Pages

Saturday, August 22, 2009

TÒA TOÀ KHÂM SỨ HÀ NỘI

HIỆN TƯỢNG CAO ĐÌNH THUYÊN
Lửa bừng lên từ Toà Khâm Sứ


Nhìn lại những biến cố từ chưa đầy 2 năm nay, ta có thể nói : hình như lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã đến một khúc quanh mới. Có thể lấy ngày 25-01-2008 làm mốc, sau khi hàng rao sắt bao quanh Toà Khâm Sứ cũ ở Hà Nội bị giáo dân lay sập, và tượng thánh giá cao 5m được cung nghinh đến trước mặt tiền toà Khâm Sứ theo tiếng nhạc của 2 đội kèn trống của Hàm Long và Thượng Thuỵ khi cất bài ca mừng các Thánh Tử Đạo Tiếng nhạc oai hùng vang lên khắp cõi trời Việt Nam… hàng ngàn con tim như có thể vỡ ra vì vui sướng. Nhưng cũng từ ngày đó, trong cuộc hành trình đi tìm công lý, tìm tự do, tìm sự thật, Dân Chúa trên quê hương Việt Nam đã gặp biết bao nỗi truân chuyên. Có lúc tưởng gần như tới đích thì lại phải khựng lại. Nhìn từ bên ngoài, hai vườn hoa tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà cho thấy rằng cuộc đấu tranh của tín hữu Công Giáo đã kết thúc bằng thất bại. Nhưng đó là nhìn từ bên ngoài.


Tìm hiểu kỹ hơn, ta sẽ thấy rằng qua các biến cố Toà Khâm Sứ – Thái Hà, người tín hữu Công Giáo Việt Nam hôm nay đã vượt qua nỗi sợ hãi, đã công khai bày tỏ một lòng tin sắt đá, đã đạt tới mức trưởng thành theo giáo huấn Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Không ai chứng kiến hay theo dõi tin tức trên mạng liên quan đến hai phiên xử vụ Thái Hà mà không nhận ra điều đó.


Lửa về đến Tam ToàNếu khi xảy ra vụ Thái Hà mà đức cha Phao-lô Ma-ri-a Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh, chỉ ở nhà đọc báo và xem tivi thì mọi sự đã khác. Nhưng ngài đã đích thân đến Thái Hà hành hương. Và khi đã nghe tận tai, thấy tận mắt thì ngài đã công khai bày tỏ ý kiến của mình, lập trường của mình, xác tín của mình. Và câu nói đáng ghi vào lịch sử của ngài, không phải là “chuyện của Thái Hà thì Thái Hà lo” (kiểu như chuyện của Thiên An thì Thiên An lo), nhưng chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh. Chính câu nói đó đã là cái mồi chuyển lửa từ Thái Hà tới Tam Toà như ta có thể chứng kiến từ một tháng nay.


Vừa ăn cướp vừa la làng
Khi xảy ra vụ Tam Toà (thuộc giáo phận Vinh) thì giám mục Vinh đang ở nước ngoài. Chính nhờ công nghệ thông tin mà ngài đã được báo cáo đầy đủ, và kịp thời chỉ đạo, để ở nhà, linh mục đoàn cũng như giáo dân, biết cách cùng nhau ứng phó theo tinh thần Ki-tô hữu. Trong vụ Tam Toà cũng như các vụ Toà Khâm Sứ và Thái Hà, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục sách lược vừa ăn cướp vừa la làng mà ai cũng biết, có khác chăng là mức độ tàn bạo, vì trong vụ Tam Toà thì không những giáo dân mà còn có 2 linh mục bị đánh trọng thương. Vấn đề là giáo phận Vinh ứng phó như thế nào.


Cuộc tập dượt vĩ đạiỞ đây không nhắc lại diễn biến của vụ Tam Toà đã được ghi lại tỉ mỉ trong rất nhiều bài viết, mà chỉ dừng lại ở ngày 15-08-2009, đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng giáo phận Vinh. Chỉ cần xem mấy băng-rôn dọc đường hay ngay tại lễ đài, ta cũng thấy được tinh thần bất khuất của cộng đoàn tín hữu Vinh :
– “Cả giáo phận chung tay hành động để cứu lấy Tam Toà.”
– “Chính quyền Quảng Bình phải chịu quả báo vì hành động bất công của mình.”
– “Cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về công lý, về những người yêu mến Giáo Hội.”
– “Công lý sẽ đẩy lùi bất công.”
– “Tam Toà vững tin.”…


Người ta ước tính có khoảng 200.000 người tham dự thánh lễ tại quảng trường Toà Giám Mục Xã Đoài hôm 15-08. Điều đáng ghi nhận nữa, là sáng kiến của ban tổ chức : Thánh lễ khai mạc lúc 8 giờ 30. Đến giờ đó, các đoàn hành hương từ các nơi về Xã Đoài mà không đến kịp quảng trường Toà Giám Mục, thì cứ dừng lại dâng lễ tại chỗ. Những người đi trên quốc lộ 1A ngày hôm đó, khi đi qua phần đất Nghệ Tĩnh, chắc không khỏi ngạc nhiên vì những gì họ chứng kiến, tỉ dụ cảnh giáo dân tham dự thánh lễ ngay bên vệ đường, hay các biểu ngữ họ mang theo.
Sống dưới chế độ hà khắc mà tập hợp được 200.000 người đã là chuyện phi thường rồi, nhưng điều đáng nói hơn, chính là thông điệp được phát đi từ cuộc tập hợp đó, qua lời tuyên bố của vị Giám mục Chủ tế, đức cha Cao Đình Thuyên.


Một thông điệp hết sức rõ ràngThông điệp gồm hai điểm. Điểm thứ nhất : Giáo Hội không bạo động, Giáo Hội không nổi dậy. Giáo Hội chỉ đòi chân lý, đòi công bình. Có nghĩa là nhà cầm quyền khỏi lo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nổi dậy và dùng bạo lực để cướp chính quyền như Việt Minh hồi thập niên 40. Nhưng Giáo Hội đòi chân lý, đòi công bình. Đòi chứ không phải đi xin. Đòi bằng đối thoại, bằng trao đổi suốt bao nhiêu năm rồi, mà không đạt hiệu quả, thì nay đòi cách khác. Cuộc tập hợp 200.000 giáo dân ngày 15-08-2009 tại Xã Đoài trong ôn hoà và trật tự là một cuộc tập dượt thành công mỹ mãn. Đức cha Thuyên không phải là người văn chương chữ nghĩa, thường xuyên có bài đưa lên báo. Cũng không phải là người nói nhiều, nhưng khi đã nói, thì câu nào ra câu đó. Trong các vị giám mục đương chức, ngài không thuộc loại khoa bảng, bằng cấp đầy mình, nhưng không ai có kinh nghiệm sống và làm việc với chính quyền cộng sản như ngài.


Nếu nhìn khuôn mặt người nói, và chỉ thấy một ông già đã gần đất xa trời, mà chỉ chờ ngày ông “quy tiên”, thì chớ vội mừng. Và đây là điểm thứ hai của thông điệp : Giáo phận Vinh không chỉ có 1 Cao Đình Thuyên nhưng có tới 500.000 Cao Đình Thuyên. Đường lối của giáo phận Vinh, giáo sĩ cũng như giáo dân, đã quá rõ. Trong tương lai, vị nào đến thay đức cha Thuyên trong cương vị giám mục, thì cũng vậy thôi.


Cùng một ngôn ngữKhi đức cha Thuyên khẳng định là chỉ đòi chân lý, đòi công bình, ngài không làm gì khác hơn là lặp lại theo cách của ngài, nội dung lá thư ngỏ của HĐGMVN năm 2002. Cũng may mà trong HĐGM còn một vị nhớ đến văn kiện đó và long trọng nhắc lại ngay tại trụ sở UBND/TP. Hà Nội, đó là đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội. Nay thì đức cha Kiệt biết mình có ít nhất là một đồng minh. Giả sử đức Tổng Kiệt bị buộc phải rời Hà Nội, thì người thay thế được chính quyền chấp nhận, hẳn là người thuộc giới “yêu nước” ! Còn tại Vinh, người kế vị giám mục hiện nay có mang tên gì đi nữa, thì về tinh thần, chỉ có thể là một Cao Đình Thuyên II mà thôi. Nhìn vào hàng giám mục hiện nay, chắc không phải quá lời nếu nói đức cha Cao Đình Thuyên là một hiện tượng.

Những chuyện lạ đờiNghe đâu có vị giám mục hay tin có tai nạn xảy ra nhân chuyến hành hương của tín hữu Việt Nam tại Missouri bên Hoa Kỳ thì đã tức tốc biên thư hiệp thông, nhưng với anh chị em giáo dân và linh mục bị đánh gãy tay, gãy răng thì không hề có một lời hiệp thông chia sẻ. Lạ hơn nữa, là theo lời kể của một linh mục có mặt tại cuộc hành hương La Vang dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời năm nay, trong các bài giảng cũng như trong các ý cầu nguyện trong lời nguyện tín hữu, chớ chi có một lời nhắc đến anh chị em tín hữu Tam Toà bị bách hại. Đừng quên rằng từ 2006 trở về trước, Tam Toà là một giáo xứ của Tổng giáo phận Huế. Chẳng biết phải hiểu thế nào về mầu nhiệm hiệp thông ta tuyên xưng khi đọc kinh Tin Kính và thường nghe trong các bài giảng.


Học được gì qua đại lễ 15-08 tại Xã Đoài ?Thật là uổng nếu không rút tỉa được một bài học từ đại lễ 15-08 tại Xã Đoài.
Với thiện chí sẵn sàng đối thoại, với lòng kính trọng đối với chính quyền, sau khi đã gửi văn thư hết lần này đến lần khác, chờ đợi suốt bao nhiêu tháng nếu không phải là bao nhiêu năm, mà vấn đề không được giải quyết, hoặc giải quyết cách không thoả đáng, thì tranh đấu bất bạo động là giải pháp cuối cùng. Đã tranh đấu, phải chấp nhận hy sinh : hy sinh cái lợi trước mắt để được cái lợi lâu dài. Tranh đấu muốn thành công thì phải mạnh. Sách lược của mọi chế độ độc tài là chia để trị, hay bẻ đũa từng chiếc. Sách lược này trở thành vô hiệu khi mọi người đoàn kết. Sự hiện diện của 200.000 người trong một cuộc lễ cho thấy sức mạnh của lòng tin, của tình đoàn kết, đồng thời cho thấy khả năng quy tụ của người lãnh đạo. Và đây mới chỉ là một cuộc tập dượt thôi, vì số tín hữu Công Giáo Vinh là nửa triệu người. Nếu giáo phận Vinh có tới nửa triệu Cao Đình Thuyên, và nếu trong hàng giám mục mà có được 30 Cao Đình Thuyên, thì Giáo Hội Việt Nam sẽ có 6 triệu Cao Đình Thuyên. Trong giả thuyết đó, với tư thế đó, đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho chính nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ sẽ to lớn vô cùng.


Lửa cháy đến Sài Gòn
Sáng 20-08, vào trang mạng Vietcatholic để săn tin, hình ảnh đập vào mắt tôi là nhà thờ Thủ Thiêm với bài mang tựa đề “TGP Saigon (chứ không phải Tp. Hồ Chí Minh nha !) không di dời nhà thờ Thủ Thiêm cũng như không di dời Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm”. Tôi thở phào rồi buột miệng : “Vậy mới được chứ !” Chẳng biết có phải cuộc lễ tưng bừng tại Xã Đoài hôm 15-08 đã gợi hứng cho lãnh đạo giáo phận Sài Gòn hay chăng, nhưng điều không thể chối cãi là lửa từ Toà Khâm Sứ, từ Thái Hà, từ Tam Toà, từ Xã Đoài… đã lan đến Thủ Thiêm, đến Sài Gòn.


Kết luậnTôi nhìn hình tháp nhà thờ Thủ Thiêm, nghĩ đến cộng đoàn Dân Chúa nơi vùng đất một thời hoang dã này, nghĩ đến bao thế hệ nữ tu Dòng Mến Thánh giá, mà nước mắt cứ muốn trào ra. Chỉ cần Dân Chúa, bắt đầu từ những người lãnh đạo, nhận ra sức mạnh của lòng tin, của tình đoàn kết, chấp nhận hy sinh cái lợi trước mắt, chúng ta sẽ có một sức sống tinh thần mãnh liệt, cho chúng ta khả năng đóng góp không chỉ cho Giáo Hội Công Giáo, nhưng cho tất cả các tôn giáo, cho cả cộng đồng Dân Tộc Việt Nam hôm nay.
Sài-gòn, ngày 21 tháng 08 năm 2009Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofmpascaltinh@gmail.com




No comments:

Post a Comment