Tuesday, June 21, 2011

TIN VIỆT MỸ VÀ BIỂN ĐÔNG




Mỹ-Việt ra thông cáo chung về Biển Đông

Hải quân Mỹ thăm Việt Nam

Hoa Kỳ và Việt Nam vừa ra thông cáo chung kêu gọi tự do lưu thông hàng hải và phản đối việc dùng vũ lực tại Biển Đông.

Thông cáo chung này được đưa ra sau vòng Đối thoại về chính trị-an ninh-quốc phòng Việt- Mỹ lần thứ tư diễn ra hôm thứ Sáu 17/06 tại Washington D.C., trong đó các diễn biến mới nhất tại Biển Đông đã được hai bên thảo luận.

Sau cuộc họp, hai bên thống nhất rằng "việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế".

Thông cáo chung cũng viết: "Tất cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao, không sử dụng vũ lực".

Văn bản thông cáo đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay: "Hai bên ghi nhận rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải cần phải tuân thủ các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982".

"Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố chung về cách hành xử của các bên ở Biển Đông ký kết giữa Asean và Trung Quốc năm 2002 và khuyến khích các bên đạt thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử."

Căng thẳng gia tăng

Thông cáo được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc điều tàu Hải Tuần 31 qua Biển Đông, và Philippines cũng quyết định điều tàu chiến lớn nhất tới khu vực này.

Trung Quốc chuẩn bị tập trận ba ngày, trong khi Việt Nam đã bắn đạn thật hôm thứ Hai 13/06.

Bản thông cáo ra hôm 17/06 tại Washington D.C. có đoạn: "Mỹ nhấn mạnh rằng các vụ việc gây quan ngại trong những tháng gần đây không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực".

Tất cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao, không sử dụng vũ lực.

Nội dung thông cáo

Cuộc đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng Việt Mỹ lần thứ tư do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các Vấn đề Chính trị và Quân sự Andrew Shapiro chủ trì.

Trung Quốc đã nhiều lần tỏ tức giận về việc "một bên thứ ba" tham gia vào tranh chấp Biển Đông, nhất là sau khi giới chức Hoa Kỳ, kể cả Ngoại trưởng Hillary Clinton, tuyên bố rằng tự do lưu thông ở Biển Đông là "quyền lợi quốc gia" của Mỹ.

Thời gian gần đây, Việt Nam tỏ ra nỗ lực trong việc kêu gọi và tranh thủ dư luận nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ, trong vấn đề Biển Đông.

Thượng Nghị sỹ Jim Webb, trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai tuần rồi, nói: "Tình hình chủ quyền tại Biển Đông thực ra lại giúp quan hệ giữa hai bên (Việt Nam và Hoa Kỳ) bằng cách nó khiến cả hai hiểu rõ điểm chung trong quyền lợi của mình".

Ông Webb, người từng tham chiến ở Việt Nam, cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.

Một điểm đáng chú ý là trong thông cáo chung sau cuộc đối thoại, không có điểm nào đề cập tới vấn đề nhân quyền, vẫn được cho là chủ đề mà Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/us-vn-in-joint-call-amid-china-tension-06182011094044.html
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/06/110618_viet_us_scs.shtml

Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011-06-18

Căng thẳng trên biển Đông trong mấy tuần qua đã làm

cho nhiều người quan ngại.

EyePress News

Hải quân Việt Nam tập trận trên quần đảo Trường Sa hôm 14-06-2011.

Các hoạt động trên biển Đông như: Việt Nam tập trận có bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, Trung Quốc chuẩn bị tập trận ở Tây Thái Bình Dương cuối tháng này, cũng như thủ tướng chính phủ Việt Nam vừa ban hành nghị định, quy định về các trường hợp được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, cho thấy, dường như có vẻ chiến tranh đang lấp ló đâu đây.

Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn cuộc chiến tranh mà không để Trung Quốc vi phạm chủ quyền? Thông tín viên Ngọc Trân đã phỏng vấn ông David Brown, cựu viên chức ngoại giao Mỹ, đã từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975, trở lại Việt Nam làm dự án giáo dục bảo tồn môi trường năm năm cuối thập kỷ trước, và là người có các bài viết về tình hình biển Đông trên báo Asia Times Online. Mời quý vị lắng nghe.

Cần cất lên tiếng nói mạnh mẽ

SpratlyIslands121710-250.jpg
Vùng màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông. Source UNC.
Ngọc Trân: Hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây trên biển Đông như, tấn công các tàu khảo sát Việt Nam và quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí Philippines, cho thấy sự hiếu chiến của họ. Những sự cố đó đã diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines. Hành động của Trung Quốc không dựa trên sự hiểu biết chung về luật pháp quốc tế, mà Trung Quốc hành xử theo luật pháp riêng của họ, đó là thực hiện bản đồ “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc cũng đã cảnh cáo các nước Đông Nam Á ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí gần quần đảo Trường Sa. Cùng lúc, Trung Quốc thông báo rằng giàn khoan thăm dò dầu khí khổng lồ của họ chuẩn bị hoạt động trên biển Đông. Trung Quốc dường như lên kế hoạch cho các hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước khác, do đó, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực. Các hành động này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ hành động đơn phương ở biển Đông. Việt Nam, Philippines và các nước có liên quan, có thể làm gì để ngăn chặn các hành động này của Trung Quốc, thưa ông?

Ông David Brown: Việt Nam là đối thủ mạnh nhất và kiên quyết nhất trong vấn đề Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ khu vực biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc dường như nhằm mục đích bẻ gãy ý chí kháng cự lại của Việt Nam, một phần bằng những hành động khiêu khích và một phần bằng cách chứng minh rằng, những hoạt động trong khối ASEAN, cũng như thành lập "mối quan hệ chiến lược" với Hoa Kỳ, không có ích lợi cho Việt Nam.

Trong bối cảnh này, sự đoàn kết giữa Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam, được Indonesia và Singapore hỗ trợ, là điều cần thiết. Tất cả sáu nước nầy nên cùng cất lên tiếng nói hùng hồn, lên án các nỗ lực của Bắc Kinh muốn đạt được bằng vũ lực, những điều mà họ không thể đạt được bằng cách đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế.

Tất cả sáu nước nầy nên cùng cất lên tiếng nói hùng hồn, lên án các nỗ lực của Bắc Kinh muốn đạt được bằng vũ lực, những điều mà họ không thể đạt được bằng cách đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế.

Ô. David Brown

Ngọc Trân: Lãnh đạo Trung Quốc luôn nói rằng họ yêu chuộng hoà bình và rằng họ muốn phát triển một cách hòa bình. Gần hai tuần trước, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã cam kết sẽ duy trì hòa bình trên biển Đông. Ông ta đã nhắc tới hai chữ “hoà bình” vài chục lần trong một bài phát biểu. Tuy nhiên, chỉ bốn ngày sau, một chiếc tàu của Trung Quốc, một lần nữa đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, bên trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Vì sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo? Một số nhà phân tích cho rằng đó là vì chính sách ngoại giao của Trung Quốc không rõ ràng, để gây nhầm lẫn cho các nước khác. Tuy nhiên, những người khác lập luận rằng lãnh đạo Trung Quốc rất yếu, nên các lãnh đạo hàng đầu bị chia rẽ về chính sách biển Đông. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông David Brown: Tất cả các nước đều có tội nói một đường, làm một nẻo, lúc này hay lúc khác. Có thể đúng là ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc không nhất quán. Các lãnh đạo Việt Nam đã có quan hệ tốt với một số người đồng nhiệm Trung Quốc trong một thời gian dài. Tôi hy vọng họ đang tiếp xúc riêng với những người này.

Phía Việt Nam có thể cảnh báo rằng, hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chiến, mà tất cả đều thua, và nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ tỏ thái độ hợp lý nếu Trung Quốc tham gia đàm phán đa phương về việc khai thác các nguồn tài nguyên trên biển Đông.

Hãy để truyền thông Việt Nam được phép lên tiếng

hanoianhbasam250.jpg
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội sáng 12-06-2011. Photo courtesy of AnhBaSamBlog.
Ngọc Trân: Chính sách của Mỹ về biển Đông là Mỹ có "lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở, và tôn trọng luật pháp quốc tế", nhưng Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Điều này, có người cho rằng, miễn là Trung Quốc không cản trở quyền tự do và an toàn hàng hải trên biển Đông, thì lợi ích của Mỹ không bị đe dọa trực tiếp, và trong trường hợp đó, Washington không phản ứng cứng rắn đối với Trung Quốc, về các xung đột trên biển Đông.

Ngoài ra, mỗi nước hành động dựa trên lợi ích quốc gia của mình. Mỹ, Trung Quốc hay Việt Nam cũng thế. Có vẻ như lợi ích trong quan hệ Trung - Mỹ lớn hơn lợi ích trong quan hệ Mỹ - Việt. Có nhiều khả năng để Washington và Bắc Kinh thỏa thuận với nhau trong vấn đề Việt Nam nếu Mỹ không thấy có lợi trong quan hệ với Việt Nam so với Trung Quốc. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Việt Nam có thể làm gì để gia tăng sự quan tâm của Mỹ?

Nếu chính phủ [Việt Nam] không cho phép các phương tiện truyền thông đóng vai trò lớn hơn trong việc đưa tin về Biển Đông, điều này sẽ làm cho tin đồn và tin tức nước ngoài định hình ý kiến công luận thế giới.

Chuyên gia Carl Thayer

Ông David Brown: Hãy nhớ, người Mỹ tin rằng công bằng và hợp lý là những quy tắc nên áp dụng trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như giữa các cá nhân. Chúng tôi không thích hành động bắt nạt. Vì vậy, ngoài mối đe dọa nguyên tắc tự do hàng hải do những hành động của Trung Quốc, còn có một mối đe dọa đối với điều mà chúng ta có thể gọi là một trật tự thế giới công bằng.

Chúng tôi muốn Trung Quốc là một đối tác trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, an toàn và thịnh vượng hơn, vì vậy chúng tôi - tức là Chính phủ Mỹ - đã mời Trung Quốc hợp tác với chúng tôi những cách cụ thể trong phạm vi quốc tế, và họ cho thấy sự sẵn sàng làm việc với chúng tôi về điều này. Tuy nhiên, bây giờ trên Biển Đông, họ lại hành động theo cách hoàn toàn không phù hợp với tinh thần hợp tác, và tôi chắc chắn rằng điều đó làm nhiều người ở Washington thất vọng và đau đầu.

Vào những lúc như thế này, rất quan trọng để Việt Nam nói với thế giới về câu chuyện riêng của mình, hãy nói ngay lập tức, một cách chính xác và đầy thuyết phục. Như chuyên gia Carl Thayer đã nói với các phóng viên báo Tuần Việt Nam gần đây, “Chỉ Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo” là chưa đủ. “Nếu chính phủ [Việt Nam] không cho phép các phương tiện truyền thông đóng vai trò lớn hơn trong việc đưa tin về Biển Đông, điều này sẽ làm cho tin đồn và tin tức nước ngoài định hình ý kiến công luận thế giới.”

Thay đổi cách cư xử với người dân

anti-china-protest-in-saigoni-06122011-200.jpg
Một người đàn ông bị công an mặc thường phục bắt trong lúc đang tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Photo by Quang Dư
Ngọc Trân: Như ông đã nói trong một bài viết gần đây đăng trên báo Asia Times Online, "Đánh hay không đánh trên biển Đông", người Việt Nam cuối cùng sẽ chiến đấu chứ không đầu hàng. Nhưng như ông đã biết, về sức mạnh quân sự, hải quân Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều so với Việt Nam, do đó, Trung Quốc có khả năng sẽ giành chiến thắng trong bất kỳ trận đánh nào có sự tham gia của hải quân. Những gì Việt Nam có thể làm để tránh một cuộc chiến mà không để cho Trung Quốc vi phạm chủ quyền của mình?

Một số người nghĩ rằng nếu Hà Nội trở thành bạn hay đồng minh của Washington, thì Hoa Kỳ có thể giúp bảo vệ Việt Nam khỏi bị Trung Quốc xâm lược, như Hoa Kỳ luôn khẳng định cam kết đối với các đồng minh. Ông có nghĩ rằng Việt Nam nên cố gắng trở thành đồng minh của Mỹ? Nếu VN nên làm đồng minh của Mỹ, thì Hà Nội cần làm gì để đạt được điều này?

Yếu tố duy nhất hạn chế việc hai nước thân thiết hơn, theo quan điểm của Mỹ, đó là, Chính phủ Việt Nam đối xử khắc nghiệt với những công dân bày tỏ sự bất mãn đối với hệ thống chính trị hiện hành.

Ô. David Brown

Ông David Brown: Đa số người Mỹ cho rằng đất nước chúng ta nên trở thành bạn bè tốt với các mối quan hệ chiến lược và kinh tế vững mạnh. Yếu tố duy nhất hạn chế việc hai nước thân thiết hơn, theo quan điểm của Mỹ, đó là, Chính phủ Việt Nam đối xử khắc nghiệt với những công dân bày tỏ sự bất mãn đối với hệ thống chính trị hiện hành. Mặc dù đó là vấn đề nội bộ của Việt Nam, nhưng chắc chắn có một số hậu quả không như ý.

Người Mỹ tin rằng, tự do bày tỏ ý kiến là quyền cơ bản của con người, nên người Mỹ xem cách xử lý vấn đề bất đồng quan điểm chính trị của Việt Nam là một trở ngại, ngăn chặn mối quan hệ gần gũi hơn. Đó là điều cản trở cho mối quan hệ đồng minh quốc phòng chính thức hoặc sẽ làm giảm sự hỗ trợ trong Quốc hội chúng tôi đi đến mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Việt Nam.

Ngọc Trân: Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.


(Nguồn: The Diplomat)

Theo dòng thời sự:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-vn-can-do-to-avoid-war-with-cn-ntran-06182011122348.html

Hà Nội: hãy hòa tiếp bản giao hưởng
Việt-Long- RFA
2011-06-16

Khúc dạo đầu bài giao hưởng êm đềm mà hành pháp Washington tặng cho Hà Nội đã lên đến một cao độ giới hạn trong khuôn khổ những giá trị dân chủ truyền thống của xã hội Hoa Kỳ. Nay là lúc Hà Nội phải hòa lên đoạn nhạc nối tiếp.

AFP photo

Hàng không mẫu hạm George S. Washington của Hoa Kỳ

Năm nay 2011, có nhiều sự kiện để kỷ niệm trong mối quan hệ Việt Mỹ. Năm nay đánh dấu 16 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và 14 năm từ khi mở cửa tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Washington và Hà Nội đang gần nhau hơn bao giờ hết. Hai nước đứng cùng một phía trong nhiều lĩnh vực, trong lúc giới ngoại giao đôi bên đều nói đến mối quan hệ song phương gọi là “đối tác chiến lược”.

Nhìn về Đông Nam Á

Giới lãnh đạo ở hai thủ đô cùng ca ngợi những thành tựu trong mối quan hệ ấy, cùng những tiềm năng phát triển quan hệ thêm sâu rộng và vững chắc trong những năm sắp tới.

Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á Thái Bình Dương sự vụ, ông Kurt Campbell, tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington hôm cuối tháng 5 đã nhấn mạnh ý hướng của Washington muốn tăng tiến mối quan hệ này.

Ai cũng thấy hai bên đều muốn siết chặt tình thân và tăng cường hợp tác. Dù Việt Nam còn kém tiến triển về nhân quyền và dân chủ, chính phủ Barack Obama vẫn lời ngon tiếng ngọt, ở một mức độ sao cho Quốc hội và công chúng Hoa Kỳ không thấy khó chịu mà phản đối.

Vẫn còn rộng chỗ cho hai bên chấp nhận và hòa hợp với nhau, nhưng Hà Nội mang nặng gánh trách nhiệm cho những bước tiến tới thỏa hiệp với Washington bằng cách thực hiện thêm những đổi mới về chính sách, nhất là trong các lĩnh vực tự do chính trị và quyền dân sự.

Phụ tá ngoại trưởng Kurt Campbell coi vấn đề đó như những rào cản hạn chế mối quan hệ song phương. Giải quyết được rào cản, Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho chính quyền Obama tiến tới và mối quan hệ được tăng tiến lên một cấp độ cao hơn.

Từ ngày nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đã dồn năng lực và vốn liếng chính trị của ông vào việc củng cố và mở rộng quan hệ với Đông Nam Á. Sau 8 năm Washington lơ là buông lơi vì dính dấp ở nhiều nơi khác, Tổng thống Obama vừa nắm quyền là tăng tiến ngay sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực quan trọng này.

Từ đó, mối tiếp cận với Việt Nam cũng được xúc tiến thật mạnh mẽ, tuy khởi sự từ một mức độ thấp nhưng đã đạt tới mức khả quan chưa từng có kể từ ngày Tổng thống Bill Clinton đến Hà Nội trong chuyến thăm viếng lịch sử năm 2000.

Người Mỹ còn nhớ đó là lần đầu tiên tại nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa diễn văn của một nhà lãnh đạo ngoại quốc được truyền thanh truyền hình trực tiếp trên toàn quốc.

Trong khi theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đông Nam Á đồng thời bảo vệ quyền lợi trên biển cho Hoa Kỳ, Washington đã phải chịu sự phẫn nộ của Bắc Kinh, khi bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đứng vào hàng ngũ các quốc gia Đông Nam Á để bày tỏ mối quan ngại về tham vọng của Trung Quốc. Bắc Kinh đã ngang nhiên xác lập chủ quyền lãnh thổ- lãnh hải trên gần khắp biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi thực hiện một tiến trình ngoại giao cho vấn đề này, với sự tham dự của tất cả các nước đòi hỏi chủ quyền. Bắc Kinh luôn luôn chủ trương giải quyết song phương với từng nước trong năm quốc gia láng giềng, gần nhất và mất mát nhiều nhất là Việt Nam.

Trung Quốc phản bác trong giận dữ, thì ngược lại Việt Nam nồng nhiệt chào đón chính sách này của Mỹ, vào lúc Hà Nội đang khao khát hội nhập về kinh tế và chính trị với thế giới, và mối lo ngại về Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Thêm vào đó, những hành động giao tế đầy ý nghĩa của Hoa Kỳ gần đây có thể đã mở tấm màn che cho quan điểm của nhiều nhân vật lãnh đạo trong Bộ chính trị của Hà Nội, từng cho là Washington chỉ tìm cách tạo “diễn biến hoà bình” để tước quyền cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam.

Tấu khúc nào cho Việt Nam?

Tháng 8 năm ngoái Việt Nam nồng nhiệt đón chào cuộc tuần hành quân sự của lực lượng hải quân tác chiến dưới quyền chỉ huy của siêu hàng không mẫu hạm George Washington dọc bờ biển Đông ven duyên hải Việt Nam.

Sau đó không lâu lại đến chuyến thăm Đà Nẵng của khu trục hạm có hỏa tiễn điều khiển USS John S. McCain. Những hoạt động này làm nổi bật vai trò quan trọng mà Việt Nam hiện đang đặt vào mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Như để đáp ứng, Việt Nam quyết định tham gia “Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”, TPP hay Trans- Pacific Partnership, vừa lặng lẽ thành hình như một loại “diễn đàn châu Á Thái Bình Dương” mà Washington ưa thích.

Sự kiện này còn làm nổi bật ý nguyện của Hà Nội muốn gia tăng hội nhập chính trị và kinh tế đồng thời thể hiện sự yên tâm hơn đối với Hoa Kỳ, một nước mạnh đang cố gắng kết nối sâu rộng với vùng Đông Nam Á.

Tuy vậy, cứ như dạo lên một tấu khúc chướng tai, Việt Nam vẫn tiếp tục những chính sách nội trị gây mất thiện cảm cho giới quan sát và công chúng Mỹ, khiến mối quan hệ thân thiết mà Hà Nội mong đợi trở nên bất khả thi về mặt chính trị, và chính quyền Obama không thể giữ vững được mối quan hệ ấy vì những lý do tinh thần và đạo đức chính trị.

Hà Nội tiếp tục đàn áp những nhà lãnh đạo tôn giáo năng động về chính trị và xã hội, gia tăng ngược đãi, kết án nặng nề những người bất đồng chính kiến, đồng thời tiếp tục duy trì những giới hạn đáng kể trong hệ thống thông tin Internet và báo chí.

Những hành động này của Việt Nam chỉ khiến chính phủ Obama khó lòng đón nhận Việt Nam vào vòng thân thiết hơn, trong khi hành pháp Mỹ hiện nay còn đang phải đối diện với những bão tố trong nội bộ nước Mỹ.

Như thế có nghĩa là bước tiến mạnh về phía trước cho mối bang giao Việt-Mỹ phải phát xuất từ Hà Nội. Tình hình căng thẳng trên biển Đông của Việt Nam không có dấu hiệu gì suy giảm trong một thời gian ngắn.

Sức mạnh hải quân Trung Quốc tiếp tục nhanh chóng gia tăng. Một mối quan hệ Việt-Mỹ thật vững mạnh sẽ có lợi cho cả đôi bên, tuy rằng thực tế không tránh khỏi trong tương quan giữa động lực sức mạnh toàn cầu và an ninh của châu Á cho thấy Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần đến Việt Nam.

Khúc nhạc dạo đầu bài giao hưởng êm đềm mà hành pháp Washington tặng cho Hà Nội đã lên đến giới hạn âm lượng do xã hội với giá trị dân chủ truyền thống của Hoa Kỳ đặt để. Nay là lúc Hà Nội phải hòa lên đoạn nhạc nối tiếp.

Chỉ làm như vậy, Hà Nội mới cùng Washington phát triển được mối quan hệ mà cả hai bên cùng mong đợi.

(Nguồn: The Diplomat)


Biển Đông: Thế và lực của Việt Nam?
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-06-17

Nhiều ý kiến cho rằng Việt nam phản ứng thiếu tích cực do thế khó lực yếu trong đối phó Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của mình.


AFP photo

12 tàu đánh cá Trung Quốc kết lại với nhau để ngăn chặn một tàu hải giám của Hàn quốc trên biển Đông hôm 21/12/2010

Quá nhún nhường

Không đủ khả năng đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông là chuyện hiển nhiên, nhưng các chuyên gia cho rằng cả ba mặt công khai, công luận và công pháp, ứng phó của Việt Nam đều ở mức độ yếu.

GSTS Nguyễn Minh Thuyết đại biểu Quốc hội khóa 12 sắp mãn nhiệm từ Hà Nội nhận định:

“Có thể nói là những hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam cũng như một số nước ở trong khu vực Đông Nam Á là rất thiếu trách nhiệm, rất hổ thẹn không xứng đáng cương vị của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Chúng tôi là những người dân hết sức phẫn nộ trước những hành động như vậy và chúng tôi cũng mong muốn chính phủ sẽ có những hành động đáp trả một cách xứng đáng. Nhưng dĩ nhiên người dân cũng như chính phủ theo truyền thống ngoại giao của Việt Nam luôn đưa tư tưởng hòa bình hòa hiếu lên trước mà cố gắng làm sao để giữ gìn cuộc sống lao động an bình cho nhân dân.”

Trong các đối thoại và tuyên bố chính thức tại Diễn Đàn Shangri-La vừa qua, sự kiện Bình Minh 02 không được nhắc tới. Các nước ASEAN có vẻ xem đây là chuyện hục hặc giữa Trung Quốc và Việt Nam, hoặc Trung Quốc với Philippines mà chưa nhìn nhận là một vấn đề của khu vực.

Sau các rắc rối mới nhất, khi tàu Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam để gây ra các sự kiện Bình Minh 02 và Viking II, báo chí Việt Nam đưa nhiều ý kiến luật gia về việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoặc khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc.

Đáp câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên tổng thư ký báo Doanh Nghiệp, người có mặt trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 5/6 ở TP.HCM nhận định:

“Tôi thấy việc khiếu nại lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Tổng Thư Ký LHQ…là điều rất cần trong lúc này bởi vì chỉ có con đường đó Việt Nam mới có thể có sự giúp đỡ can thiệp từ phía quốc tế mà thôi.”

Chúng tôi là những người dân hết sức phẫn nộ trước những hành động như vậy và chúng tôi cũng mong muốn chính phủ sẽ có những hành động đáp trả một cách xứng đáng.

GSTS Nguyễn Minh Thuyết

Trong thập niên vừa qua Việt Nam luôn nhún nhường trước các tham vọng lãnh thổ của người anh em Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc lấn áp trên biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo của mình dư luận nhân dân phẫn nộ, nhưng chính phủ chỉ phản đối bằng lời, qua công hàm, vi phạm vẫn tái diễn.

GSTS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khóa 12 từ Hà Nội đưa ra nhận định:

“Tôi cũng như nhiều người dân khác rất mong muốn những tư liệu chứng minh về chủ quyền của Việt Nam được công khai cho cả nhân dân trong nước cũng như nước ngoài được biết. Việt Nam cần phải sớm đưa vấn đề này ra công luận quốc tế, đưa lên các tổ chức quốc tế để các tổ chức quốc tế cũng hiểu rõ những hành động vi phạm của Trung Quốc và người ta sẽ có những biện pháp ít nhất về mặt pháp lý để buộc chính phủ Trung Quốc phải chùn bước.”

Vừa song phương vừa đa phương?

000_Hkg4989094-250.jpg
Hai tàu hải giám Trung Quốc trên biển Đông, cách tỉnh Phú Yên khoảng khoảng 120 dặm. Ảnh chụp hôm 26/5/2011. AFP photo
Philippines cũng bị Trung Quốc khiêu khích ở vùng biển Trường Sa, nhưng Manila phản ứng tích cực hơn Việt Nam, sau thư ngoại giao phản đối đường lưỡi bò 9 điểm gởi LHQ hồi đầu tháng 4, hiện nay Bộ ngoại giao Philippines chuẩn bị đệ trình Liên Hiệp Quốc một bản báo cáo về các hành động của Trung Quốc trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines cũng như Việt Nam và vài nước khác có công bố chủ quyền.

Ngoài ra Philippines còn đưa tàu chiến tới vùng biển Đông mà nay họ gọi là biển Tây Nam Philippine, sẵn sàng đối phó với các tàu ngư chính, hải giám và tàu hải quân Trung Quốc. Trong một hành động tích cực mới đây Philippines còn nhổ cọc lạ trên ba bãi đá ở vùng biển Tranh chấp quần đảo Trường Sa.

Ngày 10/6 trong cuộc họp báo ở Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao giải thích rõ lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc theo hai cách “vừa song phương vừa đa phương". Theo đó Hà Nội chủ trương đàm phán trực tiếp song phương với Bắc Kinh trong những vấn đề như Vịnh Bắc Bộ, chủ quyền Hoàng Sa, xin nhắc lại quần đảo Hoàng Sa Trung Quốc lấn chiếm của VNCH vào năm 1974.

Còn tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa liên quan đến nhiều nước, thì các bên liên quan đàm phán với nhau. Đối với sự kiện Hoa Kỳ đưa chiến hạm tới biển Đông và vùng tây nam Philippines để theo dõi vấn đề tự do lưu thông và an toàn hàng hải trên Biển Đông, bà Nguyễn Phương Nga xác định quan điểm rằng “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Do đó, mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực Biển Đông đều được hoan nghênh.”

Những trích dẫn vừa nêu cho thấy Việt Nam nay rất mong muốn quốc tế can dự vào hồ sơ tranh chấp Biển Đông tức là đi ngược lại với quan điểm của Bắc Kinh. Theo nhận định của Luật sư lão thành Trần Lâm ở Hà Nội, tình hình hết sức khó khăn cho Việt Nam:

“Sau hội nghị, Trung Quốc thấy chẳng làm gì được họ nên họ hung lên, nó cứ phá như thế cuối cùng mình phải hợp tác mà hợp tác thì nó ăn hết. Nói chung bây giờ yếu quá không đủ sức để làm gì cả.”

Sau hội nghị, Trung Quốc thấy chẳng làm gì được họ nên họ hung lên, nó cứ phá như thế cuối cùng mình phải hợp tác mà hợp tác thì nó ăn hết. Nói chung bây giờ yếu quá không đủ sức để làm gì cả.

LS Trần Lâm

Dư luận Việt Nam từng khá phấn chấn sau tuyên bố hồi năm ngoái của ngoại trưởng Hillary Clinton là, nước Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Tuy nhiên, Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La 10 vừa qua không thể hiện một tiếng nói đủ mạnh nào đối với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Như đã biết, sự kiện Bình Minh 02 không được nhắc đến trong những đối thoại và phát biểu chính thức tại Diễn đàn Shangri-La

Các giới chức cao cấp của Việt Nam vẫn tiếp diễn những lời lẽ mang đầy tính trấn an. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc phòng tuyên bố sau khi trở về từ hội nghị chính sách diễn đàn an ninh khu vực tổ chức ngày 8/6 ở Jakarta Indonesia, Tướng Vịnh tự tin Việt Nam có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền mà không dựa vào sức mạnh của một bên thứ ba. Theo lời ông Việt nam không để các nước lớn thỏa hiệp trên lưng mình.

Nhưng thế và lực đều yếu kém, Việt Nam sẽ chống đỡ thế nào.



http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-strength-n-infl-too-weak-nn-06172011153430.html
Tàu đánh cá Việt Nam lại bị Trung Quốc tịch thu tài sản

Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi neo đậu tại cảng Dung Quất.
Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi neo đậu tại cảng Dung Quất.
REUTERS
Anh Vũ

Theo AFP hôm nay, 17/06/2011, quan chức Việt Nam cho biết một tầu cá của ngư dân Việt Nam lại bị Trung Quốc tịch thu hàng trăm kilogram cá và ngư cụ đánh bắt ngay trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Các phương tiện truyền thông tại Việt Nam cũng xác nhận thông tin trên. Báo Thanh Niên online hôm nay cho biết chi tiết : Sáng 16/06, tàu cá QNg-66074TS của anh Trần Hiền, 31 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã cập cảng cá Lý Sơn và báo cáo với đồn biên phòng 328 Lý Sơn về việc bị phía Trung Quốc tịch thu tài sản trong khi đang hành nghề trên biển.

Địa điểm xảy ra sự việc là đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa, trong lúc các ngư dân đang nghỉ ngơi, chuẩn bị trở về đảo Lý Sơn. Báo Thanh niên cũng cho biết thêm tàu Trung Quốc có vũ trang, tuy nhiên không nói rõ thuộc loại tàu gì.

Một cán bộ của huyện đảo Lý Sơn khẳng định với AFP là ông được thông báo rằng phía Trung Quốc đã tịch thu 500 kg cá và nhiều ngư cụ của tàu cá nói trên với trị giá khoảng 55 triệu đồng.

Việc tàu Trung Quốc bắt giữ và tịch thu phương tiện của tàu cá Việt Nam họat động trên ngư trường trong vùng biển đang có tranh chấp vẫn diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua. Thậm chí, không ít lần các ngư dân còn bị bắt giữ để đòi tiền chuộc.

Lần này, sự việc diễn ra vào thời điểm căng thẳng trên Biển Đông lên cao. Đặc biệt từ cuối tháng 5 trở lại đây, Hà Nội đã hai lần chính thức tố cáo tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, phá hoại thiết bị của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Tiếp theo đó, hai bên liên tiếp có nhiều động thái cứng rắn để chứng tỏ chủ quyền của mình trên vùng biển tranh chấp.

Theo AFP, nhiều nhà phân tích nhận định khả năng xảy ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc đang gia tăng.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110617-tau-danh-ca-viet-nam-lai-bi-trung-quoc-tich-thu-tai-san

GS. Nguyễn Mạnh Hùng nói về
tranh chấp Việt Trung

Trước một loạt các diễn biến trong những ngày gần đây tại Biển Đông, và trong bối cảnh tin mới nhất từ Việt Nam cho hay Việt Nam sẽ tập dượt bắn đạn thật tại vùng biển nước này, BBC Việt Ngữ đã hỏi Giáo sư về Chính phủ và Quan hệ quốc tế của trường Đại học George Mason, ông Nguyễn Mạnh Hùng, về nhận định của ông trước những diễn biến này giữa hai nước.

Theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng, về khía cạnh pháp lý, những đòi hỏi của Trung Quốc là "rất vô lý" và khó được quốc tế ủng hộ còn trên phương diện thực tiễn thì Trung Quốc càng ngày càng leo thang những áp lực đối với Việt Nam.

Ông cho rằng Trung Quốc vẫn muốn vùng biển này từ lâu, và khi vẽ đường lưỡi bò là họ đã muốn kiểm soát toàn bộ vùng đó.

Theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng, đây là hành động thử Việt Nam vì "Việt Nam là nước rắn đầu nhất và nếu dấn được Việt Nam thì họ sẽ thành công trong việc kiếm soát được một vùng rất lớn ở Biển Đông".

Việc Việt Nam quyết định sẽ tập dượt bắn đạn thật tại khu vực Biển Đông phải được đặt trong bối cảnh Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tập trận vào cuối tháng này và Hoa Kỳ đưa khu trục hạm USS Chung-Hoon của Hạm đội Thái Bình Dương rời căn cứ tại Hawii để tới vùng Tây Thái Binh Dương, GS. Hùng nói.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2011/06/110610_viet_china_dispute_nguyenmanhhung.shtml




Mặt trái của "Đồng thuận Bắc Kinh"
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-06-16

Khi biển Đông còn nổi sóng sau hai vụ khiêu khích và đụng độ của tầu hải giám Trung Quốc với tầu địa chất của Việt Nam thì hàng loạt các vụ biểu tình bạo động bùng nổ tại Hoa lục.

AFP photo

Cảnh sát tuần tra đường phố đã yên ắng hôm 15/6/2011, sau nhiều ngày bạo loạn ở Zengcheng- TQ. Cư dân của một thị trấn phía nam TQ đã mô tả những chiếc xe chìm trong biển lửa trong những ngày xung đột bạo lực trước đó.

Cảnh sát võ trang ra tay trấn áp những điểm nóng, từ khu tự trị Nội Mông của người Mông Cổ đến thành phố Phủ Châu ở Giang Tây, rồi thị xã Lợi Xuyên trong Châu Tự trị có tên là Ân Thi của các sắc tộc Thổ Gia và Miêu ở tỉnh Hồ Bắc.

Mới nhất là tại thành phố Triều Châu và thị xã Tăng Thành trong vùng phụ cận của Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Với thành quả kinh tế làm thế giới kinh ngạc, vì sao Trung Quốc lại gặp hỗn loạn tràn lan như vậy? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện.

Đồng thuận Bắc Kinh

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, ta hãy tạm gác qua những biến động ngoài biển Đông Nam Á để nhìn vào nội địa Trung Quốc vì từ một tháng nay, nhiều vụ biểu tình đã dẫn tới bạo động liên tục ở nhiều địa điểm khác nhau của xứ này. Chúng ta cũng không quên là hôm 26 Tháng Năm, khi tầu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp của tầu thăm dò địa chất Bình Minh 02 của Việt Nam thì thành phố Phủ Châu thuộc tỉnh Giang Tây bị gài chất nổ ở ba nơi một lúc, có thể là do một người dân bất mãn gây ra vì bị cướp đất. Và tuần qua, cảnh sát võ trang xuất hiện ở nhiều nơi của Trung Quốc để đàn áp. Câu đầu tiên xin hỏi ông là "vì sao như vậy?"

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một mặt trái của hiện tượng gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" mà chúng ta cần tìm hiểu để tránh cho các xứ khác, kể cả Việt Nam, khỏi phạm vào những sai lầm về chính sách kinh tế khi học theo Trung Quốc!

Về nạn động loạn tại Trung Quốc, thế giới không được thông báo và có thống kê đầy đủ, nhưng qua những gì được chính các trung tâm nghiên cứu về xã hội của xứ này nêu ra thì năm 2006 đã xảy ra sáu vạn trường hợp biến động vì dân chúng nổi loạn; năm 2007 thì có 84.000 vụ, năm 2008 thì có 128.000 vụ và đầu năm nay, một giáo sư xã hội của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đưa ra con số là 180.000 cho năm 2010, với ước lượng đáng chú ý là đã cao gấp đôi năm 2006!

Do đó, ta có thể kết luận là động loạn xã hội đã tăng và ngoài các sắc tộc thiểu số có phản ứng mạnh ở Tân Cương, Tây Tạng hay Tứ Xuyên từ năm 2008, thì người dân mọi nơi cũng vì bất kỳ vấn đề nào bày tỏ thái độ một cách dữ dội, mà càng bị đàn áp thì họ lại càng nổi loạn.

Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến hiện tượng gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" và cho rằng động loạn ở Trung Quốc là mặt trái của hiện tượng này. Thế "Đồng thuận Bắc Kinh" là cái gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Số là năm 2004, một nhà báo Mỹ là Joshua Cooper Ramo nhanh nhẩu hệ thống hóa một chuỗi chính sách kinh tế của Trung Quốc thành một tập hợp có vẻ hợp lý rồi dán cho nhãn hiệu là "Đồng thuận Bắc Kinh". Tôi có đọc tập tài liệu này với sự thú vị vì có đầy giải thích khiên cưỡng. Nhưng dù sao thì tác phẩm cũng giúp tác giả trở thành nhân viên và Tổng thư ký của công ty vận động kinh doanh của Tiến sĩ Henry Kissinger gọi là Kissinger and Associates. Công ty vận động kinh doanh là loại "thầy cò", nói hoa mỹ là "du thuyết", là lobby, và ông Kissinger là tay du thuyết đắc lực cho việc kinh doanh tại Trung Quốc. Đó là một lẽ.

Về nội dung "Đồng thuận Bắc Kinh", mà tác giả thêu dệt thành một thứ học thuyết của Trung Quốc về phát triển sau khi gom góp một số phát biểu của lãnh đạo Bắc Kinh, ông ta nhấn mạnh đến ba hướng sáng tạo của Trung Quốc là: Thứ nhất, nhảy vọt vào công nghệ hiện đại để thâu ngắn thời gian chứ không tiến treo cấu trúc cổ điển dựa trên công nghệ lỗi thời, thí dụ như dùng cáp quang, sợi quang học, chứ khỏi cần kéo dây đồng. Thứ hai, không chú trọng đến loại chỉ dấu tổng hợp như đà tăng trưởng lợi tức một đầu người mà cố phát triển phẩm chất của cuộc sống, nôm na là chú ý đến phẩm hơn lượng. Thứ ba là phải phát huy sức tự chủ để tranh hùng với thiên hạ và không cho ai lấn lướt mình.

Bản thân tôi thì chẳng nhận ra chiến lược phát triển của Trung Quốc như vậy mà chỉ thấy là cả ba quan niệm chủ đạo ấy không thể hiện trong thực tế. Thứ nhất, Trung Quốc chỉ học lóm và đang chất kim loại đồng thành núi chứ nào có nhảy vọt vào công nghệ tiên tiến đâu. Thứ hai, Kế hoạch Năm năm thứ 12 vừa ban hành tháng 10 năm ngoái đã chuyển từ lượng sang phẩm vì chiến lược cũ có quá nhiều bất toàn và gây ra động loạn xã hội! Thứ ba, khái niệm phát triển tự chủ là nguồn gốc của hành động bá quyền ngang ngược hiện nay và sẽ gây vấn đề cho xứ này.

Đồng thuận Washington

Vũ Hoàng: Xin hỏi ông ngay một câu, ngày xưa, người ta nói đến "Đồng thuận Washington" như một mô thức phát triển các nước nghèo, nó có khác gì "Đồng thuận Bắc Kinh" không?

000_Del484033-200.jpg
Công nhân xưởng quần jean tại Zengcheng-TQ hôm 15/6/2011, sau những ngày xung đột bạo lực khắp miền nam Trung Quốc. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi rất hay và câu chuyện này hơi dài nên tôi xin cố gắng tóm lược.
Hơn 20 năm trước, khi các nền kinh tế thuộc loại đang phát triển bị vỡ nợ và khủng hoảng thì hai định chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới phải nhảy vào cấp cứu. Các kinh tế gia thời ấy mới chủ trương một số biện pháp áp dụng khá khắc nghiệp để xây dựng nền móng phát triển bền vững. Vì hai tổ chức đó có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, từ năm 1989 người ta mới dùng chữ "Đồng thuận Washington". Sau này, khi ông Ramo dùng chữ "Đồng thuận Bắc Kinh" chính là trong tinh thần phản biện đầy hấp dẫn về quảng cáo.

Nói cho ngắn gọn thì khái niệm "Đồng thuận Washington" đề cao kỷ luật chi thu ngân sách, tự do về ngoại hối và thương mại, phát triển tư doanh, xây dựng pháp quyền nhà nước dựa trên quy tắc dân chủ, v.v... Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một học giả Mỹ lạc quan nói đến "sự cáo chung của lịch sử" là khi kinh tế thị trường và chính trị dân chủ trở thành chân lý hoàn vũ mà xứ nào cũng sẽ noi theo. Sự lạc quan dẫn tới việc phổ biến quy tắc "Đồng thuận Washington" và chi phối đối sách quốc tế của Hoa Kỳ và các nước Tây phương.

Đó là đề cao và yểm trợ các nước nghèo cùng cải tổ theo kinh tế thị trường, quan tâm đến môi sinh và lao động, giải trừ nạn tham nhũng, xây dựng xã hội dân sự và nhất là phát huy dân chủ và nhân quyền, v.v... Họ viện trợ các nước cũng theo các tiêu chuẩn nói trên.

Vũ Hoàng: Nhưng mà nhìn như vậy thì hình như ta có thể thấy ra sự đối nghịch mặc nhiên hoặc ngấm ngầm giữa "Đồng thuận Washington" với "Đồng thuận Bắc Kinh", có phải vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy, vì trong khi ấy, lãnh đạo Bắc Kinh lại chủ trương trái ngược về đối ngoại. Họ đầu tư và viện trợ rất nhiều cho các nước nghèo để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và thế liên kết về an ninh, nhưng lại theo hướng khác. Thứ nhất là không xen lấn vào nội bộ hoặc nêu điều kiện về nhân quyền hay tham nhũng của các quốc gia thọ nhận. Thứ hai, tranh thủ hậu thuẫn của các xứ này về ngoại giao và an ninh chiến lược. Và thứ ba là phát huy tình liên đới giữa các nước đang phát triển với nhau thành một lực đối trọng với các nước công nghiệp hoá Tây phương.

Điều ly kỳ ở đây là vì tự xưng là một nước đang phát triển, Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới viện trợ tổng cộng hơn 49 tỷ 600 triệu đô la tính đến ngày 13 Tháng Sáu vừa qua và thực hiện nhiều dự án gây lãng phí. Nhưng song song, Bắc Kinh có trong tay khối dự trữ ngoại tệ là 3.000 tỷ đô la để đòi có tiếng nói mạnh hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mà lại thực tế tung tiền cạnh tranh với hai định chế này để gây thế lực trong các nước nghèo theo hướng trái ngược. Đó là dung dưỡng ách độc tài và tham nhũng, hủy hoại môi sinh của thiên hạ, và lại còn ngấm ngầm mở ra trận tuyến chống các nước dân chủ công nghiệp hóa như Âu, Mỹ, Nhật.

Vũ Hoàng: Nhưng nếu như vậy thì phải chăng là các nước đang phát triển được đặt trước một sự chọn lựa là Tây phương hay Trung Quốc không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả thật là như thế, vụ khủng hoảng 2008 và nạn Tổng suy trầm 2008-2009 lẫn những khó khăn tràn ngập của khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật khiến cho khái niệm gọi là "Đồng thuận Washington" coi như bị phá sản. Người ta phê phán những yêu cầu cải cách của Quỹ Tiền tệ IMF và đòi hỏi minh bạch hoá của Ngân hàng Thế giới là phiền phức và lỗi thời, trong khi thấy là lề lối quản lý kinh tế thị trường bằng chính quyền độc tài theo kiểu Bắc Kinh lại có vẻ hữu hiệu hơn! Hậu quả thực tế thì đa số các nước đang phát triển tại Phi châu hay Mỹ châu La tinh ngày nay, nhất là các nước độc tài và tham nhũng lại tin tưởng Trung Quốc và con đường "Đồng thuận Bắc Kinh" hơn là tin vào Hoa Kỳ cùng giải pháp "Đồng thuận Washington"!

Riêng từ giác độ kinh tế chính trị học, tôi thiển nghĩ rằng mối nguy của Trung Quốc không xuất phát từ sức mạnh quân sự dù sao vẫn chỉ có trình độ hàng mã nếu thật sự đụng độ với các đại cường hải dương như Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Mối nguy của Trung Quốc xuất phát từ tinh thần, từ chủ trương gieo rắc thói quen hung đồ bá đạo trên toàn cầu để cùng các chế độ độc tài tham nhũng xây vòng đai đối nghịch với các nước tự do và dân chủ. Đấy mới là trận đánh chiến lược!

Từ Bắc Kinh nhìn về VN

Vũ Hoàng: Trở lại vụ "Đồng thuận Bắc Kinh" và nội loạn Trung Quốc, người ta thấy là giải pháp phát triển kinh tế thị trường bằng chế độ độc tài theo kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước vẫn gây ra bất công và bạo động chứ có gì là hài hòa đâu?

001_GR258931-1-250.jpg
Sơ đồ vùng biển đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam tập trận bắn đạn thật hôm 13/6/2011. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hiển nhiên là như vậy thưa ông. Những từ ngữ như "tổng hợp quốc lực", "xã hội hài hòa" hay "quật khởi hòa bình" đều là ngôn từ hoa mỹ của Trung Quốc cho cái thuật trong bá ngoài vương của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ cứ nói chữ vương đạo văn minh nhân nghĩa mà thực chất thì toàn dùng trò bá đạo với người dân bên trong và với cả thế giới chung quanh.

Ngày nay, chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc đã dẫn tới thực tế là gây bất công và bất mãn nên động loạn đang xảy ra, trong khi tai họa về môi sinh thì đã cận kề và sẽ bùng lên bất cứ lúc nào. Bây giờ, việc chế độ phải dàn trận với dân chúng là mặt nổi khó che giấu. Chính là những khó khăn ấy mới khiến họ quậy sóng Đông hải để khích động chủ nghĩa Đại Hán như một thứ nha phiến cho thần dân lầm than bên trong. Nghĩa là ta thấy ra một lúc hai mặt của một đồng tiền và cái gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" chỉ là trò quảng cáo giả trá mà thôi!

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, trong hoàn cảnh đó, Việt Nam có những chọn lựa gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi đoán là ông muốn hỏi rằng lãnh đạo Hà Nội có những chọn lựa gì, chứ người dân không có quyền chọn lựa, trừ một việc là đi biểu tình và có khi lại bị đàn áp về tội yêu nước! Lãnh đạo hai bên đều có vẻ khai thác chủ nghĩa dân tộc cho ý đồ riêng chứ đều không chấp nhận dân chủ và nhân quyền bên trong thì làm sao người dân được quyền chọn lựa?

Còn nếu lạc quan cho rằng lãnh đạo Việt Nam muốn thoát ra khỏi "trật tự Trung Quốc", tức là quỹ đạo áp chế của Bắc Kinh, thì họ nên từ bỏ lề lối quản lý kinh tế kiểu "Đồng thuận Bắc Kinh" vì những nhược điểm đã mười mươi của lề lối này, như bất công xã hội, sự thống trị đầy lãng phí của các tập đoàn kinh tế nhà nước, là nạn tham nhũng được định chế hoá trong một môi trường sinh sống đầy ô nhiễm. Một cách cụ thể về đối ngoại, Việt Nam khỏi cần rút súng ra hăm dọa ai mà chỉ cần chứng tỏ là mình không ngả theo giải pháp của Bắc Kinh với người dân chủ mình. Cụ thể là thực tâm phát huy dân chủ để xây dựng kinh tế thị trường đích thực cho dân được hưởng.

Lãnh đạo Việt Nam muốn thoát ra khỏi "trật tự Trung Quốc", tức là quỹ đạo áp chế của Bắc Kinh, thì họ nên từ bỏ lề lối quản lý kinh tế kiểu "Đồng thuận Bắc Kinh" vì những nhược điểm đã mười mươi của lề lối này.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Các nước trong khu vực đều không muốn có xung đột võ trang ngoài Đông hải và đang thẩm xét thực tâm của Việt Nam là có muốn độc lập với Trung Quốc không, hay chỉ là một đồng chí đồng hành đã có những thoả thuận ngầm với Bắc Kinh. Một cách bày tỏ thực tâm trước tiên chính là từ bỏ thói quản lý hung đồ được mạ vàng thành "Đồng thuận Bắc Kinh". Nếu giải phóng người dân khỏi chế độ quản lý ác độc ấy thì Việt Nam huy động được sức mạnh của dân tộc và dễ liên kết với các quốc gia dân chủ trong trường kỳ để bảo vệ quyền lợi của mình. Chứ chẳng ai muốn giúp một chế độ độc tài bất tín chống một cường quốc độc tài bá quyền. Nhìn về dài thì đó là sự chọn lựa giữa "Đồng thuận Bắc Kinh" và "đồng thuận toàn dân", nó khác nhau rất xa!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã dành cho cuộc phỏng vấn này.

No comments: