Pages

Monday, October 27, 2008

LÊ XUÂN NHUẬN * CỐ TỔNG-THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM


CỐ TỔNG-THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
BÍ-MẬT TIẾP-XÚC VỚI CỘNG-SẢN VIỆT-NAM



Đến nay thì việc họ Ngô bắt tay với ông Hồ Chí Minh cộng-sản Bắc Việt không còn là một nghi-vấn, như vài nhân-vật thân-Diệm trước đây đã cố che-giấu vụ này (xin xem thêm phần "PhụLục1" dưới cùng).



Theo Ông QUÁCH TÒNG ĐỨC

(Cựu Đổng Lý Văn Phòng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm):



Theo tiến-sĩ Lâm Lễ Trinh, cựu Bộ-Trưởng Bộ Nội-Vụ dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa, trong bài “Mạn Đàm với cựu Đổng-Lý (Văn-Phòng Tổng-Thống Ngô Đình Diệm) Quách Tòng Đức” thì:

[Ông Ngô Ðình Nhu đã tìm cách thương-lượng với Bắc Việt để loại ảnh-hưởng của Hoa Kỳ. Ông Nhu đã mời Manelli, Trưởng Phái-Đoàn Ba Lan trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Đình-Chiến để nhờ liên-lạc với Hà Nội qua Ðại-Sứ Pháp là Roger Lalouette đưa đề-nghị mở cuộc tiếp-xúc giữa 2 bên. Bắc Việt chấp-nhận ngay. Ông Nhu giả vờ đi săn với ông Cao Xuân Vĩ ở Cao Nguyên rồi nửa đường rẻ xuống vùng Tánh Linh ở Phước Tuy để gặp đại-diện của Bắc Việt. Cụ Cao Xuân Vĩ đã xác-nhận điều này. Trong cuộc gặp-gỡ, 2 bên đồng ý tái-lập trước tiên về liên-lạc bưu-điện và sau đó về giao-thương để tiến tới thống-nhất đất nước trong hòa-bình. Sau cuộc tiếp-xúc đó, ông Nhu cố ý tiết-lộ nội-dung cuộc tiếp-xúc cho báo-chí biết để ngầm thông-báo cho Washington.



Ông Quách Tòng Đức xác-nhận là “chính ông Nhu có đề-cập đến chuyện này trong vài phiên nhóm với tướng-lãnh tại Bộ Quốc-phòng và ngày 23.7.1963 tại suối Lồ Ồ khi nóí chuyện với các cán-bộ xây-dựng Ấp Chiến lược khoá 13.”


Một nguồn tin khác cho biết ông Nhu xử dụng trung gian cuả bốn đại sứ: Roger Lalouette (Pháp), d’Orlandi (Ý), Goburdhun (Ấn Độ) và Manelli (Ba Lan), (hai ông sau là thành viên của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến) cũng như Tổng lãnh sự Pháp ở Bắc Việt Jacques de Buzon, để liên lạc với Hànội. Ông QTĐ nói có nghe dư luận này nhưng không bieát rỏ chi tiết. Ông cũng có nghe xầm xì rằng ông Nhu đã gặp một đại diện Văn phòng Chính trị CS (Phạm Hùng?) trong lần đi săn tại Quận Tánh Linh, Bình Tuy.




Song song với sự tiết-lộ của ông Nhu, Tổng-Thống Pháp De Gaulle lên tiếng kêu gọi loại bỏ “ảnh-hưởng ngoại-quốc” ra khỏi VN, còn Hồ Chí Minh lên tiếng nói rằng "một cuộc ngưng bắn có thể được 2 bên thỏa-thuận.”



Ông Nhu đã hội kiến với Maneli lần đầu vào ngày 25/8/63 tại Bộ Ngoại giao VNCH và kế đó là vào ngày 2/9/63 tại phòng đọc sách của ông (“War of the Vanquished”, Mieczyslaw Maneli).

Ông Quách Tòng Đức xác-nhận: một Tết Nguyên-Đán trước 1963, một cành đào đỏ lộng-lẫy được trưng-bày nơi phòng khánh-tiết Dinh Độc-lập với tấm thiệp in tặng của “Chủ tịch Nhà nước Cọng hoà Xã hội Miền Bắc”. Ông Đức kết-luận: “hành-động độc-lập (không cho Mỹ biết) của ông Nhu đã làm Washington tức-giận hơn. TT Kennedy bật đèn xanh cho Lodge tiến-hành cuộc đảo-chánh nhanh chóng hơn."



Theo một tài-liệu cho là di-chúc của Hồ Chí Minh, thì: “Ðầu năm 1963, hồi đó tôi (Hồ Chí Minh) còn chưa bị bọn quanh tôi bao vây chặt-chẽ quá, tôi có nhờ mấy nhân-viên Ủy-Hội Kiểm-Soát Quốc Tế Ðình-Chiến chuyển vào Nam bộ hai cành đào lớn rất đẹp để tặng cụ Ngô đình Diệm, kèm theo một bức thư, trong thư đó, tôi có chân tình yêu cầu cụ Ngô cùng tôi thảo luận trong tình anh em, để hai bên cùng lo cho dân chúng hai miền, trên căn bản thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, theo đường lối riêng của từng người. Truyện này lộ ra, làm cụ Ngô bị giết trong Nam.”]

*

Ta thử so-sánh giữa 2 con đường, vì chỉ có 2 con đường mà thôi:

-- Con đường thứ nhất là tạm uyển-chuyển nhường-nhịn Đồng-Minh Hoa-Kỳ để đạt thắng-lợi diệt Cộng, rồi sẽ tranh-đấu giành lại thế mạnh của mình, một việc dễ làm đối với chú Sam trong bối-cảnh khai-phóng của Thế-Giới Tự-Do. Về điểm này, ông Hồ Chí Minh có một câu nói để đời. Năm 1946, họ Hồ rước Pháp, đuổi Tàu; được hỏi, ông trả lời: “Tôi thà chịu ngửi cứt Tây 5 năm, còn hơn phải ăn cứt Tàu suốt đời”. Ông giải-thích thêm: “Pháp là ngoại-bang, ở xa, sẽ cút; còn Tàu, láng-giếng, sẽ ở lại luôn”. Vậy ta cũng có thể nói: “Mỹ là ngoại-bang, ở xa, sẽ rút; còn Cộng, nội-thù, sẽ diệt chúng ta.”

-- Con đường thứ hai là chịu hòa-giải hòa-hợp với họ Hồ (nghĩa là nạp mạng cho địch) để rồi nếu không bị họ thảm-sát như các nhân-vật Quốc-Gia trong vụ Ôn Như Hầu (CSVN bất-thần tấn-công vào trụ-sở VN Quốc Dân Đảng ở Hà Nội trong đêm 27-6-46 thảm-sát hầu hết các lãnh-tụ các đảng-phái đối-lập) thì cũng trở thành bù-nhìn tay-sai cho họ nuốt gọn Miền Nam; nhưng đã vào tròng cộng-sản độc-tài thì khó lòng mà tháo cũi sổ lồng.

Ông Diệm đã chọn con đường thứ hai.

Mãi đến hôm nay, có người vẫn cho con đường thứ nhất là sai (nghĩa là bị Mỹ cướp hết, hoặc đa-số, quyền-lợi của quốc-gia mình. Vậy thì Nhật-Bản, Tây-Đức, Nam-Hàn (ngay cả Pháp nữa)... thì sao? họ cũng bị Mỹ "chèn-ép" lúc đầu, sao họ trở nên giàu mạnh từ bao lâu nay?

Thử hỏi: một người dân Việt miền Nam nào đó mà có lời-lẽ hoặc cử-chỉ cho là xúc-phạm đến Ngô Tổng-Thống thì người đó có yên thân hay không, huống gì tự ý hành-động (độc-lập) ra ngoài chính-sách đường-lối của gia-đình họ Ngô thì bị mất mạng là chuyện tất-nhiên. Vậy thì, khách-quan mà nói, họ Ngô đơn-phương thương-lượng với kẻ thù chung là cộng-sản Bắc Việt mà không hội-ý với Mỹ trước (điều mà Đồng-Minh cần làm với nhau), lại với ý-đồ đầu-hàng cộng-sản, loại bỏ ảnh-hưởng của Hoa Kỳ, tức là phản bội Đồng Minh, thì có lẽ nào Hoa-Kỳ khoanh tay chịu đựng hay sao? (Huống chi then-chốt vẫn là lòng dân miền Nam Việt-Nam).

Phản-bội Đồng-Minh tức cũng đồng-thời phản-bội cử-tri, ân-nhân, và chí-hữu của mình.



LÊ XUÂN NHUẬN


Phụ chú: Vị nào muốn tin là cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, nếu không bị giết, có thể giữ vững Miền Nam; và ông Hồ Chí Minh thật lòng khen ngợi, muốn "sống chung hòa-bình" với ông Ngô Đình Diệm, cùng thành-tâm tiếc-thương khi ông Diệm chết (chuyện này do một đồ-đệ của họ Ngô bịa ra), xin mời đọc bài của Lê Chân-Nhân (một bút-danh khác của Lê Xuân Nhuận) đã được phổ-biến trên các diễn-đàn liên-mạng mấy năm vào cuối thế-kỷ thứ 20:



A



Giã-Từ Thế-Kỷ Hai Mươi:

CỐ TỔNG-THỐNG NGÔ ÐÌNH DIỆM MUỐN DÂNG MIỀN NAM VIỆT-NAM CHO CỘNG-SẢN BẮC-VIỆT



Trước khi giã-từ Thế-Kỷ 20, tôi tưởng chúng ta cũng nên thử tìm giải-đáp cho một thắc-mắc vẫn còn tồn-đọng từ thập-niên '60 của Thế-Kỷ 20:


1/ Cứ theo nhiều người (trong đó có tôi) thì chúng ta phải đặt chủ-quyền quốc-gia lên trên hết; nói cách khác, vì tinh-thần dân-tộc, chúng ta không chấp-nhận để cho ngoại-bang lấn-lướt quyền quyết-định việc nước của chúng ta. Do đó, việc cố Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm chống lại Hoa-Kỳ trong dự-định đổ thêm nhiều quân vào VNCH (Mỹ-hoá chiến-tranh Việt-Nam) là một việc đúng.

2/ Cứ theo một số nhân-vật Hoa-Kỳ (trong đó có cựu Bộ-Trưởng Quốc-Phòng McNamara, cựu Ngoại-Trưởng Henry Kissinger) thì Mỹ không nên tán-đồng hay nhúng tay vào việc lật đổ chế-độ Diệm, và họ rất tiếc là Hoa-Kỳ đã làm như thế.

3/ Một số nhân-vật Quốc-Gia thân-Diệm dựa vào các ý-kiến trên của phiá Hoa-Kỳ để khẳng-định rằng nếu không có cuộc chính-biến 1-11-1963, nghiã là nếu cố Tổng-Thống Diệm vẫn còn sống và tiếp-tục lèo-lái công-cuộc chống Cộng của quốc-dân Việt-Nam (bất-chấp thời-lượng nhiệm-kỳ, từ 1955 đến 1975 là 20 năm!), thì Việt-Nam Cộng-Hoà hẳn vẫn còn tồn-tại và phát-triển, giàu-mạnh chứ không sụp-đổ như vào Tháng Tư Đen năm 1975.

4/ Thế nhưng, nếu ta đọc hết và đọc kỹ các ý-kiến của Mỹ chống việc chống Diệm, nghiã là ước chi Hoa-Kỳ hồi đó không gia-tăng lực-lượng và hoạt-động quân-sự mà cứ để cho ông Diệm trực-tiếp tiếp-xúc với Bắc-Việt để cả hai miền Nam Bắc cùng tự giải-quyết vấn-đề nội-bộ Việt-Nam với nhau, thì ta thấy rằng các nhân-vật Mỹ tên-tuổi kể trên đã lý-luận khác hẳn, về kết-quả của việc ông Diệm bắt tay với Bắc-Việt: Không phải là VNCH vẫn còn đứng vững, mà là Bắc-Việt “thống-nhất Việt-Nam” (nuốt chửng Miền Nam) sớm hơn, chiến-tranh Việt-Nam chấm dứt sớm hơn, và, quan-trọng hơn hết là, Mỹ đã có thể tránh được thiệt-hại lớn-lao (về vật-chất là lên đến hơn năm-vạn-tám mạng ngưòi, và trăm-tư-tỷ đô-la; và về tinh-thần là ô-danh bại-trận, thay vì “được” ông Diệm – ông Diệm sau ngày thỏa-hiệp với CSVN -- yêu-cầu rút ra, rút ra trong danh-dự -- xem "Phụ-Lục 2").


5/ Có một số người vẫn còn tin rằng: nếu để cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm toàn-quyền và tự-lực lo lấy, thì Mỹ đã khỏi tổn-thất như trên, mà Việt-Nam cũng đã thoát được các thảm-cảnh đã xảy ra, nhất là không bị cộng-sản tràn ngập. Vấn-đề tôi xin đặt ra hôm nay là: Về phiá cộng-sản thì họ đã có quyết-tâm và kế-hoạch thôn-tính Miền Nam (qua việc cài lại cán-bộ nằm vùng tại Miền Nam sau Hiệp-Định Geneva 1954, nhất là qua Nghị Quyết 15 đầu năm 1959 chủ-trương bạo-lực cách-mạng giải-phóng Miền Nam khiến Tổng-Thống Diệm phải ban-hành Luật 10-59, cụ-thể là việc thành-lập "Mặt Trận Giải-Phóng Miền Nam" từ năm 1960) với sự viện-trợ tối-đa của Khối cộng-sản quốc-tế; về phía Hoa-Kỳ thì họ hẳn thấy chỉ dùng chính-trị, kinh-tế, ngoại-giao... thì vẫn chưa đủ, nên phải dùng đến quân-sự (đổ thêm quân vào Việt-Nam).




Vậy thì, về phiá VNCH, nghiã là về phần cố Tổng-Thống Diệm, -- người đã tin dùng cán-bộ tình-báo chiến-lược Vũ Ngọc Nhạ của Bắc-Việt làm cố-vấn cho mình, cùng với nội-tuyến-viên Phạm Ngọc Thảo được Tổng-Giám-Mục Ngô Đình Thục nhận làm con nuôi -- “chúng ta” làm cách thế nào mà thắng cộng-sản (ít nhất thì cũng còn nguyên, không bị cộng-sản lấn chiếm) khi mà cộng-sản chắc-chắn là quyết tiến lên, Hoa-Kỳ rút ra, phủi tay, không còn phối-hợp và yểm-trợ về quân-sự, dĩ-nhiên giảm-thiểu nếu không cắt hết viện-trợ kinh-tế và các mặt khác, trong lúc chúng ta không được nước ngoài giúp đỡ (Mỹ mà rút đi thì ai mà chịu nhảy vào?), thua sút Cộng-Sản cả về dân-số, quân-số, vũ-khí, tiếp-liệu, viện-trợ, khả-năng tự-túc, nhất là đoàn-kết và ổn-định nội-tình?



LÊ CHÂN-NHÂN


B



Ông Hồ Chí Minh trả lời phái-bộ ngoại giao Ấn-Độ rằng "He is a patriotic man”: ông Ngô Đình Diệm là một người yêu nước (Cũng như sau này -- thật không? -- họ Hồ tỏ ý thương tiếc trước cái chết của họ Ngô). Câu nói (khen) cuả họ Hồ đối với họ Ngô chỉ là một câu nói "chính trị", và "ngoại giao".



Ông Hồ Chí Minh cần (tự) đánh bóng thêm con người cuả mình, nên phải học đòi nói-năng lịch-sự, nhất là khi nói với một nhà ngoại-giao nước ngoài. (Ngày xưa, bên Tàu, tướng của phe này bắt được tướng của phe kia, đã công-khai khen tài-năng & tiết-tháo của kẻ thù, rồi mới ra lệnh chém đầu!) Quan-trọng hơn hết, ông ấy còn mong thuyết-phục ông Ngô Đình Diệm chịu tổ-chức tổng-tuyển-cử, và xa hơn nữa là chịu "về" với mình, thì không lẽ chê-bai người ta để rồi mình lại sẽ ngồi chung bàn hội-nghị, ký chung văn-bản với người ta? hoặc giả mình sẽ thu-dụng người ta làm người hợp-tác với mình?

Câu nói (khen) cuả ông Hồ Chí Minh về ông Ngô Đình Diệm thật ra là một câu nói cố ý "giết người".



a) Trước ông Ngô Đình Diệm: vào các năm 1945 và 1946, ông Hồ Chí Minh đã "khen" các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam... nồng-nhiệt đến mức nào để các ông ấy chịu đứng chung vào "Chính-Phủ Liên Hiệp" do ông Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch; để rồi sau đó, may mà họ trốn kịp chứ không thì họ cũng đã bị giết cùng với các nạn-nhân khác trong vụ Ôn Như Hầu rồi.



b) Sau ông Ngô Đình Diệm: vào các năm 1973, 1974, và đầu năm 1975, ông Hồ Chí Minh (qua các lãnh-tụ Đảng thừa-kế chủ-trương đường-lối cuả mình) đã "khen" ông Dương Văn Minh ngon-ngọt đến mức nào (Hà Nội tuyên bố chỉ nói chuyện với ông DVM mà thôi, tức là công-nhận ông nầy là một "nhà yêu nước") để ông Dương Văn Minh sa vào bẫy, nhận chức Tổng-Thống miền Nam trong tình-hình đã nát bét vô-phương cứu-chữa rồi, tức là giết chết ông ấy, vì đầu-hàng tức là tự-sát (thân-bại danh-liệt, chết cả về mặt tinh-thần).



c) Đối với ông Ngô Đình Diệm: ông Hồ Chí Minh biết chắc là những gì đại-sứ Ấn Độ nói với, và những gì ông này nghe từ, ông Hồ Chí Minh, đều sẽ lọt vào tai CIA (Ấn Độ trung-lập nghiã là "đu dây" giữa cộng-sản và tư-bản, chứ không phải thuần-túy thân cộng-sản). Trong trại "cải-tạo", tôi có đọc một cuốn sách dịch từ tác-phẩm của Liên-Xô, kể thành-tích Liên Xô (chỉ một mình Liên Xô mà thôi) đánh thắng Đức Quốc-Xã, và (cũng chỉ một mình) Liên Xô lôi được Đức Quốc-Xã ra Toà-Án Quốc Tế, tác-giả đã để lộ ra là hầu hết phương-tiện tổ-chức TAQT, kể cả từng chiếc xe Jeep cho các sĩ-quan Liên Xô đi, từng vật-phẩm văn-phòng, v.v... đều do Hoa Kỳ cung-cấp. Trong chiến-tranh Việt-Nam cũng thế, sau 1954 với Ủy-Hội Quốc Tế Kiểm-Soát Đình Chiến, là 1973 với Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Và Giám-Sát Ngưng Bắn gồm Ba Lan, Hung Ga Ri, Iran, và Canada (sau đó thì Indonesia thay thế) cũng như Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên rồi 2-Bên (có Cộng-Sản Bắc-Việt và MTGPMN trong đó), tất cả trụ-sở làm việc, phương-tiện di-chuyển (như tàu bay, xe hơi), tài-xế, công-nhân, thậm chí lương-thực, v.v... đều do Hoa Kỳ đài-thọ. Dĩ-nhiên tai+mắt cuả CIA đã được gài vào (xem hồi-ký “Cảnh Sát Hóa” của Lê Xuân Nhuận).



Ông Hồ Chí Minh lại còn công-khai gửi vào miền Nam biếu ông Ngô Đình Diệm một cành hoa đào để chúc Tết nữa!

Do đó, ông Hồ mà "khen" (và làm thân với) ông Ngô là một câu hỏi mà CIA cần tìm câu trả lời.




Rốt cuộc, ông Ngô Đình Diệm đã mắc mưu ông Hồ Chí Minh, tìm cách lén-lút liên-lạc với đối-phương, và bị CIA biết được, nên đã đánh mất tín-nhiệm và hậu-thuẫn cuả Hoa-Kỳ, kết-quả là cái chết.



(Về phiá nội-bộ Miền Nam, chế-độ Ngô Đình Diệm đã đánh mất lòng dân, nhiều nhất là kể từ đầu thập-niên '60, cụ-thể với vụ 18 nhà chính-trị trong đó có đến 11 Tổng-Trưởng, Bộ-Trưởng cuả chính Đệ-Nhất Cộng-Hoà họp tại nhà hàng Caravelle ra Tuyên-Ngôn đòi ông NĐD thay-đổi chính-sách vào tháng 4-1960, cuộc đảo-chính hụt ngày 11-11-1960, vụ ném bom Dinh Độc-Lập đầu năm 1962, rồi đến việc cấm treo cờ Phật-Giáo vào ngày lễ Phật-Đản, nổ chết người tại Đài Phát-Thanh Huế tối 8-5-1963, tổng-tấn-công chuà-chiền đêm 20-8-1963, rồi Hoà-Thượng Thích Quảng-Đức (và các vị khác) tự-thiêu, Phật-Tử khắp nơi xuống đường, v.v...




Chính ông+bà Trần Văn Chương, Đại-Sứ tại Mỹ và Quan-Sát-Viên tại Liên-Hiệp-Quốc, là cha+mẹ đẻ của bà Ngô Đình Nhu, thạc-sĩ Vũ Văn Mẫu, Ngoại-Trưởng và là cộng-sự-viên lâu năm nhất của Tổng-Thống Diệm, mà cũng quyết-liệt chống lại chế-độ họ Ngô. Đó là những tín-hiệu, những cảnh-báo trước, từ phía người dân Miền Nam. Hoa-Kỳ đã thấy rõ tính-chất độc-tài hại dân của tập-đoàn họ Ngô và tinh-thần đối-kháng của sĩ-phu và quần-chúng Việt-Nam từ lâu, cũng như biết trước về dự-mưu đảo-chính cuả số tướng VNCH liên-hệ từ nhiều năm qua. Thế nhưng mãi đến tháng 9-1963 Tổng Thống Kennedy mới trả lời báo-chí rằng muốn chiến-thắng Việt-Cộng thì phải thay-đổi chính-sách và nhân-sự cuả chính-phủ Ngô Đình Diệm, và đại-sứ Henry Cabot Lodge mới trực-tiếp đề-nghị Tổng-Thống NĐD cải-tổ (nhưng ông Diệm vẫn không nghe theo!).

Như thế, thái độ và quyết định cuả Hoa Kỳ tùy-thuộc rất nhiều vào lòng dân Miền Nam Việt-Nam.



LÊ CHÂN-NHÂN


Phụ-Lục 1:



Theo ông NGUYỄN HƯNG ĐẠT

(Cựu đảng-viên cao-cấp Cộng-Sản Việt-Nam, Moscow):



"Vì Mỹ muốn đổ quân vào, nên để thương thuyết, cụ Hồ đã thông qua Đại tá Phạm Ngọc Thảo liên hệ với cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cho Đặc phái viên đặc biệt, Tướng Nguyễn Tài - Thứ trưởng Bộ Công An (chứ không phải Nội vụ) của chính phủ VNDCCH đến Sài Gòn. Ông Tài là em ruột nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan. Nhân chứng Đại tá Thảo nói rõ với ông Diệm mình là người CS trước lúc môi giới thương thuyết.


Tướng Huỳnh Văn Cao (trong hồi ký "Một Kiếp Người") đã viết : [Trung Tá Phạm Ngọc Thảo, hiện là sĩ quan của Miền Nam, diện hồi chánh, nhưng đã từng là bạn thân của Lê Duẩn, ngày đám cưới của Thảo tại Thiên Hộ Đồng Tháp thì Lê Duẩn đã đích thân đến dự. Khi tôi còn là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 kiêm Khu Chiến Tiền Giang thì Thảo làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Kiến Hòa, người được Tổng Thống Diệm tin cậy. Trong những giây phút thân tình, Thảo đã thỏ thẻ với tôi: "Nếu Đại Tá Tư Lệnh muốn quen biết với ông Lê Duẩn thì tôi có thể sắp xếp được."



Cho nên đã có lần tôi thưa với cụ Diệm: "Sao Cụ cứ để Trung Tá Thảo làm Tỉnh Trưởng Kiến Hòa lâu vậy, Cụ không sợ Thảo rủ rê cháu theo Cộng Sản hay sao?" Cụ Diệm đáp lại: "Ừ, để xem đứa nào rủ được đứa nào?" Lúc ấy, tôi đã hiểu là Tổng Thống Diệm tin chắc không thể nào Thảo rủ rê tôi được, nhưng đồng thời có nghĩa là Tổng Thống Diệm biết rõ Thảo là Cộng Sản].Ông Diệm cho ông Tài ở ngay bên cạnh mình trong Dinh Gia Long. Nhân vật mà Thiếu tướng Đỗ Mậu, Phụ trách An ninh Quân đội, viết (trong hồi ký "Làm Thế Nào Để Giết Một Vị Tổng Thống") là những nhân vật cao cấp cuả Chính phủ có thấy một người mang một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ bằng con tem trên ve áo, chính là người này.



Ông Nguyễn Tài bị bắt ngay sau Đảo chính 11.1963, bị biệt giam đến cuối tháng 4.1975, may nhờ một hạ sỹ không theo lệnh chỉ huy ném lựu đạn vào xà lim. Anh này báo với Ủy ban Quân quản đến cứu con người liệt hai chân này.Tết Việt nam 1963, thông qua Ủy hội Quốc tế, chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mang vào tặng Tổng thống Ngô Đình Diệm một cành đào. Tiếc thay,vì không thay đổi được lập trường thoả hiệp với CS mà Mỹ giết ông Diệm. Nhà độc tài Pinochett không bị giết vì không làm điều này."(trong bài viết "Tiểu sử cuả Cụ Hồ Chí Minh cần phải được xem xét lại" – BBC 05-05-2005)



Theo ông NGÔ KỶ

(Ký-giả):



(Tháng 9 năm 1963) ... Trong thời điểm này, Hoa Thịnh Đốn bất mãn việc Pháp đứng làm trung gian giải quyết chiến tranh Việt Nam. Đại Sứ Pháp đến miền Nam Việt Nam thảo luận bí mật với Hồ Chí Minh và Tổng Thống Diệm qua trung gian của người Ba Lan tên Mieczyslaw Maneli, thành viên Polish Member of the International Control Commission, cơ quan này được thiết lập để quan sát Hiệp Định Genève. Trong suốt nhiều tháng, Maneli qua lại Sài Gòn - Hà Nội nhiều lần để tìm giải pháp thương thảo. Vào tháng 07 năm 1963, Bắc Việt đồng ý căn bản là lập chính phủ Liên Hiệp cầm đầu bởi Tổng Thống Diệm để miền Nam trở thành trung lập. Họ muốn Mỹ phải rút quân.(trong bài "Khui hồ sơ "Tối Mật": Mỹ chủ mưu thanh toán anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm")



Theo ông VIỆT THƯỜNG

(Cựu đảng-viên cao-cấp Cộng-Sản Việt-Nam):



"... Nguyễn công Tài đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu hàng núi hồ sơ về gia đình nhà ông Ngô Đình Diệm và những người kế cận, cũng như những người đối lập. Tài liệu cập nhật từ nhiều nguồn, nhưng phần đóng góp của nội gián Phạm ngọc Thảo là rất quan trọng. Làm sao phải chọn người tiếp xúc thật đúng mà lại bảo toàn bí mật. Cuối cùng, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Nguyễn công Tài đã lựa nhân vật Mã Tuyên, người Tàu ở Chợ-lớn đang làm công việc kinh tài cho gia đình ông Ngô Đình Diệm.




Thông qua dịch vụ buôn bán táo bạo, Nguyễn công Tài đã tiếp xúc trực tiếp được với Mã Tuyên. Và, cái thời điểm để đưa ý kiến cho Mã Tuyên "gợi ý" với anh em ông Ngô Đình Diệm là sau tháng 2-1962, sau cái ngày mà hai trung uý của quân đội ông Diệm là Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử ném bom dinh Độc Lập làm đảo chính. Sự việc của hai trung uý Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử tuy không thành công nhưng nó lại là lý do hợp thời để Nguyễn Công Tài làm cuộc tiếp xúc với anh em ông Diệm, Nhu thông qua thương gia người Tàu ở Chợ-lớn là Mã Tuyên. Tín hiệu có thuận lợi. Quả nhiên ông Nhu nhận sự tiếp xúc một cách thận trọng và kéo dài thời gian để mặc cả cho cái giá đi đêm. Nguyễn công Tài có nhận xét là anh em ông Diệm, Nhu tuy học ở Pháp và Mỹ về nhưng óc bài ngoại cực đoan như "Tự Đức" và cũng có mộng Việt Nam sẽ gồm cả Miên và Lào và phải là cường quốc ở châu Á.




Sự việc tin đi mối lại chỉ dừng ở đó. Phải cho đến lúc được phép của ông Line, Nguyễn công Tài cung cấp cho ông Nhu một số tài liệu chứng minh người Mỹ muốn lưu lại ông Diệm còn vợ chồng ông Nhu phải đi lưu vong nước ngoài, cũng như họ trước sau cũng buộc ông Diệm phải từ bỏ chế độ độc tài, gia đình trị, phải chia quyền lãnh đạo cho các đảng phái cũng như phải có chính sách bình đẳng tôn giáo. Ông Nhu chấp nhận một cuộc gặp gỡ với phái viên đặc biệt của ông Line. Có thể đây chỉ là giải pháp phòng ngừa mà cũng có thể ông Nhu muốn hiểu rõ hơn ý đồ của địch. Những điều này còn là bí ẩn đi theo ông Nhu xuống tuyền đài.



Phạm Hùng nhận những chỉ thị toàn quyền hành động từ ông Line tại phủ toàn quyền Đông Dương ở Ba-Đình (Hà-nội) và cấp tốc đi Nam bằng cả ba thứ phương tiện: thủy, bộ và hàng không.



Đầu tháng 2-1963, cuộc họp "bí mật" giữa ông Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng diễn ra tại một địa điểm kín đáo ở quận Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Trong cuộc họp này có cả Nguyễn công Tài cũng được dự. Khi chia tay, cả hai bên đều hỷ hả. Nội dung cuộc họp vẫn còn nằm trong bí mật cho đến nay.

Đầu tháng 11-1963, các tướng trong quân đội của ông Diệm làm đảo chánh thành công. Anh em ông Diệm, Nhu theo đường hầm trốn vào Chợ-lớn ở nhà Mã Tuyên. Phải chăng hai anh em ông Diệm, Nhu định chờ người của Phạm Hùng và Nguyễn công Tài đến đón ra bưng biền?




Người duy nhất còn lại là Nguyễn công Tài, sau này "tình cờ" làm cái việc xét căn cước, cảnh sát của miền Nam đã bắt được Nguyễn công Tài. Người Mỹ đã cho giam Nguyễn Công Tài ở Bạch Đằng (Sài-gòn), cho hưởng mọi tiện nghi vật chất rất cao và cũng được ngồi xe hơi (tất nhiên có bảo vệ) đi "tham quan" phố xá Sài-gòn. Đến 1975, trước khi đứt phim miền Nam, Mỹ đã thả Nguyễn công Tài ra..."





Theo ông QUANG PHỤC

(Ký giả, chủ nhiệm “Góp Gió”):



“Chúng tôi nhận định rằng chính gia đình ông (Ngô Đình Diệm), cụ thể là ông bà Ngô Đình Nhu, và Đảng Cần Lao của ông ta đã làm hại ông, khi âm mưu thỏa hiệp với CS Hà Nội từ năm 1958 khi ra lệnh cho các Tỉnh trưởng ngưng bắt các cán bộ cộng sản và thu hồi vũ khí tự động của Bảo An, Dân Vệ, thay vào đó bằng súng mousqueton và dao găm.” (Hồi ký “Công và Tội” của Nguyễn Trân, trang 269)


(trích từ cuốn “Hãy Trả Lại Sự Thật cho Lịch Sử” của Quang Phục Võ Văn Sáu, 2004, trang 39)



Theo Trung Tướng HUỲNH VĂN CAO:



“Đọc hồi ký Một Kiếp Người của Trung tướng Huỳnh Văn Cao, tới đây thì vấn đề ông Nhu có liên hệ với CS không cần bàn cãi nữa. Cả tướng (Trần Văn) Đôn, tướng Huỳnh Văn Cao và Nha An Ninh Quân Đội của Đại tá Đỗ Mậu đều báo cáo (rằng) Đại tá Phạm Ngọc Thảo là VC nằm vùng, nhưng cả 2 ông Diệm và Nhu lẫn cha Thục vẫn cứ cố ý bảo vệ cho Thảo.


Trong hồi ký Một Kiếp Người của Huỳnh Văn Cao cho biết Đ/tá Thảo còn dám cả gan “móc nối” ông Cao (lúc còn Đại tá), đòi giới thiệu để ông Cao làm quen với Tổng bí thư Lê Duẫn, Các sĩ quan dưới quyền ông Cao rất tức giận vì biết Thảo là VC nằm vùng, đòi giết Thảo (các trang 79-80). Ông Nhu nghe Thảo báo cáo bèn dọa “Kẻ nào đụng tới Thảo (tôi) sẽ bỏ tù rục xương” (trang 90). Đồng thời, nơi trang 84, Tướng Huỳnh Văn Cao còn cho biết cả Đại tướng Harkins cũng nghi ngờ TT Diệm. Bỏi vì cuộc hành quân nào của QLVNCH sắp mở ra mà báo cho Tổng Thống phủ thì VC đều biết trước! Cho thấy người Mỹ, CIA đã biết và theo dõi bám sát ông Ngô Đình Nhu từ lâu. Và người Mỹ nhiều lần đòi Tổng Thống Diệm loại trừ ông Nhu. Các tướng lãnh cũng đòi loại trừ ông Nhu nhưng ông Diệm cương quyết giữ ông Nhu!
(trích từ hồi ký “Một Kiếp Người” của tướng Huỳnh Văn Cao - theo Quang Phục trong cuốn “Hãy Trả Lại Sự Thật cho Lịch Sử” của Quang Phục Võ Văn Sáu, 2004, trang 30)




Theo NEW YORK TIMES và THE WASHINGTON POST:



Hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài: Người Mỹ Làm Thế Nào Để Giết Tổng Thống Việt Nam? Ba tác giả Lan Vi, Hồng Hà và Dương Hùng đã sưu tầm, phiên dịch các bài báo đăng trên 2 tờ báo kể trên, trong đó có tiết lộ về những cuộc thảo luận bí mật giữa Tổng Thống Diệm và Hà Nội đằng sau lưng người Mỹ...

(trích từ cuốn “Hãy Trả Lại Sự Thật cho Lịch Sử” của Quang Phục Võ Văn Sáu, 2004, trang 41)





Theo Trung Tướng TÔN THẤT ĐÍNH

(Cựu Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, Thượng Nghị Sĩ VNCH):



“Trong khi đó, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu lại phạm vào một lỗi lầm ngoại giao to lớn là khước từ sự giúp đỡ về an ninh của Đại Sứ Mỹ Cabot Lodge, chạy vào nhà Mã Tuyên là Trung Tâm Liên Lạc xưa nay của ông Nhu với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Không phải cuộc binh biến 1-11-63 đã đưa đến cuộc thảm sát 2 ông, mà chính quyết định liều lĩnh này đã làm cho 2 ông gánh lấy thảm họa! Sao lại đi đến một trung tâm liên lạc với cộng sản mà Mỹ đã biết từ lâu rồi!”
(trích trong cuốn hồi-ký “Nghĩa Bỉển Tình Sông (Hai Mươi Năm Binh Nghiệp” của Tôn Thất Đính, trang 443)



Theo Luật Sư HOÀNG DUY HÙNG

(Nhà văn, nhà báo, nhà hoạt-động cộng-đồng tại Texas):



(Phỏng dịch:) "Các cuộc gặp họp bí mật với Cộng Sản.Sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 15 vào năm 1959, Lê Duẫn câu kết với Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn để củng cố quyền lực ở Miền Bắc. Do đó, họ gây sức ép với Hồ Chí Minh, và kể từ năm 1965 trở đi thì quyền lực thực sự đã nằm trong tay họ. Năm 1963, Hồ đã hai lần gửi người vào tiếp xúc với Ngô Đình Nhu. Hồ muốn liên minh với chính phủ Diệm để chống lại áp lực của Duẫn. Diệm và em là Nhu cũng muốn nhân cơ hội này để chống lại áp lực của Hoa Kỳ. Ngô Đình Nhu giả vờ đi săn ở các khu rừng Tánh Linh, Khánh Hòa và Bình Long, nhưng trong thực tế là hội họp với các cán bộ cao cấp của Miền Bắc do Hồ Chí Minh phái vào. Có một lần Phạm Hùng, người mà sau năm 1975 thì được cử làm Thủ Tướng, đã mang vào trao cho Nhu những thông điệp trực tiếp của Hồ Chí Minh. Các cuộc thương thảo đã phải ngưng lại vì vài tháng sau thì Diệm và Nhu bị sát hại. Vì các cuộc họp mật này mà Hoa Kỳ đâm ra nghi ngờ Diệm và Nhu. Ngày 1-11-1963, các tướng QLVNCH phổ biến trên đài tin tức về các cuộc gặp mật giữa Nhu và cộng sản để mong dân chúng hậu thuẫn trong việc lật đổ chính phủ Diệm... Nhiều năm sau đó, vào ngày 1-11-2001, tờ Newsweek đã đăng tải một bài với hình của Tổng Thống Diệm, bình luận rằng Hành Pháp Kennedy vào năm 1963 đã khám phá ra rằng Diệm và Nhu là "công cụ của cộng sản" nên kết quả là họ phải lật đổ chính phủ Diệm..."

(trích từ bản thảo tác phẩm "A Common Quest for Vietnam's Future - a brief of Vietnam War, the First and Second Republic of Vietnam" của Hoàng Duy Hùng)





Theo ông MINH VÕ

(Nhà bình luận thời sự):



Ngô Đình Nhu: Hiệp thương Nam-Bắc -- Đài Tiếng nói VNHN – Phỏng vấn Minh Võ

Người hỏi là nhà báo Hồng Phúc Lê Hồng Long, chủ nhiệm báo Thế Giới Ngày Nay. Cuộc phỏng vấn này đã được phát thanh ngày chủ nhật 07/10/2007 trên đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại.


Hỏi: Trong cuộc mạn đàm giữa ông và ông Cao Xuân Vỹ đăng trên DCVOnline mới đây, ông Cao Xuân Vỹ có nói đến cuộc tiếp xúc giữa ông Ngô Đình Nhu với... Phạm Hùng, cán bộ cao cấp của Việt Cộng.Hỏi: Về phía nhà cầm quyền miền Bắc, phản ứng của họ ra sao, và những đìều kiện họ đưa ra là gì?



Đáp: Theo bà Hammer, tác giả cuốn A Death In November, thì khi ông Goburghun, đại sứ Ấn đi Hà Nội với tư cách chủ tịch Ủy Ban Kiểm Sóat Đình Chiến, đến gặp ông Hồ Chí Minh thì thấy ông ta chẳng những không thấy có gì ngăn cản cuộc hiệp thương với Saigon...Khi Maneli đến Hà Nội trình bày kế hoạch theo sự hướng dẫn của các ông Lalouette và Goburghun, thì chỉ hai ngày sau Hà Nội đã có đáp ứng: Hà Nội sẵn sàng khởi sự thương thuyết bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, bí mật hay công khai. Bộ trưởng ngoại giao Xuân Thủy, theo chỉ thị của chủ tịch và thủ tướng sẽ sẵn sàng trình lên một danh sách những hàng hóa có thể trao đổi giữa hai miền. Còn điều kiện, Hà Nội chỉ cần thấy Mỹ rút khỏi miền Nam, thì sẵn sàng bàn thảo về bất cứ vấn đề gì?

(trích từ Tài Liệu ĐÀN CHIM VIỆT – 30-10-2007)



Theo Linh Mục An-Tôn TRẦN VĂN KIỆM

(Bạn thân của Tổng Thống Ngô Đình Diệm):



"Về sau khá lâu, tôi nghe một nguồn tin nói rằng: Khi bị Hoa kì dồn ép tới đường cùng, ông Diệm có nhờ giáo sư Bửu Hội làm trung gian mở một vài cuộc hoà đàm bí mật với đại diện ông Hồ tại Tánh Linh, khiến cho một số chính khách Mĩ đã dựa vào đó mà gỡ tội cho ông Cabot Lodge, đại sứ Tổng Thống J.F.Kennedy…"

(trích từ bản thảo cuốn hồi-ký "Có phải Hoa thịnh đốn đã đưa ông Diệm về làm Tổng thống Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam?" của L.m. An-tôn Trần văn Kiệm)



(Trở Lui)



Phụ Lục 2:



Theo báo Mỹ “Chicago Tribune”

(June 1, 1997):



While the coup against him was being plotted, Diem was negotiating a political compromise with Ho, who was just as troubled by his dependence on Chinese support in the North as Diem was by the growing American presence in the South. In retrospect, the elimination of Diem destroyed the only realistic prospect for a negotiated settlement and the honorable withdrawal of the U.S. from the conflict.

(trích từ bài viết "A Fatal Mistake: Looking anew at Ngo Dinh Diem's 1963 ouster as president of South Vietnam")



(Trở Lui)







http://LeXuanNhuan.tripod.com/NgoDinhDiem.html
http://LeXuanNhuan.tripod.com/ThuongDe.html




No comments:

Post a Comment