Pages

Tuesday, November 25, 2008

TẠ QUANG KHÔI * NGƯỜI YÊU HÀ NỘI

===




NGƯỜI YÊU HÀ NỘI
Tạ Quang Khôi




Hoàng có thói quen sáng nào cũng phải mua lạc rang của ông Tầu già ngồi bên bờ hồ, đối diện với Tháp Rùa. Lạc của ông rang thật khéo, vừa thơm vừa ròn. Vì thế, giá hơi đắt, một đồng chỉ có một nắm tay của ông đựng trong một bao giấy hình củ ấu, mà rất đông người mua. Chỉ một loáng đã thấy ông thu xếp thùng không đi về. Mùa lạnh ông đắt hàng hơn, vì ai cũng muốn thủ một nắm lạc nóng trong túi.



Trước khi cho lạc vào túi áo ngoài Hoàng thường chọn riêng ra năm hột để vào một túi khác. Sở dĩ chàng làm như thế vì đã nhiều lần ăn phải hột lạc cuối cùng thì bị thối, phải xúc miệng ngay.



Hoàng ở phố Huế, khu Chợ Hôm, sáng nào cũng phải đạp xe đạp đến trường ở góc phố Quan Thánh và phố Ðỗ Hữu Vị. Khi đi đến ngã tư Tràng Tiền, chàng rẽ trái vào Hàng Khay để dắt xe qua chợ hoa, men bờ hồ, ghé mua lạc của ông Tầu. Một hôm, chàng vừa mua xong, một cô gái, đi từ phía nhà Thủy tạ, cũng dắt xe vào mua. Vừa thoáng nhìn, chàng biết ngay cô là nữ sinh Trưng Vương. Cô còn nhỏ, chàng đoán chững 15 hoặc 16. Hai người bất chợt gặp nhau, chỉ nhìn nhau mà không nói một lời. Ðôi mắt cô đen láy, thoáng như có nét cười. Chàng muốn lên tiếng chào cô để làm quen, nhưng lại e ngại, giữ im lặng.




Mua lạc xong, cô chợt ngửng lên nhìn chàng, rồi mới dắt xe xuống đường. Cái nhìn ấy như một lời chào khiến chàng bỗng thấy vui và xao xuyến trong lòng. Chàng đứng im lặng nhìn theo cô cho đến khi có người đến mua lạc mới giật mình như choàng tỉnh. Chàng vội vã dắt xe xuống đường. Ðáng lẽ phải đi ngược chiều để đến trường, chàng lại đi về phía chợ Hôm. Nhưng đến ngã tư Hàng Khay, chàng bị viên cảnh sát lưu thông ngăn lại cho xe cộ từ Trường Tiền và Hàng Khay đi qua lại. Lúc được phép đi, chàng nhìn hút về phía trước, không thấy cô gái đâu nữa. Chàng đoán cô đã rẽ trái để vào trường. Chàng đành đi ngược trở lại để đến trường.





Từ ngày đó, sáng nào mua lạc rang chàng cũng mong gặp lại cô, nhưng chẳng thấy tăm hơi cô đâu. Dần dần vì bận học, chàng cũng quên đi.
Khi được nghỉ Tết sớm, có nhiều thì giờ rỗi rảnh, Hoàng thường mặc áo ấm, rồi đạp xe đi chơi loanh quanh trong thành phố cho đỡ mệt sau những giờ chúi mũi vào sách vở. Ra giêng, kỳ thi đã gần kề, không còn thì giờ để nghỉ ngơi nữa.
Vào một buổi trưa nắng hanh vàng, gió se se lạnh, Hoàng chợt trông thấy trên vỉa hè đầu phố Hàng Ngang một ông đồ già. Chàng hơi ngạc nhiên vì đã lâu lắm không ai còn thấy mấy ông đồ ngồi viết thuê trên vỉa hè Hà Nội. Chàng nhớ ngay tới mấy câu thơ của Vũ Ðình Liên :


Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?


Chàng vội xuống xe, bước lại gần. Ðúng là một ông đồ già bằng xương bằng thịt, không phải là một bóng ma của dĩ vãng. Trước mặt ông là một cái kỷ thấp, bề ngang chừng hai mươi lăm phân tây, dọc khoảng sáu mươi. Mặt kỷ cách mặt đất chừng một gang tay. Kỷ màu đen, trông đã cũ, nhưng nét chạm trổ vẫn còn đẹp. Nhìn chiếc kỷ thấp, chàng lại nhớ đến thời kỳ Nhật đảo chính Pháp. Các trường học tạm thời phải đóng cửa. Cha mẹ chàng không muốn chàng lêu lỏng, gửi chàng đến nhà một ông bạn của cha chàng để học chữ Nho. Thầy đồ là một ông già đỗ hai lần Tú tài, nên mọi người gọi là một cụ Kép. Trước mặt cụ Kép cũng có một cái kỷ thấp bằng gỗ gụ để mộc. Trên kỷ, có mấy cuốn sách. Ðến trưa, cụ ăn cơm ngay tại “lớp”. Mâm cơm được đặt trên Kỷ. Lớp học chỉ lèo tèo năm bảy đứa bé con bằng tuổi Hoàng. Ðám trẻ được học sách “Minh Tâm Bửu Giám”. Hoàng bắt chước các bạn khác cũng ê a đọc theo cụ đồ. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, gia đình ông bạn của bố chàng cũng như nhiều gia đình khác, kể cả gia đình chàng, đã phải đi tản cư. Cho đến nay vẫn chưa thấy họ trở về thành phố.





“Cửa hàng” viết thuê của cụ đồ ở ngay trước một hiệu kim hoàn. Cụ mặc một chiếc áo dài bằng đoạn màu đen cũ, hai vai đã sờn. Ðầu cụ đội khăn xếp đã bạc màu. Trông cụ không già bằng cụ Kép, thầy học cũ của chàng, nhưng râu tóc cũng đã bạc. Hai mu bàn tay cụ nổi gân xanh khi cụ viết. Móng tay cắt ngắn chứ không để dài như các cụ nhà Nho ngày xưa.



Trên cái kỷ của cụ có mấy tờ giấy hồng điều, mấy cái bút lông và một nghiên mực để bên trái của kỷ. Cụ đang viết chữ “Phúc” cho một người khách. Nếu so sánh với nét chữ của cụ Kép, thầy học cũ của chàng, thì cũng đẹp như nhau, nhưng có lẽ thiếu vẻ bay bướm. Cụ đồ này nét chữ chân phương, ngay ngắn. Chàng muốn đứng xem cụ viết, nhưng thấy đã có đông người xúm quanh cụ thì lách ra ngoài để bỏ đi.





Chàng cũng lo ngại chiếc xe đạp dựng sát vỉa hè có thể bị người ta lấy đi mất.
Chàng vừa định nhẩy lên xe thì trông thấy một cô gái từ trong hiệu vàng đi ra. Chàng nhận ngay ra cố gái mua lạc rang của ông Tầu già bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hình như cô cũng nhận ra chàng nên có vẻ hơi giật mình. Nhưng cô lấy lại bình tĩnh ngay, thong thả đi về phía Hàng Ðào.




Hoàng không bỏ lỡ cơ hội, vội vàng dắt xe đi theo ngay. Hôm nay trông cô có vẻ lớn hơn hôm mua lạc. Cô mặc một áo dài len Mộng Tự màu tím hoa cà, cổ quàng một chiếc khăn bẳng lụa mỏng, bay phất phới theo gió. Khi đến sát cô, Hoàng rụt rè hỏi :
“Cô…cô có nhận ra tôi không ?”




Cô không trả lời, nhìn thẳng, vẫn bước một cách khoan thai. Nhưng Hoàng nhận thấy môi cô thoáng một nụ cười. Chàng liền hỏi :
“Thế là cô biết tôi là ai rồi, phải không ?”
Cô mỉm cười trả lời :
“Anh là anh lạc rang.”
Chàng hơi ngạc nhiên nhưng cũng thầm nhận cô dí dỏm, tinh nghịch, nên vui vẻ cãi :
“Tên tôi không phải là lạc rang.”
Như cố ý trêu tức chàng, cô nói :
“Ðó là chuyện riêng của anh. Tôi chỉ biết tôi gặp anh ở chỗ ông Tầu bán lạc rang thì gọi anh là lạc rang…Mà tôi cũng chẳng muốn biết tên thật của anh làm gì.”
Thấy cô lém lỉnh, Hoàng bắt đầu thấy vui và lấy lại bình tĩnh, hỏi :
“Thế tôi muốn biết tên cô thì sao ?”
“Thì chẳng bao giờ tôi nói cho anh biết hết.”
Chàng dọa :
“Tôi sẽ hỏi dò, thế nào cũng phải ra.”
Cô im lặng. Ðến đầu đường rẽ vào phố Hàng Bạc, cô chợt nói :
“Thôi, chào anh, tôi phải về.”
Hoàng liền hỏi :
“Nhà cô ở phố này ?”
“Anh tò mò để làm gì ?”
Chàng không đáp mà nhìn cô đăm đăm, rồi hỏi :
“Cô có biết hôm nay cô đẹp lắm không ? Cô trông khác hẳn hôm cô đi học.”
Cô không nói, không cười, chỉ hai má hơi ửng đỏ và đôi mắt như có nét vui. Ðến một hiệu vàng ở cuối phố Hàng Bạc, cô dừng lại, nhìn Hoàng như muốn nói, ngập ngừng một chút, cô quay ngoắt đi, bước nhanh vào nhà. Hoàng đứng ngẩn ngơ nhìn theo mà không biết nói gì hay làm gì. Vừa lúc đó, một thằng bé chừng chín, mười tuổi từ trong hiệu đi ra. Chàng vội nắm lấy tay thằng bé hỏi :


“Cô xinh xinh vừa đi vào là ai thế hả em ?’
Thằng bé nhìn chàng, rồi thật thà đáp :
“Chị Lệ chứ còn ai nữa.”



Hoàng mừng rỡ vì đã biết tên cô gái một cách không ngờ. Chàng định hỏi thêm về tuổi của Lệ thì thằng bé đã chạy đi mất rồi. Chàng tần ngần đứng trước cửa hiệu kim hòan Vạn Thái, không biết nên bỏ đi hay đợi Lệ trở ra. Chàng thầm tự hỏi đợi thì biết đến bao giờ mà xồng xộc vào hiệu để đòi gặp nàng e đường đột và sỗ sàng quá. Dù sao chàng cũng chỉ mới quen Lệ có mấy phút thôi. Chàng đành lên xe đạp về cuối phố, đến đầu Hàng Bè mới quay trở lại. Chàng lượn đi lượn lại mấy vòng mà vẫn không thấy bóng Lệ đâu đành phải đi về vì lúc đó trời đã bắt đầu tối, gió đã lạnh hơn. Khi chàng đi qua phố Hàng Ngang, không còn thấy đám đông vây quanh ông đồ viết thuê nữa mà cũng không thấy ông đâu.



Mấy ngày liền gần Tết, Hoàng có ý tìm Lệ mà không thấy nàng. Hình bóng người con gái mặc áo dài len Mộng Tự màu tím hoa cà có nụ cười tươi và lém lỉnh ám ảnh chàng, không cho chàng học được một chữ nào mà kỳ thi đã gần kề. Các học sinh lớp thi như chàng sau Tết nguyên đán đều phải chúi mũi vào sách vở, không còn biết trời đất gì nữa. Chàng đành phải tạm biệt Lệ cho đến sau kỳ thi. Chàng nhớ tới hai câu thơ của xuân Diệu :

Mùa thi đã đến, em Thơ,
Chiếc hôn âu yếm xin chờ năm sau.





Chàng và Lệ đã có gì đâu mà hẹn hò, chỉ mới bắt đầu quen thôi. Chả biết “người ta” có còn nhớ đến mình không hay đã quên một người xa lạ tình cờ gặp giữa đường ? Hôm sát Tết, chàng mặc áo thật ấm, đi xe điện tới bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi tản bộ vào Hàng Ðào, Hàng Bạc. Chàng chưa đến hiệu Vạn Thái đã thấy Lệ bước ra. Chàng mừng rỡ, vội vã bước lại gần. Lệ trông thấy chàng, nhoẻn miệng cười chào :
“Anh lạc rang.”
Chàng phì cười nói :
“Tên tôi không phải là lạc rang hay lạc luộc mà là…”
Lệ chặn lại ngay :
“Tôi không cần biết tên thật của anh, chỉ muốn gọi anh là lạc rang thôi.”
“Thế mà tôi biết tên cô rồi đấy.”
“Anh hỏi thằng nhãi ranh nhà tôi chứ gì. Hôm ấy tôi đã mắng cho nó một trận.”
“Sao lại mắng nó ? Trẻ con biết gì nói thế. Người ta vẫn nói đi hỏi già về nhà hỏi trẻ mà”
“Nhưng anh là người lạ.”
“Tôi mà lạ ? Lạ mà sao cô lại biết tên tôi ?”
Lệ có vẻ hơi ngạc nhiên :
“Tôi mà biết tên anh ?”
“Không biết sao cô vẫn gọi tôi là lạc rang ?”
Lần này thì Lệ phì cười, rồi nói :
“Thế là anh nhận tên ấy rồi nhé.”
“Chẳng nhận thì cô cũng chẳng tha.”
Lệ chợt nói :
“Thôi, chào anh. Tôi phải chạy ra phố Hàng Ðường mua mấy thứ cho mợ tôi.”
“Tôi cũng đi với cô.”
“Không được, người hàng phố lại tưởng anh là…là…”




Mặt bỗng đỏ bừng lên Lệ không nói tiếp được. Hoàng hiểu ý nàng, đề nghị :
“Cô cứ lên phố Hàng Ðường đi, hẹn sẽ gặp cô ở đó. Tôi đi đường khác cho người ta không tưởng nhầm này nọ.”



Lệ nhoẻn miệng cười, không nói gì. Hoàng đi ngược về phố Hàng Bè, rẽ vào ngõ Sầm Công, qua phố Hàng Buồm để tới Hàng Ðường. Chàng đi thật nhanh để đến trước Lệ. Khi chàng đã đứng ở đầu Hàng Buồm và Hàng Ðường, thấy Lệ còn đang đi giữa phố Hàng Ngang. Khi hai người gặp nhau, Lệ vui vẻ hỏi :
“Anh chạy hay sao mà nhanh thế ?”
“Tôi chỉ bước nhanh thôi, chứ không chạy. Lệ đi chậm như rùa thế này thì việc gì tôi phải chạy.”
Lần đầu tiên nghe chàng gọi mình bằng tên, Lệ nguýt chàng một cái, rồi mỉm cười. Cái nguýt ấy làm chàng ngây ngất. Cái nguýt ấy là cái nguýt yêu, cái nguýt chấp nhận, mở cửa. Chàng liền nói :
“Bây giờ tôi cho Lệ biết tên tôi nhé.”
Nàng gạt đi ngay :
“Tôi không cần biết tên thật của anh. Cứ lạc rang mà gọi cũng được chứ sao.”
Chàng nói đùa :
“Lệ thích ăn lạc rang, lỡ có một ngày Lệ ăn tôi thì nguy lắm.”
Nàng phì cười :
“ Tôi có bị đói như năm Ất Dậu cũng chả dám ăn thịt người, nhất là thịt anh.”
“Tại Lệ cứ gọi tôi là lạc rang, biết đâu chả có ngày tưởng tôi là lạc rang thật…”
Nàng gật đầu :
“Ðúng, cứ nhìn thấy anh là tôi nghĩ đến lạc rang. Mấy hôm vừa rồi, tôi đứng trong nhà thấy anh cứ đạp xe đi lên đi xuống phố Hàng Bạc, tôi lại nói thầm với tôi : cái anh lạc rang này hkông biết đã mòn mấy cái lốp xe ở phố Hàng Bạc này rồi.”
Hoàng có giọng trách :
“Cô thấy tôi mà sao không ra cho tôi gặp ?”
“Ơ cái anh này nói hay nhỉ ! Tại sao tôi phải ra cho anh gặp ? Anh muốn mòn lốp xe thì mặc xác anh chứ ăn thua gì đến tôi.”



Hoàng thầm công nhận cô gái này quá lém lỉnh, đảnh chịu thua. Chàng tặc lưỡi nói :
“Thôi được, Lệ không thèm biết tên tôi, tôi cũng cứ nói. Không thích thì bịt tai lại. Tên tôi là Hoàng.”
Chờ một lát, không thấy chàng nói tiếp, Lệ hỏi :
“Có thế thôi ư ? Còn sinh năm nào, ở đâu, cha mẹ tên là gì, đang đi học hay đã đi làm, làm gì, cu ly hay đạp xích lô, vân vân và vân vân…”
Hoàng cười phá lên, không ngờ Lệ lại có tính hài hước đến thế. Chàng nói đùa theo :
“Lệ có khiếu làm mật thám đấy. Nên chọn nghề công an, cảnh sát.”



Vì những lời nói đùa ấy, hai người thân nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng. Sau khi Lệ mua bán ở phố Hàng Ðường, Họ chia tay và hẹn gặp vào một ngày sau Tết. Cuộc tình bắt đầu nở hoa vào mùa xuân với những cơn mưa phùn, gió bấc lạnh lẽo. Hoàng biết tên thật của Lệ là Lệ Ngọc, ở nhà chỉ gọi tắt là Lệ, vì trên nàng còn một người chị là Diễm Ngọc. Nàng đã 18 tuổi và đang học lớp đệ Tứ ở Trưng Vương, sửa soạn thi trung học đệ nhất cấp. Vì mấy năm tản cư ra hậu phương nên bây giờ học hành thua kém bạn cùng lứa tuổi. Còn Hoàng là con trai duy nhất của một gia đình công chức khá giả. Cha chàng làm việc ở nhà đoan Hà Nội, mẹ chạy hàng sách, Chàng chỉ hơn Lệ có hai tuổi và đang học lớp đệ Nhất ở Chu Văn An. Cả hai đều phải học thi nên họ hạn chế việc gặp nhau. Thỉnh thoảng lắm, vào những ngày nắng ấm, họ mới cùng đạp xe song song qua những phố Tây vắng vẻ cho đỡ nhớ, rồi lại vội vàng về nhà học tiếp. Nhờ vậy, cả hai cùng đạt kết quả tốt đẹp trong kỳ thi vào đầu mùa hè.



Nhưng họ chưa kịp bàn tính chuyện tương lai, hiệp định Genève ra đời. Vấn đề đi Nam hay ở lại được nhiều gia đình ở Hà Nội bàn tới sôi nổi. Gia đình Hoàng quyết định ngay là phải di cư vào Saigon để tỵ nạn cộng sản. Trong khi đó gia đình Lệ nghĩ rằng buôn bán không liên hệ gì đến chính trị, không cần phải chạy trốn. Thế là cuộc tình mới chớm nở của hai người bị đe dọa. Thi cử đã xong, họ gặp nhau hàng ngày để cố gắng tìm cách giải quyết bế tắc. Nhưng Lệ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện bỏ gia đình đi theo Hoàng. Thật ra, mối tình chưa sâu đậm đến nỗi nàng dám nhắm mắt làm liều. Có lần Hoàng đề nghị hỏi cưới nàng thật nhanh như cưới chạy tang, nàng từ chối ngay vì sợ hàng phố tưởng nàng đã “thế nào” với chàng mới phải vội vã như vậy.



Không những thế, hai người còn trè, nếu lấy nhau chắc sẽ phải bỏ học để kiếm ăn. Như vậy, tương lai sẽ mờ mịt.
Vào một ngày giữa tháng 8, hai người gặp nhau lần cuối cùng trước khi chia tay, kẻ Bắc người Nam. Cả hai đã không cầm được nước mắt, nắm tay nhau mà khóc. Hoàng tìm cách an ủi người yêu là hy vọng sẽ được gặp lại nàng sau hai năm xa cách vì sẽ có tổng tuyển cử theo hiệp định Genève.
Buổi tối hôm đó, gia đình Hoàng được đưa ra phi trường Bạch Mai để đi máy bay quân sự Pháp vào Saigon.
X X
X



Gia đình Hoàng ổn định nhanh chóng nhờ cha chàng có việc làm sau một tuần tới Saigon. Ông trình diện sở Quan thuế và được tái tuyển dụng ngay. Khi còn ở Hà Nội, mẹ chàng chạy hàng sách nên cũng có chút tiền để dành, đủ để sang một căn nhà nhỏ cho gia đình gồm năm người.



Chàng vừa học Cao Ðẳng Sư Phạm vừa lấy thêm mấy chứng chỉ ở đại học khoa học. Cuộc sống mới bận rộn và thoải mái khiến chàng nhanh chóng quên mối tình Hà Nội. Có khi nào chợt nhớ đến Lệ, chàng cho đó là một mối tình bồng bột của tuổi học trò. Rồi hai năm qua, chàng cũng quên luôn chuyện tổng tuyển cử thống nhất hai miền, Chàng tốt nghiệp sư phạm hạng cao nên được dạy ở một trường trung học lớn ngay trung tâm Saigon. Chàng tiếp tục học để hoàn tất cử nhân khoa học. Chàng có tham vọng học lên cao nữa hoặc xin đi du học ngoại quốc, nhưng việc học bị ngưng lại khi chàng yêu và cưới một cô học trò cũ của chàng trong một lớp luyện thi Tú tài 2. Nàng thi trượt, bỏ học đi làm cho một sở Mỹ. Chuyện gia đình bận rộn càng khiến chàng quên dĩ vãng xa xưa.




Khi cộng sản chiếm miền Nam, vì làm cho sở Mỹ, vợ Hoàng có thể đưa cả đại gia đình nhà chồng và nhà mình di tản qua Mỹ. Vợ chồng Hoàng đều khá tiếng Anh nên xin được việc làm ngay. Chàng đi làm đến 70 tuổi mới về hưu để vui với đàn cháu nội ngoại.
Bỗng một hôm, Hoàng nhận được một lá thư lạ gửi từ Việt Nam qua. Ông uể oải mở ra đọc. Một người tự giới thiệu là Cát, tức Nhãi ranh, báo tin bà Lệ Ngọc đã chết cách đây ba năm, thọ 65 tuổi. Thư ngắn ngủi, không cho biết về chồng con bà. Thấy chồng đã đọc thư xong, đang gấp lại để cho vào phong bì, bà Hoàng hỏi :


“Thư ai thế, ông ?’
Ông hững hờ đáp :
“Thư của một người Hà Nội báo tin một người Hà Nội đã chết.”
TQK
11/16/08


====

No comments:

Post a Comment