Pages

Saturday, September 20, 2008

CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NHIẾP ẢNH VIÊN CHIẾN TRƯỜNG

===

(Thuật lại theo Warren Zinn, “The Washington Post National Weekly Edition” số Tháng Bảy 21-27, 2008 qua bài viết “The Cost of Fame”
Trần Bình Nam



**



Một người bạn gởi cho tôi một điện thư, viết ngắn gọn: “Chắc mày đã biết, Joseph Dwyer, tên người lính nổi danh bởi tấm hình mày chụp vừa tự tử hôm Thứ Bảy. ”
Tôi đọc mail người lạnh buốt.
Bốn năm rưỡi qua tôi đã gác máy ảnh, từ bỏ chiến trường Afghanistan và Iraq, ghi tên học luật tại Miami. Bức điện thư cho tôi cái cảm tưởng không dễ gì bỏ chiến trường ở lại đằng sau.
Thế là Joseph Dwyer đã chết. Tôi bần thần lái xe về nhà, mở cửa phòng, và kìa Joseph – tấm hình Joseph tôi chụp - ở trên vách đang nhìn tôi như hắn vẫn nhìn tôi mọi ngày.


Tôi là nhiếp ảnh viên chiến trường đi theo một đơn vị bộ binh tiến vào Baghdad khi Hoa Kỳ nổ súng vào tháng 3 năm 2001. Tôi chụp tấm hình khi Joseph Dwyer, một người lính y tá bất chấp hiểm nguy đang bế một em bé người Iraq bị thương chạy ra khỏi vùng lửa đạn. Tấm hình được các cơ quan thông tấn gởi đi khắp thế giới làm Joseph nổi danh. Tôi cắt tấm hình đăng nơi trang đầu của tờ USA Today và dán lên tường. Tôi tự hào với thành quả của mình. Lúc đó tôi mới 25 tuổi .
Tấm hình làm sống lại một đoạn phim vì Joseph vừa chết, ở tuổi 31.
Tôi được tin Joseph bị khủng hoảng tâm thần sau khi hết hạn lính trở về đời sống dân sự. Anh bị ám ảnh bởi chiến tranh và giờ phút nào cũng tưởng quân nổi dậy tìm cách giết anh. Anh ra vào bệnh viện tâm thần như cơm bữa. Mẹ anh nói Joseph không thể quên cảnh giết chóc tại Iraq.


Nhìn tấm hình tôi tự hỏi: Tấm hình này có liên hệ gì đến cái chết của Dwyer không ? Nhiều bài báo nói Joseph không thích nổi danh và bực mình với tấm hình. Tôi không biết cái khoảnh khắc 1/250 giây mong manh khi tôi bấm máy, làm ba cuộc đời của ba con người trước đó chưa hề quen biết nhau quyện lại với nhau có phải là điềm báo định mệnh tàn khốc trời dành cho Dwyer không?


**



Trước rạng đông ngày 25 tháng 3 năm 2003, trung đoàn Kỵ binh Không vận số 7 của tôi tới Mishkab, phía nam thủ đô Baghdad, tiến quân trong tư thế chống phục kích. Tôi là phóng viên chiến trường của tờ Army Times. Đang ngủ gà ngủ gật trong một chiếc xe tăng hiệu Bradley thì nhiều tiếng nổ đánh thức tôi dậy. Máy bay đang bỏ bom một ngôi làng cạnh bờ sông Euphrates. Tin tình báo cho biết quân của Saddam Hussein đang bố trí chận đánh chúng tôi.



Tôi vớ chiếc máy ảnh, khoác áo giáp, chụp vội nón sắt lên đầu bò ra khỏi xe. Hàng cây bên bờ sông Euphrates cháy rực trời. Mấy phút sau tôi thấy, qua màn khói và lửa, một người đàn ông cầm một miếng vải trắng, cả hai cánh tay dong lên trời trong tư thế đầu hàng, chập choạng chạy về hướng những người lính đang bố trí.
Tôi nghe anh ta nói trong làng có nhiều người bị thương cần được chở đi bênh viện. Vị sĩ quan chỉ huy nói nếu đem họ ra, đơn vị ông sẽ săn sóc cho .
Người đàn ông chạy ngược vào làng, và mươi phút sau trở ra hai tay ẵm một đứa bé chừng 4 tuổi. Cậu bé ở truồng, chân trái bết đầy máu. Người đàn ông chạy lại phía tôi đang nằm. Tôi tự động đưa máy ảnh lên. Bỗng từ bên phải một người lính y tá – binh nhì Joseph Dwyer – xuất hiện chạy lại đón lấy chú bé nơi tay người đàn ông rồi hai người chạy hai lối ngược nhau. Dwyer về phía đơn vị của anh, người đàn ông chạy vào làng. Tôi bấm máy lia lịa hy vọng khoảng cách và ánh sáng thích hợp và thầm ước chụp được một tấm ảnh để đời. Tôi nghĩ thế giới cần được thấy sự dũng cảm của người lính Mỹ, không nề hà nguy hiểm để cứu người. Cậu bé bị thương tên là Ali Sattar .



**


Tháng Sáu 2001, tôi tò mò trở lại Mishkab dò hỏi số phận của Ali Sattar. Tôi mang theo tờ báo in hình Joseph đang bế Sattar chạy thục mạng dưới lằn đạn cho dân trong làng xem, và người ta chỉ nhà Sattar cho tôi . Ông bố bế Ali trên tay ra gặp tôi. Ali bị gãy xương giò chân trái khá nặng, và tại Iraq không đủ điều kiện săn sóc hậu giải phẫu, Ali đi đứng khó khăn, cần có người giúp khi di chuyển. Tôi ở chơi với gia đình Ali cả buổi chiều. Tôi chia kẹo M&M cho mọi người cùng ăn, uống Pepsi Mỹ và trà Iraq. Tôi nói nhiều đến tấm hình, Ali hơi nhút nhác nhưng tỏ ra thích tấm hình; người trong nhà, trái lại, tỏ vẻ ngạc nhiên không biết tấm hình đó có ý nghĩa gì mà tôi quan tâm như vậy. Khi tôi từ biệt gia đình bước ra cửa, tiếng phản lực cơ chát chúa trên bầu trời. Mặt Ali biến sắc đầy vẻ kinh hoàng.

Có lẽ lúc này Ali đã 9 tuổi. Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến cậu bé, tự hỏi không biết cậu đang ở đâu, làm gì, và lớn lên có hoàn toàn bình phục và quên được sự kinh hoàng của chiến tranh không. Tôi biết Dwyer cũng thỉnh thoảng nghĩ đến Ali.


**


Buổi sáng đáng nhớ đó Joseph và tôi chỉ nói chuyện được với nhau khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó chiến trận kéo mỗi người đi một ngả. Cho nên tôi ngạc nhiên khi nhận được một điện thư của Dwyer vào khoảng một hay hai tháng gì đó sau ngày tôi trở lại thăm Mishkab. Tôi tưởng Joseph đã trở về Mỹ hay ít nhất không còn ở Iraq nữa. Dwyer hỏi tôi có được tin gì về Ali Sattar không. Trong điện thư trả lời tôi thuật chuyện tôi vừa trở lại chiến trường năm xưa thăm cậu bé .




Ngày 6 tháng 8 năm 2003 trong một điện thư khác Joseph viết: “Tôi không ngờ anh trở lại thăm Ali. Tôi sợ cậu bé không qua khỏi. Ước gì tôi đã cùng đi với anh trong chuyến đi đó”.
Tháng 11 Joseph viết “Này Warren, anh đã làm tôi nổi danh với tấm hình. Hy vọng anh khỏe và bình an”. Joseph hỏi tôi hôm đó có chụp thêm được tấm hình nào khác không, nếu có thì gởi cho anh và hỏi tôi có biết tin gì thêm về cậu bé Ali không.
Tháng 1 năm 2004 quân đội gọi tôi trở lại công tác chụp hình tại Iraq. Nhưng tôi đã treo máy, quyết định từ giả chiến trường sau hai chuyến công tác tại Afghanistan và Iraq. Những chuyến đi của tôi đã làm cho gia đình tôi, bạn bè tôi lên ruột và bản thân tôi cũng đã trải qua bao trầy trụa. Cái khác giữa tôi – lính giao kèo - và những người như Dwyer – lính tình nguyện - là tôi có quyền chọn lựa, họ thì không.



Bỏ nghề nhiếp ảnh chiến trường tôi dọn nhà về Miami và ghi tên học luật . Tôi có liên lạc với Joseph vài lần. Anh ta không nói cho tôi biết anh chật vật trở về đời sống dân sự sau ba tháng ở chiến trường Iraq. Năm 2005 đọc báo tôi mới biết Dwyer bị bệnh khủng hoảng tinh thần vì chứng kiến những thảm cảnh của chiến tranh. Dwyer bị ám ảnh bởi quân nổi dậy lúc nào cũng chực giết anh nên đã chận cửa không cho bất cứ ai vào nhà và bắn vào những hình bóng tưởng tượng ở bên ngoài và bị cảnh sát bắt.


Tôi nhớ trước đó vào ngày 1/12/2004 Joseph viết cho tôi một điện thư nội dung: “Trở về từ Iraq tôi chẳng muốn nói với ai về chiến tranh. Bây giờ nhìn lại mới thấy mình đã làm một công việc vô cùng to lớn. Tôi nghĩ anh cũng có cảm tưởng như vậy. Anh ghi lại sự chiến đấu can trường của mọi người trên trận địa và làm cho người dân sống ở hậu phương tiếp cận với chiến tranh.”


Lúc này khi ghi lại nguyên văn điện thư đó của Joseph tôi không khỏi tự hỏi, cái gì đã xẩy đến cho Joseph khi hắn viết mấy dòng chữ trên, và điều hắn nói về tôi quả có thật vậy không .
Người lính Mỹ thường cam đảm và không quản ngại hy sinh trên chiến trường, nhưng ít khi được ghi nhận. Cái khác với trường hợp của Dwyer là khi hắn xả thân quên mình để cứu người thì có tôi chờ đó với chiếc máy ảnh trong tay. Nếu người lính nào cũng có nhiếp ảnh viên bên cạnh thì có lẽ báo chí không có chỗ để in những tấm hình đáng ngưỡng mộ .


Một tấm hình khác liên quan đến chiến tranh chụp rất xa chiến trường tôi ưa ý là tấm hình tôi chụp một người lính Mỹ sau khi hết hạn hai tuần nghỉ phép R&R lên máy bay quân sự trở lại chiến trường tại phi trường Baltimore-Washington. Anh mặc quân phục tác chiến, tay dắt đứa con trai bước dọc theo hành lang dẫn vào cổng máy bay. Tôi chụp tấm hình từ phía sau lưng khi anh và đứa con trai sắp bước vào cầu thang máy, chú bé đứng ngang thắt lưng anh. Một người lính vô danh không biết bà vợ đang ở đâu, sắp từ biệt con, ra chiến trường với niềm hy vọng sẽ trở về với con một ngày rất gần.
Nổi niềm không ai biết, cũng như hiện nay có biết bao nhiêu người lính trẻ cơ thể và tâm hồn đang bị dày vò bởi vết thương chiến tranh. Nếu không có tấm hình của tôi chắc chẳng ai để ý vừa có một người lính chết vì hậu quả gián tiếp của chiến tranh .



**


Một tuần sau khi Joseph chết, mẹ Joseph gọi tôi. Tôi cố tìm bà để chia buồn. Bà Mauren Dwyer cho tôi biết tin tức thuật rằng Joseph bực mình vì sự nổi danh do bức hình tôi chụp là không đúng. Bà nói Joseph thích tấm hình và tự hào về nó, chỉ hơi bất bình khi nghĩ rằng nhiều binh sĩ Mỹ cũng hy sinh như vậy mà không được ai biết tới.


Cũng như Joseph tôi tự hào đã chụp một tấm hình đáng giá, nhưng tôi nghĩ nhiều người lính đã làm nhiều việc đáng tưởng thưởng hơn tôi nhiều. Tôi thấy ngượng khi nhiều tờ báo khen tấm hình để lại một dấu ấn trong ngành nhiếp ảnh chiến trường và đem nó so sánh với những tấm hình chụp nổi tiếng khác trên thế giới. Tôi chỉ là một phóng viên chiến trường tầm thường và đã chụp những gì hiện ra trước mắt giống như các nhiếp ảnh viên chiến trường khác chứ không có tài cán gì đặc biệt. Trong cuộc tấn công vào Baghdad tôi đã thấy nhiều tấm hình có giá trị hơn nhiều.


Người nhiếp ảnh chiến trường thường hay nói đùa rằng khi họ đưa chiếc máy ảnh lên tầm ngắm, chiếc máy cách ly họ với ngoại cảnh. Thật ra người nhiếp ảnh tiếp cận với môi trường chung quanh một cách cận kề hơn qua lỗ nhắm, và anh ta cũng không tránh được mùi vị và tiếng động của chiến trường. Cho nên người ký giả chụp hình không phải là người ngoài cuộc mà là một nhân vật khắng khít với chiến tranh. Tôi không chia xẻ nhiều hệ lụy của chiến tranh như Ali và Joseph, nhưng tiếng động của chiến trường cũng không chịu rời bỏ tôi. Tiếng pháo bông của những ngày lễ lớn vẫn làm tôi giật mình.
Tôi không biết tấm hình Joseph và Ali có phải là tấm hình quý nhất tôi đã chụp hay tôi ưa thích nhất không, nhưng tôi biết nó nói lên được một cái gì quan trọng. Nó nói lên niềm hy vọng. Hy vọng nước Mỹ đang làm một điều gì đúng tại Iraq, rằng người lính Mỹ có mặt tại Iraq là để giúp người Iraq, và rằng binh sĩ Mỹ quý sinh mạng con người trên tất cả mọi thứ.


Nhưng lúc này qua tấm hình niềm hy vọng mờ nhạt đi khi tôi liên tưởng biết bao người lính trẻ đã bị chấn thương về tinh thần và vật chất vì chiến tranh và niềm hy vọng của họ đang biến thành sự thất vọng. Đó là điều đã xảy ra cho Joseph Dwyer bị ám ảnh và dày vò bởi những gì anh đã chứng kiến tại chiến trường.
Tấm hình nói lên sự hy sinh của Joseph Dwyer để bảo vệ sự sống. Trớ trêu là, Joseph đã không đủ khả năng bảo vệ sự sống của chính mình./.


Trần Bình Nam thuật


August 5, 2008
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com


====

No comments:

Post a Comment