Pages

Saturday, September 12, 2009

NGUYỄN THỤY LONG



BBC Vietnamese
Cập nhật: 13:40 GMT - thứ sáu, 4 tháng 9, 2009


NHÀ VĂN NGUYỄN THỤY LONG ĐÃ QUA ĐỜI


Nhà văn Nguyễn Thuỵ Long, nổi tiếng với các tác phẩm trước năm 1975 ở Sài Gòn, vừa qua đời tại Việt Nam ngày 03/9 vừa qua.

Ông sinh năm 1938 tại Hà Nội và là tác giả của nhiều cuốn truyện ngắn hoặc tiểu thuyết nổi tiếng như: Vác Ngà Voi, Loan Mắt Nhung (từng được dựng thành phim), Chim Trên Ngọn Khô, Trong Vòng Tay Ðàn Ông.

Ngoài ra, các tác phẩm Vết Thù, Bà Chúa Tám Cửa Ngục, Ðêm Ðen, Gái Thời Loạn, Nữ Chúa, Nợ Máu, Ven Ðô, Sầu Ðời, Gió Hú...cũng được rất nhiều người đón đọc.

Trong khoảng 30 tác phẩm được xuất bản trước năm 1975 của ông, có chừng 20 tác phẩm hiện được lưu tại thư viện của Viện Ðại Học Cornell, New York.

Trong truyện "Người Xây Lò" viết mùa đông năm 2001, ông mô tả cảnh lao động thời sau 1975 và thân phận của người tù cải tạo, và bày tỏ nỗi đau của những người Việt bỏ nước ra đi.

"Như những người vượt biên bằng chiếc thuyền chỉ dài mười hai thước, mỏng manh như chiếc lá giữa đại dương, có thể bị sóng to gió lớn vùi lấp bất cứ lúc nào, không kể bọn côn đồ trên biển, bọn hải tặc Thái Lan mất nhân tính, đe dọa tính mạng, trinh tiết của phụ nữ."

"Người ta vẫn cứ ra đi, tâm niệm tất cả những người ấy đều giống nhau qua câu "tự do hay là chết".

"Đồng bào tôi đau khổ quá, như tôi vậy, bỗng nhiên mang thân tù tội, không biết ngày nào ra, dù rằng từ cái lồng nhỏ ra cái lồng lớn hơn."

Theo báo Người Việt tại California, ông Nguyễn Thụy Long học trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, sau bỏ để vào Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh theo nghề bố, một họa sĩ.

Tuy nhiên sau khi thân phụ mất ông vào đời rất sớm, kể cả đi bụi “sống với tầng lớp dao búa, sống ở những nơi hạ lưu của xã hội,” như lời của chính nhà văn.

Nguyệt san văn hóa văn học nghệ thuật Khởi Hành, của chủ nhiệm, chủ bút Viên Linh, với trụ sở tại Nam California, đã trao giải “Văn Chương Toàn Sự Nghiệp” cho nhà văn Nguyễn Thụy Long vào năm 2005.

Vẫn theo Người Việt, nhà thơ Du Tử Lê, người từng gặp nhà văn Nguyễn Thụy Long tại tòa soạn báo “Sống” của Chu Tử trước 1975, nói rằng ông Nguyễn Thụy Long là người "chân thành với bằng hữu".





Người xây lò

Nguyễn Thụy Long

Tôi không nhớ ai là người giới thiệu cho tôi vào làm việc ở công ty thủy tinh. Hiện tôi là một công nhân viên thuộc công ty. Một công nhân viên không biên chế, nghĩa là một anh cu li, nếu nói theo thời thực dân tôi là một thằng cu li hạng bét. Có được việc làm thời mới giải phóng miền Nam là may mắn rồi, bao nhiêu người thất nghiệp, hoặc bị ngưng việc ngang, công việc làm không thích hợp hoặc chưa thể thích hợp được, vì chưa được học tập đường lối chính trị của nhà nước. Nhưng lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói thì ở tù. Khẩu hiệu khuôn vàng thước ngọc đã đề ra như vậy, đừng có lôi thôi.

Anh làm bất cứ nghề gì, miễn là có việc làm, lại được cơ quan nhà nước chứng nhận là công nhân viên, lương hướng dù không đáng bao nhiêu, nhưng cũng đáng kể đấy. Người không chê việc mà việc không chê người. Đừng có ỷ ôi lựa chọn, kiểu việc này thích hợp, kiểu việc kia không thích hợp. Mọi con người bình đẳng. Hình như hiến chương Liên Hiệp Quốc đã ghi, bác Hồ đã nói trong tuyên ngôn độc lập như vậy.

Người ta sẽ tìm ra ngọc trong đá thôi. Anh có thể trả lời với nhà cầm quyền ở phường anh là người lao động có cơ sở chứng minh, không ăn bám ai cả, công an và mấy vị chức sắc ở phường để anh yên thân, anh không bị đòi lên Công An phường làm kiểm điểm vì tội chây lười lao động, hoặc anh bị tống đi làm thủy lợi đào kinh vét mương, tự anh lo lấy miếng ăn cho anh, đuổi khỏi nhà anh cho đi xây dựng vùng Kinh Tế Mới, một công việc được coi là ăn cơm nhà vác ngà voi. Không chấp hành thì anh phải trốn chui trốn nhũi ra chợ trời buôn gian bán lận. Tất cả đều là quốc doanh. Ắn tô phở phải mua phiếu, phải đứng xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ, đồng một loạt phở bò lèo tèo mấy tiếng thịt chín, nước lèo lạt thếch, đục ngầu ngầu, lại phải tự hầu lấy mình, bưng tô lấy đũa. Ôi còn đâu thuở ăn phở tái chín nạm gầu, nước béo hành trần, tương ớt rau giá ăn thả cửa.


Thuở đó cách nay không lâu, nhưng cũng coi như lâu lắm rồi. Một kỷ niệm khi nghĩ đến khiến chảy nước mắt, nhưng chỉ nên khóc thầm thôi, anh khóc thật thì bị mang tội phản động đấy, liệu cái thần hồn. Tư tưởng anh lệch lạc anh có thể được đi học tập cải tạo mút mùa Lệ Thủy, khi nào anh học tập tốt nhà nước khoan hồng cho anh về sum họp với gia đình. Anh chọn cách sống nào thì chọn, tôi chọn làm thinh.

Lao động suốt tám tiếng đồng hồ một ngày, tôi đẩy hàng mấy chục xe thủy tinh vỡ bể vào nhà kho cho mấy chục nữ công nhân lựa chọn, mầu thứ nào ra thứ nấy. Tiếng bánh xe sắt ở chiếc xe cút kít tôi đẩy nghiến trên đường cót két như một điệp khúc buồn nản. Cán bộ chấm công đứng dọc đường đi miệng quang quác hối thúc, động viên:

"Khẩn trương, khẩn trương nên, không được nề mề, vượt chỉ tiêu nào…”

Anh ta chính là cai cu li, trên tay chỉ thiếu cái roi quất cu li túi bụi, nhưng đủ khiếp rồi, lời anh hót còn sót sa còn hơn roi vọt. Chớ ngu dại mà gọi anh là cai cu ly, mang họa đấy. Phải gọi anh là trưởng ban thi công cho ra vẻ cách mạng. Cũng đừng gọi anh ta là "đại ca" xách mé giang hồ kiểu Đơn Hùng Tín của người miền Nam. Tốt hơn hết là làm thinh, mặt mũi ngu độn một chút cho hợp thời. Ngu độn thôi chứ đừng làm mặt khổ. Không ai chấp nhận cái mặt khổ của anh, có cuốn sổ chấm công, giá một xu một xe đẩy đầy có ngọn. Cũng chẳng thiếu gì người vượt chỉ tiêu, được phong anh hùng lao động.



Thèm một đĩa cơm bình dân đầu đường ghê, mà tôi không mua nổi. Cơm cũng phải bán "chui" ngoài cửa xí nghiệp. Ly cà phê bắp rang cháy cũng vậy. Cũng bán chui. Tôi không dám ăn uống thứ lương thực xa xỉ ấy. Bữa cơm trưa của tôi là mấy củ khoai lang sùng đắng nghen nghét và bình nước lạnh mang theo. Khoai mẹ tôi phải đứng xếp hàng mua ở tổ Hợp Tác Xã phường. Không có tên trong sổ lương thực, anh phải có tên trong hộ khẩu. Cái tên đó có thể bị gạch xóa đi bất cứ lúc nào, nếu anh bị ghét bỏ, phường không chịu quản lý con người anh nữa thì bỏ mẹ. Không khí hãi sợ trùm lên tất cả mọi người.


Tôi ở tuổi 40 rồi, sức lao động cũng kém đi, chưa bao giờ tôi đạt chỉ tiêu qua những chuyến xe đẩy thủy tinh vỡ. Tôi là nhà văn tự gác bút, mấy anh bạn đồng hành đẩy xe với tôi, người là luật sư, dược sĩ, người là nhà giáo "mất dậy", thay phiên nhau đứng hạng bét, dù cố gắng thế nào cũng không đạt chỉ tiêu trên đề ra, chứ chẳng mong gì đạt chỉ tiêu hoặc vượt chỉ tiêu. Anh hùng lao động chỉ là điều mơ ước, khó còn hơn làm luận án thi tiến sĩ.

Con đường chúng tôi đi từ cổng vào đến nhà kho, lẩn thẩn mà tính ra cũng phải đẩy xe cả trăm cây số mỗi ngày. Thuở mới đổi tiền, từ tiền Ngụy sang tiền Cách Mạng, tỉ lệ một ăn mười. Đồng tiền không vàng bảo chứng cũng quí giá vô cùng. Tìm ra nó khó ngàn lần vào rừng ngậm ngải tìm trầm.

Giờ nghỉ giải lao buổi trưa chỉ có một tiếng đồng hồ vừa ăn vừa nghỉ. Bình nước ni lông tôi mang theo uống từ sáng đến giờ đã hết, tôi ra bể nước vục bình xuống múc. Cái bình chứa hơn phân nửa nước vẫn nổi lềnh bềnh trong bể. Tôi nghịch ngợm nhấn chìm xuống, thả tay ra, cái bình vẫn nổi lên như cái phao. Nghĩa là bình còn một phần không khí chứa bên trong thì cái bình vẫn nổi. Có một người đang đứng nhìn tôi nghịch ngợm, anh kỹ sư xây lò của công ty. Nghe đâu anh ta là người chế độ cũ, làm việc ở công ty này lâu năm, nay được cách mạng lưu dùng (lưu dùng chứ không phải lưu dụng). Hành động đùa nghịch của tôi giờ nghỉ nên sẽ không bị khiển trách hay phê bình. Anh đứng xem tôi nghịch ngợm, rồi nở nụ cười, buột miệng nói:

"Cám ơn nhà văn, anh đã cho tôi ý tưởng hay."

Tôi ngừng chơi, tròn xoe mắt nhìn anh, không nói được mà chỉ há hốc miệng. Một lát sau tôi mới lắp bắp chối:

"Không anh nhầm rồi tôi là… là cu li, không, công nhân viên."

Anh kỹ sư vẫn cười:

"Thôi đừng chối nữa, tôi biết mà, tên anh có trong kia, tôi không lạ gì anh, tôi từng là độc giả của anh. Tôi không phải công an, đừng lo. Anh ăn cơm chưa?"

Tôi hoàn hồn, lắc đầu:

"Không ăn được, mấy củ khoai sùng đắng nghét."

"Vậy tôi mời anh ra cổng ăn đĩa cơm bình dân chui với tôi, uống ly cà phê bắp rang."

Tôi toan từ chối, nhưng anh đã thân mật vỗ vai tôi:

"Đừng từ chối, tôi người Nam, thật tình đó."

Thế là tôi với anh cùng nhau ra cổng. Đĩa cơm chui rưới nước mắm ớt, đậu que xào loáng thoáng mỡ, "chạy qua" hàng thịt mà ngon lành làm sao. Xong bữa cơm anh lại mời tôi qua đường uống cà phê đen, đường tán cạo ra xúc được nửa thìa vừa đắng vừa thiếu ngọt, hút điếu thuốc rê vấn sẵn.

Anh kỹ sư chẳng thèm hỏi đến thân phận cùn mằn của tôi bây giờ ra sao, có lẽ anh cũng thừa biết rồi. Anh hỏi tôi:

"Mấy ngày hôm nay anh có thấy những phái đoàn đến thăm cơ sở của ta không?"

"Có, đi xe ô tô con, có vệ sĩ đi hộ vệ nữa."

Anh hớp một miếng cà phê đắng nghét, nhăn mặt:

"Cho thêm tí đường đi, đắng quá."

Cô hàng cà phê xúc cho thêm tí đường tán cạo, anh kỹ sư có vẻ hài lòng, không còn xin thêm chất ngọt nữa.

"Còn hơn là uống cà phê quốc doanh, đắng xin thêm tí đường mà sợ bỏ mẹ. Thằng bảo vệ nhìn mình chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống. Đừng coi thường chúng nó, chúng có thế có quyền đấy, có ô dù che chắn."

Tôi đồng ý với anh, vì tôi từng thấy cảnh này. Anh kỹ sư như chợt nghĩ lại chuyện các phái đoàn đến công ty. Anh nói:

"Toàn những cấp lớn, phái đoàn bự."

"Họ tới chi vậy?"

"Tới vì việc xây lò nấu thủy tinh, xem bản vẽ thiết kế xây lò của tôi."

"Vậy hả, chính anh là người thiết kế xây lò?"

"Ờ chính tôi, tôi đã làm việc này nhiều năm, có tay nghề."

"Mừng cho anh."

Anh kỹ sư gắt lên:

"Mừng cái mẹ gì, tôi đang lo này."

"Lo gì?"

"Chuyện lắm thầy thối ma như thế nào tôi không biết sao. Đúng là lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng. Ông nào cũng to cũng có quyền hết. Tôi giải thích, thậm chí lấy chuyên môn ra lý luận cũng không xong. Tôi mang tiếng là cãi lệnh cấp trên, chống đối lại ý kiến xây dựng của lãnh đạo. Tôi đành phải chiều theo ý kiến xây dựng của họ. Nhưng tôi yêu cầu họ ký tên vào sự sửa đổi ấy ngay dưới bản vẽ, vị nào cũng xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi không thể làm ngần ấy cái cửa lò trong một cái lò.


Tôi sẽ lấy ý kiến cuối cùng, ý kiến ấy mới có ở phái đoàn sáng nay. Tôi biết sẽ thất bại, sẽ không ổn nhưng cũng đành phải nghe theo thôi. Lò sẽ nổ tung hay xụp đổ vào ngày khánh thành, đốt lò. Khi đó chẳng ai chịu trách nhiệm hết ngoài thằng kỹ sư xây dựng lò là tôi. Vứt đi hàng bao nhiêu ngàn viên gạch chịu nóng, loại gạch đặc biệt phải mua của nước ngoài giá đến mười đồng mới đổi một viên chứ có ít đâu, chưa kể phải kê giá lên cao theo lệnh cấp trên.

Tôi há hốc miệng nghe anh kỹ sư tả oán. Tôi không có ý kiến gì, vì tôi dốt đặc cán mai về nghề xây lò. Tôi dụt dè hỏi anh kỹ sư:

"Anh đã có cách nào thoát khỏi ‘kiếp nạn’ này chưa?"

Anh mỉm cười gật đầu:

"Có rồi, mới trưa nay thôi, khi nhìn anh đổ nước vào bình."

Trời đất ơi, tôi có liên quan gì đến chuyện này, tôi thầm kêu lên như vậy. Nhưng anh không giải thích cho tôi, anh quay sang một chuyện khác:

"Tôi có một người bạn làm thợ máy không quân. Sau giải phóng anh chạy không kịp nên được lưu dùng, làm việc tại phi đoàn trực thăng, vẫn công việc sửa máy bay của anh ta xưa kia. Ai cũng nói anh được may mắn, có công việc làm, không phải đi học tập cải tạo. Một ngày kia, anh nhận thấy loạt bu gi của máy bay đã hết hạn xài, vì thứ đó cần được thay thế vì đã xài đến hằng ngàn giờ bay rồi, phải liệng đi thôi, thay thế cái mới. Kho tiếp liệu lại hết đồ, anh đành lên báo cáo với tân chỉ huy trưởng phi đoàn.


Chỉ huy trưởng không giải quyết chuyện này mà chỉ ra lệnh vắn tắt: "Khắc phục! Anh cạo bu gi, mài lại vít lửa, báo cáo với tôi làm gì, rồi chờ Liên Xô viện trợ thì thay thế. Anh cứ thi hành lệnh của tôi, tôi chịu trách nhiệm. Anh không làm thì có người của chúng tôi làm, anh có thể xin nghỉ việc, không phải chỉ anh mới là người giỏi, tôi không thể bao che cho anh mãi được, cách mạng từng chế ra tên lửa bắn rơi được B52 của Mỹ, nữa là cái chuyện vặt này có gì quan trọng đâu". Hú hồn, anh ta làm đơn xin nghỉ việc liền, mới đây tôi gặp anh ta ngồi lề đường sửa xe gắn máy, xe đạp. Anh tha hồ cạo bu gi, phục hồi bu gi và mài vít lửa. Anh hiểu chứ, chiếc Honda đang chạy trên đường bỗng nhiên chết máy còn giắt bộ mang đi sửa được. Chứ cái máy bay đang bay bỗng nhiên bị tịt ngòi bu gi giữa trời khắc phục cái nỗi gì."

Dứt câu chuyện, anh kỹ sư cười hì hì:

"Tôi thì không có may mắn bằng người lính thợ bạn tôi, vì tôi không được phép làm đơn xin nghỉ việc. Mãi ngày hôm nay tôi mới tìm ra cách thoát thân, một sống một chết mà. Cùng tắc biến, biến tắc thông phải không anh. Sắp đến giờ lao động rồi, chúng ta vào thôi. Mai Chủ nhật rảnh mời anh sang nhà tôi chơi. Tôi ở Nhà Bè, tôi chỉ đường cho dễ tìm lắm. Thứ Hai này khởi công xây lò rồi.Tôi bận mất mấy ngày.

Tôi tìm nhà anh kỹ sư xây lò nấu thủy tinh ở Nhà Bè không khó, anh đã chỉ dẫn đường đi nước bước cho tôi cặn kẽ, cặn kẽ từng chi tiết, vả lại bấy giờ chưa đổi tên đường. Tôi cọt kẹt đạp chiếc xe đạp cũ rích sang nhà anh chơi. Anh đón tôi ngoài cửa nhà cười toe toét. Căn nhà của anh là một chiếc bè, thả nổi trên sông, neo ngay cạnh bờ, lối lên xuống là chiếc cầu gỗ vững chãi, nhưng cũng tiện lợi, có thể điều khiển được, rút cầu lên, chiếc cầu ở trên bè, bởi vì anh ta là một người khoa học, hình như chiếc bè ấy còn di chuyển được. Tôi nhìn thấy một cánh buồm cuốn lại, không biết còn máy móc gì khác không.


Trước mắt tôi là một căn nhà gỗ đơn sơ nhưng khá vững chắc. Đời sống của con người này, một vợ và một con nhỏ có vẻ bụi đời. Nhưng thực ra chẳng bụi đời tí nào, khi vào hẳn căn nhà của anh tôi mới rõ. Một căn nhà đầy đủ tiện nghi, có máy phát điện riêng, cầu tiêu buồng tắm, bếp núc, kho chứa lương thực nước ngọt. Tôi dạo chơi thăm căn nhà anh một vòng, tôi rất hài lòng và ao ước có một căn nhà như thế, cây kiểng xung quanh nhà được trồng trong chậu sành, bè là những thân gỗ lớn, ghép lại bằng bù loong và dây xích sắt. Tôi hỏi anh:

"Sao anh lại có căn nhà này, mới đây hay từ lâu rồi?"

"Mới đây thôi, từ khi tôi bán căn nhà ở đường Trịnh Minh Thế."

"Tại sao anh phải bán căn nhà đó?"

"Nhà tôi rộng nên Cách Mạng xin vào ở chung, làm nhà tập thể, tôi không muốn sự chung chạ nào, cũng không thích tập thể, phiền lắm.

"Làm cách nào mà anh bán được căn nhà anh đang ở?"

"Một người cách mạng lớn cần một căn nhà cho phù hợp với địa vị của ông ta, tôi bán với giá bèo ấy mà, tiền bạc ấy tôi xây dựng cái bè này, làm nhà cây lên trên, vậy là cả gia đình tôi ở được. Tôi muốn di chuyển đi đâu cũng dễ, về quê chẳng hạn, cả gia đình tôi cho chạy về quê, chỉ cần nhổ neo giong buồm lên, cần thì máy đuôi tôm hỗ trợ. Miền nam mình thiếu gì sông ngòi. Cả gia đình tôi như con ốc, đi đâu mang theo cái nhà của mình, chắc ăn."

"Tại sao anh có sáng kiến ấy, nhà anh có hộ khẩu không?"

"Có chứ, hộ khẩu thành phố đàng hoàng. Sáng kiến làm căn nhà biết bơi này tôi cũng mượn ý qua một chuyện ngắn ‘Căn nhà biết đi’ đăng trên báo, cũng do chuyện đó tôi xin hộ khẩu tại căn nhà này, như nhân vật nào đó trong truyện ngắn xin hộ khẩu trên toa xe lửa bỏ hoang, vô tình toa xe lửa ấy của hỏa xa, bị kéo đi ra Nha Trang sửa chữa, thế là chủ hộ khẩu mất nhà. Trường hợp tôi thì không, tài sản này của tôi không thể mất được, vì chính tôi làm chủ hộ khẩu và chủ căn nhà. Thời buổi này gạo châu củi quế phải không, tôi vẫn sống đầy đủ đó anh, cần gạo thì tôi về nhà quê rồi lên, không lẽ người ta khám xét nhà tịch thu gạo, tịch thu đồ kho dự trữ ."

Tôi khen:

"Ý kiến anh rất hay, sống ngay trong thành phố mà anh tự do, không theo luật lệ nào hết, nhiều người ao ước như vậy mà không được đấy. Anh coi chừng bị kết tội là phản động."

"Ấy không, tôi vẫn đi họp tổ dân phố đều đặn, có điều lương thực tôi được phép mua nhường lại cho người khác thôi. Tôi là một công dân hợp pháp."

Anh kỹ sư cười với tôi:

"Hôm nay anh ở lại đây ăn với tôi một bữa cơm thịt cá, cơm trắng gạo Long An, cá tươi tôi mới lưới đêm qua, nhậu rượu đế Gò Đen, tráng miệng bằng xoài, thơm Bến Lức, để anh biết Nhà Bè là như thế nào. Miền Nam ta là xứ chim trời cá nước, đừng ép nhau quá. Tôi nguyên là gốc nông dân từ mấy đời nay, tôi không sợ đói, không cần lệ thuộc vào một thế lực nào hết. Cần lúa gạo thì trời cũng cho. Hẳn anh có nghe tại miền Nam này có loại lúa mọc tự nhiên, không phải do người gieo trồng mà trời cho. Hoàn cảnh khó khăn này tôi sẽ sống như thế đấy… Hoàn cảnh của tôi còn may mắn hơn Robinson Crusoé lạc trên đảo hoang. Tôi phải tồn tại."

Tôi tưởng chừng như đã lâu lắm mới được ăn một bữa cơm ngon như vậy. Đúng là tôi đã gặp một quái nhân, sống khắc phục trong mọi hoàn cảnh. Anh không hề than phiền về đời sống hiện tại.

Rượu vào lời ra, ly rượu đế nếp Gò Đen thơm ngon nhậu với gỏi soài xanh khô cá lóc bắt đáo để. Chẳng mấy chốc chúng tôi trở nên thân thiết, bóc ruột bóc gan ra với nhau, tinh thần tôi vốn dĩ nhiễm tinh thần người Nam Kỳ. Tôi nói với anh:

"Anh buồn gì nào, đời sống anh đầy đủ như thế này khối người thèm đấy, buồn thì anh về quê. Còn như tôi có quê đâu mà về, nay thống nhất rồi, quê tôi ở miền Bắc xa xôi, nay khác lắm rồi."

"Quê tôi ở miền Nam, nhưng bây giờ cũng vậy cả thôi, rập khuôn một mẫu mã, nhiều con người họ hàng bà con cũng đã thay đổi, không giống thời gian tôi sống và lớn lên. Họ phải sống theo thời như thế mới tồn tại được. Tôi buồn là vậy đó, tôi muốn đi khỏi đất nước này từ mấy tháng trước. Yêu quê hương thì có yêu chứ, nhưng cũng đành thôi. Tôi cứ nấn ná mãi cho đến lúc nhận lệnh xây cái lò, tưởng rằng mọi chuyện xuông xẻ, không ngờ?"

"Chính vậy, tôi có xây cái lò theo ý tôi được đâu, tức là theo kinh nghiệm chuyên môn mà tôi đã làm từ hai chục năm qua. Làm cái đếch gì cũng bị biên tập thì làm sao nổi, nó sẽ ra cái quái thai nào. Họ ngoan cố mà có giáp trụ phòng thân, tôi thì có gì, như anh vậy, anh có gì? Lần này thì tôi đi xa, mang cả vợ con đi. Tôi ở đây không toi mạng thì cũng tù mọt gông. Cũng vì công việc xây lò, tôi biết chắc chắn rằng cái lò của tôi thiết kế thế nào cũng tiêu vào ngày khánh thành. Vậy thì ‘tẩu vi thượng sách’.


Dù có bao nhiêu chữ ký đi nữa, nhưng rồi khi có ‘sự cố’ xảy ra thì tôi người xây lò vẫn phải chịu sự ‘truy cứu trách nhiệm hình sự’. Biết vậy nên tôi phải tìm cách trốn đi bằng chính chiếc bè nhà tôi. Chuyện vượt biển không phải chuyện dễ, nhưng tôi phải liều thôi, tìm cái sống trong cái chết. Nói theo người miền Nam thì ‘nhất chín nhì bù’. Tôi đã lo liệu mọi thứ cho sự an toàn ‘chỉ mành treo chuông’ này, nhưng còn một thứ tôi ưu tư là lượng nước ngọt mang theo những ngày còn lênh đênh trên biển, sợ không đủ dùng.


Ngày hôm qua, nhìn anh cho nước vào bình, anh nghịch ngợm, nhấn chìm mãi cái bình nước mà cái bình không đầy nước cứ nổi lên lềnh bềnh, tôi nẩy ra sáng kiến, chứa nước vào những thùng phuy, đổ vào mỗi thùng phuy chỉ 2/3 phuy thôi, gắn xuống đáy bè, khi nào dùng đến nước uống thì cứ việc bơm lên thôi, tôi an tâm ở chuyến ra đi này, dù rằng phiêu lưu đó, giao cả sinh mạng của mình và sinh mạng vợ con cho biển cả. Khi cần thì tôi chạy bằng máy, khi chạy bằng buồm, tôi hy vọng rằng tôi chỉ ra khỏi hải phận là thoát."

Anh kỹ sư có vẻ tin tưởng, anh nói với tôi rằng anh sẽ không có mặt vào ngày khai trương lò, dặn tôi tránh xa lò khi người ta đốt lò. Anh mơ mộng không, hay hoang tuởng trong một vụ thoát thân? Như gần dây có tin đồn có người đã thoát thân được bằng khinh khí cầu tự chế. Chuyện ấy có thật hay không, nhưng lời đồn đại thì um xùm trong thành phố, chốn chợ trời, có người tin và người không tin, nhưng lời đồn thì có đó.

*

Tôi không được chứng kiến và tham dự ngày khánh thành lò nấu thủy tinh, nên không được biết kết quả lành dữ ra sao, dù tôi rất muốn chứng kiến ngày trọng đại ấy. Tôi không có cái hân hạnh, vì chỉ một tuần lễ sau, tôi bị vồ ở chợ trời, do giao du với những phần tử phản động. Tôi lên trại học tập cải tạo, những năm tháng chán nản tôi cũng muốn quên đi, điều duy nhất tôi còn quan tâm là số phận anh kỹ sư và gia đình anh có thoát được không?


Dù chuyện ấy rất phiêu như người thoát thân bằng khinh khí cầu, treo người trên cái giỏ cần xế, mặc cho gió đưa đi rồi hạ cánh xuống đâu cũng được, miễn là xa dời được quê hương yêu dấu. Như những người vượt biên bằng chiếc thuyền chỉ dài mười hai thước, mỏng manh như chiếc lá giữa đại dương, có thể bị sóng to gió lớn vùi lấp bất cứ lúc nào, không kể bọn côn đồ trên biển, bọn hải tặc Thái Lan mất nhân tính, đe dọa tính mạng, trinh tiết của phụ nữ. Người ta vẫn cứ ra đi, tâm niệm tất cả những người ấy đều giống nhau qua câu" tự do hay là chết". Đồng bào tôi đau khổ quá, như tôi vậy, bỗng nhiên mang thân tù tội, không biết ngày nào ra, dù rằng từ cái lồng nhỏ ra cái lồng lớn hơn.

Một ngày kia, trại học tập tôi đang ở tiếp nhật một đám tù mới từ trại nào đó chuyển tới. Tôi nhận ra một người quen, anh ba luật sư làm cu ly với tôi ở công ty sành sứ thủy tinh hồi nào. Việc đầu tiên tôi hỏi anh về số phận cái lò nấu thủy tinh, anh cho biết cái lò ấy vì xây không đúng qui cách nên nóng quá đã sụp rồi. Tác giả cái lò bị qui trách nhiệm là phá hoại và bị truy nã, vì anh ta đã trốn mất tiêu với gia đình, không biết anh ta đi đâu. Riêng tôi biết anh ta đã trốn ra biển, việc thoát được hay không, tôi không biết, vì nhiều năm sau không nghe một trường hợp thoát thân như thế.

Hai mươi lăm năm đã trôi qua, một phần tư cuộc đời.

Ấp Đông Ba, cuối năm 2001.


quasimodo

nguyễn thụy long

Ba chuyến xe heo từ khám đường Chí Hòa đổ xuống trại Đồng Phú hơn một trăm tù. Buổi chiều hôm nay trời không nắng mà mưa phùn lăn tăn. Bầu trời xám màu chì, sân trại rộng sáng lên ánh sáng thoi thóp của buổi chiều sắp tắt. Những thân xác xanh xao, ốm đói và rách rưới ngồi tụ với nhau nhìn quản giáo và những trật tự, cũng là tù cũ bằng đôi mắt sợ sệt. Quần áo chúng không phải không có mà rách rưới quá chừng. Có thằng thì khoác lên người cái mùng rách, thằng mảnh áo mưa ni lông che thân. Đồ đạc mang theo không có gì giá trị.

Hầu hết chúng là tù hình sự, đủ các thứ tội. Bọn chúng hầu hết là những phần tử lưu manh, trộm cắp chuyên nghiệp, nên "làm mặt khổ" rất tài tình. Nhưng che đậy với ai kìa, chứ che đậy với quản giáo, những đại bàng làm nhiệm vụ trật tự ở đây thì khó đó, những đại bàng cũng xuất thân từ lò chúng ra mà thôi, bây giờ cần lấy điểm, không vì ân sâu nghĩa nặng thì đừng hòng chúng che chở cho. Những hình, những chữ xâm trên mình chúng, dù dữ dằn kinh khiếp đến đâu cũng chẳng lừa gạt nổi ai. Bọn đại bàng cầm cây gậy đi rảo quanh, thấy bộ mặt nào đáng ghét sẵn sàng phang cho vài cây. A "con đĩ chó" kia đừng hòng qua mặt bố mày. Rõ ràng mày là thằng đực mà sao lại sơn móng chân móng tay, uốn tóc "mô đen". Bố mày thì rút mẹ nó cả móng chân móng tay mày cho mà biết thân.. .Mà thôi mày cũng giống con ghẹ lắm, mày "pê đê" phải không, cứ thành thật khai báo.


Được rồi có lần tụi tao sài đến mày. Thằng điếm đực kia, mày có bí quyết gì với mấy con ghẹ nạ dòng. Không khai hả, tao biết cả rồi, mày có lận bi chứ gì, vào y tế tụi tao kiểm tra. Con quái vật dơ bẩn kia, quần áo mày đâu, tên gì, ở đâu, khai ra, sao mày tởm quá vậy ? Bộ mấy chục năm rồi mày không tắm rửa sao, ở đây tao quăng mày xuống suối cho cá rỉa xác mày. Tôi nhìn thằng người ghê tởm đó, đúng là một thằng người dơ bẩn hết ý. Cái quần đùi hắn mặc rách teng beng, hở hang không chịu nổi. Hắn chỉ còn chút xíu để người ta phân biệt được nó là con người. Cái đầu y tóc tai nham nhở,dồ đằng trước, dồ đằng sau, khuôn mặt bẹt gẫy, răng chìa ra như bồ cào, đôi mắt như hai cái lỗ đáo, mũi chẳng ra mũi, môi tụt đi đâu mất, chỉ còn một mẩu thịt thưỡi ra. Cái ót phía sau đầu sao lại bằng như cái mặt đĩa.

Chân tay thì khòng khoèo như rễ cây, cái lưng một phần xương sống nhô lên khá cao rồi vẹo sang một bên thành cái bướu. Thân xác xấu xí như vậy mà là một con người đấy. Nếu gọi y là ngợm thì chính xác nhất. Thực tình tôi nghe danh từ "người-ngợm" đã lâu, nhưng con người thì thấy, con ngợm tôi chưa thấy bao giờ, có lẽ thằng đó là con ngợm. Khắp người hắn xông lên mùi xú uế nồng nặc khiến chẳng ai dám đến gần, hắn ngồi thu lu như một đống củi khô, mấy người tù giải đi cùng chuyến xe với hắn cũng phải cố tình ngồi tránh xa. Cây gậy trong tay gã trật tự ở xa chọc vào người hắn: "Ê mày tên gì?" Hắn ngơ ngác rồi lắc đầu. Một gã lẻo mép khác trả lời thay: "Nó không có tên, cán bộ đặt tên cho nó là Nguyễn văn Tèo. Bị bắt ở quận 1 nên địa chỉ của nó ở quận một thành phố Hồ Chí Minh." "Tội gì, ăn trộm hay trấn lột?" "Chiến dịch!" Tôi hiểu tội chiến dịch là gì, nghĩa là chẳng có tội gì hết, nếu coi là tội thì là tội lang thang, không nhà không cửa. Người ta mở chiến dịch thu gom tất cả những kẻ vô gia cư vô nghề nghiệp.


Một cách làm sạch đẹp thành phố thôi, như nhân viên vệ sinh thu gom rác rưởi. Mớ rác rưởi này không thu gom để đốt đi, chúng được tống lên các trại học tập cải tạo, gọi là trường công nông nghiệp cải tạo, để làm ra của cải vật chất, xây dựng đất nước, thực chất của nó là những trại tù khổ sai. Khi nào học tập tốt thì về... Tôi cũng là một tên tù tập trung cải tạo lao động, tội vượt biên. Dĩ nhiên tôi phải lấy một tên giả, một lý lịch giả và cả địa chỉ giả như nhiều người vượt biên khác. Điều này thì chủ tầu dậy cho tôi. Tôi cùng hai trăm người đồng bọn từ Chí Hoà lên đây, dù bị bạc đãi nhưng không bị bạc đãi bằng các tù hình sự. Dù sao chúng tôi cũng có cái mẽ bề ngoài. Ra vẻ có có tiền có bạc, được thăm nuôi. Bỏ ra ba bốn cây vàng để thoát thân, bỏ quê hương mà đi, chứ chẳng lừa đảo ai cả, cũng không phải phường trộm cắp. Dù sao cũng nhiều tính tốt hơn tính xấu. Tôi không có xu mẹ nào mà cũng vượt biên, đó là do chỗ thương tình của chủ tầu với tôi, có lòng giúp đỡ tôi thôi.


Nhưng vào nơi tù tội này tôi được thơm lây tội danh tù vượt biên. Lên trại học tập này mới đầu tôi làm thầy giáo để dậy học cho tù hình sự mù chữ. Sau này leo lên chức đội trưởng đội 10, mang danh là đội tự quản không bị canh chừng, đội 10 là trái tim của toàn trường, đội trưởng đại diện cho tất cả các đội trưởng khác. Tôi trở thành kẻ có đức cao vọng trọng. Sĩ quan cao cấp, các đội trưởng ở các đội khác cũng được coi là sĩ quan nhưng dĩ nhiên không cao cấp bằng tôi, cho đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao người ta lại gọi lũ chúng tôi là sĩ quan nữa, tôi thì như con gà chết, chẳng có uy chút nào . Các đại bàng các quỉ sứ cũng được coi là sĩ quan. Còn tất cả bọn tù là lính là lâu la. Cuộc sống của tôi trở nên nhàn nhã, một buổi dậy học, rồi giắt đội mười tên"bể càng gẫy gọng" đi trồng điều quanh trại rồi về. Lên căng tin do tù nữ bán uống cà phê, không tiền sẵn sàng có người trả. Buổi tối ở trong lán trại chán nghe quay phim thì xách đèn ra ngoài trại, đến nhà út Chung, nguyên là trại trưởng mất chức, uống rượu giải sầu. Ông ta còn được ân huệ coi như về hưu non, làm nhà bên suối sống chung với một người đẹp, nguyên là gái làng chơi, trước ở trong trường công nông nghiệp cải tạo này.


Ông út Chung, giám hiệu bị tiếng sét ái tình đánh trúng, vì tình yêu, ông đành rút khỏi chức vụ mà ông đã phải bỏ ra ba mươi năm vun trồng rồi về nhà bên suối vẽ lông mày cho người đẹp, tình yêu lãng mạn như tình sử Trác Văn Quân với Tư mã Tương Như. Mặc tiếng đời dị nghị, mặc luôn cả sự nghiệp ông đã vun trồng , kể cả chức đảng viên của ông. Bà út Chung đã là người hoàn lương, chán nơi giang hồ gió tanh mưa máu, về ở bên người chồng luống tuổi, nửa đời người theo cách mạng, từng tập kết ra miền Bắc rồi lại chẻ dọc Trường Sơn trở về giải phóng miền Nam đến lúc thành công. Hai ông bà bây giờ có một tiệm tạp hoá, bán đồ cho tù có tiền và dân quanh vùng. Ông út vác cần câu đi kiếm thêm lương thực, kiếm vài ba con cá làm đậm đà thêm bữa nhậu, đặc sệt mùi Nam bộ, đêm xách súng vào rừng cũng có khi săn được con nai con nhím, xẻ thịt bán cho tù có tiền. Có những đêm trời tối, ông ngồi khề khà với xị rượu, nói chuyện đời chơi cho đỡ buồn. Ông mến tôi,bởi tại tôi thường nói chuyện Hà Nội với ông, một vùng đất ông đã sống một thời gian dài thuở ông đi tập kết.

Tôi ra khỏi trại, xách cái đèn bão đến nhà ông Út, cái đèn cũng của ông cho mượn. Ông Út nói: "Mày tắt đèn đi tiết kiệm dầu, khi nào về hãy châm lên. Coi nào, còn dầu không, khi nào hết tao đổ thêm cho. Về khuya tắt đèn vào trại thì khốn đó, không phải thằng nào cũng như tao đâu, mày gặp thằng Tư AK là bỏ mẹ. Nào ngồi xuống đây làm một chung, rượu ngâm với rễ cây huyết rồng ra mầu đẹp đáo để, tao lại ngâm thêm cái bao tử nhím, cả chục con tắc kè còn nguyên đuôi." Toàn là những chuyện tào lao giải sầu: "Ngày hôm nay tao vào trại, nhà các cán bộ ở, tao nghe thằng Nội đang tập hát bài :Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu..Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái bay theo mây trời..Hà Nội ơi biết ngày nào gặp nhau, biết tìm về nơi đâu..ân ái trao nàng mấy câu...Thăng Long ơi..năm tháng đã xa thật rồi..


Không biết một thằng tù vượt biên nào đó dậy cho nó. Nhưng nó hát dở quá. Tiên sư cái thằng đó nó cứ tưởng nó là "giai" Hà Nội, thật ra nó là người dân tộc mạn ngược tao còn lạ gì. Có phải bài hát đó làm từ năm năm tư, bọn Bắ? kỳ chúng mày di cư vào miền Nam không?" "Đúng vậy anh Út à!" Út Chung vỗ đùi đến đét một cái: "Tao biết ngay mà, khung cảnh Hà Nội trong bài hát đó, tao thấy không giống như Hà Nội thời tao tập kết ra ngoài đó. Nhưng hay và tình tứ quá đi. Chừng nào mày ra Hà Nội nhớ đi ăn bánh tôm Hồ Tây nhé. Hôm nay nhậu mà có mấy viên lạc rang húng lìu thì tuyệt cú mèo.

Hồi đó tụi tao nhớ miền Nam nhậu rượu quốc lủi với mấy viên lạc rang húng lìu mà thấy ngon quá xá quà xa." "Lạc rang húng lìu của lã? Tầu bán bên bờ hồ Gươm mới thật là ngon." "Lão chết rồi, tao ra Hà Nội mấy năm thì lão chết. Sau này cũng có lạc rang húng lìu, nhưng không bùi thơm ngon như của lão Tầu, nghề rang lạc của lão bị thất truyền, người Tầu thâm lắm." "Tôi nghiện ăn lạc rang của lão Tầu từ bé, buổi tối trời lạnh có một gói lạc rang của lão gói giấy quấn bồ đà không có gì thú vị bằng." Câu chuyện chỉ tào lao như vậy đến lúc tôi ra về. Út Chung tỏ ra quan tâm đến tôi: "Mày để tao đưa mày về, cứ thắp đèn lên cho bọn lính canh coi cho rõ." "Tôi còn phải đi lên nhà phát điện, máy móc không biết chạy ra sao mà cứ lập loà lập loè." "Ừ phải, tao cũng phải xin một ngọn điện của trại cho nhà tao, hôm rồi tao có xin nó biểu tao phải làm đơn, thiệt là mệt, nhưng được thôi, khi nào tao làm thì mày kêu lính kéo dây cho tao nhé." "Xong ngay mà anh Út."


Đi bên cạnh út Chung , anh ta nói chuyện oang oang. Lính canh trên vọng gác nhận ra ngay. ■ Bọn tù mới bị lùa ra trước trạm xá để khám sức khoẻ. Tôi nghe tiếng la hét trong trạm xá vọng ra. Cô y tá cũng là tù vượt biên mặt đỏ bừng chạy ra, gặp tôi, cô ta nói: "Kỳ quá thầy ơi, tôi không khám đâu." "Cái gì vậy Hồng Các?" Cô ta không trả lời mà chạy thẳng về đội mình. Sao thế hở, tôi chạy thẳng vào trong trạm xá. Có hai thằng tù bị lột trần truồng còng dang hai tay lên tường. Thằng pê đê giả gái có khuôn ngực no tròn như ngực con gái dậy thì, đây là cái trò bơm sê li côn của mấy anh lang băm thẩm mỹ viện rẻ tiền. Nhưng phần hạ bộ của nó lại là đàn ông trưởng thành bình thường, thật chẳng ra làm sao.


Thằng điếm đực thì bị kẹp vào đầu dương vật đến năm cái kéo kẹp bông y tế thường dùng để rửa vết thương, những cái kéo này lại kẹp thẳng vào thịt, bấu thịt ra. Thằng đó đang la hét vì đau đớn, năm cái kéo bỏ lòng thòng xuống háng coi mà khiếp. Một thằng quỉ sứ bóp vú thằng pê đê, nhồi như nhồi bột, hắn nham nhở ra mặt. Tôi la lên: "Thằng kia, mày làm gì người ta thế?" "Em trừng phạt nó cho chừa thói lưu manh, nó chuyên lừa gạt những tay chơi lương thiện." "Mày tội gì?" "Em cũng là lưu manh, nhưng em đã học tập tốt nên chừa rồi, em dậy lại tính lương thiện cho thằng này thôi mà." Trời ơi là trời, một bọn quỉ sứ trên địa ngục trần gian. Tôi thầm kêu lên như vậy. Tôi quay sang thằng bị kẹp dương vật: "Còn thằng này nữa, sao tụi bay làm vậy, thả nó ra." Một thằng quỉ lên tiếng: "Dạ không dám đâu, cán bộ Tư AK làm đó, cán bộ muốn xem nó lận bi cách nào, cán bộ đi lên căng tin rồi, anh muốn xin cho nó thì đi gặp cán bộ." Tôi gặp cán bộ trên căng tin, nói với ông ta điều đó. Anh cán bộ Tư AK cười hề hề: "Được thôi, tôi sẽ lận mấy hòn bi của nó ra xem rồi thả, tôi nghe nó khai học được phương pháp lưu manh này của mấy thằng tù lưu manh người Thái Lan, làm tăng khoái cảm cho phụ nữ. Trừng trị lưu manh mà, anh đừng xía vô lại mang tội dung dưỡng lưu manh đó."

Tôi thua như nhiều lần thua khác trong đời. Buổi tối về phòng, cảnh tượng còn man rợ hơn với thủ tục "chào phòng" áp dụng cho bọn tù mới. Do bọn quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa thi hành, cũng như lần đầu chúng tôi bị đưa lên trại này. Ngày đó cơ khổ với bọn quỉ hèn hạ này, chúng bóc lột từ cái đồng hồ, cái kính đeo mắt đến khâu vàng, tí tiền còm lận túi. Roi vọt đấm đá trên thân thể chúng tôi. Mà phải chịu đấy, dù nhà tù làm bằng tre rất mỏng manh, xem ra đồng tâm mà trốn đi cũng chẳng mấy khó khăn. Ban giám thị trại cố tình duy trì tình trạng đó, làm thành truyền thống để tù trị tù, chính nó là bức tường vữ?g chắc nhất, ở đây chỉ có bạo lực, không có một chút lòng nhân ái hay tình người. Những tên tù không thể thoát ra được, đành cam tâm làm số phận nô lệ rồi tìm cách vượt lên.


Những giỏ thăm nuôi hậu hĩnh, những đồng tiền gia đình gửi cho biến đổi dần số phận những tên tù vượt biên. Tôi tuy không có gì nhưng có một chút ít chữ nghĩa , rất hiếm hoi trong trại tù khổng lồ này, gọi là trường giáo dục công nông nghiệp cải tạo. Tôi đi dậy học, và dậy luôn cả con cái cán bộ, nơi chưa có một trường tiểu học cho ra hồn. Trong khi nhà nước có chủ trương giáo dục người lầm lỡ. Tôi lại có tài đánh máy chữ nhanh như gió, làm được đủ thứ đơn từ nên được hậu đãi thôi. Tôi chán đời ra mặt chẳng nghĩ đến ngày được tha, nên ban giám hiệu không sợ tôi trốn trại, tôi muốn đi đâu thì đi, chẳng ai phải canh chừng. Bọn tù mới được xếp nằm trên sạp tre, không nhúc nhích, xếp như xếp cá hộp. Để dễ kiểm soát chúng phải tự đếm số từ số đầu tiên đến số cuối cùng. Thằng ngợm nằm cuối cùng, cách xa hẳn tập thể vì nó đáng ghê tởm và hôi thối quá. Đánh đập nó bẩn cả tay, bẩn luôn cả gậy gộc roi vọt. Người ta còn miễn luôn cho nó đếm số, vì nó nằm sát với cầu tiêu hôi thối không thua gì nó. Người ta đặt tên cho nó là thằng Ngợm Quái Vật Một lát trong tiếng đếm số đều đều, tôi nghe tiếng la của thằng đại bàng trật tự: "Ê thằng số 15 kia, mày ngồi dậy chi vậy, trốn trại hả?"

Thằng số 15 giải thích: "Không có đâu, em đau bụng muốn đi cầu." "Đi cầu cũng phải giơ tay báo cáo xin phép, các sĩ quan cho phép được đi mới đi, còn sĩ quan nói "cai" thì rán mà chịu, ở đây chúng tao bắt mạch đúng bệnh còn hơn bác sĩ kìa. Cho phép mày xuống đây, móc hai giò lên sạp nằm, thằng Tí Cò đâu đá vô mang nó cho tao, nếu nó vọt cứt ra thì bắt nó dùng tay hốt vô cầu tiêu, thi hành bản án." Khỏi có xin xỏ khóc lóc chi hết, quân lệnh như thái sơn, Tôi cũng phải làm ngơ, không nên giẫm chân lên nhau ở nơi " thượng tôn pháp luật " này, dù luật pháp đó là thứ luật gì, những cái đá hự hự và tiếng la hét, tiếng van lậy của kẻ bị đòn. Tiếng thằng quỉ sứ dữ dằn, cay nghiệt: "Móc giò lên, tao đá lại, chừng nào vọt cứt ra thì tha. Chết bỏ mày biết không, chỉ cần một tờ báo cáo." Đêm trôi trong những hình phạt rùng rợn của con người với con người, cũng là cuộc giải trí thú vị với các loài quỉ dữ. Thằng Ngợm Quái Vật nằm thu lu một đống cuối lán trại, hình như nó ngủ say, không cần biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi thì thắc mắc về nó, không nhớ ra tôi đã gặp thằng này ở đâu. Tôi lục tìm dĩ vãng, bới tung lên mà vẫn không thấy. Đến sáng tôi cũng không thể nào nhớ ra.


■ Thằng Ngợm Quái Vật mỗi ngày thêm dơ bẩn, dù rằng bây giờ nó đã được phát bộ quần áo tù để đi lao động. Nhưng mùi xú uế ở con người nó toả ra đến là khiếp, khiến chẳng ai dám đến gần. Mùi ở người nó toát ra như mùi chồn hôi. Bọn tù nói rằng đến đi cầu nó cũng không lau chùi như con người. Chỉ có con vật mới không làm chuyện đó. Sự ăn uống của nó cũng như cách ăn của con vật, bốc bải nhai nuốt., vũng nước nào nó cũng vục miệng xuống uống được. Hình như các loại vi trùng đều miễn nhiễm với nó. Người ta thây kệ nó, nó như con vật bị bỏ quên trong tập thể. Rồi một đêm thì nó biến mất. Buổi sáng bọn trực phòng la lên : "Thằng Ngợm Quái Vật trốn trại rồi." "Nó trốn ngoài bãi hay ngay trong lán trại?" "Ngay trong lán trại mới thần tình chứ." Thằng Tí Cò trả lời. Cửa khoá bên ngoài, sau khi đội 10 về đủ, sự canh gác cẩn mật như vậy thì nó trốn đi bằng đường nào. Nhưng rồi người ta cũng điều tra ra.

Chỉ có cái lỗ cầu tiêu, bên dưới là cái thùng phân đổ nghiêng, phân đổ tung toé. Một cây thang ngang trên cầu tiêu bị long đinh. Một con người có thể chui lọt, nhưng dơ bẩn quá, từ lỗ đó thoát ra ngoài lán trại, ra hàng rào tre có thể vẹt một lỗ chui ra, thoát khỏi trại. Bọn quỉ sứ coi lán trại đêm hôm đó phải chịu trách nhiệm vì đã đánh mất một con người. Ban giám hiệu nhà trường căn cứ vào danh sách thì thằng Ngợm Quái Vật là một con người lao động quí giá. Đánh mất một con người thì phải đền. Vị cán bộ phụ trách ban văn thư nói : "Mặc kệ các anh, tên Nguyễn văn Tèo là người, cách mạng tôn trọng con người, các anh đánh mất nó, các anh phải đền, phải bị chồng án lao động thay cho nó, chỉ có thế thôi."


Bọn quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa này có cái đít khô mà đền à, cuối cùng giải quyết bằng cách ban giám hiệu phải cho một toán đi lùng tìm, có cán bộ võ trang đi theo kềm cặp. Đến buổi trưa thì ban săn tìm bắt lại được thằng Ngợm Quái Vật. Nó bị lùa đi trước, bọn đầu trâu mặt ngựa đi sau phang đập thằng Ngợm Quái Vật chí tử. Cán bộ võ trang đi sau rốt kèm súng coi chừng. Cán bộ giám hiệu đứng trên thềm nhà " khung " quát tháo hỏi: "Mày tên gì?" Ông ta bịt mũi, xua tay, hình như cũng chẳng buồn nghe câu trả lời, nhưng thằng tù trốn trại vẫn phải sợ sệt trả lời: "Tôi tên Ca... si... mo... đô..." Một thằng la lên: "Láo, mày tên Tây à, vào đây còn nói láo." Ông cán bộ giám hiệu xua tay: "Tao đã nói, mang nó ra suối dìm nước tắm rửa cho nó, rồi cùm lại, có sạch sẽ mới ngồi trước cán bộ hỏi cung được chứ." Thằng Ngợm quái vật không nói láo, nó nói thật tên của nó, hèn chi bấy lâu nay tôi thấy nó quen quen mà không nhớ ra. Nó là thằng Quasimodo, ở sân cỏ trường đại học Văn Khoa thuở nào, Khám Lớn Sài Gòn xưa thời ông tổng thống Diệm được đập phá đi, để mị dân, rằng chế độ của ngài không có nhà tù, đất đó để xây Thư Viện Quốc Gia, trường đại học Văn Khoa, hội Hoạ Sĩ Trẻ, tất cả đều dính dáng đến văn hoá, ngay giữa lòng thành phố. Thư Viện Quốc Gia ngày ấy chưa xây dựng, còn để một khoảng đất trống, cỏ mọc nhìn ra đường Gia Long.

Thằng bé vừa gù vừa xấu xí xuất hiện tại bãi cỏ này, nó nguyên không có tên, sinh viên Văn Khoa thấy hình thể nó dị hợm nên đặt tên cho nó là Quasimodo, nhân vật thằng gù trong tiểu thuyết Notre dame de Paris của văn hào Pháp Victor Hugo. Trên bãi cỏ rộng ấy, sinh viên mở quán cà phê, cũng là nơi trình diễn văn nghệ. Tôi là một nhà báo trẻ thường đến đó chơi mỗi chiều, cùng mấy người bạn nghệ sĩ chưa thành danh. Nhạc sĩ họ Trịnh, ca sĩ Ly Ly từ Đà Lạt xuống. Thằng Quasimodo coi cổ quái như vậy mà hiền khô, trung thành với mọi người chủ trên bãi cỏ, ai sai gì làm nấy, ai cho gì ăn nấy.. Sai đi mua gói thuốc lá, tiền thối lại người ta cho nó, nó ra mua cái bắp nướng phết hành mỡ ngồi gặm ngon lành. Ngày đó nó không đến đỗi bẩn ghê tởm như bây giờ. Quần áo cũ người ta cho nó mặc tuốt, đêm ngủ ở bậc thềm trường đại học Văn Khoa, hay hàng hiên hội Hoạ Sĩ Trẻ. Sau năm 1975, sẩy đàn tan nghé, tôi không còn gặp thằng Quasimodo nữa, tôi nghĩ nó đã chết rồi, cái thân tôi còn lo không xong nữa mà nghĩ đến ai.


Hôm nay nghe nó nói tên Quasimodo. Tôi lại nhớ ra, một cái tên huyền thoại ai tin cho được. Nhưng cái tên đó lại bật sáng trong đầu tôi. Tôi nhớ lại tất cả, thì ra nó cũng là một con người. Một con người khao khát tự do. làm nên một cuộc trốn trại vô tiền khoáng hậu. Cuộc trốn trại không rùng rợn mà rùng mình vì ghê tởm?#46;.dù không làm đổ máu ai cả. Chưa một con người nào dám làm điều đó, nơi nó về hưởng tự do của nó ở đâu, ai biết, và nó về với ai, cũng chẳng ai biết được. Thằng Quasimodo bị giam ở căn nhà vách đất kia, ngay cạnh lán trại tôi đang ở. Căn nhà đó nguyên là nơi khâm liệm những tên tù chẳng may mạng vong. Thường thì bỏ hoang... Tôi bới giỏ đồ thăm nuôi lấy ra một gói mì, một tán đường và một bọc ni lông cà phê. Tôi cầm những thứ đó xuống nhà giam thằng Quasimodo.


Cửa không đóng, mở toang hoang. Thằng Quasimodo bị cùm bằng ống tre chẻ dọc, khoét hai lỗ bỏ vừa hai cổ chân rồi đóng chốt ở hai đầu cây tre. Quasimodo bị trói ngồi dựa tường, nhưng hai bàn tay hắn được tự do, nhưng vẫn không thể với tới dây trói. Người y cũng đỡ hôi thối sau cú tắm suối, quần áo hắn thì ướt mèm đang khô. Tôi đưa hắn gói mì, tán đường và bọc cà phê : "Ắn uống đi Quasimodo." Đôi mắt như hai cái lỗ thao láo nhìn tôi, hắn chưa ăn mà nhìn, tôi thấy hai tròng mắt của hắn đảo lên đảo xuống trong hố. Tôi hỏi: "Mày có phải là Quasimodo không?" Gã gật đầu: "Phải, tên trước kia." "Chắc mày nhớ bãi cỏ trường đại học Văn Khoa?" "Nhớ, cũng lâu rồi.." Trong đầu hắn chắc chắn còn ý niệm dĩ vãng. Tôi nói: "Thôi ăn đi." Dù tôi nói thế, nó vẫn chưa ăn, nó nhìn tôi chăm chú. Tự nó nói ra: "Tôi trốn đi, tôi muốn về nơi đó.." Quasimodo nói nơi đó là nơi nào, không xác định. Trong đầu óc sâu thẳm của nó đang nghĩ gì, chỉ mình hắn biết. Tôi chẳng hỏi thêm. Khi tôi quay trở ra, hắn nói với theo: "Thầy có nhờ tôi mua thuốc lá không?" Tôi không trả lời, nhưng tôi biết nó đã nhớ lại tất cả. Sân trường đại học Văn Khoa, bãi cỏ và có thể cả tôi nữa. Giấc mơ tự do của nó không hoang tưởng. Hiện giờ thì hắn đang thụ án, trả nợ cho giấc mơ tự do của gã.

Đã 15 năm qua rồi, tôi không gặp lại Quasimodo lần nào. Không biết y còn tồn tại trên thế gian này không? Giấc mơ tự do của hắn không hoang tưởng thì đi đến đâu rồi. Sân trường đại học Văn Khoa, bãi cỏ Thư viện Quốc Gia nay không phải nơi dễ ra vào.

Nguyễn Thụy Long
Ấp Đông Ba Gia Định xưa tháng Tư năm 2001
=



=

No comments:

Post a Comment