NÚM RUỘT QUÊ HƯƠNG
TƯỞNG NĂNG TIẾN
TƯỞNG NĂNG TIẾN
Trong những trang sổ tay trước, chúng tôi đã có dịp đề cập đến kỹ nghệ cá hồi đóng hộp. Nay xin phép được nhắc lại, tóm lược, như sau:
Cá hồi sinh ở sông nhưng sống phần lớn thời gian sống ở biển. Đặc điểm của loài cá này là dù có rong chơi phiêu du ở chân trời góc bể nào chăng nữa, thế nào rồi cũng tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để sinh nở. Cá hồi Thái Bình Dương (Pacific salmon), sau khi từ giã nếp sống hải hồ, sẽ không bao giờ trở lại biển cả nữa. Lý do giản dị chỉ vì chúng sẽ chết sau khi đẻ, và cho thụ tinh lứa trứng đầu tiên. Cá hồi Đại Tây Dương (Atlantic salmon) thì khác. Chúng có thể đi đi, về về từ sông ra biển (và ngược lại) nhiều lần mà không hề do dự hay nao núng - dù khoảng cách phải vượt qua có thể dài đến hàng ngàn dặm, với vô số khó khăn và chướng ngại. Bản năng về nguồn của cá hồi, tất nhiên, đã được loài người ghi nhận và khai thác từ lâu. Riêng người Nhật, dân tộc đứng thứ nhì về kỹ nghệ cá hồi, vẫn đều đặn sản xuất ra thị trường mỗi năm hơn một trăm ba mươi ngàn tấn. Xét về số lượng, mức sản xuất của người Nhật không hơn người Nga bao nhiêu và thua xa người Mỹ. Tuy nhiên, cách thức mà dân Nhật bắt cá hồi mới là điều cần cần phải được lưu ý và học hỏi. Họ thiết lập nhà máy đóng hộp cá hồi ngay ở ven sông.
Cũng chính nơi đây, cá được nuôi nấng, đẻ trứng, thụ tinh. Mỗi cặp sẽ cho từ hai đến mười ngàn chú cá hồi con ra đời. Và lũ cá con sẽ được cho phiêu lưu vào đại dương, để bắt đầu cuộc đời "tha phương cầu thực." Tùy theo từng loại, cá hồi sẽ sống ở biển từ sáu tháng đến năm năm. Rồi nhờ vào khả năng "cảm" đuợc từ trường của lòng đất và sự chuyển động của hải lưu, cá sẽ tìm được về chốn cũ. Khi vào gần đến bờ, giác quan đặc biệt của loài cá này giúp chúng nhớ được đúng hương vị quê nhà - tức sông xưa bến cũ - và cứ theo đó mà lần về nguồn cội, đến tận nơi sinh nở. Người Nhật đặt sẵn nhiều dụng cụ từ cửa sông để giúp cho cá hồi dễ dàng và mau chóng vào đến nhà máy. Tại đây, họ sẽ tạo ra một loại chướng ngại vật giả khiến chúng phải phóng lên cao, khi rơi xuống thì rớt ngay vào một mạng lưới di động. Màng luới này chuyển động không ngừng, qua nhiều khâu chế biến, để đưa cá từ sông vào... hộp!
Nói tóm lại là người Nhật thả cá hồi con ra biển, theo kiểu "đem con bỏ chợ," để biển cả nuôi nấng, khi chúng trở về - theo bản năng - thì họ dụ cho cá vào nhà máy để đóng hộp rồi mang bán. Cách họ kiếm tiền (rõ ràng) dễ ẹc, và chắc là nhiều. Bởi vậy, có người bắt chước. Chính phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (tên kêu gọn thường dùng là Việt Cộng) cũng học theo cách làm ăn không vốn gần tương tự như vậy. Chỉ khác có chút xíu (xiu) là họ dùng người để kinh doanh, thay cá. Từ năm 1978 cho đế năm 1990, bằng hình thức này hay hình thức khác, Việt Cộng đã "thả" ít nhất là hai triệu người dân ra biển.
Người ta ước tính rằng, trên bước đường lưu lạc, cứ ba con cá hồi rời bến sông ra đi thì ít nhất cũng có một con bỏ mạng. Nó trở thành mồi săn cho loài người, cho loài chim, hoặc những loài cá khác. Tương tự, trong số hai triệu người Việt phiêu lưu vào biển cả - có lẽ - ít nhất cũng có một phần ba vong mạng. Họ chết vì bão tố, vì hải tặc, hay vì bị xô đuổi một cách lạnh lùng tàn nhẫn tại bến bờ của những quốc gia lân cận. Nơi đây thuyền bè của họ thường bị lôi kéo trở ngược ra khơi. Họ sẽ lênh đênh giữa nước trời bao la cho đến chết, vì không còn tìm được nơi để đến và không còn đủ lương thực và nhiên liệu để tiếp tục đi. Những kẻ may mắn thoát nạn đều sẽ biến thành cá hồi trong con mắt "cách mạng" của nhà đương cuộc Hà Nội.
Những người dân "trôi sông lạc chợ" này sẽ bị tận tình khai thác dài dài bằng nhiều cách. Nếu cá hồi Thái Bình Dương chỉ hồi hương một lần rồi chết thì những thuyền nhân rời khỏi Việt Nam sau ngày 19 tháng 6 năm 1988 - đã có thời gian dài sống tạm trú ở những quốc gia Đông Nam Á - cũng mang số phận tương tự. Họ bị cưỡng bách hồi hương và không bao giờ còn có dịp ra đi nữa. Riêng với những thuyền nhân ở Hồng Kông - khi phần đất này còn thuộc Vương Quốc Anh - nước Anh đã thoả thuận trả sáu trăm hai chục Mỹ Kim mỗi đầu nguời để Hà Nội chịu nhận họ trở về, cùng với lời hứa hẹn là những kẻ hồi hương sẽ không bị hành hạ hay ngược đãi! Số người Việt may mắn hơn, hiện đang phiêu bạt tứ tán khắp bốn phương trời, có thể được coi như là cá hồi Đại Tây Dương - giống cá có khả năng đi đi về về nhiều lần từ sông ra biển và ngược lại. Những kẻ này vẫn tiếp tục kiếp sống tha phương cầu thực, chăm chỉ cặm cụi kiếm và để dành tiền, rồi hàng năm "xin phép" được hồi hương.
Mỗi Việt Kiều về thăm quê nhà, chắc chắn, đều chi trải một số tiền không phải chỉ là sáu trăm Mỹ Kim mà có thể là đến sáu ngàn Mỹ Kim - hoặc nhiều hơn nữa. Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài Tại Thành Phố H.C.M., đã "tính nhẩm" (và tính gọn) như sau: "0_Đặc biệt, năm 2004 cả nước có khoảng 3,3 tỷ USD kiều hối, riêng TP.HCM đạt 1,8 USD... đó chỉ mới thống kê theo đường "chính ngạch" qua ngân hàng, chưa kể kiều hối về nước bằng những con đường khác nữa. Tiềm năng của Việt kiều rất lớn. Nếu tính xuất khẩu dầu lửa, xuất khẩu gạo của Việt Nam, cả năm phải dùng nguồn lực của toàn dân mới đạt gần 2 tỷ dolar. Trong khi đó, với số lượng kiều hối đổ về quê hương, chúng ta có được 3,3 tỷ dollar. Tiềm lực này nếu bị bỏ quên là điều đáng tiếc"[1] Nghe thiệt là ớn chè đậu. Không biết ông Trung này ở cái viện (thổ tả) nào ra mà phát biểu "linh tinh" như thế. Số kiều hối mấy tỉ Mỹ Kim (tiền tươi) đổ ào ạt về VN hàng năm mà thằng chả kêu là "tiềm lực," và sợ rằng "nếu tiềm lực này bị bỏ quên là điều đáng tiếc"! Coi: "tiềm lực này (mà) bị bỏ quên" thì toàn Đảng đã chết (mẹ) từ lâu, chớ làm sao còn sống sót được đến hôm nay - cha nội?
Những người CSVN có bao giờ quên sót một đồng xu hay cắc bạc nào đâu, kể cả những đồng tiền lẻ - thường thấy kẹp hờ trong những thẻ thông hành - của đám Việt Kiều. Nhà đương cuộc Hà Nội chu đáo lắm, và lo xa nữa. Sau gần hai thập niên khai thác tận tình tiền bạc do "lũ cá hồi" mang về, nay ông Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao VN, Nguyễn Phú Bình còn bắt đầu tính tới chuyện "Khơi Dậy Nguồn Lực Chất Xám Của Việt Kiều" nữa cơ. "0_Trong số gần 3 triệu người Việt Nam sinh sống định cư ở nước ngoài, uớc tính có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về văn hóa, khoa học và công nghệ, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế... Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước" [2]
Tuy được các cơ quan chức năng trong nước "đánh giá là thế mạnh" như thế, "việc huy động chất xám của trí thức kiều bào còn tự phát và manh mún" cũng theo như nguyên văn lời (than vãn) của ông Nguyễn Phú Bình. Bởi vậy, nhân buổi hội thảo "Trí Thức VN Ở Nước Ngoài Với Sự Nghiệp Xây Dựng Quê Hương" (trong hai ngày 16 và 17 tháng 8 năm 2005) ông Thứ Trưởng đã nhấn mạnh đến vài trò của N.Q 36 như sau: "0_Theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ từng bước hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước." Nói sao nghe dễ ợt, vậy Trời. Không biết "chính phủ và các cơ quan chức năng" đã "thu hút" và "trọng dụng nhân tài" ra sao mà hơn một năm sau - sau ngày N. Q. 36 được ban hành - vào ngày 27 tháng 9 năm 2005, viện sĩ Nguyễn Chơn Trung (buồn bã) mà báo cáo lại với thủ trưởng Nguyễn Phú Bình rằng: "Hiện nay lực lượng trí thức Việt kiều về nước tham gia có hiệu quả còn ít, lẻ mẻ, tự phát"[3]
Từ "manh múm" đến "lẻ mẻ" là một bước tiến, hoàn toàn, không lấy gì làm khích lệ. Nghị Quyết 36, khi đưa vào cuộc sống - rõ ràng - có đụng phải hơi nhiều "thực tiễn (vô cùng) trắc trở." Thành quả mà nó mang lại - xem chừng - chỉ đủ để làm vài màn trình diễn, cho công tác tuyên truyền, và... chấm hết! Xin hãy coi qua một màn trình diễn của N.Q. 36, cho nó đỡ buồn (nếu bạn đang buồn) bằng cách tham dự vào "Đêm Vinh Danh Của Những Người Con Nước Việt Xa Xứ " - tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 2005 tức ngày mùng 10 Tết năm Ất Dậu, tại khuôn viên Văn Miếu, Quốc Tử Giám - ở Hà Nội. Theo tường thuật của phóng viên Mộc Miên (Tạp Chí Người Viễn Xứ) thì có tất cả có "19 Việt kiều tiêu biểu trong số 3 triệu Việt kiều ta (sic) ở khắp nơi trên thế giới được ban tổ chức mời về dự lễ." "Tại sao ban tổ chức lại quyết định lựa chọn con số lẻ 19 người được nhận danh hiệu mà không phải là một con số nào khác?"
Đó là câu hỏi đã được phóng viên Tạp Chí Người Viễn Xứ nêu ra, và ông Lê Truyền - Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam - trả lời (rất thành thật) như sau: "0_Đó chỉ là một con số ngẫu nhiên vì khả năng phát hiện, thông tin của chúng ta mới chỉ được đến thế. Có thể nói rằng công lao đóng góp của bà con Việt kiều ta trên khắp thế giới đối với quê hương đất nước là rất phong phú đa dạng, dưới nhiều hình thức. Việc vinh danh họ sẽ vẫn cịn tiếp tục được thực hiện trong các lần khác. Tất nhiên, có cả những người chưa muốn xuất hiện trong đợt vinh danh này" [4] "Khả năng phát hiện, thông tin của chúng ta mới chỉ được đến thế" thôi.
Thiệt, nghe mà (thấy thương) muốn ứa nước mắt! Sao số lượng VK (ta) chịu hợp tác với nhà nước để xây dựng lại quê hương lại "manh múm" và "lẻ mẻ" như vậy? Sao được lựa để "vinh danh" mà thiên hạ lại trốn hết trơn hết rọi như vậy cà? Từ California, bỉnh bút Trần Khải của tờ Việt Báo - số ra ngày 8 tháng 5 năm 2005 - đã tìm ra câu trả lời (dễ ẹc) như sau: "Trở ngại lớn nhất chính là tự thân chính phủ. Người dân, trong và ngoài nứơc, đa số vẫn không có cảm giác đang được mời xây dựng đất nứơc, mà chỉ có cảm giác đó là lời mời gọi xây dựng chế độ độc đảng toàn trị. Nơi đây, dân không có quyền chọn lựa chế độ, không có quyền chọn lựa chính phủ, không có quyền chọn lựa dân cử. Không tự do báo chí, không tư do tơn giáo, không tự do đi lại hay các quyền căn bản khác. Với người đã từng sống ở Mỹ-Âu mà về là thấy dị ứng rồi." [5]
Mười chín vị VK không hề bị "dị ứng" với bất cứ chuyện gì, sẵn sàng góp sức (và chia phần) với Đảng và Nhà Nước trên bàn tiệc nhân sinh ở VN hiện nay - tiếc thay - đều đã gần đất xa trời [6]. Tài năng của họ (thường) không bao nhiêu, chỉ có tiềm năng (vụ lợi) và thị dục háo danh là... đáng kể! Vai trò của đám người này - trong giai đoạn hiện tại - chỉ là những con chim mồi làm cảnh, trong khi chờ Đảng và Nhà Nước (loay hoay) tìm kiếm một nguồn nhân lực khác: chất xám của những Việt Kiều thuộc thế hệ thứ hai, hay một rưỡi. Lớp người trẻ tài ba hơn, và trí nhớ cũng... ngắn hơn, nên hy vọng dễ dụ hơn. Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong những trang sổ tay kế tiếp, cũng trên diễn đàn này, với tiểu tựa là "Núm Ruột Quê Hương (5)."
___
[1] http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongnvx/hdvktrongnuoc/2005/08/482794
[2] http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongnvx/hdvktrongnuoc/2005/08/478979
[3] "Chủ Trương Thông, Thực Tiễn Trắc Trở"
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongnvx/hdvktrongnuoc/2005/09/493801/
[4] http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/vinhdanhnuocviet/2005/02/378384/
[5] Việt Kiều: Sao Chưa Về Đóng Góp?`
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=929
hay quá blog!
ReplyDeletehạt điều mật ong