Pages

Thursday, April 23, 2009

TIN BUỒN * HỌA SĨ HIẾU ĐỆ KHÔNG CÒN NỮA

Họa Sĩ Hiếu Đệ, Tác Giả Bức Hí Họa 7 Tên Việt Cộng Đu Cành Đu Đủ Thời Chiến Tranh Việt Nam ... Không Còn Nữa.

PHẠM THẮNG VŨ


Họa sĩ Hiếu Ðệ là một danh tài của miền Nam VNCH, một tên tuổi lớn trong ngành hội họa, thế hệ từ 1945-1975. Tên thật của ông là Nguyễn Tánh Ðệ, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1935 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là Nguyễn Tánh Chí giáo sư các trường Tư Thục Hồng Ðức và Cẩm Bàn.Sau các năm dài chống chọi với bệnh tật, ngày thứ Năm 16 tháng 4 (nhằm ngày 22 tháng Ba năm Mậu Tý) vừa qua, họa sĩ Hiếu Đệ đã nằm xuống vĩnh viễn để lại bao tiếc thương trong tâm khảm của các người thân trong gia đình cũng như các bạn bè gần xa thân yêu



Di ảnh họa sĩ Hiếu Đệ.

Năm 15 tuổi, ông Hiếu Đệ vào Sài Gòn học tại các trường trung học nổi tiếng như Huỳnh Khương Ninh và Lasan Tabert. Sau cùng là trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh và trong lúc theo học tại trường nầy, ông đã phụ trách minh họa cho các tờ báo Ðời Mới, Tiếng Chuông. Năm 1957 ông ra trường và về làm giáo sư hội họa tại các trường Trung học công lập Phan Thanh Giản-Cần Thơ (1958) và Quốc Học-Huế (1959).

Năm 1962 ông được động viên vào học Khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Ra trường, ông phục vụ trong quân đội và sau đó (khi mang cấp trung úy) được thuyên chuyển về Cục Tâm Lý Chiến. Từ 1968-1975 ông được biệt phái về làm giáo sư hội họa tại các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn và Huế. Sau ngày CS cưỡng chiếm miền Nam VNCH, Trung Úy Họa Sĩ Hiếu Ðệ bị chúng bắt tù cải tạo 5 năm và cùng gia đình đến Mỹ (chương trình HO) vào tháng 10 năm 1989. Ông định cư tại thành phố Holland-tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ và hoạt động trong Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị VNCH. Ông đã từng kiêm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành Văn Bút VN Hải Ngoại cùng cộng tác viết bài, vẽ tranh hí họa với báo Làng Văn (CANADA) và các trang báo của cộng đồng người Việt quốc gia trong tiểu bang Michigan.

Là một họa sĩ, ông Hiếu Đệ đã vẽ nhiều tranh từ sơn dầu, mầu nước thậm chí cả sơn mài về các đề tài lịch sử Việt Nam như bức vẽ Quang Trung Đại Đế tay cầm gươm, ngồi trên chiến mã khi vào thành Thăng Long trưa mùng 5 tết Mậu Thân (năm 1789). Bức tranh nầy đã được dùng làm trang bìa báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số Xuân năm Kỷ Dậu 1969. Đặc biệt, ông đã vẽ một bức tranh biếm, hí họa rất nổi tiếng thời chiến tranh tại miền nam VNCH. Đó là bức tranh 7 Việt Cộng bám (đánh đu) vào một cành đu đủ mà không gẫy. Cục Chính Huấn QLVNCH đã in khá nhiều tranh 7 Việt Cộng và cành đu đủ nầy và trưng bầy nhiều nơi tại miền Nam trong thời gian đó và đây cũng là một trong các lý do mà CS đã hành hạ ông trong thời gian bị tù cải tạo sau ngày 30-4-1975 (rất tiếc là bức tranh đã không còn).

Nhìn vào bức tranh, hầu hết người thưởng lãm đều nghĩ là cán binh Việt Cộng ăn uống thiếu đói nên cả 7 tên bám vào một cành Đu Đủ mà vẫn không làm gẫy cành được. Đó là nghĩa đen. Thi sĩ Nhật Hồng, một người bạn của họa sĩ Hiếu Đệ đã giải thích ý nghĩa bức tranh nầy theo nghĩa bóng như sau:

- Cả 7 tên Việt Cộng bám vào 1 cành Đu Đủ mà không làm gẫy cành có nghĩa là chủ nghĩa CS chẳng có giá trị hay trọng lượng gì (nhân gấp 7 lần) trong thực tế ((cây Đu Đủ là loại cây có cành yếu ớt nhất (trong các loại cây có cành) mà 7 cán binh Việt Cộng bám vào nhưng vẫn không hề hấn)). Nói cách khác, chủ thuyết CS là một chủ thuyết hoang tưởng và những tiêu đề do chủ thuyết nầy xướng xuất đã không mang lại hạnh phúc-tự do-dân chủ-ấm no thực sự cho người dân.

Theo lời kể lại của những người bạn tù cải tạo chung trại với họa sĩ Hiếu Đệ, bọn quản giáo đã nhiếc móc ông chỉ biết đem tài ra phục vụ chế độ Mỹ-Ngụy khi đã vẽ bức tranh đu cành Đu Đủ kể trên. Nhưng cũng chính bọn quản giáo nầy đã kín đáo tìm gặp ông, thuyết phục ông vẽ cho chúng các tấm hình 36 hoặc 72 kiểu để chúng nghiên cứu về sự đồi trụy của xã hội miền Nam VNCH. Ông đã từ chối lời yêu cầu đó của chúng. Tại sao họa sĩ Hiếu Đệ lại vẽ bức hí họa kể trên? Có lẽ từ những hình ảnh các cán binh Việt Cộng gầy gò trơ xương khi họ ra hồi chánh với chính quyền miền Nam VNCH hoặc bị bắt làm tù binh tại mặt trận (như tấm hình chụp dưới đây) đã là nguồn cảm hứng cho ông.



Khi định cư tại Hoa Kỳ, họa sĩ Hiếu Đệ ngoài việc tiếp tục cầm bút vẽ các tranh biếm, hí họa về chế độ CS đang đè đầu người dân tại quê nhà thì ông còn viết các bài về hội họa khác. Trong các bài viết nầy, ông đều ít nhiều lồng vào những suy nghĩ những nhận xét hài hước của riêng ông về chế độ CS Việt Nam. Xin trích một đoạn trong các bài viết của ông:

..." Người Việt chúng ta mặc dầu sống ở nước ngoài, cứ mỗi lần nghe Tết đến vẫn còn nhớ đến ông đồ già trong những câu thơ của Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Ở trong nước nền văn hóa ông đồ đã lùi vào dĩ vãng cũng có gần thế kỷ rồi. Hình ảnh đó chỉ còn lờ mờ trong kỷ niệm hoài tưởng. Kể cả những bức tranh gà, tranh lợn người ta dán trên tường làm đẹp ba ngày tết, màu sắc đó cũng phai rồi. Thế mà năm tôi đi cải tạo về vẫn còn thấy trong dịp tết năm 1985 mấy cửa hàng sách báo của nhà nước cũng còn đang bầy bán loại tranh nầy để đồng bào treo Tết. Dĩ nhiên, chẳng còn ai để ý tới nó nữa, nhất là sau nghị quyết của đảng công bố về việc đổi mới, công nhận 5 thành phần kinh tế: cá thể, tư nhân, đầu tư, ngoại quốc, hợp tác xã và quốc doanh. Loại tranh gà, tranh lợn nền nghệ thuật dân gian chuyên làm minh họa cho nghị quyết của đảng bị vất vào sọt rác. Ngoài phố Lê Lợi và Nguyễn Huệ mặc dầu nhà nước không công nhận thành phần buôn chui và bán lậu, nhưng trong chợ Tết Bến Thành họ vẫn bầy bán các loại lịch khỏa thân Pin up nhập cảng lậu từ Thái Lan, Cam Bốt bán chạy như tôm tươi. Có điều họ bán giá cao, chỉ có cán bộ và viên chức mới có tiền mua, chứ đám cải tạo chúng tôi chỉ coi ké một chút thôi. Bọn cán bộ còn tán dương, đó là hình ảnh các thanh nữ nhà nghèo, đứng trên lập trường giai cấp, họ cần mua về để ủng hộ gà nhà.

... và cả CS Tàu:

Nói về nền văn hóa dân gian của CS Hà Nội, chúng ta cũng nên nhìn qua nước láng giềng của Việt Nam là Trung quốc để thấy rõ thêm. Sau khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền ở Trung quốc họ đề cao giai cấp nông dân lên trên đám trí thức trong nước, áp dụng chính sách giai cấp đấu tranh, tiêu diệt trí phú địa hào và phong kiến tư sản, đặt nặng thứ văn hóa làng xã của giai cấp nông dân lên làm tiêu chuẩn của nghệ thuật, thứ tranh mộc bản và tranh trổ giấy được đề cao. Những hình ảnh tôn giáo được xếp vào loại mê tín dị đoan phải đánh đổ, thay vào đó là những anh hùng lao động, những chiến sĩ Cộng sản. Họ gọi là sứ mạng mới của văn hóa xã hội chủ nghĩa sẽ đưa nông dân đến chỗ phồn vinh, giàu có - Ví dụ như bức tranh nông dân dâng hoa trái lên Mao chủ tịch ca ngợi sự giải phóng của đảng tạo lên sự được mùa. Tiêu chuẩn đỏ đóng khung cho một nền thẩm mỹ mới, kỹ thuật làm tranh không cần luật xa gần của hội họa, có khi vẽ sai cả cơ thể học, nhưng được họ gọi là hội họa mới, hội họa cách mạng. Họ đem loại tranh Tết của nông dân lên thành phố, bắt đám thị dân phải theo tiêu chuẩn đó và hạ thấp kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu xuống hàng thứ yếu. Họ còn cho sơn dầu là một thứ nghệ thuật tư sản không có tác dụng lớn trong tuyên truyền cho đảng, và thần thánh hóa nghệ thuật tranh nông dân. Mở các xưởng in tranh dân gian, đưa nghệ thuật nông dân vào thương mại. Chủ nghĩa Mao đề cao nghệ thuật phục vụ nhân sinh, đánh đổ chế độ tư sản nghệ thuật vị nghệ thuật. Lên án tranh trừu tượng, biểu tượng là đồi trụy không thể tồn tại, chỉ có hiện thực và lạc quan chủ nghĩa mới thực sự xây dựng văn hóa xã hội, kéo cổ các ngành nghệ thuật xuống tầm mức làng xã. Xu hướng đó được thành hình sau giai đoạn tiếp quản chính trị thời 1949, đặt thành ý thức hệ của nghệ thuật. Như vậy nghệ thuật nhà quê lãnh đạo nghệ thuật thành phố. Các trường mỹ thuật và trang trí phải lập chương trình dạy theo lối mỹ thuật nhà quê thì được gọi là cách mạng.
...
Ngày nay ngành mỹ thuật dân gian trên thế giới cũng đã tiến xa lắm rồi, chỉ có nước Việt Nam ta còn dậm chân tại chỗ thôi. Tôi có anh bạn họa sĩ làm việc cho đoàn múa rối nước Hà Nội, tết năm rồi tôi có gửi về cho anh hai cuốn video Toy story 1 và 2, anh ta xem xong rồi cho biết ý kiến, anh muốn dẹp phéng cái nghệ thuật múa rối này cho rồi, thế mà lãnh đạo nhà nước cứ tưởng múa rối kiểu Việt Nam là bậc nhứt, họ còn đem giao lưu văn hóa với nước ngoài, vẫn chưa biết hổ thẹn. Có lẽ họ đóng cửa bức màn tre của họ đã quá lâu đời, cho nên đem tranh gà tranh lợn dán nhà trong dịp Tết theo lời khuyên của Hồ chủ tịch và để tỏ lòng yêu nông dân và yêu xã hội chủ nghĩa nồng nàn
( trích trong: Từ Tranh Gà Tranh Lợn Dán Nhà Trong Dịp Tết, báo Xuân Nhâm Ngọ-2002, trang 14-Hiếu Đệ).



Và, trong một bài viết khác ông đã ưu tư cho thân phận nữ giới tại quê nhà:

..." ... chạnh nhớ đến những tin tức về xã hội ở Việt Nam, xin thêm vài điều ngoài chuyện mỹ thuật.
Tuy chẳng phải là một nước văn minh, tự do và giàu mạnh như ở Âu Mỹ. Nhưng các tệ nạn xã hội xì ke, ma túy, mãi dâm, nhà chứa đang mọc lên dẫy đầy. Nguyên nhân cũng bởi cái nghèo. Chính sự nghèo khó nẩy sinh ra những tệ nạn trên. Kề từ 1997, đầu tư nước ngoài rút vốn và rời khỏi Việt Nam, nạn thất nghiệp lên cao. Mỗi năm tăng lên hàng triệu người không có công ăn việc làm. Ở nông thôn bị nạn cường hào và tham nhũng, bóc lột, người dân làm không đủ ăn, kéo nhau ra thành thị tìm việc, sống lây lất ở vỉa hè, làm đủ mọi nghề, miễn sao kiếm ăn ngày hai bữa. Trẻ em và phụ nữ không tránh khỏi bị rơi vào bọn buôn người. Trong những ngày qua, khiến cho nhiều tổ chức nhân quyền phải lên tiếng báo động về tình trạng kinh doanh tình dục phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm Hà Nội tháng Hai vừa qua, bà Carol Bellamy Tổng Giám Đốc Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF đã chỉ trích rằng: Một số phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị bọn buôn người bán sang Trung Hoa, Campuchia và những nước khác, ngày một gia tăng, nhất là địa bàn ở các tỉnh biên giới, phía nam An Giang, Đồng Tháp, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, gần biên giới Việt-Miên. Phụ nữ và trẻ em bị chúng đưa sang bán cho các ổ mãi dâm, các nhà chứa ở Campuchia. Những cuộc khảo sát liên bộ của Việt Nam cho biết vào năm 1996 ở vùng biên giới này có khoảng 10 ngàn gái mãi dâm VN. Trong đó có hơn phân nửa còn vị thành niên (Tài liệu của Hội Thảo Phòng Chống Buôn Bán Phụ Nữ Và Trẻ Em, Hà Nội ngày 22-12-1999).
Bọn kinh doanh coi những cô gái VN như những nô lệ ở thời Trung Cổ. Thật ra, phải là những bọn có quyền lực mới đủ điều kiện thao túng trên thân xác phụ nữ như vậy được. Thế mà bọn lãnh đạo Hà Nội vẫn chối quanh. Nếu đứng ra bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong vấn đề kinh doanh tình dục, thì chính phủ Việt Nam sẽ bị mất đi món lợi ngoại tệ, do phong trào du lịch Sex Tour và xuất khẩu người đem lại. Cho nên, việc bảo vệ nhân phẩm cho phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam cũng là việc ngăn chận nguy cơ lan rộng vi khuẩn HIV và bịnh AIDS, đó là mối lo ngại của những người còn quan tâm đến đất nước Việt Nam
(trích từ: Lịch Sử Mỹ Thuật: NGƯỜI ĐẸP TRONG TRANH, trang 27 báo Cộng Đồng Việt Nam số tháng 10 & 12 năm 2001-Hiếu Đệ).



Hiện nay tại quê nhà, cảnh hàng chục các thiếu nữ xếp hàng (thậm chí phải thoát y 100%) để mong được một tráng niên, lão niên Đài Loan hay Hàn Quốc chọn làm vợ (và hình ảnh nầy vẫn tái diễn nhiều lần) thì nhận xét của họa sĩ Hiếu Đệ trên đây thật xác đáng.





Các bức tranh biếm-hí họa và tranh ngày Tết của họa sĩ Hiếu Đệ.



Một bức tranh sơn mài của họa sĩ.

Tại nhà quàn YNTEMA, anh Nguyễn Tánh Thảo, trưởng nam đã cho biết: Gia đình họa sĩ Hiếu Đệ có 7 người con gồm 2 nam và 5 nữ (6 người hiện cư trú ở Hoa Kỳ cùng mẹ là bà Hồ thị Ngữ và 1 người còn kẹt lại tại quê nhà). Tiếp xúc với các ái nữ của cố họa sĩ, cô Nguyễn thị Ái Thùy và cô Nguyễn thị Ái Thạnh thêm là tất cả 7 anh chị em trong nhà thì người nào cũng biết hội họa nhưng không ai chọn đây là một nghề, mà chỉ xem là một thú tiêu khiển (Hobby) cá nhân. Cô Ái Thùy đã chỉ cho chúng tôi xem một bức vẽ (được in trên đồ gốm) mà nét vẽ rất đẹp, nói là tác phẩm của một người trong gia đình.



Các thân quyến trong gia đình bên linh cửu họa sĩ.

Sau các năm dài chống chọi với bệnh tật, ngày thứ Năm 16 tháng 4 (nhằm ngày 22 tháng Ba năm Mậu Tý) vừa qua, họa sĩ Hiếu Đệ đã nằm xuống vĩnh viễn để lại bao tiếc thương trong tâm khảm của các người thân trong gia đình cũng như các bạn bè gần xa thân yêu. Gia đình đã mất một người ông, một người cha và một người chồng vô vàn kính yêu. Cộng đồng người Việt quốc gia tại Hoa Kỳ vừa khuyết mất thêm một chiến sĩ chống CS kiên trường.



Các nhân sĩ tại địa phương cùng điêu khắc gia Phạm Thế Trung, họa sĩ Thụy Vi, thi sĩ Ngô sỹ Hân tại nhà quàn.

Ngày thứ Sáu 17 tháng 4 lúc 6 giờ chiều, hội người Việt cao niên tại quận Kent thuộc tiểu bang Michigan đã làm lễ phủ kỳ nền vàng 3 sọc đỏ lên linh cửu họa sĩ Hiếu Đệ. Các nhân sĩ trong cộng đồng địa phương, các thân hữu cùng thân quyến trong gia đình đã tề tựu đông đủ tại nhà quàn để viếng thăm và tiễn đưa họa sĩ đến nơi an giấc nghìn thu.

Xin thắp một nén hương lòng, cầu chúc hương hồn họa sĩ Hiếu Đệ phiêu diêu nơi miền cực lạc.

Phạm thắng Vũ
April 19, 2009. Thành kính chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc hương hồn họa sỉ biếm họa Hiếu Đệ mau siêu thoát ...






NGƯỜI THẦY CŨ – HỌA SĨ HIẾU ĐỆ

PHẠM THẾ TRUNG

Năm 1972 , khi tôi mới bước chân vào trường Mỹ Thuật Gia Định , bên cạnh Họa Sĩ Tú Duyên, Họa Sĩ Hiếu Đệ là một trong những vị Giáo Sư đầu tiên mà tôi được học. Được biết ông vừa mới biệt phái trờ về trường trong giai đoạn đầy căng thẳng của đất nước , thoáng nhìn qua thấy ông là một nghệ sĩ sống lang bạt kỳ hồ hơn là một sĩ quan thời chinh chiến…

Những ngày đầu tiên Hiếu Đệ đã tạo ra cho đám sinh viên 18, 19 tuổi chúng tôi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác , ông không ráng làm ra vẻ đạo mạo , nghiêm nghị như những vị Giáo Sư khác , ông ngồi ngay trên bàn , hai chân vắt vẻo gác lên ghế với câu hỏi đầu tiên mỗi lần vô lớp, :” Hôm nay muốn nói chuyện gì đây bây ?? ”, Thầy Hiếu Đệ cười cười hỏi bọn chúng tôi bằng một chất giọng rất bình dân như vậy , Ông nói nhiều chuyện đời với học trò qua những đề tài - đang xảy ra, sắp nói tới - , cũng có lúc lan man qua những sâu xa của triêt học nhưng với lời bàn đầy mỉa mai hoặc khôi hài một cách tế nhị… Kèm theo những câu chuyện đời bất tận đó là lời giải thích của Thầy :” Để trở thành một người nghệ sĩ sáng tác xuất sắc , trước tiên phải có một số vốn sống, nếu không tụi bay sẽ dễ trở thành những người “thợ vẽ”, chỉ tạo được ra những tác phẩm vô hồn …” Thày còn rất chịu chơi đến độ mỗi lần lãnh lương rồi là rủ vài đứa chúng tôi đi…nhậu !!

1975 ! Cái mốc của những đổi thay trùng điệp…Khi tôi gặp lại Thầy mới ra tù cải tạo sau 5 năm , ngày xưa Thầy đã chẳng cần gì vẻ đạo mạo của một vị Giáo Sư, sau 5 năm tù đày Thầy lại càng biến đổi , trước mắt tôi bây giờ là hình ảnh của một người dạn dầy sương gió với râu tóc dài bạc trắng và đặc biệt là hàm răng đã rụng gần hết , trông nửa bi thảm, nửa bụi đời , chỉ duy có một điều khiến tôi vẫn nhận diện ra Thầy là câu mời gọi:”Thôi đi nhậu bây , nhậu cho nó quên đời…”




Tượng chân dung họa sĩ Hiếu Đệ.

“ Cho nó quên đời !”, bên cạnh những cái đáng quên, Họa sĩ Hiếu Đệ lại có những điều tôi luôn ghi nhớ. Bề ngoài ông lúc nào cũng cười nói huyên thuyên như không có gì, và chẳng có ai đáng trách , nhưng ẩn bên trong là những phiền muôn, những đắng cay trùng trùng… Để chịu đựng được những điều phải chịu như vậy một mình, và không thở không than cùng ai , chắc hẳn Thày phải là người đầy can đảm !



Họa sĩ Hiếu Đệ và Điêu Khắc Gia Phạm Thế Trung.

Bẵng đi khoảng 15 năm , một thời gian dài từ những đổi thay kinh hoàng của đất nước , năm 1990 khi nghe tin Họa Sĩ Hiếu Đệ người Thày cũ đang định cư tại Michigan , lòng mừng vô kể tôi đã lái xe từ Toronto sang thăm. Gặp lại nhau, cả hai Thầy trò đã lặng đi vì xúc động , tôi và ông cùng nhìn nhau rất lâu như ráng nhớ lại bao kỷ niệm của những tháng ngày xưa cũ khi còn ở quê nhà. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông trông khác hẳn với hình ảnh phong trần ngày xưa , tóc râu gọn gàng , quần áo chải chuốt và da dẻ hồng hào , đặc biệt nhất là đời sống của Thầy đã ngăn nắp hơn với những áng Kinh , những triết thuyết nhà Phật , và Thiền tâm…Chúng tôi lại hàn huyên về đủ mọi thứ trên đời, bây giờ tôi mới nhân ra thêm một điều rất đặc sắc của Hiếu Đệ là khi bàn về một đề tài nào thú vị, ông minh họa ngay đề tài đó ra thành bức Hí Họa với ý nghĩa rất thâm thúy và linh động chỉ trong vòng mấy phút . Biệt tài này tôi nghĩ chỉ có mình Họa Sĩ Hiếu Đệ chứ không còn ai khác.



Họa Sĩ Hiếu Đệ cùng bạn bè và học trò cũ.

Năm 1994, khi tôi khởi đầu cho công trình của bức tượng đài Thuyền Nhân :” Mẹ Bồng Con Vượt Biển “ và được dựng tại Ottawa Canada ngày 30-4-1995 sau này, Có thể nói Họa Sĩ Hiếu Đệ là người đầu tiên mà tôi mời đến để xem mô hình tượng Mẹ Bồng Con Vượt Biển của tôi , ông đã lấy làm tâm đắc để cổ võ tôi với nhiều khích lệ…Rồi từ đó Thầy trò chúng tôi gặp nhau rất thường xuyên dù mỗi người ở một nơi cách nhau rất xa.



Điêu Khắc Gia Phạm Thế Trung và tượng đài Mẹ Bồng Con Vượt Biển.

Sáng nay ngày 16/4/2009 trên con đường từ Toronto trở lại Holland , Michigan , trở lại nơi chốn xưa có người Thầy cũ, nhưng không phải để được thăm và nói về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với Thầy như ngày nào , mà là để tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng…Lòng tôi xót xa khi nghĩ đến cũng những con đường đó , những freeway đó và những trạm xăng, nơi tôi và Thày ngày xưa cùng lái xe qua lại … bây giờ tất cả vẫn vậy , vẫn vô tình thản nhiên , nhưng trong lòng tôi hiểu ra rằng mọi thứ mọi điều đã rất khác …

Khi đứng bên cạnh để nhìn Thầy lần cuối tại nhà quàn ngày 18/4 /2009 vừa qua , thoang thoảng bên tai tôi vẫn là tiếng cười dòn tan, giọng nói phóng khoáng của Thầy chỉ để diễn đạt lại một câu nói của 37 năm về trước mà cho mãi đến bây giờ tôi mới nghiệm ra được hết ý nghĩa của nó :” Nhậu đi bây , nhậu đi cho quên đời !!!….”

Phải chăng chúng ta đã được mời đến với cuộc đời, nhưng rồi phải uống rất nhiều chỉ để được quên !?


Phạm Thế Trung
Toronto , Canada ngày 21/4/2009.

http://thegioinguoiviet.net/showthread.php?p=17180#post17180

No comments:

Post a Comment