Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Pages
▼
Friday, December 12, 2008
ĐỖ THÔNG MINH * TỰ VẤN 2
ĐỖ THÔNG MINH *TỰ VẤN 2
VAI TRÒ VĂN HÓA
TRONG PHÁT TRIỂN QUỐC GIA
Bài nói chuyện của tác giả, với tư cách là một diễn giả được mời phát biểu tại cuộc hội thảo quy tụ khoảng 30 các chuyên gia Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới, do Hội Chuyên Viên Việt Nam Ở Hoa Kỳ (VPA = Vietnamese Professionals of America) tổ chức tại đại học Maryland, thủ đô Wa DC, Hoa Kỳ, ngày 13/11/2003 và sau đó tiếp tục được cập nhật. Bài này được Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích giúp dịch tóm lược ra tiếng Anh.
VĂN HÓA GIỮ VAI TRÒ THEN CHỐT
“Tư tưởng hướng dẫn hành động.”
Việc phát triển một quốc gia tùy thuộc rất nhiều yếu tố cơ bản như tri trức (hiểu biết), trí thức (nhận thức đúng từ sự hiểu biết), nhân lực (lao động), tài nguyên, môi trường, hoàn cảnh... Nhưng khi con người phần nào làm chủ được mình và thiên nhiên từ khoảng thế kỷ thứ 10 hay 15 trở đi, thì rõ ràng yếu tố quyết định có thể nói là chính con người. Con người ở đây không phải là con người thuần cơ bắp của thời săn bắn, nông nghiệp mà là con người tri thức vượt tới trí thức tức tư duy. Rõ ràng các phát minh khoa học hay học thuyết kinh tế đã làm thay đổi bộ mặt thế giới chứ không phải các lực sĩ như thời xưa. Nên nói rộng ra là con người sống với một nhân sinh quan, xã hội quan, thế giới quan… nào đó, là những yếu tố bao trùm lên tất cả, đó chính là văn hóa. Văn hóa ở đây thì giống như cái “gien” chi phối mọi sinh hoạt của con người vậy.
Con người ta được sinh ra vốn gồm hai phần là tinh thần và thể xác, hai yếu tố đó cũng vốn có tác động hỗ tương với nhau, nhưng ngày nay, hầu như tinh thần tức tri thức hay đúng ra phải nói là trí thức, là yếu tố chi phối chính, quyết định hướng đi của một người. Nói khác đi, tinh thần là yếu tố quyết định chính phần hiện thực văn minh và văn hóa trên quy mô cơ bản là con người, cho tới rộng lớn hơn là một quốc gia hay toàn thế giới. Tuy nhiên, khi nói về văn hóa và văn minh, về phát triển quốc gia thì vấn đề sẽ bao la và đôi khi trừu tượng, nên để tránh rơi vào những phạm trù triết học và để có những biểu hiện cụ thể như là những con số hay dữ kiện cho dễ nhận định hơn, chúng tôi sẽ đề cập nhiều đến phát triển kinh tế, đặc biệt là các nước Đông Á khá gần gũi với Việt Nam. Và vì là người Việt Nam, chúng tôi sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến đất nước mình.
Cũng xin nói ngay là tuy con người có bản năng hướng thượng, luôn dồn nỗ lực chính cho việc tiến thân, cải thiện môi trường sống, nhưng con người cũng là một sinh vật bất toàn với nhiều dục vọng, dễ đi đến sai lầm, nên mọi nền văn hòa và văn minh như lịch sử nhân loại đã chứng minh, đã có những thời kỳ thăng trầm theo quy luật bất di bất dịch là “cùng tắc biến, cực tắc phản” như biến thiên của hình “sin”. Nói như thế không có nghĩa là bi quan, yếm thế, mà là để luôn cảnh giác và hiểu rõ hơn về biện chứng lịch sử. Sự thăng trầm coi vậy mà rất khác nhau, điều đó cho thấy là con người nếu biết tận dụïng đúng trí thức của mình thì có khả năng kéo dài thời kỳ thăng tiến và rút ngắn thời kỳ suy thoái. Thêm nữa, con người được sinh ra không ai giống ai, nên những điều được đề cập ở đây không đi vào từng trường hợp cá biệt mà chỉ có tính cách tổng quát như một mẫu số chung mà thôi.
ĐẶC TÍNH VĂN HÓA ĐÔNG-TÂY
Tất nhiên là có ranh giới giữa kinh tế và văn hóa hay giữa cụ thể và trừu tượng, nhưng đôi khi ranh giới ấy không rõ ràng, nên xin tạm chia như sau:
Kinh tế bao gồm các yếu tố cụ thể thuộc khoa học tự nhiên, được coi như phần cương kiện (hard ware): nhân lực, tri thức, kỹ thuật, tài nguyên và nhất là vốn tức tư bản. Người ta vẫn hay nói “đồng tiền vạn năng” hay “có tiền mua tiên cũng được”. Đúng vậy, đồng tiền là yếu tố chính chi phối mọi nền kinh tế, có thể dùng nó để bù đắp yếu kém của hầu hết các mặt khác, nên từ đó hình thành cả một chủ nghĩa Tư Bản và coi như “song sinh đối lập” của nó là chủ nghĩa Cộng Sản. Đồng tiền tất nhiên cũng có khi chi phối quyết định của con người, nhưng cơ bản thì con người vẫn là yếu tố quyết định sử dụng đồng tiền như thế nào.
Văn hóa bao gồm các yếu tố trừu tượng và phức tạp hơn nhiều, thuộc khoa học nhân văn, được coi như phần nhu kiện (soft ware): tinh thần học hỏi, tinh thần khoa hoc, tinh thần kỷ luật, tinh thần mạo hiểm, tinh thần tích cực, trí thức cho đến quản trị, tiếp thị… và những yếu tố này đôi khi bị chi phối bởi những yếu tố thoạt nhìn có vẻ không liên hệ như phong tục, tập quán...
Kinh tế bao gồm các yếu tố được coi như “tĩnh”, rất dễ chuyển giao và tiếp thu còn văn hóa bao gồm các yếu tố được coi như “động”, thuộc bản chất con người, có tính cách riêng tư không dễ chuyển giao và tiếp thu. “Động-tĩnh” như cặp lưỡng nhất thể “âm-dương”, tương khắc mà tương sinh. Do đó, điểm đáng nói trong tương quan văn hóa và kinh tế là ở chỗ dù có cùng một số vốn, cùng một kỹ thuật, cùng một tài nguyên… nhưng mỗi người hay mỗi quốc gia có cách vận dụng riêng. Do đó mới có khác biệt tư tưởng “đông-tây. “Đông” như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam… phần lớn chú trọng vào khoa học nhân văn, với sở trường nhẫn nại, cũng như phát huy sức mạnh tập thể trong điều hòa và tiến tới thăng bằng... “Tây” như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp… giỏi về khoa học tự nhiên, đề cao tính tự lập và tài năng cá nhân, có tinh thần khai phá, mạnh về sản xuất và quản lý, có tầm nhìn xa và quốc tế… Do đó mới có nước nghèo, nước giàu được gọi là “nam-bắc”. Thí dụ một cách đơn giản cho dễ nhận biết, như cùng ở đất nước Hoa Kỳ, nếu có được 20.000 đô la thì có thể người Việt sẽ nghĩ đến việc đi học, người Hoa dùng làm vốn buôn bán, còn người Mỹ trắng mua xe hơi hay chứng khoán… Quyết định khác nhau đó sẽ cho ra kết quả khác nhau, tức dẫn mỗi người theo một con đường khác nhau.
Vậy thì sự khác nhau do đâu, sự khác nhau chính là do văn hóa, và nói cách khác thì văn hóa đãõ quyết định. Nhưng tất nhiên đã có sự hỗ tương là văn hóa dựa vào thực tế cụ thể để phán đoán và chịu ảnh hưởng ít nhiều của thực tế cụ thể này, nếu không quyết định sẽ thành không tưởng, khi đó văn hóa tự nó cũng không còn chỗ đứng.
Thập niên 80 và đầu 90, sự vươn mạnh của một số quốc gia ở châu Á làm kinh ngạc thế giới và người ta thắc mắc yếu tố nào đã làm nên kỳ tích này. Người ta đã nói nhiều đến yếu tố đặc thù của nó là “giá trị châu Á” mà Thủ Tướng Lý Quang Diệu (cố vấn của nhà nước Việt Nam) của Tân Gia Ba thường tự hào. Ông cho giá trị đó là: “Đặt xã hội lên trên cá nhân, gìn giữ gia đình như nền tảng của xã hội, giải quyết những vấn đề lớn thông qua sự đồng thuận thay vì tranh chấp…”. Về đại cương có thể là như thế, giá trị ở đây là giá trị tinh thần, đạo đức, xã hội… kết tinh thành nhân sinh quan hay xã hội quan, thành động cơ thúc đẩy giúp cho châu Á phát triển. Yếu tố ấy là văn hóa, tuy bàng bạc trong quần chúng nhưng có thể coi như kết tinh qua sự tư duy và hành xử của giới lãnh đạo (như phải chăng sự chia rẽ thường xuyên của người Việt cũng thấy thể hiện nơi giới trí thức thượng tầng). Yếu tố ấy vốn hiện hữu và có tác động rất mạnh mẽ, nhưng cũng vốn trừu tượng nên đôi khi được suy diễn rộng rãi hay lợi dụng cho mục tiêu chính trị nên ít nhiều bị suy diễn sai lạc đi. Do đó, dù ngày nay người ta ít nói về yếu tố này thì sự chi phối của nó vẫn là một thực tế khá khách quan không thay đổi.
Trong bối cảnh, kinh tế toàn cầu suy thoái tự thân mà vào cuối năm 2003, người ta luôn hy vọng là đã xuống tới đáy và đang có triển vọng đi lên, nếu không kể những yếu tố bất ngờ như chiến tranh, khủng bố, bệnh dịch... Ẩn số phát triển hay kinh tế của nhiều quốc gia vẫn là một điều bất xác thực, vẫn ám ảnh các nhà lập chính sách, không ai dám quả quyết chắc chắn sự phát triển kinh tế đi về đâu. Nên dù là các nước tiên tiến hay kém phát triển, tất cả đều có những ưu tư lớn riêng. Kinh tế bọt qua sự cấu kết giữa ngân hàng và địa ốc hay sự tăng trưởng công ty giả tạo để thao tác thị trưởng chứng khoán, hối đoái… là những căn bệnh trầm kha hiện đại của các nước tiên tiến. Đăc biệt là Hoa Kỳ với cán cân ngoại thương thường xuyên thâm thủng và mang nợ quốc trái khoảng 7.800 tỷ đô la, trong khi Nhật Bản thì tuy cán cân ngoại thương thường xuyên thặng dư nhưng cũng mang nợ quốc trái khoảng 6.000 tỷ đô la. Còn các nước chậm tiến thì rất sợ bị các nước tiên tiến chi phối, nhưng vẫn một mặt lo đi vay càng nhiều càng tốt, một mặt lo nợ nần chồng chất.
Khi nói đến kinh tế là nói đến thị trường, là nói đến cung-cầu. Nhưng căn bệnh kinh tế hôm nay không phải vì guồng máy sản xuất không hữu hiệu, mà ngược lại, hiệu năng đang rất cao, sinh ra giảm phát, nghĩa là làm ra nhiều mà bán được ít. Các nhà sản xuất không lo thiếu nguyên liệu, nhiên liệu, không lo thiếu kỹ thuật hay tiếp thị kém mà lo là mãi lực không cao. Nói chung thì kinh tế đồng bộ thoái, song song với không đồng bộ phát triển. Như các ngành kỹ nghệ điện tử kỹ thuật cao khi thì tăng vọt nhưng đôi khi cũng lao đao kéo theo nhiều ngành khác đi xuống, nhưng các ngành nông, ngư nghiệp cơ bản hay các ngành sản xuất đồ điện vẫn tăng trưởng đều.
Và như mọi người đều biết, có suy thoái mạnh tại các quốc gia tiên tiến khiến các nhà lập chính sách kinh tế chỉ dám mong tăng trưởng Tổng Sản Lượng Quốc Dân (GDP) 1-2%, trong khi đó có mức phát triển khả quan từ 7-10% tại các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và ngay cả Việt Nam. Sự khác biệt trong trường hợp này, đặc biệt yếu tố chính không phải do chính sách đúng hay sai, mà là do môi trường, nơi chưa hay đang phát triển thì lại dễ phát triển hơn là đã phát triển cao độ, khi đó sở phí quản lý và sản xuất thành cao. Hiện tượng này đã xuất hiện rõ rệt sau Thế Chiến Thứ 2, khi Hoa Kỳ viện trợ cho Nhật Bản (hay Châu Âu), rồi sau đó Nhật Bản khi phát triển, Nhật Bản viện trợ cho một số quốc gia Đông Á, giúp các quốc gia này hóa thành 5 con rồng, 5 con rồng lại viện trợ cho một số quốc gia thuộc khối ASEAN… như Việt Nam và Trung Quốc.
Sự nhận trợ giúp và để phát triển tất nhiên cần những điều kiện cơ bản tối thiểu, và chính sách tiếp nhận thích hợp, nếu thiếu thì như Việt Nam, Bắc Triều Tiên và một số quốc gia ở Nam Mỹ, Châu Phi thập niên 70 đến 80, 90 đã từng có kinh nghiệm nhận viện trợ tức vay với lợi tức ưu đãi mà vẫn vỡ nợ. Tại sao lại có sự viện trợ như vậy? Tự bản vốn là trục lợi, không có chuyện cho không. Thực ra, các quốc gia phát triển cần tìm địa bàn sản xuất rẻ và tiêu thụ hàng hóa mới đi viện trợ cho các quốc gia kém mở mang hơn để đặt đầu cầu sản xuất lẫn tiêu thụ.
Các nước kém mở mang tiếp nhận viện trợ và việc đặt đầu cầu của các nước tiên tiến như cứu cánh duy nhất để đi đường tắt, đuổi theo các nước tiên tiến về mặt phát triển kinh tế. Điều này đúng về cơ bản, đã có nhiều nước nhờ vậy mà phát triển, nhưng cũng có mặt trái của nó là nếu không khéo thì tiền viện trợ bằng nhiều cách sẽ lọt vào tay những kẻ cầm quyền, làm giàu cho một thiểu số, đại đa số dân vẫn nghèo, hoặc khoảng cách giàu nghèo trong nước gia tăng, xã hội dễ bị chao đảo và có khi quốc gia sẽ mang nợ đến như phá sản.
Sự vay nợ thiếu kế hoạch thích hợp đi kèm với tham nhũng… đã dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Châu Á năm 1997 và vẫn còn ảnh hưởng tới nay là một bài học quan trọng vẫn còn rất mới. Sự khác biệt hay không đồng bộ ở đây càng cho thấy vai trò của văn hóa, biểu hiện bằng kết tinh nơi tư duy của giới cầm quyền, dẫn đến những quyết định chính sách kinh tế đúng hay sai.
Cho dù có giới cầm quyền là những người có lý tưởng và hoàn toàn trong sạch, mà thực tế khó kỳ vọng như vậy, thì sai lầm lớn vẫn có thể xảy ra là vì đôi khi các nước kém mở mang, phần lớn ở Đông Phương đã áp dụng một cách máy móc cách thức phát triển của Tây Phương và kỹ nghệ đang có chỉ là kỹ nghệ vay mượn, có người gọi là thuộc loại “ngoài da”. Các nước kém mở mang trong lúc chạy theo gia công tại các nhà máy tối tân do ngoại quốc đem tới, cần khai triển sở trường vốn có để giảm bớt ma sát giữa các tầng lớp, khu vực và cố gắng nâng cao mức sống xã hội một cách đồng bộ. Không thể chưa làm được cái đinh cho ra hồn đã tính dồn tất cả nhân lực và tài nguyên quốc gia đầu tư ưu tiên vào “kỹ nghệ nặng”!!! Lối suy nghĩ quá ấu trĩ ấy thời Lê Duẩn đã qua, nhưng đã từng cản bước tiến của Việt Nam, hy sinh nhân vật lực và thời gian một cách vô ích.
Ngay từ trong giai đoạn gia công cho nước ngoài, cần sớm biết chiết khấu lợi nhuận đầu tư vào giáo dục và kỹ nghệ cơ bản, cần chuẩn bị nền tảng lâu dài cho việc tự túc, tự cường (chứ không tự cô lập) như Hàn Quốc, Thái Lan... thay vì chỉ biết chạy theo cơ sở vật chất hào nhoáng. Dùng lợi nhuận cất nhiều khách sạn phục vụ cho du khách hay nhu cầu vui chơi là đánh mất cơ hội phát triển lớn đã từng phải trả bằng giá khá đắt mới có.
VAI TRÒ CỦA CHÍNH TRỊ
Nói tới văn hóa và kinh tế mà không nói tới chính trị chắc là vẫn còn thiếu sót lớn. Thời hiện đại, chúng ta may mắn thấy được những mô thức khá điển hình cho vấn đề này khi nhìn vào các quốc gia vốn cùng văn hóa nhưng khác nhau về chính trị, dẫn đến hai kết quả xã hội hưng vong rất khác nhau. Đó là trường hợp Nam-Bắc Việt Nam, Nam-Bắc Hàn, Đông-Tây Đức.
Trong các nước vừa kể, tuy chính trị cũng là biểu hiện của văn hóa, nhưng một phần là việc du nhập luồng tư tưởng khác nhau đã dẫn đến những chế độ chính trí khác nhau, đặc biệt là đối lập kịch liệt. Những chế độ này, đặc biệt là chế độ độc tài, chú trọng vào quân sự hơn kinh tế, chi phối mọi cuộc sống của xã hội, có thể làm thay đổi nền rất mạnh mẽ cả một văn hóa. Do đó, ở đây chúng ta có thể thấy rõ sự hỗ tương giữa văn hóa và chính trị, nói cách khác đó là sự tác động lẫn nhau để cùng đi lên hoặc đi xuống. Chính trị được coi là yếu tố động nhất trong tính động cố hữu của văn hóa, nên một thể chế chính trị đi đôi với những đảng phái hay lãnh tụ tốt sẽ đưa xã hội đi lên hoặc ngược lại.
Trong khi văn hóa bàng bạc, có ảnh hưởng gián tiếp thì chính trị có thể đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người, vì vậy cần thật thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Ai cũng biết rằng, năng lực của một con người không thấm gì đối với nhân loại và năng lực của loài người càng không thấm gì với thiên nhiên. Do đó, cần thận trọng trong những quyết định chính trị, tránh cực đoan, vung tay quá trán, có khi để di hại cho cả xã hội và nhân loại. Không ai có quyền đem con người ra làm thí nghiệm cho những ảo vọng mơ hồ của cá nhân hay đảng phái...
Một thể chế được coi là thành công khi được người dân tin tưởng và hợp tác, cùng xây dựng và nâng cao mức sống tức đem lại phúc lợi chung. Trong một thể chế dân chủ, dù cho nhà cầm quyền nhất thời có sai lầm, thất bại cũng dễ cải cách và người dân không bị ảnh hưởng nặng, so với trường hợp xẩy ra trong thể chế độc tài, thì dù ai cũng biết thất bại nhưng vẫn phải hoan hô và mỏi mòn mong đợi sự thay đổi như một phép lạ từ đời này sang đời khác.
TRƯỜNG HỢP CÁC QUỐC GIA ĐÔNG Á
Thử nhìn trường hợp một số quốc gia vốn cùng chịu ảnh hưởng nặng nề văn hoá Á Đông, có nhiều điểm cơ bản tương đồng, nhưng cũng đã có sự phát triển ở nhiều mức độ khác nhau do văn hóa, chính trị (một thể hiện tích cực của văn hóa), hoàn cảnh…
1- Nhật Bản: Vượt trội hơn cả, do tính cần cù và cẩn thận, tinh thần đoàn kết và cố gắng phi thường khi nhìn ra sự chậm tiến của mình và nhu cầu phát triển cấp tốc để cạnh tranh với cả thế giới. Người Nhật làm được như vậy vì thể chế thời Minh Trị sớm cải cách và cởi mở. Người Nhật tự vượt qua được giới hạn tình cảm Á Đông, quyết học hỏi, nên hấp thu cùng lúc cả tinh thần duy lý và tự do, bình đẳng của Tây Phương tương đối dễ dàng. Nhưng nếu Hoa Kỳ chú trọng cá nhân, tài năng trẻ thì Nhật Bản dựa vào tinh thần tập thể và lão làng hay quan hệ hàng dọc giữa đàn anh và đàn em. Thiết lập thể chế tự do, dân chủ cao hơn tất cả các nước trong vùng, đây cũng chính là yếu tố quyết định nền tảng phát triển mà hầu như không phải đổ máu. Nhật Bản được coi là tượng trưng cho sự vươn lên của châu Á hay người da vàng trước Âu-Mỹ. Nhưng rồi Nhật Bản cũng mắc bệnh ngủ quên trên chiến thắng đã dẫn đến sự suy thoái ngày nay. Sự xuống dốc sau thập niên 90 do đổ vỡ kinh tế bọt là kết quả tất nhiên của một cơ chế cũ không thích hợp, tính tập trung và quá thiên trọng lão làng khiến không kịp thời đối phó với sự tiến bộ, thay đổi nhanh chóng của thế giới. Nhật Bản đang cần sự thay đổi tận gốc rễ.
2- Trung Quốc: Từ trước Công nguyên đã một thời có nền văn hóa và văn minh rực rỡ làm đầu tàu. Nhưng rồi ngủ quên trong lâu đài văn hóa từ chương không thực tiễn, ôm cứng lấy đạo Nho và nhất là một thời Tống Nho. Bị ngũ cường chi phối, không tập trung được ý chí toàn dân, nên phải trả cái giá u mê là cuộc chiến tranh tương tàn, là giành độc lập và nội chiến. Khi giành được độc lập thì nhiều nhà lãnh đạo lại mắc bệnh độc tài và quá tả, coi “hồng hơn chuyên”, nên chỉ tiến mạnh được từ khi quan niệm thực tiễn của Đặng Tiểu Bình là “Mèo trắng hay mèo đen, con nào bắt được chuột cũng tốt” được áp dụng. Tại sao trong 10 triệu đảng viên Cộng Sản Trung Quốc chỉ có một Đặng Tiểu Bình can đảm đưa ra một quan niệm thực tiễn bình thường như vậy mà phải chịu tới 3 lần thất bại. Nếu không có ông thì nước Trung Quốc còn chậm tiến bao lâu nữa. Nếu có chính sách cởi mở từ đầu, thì đã có hàng triệu Đặng Tiểu Bình lên tiếng mà không phải đổ máu và người dân Trung Quốc có lẽ đã được hưởng hạnh phúc sớm hơn mấy chục năm mà không phải hy sinh, mất mát quá nhiều.
3- Đài Loan: Tuy bị chi phối bởi thế lực từ lục địa đã thua trong cuộc nội chiến, nhưng sớm thức tỉnh. Tuy giai đoạn đầu thể chế không hoàn toàn tự do nhưng cũng khá cởi mở và thực tiễn nên tiến bộ khá nhanh chóng và tương đối đều đặn nhất mà không mất mát gì đáng kể. Tuy nhiên, Đài Loan có vẻ chưa được thăng bằng, quá thiên trọng về kinh tế, còn các mặt khác không nổi bật lắm, chưa có bước đột phá mạnh.
4- Hàn Quốc (Nam Triều Tiên): Cũng xẩy ra chiến tranh (nội chiến) điêu tàn như hầu hết các nước khác trong vùng. Nói chung người Triều Tiên có ý chí vươn lên mạnh mẽ, đôi khi đi đến chỗ cực đoan nữa. Họ cũng sớm thức tỉnh, tuy giai đoạn đầu thể chế không hoàn toàn tự do nhưng cũng khá cởi mở. Trả giá cho điều này là đôi khi có chút hỗn loạn, nhưng nhìn chung không có gì quá đáng, xã hội vẫn trật tự và nhờ tinh thần thực tiễn nên tiến bộ khá nhanh chóng. Đó là một mô hình xã hội sinh động, xã hội linh hoạt, đáng sống. Hàn Quốc cũng được kể là đạt những bước tiến khá thần kỳ. Họ mạnh về kinh tế mà gốc là giáo dục và kỹ thuật, thể thao (từ gần 20 năm qua, có số huy chương Thế Vận Hội gấp 2 Nhật Bản, trong khi dân số có 40 triệu bằng 1/3)…
5- Bắc Triều Tiên: Một phản diện đáng buồn của Hàn Quốc, cùng một dân tộc mà tạo ra hai hình ảnh khác biệt rõ rệt giữa hai miền nam-bắc là một chứng cớ rõ rệt nhất cho thấy tính quyết định của vai trò lãnh đạo. Nhà cầm quyền độc tài, hiếu chiến, một trong những thể chế kềm kẹp khắc nghiệt nhất trên thế giới, chú trọng tẩy não nhồi nhét chính trị mà xa rời thực tế, bắt nhân dân hy sinh qua nhiều mà không được hưởng bao nhiêu. Người dân không có tiếng nói riêng, chỉ được nói những gì nhà cầm quyền muốn. Dân chúng hành động như những bộ máy. Có thể nói hầu như không có hỗn loạn, nhưng cũng chẳng tiến bộ. Đó là một mô hình xã hội tĩnh, xã hội chết. Để rồi kết qủa sau 50 năm thi đua, dân số bằng 1/2 Hàn Quốc mà tổng sản lượng quốc dân chỉ bằng 1/20. Thế mà nhà cầm quyền lúc nào cũng lo tuyên truyền, phô trương, và tưởng có thể lừa được mọi người. Điều trớ trêu là tạo dựng một xã hội như vậy mà các nhà cầm quyền luôn bắt dân ca ngợi mình! Kềm kẹp, bỏ đói xong rồi khi phát cho một miếng ăn mà đã kể là ban ơn rồi. Phải chăng đây là một quốc gia chuyên chế tàn bạo cao độ nhất và lạc hậu nhất của thời trung cổ còn xót lại chăng!?
6- Hồng Kông: Một mô hình đặc biệt. Tuy là đất thuộc địa, nhỏ hẹp, nhân mãn rất cao mà không có tài nguyên, nhưng lại hưởng tự do nhiều nhất trong số các nước châu Á. Rõ ràng động lực phát triển ở đây là tự do, là dân chủ kiểu Tây Phương. Một khu phát triển hầu như thuần kinh tế. Do đó, một quốc gia thực sự không thể hoàn toàn đi theo mô hình này, nhưng có thể ứng dụng những bài học tốt vào lãnh vực kinh tế. Đó là khu vực pháp trị công minh, ai cũng có cơ hội vươn lên, các công ty ngoại quốc yên tâm đầu tư.
7- Tân Gia Ba: Cũng là một mô hình đặc biệt. Cũng là đất thuộc địa cũ, nhỏ hẹp, nhân mãn cao mà không có tài nguyên, Tuy không được hưởng tự do nhiều, nhưng kỹ luật nghiêm minh ở đây đã tạo thành một khu vực đáng tin cậy nhất. Kỷ luật, trật tự, sạch sẽ, ngăn nắp... đuợc ca ngợi khắp nơi. Sự miễn thuế nhiều lãnh vực càng thu hút đầu tư của các công ty ngoại quốc. Một khu phát triển hầu như thuần kinh tế, những cũng là nơi được coi như tiêu biểu mà nhiểu quốc gia muốn đạt đến.
8- Việt Nam: chìm đắm vào một trong những cuộc chiến được coi là lâu dài và thảm khốc nhất. Sự chi phối của các đế quốc và tiếp tay của các thế lực trong nước đã đào sâu thêm hố chia rẽ trong lòng dân tộc. Ngay cả sau chiến tranh tương tàn gần 30 năm mà hố ngăn cách vẫn còn lớn. Nhà cầm quyền độc đoán, vọng ngoại, tham nhũng lan tràn như một quốc nạn, không thực sự tin dân, không tạo ra được đường hướng phát triển thích hợp và không huy động được sức mạnh toàn dân trong việc phát triển. Cuối cùng nhà nước lại chủ trương chạy theo cơ chế thị trường từng triệt để đấu tranh đả phá hàng 50 năm! Bao năm phá và bao năm xây lại cái cũ, “đổi mới” hay “đổi cũ”, không chỉ phí công sức mà còn làm tan nát lòng người, xã hội băng hoại, điều đó tại hại không gì đo lường nổi và không dễ gì sau này khắc phục nổi. Chủ trương dùng khu vực quốc doanh khống chế tư doanh, dù khu vực này không hữu hiệu và đã làm hao tổn công qũy trầm trọng, chỉ vì nhằm củng cố chế độ. Khuyết điểm trầm trọng của xã hội Việt Nam hiện nay rất nhiều chưa kể những khuyết điểm tồn đọng trong văn hóa Việt từ xưa, nhưng vì khuôn khổ bài viết có hạn nên chúng tôi không liệt kê ở đây. Nhà nước đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, ngay nhiều công ty đã vào đầu tư cũng phải rút lui cuối thập niên 90. Điều cần nhất ở nhà cầm quyền bây giờ là tự đầu tư sự tín nhiệm. Nếu có đựợc sự tín nhiệm thì không cần kêu gọi ngoại quốc đầu tư mà đầu tư ngoại quốc tự động đến. Ở đâu cũng vậy, “đất lành chim đậu” mà. Nay là lúc xây dựng tín nhiệm, quý trọng sinh mạng trong hoà bình chứ không phải mưu mô, cuồng tín trong chiến tranh.
Sau 30 năm chấm dứt chiến tranh, đã có những tiến bộ đáng kể về mặt kiến thiết cơ sở vật chất nhưng về mặt tinh thần có mòi xa đoạ hơn, vì đó là sự phát triển thiếu nền tảng, nói chung là còn quá chậm và phải trả giá quá đắt. Thế nên khoảng cách so với các nước chung quanh càng lúc càng xa. Đừng nghĩ rằng các nước tiên tiến dùng điện thoại cầm tay, điện thoại qua máy điện toán (IP = Internet Phone), máy hình dạng số (digital camera), máy giặt mơ hồ (fuzzi), pin năng lượng mặt trời gắn trên mái nhà, tua-bin gió, đóng tàu 10.000 tấn, đóng toa tàu hỏa, chế cần trục 120 tấn… ở Việt Nam nay cũng có là đã tiến bằng các nước đó. Việt Nam chỉ mới mua về dùng hay ráp những tiện nghi thời đại thôi. Phải đổi bao nhiêu gạo, cà phê, hải sản, dầu hỏa cho nhưng tiện nghi đó, và còn bị lệ thuộc dài dài như vậy bao nhiêu chục năm hay trăm năm nữa!?
Xin lưu ý rằng, 82 triệu người Việt trong nước có tổng sản lượng năm 2006 khoảng 55 tỷ đô la, có lẽ tương đương với lợi tức của 3 triệu người Việt ở hải ngoại, và cũng chỉ tương đương với năng lực của hơn 1/2 công ty Honda với 126.900 nhân công (doanh thu 1 năm 74 tỷ đô la, lời 5 tỷ đô la) hay 1/3 năng lực của 70.000 nhân công của hãng xe hơi Toyota (sản xuất 10 triệu chiếc xe hơi năm 2007, doanh thu năm 2006 là 184 tỷ đô la, nếu nhìn giàn người máy làm việc thì chúng ta sẽ biết tại sao năng suất lại cao như vậy, như vậy năng suất 1 người Nhật bằng khoảng gần 4.000 người Việt!?). Chưa kể Việt Nam còn phải dựa trên công trái phiếu, viện trợ ODA, còn Toyota thì lời khoảng 10% (hơn 18,4 tỷ đô la, trừ thuế còn 13,7 tỷ đô la). So sánh về tổng sản lượng quốc dân (GDP) năm 2006, Nhật Bản (4.500 tỷ MK) gấp hơn 80 lần Việt Nam (55 tỷ MK), nếu so về lợi tức 1 đầu người thì gấp khoảng 60 lần. Việt Nam tăng trưởng 1 năm 8%, thực ra đó là do tiền Việt Kiều và người đi lao động gửi về khoảng 4 tỷ đô la. Lợi tức trung bình có khoảng hơn 600 đô-la mà chi tiêu tới 2.000 đô-la, tức tiêu dung nhiều hơn mức làm ra. Năm 2006, Việt Nam nợ khoảng 22 tỷ đô-la.
Để hiểu rõ hơn về việc tại sao người Nhật có năng suất gấp khoảng 100 lần người Việt, xin thêm một ví dụ mà chúng tôi đã được xem trên TV Nhật năm 2002 - Trong một khâu công ty bánh kẹo Vinabico của Việt Nam dùng 200 nhân công, khi công ty Kotobuki của Nhật hợp tác, họ đã đem máy móc vào, và máy làm bánh kẹo tự động chỉ dùng có 2 nhân công. Như vậy, rõ ràng không phải là người Nhật giỏi gấp 100 lần người Việt, mà chính là nhờ máy móc. Máy móc có được là do họ có vốn và kỹ thuật, là những sản phẩm của sự tích tụ và hợp quần của trí tuệ.
Sau chiến tranh, đa số các quốc gia ở cả đông-tây đều phục hưng trong khoảng 20-30 năm, mà nay Việt Nam vẫn chưa ra khỏi vòng chậm tiến, bao năm vẫn chỉ dựa trên nông sản, ngư sản hay tài nguyên, không tạo được một nền tảng kỹ nghệ đáng kể nào, vì thế khi nhìn lại vấn đề Việt Nam, là người Việt thì chắc đó luôn là điều đáng ưu tư nhất.
Sự phục hồi nhanh chóng của hai nước bại trận Thế Chiến Thuá 2 là Nhật Bản và Đức Quốc đã chứng minh rõ ràng cho thấy nước nào có văn hóa mạnh là có tiềm năng mạnh. Dù cơ sở vật chất đổ vỡ hoàn toàn do một số sai lầm chính trị vẫn có thể vực dậy dễ dàng vượt qua cả nhiều nước từng chiến thắng họ, cho dù nhất thời bị mất chủ quyền, đất nước không có tài nguyên dồi dào.
Sự phục hồi và tài bồi tâm thức Việt theo hướng tiến chung của thời đại qua các kinh nghiệm học hỏi của thế giới hay phát huy các ưu điểm của Việt tính, Việt hồn phải chăng chính là chìa khóa giải quyết các bế tắc hiện nay.
NHỮNG YẾU TỐ VĂN HÓA VIỆT
Vậy Việt tính, Việt hồn… là gì? Người ta thường đương nhiên coi là toàn những điều tốt. Cũng như từ nhân bản, thực ra là cả tốt và xấu, nếu không tính xấu từ đâu mà ra? Nên nếu nói một cách khách quan và trung thực thì là tất cả những gì coi như thuộc bản chất Việt, do đó, phải kể cả tốt và xấu. Nhưng khi nói đến bảo tồn và phát huy thì đã có ý nói đến cái tốt rồi. Tuy rằng đôi khi phân chia tốt xấu không phải dễ vì còn tùy theo quan niệm triết lý, chính trị khác nhau hoặc tùy thời có thể đang là tốt mà thành xấu hay ngược lại. Do đó ở đây xin chỉ nói những nét chung và cơ bản mà thôi.
1- Tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất cao độ, khi thật cần thì nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh vì nước, tuy vậy, như một thân hữu đã nói, vẫn còn rất nhiều người “quá tận tụy với gia đình mà quá thờ ơ với đất nước”. Những người đó sống chỉ biết mình ta, hay gia đình ta, hầu như không bao giờ nhúng tay vào việc chung nào!
2- Tinh thần yêu thương, đùm bọc trong gia đình đáng được đề cao, đây là nền tảng của xã hội Việt Nam, tuy nhiên, cần có tầm nhìn rộng ra xã hội và tình cảm cần thăng bằng với lý trí.
3- Tình tương lân, tương trợ bạn bè khá chí tình, nhưng cũng dễ đi đến thiên trọng không khách quan, không công bằng. Dễ đi tới đần óc bè phái, địa phương, tôn giáo. Cần nghĩ đến cái lợi lớn chung hơn là cái lợi nhỏ cục bộ.
4. Tình đồng bào rất thắm thiết, nhưng cũng cần mở rộng ra thành tình nhân loại, giúp đỡ các dân tộc kém may mắn hơn khi cần. Người Việt ít nể vì, tôn trọng nhau, dễ nặng lời hay nói xấu nhau, mà lại tỏ ra e dè, sợ sệt người nước nào hơn mình. Vừa tự tôn, vừa tự ty và vì thiếu tự tin nên hơi vọng ngoại.
5- Tinh thần đoàn kết cùng lo việc lớn còn kém, nếu chỉ “đoàn kết khi thật cần đến nhau” như trong truyện Lạc Long Quân và bà Âu Cơ thì vẫn còn lỏng lẻo, vì nguyên chuyện khi nào được coi là cần cũng có thể có nhiều ý kiến khác nhau, thành chia rẽ. Nếu luôn luôn tôn trọng, gìn giữ tinh thần đoàn kết thì tốt hơn. Phải cố gắng loại trừ tinh thần hẹp hòi của phe phái, tôn giáo, chủng tộc, địa phương… Nên tranh đua với người ngoài hơn là tranh giành nhau.
6- Do bản năng sinh tồn trong môi trường bất ổn, có tinh thần tự lập và thích ứng cao, nhưng ngắn hạn. Về chính trị, thường có óc lãnh tụ, hẹp hòi, thiếu tinh thần sinh hoạt dân chủ, công bằng và tôn trọng luật pháp...
7- Tinh thần học hỏi khá cao, nhưng còn nặng thói từ chương, khoa cử, bàn xuông, do đó, cần đi sâu vào thực dụng, cần tri-hành hợp nhất. Cần thay tinh thần chăm học để thi lấy bằng cấp hầu được yên thân bằng tinh thần dấn thân giúp đời. Cần đẩy mạnh óc nghiên cứu, tập tính ghi chép (thay vì chỉ dùng trí nhớ sẽ dễ quên và dễ nhầm lẫn), biên soạn, biên khảo, viết và đọc nhiều sách hơn. Cần mở rộng kiến thức tổng quát, thay vì chỉ học có sách vở trường sở. Người Việt khéo bắt chước, nhưng thường chỉ dừng lại ở mức 60-70%, không lên 80-90% như người Hoa hay vượt hơn như người Nhật.
8- Tinh thần dấn thân, mạo hiểm, khai phá, sáng tạo vẫn còn rất giới hạn, cần dồn nỗ lực đẩy mạnh thêm lên. Những người tiên phong tốt có thể kéo cả quần chúng hay dân tộc đi theo. Có như thế quốc gia mới tiến nhanh được.
9- Người Việt lạc quan, vui tính, hay cười đùa, hòa nhã hay “chín bỏ làm mười”… nhưng cũng đôi khi vì vậy mà làm việc thiếu nghiêm chỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong tiếng Việt có đến khoảng 600 từ ngữ về cười (có lẽ nhiều nhất thế giới), trong khi chỉ có khoảng 30 từ ngữ về khóc.
10- Cần sớm loại bỏ tinh thần làm việc đại khái, tùy tiện, thiếu trách nhiệm, thiếu kế hoạch hay kiểu đầu voi đuôi chuột, chiếu lệ, không chính xác, không đúng giờ, không nghiêm chỉnh giữ lời hứa hay cam kết. Cần đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp dân chủ, coi đó là riềng mối duy trì trật tự xã hội. Càng yếu kém về kỹ thuật, càng thiếu tài chính, càng phải bù lại bằng cách lấy chữ tín làm đầu.
11- Cần thoát ra khỏi cung cách làm ăn theo quy mô cò con, cá nhân hay gia đình, dấu nghề... mà sớm tiến tới tập đoàn nhỏ, rồi tập đoàn lớn, từ đó mới tăng nhanh năng suất được. Phải đẩy mạnh óc thương mại, quản lý khoa học… có tầm nhìn thị trường rộng lớn, từ gia đình ra xã hội, từ địa phương ra toàn quốc, từ toàn quốc tới toàn thế giới.
12- Tiến lên tinh thần thực nghiệp, hoạt động xí nghiệp, làm chủ cả dây chuyền từ vật liệu đến sản xuất, đến tiếp thị, đến tái biến chế để bảo vệ môi sinh…
13- Tính mê tín dị đoan như lên đồng, đốt hàng mã, một thời bị nhà cầm quyền ngăn cấm, nay lại có khuynh hướng phát triển mạnh. Làng Đông Hồ nổi tiếng với tranh mộc bản, nhưng chỉ thực sự phát lên nhờ làm hàng mã?
14- Tính đổ thừa, không nhận trách nhiệm, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Đa số người Việt cho rằng sở dĩ ngày nay Việt Nam yếu kém là vì chiến tranh, vì Cộng Sản, vì Trung Hoa, Pháp Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga Xô... vì lãnh đạo, mà ít khi nào nói vì mình. Sinh hoạt của người Việt ở các nước Âu-Mỹ ngày nay chưa dân chủ, chưa nghiêm chỉnh, chưa đúng giờ... thì không thể đổ thừa tại ai khác.
15- Cần lưu ý là người việt thân hình nhỏ và tuổi thọ chỉ trung bình (nam 66 và nữ 70, trong khi Nhật Bản với nam 79,5 và nữ 85,8), việc thể xác cao lớn hơn và tuổi thọ kéo dài hơn tỷ lệ thuận với sự lưu ý hơn về vệ sinh và dinh dưỡng. Sức khỏe và tuồi thọ đương nhiên là yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng hạnh phúc cá nhân và phát triển quốc gia. Không có gì là phi lý cả khi người ta vẫn ví “sức khỏe là vàng”.
Còn nhiều, nhiều nữa, như hay dối quanh, ăn cắp vặt, thích ngồi nói hơn là làm, hay cãi nhau, đánh nhau (nhất là nam thanh niên học thức kém)...
VẤN ĐỀ NÂNG CAO DÂN TRÍ
Như trên vừa trình bày, hơn ai hết, người Việt có quá nhiều thứ cần làm càng sớm càng tốt nếu muốn đất nước phát triển và theo kịp đà tiến của nhân loại. Chúng ta đang phải cạnh tranh gắt gao với các nước trong khối AESAN, với Trung Quốc đang vươn dậy mạnh mẽ, chúng ta muốn đủ tiêu chuẩn gia nhập các định chế kinh tế thế giới như AFTA (Khu Mậu Dịch Tự Do ASEAN), WTO… mà vẫn bảo vệ được nền kinh tế yếu kém của mình thì tự mình trước hết phải làm cuộc cách mạng tư duy. Tựu chung thì cuộc cách mạng tư duy ấy là việc nâng cao dân trí, mà muốn nâng cao dân trí phải chú trọng vào giáo dục, tiếc thay đây lại là một trong những lãnh vực đang bị bỏ rơi nhất ở trong nước. Do đó, cần gia tăng giáo dục về mặt đạo đức, thể dục và khoa học…
Năm 1905, cụ Phan Bội Châu qua Nhật và năm 1906, cụ Phan Châu Trinh (Tây Hồ) cũng qua Nhật. Cụ Phan Bội Châu đã viết là: “Hồi tôi lên Đông Kinh, cụ Tây Hồ cùng đi với tôi, thăm qua khắp các học đường, và khảo sát khắp những công việc chính trị, giáo dục của Nhật Bản. Cụ bảo tôi rằng: “Trình độ dân Nhật Bản như thế, mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ sao được! Được bấy nhiêu học sinh vào nhà học Nhật bản là sự nghiệp rất lớn của ông. Từ nay nên lưu Đông yên nghỉ, chăm chỉ việc làm sách, bất tất nói bài Pháp làm gì. Chỉ nên đề xướng Dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.”…” (Trích cuốn Phong Trào Duy Tân của Nguyễn Văn Xuân, do Lá Bối xuất bản). Hai cụ đã bàn bạc luôn cả hơn 10 ngày, ý kiến rất khác nhau, vì cụ Phan Bội Châu chủ trương dùng vũ lực còn cụ Phan Châu Trinh chủ trương dùng giáo dục nâng cao dân trí. Nhưng việc cụ Phan Châu Trinh khuyên viết sách và các ý kiến của nhiều nhiều nhà cách mạng, chính trị Hoa và Nhật là nên đặt nặng giáo dục, mở mang dân trí có lẽ đã được cụ Phan Bội Châu ghi nhận, nên xem trong cuộc suốt cuộc đời hoạt động, bôn ba của cụ, thời gian ở Nhật, ngoài việc viết cho báo Tàu, nhìn sự tiến bộ của Nhật Bản, cụ đã bị thôi thúc mãnh liệt nên viết sách gởi về trong nước nhiều nhất.
Một loạt sách và tài liệu như Việt Nam Vong Quốc Sử (越南亡国史), Khuyến Quốc Dân Du Học Văn (勧国民遊学文), Kính Cáo Tuyền Quốc Phụ Lão Văn (敬告泉国父老文), Hải Ngoại Huyết Thư (海外血書)... Riêng Lưu Cầu Huyết Lệ Thư (琉球血涙書, nói về sự mất nước của xứ Lưu Cầu tức quần đảo Okinawa vào tay Nhật) viết trước khi cụ qua Nhật và Tự Phán (自判, viết sau khi bi an trí ở Huế năm 1925)… tất cả bằng chữ Hán (lúc giao thời chữ Quốc Ngữ nên cụ chưa rành lắm) rồi sau này mới được chính cụ và một số người dịch ra chữ Quốc Ngữ hoặc một số bằng chữ Nôm và tổ chức Phong Trào Đông Du (風潮東遊), trước đó có Đông Kinh Nghĩa Thục (東京義塾)… nằm trong Phong Trào Duy Tân (風潮維新) rộng lớn được khơi dậy bởi các ông Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch...
Đặc biệt đối với người Việt ở hải ngoại, nếu mai này muốn đóng góp hữu hiệu cho đất nước, không thể cứ đem nguyên vẹn cách suy nghĩ hay những gì học hỏi được ở ngoại quốc về áp dụng. Nếu đã xa rời Việt Nam quá lâu hay sinh ra ở hải ngoại thì nên bỏ thì giờ học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa dân tộc, cá tính người Việt, hoàn cảnh đất nước… Trước khi muốn phát huy văn hóa dân tộc thì cần biết đâu là bản sắc tốt để bảo tồn, như vậy mới không bị đoạn lìa với quá khứ, sẽ dễ hội nhập và làm việc hơn và mau chóng làm thăng hoa Việt tính, Việt hồn hơn.
Xin xem thêm bảng Đối Chiếu Việt – Nhật - Trung. Và nếu ai đã từng đọc bài “Tự Vấn: Người Việt Mạnh Yếu Chỗ Nào?” của chúng tôi viết năm 2002, 2003… thì có thể coi đây là “Tự Vấn 2”.
2003…
- - - - -
Chúng tôi xin chân thành cám ơn Hội Chuyên Viên Việt Nam Ở Hoa Kỳ và Ban Tổ Chức đã tạo điều kiện cho chúng tôi hiện diện nơi đây và dành cho chúng tôi buổi nói chuyện quý báu này. Xin thành thật cám ơn tất cả quý vị thính giả đã để tâm theo dõi bài nói chuyện này và xin được đi vào phần thảo luận và trả lời các câu hỏi.
- - - - -
Ghi chú thêm
VẤN ĐỀ TƯƠNG LAI GẦN của VIỆT NAM
LM. Tađêô Nguyễn Văn Lý
(Tóm lược)
I. Hầu như mọi người Dân VN trong và ngoài Nước hiện nay đều mong đợi các thay đổi cần thiết, kể cả các nhân viên nhà nước, bộ đội và công an, đảng viên, đoàn viên...
II. Nhà nước VN (NNVN) đang chịu nhiều áp lực.
Áp lực thứ nhất: Chính NN thấy cần phải cải cách nhiều để khỏi bị Dân tẩy chay vì NNVN không thể an Dân được nữa.
Áp lực thứ 2: Chính nội bộ đảng CSVN chia rẽ khá trầm trọng, đã có nhóm muốn tách riêng thành đảng đối lập nào đó, một số đảng viên rút lui vì áp lực của lương tâm hoặc sợ lịch sử phê phán, hay bị rút lui vì áp lực của phe khác ngay trong đảng.
Áp lực thứ 3: Dân chúng, dù phần đông thụ động, sợ hãi và muốn an toàn bám giữ những gì mình đang có, vẫn càng ngày càng chán chê coi khinh đảng, ngày càng quay lưng lại với đảng và đang trăn trở ngóng đợi tìm một chỗ dựa khác đạo đức, công bằng hơn.
Áp lực thứ 4: Các nhà đấu tranh cho Tự do Dân chủ ngày càng đông, ngày càng công khai, ngày càng tác động mạnh trên Dân và Dân vui thích thấy NN ngày càng lúng túng không biết đối phó thế nào cho phù hợp với cao trào nầỵ
Áp lực thứ 5: Cao trào đấu tranh của Việt kiều hải ngoại ngày càng biết đoàn kết, biết tận dụng các phương tiện hiện đại nên hiệu quả hơn trước nhiềụ
Áp lực thứ 6: Quốc tế nhìn vào VN, vừa gia tăng các áp lực cần thiết, vừa dùng kinh tế để chen chân vào các sinh hoạt từ hạ tầng đến thượng tầng của VN cố ý giúp VN chuyển đổi, vừa hả hê vui thích theo dõi sự lúng túng và suy yếu dần của NNVN, vừa mong đợi đảng CSVN sớm chấp nhận đa nguyên đa đảng.
III. Dù NNVN đang chịu cùng lúc 6 loại áp lực đồng loạt rất mạnh như thế, dù các nhà đấu tranh đang hô hào, phê phán mạnh mẽ đến đâu, muốn thành công, các nhà đấu tranh phải tập trung nỗ lực giúp Dân vượt qua 3 thực trạng thật đáng buồn rất căn cội sau đây:
III.1. Sự sợ hãi, lãnh đạm và thụ động của đa số dân sợ hãi).
III.2. Sự mù mờ trong nhận thức của đa số dân.
III. 3. Toàn Dân VN sống chung với dối trá đã thành nếp, thành mãn tính. Vì vậy việc đoàn kết các Việt kiều hải ngoại và gây ý thức cho đồng bào quốc nội về 3 thực trạng rất đáng buồn hiện nay vừa nêu là điều rất bức thiết cho tương lai gần của VN.
IV. Từ các thực tế nêu trên, tương lai gần của VN có lẽ nên hình dung như sau:
IV.1. Đảng CSVN không nên cố tình làm ngơ trước 6 áp lực đồng loạt nêu trên.
IV. 2. Đảng CSVN không nên tiếp tục vừa gượng ép, vừa lừa gạt quốc tế để chỉ cải cách vài thể chế (Institutions) cho có như "một cửa, môt dấu," "dân chủ từ cơ sở."..v.v...
IV. 3. 6 áp lực nêu trên phải gia tăng cường độ hơn nữa để sớm có một cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ, công bằng, văn minh đúng nghĩa.
IV. 4. Dù các phân tích rõ ràng trên đây, thì có lẽ đảng CSVN vẫn cứ thích cố tình bưng tai bịt mắt để làm một đảng lê lết bảo thủ thêm 1, 2 Đại hội nữa.
IV. 5. Còn các nhà đấu tranh Dân chủ Tự do cho VN tại hải ngoại cũng như quốc nội không nên ảo tưởng về một giải pháp quá mau chóng dễ dàng, mà trước tiên cần tập trung nỗ lực giúp toàn Dân vượt thắng 3 thực trạng rất đáng buồn nói trên đã và đang đeo bám toàn Dân như một căn bệnh quá nan y, cả nơi một bộ phận được coi là trí thức và ngay cả nơi các Chức sắc cao cấp của các Tôn giáo nữạ Không giải quyết được vấn đề cốt lõi sinh tử nầy thật là một đại nhục cho toàn thể Sĩ phu VN hôm nay. Nếu không vượt thắng được 3 điều nầy thì chưa thể nói đến một tương lai tươi sáng gần cho VN được.
Do đó, vấn đề tương lai VN trước hết là vấn đề văn hóa, bản lãnh làm người, triết lý ứng xử nhân văn. Đây mới chính là vấn đề nền tảng cơ bản của Dân tộc VN. Có văn hóa quân tử, trượng phu, cương trực, trung thực là sẽ có tất cả. Để có điều then chốt cơ bản nầy, điều đầu tiên phải có là Tự do Ngôn luận, phải có báo chí độc lập để hướng dẫn quần chúng. Cùng lúc hoặc sau đó mới có thể nói đến vấn đề tổ chức.
LM. Tađêô Nguyễn Văn Lý - Huế, 08.8.2005
==
No comments:
Post a Comment