Pages

Sunday, May 31, 2009

VĂN QUANG * TƯỜNG THUẬT XÃ HỘI

Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự

Số 312 - Ngày 24 tháng 5 năm 2009

Văn Quang



Nỗi khổ của những ông bố bà mẹ sợ con trai không lấy được vợ


Mới đây, do quá bất bình vì con trai mình không lấy được vợ, mấy ông bố bà mẹ kéo lên Uỷ Ban Nhân Dân xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) dọa kiện các ông trong Uỷ Ban này vì tội… “nối giáo cho giặc”. Nói cho rõ hơn là Uỷ Ban Nhân Dân xã Đại Hợp đã từng ký xác nhận cho các cô gái trong làng lấy chồng ngoại nên các cụ yêu cầu không được cho con gái ra nước ngoài lấy chồng nữa. Tình thế này đặt những người trong Ủy Ban Nhân Dân tiến thoái lưỡng nan. Bởi theo luật hôn nhân khi hai bên nhà trai nhà gái có đủ thủ tục theo luật hôn nhân, nếu không xác nhận cho họ kết hôn thì họ sẽ kiện Uỷ Ban ra tòa. Mà xác nhận thì bị các cụ kiện.

Xã Đại Hợp là một xã ven biển, người dân hầu hết sống bằng nghề đánh cá. Theo Uỷ Ban xã Đại Hợp cho biết, người dân trong xã có "truyền thống" xuất ngoại từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Ngày đó, những người xuất ngoại hầu hết là nam thanh niên có khả năng đi biển. Họ thường đi thuyền dọc ven biển Trung Quốc rồi nhập cảnh "chui" vào Hồng Kông và ở luôn bên đó.

Tính đến nay, xã Đại Hợp đã có hơn 3.000 lượt người xuất cảnh. Ngoài những người xuất cảnh trái phép, đi lao động nước ngoài, số còn lại xuất cảnh hợp pháp là các cô gái trong làng lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông…

(H1. Cuộc thi lấy chồng ngoại)



Cả xã Đại Hợp có 2.500 người (ở đây thường gọi là nhân khẩu), thì có tới gần 700 phụ nữ xuất ngoại lấy chồng. Tuần nào trước cổng UBND xã cũng thay tấm biển mới niêm yết danh sách những cô gái lấy chồng ngoại.

Cứ năm nhiều bù năm ít, tính ra, trong vài năm gần đây, có đến 50% phụ nữ đến tuổi lấy chồng đã xuất ngoại tòng phu. Điều đó đồng nghĩa với việc 50% số đàn ông ở Đại Hợp có nguy cơ ế vợ, nếu không đi “ăn cỏ đồng khác”.

Có một điều thực tế là sự mất cân bằng giới đang diễn ra rất nghiêm trọng ở Đại Hợp. Các nam thanh niên ở đây rất khó lấy vợ.


Thanh niên vùng biển phải tìm vợ ở miền núi


Phần lớn thời gian trong năm thanh niên ở Đại Hợp lênh đênh trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ. Chỉ những ngày con nước, sóng to gió lớn là họ ở nhà. Lợi dụng khoảng thời gian ít ỏi này họ kéo nhau đi hỏi vợ.(H2. Thông báo của ủy ban)


Tuy nhiên, khi đến nhà các cô gái tìm hiểu, bố mẹ các cô đã "phục" sẵn ở cửa nhẹ nhàng chặn họng: “Em nó có nơi có chốn rồi, anh đi tìm hiểu chỗ khác nhé!”. Thực tế, con gái họ chưa có nơi chốn nào cả. Những ông bố bà mẹ này nói vậy vì đang nhờ mối tìm cho con gái mình một tấm chồng Hàn Quốc.

Để lấy được vợ, thanh niên Đại Hợp phải đi tìm hiểu ở các xã khác, huyện khác. Thậm chí, đã có rất nhiều đám cưới mà chú rể là người Đại Hợp, còn cô dâu ở tít trên miền núi Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu… Việc tìm vợ đã khó khăn lại rất tốn kém, cô dâu miền núi không quen nghề vùng biển nên rất khó hoà hợp. Người thanh niên vùng này "lấy vợ để mà… có vợ, để có người nối dõi, sinh tồn nòi giống" chứ không phải vì tình yêu, vì hạnh phúc gia đình.

Còn số phận các cô gái lấy chồng ngoại, theo thông tin xã này cho biết, phần lớn các cô gái ở Đại Hợp cứ 15-16 tuổi là bỏ học, đi tập nấu ăn, đến khi đủ tuổi kết hôn là “tậu” chồng ngoại.

Có một thực tế là đã xảy ra rất nhiều bi kịch và nước mắt xung quanh chuyện lấy chồng ngoại. Anh Hoàng Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp tính lại đến thời điểm này, chỉ có chừng 10% các cô gái xuất ngoại lấy chồng đạt được mục đích kinh tế, lại có cuộc sống hạnh phúc, phần lớn là gặp bi kịch. Rất nhiều ông bố bà mẹ vẫn đang ngồi trên đống lửa vì cả năm trời không liên lạc được với con gái.

Nhiều cô gái ở đây biết rằng lấy chồng ngoại không khác gì đem cuộc đời mình ra đánh xổ số. Vậy tại sao các cô gái vẫn nuôi mộng lấy chồng ngoại?

Theo ông Tiến, mục tiêu của các cô gái không phải được sống hạnh phúc với chồng, mà để được sống ở xứ lạ giống như trên phim ảnh. Do đó, chồng có già cả, xấu xí thế nào với họ cũng không quan trọng.


Hai hiện tượng mới

Để lấy được vợ Việt, những ông chồng ngoại phải bỏ ra một số tiền rất lớn, hàng chục ngàn Mỹ kim. Mất nhiều tiền, sợ mất vợ, nên họ thường nhốt vợ trong nhà, giữ hết các giấy tờ tùy thân, không cho đi làm.

Những cô gái Việt lấy chồng ngoại thường có toan tính khác, nên không thể chấp nhận cuộc sống như một người làm không công, do đó, chỉ sống với chồng thời gian ngắn, họ liền tìm cách bỏ chồng, hoặc trốn ra ngoài kiếm việc làm.

Theo thống kê, có đến 80% các cô gái lấy chồng Hàn Quốc đều bỏ chồng chỉ trong thời gian rất ngắn. Có nhiều vụ mấy ông chồng nước ngoài quỳ lạy van xin các cô gái Việt đừng bỏ mình, song các cô nhất định cứ bỏ, cứ tìm cách trốn.

Họ thường trốn ra ngoài tìm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp, hoặc làm thuê trong các cửa hàng. Phần lớn các cô gái Việt làm việc trong các tiệm uốn tóc, làm móng tay, móng chân…

Khi kiếm được vài trăm triệu, có được lưng vốn thì họ ra đầu thú với cảnh sát, sẽ được trục xuất về nước.

Hiện tượng thứ hai: Hiện nay có rất nhiều cô gái từng lấy chồng nước ngoài, sau khi có tiền về nước sống hoang phí, ăn mặc lố lăng, quần áo xẻ trên xẻ dưới, tóc tai, móng tay móng chân nhuộm xanh nhuộm đỏ… đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa xóm làng. Lớp trẻ lớn lên, thấy sự hào nhoáng đó lại tiếp tục đua đòi lấy chồng ngoại. Đó là một thực tế đáng buồn cho nếp sống làng xã hiện nay.

Sự lo ngại của các ông bố bà mẹ xã Đại Hợp không phải là không có lý. Còn rất nhiều vùng nông thôn, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long tình trạng này cũng không phải là hiếm. Đây có thể một báo động cho một ngày gần đây ở Việt Nam sẽ xảy ra tình trạng trai thừa gái thiếu.



Kinh hoàng bệnh viện thành phố


Người dân ở TP. Sài Gòn có 2 điều đáng sợ nhất. Một là phải đến công sở "xin xỏ" một việc nào đó có liên quan tới đời sống của gia đình mình hoặc liên quan tới sự điều hành một công ty, một cơ sở kinh doanh... Đủ thứ luật lệ muốn áp dụng kiểu nào cũng được.Nhất là có những thứ công việc như dính vào nhà đất thì có muôn hình vạn trạng, chỉ có mỗi cách là phải chi tiền ra mới xong, 99% phải thông qua "cò". Và như đã thành một "thông lệ", ở đâu cũng vậy.

Thứ hai là phải đi bệnh viện. Tình trạng chờ đợi mỏi mòn, chen chúc để được khám chữa bệnh, rồi nằm vạ nằm vật ở những khu hành lang, năm bẩy bệnh nhân nằm chung một phòng, có khi phòng vệ sinh hư, nam nữ bệnh nhân dùng chung một phòng… Đó là nỗi ám ảnh hàng ngày với người dân ở khắp nơi dồn về thành phố khám chữa bệnh. Tình trạng này xảy ra từ nhiều năm qua, đến bây giờ vẫn vậy. Dưới mắt những người có trách nhiệm và ngay cả với những y bác sĩ đã trở thành quen mắt, coi như không có vấn đề gì xảy ra. Những "cò mồi" tha hồ tung hoành, moi tiền của người dân nghèo khổ.


(H3, 4. Cac loai ở Bệnh viện)

Tất nhiên ở đây tôi không đề cập đến những bệnh viện "xịn" của dân nhà giàu. Theo thời giá bây giờ, mỗi lần đi bệnh viện là năm bảy triệu trôi theo coi như chuyện bình thường rồi năm bảy chục triệu theo sau cũng chưa phải là điều đáng quan ngại. Nhưng con số đó không nhiều.

Tuyệt đại đa số người dân thành phố và những tỉnh thành xung quanh thành phố Sài Gòn đều đi khám chữa bệnh ở những bệnh viện được gọi là "bình dân, vì dân, do dân" và… của nhà nước, chứ không phải "của dân".

Nhưng trước khi tường trình chi tiết về nỗi khổ của người dân đi khám chữa bệnh, tôi tường trình với bạn đọc về một "nỗi khổ" khác hy hữu vừa xảy ra trong tuần vừa qua. Nếu thật sự là một vụ kiện thì đây là vụ kiện "ly kỳ", có vẻ như khôi hài song không hẳn là không có lý do chính đáng.




Nỗi khổ triền miên của người đi khám bệnh

Trở lại với tình hình ở các bệnh viện TP. Sài Gòn. Một điều rất dễ dàng nhận ra là đến bất cứ bệnh viện nào cũng thấy "quá tải". Số người đến khám chữa bệnh đông nghìn nghịt, chen chúc khổ sở để kiếm một cái số thứ tự khám bệnh cứ như đi xin ăn. Hàng trăm người nằm vạ nằm vật ở hành lang, ở bất cứ chỗ nào có thể ngả lưng được, lôi thôi lếch thếch như chạy loạn. Muốn có số sớm phải chi tiền nhờ cò dẫn đường.

Nạn cò mồi trước cổng các bệnh viện lớn tại TP. Sài Gòn ngày càng diễn ra công khai, rầm rộ. Người bệnh cám cảnh hành trình chưa vào bệnh viện đã gặp "cò" chẳng khác nào những vở bi hài kịch... “Cò” bệnh viện nhân cơ hội này hoạt động bát nháo, lừa bệnh nhân đến những phòng khám tư, hoặc dùng “mánh” để kiếm khoản tiền ăn chặn.

Tại Bệnh viện Da liễu Nguyễn Thông quận 3, dân “cò” tụ tập rầm rộ ngay trước cổng. Hơn chục “cò” la hét oang oang, giành giật khách như cảnh đi xe dù ngày Tết. Bệnh nhân vừa đến nơi, đã được một "cò" săn đón nhiệt tình ngay trước nhà thuốc đối diện bệnh viện.

Cò lập tức khuyên nhủ người bệnh "tội gì mà phải chờ đợi, ra khám bác sĩ tư vừa nhanh vừa bảo đảm hơn nhiều". Cò giới thiệu như mãi võ Sơn Đông về năng lực tài tình của bác sĩ K. ở gần đây chữa bệnh mát tay như… thần. Nếu thấy khách còn lưỡng lự, cò dở chiêu khác, giới thiệu một bà bác sĩ "vĩ đại" hơn: "Bà này là thạc sĩ, đi du học Pháp về đàng hoàng, chữa giỏi nhất ở đây, nhưng chỉ tiếc là bà ấy bận lắm, toàn khám khách nước ngoài, nếu muốn khám tôi gọi điện thoại qua nhờ vả cho”.

Phòng khám của bà thạc sĩ cũng lạ đời

Tỏ vẻ tin tưởng tuyệt đối vào lời quảng cáo này bệnh nhân theo chân “cò” vào khám chỗ bác sĩ Ng. Chỉ lạ rằng khi vào đến tận nơi mà vẫn chẳng thấy “cò” này gọi điện thoại như đã chào hàng lúc đầu. Phòng khám nằm trong đường Phạm Đình Toái cũng không cần bốc số chờ đến lượt như nhóm cò hét oang oang ngoài đường Nguyễn Thông. Dưới mặt bàn nhân viên thu tiền, bệnh nhân thấy giấy tờ các loại như giấy phép hoạt động, chứng nhận tốt nghiệp khóa học và cả một vài học vị cao như muốn “lòe” thiên hạ.

Khoảng vài phút một “cò” lại rà xe máy ngang qua liếc vào phòng khám. Trong khi đó bác sĩ Ng. đang khám lang ben cho một cậu bé 12 tuổi. Vừa kéo áo cậu bé lên, bác sĩ Ng. đã phán: “Sao lang ben nhiều thế bệnh viện nào chữa khỏi! Nhưng nghe lời bác sĩ, con cứ dùng thuốc theo đơn và thường xuyên tái khám da dẻ sẽ đẹp lại bình thường”.

Nói rồi bác sĩ Ng. hí hoáy phang một toa thuốc chữa lang ben gần 300.000 đồng, trong đó có 2 lọ chuyên trị… mụn trứng cá.

Những chiêu lừa của cò chắc chắn không thể không có sự hợp tác của những vị được gọi là bác sĩ ở các phòng mạch tư này.

Ngoài phòng khám của bác sĩ Ng. trong đường Phạm Đình Toái, “cò” trước cổng BV Da liễu cũng có sẵn danh sách gần chục phòng khám da liễu khác ở các quận lân cận.

Sau bệnh nhân khi “lót tay” 50.000 đồng cho một “cò”, bệnh nhân được dẫn đến phòng khám da liễu của bác sĩ S. trong hẻm 127 đường Bà Huyện Thanh Quan.

Lấy lý do “nghe nói chỗ này chữa không hay”, “cò” dẫn đường lập tức vòi thêm 50.000 đồng nữa và dẫn bệnh nhân đến phòng khám tư của bác sĩ Th. nằm gần ngã tư Trần Nhân Tôn - Trương Định, quận 1.

Cứ như thế cò bệnh viện và ngay cả những phòng khám tư đã "trấn lột" của dân nghèo rất tàn nhẫn.

Bán số thứ tự công khai

Tại một bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y dược (BV ĐHYD) mỗi ngày đón hàng ngàn bệnh nhân nên việc xếp hàng vào khám có thể ví như phát gạo thời bao cấp. Nắm bắt tình hình này, nhiều người dân vốn làm nghề sửa xe trong khu vực chuyển hẳn sang làm “cò” đi gom số thứ tự bán lại cho bệnh nhân.

Thấy bệnh nhân nào vẻ mặt lơ ngơ vì bệnh viện không cấp số khám tổng quát, lập tức “cò” Tèo, vốn là dân xe ôm trước cổng khu B BV ĐHYD xáp lại hỏi chuyện và hứa giúp đỡ: “Để em dẫn anh vào khám, không đáng là bao, tới lui chờ đợi làm gì cho mất công”.

Sau vài phút rào đón, "cò" Tèo ra giá: số thứ tự khám bệnh giá 50.000 đồng/người, dẫn vào khám tổng quát 350.000 đồng/người. Sau khi bệnh nhân đặt cọc 50.000 đồng đề nghị lấy số cho 2 người vào sáng đầu tuần, Tèo rút trong ví ra một tệp phiếu đăng ký số thứ tự giống hệt ở quầy phát số của BV ĐHYD và bảo người bệnh đọc tên người cần khám cho “cò” này viết vào.

Tại khu vực BV ĐHYD không chỉ “cò” Tèo có cách “chặt chém” chuyên nghiệp như vậy mà những cò khác cũng luôn có sẵn những tệp phiếu đăng ký lấy số khám bệnh.

Một số người dân trong khu vực cho biết, “cò” trước cổng BV ĐHYD luôn có sẵn phiếu để thay phiên nhau đi đăng ký từ lúc 4g sáng.

Do số lượng người khám đông và cả trăm số thứ tự nhỏ đã nằm trong túi “cò” nên xảy ra tình trạng nhiều người đến từ 7g sáng nhưng vật vờ đến chiều mà chưa đến lượt.

Khi đó, các “cò” bắt đầu rảo quanh xem ai có nhu cầu sẽ gạ gẫm và bán phiếu đăng ký khám bệnh.

Nhưng so với nhóm “cò da” trên đường Nguyễn Thông, những cò ở khu vực BV ĐHYD vẫn chỉ là cò con vì chưa “móc ngoặc” được với những phòng khám tư.

Đoạn trường chờ khám bệnh

Khi tôi còn ở Lộc Ninh, mỗi buổi sáng sớm có vài chiếc xe 16 chỗ chuyên chở bệnh nhân của huyện này đi TP. Sài Gòn khám chữa bệnh. Loại xe này cũng là "xe dù". Xe đón khách từ 2 giờ sáng, chạy vòng quanh thị trấn và vùng lận cận đến 4g mới phóng về thành phố, đôi khi phải chui vào những con hẻm để tránh cảnh sát. Khoảng 6g xe tới nơi, đưa bệnh nhân đến những bệnh viện như Nhi Đồng 1, Từ Dũ, Chợ Rẫy… Bệnh nhân hầu hết là những người dân nghèo, bồng bế con cái lếch thếch lao vào bệnh viện để chờ xin số thứ tự khám bệnh.

Bệnh nhân phải chầu chực mỏi mòn chờ đợi được khám. Vào gặp bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh rồi cũng chưa yên, vì khám bệnh ở chỗ này bác sĩ tìm ra bệnh nhưng khi đến nơi khác, bác sĩ lại đoán ra bệnh khác. Bệnh nhân chỉ còn tin vào "số trời".

Trời càng sáng, dòng người đổ về BV Chợ Rẫy mỗi lúc một đông. Người dân ở các tỉnh miền Đông, miền Tây lũ lượt kéo về các bệnh viện TP. Sài Gòn. Bởi một lý do giản dị là ở các tỉnh không đủ phương tiện chuyên môn khám chữa bệnh. Nhất là khi gặp các biến cố mới do bệnh tình gây ra. Nhiều bệnh viện tỉnh cũng lại quá tải. Người dân cũng không tin tưởng vào kỹ thuật và tài năng của các "bác sĩ tỉnh lẻ".

Họ phải đến lấy số khám trước để kịp về, chớ không thì phải ở lại qua ngày mai”. Mỗi chuyến đi tìm bệnh đối với họ không hề đơn giản, phải chuẩn bị tiền bạc, sắp xếp công việc... trước cả tuần. Đời sống của người nông dân cơ cực lắm. Vậy mà có khi phải chờ cả 3 ngày mới tới lượt khám.

Chờ 3 ngày mới đến lượt khám Bảo hiểm Y tế

Số bệnh nhân khám tim mạch đông là thế nhưng Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương chỉ bố trí một phòng khám cùng một bác sĩ phục vụ suốt ngày vì thế không ít người phải ngồi chầu chực đến… 3 ngày mới tới lượt khám. Hiện tượng này đã diễn ra từ rất lâu nhưng chưa thấy bệnh viện có hành động gì và bệnh nhân vẫn phải tiếp diễn điệp khúc chờ.


(H.5. Xe cứu thương thật hay giả)

Một bệnh nhân, bà T.T.N.N (ngụ tại đường Pham Văn Hai – Tân Bình) nói: “Bình thường mỗi lần khám mất ít nhất 2 ngày (một ngày khám, một ngày lên lấy thuốc). Đến khám ở bệnh viện này, việc chờ đợi đã trở thành thông lệ, những ngày nghỉ lễ, tôi phải ngồi đợi đến hơn 3 ngày mới đến lượt mình) -

Bà N. cho biết, khi bắt đầu vào nộp sổ để chờ khám từ 5g sáng, nhân viên liền cảnh báo hôm nay có đông bệnh nhân khám Bảo hiểm y tế (BHYT) lắm, phải chờ rất lâu. Nếu muốn khám nhanh thì nộp tiền để được khám dịch vụ (khám theo yêu cầu) với giá 30.000 đồng cho một lần khám. Theo đó, bệnh nhân phải đóng thêm 27.000 đồng tiền chênh lệch.

Ông N.V.T (ngụ tại Tô Hiến Thành - Q.10) than thở.“Già rồi mà ngồi chờ mấy ngày mệt lắm nhưng chúng tôi đã nghỉ hưu lấy đâu ra tiền để lần nào cũng khám dịch vụ. Trong khi bệnh tim mạch phải khám liên tục theo định kỳ. Vì vậy, trước phòng khám luôn có vài chục bệnh nhân ngồi chờ”.

Ngay cả xe bệnh viện cũng có khi là xe giả. Xe vận tải thùng kín chuyên chở hàng hoá, linh kiện, diện tử… được “hô biến” thành xe cấp cứu chở bệnh nhân ở các bệnh viện trong TP. Sài Gòn. Nhiều xe cấp cứu giả lấy tiền “cắt cổ” bệnh nhân, hoạt động rầm rộ ở các bệnh viện.

Cơ quan chức năng bó tay

Tình hình khám chữa bệnh của người dân nghèo bi đát là thế từ nhiều năm qua rồi. Đến nay mỗi lúc một trầm trọng hơn. Cơ quan chức năng khẳng định không thể xử lý dứt điểm nạn “cò” bệnh viện vì luật chưa quy định tội danh của hành vi này?

BS Nguyễn Hoàng Bắc - Phó Giám đốc BV Đại học Y dược phường 12, quận 5, cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị công an phối hợp kiểm tra nhưng không thể giải quyết được vì khó có bằng chứng cụ thể và chúng hoạt động ngày càng tinh vi. Thậm chí thách thức cơ quan chức năng, hăm dọa bác sĩ, sẵn sàng gây rối…”.

Có lần, theo dõi qua camera, anh T.V.H nhân viên Bệnh viện ĐHYD phát hiện “cò” đang “lòe” bệnh nhân liền đến nhắc nhở. Mười phút sau, anh H. nhận được tin nhắn sặc mùi dao búa: “Thứ 2 tao cho đệ tao đến gặp mày nha. Ranh con!”.

Không biết Bộ Y Tế Việt Nam sẽ làm những gì để cải thiện tình hình này? Có tận diệt được nạn "cò bệnh viện" móc nối với các phòng khám tư moi tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo không? Hay là Bộ cũng đành hoặc bó tay như các bệnh viện và cơ quan chức năng của TP. Sài Gòn vậy? Còn lâu dân mới bớt khổ.

==

No comments:

Post a Comment