Pages

Sunday, April 5, 2009

BBC * CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh
Một hội thảo quy mô tổng kết cuộc chiến tranh ở Việt Nam được tổ chức ở TP. HCM trong hai ngày 14 và 15-4.

Trong số các bài đọc ở hội thảo, các tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng ở Viện lịch sử Quân sự Việt Nam có bài tham luận về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến với Mỹ.

Tham luận ghi nhận trong 21 năm chiến đấu, Việt Nam đã "nhận được sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em."

Bài viết thống kê những con số về vũ khí, đạn dược và trang bị kỹ thuật mà khối XHCN đã viện trợ.

Khối lượng hàng quân sự Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ từ năm 1955 đến 1975, qua từng giai đoạn:

Giai đoạn 1955-1960: tổng số 49.585 tấn, gồm: 4.105 tấn hàng hậu cần, 45.480 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: viện trợ 29.996 tấn, Trung Quốc viện trợ 19.589 tấn.

Giai đoạn 1961-1964: tổng số 70.295 tấn, gồm: 230 tấn hàng hậu cần, 70.065 tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 47.223 tấn: Trung Quốc 22.982 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác: 442 tấn.

Giai đoạn 1965-1968: tổng số 517.393 tấn, gồm: 105.614 tấn hàng hậu cần, 411.779 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 226.969 tấn, Trung Quốc: 170.798 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác 119.626 tấn.

Giai đoạn 1969-1972: tổng số 1.000.796 tấn, gồm: 316.130 tấn hàng hậu cần, 684.666 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô 143.793 tấn, Trung Quốc 761.001 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác 96.002 tấn.

Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724.512 tấn, gồm: 75.267 tấn hàng hậu cần, 49.246 tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 65.601 tấn, Trung Quốc: 620.354 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác: 38.557 tấn.

Tính tổng cộng qua 20 năm, theo thống kê chính thức của Việt Nam, số viện trợ mà Việt Nam nhận được là 2.362.581 tấn hàng hóa; khối lượng hàng hóa quân sự trên quy đổi thành tiền, tương đương 7 tỉ rúp.

Về chủng loại vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu, các tác giả ở Viện lịch sử Quân sự cho biết số liệu:

Súng bộ binh (khẩu): Liên Xô 439.198; Trung Quốc 2.227.677; các nước khác 942.988

Súng chống tăng (khẩu): Liên Xô 5.630; Trung Quốc 43.584; các nước khác 16.412

Súng cối các loại (khẩu): Liên Xô 1.076; Trung Quốc 24.134; các nước khác 2.759

Đạn tên lửa (quả): Liên Xô 10.169

Máy bay chiến đấu (chiếc) Liên Xô 316; Trung Quốc 142

Trong bài viết được báo Quân đội nhân dân trích thuật, các tác giả kết luận: "Thắng lợi của chính sách ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh là thắng lợi của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; của chính sách ngoại giao trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, mềm dẻo, có tình, có lý."

"Chính vì vậy, ở vào thời điểm hai nước Liên Xô và Trung Quốc xảy ra những bất đồng quan điểm, vào lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam được Mỹ đẩy lên tới mức cao nhất, thì sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc cho cách mạng nước ta vẫn được bảo đảm."

Các số liệu trong bài viết được ghi nhận là tương tự số liệu trong công trình tổng kết "Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học" (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996).

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh của Việt Nam đưa ra năm 2000, tổng chi phí Hoa Kỳ bỏ ra từ 1954 - 1975 cho cuộc xung đột ở Việt Nam là hơn 700 tỉ đôla.

Cuốn sách "Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975: Thắng lợi và bài học" ghi nhận bình quân mỗi ngày Hoa Kỳ tiêu tốn 77 triệu đôla, và một năm tiêu tốn 700 triệu đôla, bằng 3% thu nhập cả nước Mỹ

Hội thảo do Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp với Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Thành ủy TP. HCM tổ chức tại hội trường dinh Thống Nhất.

Mang tên "Đại thắng mùa xuân 1975-bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”, hội thảo tập hợp nhiều tham luận của các sử gia và tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050412_vietnamwaraid.shtml


No comments:

Post a Comment