Tuesday, September 11, 2012

GS.ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TÌM KIẾM TRIẾT GIA



TÌM KIẾM TRIẾT GIA

Đặng Phùng Quân


LTG. Bài viết này “Thay lời nói đầu” cho quyển sách xuất bản vào năm 1973 - hơn một phần tư thế kỷ - đối với tác giả, coi như đã thất lạc nay tìm lại, nhờ một người bạn vong niên giữ được một bản mới vừa gửi tặng (anh viết: cho châu về Hiệp phố - tháng 11 năm 2007).


Hôm nay giở lại trang sách cũ, chạnh nghĩ đến thế sự, muốn đưa ra đây như một lời tâm huyết gửi bạn đồng tâm.


Hoàng Sa/Trường Sa?

Có người bạn trẻ hỏi: những nhà trí thức đi đâu hết rồi? - tôi cũng có lần hỏi: tâm sự của nhà triết học Trần Đức Thảo, những người trí thức Việt Nam khác có lỗ tai để nghe không?

Tôi cũng nhận được Bản Lên Tiếng kháng cáo Trung Cộng âm mưu chiếm đoạt hai đảo nói trên, và kêu gọi “chính quyền Việt Nam” phải động thái? - tôi không ký vì một lý do đơn giản: tôi không nhìn nhận “nhà cầm quyền Hà Nội” - song tôi đồng tình với những cuộc xuống đường: những đợt sóng đầu tiên sẽ dấy lên sóng thần cuốn đi những “trầm tích” của lịch sử (trong Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít (x.b. 2002) tôi đã viết: Sự cáo chung của chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu đã tạo những hụt hẫng cho những nước còn tồn tại dưới lá cờ Mác-Lênin. Vì thế danh xưng chủ nghĩa xã hội chỉ là một hư từ chính trị trong việc biện minh cho sự tồn tại chính trị của đảng cộng sản ở những nước trầm tích này.)



Bạo lực là một vấn đề đối với triết học: khi một nước lớn đàn áp một nước nhỏ dưới bất kỳ hình thức nào thì chỉ có một động thái đối kháng bằng bạo động. Nguyên lý ấy không bao giờ thay đổi.

Diogène một ngày kia cầm đèn lồng thắp sáng đi giữa thanh thiên bạch nhật “tìm kiếm con người” - không ai biết ông có gặp cái bóng mình? Triết lý, khởi sự bằng kinh ngạc, nhưng cũng kêu gọi tới sự suy tưởng độc đáo. Kẻ đi suy tưởng về chính mình, gây mối nguy cơ cho bản thân và cho xã hội. Bởi vì tra hỏi, tức là nghi hoặc, và ngờ vực nên phải đi tìm kiếm. Có một lịch sử những tư tưởng vẽ lại những lối đường giải đáp, như cũng có một khoa học chối từ những tư tưởng, hệ thống để vạch ra một lịch sử khác, lịch sử những con người đi suy tưởng trong những chiều hướng, kích thước của tư duy, của lý trí, của văn hóa đã thành.
Khảo cổ học, từ ngữ mang sắc thái thời thượng biểu thị một nỗ lực vượt ra bên ngoài những giai tầng văn hóa, khai quật lại những lớp trầm tích tư tưởng vô sở trú, vô ngôn.
Bản viết này không nhằm đi tạo dựng một biểu đồ lịch sử triết học, nhưng chỉ phác thảo những nét đại cương khảo cổ học về một nền triết học đã thành. Phải chăng triết gia không còn hiện hữu?



*
* *




Có ai trong đời sống làm triết lý, bây giờ, mà không đặt vấn đề về sự cần yếu của triết học thực hiện trong thế giới bạo hành? Triết học dường như không phải chỉ để dành nói về con người, nhưng triết học cũng không khả hữu nếu không ngừng hỏi về yếu tính con người. Vấn nạn đó hàm ngụ sự tìm kiếm ý nghĩa cho chính con người một định nghĩa. Con người bản nhiên là một con vật - như muốn tự hữu, muốn là một cái khác để tự nhận biết là mình phải có lý trí. Người là một con vật được phú cho lý trí (ratio) và ngôn ngữ (logos). Logos hy lạp hàm ngụ ngôn từ, ratio la tinh bao hàm khả năng dự tính và suy tưởng. Dự tính chỉ thị sự vén mở những mã số hữu thể luận - phải chăng con người được mô tả như một hữu là cái nó không là, bởi vì tự yếu tính người là chính sinh thành như chính tự thành.


Nói như Hegel, người mang theo hủy thể tính của chính mình. Con người có lý trí bởi vì con người có khả năng thực hiện hủy thể chính mình, không những điều con người nói về mình, nhưng cả những gì con người tạo trong cuộc đời của mình. Lý trí được phú cho không phải là một phẩm tính của sự vật, của đối tượng con người bắt gặp, tìm thấy trong thế giới như tìm thấy những cây cối; lý trí không vẽ ra tự ngoại tại, như một tha thể, nhưng tự phác họa như thể trong khi vận chuyển, lý trí là chính lý trí tự phác họa, lýù trí trong chính sự vật, lý trí tự suy và lý trí tự hủy. Khả tính phú cho không hiểu theo nghĩa con người có được những bàn tay, hay biết đi đứng; con người được phú cho lý trí như chính lý trí gắn liền trong một thân xác động vật, phải biến đổi qua lý trí và dựa theo lý trí. Lý tính không còn mang theo niềm tin bí nhiệm đã xây dựng lên triết học đại duy lý như thế kỷ XVII, bởi vì lý tính không đem lại những thỏa mãn cho những vấn đề siêu hình dựa trên một vô cùng vô hạn tích cực, ở đó ý niệm phủ định khả hữu, trong khi lý trí là chính sự hài lòng, như một hiện diện vô song, tồn tại ngay trong cả sự vắng mặt của mọi xác quyết tích cực, khẳng định. Hiện diện đơn thuần chỉ khả hữu, như hình dáng hiện vào trong bóng tối, như sự vắng mặt của ngày là đêm, là ý thức trải dần trên vô thức.




Con người là chính mình - không gì khác hơn con người - là lý trí, không những chỉ hữu lý, nhưng bao gồm cả lý giằng buộc vào trong một thân xác khốn khổ đầy những đòi hỏi, khao khát mù lòa, đam mê ngông cuồng. Công việc đời trong cần lao nhân tính, ngày lại ngày, vươn tới nỗ lực nhằm biến đổi hữu thân mang nặng những hành trang trên con đường tiến mà không bao giờ lùi lại được, giao kết trong thường hằng của cuộc sống trồi lên giữa hai vực thẳm tương xứng của sự khai sinh và nỗi chết. Chết - cái phi thực (Unwirklichkeit) ấy, là một điều khủng khiếp nhất (furchtbarste) phải đương đầu trong sức lực phi thường nhưng không bao giờ chạm mặt; sống là chịu đựng cái chết và tự bảo toàn trong cái chết; tinh thần chỉ đạt tới chân lý khi tự tìm thấy mình trong sự xâu xé (Zerrisenheit) tuyệt đối. Con người tình nguyện chấp nhận cái chết, hướng về nó trong tri thức nguyên cớ, người là một hữu thể ý thức cái chết của mình [1]. (Phải chăng một triết học về điều chết bao giờ cũng tuyên xưng vô thần?)



Biến đổi, đó là mục phiêu của cả cuộc đời triết lý nơi con người, giản lược cái phần còn hữu lý, nhiên hậu cả con người là lý trí, tưởng chừng như chưa bao giờ thành tựu. Vẫy vùng, phung phá, biến đổi như thể làm chủ tuyệt đối chính mình, khởi sự rồi thất bại, miên tục trong dòng luân lưu của đời sống tương tranh với Tha thể; không bao giờ con người toàn diện là lý trí nhưng cũng đôi lúc là lý trí, đôi lúc là tự do, là thượng đế trong một vài thời khoảng, hiện diện trước thế giới hiện diện, có tích cực bởi phủ định hủy thể tính vô thức, tuyên xưng hữu lý, con người vươn tới sự biểu lộ khao khát được tự do, người là chính niềm khát vọng trong những thời khoảng của hạnh phúc tuyệt đỉnh, của viên giác không thể diễn tả, ở đó người đã sống, đã chấp nhận không phải cho lý trí nhưng chính con người tự thành lý trí. Một lý trí ngay trong cuộc đời phục vụ cho cuộc đời, khát vọng và nhu yếu. Nhưng người là gì? Cùng lý trí đó, người không là cái gì là người, bởi vì người không muốn là cái gì là nó, vì không bằng lòng là cái gì tại hữu, không bằng lòng có cái gì tại hữu. Lý ưng, người lại là con vật biết nói, biết sử dụng ngôn ngữ để nói không trước cái gì tại hữu. Khát vọng tại hữu và tự do thúc đẩy nó biến đổi, nhưng nếu con người phải biến đổi, thì cái cần phải biến đổi, chính là con người. Khởi sự ly cách giữa con người của cuộc sống thông thường với con người triết lý từ đó. Bởi vì con người triết lý muốn trở thành nhà triết học, muốn lý trí mang ý nghĩa, đã bị kết án vào chọn lựa nhưng không phải ở đời sống thường nhật. Lý trí trở thành một cái khác; công việc đời sống hàng ngày nơi con người thường làm bộ lạ mặt với công việc của nhà triết học; con người triết lý bởi vì hữu lý có thể tự thành nhà triết học, nhưng con người không triết lý chỉ vì hữu lý bởi con người cũng bận rộn với công việc một cách hữu lý, giải quyết một cách minh mẫn mà suốt đời không cần bận tâm đến triết học là gì.




Triết học chắc chắn chinh phục được người khác nếu họ muốn nghe; nhưng có điều là người khác không muốn nghe thì nhà triết học làm gì?
Chọn lựa triết lý, không phải vì triết học đã hoàn tất chân lý nhưng chính vì chọn lựa hàm ngụ những khả hữu mà trong muôn vàn những khả hữu quan trọng đối với con người triết học là một khả hữu tính của con người phụ thuộc vào lãnh giới con người có thể làm hay không thể làm được gì. Người là một hữu thể biết suy nghĩ, biết nói, vả lại, con người sống, cảm thấy đang sống trong cuộc đời này, con người có thể làm triết học, tìm kiếm hiểu biết và khôn ngoan. Triết lý trong tình trạng sơ sinh - in statu nascendi.. Chọn lựa triết lý, trong khi triết học không thể minh chứng chân lý cho con người, bởi vì nhà triết học đã phải chọn lựa đối với chính mình trước khi chứng tỏ bất cứ điều gì mà minh chứng chỉ có giá trị đối với con người, đã chọn lựa sự chứng minh.



Khả hữu tính triết lý là một khả hữu của con người, nhưng đã là khả hữu chỉ thị điều gì có thể thì những khả hữu khác cũng xuất lộ như tự do đối với tất yếu, im lặng trước ngôn từ. Im lặng giả định ngôn từ. Nhưng ai nói? Đó là câu hỏi nguyên ủy chung quanh định mệnh con người, tương quan giữa hữu và ngôn ngữ, đặt lại số phần của văn hóa và tri thức. Ngôn ngữ, ký hiệu, lời thốt ra nhằm đối diện với hữu thể của con người biết nói, phải chăng câu trả lời chỉ tìm thấy nơi chính sự thực hiện cụ thể, chính nơi chữ nghĩa, như Mallarmé đã kiếm được, trong mỗi dòng chữ mỏng manh, mang chất liệu vẽ lại bằng mực trên trang giấy. Con người không ngừng tự xóa mình lẫn vào ngôn ngữ của riêng mình để thực hiện Tác phẩm phối hợp nơi diễn từ. Tư tưởng lại diễn về diễn từ; ở đó hữu thể và biểu tượng nơi tư tưởng cổ điển không còn đặt thành vấn đề nữa. Con người hành động một cách hữu lý theo diễn từ. Đối với nhà triết học, chắc chắn diễn từ có một ý nghĩa tất yếu, ngay cả khi triết học phản kháng chống lại diễn từ, bởi vì phản kháng lại nhờ vào một diễn từ. Giữa những diễn từ kháng đối lẫn nhau, lý trí trở thành tính khả hữu nơi con người và triết học là một chọn lựa tuyệt đối.




Đối diện với triết học, phi triết học biểu thị thái độ biến diễn từ thành thù hận (như trường Hàn lâm định nghĩa: Aphilosophia: êxis kath'en ô êchon misologos esti). Yếu tính triết học dường như vén mở một bí mật trong cuộc tương tranh tư tưởng và giả tư tưởng, nhờ vào diễn từ của đối thủ đối nghịch với diễn từ hữu lý, nhờ vào phi triết học: cuộc tranh đấu thân hữu khởi sự nơi ngôn ngữ, chữ viết có tính cách phá hủy và tự hủy, ngôn ngữ trở thành bạo động và nhà triết học muốn bạo động tan biến trong thế giới này. Bạo động không còn là vấn đề nhất thời, diễn biến của khoảnh khắc, biến cố trong lịch sử nhưng bạo động là hồi cố của ngôn từ, khả tính của diễn từ, là thường hằng - mà thường hằng thì luôn luôn thách đố nơi con người.





Lý trí và bạo động cùng có tính chất khả hữu: con người thường không chấp nhận luận ngôn của kẻ khác và tìm kiếm thỏa thích trong nỗ lực tranh đấu cho luận ngôn của mình nhưng không có giá trị duy nhất cho mình, nhưng cho mọi người, nỗ lực thúc đẩy thành phổ quát toàn diện hóa đối đầu với sự tiêu diệt những luận ngôn không phải là luận ngôn chọn lựa; con người chỉ muốn tự diễn như một hữu thể trong bộ diện cảm thấy nơi chính mình, với một ngôn ngữ có thể lãnh hội, chứng tỏ, không phô bày mâu thuẫn bởi vì không mâu thuẫn nào có thể tưởng được. Con người theo đuổi bạo động và bạo động đuổi bắt con người trong vòng luân lưu: tất cả trở thành khả hữu hay không là gì hết. Nhưng toàn thể là cái thực, lưỡng luận hàm ngụ sự hữu lý hoặc muốn trở thành hữu lý. Một lý trí như thể chỉ tại hữu đối với con người trong vòng cương tỏa của bạo động, bởi vì con người không bao giờ ra khỏi lãnh vực mà bạo hành và niềm kinh hãi đều khả hữu. Con người đơn độc trong việc đương đầu với bạo hành, với những gì có thể xẩy đến trong dòng hiện hữu tại thế này. Điều nghịch lý phân cách triết học chủ lý chính vì niềm tin nền tảng vào tính thuần lý cũng trở nên nghịch lý: con người tự do nói không trong mọi hoàn cảnh, nhưng không luôn luôn được tự do để hành động.




Trước bạo động, con người phát kiến thân phận mọi người đều bình đẳng và diễn từ của mỗi người là phát biểu chung giá trị với tất cả nếu diễn từ ấy mag giá trị chính mình - cách mạng chỉ có ý nghĩa với đám đông, không phải với kẻ cầm đầu. Lời than thở của mỗi người đóng góp vào triều khích động của tập thể. Vinh danh nơi người chứng thực trong hiện hữu thường nhật và đời sống trực tiếp nhất cũng trở thành triết lý. Thế giới mang ý nghĩa vén mở toàn diện chính nơi người. Không hình thái diễn từ nhân tính nào tuyệt đối phi lý. Bạo động không còn ra khỏi diễn từ, nhưng trở thành nguồn thúc đẩy tích cực không trào lưu nào thiếu được. Ở đó triết học khả hữu. Triết học là một khả hữu khác của con người: trong cuộc đời này con người có thể làm triết lý. Mọi diễn từ triết lý đều bắt nguồn từ động lực của bạo động. Bạo động là vấn đề đối với triết học: đến đây, chúng ta cảm thấy thất vọng khi lần giở những trang triết lý mà sự lạnh nhạt của triết học, của bản viết vượt ra khỏi hiện tính mà chúng ta nhăn mặt - những vòng giây kẽm gai, khói lựu đạn cay hay xao động thường trực trong cục diện thế giới hiện đại không để lại những đường nét bằng máu, bằng mực trên trang triết lý - chỉ có những chữ viết bạo động, hương khói của ngọn bạch lạp leo lét, khuôn mặt nhà thông thái cúi xuống trước án thư? Không, không phải thế, gót giầy xâm lược ngày nào vẫn rung chuyển trong tâm hồn nhà triết học trẻ tuổi ngày nào ở Berlin khi chàng đang soạn bộ Hiện tượng luận về Tinh thần mà tư tưởng vẫn không ngừng khai phá.




Tư tưởng vươn mình trên bạo động (trong khi bản đồ thế giới của tinh thần trải rộng dần, triết học thâu gồm lịch sử và địa chí); thành quả nghịch lý là bạo động chỉ có ý nghĩa đối với triết học, trong khi triết học chối bỏ bạo lực không ngừng. Tuy nhiên triết học chỉ có thể hiểu được và thực hiện với bạo động bởi vì đương đầu với bạo động, bạo động này là phương tiện tất yếu nơi tư tưởng, qua ngôn từ, phát sinh sự chống bạo động, trong một thế giới của bạo hành. Diễn từ hình thành, con người lập ngôn trong bạo động chống bạo động, trong phủ định sự phủ định. Có dòng lịch sử để con người tìm kiếm thấy mình, thấy dòng hiện hữu của mình, trong thường hằng chống thường hằng, nhưng chính nơi diễn từ con người có thể ý thức được sự khám phá, trong nỗi ngỡ ngàng và kinh sợ khôn cùng.




Thực hiện diễn từ trong lý trí này, đó là khởi nguyên lý tưởng nơi triết học. Chọn lựa triết lý, dòng hiện hữu của con người gắn liền với lý tính như chưa bao giờ minh bạch đến thế. Khởi từ bạo động, con người đã chọn lựa diễn từ về diễn từ này trong những thực hiện ở cùng thế giới và thực hiện chính mình, chúng ta có thể nhận thấy lờ mờ một kết luận đến quá sớm là không những triết học đồng nhất với lịch sử triết học, chính lịch sử cùng đồng nhất với triết học. hiểu như vận chuyển bạo động ngăn chặn thác lũ bạo hành. Không có sự khác biệt giữa con người dưới phố và nhà tư tưởng khi triết học dấn thân xuống đường, gõ cửa mọi xã hội để dán lên thành trì thế giới một biểu ngữ mang những chữ: Ultimi barbararum.

*
* *

Trong triết học - Kant đã viết khi trả lời Eberhart - không có tác giả cổ điển. Cổ điển, những điều có thể giảng dạy như người ta thường làm trong các lớp học, nhằm bắt tinh thần phải chịu phục tòng toàn diện, ký ức phải tái tạo tỉ mỉ những khuôn sáo, bước đi đứng, lối suy nghĩ, thứ phân tích ròng những sự kiện biên niên, thuộc về lịch sử; cổ điển trói buộc tác giả vào trong một thế lực, khoác lên tác phẩm sự hóa thân khiến “tác phẩm được coi như một kiểu mẫu” [2]. Cổ điển tạo nên những tường thành kiên trì của thẩm quyền và giáo quyền, chận đứng lịch sử và đóng kín vận chuyển tư tưởng. Đối với Kant, cổ điển là những đại diện tiêu biểu cho sự tuyển chọn cái tốt đẹp hơn, hướng dẫn những tư tưởng sống động, những tinh thần cao quý vươn lên khỏi sự tranh tuyển, lọc lõi vào một bảo tàng viện mang tính cách phụ quyền; vẻ chói lọi của uy thế đó làm mất ý thức chọn lựa, tính nhưng không của tranh tuyển và điều đòi hỏi của phán đoán. Những ai trong công việc triết lý, đi tra hỏi lại lý trí không ngừng nhìn về sự đồ sộ của công trình tư tưởng đến từ nhiều đời, lại không tự hỏi có chối bỏ tính cách cổ điển của sách vở, có thoát khỏi ám ảnh gán ghép cho con người - ta đang gặp lại tư tưởng của họ trong lúc này, ở đây, bây giờ - một nhãn hiệu tác giả cổ điển, và chính mình, có trở thành tác giả cổ điển?




Đối với những môn đồ nhiệt tín của học thuyết Wolff như Eberhard [3] chẳng hạn, tư tưởng của ông thầy có tính cách cổ điển và trở thành giáo điều, tượng trưng cho một thế lực. Nhưng Kant đã đối lập với triết học giáo điều bằng triết học phê bình - để nhìn thấy ngay chính nơi Wolff hay bất cứ nhà triết học thuần lý giáo điều nào, một bộ diện khác, một dự phóng tiến bộ trong hành trình siêu hình học, ở đó người ta không có thể cũng như không phải học hỏi nơi Wolff hay nơi Leibniz cái gì đúng trong triết học. Triết gia dường như đã phân cách với nhà khoa học, hay ít ra với nhà toán học ở chỗ không đi đặt nền tảng cho triết học là một khoa học chính xác. Trước Hegel, Kant không giảng dạy đặc biệt về lịch sử triết học hay viết về lịch sử triết học ngoài những nhận xét ngắn về diễn biến tư tưởng môi trường và thời đại triết học phê bình của ông đã tương tranh với những triết học trước và đương thời. Nhưng Kant đã viết: Một lịch sử của triết học khả hữu không phải trên lịch sử hay theo kinh nghiệm, nhưng khả hữu một cách thuần lý, nhĩa là tiên nghiệm. Bởi vì nó xây dựng những sự kiện của lý trí không phải vay mượn nơi sử ký, nhưng rút ra từ bản chầt của lý trí con người theo danh nghĩa khảo cổ học trtiết lý. Điều đó cho phép các tư tưởng gia giữa mọi người được lý luận về nguồn gốc, mục đích và cứu cánh các sự vật trong thế giới. [4] Những dòng chữ trên tìm thấy nơi những Tờ Rời, ghi lại mọi thời khoảng trong cuộc đời suy tưởng của Kant, làm mới tư tưởng trong tinh thần đặt lại quan điểm về lịch sử triết học.
Trước Hegel, các nhà viết lịch sử triết học làm những công việc của một người sưu tầm trên phương diện lịch sử và không có một quan điểm nào trên phương diện triết lý. Phải đợi tới Hegel, một lịch sử triết học mới được viết ra trong tinh thần triết lý, khởi từ bài diễn giảng tại Đại học đường Heidelberg vào tháng 10 năm 1816, khi Hegel lưu tâm đặc biệt đến vị trí của triết học kinh qua những biến cố của thời cuộc, những lợi ích tầm thường nhỏ nhoi của đời sống đã làm triết học tàn tạ và rơi vào lãng quên của kỷ niệm; nhưng sau cái nhìn thấy tính cách phong phú của lịch sử triết học, Hegel lại có tham vọng đặt hệ thống triết học của ông trên lịch sử, báo hiệu sự cáo chung của lịch sử và của triết học. Điều sai lầm của Hegel có thể giải thích bằng chính khởi điểm của việc nhìn lại lịch sử triết học nơi Hegel có tính cách phiến diện vì Hegel không nhìn thấy lưỡng tính của vận chuyển tư tưởng: có một lịch sử triết học song hành với một khảo cổ học về tri thức như Kant đã khám phá ngay từ thế kỷ XVIII (và phải đợi tới M. Foucault ở thế kỷ XX này mới đặt thành vấn đề). Con người vẫn tiếp tục đi khai quật lại những di tích của văn hóa những dấu vết của tri thức trên tiến trình mênh mông của những kẻ phiêu lưu trong đời này, để lại sự nghiệp tưởng chừng như những chứng cớ của thành công rồi thất bại - thất bại trong đời người để thành công trong vĩnh cửu. Sự bất tử của những tên gọi, những khuôn mặt mang nhiều quốc tịch, xuất hện đây đó trên đụa chí triết học ở mọi từng lớp sống nhiều hoàn cảnh khác nhau, đặt để những vấn đề khác nhau lối nhìn và ưu tư những vấn nạn khác nhau chứbng thực sự tồn tại của triết học, kể cả sau khi một lịch sử này chấm dứt, một lịch sử khác bắt đầu, một tri thức này bị tiêu diệt, một văn hóa mới sinh thành. (Phải chăng triết học sinh thành trên đống tro tàn?) Sự bất tử không phải đem lại vinh diệu nhưng đem lại chiến thắng cho tư tưởng. Tư tưởng tiến hóa không ngừng đem lại những ý nghĩa cho hiện hữu và những dấu hiệu cho tri thức. Vận chuyển của tư tưởng đánh dấu điều kiện xuất hiện của những triết học, những hình thái, quy luật của biến đổi triết lý, sự bất liên tục của dòng thời gian. Dường như sự đoạn lià của khôn ngoan tư tưởng không những chỉ thị sự đổ vỡ theo chiều dọc của văn minh, còn hàm ngụ sự phung phá theo chiều ngang của lý trí. Nhưng vẫn còn một cái gì tồn tại mang theo sự khả hữu của hữu tưởng - triết học như làm mới tự uyên nguyên. Cho nên Merleau-Ponty tin tưởng: Con người ngày mai có thể không còn những vấn đề như đơn tử, chấp ý bản thể, thuộc từ nhưng họ vẫn tiếp tục học hỏi nơi những người như Leibniz hay Spinoza phương cách mà những thế kỷ bình an sung sướng đó đã suy nghĩ cách giăng bẫy được con Nhân sư, để trả lời theo cách thế của họ về những ẩn ngữ ngày một phức tạp đặt ra với họ.[5]





Nôi dung của tư tưởng chứa đựng sinh hoạt triết lý, nhưng nội dung của cách thế tư tưởng quan trọng hơn, nó hàm ngụ sự khả hữu của triết học là triết học - nói chung - ở bên trên những triết học - chủ nghĩa - bên cạnh những khoa học như những khoa học tổng quát: y học, sinh học, kinh tế học. Tư tưởng không những chỉ nhìn lên theo chiều cao, đắm đuối vào chiều sâu nhưng còn hiện nguyên hình qua những tham vọng và xảo thuật của nhà tư tưởng trên bình diện trái đất này. Khác với Hegel nghĩ, thực tại và thuần lý đều phân định trên một bản thể là sự hiện hữu lịch sử của những khuôn mặt tư tưởng và nhờ đó, thực tại có thể nói đầy hứa hẹn cho lý trí. Triết học vẫn tiếp diễn -bất chấp thế lực của hệ thống tưởng chừng kết thúc lịch sử - cuộc hành trình hoàn tất của tư tưởng. Tư tưởng trải qua cuộc thí nghiệm dùng đá thử vàng là lý trí chung nhân tính. Có một “sử tính của tri thức” như Merleau-Ponty đã gọi, để chỉ thị tư tưổng mang theo lịch sử, ở đó một luận lý ngay trong thường hằng, một lý trí ngay trong phi lý. Nói như thế có nghĩa là nhà tư tưởng không những chỉ có thực trong những điều ông thấy, mà ngay cả những điều ông không thấy. Sự chọn lựa triết lý quả thực không bao giờ đơn giản, ngay khi chọn đã là triết lý.
Nhà triết học không chọn lựa vị trí trong lịch sử triết lý nhưng chọn lựa cách triết lý trong vận hành tư tưởng. Giữa vô số những chọn lựa căn bản, lý trí cuốn theo cơn lốc biện chứng bởi vì nhà tư tưởng không lúc nào trùng hợp với một hình ảnh trước đó ngay trong sách vở để lại. Triết lý luôn luôn làm mới, chính là cách mạng và viết triết lý hàm ngụ sự thi hành bạo động để thực hiện cuộc cách mạng này. Con người không phải lúc nào cũng chung những tư tưởng hay những ngôn ngữ - cơn xúc cảm bạo động thúc đẩy tư tưởng, ngôn ngữ phóng tới tư tưởng và ngăn chặn tư tưởng - những điều được nói ra và được nghĩ tới luôn luôn không ngừng là những điều đã không có ở trước đó, không ngừng chối bỏ những điều đã có ở trước đó; con người như một tia chớp lóe bùng, ngôn ngữ mang theo những nghịch lý của thời khoảng và những ngộ nhận của không gian, đến nỗi chúng ta không thể xác quyết là những điều chắc chắn dẫn tới hiểu biết có thể biệt phân là tốt hay xấu, mà cũng không ngừng ngăn chặn chúng ta hiểu biết. Ngôn ngữ và tư tưởng dường như chiếm hữu chúng ta thay vì chúng ta đã chiếm hữu chúng.Những dấu hiệu mới bắt đầu: một Kant không ngừng vượt khỏi địa phận của học thuyết Kant, một Descartes chối bỏ cái gì là chủ nghĩa Cartésien, một Hegel của hiện đại nói và nghĩ những điều nhận thấy được nơi hình ảnh nhà triết học lớn của thế kỷ XIX. Có một Kant tuyệt đối, một Descartes tuyệt đối, một Hegel ở bên trong và bên trên tri thức tuyệt đối. Cho nên người ta vẫn không ngừng nói về Kant, về Descartes, về Hegel cũng như không ngừng nghĩ theo Freud và Marx. (Ngày nay, mọi nỗ lực của tư tưởng văn chương và triết lý cố “đọc cho được” những bản văn đã hiện hữu trong thế giới của văn hóa bằng những lý thuyết văn chương, bằng tri thức luận theo Marx hay theo Freud?)




Lý trí, khởi sự với ngôn ngữ, được canh tác sau những thời gian bỏ hoang đầy hoài vọng.
Câu hỏi nguyên ủy của mọi tranh luận giữa lý trí và hiện hữu, trong biện chứng phá hủy và tái tạo trí năng chính là: Làm thế nào kinh nghiệm khả hữu?




*
* *




Triết gia chính là con người đem lại những khả hữu cho kinh nghiệm, bởi vì mọi kinh nghiệm cũng như khả hữu của kinh nghiệm thiết yếu là trí năng.
Song không phải chỉ có những khả hữu của kinh nghiệm mà có nhiều kinh nghiệm khả hữu. Người phương tây thường nói: Có nhiều mái nhà trong tư tưởng của con người. Thế giới những văn minh đa biệt ngày nay chứng thực: chúng ta không sống cùng dưới mái nhà, nhưng sống trong nhiều căn nhà; điều quan hệ là không phải những ốc đảo cô lập.
Mọi căn nhà đều tọa lạc trên cùng một nền đất - Grundform - trái đất của chúng ta như một sinh giới, thế giới của đời sống cho một nhân loại sống thành cộng đồng và ở đó con người có thể thỏa hiệp trong một niềm thông cảm về mọi sự vật trên đời này.
Đất, nền tảng cuối cùng của nhân loại cộng đồng (Husserl).





Vấn đề đối với triết gia không phải là đi tìm mặt trời mọc ở phương Đông, cũng không phải chứng thực loài chim cú Minere bay lên ở hướng chiều tà. Con người đang sống giữa Ngọ, vào lúc mặt trời lên tới đỉnh. Buổi ban mai của nhân loại đã khuất, hay tiếng kèn tận thế gần kề?
Không phải thế. Triết gia hẳn từ lúc khởi sự không phải là tiên tri hay thấu thị. Anèr philosophos, con người chuyên chú đi tìm hướng về sophon. Chính ở đó philosophos phân biệt với sophistes [6].
Triết gia ngày nay không đem một sứ điệp đi rao giảng không chiếm giữ một vai trò trong cộng đồng, không đi tìm vinh diệu của Quyền lực. Vinh danh như Rilke đã nói, không có nghĩa là làm thế nào để được biết đến. Vinh danh là sự Hiện diện chói lọi. Chắc hẳn những vinh dự của một đời triết lý ngày nay chỉ là ảo tưởng.




Những cảnh: Cả thành phố Nhã điển dự đám tang Platon, hay cả thành phố Nhã điển dự đám tang Théophrastye, ngày nay chỉ còn là huyền thoại bởi vì ở thời đại này “võ sĩ quyền thuật được coi như vĩ nhân của cả một dân tộc.” [7] Những con người được ưu đãi, dự vào triều chính, hưởng quyền cấp dưỡng ở những thời xa xưa không phải là bộ mặt muôn thuở của triết gia.
Triết gia không phải chỉ là con người Nói, còn là con người Viết. Logos không những chỉ thị Lời còn hàm ngụ Chữ nghĩa. Trong lịch sử triết học, có mấy ai không hoài niệm những bản văn đã thất lạc, để mưu đi dựng lại một viễn quan trên những Dấu vết?




Có mấy ai trong đời sống triết lý không nghĩ đến việc trình diện trước công chúng những trang Bản thảo hóa thân thành quyển sách? - Xuất bản, công việc dấn thân của triết gia. Từ những giòng chú giải đến những bài diễn thuyết, từ giảng khoa dành cho lớp công chúng khởi đầu đến di cảo còn trong tình trạng phôi thai: sự quan hệ giữa bóng tối tư tưởng và ánh sáng triết lý, làm thay đổi lối nhìn, phục sinh đời sống của con người bị quên lãng trong dòng đời thầm lặng.
Triết lý, công việc của nhà văn sử dụng ngôn từ xây dựng khả hữu của kinh nghiệm tư tưởng. Khởi từ đây, mỗi ngôn từ mang dấu vết của kinh nghiệm tư tưởng, chỉ thị một đời sống riêng hướng về Toàn thể hữu hiệu trong diễn tiến phi chủ thể của vận hành.
Giải pháp hữu hiệu triết lý liệu có là liều thuốc cho con người đến bờ Trí tuệ hay tới vực Mê cuồng?

ĐẶNG PHÙNG QUÂN

[1] X. Hegel, La phénoménologie de l'esprit (bản dịch của Hyppolite, tr 29. Nguyên tác: Phänomenologie des Geiste).
[2] X. định nghĩa trong Littré: “1/ qui est à l'usage des classes; 2/ auteur, poète, ouvrage classique. Celui qui est regardé comme un modèle; par extension, tout auteur, tout ouvrage qui fait autorité”. Littré, t. II, p. 379, J.J.Pauvert éditeur.
[3] Chritian Wolff (1679-1754), nhà triết học và toán học Đức sống vào thời Khai sáng/Aufklärung trước Kant (1724-1804). J.A. Eberhard (1739-1809) nhà triết học đại chúng và thần học Đức chịu ảnh hưởng Wolff, Locke và Leibniz.
[4] Kant, Les progrès de la métaphysique en Allemagne depuis Libniz et Wolff (Bản dịch tiếng Pháp của Guillermit,tr. 107-8).
[5] Merleau-Ponty, Signes, r. 200.
[6] Cuộc tương tranh miên tục diễn ra muôn đời. Sophistes đại loại như kiểu triết lý cái đình, chỉ thấy cái nhà thờ.
[7] Heidegger, Introduction à la Métaphysique (bản dịch của Kahn, tr. 46).

Nguồn: Chân dung triết gia (Lửa Thiêng xuất bản. 1973, tr. VII - XXIV).

No comments: