Pages

Saturday, October 25, 2008

PHAN TÂN KHÔI * THỬ BÀN VỀ TÊN THỦ ĐÔ VIỆT-NAM

Phan Tấn Khôi
 THỬ  BÀN  VỀ  TÊN  THỦ  ĐÔ  VIỆT-NAM


Đến năm 2010 này là kỷ niệm một nghin năm hoàng đế Lý Thái Tổ thiết lập thủ đô Việt-Nam đầu tiên hoàn toàn độc lập, với cái tên thần thoại, huy hoàng, vẻ vang Thăng-Long.
Tên một thành phố có thể gợi cho chúng ta niềm hãnh diện, nỗi vui mừng hoặc những kỷ niệm đau buồn, thương tiếc như tên thủ đô xưa Thăng Long oai hùng, tráng lệ mà vì thời cuộc đổi thay đã bi thay thế bằng cái tên khởi đầu có ý nghĩa tầm thường Hà-Nội, gọi theo vị trí địa phương : một tỉnh nằm trong (Nội) khúc quanh của con sông (Hà).


THĂNG-LONG, thủ đô vuơng quốc

Thăng-Long gợi cho chúng ta triều đại độc lập đầu tiên của Việt-Nam, nhà Lý, một thủ đô hùng mạnh và vẻ vang của dân tộc Việt. Sau khi tái lập được hòa bình và loại bỏ mối đe dọa Trung-Quốc, triều đại mới nhà Lý tự cảm thấy đủ mạnh để thiết lập thủ đô của vương quốc tại miền đồng bằng. Hoàng đế Lý Thái Tổ quyết định thiên đô từ Hoa-Lư về kinh thành cũ Đại-La, nơi đã có một quá khứ vẻ vang..
Vào tháng bẩy âm lịch năm 1010, trong lúc đoàn tùy tùng hoàng gia đi đến gần Đại-La, nhà vua nhìn thấy một con rồng vàng óng xuất hiện trên bầu trời và, coi đó như là một điềm xuất sắc, ông đặt cho thành phố cái tên nó sẽ mang trong suốt chín thế kỷ (1010-1805), Thăng-Long, “thành phố của con rồng bay lên”. Hơn nữa, tại Việt-Nam cũng như tại Trung-Quốc từ thời nhà Hán, rồng còn là con vật biểu tượng hoàng đế, tượng trưng cho lễ đăng quang của tân hoàng đế.
Tuy nhiên, việc xác nhận chủ quyền và độc lập của tân triều đại phải có một giới hạn nào đó, vì trên lý thuyết họ còn ở dưới sự bảo hộ của người láng giềng phương Bắc. Vì vậy, để dung hòa quyền lợi đôi bên, triều đình nhà Lý đã chọn một chữ nho cổ xưa và hiếm để có thể tuyên bố nền độc lập của các vị vua Việt-Nam đối với Trung-Quốc mà không đoạn giao với xứ này (thay vì sử dụng chữ “Thăng” thường được dùng 升, người ta chọn một chữ phức tạp hơn, có dấu “mặt trời” ghi thêm lên trên chữ gốc 昇. Cách viết chữ này đã được thấy từ thời cổ Trung-Quốc, chắc chắn để làm giảm nghĩa bóng của từ ngữ = lễ đăng quang một vị vua, bằng cách nhấn mạnh đến truyền thuyết lấy từ gốc chữ = con Rồng bay lên trời, vậy về phía mặt Trời).
Vậy, vị vua thứ nhất nhà Lý thiết lập thủ đô của Đế-quốc tại nơi có những tường thành kiên cố, có nghĩa là trong thành phòng thủ Đại-La xưa, lúc đó đủ lớn để chứa gia đình ông và tập đoàn hành chánh của vương quốc. Chính vào thời điểm này hồ Tây được đặt tên như vậy, dựa vào vị trí của nó đối với hoàng thành.. Dần dần, với sự phát triển của triều đình và nền hành chánh quan lại, thành lũy phòng thủ cùa người Trung-Quốc trở nên quá hẹp và người ta đã phải xây dựng ngoài tường thành.
Ngay từ năm 1014, người ta đã xác định vị trí thành phố bằng một bờ tường đất bao bọc bên ngoài gồm cả hồ Tây; và chạy vòng theo dòng sông Tô-Lịch và sông Kim-Ngưu. Hai thế kỷ sau, vào năm 1230, vị vua thứ nhất nhà Trần dời bờ tường gần hai cây số về phía nam. Người ta có thể giải thích phần lớn hình thể thành phố do nhu cầu phải dựng lên một tường thành chống lũ, lụt của sông Hồng và các sông nhánh. Đó cũng là lý do người ta không thấy được hình thể cổ điển ba thành phố lồng vào nhau theo hệ thống : cấm thành, nơi hoàng gia trú ngụ; hoàng thành, nơi triều đình sinh hoạt cùng các bộ và cơ quan hành chính, sau cùng là thành phố dân sự, nơi người dân cư ngụ và sinh hoạt theo đúng mẫu thủ đô Trung-quốc. Khác với nhiều thủ đô khác, thành phố không vượt quá giới hạn xác định vào thế kỷ XIII về phía Nam, giới hạn xác định vào thế kỷ XI ở mọi phía khác. Trong thời kỳ quân chủ, kế đó thực dân và xã hội chủ nghĩa, cái “Hà-nội phi thường” cũng chỉ nằm trong cùng khoảng không gian ấy. Chỉ trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX thành phố mới lấn ra ngoài lề của nó.
Thế kỷ thứ XV là thời kỳ huy hoàng, thời kỳ vàng son của Thăng-Long. Triều đại vẻ vang nhà Lê lo chấn hưng thủ đô và xác định quyền hành trên khắp lãnh thổ đang từ từ phát triển, vương quốc ngày càng lớn rộng về phía Tây cũng như về phía Nam. Số đông trí thức, văn nhân sống trong thành phố từ nay tượng trưng cho niềm tự hào vương quốc, sự hùng mạnh của giới hành chánh và trung tâm tỏa rộng văn hóa.


HÀ-NỘI, thủ phủ một tỉnh

Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, một phong trào đại chúng hùng mạnh quét sạch trong vài năm các gia đình đang trị vì – nhà Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn – và chấm dứt với sự thắng lợi của người cuối cùng thuộc dòng họ Nguyễn (người sống sót duy nhất, Nguyễn Ánh, đã thoát được cuôc tàn sát cả dòng họ Nguyễn tại Saigon năm 1777) với sự trợ giúp của các cố đạo người Pháp và Bồ Đào Nha. Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia-Long, thống nhất xứ sở và dời thủ đô vào Huế năm 1806. Bị đặt ngoài lề, bị giới trí thức ưu tú bỏ rơi, lần đầu tiên kể từ hơn tám thế kỷ, Thăng-Long không còn là trung tâm của Lịch-sử.
Thăng-Long mất tên gọi này vào năm 1805. Vì cái tên gọi này quá quen thuộc với đại chúng, triều đình đành thay đổi chữ nho 龍 (long) có nghĩa là “con rồng, hoàng đế”, bằng một chữ đồng âm 隆 (long), mượn tên hiệu vua (Gia- Long) có nghĩa là “phồn thịnh”. Cách viết khác nhau nhưng cách phát âm không thay đổi, Thăng-Long vẫn tên Thăng-Long, nhưng “thành phố con Rồng bay lên” chỉ còn là “thành phố sự Phồn thịnh bay lên”. Sự thay đổi này làm mất đi mọi tự hào vương quốc và cùng năm đó, tỉnh hoàng tộc cũ được đặt tên mới là Hoài-Đức để xóa bỏ mọi vết tích của quá khứ.
Một phần tư thế kỷ sau đó, vào năm 1831, hoàng đế Minh-Mạng, người con thứ tư của Gia-Long, bãi bỏ các trấn và chia Việt-Nam thành ba mươi mốt tỉnh. Chính trong cuộc cải tổ này thành phố mất hẳn tên Thăng-Long và mang tên mới Hà-Nội có nghĩa là “bên trong (Nội) khúc quanh con sông (Hà)”, được chọn bởi hình thể dòng sông nhưng nhất là để cho giống tên thủ phủ một quản hạt quân sự thời nhà Hán, ở ven sông Hoàng-hà. Tên mới cùa thành phố đã bị mất đi ý nghĩa con rồng, nay lại mất cả ý nghĩa bay lên, thế vào đó là một trích dẫn dựa vào thời kỳ xa xôi trong miền Bắc nước Tầu.


HÀ-NỘI thủ đô một thuộc địa

Người Pháp bắt đầu xâm nhập Việt-Nam vào hậu bán thế kỷ XVII qua các hội truyền giáo và mượn danh nghĩa cứu giúp, bảo vệ giáo dân Việt-Nam, mang quân sang xâm chiếm nước ta. Vua Gia-Long chấp nhận việc dân chúng gia nhập đạo Thiên chúa để trả ơn giám mục Pigneau de Béhaine, nhưng người kế vị ông, vua Minh-Mạng (1820-1840), rất tức giận thấy vương quốc có nhiều địa phận Thiên chúa giáo thoát ra khỏi sự kiểm soát của ông và ra lệnh cấm đạo ngay từ năm 1825, xử tử nhiều cố đạo Việt, Tây-ban-nha và Pháp.
Hiệp ước Nhượng địa Hà-Nội lần thứ nhất (1875) cung cấp cho chính phủ Pháp một miếng đất tươm tất ở gần sông Hồng làm chỗ cư ngụ cho viên công sứ Pháp và đoàn tùy tùng, và sau này cho các thương gia Pháp, có nghĩa là miếng đất nằm trong công sự phòng thủ Nam Hà-Nội. Hiệp ước thứ nhì cùng năm công nhận chính phủ Pháp có quyền thiết lập một tòa lãnh sự tại Hà-Nội. Đến năm 1882, viên quan hải quân Pháp Henri Rivière đem quân đánh chiếm hẳn Hà-Nội, kế đó các hiệp ước Harmand (1883) , Patenôtre (1884) công nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Trung kỳ và Bắc kỳ và Hà-Nội trở thành “đất Pháp”.
Hiệp ước Nhượng địa Hà-nội lần thứ hai (1888) nhường cho Pháp tất cả đất đai Hà-Nội. Vậy nước Pháp chứng tỏ quyền hành trong một thành phố đã bị giới trí thức ưu tú quan lại bỏ rơi từ lâu, đền đài dinh thự bị tàn phá trong các cuộc nội chiến,và kể từ khoảng 1870, đám người dân thấp cổ bé miệng cũng tủa về nông thôn để lánh nạn chiến tranh, các cuộc tấn công của Garnier và Rivière, những xách nhiễu của giặc Cờ đen và quân đội chính quy Tầu. Chính viên công sứ Bonnal cũng phải than : “Thành phố này xưa kia có hơn tám mươi nghìn người cư ngụ mà nay thì vắng tanh; Hà-nội có cái vẻ buồn thảm của một thành phố chết.” (1) Tuy nhiên cái thành phố tỉnh nhỏ, được Pháp tôn làm thủ đô của Đông-Dương năm 1902, đã phát triển một cách nhanh chóng, khởi từ 50 000 dân vào khoảng 1880 lên đến khoảng 200 000 năm 1940.
Trong thời gian đầu, nhà cầm quyền thuộc điạ tiếp tục sử dụng nhóm quan lại người Việt trong các công tác hành chính, nhưng ngay từ tháng ba 1889, Hà-nội trở thành đất Pháp, thủ phủ của tỉnh phải rời đi nơi khác, kéo theo khối quan lại và giới trí thức ưu tú. Ngay sau đó, thành phố đạt được một cơ chế tư pháp tự trị : một người Việt sống trong thành phố không bị xét xử cùng một phương thức với người anh em trong tỉnh. Vậy, ngoại trừ lãnh vực chính trị, người Hà-Nội được luật pháp nước Pháp bảo vệ và nhiều người Việt-Nam biết khai thác tình trạng này để chống lại sự tham lam về thuế thổ trạch của tòa đô chính, sự lạm dụng việc truất hữu hay sự đánh thuế bất công.
Cuốn Atlas colonial illustré đã mô tả Hà-Nội vào năm 1925 như sau : “Thủ đô và thành phố đông dân cư nhất Bắc-kỳ, ở giữa một hệ thống giao thông đường thủy trên sông Cái hay sông Hồng và cách biển 150 cây số. Dân số 105.000 người gồm 3.000 dân Tây phương, 100.000 dân An-nam và 2.000 dân Tầu. Được thành lũy phòng thủ và nhiều đường đi dạo đẹp đẽ vây quanh, Hà-Nội bao gồm khoảng trăm làng và chia thành bẩy khu phố cộng với một ngoại ô. Một thành phố quan trọng và duyên dáng, người ta thấy một khu dân Tây phương và một thành phố dân bản xứ. Một phần dân chúng sống nổi trôi trên thuyền bè. Đường khu Tây phương được lát bằng đá cẩm thạch, một hồ nhỏ có hình ảnh đẹp đẽ và dễ thương. Tương lai Hà-nội sẽ là trụ sở của chính phủ Đông-dương”.(2)
Nếu người Pháp đã theo đuổi một chính sách xây dựng những công thự to lớn, phi lý và tốn kém, nhất là đối với người Việt-Nam và người Tầu, chính là vì Hà-Nội có ba sứ mạng. Trụ sở của nền bảo hộ xứ Bắc-kỳ (kể từ 1885) và của hội đồng thị chính Pháp (kể từ 1888), thành phố trở thành vào năm 1902 thủ đô của năm <> thuộc Đông-dương - Bắc-kỳ (Tonkin), Trung-kỳ (Annam), Nam-kỳ (Cochinchine), Lào (Laos) và Cao-mên (Cambodge) - và vì vậy quy tụ cả một dẫy văn phòng..Các kỹ sư Pháp, rất quan tâm đến việc diễn tả qua gach đá sự hùng mạnh và sự tân tiến của chế độ thuộc địa, đã xây dựng rất nhiều công thự to lớn và huy hoàng để phục vụ từ những công vụ lớn thuộc Đông-dương (Chính quyền, Quân đội, Nội vụ, Kiểm soát tài chính, Thuế vụ, Các Sở thương mại và nông nghiệp, Sở tư pháp, Bưu chính, v.v.) cho đến những công vụ tương đương thuộc địa phương hoặc hàng nghìn dịch vụ khác dành cho nền hành chính Bắc kỳ và thành phố.


HÀ-NỘI trong mắt ai

Di sản thực dân Pháp để lại thật nặng nề và hiểm độc. Với chính sách chia để trị, chính quyền Đông Dương đã chia cắt đất nước Việt-Nam làm ba phần, Bắc-kỳ có Hà-Nội, Trung-kỳ có Huế và Nam-kỳ có Sài-Gòn. Vùng nào sống theo vùng đó và yêu thích thủ phủ của mình, vô hình chung Việt-Nam có tới ba “xứ sở” gần như biệt lập với ba lối cai trị khác nhau.
Bắc-kỳ và Trung-kỳ đều là những vùng đất theo quy chế bảo hộ của thực dân Pháp, theo lý thuyết chính phủ Pháp cai trị chung với quan lại của triều đình Huế, nhưng trên thực tế, người ta chỉ thấy sự liên hiệp này qua sự hiện diện của quan Pháp và quan An-Nam (theo tên gọi thời bấy giờ) trong các ngày lễ hội, còn tất cả mọi việc đều do viên Toàn quyền Đông Dương người Pháp quyết định. Hà-Nội là thủ đô của Đông Dương do Pháp dựng lên nên đã là mục tiêu của các cuộc nổi dậy, đánh phá của toàn dân quân kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Người Pháp rút về nước, Hà-Nội trở thành thủ đô của miền Bắc, niềm hãnh diện vô biên của người dân miền này.
Trong suốt thời kỳ Pháp chiếm đóng, triều đình Huế vẫn hiện diện song song với chính quyền Bảo hộ và như vậy, đối với người dân bản xứ, Huế vẫn là thủ đô của Việt-Nam cho đến khi vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, Bảo Đại, thoái vị vào năm 1945. Hội nghị quốc tế Genève 1954 tạm thời chia nước Việt-Nam thành hai miền : miền Bắc với thủ đô là Hà-Nội, miền Nam thủ đô là Sài-Gòn. Huế mất hẳn ngôi vị thủ đô Việt-nam.
Nam kỳ là vùng đất duy nhất được coi như thuộc địa của Pháp, chịu sự cai trị trực tiếp của chính quyền thuộc địa, và vì vậy được hưởng một quy chế đặc biệt với những ưu đãi riêng. Sài-Gòn, thủ phủ của miền Nam, cũng được xây cất lai với những công thự lớn lao và tráng lệ, những đại lộ rộng rãi. Tất cả những điều này đã gây cho người dân miền Nam có cảm tưởng như sống trong một xứ sở riêng biệt, một thứ “Nam-kỳ quốc” với Sài-Gòn là thủ đô. Hà-Nội đối với họ là cái gì mơ hồ, ở một nơi xa xôi nào đó. Sau này, khi Pháp rút khỏi Đông-dương, nước Việt-Nam lại bị chia cắt làm hai phần, ý niệm về Hà-Nội trở thành sâu sắc hơn, nặng nề và kém thân thiện hơn. Đến khi Việt-nam thống nhất, tư tưởng này chỉ còn bàng bạc trong lòng một số dân miền Nam mà thôi.


Trở về nguồn

Để xóa bỏ mọi tàn tích ác hại của chính sách chia để trị của thực dân Pháp đã làm cho bao nhiêu thế hệ con người có đầu óc thiển cận, đố kỵ hay ganh ghét và ích kỷ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân mà quên đi quyền lợi chung, cho đến nay còn rơi rớt lại trong một số người, để xóa bỏ những tỵ hiềm giữa người Bắc, người Trung, người Nam, những ý niệm xưa cũ về các thủ đô Hà-Nội, Huế, Sài-Gòn, chúng tôi xin đề nghị trở về nguồn, đổi tên thủ đô Hà-Nội thành Thăng-Long, cái tên đã tượng trưng cho một nước Việt-Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và hùng mạnh từ thời xa xưa để hoàn thành một quốc gia tiêu biểu : nước Việt-Nam là một, dân tộc Việt-Nam là một.


1- Histoire de Hanoi, Philippe Papin, trang 225
2- www.belleindochine.free.fr, Sommaire/Hanoi



Tài kiệu tham khảo :

- Histoire de Hanoi, Philippe Papin, Fayard – Paris 2001
- Histoire de l’Indochine, Philippe Héduy, Société de Production Littéraire – Paris 1983
- Indochine, Charles Daney, Flammarion – Paris 1992
- www.belleindochine.free.fr


No comments:

Post a Comment