Pages

Thursday, April 16, 2009

VỀ NHẠC SĨ TÔ HẢI



LTS:
Nhạc sĩ Tô Hải (1927), tác giả ca khúc Nụ cười sơn cước, Giải thưởng Nhà nước đợt 1, còn là tác giả của hơn 500 bài báo và hơn chục đầu sách dịch, trong đó có tác phẩm của những nhà văn lớn: Victor Hugo, John Stenberg, Peter Adam.
Thời học tiểu học, ông được học hát và tham gia ban đồng ca Saint - Joseph, đã đoạt giải thưởng âm nhạc Chim sơn ca tại Rallye Kiến An của hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Những ngày sôi động của Cách mạng Tháng Tám, đang học dở tú tài, thì ông nhập ngũ. Được rèn luyện qua hai trường Quân chính Nguyễn Huệ khóa 1 và trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V.
Người hướng Tô Hải vào nghiệp âm nhạc là nhạc sĩ, GS-NSND Nguyễn Văn Thương
.
Người dân trong và ngoài nước thưởng thức ông về bài" Nụ cười sơn cước" và thái độ thành thật, thẳng thắn của ông qua các bài ký của ông, nhất là tác phẩm " Hồi Ký của Một Thằng Hèn" mà chúng tôi đã giới thiệu.
Sơn Trung

* * *

BÀI THỨ NHẤT

NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC VÀ TÂM SỰ CỦA NHẠC SĨ TÔ HẢI
- Biên soạn: Phan Anh Dũng


Nhắc đến Nhạc Sĩ Tô Hải, tôi không khỏi không nhớ đến bản nhạc "Nụ Cười Sơn Cước", được nhiều ca sĩ trình bày và thính giả yêu thích. Trong một thời gian ngắn, tôi đã tìm thấy nhiều tài liệu về Ông trên internet.

Ông là một trong những thanh niên với bầu nhiệt huyết hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp, ở lại miền Bắc sau hiệp định Genève, gia nhập đảng và được nhiều tưởng thưởng từ chế độ Cộng Sản. Sau 1975, Ông đã nhận thấy sự thật não nề khi vào Sài Gòn (Ông gọi là "Đi Thực Tế Miền Nam sau Gỉải Phóng"). Sau thời kỳ "Đổi Mới" Ông đã không ngại lên tiếng cho biết đã phí nửa con tim để viết hàng trăm bản nhạc tuyên truyền phục vụ đảng trong thời chiến tranh. Tiếc thay, các bản nhạc ấy chỉ nhất thời, không tồn tại với thời gian!

Thích thú nhất là được biết tuy nay trên 80 tuổi nhưng Ông rất cấp tiến, sử dụng máy tính "laptop" mỗi ngày (hình ở dưới) và có trang blog bắt đầu từ năm 2007 trên yahoo để đăng các bài viết rất nóng bỏng và chân thật từ Sài Gòn. Ông cũng dùng phương tiện này để viết thư qua lại với nhiều người - Ông kêu họ là "Bạn, (friend)" và Ông xưng là "Tớ"! Ông có lối viết giản dị, tếu, tự diễu mình và rất thật tình nên được nhiều bạn trẻ, đáng tuổi con cháu yêu mến. Sau 1975, Ông bắt đầu công việc dịch thuật vì thông thạo nhiều ngoại ngữ. Khi tôi khởi sự viết trang này thì mới đây Ông vẫn tiếp tục "dấn thân" chẳng hạn như xuống đường biểu tình phản đối Trung Cộng về Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông cũng vừa gởi một bài viết cho Đài BBC Luân Đôn trong đó nhắc lại một bản giao hưởng hợp xướng mà Ông bỏ nhiều tâm huyết viết thời còn trẻ nhưng sau đó vì lý do chính trị không được phổ biến. Các bản nhạc tình cảm mà Ông cho là từ "nửa trái tim còn lại" cũng cùng chung số phận: bị dìm và "bỏ tủ lạnh"! Nhạc Sĩ Tô Hải viết: "Nhà văn quân đội - Đại Tá Nguyễn Khải, trước khi qua đời đã tuyên bố: ”Miền Bắc đã cho tôi Độc Lập, miền Nam đã cho tôi Tự do…” Còn tớ, vẫn còn sống nhăn răng đây, tuyên bố: ”Miền Nam đã cho tớ cả Độc Lập, cả Tự Do và cả Hạnh phúc nữa”. Độc lập về tư duy, Tự do về viết lách và… không viết lách. Còn Hạnh Phúc thì … ”độc lập và tự do tìm kiếm hạnh phúc cho mình"… Tuy nhiên để có được ba điều thiêng liêng đó, tớ đã phải vứt bỏ biết bao điều mà trước kia, có cho… kẹo cũng chẳng dám nghĩ, dám làm ..."

Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia USA - 15 tháng 4, 2009)


BÀI THỨ HAI

Tiểu sử cực thiệt thà

(do chính nhạc sĩ Tô Hải viết ngày 24 tháng 8, 2007)

Hôm nay tớ xuýt đứt hơi, xụn lưng vì nhạc Rap, vì cô "phò-ren"(friend) Ho (?) dọa đến học làm rap-pơ. Tớ quá lo lòi cái dốt ông già. Nên vội vã mang sáng tác ra thực nghiệm! Ai ngờ đâu bịa nó ra là một chuyện. Còn thực hành nó mới khó làm sao. Quả rap-pơ phải vất vả biết bao. Vừa phải hát, vừa phải lộn, phải nhào...

Không có sức chỉ có mà ... củ tỏi! Thế mới biết vì sao Rap nổi trội: Một bé Kim bỗng sáng chói bầu trời. Được tán dương trên báo chí, trên Đài. Môt thần tượng của các phăng (tê) âm nhạt (à quên âm nhạc).Thôi thì đã định nổi danh bằng Rap, Tớ cũng liều, nhưng chỉ viết mà thôi! Lấy Tình Yêu, Hôn Hít... làm đề tài. Thề đến chết không dám làm ráp sỹ.


Biết đâu đấy sẽ có người để ý, lấy vài bài trên blốc tớ hát chơi. Và biết đâu có nhà báo, nhà đài...tung lên sóng, lên khuôn thì thật.. tuyệt! Bạn thấy đấy, hôm nay dù không viết Rap số 3 nhưng quen viết có vần. Nghề viết Rap tớ đã bị nhập tâm. Nên tiểu sử tớ cũng thành bài...Rắp! Tiểu sử tớ rất chi là "phức tạp". Chỉ xin khai tóm tắt một vài dòng. Còn các bạn trẻ có tin hay không, Thì già này cũng đành lòng cam chịu!...Tớ sinh ra tháng 9 năm Đinh Mão. Tính đến nay (81 tuổi ta.)!

Sự học hành rất thiếu thốn, qua loa. Vì Đế Quốc chỉ cho học vừa đủ. Một cái bằng ông tú chưa hoàn thành (tú tài 2 chưa có!) Có nghĩa là bằng trình độ học sinh Lớp 11, nên tớ dốt hoàn dốt. Không những thế tớ cả đời bị nhốt trong trường sơ (soeur), trường đạo, trường giòng. Ở gia đình tớ lại bị cấm cung. Cấm đủ thứ, trừ việc đi học nhạc... Đủ các món nào xướng âm, hòa thanh, sáng tác...Tớ chán quá nên bỏ ngang tìm đọc, đủ thứ văn chương, triết học hầm bà làng...


Từ Von-te, Ban Dăc, đến Sa-Găng. Nên ảnh hưởng đủ thứ ba lăng nhăng trong đầu óc. Gia đình tớ, một gia đình công chức. Suốt cả đời hầu ngoại quốc kiếm ăn... Nên sau này từ cách mạng 45. Được xếp loại là gia đình theo "Địch" ! Cá nhân tớ sau này trong lý lịch: Ghi thành phần "tiểu tư sản" rất to. Có nghĩa là luôn chao đảo, mơ hồ, kém "lập trường" dù đã bỏ nhà theo cách mạng! Dù đã được kết nạp Đảng rất sớm!

Dù có vài trăm sáng tác đựoc khen. Tớ sống được vượt qua nhiều thành kiến. Nhờ làm ăn tử tế, nhờ sáng tác liên miên. "Tuần chay" nào cũng có nuớc mắt đổ liền. Chiến thắng nào chẳng có tên thằng tớ. Cho đến ngày 30 tháng tư năm đó. Tớ được về Thành phố Bác Hồ... Thì tớ bỗng giật mình rồi nhận ra, coong của mình chính là công con cốc. Cái tên mình chỉ gắn độc môt bài "Nụ cười sơn cước" viết từ thuở 20. Còn tất cả... thế thời đã... xếp só! Tháng 9 mồng 2, nói chung là "ngày giỗ". Đựợc lôi ra để "cúng cụ" mà thôi.


Chiến tranh qua đi, Nhạc của tớ hết thời.. Tuổi của tớ 60 không còn kịp "cưa sừng làm nghé". Gặp thời thế, thế thời phải thế. Tớ xoay sang nghề dịch sách kiếm ăn... Sách tớ dịch sáu cuốn in chạy ầm ầm. Tớ sống khỏe cho đến ngày... hưu trí. Về âm nhạc? Vì còn là nhạc sỹ, một vài năm tớ xuất hiện vài lần... Công xéc tô, sô nát theo com-măng... Mong vực dậy nhạc thính phòng, giao hưởng. Nhưng tiếc thay, tất cả là ảo tưởng.




Vì thời nay có lẩm cẩm có điên khùng. Mới vùi đầu trong tổng phổ suốt năm để viết ra những thứ chẳng ai nghe ai dựng! Thế là tớ im re,tớ chịu đựng. Kiếp sống nghèo nhờ vợ bán bánh mỳ. Thêm vào lương hưu trí cứ teo đi...Tớ quyết tâm ẩn danh cho đến chết. Nào ai ngờ gặp thời Internet. Tớ tiêu sầu bằng các trang web đủ mầu! Đang chán phè các câu truyện đâu đâu trên Niu uých, trên Lơ poăng, trên Lô-xờ-ăng gơ lét...Thì gặp ngay một ông cụ blốc blếc.


"Bạn đánh nhau" của tớ từ khi xưa. Tớ quyết định phen này làm blôc-gơ. Mong giúp đỡ lớp trẻ bằng lý thuyết, bằng thực hành, bằng kinh nghiệm, cuộc đời. Và trước mắt tớ chú trọng đề tài vào nhạc rap, đang là nhạc thời thượng. Tiểu sử tớ viết ra mà phát...ngượng. Nhưng cũng xin lớp trẻ hãy luợng tình...Tin? Không tin? Tùy mạng mỡ của mình. Muốn biết thêm xin cứ đến building Miếu Nổi hỏi thăm tớ chính danh là Tô Hải./.



BÀI THỨ BA
Lại Cái Chuyện Nụ Cười Sơn Cước -

Tô Hải

Hôm nay, ngồi vào computer thấy mất tiêu đâu bài hát này, phục hồi lại để người nghe bản chính gốc thì lại mất tiêu đâu môt phần chính của bản thuyết minh. Đành viết lại có bổ xung thêm một số đau khổ mới khi vào Google gõ cái tên tớ và tên bài hát đó.. vì những bài tán láo về nó.Rằng thì là: 1-Tớ cầm ghi ta hát lên (chứ không phải "viết lên" như cô bé Kim -rap-pơ tuyên bố viết (?) nhạc rap trên Tinhvi đâu?) Cái ngày đông rét mướt năm đó Tây nó đánh dữ dội lắm...



Bộ Tư Lệnh III mà tớ làm "lính kiểng" lúc đó phải rút vào tận Kim Bôi (Hòa Bình). Tớ đóng quân trong nhà một cô con gái có tên Đinh thị Phẩm, 24 tuổi đời. Thích thì có thích nhưng chưa biết "tán gái" mà chỉ biết làm thơ, làm vài câu thơ rồi ngâm nó lên theo kiểu riêng của tớ gọi là ca khúc (như các cụ ngày xưa khi hát "Chèo lên trên núi thiên thai..."ấy mà.) Thế là, trước khi rời rừng núi về học Lục Quân Trần Quốc Tuấn tớ muốn nói lên mối "tình câm" của mình bằng ... vài câu thơ có giai điệu ... Thế thôi! Như tớ đã viết trong bài "Khai lý lịch thật thà" trên blog, tớ là một kẻ đã bị tiêm nhiễm từ bé bởi những bài ca ở trường sơ, trường giòng, rồi sau này, làm "sói con ("louveteau), "hướng đạo" (scout) bị các thứ âm nhạc đủ loại nó ăn sâu vào đầu óc, vào trái tim.


Tớ hát và thuộc lòng đủ thứ, từ a capella nhà thờ "Gloria in excelsis đê..ê,ề...ồ", đến "Laissez moi vous aimer", "Oh! Rose Marie I love you!" "But where are you?" rồi đến đến cả "Maréchal nous voilà" (thời chính phủ Vichy) sau đó là Aikoku","Shina no yoru" (thời Nhật lật Pháp). Nghĩa là tớ hát tất cả, thích đủ thứ âm nhạc chứ chẳng bao giờ chú ý đến cái "nhời" nó nói cái quái gì. Tóm lại tớ là một thanh niên yêu nước, ghét Tây, mê âm nhạc (mélomane)"...không có định hướng! Cho nên, sau này, đi lính, bí bài hát cho bộ đội nghe, tớ cứ "bịa"ra đủ thứ ca khúc, rập khuôn theo các bài hát đã hát để tự hát, tự xuất bản bằng mồm.

Sáng tác của tớ đều ảnh hưởng của Nhà thờ, của Tây, của Nhật và đặc biệt của Mỹ với Bing Crosby, Bob Hope,.. với các nhịp điệu, tiết tấu của swing,blues ... rất thịnh hành những năm 40. Tớ với Ngọc Bích là "vua swing"ở sư đoàn 304 và Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn... Chẳng có biết dân tộc, hiên đại là cái quái gi!



Ấy vậy mà bài nào mới "bịa" ra cũng được "quân chúng" hoan nghênh ra phết! Những lần xúc cảm về chuyện gì tớ đều "bịa" ra những "câu thơ có giai điệu", nhưng theo một khuôn khổ, hình thức nhất định mà tớ nhặt nhạnh được trong quá trình hát lên cho mình, cho bạn bè, đồng đội nghe...cho vui. Thế thôi! Nào ngờ..."Nụ cười sơn cước" lại được hoan nghênh đến thế và Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ.. khi trút áo "lính cụ Hồ", thôi làm "đồng chí", đã mang nó vô thành (dân gian gọi là "dinh-tê") phổ biến khắp nơi. Để cho nó được chấp nhận bởi các cơ quan kiểm duyệt, họ xếp tớ vào loại tác giả tiền chiến!



Và từ đó "Nụ cười sơn cước", một trong những "tình ca thời kháng chiến" của bọn tớ sống nhờ cái mác nhạc tiền chiến đến ngày nay! Lại còn cái chuyện "địch" thu đĩa 78 vòng (chung với "Dư âm"của Nguyễn văn Tý) nữa chứ! Tớ bị "đánh hội đồng" khắp nơi, nhất là tiền bản quyền thu đĩa (đúng một chỉ vàng) được gửi từ trong thành ra lại rơi vào đúng tay một CUV cùng chi bộ, "đông chí" (nhưng không đồng hướng) đã nhận được từ tay bà chị hắn chuyên làm kinh tài cho khu ủy Liên khu III, ra vào Thành như đi chợ!


Tớ không mang tội "liên hệ với địch" là nhờ có hàng trăm "bức tranh cổ động bằng âm thanh" động viên lính chiến đấu trường kỳ có hiệu quả! Từ đó một loạt bài "thiếu tính chiến đấu"của tớ (sau này có được thu thanh trong cuốn băng cát-xét "Nửa trái tim tôi" mà tớ đã chuyển sang CD nhưng chưa biết cách làm thế nào để các friends nghe thử ???) đều bị cấm bằng mồm, mặc dầu các tướng, tá lớn, bé trong Quân Đội vẫn nhớ tớ với những bài hát đã làm các vị ấy xúc động một thời. (Tháng 5/007 vừa qua, có một ông tướng mê nhạc của tớ, trước lúc qua đời, có thu thanh 3 bài của tớ trong một đĩa VCD, và dặn lại rằng "Thôi Nụ cười..." vì cần giới thiệu những cái "cấm" khác hơn - Ông tướng này chỉ lên có đến Thiếu thôi, có lẽ vì cái "lập trường văn nghệ" của ông ta thiếu ...vững vàng chăng? (VCD này tớ đang giữ nhưng cũng "ngu lâu" về computer nên chả biết làm sao để các friends nghe và xem đươc! Có ai đến giúp được tớ không?)

Trở lại với "Nụ cười sơn cước" Nó ra đời như thế đó. Tình thì có, nhưng mà là tình câm, tình nhát (vì sợ kỷ luật) đã có gì đâu mà nhiều người viết về bài hát này cứ thêu dệt ra lắm chuyện, thậm chí còn đặt cả những cái tên Lò thị nọ, NôngThị kia ra rồi thay cả địa điểm, nơi sinh, ngày sinh của nó nữa mới khổ tớ chứ! Làm bà xã cứ trách tớ": "Có thế mà anh cứ giấu em!" Tớ định kiện báo vì "vi phạm luật báo chí "xâm phạm đến đời tư không được phép" của tớ mấy lần. Nhưng đọc đi, đọc lại thì thấy: họ đều xuất phát từ tình yêu đối với một sáng tác của tớ đã bao năm tưởng chết nay lại hồi sinh, từ tình yêu đối với tớ.


Đặc biệt có nhiều đồng đội cũ, nay về già, nghĩ về quá khứ tươi đẹp đã qua, đã viết về "Nụ cười sơn cước" như để tranh thủ viết về một thời một thanh xuân đẹp nhất của chúng tớ mà thôi. Vì vậy tớ lại lặng im ... (trừ một lần tớ lên tiếng phản đối và được xin lỗi và cải chính trên báo An Ninh Thế Giới do quá nhiều điều bịa đặt không có lợi cho gia đình (cũ và mới) của tớ mà thôi). Tuy nhiên cái "sự tam sao thất bản" thì kiện ai? Hội Nhạc Sỹ VN, rất nhiều Nhà Xuất Bản đã công bố bản chinh thức của tớ trên các "Tuyển tập ca khúc trữ tinh"..."Ca khúc vượt thời gian"... đăng đi, đăng lại trên báo chí...


Vậy mà, các ca sỹ thời nay vẫn không chịu hát theo bản nhạc của tác giả! Trừ 2 người là Lê Dung và Đông Đào. Còn trên Tivi, trong các tiệm cà phê-ca nhạc, họ tha hồ "phiêu"bất tử, ngắt câu, ngắt đoạn tùy thích, nhất là bôi mỡ, đánh bóng các nốt nhạc nghe đến rợn người (Ánh Tuyết). Ngay trong câu "Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời..." của tớ, bà Lê Dung vẫn còn "nhịu"ra "mơ" (?) hơn ở ngoài trời".. nữa là! Huống hồ những vị ca sỹ không biết xướng âm thì làm sao sửa được những gì đã trót hát sai qua bản... truyền khẩu. Tớ chán quá nhưng lại nghĩ: Ôi dào! thời buổi này họ nhắc đến tên mấy ông nhạc sỹ già đã là may lắm rồi! Cứ kênh kiệu mãi chúng nó cho cả tác phẩm lẫn người vào sọt rác lịch sử như đã từng cho cả hàng ngàn bài ca ra đời cái thời "Tiếng hát át tiếng bom" cho biết mặt! Thua! Thua! Xin chào thua!


BÀI THỨ TƯ

Nhạc sĩ Tô Hải với hồi ức buồn Nụ cười sơn cước
28/05/2007 - Hà Đình Nguyên


Nhân dịp đến dự lễ trao tặng xe lăn các tướng lĩnh và cán bộ có công do Báo Quân Đội Nhân Dân tổ chức, tôi thật sự xúc động khi thấy một ông già quân phục chỉnh tề, huân chương đỏ ngực, chống gậy lập cập lên nhận xe. Đó chính là nhạc sĩ Tô Hải, tác giả ca khúc nổi tiếng một thời" Nụ cười sơn cước"... Sau buổi đó, tôi đã đến gặp ông tại nhà riêng. Nhà của ông là căn hộ tập thể tận tầng lầu thứ 11 của chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh - TP.HCM).


81 tuổi, đi đứng khó khăn do từng bị hoại tử khớp xương hông phải thay xương chậu, xương đùi bằng chất liệu titan do Pháp chữa trị... vì những lý do đó nên nhạc sĩ Tô Hải rất ít xuất hiện nơi này, nơi nọ. Thế nhưng, dù không đi đâu ông lại biết rất nhiều những sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu. Với khả năng thông thạo 3 ngoại ngữ, mỗi ngày ông dành từ 10 đến 12 tiếng để đọc tin tức trên internet. Cô Lâm Ái, vợ ông, khoe: "Chỉ một mình anh ấy đọc nhưng sau bữa cơm trưa hoặc tối là tôi và con gái Tô Lâm Phượng (sinh năm 1993) đều biết hết mọi chuyện xảy ra trên thế giới...".*


Thế ông không còn cảm hứng để viết nhạc?- Đã hơn 20 năm nay tôi không còn làm âm nhạc, vì âm nhạc của lứa chúng tôi không còn đất sống. Thời buổi bây giờ chẳng ai sử dụng ca khúc của lớp già chúng tôi: Chu Minh, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hồ Bắc, Doãn Nho... trừ những ngày lễ lạc gì đó họ mới hát lại! Bọn chúng tôi trở nên lạc lõng, hỏi tên chẳng ai biết. Thôi thì, tự an ủi là bọn tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với một thời kỳ lịch sử.*



Ông đến với âm nhạc từ lúc nào?- Thời tiểu học, tôi học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của Hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Đang học dở tú tài 2 thì tôi nhập ngũ ngày 19.8.1945.


Tôi viết ca khúc đầu tay Trở về đô thành (1946) rồi Nụ cười sơn cước (1947) đều do bản năng và mê nhạc mà thành. Tôi luôn tự cho mình là một người lính làm nhạc cho mình, cho đồng đội mình hát. Chỉ đến năm 1951, khi về Đoàn văn công Khu 4, tôi có dịp gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Được ông động viên khuyến khích, tôi thấy tự tin hơn để chuyên tâm vào sự nghiệp âm nhạc. Khi hòa bình lập lại, tôi được tham dự lớp sáng tác 18 tháng đầu tiên của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1957-1958) do các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên dạy. Cùng lớp với tôi có các nhạc sĩ: Trọng Loan, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Lưu Cầu, Vũ Trọng Hối, Lương Ngọc Trác, Văn Chung, Nguyên Nhung, Vân Đông...

Năm 1958, tôi là người đầu tiên viết bản giao hưởng đại hợp xướng gồm 4 phần (thể loại cantale) Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy. Dạo ấy, ở nước mình làm gì có trống định âm (Timpani), hạc cầm... nhưng tôi vẫn cứ viết. Bản giao hưởng này được biểu diễn năm 1959 và được hàng loạt giải thưởng. Có lẽ vì thế mà trong Bách khoa từ điển của Pháp (Encyclopédie de la Musique) xuất bản năm 1960 có tên tôi, họ ghi là "nhà soạn nhạc" (compositeur) cùng với 11 người viết ca khúc (chansonnier) thời ấy...* Ca khúc Nụ cười sơn cước đã được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào?


Và "Ai về sau dãy núi Kim Bôi..." là ở đâu vậy?- Kim Bôi là một dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Dạo đó đơn vị tôi ở nhờ một làng dân tộc Mường. Tôi được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp, nàng tên là Phẩm. Cũng chỉ là "để ý" thầm vậy thôi! Khi đơn vị tôi chuyển quân, với tình cảm lưu luyến hết sức chân thành tôi đã: "hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh !" và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung những bông hoa rừng mà tôi đã từng gặp.* Sau này có bao giờ ông gặp lại nàng "sơn nữ" này?- Có, và đó là nỗi ân hận của tôi.

Năm 1973 hay 1974 gì đó tôi có lên Hòa Bình tìm lại "người xưa" dù biết rằng cô ấy đã có chồng con. Sau dãy núi Kim Bôi đã biến thành vùng công nghiệp khai thác suối nước nóng, đường sá mở rộng, người miền xuôi lên ở nhiều. Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ luống tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh và... chẳng biết tôi là ai cả ! Nhắc lại chỉ thêm buồn... Biết vậy, cứ hãy sống với kỷ niệm xưa.* Đã ở bên kia ngưỡng tuổi 80.


Nhìn lại hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông có điều gì muốn tâm sự?- Phương châm sống của tôi hiện nay là hãy quên đi quá khứ (để khỏi tiếc nuối, kể công với lịch sử), hãy sống với hiện tại (để luôn vui với những gì mình đang có) và đừng nghĩ đến tương lai (để khỏi thấy mình quá già, sắp chết). Tôi có một valy tác phẩm chưa hề sử dụng. Tôi dặn vợ: khi tôi chết hãy vẫn cứ để chiếc valy ở đấy cho đến khi nó có "duyên" tìm được tri kỷ hoặc có ai cần nghiên cứu về cái thời đẹp nhất đã xa xưa của lũ nhạc sĩ già chúng tôi thì cho mượn... Nhược bằng chẳng ai rỗi hơi "tìm về quá khứ" thì con gái tôi (Tô Lâm Phượng - chơi piano tàm tạm) sau này có điều kiện sẽ dựng lại... cho cháu chắt tôi nghe vậy.

Hà Đình Nguyên
http://vietbao.vn/Giai-tri/Nhac-si-To-Hai-voi-hoi-uc-buon-Nu-cuoi-son-cuoc/45240295/50/


NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC
Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời. Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi và dâng sầu lên mi mắt người về. Thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót, và mưa Xuân đang tưới luống u sầu, buồn cho dòng nước mờ xóa bóng chim uyên và gió chiều còn khóc thương mãi mối tình còn vấn vương. Ai về sau dãy núi Kim Bôi, nhắn giùm tim tôi chưa phai mờ, hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh. Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng, dệt mấy cung yêu thương gởi lòng trong trắng, của mấy bông hoa rừng đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi
--- Ghi chú: lời trong bản nhạc không đúng hoàn toàn với bản nguyên thủy ----

BÀI THỨ NĂM

Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng"
- Tô Hải

Đi Thăm...Giàu Hỏi... Sướng! Tớ lợi dụng một loạt entries sau đây để giải đáp một số câu hỏi đặt ra về những vấn đề so sánh văn nghệ giữa hai miền mà người đọc chưa rõ, về sự đánh giá chưa chính xác của tớ về sự khác biệt giữa hai miền trong lãnh vực âm nhạc, về cái "gu" thẩm mỹ "không thể thống nhất"....vv..vv..

Vì thế, nếu có dông dài...các friends chịu khó đọc nhé. Blog chứ có phải viết tiểu thuyết, hồi ký, hồi kiếc,...gì đâu! Có một điều cơ bản nhất của chủ trương "đi thực tế sáng tác" mà các nhà lãnh đạo văn nghệ vô sản không tính đến: Đó là những phản tác dụng mà bọn tớ còn gọi là "phản ứng ngược" mà rất nhiều những Thực Tế Thật (vérité vraie) đã vả vào mặt anh em văn nghệ những cái tát tỉnh người!


Đó là những thực tế không giống hoặc hoàn toàn trái ngược với thực tế mà các vị ngồi một chỗ, tưởng tượng ra qua các báo cáo.. láo! Khỏi nói đến Cải cách ruộng đất, đi thực tế để viết được ra một sự thật nhỏ (rất nhỏ) như "Ba người khác"của Tô Hoài, hoặc như bài thơ như "Tôi? Ai?, "Bánh vẽ", "Trừ đi" của Chế Lan Viên hoặc như "Nỗi buồn chiến tranh", "Mảnh đất lắm người nhiều ma" thì có lẽ các nhà chủ trương "xua" văn nghệ sỹ đi về với công nông sẽ... ra lệnh stop liền!


Buồn thay, chỉ vì ..."sợ" (chữ của cụ Nguyễn Tuân) nên những thực tế thật đó đều phải chờ cả gần nửa thế kỷ mới được phản ảnh thật (tuy chưa đến lúc thật 100%) lên giấy trắng mực đen... Riêng tớ thì đã có lần viết một entry khá dài "Vì sao tớ mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con" được nhiều người comment, được nhiều blog copy, được đăng lại trên cả những website của nước ngoài và cả trên "Ngôi sao net" nữa!

Chính cái thực tế gớm ghiếc của cải cách ruộng đất và của cuộc chiến ghê rợn trên đường Trường Sơn đã làm tớ không sao tiếp tục viết láo, viết để "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" được nữa mà chỉ viết những gì rung động của trái tim mình. Thế rồi nào các phong trào xây dựng hợp tác xã cấp cao, nào "Sóng duyên hải", "gió đại phong", "cờ ba nhất", rồi "cải tạo tư sản"...


Tất cả đều được động viên đi vào thực tế, nắm bắt thực tế để có những tác phẩm "xứng tầm thời đại"... Nhưng hôm nay đây,có ai in lại "Mùa lạc" hay "Hòa Vang" của Nguyễn Khải, "Cái sân gạch" của Đào Vũ, hát lại "Miền Nam đau thương và anh dũng", "Không cho chúng nó thoát","Tiến về Sài gòn"...? Lịch sử đã chôn vùi hết những gì là văn nghệ phi nhân bản mà chính các tác giả của nó cũng phủ nhận và nhận "tội" lúc cuối đời như Chế Lan Viên, Nguyễn đình Thi và rồi đây theo tớ được biết, sẽ còn nhiều người nũa viết nhiều sự thật. THẬT như những câu: "Ai chịu trách nhiệm về 2.000 người đó/Tôi! tôi người viết những câu thơ cổ võ/Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong/....Ai chịu trách nhiệm vậy?/Lại chính tôi/Người lính kia cần một câu thơ giải đáp về đời/Tôi ú ớ...


-(xem toàn bài thơ trên entry nói trên) Và tớ tin hoàn toàn vào những gì mà các bạn trẻ hôm nay và mai sau sẽ còn được đọc nhiều "những trang đời" rất thật của nhiều tác giả khác nữa sau này... trong đó có tớ! Tóm lại là, như tớ đã viết trong một entry, văn nghệ sỹ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam thì...thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác! Họ không phải viết theo yêu cầu của một cơ quan, đảng phái hay một tổ chức, nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm văn nghệ! (tất nhiên không thể tránh được cũng có một số nào đó dùng văn nghệ để kiếm chác tí chính trị) Nhưng phải khảng định là họ tự do, tự do và tự do... kể cả tự do làm... hại cái chính thể mà họ đang phải sống!


Có người còn mang tiếng "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản!?" (Tội nghiệp Trịnh công Sơn, cho đến nay vẫn bị gán là "Đặc công Đỏ" mà chết rồi vẫn chưa được Đỏ tặng cho một danh hiệu, một giải thưởng gì so với các nghệ sỹ cải lương Phùng Há, Diệp Lang, Bạch Tuyết!)! Cái thứ quý nhất trên đời đối với người nghệ sỹ là Tự Do, tớ sẽ kể dần dần trong những lần bọn tớ tiếp xúc với anh em"tại chỗ"!


Vì thế một loạt ẻntríes sau này có cái tên chung là "Thăm giầu hỏi...sướng"!! Và cũng chính vì những cái thực tế hiện hữu ở khắp nơi đang diễn ra trên khắp các ruộng đồng, nhà máy hiên nay ở cả hai miền đất nước mà gần đây, chẳng thấy mấy đoàn văn nghệ sỹ được tổ chức đi thực tế sáng tác như xưa nữa. Thậm chí, càng mong các nhà "kỹ sư tâm hồn" càng tránh xa thực tế càng...tốt! Dẫn chứng gân đây nhất là nhà báo, (có thẻ đàng hoàng) Tùng Quang của báo Đại Đoàn Kết đi thực tế viết bài ở Quân 2, đã không những không được mời mọc, chiêu đãi như xưa còn bị chính quyền hạng bét nhất ở địa phương tịch thu luôn cả phương tiện hành nghề, câu lưu tại chỗ !!?!


Phải chăng thực tế THẬT đã khiến cho những người đang nhân danh cách mạng làm những điều hoàn toàn trái ngược với luật pháp, chẳng coi người cầm bút là cái...cục phân gì? Thôi! Bỏ đi mấy cái chuyện nhức đầu thường ngày ở phường, ở quận,...trở lại với "chuyện xưa" để đọc mà ...ngẫm nghĩ cái sự đời "Xưa Sai Nay Đúng, Xưa Đúng nay Sai", nó đã "làm loạn" trong đầu biết bao người như tớ! Thế là....sau khi dẹp tiệm "Nhà Xuất bản âm nhạc giải phóng", tiện có Đoàn nhạc sỹ của Trung Ương do chủ tịch Nguyễn Xuân Khoát và Tổng thư ký Huy Du vào, tớ có dịp nhập bọn đi thực tế miền Nam, đi sâu vào từng gia đình, họ hàng bà con, bạn bè cũ, mới.


Tớ đi ra tận đất mũi Cà Mâu, ăn dầm nằm dề cả tháng ở đồng bằng sông Cửu Long... Và đi đâu tớ đều thấy cái THỰC TẾ RÀNH RÀNH là miền Nam sướng gấp trăm lần miền Bắc, dù tiếng súng chỉ mới im lặng sau miền Bắc có hơn 2 năm trời (chỉ tính từ khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc). Hàng hóa, thực phẩm từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy thừa mứa, rẻ rề. Trong khi ở miền Bắc, miếng đậu phụ, lạng thịt cũng phải có phiếu thì ở miền Nam, bác ngư dân, Hai Tường, ở Cà Mâu có thể ngồi tại nhà quờ tay xuống nước vớt lên cả một cần xé cá, tôm đang còn giãy đành đạch, chiêu đãi đoàn nhạc sỹ cánh tớ nhậu suốt một ngày!


Buồn cười Huy Du, có tiếng là thật thà còn hỏi nhỏ bác chủ nhà: "Ba bữa nhậu ngày, một bữa cháo rắn hổ mang đêm, thế này, có làm bác tốn kém lắm không"? Bác ta cười ha hả trả lời "Tôm cá dưới sông, rắn nằm trong bụi, có mất tiền mua đâu mà tốn với kém!" Nói rồi, bác cầm bao "555", rút một điếu, xé giấy, vứt đầu lọc, nhồi thuốc vào... nõ điếu thuốc lào, rít một hơi dài, rồi nói thêm trong khói thuốc: "các chú thế là chưa biết gì về miệt Cà Mâu này rồi!


Chim trên trời, cá tôm dưới nước, thiên nhiên này nuôi sống chúng tôi bao đời nay! Chẳng lo phải thiếu miếng ăn đâu mấy chú ạ! Bây giờ hòa bình rồi, tha hồ mà đi khơi, đi lộng, chẳng lo tên bay đạn lạc ,lo tàu Hải Quân xục sạo tìm Việt Cộng, cản trở làm ăn, thế là sướng rồi! Nào! nhậu đi mấy chú! "Thế đấy ,một người ngư dân bình thường đã "tuyên truyền"về cái sướng vật chất (và có lẽ cả tinh thần?) hơn hẳn của miền Nam bị "kìm kẹp", cho chúng tớ quá đơn giản nhưng cực kỳ .. thuyết phục!

Tớ không đến nỗi bất ngờ mà phải "ngồi xuống vệ đường mà khóc vì thấy mình bị đánh lừa" như Dương Thu Hương.Trái lại tớ lo, lo cho tương lai của bác ngư dân này khi " bị" vào hợp tác xã, phải bán sản phẩm cho Mậu Dịch, phải cấm cả miệng mình ăn một con tôm do chính tay mình câu lên, (một trong những điều cấm của các hợp tác xã đánh bắt thủy hải sản ở Đồ Sơn,ở Cát Bà, Cát Hải mà Sở Thủy Sản Hải Phòng đã tổ chức cho một Đoàn nhạc sỹ chúng tớ đi thực tế để ...trái tim thấy nhiều lần nhói lên về cái thực tế phũ phàng này!)

Trên đường về, trên xe, một trong những đề tài thường được chúng tớ tranh luận là: Miền Nam có thể nào đi theo con đường tiến lên XHCN kiểu miền Bắc không? Và gần như ai cũng nhận thức được "Cái mảnh đất giầu có trời cho", cái con người miền Nam sống Tự do như dân vùng Cà Mâu này khó có thể chịu cái cảnh sống của ngư dân Đồ Sơn, Cát Hải được!


Trở về thành phố, lại lang thang đi khắp chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ...anh nào anh nấy đều ù tai, hoa mắt về những hàng hóa, về những câu chào hỏi "1 đồng (tiền mới) một mét mua dzô!" Còn vào đên Chợ lớn thì ...cứ như ...lạc sang Tầu! Đặc biệt ngon và rẻ thì có lẽ không anh nào đã được hưởng cái thú ăn cơm Tầu như ở đây! Huy Du, 5 năm học bên Tầu cũng chưa bao giờ được hưởng những món sang trọng mà lại rẻ rề đến thế! Bữa ăn có cả bào ngư, kim tiền kê mà đứng lên trả tiền, 4 vị chỉ mất có 4 đồng rưỡi!...Một giấc mơ? một ảo giác?


Không, thực sự là như vậy! Tuy nhiên, đêm đó tài căn hộ của tớ cũng nổ ra một cuộc tranh luận về đề tài: Liệu "Ta"có cải tạo tư sản,có cầm buôn bán, liệu có đóng cửa hết mọi cửa hàng ăn, các cafeteria, các bar như Rex, Givral, Maxim's,,,không? Chỉ riêng tớ là dám nói :"Sẽ cấm!" Còn tất cả đều ngờ vực... Vì tớ là một anh ăn nói liều mạng nhất nên tớ dám phát ngôn "vô trách nhiệm" là ...

Trong tay ông X,ông Z thì... mười Chợ Lớn các ông ấy cũng phá tan như không! Chủ nghĩa xã hội đâu chấp nhận cái cảnh giai cấp trung gian (tức là thương nghiệp) đâu có chấp nhận công cụ sản xuất (nhà máy) nằm trong tay bọn tư sản! Nhân đây cũng xin kể một chuyện vui mà có thật 100%. Em ruột tớ, nhân có dịp các văn nghệ sỹ miền Bắc vào cũng có ý "khoe" tớ và đám bạn bè tớ cho mấy anh em trí thức văn nghệ sỹ miền Nam, bèn tổ chức một bữa tiệc mừng tại Biệt Thự Tĩnh Tâm của bố tớ để lại.


Trong lúc Tô Hiền đang còn dài giòng giới thiệu chưa xong thì, họa sỹ Lưu Công Nhân, bạn học của Hiền thời kỳ Pháp thuộc, bỗng cầm cốc rượu Napoléon lên, đứng phắt dạy, ngắt lời: "Này thôi thôi! Mời các vị nâng cốc uống mau đi, kẻo ít nữa chẳng có.. đéo gì nữa mà tiệc với tùng đâu!!" Cử tọa lặng người vì câu nói quá "bá láp" của cái ông họa sỹ cộng sản này ! Kể ra LCN nói cũng thiếu... văn nghệ một chút nhưng những điều anh nói ra rõ ràng là sau này trở thành sự thật (!) khi nhu yếu phẩm, từng lạng thịt, thìa bột ngọt cũng phải chia về cơ quan, khối phố! Cũng xin nói thêm sau này chính anh là người thứ hai, sau Dương Bích Liên xin ra Đảng và còn cười giỡn và nói :


"Tao vào Đảng sau mà lại được ra trước, khối thằng vào trước tao mà cũng chưa được ra!" Chuyện này trong giới văn nghệ miền Bắc còn kể cho nhau nghe mãi về sau... khi anh đã không chiụ "lệnh trục xuất" về Bắc của ông Bảy Bảo Định Giang (*) mà sẵn sàng ra khỏi biên chế để được ở lại miền Nam làm một anh "họa sỹ tự do" cho đến năm 2007 thì qua đời ở Đà lạt.. Thực tế ở miền Nam nó phản tỉnh vào tâm hồn con người văn nghệ sỹ bằng nhiều cách nhưng nói chung là mọi nhân sinh quan, mọi lập trường, quan điểm nó đảo lộn tất cả trong mọi cái đầu và trái tim của những người đã từng làm văn nghệ minh họa (mà đại tá nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết lời ai điếu)


Dẫn chứng gần nhất là lời tuyên bố của nhà văn nổi tiếng là khôn, Nguyễn Khải, trên giường bệnh lúc sắp giã từ cuộc đời được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 11/1/2008 là: "Miền Bắc cho tôi Độc Lập, miền Nam cho tôi Dân chủ và Tự do" ,"thì đủ biết THỰC TẾ MIÊN NAM đã giải phóng cái đầu và trái tim tụi tớ như thế nào! Và... chẳng phải một mình giới văn nghệ, giới chính trị cũng phải nhận thức ra "Không thay đổi cách nhìn, cách lãnh đạo là...nguy to! Và... "Đổi Mới"đã ra đời...Cả hai miền đã đuợc... "cởi trói" tiến vào kinh tế thị trường nhưng....đang còn vướng cái đuôi...XHCN ???????? *Ở miền Bắc, một số văn nghệ sỹ được "giải phóng sáng tác" 100%, nghĩa là ăn lương của Hội nhưng không phải làm việc gì ngoài sáng tác.Tuy nhiên, đi đâu, làm gì, kế hoạch sáng tác, sinh hoạt Đảng vẫn phải do Đảng Đoàn quản lý. Lưu Công Nhân, Phan Huỳnh Điểu... là hai văn nghệ sỹ tuy vào miền Nam rất sớm nhưng không thuộc bất cứ Hội nào của thành phố.


Riêng LCN, vì "quậy" quá mới có cái "lệnh trục xuất" của Đảng Đoàn Hội Liên Hiệp V.H.N.T thành phố vô lý này...24 tháng 3, 2008

Tớ Đi Thăm Những Người ... Không Chiến Bại

Mới đầu, tớ chỉ coi những người không trực tiếp cầm súng ở miền Nam chống lại quân đội miền Bắc là những người không chiến bại.... vì theo tớ, họ có vào sân đá banh đâu mà bảo họ thua...? Cho nên, giao tiếp với những gia đình, bạn bè không có con phải đi "học tập" nó làm tớ thoải mái hơn cả.

Đỡ phải trả lời những câu hỏi mà chính các bố "tuyên bố một đằng làm một nẻo" cũng chẳng đủ sức trả lời! Tớ thấy những phương châm dặn dò của Ban Thống Nhất khi tiếp xúc với đồng bào, nhất là văn nghệ sỹ miền Nam là luôn ở "tư thế của kẻ chiến thắng", là "cần đoàn kết nhưng kiên quyết, cởi mở, nhưng cảnh giác" không để sa vào những cám dỗ vật chất của chủ nghĩa thực dân mới vv....vv... bằng một thái độ duy nhất: Đến với mọi người với cả một tấm lòng trung thực nhất, không bao giờ tỏ ra một người ở phe thắng tới với phe thua”!


Tớ không thể hiểu nổi các nhà làm ra những câu như "thế ta là thế đứng trên đầu thù", những người chủ trương vừa tiếp quản thành phố đã bắt toàn dân "treo ảnh lãnh tụ, treo cờ Tổ Quốc", đã đêm đêm bắt các em nhỏ phải đi tập trung học "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ!" có một chút nghĩ suy gì về tình cảm con người không chứ chưa nói đến tâm lý học. Làm sao mà người ta có thể bị áp đặt phải yêu những thứ mà người ta không những không thích mà còn sợ hãi, thù oán nữa? Làm sao mấy em nhỏ có bố đi "cải tạo" chưa có ngày về lại có thể mơ thấy gì ngoài bố chúng nó chứ! Tớ phải cố quên đi những lời hợm hĩnh kiêu binh (sufisance) trên Đài, trên báo, trên những khẩu hiệu giăng đỏ đường để có đủ can đảm bước vào những gia đình mà tớ biết trước sẽ phải đối diện với trăm ngàn thắc mắc đủ loại....


Tớ không đến nỗi vào loại nói dối ngu ngốc là: "miền Bắc có cả trăm máy lạnh mắc ở công viên Lê Nin"! Tớ cũng không đủ can đảm để nói miền Bắc sống sung sướng vì ...không bị "kìm kẹp" dù không có tủ lạnh, tivi, xe máy..., dù miếng ăn nào cũng phải có phiếu có tem! Tớ muốn chửi cha cái thằng dám viết báo nói rằng "phong cách trẻ em khoanh tay, cúi đầu khi chào người lớn ở miền Nam là...rơi rớt từ chế độ phong kiến!" Đặc biệt là đối với giới trí thức miền Nam, tớ luôn tâm niệm là: Họ có được cái đầu và trái tim phóng khoáng, tự do hơn chúng tớ nhiều. Hơn thế nữa họ có nhiều điều kiện để trau dồi trí thức, được đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều hơn hẳn mấy anh lý luận văn nghệ mà chỉ được đọc tác phẩm qua bản dịch, học lý luận qua các tổng kết triết học-chính trị-kinh tế học từ cuối thế kỷ thứ XIX! Và một điều tớ cho là văn nghệ sỹ miền Nam hơn hẳn mấy anh văn nghệ sỹ miền Bắc ở chỗ: 10 anh thì 9 anh dùng được từ 1 đến 2 ngoại ngữ để tự trau dồi kiến thức của mình.


Điều này ở miền Bắc tỷ lệ dùng được ngoại ngữ là ngược lại 1/10! Mà hầu hết cái số 1 đó lại là ngoại ngữ học từ thời Pháp thuộc. Còn lại trí thức từ 50 tuổi trở xuống (tính đến năm 1975) thì ....đều trông chờ vào sách dịch nhỏ giọt mỗi năm dăm bảy cuốn. Ấy vậy mà các vị "kiêu binh văn nghệ" đó vẫn dám tổ chức tọa đàm, hội thảo đủ mọi thứ nghe có vẻ..."người lớn" ra phết: Nào "Sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", nào "Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới tới văn học nghệ thuật miền Nam"... nào Hiện Sinh, Ca Muýt, Bôn Sác, tùm lum cứ như ta đây đã biết thừa "ba cái thứ bậy bạ" đó từ lâu rồi!

Tớ nhớ mãi một buổi hội thảo về văn học nghệ thuật tại 190 Phan đình Phùng mà mấy vị hãnh diện chiến thắng đứng lên ăn nói bậy bạ đã bị anh em phản đối bỏ ra về! Riêng tớ cũng đứng dậy ra về theo vì cũng cảm thấy bị xúc phạm luôn nhất là kẻ xúc phạm mình lại là một thằng Ngu! Ai đời phân tích một tác phẩm của phía mà anh ta cho là "người thua", mời người ta tới mà lại nói là: "Anh có bao nhiêu cái đầu để tạ tội với cách mạng?" (Phan Khắc Lập phê phán cuốn "Tiền Đồn "của Thế Uyên).


Còn về âm nhạc thì còn có ông tệ hơn nữa, dám phát ngôn một câu là: "Âm nhạc miền Nam là âm nhạc ....vô học". Tớ nhớ mãi truyện này vì chính sau đó một hôm, nhạc sỹ Phạm Đình Chương, người tớ đã quen biết từ thời kháng chiến chống Pháp đã đến gặp tớ ở 23 Lý Tự Trọng để nhờ phản ảnh sự bất bình của anh em "tại chỗ" về thái độ lời ăn tiếng nói của một số "cán bộ cách mạng".


Tớ đã nói chuyện với nhạc sỹ Phạm Đình Chương gần 3 tiếng đồng hồ về những gì chúng tớ đã trải qua để tồn tại đến ngày hôm nay,... Rồi cuối cùng... Các bạn có biết tớ đã khuyên ông ấy cái gì không:

Anh Chương ạ! Tôi khuyên anh... nếu còn khả năng, hãy..."ra đi" đi! Sớm ngày nào hay ngày ấy! Các anh không thể sống an lành với thái độ thẳng thắn này đâu. Hơn nữa, với cái đầu và trái tim quen với tự do rồi, các anh không thể làm nghề sáng tác được dưới thể chế chính trị này đâu!”

Và cũng chính với cái bài thuyết phục tích cực một cách cực kỳ ...tiêu cực này tớ đã chỉ sửa đi mấy chữ "không thể buôn bán", không thể hành nghề", "không thể phát triển tài năng" v..vv... mỗi khi đến đâu gặp những người thân đang có vấn đề bế tắc trong tư tưởng, đời sống, vật chất hay tinh thần... Có thể nói, gần như cả gia đình nội ngoại xa, gần nhà tớ, từ bà cô, bán phở Bắc ở chợ An Đông đến ông giáo sư Đại Học Trường Y Dược, sau này ra đi, đều có công "thúc đẩy" của tớ ít nhiều.


Riêng giới nhạc, những người còn ở lại do còn lấn cấn vấn đề vợ con, tài sản hoặc còn hy vọng điều gì đó thì, sau cuộc cải tạo tư sản đều ra đi hàng loạt. Riêng cái dàn nhạc đã từng cộng tác với tớ suốt những ngày đầu tiên cố làm nên một thứ "âm nhạc giải phóng" thì ...ra đi không sót lấy một người! Riêng đối với Nghiêm Phú Phi, một người tớ đặc biệt quan tâm, theo giới thiệu của Phạm Trọng Cầu, tớ đã từng gặp để trao đổi nhiều về vấn đề có thể đẩy mạnh nền âm nhạc kinh viện (accadémique) ở Sài gòn này không thì ông cho biết: “Ông đã có giấy tờ chính thức ra đi, không thể ở lại được, dù lúc đó người ta đã "cơ cấu" ông vào Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc thành phố sắp được thành lập”.


Tớ mừng cho ông vì những thứ ông học mà tớ đã được biết, (được xem và được nghe qua một cái quartet cho đàn giây) quả là hiếm hoi ở đất Sài gòn này nhưng ông sẽ chịu sao nổi sự lãnh đạo của mấy ông đáng tuổi con, tuổi em ông đang sắp từ Liên Sô, Trung Quốc... trở về với cả một hệ thống tư duy về thẩm mỹ (và cả kỹ thuật nữa) hoàn toàn khác biệt, nhất là cái đầu óc hợm hĩnh (sufisance)mang từ "cái nôi của cách mạng tháng 10" về thì... chỉ có làm ông tăng-xông mà chết sớm! Một làn sóng văn nghệ sỹ, diễn viên ở cả hai miền di tản, vượt biên càng tăng lên khi có vụ "Nạn Kiều".


Hàng loạt diễn viên của Nhà hát giao hưởng (cả gia đình họ hàng nhà Cóong (Trombone), Đài Phát Thanh (Vân Khánh, Mộng Dung, riêng Ngọc Tân..bị bắt, ở tù rồi được thả)) Nhà hát Kịch (Giáng Hương, Phạm Bốn) Trường Nhạc (vợ chồng pianist Hàn-Vy-Hoa...V.Hiệp...) thậm chí cả sau này gia đình nghệ sỹ Nhân Dân Thái Thị Liên-Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh... theo tớ chẳng qua cũng chỉ là một thứ "di tản chính thức", được chấp nhận để họ có đủ điều kiện phát triển tài năng mà thôi!


Còn họ phục vụ nhân dân được cái gì thì ngay cái "nhăn răng" tớ đây cũng chẳng được ba vị "nghệ sỹ lớn" quanh năm sống ở nước ngoài cho nghe lấy một nốt nhạc nào! Tớ chỉ ân hận có một điều là không giúp đỡ "giải thoát" được cho chính em ruột tớ: Tô Hiền. Một phần vì bản thân em tớ nó quá yếu đuối cả về tinh thần lẫn thể xác, một phần nó cũng hơi có tí..."cách mạng" hơn cả ông anh vì nó cũng đã từng trải qua những ngày sống với "cách mạng" thời học tú tài ở trường cấp ba Nguyễn Thượng Hiền, trong vùng kháng chiến. Phần nữa nó quá lo cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn của một anh "giáo sư cấp ba" và một bà vợ giáo viên cấp 2 làm sao nuôi nổi 6 con ăn học trước tình hình ngày càng xuống cấp trầm trọng của xã hội những năm 76-77.


Có thể nói gia đình Tô Hiền, em tớ là điển hình cho một lớp trí thức tiểu tư sản thành thị bị "chết lây" bởi các phong trào cách mạng đánh vào...người khác! Thoạt tiên là bán đổ bán tháo cái ô-tô hàng ngày, giáo sư dùng để chở vợ con đi dạy, đi học và chở mình đến lớp! Sau đó là tậu ngay ...8 cái xe đạp, mỗi người một cái, ngày ngày cọc cạch đạp từ hẻm Long Vân Tự (Bình Thạnh) đi khắp các Quận đề học, để lên lớp, giảng bài! Mỗi lần tớ về thăm lại thấy thiếu đi một cái gì đó, thậm chí đến 3 cái quạt trần cũng từ từ đội nón ra đi. Bữa ăn thì toàn bo bo, bột mì... rau xanh là chính. Các cháu sinh ra ghẻ ngứa, mặt mày đứa nào đứa nấy ngơ ngác chẳng còn hột máu! Mỗi lần về, qua chợ bà Chiểu, tớ luôn xách theo cân thịt lợn, thịt bò về để bồi dưỡng cả nhà.


Đang tính chuyện bán nhà để có "cây" vượt biên thì...., ngay trên bục gỉảng tại trường phổ thông cấp Ba Nguyễn Huệ Quận 4, giáo sư Hiền đã gục xuống, đứng tim và không bao giờ tỉnh lại nữa! Đó là ngày 24 tháng 10 ta năm 1976, sau đúng có hơn một năm trời cố gắng làm anh giáo sư cấp 3 XHCN! ... Và vợ Hiền, sau đó ít năm, cũng chết vì tăng xông luôn... 6 đứa con nay đã trưởng thành, chẳng nên ông nên bà, có chức danh to lớn gì ,nhưng cũng sống được, một phần vì có ba đứa đã quyết tâm làm "boat people" (may không đứa nào bị cá ăn thịt), hiện đang sống bên Canada, bên Mỹ, hỗ trợ ít nhiều! Đúng là tớ có cái "số" sống cô độc, không bà con họ hàng để luôn luôn có thời giờ mà... nghĩ ngợi, mà buồn chán cho cuộc đời, mà trao đổi với bạn bè những tình cảm, nghĩ suy... như tớ đang giải sầu bằng blogging hôm nay đây.


Trở lại với cuộc đi lang thang với nhạc sỹ Lê Thương (không có ông, rất khó tiếp cận với các loại "sống ẩn" như Dương Thiệu Tước) tới rất nhiều các nhạc sỹ đang còn ở lại. Tớ luôn ca ngợi cái tự do của họ và nhận hết những gì mà người khác làm sai như của mình làm sai. Xong xuôi rồi, bao giờ tớ cũng tìm cách nhắn nhủ một cách tế nhị "Nên chọn con đường "ra đi" là tốt nhất vì các anh không có đủ sức chịu đựng được những gì chúng tớ đã chịu đựng đâu!”


Trừ một số anh quyết tâm ở lại vì đã quá già, trong đó có anh Lê Thương, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước...tất cả những người trẻ, trong đó có cả Duy Quang, trước khi ra đi đều đến chào tớ rất cảm động, chân thành. Tớ chỉ thương có một mình Y Vân, một con người nghệ sỹ quá tình cảm, quá bình dân và quá... nghèo, không sao có khả năng tìm đường "tự cứu" được. Ngay những năm 75, 76, anh cũng tự mình cuốn lấy thuốc hút, ăn mặc xuềnh xoàng. Anh thường đến tớ chơi trao đổi nhiều điều rất tâm tình (chuyện gia đình, chuyện vì sao anh làm ở Đài Mẹ Việt Nam ...


Anh không được phổ biến tác phẩm, không được kết nạp vào Hội cho đến ngày anh qua đời......) Đối với tớ, không có nhạc sỹ phe ta hay phe nó gì hết. Chỉ có một cái chức danh đáng tự hào NGHỆ SỸ VIỆT NAM mà số phận đã bị các nhà chính trị đẩy họ đến chỗ phải cầm đàn, cầm bút, cất cao tiếng ... chửi nhau, gây nên chia rẽ, thù hằn cho mãi đến bây giờ vẫn chưa sao mà xí xóa đi cho được! Vài năm gần đây, thỉnh thoảng có người trở lại cố hương, găp lại tớ, thấy tớ vẫn sống có phần thoải mái tự do, lại còn lên net, gõ blog hàng ngày, gặp bạn bè, mét xịch khắp bốn phương, tuy không có được nhà lầu, xe hơi nhưng vẫn vui tươi trong cuộc sống hoàn toàn tự do, thoải mái, tớ đã không ngần ngại tuyên bố: "Ngày xưa các bạn sống sướng hơn tớ nhiều“! Còn bây giờ thì đến phiên được bắt đầu cái sự... sướng tự tạo ra đây! Chỉ phải cái chữ "giầu" thì có lẽ không bao giờ tớ có được ở cái nền... kinh thế (!) thị trường quái đản này! Thôi thì thay "thăm nghèo hỏi khổ" tớ bằng... "thăm cái lão già nghèo mà sướng vậy"!

Tô Hải 27/03/2008

Tài liệu tham khảo:1. Các websites: http://khanhly.net/phoxua ; http://www.dcvonline.net/ ; http://www.bbc.co.uk/vietnamese/2. Blog của Nhạc Sĩ Tô Hải: http://360.yahoo.com/profile-


XIN XEM VÀI TÀI LIỆU VỀ NHẠC SĨ TÔ HẢI






















No comments:

Post a Comment