Pages

Thursday, December 11, 2008

MINH CHUYÊN * THỦ TỤC LÀM NGƯỜI ĐỂ SỐNG



BÙI HOÀNG TÂM


“Cơn địa chấn” bàng hoàng xã hội
Ngày: 26/06/2006
Chủ đề: Đất Việt


Thủ tục để làm người còn sống - “Quả bom” thời hậu chiến (kỳ 3)



Hàng trăm bức thư, điện thoại gọi về toà soạn và tác giả để cảm ơn. Nhiều nhà văn, nhà thơ động viên, khích lệ. Phu nhân của một vị lãnh đạo cao cấp đọc bài báo rồi nói với chồng rằng ông là lãnh đạo đất nước sao lại để xảy ra tình trạng này? Thường trực Ban Bí thư gửi công văn yêu cầu xác minh sự việc để xử lý. “Viên đạn” được bắn từ phía đồng nghiệp mở màn cho những trận dông gió sau này.



Chỉ mấy ngày sau khi bút ký “Thủ tục dể được làm người còn sống” được in kín trang nhất báo Văn nghệ số 1280 ra ngày 14/5/1988, một “cơn địa chấn” đã nổ ra. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về bài báo. Mỗi tuần có hàng trăm cuộc điện thoại, thư của bạn đọc cả nước gửi chung cho toà soạn và gửi riêng cho tác giả.



Như tất cả những người cầm bút, khi thấy bài viết của mình được độc giả đồng tình và đón nhận, Minh Chuyên thực sự sung sướng và xúc động. Nhất là với những lá thư của những người lính, vốn là đồng đội của anh. Người ta bực dọc, tức giận, thậm chí không ít người tỏ ra phẫn nộ trước sự quan liêu, tắc trách của một số cán bộ làm công tác chính sách. Ở huyện Vũ Thư, quê hương của Trần Quyết Định, có hẳn một ban bạn đọc đoàn kết với Trần Quyết Định, sẵn sàng đi bất cứ đâu để đòi quyền lợi cho anh. Những bạn bè văn chương cũng hết sức thán phục và không ngừng động viên khích lệ anh.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu viết về anh: “Qua những trang viết của anh, người đọc biết được những sự thật lớn lao và khủng khiếp của cuộc chiến tranh giội xuống xứ sở của chúng ta, làm biến dạng, hủy hoại đau đớn bao sinh mệnh những con người. Nhân vật anh thương binh Trần Quyết Định cực kỳ “bi đát:”. Nếu không có bài bút ký của Minh Chuyên, chắc Trần Quyết Định vẫn là một hồn ma xác thịt. Anh sẽ tự thờ cúng linh hồn anh cho đến phút lìa đời”. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn thốt lên: Tôi đã từng gai người khi đọc “Thủ tục để làm người còn sống”... Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang đánh giá “Thủ tục làm người còn sống” của Minh Chuyên là một bút ký xuất sắc bênh vực công lý, gây tiếng vang rộng khắp trong dư luận bạn đọc và đời sống xã hội.




Nhà thơ Nguyễn Hoa, người bạn văn chương mà sau này trong nhiều lần đi hầu kiện ở Hà Nội, anh thường hay phải đến nhà tá túc đã viết một bài thơ dài tặng anh, trong đó có những đoạn:

Bạn yêu sự công bằng, bạn tin sự công bằng
cùng người lạc ngũ đi tìm đơn vị...
Chiếc ba lô kẻ cắp nẫng đầu năm
bỗng cùng nhau thành kẻ ăn xin
kẻ nhảy tàu, bốc mướn...
Để đi đến bao nhiêu nơi bạn
một lá đơn bao con dấu đỏ son
Cực làm sao khi ấy phải viết lên
“Thủ tục để làm người còn sống”
Trời cao đất rộng
Sao lòng người không mênh mông?
...
Viết để mong đỡ người lạc mà thôi
Để người lạc trở về như người có
Không muốn thương binh giả, người giả
Mười năm đi xin làm thủ tục đời mình
Để được sống mình là người thực...
Viết để mong người lạc được giãi bày
để công bằng, công bằng được trả
để mẹ khỏi héo hon, mở mặt mở mày...




Từ Toà soạn báo Văn nghệ, nhà thơ Bế Kiến Quốc gửi thư về thông báo bài bút ký có dư luận rất tốt, nhiều bạn đọc gửi thư về khen ngợi. Tại quê hương Trần Quyết Định, dư luận nhân dân càng phấn khởi vì dù chưa có kết quả nhưng sự thật đã được giãi bày trên báo chí. Họ hy vọng chắc chắn trong một ngày gần nhất, mọi oan ức sẽ được giải quyết thấu đáo. Bí thư Đảng uỷ xã đã thay mặt đảng uỷ, UBND cám ơn tác giả. Sau này khi đã lên công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam, Minh Chuyên còn được biết phu nhân của một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng khi đó đọc bài báo đã tỏ ra rất bất bình, nói với chồng rằng ông là người lãnh đạo đất nước, sao lại để xảy ra những oan khuất như thế này. Ngày đó, những bạn viết ở Thái Bình chúng tôi rất phấn khởi và tự hào về anh. Minh Chuyên cũng rất phấn khởi. Anh không ngờ bài báo của mình lại được dư luận quan tâm đến thế.




Theo Minh Chuyên kể lại, việc anh gửi bút ký này cho báo Văn nghệ là chuyện khá tình cờ. Khoảng đầu năm 1988, một số nhà văn, nhà thơ, cộng tác viên báo Văn nghệ có về Thái Bình tổ chức hội thảo về vai trò của tờ báo với các vấn đề về nông nghiệp và nông thôn. Đoàn gồm các nhà văn, nhà thơ Bế Kiến Quốc, Phùng Gia Lộc (tác giả “Cái đêm hôm ấy đêm gì” khi đó đang rất nổi tiếng), Hoàng Hữu Các (tác giả bút ký Tiếng đất cũng đang gây xôn xao dư luận)... do nhà văn Nguyên Ngọc dẫn đầu.

Tại hội thảo, Tổng biên tập Nguyên Ngọc kêu gọi các tác giả hãy viết bài cho báo Văn nghệ nên Minh Chuyên đã đưa bút ký này cho Bế Kiến Quốc.

"Tôi đưa bản thảo cho Bế Kiến Quốc và thấy ông ấy đọc ngay - Minh Chuyên kể - Nhìn thấy khuôn mặt ông ấy luôn luôn chuyển động, khi nhíu mày, khi cau trán, lúc co lại, lúc giãn ra có vẻ rất phấn khởi, tôi mừng lắm. Đến khi giải lao, Bế Kiến Quốc ra bắt tay tôi nói: Kinh hoàng quá. Nhưng ông có “sáng tác” không đấy? Tôi cam đoan với ông ấy đấy là chuyện thực, thậm chí còn chưa nói hết sự thật, Bế Kiến Quốc thốt lên: Vô lý thật. Chả lẽ ở đời lại có sự vô lý đến thế. Rồi ông Quốc hạ giọng: Ông để cho chúng tôi, đừng đưa cho ai nhé. Tôi bảo phải đưa báo Thái Bình vì đây là bài tôi viết theo kế hoạch và nhiệm vụ Ban Biên tập giao. Nhà thơ Bế Kiến Quốc suy nghĩ một lát rồi gật đầu giao hẹn: Thôi được, nếu chỉ in ở Thái Bình thôi thì được. Tôi hỏi lại: Thế bao giờ báo Văn nghệ in? Ông Quốc bảo: Mình không có quyền quyết định cuối cùng nhưng mình tin anh Nguyên Ngọc sẽ đồng ý cho đi. Thành thật là cho đến bây giờ, mình vẫn biết ơn Bế Kiến Quốc rất nhiều và cũng rất khâm phục anh Nguyên Ngọc. Theo mình, có lẽ anh là tổng biên tập dũng cảm, bản lĩnh và “sáng giá” nhất từ trước đến nay của báo Văn nghệ. Nếu không có một biên tập viên như Bế Kiến Quốc, một Tổng Biên tập như Nguyên Ngọc thì bài ký không thể ra đời và số phận của Trần Quyết Định không biết rồi sẽ ra sao?

Khi bút ký được đăng ở báo Thái Bình, dư luận xôn xao. Thế nhưng có lẽ do báo tỉnh, nên nó cũng chỉ xao động lên được một thời gian ngắn rồi chìm vào tĩnh lặng. Chỉ đến khi báo Văn nghệ in lại, nó mới lại chấn động dư luận như vậy. Thế mới thấy những người viết văn, làm báo ở địa phương thiệt thòi như thế nào. Hay cũng ít người biết, dở cung ít người hay. Mà với người cầm bút, không gì buồn bằng những bài viết của mình rơi tõm vào quên lãng.

Nên khi thấy tác phẩm của mình được bạn đọc cả nước và cả nước ngoài quan tâm, Minh Chuyên mừng lắm. Nhất là khi đó, anh mới chỉ là nhà báo “cấp tỉnh” nên niềm vui càng lớn hơn rất nhiều. Cái niềm vinh quang ấy, Minh Chuyên được hưởng không lâu. Một buổi sáng vừa đến cơ quan, mấy đồng nghiệp đã kéo anh ra thì thầm:

Ông sắp “đi” rồi?.

Đi đâu?, Minh Chuyên hỏi.

Đi “tây” chứ còn đi đâu nữa. Ông cứ chờ ít phút nữa là biết ngay thôi.

Và quả nhiên chỉ mấy phút sau, Tổng biên tập báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh gọi Minh Chuyên lên phòng để báo cáo lại toàn bộ sự việc cũng như yêu cầu cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan. Ông Hinh nói: Văn phòng tỉnh uỷ vừa thông báo, đồng chí Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị phải làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân có liên quan. Như vậy là ý kiến chỉ đạo rất rõ ràng, nếu chúng ta sai, chúng ta phải chịu trách nhiệm còn nếu các cơ quan chính sách sai, họ phải chịu. Bây giờ ông về chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ. Sự việc chắc không đơn giản đâu. Rồi có lẽ sợ Minh Chuyên hoảng, ông Hinh động viên: Cứ yên tâm củng cố tài liệu, Ban biên tập luôn đứng bên cạnh cậu.




Khi đó, Minh Chuyên đã lờ mờ cảm thấy sự rắc rối, cam go nhưng không ngờ sự việc lại căng thẳng, quyết liệt như sau này anh phải trải qua. Lúc ấy, anh chỉ nghĩ đơn giản những việc mình nêu ra là 100% sự thật, với động cơ trong sáng là đấu tranh chống lại tệ quan liêu theo tinh thần bài báo Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và với mục đích rất rõ ràng là dành lại quyền lợi chính đáng cho một người lính. Tuy khi đó đã ở tuổi “tứ thập bất hoặc” nhưng hình như anh còn quá ngây thơ để hiểu rằng chân lý không phải là cái tự có mà nó nhiều khi phải trả bằng máu và nước mắt.

Đòn đau nhất khiến Minh Chuyên hoang mang, thất vọng nhất là một bài báo của một bạn viết đồng thời cũng là một đồng đội của anh. Bài báo đã qui chụp anh không tiếc lời với những tội tày đình là bịa đặt. Rồi tác giả răn dạy: Thủ tục để làm người còn sống là một bài ký và là một tác phẩm văn học, người viết có thể hư cấu nhưng hư cấu ở ký không giống như hư cấu ở tiểu thuyết hay truyện ngắn... Tác giả bài ký, thành tâm nhưng đã hiểu lầm là người viết ký được quyền hư cấu như thế nào... Nghĩa là anh không có động cơ xấu. Do đó, nên thể tất cho tác giả bài ký ở chỗ này.



Dẫu sao, “Thủ tục để làm người còn sống” cũng để lại cho những người viết văn trẻ và những người làm báo một bài học về phương diện nghề nghiệp. Điều rất vui là sau này, đây là tạp chí in rất nhiều bài của Minh Chuyên và khi gặp tác giả bài báo trên, ông ấy đã nói với Minh Chuyên rằng, thôi, lúc bấy giờ hoàn cảnh thế nên mình phải viết thế.

Theo Bùi Hoàng Tám
(Dân Trí)

Kỳ I: Số phận bi hài của một người lính

Kỳ II: Cuộc ăn mày oan nghiệt

Kỳ IV: Dông gió đổ lên đầu tác giả


No comments:

Post a Comment