Pages

Thursday, April 2, 2009

LÊ MỘNG NGUYÊN * VĂN HÓA

Điểm sách & CD Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên giới thiệu KVK 7 « Chữ Tài Chữ Mệnh » hoàn tất toàn bộ Truyện Kiều (7 CĐ77 bài hát) do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc Thơ Nguyễn Du
(trên Đài Radio Free Vietnam – New Orleans – Phân Bộ Paris ngày thứ tư 18 tháng 03 năm 2009)

Hôm nay, NS Lê Mộng Nguyên muốn nói về CD KVK 7 mà cũng là CD cuối cùng của Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc Thơ toàn tập của Nguyễn Du. Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại công trình vĩ đại của người nhạc sĩ đã dày công phổ nhạc KVK từ hơn 3 năm nay. Trong bài thuyết trình ngày chủ nhật 30 th.08-2008 (trong Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại tại Bruxelles, Vương Quốc Bỉ), tôi lược sử việc làm của người nhạc sĩ-kỹ sư Tin học, như sau :

« Từ tháng 02-2006 đến nay, NS QVT đã cho ra mắt 4 CD : KVK 1, 2, 3, và 4, nghĩa là anh đã làm nhạc để phổ thơ Đoạn Trường Tân Thanh, từ câu1 đến câu 1780, nghĩa là anh sẽ thực hiện hơn hai phần ba cái sứ mệnh lớn lao của mình từ bây giờ đến cuối năm 2008 với Ra Mắt CD KVK 5 « Cá Chậu Chim Lòng » (từ câu 1781 đến câu 2264). Trong lúc KVK 6 « Hại Nhân Nhân Hại » (từ câu 2265 đến câu 2778) và KVK 7 « Chữ Tài Chữ Mệnh » (từ câu 2779 đến câu 3254, nghĩa là câu cuối của Đoạn Trường Tân Thanh : Mua vui cũng được một vài trống canh), sẽ hoàn tất trong năm2009. » Quách Vĩnh Thiện đã giữ lời hứa, vì tôi vừa nhận được CD KVK 7 « Chữ Tài Chữ Mệnh » (ấn loát Février 2009) cũng như CD Le Destin 7 gồm toàn nhạc hòa tấu và phối khí cho Dàn Nhạc : rất thanh tao và làm cho người nghe được theo dõi số phận của nàng Kiều trong tưởng tượng (nhất là trong những đêm vắng lặng, tâm hồn bay bổng tự do). QVT , nhạc thủ Tây Ban Cầm lão luyện cũng đã thành công trên mặt này.

Đài BBC - Việt Ngữ, trong mục Văn Hóa –« Xướng Kiều trên nền nhạc quốc tế » ngày 14 th.03-2009 , loan báo : « Buổi giới thiệu hoàn chỉnh gần 80 tác phẩm phổ thơ Kiều được tác giả dự định tổ chức ở ngoại ô Paris vào ngày 12 tháng tư năm 2009». Cũng trong bài này, Đài BBC nhắc nhở : « Giáo sư Lê Mộng Nguyên, viện sĩ Hàn lâm Pháp hướng mối quan tâm vào sợi dây liên hệ : Phải chăng Nguyễn Du ở đây là một nhà thơ ấn tượng (poète impressionniste) và Quách Vĩnh Thiện cũng là một nhạc sĩ ấn tượng (compositeur impressionniste) ? Như vậy, tôi đã nhấn mạnh sự tương quan giữa nhà đại thi hào và người nhạc sĩ đem nhạc êm dịu và tha thiết của mình vào thơ KVK đượm buồn man mác qua vài nét chấm phá tả tình và tả cảnh của Nguyễn Du trong bài « Buồn Trông », trích từ KVK 3, với giọng hát của nữ ca sĩ Quỳnh Lan :

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh…

Cùng một ý niệm, trích từ bài thứ 6 của CD KVK 4 tên là TRĂNG HOA cũng do Quỳnh Lan hát, có đoạn lúc Thúc Sinh từ giã Thúy Kiều để về thăm Hoạn Thư là vợ chính của mình :

Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Trở lại KVK 7 dưới chủ đề « Chữ Tài Chữ Mệnh » gồm 12 bài (trái lại với 6 CD KVK trước với 11 bài cho mỗi CD) bởi vì trong KVK 7 « Chữ Tài Chữ Mệnh » gồm 2 bài lấy cùng tên với chủ đề CD « Chữ Tài Chữ Mệnh » : bài thứ 11 (từ 3223 đến 3254) do Quỳnh Lan trình bày với giọng Contralto trầm cảm , bài thứ 12 do nữ ca sĩ Hải Phương diễn ngâm, rất vọng cổ…buồn man mác.

Trong Chương trình Ra Mắt toàn bộ KVK ngày chủ nhật 12 tháng 04-2009 từ 14 đến 18 giờ tại Conservatoire de musique Jean Sébastien BACH : số 1 Rue Jean Monnet tại Bussy Saint-Georges (ngoại ô Paris), trong Phần 2 có bài « Chữ Tài Chữ Mệnh » do Kim Thu hát cùng sau đó với « Tơ Đào», và CTCM do Ngọc Xuân là nữ ca sĩ cuối cùng diễn ngâm vọng cổ…

Ban Tổ Chức & tác giả toàn bộ CD KVK một mặt muốn trình bày qua 7 CD : 77 bài hát Kiều theo kiểu nhạc Tây phương, một mặt kết thúc (chương trình ấn loát và chương trình Buổi chiều Bussy Saint Georges) bằng một bài ca đượm buồn hương vị cổ điển xa xưa. Vô tình hay cố ý ? Trong Chiều Văn Học Nghệ Thuật 12 th.04-2009, những bài Thúy Kiều Thúy Vân và Buồn Trông sẽ được nữ ca sĩ Tố Liên trình bày và hai bài « Chương Đài » và « Hại Nhân Nhân Hại » do Ngọc Châu đảm nhiê.m. Ngoài ra có Vương Quang Lệ (hai bài Hồ Quảng và Tống Ngọc Tràng Khanh) và Pipa (Độc tầu đàn Tỳ Bà).

Trong Phần 1 của Chương trình có Sligth Show Kim Vân Kiều – Đoạn 1 (15 phút) và trong Phần 2 – Slight Show KVK - Đoạn 2 (10 phút). Ngoài ra, tác giả Quách Vĩnh Thiện sẽ có « Đôi lời tâm tình » với quí vị khán thính giả về lộ trình sáng tác của mình. Đó là không kể hai thuyết trình viên : GS Nguyễn Đăng Trúc, Hội trưởng Trung tâm Văn hóa Nguyễn Trường Tộ, nhân dịp nêu ra vấn đề « Tại sao Truyện Kiều trở thành một di sản văn hóa của nhân loại ? », để tìm hiểu nguyên do sáng kiến trong việc làm khổng lồ của NS họ QUÁCH ! GS Viện Sĩ Lê Mộng Nguyên nói về « NS Quách Vĩnh Thiện Phổ Nhạc Toàn Bộ Kim Vân Kiều », và trước giờ Giải Lao, Nhà thơ Đỗ Bình cho « Cảm nghĩ Truyện Kiều qua dòng nhạc Quách Vĩnh Thiện »… MC Thanh Vân (phu nhân Quách Vĩnh Thiện) và Trịnh Nghĩa có nhiệm vụ ngỏ lời chào quan khách, và giới thiệu các thuyết trình viên và nam nữ ca sĩ hay nhạc sĩ đã nhận lời cộng tác cho Buổi Chiều Văn Học Nghệ Thuật được phong nhã và thành công.

Để kết luận và theo nhà văn Vũ Đình Trác (Dòng Việt số 18 – 2005, trang 252) :
« Hiện nay văn học giới Việt Nam càng khai thác Nguyễn Du nhiều hơn. Người ta có thể phủ nhận Nguyễn Du ở điểm này hay điểm khác, nhưng trên căn cứ nhân bản (tình người) thì ai ai cũng bái phục ông và tôn ông làm thầy dạy tình người. Nói rõ hơn, ở mảnh đất quê hương ông ngày nay, những người cộng sản cũng như không cộng sản, đều gặp nhau trên căn cứ nhân bản ấy, để xưng tụng ông là đệ nhất thi hào của dân tô.c. Người miền Nam gọi Nguyễn Du là Đại Thi Hào, Thi Hào số một, và Đoạn Trường Tân Thanh là đệ nhất văn nghệ kỳ thư hay một siêu tác phẩm.
Người miền Bắc gọi ông là nhà thơ vĩ đại, nhà thơ lớn, nhà thơ dân tộc, và truyện Thúy Kiều của ông là tác phẩm sống mãi trong lòng nhân dân.
Lý do chính là vì Nguyễn Du đã nêu lên những nếp sống tràn đầy nhân tính, cũng là căn cứ nhân bản của dân tô.c. Tất cả văn nghệ giới Bắc Nam đã gặp tình người tình nước nơi Nguyễn Du và tác phẩm của ông. »
Lê Mộng Nguyên (Paris)

XIN NGHE CAC CHƯƠNG TRÌNH VỀ KIỀU














No comments:

Post a Comment