Monday, October 17, 2016

TẾT VIỆT NAM

Friday, February 8, 2013

TẾT VIỆT NAM

 

Thứ sáu 08 Tháng Hai 2013
Ngày xuân bàn câu đối Tết
DR
Lê Phước
 
Không biết tự bao giờ, “câu đối đỏ” đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong ngày Tết của người Việt. Mỗi độ xuân về, người người thi nhau tìm cho mình những câu đối hay nhất để treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Đó là một thú chơi tao nhã, một mỹ tục trong ngày Tết Nguyên Đán đã và đang được các thế hệ người Việt Nam ra sức gìn giữ. Nhân dịp xuân về, chúng ta cùng nhau dành chút thời gian thả hồn lãng du cùng câu đối Tết.
Trong chương trình hôm nay, giáo sư Nguyễn Khắc Thuần sẽ minh thị một số chi ktiết đáng chú nhất của mỹ tục này. Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông là một học giả kỳ cựu và có nhiều công trình đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lịch sử văn hóa Việt Nam.

Câu đối trong văn hóa truyền thống Việt Nam
Lê Phước : Thân chào giáo sư Nguyễn Khắc Thuần. Trước tiên xin chân thành cám ơn giáo sư đã nhận lời tham gia chương trình. Nhân dịp xuân về, Ban biên tập RFI Việt Ngữ tại Paris xin kính chúc giáo sư cùng toàn thể gia quyến một năm mới :Vạn sự như ý.
Thưa giáo sư, câu đối là một thú chơi tao nhã thể hiện tinh hoa của chữ nghĩa. Vậy trước tiên, xin giáo sư cho biết đôi điều về câu đối trong văn hóa Việt Nam nói chung ?

GS. Nguyễn Khắc Thuần : Thân ái chào quý vị và các bạn. Trước hết, cho phép tôi được gửi tới quý vị và các bạn lời chúc một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi xin được trình bày đôi điều tản mạn về câu đối Tết của người Việt.

Người Việt chúng ta có truyền thống trọng chữ. Trong lịch sử, người Việt thường sử dụng nhiều loại chữ khác nhau. Nhưng ngày xưa, loại chữ quý giá và được tôn sùng nhất vẫn là chữ Nho, thường được gọi là “chữ của thánh hiền”. Trong lịch sử cũng có hai quy ước bất thành văn, thường được người Việt rất chú ý tuân thủ. Thứ nhất là không viết chữ khiếm nhã lên các tờ giấy, thứ hai là không vứt những tờ giấy có chữ vào chỗ rác bẩn.
Vậy chữ được dùng để làm gì ?
Có bốn mục đích khác nhau. Một là để ghi chép sự việc, từ đó tạo ra văn tự, từ đó tạo ra khế ước. Hai là chuyển tải suy tư, từ đó tạo ra sử sách, từ đó tạo ra hi phú văn chương, triết lý.

Thứ ba, chữ để làm quà tặng, từ đó tạo ra lời hay và ý đẹp. Xuân về người ta thường có những chữ như : Cung hạ tân xuân, xuất nhập bình an, vạn sự như ý, ngũ phúc lâm môn, khai trương hùng phát, bình bút hoa khai, an khang thịnh vượng ... Đây là những chữ làm quà tặng quá quen thuộc, nên tôi xin phép không dịch lại. Và từ chỗ chữ làm quà tặng, nó tạo ra cả những câu đối-câu liễn với nhiều nội dung phong phú khác nhau.
Mục đích thứ tư là chữ để trang trí công đường hoặc nhà ở, từ đó tạo ra thư họa hay thư pháp, từ đó tạo ra những bức tranh chữ.


Nét riêng của câu đối Việt
Lê Phước : Thưa giáo sư, trong văn hóa Trung Quốc và văn hóa Việt Nam đều có câu đối. Vậy không biết câu đối của người Việt ta có những nét đặc sắc gì ?
GS. Nguyễn Khắc Thuần : Trong các thể cổ văn, câu đối được dùng rất phổ biến. Ở đây có ba vấn đề chúng ta cần lưu ý.
Vấn đề thứ nhất, người Trung Quốc gọi câu đối là “đối liên”, và chia làm ba loại. Loại thứ nhất là “Tiểu đối”, tức mỗi vế có từ 4 chữ trở xuống. Loại thứ hai là “Thi đối”, mỗi vế là một câu đối ngũ ngôn hoặc một câu thất ngôn, cũng có khi gồm cả hai câu ngũ ngôn và thất ngôn. Loại thứ ba là “Phú đối”, tức là câu đối viết theo niêm luật của thể phú, là một thể cổ văn. “Phú đối” được chia thành: Câu đối “Song quan”, mỗi vế có từ 6 đến 9 chữ, ghép lại thành một đoạn; Rồi câu đối “Cách cú”, mỗi vế chia thành hai đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài; Rồi câu đối “Hạc tất”, mỗi vế có từ ba đoạn trở lên.

Vấn đề thứ hai, trong câu đối người Việt, ta có thể chia làm mấy loại sau đây. Thứ nhất là câu đối Tết. Thứ hai là câu đối bày tỏ sự chung vui, ví dụ như chung vui lễ hội hay chung vui trong các cuộc giao lưu. Thứ ba là câu đối chia sẽ, ví dụ như chia sẽ về những tổn thất trong thiên tai địch họa, vì đau ốm hay trong các đám ma chay. Thứ tư là câu đối để chúc mừng, như câu đối mừng tân gia, mừng tân hôn, mừng đỗ đạt, mừng thăng quan, mừng sinh quý tử. Thứ năm là câu đối để ghi nhớ một sự kiện hay một vấn đề, ví dụ như trùng tu chùa chiền, đình miếu, tôn tạo hay xây dựng một số công trình công cộng, dựng bia…

Vấn đề cần chú ý thứ ba, đó là câu đối người Việt thường được viết bằng nhiều loại chữ khác nhau, trong đó nổi bậc lên có ba loại chữ. Một là câu đối viết bằng chữ Hán. Với loại câu đối này, bạn đọc là những người trẻ tuổi, chưa có điều kiện tiếp xúc với chữ Hán, thì phải có người dịch ra mới hiểu được. Thứ hai là câu đối viết bằng chữ Nôm. Chữ Nôm là chữ viết của dân tộc, nhưng không phải ai cũng đọc được. Ngày nay, số người Việt đọc được chữ Nôm là quá ít. Thứ ba, là câu đối viết bằng chữ Việt hiện đại, và là câu đối phổ biến nhất hiện ngày nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi trên các công sở hiện nay, câu đối viết bằng chữ Việt rất phổ biến.

Các loại câu đối Tết tại Việt Nam
Lê Phước : Trong các loại câu đối đó, thì câu đối Tết có vai trò như thế nào, thưa giáo sư ?
GS. Nguyễn Khắc Thuần : Trong tất cả các loại câu đối, nổi bật hơn cả vẫn là câu đối Tết. Câu đối Tết trở thành sinh hoạt văn hóa rất phổ biến và lâu đời. Ngày nay tuy không ai dùng chữ Hán và chữ Nôm nữa, hay nói đúng hơn là quá ít người dùng chữ Hán và chữ Nôm, nhưng không phải vì thế mà câu đối ít đi. Xưa cũng như nay, câu đối trở thành một món quà không thể thiếu.


Xem lại, câu đối Tết của người Việt có 07 loại sau đây :
1) Loại câu đối Tết dùng chung cho tất cả mọi nhà, ai treo cũng được, gia đình sang hèn, nghèo giàu đều treo được. Ví dụ như câu :
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh


Đây là câu đối viết bằng chữ Nôm. Rồi cũng có câu đối viết bằng chữ Hán mà nhà nào treo cũng được :
Lộc tiến vinh hoa gia đường thịnh
Phúc sinh phú quý tử tôn vinh

(Tài lộc dẫn đến sự vinh hoa, nhà thì ngày một thêm thịnh đạt
Phúc sinh ra sự phú quý, con cháu trở nên vinh hoa)
2) Loại câu Tết thường để ở các đình làng hay công sở. Chẳng hạn như :
Chúc Tết đến trăm điều như ý
Mừng xuân sang vạn sự thành công


(Câu đối viết bằng chữ Nôm)
Hoặc câu đối viết bằng chữ Hán:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh thần tiên

(Núi sông thanh cao, mùa xuân bất tận
Thần tiên vui vẻ lạc thú cảnh thần tiên ở nơi trần thế)
3) Loại câu đối Tết thường để ở đền chùa miếu mạo. Ví dụ câu đối chữ Nôm sau đây :
Mừng xuân hỉ xả thêm công đức
Đón Tết từ bi bớt não phiền

Hoặc câu đối chữ Hán:
Pháp luân vô ánh oanh thiên hạ
Tâm niệm vô thanh chấn tứ phương

(Pháp luân tuy không có tỏa sáng nhưng có thể làm run cả trời đất

Tâm niệm tuy không phát ra thành tiếng nhưng nó có thể gây chấn động cả bốn phương)
4) Loại câu đối Tết thường có trong các nhà quyền quý. Ví dụ như :
Xuân tái đáo, môn tiền phúc đáo
Hoa hựu khai, thiên ngoại thi khai

(Xuân lại đến, trước cửa phúc lại đến
Hoa lại nở, ngoài trời thơ lại mở ra)


Hoặc câu :
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tích đức hiển gia phong

(Tổ tiên để lại tiếng thơm trong sử sách
Con cháu tích đức thì gia phong được hiển hách)
Hay là :
Nhập môn tân thị kinh luân khách
Mãn tọa dai đồng cẩm tú nhân

(Vào cửa khách toàn là người hiểu kinh luân
Ngồi đầy nhà toàn là những bậc mặc áo gấm áo thêu, tức là những người sang trọng quyền quý trong xã hội).


5) Loại câu đối Tết thường có trong các gia đình nghèo khó. Chẳng hạn như câu :
Tết đến gượng cười, mong con cháu chăm ngoan, nhà có dư gạo thóc
Xuân sang gắn vui, cầu vợ hiền mạnh khỏe, vườn đủ quả đủ rau

Hay là câu :
Nợ nần theo gió lạnh bay đi, vợ lại tươi như hoa nở thắm
Của cải cùng khí ấm tràn vào, lòng chồng vua tựa trống hội vang

Ta thấy ở đây là những ước muốn bình dị, thể hiện ước nguyện giản dị nhưng cũng rất sâu sắc và mãnh liệt của những người bình dân nghèo khó trong xã hội.


6) Loại câu đối Tết viết theo lối tự trào, viết để cho vui, ai nghe cũng được, không phải treo ở đâu cả, mà để gắn vào tâm tưởng của mỗi người, kích động suy nghĩ của mọi người, và cùng vui với mọi người. Ví dụ như câu đối sau đây của Nguyễn Công Trứ :
Chiều ba mười nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà
Hoặc là câu đối sau đây của Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ lừng danh cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt kẻo Ma Vương đưa quỉ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang cho thiếu nữ rước xuân vào



7) Loại câu đối Tết thường thấy trong các gia đình Việt Kiều.
Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới và gặp gỡ các Việt kiều, thấy trong gia đình họ cũng có những câu đối Tết. Đọc qua tôi thấy rất cảm động, chẳng hạn như :
Nghi ngút tỏa khói hương, xa đất mẹ vẫn nhớ về nguồn cội
Tôn nghiêm mâm ngũ quả, chốn quê người nặng trĩu nghĩa cố hương


Hoặc như câu :
Xuân tha hương, vấn vương thương đất mẹ
Tết xa nhà, xao xuyến nhớ quên cha

Đó là những lời thể hiện tình nghĩa nồng nàn đầm thắm của những người con xa quê, thực sự xứng đáng là dòng giống con Lạc cháu Hồng. Đó không chỉ là lời bày tỏ tình cảm, mà quan trọng hơn đó còn là lời thể hiện một truyền thống viết câu đối của người Việt dù ở bất cứ nơi đâu.
Nhân dịp Tết đến, tôi hy vọng rằng, những câu đối hay của bà con Việt kiều lại tiếp tục lan tỏa từ gia đình này đến gia đình khác, từ địa phương này sang địa phương khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Và lời câu đối chính là lời nhắc nhở về một truyền thống lâu đời của dân tộc.


Thực trạng văn hóa câu đối Tết tại Việt Nam
Lê Phước : Thưa giáo sư, mấy mươi năm trước, trong bài thơ Ông Đồ, nhà thơ Vũ Đình Liên miêu tả cảnh câu đối Tết ngày càng bị “thất sủng”. Mở đầu bài thơ, Vũ Đình Liên Viết :
Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già
Bày mực hàng giấy đỏ
Trên phố đông người qua.

Ngày tháng trôi qua, không biết hiện tại mỹ tục câu đối Tết tại Việt Nam có còn được lưu giữ không, thưa giáo sư?


GS. Nguyễn Khắc Thuần : Ở Việt Nam hiện nay, truyền thống viết câu đối Tết vẫn được lưu giữ và được phổ biến khá mạnh. Bằng chứng là trên tất cả các báo xuân, hầu như báo nào cũng có một vài câu đối, và thường là những câu đối viết bằng tiếng Việt hiện đại. Bằng chứng thứ hai, đó là ở nhiều thành phố lớn và các khu đô thị luôn luôn có những người ngồi viết câu đối Tết, và họ gọi đó là “ông đồ” mặc dù họ chỉ viết chữ Việt hiện đại chứ không phải là chữ Hán hay chữ Nôm.


Tôi là thành viên của Hội đồng Tư vấn về kỷ lục, có lúc tôi đã chứng kiến sự hội ngộ của cả trăm ông đồ cùng viết câu đối. Tất nhiên, câu đối ở đây là những câu đối đã được phổ biến rộng rãi hoặc những câu đối chủ yếu do khách yêu cầu họ viết và viết câu đối theo thư pháp hiện đại.
Đó là một trong những biểu hiện của việc tiếp nối truyền thống và phổ biến văn hóa câu đối Tết ở Việt Nam.


Như đã nói ở trên, câu đối là một thú chơi tao nhã, nhưng rất khó chơi, nó thể hiện trình độ học vấn và chữ nghĩa của những người được gọi là có ăn có học. Các cụ thường cho rằng: “nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”.
Ngày xưa, dân gian ta có tục đến gặp ông đồ xin chữ. « Xin chữ » là bởi vì trong làng xã các ông đồ-tức các nhà nho, được xem là người nắm giữ tri thức xã hội. Mỗi câu đối gồm có hai vế. Gọi là « câu đối » vì hai vế này phải “đối nhau” một cách tinh tế về mặt chữ nghĩa. Người xưa thường lấy câu đối ra để thử tài nhau, và lấy việc đối hay đối dỡ để đánh giá trình độ học vấn.

Riêng về câu đối Tết, như giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã nói bên trên, ta thấy rằng, câu đối Tết đã trở nên phổ biến trong dân gian. Nó vẫn luôn còn đó chứ không hề bị mai một. Bên cạnh những bằng chứng đã nêu trên, ta còn thấy ở miền quê Việt Nam, ngày Tết nhiều người vẫn đi tìm mua câu đối Tết. Câu đối được viết bằng chữ Việt hiện đại người mua hiểu đã đành, nhưng có khi người ta còn mua cả câu đối viết bằng chữ Hán dù không biết trong đó nói gì. Không biết ý nghĩa cụ thể mà vẫn mua vì mọi người ai cũng hiểu rằng, tất cả các câu đối Tết đều có một mục đích chung là : cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.

Một điểm đáng mừng nữa, đó là hiện tại, không chỉ có hình ảnh “ông đồ già” mà đã xuất hiện nhiều “ông đồ” tuổi mới đôi mươi mặc áo dài khăn đóng ngồi viết câu đối Tết. Và như giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã nhận định, đó là một biểu hiện của việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, mà cụ thể ở đây là câu đối Tết.
Thưa quí vị, Tết Nguyên Đán là truyền thống lâu đời và có thể được xem là một bản sắc của văn hóa Việt Nam, trong khi đó câu đối Tết chính là một bản sắc của ngày Tết Nguyên Đán.

Trong thời đại toàn câu hóa ào ạt như ngày nay, việc bảo tồn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là một yêu cầu cấp thiết để tránh việc các nền văn hóa trên thế giới bị đồng nhất. Trong ý nghĩa đó, tình trạng “khỏe mạnh » của câu đối Tết như đã nêu trên tại Việt Nam rõ ràng là một tin vui.
Niềm vui đó hòa chung vào niềm vui bất tận của năm mới. Nhân dịp xuân về, chúng ta nâng ly cùng nhau tận hưởng niềm vui bất tận đó :
Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.
TỪ KHÓA : Tạp chí - Văn hóa

Chiếc vé tàu ngày Tết

2013-02-08
Mùa xuân mới lại đến trong sự nao nức và ấm áp của vạn vật. Nhà nhà lại sum họp, quây quần bên nồi bánh chưng đón Tết mà háo hức kể chuyện của một năm qua.

Nguồn Thanh Niên
Cả ngàn người chờ phát số thứ tự vào khuya nay tại nhà ga - Ảnh: Cẩm Nhi

Tải xuống - download
Đối với một số người xa quê, để có được phút giây hạnh phúc này, họ phải vất vã mới có được tấm vé tàu cho kịp về quê ăn Tết. Chương trình Câu chuyện hàng tuần kỳ xin được chia sẻ với quý thính giả câu chuyện về những cuộc “săn” vé tàu ngày Tết tại Việt Nam.

Mua vé tàu như chạy giặc
Nhiều người gọi Tp. HCM là vùng đất nhiều hứa hẹn với sự nhộn nhịp khác thường. Điều này càng được thấy rõ ràng nếu ai đó đến nhà ga Sài Gòn, nơi bán vé tàu xe lửa vào ngày Tết.
Ga Sài Gòn luôn ngột ngạt những ngày cuối năm. Tiếng nói tiếng cười, tiếng la hét, tiếng chèo kéo của những tay cò vé như quánh đặc lại, khó phân biệt giữa các âm thanh. Xe lửa vẫn là một sự lựa chọn mang tính phổ thông nhất cho các tuyến đường xa về miền Bắc hay miền Trung bởi không phải ai cũng có thể chọn cho mình chiếc vé máy bay hoặc sẵn sàng chấp nhận cái chật chội, nguy hiểm của những chuyến xe tốc hành đường dài vào những ngày cuối năm hối hả.


“Xe đò thì nguy hiểm với lại Tết thì họ dồn ép người rất chật chội, phức tạp lắm. Rồi còn trộm cướp, móc túi… Mấy ngày lễ Tết mà đi xe đò là cực lắm”.
Chị Nguyễn Thị Chi chia sẻ trong lúc vừa vội vàng bế con ngồi nhờ xe hơi một người quen đi từ Sài Gòn ra Nha Trang, quê mẹ chị. Vậy là năm nay chị và gia đình có thể sum họp mà không quá khó khăn. Tuy nhiên,

Đoàn xe chở người đi mua vé đã phải có mặt từ 3, 4 giờ sáng. Photo Cam Nhi/thanh nien
Đoàn xe chở người đi mua vé đã phải có mặt từ 3, 4 giờ sáng. Photo Cam Nhi/thanh nien
không phải lúc nào chị cũng có được may mắn đó; cũng như không phải ai cũng may mắn như chị.
Có sao lại không? Nằm la liệt ở ngoài ga từ sáng đến chiều để canh mua vé. Ngày bắt đầu bán vé thì phải ra xếp hàng. Có khi phải nằm hai ba ngày...Cực lắm. Năm nào cũng có nhiều người ẵm con cái ra nằm ngoài phòng vé la liệt
xxxxxxxxx
Khi những công nhân, sinh viên từ miền Bắc hay miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn chuẩn bị thu xếp về quê ăn Tết thì lúc này câu chuyện về hành trình mua vé tàu của họ lại được nói đến. Một trong những câu chuyện người ta thường nghe thấy là việc những nhân viên văn phòng, những công nhân, những sinh viên… phải nghỉ làm, nghỉ học nằm chờ hàng đêm ở ga Sài Gòn để mua được vé. Đôi lúc họ phải chờ vài ba ngày mới có được vé tàu để đi chuyến trước Tết.
“Có sao lại không? Nằm la liệt ở ngoài ga từ sáng đến chiều để canh mua vé. Ngày bắt đầu bán vé thì phải ra xếp hàng. Có khi phải nằm hai ba ngày”.
“Cực lắm. Năm nào cũng có nhiều người ẵm con cái ra nằm  ngoài phòng vé la liệt”.
Năm nào chị Chi cũng phải lo “chạy” vé tàu về quê ăn Tết, nhưng không phải năm nào chị cũng may mắn kiếm được một xuất đi dễ dàng. Chị vừa kể lại kinh nghiệm những lần “săn” vé.
Vé tàu Tết không được bán trước trong năm mà thường được bán trên mạng vào thời gian gần Tết, bắt đầu tháng 12 dương lịch, khoảng hai tháng trước Tết. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó trang mạng bán vé thường bị nghẽn mạch và khi người ta có thể truy cập thì vé đã bán hết. Những người không may mắn trong đợt mua này phải chờ đến đợt mua trực tiếp tại ga, sau đó vài tuần. Tuy nhiên, đến đợt bán này thường chỉ có những ghế phụ hay còn gọi là “ghế cứng”- tức là những ghế ngồi bằng nhựa trên khoang tàu và có giá rẻ hơn. Dân mua vé tàu Tết trực tiếp tại nhà ga Sài Gòn thường là sinh viên, công nhân và dân lao động vì tại đây họ có thể mua được vé với giá niêm yết thường rẻ hơn giá chợ đen nhiều lần.
Bao giờ hết cảnh trắng đêm mua vé tàu

Chen nhau chờ lấy số thứ tự mua vé tàu Tết Quý Tỵ
Chen nhau chờ lấy số thứ tự mua vé tàu Tết Quý Tỵ . Nguồn phapluatvn.vn
Và hành trình tìm chiếc vé của ghế phụ này cũng không dễ dàng. Đêm trước của ngày bắt đầu bán vé, hàng trăm, hàng ngàn người đã túc trực tại ga để có thể bắt đầu mua vé vào sáng mai. Lúc này, các cửa chính nhà ga, các hành lang, các ghế đá, lối đi đều chật kín người nằm nghỉ qua đêm chờ mua vé tàu. Nếu ghé ga Sài Gòn vào dịp cận Tết, sẽ thấy nơi đây đông như hội làng với những công nhân còn chưa kịp thay chiếc áo đồng phục của các xưởng công nghiệp, những bác xe ôm nhễ nhãi mồ hôi chưa kịp về nhà, và những sinh viên gà gật bên mớ sách vở.
Chỉ cần trời vừa tờ mờ sáng là cuộc tranh giành số thứ tự để mua vé bắt đầu. Mỗi số thứ tự có thể mua được 4 vé và không dễ dàng có nó nếu không nhanh nhẹn chen lấn. Tuy nhiên, đến giai đoạn này khó khăn còn chưa hết vì vẫn chưa có gì đảm bảo rằng họ sẽ mua được vé cùng ngày hôm đó. Nếu không may mắn, họ phải chờ đến đợt bán vé ngày kế tiếp vì số vé bán ra trong ngày đã hết. Thậm chí, nhiều người phải về tay không nếu chậm chân.
Không bao giờ đủ vé. Ví dụ khi họ thông báo bán vé tàu vào lúc 8 giờ sáng thì 9 giờ gọi là họ đã nói hết vé rồi. Bởi vì đa phần họ đưa ra chợ đen bán. Với lại là vé online mua rất khó. Chán lắm. Đó là chuyện bình thường. Năm nào cũng vậy hết.
chị Chi
“Không bao giờ đủ vé. Ví dụ khi họ thông báo bán vé tàu vào lúc 8 giờ sáng thì 9 giờ gọi là họ đã nói hết vé rồi. Bởi vì đa phần họ đưa ra chợ đen bán. Với lại là vé online mua rất khó. Chán lắm. Đó là chuyện bình thường. Năm nào cũng vậy hết”, chị Chi nói.
Dân tỉnh xa hay đi tàu về quê không còn xa lạ với những tay cò vé chợ đen. Ngoài có những số điện thoại được truyền tay, các tay bán vé không chính thống thường quanh quẫn ở khu vực ga Sài Gòn. Sẽ không khó để bắt gặp trong không khí chật chội của nhà ga những cảnh chèo kéo, ngã giá và nài nỉ. Mua vé chợ đen như một giải pháp cho những người bận rộn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền mua vé chợ đen vì giá vẻ được nâng lên gấp nhiều lần tùy thời điểm.


Càng cận ngày Tết, giá vé chợ đen thường được nâng lên càng cao. Thông thường, giá chợ đen bằng giá niêm yết cộng tiền “cò”. Tùy tuyến đường, thời điểm mà tiền cò có giá dao động từ 150 ngàn đến 500 ngàn đồng mỗi vé. Mặc dù người mua vé biết rằng mình phải trả mức chênh lệch khá cao nhưng họ không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận.  Thậm chí việc mua lại vé chợ đen với tên người khách khác đã được in trên vé là chuyện bình thường. Phải mất vài cái Tết vất vả tìm vé, chị Chi mới rút ra được một “bí quyết” cho riêng mình.


“Thông thường thì tôi gọi cho nơi bán vé chợ đen một tháng trước ngày vé bắt đầu bán. Khi có vé, họ gọi lại cho mình”.
“Năm nào cũng đặt vé trước hai tháng, nhưng phải mua vé chợ đen chứ vé chính thức bán ở ga thì không có”.
Thế nhưng, mua vé chợ đen liệu đã giải quyết được mọi khó khăn? Theo chân một người bán vé chợ đen tên C. trong vai trò người mua vé tàu đi Phú Yên, chúng tôi được ra giá rất cao cho một chiếc vé. Chị giải thích cho tấm vé với giá “cắt cổ”:


“Năm nào vé cũng “hút”, không có hy vọng còn vé đâu”.
Sau một lúc gọi điện tìm kiếm, chị cho biết vé các tuyến đi miền Trung trước Tết hầu như không còn nữa. Chiều 27 Tết rộn ràng, chị C.  hối thúc chúng tôi đặt vé và không quên kèm theo thông tin mà chị biết về thị trường vé tàu chợ đen rằng các tuyến đường phổ biến như Sài Gòn đi Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quãng Ngãi… đã hết từ lâu.
“Không còn vé đâu, các tuyến đó hết lâu lắm rồi. Năm nay vé được giao cho khách có tên và số chứng minh thư của khách. Đa phần những khách đặt sớm thì mới có chỗ. Mọi năm thì vé tàu không có tên nên nếu còn tồn hay do khách trả lại. Năm nay khách có trả thì cũng mang ra ga giải quyết chứ chúng tôi cũng không làm gì được”.
Chúng tôi bắt chuyện với chị Hồ Thị My, chị tỏ ra thông cảm với cảnh khó khăn khi tìm vé tàu tuyến Sài Gòn về miền Trung:
“Mấy ngày cận Tết thì các tuyến ra vào giữa miền Trung – Sài Gòn đều đông như nhau. Vì nhu cầu của ai cũng như nhau. Chính vì thế mà phải có kế hoạch trước. Đi đâu là phải có kế hoạch trước chứ nếu không  thì  những ngày Tết là không thể đi được”.
Chị My tuổi độ ngoài 20, nom dáng như một sinh viên. Chị cho biết sau Tết thì tuyến miền Trung hoặc miền Bắc vào Sài Gòn lại “cháy” vé như tuyến đi vào thời điểm trước Tết. Chính vì thế mà chị luôn mua vé khứ hồi, nhằm tránh trường hợp một số người không tìm được vé vào lại Sài Gòn sau Tết. Với cặp kính cận trên gương mặt và chiếc cặp lúc nào cũng đeo bênh mình, chị dường như là một người cân thận. Thế nhưng không phải lúc nào chị cũng tránh được rủi ro trong việc mua vé tàu Tết:
“Bị hoài chứ, ngủ dưới sàn tàu hoài. Nhiều khi cứ nhảy lên tàu rồi ngủ dưới sàn, lót chiếu, lót báo dưới đường đi. Mình vẫn trả tiền nhưng trả nửa vé chẳng hạn. Đi như vậy thì không có chỗ nằm gì cả. Sinh viên vui lắm, nếu không có vé thì cứ nhảy lên tàu đại. Ngày nào không có vé thì cứ nhảy lên đại, ai đi qua cứ đá chân mặc kệ miễn sao mình có chỗ ngủ”.
Trong những chuyến tàu vội vã ngày Tết, những cú nhảy tàu như chị My không phải hiếm. Dường như lúc đó cả người soát vé và khách đi tàu không quan tâm đến việc gì ngoài việc làm thế nào để có thể nhanh chóng về sum họp với gia đình. Có lẽ chính vì vậy mà trên những chuyến tàu Tết,  luôn có một chút gì đó xô bồ, mệt mỏi nhưng hạnh phúc.
Câu chuyên về những cuộc “săn” vé tàu ngày Tết không còn xa lạ và như đến hẹn lại lên. Và tôi cũng không còn xa quá xạ lạ với những gương mặt phấn khởi với tấm vé trên tay cũng như những gương mặt thất vọng khi không ngã giá được với các tay cò vé. Thế nhưng một anh bạn người Mỹ của tôi vẫn chưa quen với hình ảnh này và cứ thắc mắc hoài một câu hỏi “Liệu rằng tình huống sẽ khác đi nếu vé tàu được bán suốt năm?”
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rail-fair-hunt-02082013114245.html

 

Cành mai, chậu quất, cây nêu đón Tết

2013-02-08
“Hoa tươi tiền triệu một bó”, “Hàng độc ở hội hoa Xuân lớn nhất TP.HCM”, “Hà Nội: Đào, hoa đều giảm giá”, đó là tựa bài của các trang mạng VnExpress, Tiền Phong Online và Tuổi Trẻ Online ghi nhận những hoạt động tất bật khi người dân chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán Quý Tỵ.

RFA
Cô bé vui chơi ở chợ Hoa đường Nguyễn Huệ

Tải xuống - download
Tết và Hoa
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái hiện cư ngụ ở Saigon cho biết gia đình ông sẽ có một cái Tết ấm cúng và tiết kiệm. Những ngày giáp Tết sinh hoạt ở thành phố 8 triệu dân vốn đã huyên náo lại dường như có thêm sự vội vã. Ông Nguyễn Quốc Thái mô tả:
“ Tất cả các chợ hoa ở Saigon theo truyền thống vẫn là hoa mai, những năm gần đây thì có những cây quất miền Bắc mang vào, các chợ hoa tràn ngập hoa mai và quất. Cây quất của miền Nam và miền Bắc đứng xen kẽ nhau. Quất Nam sắp xếp theo hình tháp nhọn còn quất Bắc đem vào thì để tự nhiên hơn không bó gọn. Hai nét văn hóa mỗi nơi có sắc thái riêng đặc thù của nó.
Cái Tết dù những người cùng khổ nhất cũng cố gắng mua một cành mai, mua một chậu hoa, một chậu quất về cho gia đình mặc dù giá cả năm nay tôi thấy khá đắt đỏ, đời sống của dân chúng cũng không được cao lắm. Nhưng tôi thấy những người chung quanh nơi tôi ở, họ vẫn cố gắng mua về những thứ trưng bầy trong dịp Tết, nhà thì chậu mai chậu quất, hay các sắc hoa mà hoa thì rất phong phú trong các chợ Xuân Saigon năm nay.”
Cái Tết dù những người cùng khổ nhất cũng cố gắng mua một cành mai, mua một chậu hoa, một chậu quất về cho gia đình mặc dù giá cả năm nay tôi thấy khá đắt đỏ, đời sống của dân chúng cũng không được cao lắm
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái
Cây nêu, ảnh Phạm Xuân Nguyên , wikimedia
Cây nêu, ảnh Phạm Xuân Nguyên , wikimedia
VnExpress mô tả điều gọi là ‘hàng độc’ ở hội hoa Xuân lớn nhất Saigon tổ chức ở Công viên Tao Đàn. Nhà báo ghi nhanh, Mai cổ thụ 20 cánh, cây vú sữa 80 tuổi trĩu quả ngọt, xương rồng nanh heo, cây ra nhiều loại quả, bonsai Indonesia… Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nói với chúng tôi về cây mai đón Tết của gia đình ông được hai vợ chồng người bạn thân tặng:

“Cây mai của tôi có một cành hoành và cành tà mai vàng 5 cánh đẹp lắm, thế mai rất đẹp. Chậu mai nếu để từ mặt đất thì cao ngang vai thôi nhưng chiều rộng tầm ngang khá rộng, tôi tính là hoa nở từ hôm nay tới mùng ba Tết vẫn còn hoa, nhiều nụ lắm nụ mập xanh biếc thích lắm.”
Năm Nhâm Thìn tháng Chạp thiếu, kết thúc ngày 29 là qua mùng một Tết Quý Tỵ. Giao thừa sẽ là nửa đêm 29 tức 9/2 dương lịch. Những năm trước nhiều người dân Saigon muốn mua hoa đại hạ giá đã chờ tới phiên chợ cuối cùng. Theo nhà báo Nguyễn Quốc Thái một số loại hoa bình dân như vạn thọ, mồng gà thì lúc đó bán như cho vì người bán không thể chở về, còn những thứ có đẳng cấp hơn thì chưa chắc. Ông nói:

“ Đây là một canh bạc 5 ăn 5 thua, người bán hoa biết có một số người cứ đợi trưa 30 Tết mới đi mua nên họ ghìm giá, họ hét giá rất cao bởi vì đến lúc đó là kẹt rồi. Nếu anh không mua được chậu hoa để trong nhà trong dịp Tết thì có thể anh nghĩ năm tới làm ăn không được may mắn lắm. Vì thế đây là cuộc đấu trí giữa người mua và người bán hoa. Đừng nghĩ là cứ trưa ba mươi Tết là hoa giá rẻ, có năm tôi từng hỏi thử họ hét giá gấp rưỡi so với trước đó.”

Góc bán các loại quất cho ngày Tết tại chợ Hoa Hà Hội. AFP
Góc bán các loại quất cho ngày Tết tại chợ Hoa Hà Hội. AFP
 
Chiều 27 Tết ở Saigon và Đà Nẵng cùng khai mạc Đường Hoa với sự đầu tư tốn kém và kỹ lưỡng. VnExpress mô tả Đường Hoa Bạch Đằng rực rỡ sắc màu bên bờ Sông Hàn. Đà Nẵng đã đầu tư 17 tỷ đồng cho công trình đón xuân này. Đặc biệt có khu vực nấu 5.000 bánh chưng dành tặng cho người nghèo.
Đây là một canh bạc 5 ăn 5 thua, người bán hoa biết có một số người cứ đợi trưa 30 Tết mới đi mua nên họ ghìm giá, họ hét giá rất cao bởi vì đến lúc đó là kẹt rồi...Vì thế đây là cuộc đấu trí giữa người mua và người bán hoa
nhà báo Nguyễn Quốc Thái
Đường Hoa Nguyễn Huệ
Tại Saigon, Đường Hoa Nguyễn Huệ mở cửa đón khách từ tối 27 tháng Chạp. Theo mô tả của báo chí, ngoài 120.000 chậu hoa cây cảnh được trưng bày, điều đáng chú ý là không gian biển đảo quê hương, một chủ đề mang tính thời sự.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái phát biểu:
“Năm nào từ ngã tư Lê Lợi Nguyễn Huệ cho tới bờ sông cũng đều trang trí Đường hoa với đầy đủ màu sắc của quê hương, của từng vùng miền. Năm nay là năm con Rắn họ cũng làm một đôi rắn đẹp chứ không  sợ hãi như khi mình tiếp xúc với chúng. Năm nay những người thiết kế Đường hoa đã thực hiện chủ đề biển đảo quê hương, họ làm một chiếc tàu rất lớn chở đầy hoa, ý nói họ tưởng nhớ và hướng về Trường Sa, Hoàng Sa những vùng đất quê hương.”

Khu vực trồng hoa phục vụ cho chợ Hoa ngày Tết ở ngoại ô Saigon. RFA
Một khu vực trồng hoa phục vụ cho chợ Hoa ngày Tết ở ngoại ô Saigon. RFA
 
 
Theo SGGP Online, dựa trên chủ đề tư tưởng “Lòng dân và Thế nước” các tác giả thiết kế đường hoa đã thể hiện sự toàn vẹn lãnh thổ với các phân đoạn cách điệu của 3 vùng miền đất nước là núi rừng, đồng bằng và biển đảo. Hai ngày trước Tết, theo Tiền Phong Online ‘Hoa tươi tiền triệu một bó” giá hoa ở chợ hoa  Quảng Bá và Mai Dịch Hà Nội tăng gấp đôi gấp ba so với mấy ngày trước. Một bó hoa ly vàng 10 cành từ 500.000 đồng đã leo lên 900.000 đồng, các loại hoa hồng, hoa cúc, loa kèn, lai-ơn cũng đều tăng chóng mặt, người mua vẫn bóp bụng mua.
Năm nào từ ngã tư Lê Lợi Nguyễn Huệ cho tới bờ sông cũng đều trang trí Đường hoa với đầy đủ màu sắc của quê hương, của từng vùng miền. Năm nay là năm con Rắn họ cũng làm một đôi rắn đẹp chứ không sợ hãi như khi mình tiếp xúc với chúng.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái
Tuy vậy, theo Tuổi Trẻ Online cành đào và các loại hoa đều giảm giá rất nhiều so với năm ngoái. Đặc biệt đào Nhật Tân nguyên gốc giảm giá một phần ba, trung bình 250 ngàn một gốc.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã ở Saigon, nhà ông hồng đào, hoàng mai, địa lan đều có đủ, nhưng điều ông trân trọng và tự tay sắp xếp là cây nêu truyền thống. Ông nói:
“Hôm nay tôi đã dựng nêu rồi, tôi thích cây nêu nó thể hiện truyền thống Việt. Ăn Tết mình có cây nêu tre thể hiện tính Việt của nó, tre vừa là nhu vừa là cương. Ông Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí nói ở miền Nam có cây nêu đặc biệt có cái giỏ đựng vàng mã. Cây nêu của tôi thể hiện cây nêu Nam bộ, ngoài cây tre ra có khánh có chuông rồi có cờ ngũ sắc tua ngũ sắc, ngày xưa người ta tin tưởng bị quỷ quấy rối phải trồng cây nêu lên. Có thể có hình phật bà quan âm hay là có cung tên tượng trưng để quỷ thần không tới. Nhưng theo tôi tục dựng nêu nói lên ước vọng của người dân muốn sống yên bình, bắt đầu trước Tết dựng nêu đến mùng bảy thì hạ nêu.”
Ngoài học vị Tiến Sĩ sử học, ông Nguyễn Nhã còn là chuyên gia trưởng Đề án Bếp Việt. Được hỏi về sự chọn lựa thực phẩm ngày Tết của gia đình mình, TS Nguyễn Nhã cho biết:
“ Theo truyền thống ăn Tết những món để được lâu, năm nào nhà  tôi cũng có giò nem, ninh, mọc. Năm nào tôi cũng có giò thủ, tôi làm nem Ninh Bình làm lấy, rồi các món ninh, ninh măng lưỡi lợn, mọc thì mua sẵn…có bánh chưng dưa hành, củ kiệu và cả dưa món của miền Trung, ở Saigon phong phú lắm… thịt đông da heo, trong Nam cũng có thịt kho tàu. Nhiều năm nay Saigon Tourist đem khách tây đến nhà tôi ăn Tết.”
Thanh Niên Online ngày 27 Tết đưa lên mạng bài Ẩm thực ngày tết. Tờ báo trích lời  chuyên gia ẩm thực Võ Quốc nói rằng, những món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Việt Nam đều là những món ăn quen thuộc đối với mỗi nhà như thịt kho, thịt đông…những gia đình dù khó khăn đến mấy thì ngày tết cũng cố gắng có thịt, có cá, gạo đầy hũ, nước đầy lu thể hiện mong muốn sung túc.
Chắc hẳn quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do cũng đã sắp đặt xong chậu hoa cây kiểng ưa thích của mình, mâm cỗ đầu năm đã đầy đủ bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt kho, dưa hành và cả bia rượu. Kính chúc quí vị những ngày Tết trọn vẹn.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rush-flow-for-tet-02082013060232.html




Thursday, February 7, 2013

THANH THANH * NHỚ MẸ


 NHỚ MẸ
              Kính dâng hương-hồn Mẹ,
                 cụ-bà Lê Văn Tập, Đà-Nẵng.
Mẹ ơi!  Lại một năm gần hết!
Lại một Tết gần tới nữa rồi!
Không thể lời trao, không chữ viết,
Con nhờ mây gió nhắn lời thôi!
Lâu nay Mẹ có được bình-an?
Con+cháu về thăm? thư hỏi-han?
Lợi-tức có còn cho Mẹ sống?
Tuổi cao, Mẹ sống có thư-nhàn?
Phần con: vẫn tội không toà xử!
Vẫn khổ-sai tù chẳng án tuyên!
Nhưng vẫn nhẫn-nhường qua hạn dữ
Đúng như lời Mẹ vẫn từng khuyên.
Nhớ khi chưa có chuyện chua cay:
Con đến hầu thăm Mẹ mỗi ngày,
An-ủi phần nào niềm quạnh-quẽ,
Thân đơn, nhà rộng, gió sương dày .
Con đưa Chị Cả thường-xuyên lại
Cùng Mẹ chơi bài để giải-khuây .
Con giúp nhang đèn, dâng lễ bái;
Con lo khách-khứa, đãi ăn đầy ...
Mẹ ra nghiã-địa viếng mồ Ba:
Con lái xe-hơi chở Mẹ ra .
Mẹ muốn lên chùa hay xuống chợ,
Qua nhà bè-bạn: con đưa qua ...
Con vui có Mẹ mà hầu phục
Vì mẫu-thân con đã mãn-phần.
Mẹ cũng thương con như cốt-nhục
Vì con trai Mẹ đã từ-thân!
Mẹ coi con tựa đứa con thơ:
Có bữa cơm trưa Mẹ vẫn chờ.
Mẹ cất cam nho trong tủ lạnh,
Chờ con tới mới lấy ra đưa ...
Thế rồi tất cả không còn nữa!
Con bị lưu đày ở trại xa;
Mẹ lại mai chiều ngồi tựa cửa:
Lầu cao, thềm rộng, một thân già .
Năm xưa, Mẹ đã chín mươi tròn,
Lọm-khọm đi tìm thăm viếng con;
Mẹ đã khóc oà khi gặp mặt
Làm con đau điếng cả tim non.
Tấm tình qúy-hiếm cao sâu ấy:
Lòng Mẹ vô-biên như biển trời!
Con biết làm sao đền đáp lấy
Dù trong muôn một, Mẹ hiền ơi!
Đền ơn, con chỉ biết mong cầu
Cho Mẹ bình-an, Mẹ sống lâu;
Mẹ sống chờ ngày con trở lại:
Con săn-sóc Mẹ, Mẹ vơi sầu ...
Mẹ ơi!  đã mấy năm biền-biệt,
Chúng cấm thư-từ, cấm viếng thăm.
Mẹ có bề nào: con chẳng biết!
Con càng nhớ Mẹ, con càng căm!
Bây giờ Chị Cả đã qua đời,
Con+cháu thì là người mỗi nơi!
Chú ấy làm to mà cuốc bộ,
Về thăm -- lý-thuyết chỉ hoài hơi!
Phố lầu: căn cúng, căn người quỵt!
Két cạn: nhà băng hết gửi tiền!
Hết hẳn lên chùa!  Thôi thết tiệc!
(Qua-loa vài món giỗ gia-tiên!)
Mẹ đi nghiã-địa: ai đưa đi ?
Mà mộ Ba còn, hay đã "quy"?*
Ai tới chơi bài mà giải-trí ?
Trưa: còn tủ lạnh? tối: ti-vi ?
*VC dẹp hết nghiã-trang của dân Miền Nam,
  bắt dồn (quy) mả tới những địa-điểm mới,
  xa, và tồi-tệ hơn.
Lạy Trời!  Nếu Mẹ quy-tiên trước:
Con hết hôn tay, vuốt mắt Người!
Con hết tiễn đưa giây phút chót
Về nơi Mẹ nghỉ giấc muôn đời!
Nhưng, con còn sống, con còn lo
Cho các con con được Tự Do,
Cho các cháu con, như Mẹ muốn,
Có hoài tủ lạnh với cam nho ...
Con còn báo-phục cho đời Mẹ:
Tuổi trẻ cần-lao, tuổi xế nhàn;
Có nghiã, có tình trong tộc-hệ;
Có Trời, có Phật độ giang-san...
Con còn nghiã-vụ với xung quanh:
Phải diệt cuồng-xâm, thắng bạo-hành,
Để sống đời đời trong hạnh-phúc:
Mỗi ngày: Tết nhất, tháng: xuân xanh...
Hôm nay sắp-sửa vào Xuân mới:
Con: tuổi tù tăng, Mẹ: tuổi đời ...
Mượn gió nhờ mây, con gửi tới
Lòng con thương nhớ, Mẹ hiền ơi!
                             THANH-THANH
             Nhà Trắng (Thôn 5) Tiên-Lãnh 1980
 

No comments: