Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Pages
Tuesday, June 30, 2009
TRẦN BÌNH NAM * Y TẾ HOA KỲ
Trần Bình Nam
Mùa hè năm nay quốc hội Hoa Kỳ sẽ bận rộn với luật bảo hiểm sức khỏe tổng thống Obama hứa với quốc dân trong khi tranh cử tổng thống. Tháng 6 vừa qua quốc hội bắt đầu nghe các báo cáo và tường trình. Và sau lễ độc lập “Fourth July” dân chúng sẽ được chứng kiến một cuộc thảo luận rộng rãi sau khi các nét chính của dự luật cải tổ chế độ săn sóc sức khỏe của người dân được công bố.
Các nỗ lực cải tổ :
Cam kết cải tổ chế độ bảo hiểm sức khỏe của tổng thống Obama không phải đơn thuần là sự xác quyết thực hiện một lời hứa trong khi tranh cử, mà là sự tiếp nối một nỗ lực của nhiều chính quyền Dân Chủ cũng như Cộng Hòa bắt đầu từ chính quyền của tổng thống Lyndon Johnson. Đó là thực hiện một chính sách bảo vệ sức khỏe cho nhân dân Mỹ sao cho vừa hữu hiệu vừa ít tốn kém nhắm mục tiêu tối hậu là mọi người Mỹ đều được bảo hiểm sức khỏe dưới hình thức này hay hình thức khác.
Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act) được tổng thống Johnson ban hành tháng 7 năm 1965 thành lập hai chương trình Medicare và Medicaid (tại California, Medicaid được gọi là chương trình Medi-cal) chăm lo sức khỏe cho người cao niên và thành phần yếu kém trong xã hội. Chỉ hơn 5 năm sau, tổng thống Nixon ghi nhận chi tiêu của hai chương trình đó tăng quá nhanh nên đã có ý kiến cải tổ. Tuy nhiên do sự khác biệt ý kiến với Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, nỗ lực này của tổng thống Nixon được xếp lại. Năm 1993 sau khi đắc cử, tổng thống Clinton thuộc đảng Dân Chủ thành lập ủy ban đặc nhiệm do bà Hillary Clinton phụ trách nhắm mục tiêu cải tổ toàn bộ hệ thống bảo hiểm sức khỏe của Hoa Kỳ. Tuy nhiên chương trình này bị các khối quyền lợi như các hãng bảo hiểm sức khỏe, hệ thống bệnh viện, tập đoàn bác sĩ, các hãng bào chế thuốc chống nên thất bại trong trứng nước. Thất bại dễ dàng một phần cũng do bà Clinton đề xuất mọi chi tiết cải tổ từ tòa Bạch ốc qua một nhóm đặc nhiệm làm việc với bà và không tham khảo ý kiến với quốc hội. Riêng tổng thống George Bush không đưa ra chương trình cải tổ lớn nào ngoại trừ đề nghị sẽ giảm thuế cho những người tự mua bảo hiểm để giảm bớt số người không có bảo hiểm sức khỏe.
Và hôm nay, đối với tổng thống Obama sự cải tổ chế độ bảo hiểm sức khỏe trở thành một lời hứa long trọng với quốc dân, một chương trình quy mô ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và xã hội trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và nó trở thành một thúc bách, một ưu tiên quốc gia.
Ngày 24/2/2009, đọc diễn văn đầu tiên trước quốc hội sau khi nhậm chức, tổng thống Obama nói: “Chi phí chăm sóc sức khỏe của nhân dân Hoa Kỳ quá lớn đã làm yếu nền kinh tế Hoa Kỳ và vấn đề này đè nặng lên ý thức trách nhiệm của chúng ta. Vì vậy chúng ta cần cho nhân dân Hoa Kỳ biết rằng không còn chờ đợi gì nữa, chúng ta phải bắt tay ngay vào công tác chỉnh đốn lại hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ.” Tổng thống Obama cũng không quên nhắc lại cam kết của tổng thống Clinton trước quốc hội ngày 17/2/1993 rằng, “… các gia đình người Mỹ không được bảo đảm sự an toàn với hệ thống bảo hiểm sức khỏe hiện nay, trong khi các nhà kinh doanh không thể yên tâm làm ăn và chính phủ Hoa Kỳ không thể ổn định nếu chúng ta không giải quyết được cơn khủng hoảng bảo hiểm sức khỏe này.”
Tình trạng săn sóc sức khỏe hiện tại của Hoa Kỳ:
Chế độ chăm lo sức khỏe hiện nay tại Hoa Kỳ dựa vào: (1) các “chủ nhân” tư hay công trả một phần tiền bảo hiểm cho nhân viên sở mình, (2) những người trên 65 tuổi hay bị tàn tật do chính phủ liên bang qua chương trình Medicare, (3) những người có lợi tức thấp, các bà mẹ nghèo có con nhỏ do chương trình Medicaid của chính phủ tiểu bang, và (4) những người làm nghề tự do tự mua bảo hiểm.
Trong số gần 303 triệu dân Mỹ có 158 triệu người được bảo hiểm qua sở làm, 42 triệu người cao niên có Medicare, 39 triệu người có Medicaid và 15 triệu người hành nghề tự do tự mua bảo hiểm. Còn lại khoảng 49 triệu người không có bảo hiểm. Trong số này có 80% có việc làm bán thời hoặc làm toàn thời cho các cơ sở nhỏ không có khả năng mua bảo hiểm cho nhân viên. Một số khác (25%) đa số thuộc thành phần trẻ trong lớp tuổi từ 25 đến 30 có khả năng mua bảo hiểm nhưng không mua vì tin vào sức khỏe của mình.
Chế độ bảo hiểm này hiện có 3 vấn đề. Thứ nhất là chi phí rất cao và tăng nhanh theo thời gian vượt trội sự tăng trưởng lợi tức quốc gia. Thứ hai là không hữu hiệu, và thứ ba có một tỉ số quá cao dân số (16%) không có bảo hiểm.
Chi tiêu toàn quốc cho sức khỏe khoảng năm 1970 là 150 tỉ mỹ kim mỗi năm, vào năm 2008 chi phí này lên đến 2.327 tỉ mỹ kim (6% khả năng sản xuất quốc gia GDP). Cứ trung bình một người Mỹ tiêu 7.680 mỹ kim mỗi năm cho sức khỏe tính trên dân số 303 triệu người. Trong khoảng thời gian nói trên chi phí y khoa tại Hoa Kỳ tăng nhanh hơn số tăng lợi tức đầu người đến 2.1% làm cho sự phát triển quốc gia bị chênh lệch. So với 4 quốc gia tiên tiến khác là Nhật, Anh, Đức và Canada, Mỹ có chi phí đầu người cao nhất (Nhật 38% , Anh 41%, Đức 50% và Canada 55% so với Mỹ).
Chi phí cao vì chế độ bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ trả theo dich vụ (fee-for-service). Bệnh viện và bác sĩ tính tiền theo dịch vụ cung cấp, các hãng bảo hiểm bồi hoàn, nên có khuynh hướng cung cấp nhiều dịch vụ hơn là cần thiết. Bệnh viện có khuynh hướng trang bị dụng cụ y khoa tối tân, trong khi các bác sĩ khám càng nhiều bệnh nhân, viết càng nhiều đơn thuốc và cho làm nhiều chẩn đoán y khoa (medical tests) càng được nhiều thù lao. Và như một vòng tròn, các hãng bảo hiểm tăng tiền mua bảo hiểm (premium) để bù lại.
Nhờ dụng cụ và máy móc y khoa tối tân cho nên nền y khoa Hoa Kỳ tiến bộ nhất thế giới, nhưng điều nghịch lý là nó không mang lại nhiều sức khỏe cho người dân Mỹ. Vì có quá nhiều phương tiện, sự săn sóc một bệnh nhân đôi khi trùng dụng và người bệnh được làm những thử nghiệm đôi khi không cần thiết nếu không muốn nói có hại cho sức khỏe của bệnh nhân. Mỗi năm tại Hoa Kỳ có 100.000 người chết vì nhiễm trùng trong các bệnh viện, và 1.500.000 người bị thương tật vì sai lầm y khoa (chẩn đoán sai). Trong 37 nước kỹ nghệ hàng đầu trên thế giới Hoa Kỳ đứng thứ 29 về trẻ sơ sinh chết, và là nước hàng đầu về bệnh mập phì và bệnh tim. Hoa Kỳ chỉ hơn các nước kỹ nghệ khác trong hai lĩnh vực chống ung thư vú và ung thư tử cung của phụ nữ.
Nếu xét yếu tố hữu hiệu y khoa tại mỗi nước dựa trên số trung bình bệnh nhân chết vì sai lầm y khoa và số trẻ sơ sinh tử vong thì sự hữu hiệu của Hoa Kỳ kém hơn 4 nước nói trên (ngoại trừ Anh). Cứ 100.000 bệnh nhân nhập viện Hoa Kỳ có 110 người chết vì sai lầm y khoa (Nhật 71%, Đức 90%, Canada 77%, Anh 103% so với Hoa Kỳ). Và cứ 1.000 trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ có 68 trẻ tử vong (Nhật 41%, Anh 74%, Đức 60%, Canada 78% so với Hoa Kỳ).
Kỹ thuật y khoa tại Hoa Kỳ cao nhưng không phục vụ bệnh nhân hữu hiệu cũng còn vì bản chất lợi nhuận. Trước đây nhiều thập niên các bác sĩ thường tập họp thành từng tổ hợp nhỏ 4 hay 5 người để săn sóc bệnh nhân. Giữa người thầy thuốc và bệnh nhân có một thứ quan hệ gần gũi và người thầy thuốc được hành nghề theo chức năng cứu nhân độ thế theo đúng lời thề của thánh tổ y khoa Hipporates (Hipporatic Oath) mà mỗi bác sĩ khi nhận văn bằng bác sĩ y khoa đều cam kết thề nguyền.
Trong điều kiện đó, bệnh nhân được chữa trị đúng nhu cầu và chi phí chữa trị xứng đáng với sự săn sóc bệnh nhân nhận được. Nhưng do lợi nhuận cao nhiều tập đoàn bệnh viện lớn và các hãng bảo hiểm sức khỏe kếch xù xuất hiện làm chết các tổ hợp bác sĩ nhỏ. Các bệnh viện và các hãng bảo hiểm lớn thuê bác sĩ làm việc cho mình tạo ra một hệ thống gọi là “managed care” nghĩa là một hệ thống mà quyết định chữa trị cuối cùng không phải do bác sĩ chữa trị mà do những chuyên viên trong các lĩnh vực y khoa làm việc cho các bệnh viện hay cho các hãng bảo hiểm. Những chuyên viên này (nếu làm việc cho các hãng bảo hiểm) lấy quyết định thiên về giảm chi phí bồi hoàn nên thường bất lợi cho bệnh nhân. Các hãng bảo hiểm thuốc theo toa bác sĩ (prescription drugs) cũng vậy. Nhiều thuốc tốt trị đúng bệnh (nhưng đắc tiền) họ không bồi hoàn, bác sĩ phải đổi qua một thứ thuốc tương đương khác đôi khi không chữa bệnh hữu hiệu.
Hiện nay mỗi năm Hoa Kỳ có 75.000 bác sĩ tổng quát và 8.000 bác sĩ chuyên ngành ra trường, trong đó 93% sẽ trở thành nhân viên của các hãng bảo hiểm và các bệnh viện. Họ không thể thực hiện lời thề Hippocratic Oath khi ra trường là sẽ săn sóc bệnh nhân như một con người. Họ không thể săn sóc bệnh nhân và làm việc chu đáo như ý muốn vì họ không có thì giờ. Họ phải làm việc theo lợi nhuận, nghĩa là chạy theo lượng hơn là phẩm. Và trong điều kiện tiến triển của y khoa điều này có nghĩa bác sĩ dựa vào con số để chẩn đoán bệnh và chữa trị theo tên bệnh hơn là để thì giờ nghiên cứu điều kiện y khoa của bệnh nhân như một đối tượng riêng biệt dù mang một tên chứng bệnh như nhau.
Sự thay đổi cách làm việc của các bác sĩ dần dần trở thành một lối sống, một thứ văn hóa của người thầy thuốc. Bác sĩ nào không chịu nổi cách hành nghề này chỉ có cách treo bằng, từ bỏ nghề thuốc để làm một công việc khác. Nếu trước đây 40 năm thanh niên chọn y khoa vì muốn giúp đời và giúp người thì hôm nay đa số chọn y khoa vì làm được nhiều tiền mà không sợ bị thất nghiệp. Các trường y khoa ghi nhận rằng qua các cuộc phỏng vấn tuyển chọn sinh viên y khoa nếu ngày trước khi được hỏi, “tại sao anh muốn trở thành một bác sĩ” câu trả lời thường là “vì tôi muốn giúp người khác” thì hôm nay các sinh viên cảm thấy trả lời như vậy là không thật nên đa số đã trả lời, “vì nghề bác sĩ không bị thất nghiệp”. Ít nhất họ chưa trả lời thẳng thừng, “và vì kiếm được nhiều tiền!”
Cần cải tổ hệ thống bảo hiểm như thế nảo?
Luật cải tổ nhắm vào ba lĩnh vực: (1) mọi người đều có bảo hiểm sức khỏe, (2) giảm chi phí y khoa, (3) hữu hiệu hóa sự chữa trị.
Hai điều kiện (1) và (2) hầu như mâu thuẫn nhau vì bảo hiểm cho 49 triệu người hiện không có bảo hiểm là một chi phí lớn làm cho mục tiêu giảm chi phí chung trở nên rất khó khăn.
Để bảo hiểm cho những người không có bảo hiểm các nhà làm luật đang đề ra nhiều lối:
- Nới rộng chương trình medicare của liên bang cho những người trên 55 tuổi (thay vì phải chờ đến 65 như hiện nay)
- Dễ giải trong chương trình Medicaid
- Thành lập một chương trình bảo hiểm premium thấp do chính phủ liên bang phụ trách để dân chúng ai muốn mua thì mua, buộc các hãng bảo hiểm tư phải giảm tiền đóng bảo hiểm và tăng cường chất lượng của policy bảo hiểm (các hãng bảo hiểm tư không thích kế hoạch này cho rằng chương trình bảo hiểm của chính phủ liên bang sẽ không tốt bằng các policy của họ và có thể làm cho họ bị cạnh tranh mà phải đóng cửa.)
- Khuyến khích những người có khả năng mua bảo hiểm bằng cách giảm thuế.
- Bắt buộc (mandate) chủ nhân phải mua bảo hiểm cho nhân viên dù làm việc bán thời
- Bắt buộc (mandate) mọi người phải mua bảo hiểm sức khỏe (như luật buộc mọi người có xe phải mua bảo hiểm tối thiểu mới được quyền lái xe).
Một câu hỏi mấu chốt:
Lấy tiền ở đâu để vừa thực hiện chương trình bảo hiểm cho mọi người vừa giảm chi phí chung?
Các nhà làm luật dự tính:
- Tiết kiệm chi tiêu trong hai chương trình medicare và medicaid bằng cách tránh trùng dụng, thí dụ bác sĩ này cho làm thí nghiệm này qua bác sĩ khác cũng cho làm một thí nghiệm như vậy.
- Giảm các thí nghiệm y khoa vô ích.
- Cắt giảm tiền bồi hoàn dịch vụ cho các bác sĩ và bệnh viện.
Đây là điểm gai góc nhất trong luật cải tổ săn sóc sức khỏe. Tuy nhiên hai cơ sở y tế tư nhân (Health Maintenance Organization - HMO) Mayo Clinic và Kaiser Permanente đã chứng tỏ họ có thể vừa cắt giảm chi phí vừa săn sóc bệnh nhân tốt hơn.
Để giúp các bác sĩ tránh trùng dụng, luật cải tổ cần dự liệu sự thiết lập một hồ sơ điện toán về sức khỏe và chữa trị cho mỗi công dân, thế nào để bác sĩ chữa trị nào trên toàn quốc cũng có thể vào đọc đối với bệnh nhân liên hệ.
- Đánh thuế vào “health benefits” nơi những người đi làm có lương cao.
- Giảm khấu trừ thuế (tax deductions) do chi phí y khoa của mỗi cá nhân
- Tăng thuế những thức ăn và uống không tốt cho sức khỏe như rượu.
Phản ứng của các khối quyền lợi
Hiện nay tổng thống Obama có lợi thế quần chúng đòi hỏi ông phải thực hiện chương trình cải tổ nhanh chóng. Và trên thực tế sự suy thoái kinh tế hiện nay là một thúc bách vì cải tổ hệ thống chăm lo sức khỏe trong hướng giảm chi là một phần trong toàn bộ kế hoạch chấn hưng kinh tế qua đó các khối thế lực như khối bảo hiểm, khối bào chế thuốc, khối chủ nhân, khối bác sĩ, khối bệnh viện đều có lợi.
Các khối có quyền lợi này từng là các thế lực đánh bại nỗ lực cải tổ trước đây của tổng thống Clinton sẽ không còn là trở lực chính. Họ sẽ hợp tác và vận động quốc hội theo sự tính toán quyền lợi riêng của mỗi khối. Và qua đó các khối thế lực này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong diện mạo bộ luật sẽ được hình thành.
Nắm yếu tố này, tòa Bạch ốc và quốc hội rất quan tâm đến quan điểm của các khối quyền lợi nói trên. Khối bảo hiểm chống sự thành hình một chương trình bán bảo hiểm của chính phủ liên bang vì cho rằng đó là một sự cạnh tranh bất xứng làm thui chột nguyên tắc kinh tế thị trường. Khối bào chế ủng hộ chính sách mandate bắt buộc các xí nghiệp nhỏ, các chủ tiểu thương phải mua bảo hiểm cho nhân viên, cũng như buộc công dân phải mua bảo hiểm vì họ có thể bán được nhiều thuốc. Trái lại khối chủ nhân chống lại chính sách mandate. Khối bác sĩ sẽ ủng hộ một bộ luật giúp họ bớt lệ thuộc vào các hãng bảo hiểm và các bệnh viện, tuy nhiên họ cũng không ủng hộ một bộ luật cắt xén bớt tiền thù lao của các dịch vụ y khoa. Khối bệnh viện thì lo lắng về một bộ luật tạo điều kiện phanh phui các sai lầm y khoa chết người thường xẩy ra tại các bệnh viện. Sau cùng khối cử tri tự do thích một cuộc cải tổ sâu rộng như hướng bảo hiểm sức khỏe của hầu hết các nước kỹ nghệ Âu châu, nghĩa là chính phủ bảo hiểm cho tất cả mọi công dân, một chính sách bảo hiểm gọi là single-payer.
Sự cân nhắc của đảng Cộng Hòa
Trước tâm lý chung của quần chúng chờ đợi một bộ luật cải tổ chế độ săn sóc sức khỏe cho người dân, đảng Cộng Hòa đã mặc nhiên đồng ý cần có bộ luật cải tổ. Nhưng cải tổ như thế nào là một vấn đề đảng Cộng Hòa sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi cuộc thảo luận trong dư luận và tại quốc hội bắt đầu. Nếu đảng Dân Chủ nghiêng về một cải tổ sâu rộng như chế độ single-payer thì đảng Cộng Hòa nghiêng về một chế độ trong đó bảo hiểm tư nhân vẫn chiếm ưu thế.
Trong điều kiện đó người ta chờ đợi một dự luật cải tổ trong đó chính phủ dự một phần quan trọng (hơn hiện nay) trong việc săn sóc sức khỏe người dân trong khi vẫn duy trì các chương trình bảo hiểm tư nhân. Cuộc đấu tranh giữa hai đảng sẽ là cuộc đấu tranh về vị trí của đường ranh giới giữa hai hình thức bảo hiểm sức khỏe này.
Đảng Dân Chủ hiện nắm đa số tại cả hai viện quốc hội và hành pháp và có khả năng thông qua một đạo luật cải tổ mà không cần sự hợp tác tích cực của đảng Cộng Hòa. Nhưng nếu vậy tư thế của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử quốc hội toàn thể Hạ nghị viện và 1/3 Thượng viện tháng 11 năm 2010 sẽ không phải là tối hảo. Đảng Dân Chủ cần sự hợp tác của đảng Cộng Hòa để biểu hiện sự đồng thuận của toàn dân trước một vấn đề lớn của quốc gia.
Nhưng đó chính là điểm then chốt đối với đảng Cộng Hòa . Để lấy đà cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 đảng Cộng Hòa cũng cần nâng tư thế của mình trong cuộc bầu cử tháng 11/2010, và đảng Cộng Hòa không thấy thích thú gì hợp tác với đảng Dân Chủ để thông qua một bộ luật cải tổ chế độ săn sóc sức khỏe do tổng thống Obama đề xướng. Nhưng không hợp tác dân chúng Hoa Kỳ có thể cho đảng Cộng Hòa “thọc gậy bánh xe” và cũng không tốt gì cho thanh thế của đảng.
Trong bối cảnh đó đảng Cộng Hòa sẽ tùy tình hình để lượng định sách lược của mình đối với luật cải tổ chế độ săn sóc sức khỏe sẽ được bàn thảo và có nhiều hy vọng được thông qua trong mùa hè năm nay.
Luật có bảo đảm mọi người đều được bảo hiểm sức khỏe không?
Luật có thay đổi cách chữa trị để giảm thiểu sai lầm y khoa không?
Luật có thay đổi quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân không?
Và sau cùng luật có tiết giảm chi phí quốc gia để góp phần chấn hưng kinh tế đang suy thoái không?
Làm được những điều này là làm một cuộc cách mạng đòi hỏi sự can đảm chính trị của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa./.
Trần Bình Nam
June 30, 2009
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
Tài liệu tham khảo:
1. “He Who Has the Gold Sets the Rules” by Ronald J. Grasser, The Washington Post National Weekly Edition, June 8-14, 2009
2. “Which Doctors Measure Up?” by Harlan M. Krumholz, The Washington Post National Weekly Edition, June 8-14, 2009
3. “An Elusive Cure” by Ceci Connolly, The Washington Post National Weekly Edition, June 15-21, 2009
4. “Congress Must Navigate Tricky Terrain” by Shailagh Murray, The Washington Post National Weekly Edition, June 15-21, 2009
5. “Invested in the Health-Care Debate” by Paul Kane, The Washington Post National Weekly Edition, June 22-28, 2009
6. “This is going to hurt” , The Economist, June 27 – July 3, 2009
7. “Heading for the emergency room” ,The Economist, June 27 – July 3, 2009
Trần Bình Nam
http://www.tranbinhnam.com
Sunday, June 28, 2009
CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Hai tác phẩm: "CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam "
và
"CIA and the House of Ngo: Covert Action
in South Vietnam, 1954-1963."
Tác Giả: Thomas L. Ahern, Jr.
Center for the Study of Intelligence ấn hành.
Lần đầu tiên trong lịch sử của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA), ban biên tập của cơ quan cho giải mật hai tập tài liệu quan trọng về liên hệ CIA và Việt Nam . Trong nhiều năm qua, CIA theo luật bắt buộc đã giải mật nhiều tài liệu quan trọng, thí dụ như hơn 1.000 trang phân tích và ước lượng về chiến tranh Việt Nam (Estimative Products on Vietnam, 1948-1975, National Intelligence Council, 2005). Lần đầu tiên trong nghĩa này là hai quyển sách trên thuộc lọai sử kể (narrative history), có đầu đuôi, chú thích và quan trọng hơn hết tác giả là người thật, đọc nhiều tài liệu và viết lại có ngọn ngành cho đọc giả. Đa số những tài liệu giải mật của CIA trước đây thuộc lọai nặc danh vì lý do nghề nghiệp, hay là những tường trình do nhân viên báo cáo về để kính tường.
Người điểm sách không biết hai quyển sách trên thật sự được cho in lúc nào (nghĩa là được Center for the Study of Intelligence giải mật cho ra công chúng trong dạng một quyển sách; Center for the Study of Intelligence là nhà in của CIA). Theo lời giới thiệu trong sách, quyển CIA and the Generals (CIA & Generals) được hoàn tất tháng 10-1998; và CIA and the House of Ngo (CIA & Ngo) viết xong tháng 6-2000. Hai quyển này được đưa lên web site của Center for the Study of Intelligence vào đầu tháng 3-2009, với dấu mộc ghi APPROVED FOR RELEASE DATE 19-Feb-2009. (Được Phép Đưa Ra Công Cộng Ngày 19 tháng 2-2009).
CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963 (CIA và Những Điệp Vụ Mật ở Miền Nam, 1954-1963) nói về những hoạt động bên trong để giúp đỡ chánh phủ Ngô Đình Diệm, từ ngày ông Diệm về làm thủ tướng cho đến ngày tổng thống Diệm bị hạ sát trong cuộc cách mạng 1 tháng 11-1963. Qua tài liệu này, lần đầu tiên chúng ta biết được, từ năm 1950 cho đến năm 1956, CIA có hai Sở tình báo ở Sài Gòn: một Sở CIA Saigon Station nằm dưới sự điều khiển thông thường từ bản doanh CIA ở Langley, Virginia; Sở kia, có tên là Saigon Military Mission, làm việc trực tiếp, và chỉ trả lời cho Giám Đốc Trung Ương Tình Báo. Saigon Military Mission, theo Tài Liệu Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers) được giải mật trước đây, do đại tá Edward G. Lansdale chỉ huy. Lansdale đến Sài Gòn tháng 6-1954 với hai nhiệm vụ: huấn luyện những toán tình báo Việt Nam để gài lại ở miền Bắc trước ngày di cư và tập kết hết hạn; và, dùng mọi phương tiện ngầm (covert action) để giúp tân thủ tướng Ngô Đình Diệm. Theo tác giả Thomas L. Aherns, chính Giám Đốc CIA Allen Dulles chỉ định đại tá Lansdale cho điệp vụ ở Sài Gòn và cũng ra lệnh Lansdale làm việc trực tiếp cho ông. Tác giả Ahern viết, CIA có mặt từ năm 1950 để giúp đỡ quân đội Pháp xâm nhập và thu thập tin tức tình báo. Nhưng từ cuối năm 1953, khi thấy tình hình quân sự nguy ngập của Pháp, Hoa Thịnh Đốn thay đổi nhiệm vụ của CIA Saigon Station: Liên lạc và thu thập tình báo những thành phần quốc gia để lập một chánh thể chống cộng trong trường hợp Hoa Kỳ thay thế Pháp. Cùng lúc Hoa Thịnh Đốn gởi thêm một toán CIA để lo về quân sự, Saigon Military Mission (tác giả Ahern chú thêm, trong các công điện của CIA, Saigon Military Mission đôi khi được ghi là Saign Military Station).
CIA and the House of Ngo tiết lộ một số chi tiết ly kỳ như, CIA liên lạc và làm thân với ông Ngô Đình Nhu từ năm 1951, rất lâu trước khi Hoa Kỳ liên lạc với ông Diệm. Đầu năm 1954, khi có tin Hoa Kỳ chuẩn bị đề nghị quốc trưởng Bảo Đại và chánh phủ Pháp giải nhiệm hoàng thân Bửu Lộc và thay bằng ông Diệm, thì ông Nhu là người đầu tiên CIA gặp để bàn về liên hệ của Hoa Kỳ đối với thủ tướng tương lai Ngô Đình Diệm.
Tháng 4-1954, một nữ nhân viên Mỹ làm việc ở CIA Saigon Station, thông thạo tiếng Pháp, quen biết và liên lạc thân thiện với Bà Ngô Đình Nhu. Từ nữ nhân viên Virginia Spence này, Sở CIA Saigon bắt được nhiều liên lạc với hầu hết những người thân trong gia đình, hoặc thân cận với Nhà Ngô. Tháng 4-1954, CIA ở Hoa Thịnh Đốn gởi Paul Harwood sang làm cố vấn riêng cho ông Nhu. Tuy là nhân viên CIA, nhưng Harwood đóng vai một nhân viên Bộ Ngoại Giao, làm việc từ Tòa Đại Sứ. Trong hai năm, Hardwood cố vấn là làm việc với ông Nhu để xâm nhập và ảnh hưởng đường lối ngoại giao quân sự của nền đệ nhất VNCH với tổng thống Diệm. Paul Hardwood thân thiện với gia đình ông bà Nhu đến độ ông ta là người đỡ đầu cho Ngô Đình Lệ Thủy, ái nữ của ông bà Nhu.. Từ tài liệu này chúng ta cũng biết thêm, ông bà Nhu được đưa qua thăm viếng Mỹ trước tổng thống Diệm. Để lấy tình cảm và ảnh huởng với ông Nhu, đầu tháng 3-1957 ông bà Nhu được CIA mời qua thăm Hoa Thịnh Đốn. Tuy không có một chức vụ gì chánh thức với chánh phủ nhưng ông Nhu được diện kiến tổng thống Dwight Eisenhower, hai Tổng Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, và Giám Đốc CIA Allen Dullles. Tài liệu cho biết, với tài ăn nói và sắc diện, bà Nhu gây được nhiều chú ý với các thẩm quyền Mỹ. Bà Nhu là một ngôi sao trong dạ tiệc do CIA khoán đãi. Hai tháng sau chuyến thăm viếng âm thầm của ông bà Nhu, đầu tháng 5-1957, tổng thống Diệm lên đường công du theo lời mời của chánh phủ Hoa Kỳ.
Một vài tiết lộ khác trong sách của Ahern: CIA bắt liên lạc được với những nhân vật quan trọng như Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Trần Quốc Bửu. Và ít hay nhiều, CIA có thể nhìn vào nội tình của Nhà Ngô qua những tin tức do những nhân vật trên cung cấp. Trong cuộc tranh chấp rồi sau đó là giao chiến giữa chánh phủ Diệm và quân phiến loạn Bình Xuyên, CIA biết được hầu hết kế hoạch và khả năng của Bình Xuyên, nhờ một cận thần của Bảy Viễn đang làm việc cho CIA. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, một đảng chánh trị thành lập để hổ trợ chánh phủ Diệm, nhận tài chánh và cố vấn từ CIA. Nhưng đến đầu năm 1960 thì CIA cắt ngân khoản vì cơ cấu nhân sự không còn hữu hiệu trong công tác tuyên truyền. CIA đã than phiền nhiều lần về những hoạt động của Đảng Cần Lao và hành vi của ông Ngô Đình Cẩn. Nhưng mỗi lần CIA than phiền với ông Nhu về những hoạt động bí mật đôi khi trái phép của ông Cẩn, thì ông Nhu đưa hai tay lên trời với một thái độ buông xuôi vì ông không thể nào làm gì được. Ở một tài liệu khác cho biết, khoảng giữa năm 1956, CIA nhận được nguồn tin cho biết ông Cẩn đang bàn kế hạch để lọai trừ Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành và Cố Vấn Ngô Đình Nhu ra khỏi vòng ảnh hưởng ở Dinh Tổng Thống. Qua nhiều trang, chúng ta đọc được sự bất lực của chánh phủ Sài Gòn đối với lãnh chúa Ngô Đình Cẩn ở miền Trung.
Với hai Sở CIA ở Sài Gòn hoạt động độc lập nhau, báo cáo gởi về cho CIA ở Hoa Thịnh Đốn đôi khi trái ngược: Cố vấn Paul Hardwood thì báo cáo tốt, nhân nhượng cho ông Nhu và có ý chỉ trích ông Diệm; Edward Lansdale thì ngược lại: bảo vệ ông Diệm và nói xấu ông bà Nhu. Cuối năm 1956, sau khi Lansdale bị triệu hồi về Mỹ, Al Ulmer, Trưởng Vụ Viễn Đông CIA, ra lệnh giải tán những gì còn lại của Saigon Military Mission và thái độ của Hoa Kỳ cũng bắt đầu thay đổi với chánh phủ Ngô Đình Diệm. Đầu năm 1958 Hoa Kỳ cho phép CIA Saigon bắt liên lạc với các đảng chính trị đối lập. Tài liệu nói nhân viên của CIA mua chuộc và thành lập một lực lượng đối lập ngay sau lưng ông Nhu, để trong trường hợp phải thay đổi cấp lãnh đạo mới. Cuộc đảo chánh 11 tháng 11-1960 là một hăm dọa của Hoa Kỳ đối với tổng thống Diệm: Nhân viên CIA có mặt ở tại bộ chỉ huy của đại tá Nguyễn Chánh Thi và kế bên ông Hoàng Cơ Thụy để giới hạn bước tiến của quân đảo chánh điệp viên Russ Miller khuyên đại tá Thi nên thượng lượng với ông Diệm, trong khi biết rõ quân ủng hộ chánh phủ của đại tá Trần Thiện Khiêm đang trên đường từ Vùng IV về thủ đô tiếp cứu. Khi thấy thái độ trở mặt của CIA, màn lưới tình báo của ông Nhu cũng không hoàn toàn thụ động: Phó Sở CIA Saigon, Douglas Blaufarb, ngỡ ngàng khi ông khám phá ra người tài xế Việt Nam của ông không bị điếc như lúc được giới thiệu vào làm việc (do Trần Kim Tuyến giới thiệu); người tài xế không điếc mà còn thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp!
Tài liệu thú nhận vào năm sau cùng của Nhà Ngô, Hoa Kỳ có một phần lớn trách nhiệm trong kế hoạch hạ bệ tổng thống Diệm. Nhưng chính gia đình ông Diệm cũng hủy hoạiï, vì sự chia rẽ từ anh em trong nhà. Từ mùa xuân năm 1963 ông Nhu yêu cầu CIA đừng nói lại những gì ông và CIA trao đổi. Và qua nhiều lần nói chuyện với CIA, ông Nhu tuyên bố ông muốn thay tổng thống Diệm! Trong khi đó bà Nhu thì thường làm hùng làm hổ với tổng thống Diệm: trong cuộc bầu cử Hạ Viện năm 1963, bà Nhu muốn ủng hộ 30 ứng cử viên mà ba ta ưng ý.. Ông Diệm không đồng ý, nhưng bà Nhu cằn nhằn, to tiếng cho đến khi tổng thống Diệm nhượng bộ. Bà Nhu cũng thắng thêm một lần nữa, khi đòi làm người chủ tọa và đọc diễn văn ngày Lễ Hai Bà Trưng thay gì phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ như ông Diệm đã chỉ định. Riêng về ông Ngô Đình Cẩn: ông Cẩn từ chối không ủng hộ hay giúp ông Nhu về Chương Trình Ấp Chiến Lược ở Miền Trung.
Ngày Lễ Quốc Khánh Hoa Kỳ, 4 tháng 7-1963, lần đầu tiên tổng thống Diệm cho phép các tướng lãnh VNCH tham dự tiệc ăn mừng do tòa đại sứ tổ chức.. Sau tiệc rượu ở khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ, một vài tướng lãnh VNCH và nhân viên CIA kéo nhau ra quán để uống nữa. Tại quán rượu, tướng Trần Văn Đôn nói với nhân viên CIA là các tướng lãnh muốn đảo chánh tổng thống Diệm. Thảm kịch của Nhà Ngô bắt đầu từ đó.
CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam (CIA và Các Tướng Lãnh: Những Hỗ Trợ Ngầm Cho Chính Phủ Quân Sự Việt Nam Cộng Hòa), cũng là một tài liệu tương đối tối mật so với những tài liệu được CIA công bố trước đây. Những sự kiện biên niên trong quyển CIA & Generals (1963-1975) tiếp theo quyển CIA & Ngo (1954-1963), nhưng lại được cho giải mật trước CIA & Ngo. Có lẽ ban kiểm duyệt CIA thận trọng hơn về những chi tiết nằm trong CIA & Ngo. Tài liệu trong CIA & Generals bắt đầu sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11-1963. Những gì đến từ tài liệu cho thấy ngay sau đảo chánh, như một tập thể, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng không được hòa thuận; và, như những liên hệ cá nhân, các tướng lãnh đã nghi kỵ, ngờ vực lẩn nhau trước khi đảo chánh. Trước khi đảo chánh tướng Nguyễn Khánh đã nói xấu về hai tướng Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm với tổng thống Diệm và một số nhân viên CIA. Qua nhiều chi tiết, chúng ta thấy các tướng lãnh làm việc chung vì phải tựa vào nhau để mưu cầu lợi quyền lợi riêng, chứ không thật sự có chung một lý tưởng. Trước ngày tướng Khánh chỉnh lý tướng Minh và bốn tướng Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, và Trần Văn Đôn, tướng Khánh thường xuyên rỉ tai với CIA về tin đồn những tướng lãnh nói trên sẽ theo Pháp để biến Việt Nam thành trung lập. Tháng 2-1964 tướng Nguyễn Văn Thiệu đã đưa nhiều sĩ quan thuộc Đảng Đại Việt nằm vào những chức vụ quan trọng trong quân đội. Khi được hỏi để làm gì, tướng Thiệu trả lời để triệt hạ cộng sản và những thành phần thân cộng. Nhưng CIA có nguồn tin cho biết ông Thiệu sẽ dùng sĩ quan Đại Việt để đảo chánh ông Khánh. Và chuyện xảy ra đúng như vậy. Tướng Khánh rất ngây thơ khi hù tướng Thiệu là Mỹ sẽ chơi ông. Nhưng, như chúng ta đã thấy, Mỹ chơi ông Khánh trước ông Thiệu! Một chi tiết khá lý thú về tướng Khánh: 25 tháng 2-1965, khi đại sứ Maxwell Taylor và các tướng trẻ hạ bệ và yêu cầu tướng Khánh rời Việt nam. Lúc ra đi vội vã tướng Khánh để quên lại một cặp táp nhiều tài liệu quan trọng. Nhớ lại, tướng Khánh yêu cầu CIA bằng mọi cách phải tìm lại cặp táp. CIA chuộc lại được và gởi qua Mỹ, giao lại cho tướng Khánh. Nhưng, trước khi cặp táp rời Việt Nam , đại sứ Maxwell Taylor yêu cầu cho ông một bản sao của tất cả tài liệu nói trên! Bản sao những tài liệu chắc chắn còn lưu trữ đâu đó trong văn khố chánh phủ Hoa Kỳ.
Những chi tiết được giải mật trong CIA & Generals: Trong các tướng lãnh VNCH, CIA kính trọng kiến thức của tướng Lê Văn Kim nhất. Trong một buổi thuyết trình về các kế hoạch kín đang thực hiện trên đất Bắc, trong khi mặt tướng Dương Văn Minh ngớ ra với những chi tiết tình báo quân sự, tướng Kim lấy được sự kính trọng của tình báo Hoa Kỳ với những câu hỏi rất chuyên nghiệp. Tướng Nguyễn Đức Thắng được người Mỹ kính nể. Trong một báo cáo, Giám Đốc CIA Richard Helms đề nghị cho tướng Thắng cùng một lúc giữ hai Bộ Quốc Phòng và Xây Dựng Nông Thôn, với tất cả cơ cấu và cố vấn Hoa Kỳ nằm dưới quyền thống thuộc của tướng Thắng. Về tướng Nguyễn Ngọc Loan, mặc dù người Mỹ không thích tướng Loan vì sự thẳng thắng của ông, nhưng họ nhận định tướng Nguyễn Ngọc Loan là một người thật thà, can đảm, biết được ẩn ý của người Mỹ. Tướng Loan không sợ khi nói thật ý nghĩ của ông với tình báo Mỹ. Đầu năm 1967, khi biết được Hoa Kỳ đang đi sau lưng chánh phủ VNCH, liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ông Loan nói với CIA là người Mỹ từ đây sẽ đi sau lưng người quốc gia và sau cùng người sẽ Mỹ bỏ đi, chỉ còn VNCH một mình đơn thân chống lại Bắc Việt. Một lời phát biểu mà tình báo Hoa Kỳ cho là tiên tri. Tình báo Mỹ cũng biết được tánh tình và quá khứ của một số tướng lãnh VNCH qua những lần đối thoại với tướng Trần Thiện Khiêm khi tướng Khiêm bị lưu đày qua Mỹ với cấp bậc đại sứ. Trong một bửa ăn ngày 19 tháng 4-1965 ở nhà hàng Sans Souci (một nhà hàng sang trọng bậc nhất ở Hoa Thịnh Đốn) tướng Khiêm thổ lộ ý nghĩ của ông về tướng Khánh và nhiều nhân vật khác. Qua nhiều chi tiết trong CIA & Genreals, đọc giả có thể suy luận, tướng Khiêm có một liên hệ lâu và thân mật với Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ.
Cuối năm 1966 Hoa Kỳ có ý định bắt liên lạc với một vài nhân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). Lý luận của CIA là họ muốn xâm nhập vào nội bộ để gây chia rẽ giữa cấp lãnh đạo MTGPMN và Hà Nội. Muốn lấy lòng tin của MTGPMN, CIA xin chánh phủ VNCH phóng thích vài nhân sự quan trọng của MTGPMN đang bị Cảnh Sát Quốc Gia VNCH giam giữ, trong đó có vợ của Trần Bạch Đằng (bà Mai Thị Vàng) và Trần Bửu Kiếm (bà Phạm Thị Yến), và một số cán bộ giao liên. Ban đầu VNCH phản đối, nhưng sau cùng vì áp lực cũng phải cộng tác với Hoa Kỳ trong kế hoạch liên lạc với MTGPNM. Từ tháng 2-1967 cho đến tháng -1968, VNCH thả bà Vàng và bà Yến, cộng thêm 10 cán bộ giao liên phía bên kia. Đổi lại, phía MTGPMN chỉ thả ba tù binh Hoa Kỳ. Nhưng từ đó VNCH nhất là tướng Nguyễn Ngọc Loan thấy Hoa Kỳ sẳn sàng xé lẻ nếu tình thế phù hợp với đường lối ngoại giao của họ. Nhưng phải thành thật nhận xét, qua những lời úp mở trong sách vì bị kiểm duyệt khá nhiều CIA rất có thể đã xâm nhập hay bắt liên lạc được với Trần Bửu Kiếm hay một nhân vật nào đó trong nội bộ đầu nảo của MTGPMN. Qua các tài liệu giải mật sau này, chúng ta thấy CIA có một hồ sơ rất chi tiết về nhân sự và cơ cấu của MTGPMN. Thêm vào đó, CIA cũng có luôn những báo cáo của Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam (là hậu thân của MTGPMN từ tháng 6-1969) gởi về cho Trung Uơng Cục Miền Nam, cập nhật những diễn tiến ở Hội Đàm Paris 1968-1973.
CIA xâm nhập sâu vào cơ cấu hành chánh và nhân sự của VNCH trong khoảng 1967-1975, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1967). Vì kết quả bầu cử phải được Hạ Viện VNCH chứng nhận hợp pháp nhất là một cuộc bầu cử mà hai ứng viên cùng chung liên danh (Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ), đã cấu xé nhau trước khi ngồi lại với nhau, và hầu hết liên danh thất cử nào cũng phản đối kết quả Hoa Kỳ chỉ thị cho CIA phải tìm mọi cách bảo đảm Hạ Viện sẽ chứng nhận kết qủa bầu cử. Hạ viện bỏ phiếu thuận 58 trên 43, xác nhận liên danh Thiệu-Kỳ đắc cử. Tài liệu trong CIA & Generals nói tình báo Mỹ đã khuynh đảo một số dân biểu trong hai bầu cử tổng thống 1967 và 1971 (và bầu cử Quốc hội của năm 1970). CIA mua chuộc được 10 dân biểu, nhưng muốn có thêm 10 tiếng nói ủng hộ nữa, để chắc ăn về những dự luật đang nghị luận! Tài liệu cho biết CIA đã tốn bao nhiêu tiền để thành lập hay giúp đỡ các đảng phái chính trị với hy vọng các lực lượng này sẽ ủng hộ và xây dựng một thế lực phía sau tổng thống Thiệu. Đảng Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, (của thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn) được CIA tài trợ với hy vọng trên. Nhưng khi biết được người đứng ra tổ chức là Đặng Đức Khôi một thân tín của ông Kỳ ông Thiệu từ chối ủng hộ. Để có một tổ chức riêng, ông Thiệu cho ra đời Lực Lượng Dân Chủ. Sau Đảng Dân Chủ, CIA tài trợ một lực lượng chính trị khác, có tên là Đảng Liên Minh Cách Mạng Xã Hội, với hy vọng gom lại tất cả lực lượng chính trị thành một mặt trận chung, dưới sự lãnh đạo chung của tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ. Nhưng vấn đề là hai ông Thiẹu, Kỳ không còn muốn xuất hiện chung với nhau ngoài công cộng! Sau cùng, với sự nài nỉ của người Mỹ, và vì lợi ích quốc gia, Khối Liên Minh được khai mạc ngày 4 tháng 7-1968, với sự chủ tọa của hai ông Thiệu và Kỳ. Khối Liên Minh tập họp hơn 25 đảng phái chính trị lớn nhỏ ở Miền Nam. CIA tài trợ Đảng này cho đến cuối năm 1969. Tuy nghe theo lời cố vấn của Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Thiệu lúc nào cũng nghi ngờ dụng ý của người Mỹ. Ông nói với nhân viên CIA là không những VNCH phải đương đầu với sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào Nam, mà còn phải đương đầu với sự xâm nhập của CIA vào nhân sự của chánh phủ! Tổng thống Thiệu tỏ thái độ dè dặt hơn vào cuối năm 1968, khi tổng thống Lyndon Johnson gởi cho ông một lá thư, cho biết có sự hợp tác của VNCH hay không, Hoa Kỳ cũng sẽ đơn phương xúc tiến hoà đàm với Bắc Việt và MTGPMN. Tổng thống Thiệu sau đó cắt đứt liên lạc với CIA hơn một tháng, chỉ cho họ tiếp xúc với phụ tá của ông, trung tướng Đặng Văn Quang. Nhưng khi ông Thiệu càng kín đáo, càng dè dặt, thì CIA lại càng muốn biết được những ý nghĩ của ông Thiệu bằng mọi cách.
Những tiết lộ khác trong CIA & Generals: Tình báo của MACV biết rõ ngày giờ Bắc Việt sẽ tấn công qua vùng Phi Quân Sự trong trận tổng công kích Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nhưng Hoa Kỳ không thông báo cho VNCH, hay tấn công vào các đơn vị Bắc Việt đang tập trung quân. Ngược lại, thái độ của đại tướng Creighton Abrams và đại sứ Bunker rất lạc quan, hai ông tuyên bố trong cao điểm của cuộc tấn công là Bắc Việt sẽ hết quân sau trận tổng tấn công. Những chi tiết này làm người đọc không khỏi thắc mắc, là có phải Hoa Kỳ đã cố ý để cho cuộc tấn công xảy ra? Chi tiết này làm cho đọc giả nhớ lại câu đối thọai của tổng thống Richard Nixon với Henry Kissinger là sau trận này, hai bên phải có một bên hết quân.
Từ tháng 8-1972, để chuẩn bị cho những thương lượng sau cùng của Kissinger và Lê Đức Thọ ở Paris, CIA được lệnh phải làm hao mòn sức chống đối của tổng thống Thiệu về một số điều khoản trong bản hiệp định (một trong những điều khoản ông Thiệu cực lực phản đối, là Hoa Kỳ đồng ý cho Bắc Việt để lại quân ở Miền Nam, Lào, Cam Bốt). Một số tài liệu giải mật ở giai đoạn này (tháng 8 1972 cho đến lúc ký Hiệp Định Paris, tháng 1-1972) cho thấy CIA có điệp viên nằm trong Trung Ương Cục, qua những tin tức họ nhận được về cuộc nói chuyện giữa Lê Đức Thọ và Kissinger.
Từ tháng 6-1973, liên hệ giữa thủ tướng Khiêm và tổng thống Thiệu trở nên khó khăn. Ông Khiêm nói với Trưởng Sở CIA Saigon, Thomas Polgar, là ông Thiệu đang tập trung quyền lực và càng lúc càng cố vị. Nhưng cũng từ tài liệu CIA, chúng ta đọc biết ông Khiêm thường xuyên liên lạc với các Trưởng Sở CIA, từ Lewis Lepham đến Ted Shackley, đến Polgar. Từ tháng 10-1972 đến ngày ký Hiệp Định Paris 1973, CIA đến gặp thủ tướng Khiêm nhiều lần để tìm hiểu về trạng thái tinh thần của tổng thống Thiệu.
Một ngày trước khi tướng Phạm Văn Phú gặp phái đoàn tổng thống Thiệu ở Cam Ranh (14 tháng 3-1975). đại tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, đã thông báo tin này ra cho CIA. Cho đến lúc đó, CIA và Phòng Tùy Viên Quốc Phòng (Tùy Viên Quân Sự) vẫn chưa biết tổng thống Thiệu quyết định gì về Vùng II. Khi CIA xác nhận tin này vào chiều ngày 14, thì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đang chuẩn bị di tản. Căn cứ vài tài liệu giải mật này, cho đến ngày hôm nay, CIA vẫn chưa xác định được ông Thiệu ra lệnh gì cho ông Phú trong buổi họp dịnh mệnh ngày 14 tháng 3-1975.
Trong tuần lễ cuối cùng trước ngày ký Hiệp Định Paris, nhân viên của CIA, tòa Đại Sứ, và Phòng Tùy Viên Quốc Phòng cùng nhau làm áp lực với tổng thống Thiệu và các viên chức thân cận chung quanh ông Thiệu. Đại sứ Bunker được lệnh của Kissinger cho ông thiệu coi một số hồ sơ mật của Nixon để hăm dọa ông Thiệu mánh lới đó cũng được lập lại với các ông Hoàng Đúc Nhã. Trần Thiện Khiêm và Đặng Văn Quang. Trong một cuộc đối thoại với Rodney Landreth, ông Nhã hỏi thẳng, Tại sao Hoa Kỳ làm áp lực với VNCH mà không là Bắc Việt Hoa Kỳđang đi ngược lại những gì họ đã chủ định thực hiện Nhưng câu hỏi của ông Nhã không thành vấn đề vào tuần lễ cuối cùng của tháng giêng, 1973.
Tuy là tài liệu được giải mật, nhưng một số lớn chi tiết, tên tuổi của những điệp viên, điềm chỉ viên trong sách vẫn còn bị kiểm duyệt. Nhưng nếu đọc giả gom những chi tiết trong CIA & Ngo, trong CIA & Generals, và so sánh với một số tài liệu đã được giải mật từ Bộ Ngoại Giao (Foreign Relations of the United States , Vietnam ), đọc giả có thể suy luận ai là ai nằm dưới những lằn đen kiểm duyệt.
Với giới hạn của của ban chủ biên, năm, sáu trang điểm sách chỉ nói lên được một phần của CIA and the House of Ngo: Action in South Vietnam, 1954-1963; và, CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam .
Muốn tham khảo hai tác phẩm bằng Anh ngữ, xin mở theo địa chỉ sau:
1. CIA and The Generals:
http://www.saigonec ho.com/pdfs/ CIA_AND_THE_ GENERALS. pdf
2. CIA and The House of Ngo (xin chờ khoảng một phút để máy download)
http://www.saigonec ho.com/pdfs/ CIA_AND_THE_ HOUSE_OF_ NGO.pdf
Thảm kịch của cô dâu Việt mòn mỏi chờ... rể ngoại | ||||||
07:32' 28/06/2009 (GMT+7) | ||||||
- Những ngày chờ đợi có người nước ngoài xem mặt, các cô gái không được tự ý ra ngoài. Một tuần, hai tuần trôi qua, họ bày sòng tiến lên để giải sầu. Tiền bạc, tư trang theo đó cũng đội nón ra đi... > Những tên "trùm" môi giới gái quê bán cho... chồng ngoại Chưa xuất ngoại đã nợ như chúa Chổm Cô gái tên Nguyễn Thu H. (21 tuổi, ngụ Cần Thơ) kể về thời gian ở trong căn nhà mà chủ môi giới tập trung các cô để chờ khách nước ngoài xem mặt. Khoảng 9 giờ mỗi ngày, các cô gái bắt đầu chia nhau làm 2 sòng bài tiến lên. Ban đầu chỉ là chơi cho vui, người thua sẽ đãi cả bọn một chầu xoài, me, cóc, ổi.
Nhưng càng ngày, sự mòn mỏi chờ ngày được xem mặt khiến cho các cô chán nản dần, nhu cầu giết thời gian rảnh rỗi làm mức độ ăn thua cao hơn. Dù “ăn không ngồi rồi” nhưng mỗi lần sát phạt các cô gái chơi đến 20-40 (người thắng nhất 40.000 đồng, nhì 20.000 đồng). Số tiền nướng vào sòng bạc là những mảnh ruộng, vườn mà cha mẹ các cô đã bán ở dưới quê gom góp cho các cô tìm đường xuất ngoại, lấy chồng giàu. Không dừng lại ở đánh bài, nhiều cô còn nhiễm cả tật chơi số đề. Chỉ cần thông qua người chăm sóc các cô có nhu cầu đó sẽ được đáp ứng. Những trùm môi giới cũng rất hào phóng, sẵn sàng cho các cô vay mượn nhưng với lãi cao. Huyền là một trường hợp điển hình cho sự xuống dốc. Khi lên thành phố cô mang theo 10 triệu đồng và một sợi dây chuyền 2,4 chỉ vàng. Tiền đổ vào mỹ phẩm, bài bạc dần cạn, đến lúc sợi dây chuyền được mẹ tặng cho cô với hy vọng làm của hồi môn nếu theo chồng xuất ngoại giờ cũng được cho đi “tàu suốt”.
“Nếu nợ tiền môi giới không trả được thì sao?”, tôi hỏi. “Em cũng không biết nữa, đến đâu hay tới đó”, khuôn mặt cô hiện lên vẻ bất cần đời khác hẳn sự rụt rè của những cô gái miền quê. Tôi nhìn khuôn mặt Tr. lúc này, đôi mắt khác hẳn với buổi sáng ra mắt ông chồng tương lai người Hàn Quốc. Khi biết trinh sát đã ập vào, cuộc môi giới thất bại, Tr. cùng bạn bè cô ngồi nép vào góc nhà, úp mặt vào tay khi thoáng thấy những loạt đèn flast đang lóe sáng. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài phút các cô gái lại cười nói trở lại bình thường. Một cán bộ Đội 5, PC14 cho biết: trong số 22 cô gái được Lý Toàn Chân đưa đến, có cả những trường hợp đã 8 lần đi tập trung ra mắt người nước ngoài trong vòng 2 năm trở lại đây . Xử lý quá nhẹ tay, môi giới chui mọc rễ Số liệu của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh cho thấy từ năm 1995 đến đầu năm 2004 đã có 76.251 cô gái Việt Nam kết hôn với đàn ông Đài Loan. Con số này tăng chóng mặt ở những năm kế tiếp và tại TP.HCM, từ năm 2004-2009 đã có 1805 phụ nữ tham gia cho người nước ngoài xem mặt chọn vợ. Cũng từ đó mức độ rủi ro trong hôn nhân gia đình của những cô gái này tăng dần. Cái chết bi thảm của cô dâu H.M (20 tuổi, quê Kiên Giang) vào tháng 8/2007 là trường hợp điển hình về rủi ro cao khi môi giới hôn nhân trái phép. Cô gái này đã bị người chồng của mình giết hại trong tầng hầm căn nhà đang sinh sống tại thành phố Cheonan, Hàn Quốc, với 18 xương sườn bị gãy. Trung tá Phan Chí Hùng, đội trưởng Đội chống tệ nạn xã hội, PC14 Công an TP.HCM cho biết: “Từng có những vụ môi giới tinh vi đến độ các chủ môi giới cho xe ôm chở các cô gái đến điểm tập kết từ lúc nửa đêm. Khi ập vào bắt quả tang, số người tập kết đã lên đến 119 người”. Hiện nay, những đường dây môi giới hôn nhân trái phép tập trung chủ yếu ở khu vực cầu số 2, Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11, quận Tân Phú, quận 8, quận 6… Số lượng phụ nữ tập kết trong những căn nhà do các đối tượng môi giới sắp xếp tuy có giảm nhưng vẫn khoảng từ 5-7 người.
Việc bắt quả tang môi giới hôn nhân trái phép vốn đã rất khó khăn nhưng trở ngại lớn là công an không thể giải tỏa những điểm tập trung nuôi các cô gái cho người nước ngoài xem mặt được. Khi đến địa phương tạm trú tại TP.HCM, các cô gái này đã khai báo tạm trú đầy đủ. Dù biết mục đích những người này sẽ tập trung cho người nước ngoài xem mặt nhưng về mặt luật pháp, cơ quan chức năng không thể can thiệp. Khi tập kết cho người nước ngoài xem mặt, các cô cũng không bị xử phạt nên nhiều người vẫn tiếp tục tham gia vào những đường dây môi giới hôn nhân trái phép. Công an TP.HCM đã kết hợp với Hội phụ nữ các quận, huyện có xảy ra môi giới hôn nhân trái phép để giáo dục tư tưởng cho những cô gái trong đường dây bị xử phạt. Nhưng công tác này hầu như không hiệu quả. Ngay cả sự phối hợp nhằm giáo dục tư tưởng với những cô gái đã vi phạm lần 2 từ phía địa phương thường trú của các cô hiệu quả cũng không cao. Cơ quan chức năng đã kiến nghị lên Chính phủ hình thức xử phạt cao hơn với tình trạng môi giới hôn nhân trái phép, thậm chí vi phạm mức độ nặng có thể sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, nhưng hiện nay khung xử phạt vẫn không hề thay đổi. Trong khi đó chân rết của những đường dây môi giới hôn nhân trái phép vẫn không ngừng lớn mạnh tại nhiều vùng quê Nam Bộ.
|
Saturday, June 27, 2009
THƠ SONG NGỮ
Từ một nước xa xôi đầy gian khổ
Thêm chiến tranh tàn phá nát quê hương
Dân tộc tôi vì thời cuộc nhiễu nhương
Ôm mối hận ra đi tìm đất sống...
Trên thế giới có bao nhiêu thành phố
Dân Việt tôi chẳng thiếu mặt nơi nào
Từ những nơi tuyết phủ núi đồi cao
Thân tị nạn xin bằng lòng tất cả.
Hai bảy năm bềnh bồng nơi xứ lạ
Người gặp cơ may nên cửa nên nhà
Tạo công danh xứng mặt Việt Nam ta
Cũng có kẻ thân tàn theo vận nước!
Hai bảy năm bao nhiêu là ân phước
Của Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Úc, Canada
Giúp dân tôi trong cuộc sống vừa qua
Có đầy đủ cả tinh thần và vật chất...
Riêng về tôi... mười năm nơi đất khách
Thấy tự do, báo chí, thấy nhân quyền
Thấy văn minh tân tiến khắp mọi miền
Siêng làm việc, học hành là thành đạt.
Xin cám ơn bao tấm lòng nhân ái
Bằng lời thơ chân thật của tim tôi
Nguyện trong tâm dân Việt sẽ một đời
Tận tâm phục vụ nơi mình định cư...
NGỌC AN
THE HUMANE HEARTS
From a far-away hardship-ridden country,
A war-ravaged native land sunk in welter,
My people, trying to survive troubled times,
Swallowed resentment to flee and seek shelter.
How many cities there are on the globe,
My Vietnamese compatriots are in most present;
Even on the snow-covered high mountain areas,
We, as refugees, willingly accepted, pleasant.
Twenty seven years adrift in this new country,
Many have luckily succeeded getting homes to own,
Creating positions and fame worthy of being Viet,
Though some with their old state into perils thrown.
Twenty seven years, so much favor and felicity!
The US, Germany, France, Canada, Australia, so on
Have so far helped our folks in their lives with
Physical and intellectual comforts to build upon.
As for me... ten years in this foreign land
I have witnessed freedoms, press, human rights,
Civilization, modernization everywhere
As hard working, hard studying lead to heights.
Thank you for all of your humane hearts
With my genuine rhymes of inmost laudation.
We Vietnamese communities pledge devotion
To lifetime service to every resettlement nation...
Translation by THANH-THANH
NGUYỄN HỮU THỐNG * HỒ CHÍ MINH
Ls. Nguyễn Hữu Thống
Để xây dựng uy tín và thần thánh hóa Hồ Chí Minh, Đảng Cộng Sản đã sử dụng nhiều chiêu bài và ngụy tạo nhiều huyền thoại:
1) Huyền thoại gia đình cách mạng.
2) Huyền thoại lên đường cứu nước.
3) Tiếm danh Nguyễn Ái Quốc.
4) Giả danh Trần Dân Tiên.
5) Giả đoàn kết quốc gia.
6) Giả hiệp ước quốc tế.
7) Ngụy tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. HUYỀN THOẠI GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG.
Các nhà sử học Cộng Sản trình bày rằng Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình cách mạng. Thân phụ là phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay Nguyễn Sinh Huy là bạn đồng khoa với Phan Chu Trinh và thường giao kết với Phan Bội Châu là người đồng hương. Sau khi được bổ nhiệm tri huyện Bình Khê, Nguyễn Sinh Sắc đã tự ý từ quan để phản kháng chế độ thực dân phong kiến.
Sự thật không phải như vậy. Dầu là một sĩ phu đỗ đại khoa, Nguyễn Sinh Sắc đã không có một đời sống cá nhân đứng đắn. Ông thường say rượu và trong những lúc nóng giận đã có thái độ thô lỗ và đánh đập con cái. Năm 1910, cũng vì say sưa, Nguyễn Sinh Sắc đã quá tay đánh chết một nghi can là Tạ Đức Quang. Cũng vì vậy ông bị triều đình tuyên phạt 100 trượng, giáng 4 cấp, cách chức tri huyện và sa thải khỏi quan trường.
Sau này ông được miễn phạt trượng hình. Dầu sao ông đã làm nhục giới nho sĩ vì không biết tu thân trước khi trị quốc. Do sự sỉ nhục này đối với sĩ lâm và bà con lối xóm, ông đã dắt các con rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, đi tha phương cầu thực làm nghề bốc thuốc tại miền Nam.
Sự thật lịch sử này đã được chứng minh bằng một văn thư do Hồ Chí Minh dưới tên Paul Tất Thành viết từ Nữu Ước ngày 15-12-1912 gửi Khâm Sứ Trung Kỳ, xin cho cha được phục chức và được làm thừa biện, giáo thụ hay huấn đạo để có phương tiện mưu sinh.
Và truyền thống gia đình cách mạng của Hồ Chí Minh chỉ là một huyền thoại (Chính Đạo: Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại).
. 2. HUYỀN THOẠI LÊN ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Các nhà sử học CS còn trình bày rằng năm 21 tuổi Hồ Chí Minh rời Bến Nhà Rồng Saigon xuất dương lên đường cứu nước. Thời gian này, phong trào kháng thuế tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã bị dập tắt. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội đã bị thâu hồi giấy phép, và tại Nhật Bản, Phan Bội Châu, Cường Để cùng 200 sinh viên Việt Nam du học đã bị trục xuất. Theo gương Phan Chu Trinh, năm 1911 Hồ Chí Minh tìm đường qua Pháp để học hỏi tinh thần tự do dân chủ, hy vọng có ngày trở về giải phóng đồng bào khỏi ách đế quốc tư bản.
Đây cũng chỉ là một huyền thoại. Do đơn ngày 15-9-1911, Nguyễn Tất Thành xin Bộ Thuộc Địa Pháp đặc cách cho theo học Trường Thuộc Địa "để trở nên người hữu ích cho nước Pháp" (utile à la France). Trường Thuộc Địa là trung tâm đào tạo các cán bộ hành chánh và giáo dục của chế độ thuộc địa. Theo quy chế, các sinh viên phải được sự giới thiệu của nhà chức trách Đông Dương. Nhiều vị khoa bảng và trí thức nổi tiếng đã theo học trường này như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Thân Trọng Huề, Bùi Quang Chiêu, Bùi Bằng Đòan v.v... Vì không đúng thủ tục, đơn của Nguyễn Tất Thành đã bị bác bỏ.
Và huyền thoại Hồ Chí Minh từ Bến Nhà Rồng xuất dương lên đường cứu nước đã bị giải tỏa.
3. TIẾM DANH NGUYỄN ÁI QUỐC.
Từ 1911 đến 1914, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tại các tầu buôn của hãng Les Chargeurs Réunis chạy quanh các nước Âu Châu, Phi Châu và Mỹ Châu. Khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, Nguyễn Tất Thành sang Anh làm phụ bếp tại nhà hàng Carlton và trở về Paris năm 1917. Trong thời gian này LS Phan Văn Trường đã thành lập Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước để đấu tranh công khai đòi tự trị và độc lập cho Việt Nam.
Do lời mời của lãnh tụ Đảng Xã Hội Pháp Jean Jaurès (người đã can thiệp với Thủ Tướng Pháp để ân xá cho Phan Chu Trinh), cùng với cụ Phan, LS Phan Văn Trường đã nhiều lần đến điều trần tại Quốc Hội Pháp để trình bày quan điểm về chính sách bảo hộ của Pháp tại Việt Nam và đạo đạt nguyện vọng của người dân Việt Nam lên Quốc Hội.
Sau Thế Chiến Thứ Nhất, năm 1919 tại Paris, dưới bút hiệu chung Nguyễn Ái Quốc, bộ ba Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành, nhân danh Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước đã đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh và Chính Phủ Pháp Thỉnh Nguyện Thư của Dân Tộc Việt Nam trong tinh thần hợp tác và thương nghị, nguyên văn như sau:
"Từ sau cuộc chiến thắng của Đồng Minh, các dân tộc bị trị vô cùng xúc động trước những triển vọng tương lai, căn cứ vào những cam kết minh thị và trân trọng của các cường quốc Đồng Minh trước dư luận thế giới trong cuộc đấu tranh vừa qua để bảo vệ Văn Minh chống Dã Man.
Chiếu theo các cam kết này, một Kỷ Nguyên mới của Luật Pháp và Công Lý sẽ khai mở đem lại hy vọng chứa chan cho các dân tộc bị trị.
Trong khi chờ đợi Nguyên Tắc Chủ Quyền Quốc Gia được chấp thuận, trong lý tưởng cũng như trên thực tế, do sự thừa nhận và thực thi Quyền Dân Tộc Tự Quyết thiêng liêng, Dân Tộc Việt Nam trân trọng đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh cao quý, cũng như Chính Phủ Pháp khả kính, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:
1) Ban hành Đại Xá cho tất cả các chính trị phạm bản xứ.
2) Cải thiện chế độ tư pháp Đông Dương bằng cách ban hành những bảo đảm về quyền bình đẳng trước pháp luật giữa người bản xứ và người Âu Châu. Bãi bỏ toàn bộ và vĩnh viễn hệ thống tòa án đặc biệt được dùng làm công cụ khủng bố và đàn áp các thành phần lương thiện nhất của dân tộc Việt Nam.
3) Ban hành Tự Do Báo Chí và Tự Do Ngôn Luận
4) Ban hành Tự Do Lập Hội và Tự Do Hội Họp
. 5) Ban hành Tự Do Di Trú và Xuất Ngoại
6) Ban hành Tự Do Giáo Dục và thiết lập tại các tỉnh những trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ.
7) Thay thế chế độ cai trị bằng nghị định bằng chế độ pháp trị.
8) Thành lập Phái Bộ Thường Trực dân cử của người bản xứ bên cạnh Quốc Hội Pháp để đạo đạt tới Quốc Hội những nguyện vọng của người bản xứ.
Khi đệ trình những thỉnh nguyện nêu trên, Dân Tộc Việt Nam kỳ vọng vào nền Công Lý Thế Giới của các Cường Quốc và đặc biệt tin tưởng vào sự hào hiệp của Dân Tộc Pháp cao quý hiện đang nắm giữ vận mệnh của Dân Tộc Việt Nam bằng cách đứng ra bảo hộ Dân Tộc Việt Nam nhân danh Cộng Hòa Pháp. Dân Tộc Việt Nam không hổ thẹn được sự bảo trợ của Dân Tộc Pháp, trái lại còn cảm thấy vinh hạnh. Vì họ biết rằng Dân Tộc Pháp biểu tượng cho Tự Do và Công Lý, và sẽ không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của Nghĩa Bác Ái toàn cầu. Vì những lý do đó, trong khi lắng nghe tiếng nói của kẻ bị trị, Dân Tộc Pháp sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với nước Pháp cũng như đối với nhân loại.
Thay mặt Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước: Nguyễn Ái Quốc".
Luật Sư Phan Văn Trường, tiến sĩ luật, Chủ Tịch Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước là người soạn tài liệu này. Nguyễn Ái Quốc (Nguyen le Patriote) là bút hiệu chung của bộ ba Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành. Nguyễn là dòng họ đa số tại Việt Nam và Ái Quốc là phỏng theo tên Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước (Groupe des Patriotes Annamites). Với bút hiệu này, họ đã viết những bài bình luận trên các báo của Đảng Xã Hội như Nhân Loại (L'Humanité), Dân Chúng (Le Populaire) v..v...
Mặc dầu vậy, Hồ Chí Minh đã tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc. Dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, trong cuốn "Những Mẩu Chuyện về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch". Hồ Chí Minh viết: "Khi chiến tranh chấm dứt, tại Hội Nghị Hoà Bình Véc-Xây, Tổng Thống Mỹ Wilson nói về 14 điều. Các đại biểu các dân tộc bị áp bức đến để yêu cầu độc lập và tự do. Trong số đó, có Nguyễn Ái Quốc (tức là Anh Ba hay Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước tại Paris và ở các tỉnh khác. Với danh nghĩa của tổ chức này, ông đã đưa yêu cầu 8 điều ra trước Hội Nghị Véc-Xây".
Đây chỉ là một sự mạo nhận. Vì những lý do sau đây:
a) Thỉnh Nguyện Thư được soạn thảo nhân danh Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước, một tổ chức do Phan Văn Trường thành lập năm 1914 tại Paris, khi Nguyễn Tất Thành còn ở Luân Đôn. b) Thỉnh Nguyện Thư đề cập đến những nguyên tắc pháp lý mà trong thời gian đó (1919) chỉ các luật gia và chính trị gia mới thấu hiểu như quyền bình đẳng trước pháp luật, chế độ pháp trị, chế độ tòa án đặc biệt, quyền dân tộc tự quyết v.v...
c) Đề nghị thành lập Phái Bộ Thường Trực Dân Cử Việt Nam tại Quốc Hội Pháp là do sáng kiến của Phan Văn Trường. Từ năm 1911, cùng với Phan Chu Trinh, theo lời mời của Jean Jaurès, ông đã nhiều lần đến điều trần tại Quốc Hội Pháp để đạo đạt những nguyện vọng của nhân dân Việt Nam lên Quốc Hội.
d) Nguyễn Tất Thành chỉ là một học sinh vừa qua bậc tiểu học và không có kiến thức chính trị. "Ông rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công hội, thế nào là bãi công, và thế nào là chính đảng... Ông không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay... Ông lắng nghe những buổi thảo luận, nhưng không hiểu rõ về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, giai cấp vô sản v.v... ông nhức đầu vì khó hiểu". Vả lại vốn liếng tiếng Pháp của ông chỉ gồm những chữ thông dụng trong đời sống hằng ngày học từ những cô sen trong giới bình dân (Trần Dân Tiên, sđd).
e) Trần Dân Tiên còn nêu lên yêu cầu bãi bỏ chế độ sưu dịch, thuế đinh, thuế muối và việc bắt ép dân mua muối và thuốc phiện. Các điều khoản này không thấy trong bản Thỉnh Nguyện Thư tiếng Pháp đăng trên báo L'Humanité ngày 18-6-1919. (Chính Đạo: Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại). Nói tóm lại, trái với lời Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh không phải là tác giả Thỉnh Nguyện Thư của Dân Tộc Việt Nam. Và năm 1919 Hồ Chí Minh cũng chưa phải là Nguyễn Ái Quốc. Đây chỉ là một sự mạo nhận tư cách của Nguyễn Tất Thành, một người ít học nhưng nhiều tham vọng. Năm 1917, khi từ Luân Đôn trở về Paris, Nguyễn Tất Thành tá túc tại nhà Luật sư Phan Văn Trường số 6 Villa des Gobelins. Năm 1914, Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt giam về tội phản nghịch (tình nghi liên lạc với Cường Để tại Berlin). Sau 9 tháng điều tra, hai nhà chí sĩ họ Phan đã được miễn tố (Phan Chu Trinh chủ trương hợp tác với Pháp đánh Đức, cũng như Gandhi hô hào thanh niên Ấn Độ tình nguyện gia nhập quân đội Hoàng Gia Anh). Mặc dầu vậy, hai vị vẫn bị cảnh sát điều tra theo rõi. Mỗi khi có trát đòi Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành đứng ra nhận trát, tự xưng là Nguyễn Ái Quốc. Ông nói: "Nguyễn Ái Quốc chính là tôi, các ông cứ đưa trát cho tôi, đừng làm phiền chú/bác tôi (ý nói Phan Văn Trường hay Phan Chu Trinh)". Năm 1921, Nguyễn Tất Thành bỏ Đảng Xã Hội để gia nhập Đảng CS dưới tên Nguyễn Ái Quốc.
4. GIẢ DANH TRẦN DÂN TIÊN
Các nhà sử học cho rằng Hồ Chí Minh là người thông minh, nhưng là sự thông minh ngoài phố. Sự khôn ngoan giảo quyệt này đã được biểu lộ rõ nét nhất trong cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" của Trần Dân Tiên xuất bản và tái bản nhiều lần từ 1948 đến 1976. Ngày nay ai cũng biết Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh. Trong lịch sử văn học thế giới, không thấy một nhà văn tự trọng nào lại giả danh bằng một bút hiệu để tự đề cao mình. Dùng bút hiệu thật để nói về mình cũng là vạn bất đắc dĩ, vì cái tôi thường đáng ghét. Dùng bút hiệu giả để thần thánh hóa mình thì quả là đáng khinh! Chúng ta thử đánh giá sự "khiêm tốn" của tác giả: "Nhiều nhà văn nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng mãi đến nay chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất đơn giản: Chủ Tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình (...). Hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn, rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau 80 năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã (...). Với đức tính khiêm tốn nhường ấy, và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc làm sao Hồ Chủ Tịch có thể kể lại bình sinh của Người được".
Thế nhưng Hồ Chủ Tịch đã đại ngôn: "Khi còn là một thiếu niên 15 tuổi, người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh khâm phục các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của 3 người, vì: - Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương.
- Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, chẳng khác gì đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau.
- Cụ Hoàng Hoa Thám còn nặng cốt cách phong kiến".
Năm 1905, khi Hồ Chí Minh 15 tuổi, cụ Phan Chu Trinh chưa viết Đầu Pháp Chính Phủ Thư (l906), chưa phát động phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục (l907). Vậy mà Hồ Chí Minh đã phê phán chính sách canh tân và giáo dục của cụ là cải lương (mà cải lương thì đã sao?). Chưa thấy cụ Phan Bội Châu rước cọp vào nhà, chỉ thấy Hồ Chí Minh cõng rắn CS về cắn gà nhà, gây tai hại vô lường cho đất nước và dân tộc. Năm 1945, khi mới 55 tuổi, Hồ Chí Minh tự phong mình là "cha già của dân tộc". Ông còn tự thần thánh hóa mình, kể rằng "chân dung Hồ Chủ Tịch được treo trên bàn thờ giữa những bình hương hoa đèn nến".
"Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người. Chủ Tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân (...). Đối với nhi đồng, tên Bác Hồ là như một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn". Vậy mà người cha già (67 tuổi) đã nhẫn tâm để đàn em hạ sát người vợ trẻ đã sinh cho mình đứa con trai là Nguyễn Tất Trung. Năm l957, khi cô Nguyễn Thị Xuân yêu cầu công khai hoá cuộc hôn phối đã kéo dài trên 2 năm, Hồ Chí Minh vẫn ngọt ngào giả lả: "Cô xin như vậy là hợp tình hợp lý, nhưng phải được Bộ Chính Trị đồng ý, nhất là mấy ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt đồng ý mới được".
Do đó, cô đành phải chờ một thời gian. Trong thời gian này, cô đã biến thành chướng ngại vật làm mất uy tín của lãnh tụ. Theo đúng phương châm hành động, tất cả những chướng ngại vật làm cản trở con đường của lãnh tụ sẽ bị thanh toán và vô hiệu hóa. Thanh toán trước hết bằng cách hạ nhục đối phương, cho viên tướng công an Trần Quốc Hoàn mặc sức hãm hiếp. Rồi cho thủ hạ chùm chăn lên đầu và dùng búa đánh vỡ sọ nạn nhân (như vụ Staline hạ sát Trotsky tại Mexico). Một người có những thủ đoạn bất nhân như vậy, mà bộ máy tuyên truyền của CS còn đề cao như một vị anh minh kết tinh "đức tính từ bi của Đức Phật, tính công bằng bác ái của Chúa Ki-Tô, sự minh triết của Khổng Tử, sự siêu thoát của Lão Trang".
Ngoài ra, Trần Dân Tiên còn tự sánh mình với Mặc Tử là người đã mòn trán lỏng gót bôn ba khắp nơi để lo cho thiên hạ. Điều đáng nói là, trong khi Mặc Tử chủ trương hòa bình, thì Hồ Chí Minh cổ võ chiến tranh. Trong khi Mặc Tử theo thuyết kiêm ái, yêu dân tộc, yêu nhân loại, thì Hồ Chí Minh gieo rắc căm hờn, thúc dục thú tính để phát động đấu tranh giai cấp và thủ tiêu những lương dân vô tội và những người quốc gia yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc.
5. GIẢ ĐOÀN KẾT QUỐC GIA.
Khi hay biết phe Thế Giới Dân Chủ không chịu trao Đông Dương cho Đảng Cộng Sản Đông Dương vì họ không muốn Staline mở rộng Bức Màn Sắt từ Đông Âu qua Đông Á, ngày 11-11-1945 Hồ Chí Minh giả bộ giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương để thành lập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Các-Mác. Để có chính nghĩa đoàn kết quốc gia, Hồ Chí Minh mời Nguyễn Hải Thần thuộc Cách Mạng Đồng Minh Hội và Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng tham gia chính phủ liên hiệp. Trong Tuyên Cáo Đoàn Kết ngày 24-12-1945, Hồ Chí Minh cam kết tôn trọng sự đoàn kết của các đảng phái quốc gia để tranh thủ độc lập, "Vì độc lập quốc gia là cứu cánh tối hậu cần phải tranh thủ và chỉ có sự hợp tác và hữu nghị chân thành giữa những người Việt Nam mới có thể đạt được độc lập quốc gia". Ông còn lên án mọi hành vi phá hoại tình đoàn kết quốc gia cũng như việc dùng võ lực để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Vậy mà sau đó Trần Dân Tiên đã vu oan giá họa "bọn phản động Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam được Trung Hoa Quốc Dân Đảng giúp đỡ đã có âm mưu phá hoại và Hồ Chủ Tịch đã phải nhường cho họ 70 ghế quốc hội".
Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny công nhận Việt Nam là một quốc gia tự trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. 15 ngàn quân Pháp được thay thế quân Trung Hoa, đổ bộ Hải Phòng và đồn trú tại Bắc Việt trong 5 năm. Tháng 5-1946, Hồ Chí Minh qua Paris thương nghị. Phái đoàn Việt Nam đáng lẽ do ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam lãnh đạo, nhưng trước đó: "Bộ Trưởng Tam đã bỏ trốn". Và mùa hè năm đó, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh cũng bỏ trốn sang Tàu để khỏi bị sát hại như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm v.v... Sau khi tống xuất quân đội Trung Hoa, CS thẳng tay đàn áp và thủ tiêu các cán binh Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội.
Như vậy, Tuyên Cáo Đoàn Kết 1945 chỉ nhằm thành lập chính phủ liên hiệp để làm bình phong thương nghị với Pháp. Rồi nhờ Pháp tống xuất Tàu cho Đảng CS rảnh tay tiêu diệt các đảng phái quốc gia để được độc quyền lãnh đạo. Trong Thế Chiến Thứ Hai, để được Đồng Minh yểm trợ, Staline đưa ra chính sách thân thiện với Anh Pháp. Đảng CS Pháp phối hợp với Đảng Xã Hội trong Mặt Trận Bình Dân. Phe CS Việt Nam cũng hợp tác với phe Tân Tả Phái của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch để thành lập Mặt Trận Dân Chủ và xuất bản tờ La Lutte (Tranh Đấu). Trong những cuộc bầu cử Hội Đồng Đô Thành Saigon và Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, liên danh Tranh Đấu của Tạ Thu Thâu toàn thắng. Đây là giai đoạn đấu tranh công khai, ôn hòa, hợp pháp và bất bạo động. Chiêu bài đoàn kết quốc gia một lần nữa được áp dụng. Nguyễn An Ninh thuộc phe Trung Hoà, Tạ Thu Thâu thuộc phe Tân Tả Phái và Nguyễn Phan Long thuộc phe Lập Hiến, đã đứng ra tổ chức Đông Dương Đại Hội để đạo đạt thỉnh nguyện của nhân dân Việt Nam tới phái đoàn Quốc Hội từ Paris sang.
Vậy mà ngay sau khi cướp được chính quyền, Đảng CS đã phản bội lời giao ước đoàn kết và đã thủ tiêu Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà, Dương Văn Giáo v.v... là những người quốc gia yêu nước thuộc các nhóm Tân Tả Phái và Lập Hiến. Về việc hạ sát Tạ Thu Thâu, Hồ Chí Minh còn giả nhân nghĩa tiếc Tạ Thu Thâu là người yêu nước. Nhưng ông lại thêm rằng những ai chống lại chính sách của ông đều sẽ bị vô hiệu hoá. Sau khi Staline thủ tiêu người chiến hữu đàn anh của mình là Trotsky năm 1940, tất cả phe tân tả phái Trotskit đều phải bị thanh toán và triệt hạ uy tín. Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn cho hạ sát Đức Giáo Chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ và các lãnh tụ các đảng phái quốc gia yêu nước như Trương Tử Anh (Đại Việt), Lý Đông A (Duy Dân), Khái Hưng, Nhượng Tống (Quốc Dân Đảng) v...v...
6. GIẢ HIỆP ƯỚC QUỐC TẾ.
Theo sách lược CS ký hiệp ước không phải để thi hành hiệp ước. Vì các hiệp ước ngoại giao chỉ là những phương tiện để thực thi những mục tiêu chính trị:
a. Ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny ngày 6-3-1946 nhờ Pháp tống xuất Tàu để rảnh tay thanh toán các đảng phái quốc gia nhằm giữ độc quyền yêu nước, độc quyền lãnh đạo. Sau đó lại phát động chiến tranh ngày 19-12-1946. b. Ký Hiệp Định Đình Chiến Genève 1954 để tống xuất Pháp và cướp chính quyền tại Miền Bắc. Sau đó lại tái phát động chiến tranh.
c. Ký Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 để tống xuất Mỹ. Sau đó lại tái phát động chiến tranh để thôn tính Miền Nam.
7. NGỤY TẠO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.
Sau cuộc Cách Mạng giải thể CS tại Đông Âu, chủ nghĩa CS đã bị nhân dân thế giới vứt vào thùng rác lịch sử. Tại Đức, quê hương của Các-Mác, chủ nghĩa Mác đã bị phủ định và được thay thế bằng chủ nghĩa Dân Chủ Tự Do và Dân Chủ Xã Hội. Tại Nga, quê hương của Lênin, chủ nghĩa Lênin cũng đã bị phủ định để thay thế bằng chủ nghĩa Dân Chủ Tự Do và Dân Chủ Xã Hội. Trước sự phá sản của chủ nghĩa Mác Lê, Đảng CS ngụy tạo cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh", một điều mà chính Hồ Chí Minh thời sinh tiền cũng không bao giờ đề cập đến.
Ông chỉ nói đến chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông, và tác phong Hồ Chí Minh. Ông nhìn nhận rằng, về phần tư tưởng, "Bác Mao đã viết cả rồi, tôi không còn gì để viết nữa". Do đó ông chỉ thực thi trung thành những nguyên lý Mác Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông. Ông hết sức tán tụng Staline và Mao Trạch Đông. Ông viết: "Mao Trạch Đông đã đông phương hóa chủ nghĩa Mác Lê và đã đưa cách mạng Trung Quốc đến thành công. Cách mạng Việt Nam phải học tập và thực sự đã học hỏi rất nhiều từ cuộc cách mạng Trung Quốc. Các nhà cách mạng (CS) Việt Nam phải ghi nhớ điều này và phải biết ơn Mao Trạch Đông về sự đóng góp to lớn này". Thật vậy, Hồ Chí Minh không có tư tưởng gì đặc sắc
. Ông chỉ là người sao chép lại. Những mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc ghi trong các tiêu đề chánh thức của nhà nước chỉ là phỏng theo 3 cương lĩnh của chủ nghĩa Tam Dân do Tôn Dật Tiên đề xướng trong Cách Mạng 1911: "Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do và Dân Sinh Hạnh Phúc". Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945 cũng là sự sao chép Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ theo đó: "mọi người sinh ra bình đẳng và được Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Thêm vào đó là lời mở đầu Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp 1789: "mọi người sinh ra tự do và bình đẳng và luôn luôn được tự do và bình đẳng".
Dùng giả nhân nghĩa là ngụy quân tử. Nhưng khéo ngụy trang Hồ Chí Minh đã viện dẫn các tư tưởng minh triết của Nho Gia trong việc giáo hóa, trị dân và dựng nước như: "Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân; không lo nghèo mà lo không đều; mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" v.v.... Về mặt kiến thức, Hồ Chí Minh thú nhận ông không am tường chính trị và nhức đầu khi nghe nói về những vấn đề lý thuyết chủ nghĩa. Ông chỉ là người cán bộ thừa hành trung thành và tận tụy của Staline và Mao Trạch Đông. Nhờ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền, ông nổi danh vì bút hiệu chung Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, ông được giới thiệu với các lãnh tụ Xã Hội và CS Pháp như Léon Blum, Marcel Cachin v..v...
Từ một tiểu trí thức, ông đã bước lên địa vị một cán bộ CS quốc tế, phụ trách vùng Đông Nam Á. Trong khi các lãnh tụ CS Á Châu khác như Roy tại Ấn Độ hay Malaka tại Nam Dương đều bị thất sủng dưới bàn tay sắt của Staline vì họ có những tư tưởng hướng về chủ nghĩa Dân Tộc và chủ thuyết Hồi Giáo, thì Hồ Chí Minh vẫn một lòng một dạ chung thủy với Quốc Tế CS.
Dầu không có tư tưởng chính trị đặc sắc nhưng Hồ Chí Minh đã thành công trong việc: Dùng ngụy trang dối trá (ngụy chủ nghĩa Dân Tộc);
Lấy giả nhân giả nghĩa (bằng các chiêu bài độc lập, tự do, hạnh phúc, đoàn kết, hòa giải, hòa hợp);
Để giành chính nghĩa (giải phóng dân tộc, giải phóng lao động);
Và cướp chính quyền (để không chia quyền với bất cứ ai).
L.S. Nguyễn Hữu Thống
http://nguyenhuuthong.blogspot.com
NGUYỄN HỮU PHƯỚC * NGÔN NGỮ
Nguyễn hữu Phước, Ph..D.
Dẫn nhập.
Vào đầu thập niên 1990, Tiến Sĩ Lê Văn, lúc đó là Cố Vấn cho Bộ Giáo Dục California, có tổ chức một hội thảo về "Những chuyện vui trên đường hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ (HK)." Diễn giả gồm nhiều giáo chức Việt
Điều đặc biệt là GS Hòa có vẽ cũng thích những câu nói lái. Ông lấy bút, giấy ra, bảo tôi "bớt ga xăng" để ông ghi chép. Tôi nói với ông là còn nhiều câu khác mà tôi có nghe đến, có vẽ kém lịch sự hơn vì trắng trợn hơn. Ông nói không sao, chúng ta đang học hỏi, chia xẻ những chuyện vui, ghi lại những gì mình biết là điều tốt trong việc lượm lặc những mẫu chuyện do dân chúng truyền khẩu. Tôi nổi hứng hứa liều: GS khỏi ghi chép, tôi sẽ viết thành một bài gởi đến GS để đăng báo nào cũng được. Ông nói gởi đến cho Ông hay gởi cho báo nào cũng chẳng sao, miễn là nhớ ghi lại và phổ biến để góp phần cho vui.
Rồi thời gian trôi qua, cuộc sống quá bận rộn, và rồi tháng nầy chầy tháng khác, năm nọ kéo năm kia, và nghề nghiệp lại không dính dáng vì tới khung cảnh nghiên cứu, tôi đành tự nhủ là khi nào rảnh rổi sẽ viết.
Rồi tôi lại nghe nói GS về
Món nợ tinh thần nầy làm sao trả được. Cách đây vài năm, tôi về hưu, rời vùng
Không biết văn nói lái hoặc việc dùng tiếng lái trong văn nói và văn viết có từ bao giờ. Riêng tôi, tôi đã nghe, bắt chước và dùng nói lái từ lúc còn học tiểu học vào thập niên 1940. Sau nầy đọc sách mới biết rằng lối nói lái đã được dùng từ lâu hơn tôi tưởng. Người ta nói lái để chơi chữ, để bông đùa giữa bạn bè với nhau, để châm biếm vô hại một
sự việc gì đó cho vui, hoặc châm biếm một người khác mà không dám nói trực tiếp. Ngay cả trong việc đặc tên hiệu hoạêc thương hiệu cũng có dùng tiếng lái như trường hợp của nhà thơ Thế Lử với tên thật là Nguyễn Thứ Lể. Thế Lử là tiếng lái của Thứ Lể.
Tôi xin thưa trước những chuyện cười thì phải có người nói và người nghe. Người nói phải có tài nói chuyện vui. Phải lựa chuyện cho đúng với thành phần thính hay khán giả thì câu chuyện mới được thưởng thức.
Còn nến viết chuyện cười để cho thiên hạ đọc thì chưa chắc tất cả người đọc đều cười và đôi khi còn nghe chê là chuyện cười nầy hay chuyện cười kia "dở ẹt". Nhưng cũng câu chuyện dở ẹt đó màụ do một người có tài kể, và kể đúng lúc, đúng trường hợp thì lại là chuyện hay. Cũng y vậy, đã gọi là "nói lái" thì phải nói đúng chuyện, đúng lúc, đúng nơi, đúng với thành phần thính giả thì may ra mới được thưởng thức. Do đó, vì đây là bài sưu khảo nên tôi phải viết tất cả những chuyện gì mà tôi có thể ghi lại theo trí nhớ, hoặc ghi ra từ những tài liệu khác. Đọc bài nói lái chắc chắn là dể nhàm chán hơn là nghe nói lái. Xin quý vị chịu khó đọc hết để thấy nhiều dạng khác nhau của việc nói lái.
Nói lái trong một số sách vở.
Từ đoạn nầy trở về sau, "chữ" (còn gọi là "từ" hay hay nhóm chữ (cụm từ) , hoặc câu thơ nào có thể viết tiếng lái ra, tôi sẽ viết. Nếu cảm thấy bất tiện vì tiếng lái có vẽ quá "tả chân" hay gọi là không được thanh tao, tôi xin miễn viết ra để gọi là tôn trọng cả những người cho rằng không nên viết những từ có vẽ quá ..trớn. Tôi chỉ tô đậm, hoặc gạch dưới những từ có thể hiểu theo nghĩa lái, hoặc không gạch dưới gì cả.
Nói lái tiếng Pháp: Ông Lãng nhân, trong quyển Chơi Chữ (5) có nhắc chuyện nói lái bằng tiếng Pháp. Chuyện rằng có một cặp vợ Việt, chồng Pháp vào hàng tranh sơn mài. Vì chủ nhân nói thách quá nên vợ rỉ tai chồng: "très chaud, très chaud (nghĩa đen: nóng quá, nóng quá). Chồng lật đật chọn tranh, trả tiền nhanh để ra ngoài cho bà vợ được mát hơn. Vợ trách chồng khi ra khỏi cửa " Đã bảo đắt quá mà còn mua". Chồng nói là có thấy vợ kêu đắt đâu. Vợ bảo có nói rồi "très chaud" là "trop cher" (mắc quá). Bà ấy đã nói lái theo kiểu VN, chắc chắn là "bố" của anh chồng cũng không hiểu được.
Nói lái cho vui về nguồn gốc của một người: Ông Nguyễn Ngọc Huy, trong quyển Tên Họ Người Việt
nguyên âm hay phụ âm, hoặc hoặc thay đổi "dấu" gì cả.
Nói lái vì tục cử tên: Cũng trong quyễn sách trên, GS Huy còn nhắc đến một câu chuyện "nói lái" khác do tục cử tên mà có. Ngày xưa, thời chữ nho còn thịnh, dân Việt có tục cử tên hay còn gọi là kỵ úy. Thí sinh của các kỳ thi trước năm 1920 là những nạn nhân đầu tiên. Nếu bài làm không tránh những tên cấm kỵ thì chẳng những bị đánh rớt mà còn có thể bị các biện pháp chế tài khác. Nạn nhơn thứ hai là những người cầm bút. Và nạn nhân thứ ba là các gánh hát. Tục cử tên ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng. Theo GS Huy thì dân chúng đã phản ứng lại bằng cách dùng tiếng lái.
Số là vào những thập niên 1940-50 có những đoàn hát bội lưu động đi hát ở các miền thuộc "Lục Tỉnh" .. Trước khi đến một vùng nào thì bầu gánh phải lấy danh sách của các chức sắc nơi đó để khi hát, những diễn viên phải tránh tên trong danh sách đó hay đọc trại đi . Thí dụ tên của ông cai tổng là Nguyên thi khi hát, tất cả những chữ "nguyên" đều
được đổi ra "ngươn" vì tên Nguyên phải cử để tỏ sự kính trọng.
Có một gánh hát đến một làng nọ để hát trong dịp lể "kỳ yên." Các vị hương chức trong xã họp bàn về việc cử tên. Hội đồng xã đồng ý là để cho tuồng hát được hay, miễn cho đoàn hát khỏi cử tên các chức sắc, trừ tên hai anh em của hai vị hào mục tên Hòa và tên Hóa. Hai ông nầy rất hách dịch, nhứt định là đoàn hát phải cử tên của hai ông. Nhũng
người trong gánh đồng ý. Nhưng để chơi xỏ hai ông này, họ thêm một màn diễu. Trong màn nầy có hai người đối đáp, một người đóng vai lính. Người kia hỏi là trong quân ngũ, lính được ăn món gì thường xuyên. Anh lính đáp: "Hoặc ăn cà, hoặc ăn cá." "Những người lanh trí hiểu đó là câu nói lái để móc họng ông Hòa và ông Hóa đều ôm bụng cười trong khi hai ông này giận muốn hộc máu mà không làm gì được gánh hát." (8 )
(Xin thưa thêm cho rõ nghĩa: hoặc ăn cà = Hòa ăn c.t; hoặc ăn cá = Hóa ăn c.t )
Tiếng lái có nghĩa riêng: Trong một video mà ông Nam Lộc và cô Nguyễn cao Kỳ Duyên là MCs (rất tiếc không nhớ video tên gì), ông Nam Lộc phỏng vấn ca sĩ Chế Linh. Ông có hỏi ca sĩ rằng hồi ở Saigòn, những người ngưởng mộ có gọi đùa ca sĩ Chế Linh là ca sĩ "Lính Chê", ca sĩ Chế Linh có giận không? Ca sĩ Chế Linh trả lời là ông được miễn dịch
(lính chê) vì là thuộc sắc tộc thiểu số Chàm, và không phiền hà gì với tên riêng đó. Tôi chắc là ông Nam Lộc cũng thừa biết là từ "lính chê" là tiếng lái của Chế Linh. Tiếng lái nầy lại trùng hợp với tình trạng quân dịch của ca sĩ Chế Linh.
Nói lái đơn giản về người, thú vật và những chuyện hằng ngày: Trong video Vân Sơn số 3, trong hài kịch Ông Ninh Ông Nang (12) (không thấy để tên tác giả) có một phần đối đáp sau đây giữa cách hài kịch viên toàn là câu lái, rất đơn giản và rất dể hiểu về thú vật (cá, chim, chó, mèo), về người (bà già, ông già, trẻ em, cô dâu, chú rể ) và các điều khác.
"Con cá đối nằm trên cối đá;
Mèo đuôi cụt nằm mụt đuôi kèo
Chim mỏ kiến nằm trên miếng cỏ;
Chim vàng long đá tại vòng lang
Chim sáo sọc chê anh sóc sạo;
Con chó què chân bị cái quần che
Cô bé mập ú là nhờ mụ ấp;
Thằng nhỏ ốm tong vác cái ống tôm
Chiều chiều cụ Mão lên rừng cạo mũ;
Sáng sớm bà Hạt đi bán bạt hà
Cô nàng dâu hứa đi mua dưa hấu;
Chàng rể bảnh trai ngồi tại bải tranh
Người mặc áo xanh chính là anh sáu;
Miếng thịt băm nát trong bụng bác năm
Anh chàng sức môi ngồi ăn xôi mức ;
Cô gái mồm to lặn lội mò tôm
Nhờ cái búa đỏ chẻ thành bó đủa;
Cái nồi cơm thiêu lại dám kêu thơm
Tấm hình lộng kiến ai đem liệng cống;
Cô gái muốn chồng ngó cái mống chuồng."
Đến đây đã hết những câu lái trong Video Vân Sơn, nhưng câu chót làm tôi liên tưởng đến câu lái khác cùng ý nghĩa:"Mống chuồng mọc giữa đồng chòi . Cái móng mọc ở giữ đồng bình thường như chuyện "muốn chồng" thì "đòi chồng" phải không quý vị?
Các nhà văn (hiện đã già, hoặc đã ra đi rồi) nói lái:
Trong quyển "Hơn Nửa Đời Hư" (13) ông Vuơng Hồng Sển dùng tiếng lái nhiều lần . Thí dụ "bất quá là bá quốc" (trang 465); "ủ tờ" (tiếng lái của từ ở tù, trang 477); và "mống chuồng" (tiếng lái của "muốn chồng" trang 519) v.v... Ngoài ra, ở một đoạn khác, để nhắc lại kỹ niệm chuyến Đông du thăm Đài loan và Nhật của ông và vài người bạn Pháp, cũng trong sách nầy, ông có ghi lại chuyện ở khách sạn Nhật. Ông và người bạn Pháp không quen mặc áo kimono đã để sẳn trong tủ cho khách trọ. Ông có dùng hai tiến g lái, với vẽ đùa cợt mà tôi xin miễn "thông dịch", như đã hứa; trừ gạch lằn gạch dưới hai tiếng lái là do tôi thêm, nguyên văn câu ông viết như sau:
"Đến cái áo kimono màu sặc sỡ, mỗi phòng trọ đều có treo sẳn cho khách mượn, Meken và tôi chưa quen, vừa xỏ tay vào, tấm thân bồ tượng áo che không khuất, trống trước trống sau, đứa "lù coi" đứa "lắc cọ", áo nhột nhột, cảnh thật buồn cười" (trang 590).
Công Tử Hà Đông (CTHĐ), báo Người Việt (1), dùng tựa đề "Saigòn Tạp Pín Lù" (tên một cuốn sách của ông Vương Hồng Sển), để phê bình nội dung của cuốn "Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam" của ông Sển. Bài báo nầy đã kể ra nhiều tiếng lái. Có tiếng từ sách của ông Sển, đã được tác giả bài báo trích dẫn như "xe u mê":
"Xe u mê: tiếng lóng để gọi xe thổ mộ, vì sàn xe bằng gỗ cứng, khách ngồi bệt trên sàn, ê ẩm bàn trôn, nhứt là khách phụ nữ đều phải ê mu, nói lái cho bớt tục."
Có nhiều tiếng lái khác, và những tiếng đặc biệt được dùng thời tác giả CTHĐ sống ở Sàigòn.. Ông đặt câu hỏi cho chính ông là: "Tại sao tôi lại không ghi lại với lời giải thích những tiếng, những hành ngữ sinh động, rung rinh âm thanh, lung linh màu sắc trong tiếng nói của dân tộc tôi, trong thời đại tôi? "
Ý kiến của ông rất hay vì những từ mà ông kể ra rất độc đáo, vì có tính cách rất là Sàigòn. Trong số những tiếng đặc biệt đó, có một số là tiếng lái như: liệng cống, dấm sủ, chai hia, chà đồ nhôm. Xin được trích dẫn sau đây cụm từ lái chà đồ nhôm , một thành ngữ lái có tính cách lịch sử, tả cảnh nghèo đói của dân Sàigòn, sau khi được phỏng dái
(giải phóng), phải đem bán bất cứ vật gì có thể chôm (lấy) được trong nhà.
"Chà đồ nhôm: chôm đồ nhà, tiếng Sàigòn những năm sau 1975, ... Thời ấy Sàigòn có câu phong dao:
Đi đâu bỏ con ở nhà?
Hỏi em em nói: Đi chà đồ nhôm
Đi đâu tay xách, nách ôm?
Hỏi em em nói đi chôm đồ nhà." (1)
Giai thoại về nói lái của Trạng Quỳnh: Trong một số sách khác, tôi nhớ là có đọc một số chuyện vui liên quan đến "Trạng Quỳnh". Ông hay nghịch ngợm, chọc phá nhiều vị chức sắc trong triều, kể cả con vua và vua nữa. Đại ý chuyện truyền rằng một hôm nghe công chúa đi dạo ngoài thành. Trạng Quỳnh đứng đón công chúa ở gần bên một cây cầu. Khi công chúa đi ngang qua cầu thấy ông trạng nhà ta lấy chân đá nước văng tung tóe. Công chúa hỏi ông đang làm gì đó? Ông trả lời là ông đá bèo cho vui.
Nhà thơ Hồ Xuân Hương nói lái: Tôi cũng nhớ có đọc nhiều lần trong các sách (nào đó), thơ của Hồ Xuân Hương (HXH). Nữ sĩ họ Hồ nầy là vua về thơ lái. Thơ lái của bà được ghi lại trong nhiều sách vở về văn chương Việt
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền tình cũng muốn về tây trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Ngoài ra tôi còn nhớ vài câu sau đây của HXH: (nhưng không nhớ tựa bài thơ)
Đang cơn nắng cực chửa mưa hè
Rủ chị em ra tát nước khe…
Hoặc: Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.
Các nhà thơ khác nói lái: Theo sách vừa dẫn (9) thi sĩ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy ở Huế có bài thơ như sau:
Nực cổi chi ra nổi cực lòng,
Dòng châu lai láng dĩa dầu chong
Khó đi tìm hiểu nhau khi đó,
Công khó nhờ ai biết có không
Ông Huy Phương (3) trong bài "Nói Lái Mà Chơi" cũng có ghi một bài thơ nói lái nổi tiếng khác của thi sĩ Nguyễn Khoa Vy:
Cầu đạo nên chi phải cạo đầu
Dầu lai dưa muối cũng dài lâu
Na bường bát tới nương bà vãi
Dầu sãi không tu cũng giải sầu
(Ông Huy Phương chú thích: Na bường bát tới = mang bình bát tới, nói giọng Huế)
Ngoài ra trong bài "Nói Lái Mà Chơi" còn có một bài thơ rất hay tựa đề "Trông Trời" mà Ông Huy Phương nói không biết tác giả là ai.
"Cô kia sao cứ trông trời:
Để tôi xin nguyện làm trời cô trông
Trông trời sướng lắm phải không
Trời mà trông lại còn mong nỗi gì!
Đọc xong bài trên, các bạn có tìm thấy ý nghĩa của tiếng lái không? Nếu không xin các bạn đọc câu chú thích của ông Huy Phương. Ông có ghi rõ là bài thơ nầy muốn nói lái phải đọc theo giọng Bắc hai chữ "trông trời" = "chông chời".
Nói lái bằng câu đối: Trong sách Miền Đất Hứa (10) anh Trà Lũ (tôi gọi anh vì Trà Lũ là bạn dạy học cùng trường với tôi trước 1975) có ghi câu đối sau đây, câu đối vừa chơi chữ cách đối vừa chơi chữ bằng cách dùng tiếng lái:
"Gái Củ Chi, chỉ cu, hỏi củ chi".
Khi nghe câu đối trên, anh Trà Lũ đã kêu cứu "xin các cụ giúp tôi với"? Quý bạn thừa hiểu là từ Củ Chi đầu là một địa danh gần Saigòn; củ chi thứ hai ở cuối là câu hỏi (củ nầy là củ chi vậy?) Còn từ chỉ cu vừa là một động từ, vừa là tiếng lái của cả hai từ cùng âm "củ chi". Cũng trong sách đó, ở một đoạn sau, Trà Lũ có nói rằng một số đọc giả viết thư "gà" cho anh 2 câu như sau gọi là đối lại với câu trên:
"Trai Thủ Đức thức đủ xin thủ đức" và
"Trai Bắc cực, bú c., than Bắc cực" .
Anh Trà Lũ cho là câu đối sau nghe "khiếp quá, nhưng phải viết ra trình cho các cụ chấm cho". Hai câu nầy đại khái, không được chỉnh lắm về phương diện đối. Hơn nữa chắc bạn tôi vì tính tình xề xòa nên không để ý rằng tiếng lái của "Bắc cực" là "bức c." chớ không như ông đọc giả nào đó đã viết. Và nếu dùng từ "bức" thì chắc không có gì "khiếp quá" mà chỉ hơi hơi táo bạo tí thôi. Chỉ ghi nhận cho vui chớ nào dám chỉ trích bạn mình, vì tôi cũng bí như bạn. Mười năm qua rồi, trên con đường học hỏi về lái tiếu lâm, chưa tìm thấy câu nào hay hơn câu Củ chi mà bạn đã kể.
Gần đây đọc bài của Ông Nguyễn Đại Hùng (7) thấy câu Củ Chi được ghi như sau: "Đến Củ Chi, chỉ cu anh, hỏi củ chi." và câu sau ghi là:
"Về Cù Mông, còng mu em, đòi Cù Mông."
Giai thoại về nói lái để hẹn hò qua câu đối. Gần đây hơn, vào mấy tháng đầu năm 2002, kể cả tháng bảy, đọc trong báo hằng ngày tôi thường thấy những tiếng l ái, nhưng chỉ là những tiếng rời rạc, cũng vui, nhưng không lồng trong câu chuyện nào đặc biệt, nên tôi không ghi chép.
Tuy nhiên, trong một buổi tiệc sinh nhật tôi có nghe câu đối có tiếng lái. Câu chuyện rằng ở miền đồng quê sông Hậu nhân có buổi gặp gở của các thân hào trong làng. Trong câu chuyện qua lại, người ta nói về thời sự, đồng án, và văn chương. Có một chàng nọ, trong câu chuyện về văn chương với một cô, đã nói:
Nguyệt lão xe tơ, chỉ vàng tốt mối
Nàng đã trả lời là:
Đế Thích nhấp chén rượu trắng tái môi
Mới nghe qua, tưởng là chuyện câu đối với các điển tích. Nhưng thực sự Nguyệt lão và Đế Thích chẳng "ăn nhậu" (liên quan) gì đến hai người nầy. Họ chỉ hẹn ngày gặp nhau mà thôi. Chàng hẹn nàng tối mốt (tốt mối). Nàng không chịu, bảo là tối mai (tái môi.)
Nói lái qua câu hò đối đáp giữa trai gái. Miền đồng bằng sông Cữu long, vào mùa cấy các thợ cấy nam nữ vừa làm việc vừa vui đùa qua chuyện tiếu lâm, hoặc qua những câu hò đối đáp giữa hai nhóm nam nữ.
Ông Nam San (6) có ghi lại một số câu hò có tính cách rất "tả chân" sau đây, trong đó có cả luôn câu có tiếng lái.
Thấy em gò má ửng hồng
Phải chi em đừng mắc cở thì anh bồng em hun.
Hoặc: Nước Tân Ba chảy ra Trà Cú
Em cấy khum lòi vú anh muốn hun
Phe nữ đáp:
….
Phú Điền có chị Tám Hai
Thuyền quyên hò mí, đối trai anh hùng
Tân Ba, Trà Cú, Phú Điền là những địa danh ở vùng đồng bằng Cữu Long. Mới đọc câu chót ít ai để ý đến tiếng lái vì gái thuyền quyên mà đối "trai anh hùng" thì rất là thuận tai và thuận nghĩa. Nhưng "đối trai" nói lái là đái trôi, vừa có nghĩa đen rõ ràng, khỏi giải thích, vừa có nghĩa bóng là phe nữ có cách hò thắng phe nam một cách dễ dàng. (Ông
Nam San chú thích rằng: "Hò mí hay hò mép là hò đối đáp, thách thức, dòng do xuôi ngược, nói lái úp mở nói lên cái ẩn dụ của mình, miễn xuống câu ăn vận, đúng điệu là được.)
Giai thoại về học sinh "Văn Bình". Trong chuyện chơi chữ của các học sinh và những nhà nho mà tôi đã đọc, thì chuyện sau đây (tôi nhớ không được rõ ràng về chi tiết và tên tuổi) nói lên sự đùa cợt bằng tiếng lái. Chuyện rằng có môt nhà nho nọ văn hay, chữ tốt, thi đậu cao, nhưng không chịu ra làm quan mà chỉ về vườn vui thú việc dạy học. Có
một anh học trò nọ rất hay chữ và tự cao về tài của mình. Anh ta tên là Văn Bình. Anh đi tìm nhà nho nọ để thi thố tài đối đáp của mình. Trong lúc đi trên các con đường quê quanh co, anh ta gặp một ông câu cá, anh ta hỏi thăm lối đi. Ông câu hỏi tìm gặp nhà nho làm gì? Anh sinh viên đáp là để đối đáp văn chương. Ngư ông nói nếu anh sinh viên
đối được câu đối của ông thì ông sẽ dẫn đến nhà của nhà nho. Ông giao điều kiện là khi ra câu đối, ông chỉ nói ra từng chữ một và anh sinh viên phải đối lại từng chữ một. Anh sinh viên bằng lòng. Những chữ của câu đối là:
"Võ trắc đáo nam cô". Anh sinh viên đối từng chữ là:
"Văn bình lai bắc cụ"
Vì khi đối là đối từng chữ một nên anh sinh viên không thể biết nội dung của cả câu. Khi xong, ngư ông bảo anh sinh viên đọc cả hai câu xem nghĩa là gì và giải thích cho ông nghe. Đọc lại, thấy câu đầu vô nghĩa. Nhưng đọc câu thư hai xong, Văn Bình vốn rất thông minh, biết ông câu dùng lối chơi chữ lái để nhạo anh ta. Anh ta cũng nhận ngay ra
rằng chính ông câu là nhà nho mà anh đang tìm. Tôi không nhớ đoạn kết của câu chuyện nầy ra sau, và cũng không nhớ đã đọc ở sách nào.
Giai thoại Mã Qui – Qui Mã: Phần cuối của việc trích dẫn sách, có hai tiếng lái đã thành giai thoại rất hay. Trong Giai Phẩm Xuân Nhâm Ngọ Người Việt, Công Tử Hà Đông (1) có viết bài Mã Qui và Qui Mã . Năm ngọ nói chuyện mã là đúng quá rồi. Tác giả cho biết là hai từ nầy và câu chuyện liên hệ là do một "cây cười nhân dân nào đó ở Hà Nội" viết ra
để làm chuyện tiếu lâm. Chuyện đại ý là vào đầu thập niên 1980, kinh tế VN xuống dóc phi mã, thê thảm. Người cầm đầu đảng và nhà nước vì lo lắng quá nên đến đền Ngọc Sơn ăn chay xin thần linh báo mộng giúp biện pháp cứu nước. Hai người đều được thần báo mộng. Người đầu thấy con ngựa và con rùa, người kia thì thấy con rùa và con ngựa. Tuy vô thần, nhưng tin mộng và tin .. thầy giải mộng. Hai người bèn nhờ thầy giải thích hộ. Thầy giảng rằng rùa là qui, ngựa là mã. Ông đầu thấy rùa và ngựa tức thấy qui mã, ông sau thấy ngựa và rùa tức thấy mã qui. Vậy theo điềm mộng thì thần có ý cho hai ông biết là: "muốn cứu vãn nước nhà hai ông phải qua Mĩ xin Mĩ (a) nó giúp, bao giờ Mĩ (a) nó qua nước mình thì tình hình nước mình mới khá được". Tác giả bài báo cũng có
viết rằng là chuyện tiếu lâm (nói lái) nầy đã ra đời từ những năm đầu của thập niên 1980, khi chưa có dấu hiệu nào cho biết rằng Mỹ sẽ bang giao với VN. Tác giả bài báo đó viết tiếp là: "Hai mươi năm sau, chuyện mã qui qui mã thành sự thật." Chú thích ( a) do tôi thêm: các từ Mĩ nầy dùng " Ĩ " vì tiếng lái của qui mã = qua mĩ , và mã qui = mĩ qua).
Với những trích dẫn vừa qua, chúng ta thấy văn chương, văn thơ, trong sách báo hay video đều có nói lái rải rác đó đây từ Bắc chí
Những lối nói lái qua tiếu lâm truyền khẩu, hoặc được ghi chép lại.
Phần tiếp theo đây tôi sẽ ghi thêm những tiếng lái hay câu lái do tôi học hỏi hay lượm lặc trên con đường "tiếu lâm lái".
Nói lái trong câu đố: Lúc tôi còn nhỏ, tôi biết được những tiếng lái đầu tiên qua các câu đố . Thí dụ các câu đố sau đây:
a) – Ông cố ngoài Huế ông cố ai? (xuất vật)
b) – Ông đánh cái chen, bà bảo đừng? (xuất vật dụng) .
Hoặc c) – Ghe chày chìm giữa biển đông, cái nốc nó mất cái công nó còn.(xuất vật) .
Câu a) là "cái ô"; vì cố ai = cái ô. Câu b) là cái "chân đèn"; vì "chen…đừng = chưng đèn. Câu c) là "con còng", vì "công còn = con còng.
Nói Lái tên thú vật: Các câu sau đây nói lái về thú vật, thức ăn, địa danh, hay nói đùa cho vui:
Con óc con nhện , con ếch con nhọng;
Con cò con sóc, con cóc con sò;
Con công con rùa, con cua con rồng;
Con cáo con bò, con cò con báo.
Hoặc: Con cá đối nằm trên cối đá;
Ông cò Lửa đứng ở cửa lò.
Bên trên trong phần trích dẫn video đã có rất nhiều tiếng lái về thú vật.
Nói lái về các loại canh: Về thức ăn, trong bửa cơm của VN thường có ba món chánh: món mặn, món xào và món canh. Sau đây là câu lái đùa về canh:
"Anh Câu Bành đánh lộn với anh Kí Banh, ông Cai Cảnh làm biên bản, giải lên ông Cai Khoanh để thụ lý. Các câu trên thật ra là tên của bốn loại canh: canh bầu, canh bí, canh cải và canh khoai.
Nói lái về các địa danh: Về địa danh chúng ta có một số câu sau đây:
Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ;
Chợ Đồng Tranh năm canh đành trông
Hoặc: Ra Thủ Đức năm năm thức đủ
Về Giồng Trôm tháng tháng dòm trông (4)
Hay các câu sau:
Đi chợ Búng coi chừng chúng bợ
Đến Hạ Long rát cổ họng la
Lên Bắc cạn, nghèo đành bán c. t
Vào Ba Thê cuộc sống bê tha
Vượt sông Đuống, xuống Đông lên bắc
Trèo Đèo Ngang trong lúc đang nghèo
Ngoài ra còn có câu sau đây liên quan đến địa danh và nói lái, và có thể dùng câu nầy làm vế đầu của câu đối. Vị nào đối hay xin ban cho một câu cho đối để chuyện thêm phong phú:
"Nếu chịu Bà Chở , Bà Chở sẽ chở xuống Chợ Bà Chiểu"
"Chở" vừa là tên của một bà vừa có nghĩa là đem đi bằng một phương tiện gia thông
( chuyên chở ). "Chịu Bà Chở" cũng có hai nghĩa: Thích bà có tên Chở hoặc, hoặc "đồng ý cho bà đó chở đi". Tiếng lái của chịu Bà Chở là chợ Bà Chiểu một địa danh rất quen thuộc ở vùng Sàigòn.
Vùng Đồng Nai Cửu Long có hai câu đối rất độc đáo, và nổi danh sau đây để chỉ một chàng trai người Hốc môn, và một cô gái người Gò Công đang tình tự:
Trai Hốc Môn vừa hôn vừa móc,
Gái Gò Công vừa gồng vừa co.
Giai thoại nói lái về con Rồng Air VN: Trước năm 1975, hàng không Air VN có dấu hiệu con rồng uốn khúc. Có một thời gian, không biết các cô tiếp viên phi hành có tư cách hống hách với khách hàng thế nào mà các vị viết báo đã cho Air VN một cái nick name để đời là Air rồng lộn. Các cô tiếp viên hóng hách cũng bị gọi là các cô rồng lộn. Tưởng một thời gian ngắn rồi mọi sự kiện sẽ bị quên lãng. Nhưng khốn nổi cứ 12 năm lại có một năm thìn, tức năm con rồng, cái nick name nầy lại được viết lại trên báo xuân, thành ra có thể nói đây là tiếng lái được các báo nhắc đến nhiều nhất, một tiếng lái để đời.
Những câu nói lái khác liên hệ đến con rồng.
Ông Đại Ngu (2) có ghi hai câu đối sau đây:
Con Tiên Cháu Rồng, Lộn xuống hồng trần sung sướng nhỉ. Mộng hùm thơ Rắn, Sai đâu con tạo đở đần cho".
Tác giả Đại Ngu có chú thích là chữ lái của "rắn sai" là "Rái săn", đọc theo giọng Hà Nội âm R thành âm D.
Ông cũng có ghi thêm về giai thoại Tú Mở đùa thi sĩ Ngọc Hồ như sau:
"Tú Mở viết bài thơ trào phúng có hai câu khá tục, chắc đã làm nữ sĩ Ngọc-Hồ phải căm giận:
Hồ tù ngán nổi con rồng lộn
Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo"
(Tôi tò mò: Có lẽ bút hiệu Đại Ngu cũng là tiếng lái?)
Nói lái bằng thơ để tuyên truyền: Tôi nhớ, có một hôm, theo thường lệ, tôi chỉ đọc lướt qua những tựa của các bài báo. Có một tựa có tên đại khái là: "Không phải thầy tu nhưng rất thù Tây." Vì chưa đọc bài báo, nên không biết nội dung ra sao. Nhưng vì méo mó nghề nghiệp, tôi nhận ngay chữ thầy tu là tiếng lái của thù tây hay ngược lại. Chữ này làm tôi nhớ đên từ thầy tăng vì đó là tiếng lái của từ thằng tây . Số là trong thời kháng chiến chống Pháp giữa thập niên 1940, người ta truyền miệng trong dân chúng hai câu sau đây:
Chừng nào lúa mọc trên chì,
Voi đi trên giấy, rồi đời thầy tăng
Nói lái để cho mật thám không biết. Họ đồn đó là hai câu sấm "Trạng Trình". Hai câu sấm nầy được truyền miệng giống như ý sấm đã bắt đầu linh nghiệm vì lúa đã mọc trên chì: Pháp cho sản xuất tiền đồng xu và cắc bạc có hình cây lúa; và cho lưu hành giấy bạc một trăm đồng có hình con voi. (Ai có tờ giấy "con voi" trong túi là dân khá giả vì một
trăm đồng lúc đó bằng năm lần lương tháng của thầy giáo..)
Những giai thoại về nói lái ở VN sau 1975.
Sau năm 1975, nghe những người "vượt biên" đến HK kể những chuyện "cười ra nước mắt" để chỉ tình trạng nghèo khó của dân chúng. Một thí dụ về sự túng thiếu của giáo chức: "Giáo chức" bây giờ "dứt cháo" thôi. Một thí dụ khác về tình trạng chán nản, không muốn làm việc của các công chức, cán bộ; khi bàn cải chuyện gì họ cứ muốn bài lui hay
giữ tình trạng cũ do đó mà có danh tánh "Vũ Như Cẫn", hay "Bùi Lan" (= vẫn như cũ, hay bàn lui)
Rồi tình trạng đút lót cho được việc khi đi đến các cửa công xảy ra quá nhiều nên nhó chữ "nguyên tắc đầu tiên" được ra đời vì điểm chánh là phải áp dụng "nguyên tắc tiền đâu" nầy thì mọi việc mới trót lọt cho. Không biết tình trạng nầy lan rộng đến mực độ nào và bây giờ tình trạng ra sao, đành mù tịt vì không thể nào polling để thăm dò được.
Ngoài ra tôi còn nghe và đọc trong những bài sau đây về tình trạng nghèo đói đã nói trên:
Kỹ sư đôi lúc là cư sĩ
Thầy giáo lắm phen cũng tháo giày
Giáo chức giờ đây đành dứt cháo
Khoái ăn sang nên sáng ăn khoai (3)
Cảnh túng quẩn của thầy giáo cũng được nhắc đến trong một bài thơ khác, trong sánh vừa dẫn trên:
Thầy giáo tháo giày đi dép
Nhà trường nhường trà uống nước trong
Tháng đầy thầy đáng dăm lon gạo
Lương thầy tiền lính tính liền xong
Thầy giáo tháo ủng tháo giày
Tháo ủng thủng áo, tháo giày nóng chân
Giáo án dành lại khi cần
Thay vải dán áo việc làm "tốt thôi"
Về những vấn đề tổng quát hơn, có nghe những câu sau đây:
Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi;
Chiến khu tiền bạc chú khiên rồi
Thi đua vượt chỉ, thua đi đấy,
Kháng chiến lâu ngày khiến chán thôi
Nói lái qua những từ gốc Trung Hoa (TH), từ Hán Việt (HV), hoặc giống từ HV.
Ăn thịt mộc tồn. Một món nhậu đặc biệt của VN là món.. thịt chó. Ai khôn g ăn thịt chó được, hoặc thèm thịt chó mà không mua được, thì có món "giả cầy" thế vào, dùng giò heo, nhưng nấu theo kiểu nấu thịt chó nên gọi giả cầy. Ngày xưa, nghe nói có lúc Tây cấm ăn thịt chó. Nhưng ai đó nếu thèm quá thì cũng phải tìm cách ăn lén. Để tránh các phiền phức, họ dùng tiếng lóng để chỉ con chó. Họ gọi chó là "mộc tồn" . Theo tiếng Hán Việt, mộc = cây, tồn = còn ; vậy mộc tồn = cây còn = con cầy hay con chó cũng vậy. Người ta còn dùng nhóm chữ "hạ cờ tây" để chỉ việc làm thịt chó con (cờ tây = cầy tơ).
Thật là nhiều hình thức từ ngữ để tránh né .. vừa vui, vừa hay quá cở thợ mộc.. Sau nầy
những từ ấy trở nên thông dụng trong nhóm "xực cẫu xíu", tiếng TH, có nghĩa ăn chó quay.
Dấm xủ. Miền Nam VN có nhiều người Việt gốc Hoa. Do đó dân ta Việt hóa nhiều tiếng TH. Thí dụ ăn chay (Quãng đông: xực chay); ăn lẫu: ăn thức ăn nhúng trong nước lèo đựng trong một cái dụng cụ nấu đặc biệt gọi là cái cù lao; gặm chí quách: gặm xương hầm, ăn cháo lòng hoặc ăn hủ tiếu để thêm dầu chá quảy v.v..
(Chú thích thêm: "dầu chá quãy", tiếng TH đọc giọng Quãng Đông có nghĩa đen là "quỹ chiên mỡ", tích truyện vợ chồng Tần Cối, đời Nhà Tống đã bị xữ tử; hai vợ chồng bị trói lại và bị thả vào vạc dầu. Vì vậy chúng ta thấy cái bánh "dầu chá quãy" luôn luôn gồm có hai miéng bột chiên dính liền nhau (tượng trương cho vợ chồng Tần Cối).
Trong buổi ăn , người Tàu hay dùng một loại dấm đỏ chung với xì dầu (nước tương) làm nước chấm. Họ gọi dấm đỏ là xủ (giọng Quảng Đông) . Dân chơi tiếng lái khi vào tiệm ăn, thay vì gọi xin dấm hay xin xủ, lại gọp chung cả hai từ dấm và xủ, gọi người hầu bàn xin dấm xủ . Một người gọi, cả bàn cười vì tiếng lái đó (dấm xủ = dú xẩm đọc theo giọng
được).
Trà Thái Đức. Ngoài ra, những từ Hán Việt quen thuộc có nhan nhản trên các báo là tên các tiệm thuốc Bắc, thuốc chế từ các loại dược thảo TH, hay tên của các loại dược thảo được bày bán, (khác với thuốc Nam là các loại dược thảo có sẳn ở VN thuộc loại "cây nhà lá vườn" dể kiếm hơn), và tên của các loại trà v.v... Nước trà nào cũng có tính cách
nhuận tiểu. Uống trà nhiều vào buổi chiều, đêm thường khó ngũ, có thể vì trong trà có cafein làm mất ngũ, nhưng cũng vì phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu.Vì vậy dân nói lái khi nghe mời dùng trà ngon thường hỏi nhau là trà nầy có phải là trà Thái Đức không, hỏi xong, chủ khách cười xòa (thái đức = thức đái). Vào buổi sáng, đến tiệm ăn tiệm xâm,
thưởng thức "xíu mại" và xì dầu pha dấm xủ, và uống trà thái đức thì tuyệt rồi còn gì bằng. Chỉ một vài tiếng lái thôi mà không khí buổi điểm tâm vui nhộn lên.
Phú hộ hà tiện (tiếng nói lái giống tiếng HV) Có câu chuyện khác, rằng có một phú ông họ Tạ kia tuy giàu tiền, nhưng ít chữ nghĩa. Đầu ông ta hói, và nổi tiếng là hà tiện .. từng xu. Tết đến, ông ra chợ nhờ cụ đồ nho viết câu đối trên giấy đỏ để treo ở nhà. Cụ đồ đề nghị viết chữ "họa" giống như vẽ cho đẹp và đề ra giá công viết là một đồng . Phú
ông kỳ kèo trả giá năm cắc thôi. Ông đồ chịu và viết cho 2 câu sau đây:
Hiền Tạ Thu Sương tâm tắc kiết;
Thiên Tường tác biệt thị Châu đài.
Ông đồ giải thích đại khái là bà phú hộ tên Thu Sương, còn ông tên Tường. Họ Tạ hiền hậu, bà nhà có tấm lòng tốt (kiết). Còn ông nhờ trời (thiên) ban cho cách riêng nên giàu có như con cháu nhà Châu thời xưa. Ông phú hộ nghe xuôi tai, vui vẽ trả năm cắt và đem tấm giấy đỏ về dáng trước cửa. Một hôm bạn ông, một người giỏi chữ nho, ghé thăm. Phú
ông khoe câu đối. Bạn của phú ông đọc lui đọc tới hai câu trên, thấy chẳng có nghĩa gì cả. Sau một lúc ông ta phá lên cười vì ông phú hộ đã bị ông đồ nho chơi xỏ. Hai câu trên chẳng phải chữ nho với điển tích gì cả mà chỉ là hai câu gồm một số từ tiếng lái và một số không phải tiếng lái, viết ra như sau :
Hà tiện thương xu, tâm tiếc cắc (tâm tiếc từng cắc bạc)
Thương tiền, tiếc bạc thị chai đầu (chỉ đầu hói)
Phú ông nghe câu giải thích mới, xé câu đối và chắc lưởi hít hà, vừa rủa cụ đồ, vừa tiếc đã mất năm cắc, nên quên mời ông bạn vào nhà xơi ... "nước mát."
Bà hóa kén chồng. Thêm vào kho tàn HV kiểu truyền khẩu nầy, còn có câu chuyện sau đây: Chuyện một bà hóa, giỏi chữ nho, đăng bảng tìm chồng. Chuyện rằng bà thuộc loại "nửa chừng xuân, thoắt gảy cành thiên hương" (Kiều) . Sau ba năm để tang chồng, tròn đạo phu thê, bà bắn tiếng là bà có ý mống chuồng. Bà cho biết sẽ chọn ông nào biết nói lái hay nhất bằng cách dùng câu đối, có vẽ như chữ nho. Bà đưa câu chuyện nói lái
của ông phú hộ bên trên làm ví dụ. Bà còn nói rõ hơn là phải diễn tả được tình cảnh của bà trong ba năm để tang chồng. Đề tài thật rắc rối và hóc búa thật sự. Nhưng vì bà đẹp quá nên rất nhiều nhân tài nộp bài. Sau khi chấm xong bà lựa được hai bài, vừa có tiếng lái, vừa có vẽ như chữ nho, vừa tả một phần đời bà, để cho vào chung kết.
Bài thi chung kết đầu chỉ có hai câu như sau:
Bách nhật bách không vô cụ đặc
Băm na đổ lể, chẩm ai đăng.
Bài thi thứ hai, vừa có câu đối, vừa là bài thơ song thất lục bát:
Gái quốc sắc, cao môn "dũ đệ"
Trai anh hùng, tứ hải "đại du"
Nhìn em đã thấy căng tu
Mống chuồng chỉ nhận (người có) cốt tu làm chồng.
Cả hai được chấm đậu viết. Nhưng sau phần thực hành, trong vòng 2 tuần liên tiếp bà loại ông có hai câu đối ngắn, vì không tả đúng tình trạng thật của bà, và vì thực hành kém quá. Ông ấy nói "ba năm để lổ chẳng ai đâm" (= chẳng ai đăm) là sai vì thât sự trong ba năm đó bà có cho ... "đâm" lai rai. Bà thành thật thú nhận như vậy. Và do đó bà chọn
ông thứ hai. Chẳng những ông đã nói đúng những gì bà có (nhà ở tuy thuộc loại kính cổng nhưng quá còn son nên dể sa ngã, có kiếm chác chút chút). Ông còn tả bà đẹp và hấp dẫn (nhìn bà ông đã thấy "căng tu"). Ngoài ra ông sau còn nói rất đúng về những gì ông có. Ông thứ hai nầy đúng là " trai anh hùng tứ hải ..đ. dai dẳng, và cũng hiền
lành có c. tốt đúng như ông đã nói. Bà chịu làm đám cưới với ông thứ hai nầy.
Giai nhân và anh hùng. Tôi nhớ hai câu khác, cũng có vẽ là chữ Hán Việt, để chỉ một sự thật của con người: dầu nam hay nữ cũng phải ngũm cù đèo, hay về chầu Diêm chúa nếu "chuyện đó" không thông. Hai câu đó mới ghi được cách đây độ 5 năm:
Giai nhân tái đắc, giai nhân tử;
Anh hùng khai đống, anh hùng tiêu
Nghe thật là đầy chữ nho, phải không các bạn? Câu đối tuy có vẽ không chỉnh nhưng nghe hay hay vì có dùng vài từ Hán Việt nghe kêu quá. Các bạn tìm được những từ nói lái trong hai câu trên chưa? Nếu chưa tôi đành viết lại hai câu trên:
Gian nhân tắc đái giai nhân chết;
Anh hùng không đái, anh hùng tiêu (đời).
Một vài chuyện nói lái của bằng hữu và thầy, xa xưa và hiện tại.
Ngày xưa, khi tôi còn là sinh viên Văn Khoa, trong lớp Văn Minh Việt
sát thậm tệ.
Sinh viên nói lái. Có một sinh viên (tôi quên tên) nói đùa: Hồi còn nhỏ anh ta bị các thầy giáo cho là anh "cù lần". Lớn lên thi mãi không đậu tú tài, chắc đúng là vì "cù lần" thật sự. Cha anh bảo cưới vợ làm ăn. Sau khi cưới được vợ rồi, anh tưởng là hết "cù lần" nào ngờ anh vẫn "cù lần" như thường, nhưng lại thi đậu tú tài. Thầy nói ngay: "đáng mừng, đáng mừng, sinh viên biết chơi chữ với thầy". Các bạn có biết anh sinh viên nọ nói gì không? Cù lần có nghĩa là lôi thôi, kém thông minh. Nhưng cù lần (có gạch dưới) của anh sinh viên nọ, có nghĩa đôi, vừa là ít thông minh, vừa là tiếng lái (cần l. ) đấy các bạn ạ.
Và cha anh đã giúp anh giải quyết vấn đề thi rớt qua kinh nghiêm của riêng ông bằng cách giải quyết vấn đề tâm sinh lý của con ông qua việc cưới vợ cho con.
Một sinh viên khác, người gốc Bạc liêu, cũng góp vui vào câu chuyện. Anh ta nói: Còn em, Thầy biết không, lúc vừa xong lớp đệ nhị, em đã bỏ học hoang chơi lêu lỏng. Em đã có những quyết định lầm lộn và xài phí gần hết nửa gia tài của cha mẹ để lại. Càng lớn em càng lộn lầm tiêu phí gần hết phần của cải còn lại, kế bị đi lính, vào học trường sĩ
quan Thủ Đức. Nhờ đi lính em mới xác nhận thêm rằng đa số đàn ông, kể cả các ông sĩ quan cấp cao đều lộn lầm như em nên thường bị đàn bà sai biểu. Thầy cười, và nói: đó là cái bệnh chung của một số lớn đàn ông, anh đừng "buồn". Cả nhóm cười rộ. Lại một anh học trò chơi chữ tiếng lái nữa đấy các bạn ạ.
Đồng nghiệp (dạy học) nói lái. Viết đến đây tôi lại nhớ tới các thầy cũ và các bạn khác của tôi. Tôi nhớ một bạn cũ, giờ còn ở Saigòn. Vào tháng tư năm 1975, có một buổi họp ở trường về vấn đề thi cử. Trong lúc bên ngoài tình thế (chính trị, quân sự) có vẽ lộn xộn, bên trong phòng họp vì người chủ tọa chưa đến, nên anh em (đa số là giáo chức) nói chuyện khào về những tin "lạc dừa" (tin đồn) về chuyện evacuation những người làm việc sở Mỹ. Cạnh tôi có một anh bạn vốn là người đã du học Mỹ về. Anh ta có vẽ chán nghề giáo vì nghe nói đã có lần xô xác với thí sinh sau kỳ thi, vì thí sinh gian lận bài thi và anh bắt gặp. Tôi hỏi anh có tính gì về chuyện "tương lai" không (một câu hỏi "mập
mờ" nhưng ở thời điểm đó ai cũng hiểu là chuyện di tản). Anh trả lời là sẽ xin về hưu, hoặc xuất gia nếu không "đi được". Làm sao sống nếu không có tiền hưu, tôi hỏi. Anh không trả lời, mặt rất bình thảng. Anh viết hai câu thơ trên giấy đưa cho tôi đọc:
"Nếu về hưu, tao sẽ làm những chuyện sau đây:
Sáng lặc cỏ, chiều lặc cau;
Độn lầy, khai giếng tưới hành rau"
Tôi bật cười chưa kịp nói gì thì thấy anh ta lại viết thêm một bài thơ nửa, và cũng đưa cho tôi đọc. "Nếu đi tu tao, thật sự tao không biết theo đạo nào, chắc là theo đạo Dụ quá, nhưng không biết có đử sức để theo không? Nếu theo đạo nầy:
Ngày thì công ngũ tối công phu,
Kinh kệ, làm tương phải kiếm lu
Mấy cô nho nhỏ đang mù đợi,
Mấy lão sồn sồn sẽ đạo tu"
Lúc đó tôi sửng sờ thât sự. Thứ nhất vì không dè anh chàng có vẽ đạo mạo, lại có thể viết hai câu đầu với một ít tiếng lái có vẽ "hơi tục" , trong khi bốn câu sau và cái đạo của anh thì "tục" quá chỗ chê rồi. Thứ hai, tôi không biết anh đang nghĩ gì trong đầu, vì hầu hết, tuy không nói ra, nhưng ở thới điểm đó, ai cũng có vẽ lo lắng, trong lúc anh lại có vẽ tỉnh bơ, lại còn làm thơ kiểu đùa giởn nầy được thì ... tài quá. Dân nói lái khi nghe những câu có vần "u", "ù" hay "ôn", "ồn" "ộn" thì biết ngay là người nói hay người viết đang xài tiếng lái tục.
Tôi xin miễn việc "diễn giải" hai bài thơ trên, xin các bạn tư tìm hiểu lấy cho vui. (Thời gian đã chứng minh anh bạn nọ có tài thật. Anh không vượt biên đi ra nước ngoài, ở Sàigòn tiếp tục chịu đựng một số năm đầy nghèo khó và sau nầy vươn lên bằng cách mở lớp anh văn, và tiếp tục sống .. tỉnh bơ không hề than vãn, hay nhờ vã bạn bè chút gì
cả. )
Thầy (dạy trung học) nói lái. Bài thơ trên khiến tôi nhớ tới một giáo sư Pháp văn hồi tôi còn học lớp đệ ngũ. Tôi không biết anh bạn trên có phải là học trò của ông giáo nầy không, vì trong bài thơ của anh ta có một vài từ giống trong bài thơ của ông thầy mà tôi đang nói. Tuy ông đã tốt nghiệp từ chương trình Tây và dạy tiếng Tây nhưng ông lại thích nói đến những cái "rắc rối, nhưng phong phú" của tiếng Việt, trong đó có lối nói lái . Ông nổi tiếng là ông thầy lè phè, dể tánh, nhưng lại dạy học rất có duyên và học sinh rất thích. Sau đây là bài thơ tôi nhớ lại và ghi ra. Đúng nguyên văn hay không, không chắc, cũng như tất cả các câu khác, nhớ sau ghi vậy . Bạn nào có học với thầy và có nghe về
bài thơ nầy xin bổ túc hay sửa chỗ trật.. Đa tạ.
Có cô nho nhỏ đó học trèo
Trèo lên hòn đá, đá chẳng leo
Sương sa lác đác, mù mù đợi
Trăng xế đầu non, đới đới cheo.
Cũng như hai bài trên, tôi xin cáo lỗi, không có gạch dưới những từ có thể thành chữ lái. Các bạn tự tìm lấy và tự lái cho vui. Nhưng cũng xin cho chìa khóa rằng đây là loại lái dùng ba từ liên tiếp.
Cô giáo nói lái. Nói tới thầy giáo, phải nhắc tới cô giáo cho công bằng. Chuyện rằng có bà giáo nọ có tật là hay dùng tiếng lái khi bà sợ hải điều gì. Tiếng lái của bà chỉ liên quan đến thực tế, và không có gì gọi là "khó nghe" hay tục cả. Bà giáo chỉ có một người con trai. Bà dạy con rất cẩn thận. Tuy con đã mười lăm tuổi rồi mà đi đâu bà giáo cũng đi kèm theo, và luôn giáo dục con trong mọi trường hợp. Bà sợ nhất là nó gây lộn và đánh nhau với nhóm du đảng.
Một hôm bà dẫn con vào quán ăn cơm trưa. Trong lúc đang ăn uống, bàn bên cạnh có tiếng cải cọ. Một anh ăn mặc có vẽ con nhà giàu, đang sừng sộ với một anh khác và có vẽ như sắp đánh nhau. Con bà nói rằng anh đầu tiên là bạn học của nó. Khi thấy con bà nhỏm dậy, có vẽ muốn sang bàn bên kia, bà giáo cảm thấy không an tâm. Bà không muốn con dính líu tới chuyện gây gổ. Bà nói với con: Con ơi, con
Đói nừng, đỏi kê, tháo sây, ngây vẹ
Náng làm tò, nết có chó, đới cái đàn
Ảo nhà gì, lách phàm, thét mà gấy
Con trai bà nghe bà nói một hơi, mặt bà lại có vẽ giận và lo, nó ngồi yên. Khi việc cải cọ chấm đứt, và các anh kia đã đi khuất, bà khen con bà: Con biết nghe lời má như vậy má chịu lắm đó; con ngoan như vậy, đáng khen lắm. Con bà trả lời: Thiệt ra con chẳng hiểu má nói gì cả nên con ngồi yên. Té ra con bà ấy, như một số các bạn đang đọc bài nầy, nếu nghe bà nói một hơi các câu như vậy chắc cũng không đoán ngay ra bà muốn nói gì. Bà ấy đã nói: Con ơi, con
Đừng nói, để coi, thấy sao, nghe vậy
Nó làm tàng, nó có chết, đáng cái đời
Ỷ nhà giàu, làm phách, thấy mà ghét.
Con bà hỏi sao không nói như bình thường mà lại dùng tiếng lái. Bà trả lời là sợ chúng nghe được lại gây gổ luôn tới mình thì mệt lắm, nên nói tránh cho "chắc ý" (và tưởng rằng con bà hiểu).
Lão ông, lão bà nói lái trong bàn tiệc. Không phải chỉ có bà giáo vừa nói biết tiếng lái. Tôi có chứng kiến hai bà và một số các ông dùng tiếng lái một cách khá bạo mồm trong một trường hợp khá vui. Trong một bửa tiệc của một hội đoàn cách đây hai năm, sau phần ăn có phần văn nghệ "cây nhà lá vườn". Bàn chúng tôi và vài bàn bên cạnh gồm toàn những người trên 60 tuổi, mặc đầu các bàn khác số trung niên (40-50 tuổi) rất đông. Khi MC mời các "bạn già" lên trình diễn, các bàn lão nhân của chúng tôi khá xôn xao. Có nhiều ông tính lên giúp vui.. Sự bàn tính cũng khá sôi nổi, vì cũng có vài bà đòi lên sân khấu.. Vài bà khuyến khích, cổ võ. Vài bà lên tiếng cản. Một bà nói hơi to tiếng khi
can ông chồng không cho lên: "Thôi mà, già rồi lên đó làm chi". Ông ấy phân trần với mọi người trong bàn, và những người ngồi gần (thuộc bàn khác) bằng cách đọc to bài thơ:
Sao em cứ bảo anh già,
Làm anh chẳng biết anh già ở đâu
Anh già cái tóc cái râu,
Nhưng riêng "cái ấy" còn lâu mới già
Nhóm lảo nhân cười rộ. Bà ấy nguýt ông và nói rằng "ông già mà không nên nết." Một ông khác bênh vực: bà đã nghĩ chủ quan rồi, vì "cái ấy" mà chồng bà muốn nói là cái "tinh thần trẻ trung, hát hay không bằng hay hát" đấy. Nhưng bà ta cũng không vừa. Bà nói rằng: Tôi biết nhà tôi quá mà, ổng thuộc loại "Chung Vô Diệm" rồi nên nếu giải thích "cái ấy" theo cách của ông anh như vậy là sai bét. Một ông khác lên tiếng:
Cha chả ai bảo các bà không nói lái? Bà trên quay sang ông sau cùng:
Nói vậy ông anh cũng rành tiếng lái quá hén, ông anh thuộc loại lái hay lái giỏi đó. Ông sau sau cùng nói: Dạ không dám nhận lời khen của chị vì tôi còn thuộc lại lái dở thôi. Ông chồng của bà ấy lên tiếng:
Ông anh ơi, nói lái vòng quanh với các bà, người ta gọi là lái gió không hay đâu, phải dám nói thẳng như trong bài thơ của ai đó, mà tôi vừa đọc, mới hay.
Câu chuyện xãy ra nhanh như vậy vàụ đa số những người trong các bàn của nhóm già cười rộ lên. Nhưng có một vài bà có vẽ làm nghiêm, khôngcười (có thể các bà không hiểu hay chưa nghĩ ra ý của tiếng lái chăng? Hay là hiểu nhưng vẫn làm nghiêm?).
Một bà không cười, với vẻ mặt tỉnh bơ hỏi bà đầu tiên: Chị nói ảnh thuộc loại Chung Vô Diệm là nghĩa làm sao tôi không rõ. Số đông lạicười rộ lên. (Trong truyện Tàu, Chung vô Diệm là người đàn bà xấu xí, nhưng nhờ giỏi võ nghệ, giúp vua dẹp loạn và được sắc phong hoàng hậu. Mới nghe rõ ràng chẳng dính líu gì tới cái ông đọc thơ) . Bà vợ của
ông đọc thơ cũng trả lời tỉnh bơ: Chị ơi "Chung Vô Diệm" là "chim vô dụng" đấy. Nhà tôi bảo "cái ấy" của ảnh còn lâu mới già là nói dóc. Cả hai bàn lại cười rộ. Một bà khác lại chen vào: nếu ông nhà bà ở tình trạng không "dụ cưng" được và vô dụng như vậy sao ông nhà cứ đòi "lên" ...ca hoài vậy. Bà đầu tiên cười to trả lời không cần suy nghĩ, và
không tỏ chút e thẹn gì cả: Tuy thuộc loại họ Chung nhưng nhờ có đọc sách nói về các hoạn quan trong cung nên biết áp dụng phương pháp sường cho sớ để sống qua ngày. Rồi bà thấp giọng một chút, như có vẽ e dè: Thú thật đôi khi nhà tôi có theo phương pháp cổ truyền mà giới trẻ hay dùng là hướng và bướng. Một bà khác ngồi cạnh giải thích thêm: Bà ấy muốn nói hướng cho sôn và bướng cho sú đấy. Cả nhóm lại cười rộ lên, và còn có vài tiếng phê bình "tài thiệt, gan thiệt" chen vào.
Ai dám nghĩ rằng các lảo bà và lảo ông không chơi chữ lái phải không quí vị? Trong trường hợp nầy tôi thấy các lão ông nói chữ kém xa các lão bà.
Những chuyện nói lái "cách sông"
Với những câu chuyện nói lái vừa kể, tôi cứ tưởng là tôi biết nhiều về nói lái. Nhưng trẻ khôn qua, già lú lại. Tôi tình cờ đã nghe và học thêm những tiếng lái bất ngờ, chẳnh có gì cao xa hay đặc biệt, nhưng những tiếng lái ấy mới đối với tôi, hoặc những tiếng đó là tiếng tôi đã biết, nhưng ít dùng tới, nên khi nghe lại thấy hay hay.
Nước bất hiếu. Số là một hôm, bước chân vào một tiệm ăn, vừa kêu xong thức ăn thì tôi nghe một em trai độ 18 tuổi kêu anh chạy bàn, cũng nhỏ tuổi như anh kia, gọi một tô tái nạm và một ly nước "bất hiếu." Cha chả, nước gì mà tên ngộ vậy, tôi tự hỏi. Và vì thói quen khi nghe ai chơi chữ là tôi nghi ngay là đang chơi tiếng lái. Nhưng suy nghĩ mãi
vẫn không ra. Khi ly nước được đem tới bàn, tôi nhìn qua xem, rõ ràng là nước đá chanh. Cái lý tại sao anh chạy bàn biết và đem ra đúng thì không lạ vì chắc chắn là họ biết code của nhau rồi. Cái lạ là tại sao hắn gọi là nước "bất hiếu" . Phải khi ăn xong tô phở tôi mới nghĩ ra và bắt đầu cười cho cái chậm hiểu của mình. Các bạn có biết không, thật đơn giản. Đá chanh là tiếng lái của đánh cha. Con mà đánh cha là con bất hiếu. Nhóm trẻ đó đã chơi tiếng lái xa hơn một bực nữa, dùng cả lời phê của một hành động để chơi chữ.
Nói lái cách sông Trong một bửa "pot luck" của một nhóm sinh viên trẻ thuộc thế hệ 1.5, mà tôi gọi là thế hệ ba rọi vì các em nói tiếng Anh hêm thêm vài tiếng Việt, hoặc ngược lại. Tới phần văn nghệ văn gừng, ban tổ chức yêu cầu một người "lớn tuổi" lên kể chuyện vui. Trong nhóm chỉ có một ít người lớn tuổi. Một người bạn tôi, ngoài sáu mươi, than
nho nhỏ với tôi: hết sách rồi, chưa tìm ra được chuyện gì mới cả. Tôi rỉ tai trở lại: câu giờ bằng cách yêu cầu một sinh viên kể chuyện trước; và sau đó, nếu cùng lắm, đành mở sách "dạy tiếng Việt" vì trong nhóm nầy, theo chỗ tôi biết, thì chỉ có một vài em biết sách đó mà thôi.
Bạn tôi đứng lên thách thức các sinh viên rằng anh chị nào lên nói một chuyện cười gì hay, mà phải dùng toàn tiếng Việt, không được pha tiếng Anh thì ông mới lên kể chuyện. Các sinh viên đồng ý.
Hai MCs, một nam, một nữ giới thiệu một "mầm non" chuyên kể chuyện cười lên "sân khấu". Chuyên viên cười nầy liền giới thiệu: Sau đây xin các bạn cho một tràng pháo tay cho ban nhạc, toàn những nam nhạc sĩ, đó là ban nhạc "Thuyền xưa" do nhạc sĩ Tô v. Cừ , biệt danh C.T.., làm nhạc trưởng. Ban nhạc nầy do ca sĩ Tô Mộng Lan , biệt danh LMT làm bầu gánh. Nhạc sĩ CT đã từng đóng phim chung với nữ tài tử Hồng Kông, "Điệp Liên Tú". Còn Bầu Gánh LMT cũng đã từng đóng phim bộ với nam tài tử Đài Loan, "Đặng Lăng Nhu". Tiếng vổ tay và tiếng cười vang động.
Anh "mầm non" tiếp theo: Xin giới thiệu giọng oanh vàng của nữ ca sĩ Thu Cương và giọng trầm ấm của nam ca sĩ Thu Đạm trong bản "Em nấu nướng Anh." Và cầu chuyện cười đến đây chấm dứt. Không thấy ai lên sân khấu, không thấy ai đờn trống gì cả.
Chưa nghe hát tiếng nào mà chúng nó vỗ tay như pháo và cười bò lăng. Tôi biết ngay là chúng nó đang nói lái qua tên của hai sinh viên mà các em gọi là "ca sĩ" . (Thu Cương = thương cu) ;