúng tôi lấy thư của chồng ra coi lại những chỉ dẫn trên đó. Chúng tôi đi về cuối ga, gặp hai người tù hình sự và một công an có súng, đã đợi sẵn. Một trong hai anh tù hỏi “Các chị có phải nà người đi thăm các anh đang trong trại Lăm Nam Sơn (5 Lam Sơn) không?” Chúng tôi trả lời đúng, lúc đó người công an mới lên tiếng:
“Bọn tôi đợi ở đây để giúp các chị chở tiếp phẩm vào trại. Hai thằng này sẽ đánh xe trâu dến để các chị xếp đồ lên, chỉ chở đồ đạc thôi nhé, người đi bộ theo sau. Ðường khá xa và còn phải qua phà nữa đấy. Ðể tranh thủ, bây giờ là 10 giờ, đúng 10 giờ 30 ta sẽ về trại. Các chị vào trong lều gần xe trâu nghỉ đi.”
Khoảng đường từ Thanh Hóa vào đến trại 5 Lam Sơn, thăm thẳm, qua đồng, qua ruộng đến núi, lại rừng. Nàng chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm, má hồng truân chuyên như thế nào, chỉ đọc, chỉ nghe mà không thấy. Bây giờ, chúng tôi, những người vợ lính VNCH đi lên núi, vào rừng tìm chồng, có lẽ cơ khổ và truân chuyên hơn vợ chàng hào kiệt của Chinh Phụ Ngâm Khúc gấp mấy lần. Dọc đường đi, ai cũng phải ngồi xuống xoa bóp chân mình nhiều lần, chị Nhĩ khóc mếu máo “Cha mẹ ơi! Sao lúc nhỏ không tập cho con đi bộ, để bây giờ cực quá thế này”… Cũng may là chúng tôi ai cũng đi giầy vải (bata). Nếu đi giầy khác thì chết chắc. Ai cũng lặc lè, sắp quỵ, duy có con trai tôi vì tuổi nhỏ, mong chóng được gặp bố và được đi xa lần đầu, lạ cảnh, hơn nữa thỉnh thoảng cháu liều lĩnh đu lên sau xe trâu ngồi đỡ vài phút, cũng không bị quở trách, nhờ đó cháu có vẻ chưa cảm thấy bị đau chân và thấm mệt.
Cố gắng cách mấy, chúng tôi cũng không thể nào đến trại Lam Sơn kịp trong ngày, đường đi còn khá xa, có lẽ cũng cả chục cây số; mặt trời đã tụt sau dãy núi phía Tây. Hàng cây hai bên đường bắt đầu nhòa bóng, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp hai ba người đi thồ hàng, đạp xe vội vã vượt qua chúng tôi hoặc ngược đường ra Thanh Hóa.
Chúng tôi cố sức đi thêm được chừng hai cây số, đến một khu phố buôn bán, có ngôi chợ nhỏ đã họp xong buổi sáng. Người công an áp tải cho lệnh hai tài xế xe trâu dừng lại nghỉ, nếu có đi tiếp cũng sẽ không kịp. Họ chỉ cho chúng tôi khu nhà trọ, dặn dò: “Các chị thuê chỗ ngủ trọ, sáng mai tập trung tại quán nước chè, ta sẽ đi tiếp.”
Mẹ con tôi đã trải qua một đêm chưa bao giờ khiếp hãi như vậy. Bộ ván, chiếc chiếu chắc cũng khá lâu không được làm vệ sinh, giặt giũ. Thật mệt, nhưng giấc ngủ vẫn không đến với chúng tôi vì nhiều lý do. Nỗi sợ ám ảnh, phải lo đối phó với hàng trăm, hàng ngàn con rệp. Chị em đành thức, ngồi kể chuyện cho nhau nghe, từ dĩ vãng đến hiện tại và lung tung nhiều thứ để chờ sáng.
Ước chừng độ 12 giờ trưa hôm sau thì chúng tôi đến trại 5 Lam Sơn. Con đường vào trại ngoằn ngoèo, vòng qua dãy núi đá không cao lắm, xuyên qua một khu đất rộng có nhiều người đang canh tác, nhìn từ xa, không ai biết, tới gần, chúng tôi mới nhận ra những người này toàn là tù, tất cả là nữ, chia thành nhiều tốp, trồng đậu phọng, cấy lúa. Ðám người này khá đông nhưng dường như họ là những bộ máy, lạnh lùng làm công việc của mình, âm thầm như những chiếc bóng, đầu phủ kín bằng những miếng vải để chống nắng. Người cuốc đất người nhổ cỏ, hoàn toàn lặng lẽ, đến cả hai giám thị công an, một nam một nữ, cũng như hai pho tượng ngồi kế nhau bên lề đường. Trên áo vải thô của mỗi người tù đều có hàng chữ Lam Sơn 5, ngoài ra chúng tôi còn gặp thêm hai toán người đang đập đá để nung vôi. Nhận ra chúng tôi, một vài anh đã lên tiếng hỏi: “Các chị đi thăm ai đấy?”, nhưng chỉ có thế, vì các anh đã bị buộc phải im tiếng.
Sau khi làm những thủ tục của trại tù xong, đã vào buổi chiều. Hết giờ thăm nuôi, chúng tôi phải chờ qua ngày hôm sau. Người cán bộ phụ trách về thăm nuôi, dẫn chúng tôi vòng ra sau căn “nhà việc” (văn phòng) để đến nhà vãng lai. Sáu người chúng tôi ở chung một gian, nhà vách ván, mái ngói, kê ba cái giường tre, trong trại tương đối sạch bơn, chiếu còn mới. Họ cho mượn mùng nếu ai không có. Nhận các thứ xong, chúng tôi rủ nhau xuống bếp, ngay đầu nhà, có sẵn củi, nhưng phải mua, mỗi người 5$, nồi và các thứ khác cho mượn, vợ Bình BÐQ đem lon mắm ruốc xào thịt ra xào lại để tiếp tế cho chồng, tôi cũng xào lại lon gà kho gừng cho khô thêm.
Thời gian chờ đợi, dằn vặt, xao xuyến trong lòng chúng tôi không ít, cứ đứng lại ngồi. Mỗi lần có anh “cải tạo viên” đến, chúng tôi lại rướn cổ nhìn, nhưng vẫn là chồng người ta. Mấy ông tuy mặc đồ lành lặn, sạch sẽ, nhưng nhìn dáng đi, bộ điệu cố ưỡn ngực cho thẳng lưng, vẫn chẳng dấu được cái tiều tụy, tàn tạ trên thân thể. Ai cũng giống nhau, sự hành hạ qua nhiều năm tháng đã làm họ mất nhiều phong độ, cố giữ cho thẳng mà vẫn xiêu vẹo. Giờ này, qua giờ khác, lại mất một ngày nữa chờ. Chúng tôi an ủi nhau, mình tới trại sau, nên sẽ được gặp chồng sau, chắc chắn ngày mai thì đến lượt mình.
Ngày thứ ba, kể từ ngày chúng tôi bước vào khu thăm nuôi của trại 5, chừng 10 giờ sáng, cán bộ thăm nuôi đến gọi chị Tâm (KQ) và Tuyết, em anh Lê Hằng Nghi lên phòng thăm nuôi. Mọi người vui hẳn lên và hồi hộp. Chừng 15 phút sau, thăm nuôi xong, chị Tâm và Tuyết trở lại, mắt đỏ vì vừa khóc. Tuyết vội thu xếp hành lý, nói: “Em chào các chị, em phải đi ra trại Ba Sao ngay bây giờ. May quá có xe trâu của trại ra Thanh Hóa, người ta cho em quá giang.” Nhìn theo Tuyết quảy đồ ra cửa, chúng tôi không ngăn được nỗi xúc cảm. Tội nghiệp cô bé, lặn lội, tất tả đi thăm hai người anh ở cách nhau hàng mấy trăm cây số.
Cuối cùng rồi cũng đến phiên mình. Sáng ngày thứ tư ở trại (thật ra mới có ba ngày rưỡi), vợ anh Bình, vợ anh Nhĩ và tôi cùng được gọi lên thăm nuôi một lần. Ba người ngồi chung một bàn, con trai tôi ngồi sau lưng mẹ. Khoảng 10 phút sau thì một tên công an bước vào, tên cán bộ thăm nuôi vội đứng dậy chào, nói: “Báo cáo anh, các chị ấy đã tập họp đủ.” Chúng tôi chưng hửng tự hỏi “Sao lại thế này, chồng chúng tôi đâu? Thằng quỷ dịch này, bước vào chẳng chào hỏi, mặt mũi như âm binh, lạnh ngắt. Một phút sau, hắn mới lên tiếng.
“Chào các chị, đi đường chắc vất vả lắm, nhưng nghỉ mấy ngày, nhất định là khỏe rồi. Tôi là Bắc, cán bộ chấp pháp trại, đến đây có mấy điều cần phải quán triệt với các chị.”
Hắn ngừng lại, nhìn thẳng vào mặt chúng tôi thật chậm, vẻ ra oai. Tôi cũng nhìn lại hắn, quan sát và nghĩ: hèn chi nó làm chấp pháp (an ninh) là đúng. Mặt tái xanh, mắt như hai lằn chỉ, môi dầy và đen như hai miếng thịt trâu phơi nắng. Tên Bắc cất giọng:
“Chị nào là vợ cải tạo viên Bình, chị nào là vợ cải tạo viên Ðỉnh?”
Chúng tôi giơ tay. Lại im lặng và hồi hộp.
“Thật là quá đáng. Từng ấy năm học tập cải tạo, uổng công ‘cách mạng’ quan tâm giáo dục, chưa nói tốn cơm, tốn của… Chồng các chị thuộc loại không thể cải tạo, ‘cách mạng sẽ phải xử lý’. Tôi và X. rụng rời, nghẹt họng, há miệng mà không thở được. Giọng tên Bắc chì chiết:
“Một bọn phản động, ngoan cố, cấu kết với nhau, trong đó có chồng của hai chị… Tụ họp nhau bày đặt tuyệt thực, yêu sách cải thiện đòi sống cho nên trại đã tạm thời kỷ luật các tên này. Không tin à? Tôi sẽ đọc lệnh giam những tên phản động, cấm thăm nuôi bốn lần.”
Hắn đọc tên từng người: Nguyễn Xuân, Hồ Văn Phước, Phan Nhật Nam, Hồ Công Bình và chồng tôi. Tất cả trên 10 người, nhưng tới lúc này thì mắt tôi hoa, đầu váng, mọi vật quay như chong chóng. Vẫn giọng tên Bắc:
“Các chị thấy đấy, bọn phản động, nguyên cả một buồng, manh tâm làm loạn. Giờ phút này rồi mà còn đòi vọng động. Các chị phải viết thư hoặc cách này cách khác động viên chồng hối cải, lao động học tập cho tốt để còn về chứ. Lần này trại đã họp và nhất trí để hai chị đi về, lần sau sẽ thăm nuôi.”
Tôi cố chỏi tay, để đầu không gục xuống bàn, đưa tay trái véo nhẹ lên tay vợ Bình. Cần phải can đảm. Lát sau vợ Bình hỏi:
“Trại không cho gặp, vậy xin cho chúng tôi gửi thuốc và chút đồ ăn cho chồng tôi có được không cán bộ?”
“Dứt khoát không được, đã kỷ luật thì phải cấm hết, mang về đi các chị. Trại đã lo đủ cả, thuốc men, ăn uống không thiếu thứ gì đâu.”
Biết mình đang nói với một cái xác ướp, nên chúng tôi im lặng. Tên Bắc lại đãi bôi:
“Các chị yên tâm, động viên chồng học tập cho tốt, biết đâu chừng sau lần kỷ luật này, các anh tiến bộ, lại được tha về sớm.”
Tôi có ý nghĩ muốn trở thành người đàn bà đanh đá chửi vào mặt thằng xác ướp này vài câu, nhưng nghĩ lại, làm như vậy là dại. Thôi! Liếc qua vợ Bình cười nửa miệng, muôn ngàn cơ cực, đến mà không gặp. Niềm đau, nỗi buồn đã đóng băng trong lòng hai chúng tôi.
Tên Bắc hướng qua chị Ðỗ Văn Nhĩ: “Chào chị Nhĩ, hết mệt rồi phải không? Ði đường vất vả quá đấy nhỉ. Chị vui lòng cho tôi xem thư và giấy thăm nuôi từ trại gửi về cho chị nào!” Liếc đọc lá thư, tờ giấy thăm nuôi, Bắc hỏi tiếp: “Chị nhận được thư này lúc nào?”
“Tháng 8, cán bộ. Trong thư đề tháng 3 nhưng tháng 8 tôi mới nhận được, có sao không cán bộ?”Tên Bắc thở dài, cố làm vẻ trang nghiêm:
“Tiếc quá, chị nhận thư anh ấy hơi muộn, sớm hơn thì chị đã gặp chồng, bây giờ thì đã quá trễ mất rồi.”
“Trời! Sao vậy cán bộ, chồng tôi làm sao, anh ấy bị cái gì, anh Nhĩ làm sao rồi?”
“Chị bình tĩnh nghe tôi nói, như chị đã biết, anh ấy có hai ba thứ bệnh từ thời ngụy, vùa suyễn, vừa bị cao máu, trại đã chữa hết cách rồi, các đồng chí y tế đã tận lực, nhưng anh Nhĩ đã chết hồi giữa tháng 6. Anh Nhĩ là người cải tạo tốt, lao động tiên tiến, sắp được tha về.”
“Trời ơi là trời! Chồng tôi sao lại chết? Ba mẹ ơi! Chồng con chết rồi! Anh ơi! Tưởng ra đây gặp anh, bây giờ anh đi mất, bỏ mẹ con em, bỏ ba má sao anh. Chồng tôi năm nay mới có 32 tuổi, làm sao mà cao máu? Anh ơi, anh chết oan rồi!”
Hai chúng tôi cùng chồm qua, ôm lấy vai chị Nhĩ, cố kềm, nhưng rồi cũng khóc theo. Vợ Bình mếu máo khuyên: “Chị nín đi, chị nín để hỏi cán bộ anh ấy chôn ở đâu chớ.”
Chị Nhĩ rũ xuống như tầu lá, toàn thân lạnh và mềm oặt, hơi thở đứt quãng. Chị Nhĩ đã mê đi trong cơn đau mất chồng. Vợ Bình vội lần trong túi áo bà-ba lấy chai dầu gió thoa lên trán, lên thái dương cho chị Nhĩ, miệng vẫn gọi liên hồi:
“Tỉnh dậy đi, dậy mà đi tìm mộ chồng chứ! Tỉnh đi chị Nhĩ!”
Chị thở dài tỉnh dậy. Im lặng giây lát, tên cán bộ Bắc nói với chị Nhĩ: “Thôi, để tranh thủ, trại sẽ giao lại cho chị vật dụng của anh Nhĩ, giấy chứng nhận chồng chị đã chết vì bệnh. Sau đây tôi bận công tác, đồng chí Cận (cán bộ phụ trách thăm nuôi) sẽ đưa chị ra mả anh ấy.”


Hình minh hoạ internet
Tôi và vợ Bình cũng xin đi theo, nhưng không được chấp thuận.
Mấy chị em chúng tôi quay về Saigon lúc mờ sáng ngày hôm sau. Ngày thứ năm ở trại cải tạo của chồng. Nhìn những dãy nhà cũ kỹ, khóa kín cửa, tôi tưởng tượng như là chồng mình và đồng đội đang bị giam nhốt trong những ngôi mộ đó, gần kề ngay bên mà cách biệt muôn trùng. Ngày đi náo nức, mong ngóng, hy vọng bao nhiêu, nay trở về, cõi lòng tan tác. Thất vọng chiếm hết chỗ của suy tư. Chúng tôi đi trong vô thức.

Tội nghiệp chị Ðỗ Văn Nhĩ, nếu không có bạn đồng hành chúng tôi phụ giúp, không hiểu có còn đủ sức, đủ nghị lực để về với các con không? Ðiều an ủi là hôm đó có chuyến xe trâu đi không ra tỉnh, họ cho chúng tôi quá giang, nhưng với giá 10$ một người tới ga Thanh Hóa.

Phải chăng những người đàn bà chúng tôi, những người vợ lính VNCH, là người bị đọa đầy hơn tất cả mọi người của thế gian?…

Nguồn:vantuyen.net/2014/07/10/nho-lai-nhung-ngay-gian-lao-len-nui-tim-chong-tran-thi-dong-phuong/

TRẦN THỊ HUYỀN * VƯỢT BIÊN

  


Vượt Biên

Trần Thị Huyền
Đôi dòng về tác giả:
Tôi đến Hoa Kỳ năm 1986 và định cư ở thành phố Oakland. Hiện nay tôi vẫn đang sống tại thành phố này. Khi tôi đến đất nước Hoa Kỳ này tôi đi làm và ở nhà trông con, nhưng hiện nay con tôi đã lớn, tôi vừa đi làm vừa đi học. Tôi đang theo học ngành y tá có thể giúp đỡ được nhiều người. Năm 1982. Đó là năm mà mọi người xôn xao để đi tìm tự do, bởi vì họ không thể chịu đựng dưới sự đàn áp của Cộng Sản. Gia đình tôi cúng nằm trong hoàn cảnh này, và cha tôi cũng chạy ngược, chạy xuôi để tìm chỗ cho vợ chồng tôi đi. Một hôm cha tôi gọi vợ chồng tôi tới và bảo “ Thầy thấy tình cảnh này không ổn, cho nên thầy muốn gia đình mình có người sống ở một nước tự do để còn có thể giúp ích cho gia đình và các em con sau này. Thầy tin tưởng ở nơi con vì chỉ có con mới có thể đương đầu với những gì xảy ra (Tôi là con lớn và còn năm em nhỏ ). Thầy đã có chỗ để cho vợ chống con đi, và là đi đường bộ, vơí giá là ba cây vàng cho một người. Vậy ngày 23 tháng 9 chúng con phải có mặt tại điểm hẹn, ở đó sẽ có người hướng dẫn chúng con đi.” Tôi rất lo lắng vì tôi phải xa cha mẹ và các em. 
Hơn nữa tôi mới lấy chồng được một tháng và mới có 18 tuổi, nhưng tôi cũng nghe theo lời cha tôi. Đúng hai hôm là ngày 23 tháng 9 năm 1982. Mẹ tôi khăn gói cho vợ chống tôi ra đi, bà bó cho tôi 5 bộ quần áo, hai chỉ vàng vào gấu áo tôi và một ít đồ ăn đi dọc đường. Sáng sớm cùng ngày, cô tôi dẫn vợ chồng tôi đi Biên Hòa (nhà tôi ở Hố Nai), sau đó đi Sài Gòn rồi lên Cần Thơ để không có ai nghi ngờ. Chúng tôi đến Cần Thơ và rồi đi Châu Đốc, đó là lúc sáu giờ chiều cùng ngày. 
Cô tôi giao chúng tôi cho một người đàn ông, rồi cô quay về. Trong nhóm chúng tôi có tất cả năm người. Đúng 7 giờ tối, chúng tôi qua phà Bắc Mỹ Thuận, sau đó đi theo con đường mòn, đi miết tới 11 giờ đêm thì tới cánh đồng nhỏ, ở đó có người chờ sẵn chúng tôi, ông ta cho chúng tôi mỗi người nửa ổ bánh mì rồi đưa chúng tôi qua Campuchia, chúng tôi phải giả dạng là người Campuchia, tôi quấn xà rông đầu đội khăn rồi học nói tiếng campuchia bằng cách tâop. Nói chuyện với người bản xứ. Chúng tôi phải ở đó ít lâu để chờ có đợt rồi người ta dẫn chúng tôi đi tiếp, sau đó ông ta dẫn chúng tôi ra đường bờ ruộng, lội bùn tới đầu gối, với một con đường bùn rất là xa. Tôi mệt quá nên đi được có nửa đường bùn, thì tôi không thể đi được nữa. Chồng tôi làm một cái dây để kéo tôi đi.
 Lúc đó cũng là lúc mà chúng tôi phải bỏ cái giỏ trên vai đi, bởi vì mệt quá không thể đeo nó được. Đi tới một cánh rừng có một người Miên chờ sẵn để đưa chúng tôi đi tiếp. Ông ta cho chúng tôi một nắm xôi và một ít mắm bồ hóc, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mắm bồ hóc, cái mùi khó ngửi làm sao, nhưng vì đói quá cũng phải ăn để mà sống, sau đó ông dẫn chúng tôi băng qua rừng già, chúng tôi đi suốt đêm, thân xác rã rời quần áo rách nát, có lúc tôi dẫm lên cả xương người, khi tôi để ý đến dọc đường đi, thì ôi thôi toàn là xương người, xương người lớn xương trẻ con rất nhiều, lẫn cả tiếng thú rừng hú ban đêm nghe sợ hãi, rồi những con muỗi mòng, những con bọ rừng bò lên người mà chích mà cắn, cứ thế tha hồ mà gãi. Đến gần sáng chúng tôi nghỉ trong bụi rậm, mỗi người một bụi, cho tới tối thì chui ra lại đi tiếp, khi chui ra tay chân mặt mũi bị cào xây xát bởi cỏ dại và gai, có những lúc rất nhức nhối bởi vết trầy bị rỉ máu, thuốc thang thì không có. Mỗi ngày chỉ có một nắm xôi và một ít mắm bồ hóc vào buổi tối trước khi đi, còn ban ngày phải nhịn đói chờ đến tối. Chúng tôi đến trại, họ lục xét từng người vì họ biết những người vượt biên có tiền và vàng, khi họ khám đến tôi đã lấy đi hai chỉ vàng. 
Họ tưởng tôi còn dấu ở đâu đó nên căn vặn hỏi, tôi nói không còn nữa họ không tin nên bắt tôi uống nước thuốc của tụi nó để đi tiêu ra xem có vàng không. Trong suốt gần hai năm ở đó chúng tôi đã phải chạy giặc luôn bởi vì cứ đến mùa khô thì chúng đánh (Giặc có nghĩa là bộ đội Việt Nam bởi họ muốn lấn chiếm phần đất Campuchia). Mỗi lần chạy như thế rất là dễ chết bởi vì chúng bắn loạn xạ. Thời gian sống ở Campuchia, tôi luôn luôn hóa trang là một người đàn ông, trên mặt thì lọ nghẹ đen đúa, quần áo dơ dáy, tóc cắt ngắn đi. Ở trong trại người ta phân công đàn ông thì chặt cây hay gánh nước, còn đàn bá thì nấu cơm và làm những việc khác, đến bữa ăn thì mỗi người cầm một cái khay xếp hàng, rồi người ta múc cho mỗi người một phần cứ như nhà tù, mặc dù phần ăn trong trại phát mỗi ngày nhưng không đủ, nên tôi thường xuyên trốn ra ngoài đi làm chui như gánh nước chẻ củi, v v... Mỗi một công việc như thế làm từ sáng đến tối người ta chỉ trả cho nửa chén gạo.
 Quần áo thì chỉ có một bộ trên người mặc sáu tháng trời, mỗi khi tắm phải đứng chỗ nắng cho thật lâu, để chờ khô quần áo. Lương thực bữa đói bữa no. Tôi đói quá, trong lúc đi làm bên ngoài tôi thấy có mấy vỏ dưa hấu dơ bẩn liệng ngoài đường liền lượm về nấu canh ăn. Sau bữa đó tôi lên cơn sốt nặng, không có thuốc để chữa bệnh. Tôi tưởng không qua khỏi, may quá có người chỉ cho tôi biết một thứ lá ở trong rừng có thể chữa khỏi bệnh. Tức thì chống tôi đi tìm lá cho tôi uống, thế là tôi khỏi bệnh. Tại trại tối nào cũng như tối nào, tụi Miên vào từng lều khám, nếu thấy đàn bà con gái là chúng hãm hiếp. Nên tôi lúc nào cũng phải hóa trang là đàn ông kể cả ngày lẫn đêm để tránh tụi nó. Nhiều lúc tôi muốn chết đi được. Khoảng mấy tháng sau tôi có thai đứa con đầu lòng. Thiếu đồ ăn, thịt thà thì không có, nên tôi thường xuyên trốn ra khỏi trại đến những nơi có đám cưới hoặc tiệc tùng xin rửa chén và dọn dẹp, thì họ cho được một miếng thịt bằng bốn đót ngón tay. Tôi mang về trại kho mặn để ăn.
 Ngày qua ngày thân tôi chỉ còn là cái xác không hồn. Một hôm, vào khoảng nửa đêm có tiếng báo động giặc đến. Chúng tôi phải khăn gói chạy. Chồng tôi gánh một gánh những vật dụng cần thiết, còn tôi thì xách hai cái giỏ đồ cần thiết cho tôi và em bé, cộng với cái thai 6 tháng. Tụi Miên bắn súng, mình thì chạy bán sống bán chết. Tôi mệt quá bỏ cả cái giỏ mà chạy, chống tôi cũng thế. Được khá xa tôi không lê nổi nữa, chống tôi lấy dây lá trong rừng bện lại rồi kéo tôi đi. Cứ như thế ban đêm thì chạy, ban ngày thì nghỉ trong rừng. Ăn thì hái lá hái trái trong rừng, uống thì nước suối. Cho đến khi chúng tôi đến Thái Lan và dừng chân ở đó. Trong thới gian sống ở Thái Lan, cuộc sống thì cũng không khác gì ở Campuchia, nhưng người Thái đối xử với mình cũng tạm được, tôi amg bầu đi làm tôi mọi cho người ta từ sáng đến tối cũng được ăn hai bữa cơm thừa, và thêm chút xíu gạo mang về. Sống ở Thái Lan được hai tháng thì tôi sanh cháu, bà mụ người 
Thái lại đỡ đẻ cho tôi tại trại, sau đó bà cho tôi đồ ăn để lấy lại sức. Khi con tôi vừa tròn được 1 tuổi, chúng tôi lại phải qua một trại khác lần nữa. Chống tôi thì xách đồ đạc của con, nhiều lúc tôi tưởng chết dọc đường vì tôi hết hy vọng đến Mỹ, nhưng nghĩ đến chồng con tôi lại phải quên đi ý tưởng đó. Lương thực thì thiếu thốn không có chất dinh dưỡng cho con. Chống tôi kiếm được mấy trái dừa liền chặt ra lấy nước cho con uống và hái trái rừng ăn tạm qua ngày. Khi chúng tôi đến trại mới ở đó mất 5 tháng để chờ nhận định cư. Đó cũng là lúc tôi mang bầu cháu thứ hai, và tôi vẫn trốn trại đi làm chui bên ngoài bởi vì đói quá làm liều, ai mướn gì làm nấy. Có lần con tôi nhìn thấy đứa bé người Thái ăn cây cà rem, cháu ao ước có được cây cà rem ăn. 
Đối với người ta thì cây cà rem không đáng gì nhưng đối với gia đình tôi thì nó rất lớn, bởi vì những gì tôi kiếm được trong ngày đó là củ khoai củ sắn hoặc chén cơm thừa, v v... Còn tiền bạc thì chúng tôi không có đến một đồng từ khi rời mái ấm gia đình tại Việt Nam, hai chỉ vàng mẹ tôi cho thì tụi Miên lấy từ lâu. Tôi thấy con tôi thèm cây cà rem mà lòng đau xót, không biết nói sao cho con hiểu. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Mấy tháng sau thì chúng tôi nhận được giấy gọi phỏng vấn. Chúng tôi vừa mừng vừa run chỉ sợ rớt, khi chúng tôi bồng con lên gặp phái đoàn thì họ có tình cảm với gia đình tôi và hỏi chúng tôi nếu có thân nhân ở Mỹ thì họ sẽ chấp nhận cho gia đình tôi đi. May quá có anh chồng tôi sống ở mỹ đã lâu, nên họ chấp thuận. Tôi cảm thấy cuộc đời tôi chết đi sống lại sau đó gia đình tôi được chuyển tiếp qua Philippine để học tiếng Anh trước khi vào Mỹ. Chúng tôi sống ở Philippine được sáu tháng thì đi Mỹ. Chúng tôi đến Mỹ vào ngày 20 tháng 11 năm 1986 và sống tại thành phố Oakland, bắc Califonia, định cư và lập nghiệp ở đây cho đến nay. Khi gia đình tôi nhận được tin chúng tôi tới Mỹ, cha mẹ tôi rất là vui mừng và khóc hết nước mắt vì tưởng chúng tôi đã chết từ lâu. Tôi luôn luôn cám ơn bề trên đã cứu sống gia đình mình trong thời gia vượt biên. Cuộc sống bây giờ đã ổn định, vợ chồng đều đi làm và hai con đang học đại học. ::: 
Trần Thị Huyền:::

NGUYỄN CHÍ THIỆN * ĐÔI MÔI NỒNG NÀN



Nguyễn Chí Thiện
Đôi môi nồng nàn

Hắn là nhà báo trẻ sung sức, có lợi thế được lãnh đạo nhiều cơ quan cấp bộ quý, nên thường được mời đi đó đây, viết phóng sự dài về những công trình, dự án khu đô thị mới tầm vĩ mô, ngồn ngộn con số tăng trưởng. Hắn lại cao to khá đẹp trai, nhiều bạn gái. Nhưng những người bạn đó chẳng thể trông chờ ở hắn chung xây tổ ấm.
Ngoài ba mươi tuổi, hắn phớt lờ việc mẹ già giục lấy vợ. Mới đây, cô bạn gái chung tình đã lâu, xa nhau gần năm báo tin: "Em lấy chồng. Chồng em yêu em lắm. Đám cưới em anh nhớ đừng trốn đấy". Tin khá dữ, đúng lúc hắn muốn ngỏ lời: "Anh mệt mỏi, lênh đênh mãi, muốn dừng chân nơi bến sông em rồi".Hắn không muốn tin. Nhưng. Nàng và chồng sắp cưới kết kỹ lắm. Cá của đôi đó, trong ao nhà họ đã được hơn hai tháng. Anh bạn già là phóng viên ảnh mắng: "Đồ ngu, đồ không biết yêu!". Hắn buồn buồn, rượu bia chán mấy tuần lại vui như con trẻ, quên chuyện lấy vợ. Chỉ khi mẹ và các chị giục, hắn loanh quanh: "Vâng, con đang cố" hoặc "Từ từ, em đang tìm, đang tán tỉnh đây".

Các chị thương thằng em trai duy nhất, coi hắn như con khủng long cuối cùng sót lại trên trái đất nên săn đón, giới thiệu một cô. Hắn ưng ưng, nhưng bận công tác đành khất. Bà chị trách: "Chị chẳng tin. Cậu sẽ phòng không suốt đời cho xem". Hắn không hờ hững nhưng vì nhóm bạn có chương trình đến vùng sâu, vùng xa tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.Nghe nói vậy, mẹ hắn giãy nảy: "Không đi, đường sá xa xôi phức tạp, vất vả lắm". Rồi bà than thở, rên rỉ kêu ốm, bỏ ăn. Hắn an ủi: "Mẹ sợ con bị bùa ngải chứ gì, mẹ đừng lo, ánh sáng văn minh dẹp hết bóng tối lạc hậu, nhảm nhí rồi".Xưa bố hắn có lần công tác mạn ngược, khi về, ông suốt ngày lục tài liệu, đọc sách, ngân nga mấy câu hát tiếng dân tộc. Tài liệu quý nhất là bà ông không ngó ngàng, còn đòi quay lại vùng cao đó điều nghiên thực địa lần nữa. Bà nghi ông bị cô người Mường người Mán bắt hồn, bí mật tìm thầy giải bùa. Hôm bố hắn ngồi lỳ trong thư viện quốc gia cả ngày, lúc về đói mèm, thấy cỗ bàn bày linh đình, chẳng hỏi han cứ thế ngồi cùng cả nhà ăn uống phủ phê, nào biết đó là cỗ lễ phá giải bùa ngải.Thầy giải xong, mươi ngày sau, bố hắn đến bên vợ nịnh, hôn bà chùn chụt khoe: "Anh sớm hoàn thành bản đồ khoáng sản tỉnh đó, em ạ". Bà: "Vâng! Không bị người ta khoắng đi cả người là may rồi"...

Chuyện tâm linh hư hư thực thực, thật khó hiểu.Ngày đầu nhóm của hắn đến chợ Cò của xứ Mường. Chợ đông người, nhiều loại hàng hóa. Để ý, hắn chẳng thấy ai là người dân tộc, chỉ thấy mua bán chứ không ca hát, trò chuyện giao duyên như trên phim ảnh. Hắn hơi thất vọng, sẵn đói bụng ngồi xuống ăn cái bánh. Bánh bằng bột tẻ xay cối tay ngon, lạ miệng. Sực nhớ, hắn ngẩng đầu, thấy mấy tay phóng viên ảnh tíu tít quanh cô gái trang phục dân tộc Mường.Cô khá đẹp, sành trong các tư thế để nhiếp ảnh gia tác nghiệp. Hắn cũng đến ngắm. Mấy ông Tây ba lô chụp ảnh ăn theo, đối thoại nhiều bằng tiếng Anh, mời cô lúc khác  có thời gian làm mẫu cho họ. Cô: "No! Sorry! I'm very busy" ("Không! Xin lỗi! Tôi bận lắm!")."Cô gái Mường thạo tiếng Anh?" - Hắn ngạc nhiên. Chợt có tiếng khúc khích bên tai. Quay sang, hắn ngỡ ngàng, một cô gái giống cô kia như đúc, chỉ khác mặc bộ đồ hiện đại, mốt. Hắn đến bên hỏi: "Em tên gì?". Cô nhìn hắn chăm chăm, lúc sau chớp chớp mắt nói: "Ủn Bui". Hắn không hiểu nên hỏi lại: "Em tên là nào?". "Tên Vui" - cô đáp. "Em là người dân tộc gì?". "Người Mường".Cứ như lần đầu gặp người Mường, hắn cười tươi, nhìn ngắm tò mò: "Em và cô làm mẫu kia quan hệ thế nào?". "Ủn cái". “Ủn cái là gì?" "Em gái ruột" - cô nhát gừng, môi bậm lại. Thay đổi chiến thuật, hắn xích gần lại khen: "Này, chị em em rất đẹp. Nhưng Vui đẹp hơn, còn xinh nữa".Cô gái tươi hẳn, vẻ sung sướng, dễ bắt chuyện: "Nó là em gái".


 Cô kể, em gái tên Ngân học đại học năm thứ ba, nhà ở thôn Chằm Cun, cách đây mấy xã. Thỉnh thoảng Ngân mới về nghỉ. Hôm nay chơi chợ, chị em đổi quần áo cho nhau. Cả chợ mỗi Ngân mặc bộ đồ Mường, thành tâm điểm cho cánh nhiếp ảnh. Và thảo nào Ngân diễn xuất khéo, nhưng thiếu thiếu cái gì đó.Hắn nhận xét: "Này Vui, em chụp ảnh mặc quần áo dân tộc Mường đẹp hơn Ngân đấy? Em có nét hồn nhiên hơn, đáng yêu hơn". Vui cúi nghiêng đầu cười thẹn. Hắn thật lòng. Đúng, ở Vui còn nét khác đẹp hơn, nhưng khen thành lời thì…

Đó là đôi môi. Làn môi cô nhìn vào đã thấy hấp dẫn, giờ tươi nở như căng hơn, nồng nàn như đóa hoa đón xuân đầu mùa.Thấy cô cầm cuốn sách nhỏ, hắn hỏi: "Em làm gì ở xã". "Không làm gì" - Cô lúng túng giấu. Đó là sách giáo khoa lớp một. "Hay em là cô giáo?” - hỏi vậy, trong hắn đã vang lên nhạc điệu một bài hát "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi… tính tình tang…". "Chăng, ủn mu chự". "Là gì cơ?" "Em mù chữ". "Em mà mù chữ?" - Hắn ngạc nhiên tròn mắt, khiến cô cũng ngạc nhiên.Đúng lúc đó, cô em như quan sát từ trước bỏ chụp ảnh, đến cầm tay Vui kéo đi nói giọng không dễ chịu: "Chăng maạng, chăng yểng gia".

Vui lật đật bước, mặt ngoảnh lại, mắt chớp chớp chưa tỉnh cơn say. Họ đi rồi, hắn ngẩn ngơ xao xuyến mãi. Nghe hắn kể, nhóm bạn cho rằng Vui bị khuyết tật về não bộ. Có vậy cô ta mới dễ nhận mình mù chữ, em gái vội vã lôi đi.Chấp nhận giả thuyết đó vì thấy Vui hơi thụ động, nhưng hắn cứ bâng khuâng, nao nao thế nào. Tối, nhóm nhà báo giao lưu với thanh niên địa phương. Niềm vui, sự say mê của tuổi trẻ trong hắn bùng lên theo điệu múa, lời ca và ánh lửa trại tưng bừng reo.Hôm sau nhóm du khảo đi tiếp. Đường trải đất đá thô lồi lõm, dốc hẹp, ngoằn ngoèo, nhà sàn thưa thớt, vắng bóng người khiến cảm giác hun hút hoang sơ. Nhóm dừng ở trung tâm xã làm việc. Chị Trưởng ban giáo dục báo Tuổi xanh Thủ đô đặt vấn đề:

 Xã phổ cập lớp mấy, có trường mầm non chưa. Chủ tịch xã vui vẻ trả lời. Nghe đến tên thôn Chằm Cun, cả nhóm như giật mình.Hắn tranh thủ hỏi: "Xã ta có bao nhiêu thanh niên mù chữ". Ông Chủ tịch như bị xúc phạm, nói ngay: "Chăng. Chăng ai mu chự". "Ông nói gì" - Chị Trưởng ban giáo dục hỏi. Ông Chủ tịch cười, xin lỗi vì nói bằng tiếng Mường, mọi người không hiểu. Ý ông, xã không có thanh niên mù chữ. Chuyện đó chỉ có ở đâu đó xa xôi hẻo lánh. Hắn nghe mà nhẹ lòng.Trưởng nhóm phân hắn và anh phóng viên nhiếp ảnh già xuống thôn Chằm Cun. Chỉ cách chợ Cò hơn chục ki lô mét, mọi thứ ở đây khác hẳn. Dân trò chuyện tiếng Kinh với nhà báo, nhưng trao đổi với nhau bằng tiếng dân tộc nhanh líu lo. Hắn và anh bạn được gia chủ niềm nở tiếp. Chưa uống cạn ly nước lá rừng thơm thơm ngọt nhẹ, hắn nghe tiếng cười đầu sàn nhà. Một cô gái bước vào, miệng chưa dứt cười."Ô kìa, Vui!" - Hắn không tự chủ được thốt lên. Đúng là Vui, cô gái hôm qua ở chợ Cò.

Vui cũng sững người rồi chạy vào buồng. Mươi phút sau, hắn nghe tiếng con gái hát líu lo. Đó là Ngân. Thoáng vài giây ngạc nhiên nhìn hắn: "Chào ông nhà báo ạ!", rồi Ngân khẽ lườm, nhẩu môi như muốn đuổi. Hắn cũng ngạc nhiên, chẳng biết mình có lỗi gì.Anh bạn ở cùng rủ cả nhóm đến. Cảnh chiều muộn, sương thu giăng giăng, khói lam chiều vương vấn quanh những nếp nhà sàn. Các nhiếp ảnh gia mê mải sáng tác, đến lúc nghỉ, chào gia chủ để về thì Vui bưng mâm lên. Ông trưởng thôn, chủ nhà lịch sự: "Chẳng mấy khi các đồng chí nhà báo lên xứ Mường, đường xa diệu vợi. Nhà chúng tôi chỉ có mâm cơm rau rừng với chén rượu nhạt để mời. Mong quý khách đừng cười chê!".Chủ nhà đã nói vậy, lại  ngót bụng đã lâu, cánh nhà báo cám ơn lấy lệ rồi vào mâm, đánh chén, uống rượu hun hút. Ông chủ nhà rất vui thấy khách ăn ngon, còn khen món ăn lạ.

Tối, Vui mắc màn cho hắn ngủ. Đêm miền rừng lạnh nhưng tấm chăn của Vui đem hương thơm và hơi ấm giúp hắn ngon giấc.Hôm sau, nhóm hắn đi sưu tầm chuyện và phong tục cổ của người Mường. Anh phóng viên nhiếp ảnh và hắn nhờ Vui dẫn đường, họ thu hoạch được kha khá. Hắn khoe với bố Vui: "Chú ạ, em Vui khéo lắm, nhờ em chúng cháu có nhiều tư liệu quý và ảnh đẹp". Buổi tối, thanh niên xã rủ nhau đến thăm các nhà báo, đem theo hũ rượu cần đãi. Thanh niên trai gái uống rượu, hát đối đáp giao duyên.Vui tham gia nhiệt tình, thỉnh thoảng nhìn sang hắn đắm đuối, đôi má ửng hồng. Rượu cần ngọt êm làm hắn ngấm, ngắm Vui thấy rạo rực. Tối, trước khi ngả đầu xuống gối êm, hắn đến bên Vui: "Vui ơi, ngày mai mình lại đi cùng nhau nhé. Có em anh may mắn đấy".

Vui chỉ cười gật đầu.Từ hôm đó, nhà Vui trở thành điểm tụ tập của nhóm nhà báo bàn chuyện hôm sau và chia sẻ thông tin. Vui nhàn việc, đưa hắn đi các nơi, còn rủ đến thăm người bà con ở các thôn. Hai người quấn quýt trong mắt nhiều người. Ngôi nhà sàn đơn sơ của Vui trở nên ấm áp hơn nhờ tối tối thiếu nhi đến đầy nhà, và cô là tâm điểm vui chơi hồn nhiên cho các em.Hắn ngồi ngắm nhìn Vui say sưa với các em nhỏ, ngẫm nghĩ về cô, về cuộc đời con người, chợt: "Sao màn do Vui mắc mình ngủ ngon thế? Không biết, mình và Vui có hợp với nhau không nhỉ... chắc mẹ chẳng bao giờ..." rồi giật mình vì suy nghĩ ấy.Một chiều, con trâu đực to của nhà trong thôn ngã khe suối què chân.


Cả thôn cùng thịt chia nhau ăn giúp, đến vụ trả bằng thóc. Nhóm nhà báo nộp ngay tiền nhận một phần, nhờ gia chủ làm món, thế là lại có tiệc. Vui ngồi bên chăm chỉ gắp cho hắn, trông hai người thật đẹp đôi. Mọi người ăn và trò chuyện hết sức vui vẻ, tự nhiên.Ông chủ nhà uống khỏe nhưng cũng ngà ngà, chỉ vào Vui: "Con bé Vui nhà này mù chữ đấy, em gái cho mượn điện thoại di động cũng chẳng biết bấm". Hắn ngạc nhiên, miệng há hốc, suýt để rơi miếng thịt gắp dở, hỏi: "Sao chú không cho Vui đi học?".Ai biết được chuyện như thế. Vui tròn tuổi tôi thì có em. Năm sau bố mẹ Vui ly hôn.

 

Ngân với mẹ về quê ngoại. Vui theo bố. Mẹ Vui gặp người thương quý-là ông trưởng thôn bây giờ-cưới về, coi Ngân như con đẻ cho học hành tử tế. Bố Vui lấy vợ, nhưng suốt ngày say xỉn, mặc Vui cho dì ghẻ chăm sóc.Sáu tuổi, Vui phải cùng dì đi lấy măng. Mười tuổi, Vui thui thủi vào rừng một mình.  Bố Vui bỏ vợ hai, lấy vợ nữa. Vui như người đi ở làm thuê, sống cô đơn. Qua mùa gặt, cô làm thuê chỗ này chỗ nọ kiếm miếng cơm qua ngày. Bằng tuổi, nhiều cô gái đã chồng con, Vui vẫn chẳng ai ngó ngàng.

Cô gái Mường khi lấy chồng phải tự lo hai chỉ vàng, tiền mua ba bộ chăn màn mùa đông biếu bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và một bộ cho mình. Theo bản năng con gái, Vui nhịn ăn dành dụm từ bao giờ được hai trăm ngàn đồng, cất kỹ lắm nhưng bị ai lấy mất. Chỗ Vui giấu tiền, chỉ có dì biết. Cô hỏi để đòi liền bị bà đánh thừa sống thiếu chết. Nghe tin, mẹ Vui lật đật lên đón.Mấy tháng đầu, Vui chẳng muốn gần gũi chuyện trò với ai, nhạt cả với mẹ dù bà muốn vỗ về. Khi bố dượng hoặc mẹ giao việc, cô cắm đầu cắm cổ làm như máy. Người Vui gầy, môi lúc nào cũng bậm lại. Một lần, bố dượng có chút hơi men nhắc: "Cả ngày mai, cái Vui lên rừng chặt tỉa gỗ tràm cùng mẹ.

Làm cho xong vạt rừng đó trong ngày".Hôm sau lên rừng, Vui làm cắm cúi, mẹ giục nghỉ cũng không dừng, cố đốn tỉa mãi, đến lúc mệt hoa mắt gục xuống. Mẹ Vui ôm lấy con khóc: "Mệt sao con không nghỉ, cố sức thế làm gì?". Vui nói trong ngắt quãng: "Con sợ bị bỏ đói, sợ bị đuổi đi" rồi gục vào lòng mẹ khóc òa, nước mắt ướt đầm ngực áo mẹ.Tối ấy Vui bị ốm, sốt nặng mấy ngày liền, nhiều lúc nức nở trong cơn mê, hoặc chồm dậy nói sảng những lời lạ tai khó hiểu. Người già nói, Vui bị ma nhập vì vía mòn yếu.

Để lâu ngày vía chết hết, ma bắt hồn thì chết người. Bố mẹ Vui thuê thầy cúng làm lễ. Vui khỏi. Từ đó Vui khỏe mạnh, như lột xác không đen nhẻm mà nước da trắng dần, đôi môi không còn mím chặt hay cười, lộ rõ nét hồng gợi cảm, khiến trai làng nhiều anh tiếc vì chót có vợ. Nhà giao cho thằng em dạy chị học chữ. Biết thân phận nên Vui cố, giờ biết ký tên và trình độ ngang ngang lớp một."Thôi, âu cũng do số phận. Vui bị ế rồi. Chỉ mong sau này, có ai thương thì đem về, đừng hắt hủi nó là chúng tôi mừng"- Ông chủ nhà than. Mẹ Vui thở dài. Riêng Vui nét mặt bình thản, có lúc bậm môi hơi cúi. Hắn nghe lòng cứ rưng rưng.Không khí trầm quá, chị Trưởng ban giáo dục cất tiếng cười động viên: "Lo gì, Vui xinh đẹp thế này, cố học cho hết lớp năm lớp sáu, rồi một hai năm nữa theo chị về Hà Nội, chị tìm việc làm cho. Khi có công ăn việc làm đàng hoàng, em chỉ cần giơ ngang ngón tay ra là khối chàng xin được tặng nhẫn". Mọi người gật gù tán thưởng. Tối ấy hắn trằn trọc mãi, nghĩ chuyện của Vui mà thương quá, không hiểu sao đời bây giờ lại có số phận buồn đến vậy.Nhóm đi Thác Voi, rủ Vui đi cùng. Thác Voi tuôn nước từ độ cao ngàn thước, qua nhiều tầng bậc tỏa hơi mát. Nơi này không khí trong lành, hương phong lan rừng thơm ngát. Hắn thích lắm, rủ mấy cô phóng viên tắm. Mấy cô phóng viên trẻ để nguyên quần áo nhảy ào xuống, vừa bơi vừa trêu: "Người yêu ơi! Em đố anh đuổi bắt được em đấy".Hắn rửng mỡ lặn đuổi theo.

Lên bờ chẳng thấy Vui đâu, cả nhóm hốt hoảng tìm, thấy Vui ngồi buồn bên khe đá. Nhóm bạn về trước, hắn và Vui về sau. Vui hỏi: "Anh muốn đi thăm thung ma không". Hắn muốn đi vì Vui nói, nơi ấy là khu mộ cổ người Mường xưa. Hắn may, ghi chép và chụp được khối ảnh mộ cổ bằng gạch đá ong già, phải đến hàng ngàn năm tuổi, đã lên nước đen bóng như thép tôi.Vượt qua con đèo nhỏ trên đường về, Vui kêu mệt, muốn ngồi nghỉ. Để xe một chỗ, Vui và hắn vào một bãi cỏ mọc cao, dầy êm như tấm đệm. Hai người bên nhau trò chuyện trong ánh hoàng hôn và bầy chim ríu rít về tổ, hắn hỏi: "Vui ơi, sao trước đây em không đi học".Vui kể, cô thèm học lắm, nhiều hôm trên đường qua trường, Vui ngẩn ngơ nhìn mấy đứa chạc tuổi mình được bố dắt tay đi học. Nhìn mãi, mải nhìn mãi, khi cô cậu học sinh cuối cùng vào khuất cổng trường thì đã muộn, Vui tất tả chạy lên rừng. Cảm động số phận bất hạnh, hắn cầm bàn tay Vui nâng lên, muốn hôn.Vuốt nhẹ từng ngón tay, có một ngón cụt nửa móng, hắn hỏi: "Móng tay này của em bị sao thế".

  Lần ấy phải băm  rau lợn buổi tối, bụng đói, mệt và buồn ngủ nên Vui băm phải tay, cụt sâu quá móng không mọc đầy lại được như cũ.Hắn thấy đau, như chính mình bị chặt đứt tay, ôm Vui vào lòng vuốt bờ vai: "Thôi, chuyện qua rồi, có anh bên em, đừng lo, đừng sợ". Vui dụi mắt dụi đầu vào vai áo hắn, im lặng trong vòng tay hắn, người mềm đi. Chỉ có rừng biết, nghe thấy tiếng sột soạt của hai người như hai quả cây vả chín mũm, tươm mật hổn hển rơi rụng vào trong nhau.Hôm sau, trước lúc nhóm nhà báo chia tay trở về, hắn dắt Vui ra một chỗ. Chuyện riêng bịn rịn, mắt đỏ hoe nhưng khi hắn hỏi: "Vui ơi! em yêu anh không?".

Vui lại đáp: "Chăng mắt". "Chăng mắt là gì" - Hắn hỏi. "Là không biết, chẳng quan tâm"- Vui lắc lắc người, mái tóc dài mềm mại tung qua, trùm lấy hắn. Hương tóc, mùi hương con gái thơm quyến rũ.Về đến nhà, hắn cứ như người ngẩn ngơ, nhớ Vui, không hiểu tại sao không yêu mình mà Vui nồng nàn, hiến dâng cho nhau như thế. Chưa được một tuần, hắn quay lại nơi ấy. Lúc đầu Vui mừng rỡ, nhưng sau đối xử nhạt như người lạ mới quen. Xa nơi ấy hắn buồn, chẳng thiết ăn, không chịu làm việc.Quay lại lần nữa, ở vài ngày hắn hiểu ra, Vui biết phận mình hẩm hiu, chẳng dám đặt hy vọng gì ở hắn. Chỉ cần được hắn quan tâm, yêu quý và cảm thông với mình như thế là cô mãn nguyện rồi. Mẹ và các chị nghi ngờ, hỏi thăm người trong nhóm, nghĩ hắn bị bỏ bùa ngải, vứt hết quà cáp hắn đem về, còn định nhờ chị Trưởng ban giáo dục nọ đưa lên tận nơi xem thế nào.Bà tìm thầy cao tay ấn nhờ giải bùa ngải.

Thầy chẳng phá giải được. Hắn vẫn vậy, còn đưa Vui về xuôi gửi nhà chị Trưởng ban giáo dục. Lần nữa bà đi xem tướng số. Thấy phán, thằng con trai của bà yêu rồi, tình yêu thôi. Vụ này không có chuyện bùa ngải đâu, hắn làm người khác khổ vì mình thì có, nên đi xem thử mặt cô gái ấy thế nào. Mẹ hắn cùng chị đến nhà chị Trưởng ban giáo dục chơi. Bà ngồi yên ngắm, lúc sau mới hỏi chuyện, dần dần tỉ tê. "Con ơi! Số phận con khổ đến vậy ư? - Bà xúc động vuốt tóc Vui - Tội nghiệp con".Tôi là bạn học cùng lớp đại học với hắn, nhưng công tác tại Nam Bộ, ở một tòa báo nhỏ. Biết chuyện của hắn, nhiều lần muốn chép lại gửi đăng báo mà ngại.

 Ra thăm nhà hắn, tôi và hắn ngồi uống rượu, nhắm với cá suối muối treo gác bếp lâu ngày của người Mường, ngon như cá Xibêri muối mặn ướp dầu ô liu.Con trai hắn hơn tuổi đang nghịch đồ chơi. Vui chăm chú nghe máy ghi âm, chép ra thành chữ. Hắn đỡ vất vả hẳn, có sẵn bản tư liệu chép tay ra của vợ, mà Vui cũng thạo nhanh cái chữ. Chuyện này không phải ai nghe cũng tin, nhưng cứ kể ra đây. Bởi vì, họ đã biết yêu và dám đi tới như vậy.

Nguyễn Chí Thiện

Monday, February 27, 2017

NS TUẤN KHANH * CHUYỆN KỂ

Chuyện kể (như đùa) nhân 17-2

Ảnh của tuankhanh
Bức ảnh này mô phỏng lại một ngày 17-2 buồn hiu và buồn cười của mấy năm trước. (ảnh đính kèm theo bài)
Đêm trước đó, ngày 16, tôi ghé lên Đà Lạt và gọi nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ ra tán gẫu. Anh Cứ uống bia, còn tôi ăn phở và uống cafe. Mọi thứ thật bình an và tẻ nhạt vì khắp nơi lúc đó - hiện trên facebook - là những lời kêu gọi và tuyên bố sẽ tham gia tuần hành kỷ niệm ngày Cộng sản Trung Quốc tấn công biên giới Việt Nam. Một cuộc chiến tranh đẫm máu dân lành từ chủ trương giết tất diệt tận của "người anh em" Bắc Kinh.
Thời sự sôi động lan sang cuộc trò chuyện văn nghệ của chúng tôi. Ở đâu, lúc nào, người ta cũng có thể nghĩ về quê hương mình và cái ác của chế độ cộng sản, phải không?
Trước khi chia tay, chúng tôi chụp tấm ảnh lưu niệm. Hẹn nhau mai gặp lại, để cùng xem tin tức, để biết ngày 17-2 đó là chỉ riêng của nhân dân hay may mắn là của chính quyền và nhân dân.
Anh Cứ post tấm ảnh kỷ niệm đó trước giờ đi về, nhà ai nấy về ngủ, mà anh Cứ gọi đùa là giờ G. Anh viết trên facebook "ngồi với nhau trước giờ G".
Sáng sớm hôm sau, ngày 17-2, khi trời còn mờ sương. Nhà của anh Cứ có tiếng đập cửa dồn dập. Hơn chục người, cả công an, mật vụ, dân phòng, uỷ ban, tổ dân phố... đứng đầy trước cửa nhà anh Cứ và đòi kiểm tra hộ khẩu. Nhà chức trách nghĩ tôi ngủ lại nhà anh Cứ nên muốn "bắt tận tay, day tận mặt".
Phần mình, tôi dạo sớm ở chợ Đà Lạt và bất ngờ thấy xe môtô 113, công an, dân phòng rãi rác một cách bất thường. Khi gặp nhau cafe sáng, tôi và anh Cứ kể lại cho nhau nghe, và bật cười - cười khẩy.
Hoá ra an ninh theo dõi Facebook của anh Cứ và lo rằng anh ấy và tôi sẽ làm một cái gì đó, cam kết cùng nhau trước giờ G nào đó. Có thể là một giờ G, mà tất cà người dân đều mang trong mình lời nguyện cầu bí ẩn khiến mọi thế lực bạo ác khi đối diện thật sự, chỉ còn là tro bụi.
Ngày 17-2 năm nay. Chúng tôi lại chụp bức ảnh mô phỏng ngày ấy. Và cùng cười.
Chúng tôi - dù có mỏi mòn - nhưng vẫn còn đó. Sự rình rập của bộ máy toàn trị thì cũng vẫn còn đó. Nhưng hôm nay, con người Việt Nam và nhận thức đã khác, đã mới mẻ và quyết liệt hơn. Bạn có nhận ra sự đổi thay đó?

Đính kèmDung lượng
Image icon 16681795_10154362925278181_2795820726029450477_n (1).jpg


SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Cường Quyền & Nhân Sĩ

Ảnh của tuongnangtien

Với tất cả trân trọng và thương cảm, nhà văn Ngô Thế Vinh vừa gửi đến cho mọi người một tin buồn lớn: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từ trần vào hôm 29 tháng 1 năm 2017.
Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ, bộ sách Cây Cỏ Việt Nam  (gồm 6 quyển, hai tập) với lời đề tặng:
  • Những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất nước.
  •  Tặng giáo sư Nguyễn Duy Xuân nguyên viện trưởng Đại Học Cần Thơ, mất ngày 10/XI/1986 tại trại Cải Tạo Hà-Nam-Ninh.
  • Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã chết nghẹn ngào.
Tôi băn khoăn tự hỏi: Giáo sư Nguyễn Duy Xuân là ai? Sao một công trình nghiên cứu về thực vật học mà lại mở đầu bằng những “lời đề tặng” u ám, u uẩn và u uất thế? Chúng ta đang sống trong một thời đại, và một đất nước, bi thương đến độ này sao?
Những trang viết kế tiếp của nhà văn Ngô Thế Vinh, với nhiều dòng chữ  nghẹn ngào, đã giúp cho tôi lý giải những câu hỏi vừa nêu:
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng là người Cần Thơ, sinh năm 1925 hơn Giáo sư Phạm Hoàng Hộ 4 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ, trở về Việt Nam 1963, giáo sư Luật. Nhận chức Viện trưởng từ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã nỗ lực phát triển Viện Đại học Cần Thơ trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo ban giảng huấn, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết lập ký túc xá như hệ thống campus cho sinh viên đến từ các tỉnh xa Miền Tây...
Chỉ trong vòng 9 năm [1966 - 1975] với công lao xây dựng của hai Viện trưởng tiền nhiệm: GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân, Viện Đại Học Cần Thơ như một Ngọn Hải đăng Miền Tây, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt bước đầu ưu tiên phát triển hai lãnh vực Sư phạm và Nông nghiệp, vững vàng sánh bước với các Viện Đại học lâu đời khác của Miền Nam, đóng góp cho sự thăng tiến của vùng ĐBSCL...
 Chỉ mấy ngày trước biến cố 30 tháng 4, 1975, cũng như GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân như một trí thức dấn thân, quyết định ở lại và giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, ông vẫn can đảm nhận chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Giữ chức vụ đó chưa đầy một tuần lễ thì chính quyền Miền Nam xụp đổ, TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
 GS Nguyễn Duy Xuân bị đưa vào trại tù cải tạo, sau đó bị đưa ra Bắc ... đã chết trong tù cải tạo Hà Nam Ninh ngày 10 tháng 11 năm 1986 trong đói khát và bệnh tật không thuốc men. Xác của ông được vùi nông trong nghĩa địa tù cải tạo trên triền núi phía sau trại tù Ba Sao.
Tôi đã có lần nhìn thấy tấm ảnh chụp bia thờ 626 linh hồn tử vong (từ năm 1975 đến năm 1988) của trại tù này, trên trang web của blogger Phạm Thanh Nghiên.

Có lẽ tên tuổi của giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng được ghi trên tấm bia này vì ông từ trần vào năm 1986, thời điểm mà giới truyền thông nhà nước vẫn xưng tụng (không tiếc lời) về sự “dũng cảm nhìn vào sự thực” và “quyết tâm đổi mới của ĐCSVN.
Nếu “dũng cảm nhìn vào sự thực” thì đây chỉ là sự quyết tâm “bẻ lái con tầu đất nước” theo hướng Trung Nam Hải – như nhận xét và cảnh báo của blogger Trần Huỳnh Duy Thức:
Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một phiên bản khác về sự vi phạm tính toàn vẹn của các quyền con người. Hai nước này đã thừa nhận quyền kinh tế cho người dân nhưng vẫn tước đoạt không khoan nhượng quyền chính trị của họ, gây nên một kiểu tự do què quặt khác. Mặc dù mô hình này có thể tạo nên sự tiến bộ kinh tế và các thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, nhưng nó cũng đồng thời nuôi dưỡng bất bình và suy thoái xã hội rồi nhốt chúng lại.
Khi sự trầm trọng này trở nên mục rỗng thì nó sẽ dẫn tới việc bộ máy chính trị tự dân chủ hóa hoặc sẽ kết thúc trong sụp đổ toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị và một chế độ bị lật nhào. Đây là tiến trình tất yếu vì nó phá vỡ sự toàn vẹn của các quyền con người vốn thuộc về luật của Tạo hóa. Dưới tác động của toàn cầu hóa và xã hội Internet, tiến trình này sẽ diễn biến rất nhanh, nhanh hơn đã từng chứng kiến trong thời gian chiến tranh lạnh dẫn đến sự tan rã của hệ thống Đông Âu và Liên Xô.
Lời cảnh báo này, tiếc thay, đã bị những người đứng đầu chế độ hiện hành coi như là một “lời nguyền” hay “trù ẻo.” Tuy mang tiếng là theo chủ nghĩa duy vật nhưng họ lại là những kẻ rất dị đoan. Vốn bệnh tật nên họ sợ “tiếng cú,” và đã vu vạ cho Trần Huỳnh Duy Thức đủ loại tội danh (trộm cắp cước điện thoại, hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền) cùng một bản án nặng nề –16 năm tù và 5 năm quản chế, vào ngày 20 tháng 1 năm 2010 – qua một phiên toà mà đại diện của Hội Ân Xá Quốc Tế đã mô tả như là “sự nhạo báng công lý.”
Hơn bẩy năm đã trôi qua nhưng chưa bao giờ người tù nhân lương tâm quả cảm này bị công luận lãng quên. Ông vẫn luôn được nhắc đến với rất nhiều trân trọng, qúi mến, cùng quan ngại:
  • BBC (21/01/2010) Người Có Án Nặng Nhất Nói Bị Bức Cung
  • BBC (21/01/2010) Các Nhóm Nhân Quyền Chỉ Trích Bản Án
  • RFI (30/01/2010) Bốn Nhà Bất Đồng Chính Kiến Ở Việt Nam Kháng Án
  • Bauxite VN (14/06/2013) Duy Thức Đã Không Ngủ Suốt 10 Ngày Biệt Giam
  • RFA (15/10/2013) Trần Huỳnh Duy Thức Được Vinh Danh Giải Nhân Quyền
  • RFA (07/05/2016) Tù Nhân Trần Huỳnh Duy Thức Bị Chuyển Trại Giam
  • BBC (17/05/2016) Ông Trần Huỳnh Duy Thức Sẽ Tuyệt Thực
  • Ba Sàm (28/05/2016) Trí Thức Tuyệt Thực Cùng Trần Huỳnh Duy Thức
  • VOA (31/01/2017) Ông Thức Nhất Quyết Không Lưu Vong
Tôi chưa bao có cái hân hạnh được giao tiếp với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi chỉ được biết người tù nhân lương tâm bất khuất này qua công luận. Và công luận thì đã vạch rõ sự ác độc và tính man rợ của những kẻ đứng đầu chế độ công an trị hiện hành. Họ đã gây ra không biết bao nhiêu là cái chết đớn đau và oan khuất:
Những người bị giết đều là những tinh hoa, là danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan: Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về; vị bồ tát Thiều Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận...
Đó là tất cả sự thực về những cái chết tức tưởi oan khuất của các nhà văn, nhân sĩ mà bọn gieo ác vẫn sống nhởn nhơ trên pháp luật với bộ mặt người lương thiện! Nguyên tắc bất di bất dịch nằm trong ý thức hệ tư tưởng của những kẻ sát nhân lương thiện này là: yêu nước và chính kiến là độc quyền của tao, mày không đi với tao, mày là kẻ thù của tao. Đã là kẻ thù thì mày không có quyền tồn tại!  (“Thái Doãn Hiểu – Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể”).
Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Dương Quảng Hàm sinh vào cuối thế kỷ XIX. Lan Khai, Thu Hồng, Nhượng Tống, Nguyễn Duy Xuân sinh vào đầu thế kỷ XX. Kể từ khi cướp được quyền bính đến nay, những người cộng sản Việt Nam đã giết chết bao nhiêu là anh tài và nhân sĩ (thuộc mấy thế hệ kế tiếp nhau) rồi?
Chúng ta bắt buộc phải luôn quan ngại (và canh thức) về sinh mệnh của Trần Huỳnh Duy Thức, cùng hàng trăm tù nhân lương tâm khác, đang nằm trong vòng tay của cường quyền và bạo lực!

NGUYỄN THIÊN THỤ * ĐẤU TRANH GIAI CẤP



ĐẤU TRANH GIAI CẤP
NGUYỄN THIÊN THỤ
 
I. CHỦ THUYẾT MARX

Marx cho rằng giai cấp là nguyên nhân của mọi cuộc đấu tranh trong lịch sử, và cuộc đấu tranh này đưa đến một đổi thay tốt đẹp hoặc cả hai bị tiêu diệt. Ông cho rằng lịch sử có hai giai cấp là giai cấp áp bức và giai cấp bị áp bức, hai giai cấp này đấu tranh với nhau. Vào thời ông xuất hiện hai giai cấp đấu tranh với nhau là giai cấp tư bản và giai cấp vô sản.
Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp.
Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội là thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau (TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN * I.1).

 II. GIAI CẤP LÀ GÌ?
Những ngôi nhà Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều ngôi nhà trên thế giới, thường có thềm, có từng bậc từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp. Hình ảnh cái thềm là ý nghĩa giai cấp. Giai cấp xã hội là những thứ bậc cao thấp trong xã hội. Theo Wikipedia, giai cấp xã hội đề cập đến các thứ bậc khác nhau phân biệt giữa các cá nhân hoặc các nhóm người trong các xã hội hoặc các nền văn hóa. Các sử gia và các nhà xã hội học coi giai cấp là phổ quát (là sự phổ biến), mặc dù những điều xác định giai cấp là rất khác nhau từ xã hội này đến xã hội khác. Thậm chí ngay cả trong một xã hội, các cá nhân khác nhau hoặc những nhóm người khác nhau cũng có rất nhiều ý tưởng khác nhau về những điều gì làm nên thứ bậc cao hay thấp trong trật tự xã hội.
Nhìn chung, những người cùng địa vị, cùng có  gia sản tương đương. . . là cùng một một giai cấp. Nhưng đó là cách nhìn đơn giản. Nếu như ta chấp nhận rằng xã hội cổ Á Đông chia ra bốn giai cấp sĩ, nông , công thương thì không phải các sĩ, các thương đều cùng một giai cấp. Cổ nhân nói:"Của ba loài, người ba đứng", nghĩa là xã hội rất khác biệt. Thật vậy. Ngay trong giai cấp sĩ phu, ta đã có thể thấy ba loại:
-Hiển nho : làm quan
-Hàn nho: nho sinh nghèo
-Ẩn nho: nho sĩ ẩn dật.
Trong hiển nho cũng có nhiều hạng. Hạng nhất phẩm cho đến hạng cửu phẩm có cả thảy 18 bậc. Nếu chia theo trung nịnh, tốt xấu, thiện ác. . . thì lại còn phức tạp hơn.
Theo Lênin, giai cấp là những tập đoàn người to lớn, khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong những tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải ít hoặc nhiều mà họ được hưởng.
Sự khác biệt giai cấp là do nhiều yếu tố: giáo dục, gia đình, nghề nghiệp, địa vị, ngôn ngữ, tín ngưỡng, chủng tộc. . .Người ta thường chia xã hội ra ba giai cấp chính là giai cấp thương lưu, giai cấp trung lưu và giai cấp hạ lưu. Người ta còn chia ra nhiều giai cấp như giai cấp trung lưu bậc cao, trung lưu bậc trung và trung lưu bậc hạ. Tại Ấn Độ, thời đức Phật tại thế, xã hội Ấn Độ chia ra bốn giai cấp : giai cấp tăng lữ (Brahmins or priests ), giai cấp quý tộc (Kshatriyas or rulers and warriors ), giai cấp công thương (The Vaishyas or business people and originally farmers) và giai cấp nô lệ (The Shudras or common laborers).

Bốn giai cấp này chỉ là quan niệm theo tôn giáo. Có kẻ thuộc giai cấp quý tộc mà rất nghèo khổ cũng như tại Việt Nam ta, một số các ông tôn thất rất nghèo.".
Ra đường cậu ấm, ông Chiêu,
Về nhà móng tay mỏ sẻ cạy niêu đã mòn.
Nhà văn bị cộng sản xem là trọng tội đứng đầu (Trí phú địa hào) nhưng nhà văn Việt Nam đa số là khốn khổ. Hàn Mặc Tử kêu:
"Trời hỡi làm sao cho khỏi đói"
Còn Nguyễn Vỹ than:"Nhà văn An Nam khổ như chó"
Ấy mà cộng sản lại bạc đãi, hành hạ trí thức và  Mao bảo "Trí thức không bằng cục phân."
Điều này cho thấy quan niệm giai cấp của cộng sản là hồ đồ!
Người ta chia xã hội Anh, Mỹ ra ba giai cấp, là thượng lưu, trung lưu và hạ lưu:
+thượng lưu: gồm các nhà tư bản, có tài sản lớn, hoặc được hưởng tài sàn, có đặc quyền, đặc lợi và không cần phải làm việc.
+ trung lưu:chiếm đa số, gồm những người chuyên nghiệp, kỹ nghệ gia, thương gia, chủ tiệm. . .
+ hạ lưu: nông dân và thợ thuyền các loại.
Nhưng đó là cách chia đơn giản.

Tại Anh quốc, sau đệ nhị thế chiến nảy sinh nhiều giai cấp như là giai cấp thượng lưu, trung lưu và và hạ lưu, giai cấp thợ thuyền có kỹ xão, thợ thuyền không kỹ xão cùng giai cấp nông dân. Rồi còn hạng trẻ con lao động khoảng 14 tuổi, rời ghế nhà trường để mưu sinh, và trẻ con thượng lưu, được đi học, và vào đại học. Xe cộ, trường học, các rạp hát đều có những phân biệt giai cấp. Nhưng chính phủ Anh đã có những biện pháp làm giảm hố ngăn cách trong xã hội như là công bằng về y tế, giáo dục, thuế má. . .
Theo Wikipedia, ngày nay, người ta chia ra tám giai cấp trong xã hội Anh Quốc:
1. Thượng lưu: Những gia đình quý phái, nói với giọng đặc biệt, học các trường danh tiếng như Eton, Harrow, Winchester.
2. Trung lưu bậc cao: các chuyên gia, kỹ nghệ gia, thương gia, tốt nghiệp đại học.
3. Trung lưu bậc trung: những người chuyên môn, thương gia tốt nghiệp đại học nhưng gốc gác kém hơn nhưng lợi tức cao hơn trung bình.
4.Trung lưu bậc hạ: Có thể không tốt nghiệp đai học nhưng làm văn phòng.
5. Lao động bậc cao: Không tốt nghiệp đại học, nhưng có tay nghề và kinh nghiệm như đốc công, thợ mộc, thợ nề, thợ điện, lái tàu. . .
6. Lao động: Học thức it, có chút tay nghề, làm việc như xây cất, kỹ nghệ, khoan, ráp máy móc..
7. Lao động bậc hạ: như nghề quét dọn, bán hàng quán. . .
8. Bậc cuối: ăn trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên có nhiều cách phân chia giai cấp do nhiều nhà xã hội có quan điểm khác nhau. Nhìn chung, giai cấp thường là chỉ một số người có địa vị và tài sản giống nhau, và trong xã hội có nhiều giai cấp. Lại nữa, sự phân chia nào cũng chỉ là tương đối. Ông kỹ sư, sinh viên tốt nghiệp đại học là trung lưu nhưng có khi thất nghiệp phải xin trợ cấp xã hội, thành ra đứng bậc cuối nấc thang xã hội.
Nếu nói chơi hay viết văn làm báo viết sao cũng được, còn khi đưa vào pháp luật thì phải rõ ràng, chứ không phải  lập tòa án nhân dân, kết tội không cần chứng cớ cụ thể,  và do bà Sáu, ông Năm là dân i tờ  ngồi ghế chánh án  như kiểu  cộng sản.
Một số triết gia và nhà xã hội học cho rằng chủ nghĩa Marx chia xã hội thành ba giai cấp chính:
-Tiểu tư sản: làm chủ phương tiện sản xuất, họ làm cho họ, không thuê nhân công.
-Vô sản hay lao động: không có phương tiện sản xuất, bán sức lao động để sống.
-Tư sản hay tư bản: làm chủ phương tiện sản xuất, mua sức lao động của công nhân.

 
III. PHẢI CHĂNG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI LÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP? 

 Từ khi khai thiên lập địa con người chưa có giai cấp . Chúng ta có thể nói ban sơ, xã hội con người cũng giống xã hội loài vật không có giai cấp.
Nếu có sự phân chia là phân chia giới tính, già trẻ và mạnh yếu. Ở đây có sự tranh đấu giữa mạnh và yếu là chính. Cọng thêm nữa là đấu tranh giữa thiện và ác. Phải sau khi thành lập cộng đồng, tạo lập xã hội, lúc đó mới có giai cấp trên dưới, kẻ cai trị, người bị trị. Nhưng sau giai đoạn này, tất cả cuộc chiến đều không chỉ là đấu tranh giai cấp. Anh em tranh đấu nhau, cha con xâu xé nhau, bộ lạc mạnh ức hiếp bộ lạc yếu, nước lớn chiếm nước nhỏ không phải là đấu tranh giai cấp. Cuộc thánh chiến thời trung cổ không phải là đấu tranh giai cấp.

Napoléon và Hitler chiếm các nước, là cuộc chiến tranh giữa nước mạnh và nước yếu, không phải là đấu tranh giai cấp. Hai họ Trịnh Nguyễn đánh nhau là cuộc đấu tranh của hai vị chúa, của hai giòng họ, không phải đấu tranh giai cấp. Cuộc chiến giữa Liên Xô và Trung Quốc trước đây về biên giới , và cuộc chiến Việt Trung năm 1979 , và việc Việt Nam đánh Cao Miên không có phải là cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư bản và vô sản mà là cuộc chiến tranh giữa hai đồng chí anh em cùng thuộc giai cấp vô sản. Nguỳễn Duy có câu thơ châm biếm về cuộc chiến Việt Trung:
A. Q. túm tóc Chí Phèo
Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua (Lạng sơn 1989)

Lenin giết cộng đảng Mensheviks, Stalin giết hàng ngàn đại biểu quốc hội và tướng lãnh Hồng quân Liên Xô đau phải là vô sản giết tư sản?
 Như vậy lịch sử nhân loại có nhiều cuộc  đấu tranh không phải chỉ là đấu tranh giai cấp.
IV. TẠI VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC CÓ GIAI CẤP TƯ BẢN VÀ VÔ SẢN KHÔNG?

Trong thời Pháp đô hộ, giai cấp tư sản Việt Nam rất hiếm hoi. Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa, tư bản Pháp đầu tư kiếm lợi nhuận vì nhân công Việt Nam rẻ. Pháp chỉ coi Việt Nam là nơi tiêu thụ hàng hóa cho nên công nghiệp không phát triển. Bên cạnh Pháp, có người Trung Quốc chiếm giữ vai trò quan trọng trong lãnh vực thương mãi hơn là công nghệ. Tại Bắc Kỳ có Bạch Thái Bưởi nhưng rồi cũng thất bại. Tại Nam Kỳ có bốn cự phú "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định" nhưng chúng ta không rõ có mấy ông là tư bản.

Nói chung, tư bản nước ta chưa phát triển. Còn về giai cấp công nhân, lực lương cũng non yếu. Theo Đào Duy Anh, lực lượng thợ thuyền Việt Nam thời Pháp có khoảng 150 ngàn (Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, 68). Theo Nguyễn Thế Anh , lực lượng thợ thuyền có khoảng 200 ngàn kể cả trẻ con. Ông cho ta số liệu như sau:
Nguyễn Thế Anh cho rằng những con số trên chỉ có một giá trị tương đối: chúng chỉ bao gồm số công nhân được dùng trong các xí nghiệp tư bản Pháp chứ không kể đến số người làm việc trong những xí nghiệp kỹ nghệ, thương mãi hay nông nghệ Hoa kiều hay của người Việt, chúng lại không bao gồm các công nhân giao thông. hầu hết là phu bắt ở các đia phương, trả theo công nhật. Mặt khác, đa số công nhân không phải là thợ chuyên nghiệp, mà chỉ làm phu, làm thợ theo từng giai đoạn mà thôi. ( Việt Nam Dưới Thời Pháp Thuộc, Lủa Thiêng, 1970, 256).
Lúc bấy giờ dân số Việt Nam là 20 triệu. Theo như tài liệu Nguyễn Thế Anh, giai cấp công nhân Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Nếu tính theo Marx và Engels, nghĩa là loại bỏ công nhân nông nghiệp, công nhân thương mại, giai cấp công nhân Việt Nam chỉ có khoảng 100 ngàn mà thôi, tức là chiếm tỷ lệ 0,5% dân số . Giai cấp công nhân Nga và Trung Quốc có lẽ cũng tương tự.Ngay tại Nga và Trung Quốc đều chưa có giai cấp tư sản và vô sản như Marx quan niệm. Và cuộc khởi nghĩa tháng 10 Nga là do toàn dân, lực lượng chủ yếu là trí thức và nông dân nổi dậy lật đổ Nga hoàng chứ không phải là cách mạng vô sản vùng lên tiêu diệt tư sản như Marx mong muốn.

Về con số thì quá ít mà về ý chí tranh đấu cũng không có. Chính giai cấp tiểu tư sản, hay nói đúng hơn giai cấp trí thức đã kích thích, xúi dục thợ thuyền đứng lên tranh đấu. Bọn trí thức và con quan lại đã dùng công nông làm lực lượng quân sự mà chiếm quyền. Họ cũng dùng chiêu bài dân tộc để kêu gọi quần chúng. Cộng sản chỉ thành công tại các nước nghèo đói và bị thực dân cai trị. Còn tại các nước văn minh , giàu mạnh, công nhân thờ ơ với chủ thuyết cộng sản.
 Ấy thế mà trong cải cách, Việt Cộng theo lời cố vấn Trung cộng, quy kết  5% dân chúng là địa chủ (Wikipedia). 

Cả nước ta thời Pháp thuộc  dân số  có 20 triệu, như vậy là ta có 1 triệu địa chủ  hay sao?
Trung Quốc là một nước lạc hậu như Việt Nam, nông dân tuyệt đại đa số còn công nhân thiểu số. Bởi vậy mà Mao chống lại Marx, chủ  trương công nông đều là giai cấp tiên phong, chứ không phải chỉ có công nhân là giai cấp tiên tiến. Thực tế là đúng như vậy nhưng lý thuyết của Marx coi nông dân, trí thức, thương gia, thợ thủ công là loại lưng chừng, có thể là bạn mà cũng có thể là kẻ thù của giai cấp vô sản.. Nga cũng là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có giai cấp tư bản mà cũng chẳng có giai cấp vô sản, cho nên Lenin cưỡng lại Marx chủ trương tiến lên cộng sản chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Không có tư bản, cũng không có vô sản, vậy thì lập đảng cộng sản làm gì? Đấu tranh giai cấp với ai? Rõ ràng là Lenin, Stalin, Mao, Hồ làm chuyện vô nghĩa mà thiên hạ chạy theo rầm rầm!Đảng Cộng sản là đảng của một bọn nhiều tham vọng, hiếu sát, hiếu chiến, gồm đa số là trí thức, con nhà tư bản, ( Karl Mărx, Engels) ,phong kiến (Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp) mượn danh đấu tranh cho giai cấp vô sản để nắm quyền bính. Giai cấp vô sản lúc bấy giờ là hữu danh vô thực, nếu có thì rất it, đã được người ta tuyên truyền, thổi phồng . Giai cấp vô sản thật ra là một sự phóng đại, một bóng ma, một danh từ được đánh bóng để dối lừa thiên hạ. Ấy thê những trí thức như Trần Đức Thảo, Albert Camus, J.Paul Sartre bái phục như thần, như thánh.
Người Trung Quốc và Việt Nam nghĩ giai cấp vô sản là giai cấp nghèo (ai mà chẳng nghèo). Người cộng sản còn lợi dụng danh từ giai cấp lao động  ( ai mà chẳng lao động). Người cộng sản còn gọi vô sản là giai cấp thợ thuyền cho nên thợ mộc, thơ nề, thợ hoạn lợn...) đều cho mình là giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng. Trong kháng chiến, đa số người Việt tin rằng mình là giai cấp vô sản được đảng chiếu cố, nhưng sau 1954, mâm cỗ bày ra, họ bị gạt ra ngoài, vì họ không được đảng cho là giai cấp vô sản. Đảng Cộng sản bây giờ mới đem định nghĩa của Engels, giai cấp vô sản là giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân là giai cấp vô sản có trình độ lao động công nghiệp cao, là đứa con của nền đại công nghiệp hiện đại (C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1995, tập 2, trang 393).
 
Nói rõ ra giai cấp vô sản là một số người phải có nhiều kiện, chứ không phải ai cũng là thợ, ai cũng là vô sản, ai cũng là giai cấp công nhân. 
(1). Làm việc cho tư bản trong lãnh vực công nghiệp là giai cấp công nhân công nghiệp. Như vậy, thợ thiến heo ( như bác Đỗ Mười) , thợ quét vôi ( như cụ Võ Chí Công)  , thợ mộc, thợ nề là thợ cá thể, làm việc trong các xóm làng, không phải trong các hãng ,các công xưởng  như làm trong nhà máy dệt Nam Định hay hãng Bason? Bác Hồ con nhà phong kiến, làm bồi tàu, không phải là công nhân. Trần Quốc Hoàn nguồn gốc là vô sản lưu manh! Cộng sản kê khai lý lịch láo toét. Thân phụ bác Hồ làm quan say rượu sai lính đánh chết người lại bảo là ông bị sa thải vì chống Pháp. Sau CCRD, Trường Chinh bị cách chức (thế mạng cho bác Hồ), bác hỏi Võ NGuyên Giáp:
-Chú làm Tổng bí thư nhé. Giáp biết mánh của Bác đề phòng Giáp và Trường Chinh cướp ngôi, nên từ chối. Hồ hỏi:Lê Duẩn làm Tổng Bí thư được không? Giáp nói:Thằng giáo làng đó sao mà làm nổi Tổng Bí thư! (Vậy Đỗ Mười, Võ Chí Công, Lê Đức Anh thì xứng đáng làm gì?).Như vậy Lê Duẩn là giáo làng, khai là thợ bẻ ghi đường sắt cho ta vẻ công nhân. Tôn Đức Thắng là đi lính cho thực dân nhưng khai là công nhân Bason, cho có màu công nhân, không biết đích thực cụ làm gì!  

(2). Phải có tay nghề cao. Như vậy đàn bà, trẻ con phụ việc, không phải là công nhân.
Về thành phần giai cấp, ta thấy có nhiều điều trớ trêu:
(1). Như đã nói, bọn trí thức, con nhà tư sản, địa chủ, phong kiến thành lập đảng cộng sản chứ đảng cộng sản lúc đầu  không do công nhân đích thực lãnh đạo. Đa số lãnh tụ đảng đều không thuộc giai cấp vô sản. Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng con nhà quan lại, không phải là công nhân...Một số đảng viên con nhà bình dân như Tôn Đức Thắng, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Trần Quốc Hoàn...là về sau mới được kết nạp cho có mùi vô sản, và cũng vì bọn này có thành tích giết người hơn tất cả!
(2).Đảng cộng sản do trí thức con nhà tư sản, phong kiến mà lại kết tội tư sản,  phong kiến và trí thức như Marx, Engels, Lenin, Hồ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng , Pol Pot..Họ cũng trí thức, con nhà tư sản, phong kiến thì họ có quyền gì giết, bỏ tù các trí thức, các gia đình quan lại, các nhà tư sản,và  địa chủ ?
Hàng chục ngàn đảng viên cộng sản bi giết và thanh trừng trong CCRD và Chỉnh huấn đau phải là ngụy quân, ngụy quyền và tư bản bóc lột?

Khoảng một triệu người bị giết, tra tấn, tù đầy và vợ con họ cũng bị  trừng trị trong CCRD  thì họ có tội tình gì?Nhất là trong số đó có những tư sản dân tộc, tư sản cách mạng, và trung nông, bần nông bị đôn lên cho đủ chỉ tiêu 5% dân số, là "dấu tgranh giai cấp" ư?

Phan Khôi là một nho sĩ chống Cộng mặc dù vì hoàn cảnh ông phải sống với cộng sản. Ông gọi Hồ Chí Minh là "đồ chó đẻ" khi ông nói về " cây  cộng sản".

 " Có một thứ thực vật nữa cũng như sen Nhật bản, ở xứ ta trước kia không có mà bây giờ có rất nhiềụ Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy trong mấy tỉnh Việt Bắc, không chỗ nào là không có ".
Đầu tiên, Phan Khôi thấy nó rải rác mấy nơi ở tỉnh Phú Thọ, và nhiều nhất là ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nó mọc trên thị trấn bị ta phá hoại " như rừng, ken kít nhau ". Nơi gọi là Cỏ Bù-Xít vì nó có mùi hôi như con bọ xit', nơi gọi là Cây Cứt Lợn, nơi gọi là Cây Chó Đẻ. " Tên đều không nhã tí nào hết " thứ cây ấy những người có học không gọi bằng Cây Cứt Lợn dại, mà gọi bằng Cây Cộng sản. Phan Khôi bịa rằng trước kia xứ ta không có cây này (cứt lợn dại), người Pháp mang đến trồng ở các đồn điền cà phê, cao su, để che đất cho mát gốc. " Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931 đồng thời với Đông Dương Cộng sản đảng bắt đầu hoạt động, phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khữ được như thứ cây ấy cho nên bọn Tây đồn điền dặt tên nó là " herbe communiste ", đáng lẽ dịch là cỏ Cộng sản, nhưng nhiều người gọi là cây Cộng sản. Nó còn một tên nữa rất lạ..." Phan Khôi bịa ra rằng y gặp một ông già người Thổ: " Hởi ông tên nó là cây gì, ông nói tên ó là " Cỏ cụ Hồ ". Thứ cỏ này trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thấy thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường xá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy ". Tại sao Phan Khôi đem Cây Cứt Lợn, cũng gọi là Chó đẻ, là Bọ Xít, " toàn những tên không nhã tí nào hết " để gọi nó là Cây Cộng sản, và Cỏ cụ Hồ?
Ông thẳng thắn bảo Việt Nam không có giai cấp bóc lột, chủ tớ đều lao động như nhau, cùng chia cơm sẻ áo. Phan Khôi ghi lại đời sống của những người nuôi vịt, cách chăm, cách lấy trứng v.v... gọi theo tiếng miền Nam là "Cầm vit.". Cuộc sống phiêu lưu, nay ở vùng này mai ở vùng khác, chủ cũng như người làm công, đều làm lụng cực khổ như nhau, ăn uống có thịt gà như nhau, không có chi là phân biệt đối xử, không ai bóc lột ai cả.
"Tôi thấy làm cái nghề này tuy vất vả mà ăn ở như thế thì đầy đủ lắm, giữa chủ và bạn cũng không có chi khác nhau. Ông chủ nói rằng nếu không thế thì không thuê được người, chẳng những phải trả tiền thuê mỗi tháng mà cuối mùa còn phải chia hoa hồng cho anh em nữa, vì thế, tuy được lãi nhiều mà vào tay người chủ không còn mấy". Quả như thế, thì xã hội này, vấn đề đấu tranh giai cấp, quan hệ giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột, quan hệ giữa chủ và người làm công đặt ra cho có chuyện chăng? Chủ và khách quí và người làm công cùng ngồi uống chè Tân Cương, mua tận bên Thái, nói chuyện tự do mang sẵn gà theo để thay đổi thức ăn cho người làm công khỏi chán, chẳng những trả tiền công mỗi tháng mà cuối mùa còn chi hoa hồng cho người làm công: "Tuy được lãi nhiều mà vào tay người chủ không còn mấy"
( Hoàng Văn Chí chủ biên, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, Sài Gòn 1959, tr. 54.)
V. ĐẤU TRANH GIAI CẤP, TIÊU DIỆT TƯ BẢN, BÃI BỎ TƯ HỮU CÓ DIỆT ĐƯỢC GIAI CẤP BÓC LỘT, GIAI CẤP THỐNG TRỊ KHÔNG?

 Trong Tuyên ngôn của đảng Cộng Sản, Marx viết:
Muốn giữ vững chính quyền và xây dựng một xã hội mới không có bóc lột, giai cấp công nhân phải lập lên nhà nước của mình, đó là Nhà nước chuyên chính vô sản. 
Nhà nước vô sản dùng vũ lực đập tan sự phản kháng của giai cấp tư sản đã bị đánh đổ nhưng vẫn mưu toan cướp lại chính quyền, chuyên chính vô sản chủ trương đàn áp thiểu số bóc lột để phục vụ lợi ích của đại đa số cần lao. “Dựa vào nhà nước của mình, giai cấp công nhân tập hợp xung quanh mình tất cả tất cả những người lao động và xây dựng một xã hội mới không còn chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Không còn bóc lột, không còn các giai cấp đối địch nhau, một xã hội thực hiện được sự tiến triển mạnh mẽ của nền sản xuất xã hội và kết quả lao động dồi dào. Do đó, chuyên chính vô sản là cần thiết để đưa cuộc cách mạng vô sản đến đích, đưa cách mạng thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội”.
Làm sao mà có được xã hội không giai cấp, không còn bóc lột? Như Cộng sản lý luận, xã hội có hai giai cấp chính là giai cấp tư bản và giai cấp vô sản, giai cấp thống trị và giai cấp bị tri. Nhưng khi giai cấp vô sản cướp chính quyền, tiêu diệt giai cấp tư bản thì giai cấp vô sản đã thành giai cấp thống trị, còn giai cấp tư sản tụt xuống thành giai cấp bị trị, giai cấp nô lệ. Như vậy, sau cuộc " cách mạng", xã hội vẫn có hai giai cấp, không bao giờ san bằng được bất công. Tất cả chỉ là " dịch nô tái chủ". Cái việc  xây dựng một xã hội mới không có bóc lột là một hoang tưởng, một sai lầm nếu không là dối trá! Sau chính biến tháng 10 Nga, Lenin và đồng bọn trở thành giai cấp mới, tàn ác, xảo quyệt hơn thời Nga hoàng. Tài sản quốc gia lọt vào tay một thiểu số, dân chúng phải làm nô lệ trong cảnh đói rét và phải chết trong các nông trường, công trường và trại tập trung. Con số nạn nhân là hàng chục triệu!
Sau khi Đông Âu và Liên Xô tan vỡ, người ta thấy rõ các cung điện của các vua chúa cộng sản. Nay tại Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, dân chúng đói khổ, trong khi bọn cộng sản trở thành tư sản đỏ, có hàng tỷ mỹ kim trong các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Âu M; chúng , mua xe hơi triệu Mỹ kim, có cơ ngơi hàng triệu Mỹ kim tại Việt Nam và ngoại quốc. Cha con, vợ chồng, anh em cộng sản gộc nắm độc quyền kinh tế, chính trị trong nước.  Cộng sản hô hào diệt trừ tư hữu và xoá bất công xã hội nhưng chính cộng sản ngày nay công khai cướp tài sản nhân dân và quốc gia, bán nước,hại dân. Tài sản quốc gia trở thành quốc doanh là mồi béo bỡ cho gian tham, trộm cướp. Đảng cộng sản ngày nay với chính sách độc quyền kinh tế, chính trị, và chính sách khủng bố cướp bóc chính là đại họa của dân tộc Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn...

Trần Đức Thảo nói  Cộng sản không xóa được giai cấp, không san bằng bất công xã hội. Cộng sản trở thành giai cấp thống trị, giai cấp bóc lột, thành tư sản đỏ.

"Kết quả là con người trong công cuộc đấu tranh giai cấp, khi kết thúc, thì nó đã không hề được giải phóng! Đau đớn hơn hết là trong thực tại, con người lao động vẫn còn bị bóc lột. Trong xã hội mới này, thành phần công nông vẫn chỉ là thành phần thiệt thời nhất!
Kết quả là “thế giới đại đồng” ấy đã không hiển hiện trong một chế độ xã hội chủ nghĩa nào cả. Sau này thì “cuộc cách mạng long trời lở đất ấy” đã lộ ra cái bản chất vừa ngu tín, vừa cuồng tín! Và bộ mặt thật của ý thức hệ ấy là đã dụng cụ hoá, đã nô lệ hoá con người bởi đủ thứ kim kẹp, giam hãm, tuyên truyền xảo trá, chứ chẳng phải là đã giải phóng con người! Con người lao động đã chẳng hề được làm chủ, kể ca làm chủ bản thân minh. Vì mình cũng là của… “đảng”!
Vì trong thực tại của xã hội chủ nghĩa mới, vẫn còn giai cấp bóc lột. Đó là giai cấp chuyên chính, chuyên quyền của đáng cộng sản cầm quyền! Đó là giai cấp tư sản đỏ phát, sinh từ tinh thần vô sản vùng lên đấu tranh cướp lại quyền lực trong tay giai cấp tư sản thống trị! Lớp người vô sản vùng lên cướp đoạt chính quyền, đồng thời nó cũng đã cướp đoạt tài sản của giai cấp tư sản để tự nó trở thành một nhà nước tham lam sở hữu toàn bộ đất đai, toàn bộ tư liệu sản xuất, nắm toàn bộ guồng máy quản lý xã hội, vừa nặng tính chuyên quyền, vừa toàn quyền lũng đoạn kinh tế! Trước mắt giờ đây, là một nhà nước tư bản đỏ độc quyền bóc lột kiểu mới, mang danh hiệu là “chế độ dân chủ nhân dân”, được quảng bá là “dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư sản”! Mà rồi mãi sau này người ta đặt cho chế độ ấy, cho thời ấy một cái tên có tính khinh thị là “Chế độ bao cấp! Thời bao cấp”.
Đặc biệt là ngay ở trong chế độ “vô sản” mới này, con người vô sản ở khắp nơi, đều tỏ ra vẫn giữ nguyên bản năng hữu sản! Họ gậm nhấm, xâm chiếm của công, cướp đoạt tài sản của tập thể, của kẻ yếu, cướp đoạt đất đai của nông dân… làm của riêng. Tư hữu kiểu cũ đo làm ăn cần cù, do tích luỹ lâu dài mà có được, này đã bị xoá bỏ. Thay thế nó nay là tư hữu kiểu mới do chiếm đoạt bằng chữ ký của quyền lực, hoặc do móc ngoặc với quyền lực. Con người vô sản cầm quyền nay tha hồ bòn mót của công, cướp đoạt của tư, để tạo cho minh một tài sản vừa nhiều, vừa nhanh! Vì cái gì cũng là của chung, đặc biệt là “đất đai là sở hữu của toàn dân”, nên ai cũng nghĩ rằng toàn dân có quyền nhúng tay vào cái sở hữu chung ấy! Bởi là của chung nên, trong thực tế, nó không được bảo vệ như của riêng. Rừng, núi, sông ngòi, ao hồ… bị con người mới trong xã hội vô sản mới ấy phá phách, lấn chiếm vô tội vạ! Con người vô sản đã tỏ ra là con người tham lam, phá phách, gậm nhấm, xâm chiếm những gì là của chung bất kể luật pháp! Vì là của chung nên ai cũng nghĩ là mình cũng có quyền xâm phạm, nhưng không thấy ai có nhiệm vụ phải bảo vệ, bảo trì! Trong thực tế trước mắt, con người, vô sản có quyền hành, luôn luôn phấn đấu để chiếm hữu một cách rất tự nhiên của cải của xã hội, đã trở thành nhà tư sản kiểu mới. Đấy là thứ tư sản đỏ, do tham nhũng, do hối mại quyền thế mà có: họ chia chác tài sản tập thể của xã hội cho gia định, họ hàng, cho đồng chí, đảng viên, bằng chữ ký của quyền lực trong tay họ!
Khi thấy của công, của tập thể bị xâm phạm, người ta không có phản ứng quyết liệt và nghiêm chỉnh như khi thấy sự xâm phạm của tư! Thói thường của xã hội, và nay đã thành một thứ tư duy phổ biến, một suy nghĩ tự nhiên rằng “lấy của tập thể, lấy của nhà nước không phải là ăn cắp”! Vì đấy là của chung!
Marx đã không ngờ rằng một giai cấp tư bản đỏ sẽ ra đời ngay trong xã hội xã hội chủ nghĩa như thế. Giai cấp tư bản độ ấy đã phát triển một cách lộng hành, nó xâm chiếm, do cướp đoạt vừa nhiều, vừa trắng trợn, gấp bội lần thứ tư bản tư sản cổ điển! Một điều khủng khiếp nữa mà Marx không thể ngờ là bởi tham lam quyền lực và quyền lợi, chính các lãnh đạo trong “đảng”, cũng đã trắng trợn triệt hạ nhau, quy chụp cho nhau những tội lỗi tày trời để diệt nhau, để tranh nhau địa vị, để được sống đế vương trên đầu nhân dân, để rồi tìm cách truyền ngôi, truyền gia tài cho con cái!
Thực tại cho thấy trong xã hội mới “xã hội chủ nghĩa”, các phe cánh vô sản kình chống nhau. Trong khi đó, giai cấp công nông vẫn còn bị bóc lột, thật là trái ngược với biện chứng và hứa hẹn của Marx! Và kẻ bóc lột đây lại là những người của “đảng”, của nhà nước, một nhà nước nắm toàn bộ vốn liếng, tư liệu sản xuất và mọi hình thức sinh hoạt khác trong xã hội, nhất là về mặt kinh tế! Trong thực tế, tất cả mọi thứ, từ đất đai cho đền con người, tất cả đều là “của đảng”! Các cá nhân, hội đoàn, các thành viên của nhà nước, các định chế như toà án, viện kiểm soát, các tổ chức tập thể… tất cả đều phải thề trung thành với “đảng”! Trong chế độ vô sản nay có một ông chủ toàn quyền, toàn năng! Bởi nay “đảng” là ông chủ lớn nhất, duy nhất, sở hữu tất cả, từ vật chất tới tinh thần! “Đảng” đứng trên hết mọi quyền lực, trên cả công lý! Và ”đảng” tự tuyên xưng “đảng” là nhân dân! Những ai chống lại “đảng” là chống lại nhân dân! Cụm từ “nhân dân” từ đây là nhãn hiệu độc quyền của nhà nước cộng sản!
“Đàng” còn ngang nhiên tuyên bố: “Yêu xã hội chủ nghĩa là yêu nước”
Quan sát những hiện tượng đã xảy ra trước mắt, ngay tại Hà Nội sau nhất là tại Sài Gòn sau năm 1975, là nhũng nơi chế độ tư bản, tư hữu kiểu cũ đã bị đánh gục bằng bạo lực cách mạng, người dân bừng tỉnh, và kinh ngạc trước hiện tượng phát sinh và bành trướng một tư bản đỏ: chưa bao giờ thấy xuất hiện những đảng viên cao cấp, cùng phe cánh, đã trở thành những nhà giàu mới, vơ vét nhiều và nhanh đến thế. Những cơ ngơi bất động sản không lồ đã lọt vào tay “giai cấp tư sản đỏ”, nó thống trị một cách trắng trợn, như chưa từng thấy ở đất nước nghèo nàn, lạc hậu này. Mà những cơ ngơi và vốn liếng của giai cấp mới ấy đã được đánh giá hàng bao nhiêu tỉ đô-la Mỹ! [....]. Ý thức “đấu tranh giai cấp” là cái gốc của mọi sai lầm, cái gốc của mọi hành động quá trớn, cái gốc của bế tắc. Vì đấu tranh giai cấp để xoá bỏ giai cấp bóc lột, nhưng rồi lại nảy sinh một giai cấp bóc lột mới. Chính cái học thuyết; cái ý thức “đấu tranh giai cấp” ấy đã dẫn tới tình trạng con người vẫn bị bóc lột. Và con người không hề được “cách mạng” giải phóng.

Ỷ thức đã sai vì nó kìm kẹp con người, dụng cụ hoá con người. Con người mới” ấy đã bị chủ nghĩa cuồng tín (fenatisme) và chủ nghĩa ngu tín (obscurantisme) xỏ mũi lôi vào con đường của giáo điều, theo một thứ “tín ngưỡng cộng sản… Vì thế trên đường đấu tranh giai cấp để đi tới tương lai và hạnh phúc, nhưng cứ đi hoài mà không bao giờ tới đích! Đấy là thảm kịch lớn nhất của thế kỷ XX, tức là của chính chúng ta. Tác giả của học thuyết, của ý thức hệ ấy chính là ông Marx. Chính Marx là thủ phạm đã gây ra mọi sai lầm và tội ác!(Tri Vũ. Ch.XIV)

Trần Đức Thảo đã hé lộ tâm tư với Tri Vũ, với nhân dân ta và thế giới , và đoạn văn này là một bia văn khác trên núi đá vcho hiện tại và hậu thề nghiền ngẫm:

 Dẹp bỏ giai cấp mà vẫn còn giai cấp! Dẹp bỏ bóc lột này thì lại mọc ra thứ bóc lột khác, tàn nhẫn hơn, kinh khủng hơn bao giờ! Bởi sự bùng phát tư bản đỏ là một tội hình của “đảng”, phát xuất từ gợi ý của Marx. Mà “đảng” sai thì bất trị, không có một cơ chế nào hay một đạo luật nào trừng trị được “đảng”. Nay người ta nói tới tư bản chủ nghĩa man rợ, nhưng người ta quên rằng cái gốc của nó, chính là do cái xã hội chủ nghĩa ấy, là do cái ý thức thô bạo của “đấu tranh giai cấp” ấy!
VI. MỤC ĐÍCH CỦA CHỦ TRƯƠNG GIAI CẤP ĐẤU TRANH

Mục đích chính là lợi dụng giai cấp công nông để cướp chính quyền và nắm chính quyền. Vì đường lối này, cộng sản Việt Nam, Trung Quốc đã  đánh đuổi, đấu tố "trí phú địa hào" và đưa nông dân lên nắm chính quyền các cấp xã thôn, bộ viện và trung ương mặc dầu tuyệt đại đa số là ngu dốt và tàn ác.
Mục đích thứ hai với danh nghĩa diệt trừ giai cấp tư sản, cộng sản giết người cướp của. đuổi không có quy định rõ rệt ai là tư sản, là địa chủ, chúng rất vô lý khi đặt ra tiêu chuẩn là xã thôn có bao nhiều bần cố là có bấy nhiêu địa chủ (Nguyễn Văn Trấn, 167) ...Chúng đã bắt nông dân nghèo mang tội địa chủ, tư sản...Cuộc chém giết, bỏ tù, trừng phạt là một cuộc khủng bố làm cho toàn dân sợ hãi mà cúi đầu làm nô lệ.
Mục đich thứ ba là cướp tài sản nhân dân. Ban đầu chúng chia ruộng đất cho nông dân nhưng sau chúng tịch thu tất cả ruộng đất và bắt mọi người vào tập đoàn, nghĩa là làm nô lệ cho cộng sản. Tại Liên Xô, Trung Quốc, CCRĐ, cải tạo công thương nghiệp, bài trừ văn hóa đồi trụy là cướp vàng bạc, tiền của, ruộng đất, cơ xưởng, xí nghiệp của nhân dân để làm giàu cho các ông vua cộng sản. Tài sản toàn quốc bấy giờ tập trung vào tay các cộng sản gộc, họ tha hồ bỏ túi, tha hồ chi tiêu, không sợ  cơ quan nào kiểm tra, báo chí phê bình, đảng phái khác chống đối. Cộng sản độc tài một mình một chợ tha hồ bóc lột, cướp bóc. Cộng sản trở thành một đại tư bản không một tư bản nào ở Âu Mỹ địch kịp.
Mục đích thứ tư là phá vỡ truyền thống tương thân tương trợ, nhân nghĩa, bác ái của nhân dân ta,  tạo ra cảnh chia rẽ hận thù trong chính sách gây căm thù và chia để trị của cộng sản. 
Ngoài ra Marx còn có âm mưu sâu độc khác. Đó là bơm ma túy vào lũ chó săn để chúng điên cuồng  đuổi bắt, cắn xé hưu nai theo lệnh chủ nhân. Và chủ trương này cũng để gây chia rẽ, tàn sát trong khối đoàn kết dân tộc  làm lợi cho cộng sản.

Tóm lại, đấu tranh giai cấp là một chính sách lừa bịp công nông và toàn dân, rốt cuộc  cộng sản nắm quyền bính, bắt toàn dân làm nô lệ, giai cấp công nông đã nghèo lại nghèo hơn, tài sản quốc gia   lọt vào tay bọn độc tài gian tham tàn ác mệnh danh là đảng cộng sản .Thảm kịch này còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong các tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Chí Thiện, Vũ Thư Hiên, Dương Thu Hương, Tô Hoài, Nguyễn Văn Trấn , Lê  Lựu,  Nguyễn Khoa Đăng.. .
Trong "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội", Nguyễn Văn Châu, cán bộ khu 5 đã đi học Bắc Kinh về nói: Đấu tố như vậy rốt cuộc được cái gì! Được ái nát tan tình nghïa làng xóm (169).  Bùi Công TrØng nhÆn ÇÎnh vŠ cäi cách ru¶ng ÇÃt nhÜ sau: Cải cách ruộng đất đem lại cho người nông dân Bắc Bộ một khoảnh đất con chó nằm còn ló đuôi ra ngoài ( 229). Thảm thương thay cho số phận nông dân Việt Nam. Một mảnh đất đất không bằng cái ổ chó cũng bị tịch thu, và khoảng năm 2000 người dân còn bị cướp nhà cướp dất!

Nói tóm lại, chủ trương đấu tranh giai cấp là một sự dối trá vĩ đại, một tội ác kinh hoàng và ghê tởm của bọn cộng sản mà khởi đầu từ Karl Marx.
Theo Trần Đức Thảo, Marx đưa ra thuyết "đấu tranh giai cấp" để lừa dối, khuynh loát quốc gia và khủng bố nhân loại. Đấu tranh giai cấp là dùng Bạo lực và hận thù để nắm quyền, để xiết cổ dân chúng.
Vì chính trị và chiến tranh cách mạng là cơ hội thao túng của quỷ. Quỷ nó quậy trong đầu những người nắm quyền lực để làm chính trị, làm chiến tranh. Quỷ lộng hành vì không cơ chế nào kiểm soát được nó! Nó bảo đảm với con người chính trị, con người chiến tranh là mau trí của nó sẽ mang lại chiến thắng để tồn tại lâu dài. Bi kịch của ta là do nó đã tạo ra niềm tin tất thắng khi tận dụng bạo lực và hận thủ! Chính cái niềm tin tất thắng ấy đã đầy đoạ con người, đã xoá đi tính nhân bản trong chính sách! có lúc phải mở chiến tranh, như để giành độc lập, là đúng.  (Ch. XIII)
 Sự tàn ác và dối trá của cộng sản trong cuộc đấu tranh giai cấp của cộng sản ở Việt Nam là những minh chứng cụ thể.
Cái vô lý nhất là Việt Cộng theo lệnh Trung Cộng kết tội 5% nhân dân là địa chủ. Vì vậy số dân nghèo, có khi là bần nông bị kích lên làm địa chủ. Theo phương pháp tính toán khoa học nào để đi đến kết luân 5% dân chúng là địa chủ. Nhiều nơi hăng tiết vịt tăng số địa chủ lên  5-7%.
Cộng sản dấu diếm, bưng bít nên ta khó biết rõ con số nạn nhân CCRD.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, số lượng người bị giết dao động khá lớn: -Theo Wikipedia, tổng số người bị quy trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172.008 người; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66% Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều nông dân trong tầng lớp trung nông đã bị đấu tố là địa chủ và việc đấu tố oan là do "bị địch lũng đoạn".  -Theo tuần báo Time ngày 1 tháng 7 năm 1957 thì khoảng 15.000 người bị xử tử.
-Theo Gareth Porter: từ 800 đến 2.500;
-Theo Edwin E. Moise (sau một công cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn): vào khoảng 5.000;
-Theo giáo sư sử học James P. Harrison: vào khoảng 1.500 cộng với 1.500 bị cầm tù.
-Theo soạn giả Arthur Dommen thì cho rằng tính đến năm 1956 có khoảng 32.000 người bị hành hình trong vụ cải cách ruộng đất.
Đài RFA cho biết: Năm 1956 cũng là năm mà Việt Cộng công khai lên tiếng nhận sai sót trong quá trình thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, rồi thực hiện một số biện pháp kỷ luật và tiến hành sửa sai. Bản thống kê chính thức cho biết là trong số 172.008 ngừơi bị quy là địa chủ và phú nông trong cải cách ruộng đất thì 123.266 người bị quy sai, tức là bị oan. Tính theo tỷ lệ là 71,66%. Có lẽ chưa bao giờ và ở đâu tỷ lệ giữa số bị oan và nạn nhân lại cao đến như thế…”

- Michel Tauriac, nhà văn người Pháp đưa ra 500.000 Con số nầy cũng hợp lý nếu kể cả người bị giết, bị chết trong tù, bị chết sau khi thả ra và tự tử” (Wikipedia tiếng Việt online ngày 19-5-2006)
Theo sách Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội năm 2004, tức là một tài liệu mới của nhà cầm quyền Hà Nội, cho biết cuộc CCRĐ đợt 5 (1955-1956) được thực hiện ở 3,563 xã, có khoảng 10 triệu dân, và tổng số người bị sát hại trong CCRĐ đợt nầy lên đến 172,008 người, trong đó có 123, 266 người (71,66%) sau nầy được xác nhận đã bị giết oan.
Trần Đức Thảo cũng cho biết việc " đấu tranh giai cấp" là cuộc chiến không hồi kết giữa cộng sản với nhau và giữa cộng sản và nhân dân. Tác phẩm "Vấn Đề Con Người và Chủ Nghĩa Lý Luận Không có Con Người " là một tiến bộ của Trần Đức Thảo. Ông chỉ trích chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa "không có con người." Dù bênh Marx, Trần Đức Thảo đưa ra những sai lầm trầm trọng của cộng sản hiện đại.
1. Cộng sản coi một số người là kẻ thù giai cấp, coi họ không còn là con người.Ông phê phán quan điểm giai cấp của cộng sản là lối lý luận ''không con người'' nghĩa là lối lý luận bất nhân:Quan điểm giai cấp là hoàn toàn đúng và căn bản. Nhưng nếu tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp, tựa hồ như ngoài giai cấp thì không còn gì nữa, tức là phủ định con người theo nghĩa chung của loài, phủ định con ngừơi nói chung (122).Ông cho rằng chỉ có lối lý luận ''có con người'' hay chủ nghĩa nhân đạo mới giải phóng con người. Ông viết:Trong tình cảnh như thế thì chỉ có danh nghĩa con người, là có thể bảo đảm cho người bị quy oan một chỗ đứng tối thiểu để tự thanh minh. Bất cứ người nào cũng là một con người. Và không ai có thể tước đoạt cái định nghĩa ấy của bất kỳ ai (122)
2.Trong chế độ cộng sản, chữ ''giai cấp'' hay ''kẻ thù của giai cấp'' được dùng tùy tiện. Cộng sản lợi dụng từ '' giai cấp'' và dùng các danh từ '' phản động'', ''kẻ thù giai cấp'' để chụp mũ những ai mà họ không ưa thích, ngay cả đồng chí họ. Stalin giết Trotsky, Mao giết Lâm Bưu, Lưu Thiếu Kỳ, bỏ tù Đặng Tiểu Bình và gán cho họ tội đi theo tư bản chủ nghĩa, là kẻ thù của giai cấp. Trần Đức Thảo đã đưa ra một thí dụ:Ví dụ trong một cơ quan, một cán bô không đồng ý với thủ trưởng, và do một số điều kiện hay sự kiện nào đãy thì sự bất đồng phát triển thành mâu thuẫn nghiêm trọng, đối kháng gay gắt. Thế là thủ trưởng nói:'' Anh không nghe tôi, tức là anh không chịu quyền lãnh đạo của đảng. Tức là anh không cộng nhận quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Như thế là anh chống nhân dân [..]. Anh chống nhân dân, tức là anh là kẻ thù của nhân dân (123)
3.. Ông đề cao chủ nghĩa dân tộc, phê phán sai lầm của chủ nghĩa giai cấp. Ông viết:Dân tộc là môt cộng đồng lịch sử (145). Quan hệ dân tộc là một hình thái mở rộng quan hệ bộ lạc trên phạm vi đất nước và cộng đồng dân tộc. Quan hệ bộ lạc là phát xuất từ lao động sản xuất và hợp tác trên một bình diện tương đối rộng. . . (147)Lý luận của Althusser và Trần Đức Thảo cho ta thấy tư tưởng Marx đã gây ra những tai hại trong tư tưởng cũng như hành động của những người cộng sản. Đó là một hệ thông phi nhân bản, không có tính người và tình người.

 Trước  1945  cho đến khi về Việt Nam, bị bắt đi chăn bò, bị sa thải, Trần Đức Thảo vẫn say mê mùi mắm tôm  của chủ nghĩa Marx.  Vào năm 1946, Trần Đức Thảo đưa ra một tiểu luận in trong Revue Internationale nhan đề "Chủ nghĩa Mác và hiện tượng luận" khởi thảo việc nghiên cứu đối chiếu và phê phán, và năm 1951, trong "Hiện tượng luận và chủ nghïa duy vật biện chứng", Trần Đức Thảo xác quyết: Chủ nghïa Mác cho chúng ta giải pháp duy nhất có thể quan niệm được về những vấn đề mà chính hiện tượng luận đề ra (tr.5).Trong Chû Nghïa Hiện Sinh và Duy Vật Biện Chứng Pháp, ông ca tụng vai trò cûa vô sän trong cuộc đấu tranh giai cấp: Điều đáng để ý nữa là nhận định rằng các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học chưa bao giờ trông cậy vào loại luận cứ lý thuyết để mộ quân cho chính nghĩa của giai cấp vô sản. Người ta có thể nói rằng thế giới tư sản là một thế giới tha hoá, rằng ở đó cả nhà tư sản lẫn người vô sản đều bị huyễn hoặc, lừa phỉnh. Thứ luận cứ này chỉ có thể mang tới một sự dấn thân cửa miệng, và kinh nghiệm cho ta thấy với một sự đều đặn đáng kể, rằng nó cũng sẽ chỉ dẫn đến sự phản bội lúc phải hành động quyết liệt. Một giá trị chỉ được đảm nhận thực hiệu nếu nó nảy ra từ hoàn cảnh thực hiệu. Giai cấp vô sản sẽ được tăng cường, không phải nhờ những cuộc đàm luận trí thức, mà qua một sự kiện khách quan thiết yếu cho sự tiến hoá của xã hội tư bản : sự vô sản hoá các giai tầng trung lưu. (Phạm Trọng Luật dịch)<http://www.viet-studies.org/TDThao

 Tác phẩm "Vấn Đề Con Người và Chủ Nghĩa Lý Luận Không Có Con Người (Le Problème de l'Homme et l'Antihumanisme Théorique] (1988). In lần thứ hai có viết thêm. Saigon: Nxb TP Hồ Chí Minh, 1989.là một tiến bộ nhưng con người vượn Trần Đức Thảo vẫn còn cái đuôi dài mang  dấu ấn  Marx. Trong quyển sách này, ông chỉ trích Marx nhưng ông nói:" Quan điểm giai cấp là hoàn toàn đúng và căn bản ".(tr.122)

Đến cuối đời, Trần Đức Thảo mới thật sự cởi bỏ xich xiềng của chủ nghĩa Marx. Tử thực tế bản thân ông và xã hội Việt Nam, ông cay đắng thú nhân lúc trẻ ông đã tôn thờ Marx, cố đấm ăn xôi chạy về Việt Nam dù ông Hồ ghẻ lạnh , rốt cuộc một triết gia Marxist lừng danh đã bị ông Hồ hóa phép thần thông biến thành một thằng chăn bò ở Ba Vì, và một " thằng bù nhìn giữa ruộng dưa "!Từ thực trạng Việt Nam, Trần Đức Thảo đã hiểu thấu chủ nghĩa cộng sản man rợ khắp hoàn cầu. Ông kết tội  Marx, Lenin, Stalin, Mao.....

 Từ khái niệm thế giới đại đồng tốt đẹp theo dự báo, do mong ước ấy, Marx đã biến nó thành ý thức cách mạng đấu tranh giai cấp, để hành động, để đạt tới thắng lợi, để xoá bỏ giai cấp bóc lột, để hoàn thành một xã hội không còn giai cấp! Viễn ảnh quá đẹp ấy là một kinh nghiệm ảo, một ý niệm siêu hình của một thứ thiên đường ảo chưa hề có trên trải đất. Trong mô hình ảo ấy, giới công nông được giải phóng, được làm chủ chính mình. Từ kinh nghiệm ảo mơ ước ấy, Lenin khai triển một chủ nghĩa xã hội mới, bằng cách khơi dậy hận thù giai cấp để đem động lực đấu tranh của giai cấp vô sản, làm đòn bẩy để hoàn thành cuộc cách mạng tạo ra sự đổi đời với một hệ thống giá trị mới của giai cấp công nông! Với một đảng cầm quyền “là đại diện cho giai cấp công nông”, tức là “đảng cộng sản”. Vậy là cách mạng đạt tới một chế độ mới, một nhà nước mới theo một chủ nghĩa xã hội mới. Trong chế độ mới ấy, “sẽ” không còn cảnh người bóc lột người vì quyền tư hữu đã bị bãi bỏ, thay thế nó bằng quyền sở hữu tập thể. Đặc điểm là tập thể sở hữu tư liệu sản xuất! Nghe lý luận như công nông nào mà không mê.[...].. Biến khái niệm, biến học thuyết “đấu tranh giai cấp” chống bóc lột thành ý thức cách mạng. Lấy hận thù giai cấp làm nền tảng phát động một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn cầu. Đấy là một phát minh ý thức hệ vô cùng sắc bén và tinh vi! Bởi nó có một sức bùng phát phi thường, nhờ đánh thức dậy trong con người bản năng bạo lực của thời còn là muông thú, khi khơi dậy tâm lý hận thù! Lý thuyết cách mạng hay hận thù giai cấp làm động lực, lấy ý chí tiêu, diệt giai cấp bóc lột làm vũ khí! Không cần lý luận sâu xa, chỉ nghe sơ qua lý thuyết ấy, bất cứ người dân cùng khổ nào cũng tin như thế là đúng, như thế là sẽ thắng, sẽ là đại thắng!
Với niềm tin tất thắng, ai cũng có thể tưởng tượng ra đủ thứ kết quả tốt đẹp… Để rồi cuồng tín đến độ sùng bái ý thức hệ ấy như là một thứ thánh kinh, “đảng” trở thành linh hồn của cách mạng, là “hội thán”, lãnh tụ là vị giáo hoàng! Khát vọng phát triển cuộc cách mạng xã hội theo ý thức hệ ấy làm cho con người sẵn sàng hi sinh tất cả cho nó! Vì nó!
Thế nhưng cho tới nay, những ai đã từng sống cả cuộc đời trong sự vận hành cách mạng do Lenin phát động, do Stalin triệt để khai thác, do Mao hò hét vận động… đều đã thấy rõ kết quả tồi tệ của một tổ chức mang danh “đảng của giai cấp công nông”, là một nhà nước chuyên chính vô sản cầm quyền… Tất cả mọi người đã được thấy tận mắt, đã được tận tay tham dự vào công cuộc xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” là như thế nào! Thực tế là tất cả đã nhận ra một cách khách quan và đau đớn rằng việc xay dựng xã hội mới ấy gây ra quá nhiều vấp váp, phạm quá nhiều tội ác, vì đã trắng trợn dẫm lên quyền sống của con người, đã trói buộc, giam hãm con người. Kết quả là con người trong công cuộc đấu tranh giai cấp, khi kết thúc, thì nó đã không hề được giải phóng! Đau đớn hơn hết là trong thực tại, con người lao động vẫn còn bị bóc lột. Trong xã hội mới này, thành phần công nông vẫn chỉ là thành phần thiệt thời nhất!
Kết quả là “thế giới đại đồng” ấy đã không hiển hiện trong một chế độ xã hội chủ nghĩa nào cả. Sau này thì “cuộc cách mạng long trời lở đất ấy” đã lộ ra cái bản chất vừa ngu tín, vừa cuồng tín! Và bộ mặt thật của ý thức hệ ấy là đã dụng cụ hoá, đã nô lệ hoá con người bởi đủ thứ kim kẹp, giam hãm, tuyên truyền xảo trá, chứ chẳng phải là đã giải phóng con người! Con người lao động đã chẳng hề được làm chủ, kể ca làm chủ bản thân minh. Vì mình cũng là của… “đảng”!
Vì trong thực tại của xã hội chủ nghĩa mới, vẫn còn giai cấp bóc lột. Đó là giai cấp chuyên chính, chuyên quyền của đáng cộng sản cầm quyền! Đó là giai cấp tư sản đỏ phát, sinh từ tinh thần vô sản vùng lên đấu tranh cướp lại quyền lực trong tay giai cấp tư sản thống trị! Lớp người vô sản vùng lên cướp đoạt chính quyền, đồng thời nó cũng đã cướp đoạt tài sản của giai cấp tư sản để tự nó trở thành một nhà nước tham lam sở hữu toàn bộ đất đai, toàn bộ tư liệu sản xuất, nắm toàn bộ guồng máy quản lý xã hội, vừa nặng tính chuyên quyền, vừa toàn quyền lũng đoạn kinh tế! Trước mắt giờ đây, là một nhà nước tư bản đỏ độc quyền bóc lột kiểu mới, mang danh hiệu là “chế độ dân chủ nhân dân”, được quảng bá là “dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư sản”!...

 Ông đưa ra nhiều thủ phạm nhưng ông tuyên án Marx là chánh phạm, kẻ đã đưa ra cghủ trương đấu tranh giai cấp:

Xét cho cùng thì thủ phạm, gây sai lầm cơ bản ấy không phải là Lenin, không phải Stalihe, hay là Mao. Cũng không phải là Pol Pot… vì tất cả những nhà “lãnh đạo dân tộc” ấy, đều do ý thức hệ mác-xít dẫn lối, do “đảng” nhào nặn ra… tất cả đều do một “thiện ý”(!) muốn xây dựng một xã hội không giai cấp như Marx đã chỉ ra, để cho loài người được hưởng thứ thiên đường không giai cấp của giới vô sản trên trái đất!
Phải thẳng thắn mà ghi nhận rằng cho tới nay, chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất đã thực hiện được đúng một hình thức xã hội không giai cấp mà Marx mơ ước. Đó là một chế độ vô sản, một xã hội không có tư hữu, không có tiền tệ để đừng làm dụng cụ bóc lột. Đó chính là cuộc cách mạng mà Pol Pot đã xây dựng tại Campuchia, sau năm 1970. Trong suốt những năm tồn tại của chế độ Pol Pot, các chế độ xã hội chủ nghĩa khác đã im lặng đồng tình, đồng ý, vì tin là trong chế độ Pol Pot ấy thật sự là chỉ có giai cấp vô sản. Vì thế lúc ấy, không một nước xã hội chủ nghĩa nào đã dám lên tiếng phê phán, bắt bẻ để phản biện lại cuộc cách mạng của Pol Pot! Kể cả Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc đã ủng hộ nó triệt để, và cả Việt Nam cũng đã nhìn nhận chế độ ấy! Tất cả khối xã hội chủ nghĩa và nhiều nước trên thế giới, kể cả Liên Hiệp Quốc, cũng đã nhìn nhận chế độ của Pol Pot, trong suốt mấy năm nó tồn tậi! Đấy là một thử nghiệm cụ thể cao nhất của tư lưởng Marx trong công cuộc cách mạng vô sản. Nhưng…Nhưng cho tới cuối năm 1977, khi Pol Pot bắt đầu công khai gây căm thù mang tính chủng tộc với Việt Nam, coi người Việt là kẻ thù của người Khmer, và bắt đầu thực thi chính sách phân biệt chủng tộc để bài xích, rồi sau là gây xung đột ở biên giới với Việt Nam, thì chính quyền xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội mới xua quân đánh chiếm thủ đô Phnom Penh, và áp đặt ở đó một chế độ xã hội chủ nghĩa theo kiểu thông thường của khối “xã hội chủ nghĩa”, mà ở đó vẫn còn mâu thuẫn giai cấp, vẫn còn mầm mống tư sản bóc lột… Lúc đó người ta mới dám phát giác chế độ Khmer đỏ của Pol Pot là chế độ diệt chủng đẫm máu. Dù sao thì đấy cũng là chế độ thuần tuý vô sản duy nhất đã thành hình trên trái đất! Tuy nó đã là một chế độ của tội ác không thể tha thứ!
Thủ phạm, kẻ gợi ý, kẻ chuyển lửa của niềm tin đấu tranh giai cấp cho các nhà lãnh đạo, trong: đó có cả Poi Pot, để đi vào con đường cuồng tín đến đẫm máu ấy chính là Marx! Lời tiên tri sẽ “xoá bỏ giai cấp” của Marx đã mê hoặc nhiều thế hệ. Và họ đã lao mình vào tội ác! Tại những nước đã có chính quyền vô sản triệt để “của giai cấp công nông” (Sự thực là của “đảng” cầm quyền, của nhà nước do đảng cộng sản nắm giữ), chính giai cấp công nông trung thực, tại các chế độ ấy đã bị bóc lột và đàn áp một cách vô tội vạ! Vì đã không còn được ai bảo vệ, nên giai cấp công nông đã ngậm ngùi, nguyền rủa Marx, coi Marx là một nhà tiên tri khốn nạn, đã lừa đảo, lấy cái khát vọng thế giới đại đồng không có bóc lột làm bả lừa dối công nông!(Ch.XIV)

Nhìn vào chiến tranh Việt Nam khi kết thúc, cộng sản chiếm đoạt, tàn sát, dân chúng bị giết, bị tù đày mà phải bỏ nước ra đi. Những hành trình bi thảm đó  đều do "đấu tranh giai cấp". Ông nói :
 Người ta bỏ đi vì họ không muốn bị hi sinh, mà là họ muốn tìm tự do hạnh phúc, ở nơi công an không canh chừng dân chúng như canh tù, không làm khổ nhân dân vì thủ đoạn vu khống, chụp mũ. Phải biết rằng: chỉ có quỷ mới kiêu căng, mới vui khi làm khổ, làm nhục con người. Kẻ vênh váo, cảm thấy vui khi làm khổ, làm nhục con người thì không phải là người mà là quỷ, là kẻ bị con quý quyền lực nó ám trong đấu. Mà quỷ ấy là ai? Là gì? Quỷ ấy là thứ đầu óc đầy ý đồ gian xảo, hung bạo của quyền lực. Quỷ ấy là ý thức đấu tranh giai cấp, là thứ cuồng tín của bạo lực và hận thù, là những khái niệm sai trái, độc ác ở trong đầu con người, nó thúc đẩy con ngườì lao vào đam mê tìm thắng lợi bằng mọi thủ đoạn của tội ác, bằng đủ thứ quỷ kế, để mưu đồ cùng cố cho chế độ độc tài, độc đảng. Những vinh quang độc tài, độc đảng ấy đều là phù phiếm, vì chúng đã làm khổ con người! 
 (Ch.XIV)[...]. Vả lại, chính lãnh tụ các đảng cộng sản cầm quyền, cũng sống theo băn năng của những con người đại tư sản, với sự hưởng thụ những đặc quyền, đặc lợi. Họ dẫm lên chủ nghĩa tập thể mà sống, nhưng họ bắt dân phải tôn thờ chủ nghĩa ấy! Tư duy cách mạng đâu phải là làm như vậy? Vô sản gì cái lũ gian dối, tham lam ấy! Công nông gì cái lũ cán bộ mang ban chất nhà giàu kếch sù, ưa sống xa hoa hỗn xược ấy! Chúng chỉ là những tay chính trị gian tà quý quái, tận dùng thủ đoạn dối trá, đội lốt công nông, để giữ chuyên quyền chính trị cho phe, cho “đảng” và cho chính chúng mà thôi.[...].Phát động hận thù giai cấp là đã đẩy lùi còn người trở về với bản năng muông thú, phải cắn nhau để giành ăn ở thời nguyên thuỷ, dù là nói “để tạo niềm tin tất thắng”! Lý thuyết đấu tranh giai cấp ấy trong thực té là một sự phản tiến bộ, phản văn minh, văn hoá.[...]..Nay tối thấy phải can đảm, phải khách quan mà phân tích kỹ lại tất cả, qua sự hiểu biết về vận động của sự kiện thời gian hoá (mouvement de la temporisation), bằng cách soạn ra một cuốn sách, để cho thấy con người và xã hội đã biến thái tồi tệ như thế nào trong ý thức “đấu tranh giai cấp”. Và rồi sau này còn cần có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá thật khách quan, vô tư khác nữa về những tiết lộ của lịch sử, từ các hồ sơ mật, cất giấu kỹ trong các kho lưu trữ của các đảng cộng sản cầm quyền nữa, để cho nhân loại thấy rõ tầm tác hại vô cùng, vô tận của ý thức hệ “đấu tranh giai cấp” ấy.(Ch.XIV)

Ông ghứa hẹn sẽ ra mắt một quyển sách lột trần  Marx. Trong cuốn sách đó, tôi thẳng thắn đánh giá lại tư tưởng Marx khi soạn ra phương pháp cách mạng đấu tranh giai cấp, dùng hận thù giai cấp đánh gục giai cấp tư sản, để xây dựng thế giới đại đồng với một xã hội không còn giai cấp bóc lột. Lénine, Staline, Mao, rồi Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Fidel Castro cho tới Pol Pot…mỗi con người ấy, ở vị trí lãnh đạo, đã tùy tiện khai triển cách mạng theo lời dạy của Marx. Qua những kinh nghiệm lịch sử ấy, cùng những di sản thảm khốc của nó, tôi đã giải mã Marx, Lénine, mao, Hồ Chí Minh, Pol…để chỉ ra rằng ý thức cách mạng đã sai từ gốc, nghĩa là từ Marx!...[...]. Chính tôi, trong những bước đầu nghiên cứu, đã thấy giai đoạn mình tự nguyện làm môn đệ của Marx, sùng bái Marx, với tất cả lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, là giai đoạn cuồng tín, cứ nghĩ mình phải một lòng đi theo Marx như một tín đồ tin theo vị chúa cứu thế trên con đường giải phóng con người khỏi sự bóc lột của giai cấp tư sản, tư bản. Bởi cuộc cách mạng này đã dựng lên cả một hệ thống chính trị chuyên quyền giam hãm, kìm kẹp con người. Hệ thống chính trị ấy lại còn bóc lột giai cấp lao động gấp bội phần so với sự bóc lột của giai cấp tư sản, tư bản. Mà quyền lực chuyên chính lại không cho phép công nông dân phản đối sự bóc lột ấy. Tại sao kỳ lạ vậy?
– Nay già rồi tôi mới nhận ra là tất cả những sai trái ấy đều là do sự cuồng tín vào lý thuyết, vào ý thức hệ nên đã dẫn lối tới những bước quá trớn… Thế rồi các lãnh tụ, từ Lénine trở đi, đều đã tùy tiện theo cảm hứng mà suy diễn, mà đề ra những chính sách, những phương pháp triệt để, những hành động tuyệt đối, để rồi gây ra những tội ác của cách mạng!
Khởi đầu, nhà tư tưởng đã tung ra một học thuyết thật hấp dẫn, thật là cuốn hút nhân loại, nhất là thành phần nhân loại lao động nghèo khổ… Nhưng rồi học thuyết ấy, ý thức hệ ấy đã làm khổ con người, đã nô dịch con người, đã phản bội con người và đã không hề giải phóng con người!
Kết thúc buổi tâm sự với Tri Vũ, và kết thúc cuộc đời ông đó là các câu 
 “Thủ phạm gây ra đại bi kịch này cho nhân loại, chính là Marx!” 
- " Chính Marx là thủ phạm đã gây ra mọi sai lầm và tội ác"
- "Marx là nhà tiên tri khốn nạn  đã lừa đảo, lấy cái khát vọng thế giới đại đồng không có bóc lột làm bả lừa dối công nông! " (Ch.XIV)
Tóm lại, cộng sản là tai họa của nhân loại. Trong trăm nghìn thứ độc dược cộng sản, đấu tranh giai cấp là hung hiểm nhất, nó gây ra chiến tranh trong thế giới, trong mỗi quốc gia và trong mỗi gia đình.