Pages

Thursday, September 3, 2009

ĐẶNG TẤN HẬU * KINH TẾ TRUNG CỘNG

KINH TẾ TRUNG CỘNG
Đặng Tấn Hậu

Từ ngày Đặng Tiểu Bình khôn ngoan đổi mới, áp dụng kinh tế thị trường vào kinh tế cộng sản (định hướng xã hội chủ nghĩa), kinh tế Trung Cộng gia tăng gấp 4 lần trong hai thập niên vừa qua.
Vì thế, một số người nghĩ thế giới ngày nay do hai đại cường quốc (G2) trên thế giới lãnh đạo là Hoa Kỳ và Trung Cộng; hình như Trung Cộng ở thế thượng phong hơn Hoa Kỳ với số ngoại tệ dự trữ là $2,000 tỷ (Mỹ kim & Eu.). Lần lượt, chúng ta thử tìm hiểu đại cương về kinh tế Trung Cộng.
KHÁI NIỆM CĂN BẢN
Về mặt lịch sử, khoảng mấy trăm năm trước tây lịch, người Hán sinh sống tại miền bắc nước Tàu đánh chiếm các tiểu quốc láng giềng và lập thành nhà Hán. Nơi vua nhà Hán ở gọi là kinh đô và các quốc gia láng giềng phải triều cống cho triều đình trung ương mỗi năm. Vua Hán đặt tên nước là Trung Quốc tức là “kinh đô nằm ở trung tâm” hay “quốc gia nằm ở trung tâm” thế giới.
Như vậy, Trung Quốc là quốc gia gồm có nhiều tiểu quốc như Tây Tạng (mới bị Trung Cộng xâm lăng chiếm cứ năm 1959), Mông Cổ, Quảng Đông, Phước Kiến, Tân Cương v.v. Những dân tộc này có lịch sử và tiếng nói riêng biệt với Hán tộc mặc dù chữ viết tượng hình của các quốc gia này giống nhau.
Về mặt chính trị, chính quyền Trung Quốc thường áp dụng chính sách hà khắc đối với người dân Trung Hoa vì họ sợ những người dân của các tiểu quốc nổi lên chống họ. Lịch sử đã chứng minh, nhiều vị lãnh đạo của các tiếu quốc như Mông Cổ và Mãn Thanh đã từng đánh bại các vua Hán và lên làm vua của đế quốc Trung Hoa trong hàng trăm năm.
Vì chính sách hà khắc mị dân của nhà cầm quyền trung ương, người dân Trung Hoa thường có khuynh hướng không dám tỏ thái độ chính trị đối với nhà cầm quyền mà chú trọng đến hai nghề thương và nông vì tìm hai chữ bình an.
Ngày nay, ta gọi Trung Quốc là Trung Cộng vì quốc gia này theo chế độ độc tài cộng sản. Về mặt dân số, Trung Quốc đứng hàng đầu trên thế giới với 1.3 tỷ so với Ấn Độ 1.1 tỷ. Dân số Trung Cộng đông hơn dân số Hoa Kỳ gấp 4 lần với 307 triệu dân. Diện tích của Trung Cộng gần bằng Hoa Kỳ (9.6 triệu km2 vs 9.66 triệu km2) đứng hàng thứ tư trên thế giới sau Nga Sô, Hoa Kỳ và Canada.
Từ trước tới nay, nỗi lo của Trung Cộng là nạn nhân mãn. Vì đất hẹp, người đông nên Trung Cộng có chính sách bắt mỗi gia đình chỉ được có một đứa con. Vì người Trung Hoa có tinh thần trọng nam khinh nữ nên trong nhiều thập niên qua, người Tàu sanh con gái đem bỏ hoặc giết đi để có thể có một đứa con trai nối dòng. Dân số nam-nữ của Trung Cộng không cân bằng vì trai thừa, gái thiếu.
Nắm thời cơ này, ông Nguyễn Minh Triết mở cửa quảng cáo Việt Nam có gái đẹp, kêu gọi người ngoại quốc (Trung Cộng, Đại Hàn) đến VN cưới vợ. Các cô gái VN vừa làm máy đẻ, vừa làm công không lương cho các gia đình Trung Cộng. Đó là tủi nhục lớn nhất cho đất nước VN!
Về mặt địa lý, Trung Quốc là quốc gia cách biệt với thế giới bên ngoài. Phía bắc giáp với Mông Cổ, phía nam với Việt Nam, phía đông với biển Nam Hải và phía tây với con đường tơ lụa sa mạc và Tây Tạng núi non hiểm trở.
Như ếch ngồi đáy giếng, các nhà lãnh đạo Trung Hoa thường có khuynh hướng tự cao, tự đại. Họ quan niệm các quốc gia khác đều man di mọi rợ và người da trắng là bạch quỷ. Họ vẽ bản đồ thế giới với hình ảnh Trung Quốc nằm ở giữa và các quốc gia khác nằm chung quanh với tỷ lệ nhỏ hơn (ám chỉ Trung Quốc là cái rốn của vủ trụ) (1).
KINH TẾ TRUNG CỘNG
Trung Cộng áp dụng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (mà CSVN đã bắt chước theo). Chính nhờ kinh tế thị trường và sự nâng đở của các chính phủ Mỹ (đặc biệt Clinton) và Tây phương mà kinh tế Trung Cộng đã tăng trưởng 4 lần trong hai thập niên vừa qua.
Ưu Điểm
Ngày nay, Trung Cộng là thị trường mới. Người dân Trung Cộng thiếu thốn đủ mọi thứ cần thiết như truyền thanh, truyền hình, máy điện tử, điện thoại, xe hơi v.v. nên Trung Cộng là thị trường béo bở thu hút các quốc gia tư bản. Chỉ cần hình dung Trung Cộng có một tỷ ba người tiêu thụ; mỗi người uống một chai Coca mỗi ngày; mỗi chai lời được 50 xu, hãng Coca có thể lời $237 tỷ Mỹ kim trong một năm.
Ngoài ra, các quốc gia Tây phương còn kéo nhau đầu tư vào Trung Cộng vì nhân công rẻ sẽ làm tăng mức lời cho họ; đồng thời giá bán thấp để tránh lạm phát trong nước. Đó là cái lợi ích trước mắt. Tuy nhiên quyết định của các xứ tây phương đầu tư vào Trung Cộng cũng có nhiều tai hại là người dân của họ mất việc làm và dân chúng có thể tiêu thụ hàng hóa độc hại nhập từ Trung Cộng, vì phẩm chất kém.
Vì thế, các quốc gia Tây phương đã hạn chế nhập cảng hàng hóa từ Trung Cộng gần đây; đó là lý do tại sao Trung Cộng bắt ép VN trở thành quốc gia tiêu thụ hàng hóa rác rưởi của Trung Cộng mà không một quốc gia nào muốn tiêu thụ. Gần đây nhất, ông Hồ Tỏa Cẩm, tùy viên kinh tế thương mại được sự ủy quyền của đại sứ Trung Cộng ở VN, đã khuyến cáo, chỉ dạy nhà cầm quyền CSVN và báo chí VN không được lên tiếng về hàng hóa độc hại của Trung Cộng.
Trung Cộng xuất cảng nhiều hơn nhập cảng. Riêng năm 2008, xuất nhập cảng của Trung Cộng ở mức dương với con số $300 tỷ mỹ kim ($1,465 tỷ vs $1,156 tỷ). Tính đến ngày hôm nay, Trung Cộng có số ngoại tệ dự trữ là $2,000 tỷ gồm có Mỹ kim và Euro, trong đó, có gần $1,000 tỷ Mỹ kim là số tiền mà Hoa Kỳ nợ của Trung Cộng.
Trong mấy thập niên vừa qua, Trung Cộng được các quốc gia Tây phương cho nhiều sự dễ dãi trong việc trao đổi kinh tế, thí dụ hối suất không thay đổi với $1 Mỹ kim ăn $8.8 đồng Yuan (Nhân Dân tệ của Trung Cộng). Vì tiền tệ thấp nên giá thành xuất cảng thấp, tất nhiên Trung Cộng dễ cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cho tới gần đây, người dân Trung Quốc có khuynh hướng tiết kiệm, ít tiêu xài quá khả năng của họ nên người dân tương đối ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế như các quốc gia Tây phương. Tuy nhiên, khi người dân một nước để dành tiền quá nhiều mà không đem tiêu thụ hay đầu tư thì kinh tế quốc gia sẽ phát triển chậm.

Khuyết Điểm
Thống kê cho biết tổng sản lượng quốc gia của Trung Cộng chỉ bằng ¼ tổng sản lượng của Hoa Kỳ ($14,400 tỷ của Hoa Kỳ vs $3,980 tỷ của Trung Cộng). Nếu tính trên mỗi đầu người, tổng sản lượng quốc gia Hoa Kỳ cao hơn Trung Cộng gấp 16 lần ($47,330 vs $2,960). Như vậy, trên thực tế, Trung Cộng vẫn còn thua xa Hoa Kỳ trong lãnh vực kinh tế.
Kinh tế của Trung Cộng vẫn còn cái đuôi xã hội chủ nghĩa nên các hãng xưởng đại công ty của Trung Cộng do nhà cầm quyền quản lý. Đây là nguyên nhân làm cho năng suất kém và tham nhũng trở thành quốc nạn của nhà nước độc tài cộng sản.
Trung Cộng vẫn còn chế độ hộ khẩu mà đồng thời áp dụng kinh tế thị trường nên sanh ra nhiều bất công trong xã hội. Người dân thành thị được quyền mua / bán nhà cửa để kiếm lời và hưởng một số đặc quyền như đền bù sau khi bị tai nạn nghề nghiệp. Nông dân không được mua và bán đất cày cấy vì đây là đất của hợp tác xã. Nếu nông dân lên thành phố làm việc, những người này bị coi là di dân bất hợp pháp (migrant workers) và không được hưởng các đặc quyền như người thành thị.
Trong xã hội, có nhiều sự cách biệt giàu nghèo giữa cán bộ cộng sản và dân chúng. Thêm vào đó, lại còn có sự khác biệt giữa những người dân thành thị và nông dân. Đó là chưa kể đất cày cấy còn bị cán bộ cộng sản cướp đoạt không khác cường hào ác bá ngày xưa, cướp lấy để bán hay cho người ngoại quốc mướn để xây cất hãng xưởng hay làm sân đánh golf.
Các hãng tư bản hay tài phiệt ngoại quốc như Wall Mart, Nike thường có khuynh hướng trả tiền sản xuất cho các hãng Trung Cộng với giá thật thấp và đòi hỏi chất lượng cao nên những người chủ Trung Cộng phải trả lương thật thấp cho nhân công. Đó là cái giá mà người dân Trung Cộng phải trả cho cái gọi là kinh tế thị trường (2).
Người thợ Trung Cộng di dân làm việc bất hợp pháp không có đời sống an sinh tối thiểu. Họ thiếu thốn và thua thiệt mọi bề nhất là khi đau ốm hay tai nạn nghề nhiệp. Họ không có bảo hiểm để đền bù cho cân xứng.
Đại học Trung Cộng chú trọng đến lý thuyết, ít đặt trọng tâm trên phần thực hành nên phần đông sinh viên Trung Cộng ra trường không đủ khả năng sản xuất các hàng hóa đòi hỏi kỹ thuật cao. Các hãng Trung Cộng phải mướn nhân viên từ nước ngoài vào làm việc và trả lương cao cho họ. Riêng tám tháng đầu năm 2008, Trung Cộng đã trả gần $2 tỷ mỹ kim cho các tay nghề ngoại quốc (3).
Mức tiêu thụ dầu, điện gia tăng nhanh chóng vì sự phát triển kinh tế Trung Cộng trong hai thập niên vừa qua. Đó là lý do Trung Cộng cho xây đập thủy điện phá hoại môi trường ảnh hưởng đến dòng sông Mekong. Ngoài ra, Trung Cộng còn bắt CSVN dâng các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho họ vì các nơi này có mỏ dầu hạng lớn trên thế giới.
Khủng Hoảng Kinh Tế
Ngày nay, thế giới đang gặp khó khăn vì khủng hoảng kinh tế. Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã bỏ ra $800 tỷ Mỹ kim để kích thích thị trường tiêu thụ nhằm trực tiếp khôi phục lại nền kinh tế Hoa Kỳ và đồng thời gián tiếp giúp nền kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới bằng cách nhập cảng hàng hóa từ nước ngoài.
Hoa Kỳ đã thúc đẩy Trung Cộng bỏ ra $600 tỷ Mỹ kim để kích thích thị trường trong nước nhằm nhập cảng hàng hóa Hoa Kỳ. Các chuyên gia đã khôi hài bình luận “lúc trước, tư bản (Hoa Kỳ) đã cứu nguy cộng sản (Trung Cộng); bây giờ, cộng sản (Trung Cộng) lại cứu nguy tư bản (Hoa Kỳ)”. Thực tế như thế nào?
Trung Cộng đã nhận lời bỏ ra $600 tỷ mỹ kim; phần lớn số tiền này để giúp các thành phố bị trận động đất năm 2008; một số lớn khác dùng để xây xa lộ không liên hệ gì đến vấn đề nhập cảng hàng hóa từ Hoa Kỳ; số tiền nhỏ còn lại cho nông dân và các chủ xí nghiệp tư vay với tiền lời thấp.
Kết quả không đi đến đâu vì người dân vay tiền mới với mức lời thấp để trả nợ củ với mức lời cao. Đó là chưa kể Trung Cộng không có chương trình dài hạn giúp người dân trong nước như y tế và giáo dục. Tóm lại, tư bản có giúp cộng sản; nhưng cộng sản chẳng giúp ích gì cho tư bản.
Các chuyên gia bình luận một phần số tiền $600 tỷ nhằm kích thích thị trường dùng để đầu tư vào việc xây cất xa lộ không mang lại lợi ích nhiều cho nền kinh tế Trung Cộng vì đường giao thông giữa các làng mạc ở thôn quê vẫn chưa có.
Thừa dịp Hoa Kỳ đang gặp khủng hoảng kinh tế, Trung Cộng bỏ ra $40 tỷ Mỹ kim vào Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF để có tiếng nói quyết định nhằm mục đích thay thế tiền Mỹ kim trên thị trường quốc tế.
Thực ra, $40 tỷ Mỹ kim chỉ bằng 4% tổng số phiếu bầu trong tổ chức IMF không đủ sức thuyết phục và quyết định thay thế tiền Mỹ kim. Điều cần nhớ, Hoa Kỳ có trên 17% tổng số phiếu và Âu Châu có trên 35% số phiếu. Đồng thời, tiền mới không dễ gì được tất cả các quốc gia trên thế giới chấp nhận.
Trung Cộng còn bỏ thêm $45 tỷ Mỹ kim vào thị trường ASEAN nhằm mục đích khống chế, lãnh đạo thị trường Á Châu. Điều này cũng không dễ thực hiện vì Nhật Bản là quốc gia đã bỏ ra số tiền tương đương với Trung Cộng vào thị trường Á Châu. Ngoài ra, sự có mặt của hai quốc gia Nam Hàn và Nam Dương cũng là khối đương đầu với Trung Cộng tại vùng Á Châu.
Hầu hết, kinh tế của các quốc gia trên thế giới đều bi suy thoái. Trong khi đó, Trung Cộng vẫn tiếp tục trưng ra các bản báo cáo kinh tế ngày càng gia tăng, mặc dù ai cũng biết các quốc gia Tây phương đã giảm thiểu nhập cảng hàng hóa từ Trung Cộng.
Các chuyên gia nhận xét có sự tương đồng giữa mức sản xuất hàng hóa với mức tiêu thụ (sản xuất) điện lực hay nhiên liệu. Mức tiêu thụ điện hay nhiên liệu của Trung Cộng đã suy giảm rất nhiều trong thời gian qua. Đó là dấu hiệu cho biết nền kinh tế Trung Cộng cũng đang trên đà xuống dốc.
Nhân công Trung Cộng không phải tay nghề cao để có thể sản xuất hàng hóa đòi hỏi kỹ thuật cao nên Trung Cộng chủ trương sản xuất hàng hóa với kỹ thuật thấp với tiền lời thấp (low tech, low margin).
Tóm lại, các kinh tế gia trên thế giới hoài nghi sự trung thực của các bản báo cáo, tường trình về kinh tế của nhà cầm quyền Trung Cộng vì hầu hết các viên chức cộng sản đều có thói quen báo cáo láo, không đúng sự thật.
Chiến Lược Hoa Kỳ
Chiến lược của Hoa Kỳ là sản xuất hàng hóa với kỹ thuật cao, tiền lời cao (hi tech, hi margin). Nhật Bản và Nam Hàn là hai quốc gia chủ trương sản xuất hàng hóa với kỹ thuật cao, giá vừa phải (hi tech, low price). Nhìn chung, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn ở thế thượng phong hơn Trung Cộng trong vấn đề sản xuất và xuất cảng hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Khủng hoảng kinh tế đã làm cho dân Hoa Kỳ có khuynh hướng chuộng hàng nội hóa (protectionism) và các quốc gia Âu Châu có khuynh hướng chống lại hàng hóa nhập cảng từ Trung Cộng. Nhiều hãng xưởng của Trung Cộng phải đóng cửa và trên 6 triệu sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm không có công ăn việc làm. Con số này càng ngày càng gia tăng vì đôn lên mỗi năm; đó là vấn nạn lớn cho nhà cầm quyền Trung Cộng.
Hoa Kỳ bắt Trung Cộng thả nổi đồng Yuan. Do đó, tiền tệ đã tăng lên từ $1 mỹ kim bằng 8.8 Nhân Dân tệ thành $1 mỹ kim bằng $7 Nhân Dân tệ. Sự thay đổi này làm tăng giá thành xuất cảng của Trung Cộng; tất nhiên Trung Cộng sẽ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời làm giảm tiền dự trữ của Trung Cộng.
Ngày nay, với tình hình kinh tế suy thoái, phẩm chất hàng hóa và cạnh tranh thương trường, người ta nhìn ra giá sản xuất hàng hóa giữa các quốc gia Trung Cộng, Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ không có nhiều sự khác biệt (4).
Vậy tại sao các quốc gia tây phương phải chạy hơn nửa vòng trái đất để tìm người sản xuất cùng giá sản xuất tại địa phương. Đây cũng là mối đe dọa lớn cho Trung Cộng khó thu hút các hãng tư bản ngoại quốc chọn Trung Cộng để làm nơi đầu tư trong tương lai.
Chiến Lược Trung Cộng
Ngoài tiền tệ, Trung Cộng gặp nhiều vấn nạn khác trong lãnh vực kinh tế như giá ngũ cốc tăng (do thế giới trồng bắp và mía để làm xăng Biofuel), thiếu điện lực để sản xuất, thiếu nước trồng trọt. Trung Cộng lại còn là quốc gia thường xuyên bị nạn động đất, bão lụt, bão tuyết và bão cát.
Để đối phó với những điều kiện kinh tế khó khăn, Trung Cộng chọn giải pháp chính sách tân thực dân (neo colonialist) để chiếm đất đai, lấy nguyên liệu của các tiểu quốc mà không cần gây chiến tranh như trường hợp Trung Cộng đã đánh chiếm Tây Tạng vào thập niên 50.
Sự khác biệt giữa chính sách thực dân (colonialist) và tân thực dân (neo colonialist) là Trung Cộng mua chuộc các nhà lãnh đạo độc tài của các tiểu quốc để những người này tự động dâng hiến đất đai cho Trung Cộng như trường hợp Việt Nam và các quốc gia Phi Châu.
Thí dụ, Trung Cộng đã mua chuộc các nhà lãnh đạo độc tài của các xứ Phi Châu như Congo và Zambia để cho di dân hơn 1 triệu người Tàu đến các xứ này khai khẩn đất đai. Nhiều người Phi Châu đã phải kêu trời một cách thê thảm về sự quyết định ngu xuẩn của các nhà lãnh đạo của họ vì những người này không có kinh nghiệm về họa đồng hóa của Hán tộc.
Việt Nam cũng đang trong tình trạng như các quốc gia Congo và Zambia là Trung Cộng đã chiếm một phần đất của Cao Miên bên cạnh Tây Nguyên. Bây giờ, Trung Cộng đã mua chuộc được ba ông thái thú Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng để được di dân hơn 10,000 dân quân vào VN nhằm khai thác quặng mỏ Bauxite tại Tây Nguyên.
Tưởng cần nhắc lại, người Tàu ra vào VN không cần chiếu khán. Cộng thêm vào đó có trên 200,000 người Việt gốc Hoa bị CSVN đuổi về Tàu trong thập niên 80 đã trở lại VN sinh sống. Những người này có sẵn mối thù với CSVN vì họ là nạn nhân của chế độ CSVN qua các vụ đánh tư sản, cướp nhà của họ sau 75. Hiện nay, những người này là nhân tuyển thích hợp trở thành đạo quân thứ 5 của Trung Cộng tại Việt Nam.
Bước kế tiếp, Trung Cộng sẽ sáp nhập phần đất Cao Miên và Tây Nguyên lại để nổi lên đòi tự trị như trường hợp Fulro năm nào. Trung Cộng sẽ đặt đất nước Việt Nam trở thành một tỉnh lỵ của họ trong một ngày không xa.
KẾT LUẬN
Hiện nay, Trung Cộng đang gặp khó khăn trên mọi phương diện từ việc thiếu nhiên liệu đến nạn nhân mãn và thất nghiệp gia tăng trong nước. Trung Cộng sẽ giải quyết các vấn nạn trên qua chính sách tân thực dân. Quốc gia mà Trung Cộng nhắm tới trước tiên là Việt Nam vì các quan thái thú Việt Nam vừa độc tài, vừa dễ bảo, sẵn sàng cúi đầu thần phục và ngoan ngoản dâng đất nước Việt Nam cho Trung Cộng vì chút lợi riêng.
Người Việt trong và ngoài nước cần đoàn kết lại, dẹp loạn trong nước trước (dẹp Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và giải tán đảng CSVN), chống ngoại xâm Trung Cộng sau vì bọn thái thú CSVN đã khủng bố, cản trở người dân trong nước đứng lên bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình có để lại di chúc cho con cháu của ông là không nên tự kiêu tự đại quá sớm vì Trung Cộng là con cóc mà cứ tưởng mình là con bò. Con cóc càng phùng mang, trợn mắt bao nhiêu thì con cóc càng mau bể bụng.
Ngày nay, các nhà lãnh đạo Trung Cộng không biết nghe lời di chúc của cha ông của họ là Đặng Tiểu Bình. Trung Cộng mới ngóc đầu được một chút chính nhờ kinh tế thị trường thì nhà cầm quyền Trung Cộng đã tưởng mình có thể làm bá chủ thiên hạ. Sớm hay muộn gì, các quốc gia Tây phương (Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp) và Đông phương (Nhật Bản, Đại Hàn) cũng sẽ bao vây Trung Cộng và đánh gục Trung Cộng trong một ngày không xa.
Chúng ta phải vững tin là Trung Cộng và CSVN sẽ bị giải thể trước ý chí cương quyết tranh đấu của toàn dân đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền và độc lập vì đây là những quyền căn bản của con người (valeurs universelles de l’humanité) chứ không phải đặc quyền dành riêng cho người Tây phương như Trung Cộng và CSVN vẫn thường tuyên bố.
18.6.2009
Ghi Chú:
1. “Planisphère Vu de Chine”, Courrier International, L’atlas des atlas (Mars, Avril, Mai, 2005)
2. Alexandre Harney, The China Price: The True Cost of Chinese Competitive Advantage (Penguin Press, 2009)
3. Wu Chen “Talent Shortage in Chinese Outsourcing Industry”, China Business (May 2009, Volume 5), tr. 24
4. Pete Engardio, “China’s Eroding Advantage”, BusinessWeek (15.6. 2009), tr. 54 đã so sánh giá thành sản xuất phụ tùng xe hơi tại 3 quốc gia Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ và Trung Cộng trong hai năm 2005 và 2008 như sau:
2005 2008
Trung Cộng $17 $25
Mễ Tây Cơ $18 $20
Hoa Kỳ $24 $29

No comments:

Post a Comment