Pages

Monday, March 2, 2009

THÔNG TIN PHẬT GIÁO


********
Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
International Buddhist Information Bureau
Bureau International d'Information Bouddhiste
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex ( France ) - Tel.: ( Paris ) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : ubcv.ibib@buddhist.com

Web : http://www.queme.net
*******************************************************************************

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 2.3.2009

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ phản ứng lời tuyên bố về nhân quyền của Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi gặp bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ đến thăm – Hàng trăm nhân sĩ quốc tế đề cử Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình 2009 – Chùa Ba La Mật của Hòa thượng Thích Nhật Ban lại bị đàn áp, cướp giật

PARIS, ngày 2.3.2009 ( PTTPGQT ) - Trong một tiếng rưởi đồng hồ sáng ngày thứ sáu 27.2.2009, bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tòa Tổng lãnh sự Hoa kỳ đã đến vấn an và trao đổi về tình hình Việt Nam và Phật giáo với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon.

Đặc phái viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã làm cuộc phỏng vấn Hòa thượng về cuộc gặp gỡ này, và phát đi trong chương trình buổi sáng thứ bảy vào lúc 6 giờ 30 sáng. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin chép lại nguyên văn cuộc phỏng vấn ấy dưới đây.

Hai điều quan trọng mà Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trình bày với bà Bennett là không hài lòng với lời tuyên bố vừa qua của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Bắc Kinh xem nhẹ vấn đề nhân quyền trong quan hệ ngoại giao Trung Mỹ. Và nói lên quá trình thất bại của Nhà cầm quyền Hà Nội trong 6 bước tấn công nhằm tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất qua các năm 1977, 2000, 2005, 2006, 2007 và 2008.

Sự thất bại thảm não nhất khi Hà Nội sử dụng lá bài Sư Ông Nhất Hạnh và hai năm qua dùng chiêu bài “Về Nguồn” của nhóm các Sư ở Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ và Châu Úc. Xin mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây :

Ỷ Lan : Kính chào Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Được biết bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ vừa đến vấn an Hòa thượng tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon. Kính xin Hòa thượng hoan hỉ cho thính giả được biết sự kiện này và Hòa thượng đã nói gì khi gặp gỡ ?

Hòa thượng Thích Quảng Độ : Chào cô Ỷ Lan, lúc 9 giờ ngày hôm qua tức ngày 26.2.2009, bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon có đến thăm tôi ở Thanh Minh Thiền viện. Sau khi chào hỏi và trao đổi mấy câu có tính cách xã giao thường lệ, tôi bắt đầu ngay vào vấn đề chính mà tôi muốn trình bày trong cuộc gặp gỡ đúng lúc này.

Đó là vấn đề lời tuyên bố của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Bắc Kinh ngày 21.2.2009, rằng Hoa Kỳ sẽ không để vấn đề Dân chủ, Nhân quyền gây ảnh hưởng và cản trở bước phát triển trong mối quan hệ song phương giữa Trung quốc và Hoa Kỳ.

Tôi nói với bà Bennett rằng, khi tôi nghe lời tuyên bố ấy tôi có cảm tưởng như người Việt Nam thường nói, bị dội gáo nước lạnh lên đầu. Như vậy tôi hiểu từ nay Hoa Kỳ sẽ coi vấn đề Dân chủ, Nhân quyền là thứ yếu trong chính sách ngoại giao, và vấn đề kinh tế, thương mải tức vấn đề làm ăn được đặt lên hàng đầu. Điều chúng tôi quan ngại là lời tuyên bố trên đây của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton không những rất bất lợi đối với những nhà đang tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Trung quốc mà còn rất tai hại cho những người đang cố gắng hết sức mình bất chấp khó khăn, tù ngục, đọa đày, ngay cả mạng sống, đấu tranh để vứt bỏ gông cùm xiềng xích của các chế độ độc tài toàn trị, độc tài quân phiệt ở Việt Nam, Tây Tạng và Miến Điện. Bởi vì bản chất các chế độ độc tài ở đâu cũng giống nhau. Rồi đây các chính quyền phi pháp, tàn bạo ở các nước nói trên sẽ thẳng tay đàn áp, bắt bớ, bỏ tù những người đấu tranh đòi quyền sống, quyền làm người, tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Vì chẳng còn chướng ngại nào trên con đường áp bức của họ.

Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, bà Katia Benneth phản ứng ra sao trước lời phê bình của Hòa thượng ?









HT. Thích Quảng Độ :
Sau đó thì bà Bennet cũng có cố gắng biện minh. Bà nói rằng là ở Bắc Kinh bà ấy cũng có nói như thế, tuyên bố như thế. Nhưng mà trong các cuộc họp riêng tư, các cuộc phỏng vấn, bà vẫn cứ đặt vấn đề dân chủ, nhân quyền hàng đầu. Đó là chính sách của Hoa Kỳ, chính sách truyền thống của Hoa Kỳ. Và nhất là bà đưa bản Tường trình về Nhân quyền trên toàn thế giới trong ấy có Việt Nam của Bộ Ngoại giao mới phát hành hôm qua hôm kia gì đó. Bà có nói để chứng minh rằng trước sau như một, Hoa Kỳ vẫn lấy vấn đề dân chủ và nhân quyền làm căn bản. Trong chính sách ngoại giao thì tôi cũng hiểu bà cố nói để biện minh vậy thôi. Chứ còn không thể nào làm hơn.

Nhưng tôi có nói với bà, tôi thưa thật tôi thấy vấn đề ấy nó hơi quan trọng liên quan đến người Việt Nam chúng tôi, cho nên tôi nói thế thôi. Chứ thực ra tôi cũng ý thức rằng, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự người Việt Nam chúng tôi phải lo lấy. Còn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, của Liên Âu, bất cứ gì ở bên ngoài, đó chỉ là phụ thôi. Theo nhà Phật cái nhân là chính, cái duyên là phụ. Tuy nhiên cái phụ cần phải có thì cái chính, cái nhân mới phát triển được. Chẳng hạn hạt thóc mà vứt xuống ruộng thì cũng phải nhờ gió, nhờ nước, nhờ đất tốt thì nó phát triển. Thì chúng tôi cũng vậy, nhân quyền thì chúng tôi tranh đấu, đòi hỏi. Nhưng dưới chế độ độc tài toàn trị thế này rất là khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ truyền thông bên ngoài thì không ai biết đến. Do đó chúng tôi hy vọng ở Hoa Kỳ nói riêng, và các nước dân chủ tiên tiến nói chung trên thế giới, nhất là Liên Âu, hỗ trợ chúng tôi. Tôi có nói an ủi bà như thế, chứ bà cũng tỏ ra buồn, vì bà Ngoại trưởng đã phát biểu rồi. Người Việt Nam thì nói sẩy chân còn đỡ được, sẩy miệng khó đỡ lắm ! Cổ nhân Việt Nam hay là Trung quốc ngày xưa cũng thế, trước khi nói phải uốn lưỡi ba lần mới nói là vì thế.

Ỷ Lan : Bà có hỏi thăm việc gì khác hay Hòa thượng có trình bày gì thêm về vấn đề Việt Nam hay Phật giáo, bạch Hòa thượng ?

HT. Thích Quảng Độ : À có. Có vấn đề về Phật giáo và Giáo hội. Bà có hỏi qua tình hình Giáo hội như thế nào. Tôi nhân tiện [dịp] này cho bà biết luôn là kể từ năm 1975, Cộng sản vào cưỡng chiếm Miền Nam thì họ đã đặt thành chính sách. Hiển nhiên họ không thể chấp nhận tôn giáo tồn tại song song với chế độ Cộng sản. Nó như nước với lửa không thể dung hợp được. Nhưng cái đàn áp tiêu diệt ngay vào 12 giờ ngày 30.4.75 họ đã chủ trương tiêu diệt cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GH PGVN TN) trước tiên. Đấy là chính sách hàng đầu vủa họ.

Chính thức là từ 1977 họ chỉ dùng… bắt bỏ tù, lưu đày để tiêu diệt GH PGVN TN.

Từ 2000 trở đi, thì họ không còn thể bỏ tù, tù giam. Họ dùng cái loại gọi là quản chế bằng miệng thôi, khẩu lệnh, không văn kiện gì. Như biến nhà tù chỗ tôi đang ở hiện giờ. Phòng tôi là phòng tù đây này. Nhưng mà là nhà chùa. Biến chùa thành tù, giam là giam lõng đây. Cho đến bây giờ đi đâu công an đi theo. Bây giờ bên kia đường vẫn có công an ngồi thường trực ngày đêm. Mỗi tháng một lần đi tái khám bệnh, họ đi theo.

Chứng tỏ như thế họ thất bại về việc tù đày, quản chế, lưu đày, không thành công, không tiêu diệt được GH PGVN TN. Cho nên họ lại dùng lại lá bài “lấy gậy ông đập lưng ông”. Bắt đầu từ 2005, đầu tiên là họ dùng một số các vị, nhất là Hòa thượng Nhất Hạnh ở nước ngoài về, đưa ra cái chiêu bài gọi là “hòa hợp hòa giải” mà họ tin là Hòa thượng Nhất Hạnh có khả năng làm chuyện đó. “Hòa hợp hòa giải” ấy, tức là ngồi vào hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Giáo hội Nhà nước ngồi với nhau. Thế nhưng cái Giáo hội Nhà nước mà hòa nhập vào đấy, thì coi như chỉ làm tay sai thôi. Thành ra Giáo hội [chúng tôi] lúc đó cũng không hưởng ứng. Cái về nước của Hòa thượng Nhất Hạnh cũng không thành công.

Đến 2006, họ lại đưa ra chiêu bài nữa, không “hòa hợp hòa giải” mà lập cái Tổng Giáo hội mới, trong đó cũng có GH PGVN TN. Nhưng Giáo hội [chúng tôi] cũng không tham gia. Lại cũng không thành công.

Rồi đến 2007, họ đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất dùng người mình, dùng sư trong Giáo hội [chúng tôi] đưa ra chiêu bài nếu mình xin đăng ký thì họ sẵn sàng cho phép để sinh hoạt. Nhưng Giáo hội [chúng tôi] cũng không đăng ký vì có pháp lý rồi. Đâu có phải đăng ký mà đi xin. Phương án thứ hai họ cho sinh hoạt công khai nhưng với điều kiện không có Hòa thượng Huyền Quang và không có tôi. Hai phương án này không thành.

Rồi phương án 2008 vừa rồi là quan trọng nhất, lớn nhất, mà vụ này có thể tiêu diệt GH PGVN TN một cách dễ dàng. Đó là phong trào “Về Nguồn”. Họ dùng ba số Sư ở hải ngoại, Âu châu, Úc châu - Tân Tây Lan rồi Canada . Họ lấy danh nghĩa GH PGVN TN Hải ngoại. “Về Nguồn” tức về tổ chức Lễ Phật Đản ở Hà Nội. Cả Hòa thượng Nhất Hạnh và các vị về đông lắm. Dự định họ thế. Nhưng đấy cũng là cách để về mà tuyên bố ly khai với GH PGVN TN. Coi như công khai, thì họ chắc cách đó dễ xóa bỏ danh nghĩa GH PGVN TN.

Nhưng may ra Đức Tăng thống đã ra Giáo chỉ số 9 chặn được phong trào đó, lại thoát nạn được cái đó. Tôi nói với bà Bennett làm như vậy Cộng sản chưa phải họ đã chấm dứt mưu toan tiêu diệt GH PGVN TN đâu. Tôi cam đoan với bà ấy, chừng nào còn Cộng sản thì Giáo hội chúng tôi không có hy vọng sinh hoạt bình thường như trước 1975 đâu. Không bao giờ ! Trừ sinh hoạt được là phải làm tay sai cho họ. Cuối cùng lại phải đi bằng đầu gối, gục mặt xuống. Họ bảo làm gì thì làm cái ấy, thì được. Sẵn sàng lắm, họ mong thế lắm.

Nhưng chúng tôi không thể làm thế được, thì chưa biết rằng cái hình 2008 họ dùng cái Vesak như thế, cái “Về Nguồn” như thế là đã thất bại rồi. Còn chưa biết từ nay trở đi họ dùng chiêu bài gì nữa.

Như vậy tóm lại, là Giáo hội trong mấy chục năm qua vượt bao nhiêu cái khó khăn mà giữ được cái danh nghĩa cho đến bây giờ. Biết trước được họ dở cái trò gì, cái kế hoạch gì, thì mình liệu để mà vượt qua thôi. Chứ còn cái đầu hàng làm thân trâu ngựa phục vụ cho Đảng Cộng sản thì không bao giờ chúng tôi làm cái đó. Tôi có nói với bà Bennett như vậy.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Hàng trăm nhân sĩ quốc tế đề cử Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình 2009

Hàng trăm nhân sĩ quốc tế, giáo sư Đại học, bộ trưởng, trong số có nhiều Thượng nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội Liên Âu, Ý, Hoa Kỳ, Pháp… Đặc biệt năm nay có rất nhiều vị Bộ trưởng, Giáo sư đại học hay Dân biểu tại các quốc gia Đông Âu, như Albania , Croatia , Kosovo, v.v…

Mỗi lần Hòa thượng được quốc tế hậu thuẫn và đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình, thì cứ y như rằng, có ngay phản ứng từ báo chí Công an Hà Nội cho đến bọn khuyền mã của cộng sản đội danh Phật giáo hải ngoại viết bài vu hãm Hòa thượng “vì danh lợi mà đeo theo Giải Nobel”. Chúng không biết rằng có muốn “đeo theo” cũng không được. Vì Giải Nobel Hòa bình do các nhân sĩ quốc tế tự ý đề cử , khi họ cảm nhận uy thế và hùng lực của bậc Cao tăng Việt Nam không ngừng ưu tư cho quyền sống, quyền con người cho 85 triệu dân theo tinh thần Vô úy, Từ bi cứu khổ cứu nạn của truyền thống hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam.

Trả lời sự vu hãm, bôi nhọ của Cộng sản Hà Nội và bọn khuyển mã đội lốt Phật giáo hải ngoại, tưởng không gì bằng đọc một số lời tuyên bố tiêu biểu của các hiền nhân quân tử trên thế giới.

Trước hết là lời Chúc Xuân mới đây của ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto, Vương quốc Na Uy :

“Nhân danh Sáng hội Rafto ở Vương quốc Na Uy, Thérèse và tôi xin gửi thông điệp đoàn kết đến nhân dân Việt Nam đang đấu tranh cho nhân quyền cơ bản. Là cư dân của một xã hội tự do, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm phải nói lên cho những ai đang bị bịt miệng và bị đàn áp. Chính quyền phi pháp và vũ phu ở Hà Nội đang tiếp diễn chính sách đàn áp nhân dân họ, vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quốc tế.

“Chúng tôi biết rõ dũng lược, kiên cường và niềm hy vọng trong tim và trong hồn người dân Việt Nam . Trong những vị anh hùng lớn nhất của nhân loại có Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, là người được Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto năm 2006. Ngài là gương sáng đại biểu cho những giá trị cao sang của nhân loại. Dũng lược, đức hạnh tiêu biểu, và sự tinh tấn kiên trì của Hòa thượng là nguồn hứng cảm cho toàn thể các sắc dân trên địa cầu”.

Bà Thérèse Jebsen, Chủ tịch Điều hành Sáng hội Rafto, Vương quốc Na Uy, thì nói :

“Tôi xin gửi lời Chúc Tết đến tất cả các bạn Việt Nam .

“Vào tháng Ba năm 2007, tôi có niềm hân hạnh vô biên được trực tiếp gặp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại ngôi Thiền viện của Hòa thượng ở Saigon . Buồn thay, cuộc gặp gỡ chỉ xẩy ra trong giây phút ngắn ngủi, vì công an xuất hiện bắt chúng tôi về đồn. Nhưng lòng tôi còn giữ mãi mối xúc động cực kỳ về cuộc trải nghiệm tuyệt diệu, khi được đứng sát gần một trong những tâm hồn cao cả nhất của nhân loại.

“Sáng hội Rafto tại Na Uy mang trong mình sự chiêm ngưỡng đời đời với những nhân vật hy hiến đời họ cho tự do, an lạc, qua cuộc đấu tranh cho nhân quyền và nhân phẩm. Uy lực cuốn hút nhân tâm của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhân cách, và năng lực suốt cuộc đời dài đã đặt Hòa thượng vào vị trí của một trong những người biện hộ xuất chúng nhất cho nhân quyền qua mọi thời đại. Sáng hội Rafto của chúng tôi tại Na Uy tiếp tục hậu thuẫn yêu sách cho dân chủ, tự do và nhân quyền của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và nhân dân Việt Nam ”.

Từ Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Dân biểu Marco Cappato tuyên bố : “Đề cử Giải Nobel Hoà bình cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, chúng tôi không chỉ tôn vinh nhân cách xứng đáng và giá trị mà phần lớn cuộc đời Hoà thượng phải chịu trong vòng lao lý qua bao chế độ, mà chúng tôi còn thừa nhận giá trị chính trị với tính hiệu quả của phương pháp bất bạo động của Hoà thượng như con đường thiện hảo làm thăng tiến dân chủ và nhân quyền”.

Françoise Hostalier, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp, tuyên bố : “Viễn kiến dân chủ của Hòa thượng Thích Quảng Độ vượt khỏi biên giới Việt Nam . Tháng 9 năm 2007, Hòa thượng tỏ tình liên đới với nhân dân và chư Tăng Miến Điện biểu tình đòi hỏi dân chủ, đồng thời Hòa thượng kêu gọi LHQ có hành động ngăn chặn đàn áp bạo động. Nhà cầm quyền Việt Nam đã phản ứng bằng chiến dịch quy mô vu khống, mạ lỵ Hòa thượng”.

Tại Hoa Kỳ quý vị Dân biểu Edward Royce (Cộng hoà), Zoe Lofgren (Dân chủ), Loretta Sanchez (Dân chủ) và Joseph Cao (Cộng hòa) viết rằng : Sự đóng góp cho tự do của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ mang tầm vóc quy mô lịch sử xứng đáng được quý thành viên trong Ủy ban Nobel Hòa bình thừa nhận. (...) Giải Nobel Hòa bình không chỉ vinh danh cho sự dũng cảm đề xướng hòa bình, mà còn công nhận sự chiến đấu âm thầm cho những ai đang hy sinh thân xác hằng ngày nhằm bênh vực nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam hay bất cứ nơi nào khác. (…) Hoà thượng là nguồn khởi hứng cho dân tộc Việt Nam, cho những người Việt sống ở hải ngoại (…) Dù chính quyền Việt Nam có đàn áp đến đâu, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục đấu tranh trong nước để mang lại dân chủ cho Việt Nam. Tôi nghĩ trách nhiệm của những người như chúng ta đang sống ngoài này, là phải tiếp tục hỗ trợ cho những nỗ lực của Hoà thượng.

Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella :

“Đã biết bao năm tôi muốn gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tổng thư ký của Đảng Cấp tiến Liên quốc và Liên đảng chúng tôi là ông Olivier Dupuis đã từng đến biểu tình bất bạo động tại Việt Nam hậu thuẫn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chúng tôi vẫn tiếp tục hậu thuẫn. Nên chúng tôi quyết định đến Saigon để cám ơn Hòa thượng Thích Quảng Độ về cuộc đấu tranh, về chứng nhân và hùng lực của ngài. Chúng tôi đã từng đề nghị Giải Sakharov của Quốc hội Châu Âu cho Hòa thượng Thích Quảng Độ vì chúng tôi đánh giá ngài rất xứng đáng.

i“Nhưng Hà Nội đã sợ. Hòa thượng Thích Quảng Độ đầy dũng lực dù rằng tuổi ngài đã cao. Hà Nội không muốn cho ai gặp ngài để cảm nhận ra hùng lực này. Đúng thế, những kẻ quan liêu ở HàNội sợ chúng tôi đến gặp Hòa thượng. Rồi cũng có lúc chúng tôi đến gặp ngài thôi. Đây là điều chắc chắn. Bởi vì cuộc gặp gỡ liên quan đến di sản của nền văn minh Châu Á, và cũng không riêng gì Châu Á. Đây chính là lý do vì sao chúng tôi đã nêu lên tại Quốc hội Châu Âu và Quốc hội Ý vấn đề tự do ở Việt Nam . Tự do cho tất cả mọi người, và tự do tôn giáo, là điều rất quan trọng tại Việt Nam : tự do tôn giáo.

“Phải nói rằng, đôi lúc chúng ta lâm cảnh tuyệt vọng trong cuộc đời tranh đấu của chúng ta. Những lúc ấy chúng ta phải tự nói với chính chúng ta, và tôi tin rằng Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng tự nói như vậy. Đó là, khi cảm thấy không còn một niềm hy vọng nào nữa, thì lời đáp cần thốt lên, là “CHÚNG TA HÃY TỰ MÌNH BIẾN MÌNH THÀNH NIỀM HY VỌNG”. Và như thế, chúng ta không bỏ cuộc”.

Chùa Ba La Mật của Hòa thượng Thích Nhật Ban lại bị đàn áp, cướp giật

Viện Hóa Đạo vừa chuyển đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bản Tường trình viết ngày 28.2.2009 của Hòa thượng Thích Nhật Ban cho biết sự đánh phá, bao che khủng bố Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Đồng Nai của nhà cầm quyền địa phương.

Chùa Ba La Mật ở Dốc 47, xã Tam Phước, huyện Long Thành, tình Đồng Nai do Hòa thượng Nhật Ban làm trú trì. Hòa thượng cũng là Chánh Ban Đại diện Giáo hội. Thời gian qua, thường xuyên cán bộ xã Tam Phước kết hợp với Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo, Trưởng phòng Công an PA 38 tỉnh, tên Nguyễn Văn Dũng, chỉ đạo cho công an Phan Văn Liệt, Nguyễn Văn Nô và Nguyễn Văn Chức mặc thường phục lai vãng chùa Ba La Mật cùng với hai anh em côn đồ Mai Gia Cử và Mai Chí Cường sách nhiễu, đánh phá chùa qua nhiều hình thức.

Ví dụ như đập phá và hạ bảng “Văn phòng Đại diện GH PGVN TN tỉnh Đồng Nai”. Chúng còn lớn lối nói “ Ủy ban Nhân dân xã chỉ đạo bọn tao, Nhật Ban làm gì được ?”. Vừa qua, tên Mai Văn Cử vào chánh điện chùa cướp thùng Phước Sương trước sự chứng kiến của các Phật tử Đoàn Công Ánh, Huỳnh Tấn Tài và anh Hòa.

Trong mấy ngày Tết, chúng đột nhập chùa đốt 20 lá cờ Phật giáo, phá vỡ 5 cánh cửa kiếng, đập bể 40 chậu hoa. Hiện nay, về đêm chúng vất gạch, đá lên mái chùa gây náo động, khủng bố tinh thần. Hòa thượng Thích Nhật Ban báo trình Ủy ban Nhân dân và Công an, nhưng chẳng bao giờ được xử lý hay bảo vệ.

No comments:

Post a Comment