Pages

Sunday, February 8, 2009

THI VŨ * THƠ THIỀN





Thi Vũ


Ngày Xuân đọc thơ Thiền




Thực ra không có một dòng thơ riêng biệt gọi là thơ Thiền. Nhưng có thể khẳng định bài thơ nào kêu gọi tới chữ thiền, sử dụng từ thiền sư đều không phải thơ thiền, ngoài sự cố công buột kết, tấn phong.



Xưa nay người ta thường liệt các bài thơ do các vị sư trước tác là thơ thiền. Sư được hiểu như các nhà tu Phật giáo, cạo đầu, mặc áo già, xa lánh trần tục bon chen. Theo hướng đó, thơ thiền nhan nhản các hình ảnh đơn điệu của trúc, suối, bóng sáng tinh khôi, chim hạc bay tà tà nơi cõi xuất thế gian. Tạo hàm oan cho thơ thiền.



Từ 1963 lại đây, có lớp người quay sang làm thơ thiền. Họ để tóc, mặc áo veste, quần jean. Thiền không xuất thế nữa. Thiền nhập thế. Nhập vào quán rượu, la cà từ hộp đêm này tới quán cóc kia. Nhậu la de, lăn lộn trên thân thể đàn bà. Quằn quại bằng tư duy trong cuộc sống khá an nhàn, sung mãn. Nếu còn mang hình thái sư, thì sư biết đánh đàn piano, cắm hoa hồng, vung tay viết chữ thảo hay tương tư em. Từ đó họ rót xuống những bài thơ khi khinh bạc, khi cao cả, oai phong, khi lãng mạn anh em - nhưng rất thiền. Người làm thơ ốp bóng vào hình ảnh thời thượng thiền sư. Khác chi những năm 1940, người làm thơ là tráng sĩ. Những năm xã hội chủ nghĩa, người làm thơ là liệt sĩ, viên chức bộ công an, nếu không là công nhân nấu thép (Nay ở trong thơ nên có thép – “Bác”). Thêm một hàm oan khác. Cho thơ thiền.



Thực ra không có dòng thơ riêng biệt nào gọi là thơ Thiền. Chỉ có những tấm lòng thiền đọc thơ. Cho nên phải có một tấm lòng thiền, thơ thiền mới xuất hiện.



Thiền là sự phá vỡ u tâm tù ngục, chung hòa vào thực tại đời sống vốn siêu việt hết thảy ý niệm và danh từ[1]. Đặc tính của thiền là thích hợp, đặc sắc của thiền là linh hoạt. Chấm dứt thác loạn trong ý nghĩ, trong tâm tưởng và ngôn ngữ, thơ thiền tuôn như khe suối mát giữa lá rừng và chiều nắng, như lời nói ôn tồn giữa chợ búa tranh đua. Phá mở mọi xiềng xích : tự do vô hạn chính là thiền. Cái « tôi » vỡ ra, căng lên thành thế giới diệu hữu, thành khoảng không lồng lộng vũ trụ. Cái « tôi » dài thành trăm tay sờ mó những tương quan nó với cái khác, kẻ khác. Liên hệ tương duyên lập thành hợp thể vui hòa, an lạc. Ở đó, nó tự do.



Thiếu hiểu biết căn bản về lý sống đạo Phật và thiền, cái nhìn bị méo lệch, phân đôi thành xuất thế và nhập thế khi đánh giá các bài thơ tự gọi là thơ thiền. Thực tại vốn không phân hai. Bị phân hai vì ý niệm đánh giá. Nên cái-ta-nghĩ với cái-ta-được-cảm-nhận khác nhau dị kỳ, ly lìa thực tại tối hậu. Một hôm Tô Đông Pha, thi hào đời Tống, đọc hai câu thơ của Vương An Thạch :



Minh nguyệt đương không khiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

nghĩa là :

Minh Nguyệt kêu giữa trời

Hoàng khuyển nằm trong hoa



Tô Đông Pha thấy hay vì hình ảnh và âm điệu, nhưng cho là chối nghĩa bèn sửa lại :



Minh Nguyệt đương không chiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa âm

nghĩa là :

Trăng sáng soi giữa trời

Chó vàng dưới bóng hoa



Thơ vẫn hay nhưng thường, không độc đáo. Vương An Thạch bực nhưng không nói. Vương phái Tô Đông Pha, là quan đại phu, đi sứ Hoàng Châu. Tới nơi, Tô mới biết ở đây có loài chim chỉ hót khi trăng lên, và một loài sâu ưa nằm giữa lòng hoa. Người địa phương gọi là chim minh nguyệt và sâu hoàng khuyển.



Sau bài học rút từ thực tại không hai ấy, Tô Đông Pha bẻ gãy sợi xích xiềng cố tín và ngu muội. Ông phơi phới sống cõi thơ tuyệt diễm. Cõi thơ ấy cũng là cuộc đời ông sống. Phơi phới và phiêu nhiên. Phải chăng cuộc sống mới đã lộ rõ vào bài thơ Lô sơn của ông ? Thơ man mác như nhiên, thâm trầm ý vị của kẻ đã chứng và đã ngộ :



Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều

Vị đáo sanh bình hận bất tiêu

Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều

Trúc Thiên dịch :

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang

Khi chưa đến đó luống mơ màng

Đến rồi hóa vẫn không gì khác

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang



Bài thơ bốn câu, mà hai câu đã lập lại nơi câu mở đầu và câu kết : Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều. Tuy lập ngữ nhưng không lập ý. Bởi chưng con người ở câu một khác với con người ở câu bốn qua quá trình thực chứng. Con người hạ sinh nơi câu một hóa sinh sang câu bốn thành niềm thong dong, phiếu diễu, chủ ngự cõi phù sinh. Núi không còn danh thốt lên khi mắt va chạm tảng đất sững dựng che trời. Núi lột kéo tấm màn che mắt. Mắt thấy điều trước kia mình chỉ biết nhìn. Hơn thế, núi cũng biết nhìn bằng hiện hữu mình trên bình nguyên trải hút cõi nhân sinh ra tới những tinh hà.



Giảng bài thơ Tô Đông Pha tưởng không gì bằng lời tự thuật của sư Thanh Nguyên Duy Tín viết trong Truyền đăng lục, quyển 22 : “Sãi tôi ba mươi năm trước khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau nhân theo học bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, nên thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”. Cùng một sự vật, nhưng qua ba tâm cảnh đi từ mê muội, giác hóa đến giác ngộ nên cái bóng của sự vật được hiển lộ thành hình sự vật.



Tưởng như lẩm cẩm, nhưng là diễn trình chặng đường tri thức hay đạo tâm phải trải qua hầu gạt bỏ cuộc đời người ngợm. Mọi vĩ nhân trên mặt đất đều tôi luyện, thăng hoa cuộc đời như thế. Khổng Tử từng tâm sự : “Ta mười lăm tuổi để chí vào sự học, ba mươi tuổi thì trụ vững, bốn mươi thì hết ngờ, năm mươi biết mạng trời, sáu mươi nghe thuận tai, bảy mươi thì tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc”.



Quá trình chứng ngộ cần 70 năm để đạt cái tâm thiền. Nhưng 70 là con số. Không phải khuôn phép cố định. Có người sống trăm năm vẫn như con đỉa trong dĩa máu. Có người vài mươi tuổi đã có thể “tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc” vũ trụ. Bay như diều trên gió. Lội như hạt nước giữa lòng sông.



Đời làm chi có hai chuyện xuất thế, nhập thế ? Xuất về đâu ? Nhập vào đâu ? Sự sống âm ỉ, cường tráng, dữ dội, cuốn chìm hay nâng đỡ những tế bào nhân sinh. Cuốn chìm những tuổi mười lăm (dù đã bảy mươi) kênh kiệu, thác loạn, mê muội. Hoặc nâng đỡ những tuổi bảy-mươi-phi-thời an nhiên trên chốn gập ghềnh.



Xuất thế có chăng chỉ là thoát ly khỏi thế giới thác loạn, tranh chấp, vị kỷ, mê muội, vong thân. Xuất như thế là đã hào hùng, trang nghiêm nhập thế. Nên kẻ mang tâm thiền không xuất, không nhập, chẳng bận tâm sinh tử. Nhà sư tráng sĩ có tâm thiền đời Trần là Tuệ Trung Thượng sĩ trả lời bằng thơ khi có người hỏi lẽ sống chết :



Trường không túng sử song phi cố

Cự hải hà phong nhứt điểm âu

Thích Mật Thể dịch :

Ngại gì bọt nước sôi ngoài bể

Phỏng có vành xe liệng giữa trời



Hình ảnh, tứ thơ bạo và mới, vừa siêu thực vừa hiện thực. Vừa tỉ giảo, vừa nhận thức bằng thi tính. Sống chết không quan ngại, thì thịnh suy trong đời tỉ như kẻ làm vườn hái trái chín, trái ung. Chẳng áy náy nên thảnh thơi giữa chốn ba đào :



Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Vạn Hạnh (thời Lý)

nghĩa là :

Thân như bóng chớp, có rồi không

Tới xuân cây trổ, sang thu rụng hồng

Nhác trông suy thịnh, lòng không sợ

Đầu cành, suy thịnh giọt như sương



Nhìn và đã thấy. Chất thơ ngào trộn tư duy. Cảnh thơ thành lý sống. Bài thơ thành món quà truyền tâm. Miêu tả thân xác như ánh, như chớp, mong manh thoáng hiện nhưng mãnh liệt trường tồn. Giữ lại gì nơi đôi mắt ngó vào không gian thăm thẳm mịt mù ? Nếu không là nét sấm chớp rạng ngời nơi nhúm nhíu khắc giây khiến thẫn thờ trời đất ? Mong manh mà trường cửu. Có đó rồi không đó. Không chẳng mang nghĩa hết, dứt. Không cái vừa có cho cái có được trọn vẹn trong cái không-tiêu-tán. Như cỏ cây mướt lục vào xuân, dù đã, hay sẽ, héo khô nơi chặng đường thu chớm. Những cái có, không, thịnh, suy, khác chi ngọn cỏ chòm cây nơi trò trốn bắt giữa hai mốc thu xuân ? Lòng không sợ hãi trước mọi bạo tàn, phụ bạc. Khi biết vòng tròn hương rực lửa quay trong đêm chỉ từ một đóm hương lúc tay quay ngừng lại. Sương cứ rơi đều đầu ngọn cỏ mỗi sáng, dù thất tình ta buồn hay vui. Ngở sương mất đi trong lòng đất, ai ngờ đã cất tự trời cao chờ rơi khi đêm tới.



Thơ dùng nhạc để chuyển lời. Dùng vần làm dây xuyên. Dùng hình ảnh bắt mắt. Dùng tình cảm níu tình. Thơ vẽ hình bắt bóng. Tác dựng suy tư làm xương sống cho hình hài. Thơ vạch đường chỉ nẻo. Thơ nắn nụ cười phơi phới trên môi ngôn ngữ.



Người có tâm thiền làm thơ là sống cái tự do trước những điều bức tử. Không rúng động trước thịnh suy, sinh tử. Bởi vậy bệnh hoạn khuấy phiền thân xác kia chẳng khiến lòng trăn trở, âu lo. Nhà thơ thiền Mãn Giác đời Lý có bài thơ nhắn gửi mọi người nhân lâm bệnh - Cáo tật thị chúng. Bài này nhiều người thuộc và thường được nhắc nhở, duy ít người chú ý mối vận hành ý tứ :



Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Ngô Tất Tố dịch :

Xuân trỗi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai



Người đọc thường khen tính tích cực và lạc quan bài thơ của người nhuốm bệnh. Thế nhưng thơ đâu là bản báo cáo, trình bày quan điểm, lập trường ? Thơ không là sự nói lại. Thơ là sức sống bung từ người. Nhân việc mình đau mà báo với mọi người - Cáo tật thị chứng - nhưng thơ không rơi vào thể thuật hoài biểu diễn cái ta rất chi trọng thể. Tuy vẫn là cái ta khi ý thức còn trong trạng thái vong thức. Tả xuân và hoa, nhưng không là thơ sơn thủy nhắm riêng việc tả cảnh. Xuân và hoa ở đây là bước đi của thời gian trong không gian. Việc đời và người tả ở đây là xê dịch viễn hành của vô thường - cái không cố định. Bài thơ chấm dứt bằng nhận định làm con người thảng thốt trước mỗi đoạn trường : cái mình nhìn không là cái thấy. Dù cái thấy vẫn ở đó, như đóa mai kia nở sớm hay nở muộn nơi chốn chẳng hề chờ.



Suốt bài thơ sáu câu, nhịp hóa thân tăng trưởng vốn trí tuệ, từ thung lũng thường tục lên ngọn đỉnh rạng ngời. Thơ đưa nhạc và tình về với trí tuệ. Thơ thoát ly cảnh sống dung tục, hiển mình vào thực tại tối hậu, ở đó người bật mình sống dậy. Hết thụy miên. Hết mớ gọi. Thôi biệt ly.



Xuân khứ bách hoa lạc là nếp đi của một thực tại thấy mò qua bóng ảnh dung tục. Lòng ta có buồn thương chăng ? Xuân đáo bách hoa khai là cái đến của mùa màng nơi thực tại trầm luân. Lòng ta có vui rộn lên chăng ? Buồn hay vui chúng ta đều bị giới hạn trong không gian như một thực tại vô thường. Ý nghĩa của Sự trục nhãn tiền quá. Việc đời thoáng qua với bao điều bất như ý, ở đó thời gian chẳng để ta yên. Thời gian liên lỉ chất vấn như vị giám khảo, rồi đánh lên trán ta từng luống nhăn, bôi vào tóc từng nét phấn. Già, chết chợt hiện ra : Lão tòng đầu thượng lai.

Ta bi quan, hốt hoảng, ta cay đắng ngậm ngùi ? Bao là dấu hỏi đẩy ta vào đời như tống xuống địa ngục, xui ta hạ thủ theo cách thế giận đời. Nhưng người thơ có tâm thiền, như Mãn Giác, thì không. Ông đã có lời đáp tựa khúc hoan ca :

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai !



Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận là nếp đi của một thực tại. Thực tại ở đây là thực tại tối hậu. Và Đình tiền tạc dạ nhất chi mai là cái đến thực tại, thực tại ở vị trí uyên nguyên. Hết là thực tại phiến diện nơi cõi trầm luân.



Đến hay đi đều là động tác. Khác ở hành trình. Đến hay đi trên hành trình vô minh, mê muội. Hay đến, đi trên quá trình an nhiên, giải thoát ? Nô lệ, tự do từ đó hiển ra. Kẻ tự do sống không mô típ. Mọi mô típ đều ràng buộc. Kẻ tự do sống bằng sáng tạo. Người nô lệ sống mòn theo khuôn. Hai câu thơ của nhà thơ có tâm thiền Quảng Nghiêm ở thế kỷ XII đời Lý gợi lên ý đó :



Nam nhi tự hữu xung thiên khí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành

Ngô Tất Tố dịch :

Tài trai có chí xông trời thẳm

Dẫm vết Như Lai uổng nhọc mình



Không nên hiểu theo nghĩa đen thường tục để gán cho nhà thơ mang tư tưởng hoài nghi hay phủ nhận đạo Phật hoặc chống báng đức Phật - Như Lai. Hào khí dũng mãnh kẻ trượng phu kiệt hiệt, người phá chấp siêu quần mới hiểu ý thơ Quảng Nghiêm. Còn yêu đương thần tượng, khuôn phò đảng kỷ, lý luận theo chỉ thị… khó nắm bắt sức sống vỡ bờ nơi dòng thiền vô biên phật giáo : khai phóng, sáng tạo và như thật.



Bao lâu còn cột dính, bấy lâu còn nô lệ. Chân sau theo vết trước dành cho việc đi săn hay loài cừu. Con đường đâu phải dấu mòn ? Con đường là chân bước và đích đến. Mỗi người làm chuyện mình theo cách mình để giải thoát mình. Chính là giải thoát, chứ không là cách thế. Bởi vậy đâu cần theo vết Như Lai như trong thơ Quảng Nghiêm. Ý thơ này chống cố tín, cuồng tín, giáo điều, chống tinh thần nô lệ. Vũ khí phá chấp của nguyên lý sống Phật giáo.



Thiền vượt mọi giả danh để sống thực. Mắt quay vào đâu sự vật được soi sáng, tình cảm được trân ái. Thơ thiền không chỉ là kệ truyền pháp hay dòng thơ đạo lý. Thơ thiền bát ngát lung linh qua mọi sinh hoạt theo tấm lòng thiền rung cảm.



Lê Qúy Đôn đọc thơ Huyền Quang, vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc lâm Yên tử, phái thiền thứ ba của Việt Nam , chê rằng “hình như không phải khẩu khí của thiền sư” (Thiền dật, Kiến văn tiểu lục). Nhà phê bình Lý Tử Tấn, đời Lê, đọc các bài Xuân nhật tức sự của Huyền Quang, Tảo mai, Xuân cảnh, Nhị nguyệt thập nhất dạ của vua Trần Nhân Tông, vị tổ khai sáng dòng thiền Việt Nam, Trúc Lâm Yên tử, cũng phê bình tương tự : Thi tuy giai phi tăng gia ngữ (thơ tuy hay nhưng không còn khẩu khí nhà sư).



Sao vậy ? Có lẽ người chưa sống thiền thích phân biệt. Đọc thơ, hay làm thơ, họ nhắm vào đích, vào lý tưởng, đạo đức, luân lý cố hữu làm chuẩn. Họ không nhìn sự vật như sự vật trong hiện tiền trước mắt. Đôi mắt và tâm tư họ bị nghĩa lý cố định thui chột sức sáng tạo. Cái thấy bị mù lúc trông nhìn. Không thấy, họ đem tâm so sánh nên phân hai thực tại, xa rời và cách ly khỏi thực tại. Ai có thể chỉ bộ phận nào đẹp trên một Người Đẹp ? Cắt bộ phận ấy ra còn chăng cái đẹp ? Hóa ra đẹp là cái toàn thể tương liên. Người làm thơ thiền diễn thơ cái hiện tại, cái cảm nhận, cái thấy. Họ không dại đem sự kiện nhất thời đang chuyển biến ấy đánh giá hay so sánh với giáo lý hầu đưa tới kết luận mô phạm. Đây là chỗ khác giữa thơ của người có tâm thiền với thơ một ông giáo học. Cái thoáng chớp, cái đang đi, cái tại thế ấy đã là cái vĩnh hằng trong thơ, không bắt gặp lại lần hai. Đòi hỏi hay ước mơ cố tín chỉ là ảo giác. Đa số các nhà Nho xưa và nhà Mác-xít nay đều bị tha hóa khi làm thơ.



Ta thử đọc bài Xuân nhật tức sự của Huyền Quang mà hai nhà phê bình Lê Quý Đôn và Lý Tử Tấn phê phán trên kia :



Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

Khả lân vô hạn thương xuân ý

Tận tại đình châm bất ngữ thì

nghĩa là :

Giai nhân mười sáu ngồi thêu gấm

Hoa tử kinh bừng rộn tiếng oanh

Đáng yêu vô hạn thương xuân ý

Khi lặng thinh ngừng đưa mũi kim



Hai nhà phê bình chê thiếu “khẩu khí thiền sư” vì tả chuyện giai nhân ? Tả hoa, tả bướm, núi, suối, mùa màng, tiên, bụt… thì được. Động tới đàn bà là… Là gì ? Sao đàn ông hồ thỉ, phóng khoáng, bay bướm, trượng phu, anh hùng, liệt sĩ… bao nhiêu, lại khe khắt bấy nhiêu khi nói chuyện đàn bà ? Một hành xử lạ lùng đối với phụ nữ - mẹ của thế gian. Khổng giáo chăng ? Mặc cảm tội lỗi nơi vườn địa đàng chăng ? Dù gì thì gì, tính bình đẳng đã mất khi nhìn sự vật. Huống chi giai nhân trong bài thơ chỉ là hình ảnh mà thất tình chưa va chạm !



Đâu là chỗ “khẩu khí thiền sư” mất đi ở bài thơ trên ? Chiếc máy ảnh có khẩu khí chăng ? Máy rà quay và thu ghi. Người thi sĩ, ngoài cái nhìn và sự thu ghi còn thở phà chất sống vào sự vật khiến lung linh hơn cảnh thật. Điểm quan yếu của bài thơ không chỉ là giai nhân, mà cái người thơ thấy được nụ cười giữa sấm chớp, sự lặng thinh giữa trống chiêng. Hoa tử kinh rộ nở, hương sắc bồn chồn khiến hoàng oanh rộn rã líu lo. Lúc đó xuân đến. Người đẹp dừng kim, tác động trọng đại giữa hai thời biến dịch, lúc giao mùa, khi mê chuyển sang ngộ. Đón xuân ý bao la, vô hạn trên bến không-thời. Một bong bóng nước vừa nổ, òa vào hư không xanh. Tan biến nhưng cũng là giải thoát. Lột tả cảnh ngộ này chỉ biết cậy nhờ vô ngôn. Dù vô ngôn tập đại thành muôn nghìn xướng ngôn trước đó - trái chín sau những mùa hoa kết tụ.



Ý móng dậy từ cảnh xuân. Ý đem người về đâu ? Về mộng tưởng, vọng tưởng, ảo tưởng hay biến hóa vào chốn không lời : Vô ngôn, để sự vật tự nhiên biểu hiện ? Giai nhân, hoa tử kinh, tiếng oanh hót là những bóng hình xuân, tức ý xuân dậy ở câu ba. Nhưng rồi mọi khái niệm xả bỏ nơi vô ngôn ở câu bốn. Vô ngôn là tiếng nói của tư tưởng, thể hiện trong thơ bằng mũi kim ngừng, bằng làn môi không nói. Cùng một sự xuân, mà hoa khoe sắc, chim líu lo, nhưng giai nhân lại im môi. Đây là chỗ diệu kỳ của thơ.



Tuy nhiên điều cần đính chính là bài thơ trên không phải của sư Huyền Quang, đệ tam tổ dòng thiền Trúc Lâm của Việt Nam . Dù được nhà bác học Lê Quý Đôn và nhà phê bình Lý Tử Tấn đời Lê, hay bộ Việt Âm thi tập của Phan Phu Tiên nhắc tới như thơ của sư Huyền Quang. Thực tế bài trên là của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân trước tác, người Trung quốc ở đời Tống. Bài thơ này được học trò của thiền sư là thiền sư Lôi Am Chính Thọ ghi lại trong bộ Gia Thái Phổ Đăng lục. Nhân một hôm thượng đường nói về con chó có Phật tính hay không mà Ảo Đường Trung Nhân phát ra bài thơ ghi dưới tên “Vô Đề”, chứ không phải là “Xuân Nhật tức sự”.



Phải chăng sư Huyền Quang nhắc tới bài thơ Vô Đề, trước tác bên Tàu một trăm năm trước, qua những lần thuyết pháp, giảng thiền, nên sau này đệ tử sao chép tưởng là thơ của thầy mình. Rồi văn học sử Việt Nam cứ lầm lẫn chép theo.



Nhưng đây chỉ là vấn đề xuất xứ văn bản. Chứ đi vào ý thơ, thì Huyền Quang hay Ảo Đường Trung Nhân, thơ vẫn là thơ của người có tâm thiền.



Nhờ có tâm thiền nên không phân biệt, trân trọng và bình đẳng với mọi sự mọi vật. Đa số thơ Việt Nam thời trung đại thường vắng bóng người phụ nữ. Bài trên đã tưởng là của sư Huyền Quang để khẳng định sự bình đẳng giới tính. Song không vì vậy mà thơ Lý Trần thiếu đi. Người thơ có tâm thiền như vua Trần Nhân Tông, cũng là nhà sư và Tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm, không quên thân phận người phụ nữ trong bài “Khuê oán” :



Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng

Hoàng ly bất ngữ oán đông phong

Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại

Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông

nghĩa là :

Thức mình cuốn cửa ngắm cành hồng

Biếng hót oanh buồn oán gió đông

Lầu tây chiều xuống buông hờ hững

Bóng hoa cành ngọn lả phương hồng



Nỗi oán hận buồn thương của người ở phòng khuê thật man mác. Những phi tần không được vua sủng ái. Họ sống bằng nỗi trông chờ như bóng hoa đầu cành hướng phía mặt trời. Thơ bật lên nỗi oán, mà cũng là mối bi thương liên đới của người làm thơ. Nếu chưa tri kỷ, cũng đã tương liên với nỗi khổ con người và là người phụ nữ.



Bao lâu còn những tấm lòng thiền, thơ thiền còn chan chứa. Thơ thiền không giới hạn, trùng trùng như hoa xuân, như rừng lá, như sóng dội. Ta hãy đọc thơ trong cái toàn thể, qua niềm gợi hứng, giữa các mối tương liên. Đừng lo lý giải, tách bạch nghĩa ý. Ta hiểu gì cái đẹp một màu lá, đóa hoa. Ta hiểu gì nét mặt một con người.



Đọc thơ thiền như kẻ vào rừng phong lan. Lúc về quần áo đẫm hương, người lâng lâng, lòng thênh thái. Cần chi tách bạch một làn hương, hái hoa thành bó. Khiến người có tâm thiền như sư Huyền Quang cười ta từ bảy thế kỷ trước :



Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ

Mãn đầu tùy đáo tháp qui lai

nghĩa là :

Cười ai không rõ hoa mầu nhiệm

Hái giắt đầy đầu trở lại nhà.



Những gì ngắt đi từ sự sống, sự sống sẽ mất.



Thi Vũ

Paris, 1.1.1988,

bổ chính Mồng Một Tết Kỷ Sửu 2009


[1] Ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành xứ diệt.



Thi Vũ là bút hiệu của nhà tranh đấu Nhân Quyền Võ Văn Ái. Ông chủ trương tạp chí Quê Mẹ ở Paris từ năm 1977 đến nay



http://www.gio-o.com/ThiVu.html



© gio-o.com 2009



1 comment:

  1. Bài viết hay được thể hiện qua từng câu chữ độ chau chuốt được trải dài

    Key : vinaphone khuyen mai - nap tien dien thoai - nap the zing - khuyen mai vinaphone

    ReplyDelete