Monday, September 10, 2012

TRẦN BÌNH NAM * PHI THUYỀN COLUMBIA

CHUYỆN NĂM CŨ, NĂM MỚI
VÀ TAI NẠN PHI THUYỀN COLUMBIA

Trần bình Nam


(Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn của Quang Dũng, phóng viên đài tiếng nói Phục Hưng Việt Nam qua làn sóng của đài Việt Nam Hải Ngoại phát sóng vào lúc 10:15PM ngày Thứ Năm 6 tháng 2 năm 2003)
Quang Dũng: Hôm nay là những ngày đầu Xuân Quí Mùi 2003, ông có nhận xét gì về năm cũ?
Trần Bình Nam: Năm Nhâm Ngọ 2002 là năm thế giới nói nhiều nhất đến chiến tranh chống khủng bố. Và đó là sự việc ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế của thế giới. Năm 2002 có thể nói là năm bản lề đưa thế giới vào khúc quanh mới. Bản lề đó bắt đầu bằng cuộc tấn công của những người Hồi giáo vào hai cao ốc của Trung tâm Mậu dịch Thế giới của Hoa Kỳ tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau cuộc tấn công này thế giới hình như chia ra làm hai: thế giới Tây Phương với nền văn minh Cơ Đốc và thế giới Hồi giáo tranh chấp nhau.
Cuộc tranh chấp này diễn ra dưới hình thức nóng như cuộc chiến tranh Afghanistan, và cuộc đối đầu với Iraq hiện nay, và dưới hình thức âm thầm của các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ và Anh quốc và các nước đồng minh Âu châu để phá hủy hệ thống khủng bố của tổ chức Al Queda.
Tại nước Mỹ tâm lý quần chúng thay đổi một cách căn bản. Đời sống kinh tế khó khăn hơn nhưng dân chúng vẫn ủng hộ chính sách mạnh tay của tổng thống George W. Bush, nghĩa là nếu cần chiến tranh thì chấp nhận chiến tranh.
Vì nhu cầu an ninh, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một số luật lệ hạn chế chút ít quyền tự do của người dân và ban hành những chính sách về di trú gắt gao nhất từ trước tới nay đối với truyền thống rộng rãi của Hoa Kỳ.
Do nhu cầu khai thác tin tức tình báo nhanh chóng để ngăn chận kịp thời những cuộc tấn công tự sát có thể gây nhiều thương vong, cơ quan an ninh Hoa Kỳ đã áp dụng những phương pháp trước đây cấm đoán như ám sát những kẻ khủng bố và dùng những hình thức áp lực cơ thể tù nhân trước đây được xem là một hình thức tra tấn.
Do khuynh hướng quan tâm đến an ninh là chính và chấp nhận chiến tranh, dân chúng Hoa Kỳ đã ủng hộ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11/2002 vừa qua, kết quả đảng Cộng hòa đã chiếm đa số trong cả hai viện quốc hội, giúp tổng thống Bush có thêm quyền hành. Ông Bush không bỏ qua cơ hội. Nắm quốc hội trong tay ông đưa ra chương trình kinh tế gọi là chương trình “tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế” (job & growth) dự trù cắt giảm 670 tỉ mỹ kim tiền thuế trong 10 năm tới. Lý luận kinh tế của ông Bush là giảm thuế người ta sẽ có nhiều tiền để đầu tư, và sẽ tạo nên công ăn việc làm. Lẽ dĩ nhiên giới tài phiệt và những nhà tỉ phú là thành phần được hưởng sự cắt thuế này nhiều hơn trăm ngàn lần người trung lưu và giới thắt lưng buộc bụng. Chính sách giảm thuế của tổng thống Bush có một hậu quả không tránh được là làm cho ngân sách quốc gia thâm thủng hơn và thế hệ tương lai phải trả nợ. Nhưng đó là chuyện tương lai. Ông Bush cần kích thích kinh tế trong năm nay và năm 2004 tới để tránh vết xe đổ của thân phụ ông, cựu tổng thống George Bush. Năm 1992, thân phụ ông huy hoàng vừa thắng trận chiến Trung đông, Liên xô cũng vừa sụp đổ nên không làm gì để chấn chỉnh tình trạng kinh tế đang suy thoái nên đã thất cử khi tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 dưới tay ông Bill Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Trở lại bức tranh năm 2002. Các hoạt động khủng bố hình như càng ngày càng bạo dạn hơn và lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Tại Á châu là vụ đánh bom ở Bali, tại Liên bang Nga là vụ quân du kích Chechnya chiếm một rạp hát ở Mạc tư khoa và bắt giữ hơn 700 con tin. Tại Kennya Phi châu là dùng hỏa tiễn cầm tay bắn phi cơ dân sự của Do thái.
Trước áp lực của Hoa Kỳ, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA/LHQ) đã thông qua quyết nghị 1441 buộc Iraq phải mở cửa lại cho các quan chức của Liên hiệp quốc vào thanh sát xem Iraq còn chế rạo và tàng trữ vũ khí hóa học, vi trùng và nguyên tử là những thứ vũ khí giết người tập thể không. Cuối tháng giêng vừa qua đoàn thanh tra báo cáo sơ khởi với HĐBA rằng đoàn không tìm thấy gì nhưng không quả quyết Iraq đã không có những thứ vũ khí trên.
Trong khi đó Bắc hàn dưới sự lãnh đạo của Kim Chính Nhựt trở chứng tiếp tục lại các chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử và công khai rút ra khỏi thỏa ước cam kết không phổ biến hiểu biết về vũ khí nguyên tử. Bắc Hàn cho chạy lại các nhà máy điện nguyên tử có khả năng sản xuất chất plutonium, là nhiên liệu chế tạo bom nguyên tử.
Tại Âu châu, một số nước Đông âu trước kia thuộc khối Liên xô như Tiệp, Slovakia, Hung, Bảo, Latvia, Estonia và Luthiana được chính thức gia nhập khối NATO. Liên bang Nga chỉ bày tỏ sự không hài lòng lấy lệ, biết rằng không làm gì được để ngăn cản tiến trình này. Nhưng sự việc này sẽ tạo nên hiềm khích ngầm giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga.
Về mặt khoa học, việc công ti Clonaid công bố đã sao bản (cloning) được con người là một biến cố khác của nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do sự can thiệp của luật pháp Hoa Kỳ, công ti Clonaid không thực hiện được cuộc thử nghiệm khoa học để chứng minh cô bé Eve sinh ngày 26/12/2002 là sao bản của một phụ nữ khác, việc công nhận sao bản người được chỉ là vấn đề thời gian. Và việc này sẽ là một vấn nạn lớn đối với nhân loại bên cạnh những vấn nạn khác là chiến tranh và nghèo đói.
QD: Tạo sao ông xem việc sao bản người là một vấn nạn lớn của nhân loại. Nhiều người nghĩ rằng đó là một tiến bộ của khoa học?
TBN: Mặc dù sao bản là một vấn đề khoa học, nhưng sao bản người có những hệ lụy nghiêm trọng đối với sự sống và sự tồn tại tự nhiên của con người.
Khi biết được tiến trình thành hình bào thai trong bụng mẹ các khoa học gia tìm cách lặp lại tiến trình này trong ống nghiệm rồi đặt vào tử cung của một người nữ, gọi là sự thụ thai nhân tạo. Và họ đã áp dụng sự thụ thai nhân tạo giúp cho những cặp vợ chồng không sinh nở được có con cái. Thai nhân tạo đầu tiên là cô Louise Brown sinh năm 1978 năm nay 25 tuổi, và đến nay tại Hoa Kỳ đã có 28.000 gia đình có con qua phương pháp thụ thai nhân tạo.
Nhưng các nhà khoa học không ngừng ở đó. Họ hỏi, tại sao không thực hiện quá trình hình thành một bào thai (thú vật hay người) mà không cần (tinh trùng) một nam và (trứng) một nữ? Để làm gì? Nhà khoa học không cần biết. Kết quả cừu Dolly đã được các nhà khoa học Anh sao bản mấy năm trước, và bà Brigitte Boisselier thuộc công ti Clonaid cuối năm 2002 đã tuyên bố đã sao bản được cô bé Eve từ một phụ nữ Mỹ 31 tuổi.
Ở đây tôi không bàn về đạo lý và quyền của đấng tạo hóa trong việc tạo ra sự sống. Tạo hóa do con người tạo ra do nhu cầu của đời sống tâm linh, cho nên quyền của đấng tạo hóa cũng do quan niệm của con người, và về mặt này mỗi người có thể có một quan niệm khác nhau. Thật ra, nếu thế giới này không có nạn nhân mãn, không có những vùng đất có quá nhiều người nhưng không có gì ăn phải chết đói thì việc sao bản con người chắc không có ai phản đối. Một ngôi nhà trống vắng có thêm người ở cũng tốt thôi, dù người đó từ đâu tới.
Nhưng vấn nạn là, thế giới chúng ta đã có quá nhiều vấn đề. Nhân mãn, chiến tranh, bệnh tật, xung khắc văn minh, xung khắc tôn giáo... Càng nhiều thuốc tiên càng nhiều bệnh bất trị. Càng văn minh càng thấy lúng túng với những gì mình tạo ra. Bây giờ lại thêm con người sao bản chỉ có Mẹ hoặc có Cha, thế giới càng thêm hỗn độn.
Một hiện tượng được ghi nhận trong nhiều thế kỷ qua là hôn nhân trong cùng họ tộc thường sinh ra những đứa bé bệnh hoạn. Bây giờ khoa học biết lý do vì các nhiễm sắc thể trong tế bào của chúng đa số đều mang tính di truyền của giòng giống. Nếu là sao bản thì tất cả nhiễm sắc thể đều mang cùng một tính di truyền nên sát xuất bệnh tật rất cao. Kết quả sao bản cho đến hôm nay cho thấy các thú vật sao bản thường mang nhiều dấu hiệu bất ổn. Sao bản con người cũng không ra khỏi qui luật này. Và vấn nạn là: có nên tạo ra thêm những con người bệnh hoạn không?
QD: Với bối cảnh đó của năm cũ, ông nghĩ gì về thế giới trong năm 2003?
TBN: Tiên đoán thời cuộc là một khoa học không chính xác. Nhưng các dấu hiệu đều cho thấy năm 2003 sẽ không phải là một năm của hòa bình. Trước mắt, nếu Saddam Hussein không rời bỏ chính trường bằng một cách nào đó, thí dụ bị đảo chánh hay tự nguyện lưu vong, Hoa Kỳ sẽ không có cách nào khác hơn là đánh để giải giới Iraq. Với tương quan sức mạnh của đôi bên cuộc chiến có thể kết thúc nhanh chóng. Nhưng vấn đề ổn định Iraq và những cuộc tấn công khủng bố trả đũa của những người Hồi giáo tại nội địa Hoa Kỳ hay các cơ sở liên quan đến quyền lợi của Hoa Kỳ trên khắp thế giới sẽ không phải là một vấn đề nhỏ. Nếu những cuộc khủng bố này đe dọa an ninh của quốc gia thì khó đoán được Hoa Kỳ sẽ hành động như thế nào để tự vệ. Một cuộc oanh tạc phá hủy các cơ sở nguyên tử của Bắc Hàn là điều khó tránh. Hoa Kỳ không thể khoanh tay ngồi nhìn quân khủng bố dùng vũ khí của Bắc Hàn để đánh mình.
Tại Âu châu, Liên hiệp Âu châu dự trù thu nhận thêm 10 nước nữa (gồm các nước Đông âu cũ trừ Romania và Bảo gia lợi và hai tiểu quốc Cyprus và Malta) sẽ làm thay đổi khung cảnh chính trị Âu châu và thêm một nổi buồn phiền cho Liên bang Nga. Trong năm 2003 vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ có được gia nhập Liên hiệp Âu châu hay không cũng sẽ là một vấn đề tạo căng thẳng tại lục địa này.
Ngày 5/2/2003, ông bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Colin Powell đã trưng nhiều bằng chứng tình báo trước HĐBA/LHQ để chứng minh rằng chẳng những Iraq còn cất dấu vũ khí giết người tập thể mà còn quan hệ với tổ chức Al Queda. Và HĐBA/LHQ đang đứng trước một vấn đề nan giải. Hội đồng sẽ phải quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho phép Hoa Kỳ dùng vũ lực giải giới Iraq. Cho phép, có nghĩa Liên hiệp quốc không chống nỗi áp lực của Hoa Kỳ. Không cho phép mà Hoa Kỳ vẫn đánh chứng tỏ LHQ không còn có khả năng làm trọng tài các tranh chấp quốc tế. Trong cả hai trường hợp LHQ sẽ mất uy tín, và không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức hiện nay. Một cuộc cải tổ sâu rộng sẽ phải đến sau năm 2003.
QD: Riêng đối với Á châu thì sao?
TBN: Ở trên tôi có nói về vụ Bắc Hàn chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng Bắc Hàn rồi sẽ là chuyện nhỏ, ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ dội bom Bắc Hàn. Vấn đề Trung quốc và Đài Loan cũng vậy. Đài loan sẽ không dại gì tuyên bố độc lập để Trung quốc có cớ xâm lăng. Và cho dù Đài loan muốn tuyên bố độc lập Hoa Kỳ cũng sẽ không để cho Đài loan làm. Chuyện chính của Á châu trong năm 2003 và có thể nói trong thập niên này vẫn sẽ là tình hình chính trị và sức mạnh kinh tế của Trung quốc trong phương trình đối đầu không tránh được giữa Trung quốc và Hoa Kỳ. Cuộc đối dầu này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt chính trị Á châu.
Vào tháng Ba năm nay, khi quốc hội Trung quốc họp, Trung quốc sẽ có thủ tướng mới. Ông Hồ Cẩm Đào đương kim tổng bí thư đảng CSTQ có phần chắc được bổ nhiệm làm chủ tịch nước thay Giang Trạch Dân. Cựu Tổng bí thư họ Giang có thể sẽ còn giữ chức Chủ tịch Quân ủy để có đủ uy thế giúp ban lãnh đạo mới gồm đa số thành phần trẻ trong Thường vụ Bộ chính trị đảng CSTQ nắm vững việc nước. Tôi không thấy nội bộ lãnh đạo Trung quốc sẽ xâu xé nhau giành quyền lãnh đạo chính trị, nhất là đối với Giang Trạch Dân như đa số các quan sát viên tây phương tiên đoán. Nếu Giang Trạch Dân tham quyền cố vị ông ta đã không trao quyền lãnh đạo đảng cho Hồ Cẩm Đào (một người trẻ hơn cả người đàn em thân tín của ông ta và công lao đối với đảng không nhỏ là Tăng Khánh Hồng) và cũng không đưa thành phần trẻ lên nắm Thường vụ Bộ chính trị. Sự việc nếu ông ta còn nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương có thể chỉ là một cách để giúp cho dàn lãnh đạo mới một cách hữu hiệu. Điều này Đặng Tiểu Bình đã làm đối với Giang Trạch Dân, không nên diễn đạt là một hành động tham quyền. Tôi nghĩ nếu Giang Trạch Dân sau đại hội tháng 11 vừa qua, bỏ mọi chính sự ra ngoài, rủ áo ra đi ngay thì đó mới là một hành động thiếu trách nhiệm.
Nhưng không nhờ đại hội thứ 16 mà Trung quốc ổn định dễ dàng. Cái làm cho xã hội Trung quốc căng thẳng là sự chọi nhau giữa hai đối lực: một nền kinh tế thị trường đòi hỏi một xã hội dân chủ, và đảng CSTQ muốn nắm mọi quyền hành trong tay. Quyết định cho giới doanh nhân vào đảng trong đại hội 16 sẽ không làm cho sự đối chọi này giảm bớt (như ý của lãnh đạo), trái lại có thể làm cho căng thẳng hơn.
Á châu còn có Ấn Độ với dân số hơn 1 tỉ người. Cuộc tranh chấp giữa những người Ấn Độ giáo đang cầm quyền với thiểu số Hồi giáo có triển vọng tạo rối loạn xã hội trong năm 2003. Sự rối loạn này sẽ được sự tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan (mà trên căn bản do tranh chấp giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong vùng Khasmir) làm cho căng hơn. Nếu Pakistan không ngăn cản được du kích Hồi giáo tấn công Ấn Độ qua vùng Khasmir, Ấn Độ sẽ tấn công trả đũa. Nỗi lo sợ của thế giới là cả hai nước đều có vũ khí nguyên tử. Trong hơn 10 năm qua Ấn Độ và Pakistan ba lần xuýt đánh nhau nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ.
QD: Trong khung cảnh hiện nay của thế giới Hoa Kỳ có thể trở thành một đế quốc không?
TBN: Câu trả lời tùy theo định nghĩa thế nào là một đế quốc, và tùy theo chính sách của các nhà lãnh đạo nước Mỹ. Hiện nay Hoa Kỳ là nước có tổng sản lượng bằng 1/3 tổng sản lượng toàn thế giới, và chi phí quốc phòng của Mỹ lớn bằng chi phí quốc phòng của 20 nước cao nhất gộp lại. Do đó ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới là điều không thể chối cãi. Nhưng Hoa Kỳ có là một đế quốc hay không là một chuyện khác.
Nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có một lần (năm 1898) khi Hoa Kỳ đánh bại Tây Ban Nha Hoa Kỳ mới có thái độ đế quốc bằng cách cai trị một số vùng do quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng từ Puerto Rico đến Phi Luật Tân, còn ngoài ra Hoa Kỳ rất tự chế. Qua chiến tranh lạnh Hoa Kỳ đã mạnh tay can thiệp vào nội chính của một số nước như Iran, Việt Nam, Chí Lợi ... trong chính sách ngăn chận làn sóng cộng sản, và khó nói những sự can thiệp này là một biểu hiện đế quốc. Từ năm 1991 sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất, người ta không thấy Hoa Kỳ muốn khống chế thế giới, ngoại trừ chính sách xiển dương sự toàn cầu hóa thế giới bằng kinh tế và ý niệm về dân chủ và nhân quyền. Nhưng sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 Hoa Kỳ thấy rằng hòa bình, thịnh vượng và dân chủ trên thế giới không thể có bằng nước bọt mà phải là kết quả của đấu tranh. Và Hoa Kỳ biết mình chẳng những không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh này mà còn phải giữ vai trò lãnh đạo. Và tùy theo cung cách lãnh đạo của Hoa Kỳ mà thế giới sẽ phán đoán Hoa Kỳ là một đế quốc hay không.
QD: Còn đối với Việt nam trong năm 2003 thì sao?
TBN: Bức tranh của Việt Nam mầu xám. Không thấy có dấu hiệu gì đảng CSVN sẽ cởi mở hơn về chính trị trong năm 2003. Trái lại, lợi dụng thế giới đang bận tâm với tình hình thế giới nóng bỏng, và nhất là Hoa Kỳ đang ve vãn Trung quốc, một đồng minh của Việt Nam sẽ không đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam một cách gắt gao như trước nên đảng CSVN sẽ mạnh tay đàn áp các tiếng nói đối lập. Đảng CSVN cho biết sẽ ban hành luật cấm các cuộc biểu tình dưới mọi hình thức. Một dấu hiệu khác, Tết nguyên đán năm nay đảng CSVN chỉ giảm án và trả tự do cho gần 200 tù nhân so với Tết năm 2000 đã trả tự do và giảm án cho hàng ngàn tù nhân.
Vấn đề khó khăn của đảng CSVN là thi hành thỏa ước thương mãi song phương ký năm 2001 với Hoa Kỳ và có hiệu lực từ ngày đầu năm 2002. Đảng CSVN muốn lợi dụng tối đa thỏa ước này để tăng mức xuất cảng sang Hoa Kỳ. Nhưng trái lại Việt Nam phải để cho các công ti Hoa Kỳ làm ăn tại Việt Nam theo luật lệ quốc tế mà kết quả là quyền hành của đảng bị nới lỏng. Đảng CSVN có chấp nhận thực tế này để một cách tiệm tiến dân chủ hóa xứ sở hay sẽ coi thường quyền lợi của đất nước vì quyền lợi của đảng? Câu trả lời không mấy khích lệ nếu dựa vào những gì đảng CSVN đã làm từ khi thống nhất đất nước đến nay. Chỉ còn đặt hy vọng vào thế hệ lãnh đạo tương lai và vào cuộc đấu tranh của những người dân chủ trong và ngoài nước.
QD: Ông đề nghị gì về một hướng đấu tranh cho những người dân chủ trong và ngoài nước?
TBN: Các đoàn thể ngoài nước và những người dân chủ trong nước có thể có chương trình hành động khác nhau tùy theo khả năng và điều kiện. Người trong nước không có điều kiện như người Việt tại hải ngoại có thể đấu tranh khéo léo và mềm dẽo để tránh né sự kiểm soát của bộ máy công an. Người ngoài nước có điều kiện hơn cần triển khai cuộc đấu tranh trên nhiều mặt như đòi hỏi tự do tôn giáo, dân quyền, nhân quyền, đa nguyên chính trị, bầu cử tự do, đòi hỏi đảng CSVN phải trả quyền lại cho dân ...
Nhưng cuộc đấu tranh nhiều mặt cần có một chủ điểm nếu muốn tạo thành sức mạnh. Thí dụ đòi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp. Điều 4 giao trọn quyền lãnh đạo đất nước cho đảng CSVN. Đòi đảng CSVN bỏ điều 4 HP là khởi đầu sự công nhận đa nguyên chính trị và bầu cử tự do.
Nhân dân trong nước và người Việt ngoài nước không mong ước gì hơn, và đều hướng cuộc đấu tranh của mình vào mục tiêu tối hậu là lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam, thành lập quốc hội lập hiến, viết lại Hiến Pháp mới, và xây dựng một chế độ dân chủ mới (như ông Đỗ Thái Nhiên chủ trương trong bài viết “Ngày Tết và Con Cá Rô Gỗ” để phê bình chủ trương đòi bỏ điều 4 HP đăng tải trên nhiều tờ báo xuân Qúi Mùi). Vấn đề là: Làm sao đạt được mục tiêu? Áp lực đảng CSVN hủy bỏ điều 4 HP là đòn chính trị (chứ không phải là đánh về mặt luật Hiến Pháp như nội dung bài viết công phu của ông Đỗ Thái Nhiên) khởi đầu cho tiến trình dân chủ hóa nói trên.
QD: Xin có một câu hỏi cuối cùng. Ông nghĩ gì về tai nạn không gian của chiếc Columbia ngày 1/2/2003?
TBN: Phi hành thám hiểm không gian là một việc làm nguy hiểm. Cho nên nếu tai nạn xẩy ra là điều không làm cho giới khoa học kỹ thuật ngạc nhiên. Năm 1986 chiếc Challenger chở 5 phi hành gia cũng đã nổ tung trên bầu trời sau khi rời dàn phóng chưa đầy 2 phút. Trước đó là hỏa hoạn trên chiếc Apollo làm thiệt mạng hai phi hành gia khi chuẩn bị phóng. Tuy nhiên không vì vậy mà tai nạn xẩy ra vào ngày 1 tháng 2 cũng là ngày mồng một Tết Qúi Mùi cho phi thuyền con thoi Columbia làm thiệt mạng 7 phi hành gia trong đó có hai phụ nữ và một người Do thái không làm cho mọi người đau buồn và thương tiếc, nhất là những người mang truyền thống Á châu xem ngày đầu năm là ngày để hân hoan chứ không phải là ngày tang tóc.
Về phương diện khoa học tai nạn của chiếc Columbia sẽ làm chậm lại chương trình thám hiểm và khảo sát không gian của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ và là một bước lùi của khoa học.
Về chính trị, tai nạn xẩy ra vào lúc đang có cuộc chiến tranh chống khủng bố, Hoa Kỳ đang chuẩn bị đánh Iraq và tìm cách kềm chế chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn là một bất lợi cho tổng thống Bush. Nhưng tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ vượt qua những khó khăn này như đã từng vượt qua những khó khăn lớn khác trong lịch sử của quốc gia trẻ trung này.
QD: Xin cám ơn ông Trần bình Nam

No comments: