Pages

Saturday, February 28, 2009

ĐỖ DOÃN HOÀNG * THỜI LUẬN

Ảnh: christopherphynn.blogspot ( Một chuyến tàu lên Lào Cai qua ống kính du khách )




Những chuyến tàu phản nhân văn…!



Thứ tư , 18 / 2 / 2009, 3: 23 (GMT+7)
"...Con tàu chuyển bánh, nó chuyển bánh vì cái gì, nếu không phải vì cái quyền lợi dân sinh, vì cái lẽ nhân ái, cái quyền được không rúc vào sát sàn sạt mông quần và giày tất của người khác để ngủ đại trà suốt đêm như thế kia? Càng “cả nghĩ” về các bé thơ tôi đã chăm sóc đêm ấy, tôi lại càng thấy rớt nước mắt..”.
Tàu LC1, khởi hành từ Ga Hà Nội lúc 22h ngày 6/2/2009.



Kinh hoàng. Vừa bước vào toa tàu ấy, tôi đã thấy Nguyễn Thanh Bình, một biên tập viên nổi tiếng của Nhà xuất bản Thanh Niên văng tục chí mạng, kiểu: ông mất tiền, sao bắt ông ngồi dưới gầm… ghế, hả? Thấy vài em xinh ơi là xinh, ngồi ở cửa cái toa lét thối oẳng, tay cầm khăn mùi xoa bịt mũi, mông em đặt vào ghế nhựa thấp, mềm, lểu bểu… ngắm người ta “ôm bụng, kéo khóa quần”, ra vào cái lỗ gạch thông xuống đường ray (toa lét). Bên cạnh là hai bạn gái ở Cục Môi trường gà gật ngủ bị chửi té tát. Tôi đếm, gần chỗ tôi có bốn cái ghế, mỗi ghế thiết kế giành cho 2 người, lẽ ra chỉ có 8 người được phép ngủ gà ngủ gật cả đêm trường rét mướt trên đó; đằng này, con số thực tế lên tới… 16 người.



Công an ta cứ mải đi bắt xe nhồi xe nhét trên quốc lộ, chứ trên tàu hỏa, sự nhồi nhét còn dã man hơn nhiều. Tôi co người, ngồi nửa mông trên ghế gỗ, dưới chân tôi là 3 mẹ con bé Linh, cả ba nằm la liệt như sau một cuộc thảm sát, họ nhắm mắt chờ qua đêm dài khổ sở, chứ không hề ngủ. Bé Linh 9 tuổi, em gái cháu 2 tuổi, nhà ở phường Kim Tân, TP Lào Cai. Ba mẹ con Linh mang theo manh chiếu và cái chăn chiên, từ nhà đã xác định lên tàu nằm dưới gầm ghế. Giữa lối đi là 4 người đàn bà nằm xếp lớp, họ nằm úp thìa nghiêng nghiêng mà vẫn chưa vừa, họ phải “tráo đầu đuôi”, mặt người nọ úp vào… ống quần người kia.




Một sản phụ trật vú cho con bú, nằm giữa lối đi, đầu, bụng và… toàn cơ thể cô được bao bọc bởi những bàn chân đeo giày khăn khẳn thối. Cô nói vọng từ dưới chân giày của tôi lên: mũi giày nào cựa quạy cũng khiến cô thấy buồn buồn. Đứa bé chỉ nhỏ bằng quả bí đao, nó bú chùn chụt rồi khóc suốt đêm, có thể vì mùi thuốc lá, mùi giày tất dí sát mũi nó. Ai đó cho sản phụ trẻ mượn cái chăn che nhễ nhại bầu ngực và khoanh bụng trắng mịn kia lại. Tôi lại kéo bỏ bớt chăn, bởi khi mẹ cháu bé ngủ, tôi sợ người qua kẻ lại, họ sẽ giẫm phải cháu nhỏ.






Tuyệt nhiên, tôi xin thề, là suốt cái đêm hãi hùng ấy, không có bất cứ một nhân viên đường sắt nào đi kiểm tra vé của hành khách. Có người mua ghế ngồi, nhưng không được ngồi, có người mua ghế đứng, tức là đứng suốt đêm, có người mua ghế gì đó, thì họ được anh nhân viên đứng đầu toa xe phát cho một cái ghế nhựa hình vuông, tự tìm chỗ mà đặt vuông ghế chỉ to hơn cái bánh trưng vuông một tí đó. Tôi đoán: anh nhân viên tàu hỏa không bao giờ kiểm tra vé của toa tàu chợ này, vì anh ta không có chỗ mà đặt chân bước vào. Cả đêm, tàu đi chậm đến mức, có khi hơn chục phút nó lại hực lên, giật nhào như con rắn bị đánh ngang thân một cái: nó dừng lại. Rồi nó lại hực lên, nhiều người chúi ngã về phía trước, có người ướt lép nhép nước giải bởi tàu hực khi đang… ngồi trong nhà vệ sinh. Ga nào tàu chợ nó cũng dừng.




Gần 10 tiếng đồng hồ như thế, khó có ai không đi… tiểu tiện một lần. Ai cũng phải “đi”, nhưng ai đi thì cũng bị tất cả mọi người sợ như sợ… hủi. Vì người ấy phải giơ cao chân, trình diễn cơ thể, trang phục qua hàng chục cái đầu đàn ông đàn bà đang gục gù ngủ giữa lối đi. Phải giơ cao một chân, xoạc cẳng, chúi mũi giày về phía toa lét mà lựa giữa nhung nhúc người rồi chọn chỗ đặt chân xuống. Cứ thế, anh (chị) phải bước qua khoảng 50 cái đầu ngủ gật, giữa các cái đầu tuyệt nhiên không có một khoảng trống.


Sợ nhất là lúc người ta đi vào nhà vệ sinh rồi quay lại chỗ “ngủ ngồi” của mình: lúc ấy, giày dép của hành khách mới “giải quyết xong nỗi buồn” nhễ nhại nước bẩn, nước khai nước thối (vì toa lét của nhà tàu lênh láng bẩn), và anh (chị) ta buộc phải giễu đôi giày ấy qua vai, qua đầu đồng bào của mình. Tiếng chửi cứ ran lên. Tôi nói sai tôi sẽ xuống địa ngục, rằng mông và các thứ của nhiều cô chà chịn qua đầu các anh thanh niên ngủ gật là chuyện phổ biến.




Tôi không dám ngồi. Bởi nhìn xuyên qua hai đùi tôi là các gương mặt trẻ thơ và thiếu phụ. Họ không ngủ, mũi, mắt, miệng họ chỉ cách mông tôi 3 - 5cm. Tôi cố gắng không thải ra cái mùi gì, cũng cố gắng nhét kỹ bít tất vào trong ba lô, không lẽ cứ di mãi cái xú uế ấy vào mũi các bé thơ? Lũ muỗi cái tấn công chúng tôi cả đêm, tôi trở thành bảo mẫu cho lũ trẻ nằm dưới sàn tàu. Trừ số người được ngủ ngồi gà gật hàng nghìn tư thế khác nhau trên các cái ghế vốn có của toa tàu, 60% số người còn lại là nằm, ngồi ở gậm ghế và lối đi.



Chua chát thay, họ đều ngủ trong tư thế rúc vào mông, vào đùi đồng bào không quen biết của mình. Nhiều cô cả đêm không dám đi tiểu, vì cô ta không thể hình dung, bằng cách nào, mình lại dám xỏ giày, xoạc mông trườn qua mặt 40 nam phụ lão ấu dọc đường ra toa lét? Ai bần cùng, không nhịn được mới phải đi. Một cô gái rầu rĩ: con bé bịt khăn mùi xoa ngồi ở cửa toa lét, khổ thì khổ thật, nhưng cũng có cái sướng, là muốn “đi” lúc nào thì đi.



Trong cái đêm không ngủ hãi hùng của tôi, có vài vị khách Tây ngồi chán nản xem đồng bào tôi khổ sở. Tôi đã quay được 3 cái clip rất sinh động, sẽ tải lên đâu đó để quốc dân đồng bào cùng xem một cách lành lẽ. Nhưng xin nhắc lại là: nhiều năm nay, hằng ngày hằng đêm, những toa tàu “chợ” nhục nhằn kia vẫn quặn mình, khục khoặc đi, bà con tôi coi chuyện đó là bình thường. Và, sự bất thường nằm ở đó, sự đáng xấu hổ nằm ở đó. Tôi không làm sao trả lời câu hỏi của Duy, đứa con 8 tuổi của tôi, khi bước xuống ga Lào Cai, rằng “con tàu này nó sẽ đi đâu hả bố”; không trả lời, bởi tôi thấy xấu hổ. Bởi chính tôi cũng đang tự hỏi: những toa tàu phản nhân văn như thế này sẽ đưa chúng ta về đâu?




Tôi không chê con tàu nghèo khổ, đất nước còn khó khăn, “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”; nhưng tôi cực lực công kích lối làm ăn cẩu thả, sự buông lỏng quản lý, sự nhếch nhác tội nghiệp không đáng phải có của các toa tàu như vừa miêu tả.



Trên đây là “hoạt cảnh” do sự thiếu trách nhiệm của ngành đường sắt, quý vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể kiện tôi ăn nói hồ đồ. Dẫu bút sa gà chết, tôi vẫn dám ưỡn ngực khẳng định chắc chắn là như vậy. Thưa quý vị, con tàu chuyển bánh, nó chuyển bánh vì cái gì, nếu không phải vì cái quyền lợi dân sinh, vì cái lẽ nhân ái, cái quyền được không rúc vào sát sàn sạt mông quần và giày tất của người khác để ngủ đại trà suốt đêm như thế kia? Càng “cả nghĩ”, lại càng thấy rớt nước mắt!



Đỗ Doãn Hoàng


http://60s.com.vn/index/1964022/18022009.aspx



LỜI BÌNH CỦA VẠN MỘC CƯ SĨ
Khoảng 1986, bỉ nhân còn ở Việt Nam và đã đi những chuyến tàu như thế. lúc này chỉ có tàu Thống Nhất vá các tàu địa phương, gọi là tàu chơ. Chưa có tàu đặc biệt cho du khách quốc tế.Nay hơn 20 năm sau, Việt Nam "đổi mới", tiền vào hàng tỷ, mà sao vẫn thế a?




No comments:

Post a Comment