Pages

Saturday, August 30, 2008

I. RAU SAM

Lúc bấy giờ là mùa xuân, quê tôi vừa mới ăn tết xong. Một buổi sáng, tôi đang ngồi trong nhà chợt nghe tiếng ồn ào ngoài ngõ. Tôi nhìn ra chợt thấy một đoàn nhi đồng khoảng sáu,bảy tuổi đang đi qua trước nhà tôi. Đoàn vừa đi vừa nhìn vào nhà tôi hô to: ' Đả đảo địa chủ', ' Đả đảo địa chủ!' Dẫn đầu là một nguời đàn bà, chị ta là cán bộ thuộc đội cải cách mới về làng tôi. Đi bên cạnh chị là Hoa, ngưởi yêu của tôi. Có lẽ các trẻ này là học sinh của Hoa được đội cải cách vận dụng để làm công tác đãu tranh. Tôi hiểu công cuộc đãu tố đã bắt đầu!


Gia đình tôi ở Quảng Binh, trước đây được xếp là thành phần trung nông, mấy tháng trước đôn lên phú nông , và nay trở thành địa chủ. Ông nội tôi là một nho sinh, đậu thi hương nhị trường, sau được bổ nhiệm hương sư, dạy học các nơi trong phủ, huyện vào cái thời nho học suy tàn, chữ quốc ngữ bắt đầu đi vào chương trình giáo dục. Ông cố của tôi cũng là một nho sinh, chết sớm. Bà cố tôi bán ruộng nương cho chồng, cho con học hành, thi cử cho nên gia sản khánh kiệt, chỉ còn lại hai, ba mẫu ruộng. Bà nội tôi về làm dâu, sớm hôm tần tảo, trông coi việc ruộng vườn, lại xe tơ dệt vải cho nên đã tậu thêm được vài mẫu ruộng, nâng tổng số ruộng vườn lên bảy tám mẫu ta. Nhưng rồi bà cũng phải bán đi vài mẫu ruộng để lo việc sách đèn cho ba tôi và chú tôi. Gia đình tôi mấy đời là nho sĩ, thành thử ruộng vườn một nửa cho nông dân làm rẽ , một nửa giữ lại canh tác bằng cách thuê người cày, bừa, gặt hái. Cộng sản kết tội gia đình tôi là thành phần địa chủ vì gia đình tôi thuộc hạng phi sản xuất, ngồi mát ăn bát vàng, bóc lột nông dân.


Bây giờ công việc đãu tố đã khởi đầu. Tôi hiểu gia đình tôi bị kết là địa chủ. Và tôi hiểu cuộc đờI của tôi đến đãy là chấm dứt những mộng đẹp. Từ đây tôi sẽ sống trong tù đày, đau khổ, không bạn bè thân thích. Mọi người sẽ bỏ tôi và phải bỏ tôi vì cộng sản đã xóa quyền làm người của tôi, đã rút phép thông công của tôi! Tôi hiểu mọi sự sớm hơn mọi người vì trước đó tôi đã chứng kiến!



Hè năm 1954, tôi tốt nghiệp lớp bảy trường phổ thông cấp hai Quảng Trạch. Lúc bấy giờ trường đóng trong miền rừng núi Quảng Châu, Tùng Chất gần Roòn. Muốn lên học cấp ba, chúng tôi phải ra Nghệ An, Hà Tĩnh. Khoảng tháng chin, tháng mười ta, chúng tôi phải đi bộ từ nhà ra Hà Tĩnh, con dường dài khoảng trăm cây số dưới cơn mưa gió rét mướt. Đến nơi trường đóng cửa, người ta bảo chúng tôi trở về mà không nói rõ lý do. Sau này chúng tôi mới hiểu là việc cải cách ruộng đất đã ngăn cản mọi hoạt động văn hóa giáo dục và chính trị. Người ta phải chờ kết quả của cuộc đãu tố để phân định giai cấp, rồi từ đó mới cho con em nông dân vào học và đuổi con em địa chủ ra ngoài. Và các thầy giáo cũng vậy. Ai thuôc thành phần bần cố nông hay trung nông thì mới đuợc lưu dụng, còn không thì phải trở về thọ tôi với cha mẹ, vợ con.


Trong mấy ngày ở tại Hà Tĩnh, chúng tôi đã nghe, đã thấy nhiều việc. Quảng Bình tôi thuộc vùng xôi đậu, nửa quốc gia, nửa Việt Minh cho nên ai cũng phải giữ gìn ý tứ. Còn Hà Tĩnh là vùng chiến khu, quân Pháp không chiếm được tấc dất. Dân chúng bàn về chính trị rất tự do bởi vì đa số họ là công thần. Họ không tôn trọng đảng và lãnh tụ như tôi tưởng. Họ bảo các ông lãnh tụ thích cô nào là cho cô ấy lên làm chiến sĩ thi đua, anh hùng lao dộng, chẳng có công bằng gì hết. Trung ương ngày nay cũng giống như triều đỉnh phong kiến, có trung thần, nịnh thần, phe miền bắc, phe miền trung, phe Hà Tĩnh, phe Nghệ An, đủ thứ chuyện trên đời! Lúc đó, tâm tư tôi nặng trĩu lo buồn, không thiết đến những chuyện thi phi ở cõi thế. Tôi nghe các bô lão nói chuyện với nhau về những cái chết ghê rợn của địa chủ, phú nông. Họ bị đưa ra đãu tố, bị chôn sống. Có những ông trung tá anh hùng quân đội được đơn vị cho phép về thăm nhà, chưa bước chân vào ngõ đã bị đội cải cách đem bắn bỏ về tội con địa chủ. Có những ông đại tá may mắn được các cận vệ đàn em hết lòng bảo vệ nên tháo thân trở về đơn vị an toàn. Tôi thấy rõ một trời tang tóc. Rất nhiều cái chết xảy ra trong một vài ngày. Bố tự tử vì bị con đãu tố. Có cô gái mới mười mấy tuổi đã uất ức tự tử mà chết. Những con gái địa chủ rất đẹp phải lấy những thương binh xấu xí, tật nguyền để đền tội cho gia đình. Có những thanh niên, thiếu nữ phải bỏ nhau vì không muốn bị liên hệ giai cấp. Tôi nhìn thấy có những ngôi nhà rất tang thương lạnh lẽo, cây cối xác xơ, u uất báo hiệu chủ nhân đang lâm đại nạn bi thương! Tôi nghe những chuyện rùng rợn đó và tôi hiều đó là số phận của tôi và gia đình tôi!


Khi tôi trở về Quảng Bình thì nơi đây vẫn vui vẻ như mọi ngày, chưa biết một tí gì về cải cách ruộng đất. Cộng sản rất kín. Cộng sản làm thì không nói, mà nói thì không làm. Lúc bấy giờ hội nghị Geneve đã chia đôi đất nước nhưng chúng tôi không hề nghe gì về việc này vì cộng sản sợ dân bỏ vào Nam. Tôi chợt nhớ mấy tháng trước, trên đường quốc lộ xuyên Việt, chúng tôi thấy nhiều đoàn người trong Nam đi ra Bắc. Họ mang y phục đủ màu sắc, dáng mệt mỏi. Và cũng trên con đường này, chúng tôi cũng thấy có rất nhiều người mang áo quần nâu, lặng lẽ nối đuôi nhau đi vào Nam. Chúng tôi không biết họ là ai và đi đãu. Sau này tôi mớI biết lờ mờ về hội nghị Geneve chia đôi đất nước. Vì việc này, một số người ở vùng quốc gia nay trở về làng cũ vì họ nghĩ rằng đất nước ta nay đã hòa bình. Tôi thăm họ và dò hỏi tình hình trong Nam.


Tôi đã dự tính bỏ vào Nam tìm tự do. Từ đó, tâm tư tôi luôn hướng về miền Nam. Thuở nhỏ, tôi đã theo ba má vào Sai gon sinh sống. Năm 1944, Đồng minh thả bom Saigon cho nên tôi và má tôi trở về quê lánh nạn. Sau cách mạng tháng tám, ba tôi cũng trở về quê luôn. Gần mười năm ở Quảng Bình, tôi không hề nhớ đến hình ảnh của Sàigon. Nhưng bây giờ, trong tiềm thức tôi những hình ảnh đó nổi lên rất rõ rệt. Tôi nhớ đến những đêm rất tối trên bến sông Sài gòn, ba má tôi và tôi đã thưởng thức những món ăn Sài gòn ban đêm do những cô bán hàng mang những ngọn đèn chai gánh hàng đi khắp nơi. Khứu giác tôi chợt dậy lên vị thơm của bò bảy món. Và vị giác tôi bỗng trào lên vị ngọt và thơm của nước mắm pha chanh đường của miền Nam. Tôi cũng nhớ vị ngọt của rau xà lách mà quê tôi không có. Tôi nhớ những cây cà rem mát lạnh. Tôi nhớ những cửa hàng sang trọng có nhiều đồ chơi và vải vóc, quần áo. Tôi nhớ Sở Thú Sàigòn.


Tôi có người anh họ và cũng là bạn học cùng lớp rất thân thiết bị liệt vào hàng địa chủ. Bác tôi đi kháng chiến bao năm, bán ruộng đất để theo kháng chiến, làm chủ tịch hội Liên Việt huyện Quảng Trạch. Bạn tôi có mấy anh em ở trong Nam, trong đó có một người chị rất giàu ở Sàigon. Tôi muốn rủ anh cùng đi với tôi để có nơi nương tựa. Tôi đến nhà anh, rủ anh đi tắm sông. Khi hai đứa bên sông, tôi muốn ngõ lời lại ngại ngùng vì tôi sợ việc anh ra đi sẽ có hại cho bác tôi cho nên tôi nín lặng. (Sau này, 1980, gặp lại nhau, anh hỏi tôi phải chăng lúc đó tôi có điều gì muốn nói!)


Sau tết, cán bộ cải cách đã về làng. Bà nội tôi và ba tôi đã mất cách đó vài năm. Họ bắt ông tôi, một ông già 70 tuổi đêm nào cũng phải đi suốt đêm trên cách đồng lầy lội và lạnh lẽo. Họ bắt gia đình tôi mỗi người đến một nhà tra khảo, hỏi han. Tôi hiểu họ bày kế điệu hổ ly sơn, bắt chúng tôi đi hết để họ đến nhà xét của, xem còn bao nhiêu lúa, khoai, bao nhiêu mâm thau chậu đồng, bao nhiêu vàng bạc tiền của. Họ bảo tôi phải đãu tố ông nội tôi. Nếu tôi làm việc này, đảng và nhà nước sẽ cho tôi đi học Liên Xô, Trung quốc! Tôi trả lời rằng ông nội tôi là một nhà giáo. Gia đình tôi chỉ có vài mẫu ruộng, cũng sống thanh đạm như mọi ngừơi, không phải là địa chủ bóc lột nông dân. Còn tài sản thì nhà tôi không có vàng bạc chôn cất, chỉ còn vài ba mâm thau, chậu đồng mà thôi. Tôi cũng nói rằng ba tôi là nhà cách mạng chống Pháp, gia dình tôi là gia đình yêu nước , luôn giúp đỡ người nghèo khổ. Họ im lặng và thả tôi ra.

Đối diện với những cán bộ cộng sản, lòng tôi nổi lên một mối căm hờn. Tôi với họ hôm qua cùng một chiến tuyến mà nay họ trở mặt, coi tôi là kẻ thù. Tôi còn nhớ lời họ Hồ kêu gọi toàn dân đoàn kết , mà nay họ trở lại phản bội đồng bào, chia rẽ giàu nghèo, xui con tố cha, vợ đãu chồng. Họ đào sâu thù oán giữa chủ tớ, giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa chị dâu em chồng, họ dùng chút danh lợi để khiến đồng bào, anh em tàn hại nhau! Trưóc kia tôi rất tin tưởng cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi theo sách vở nhà trường yêu Liên Xô, Trung quốc là những người bạn hết lòng giúp ta vì tình cảm thiêng liêng của quốc tế vô sản. Tôi mong ước được đi du học Liên Xô, Trung quốc như mấy người bạn tôi và các bậc anh của tôi! Tôi yêu hòa bình. Tôi yêu bồ câu trắng .Tôi đã làm một bài thơ dán bích báo nhà trường đến nay tôi còn nhớ:
Tôi yêu cánh bồ cậu trắng,
Bay trong buổi bình minh.
Tôi yêu hòa bình,
Yêu Liên Xô thắm thiết mối tình anh em!

Tôi đã tích cực phấn đãu. Tôi đã lập đoàn thiếu niên cứu quốc ở địa phương và làm đoàn trưởng trong bao năm. Và khi 16 tuổI, tôi được kết nạp đoàn viên thanh niên Cộng sản. Nhưng nay thì tôi hiểu cả dân tộc này đã bị lừa đảo. Cộng sản cũng như những con hồ ly tinh. Bình thường chúng hiện lên thành những mỹ nhân rất đẹp để quyến rủ những kẻ tình si. Nhưng có lúc, chúng sẽ hiện lên những bộ mặt quỷ sứ thật hãi hùng, kinh khiếp!

Từ hôm đó, bên ngoài nhà tôi luôn có người canh giữ. Ban đêm, chúng tôi không dám nói to vì sợ bọn chúng ở bên ngoài rình rập nghe đuợc. Trước tết,một hôm, ông chú họ của tôi đi bộ đội về cưới vợ, có ghé thăm ông tôi. Sau này tôi mới biết trước khi chú tôi vào thăm ông tôi đã đến xin phép tên bí thư chi bộ đảng . May cho chú tôi, lúc chú tôi đến thăm, chúng tôi còn là phú nông! Sau tết, một anh bộ đội ghé nhà tôi để lấy lại cái ba lô mà anh đã gửi mấy năm trước, khi anh trở ra bị bọn tự vệ bắt giữ về tội liên lạc với địa chủ. Tôi không biết rõ anh bị bắt giữ bao lâu! Có lẽ anh cũng như bao bộ đội, cán bộ sau tết bị đơn vị cho về nhà để chịu sỉ nhục và chịu hình phạt với gia đình! Má tôi đi chợ trở về không vì họ cấm mua bán với gia đình địa chủ. May thay, chúng tôi còn ít muối và cà muối ăn qua bữa!


Tôi có thẻ học sinh, có giá trị đến ngày 28 tháng hai năm 1955. Vả lại, thóc gạo nhà tôi cũng gần cạn và có thể bị tịch thâu. Tôi tính phải ra đi trước thời hạn đó. Lúc nào trong người tôi cũng mang sẵn quần áo và tiền bạc. Tôi đã bàn bạc với ông tôi. Ông tôi đồng ý. Tôi không dám nói với ai kể cả má tôi vì tôi sợ má tôi để lộ tình cảm có hại cho việc ra đi của tôi. Tôi cũng không gặp và không nói với Hoa một lời nào vì tôi nghĩ chuyện tình cảm của chúng tôi đến đãy phải kết thúc. Sáng hôm đó, mọi người đang yên tĩnh. Bỗng có tiếng kêu la thất thanh. Mọi người đổ xô đến nhà của ông Câu Hiến. Té ra nhà này được chọn làm nơi giam giữ ông Hương Phóng. Ông này người làng La Hà, trước tháng tám 1945 làm hương dịch, cũng là người có chút tiếng tăm trong xã. Ông bị quy địa chủ, bị giam giữ nơi đây. Trong lúc bọn dân quân tự vệ ăn trưa, lơ là việc canh giữ, ông đã chụp cây mác và đâm họng tự tử. Tôi cũng chạy đến xem. Thấy ông nằm trên vũng máu, cổ lòi ra ngoài, từng vòi máu phụt ra như suối. Trong lúc mọi người náo loạn, tôi lẻn ra đi, qua sông, qua phà, theo dường quốc l vào Đồng Hới. Tại đây, tôi gặp mấy người quen đang đi mua gạo ở Đồng Hới về bán. Sợ tiết lộ, tôi men theo dường hỏa xa mà đi. Tôi cũng bị công an bắt gặp trong khi đi loanh quanh tại Bến Hải. Song vì tôi có giấy tờ, lại nhanh chân và nhanh trí, cuối cùng tại đây, tôi hòa nhập với dòng người đi bộ từ bắc di cư vào Nam.


Ở nhà má tôi cuống cuồng, đã làm mọi thứ phép tắc như là đốt một chiếc áo của tôi để tôi trở về nhưng vô hiệu. Hoa khóc hết nước mắt và hợp lực với má tôi tìm kiếm tôi khắp nơi. Việc tôi ra đi đã làm phấn khởi các thanh niên trong vùng. Họ cũng ra đi nhưng không thoát. Các thanh niên ở vùng quốc gia trở về đều bị bắt giam mấy năm trời vì bị tình nghi phản động. Ông tôi bị giam và bỏ đói. Cô tôi đem trộm cơm cho ông tôi. Ăn xong, ông tôi chết, và thi hài đươc bó trong một manh chiếu rách. Ba tôi đã mất, sinh thời chống Pháp nhưng không theo cộng sản bị quy là Quốc Dân Đảng. Bác họ của tôi- đã nói ở trên- theo kháng chiến, nhà chỉ còn hai ba sào ruộng hương hỏa bị xử bắn vì tội địa chủ và Quốc Dân đảng. Họ tôi có mấy người nghèo kiết xác cũng bị đem ra đãu tố vì tội cường hào ác bá, và Quốc dân đảng. Làng tôi nghèo nhưng cũng có mấy chục địa chủ, cộng với cường hào, ác bá thì cũng có hơn trăm nạn nhân. Những kẻ nghèo hèn không có tấc đất nhưng không tích cực theo đảng mà đấu tố, lại có con theo thực dân Pháp như gia đình ông Cu Lành, cũng bị loại ra ngoài xã hội. Họ không được chia ruộng đất, không đuợc coi là nông dân, bị đuổi ra ở ngoài bờ sông chài lưới mà sống. Những loại người này cùng với con cháu địa chủ sống một đời âm thầm tủi nhục. Nhưng trong cái rủi có cái may. Con cháu họ không đuợc vinh dự trúng tuyển bộ đội cho nên gia đình họ không có ai làm thương binh liệt sĩ. Họ đuợc thí cho mấy thước đất loại xấu nhưng sớm hôm họ vun xới thì còn tốt gấp trăm đất Hợp tác xã. Họ trở nên nhiều lúa, nhiều khoai hơn những bần cố nông thuộc thành phần cách mạng tiên phong!


Gia dình tôi bị đãu tố. Chúng tịch thu tài sản nhà tôi. Bao giường tủ, chum lu, mâm chậu, sách vở đều đem chia cho những kẻ có công đãu tố. Chúng chưa tịch thu nhà tôi vì nhà quá lớn, tên nào cũng hăm he tranh giành cho nên chưa ngã ngũ. Dần dà mãi thì đội sửa sai thay đổi chính sách cho nên má tôi còn giữ được căn nhà cũ.
Trong những ngày đầu tiên, má tôi và các em tôi rất khổ. Má tôi , các em tôi và các anh họ của tôi phải đi các nơi làm thuê, làm mướn. Có ngưòi lên rừng đốn củi. Có nguờI bỏ làng thay tên đổi họ trốn ra vùng mới tiếp thu như Hà Nội, Hải phòng. Bà con, họ hàng nhiều người trở mặt. Trước ngày đấu tố, có kẻ xông ra chiếm đất của gia đình tôi làm nhà. Nhưng đa số thì tốt. Họ đã lén giúp đỡ má tôi và em tôi. Cộng sản tịch thu lúa gạo, má và em tôi không còn gì để ăn. May sao, năm đó, trong vườn và ngoài vườn là nương lúa nhà tôi, rau sam mọc lên rất nhiều. Đây là một loại rau thiên nhiên, mọc nhiều vào mùa xuân, thân bò, lá nhỏ nhưng dày như lá mồng tơi, nông dân thường hái luộc ăn, có vị chua. Má tôi và các em tôi hằng ngày ăn sau sam thay cơm mà qua đuợc cơn bĩ cực.

No comments:

Post a Comment