Pages

Sunday, June 28, 2009

CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Hai tác phẩm: "CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam "

"CIA and the House of Ngo: Covert Action

in South Vietnam, 1954-1963."

Tác Giả: Thomas L. Ahern, Jr.

Center for the Study of Intelligence ấn hành.

http://aitubinhdien .aimoo.com/ TH-i-CU-C/ Hai-t-i-li- u-m-t-c-a- CIA-v-C-c- T-ng-L-nh- VN-v-gia- nh-h-Ng-1- 32259.html

Lần đầu tiên trong lịch sử của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA), ban biên tập của cơ quan cho giải mật hai tập tài liệu quan trọng về liên hệ CIA và Việt Nam . Trong nhiều năm qua, CIA theo luật bắt buộc đã giải mật nhiều tài liệu quan trọng, thí dụ như hơn 1.000 trang phân tích và ước lượng về chiến tranh Việt Nam (Estimative Products on Vietnam, 1948-1975, National Intelligence Council, 2005). Lần đầu tiên trong nghĩa này là hai quyển sách trên thuộc lọai sử kể (narrative history), có đầu đuôi, chú thích và quan trọng hơn hết tác giả là người thật, đọc nhiều tài liệu và viết lại có ngọn ngành cho đọc giả. Đa số những tài liệu giải mật của CIA trước đây thuộc lọai nặc danh vì lý do nghề nghiệp, hay là những tường trình do nhân viên báo cáo về để kính tường.

Người điểm sách không biết hai quyển sách trên thật sự được cho in lúc nào (nghĩa là được Center for the Study of Intelligence giải mật cho ra công chúng trong dạng một quyển sách; Center for the Study of Intelligence là nhà in của CIA). Theo lời giới thiệu trong sách, quyển CIA and the Generals (CIA & Generals) được hoàn tất tháng 10-1998; và CIA and the House of Ngo (CIA & Ngo) viết xong tháng 6-2000. Hai quyển này được đưa lên web site của Center for the Study of Intelligence vào đầu tháng 3-2009, với dấu mộc ghi APPROVED FOR RELEASE DATE 19-Feb-2009. (Được Phép Đưa Ra Công Cộng Ngày 19 tháng 2-2009).

CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963 (CIA và Những Điệp Vụ Mật ở Miền Nam, 1954-1963) nói về những hoạt động bên trong để giúp đỡ chánh phủ Ngô Đình Diệm, từ ngày ông Diệm về làm thủ tướng cho đến ngày tổng thống Diệm bị hạ sát trong cuộc cách mạng 1 tháng 11-1963. Qua tài liệu này, lần đầu tiên chúng ta biết được, từ năm 1950 cho đến năm 1956, CIA có hai Sở tình báo ở Sài Gòn: một Sở CIA Saigon Station nằm dưới sự điều khiển thông thường từ bản doanh CIA ở Langley, Virginia; Sở kia, có tên là Saigon Military Mission, làm việc trực tiếp, và chỉ trả lời cho Giám Đốc Trung Ương Tình Báo. Saigon Military Mission, theo Tài Liệu Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers) được giải mật trước đây, do đại tá Edward G. Lansdale chỉ huy. Lansdale đến Sài Gòn tháng 6-1954 với hai nhiệm vụ: huấn luyện những toán tình báo Việt Nam để gài lại ở miền Bắc trước ngày di cư và tập kết hết hạn; và, dùng mọi phương tiện ngầm (covert action) để giúp tân thủ tướng Ngô Đình Diệm. Theo tác giả Thomas L. Aherns, chính Giám Đốc CIA Allen Dulles chỉ định đại tá Lansdale cho điệp vụ ở Sài Gòn và cũng ra lệnh Lansdale làm việc trực tiếp cho ông. Tác giả Ahern viết, CIA có mặt từ năm 1950 để giúp đỡ quân đội Pháp xâm nhập và thu thập tin tức tình báo. Nhưng từ cuối năm 1953, khi thấy tình hình quân sự nguy ngập của Pháp, Hoa Thịnh Đốn thay đổi nhiệm vụ của CIA Saigon Station: Liên lạc và thu thập tình báo những thành phần quốc gia để lập một chánh thể chống cộng trong trường hợp Hoa Kỳ thay thế Pháp. Cùng lúc Hoa Thịnh Đốn gởi thêm một toán CIA để lo về quân sự, Saigon Military Mission (tác giả Ahern chú thêm, trong các công điện của CIA, Saigon Military Mission đôi khi được ghi là Saign Military Station).

CIA and the House of Ngo tiết lộ một số chi tiết ly kỳ như, CIA liên lạc và làm thân với ông Ngô Đình Nhu từ năm 1951, rất lâu trước khi Hoa Kỳ liên lạc với ông Diệm. Đầu năm 1954, khi có tin Hoa Kỳ chuẩn bị đề nghị quốc trưởng Bảo Đại và chánh phủ Pháp giải nhiệm hoàng thân Bửu Lộc và thay bằng ông Diệm, thì ông Nhu là người đầu tiên CIA gặp để bàn về liên hệ của Hoa Kỳ đối với thủ tướng tương lai Ngô Đình Diệm.

Tháng 4-1954, một nữ nhân viên Mỹ làm việc ở CIA Saigon Station, thông thạo tiếng Pháp, quen biết và liên lạc thân thiện với Bà Ngô Đình Nhu. Từ nữ nhân viên Virginia Spence này, Sở CIA Saigon bắt được nhiều liên lạc với hầu hết những người thân trong gia đình, hoặc thân cận với Nhà Ngô. Tháng 4-1954, CIA ở Hoa Thịnh Đốn gởi Paul Harwood sang làm cố vấn riêng cho ông Nhu. Tuy là nhân viên CIA, nhưng Harwood đóng vai một nhân viên Bộ Ngoại Giao, làm việc từ Tòa Đại Sứ. Trong hai năm, Hardwood cố vấn là làm việc với ông Nhu để xâm nhập và ảnh hưởng đường lối ngoại giao quân sự của nền đệ nhất VNCH với tổng thống Diệm. Paul Hardwood thân thiện với gia đình ông bà Nhu đến độ ông ta là người đỡ đầu cho Ngô Đình Lệ Thủy, ái nữ của ông bà Nhu.. Từ tài liệu này chúng ta cũng biết thêm, ông bà Nhu được đưa qua thăm viếng Mỹ trước tổng thống Diệm. Để lấy tình cảm và ảnh huởng với ông Nhu, đầu tháng 3-1957 ông bà Nhu được CIA mời qua thăm Hoa Thịnh Đốn. Tuy không có một chức vụ gì chánh thức với chánh phủ nhưng ông Nhu được diện kiến tổng thống Dwight Eisenhower, hai Tổng Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, và Giám Đốc CIA Allen Dullles. Tài liệu cho biết, với tài ăn nói và sắc diện, bà Nhu gây được nhiều chú ý với các thẩm quyền Mỹ. Bà Nhu là một ngôi sao trong dạ tiệc do CIA khoán đãi. Hai tháng sau chuyến thăm viếng âm thầm của ông bà Nhu, đầu tháng 5-1957, tổng thống Diệm lên đường công du theo lời mời của chánh phủ Hoa Kỳ.

Một vài tiết lộ khác trong sách của Ahern: CIA bắt liên lạc được với những nhân vật quan trọng như Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Trần Quốc Bửu. Và ít hay nhiều, CIA có thể nhìn vào nội tình của Nhà Ngô qua những tin tức do những nhân vật trên cung cấp. Trong cuộc tranh chấp rồi sau đó là giao chiến giữa chánh phủ Diệm và quân phiến loạn Bình Xuyên, CIA biết được hầu hết kế hoạch và khả năng của Bình Xuyên, nhờ một cận thần của Bảy Viễn đang làm việc cho CIA. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, một đảng chánh trị thành lập để hổ trợ chánh phủ Diệm, nhận tài chánh và cố vấn từ CIA. Nhưng đến đầu năm 1960 thì CIA cắt ngân khoản vì cơ cấu nhân sự không còn hữu hiệu trong công tác tuyên truyền. CIA đã than phiền nhiều lần về những hoạt động của Đảng Cần Lao và hành vi của ông Ngô Đình Cẩn. Nhưng mỗi lần CIA than phiền với ông Nhu về những hoạt động bí mật đôi khi trái phép của ông Cẩn, thì ông Nhu đưa hai tay lên trời với một thái độ buông xuôi vì ông không thể nào làm gì được. Ở một tài liệu khác cho biết, khoảng giữa năm 1956, CIA nhận được nguồn tin cho biết ông Cẩn đang bàn kế hạch để lọai trừ Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành và Cố Vấn Ngô Đình Nhu ra khỏi vòng ảnh hưởng ở Dinh Tổng Thống. Qua nhiều trang, chúng ta đọc được sự bất lực của chánh phủ Sài Gòn đối với lãnh chúa Ngô Đình Cẩn ở miền Trung.

Với hai Sở CIA ở Sài Gòn hoạt động độc lập nhau, báo cáo gởi về cho CIA ở Hoa Thịnh Đốn đôi khi trái ngược: Cố vấn Paul Hardwood thì báo cáo tốt, nhân nhượng cho ông Nhu và có ý chỉ trích ông Diệm; Edward Lansdale thì ngược lại: bảo vệ ông Diệm và nói xấu ông bà Nhu. Cuối năm 1956, sau khi Lansdale bị triệu hồi về Mỹ, Al Ulmer, Trưởng Vụ Viễn Đông CIA, ra lệnh giải tán những gì còn lại của Saigon Military Mission và thái độ của Hoa Kỳ cũng bắt đầu thay đổi với chánh phủ Ngô Đình Diệm. Đầu năm 1958 Hoa Kỳ cho phép CIA Saigon bắt liên lạc với các đảng chính trị đối lập. Tài liệu nói nhân viên của CIA mua chuộc và thành lập một lực lượng đối lập ngay sau lưng ông Nhu, để trong trường hợp phải thay đổi cấp lãnh đạo mới. Cuộc đảo chánh 11 tháng 11-1960 là một hăm dọa của Hoa Kỳ đối với tổng thống Diệm: Nhân viên CIA có mặt ở tại bộ chỉ huy của đại tá Nguyễn Chánh Thi và kế bên ông Hoàng Cơ Thụy để giới hạn bước tiến của quân đảo chánh điệp viên Russ Miller khuyên đại tá Thi nên thượng lượng với ông Diệm, trong khi biết rõ quân ủng hộ chánh phủ của đại tá Trần Thiện Khiêm đang trên đường từ Vùng IV về thủ đô tiếp cứu. Khi thấy thái độ trở mặt của CIA, màn lưới tình báo của ông Nhu cũng không hoàn toàn thụ động: Phó Sở CIA Saigon, Douglas Blaufarb, ngỡ ngàng khi ông khám phá ra người tài xế Việt Nam của ông không bị điếc như lúc được giới thiệu vào làm việc (do Trần Kim Tuyến giới thiệu); người tài xế không điếc mà còn thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp!

Tài liệu thú nhận vào năm sau cùng của Nhà Ngô, Hoa Kỳ có một phần lớn trách nhiệm trong kế hoạch hạ bệ tổng thống Diệm. Nhưng chính gia đình ông Diệm cũng hủy hoạiï, vì sự chia rẽ từ anh em trong nhà. Từ mùa xuân năm 1963 ông Nhu yêu cầu CIA đừng nói lại những gì ông và CIA trao đổi. Và qua nhiều lần nói chuyện với CIA, ông Nhu tuyên bố ông muốn thay tổng thống Diệm! Trong khi đó bà Nhu thì thường làm hùng làm hổ với tổng thống Diệm: trong cuộc bầu cử Hạ Viện năm 1963, bà Nhu muốn ủng hộ 30 ứng cử viên mà ba ta ưng ý.. Ông Diệm không đồng ý, nhưng bà Nhu cằn nhằn, to tiếng cho đến khi tổng thống Diệm nhượng bộ. Bà Nhu cũng thắng thêm một lần nữa, khi đòi làm người chủ tọa và đọc diễn văn ngày Lễ Hai Bà Trưng thay gì phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ như ông Diệm đã chỉ định. Riêng về ông Ngô Đình Cẩn: ông Cẩn từ chối không ủng hộ hay giúp ông Nhu về Chương Trình Ấp Chiến Lược ở Miền Trung.

Ngày Lễ Quốc Khánh Hoa Kỳ, 4 tháng 7-1963, lần đầu tiên tổng thống Diệm cho phép các tướng lãnh VNCH tham dự tiệc ăn mừng do tòa đại sứ tổ chức.. Sau tiệc rượu ở khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ, một vài tướng lãnh VNCH và nhân viên CIA kéo nhau ra quán để uống nữa. Tại quán rượu, tướng Trần Văn Đôn nói với nhân viên CIA là các tướng lãnh muốn đảo chánh tổng thống Diệm. Thảm kịch của Nhà Ngô bắt đầu từ đó.

CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam (CIA và Các Tướng Lãnh: Những Hỗ Trợ Ngầm Cho Chính Phủ Quân Sự Việt Nam Cộng Hòa), cũng là một tài liệu tương đối tối mật so với những tài liệu được CIA công bố trước đây. Những sự kiện biên niên trong quyển CIA & Generals (1963-1975) tiếp theo quyển CIA & Ngo (1954-1963), nhưng lại được cho giải mật trước CIA & Ngo. Có lẽ ban kiểm duyệt CIA thận trọng hơn về những chi tiết nằm trong CIA & Ngo. Tài liệu trong CIA & Generals bắt đầu sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11-1963. Những gì đến từ tài liệu cho thấy ngay sau đảo chánh, như một tập thể, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng không được hòa thuận; và, như những liên hệ cá nhân, các tướng lãnh đã nghi kỵ, ngờ vực lẩn nhau trước khi đảo chánh. Trước khi đảo chánh tướng Nguyễn Khánh đã nói xấu về hai tướng Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm với tổng thống Diệm và một số nhân viên CIA. Qua nhiều chi tiết, chúng ta thấy các tướng lãnh làm việc chung vì phải tựa vào nhau để mưu cầu lợi quyền lợi riêng, chứ không thật sự có chung một lý tưởng. Trước ngày tướng Khánh chỉnh lý tướng Minh và bốn tướng Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, và Trần Văn Đôn, tướng Khánh thường xuyên rỉ tai với CIA về tin đồn những tướng lãnh nói trên sẽ theo Pháp để biến Việt Nam thành trung lập. Tháng 2-1964 tướng Nguyễn Văn Thiệu đã đưa nhiều sĩ quan thuộc Đảng Đại Việt nằm vào những chức vụ quan trọng trong quân đội. Khi được hỏi để làm gì, tướng Thiệu trả lời để triệt hạ cộng sản và những thành phần thân cộng. Nhưng CIA có nguồn tin cho biết ông Thiệu sẽ dùng sĩ quan Đại Việt để đảo chánh ông Khánh. Và chuyện xảy ra đúng như vậy. Tướng Khánh rất ngây thơ khi hù tướng Thiệu là Mỹ sẽ chơi ông. Nhưng, như chúng ta đã thấy, Mỹ chơi ông Khánh trước ông Thiệu! Một chi tiết khá lý thú về tướng Khánh: 25 tháng 2-1965, khi đại sứ Maxwell Taylor và các tướng trẻ hạ bệ và yêu cầu tướng Khánh rời Việt nam. Lúc ra đi vội vã tướng Khánh để quên lại một cặp táp nhiều tài liệu quan trọng. Nhớ lại, tướng Khánh yêu cầu CIA bằng mọi cách phải tìm lại cặp táp. CIA chuộc lại được và gởi qua Mỹ, giao lại cho tướng Khánh. Nhưng, trước khi cặp táp rời Việt Nam , đại sứ Maxwell Taylor yêu cầu cho ông một bản sao của tất cả tài liệu nói trên! Bản sao những tài liệu chắc chắn còn lưu trữ đâu đó trong văn khố chánh phủ Hoa Kỳ.

Những chi tiết được giải mật trong CIA & Generals: Trong các tướng lãnh VNCH, CIA kính trọng kiến thức của tướng Lê Văn Kim nhất. Trong một buổi thuyết trình về các kế hoạch kín đang thực hiện trên đất Bắc, trong khi mặt tướng Dương Văn Minh ngớ ra với những chi tiết tình báo quân sự, tướng Kim lấy được sự kính trọng của tình báo Hoa Kỳ với những câu hỏi rất chuyên nghiệp. Tướng Nguyễn Đức Thắng được người Mỹ kính nể. Trong một báo cáo, Giám Đốc CIA Richard Helms đề nghị cho tướng Thắng cùng một lúc giữ hai Bộ Quốc Phòng và Xây Dựng Nông Thôn, với tất cả cơ cấu và cố vấn Hoa Kỳ nằm dưới quyền thống thuộc của tướng Thắng. Về tướng Nguyễn Ngọc Loan, mặc dù người Mỹ không thích tướng Loan vì sự thẳng thắng của ông, nhưng họ nhận định tướng Nguyễn Ngọc Loan là một người thật thà, can đảm, biết được ẩn ý của người Mỹ. Tướng Loan không sợ khi nói thật ý nghĩ của ông với tình báo Mỹ. Đầu năm 1967, khi biết được Hoa Kỳ đang đi sau lưng chánh phủ VNCH, liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ông Loan nói với CIA là người Mỹ từ đây sẽ đi sau lưng người quốc gia và sau cùng người sẽ Mỹ bỏ đi, chỉ còn VNCH một mình đơn thân chống lại Bắc Việt. Một lời phát biểu mà tình báo Hoa Kỳ cho là tiên tri. Tình báo Mỹ cũng biết được tánh tình và quá khứ của một số tướng lãnh VNCH qua những lần đối thoại với tướng Trần Thiện Khiêm khi tướng Khiêm bị lưu đày qua Mỹ với cấp bậc đại sứ. Trong một bửa ăn ngày 19 tháng 4-1965 ở nhà hàng Sans Souci (một nhà hàng sang trọng bậc nhất ở Hoa Thịnh Đốn) tướng Khiêm thổ lộ ý nghĩ của ông về tướng Khánh và nhiều nhân vật khác. Qua nhiều chi tiết trong CIA & Genreals, đọc giả có thể suy luận, tướng Khiêm có một liên hệ lâu và thân mật với Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ.

Cuối năm 1966 Hoa Kỳ có ý định bắt liên lạc với một vài nhân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). Lý luận của CIA là họ muốn xâm nhập vào nội bộ để gây chia rẽ giữa cấp lãnh đạo MTGPMN và Hà Nội. Muốn lấy lòng tin của MTGPMN, CIA xin chánh phủ VNCH phóng thích vài nhân sự quan trọng của MTGPMN đang bị Cảnh Sát Quốc Gia VNCH giam giữ, trong đó có vợ của Trần Bạch Đằng (bà Mai Thị Vàng) và Trần Bửu Kiếm (bà Phạm Thị Yến), và một số cán bộ giao liên. Ban đầu VNCH phản đối, nhưng sau cùng vì áp lực cũng phải cộng tác với Hoa Kỳ trong kế hoạch liên lạc với MTGPNM. Từ tháng 2-1967 cho đến tháng -1968, VNCH thả bà Vàng và bà Yến, cộng thêm 10 cán bộ giao liên phía bên kia. Đổi lại, phía MTGPMN chỉ thả ba tù binh Hoa Kỳ. Nhưng từ đó VNCH nhất là tướng Nguyễn Ngọc Loan thấy Hoa Kỳ sẳn sàng xé lẻ nếu tình thế phù hợp với đường lối ngoại giao của họ. Nhưng phải thành thật nhận xét, qua những lời úp mở trong sách vì bị kiểm duyệt khá nhiều CIA rất có thể đã xâm nhập hay bắt liên lạc được với Trần Bửu Kiếm hay một nhân vật nào đó trong nội bộ đầu nảo của MTGPMN. Qua các tài liệu giải mật sau này, chúng ta thấy CIA có một hồ sơ rất chi tiết về nhân sự và cơ cấu của MTGPMN. Thêm vào đó, CIA cũng có luôn những báo cáo của Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam (là hậu thân của MTGPMN từ tháng 6-1969) gởi về cho Trung Uơng Cục Miền Nam, cập nhật những diễn tiến ở Hội Đàm Paris 1968-1973.

CIA xâm nhập sâu vào cơ cấu hành chánh và nhân sự của VNCH trong khoảng 1967-1975, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1967). Vì kết quả bầu cử phải được Hạ Viện VNCH chứng nhận hợp pháp nhất là một cuộc bầu cử mà hai ứng viên cùng chung liên danh (Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ), đã cấu xé nhau trước khi ngồi lại với nhau, và hầu hết liên danh thất cử nào cũng phản đối kết quả Hoa Kỳ chỉ thị cho CIA phải tìm mọi cách bảo đảm Hạ Viện sẽ chứng nhận kết qủa bầu cử. Hạ viện bỏ phiếu thuận 58 trên 43, xác nhận liên danh Thiệu-Kỳ đắc cử. Tài liệu trong CIA & Generals nói tình báo Mỹ đã khuynh đảo một số dân biểu trong hai bầu cử tổng thống 1967 và 1971 (và bầu cử Quốc hội của năm 1970). CIA mua chuộc được 10 dân biểu, nhưng muốn có thêm 10 tiếng nói ủng hộ nữa, để chắc ăn về những dự luật đang nghị luận! Tài liệu cho biết CIA đã tốn bao nhiêu tiền để thành lập hay giúp đỡ các đảng phái chính trị với hy vọng các lực lượng này sẽ ủng hộ và xây dựng một thế lực phía sau tổng thống Thiệu. Đảng Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, (của thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn) được CIA tài trợ với hy vọng trên. Nhưng khi biết được người đứng ra tổ chức là Đặng Đức Khôi một thân tín của ông Kỳ ông Thiệu từ chối ủng hộ. Để có một tổ chức riêng, ông Thiệu cho ra đời Lực Lượng Dân Chủ. Sau Đảng Dân Chủ, CIA tài trợ một lực lượng chính trị khác, có tên là Đảng Liên Minh Cách Mạng Xã Hội, với hy vọng gom lại tất cả lực lượng chính trị thành một mặt trận chung, dưới sự lãnh đạo chung của tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ. Nhưng vấn đề là hai ông Thiẹu, Kỳ không còn muốn xuất hiện chung với nhau ngoài công cộng! Sau cùng, với sự nài nỉ của người Mỹ, và vì lợi ích quốc gia, Khối Liên Minh được khai mạc ngày 4 tháng 7-1968, với sự chủ tọa của hai ông Thiệu và Kỳ. Khối Liên Minh tập họp hơn 25 đảng phái chính trị lớn nhỏ ở Miền Nam. CIA tài trợ Đảng này cho đến cuối năm 1969. Tuy nghe theo lời cố vấn của Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Thiệu lúc nào cũng nghi ngờ dụng ý của người Mỹ. Ông nói với nhân viên CIA là không những VNCH phải đương đầu với sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào Nam, mà còn phải đương đầu với sự xâm nhập của CIA vào nhân sự của chánh phủ! Tổng thống Thiệu tỏ thái độ dè dặt hơn vào cuối năm 1968, khi tổng thống Lyndon Johnson gởi cho ông một lá thư, cho biết có sự hợp tác của VNCH hay không, Hoa Kỳ cũng sẽ đơn phương xúc tiến hoà đàm với Bắc Việt và MTGPMN. Tổng thống Thiệu sau đó cắt đứt liên lạc với CIA hơn một tháng, chỉ cho họ tiếp xúc với phụ tá của ông, trung tướng Đặng Văn Quang. Nhưng khi ông Thiệu càng kín đáo, càng dè dặt, thì CIA lại càng muốn biết được những ý nghĩ của ông Thiệu bằng mọi cách.

Những tiết lộ khác trong CIA & Generals: Tình báo của MACV biết rõ ngày giờ Bắc Việt sẽ tấn công qua vùng Phi Quân Sự trong trận tổng công kích Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nhưng Hoa Kỳ không thông báo cho VNCH, hay tấn công vào các đơn vị Bắc Việt đang tập trung quân. Ngược lại, thái độ của đại tướng Creighton Abrams và đại sứ Bunker rất lạc quan, hai ông tuyên bố trong cao điểm của cuộc tấn công là Bắc Việt sẽ hết quân sau trận tổng tấn công. Những chi tiết này làm người đọc không khỏi thắc mắc, là có phải Hoa Kỳ đã cố ý để cho cuộc tấn công xảy ra? Chi tiết này làm cho đọc giả nhớ lại câu đối thọai của tổng thống Richard Nixon với Henry Kissinger là sau trận này, hai bên phải có một bên hết quân.

Từ tháng 8-1972, để chuẩn bị cho những thương lượng sau cùng của Kissinger và Lê Đức Thọ ở Paris, CIA được lệnh phải làm hao mòn sức chống đối của tổng thống Thiệu về một số điều khoản trong bản hiệp định (một trong những điều khoản ông Thiệu cực lực phản đối, là Hoa Kỳ đồng ý cho Bắc Việt để lại quân ở Miền Nam, Lào, Cam Bốt). Một số tài liệu giải mật ở giai đoạn này (tháng 8 1972 cho đến lúc ký Hiệp Định Paris, tháng 1-1972) cho thấy CIA có điệp viên nằm trong Trung Ương Cục, qua những tin tức họ nhận được về cuộc nói chuyện giữa Lê Đức Thọ và Kissinger.

Từ tháng 6-1973, liên hệ giữa thủ tướng Khiêm và tổng thống Thiệu trở nên khó khăn. Ông Khiêm nói với Trưởng Sở CIA Saigon, Thomas Polgar, là ông Thiệu đang tập trung quyền lực và càng lúc càng cố vị. Nhưng cũng từ tài liệu CIA, chúng ta đọc biết ông Khiêm thường xuyên liên lạc với các Trưởng Sở CIA, từ Lewis Lepham đến Ted Shackley, đến Polgar. Từ tháng 10-1972 đến ngày ký Hiệp Định Paris 1973, CIA đến gặp thủ tướng Khiêm nhiều lần để tìm hiểu về trạng thái tinh thần của tổng thống Thiệu.

Một ngày trước khi tướng Phạm Văn Phú gặp phái đoàn tổng thống Thiệu ở Cam Ranh (14 tháng 3-1975). đại tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, đã thông báo tin này ra cho CIA. Cho đến lúc đó, CIA và Phòng Tùy Viên Quốc Phòng (Tùy Viên Quân Sự) vẫn chưa biết tổng thống Thiệu quyết định gì về Vùng II. Khi CIA xác nhận tin này vào chiều ngày 14, thì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đang chuẩn bị di tản. Căn cứ vài tài liệu giải mật này, cho đến ngày hôm nay, CIA vẫn chưa xác định được ông Thiệu ra lệnh gì cho ông Phú trong buổi họp dịnh mệnh ngày 14 tháng 3-1975.

Trong tuần lễ cuối cùng trước ngày ký Hiệp Định Paris, nhân viên của CIA, tòa Đại Sứ, và Phòng Tùy Viên Quốc Phòng cùng nhau làm áp lực với tổng thống Thiệu và các viên chức thân cận chung quanh ông Thiệu. Đại sứ Bunker được lệnh của Kissinger cho ông thiệu coi một số hồ sơ mật của Nixon để hăm dọa ông Thiệu mánh lới đó cũng được lập lại với các ông Hoàng Đúc Nhã. Trần Thiện Khiêm và Đặng Văn Quang. Trong một cuộc đối thoại với Rodney Landreth, ông Nhã hỏi thẳng, Tại sao Hoa Kỳ làm áp lực với VNCH mà không là Bắc Việt Hoa Kỳđang đi ngược lại những gì họ đã chủ định thực hiện Nhưng câu hỏi của ông Nhã không thành vấn đề vào tuần lễ cuối cùng của tháng giêng, 1973.

Tuy là tài liệu được giải mật, nhưng một số lớn chi tiết, tên tuổi của những điệp viên, điềm chỉ viên trong sách vẫn còn bị kiểm duyệt. Nhưng nếu đọc giả gom những chi tiết trong CIA & Ngo, trong CIA & Generals, và so sánh với một số tài liệu đã được giải mật từ Bộ Ngoại Giao (Foreign Relations of the United States , Vietnam ), đọc giả có thể suy luận ai là ai nằm dưới những lằn đen kiểm duyệt.

Với giới hạn của của ban chủ biên, năm, sáu trang điểm sách chỉ nói lên được một phần của CIA and the House of Ngo: Action in South Vietnam, 1954-1963; và, CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam .

Muốn tham khảo hai tác phẩm bằng Anh ngữ, xin mở theo địa chỉ sau:

1. CIA and The Generals:

http://www.saigonec ho.com/pdfs/ CIA_AND_THE_ GENERALS. pdf

2. CIA and The House of Ngo (xin chờ khoảng một phút để máy download)

http://www.saigonec ho.com/pdfs/ CIA_AND_THE_ HOUSE_OF_ NGO.pdf


=

No comments:

Post a Comment