Pages

Friday, July 17, 2009

BÙI MỸ DƯƠNG * TÔI NHÌN TÔI


TÔI NHÌN TÔI
Bùi Mỹ Dương



Tôi là con gái lớn của một gia-đình trung-lưu. Người ta thường gọi những bản nhạc hay những bài thơ dễ thương làm vào những niên-đại đó là: thời “Tiền-chiến”, nghĩa là trước Thế-chiến Thứ Hai. Cụ Bùi-Viện làm quan dưới triều vua Tự-Đức là anh ruột cụ nội tôi. Cụ là một nhà văn-học tiên-tiến; ngoài ra cụ còn lập đội hải-quân tuần-duyên giữ an-ninh cho miền biển. Các cụ em nếu không đỗ làm quan thì cũng là những người gương mẫu trong việc giáo-dục dân làng. Cụ nội và ông nội tôi cũng theo con đường vạch sẵn vì thế gia-đình thanh-bạch.

Bố tôi là lớp người trẻ học chữ Nho (Hán) sau học chữ Quốc-ngữ như nhà thơ sông Vị đã than: “Nào có ra gì cái chữ Nho, Ông Nghè, ông cống cũng nằm co” Nhà nghèo việc theo Tân-học rất khó-khăn vì phải lên tỉnh lớn mới có trường, bố tôi cũng chịu bao cay đắng nhưng với sự cố-gắng, ông là người đầu tiên có bằng trung-học Pháp (Dipplome) trong làng. Ông nội mất sớm, bố tôi phải vào trường nghề: trường Sư-phạm, sau là trường Bưởi, tiền-thân của trường Chu-văn-An. Mẹ tôi, con gái một; ông ngoại là họa-sĩ truyền-thần.

Cụ thức-thời nên mẹ được đi học, bà nói, viết thông-thạo Pháp-ngữ, ăn mặc theo thời-trang bấy giờ như những cô gái tả trong tiểu-thuyết của “Tự-lực văn-đoàn”: áo dài Lemur của họa-sĩ Cát-Tường, đầu vấn tóc trần, lông mày kẻ cong. Sống ở tỉnh nên bà giỏi nữ-công gia-chính: đan, thêu, cỗ bàn. Bố tôi có tài làm thơ, viết văn. Khi còn là học-sinh ông đã có bài đăng trong báo Loa, Ngày Nay, và sau này như Tự-Do, Chính-Luận v.v. cùng những thơ, kịch cho Đài Phát-thanh Sài-Gòn. Bà nội tôi kể khi có mang con, bà đã được “giáo thai”vì cụ nội tôi đọc và giảng-giải thơ văn cho nghe với hy-vọng bố tôi thích văn thơ. Theo học về ngành giáo-dục ông đã dành cả đời cho công-cuộc viết sách giáo-khoa rồi lại chủ-trương nhà xuất-bản Nhật-Tảo với mục-tiêu là giáo-dục giới trẻ: trồng người. Ông là tác-giả của trên 200 bộ sách được Bộ Giáo-dục VNCH dùng làm sách giáo-khoa trong các trường học tại Việt-Nam. Với hoài-bão thương yêu tuổi trẻ ông chủ-trương tờ báo Tuổi-xanh. Ra hải-ngoại, sợ nếu không được chăm sóc thì thế-hệ tương-lai sẽ là một lũ lai căng mất gốc vì thế những cuốn sách học chữ Việt và bộ Việt-sử Bằng Tranh lại ra đời. Chúng tôi gồm 6 chị em: 2 gái, 4 trai. Tôi là chị cả và cô em gái áp út. Như đã nói bố tôi là nhà giáo, viết rất nhiều sách giáo-khoa nên chị em chúng tôi cũng được chăm sóc rất cẩn-thận. Thời-kỳ Kháng-chiến, trường-sở bị phá-hủy, việc học của tôi luôn bị gián-đoạn. Khi lên Hà-nội, còn đang học Lớp Nhì, vì loạn-lạc chạy giặc nên chữ nghĩa chẳng là bao. Tôi học lại lớp mà cũng không theo kịp.

Tính nhân hay chia hai con cũng làm không thông, rồi bài do cô giáo đọc tại lớp, ghi cũng không kịp. Bố tôi hiểu và kiên-nhẫn dìu-dắt bằng cách là vẫn cho theo học tại trường nhưng về nhà dạy thêm. Ngày nào cũng hai bài toán và một bài luận-văn. Nhờ thế Lớp Nhất (Lớp Năm) tôi theo kịp các bạn dễ-dàng và vượt qua cửa ải với cái “Bằng Tiểu-học”. Những bạn tại trường Sinh-Từ khi học Lớp Nhì với cô Liên-Dung, Lớp Nhất với bà Nguyễn-thị-Thơm tôi còn nhớ vài người bạn như: Hưng, Ngà, Oanh, Học, Hòa, Bích-Ngọc, Liên, Lan và nay tình-cờ một cô bạn ưu-ái tìm tới: Nguyễn-thị-Thủy mà chính kẻ này không nhớ! Có thể bạn tôi hiền-lành nhút-nhát nên không có ấn-tượng nào trong đầu cô bé mới chớm tuổi “teen”. Ở ngoài Bắc trường trung-học công-lập chỉ có: Chu-văn-An, Nguyễn-Trãi cho nam-sinh và duy nhất một trường cho nữ-sinh là trường Trưng-Vương. Thật khó-khăn vì học-sinh đông mà sĩ-số nhận rất ít nên ước-vọng hầu như viển-vông và không-tưởng cho con bé nhà quê như tôi. Để giúp, bố tôi cố gắng nhồi và tôi cố nuốt bằng những bài toán, nào là xe chạy ngược chiều, xuôi chiều bao giờ gặp nhau? Bao lâu đi hết quãng đường? Cái vòi chảy ra, cái vòi chảy vào, tỷ-trọng, người buôn trâu bò, gà vịt, tính cho ra số chân của chúng? rồi bán cam, quít với phân-số-thức thật là rắc-rối nhức óc. Những bài luận-văn nào tả cảnh, tả tình, bình-luận ca-dao, châm-ngôn v.v. bài học sử, địa, vệ-sinh, khoa-học thường-thức, văn ôn võ luyện mờ người.


Ông Trời thấu lẽ nên đã cho “ngáp phải ruồi” và con bé được nhận vào trường nữ- trung-học Trưng-Vương. Bố mẹ hài lòng vì bõ công dạy-dỗ, còn tôi thì vui và hãnh-diện và từ nay nếp sống có phần thay đổi. Lên trung-học tôi không phải cuốc bộ mà thay bằng chiếc xe đạp mới láng-cóong, áo cộc thay bằng áo dài tha-thướt đẹp ơi là đẹp. Sách vở nhiều nên được mua cặp da. Oai quá phải không các bạn? Chương-trình học thêm nhiều môn nào là toán gồm Hình-học, Đại-số. Khoa-học có Vật-lý, Hóa-học, Vạn-vật. Sử có sử Việt-Nam, sử Thế-giới, Việt văn, sinh-ngữ Anh-văn hay Pháp-văn. Mỗi môn học là cô hay thầy riêng nên vui vì có sự thay đổi trong từng giờ học. Một số bạn tại trường Trưng-Vương đã cùng vào miền Nam nên đã là những người bạn thân tới khi ra trường như Diệu-Vinh, Uẩn-Ngọc, Giáng-Tuyết, Nguyễn-thị-Tâm. Đất nước chiến-tranh, trẻ con phần lớn thất-học vì loạn-lạc. Lũ chúng tôi bắt đầu vào trung-học hơn hoặc kém cũng chỉ khoảng 11, 12, 13 tuổi là cùng. Vừa rời khỏi tiểu-học nên cách chơi, cách sống vẫn còn vương-vấn những trò chơi trẻ con. Năm Đệ-thất lũ mán mường ngây-ngô đã quen với bè-bạn và khung trời mới nhưng rồi biến-cố lớn xẩy đến: đất nước bị chia cắt, miền bắc vĩ-tuyến 17 thuộc vào tay Cộng-sản, và miền nam vĩ-tuyến thuộc chính thể Quốc-gia.


Đã có kinh nghiệm với Cộng-sản nên trên một triệu người đã rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn di-cư vào Miền Nam nắng ấm để hưởng không-khí tự-do. Gia-đình tôi là một phần-tử trong đám người đó, ra đi với niềm luyến-tiếc khôn nguôi về nơi chốn đã bao đời sinh sống. Theo gia-đình vào Miền Nam, cùng trong một nước khoảng cách chỉ chừng trên 1000 cây-số nhưng vì loạn-lạc, phương-tiện giao-thông lại khó-khăn nên hai miền cách-biệt làm cho người đi có cảm-nghĩ bất-ổn như vào nơi nguy-hiểm đầy sương-lam, chướng-khí Sài-gòn thủ-đô của Miền Nam tự-do nơi gia-đình tôi chọn làm đất dung thân: Sài-gòn rộng lớn, xa-hoa, phồn-thịnh. Mới di-cư nên chúng tôi phải học nhờ trường nữ-trung-học Gia-Long một ngôi trường đồ-sộ và đẹp.Vì kẻ đi người ở, để đủ sĩ-số trường tuyển lựa thêm. Chúng tôi quen thêm bạn mới, mỗi lớp chừng 50 học-sinh. Lũ bạn cũ cũng bị phân-tán ra nhiều lớp khác nhau nên thương thương nhớ nhớ chúng tôi tìm nhau và quen thêm được các bạn đồng-niên-khóa. Khóa học chúng tôi có 5 lớp nhưng sau năm Đệ-ngũ ban giám-đốc trường muốn sự học đồng-đều giữa các học-sinh nên đã xếp lại. Vì thế một cuộc chia lìa nữa. Những bạn của lớp Đệ-tứ B2 cùng bàn gồm Lệ-Giên, Tân-Nguyên, Kim-Hân, Thúy-Nga. Chúng tôi còn giữ liên-lạc tới bây giờ. Kỳ thi trung-học Đệ-nhất-cấp cũng làm rơi rụng ít nhiều. Năm Đệ-tam chia theo ban: người theo toán-học, người theo ban khoa-học thực nghiệm, những ai có tâm hồn thi-sĩ thì theo ban văn-chương.

Chúng tôi gồm “Tứ-quái” Cương, Dung, Dương, Giang văn dốt vũ dát đành lấy công làm lãi, nghĩa là chọn ban Khoa-học Thực-nghiệm, học bài mệt nghỉ. Hăng say và ganh đua chúng tôi phải dùng tới Miss Coffee thức vì thế dung-nhan tàn-tạ, mặt mũi đầy mụn, vóc hạc xương mai, chả bù với bây giờ đều có họ với bà Phán Cảnh! Năm năm tiểu-học còn quá nhỏ song bẩy năm trung-học, vào tuổi mà cơ-thể lẫn tâm-hồn đều thay đổi, tuổi Teen hay tuổi dậy-thì, tuổi mới lớn. mới mở mắt nhìn đời, biết yểu điệu làm duyên làm dáng, biết yêu vụng nhớ thầm. Tóm lại đó là cái tuổi dễ thương và dễ yêu nhất. Ở tuổi này tâm-hồn ngây-thơ hồn-nhiên, tuổi trăng tròn mười sáu với bao mộng mơ. Có thể ở tuổi này bộc-lộ con người thật cái “tính bản-thiện”. Ngày nay trải qua bao năm tháng ở trường đời nghĩ lại thấy thời kỳ trung-học thật là đẹp, đẹp nhất của cuộc đời. Thầy cô là mẫu-mực là ước mơ nên sau này tôi đã chọn nghề “gõ đầu trẻ”. Qua ba năm tại trường Đại-học sư-phạm Sài-gòn và hành-nghề cho tới khi mất nước.

Thích thơ văn, thèm xem tiểu thuyết, mặc dầu tốt-nghiệp trung-học ban khoa-học-thực-nghiệm nhưng tôi đã theo môn văn-chương của trường Đại-học Sư-phạm Sài-Gòn. Ban Việt-Hán chúng tôi gồm 33 sinh viên, 6 nữ và 27 nam, số bạn gái này có 3 chị sinh trưởng ở miền Nam là Phương-Chi, Cẩm-Nhung, và Tuyết-Mai còn Vũ thị Uyên, Quỳng-Giao và tôi là dân Bắc-kỳ , chúng tôi còn là bạn cùng trường Trưng-Vương nữa. Với nam sinh viên đông gấp năm nên phái nữ được cưng chiều hơn vì đã làm cho lớp có thêm sinh khí vui tươi hơn. Văn chương Việt-Nam chịu ảnh hưởng của Trung-hoa nên phải học và tìm hiểu về chữ Hán cũng như chữ Latin trong văn chương Anh Mỹ. Lớp học chuyên về văn nhưng có hơn 2/3 sinh viên tốt nghiệp trung-học ban khoa-học, có thể với tinh thần khoa-học sẽ khám phá được cái hay cái đẹp trong văn chương một cách chính xác chăng?

Chúng tôi hãnh-diện được thụ giáo cụ nghè cuối cùng của triều Nguyễn : cụ nghè Nguyễn sĩ-Giác, các cụ Tú của thời cổ học xa xưa: cụ Trần văn Thược, cụ Vũ Huy-Chiểu, cụ Thẩm-Quỳnh, cụ Phan thê-Roanh có thêm chút Tây học trong Hán văn. Cụ Nguyễn khắc Kham dạy Quan-thoại, thầy Trần trọng-San dạy thơ Đường, thầy Nguyễn sĩ-Tế dạy văn chương Việt-Nam, thầy Nguyễn khắc-Hoạch dạy những tác phẩm văn chương chữ Nôm, thầy Nguyễn huy-Bảo dạy phần sư-phạm, thầy Nghiêm-Toản dạy cách soạn bài và giảng một bài văn bậc trung-học. Công ơn các thầy đã giúp tôi giảng dạy lũ hậu bối và hành nghề cho tới ngày rời quê-hương. Nhớ khi sắp mãn-khóa cả lũ lo sợ ngày tốt nghiệp thứ nhất là phải chia tay, phải vào đời với cuộc sống thực tế không còn hưởng thời gian thơ mộng, tươi đẹp của những ngày còn là sinh-viên.

Nhưng rồi mọi việc cứ tiến theo vòng quay của vũ-trụ, chúng tôi được phân phối theo nhu cầu của các trường sở tứ tán khắp nơi, sau này may mắn là gặp nhau ở những hội đồng chấm thi mà thôi. Tôi lập gia-đình vào năm cuối cùng của đại-học , chồng tôi là quân-y-sĩ nên phải ra chiến trường chu toàn bổn phận người trai thời chiến. Nhiệm sở đầu tiên là tỉnh Pleiku nơi địa đầu giới tuyến. Giáo sư Nghiêm-Toản giảng tác phẩm “ Chinh phụ ngâm” thường mang tôi ra hỏi về nỗi khắc-khoải lo âu của người chinh-phụ khi có chồng đi chiến đấu miền xa. So sánh giữa tâm trạng của chinh phụ ngày xưa và tâm trạng của tôi ngày nay? Hoàn cảnh chiến tranh các thanh niên lo bảo vệ non sông vì người xưa đã xác quyết nhiệm vụ: “Quốc-gia hưng-vong thất phu hữu trách”, quốc biến gia vong nên các thanh niên thời đó đều là quân nhân. Đó là con đường học vấn của tôi, cũng như mọi người tôi có người yêu và đi tới hôn nhân. Tôi còn nhớ mấy câu thơ chúc mừng của thầy tôi cụ Tú Trần văn Thược tặng nhân ngày lễ vu qui. “Nguyễn Bùi hai họ kết tình thân, Nghĩa thắm nay hơn cả Tấn-Tần ……. Duyên lành tài-tử sánh giai nhân “ Dạy trẻ cứu người cùng nỗ-lực, Vợ chồng vui sống một đời xuân.” Đời quân ngũ nay đây mai đó khi lên núi “Pleiku” lúc xuống biển “Gò công”, phận gái theo chồng vì thế nơi sinh của các con mang nhiều địa danh của đất nước thân yêu: Sàigòn, Pleiku, Chợ Lớn.

Tưởng cuộc đời như vậy cũng tạm ổn đối với phận nhi-nữ thường tình nhưng năm 1975 cơn hồng-thủy ập xuống khiến cả nước đau thương, người dân liều mạng đi tìm lẽ sống. Gia-đình tôi cũng trôi nổi theo vận nước, bao công lao gây dựng nay tan theo mây khói, với hai bàn tay trắng và bốn con thơ lạc loài nơi xứ lạ. Chúng tôi phải gây dựng từ đầu với bao trở ngại bủa vây nào tuổi đời chồng chất, ngôn ngữ mới, sống giữa môi trường lạ , phong tục tập quán khác hẳn. Bao năm mài đũng quần ở trường để có một nghề, bỏ nước ra đi là mất tất cả , học nói, học viết, học nghề mà chỉ trong một thời gian ngắn để tự kiếm sống nuôi gia-đình. Rút ngắn thời gian tôi phải gánh trách nhiệm lo kinh-tế cho chồng yên tâm học lấy lại bằng hành nghề, hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn.

Với đàn con chúng tôi đặt trọng tâm vào việc xây dựng tương lai cho chúng, mặt khác giúp các con giữ được tinh thần, ngôn-ngữ, lối sống Việt-Nam. Lưu lạc trên quê hương thứ hai gần 30 năm, con cái trưởng thành có nghề nghiệp tốt và may mắn hơn nữa là chúng giữ được bản sắc dân-tộc. Mừng vì không mang mặc cảm với gia-đình, Tổ-quốc, dân-tộc là các con vẫn còn là người Việt: nói tiếng Việt, viết chữ Việt, lối sống vẫn theo phong-tục tập-quán nề nếp của người Việt-Nam, nhất là có tinh thần quốc-gia vững mạnh. Các cháu lớn viết và nói tiếng Việt thông thạo vì khi sang Mỹ chúng đã 10,8,6 tuổi chỉ có cháu út mới 11 tháng, tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đó thì qúa thiệt thòi. Với chiều dài lịch-sử hơn 4000 năm, một nền văn chương phong-phú chữ Hán, Nôm, và chữ Quốc-ngữ nên chúng tôi hướng dẫn và đào xâu hơn bằng mọi phương tiện. Nơi đây không có trường nên sách vở là ông thày đắc lực nhất cho việc trau-dồi kiến thức. Làm các cháu hãnh diện là người Việt-Nam qua những trang chiến sử oai-hùng lập quốc và giữ nước bằng cuốn Việt-Nam sử-lược của cụ Trần trọng-Kim. Những áng văn chương chữ Hán và chữ nôm của các thi hào Nguyễn Du, Đoàn thị-Điểm, Nguyễn gia-Thiều, Nguyễn đình-Chiểu, Lê thánh-Tôn, Nguyễn bỉnh-Khiêm, Nguyễn công-Trứ, Cao bá-Quát, Trần tế-Xương, Nguyễn-Khuyến, Tản-Đà v…v… Qua thời đại chữ quốc-ngữ với bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, kể tượng trưng như nhóm Tự-Lực-Văn-Đoàn, các thi sĩ thời tiền chiến v..v… Lối dậy là làm sao cho chúng thích thú rồi sau đó chúng tự tìm tòi và học hỏi thêm, bằng chứng là các cháu ham đọc và mua rất nhiều sách viết về quê-hương Việt Nam, văn chương cũng như lịch-sử. Cháu thứ ba còn học thêm chữ Nôm và đã được nhà khảo cứu chữ Nôm Nguyễn bá-Triệu cho cùng hợp soạn và hiệu đính lại những tác phẩm cổ như: Phan-Trần, Chinh phụ ngâm, Bần nữ thán, truyện Kiều v..v..Ngoài ra cháu cũng làm được thơ Lục bát, song thất lục bát, thơ Đường, và hát nói, câu đối. Cháu Út sang đây còn rất nhỏ cũng đọc thông viết thạo, phát âm tiếng Việt rất chuẩn . Năm 1975 những người Việt di cư đã bỏ phiếu bằng chân là chối bỏ chủ nghĩa Cộng-sản, các cháu cũng được dạy và cho biết lý-do của cuộc di cư để sau này chúng có một lập trường Quốc-gia vững chắc không mắc mưu tuyên truyền của Cộng-sản. Xa đất nước hơn nửa thế-kỷ giờ đây tuổi hạc đã cao, đã là những lão ông, lão bà, câu “sinh hữu hạn, tử vô kỳ” có nghĩa là ngày sinh ra đời định trước được còn ngày về quê về núi thì không ai biết? Giờ đây cũng tạm yên tâm vì các con đã khôn lớn đủ trí khôn tìm về nguồn, hãnh-diện về lịch-sử và văn-hóa Việt-Nam. Cám ơn Cuộc đời, Tổ-Tiên, Ông bà, Bố Mẹ, trường-sở, thầy cô-giáo, chồng con , các em, họ-hàng, bạn hữu đã cho, đã làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa và gía-trị. Đây là tâm sự của một người đã sống gần hết cuộc đời với bao vinh nhục vui buồn nhưng vẫn biết ơn và yêu đời vì nghĩ mình vẫn được ưu đãi, thương yêu. Nam California 11/04. Bùi Mỹ Dương

No comments:

Post a Comment