BÀI GIẢNG PHẬT-ĐẢN
Phật lịch 2553
Phật lịch 2553
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa chư liệt quí vị.
Mùa sen lại nở, mùa hoa Vô Ưu lại về. Người con Phật khắp năm châu, lòng tràn đầy hân hoan, đón chào ngày đản sanh của đấng Giác ngộ.
Theo dòng chảy thời gian, biết bao tang thương dâu bể. Trải qua 25 thế kỷ, Phật pháp cũng đâu nằm ngoài cái qui luât “thành, trụ, hoại, không”, từ 500 năm chánh pháp, 1.000 năm tượng pháp và 1.000 năm đầu của 10.000 năm mạt pháp.
Hôm nay, hương sen thoảng bay, gợi nhớ mùa hoa Vô-Ưu ngày cũ. Đã là Phật tử, chúng ta ai chẳng nhớ đến trang sử của Đức Bổn sư, một đấng Giáo chủ tối cao, một bậc Đạo sư của trời người, cha lành trong bốn loài. Một trang sử chưa từng có trong thế giới hôm nay. Trang sử sáng ngời của đấng Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi.
Vì sự giải thoát của vạn loại hàm linh mà Ngài đản sanh, vì sự an lạc của nhân thiên mà Ngài xuất hiện, vì thoát ly khổ não cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà Ngài thị hiện nơi cõi đời nầy.
Nhân ngày Đản sanh của Đức Từ phụ, chúng ta cùng nhau nhắc nhở lại trang sử đời Ngài, rồi ngẫm lại mình, thử xem chúng ta đã tự thanh tịnh cho mình bao nhiêu nghiệp chướng, oan trái tiền khiên, trên bước đường trở về với “bản lai diên mục”
Kính thưa chư liệt vị
Trước đây 2553 năm, cũng vào ngày trăng tròn tháng tư (năm 623 trước dương lịch), trong vườn Lâm-Tỳ-Ni tại Ca-Tỳ-La-Vệ, bên ranh giới Ấn độ của xứ Népal ngày nay, có một hoàng tử đươc hạ sanh mà về sau, trở thành bậc giáo chủ vĩ đại nhất thế gian. Cha Hoàng tử là đức vua Tinh phạn, thuộc quí tộc Thích Ca và mẹ là Hoàng hậu Ma da. Sau khi hạ sanh Hoàng tử được 7 ngày thì hoàng hậu Ma da băng hà, người em gái là Ma ha Ba-xà-ba-đề thay hoàng hậu chăm sóc dưỡng dục hoàng tử.
Tin hoàng tử chào đời được loan truyền, tất cả thần dân trong vương quốc đều vui mừng khôn xiết. Lúc bấy giờ có vị tiên tên A-tư-đà xin được vào thăm Hoàng tử. Vua Tịnh Phạn rất lấy làm hân hỷ, cho bồng hoàng tử ra gặp đạo sĩ. Hoàng tử bỗng nhiên hướng về đạo sĩ và đặt hai chân lên đầu tóc ông. Đang ngồi trên ghế, đạo sĩ chổi dậy, chắp tay xá chào hoàng tử. Ông tiên tri rằng, về sau Hoàng tử sẽ trở thành một bậc vĩ nhân cao quí nhất của nhân loại. Đức vua cũng làm theo, xá chào Hoàng tử.
Sau đó tiên A-tư-đà, thoạt tiên cười khan, cười rồi lại khóc. Mọi người đều ngạc nhiên trước thái độ của ông. Đạo sĩ A-tư-đà giải thích rằng, ông cười vì biết sau này Hoàng tử sẽ đắc quả Phật, và ông khóc vì không được phước lành, thọ giáo với bậc trí tuệ cao minh, Chánh đẳng Chánh giác.
Lễ quán đảnh : (đặt tên)
Khi Hoàng tử sanh được năm ngày, vua Tịnh Phạn đặt tên là Sĩ-đạt-ta có nghĩa : người được toại nguyện. Cồ-đàm là họ ngài. Theo phong tục, vua cho thỉnh nhiều vị Bà-la-môn học rộng tài cao vào triều nội, để dự lễ đặt tên cho Hoàng tử. Trong đó có 8 vị Bà-la-môn đặc biệt lỗi lạc. Sau khi quan sát tướng hảo của Hoàng tử, 7 vị cùng giải thích rằng : Nếu làm vua, thì trở thành Hoàng đế vĩ đại nhất thế gian ; Nếu xuất gia tu hành sẽ đắc quả vị Phật. Nhưng vị đạo sĩ tên Kiều-trần-như quả quyết rằng, Hoàng tử sẽ thoát tục và chứng đắc quả Phật.
Lễ Hạ điền :
Để khuyến khích nông dân, nhà vua tổ chức một cuộc lễ gọi là Hạ điền. Đây là cuộc lễ để nhân dân cầu nguyện và vui chơi, trước khi bắt tay vào công việc ruông nương đồng áng.
Sáng sớm, đức vua và quần thần ăn mặc triều phục ra tận nơi hành lễ. Hoàng tử Sĩ-đạt-ta cũng được đi theo dự.
Quang cảnh buổi lễ nhộn nhịp tưng bừng, mọi người hân hoan vui thích. Trái với cảnh buổi lễ, nơi dưới bóng cây râm mát, khung cảnh êm đềm như mời mọc sự tĩnh lặng quán niệm. Hoàng tử ngồi tréo hai chân theo lối kiết già, trầm ngâm lặng lẽ gom tâm an trụ và đắc sơ thiền.
Các cung phi nhìn thấy Hoàng tử ngồi trầm tư tĩnh lặng, họ ngạc nhiên đến tâu lại cho đức vua. Vua Tịnh Phạn đến nơi thấy hoàng tử vẫn còn tham thiền. Đức vua xá chào Hoàng tử và nói : Hỡi con yêu quí, đây là lần thứ nhì phụ vương đảnh lễ con.
Kết hôn :
Khi trưởng thành, Hoàng tử kết duyên cùng công chúa Da-du-đà-la, sống cuộc đời vương giả, không hay biết chi đến cảnh khổ của nhân loại bên ngoài. Tuy nhiên, trong những lần đi du ngoạn quanh bốn cửa thành, Ngài đã mục kích những cảnh sanh già bệnh chết, và hình ảnh một bậc sa môn. Với bản chất từ bi và trí tuệ vô lượng, Ngài luôn trầm tư và không yên lòng hưởng thụ những lạc thú tạm bợ của cuộc đời vương giả, Ngài nhận định được rằng thế gian là vô thường là đau khổ.
Xuất gia :
Hoàng tử cảm nhận đươc sự chi phối của sanh, lão, bịnh, tử đối với cuộc sống của con người. Cái vô thường luôn cận kề rình rập quanh cái ước mong vĩnh hằng của nhân sinh vạn loại. Ý niệm xuất ly với lòng đại bi cứu khổ đã nung nấu trong Ngài cho dầu chung quanh có biết bao sự lôi cuốn mãnh liệt của dục lạc trần gian.
Đời sống vương giả không còn thích hợp với vị Phật tương lai, Ngài quyết định xuất gia. Giờ đã điểm. Ngài lệnh cho Xa-Nặc, người đánh xe thân tín, thắng yên ngựa Kiền-trắc, thẳng đến cung điện công chúa. Ngài nhìn vợ con yên giấc, với lòng từ ái, bình thản không chao động, không trìu mến, rồi ra đi.
Ngài ra đi giữa đêm khuya, bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, bỏ lại sau lưng hạnh phúc tạm bợ của cuộc đời. Ngài ra đi tìm cầu chân lý, với lòng trĩu nặng một tình thương bao la rộng khắp đến mọi người, bao trùm tất cả nhân loại, chúng sanh.
Tìm chân lý :
Ngài đã tìm đến đạo sĩ A-la-lam ; đạo sĩ Uất-đầu-lam-phất. Với phương pháp của các đạo sĩ này, trong thời gian ngắn ngài đã chứng đến cảnh thiền cao nhất của thiền Vô sắc giới, cảnh giới Phi tưởng Phi Phi tưởng xứ. Tuy nhiên đạo sĩ Gotama (Hoàng tử) cảm thấy rằng, đó cũng chưa phải là mục tiêu cứu cánh. Không thoả mãn với phương pháp tu tập của Uất-đầu-lam-phất. Ngài lại ra đi. Nhận thấy không ai có thể dẫn dắt mình thành tựu mục tiêu giải thoát, vì tất cả, đều chưa thoát khỏi vòng vô minh. Từ đó Ngài không tìm sự giúp đỡ bên ngoài nữa.
Cuộc chiến đấu :
Luôn gặp trở ngại, nhưng Ngài không nản chí. Một ngày kia Ngài đến Uruvela, thị trấn xứ Senami. Ngài quyết định lưu lại tại đây để thành tựu nguyên vọng. Ở đây, Ngài đã kết bạn với Kiều-trần-như và 4 đạo sĩ khác tên Ma-ha-bạt-đề, Ma-nam-câu-lỵ, A-xả-bà-thệ, Thập-lực-ca-diếp cũng đi tìm Ngài để tu học.
Người Ấn độ thuở ấy, rất thiết tha trung thành với các nghi lễ, các hình thức khổ hạnh và các thể thức cúng tế. Theo quan niệm đó. Nếu không khép mình vào nếp sống khắt khe khổ hạnh thì không thể giải thoát. Với niềm tin trong tín ngưỡng này, Ngài cùng với 5 anh em Kiều-trần-như, bắt đầu cuộc chiến đấu phi thường, kéo dài 6 năm trường, khép mình vào nếp sống khổ hạnh cùng cực. Đến lúc thân thể tráng kiện của Ngài chỉ còn da bọc xương. Sự khổ hạnh càng đưa Ngài xa rời mục tiêu đi tìm chân lý. Kinh điển ghi chép lại sự nỗ lực kiên trì tinh tấn, những phương pháp khác nhau, mà Ngài đã áp dụng và sự thành công cuối cùng của Ngài trong cuộc tranh đấu vạn phần cam go gian khổ này.
Con đường Trung đạo :
Sau 6 năm, tự bản thân kinh nghiệm, Ngài nhận thức lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích cũng như đạt được quả vị giải thoát. Ngài liền từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia đã từ bỏ lối sống lợi dưỡng, chỉ làm chậm trễ quá trình giải thoát chứng đạo. Ngài chọn con đường “Trung đạo” mà sau sẽ trở thành một trong những điểm đặc biệt của giáo lý Ngài.
Ngài nhận định : Chỉ có tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể tráng kiện. Nên quyết định không nhịn đói, mà dùng những vật thực thô sơ.
Những bạn đồng tu khổ hạnh thấy vậy cho rằng Ngài đã đã thối chí và đã quay về đời sống lợi dưỡng. Và họ bỏ Ngài ra đi. Nhưng Ngài không ngã lòng.
Bình minh của Chân lý :
Sau khi dùng một ít vật thực thô sơ. Đạo sĩ Gotama phục hồi sức khoẻ và dễ dàng nhập Sơ thiền, tầng thiền Ngài đã thành tựu trong buổi thiếu thời. Từ đó, Ngài nhập Nhị thiền, rồi Tam thiền và Tứ thiền. Tâm Ngài an trụ vững chắc vào một điểm. Lắng dịu trong sáng như mặt gương lau chùi bóng láng. Và mọi vật đều có thể phản chiếu một cách vô cùng trung thực. Ngài hướng tâm về Tuệ giác liên quan đến trạng thái “Hồi nhớ những kiếp quá khứ (Túc mạng minh). Đầu tiên Ngài nhớ lại một kiếp, hai kiếp, ba kiếp rồi bốn kiếp, năm, mười, hai mươi, đến năm mươi kiếp. Rồi một trăm, một ngàn, một trăm ngàn. Rồi sự phân tán của nhiều chu kỳ thế gian. Sự phát triển của nhiều chu kỳ thế gian. Rồi cả sự phân tán cùng phát triển của nhiều chu kỳ thế gian.
Ở đây Ngài tên gì, sanh trong gia đình nào, kiêng cử điều gì, vui thích và khổ đau thế nào, và chết cách nào. Từ cảnh ấy ra đi, Ngài tái sanh vào cảnh nào, có tên gì, sanh trong gia đình nào, giai cấp nào, kiêng cử điều gì, vui thích khổ đau thế nào, và chết cách nào. Rồi từ đó trở đi, tái sanh vào cảnh này…
Như thế, Ngài hồi nhớ cách thức tái sanh trong vô lượng về những kiếp sống qúa khứ. Đây là Tuệ giác đầu tiên Ngài chứng ngộ vào lúc canh một của đêm Thành Đạo.
Tiếp đến, Ngài hướng tâm thanh tịnh về tuệ “Tri giác hiện tượng sanh diệt của chúng sanh” (Thiên nhãn minh). Với tuệ nhãn tinh khiết siêu phàm. Ngài thấy chúng sanh chết từ kiếp này tái sanh vào kiếp khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng kẻ sang người hèn, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khổ đau, tất cả trải qua hiện tượng sanh diệt, tuỳ hành vi tạo tác của mỗi ngươi. Ngài biết rằng, người này do hành động lời nói bất thiện, nguyền rủa bậc thiện trí cao thượng, niềm tin và nếp sống cuả người tà kiến, sau khi lìa đời đã tái sanh vào những trạng thái bất hạnh.
Ngài biết rằng, những người kia, do hành động lời nói tư tưởng tốt, biết tôn trọng thiện trí cao thượng, có chánh tín, có nếp sống của người chánh kiến. Sau khi mạng chung, đã tái sanh vào cõi trời an vui hạnh phúc. Với Thiên nhãn minh Ngài mục kích tình trạng diệt và sanh trở lại của các chúng sanh.
Đây là tuệ giác thứ hai mà Ngài chứng ngộ trong canh giữa đêm Thành Đạo.
- Tiếp đến Ngài hướng tâm thanh tịnh về “Tuệ Hiểu Biết sự chấm dứt các pháp trầm luân” (Lậu tận minh). Đối với thực tại Ngài nhận thức : Đây là phiền não, đây là sự chấm dứt phiền não. Đây là con đường chấm dứt phiền não.Chuyển Pháp Luân :
- Và như thế, đúng với thực tại, Ngài nhận định : Đây là Ô nhiễm, đây là sự chấm dứt ô nhiễm, đây là con đường chấm dứt sự ô nhiễm.
- Với nhận thức như thế, tâm Ngài giải thoát ra khỏi dục lậu (Ô nhiễm của dục vọng) hữu lậu (Ô nhiễm của sự luyến ái đời sống), Vô minh lậu (Ô nhiễm của vô minh)
Được giải thoát Ngài biết rằng : “Ta đã được giải thoát. Sự tái sanh đã chấm dứt. Phạm hạnh đã lập. Việc cần làm đã xong. Không còn tái sanh trạng thái này nữa.
- Đây là tuệ giác thứ ba mà Ngài chứng ngộ trong canh ba đêm Thành đạo.
Màn vô minh đã giải toả, Trí tuệ đã phát sanh. Đêm tối đã tan và ánh sáng đã đến.
(phỏng theo ý trong Đức Phật và Phật Pháp của Narada)
Sau khi Thế Tôn thành đạo, Ngài liền nghĩ đến việc đem giáo lý mà Ngài đã chứng được, truyền bá cho chúng sanh. Ngài nhận thấy, chúng sanh ngu si cố chấp, ưa hưởng dục lạc, tâm tánh cứng cỏi, khó dạy khó bảo. Còn Pháp Ngài chứng được, thậm thâm vi diệu, khó biết khó thấu. Vì vậy, Ngài muốn nhập Niết Bàn. Khi Ngài khởi lên ý nghĩ như thế, vua Phạm Thiên đã đến đảnh lễ, cung thỉnh Thế Tôn, vì chúng sanh ngu muội, mà ở nơi đời khai diễn chánh pháp. Trong những chúng sanh ngu muội này, có những kẻ có thể nương vào chánh pháp Thế Tôn, mà thoát ly sanh tử. Sau khi Phạm vương thỉnh Phật chuyển Pháp luân. Thế Tôn nhận lời mà không nhập Niết Bàn.
Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán sát căn cơ chúng sanh. Thấy chúng sanh như những hoa sen trong hồ, có hoa vừa từ ngó nhú ra, có cái ở lưng chừng trong nước, có cái đã lên gần mặt nước, có cái đã nhô lên, tuy chưa ra khỏi nước, nhưng đã có thể hấp thụ ánh mặt trời, để nở thành hoa. Có hoa đã lên cao, chỉ còn chờ ánh dương quang là khai mở, triển phô hương sắc toả ngát hương thơm cho đời. Ngài thấy, căn cơ chúng sanh như sen trong hồ. Có kẻ chưa phát tâm, như hạt sen chưa được gieo, có kẻ mới phát tâm, như hạt sen nứt thành ngó sen, đã phát tâm, như sen đang ở trong nước. Có những kẻ phát tâm sâu xa, tâm tánh nhu nhuyễn, có thể lãnh thọ giáo pháp và thoát ly sanh tử, cứu độ chúng sanh. Ví như, những đoá hoa vươn khỏi mặt nước, gặp ánh sáng là khai mở, toả hương thơm ngát cho đời.
Sau khi quán sát căn cơ. Ngài đi đến Khổ Hạnh Lâm, nơi vườn Lộc Uyển, vì năm anh em Kiều-Trần-Như, diễn nói pháp Tứ Đế. Năm anh em Kiều-Trần-Như, nghe lời dạy Thế Tôn, như người đi đêm bỗng có ánh chớp loé sáng, ngã chấp mê lầm tan vỡ, trí huệ siêu thoát xuất hiện. Năm anh em Kiều-Trần-Như đã chứng đắc quả A-la-hán. Đây là năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật Thích Ca. Và bài pháp đầu tiên, Thế Tôn chuyển Pháp luân là Tứ Thánh Đế. Từ đây, danh xưng Tam Bảo đã có đầy đủ, Phật, Pháp là Tứ Thánh Đế, và tăng là năm anh em Kiều-trần-như.
Kính thưa chư liệt vị.
Hơn 2553 năm trôi qua, giáo pháp Thế Tôn triển chuyển, độ thoát vô lượng chúng sanh chứng đắc Thánh quả, nhân thiên hoan lạc. Hôm nay, kỷ niệm ngày Thánh đản của đức Từ Phụ chúng ta theo dấu trở lại vườn Lộc Giả, ôn lại bài pháp Tứ Diệu Đế mà Thế Tôn đã chuyển vận lần đầu tiên trong cõi Ta Bà nầy .
Tứ Diệu Đế là bốn sự thật rõ ràng, chắc chắn nhất và mầu nhiệm nhất, không có một giáo lý nào, chủ thuyết nào có thể so sánh kịp. Với bốn sự thật này, người tu hành theo đây có thể, từ tối đến chỗ sáng, từ mê đến ngộ.
Tứ Diệu Đế gồm có : Khổ đế ; Tập đế ; Diệt đế ; và Đạo đế.
- Khổ đế : Là nêu lên những cảnh khổ trong cuộc đời. Nói chung, đã có thân là có khổ. Sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ. Cầu không được, oán thù gặp nhau, thương yêu xa lìa… ngũ ấm xí thạnh, lạnh nóng, muỗi mòng, áp bức thân thể, không thể gọi là vui được, nên gọi là khổ.
- Tập đế : Là nói về nguyên nhân của những nỗi khổ đó. Nguyên nhân thì nhiều. Nhưng chính yếu là “Ái dục”, là kiết sử tham, sân, si. Hành giả tu hành dứt trừ kiết sử tham, sân, si - ái dục - vị đó chứng được quả A-la-hán. Có tâm ái dục, là có thọ thân sau để lãnh quả và trả quả. Trong kinh Na-Tiên tỳ kheo. Vua Di-lan-đà, có hỏi ngài Na Tiên rằng, bậc tu hành có thể biết mình tái sanh, hay không tái sanh lại cõi đời này nữa hay không ? Ngài Na Tiên trả lời là : Biết, và ngài hỏi lại vua Di lan đà. Những nông phu làm ruộng, có biết mùa tới mình thu hoạch hay không ? Nhà vua trả lời là : Biết. Nếu năm nay, những nông phu đó có gieo mạ, cấy lúa, và họ biết chắc, năm sau sẽ gặt lúa ; nếu không cấy lúa năm nay, họ biết chắc năm tới họ sẽ không gặt lúa nữa. Bậc tu hành cũng vậy. Vị nào, biết mình đã đoạn tâm ái dục, dứt trừ kiết sử tham, sân, si họ biết chắc, không còn thọ thân sau, tái sanh lại cõi này nữa, đã thoát ly sanh tử chứng đắc Niết Bàn.
Nhiều người khi nghiên cứu giáo lý đạo Phật cho rằng : đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế, lánh khổ tìm vui ; làm cho con người yếu ớt, tiêu cực, không quan tâm, thương tưởng đến đến kẻ khác. Ở đây, đạo Phật không làm như thế. Đạo Phật trình bày cho mọi người thấy rõ cái hiện tại đen tối của mình, cái hoàn cảnh xấu xa, có nhiều lỗi lầm khuyết điểm. Để từ đó, có phương pháp cải đổi, kiến tạo lại một cuộc sống đẹp đẽ, an vui hơn. Cảnh giới an vui đó là Niết Bàn, mà Phật đã dạy như sau.
- Diệt đế : Diệt là tiêu diệt, trừ diệt. Ở đây, là diệt dục vọng mê mờ, phiền não. Đế là chắc thật, đúng đắn, do trí tuệ sáng suốt soi thấu và thuyết minh.
Khổ là nói về quả ; Tập là nói về nhân. Nói dứt khổ mà không dứt trừ cái nguyên nhân gây ra khổ (tức là Tập), thì không bao giờ hết khổ. Muốn diệt khổ tận gốc, thì phải diệt cái nguyên nhân gây ra khổ. Nguyên nhân đã diệt, thì khổ quả mới hết vĩnh viễn. Cũng như, muốn diệt cỏ cú, phải đào bỏ gốc rễ, nếu đem đá đè lên, cỏ không mọc được, nhưng lấy đá đi, thì cỏ sẽ mọc lại. Nói dứt khổ, mà không dứt nguyên nhân, thì kết quả cũng như vậy.
Muốn giải thoát đau khổ, tất phải diệt trừ Tập nhân phiền não. Tập nhân phiền não được thanh tịnh, là hành giả đang bước gần đến Niết Bàn giải thoát. Như một cái phao , càng bớt dần những vật nặng dìm nó xuống, thì nó lại nổi dần lên mặt nước nhiều chừng ấy. Nói Diệt đế là nói dứt trừ phiền não, các phiền não diệt gọi là Niết Bàn, là cảnh an vui tịch tịnh, là cảnh giới tự chứng, tự biết, lìa ngôn ngữ, nhưng không phải là “không tưởng”, không phải đi tìm, cũng không phải không đi tìm. Như người uống nước, lạnh nóng tự biết mà thôi
Nói tóm, Diệt đế là chân lý chắc thật, nói về quả vị mà một hành giả tu hành chứng đắc. Nhưng sự tu hành có thấp có cao, có rộng có hẹp, nên quả Niết Bàn cũng có thấp có cao, có hoàn toàn hay chưa hoàn toàn. Muốn thấy được Niết Bàn thật, phải tự mình thân chứng, phải tự mình thể nhập Niết Bàn. Muốn thân chứng, thể nhập Niết Bàn, cần phải tu theo phương pháp mà Đức Phật dạy trong phần Đạo đế.
- Đạo đế : Có 37 phẩm, chia làm 7 loại :
1-Bốn Niệm xứ ; 2-Bốn Chánh Cần ; 3-Bốn Như ý túc ; 4-Năm căn ; 5-Năm lực ; 6-Bảy phần Bồ đề ; 7-Tám phần Chánh Đạo.
Trong 37 phẩm trợ đạo, Bát Chánh Đạo là pháp môn chính, được nhắc nhở nhiều nhất. Vì thế, khi nói Đạo đế, người ta thường nghĩ ngay đến Bát Chánh Đạo. Cho nên, nhiều người lầm tưởng Đạo đế với Bát Chánh Đạo là một.
Sở dĩ nói như vậy, vì Bát Chánh Đạo bao gồm các pháp môn khác của Đạo đế, khế hợp mọi căn cơ, mọi thời đại, mọi phương sở, đối với Tiểu thừa cũng như Đại thừa, Đông cũng như Tây phương, đều công nhận giá trị hoàn hảo cao cả của Bát Chánh Đạo. Và đều áp dụng pháp môn này trong sự tu hành của mình, để đoạn trừ phiền não, hầu bước lên con đường giải thoát an vui tự tại.
Định nghĩa Bát Chánh Đạo :
Bát Chánh Đạo là tám con đường ngay thẳng, là phương tiện mầu nhiệm, đưa chúng sanh đến đời sống chí diệu. Là con đường có tám nhánh, đưa chúng sanh từ phàm đến Thánh. Bát Chánh Đạo gồm có : Chánh kiến ; Chánh tư duy ; Chánh ngữ ; Chánh nghiệp ; Chánh mạng ; Chánh tinh tấn ; Chánh niệm ; Chánh định.
- Chánh kiến : Chánh là ngay thẳng, đúng đắn. Kiến là thấy, nhận biết. Chánh kiến nói cho đủ là Chánh tri kiến là thấy nghe hay biết một cách ngay thẳng, đúng với sự thật. Ngưởi có chánh kiến là : thấy thế nào thì nhận đúng thế ấy, không lấy trắng làm đen, tốt làm xấu, phải làm trái, thật làm giả…người có chánh kiến, là người không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che làm sai lạc, người chánh kiến nhận biết cái nào giả cái nào thật. Đã biết cảnh giả, vật dối, thì mắt không chăm, tâm không chú, chỉ chuyên tâm vào sự lý chân thật, làm cho đèn tuệ sáng ngời, không mê muội tiền trần ngoại vật. Nói tóm, Chánh tri kiến là trí tuệ trong Bốn niệm xứ, Căn, Lực, Trạch pháp.
- Chánh tư duy : Tư duy là suy nghĩ, nghiệm xét, thuộc về ý thức. Chánh tư duy là suy nghĩ xét nghiệm chân chánh, tư tưởng suy nghĩ đúng với lẽ phải. Người có Chánh tư duy, thì hay xét nghĩ đạo lý cao siêu, suy gẫm thể tánh nhiệm mầu, biết những ý nghĩ nào xấu xa, hành vi nào lỗi lầm để sám hối. Thường tư duy ba món Vô lậu học : Giới, Định, Huệ để tu hành giải thoát. Biết Tham, sân, si là nguồn gốc của tội ác, tìm phương pháp đúng đắn để tu. Nói tóm, Chánh tư duy là khi quán sát bốn đế có tâm vô lậu tương ưng, suy nghĩ, phát động, giác biết đo lường. Giải thoát cho mình và người.
- Chánh ngữ : là lời nói chân thật, công bình ngay thẳng và hợp lý. Người có chánh ngữ là người không bao giờ nói sai khác, thiên vị. Thấy dở nói hay, hay nói dở, có nói không, không nói có, đến đây nói kia, đến kia nói đây. Nói lời trau chuốt mê hoặc lòng người. Người có chánh ngữ là người có lời nói đúng sự thật, hợp chân lý, lời nói có lợi ích cho toàn thể chúng sanh. Nói tóm, trừ bốn thứ tà mạng thuộc về khẩu, dùng vô lậu trí tuệ, trừ bỏ xa lìa khẩu tà nghiệp gọi là Chánh ngữ. Chánh nghiệp cũng như vậy.
- Chánh nghiệp : tiếng Phạn Karma có nghĩa hành động tạo tác. Chánh nghiệp là việc làm, hành động chân chánh, đúng lẽ phải, phù hợp chân lý, có lợi ích cho người và vật.
- Chánh mạng : mạng là thân mạng, là sự sống, đời sống. Chánh mạng là sinh sống một cách chân chánh, bằng nghề nghiệp lương thiện. Có năm thứ tà mạng cần phải tránh : 1- Vì lợi dưỡng, dối hiện tướng kỳ đặc. 2- Vì lợi dưỡng, nói công đức mình. 3- Vì lợi dưỡng, xem tướng cát hung cho người. 4- Vì lợi dưỡng, to tiếng trá hiện oai nghi, khiến người khiếp sợ, 5- Vì lợi dưỡng, khen ngợi công đức cúng dường, kích động lòng người. Dùng trí tuệ vô lậu, trừ bỏ xả ly 5 thứ tà mạng gọi là Chánh mạng.
- Chánh tinh tấn : Tinh tấn là chuyên cần siêng năng, thẳng tiến đến mục đích đã vạch sẵn, không có lý do gì mà lùi bước. Chánh tinh tấn là : tinh tấn căn, tinh tấn lực, tinh tấn giác trong bốn Chánh cần
- Chánh niệm : là ghi nhớ, ghi nhớ những điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình và người, những đạo lý chân chánh cao siêu. Chánh niệm có niệm căn, niệm lực, niệm giác. Chánh niệm thường quán sát cảnh chân đế, năng tưởng niệm các pháp trợ đạo, luôn nhớ nghĩ đến cái quả vô lậu xuất thế gian, trải qua số kiếp không khởi tâm xao lãng.
- Chánh định : Định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì, để thấy rõ ràng. Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng chân lý, có lợi cho mình và người. Người theo đúng chánh định, là người thường tập trung tư tưởng, quán chiếu những vấn đề chính như : Quán Thân bất tịnh ; Quán Từ bi ; Quán Nhân duyên ; Quán Sổ tức…Chánh định có Định căn, Định lực, Định giác.
Bát Chánh Đạo là pháp môn rất thông dụng, vì sự lợi ích thiết thực và quý báu của nó đối với đời sống cá nhân người tu, đối với đời sống trong cộng đồng xã hội, trong hiện tại và ở tương lai
Kính thưa quý liệt vị.
Hiểu được lý Tứ Đế là biết : Khổ là thật khổ, không thể làm cho vui lên được. Dù mặt trời có lạnh đi và mặt trăng có nóng lên, thì chân lý ấy vẫn không thể thay đổi. Trong kinh Di Giáo Phật dạy “…các pháp biến động và bất động, đều ở trong trạng thái bất an và tan rã. Nên nhớ ngọn lửa vô thường đang thiêu đốt thế gian mà sớm cầu tự độ…” Đức Thế Tôn cũng bảo : “…Ta như vị lương y, biết bịnh cho thuốc, như người dẫn đường tốt. Không đi, không phải lỗi của người dẫn đường, không uống thuốc không phải lỗi của lương y…”
Mà con đường Thế Tôn chỉ dạy là con đường nào. Cứ theo khế lý khế cơ mà nói, thì không ngoài Bát Chánh Đạo. Cho nên, y theo Bát Chánh Đạo tu tập thì :
- Bản thân có thể sửa đổi những tội lỗi bất chánh, trong đời sống hằng ngày. Những ý niệm mê mờ, ngôn ngữ đảo điên, hành vi sai trái, đời sống vô luân. Theo đây, sẽ được cải thiện sữa đổi.
- Hoàn cảnh, nếu Phật tử phát huy tu tập Bát Chánh Đạo có thể cải đổi xã hội, tạo dựng một tương lai tốt đẹp, gieo trồng hạt giống giải thoát, ngày sau đạt quả vị Vô Thượng Bồ Đề.
Kính thưa chư liệt vị
Ôn lại bài Pháp mà Đức Thế tôn khai diễn đầu tiên nơi vườn Lộc Uyển, để thấy rằng : phần đông chúng sanh nơi cõi này, với bản chất phàm phu ngu muội, căn tánh hạ liệt như chúng ta, nếu bỏ đi quán niệm cuộc đời là khổ, quên mất con đường Bát Chánh Đạo, thì khó mà thoát ly sanh tử phiền não, chứng đắc Niết Bàn.
Sen trong hồ thoảng hương lan toả, như sóng Pháp âm còn vọng mãi tới giờ. Chỉ vì người mù không thấy, chứ không phải mặt trời tắt ánh dương quang. Kính mong chư liệt vị, an lạc trong từ quang chư Phật. Nguyện cầu, Long thần, Hộ Pháp gia hộ Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sớm thoát ách nạn, Dân tộc Việt Nam được thăng hoa, Thế giới hoà bình, Chúng sanh an lạc.
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thề nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Sa môn Thích Như Tấn
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Sa môn Thích Như Tấn
=
No comments:
Post a Comment