Pages

Thursday, April 2, 2009

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TRIẾT HỌC


ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Kinh tế toàn cầu suy thoái, từ điểm nhìn triết học
Kinh tế suy thoái trong thập niên mở đầu thế kỷ 21 là một dấu chỉ tiêu cực cho loài người, giữa hỗn độn ngổn ngang những hành động cùng cực phi lý như chiến tranh không mục tiêu , khủng bố diệt chủng, chuyên chính toàn trị (tập đoàn đế quốc đen, trắng, đỏ; ôm bom tự hủy vô vọng, dã man phi cầm thú, cát cứ sinh thái và tài nguyên, kỳ thị chủng tộc và tín ngưỡng, bức tử tư duy và sáng tạo v.v..).
Kinh tế toàn cầu suy thoái là hệ quả của hai vận động: tư bản tài chính và xã hội tiêu thụ. Nhà triết học không làm công việc của chuyên gia chính trị, kinh tế vì bọn người này chỉ lo chuyện chữa cháy nhất thời, vá víu bịp bợm, chỉ nhìn thấy hiện tượng, không đào sâu bản chất.


Những hiện tượng đang diễn ra như giao dịch chứng khoán xuống dốc, kinh tế không tăng trưởng, sản xuất trì trệ, ngân hàng suy sụp, thị trường địa ốc phá sản, nạn thất nghiệp gia tăng, bảo hộ mậu dịch có cơ hội thao túng, tài chính ngưng đọng v.v..; một thế giới trên đà tha hóa, nói như triết gia Gabriel Marcel “nous vivons…si cela peut s'appeler vivre…dans un monde cassé/chúng ta sống..nếu có thể gọi được là sống đi..trong một thế giới đổ vỡ”[1].
Tư bản tài chính

Tư bản tài chính thống trị thế giới cách nay một trăm năm đã được một nhà lý luận, Rudolf Hilferding (1870-1943) phân tích trong tác phẩm Das Finanzkapital vào năm 1910 [2].
Tư bản tài chính là khái niệm kinh tế theo định nghĩa của Hilferding: “Tư bản ngân hàng, hay tư bản dưới hình thức tiền, trên thực tế đã chuyển hóa thành tư bản công nghiệp, gọi là tư bản tài chính.”
Việc nghiên cứu kinh tế của Hilferding phản ảnh xu hướng của những người Mác-xít ở giai đoạn Đệ Nhị Quốc tế như Karl Kautsky, Rosa Luxemburg, Bukharin, Lenin, Fritz Sternberg, Eduard Bernstein chung quanh lý luận về khủng hoảng tư bản và hình thành chủ nghĩa đế quốc.

Trong những tác phẩm của họ viết ra vào thời đại bấy giờ, nhằm phát triển và sửa sai lý luận tư bản của Marx cho thích hợp với vận động và chuyển biến xã hội. Das Finanzkapital của Hilferding có ảnh hưởng sâu xa tới nhiều nhà Mác-xít khác, đặc biệt với Lênin trong sách Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản, và cả những nhà kinh tế học khác như Joseph Schumpeter, Emil Lederer vì đã nhìn thấy sự thống nhất lợi ích kỹ nghệ, thương mại và ngân hàng biến hóa chủ nghĩa tư bản tự do, cạnh tranh và đa nguyên thành tư bản tài chính độc quyền. Những phân tích của Hilferding về vận động, diễn biến, trao đổi, yêu cầu, khủng hoảng tư bản ở 1910 đã phản ảnh tình trạng kinh tế suy thoái ngày nay 2009, ở vào thời đại toàn cầu hóa, không phân biệt xã hội tự do hay toàn trị, ở Mỹ, ở châu Âu hay Nga, Trung Cộng.

Nhìn toàn cảnh cuộc khủng hoảng thế giới, những nét chung là:
- Vai trò thiết yếu của đồng tiền
- Tiền trong quá trình trao đổi, vận hành
- Tiền như một phương tiện và tín dụng trong cung/cầu sản phẩm/hàng hóa
- Tiền tập trung trong những tập đoàn mại bản như Wall Street hay Nhà nước Trung Cộng
- Khủng hoảng diễn ra toàn cầu khi mọi người đều muốn bán hàng ra ngay lập tức, song không ai mua, giá cả sụp đổ trong khi sản xuất tồn đọng
- Hiệu quả dây chuyền của phá sản mọi mặt, dẫn tới thất nghiệp đại quy mô, phô bày mặt xấu của thị trường chứng khoán, ngân hàng, đầu tư, sản xuất, nghiệp đoàn lũng đoạn
- Do sự phụ thuộc lẫn nhau trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại, không phân biệt chế độ, khủng hoảng của nuớc này tác động sang nước khác, dẫn tới hạn chế xuất/nhập cảng, dấu hiệu của suy thoái trầm trọng
- Giải pháp kích cầu (chẳng hạn “stimulus” bill) chỉ ra mặt bi đát của xã hội tiêu thụ - một chỉ dấu của văn minh hiện đại
Vấn đề triết lý đặt ra là: nhân loại đi về đâu?

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra phơi bày bộ mặt trái của những thế lực chính trị Nhà nước, những tập đoàn kỹ nghệ, ngân hàng, tài chính cấu kết với nhau, thao túng thế giới dưới mọi hình thức, mà biểu hiện cao nhất và tượng trung nhất, như Hilferding chỉ ra là tư bản tài chính.
Ngay từ thời đại của ông, Hilferding đã nhận thấy “tiến bộ của tập trung công nghiệp đồng hành với sự liên kết gia tăng giữa ngân hàng và tư bản công nghiệp”. Ông cũng nhận ra chủ nghĩa Mác thất bại trong việc không đưa ra một lý luận kinh tế tiên tiến. (phải chăng, ngay sau đó khi những nước xã hội chủ nghĩa hình thành, một cộng sinh quái đản giữa lý luận Marx và Keynes tạo một nền kinh tế hỗn hợp?).


Đề cương lý luận tư bản tài chính của Hilferding gồm 5 phần, từ vấn đề tiền trong quá trình tuần hoàn C-M-C/hàng hóa-tiền-hàng hóa, là phương tiện để trả trong việc mua bán hàng (Hilferding nhận xét: khi chuyện này xẩy ra, hàng hóa và tiền không thiết yếu xuất hiện đồng thời như hai bên của công việc chuyển giao mua bán; phương tiện trả bắt đầu lưu hành khi hàng hóa ra khỏi tuần hoàn; tiền ngừng là một trung gian trong quá trình mà kết thúc một cách độc lập; tiền như một phương tiện trả diễn tả một quan hệ xã hội dấy lên trước khi bắt đầu được dùng) và còn có chức năng tín dụng, tiền đóng vai trò trong việc luân chuyển tư bản công nghiệp, tín dụng công nghiệp và ngân hàng; phần hai khảo sát lưu động của tư bản thông qua trao đổi chứng khoán , hàng hóa, tư bản và lợi nhuận của ngân hàng; phần ba xét quan hệ giữa tư bản tài chính và việc giới hạn cạnh tranh tự do (những cơ chế tư bản như cartel và trust, những độc quyền và ngân hàng của tư bản, chuyển hóa tư bản thành tư bản tài chính, ấn định giá cả hàng hóa thao túng thị trường); phần bốn bàn về những điều kiện chung của mọi khủng hoảng, nguyên nhân khủng hoảng, những điều kiện tín dụng trong chu kỳ thương mại, tư bản tiền và tư bản sản xuất diễn ra trong suy thoái, những biến đổi trong đặc tính của khủng hoảng; phần năm nói về chính sách kinh tế của tư bản tài chính, tái định hướng chính sách, xuất khẩn tư bản, đấu tranh dành lãnh thổ kinh tế, quan hệ giữa các giai cấp trong thời đại tư bản tài chính, xung đột trên những hợp đồng lao động, vô sản với chủ nghĩa đế quốc.


Ở vào thời Hilferding, khi cao trào đấu tranh cho người lao động đang lên, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội như Leszek Kolakowski gọi là thời hoàng kim của chủ nghĩa Mác”, lý ưng Hilferding tin tưởng vào cuộc cách mạng vô sản như Rosa Luxemburg, Panneloek và giới cánh tả Tây Âu khác. Tác phẩm của ông có một ảnh hưởng lớn trong sự phát triển của chủ nghĩa Mác hơn bất kỳ sản phẩm nào khác của trường phái Áo cùng thời khác. Mặt tích cực của ông là chỉ ra tầm quan trọng của tách rời sở hữu tư bản với quản lý sản xuất, làm nổi bật vai trò có ý nghĩa sâu sắc của người quản lý và kỹ thuật. Khái niệm tư bản tài chính của ông có tầm viễn kiến của những trào lưu hậu Mác về tập trung tư bản của kinh tế toàn cầu ở thời đại mới. Mặt hạn chế của Hilferding là nằm trong quỹ đạo hệ tư tưởng Mác, cho nên vẫn tin tưởng là tập trung tư bản sẽ dẫn đến lưỡng cực giai cấp tư sản/vô sản và vào giai đoạn tột cùng của đối kháng giai cấp, giai cấp vô sản công nghiệp sẽ tiêu diệt thế giới tư bản.


Herbert Marcuse nửa thế kỷ sau đã khai triển vấn đề nhân sự quản lý và kỹ thuật trong thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ xã hội kinh qua giai đoạn hệ thống quan liêu bàn giấy lên giai đoạn tự quản trị kỹ thuật. Vấn đề tranh biện là liệu có một cuộc cách mạng quản lý, sự phát triển guồng máy làm nổi lên một giai cấp xã hội mới nhà quản lý thống trị xã hội, thiết lập một trật tự chính trị-kinh tế mới? Hoặc có một giai cấp “công nhân quý tộc” sinh ra do lợi nhuận thặng dư/surplus profit, như Hilferding đã nhận xét sự phối hợp hài hoà lợi ích giữa chế độ quan liêu nghiệp đoàn và tư bản độc quyền?[3] Những biến chuyển ở nửa sau thế kỷ 20 trong đối kháng ý thức hệ giữa hai khối cũng đặt lại hướng định mới là những lý luận về hội tụ/convergence, phải chăng đã đẩy xa những tranh luận ở đầu thế kỷ? Hay trong thời đại kỹ thuật khoa học tiên tiến, vấn đề không ở chỗ đối kháng giai cấp, những ở một chiều kích mới, xã hội tiêu thụ?
Tiền/biểu hiện tự trị của quan hệ trao đổi hay tiền/vật hóa của hình thái hiện hữu chung
Chúng ta đang ở trong một xã hội tiêu thụ. Mọi hình thái “kích cầu” ở từng quốc gia trên trái đất này được coi như phương thuốc cứu hộ nền kinh tế toàn cầu suy thoái, không trừ một nước nào. Nhiều chính phủ sử dụng biện pháp đưa tiền cho dân chúng để tiêu thụ, hầu vực nền kinh tế dậy. Như vậy, vấn đề chủ yếu là tiền, hay hàng hoá, giá trị sử dụng hay giá trị trao đổi?
Rõ ràng vấn đề cấp bách nhất ở những nước dân chủ đại nghị hay ở những nước độc đảng toàn trị cũng là chuẩn chi những khoản tiền khổng lồ để lấy lại quân bình kinh tế chính trị (trừ những nước quái đản như quân phiệt Miến/Myanmar hay cộng sản Bắc Triều tiên, bất chấp kinh tế suy thoái hay nhân dân đói khổ).


Marx trong nghiên cứu tư bản đã viết nhiều trang về tiền [4]“dưới ánh sáng quan hệ tư bản của sản xuất, dựa trên sự phân biệt giai cấp giữa người bán và người mua sức lao động”. Tiền tự bản nhiên không tạo ra mối quan hệ này, mà chính quan hệ này hiện hữu đã làm biến đổi chức năng của tiền vào chức năng tư bản. Marx chỉ rõ hơn là tiền như hiện thân cá thể của lao động xã hội, hình thái độc lập của giá trị trao đổi hiện hữu, món hàng tuyệt đối/als die individuelle Inkarnation der gesellschaftlichen Arbeit, selbständiges Dasein des Tauschwerts, absolute Ware. Quan niệm về tiền của Hilferding khác xa với hướng đi của Marx. Trong Das Finanzkapital có nhiều chỗ ông coi quan điểm của Marx có vẻ hời hợt và ông xác định lý luận của ông, như gíá trị của tiền thực sự được xác định bởi toàn bộ giá trị hàng hoá trong lưu chuyển, giả định vận tốc lưu chuyển không đổi; trái lại giá trị của tiền được xác định bởi điều ông gọi là “giá trị thiết yếu về mặt xã hội trong lưu chuyển. Đến đây rõ rệt là Hilferding đã đi theo hướng của ông, và gặp phản ứng dữ dội của người mác-xít [6].

Kautsky lý giải quan điểm của Hilferding ở đây là coi đo lường thực sự giá trị của tiền là hàng hóa, phủ nhận luật giá trị về hàng hóa-tiền, không coi giá trị của hàng hóa được xác định bởi thời gian lao động thiết yếu về mặt xã hội cần để sản xuất, như vậy là xóa bỏ áp dụng phổ quát luật giá trị. Ông coi lý luận về lưu chuyển thiết yếu về mặt xã hội của Hilferding thay thế quan niệm tiền-hàng hóa như một đo lường giá trị không có giá trị, chỉ là một trò hàn lâm. Quan điểm của người mác-xít nhằm chứng minh thích đáng của lý luận giá trị lao động thay vì lý luận về tiền, bởi nếu không, lý luận về tình trạng vô chính phủ của sản xuất hàng hóa là một trong những nhân tố chỉ ra sự sụp đổ của nhà nước và xã hội tư bản không có cơ sở thuyết phục. Thực tế chỉ ra viễn kiến của Hilferding khi nhìn ra khả năng điều hòa lưu chuyển hàng hóa qua những ngân hàng trung ương, qua tư bản tài chính.


Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có thể gọi là khủng hoảng tài chính, hiện ra những nét rõ rệt như Hilferding mô tả trong tác phẩm của ông. Sự sụp đổ của những cơ sở tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, vai trò của tiền nổi bật qua sự cầu cứu chính quyền nhiều nước can thiệp (xin, cho vay, mua v.v..). Tiền như vậy không phải chỉ có những chức năng về mặt kinh tế, như thể đơn vị trao đổi, thanh toán và dự trữ giá trị, tiền còn có những chức năng về mặt xã hội, tâm lý v.v.. nói khác đi, toàn bộ những ý nghĩa triết lý mà một nhà tư tưởng đồng thời với Hilferding đã khai phá: Georg Simmel trong tác phẩm Triết học về tiền/Philosophie des Geldes, 1900 [6]. Tiền lần đầu tiên trở thành một đối tượng nghiên cứu triết lý như những vấn đề trừu tượng thường gặp trong triết học (tinh thần, ý thức, tri giác v.v..) mà Simmel nhằm tranh biện về lưỡng luận cứu cánh/phương tiện và hành động cứu cánh tính của con người. Simmel không giới hạn vấn đề tiền trong những chiều kích kinh tế học, tâm lý học hay xã hội học về tiền, nhưng từ một yếu tố kinh tế, tiền trở thành một “biểu tượng có giá trị vượt thời gian của chính những hình thái chủ yếu của vận động”(Frischeisen-Köhler)[7], “một biểu tượng của thế giới (Karl Joël) trong viễn cảnh một triết học văn hóa, một nhân sinh quan/Lebensanschauung trong định hướng tư tưởng của Simmel.

Chỉ qua phương cách triết học, người ta có thể nghiên cứu ý niệm và cấu trúc của hiện tượng tiền cùng với những hậu quả đối với thế giới nội tâm, sinh lực cá thể, liên hệ số phận của họ, văn hóa nói chung. Nghiên cứu sự kết hợp nguyên lý tiền với sự phát triển và định giá đời sống bên trong hoàn toàn xa lạ với khoa kinh tế học về tiền bao hàm hai mặt tương tác: một là khai phá bản chất của tiền khả tri từ những điều kiện và liên hệ của đời sống nói chung, ngược lại khai phá bản chất và tổ chức của đời sống khả tri từ hiệu tính của tiền. Simmel khẳng định những nghiên cứu này không phát biểu về kinh tế học, mà nhìn từ một quan điểm khác về những hiện tượng đánh giá và mua, về trao đổi và những phương tiện trao đổi, về những hình thái sản xuất và giá trị sở hữu.
Từ quan điểm khác này, tiền là biểu hiện của giá trị trừu tượng/die Darstellung des abstrakten Vermögenswertes. Có thể xác định tiền thể hiện đặc thù của cái chung cho mọi đối tượng kinh tế (Simmel nhắc đến thuật ngữ những nhà Kinh viện thời Trung cổ thường gọi là universale ante rem, hay in re hay post rem) mà nỗi khốn khó chung của đời sống con người ta phần lớn được phản ảnh trong biểu tượng này, nghĩa là khốn khổ vì thường xuyên cần tiền.[8]
Những hiện tượng kinh tế suy thoái hiện diễn ra trên toàn thế giới biểu hiện nhân loại đang khốn khó về tiền. Tôi từng nghe nói ở Tehran xứ Iran, dân chúng khinh thị đồng tiền của họ, vì sáu ngàn Rial mới bằng một Dollar; trong một cuộc biểu tình chống chế độ của Milosovic, đám đông ở Belgrad liệng những đồng Dinar về phía dinh tổng thống để bày tỏ sự giận dữ vì mất niềm tin vào chính phủ cũng như đồng tiền ấy. Tôi từng nghe đồng tiền Việt nam bây giờ một triệu bẩy mới bằng một trăm Mỹ kim (những giao dịch, ngay cả mua vé xem hát, nhẩy đầm cũng quy ra dollar). Khinh khi, giận dữ, hay tự hào tương ứng với những chức năng kinh tế của đồng tiền (trao đổi, thanh toán, dự trữ) mô tả trong kinh tế học, song vượt ra ngoài những gì khảo sát trong kinh tế học, vì phản dội âm vang chính trị, xã hội. Simmel cũng chỉ ra tiền như một tha hóa của hiện hữu trong ý nghĩa triết học, đó là cái khả thị xác định nhất, cái thực tại trong sáng nhất của cách thức toàn hữu trong thế giới thực tiễn, theo đó mọi sự vật nhận được ý nghĩa của nhau và định vị mối quan hệ tương tác của hữu/Sein và tính thể/Sosein.[9]
Tiền trong xã hội tiêu thụ-Ego consumans
Trong những dòng cuối của tác phẩm triết học về tiền 585 trang, Simmel thu tập ý nghĩa của tiền trong nhận xét: tiền là vật sáng tạo của thế giới lịch sử, biểu tượng ứng xử thực tế của mọi sự vật và mối liên hệ đặc thù giữa mọi sự với đồng tiền, cho nên đời sống xã hội càng sa vào kinh tế tiền thì con người càng thấy hiện rõ tính tương đối của hiện hữu trong cuộc đời có ý thức, vì tiền chẳng là gì khác hơn cái hình thái đặc thù của tương đối hiện thân của mọi món hàng kinh tế chỉ thị giá trị cho chúng.
Cái nhìn triết lý tiền ấy có thể soi rọi khúc mắc và những con đường mòn của nền kinh tế suy thoái ngày nay. Tại sao vậy?
Triết học không đi tìm cái nguồn gốc của tiền, đó là công việc của sử học. Tiền thì thời nào cũng vậy, cho dù tiền kim loại hay tiền giấy, từ nét mỹ học trong văn chương: Hương trời sá động trần ai/Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi (Cung oán ngâm khúc), đến nét xã hội học: Một ngày lạ thói sai nha/Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền (Truyện Kiều). Rõ ràng là ngoài ba chức năng kinh tế của tiền, phải nói đến những chức năng phi kinh tế.


Song điểm nóng nhất của thời hiện đại là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến chính sách kích cầu không chỉ quanh vấn đề tiền, mà cái nó hiện thân là đối tượng kinh tế: hàng hóa, sản xuất, tiêu thụ, thị trường, lao động xét ở trong thực chất của thế giới lịch sử - như từ Simmel nói đến ở trên.
Xã hội ngày nay trong thời kỳ được mệnh danh (như nhiều nhà triết học, xã hội học cùng đồng ý) là xã hội tiêu thụ. Qua những giai đoạn phát triển của thế giới, từ khoa học kỹ thuật tiên tiến, bước sang giai đoạn tiêu thụ (khi khu vực dịch vụ bành trướng so với những khu vực kia) - giấc mộng không tưởng của ngay những người như Marx mơ ước hình ảnh con người khi tiến tới xã hội cộng sản là lao động ít, nhàn tản, sáng hóng mát chiều đi câu.


Về mặt thực tiễn, ngay vào thời Chiến tranh Lạnh, tranh biện ý thức hệ sôi nổi là mọi vận động kinh tế chính trị dẫn về hội tụ - điều mà người Mác-xít cực đoan hoàn toàn chống đối vì lý luận ấy cũng nguy hiểm không khác chủ nghĩa xét lại, nó làm lay động đến nền tảng cơ bản của chế độ - song đã thành hiện thực, cùng với sự sụp đổ của khối XHCN Liên xô và những nước vệ tinh chung quanh. Sự hình thành khối Liên hiệp châu Âu là một thực thể khác. Đồng tiền Euro xuất hiện và lưu hành trên hết là một biểu tượng của một châu Âu thống nhất.

Chuyển dịch quá độ tới thống nhất tiền tệ này theo hiệp ước Maastricht dựa trên 5 tiêu chuẩn hội tụ để một nước hội đủ điều kiện trở thành một thành viên của khối Liên hiệp này là:
1/ Tỷ lệ lạm phát của quốc gia không được quá 1.5% cao hơn mức trung bình của ba tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong hệ thống tiền tệ châu Âu
2/ Tỷ lệ lãi suất dài hạn không được quá 2% cao hơn mức trung bình của ba quốc gia có lạm phát thấp
3/ Không kinh qua phá giá trong hai năm trước khi bước vào Liên hiệp
4/ Thâm thủng ngân sách chính phủ không được cao hơn 3% GDP/tổng sản phẩm quốc nội
5/ Nợ của chính phủ phải không được vượt mức 60% GDP


Những tiêu chuẩn ấy có phản ảnh một xã hội mà Galbraith gọi là xã hội giàu có/affluent society?
Cuộc khủng hoảng ngày nay phá hủy niềm lạc quan về một xã hội trù phú ở thời đại của những quốc gia công nghiệp mới, lật nhào dãy luận lý về sự tăng trưởng kinh tế dẫn đến xã hội trù phú tất yếu dẫn đến một nền dân chủ. Tại sao vậy? Sản xuất của cải vật chất, nghĩa là tính sản xuất công nghiệp kinh tế không diễn ra cùng nhịp với sản xuất nhu cầu vốn là chức năng thuộc về luận lý và sai biệt xã hội. Cho nên xã hội có mức tăng trưởng kinh tế như một đối nghịch với xã hội trù phú, một đằng tăng trưởng đòi hỏi tập trung công nghiệp để gia tăng sản xuất của cải vật chất, một đằng lực lượng lao động đổ xô về thành thị gây ra việc tập trung dân cư làm nổi lên vô hạn nhu cầu.


Bức tranh toàn cảnh xã hội diễn ra những mâu thuẫn, không phải mâu thuẫn giai cấp mà là người giàu/người nghèo, nước giàu/nước nghèo, của cải vật chất xa xỉ/nhu yếu quan trọng cho đời sống. Đó là những nét lớn nghịch lý, chưa kể đến những yếu tố cơ bản khác, như tính hiếm (là một trong những nguyên nhân tạo ra hai mặt, một đằng kích thích sản xuất, mặt khác tạo sức ép xung đột), sức mạnh quân sự-chính trị, tham vọng bành trướng, ý đồ cát cứ v.v.. cho nên sau mỗi đại khủng hoảng thường là chiến tranh. Nhưng, trước hết như đã nói ở trên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày nay đang diễn ra trong thời đại xã hội tiêu thụ [12]. Thế nào là tiêu thụ?


Jean Baudrillard (1929-) trong tác phẩm La Société de Consommation xác định tiêu thụ trở thành tâm điểm của cuộc sống, nắm giữ toàn thể cuộc đời, ở đó mọi hoạt động liên hợp với nhau trong cùng phương cách liên hợp. Ở tác phẩm trước Le Système des Objets tiêu thụ được coi như một cách thế tích cực của quan hệ, không chỉ riêng sự vật mà cả tập thể và thế giới, một cách thế sinh hoạt có hệ thống và đáp ứng toàn cầu xây dựng lên hệ thống văn hóa của chúng ta. Lấy một ví dụ cụ thể, cái máy rửa chén phục vụ như một đồ dùng song đóng vai trò như một yếu tố của tiện nghi và uy thế - chính cái lĩnh vực uy thế, tiện nghi này là phạm vi của tiêu thụ. Baudrillard khẳng định: “Xã hội của chúng ta ngày nay nghĩ và nói như một xã hội tiêu thụ mà trường sở tiêu thụ là một trường sở xã hội đã được cấu trúc hóa - cho nên mọi sản phẩm trên thị trường ngày nay không phải để đáp ứng nhu cầu thực dụng của con người mà nằm trong quy hoạch cấu trúc trong mạng lưới sản xuất: từ những thứ như xe hơi, TV, đồ dùng phòng tắm v.v.. đến những thiết bị thông giao như Cell phone v.v..đổi mới theo thời thượng cùng với tinh vi kỹ thuật.

Nếu ở đầu thế kỷ XX, Simmel đã nói đến phong cách sống/der Stil des Lebens trong Triết học về tiền để chỉ ra sự thiếu cá tính/Charakterlogsikeit và vật hóa/Verdinglichung của tiền, Baudrillard vào cuối thế kỷ này cũng nói đến phong cách sống của người tiêu thụ trong chọn lựa căn bản, vô thức, tự động là chấp nhận phong cách sống của một xã hội đặc thù - mà ông nghĩ như vậy không còn là chọn nữa. Con người tiêu thụ/Ego consumans đã có một gói kiện tiêu chuẩn/standard package, nghĩa là toàn bộ những của cải và dịch vụ tạo thành tư sản cơ bản (chẳng hạn, lối sống kiểu Mỹ/American way of life), thực ra không phải để chỉ tính vật chất của tư sản, nhưng một lý tưởng giống nhau, đồng bộ. Thoạt nhìn ngoài mặt có vẻ bình đẳng như khẩu hiệu “hưởng theo nhu cầu” như quan niệm của Galbraith nhu cầu thực tế là kết quả của sản xuất, song Baudrillard phản bác quan niệm này khi nhấn mạnh, sự thực không phải như vậy mà cả “hệ thống nhu cầu là sản phẩm của hệ thống sản xuất. Một đằng, Galbraith muốn hiểu theo nghĩa là những tổ chức kinh doanh sản xuất ra những của cải vật chất hay dịch vụ, đồng thời sản xuất mọi phương tiện khuyến dụ để những món hàng này được chấp nhận, như vậy là đã sản xuất theo căn bản nhu cầu tương ứng. Một đằng Baudrillard coi đó là một thiếu xót tâm lí: nhu cầu trước tiên đặc thị chặt chẽ liên hệ với những đối tượng nhất định và tâm lý của người tiêu thụ rốt cuộc chỉ là một danh mục hay kính mặt hàng. Thực ra người tiêu thụ có thể chống lại những mệnh lệnh như vậy, những quảng cáo không phải là toàn năng mà nhiều khi có phản ứng trái ngược. Theo Baudrillard, hệ thống nhu cầu trong cấu trúc kỹ thuật ngày nay là những sản phẩm như thể lực tiêu thụ, như thể tùy dụng toàn cầu trong khuôn khổ bao quát hơn của những lực lượng sản xuất. Trong xã hội tiêu thụ trong cấu trúc kỹ thuật đó, trật tự sản xuất tạo ra máy móc sản xuất (hệ thống kỹ thuật khác biệt hẳn công cụ cổ truyền), tư bản sản xuất hợp lý hóa, lực lượng lao động được trả lương và hệ thống nhu cầu là những sản phẩm coi như những thành tố của hệ thống khác biệt triệt để với lạc thú và thỏa mãn, không còn là quan hệ của một con người với một đối tượng.
Nghịch lý trầm trọng trong xã hội tiêu thụ ngày nay là cái hệ thống nhu cầu ấy tương ứng với một hệ thống sản xuất ra những của cải vật chất hàng hóa xa xỉ, không phải những nhu cầu căn bản, hợp lý” thuộc về giáo dục, văn hóa, y tế, giao thông, giải trí, mà những nhu cầu của tăng trưởng như xe hơi, phát triển đường cao tốc, nghĩa là những nhu cầu của hệ thống (không cần lấy xã hội Mỹ, Tây Âu, lấy ngay xã hội Trung Cộng hiện tại làm điển hình). Xã hội tăng trưởng trở thành một xã hội sản xuất ra những đặc quyền, như nói đến đặc quyền là hàm ngụ bần cùng, thiếu thốn.
Cho nên về mặt cấu trúc, đặc quyền và thiếu thốn gắn bó với nhau. Mọi nỗ lực “kích cầu trong cuộc kinh tế toàn cầu suy thoái hiện nay là một diễn tập của mâu thuẫn và nghịch lý. Mâu thuẫn ở chỗ khuyến khích không giới hạn việc tiêu thụ cá nhân đồng thời lại kêu gọi vô vọng tới trách nhiệm tập thể và đạo lý xã hội.
Những nghịch lý hiện thực: hàng tỉ dollar đổ vào cho tập đoàn bảo hiểm AIG để nhóm đầu xỏ quản trị chia nhau bổng lộc phúc lợi, đổ vào những tập đoàn sản xuất xe hơi để bọn nghiệp đoàn và công nhân quý tộc vẫn tiếp tục thao túng trong khi xe hơi Mỹ thể hiện đúng câu khó bán hơn là chế tạo ra/devenues plus difficiles à vendre qu'à fabriquer; những cửa hàng One Dollar hay 99 cents mọc rầm rộ khắp nơi để bán những món bách hóa nhập cảng từ Trung Cộng nuôi béo bọn tư bản đỏ (trong khi dân lao động vẫn bần cùng trong một xứ sở nhân mãn - nếu tẩy chay hàng Tàu, triệu triệu dân đen Trung quốc chết đói - một nghịch lý khác trong quan hệ tương phản đặc quyền/thiếu thốn).
Nhìn vào xã hội tiêu thụ hiện tại, khủng hoảng là một yếu tố đầy quyền năng để kiểm soát xã hội, đồng thời tất yếu dẫn tới một lực cưỡng bách bàn giấy có sức ép mạnh hơn sức tiêu thụ, viễn tượng bi đát của thời cáo chung ngự trị của tự do.
________________________________________________________________
[1] Xem: Đặng Phùng Quân, Hiện hữu tha nhân với G. Marcel, 1969.
[2] Rudolf Hilferding, Das Finanzkapital. Eine Studie über die jüngste Entwicklung des Kapitalismus (Marx-Studien, vol. III). Bản dịch sang tiếng Anh: Finance Capital. A Study of the Latest Phase of Capitalist Development, 1981. Sách bàn về tư bản kinh tế, nghiên cứu giai đoạn muộn nhất của phát triển tư bản chủ nghĩa. Khi viết về tư bản tài chính, Hilferding có tham vọng thay thế cuốn Das Kapital, 1867 của Marx, đồng thời bảo vệ Marx chống lại phản biện của Böhm-Bawerk, người thách đố và phê phán Marx trong những tác phẩm Geschichte und Kritik der Kapitalzinstheorien, 1884 Zum Abschluss des Marxschen Systems, 1896 . Hilferding sinh ngày 10 tháng Tám 1877, gia nhập đảng Dân chủ Xã hội Đức, tham gia Cách mạng tháng 11, giữ chức Bộ trưởng Tài chính hai lần vào năm 11923 và 1928/29. Năm 1933 khi Hitler lên cầm quyền, ông lưu vong qua Zurich rồi Paris và bị chính quyền Vichy bắt giao cho mật vụ Đức Gestapo bức tử trong tù năm 1941.
[3] Xem: thư gửi Horkheimer của Marcuse tranh luận về bài viết về Xã hội học của những quan hệ giai cấp in trong H. Marcuse, Collected Papers, Vol 1, 1998.
[4] Xem: Karl Marx, Das Kapital, Band I,II, III : Bd I: chương 3, phần 1 ( Das Geld oder die Warenzirkulation), ch. 4, ph. 2: (Die Verwandlung von Geld in Kapital); Bd. II: ch.1, ph.1 (Der Kreislauf des Geldkapitals); Grundrisse der Kritik der Politischen Ökonomie: Das Kapitel vom Geld, vom Geld als Kapital. Viết về hình thái giá trị tương đương chung của tiền, sản phẩm tất yếu trong quá trình trao đổi, quan hệ xã hội, tính cách sùng bái, vận chuyển trong tư bản, chức năng của tiền, tiền tín dụng, tiền giấy, tiền lao động v.v..
[5] Phê phán của Kautsky trên tạp chí Die Neue Zeit mà Lenin tham chiếu và ca ngợi, mặc dầu sau đó Lenin từng gọi Kautsky là kẻ phản bội, khi Kaustsky không đi theo đường lối bôn sê-vích.
[6] Georg Simmel (1858-1918) là nhà triết học và là một trong những nhà xã hội học và tâm lý học tiền phong của nước Đức. Ông được coi như người khai phá lý luận hiện đại và tiên khu hậu hiện đại. Sinh thời, ông bị những khuôn mặt lớn trong giới đại học như Dilthey, Rickert, Windelband chèn ép khiến ông không thể được đề bạt ghế giáo sự thực thụ, có thể vì là người do thái, có thể vì quan điểm và định hướng tư tưởng của ông vượt ra ngoài khuôn khổ hàn lâm Tác phẩm dẫn trên là một điển hình. [Xem: ĐPQ, Từ điển triết học giản yếu, sẽ xuất bản].
[7] M. Frischeisen-Kưhler, Georg Simmel, trong Kantstudien, q. 24, 1920.
[8] Trong nguyên tác, Simmel viết: und deshalb äußert die allgemeine Not des Menschenlebens sich in keinem äußeren Symbol so vollständigen Geldnot, die die meisten Menschen bedrückt.
[9] Sdt: Dies ist die philosophische Bedeutung des Geldes: dass es innerhalb der praktischen Welt die entschiedenste Sichtbarkeit, die deutlichste Wirklichkeit der Formel des allgemeinen Seins ist, nach der die Dinge ihren Sinn aneinander finden und die Gegenseitigkieit der Verhältnisse, in denen sie schweben, ihr Sein und Sosein ausmacht.
[10] Sdt theo nguyên văn: Je mehr das Leben der Gesellschaft ein geldwirtschaftliches wird, desto wirksamer und deutlicher prägt sich in dem bewußten Leben der relativistische Charakter des Seins aus, da das Geld nichts anderes ist, als die in einem Sondergebilde verkörperte Relativitätder wirtschaftlichen Gegenstände, die ihren Wert bedeutet.
[11] Thống kê ban đầu cho thấy 11 nước tham gia Liên hợp tiền tệ châu Âu vào cuối tháng Hai 1998 được báo cáo là hội 3% tiêu chuẩn, so với 4.6% năm 1995, 4.2% năm 1996 trong khi ước tính 2.8% năm 1997 và dự đoán 2.7% năm 1998.
[12] Chỉ kể một số những nghiên cứu tiêu biểu như Jean Baudrillard, La société de consummation; R. Ruyer, Eloge de la Société de Consommation; Katona, La Société de Consommation de Masse; tập san La Nef, số 27, Sur la Société de Consommation.

No comments:

Post a Comment